Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

Ỷ LAN NGUYÊN PHI
tienmacdoa
#1 Posted : Thursday, October 28, 2004 4:00:00 PM(UTC)
tienmacdoa

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 189
Points: 0

Tác giả Khách
Gởi: Sat May 08, 2004 3:53 pm

Lược truyện về Ỷ Lan Nguyên Phi
Nguyễn Khắc Thuần

Ỷ Lan nghĩa là dựa vào cây lan, đó là hình ảnh hết sức độc đáo của cô thôn nữ vùng Thổ Lỗi (Bắc Ninh) mà vua Lý Thánh Tông lần đầu tiên bắt gặp khi đi cầu tự ở vùng này. Sử cũ chép rằng, bấy giờ, Vua xuân thu đã bốn chục nhưng chưa có vị hoàng tử nào, lòng lấy làm lo lắng lắm, bèn đi cầu tự khắp nơi. Nghe tin Vua đến, dân làng Thổ Lỗi nô nức kéo nhau ra đường đón xem, duy chỉ có cô thôn nữ đặc biệt này lại ngồi dựa vào đám cỏ lan mà hát. Vua thấy lạ, bèn đón về cung, lúc đầu cho làm cung nhân, sau sách phong dần lên đến nguyên phi ( người đứng đầu hàng thứ hai của vợ vua). Nhà vua lấy ngay hình ảnh của kỷ niệm buổi đầu gặp gỡ ấy làm hiệu cho nguyên phi, người đương thời cũng như người bao thế kỷ qua nhân đó mà gọi là Ỷ Lan Nguyên Phi. Sự kiện này có lẽ xảy ra trước hoặc sau năm 1063 chút ít.

Đến năm 1066, Ỷ Lan sinh hạ hoàng tử Càn Đức (sau là vua Lý Nhân Tông 1072 - 1127 ). Địa vị của Ỷ Lan trong hoàng tộc càng trở nên vững vàng. Nhà vua vì đặc biệt yêu quý Ỷ Lan nguyên phi mà vào năm 1068 đã cho đổi gọi nguyên quán của Ỷ Lan là làng Thổ Lỗi thành làng Siêu Loại (nghĩa là vượt lên trên đồng loại ).

Hoàng đế Lý Thánh Tông quả là người có con mắt nhìn người rất tinh tường. Ỷ Lan không phải chỉ là cô gái đẹp mà còn là người tài hoa sắc sảo và rất có bản lĩnh. Bà hoàng có nguồn gốc dân dã ấy đã giành cho vua Lý Thánh Tông những bất ngờ lớn. Độc đáo hơn cả có lẽ là sự kiện năm Kỷ Dậu (1069). Bấy giờ, vua Lý Thánh Tông đích thân cầm quân đi đánh Chiêm Thành. Trước khi đi, vua vì tin cẩn mà trao quyền điều khiển chính sự ở triều đình cho Ỷ Lan nguyên phi, nghĩa là gần như cho bà làm vua khi vua vắng mặt. Lý Thánh Tông đánh mãi không thắng, bèn rút quân về, nào ngờ dọc đường về, nhà vua nghe quan lại và nhân dân ca ngợi rằng Nguyên phi có tài trị nước, lòng lấy làm xấu hổ mà nói : " Nguyên phi là đàn bà mà còn làm được như thế, ta là nam nhi lại chẳng làm được việc gì hay sao? ".Nói rồi quyết chí cho quân quay lại đánh nữa, và lần ấy nhà vua giành đại thắng!

Năm 1072, vua Lý Thánh Tông mất, thái tử Càn Đức lên ngôi, đó là Lý Nhân Tông, Ỷ Lan nguyên phi được tôn phong làm Ỷ Lan thái phi. Một năm sau sự kiện này, nội bộ cung đình có sự tàn sát lẫn nhau. Ỷ Lan thái phi đã bức hại Dương thái hậu cùng 76 thị nữ khác. Đấy là lỗi lớn của thái phi, sử không thể bỏ qua và chính Ỷ Lan cũng nhiều phen tự lấy làm tiếc, Dương thái hậu mất rồi, Ỷ Lan hiển nhiên là thái hậu với tên hiệu mới là Linh Nhân, nhưng người đời vẫn quen gọi bà là Ỷ Lan.

Ở địa vị tột cùng của hiển vinh nhưng Ỷ Lan vẫn không quên cảnh ngộ của những người phụ nữ nghèo nàn, những người đã và đang sống những cuộc đời còn thua kém cả thuở hàn vi của bà. Họ có khi còn không được quyền nghĩ đến hạnh phúc gia đình. Sử cũ chép rằng, vào năm Quý Mùi ( 1103 ), chính Ỷ Lan đã phát tiền ở kho nội phủ để chuộc những người con gái nhà nghèo bị bán đi ở đợ, đem họ mà gả cho những người đàn ông góa vợ. Bàn về sự kiện này, sử thần Ngô Sĩ Liên nói : “Thái hậu đổi đời cho họ, cũng là việc làm nhân chính vậy”.

Nhờ có thời son trẻ sống chân lắm tay bùn ở nơi thôn dã, bà hiểu rõ rằng nông dân cần gì, nông nghiệp cần gì và làm sao để thiên hạ có thể an cư lạc nghiệp. Canh cánh nỗi lo ấy đã theo bà cho đến phút chót của cuộc đời. Sách Đại Việt Sử Ký toàn thư (bản kỷ, quyển 3, tờ 17 a-b) có ghi lại một sự kiện xảy ra vào mùa xuân năm Đinh Dậu ( 1117 ), tức là chỉ mấy tháng trước khi bà qua đời, như sau :

“Hoàng thái hậu nói : “ Gần đây ở kinh thành, hương ấp, có nhiều người trốn tránh, lấy việc trộm cắp trâu bò làm nghề sinh nhai, trăm họ cùng quẩn, (đến nỗi) mấy nhà phải cày chung một con trâu . Trước đây ta đã từng nói đến việc ấy, nhà nước đã có lệnh cấm, vậy mà nay giết trâu bò lại còn nhiều hơn”. Bấy giờ Vua mới xuống chiếu rằng, kẻ nào mổ trộm trâu bò thì phải phạt80 trượng, đồ làm khao giáp ( tức là làm kẻ phục dịch trong quân – ND), vợ của kẻ đó bị xử 80 trượng, đồ làm tang thất phụ ( tức là phục dịch ở nơi chăn tằm – ND) và bồi thường trâu bò. Láng giềng nào biết mà không tố cáo cũng bị phạt 80 trượng”.

Bà là người sùng Phật. Tính đến năm 1115, Bà đã cho xây cất trên 150 cái tháp. Sử cũ có lời đoán định rằng, hẳn là Bà sám hối về việc bức hại Dương thái hậu và 76 thị nữ nên mới làm như vậy. Thực ra, trước khi sùng Phật, Bà đã cho mời nhiều bậc cao tăng vào Hoàng cung để hỏi cho ra lẽ, rằng Phật là gì, Phật từ đâu tới, giáo lý của Phật ra sao …v.v. Chính những lời đối đáp giữa Bà với các bậc cao tăng đã đặt nền tảng đầu tiêncho việc ra đời của sách Thiền uyển tập anh ( nghĩa la anh tú vườn Thiền) rất có giá trị sau này .

Ngày 25 tháng 7 năm Đinh Dậu ( 1117 ), Bà qua đời, có lẽ thọ vào khoảng ngoài 70 tuổi . Bà quả là một phụ nữ sáng danh của nước nhà vậy .

( Trích Việt Sử Giai Thoại tập 2 - Nguyễn Khắc Thuần, Nhà xuất bản Giáo Dục 1999 )
Hạt Cát
#2 Posted : Friday, October 29, 2004 5:16:29 AM(UTC)
Hạt Cát

Rank: Advanced Member

Groups: Registered, Moderator
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 80
Points: 18

Was thanked: 1 time(s) in 1 post(s)
Tác giả hc
Gởi: Sat May 08, 2004 4:03 pm

Ỷ Lan Hoàng thái hậu
Ðoàn Minh Tuấn

Ỷ Lan - có thuyết cho rằng tên thật của bà là Lê Thị Yến Loan - là một cô gái hái dâu, chăn tằm ở ngoại thành Thăng Long thời Lý. Ỷ Lan ra đời ở làng Thổ Lỗi (làng Sủi sau đổi là Siêu Loại, nay là xã Dương Xá, huyện Gia Lâm - Hà Nội) - năm nào không rõ, sử sách chỉ ghi lờ mờ: bà mất ở kinh thành Thăng Long vào năm 1117 - trên dưới 70 tuổi - thời Lý Nhân Tông. Sách Mộng khê bút đàm của Thẩm Hoạt có chép "Nhật Tôn (tức Lý Thánh Tông) mất, Càn Đức (Lý Nhân Tông) lên, dùng quan là Lý Thượng Cát (Lý Thường Kiệt) và mẹ là thái phi Lê Thị Yến Loan cùng coi việc nước".

Câu chuyện Yến Loan vào cung vua Lý, đó là một giai thoại người người đều nghe, đều biết.

Thuở ấy vào năm Quý Mão (1063) Lý Thánh Tông đã đến bốn mươi tuổi. Vua chưa có con trai để truyền ngôi báu, đêm ngày triều thần lo ngại. Vua bèn thân hành đi cầu tự khắp các chùa chiền, miếu mạo nhưng không hiệu nghiệm, Lý Thánh Tông lo lắng cho triều đình nhà Lý và xã tắc Đại Việt. Một sớm mùa xuân, vua về viếng thăm chùa Dâu (tổng Dương quang phủ Thuận Thành) dân làng mở hội nghênh giá. Thánh Tông hoàng đế cùng hòa vào dân chúng trong hội làng đông vui. Trai gái, già trẻ các làng đều ra rước vua. Đoàn xa giá của vua đi đến đâu, các làng lân cận nô nức, đổ xô về phía ấy. Duy chỉ cô thôn nữ xinh đẹp của làng Sủi vẫn điềm nhiên hái dâu, xem việc ngự giá của vua không có quan hệ gì đến mình. Cô gái vẫn miệt mài bên bãi dâu, mặc cho đoàn ngự diễu qua. Lý Thánh Tông lấy làm lạ, bèn cho đòi người con gái có vẻ "kiêu căng" đang đứng bên nương dâu kề gốc lan ấy đến trước kiệu rồng để hỏi. Cô gái ung dung nhẹ nhàng tới quỳ tâu: Thiếp là con nhà nghèo hèn, phải làm lụng đầu tắt mặt tối, phụng dưỡng cha mẹ có đâu dám mong đi xem rước và nhìn mặt rồng".

Vua thấy cô gái ăn mặc quê mùa, nhưng cử chỉ đoan trang dịu dàng, lời lời phong nhã, đối đáp phân minh, lễ nghĩa khác hẳn những người con gái mà vua đã từng gặp. Vua yêu vì sắc, trọng vì nết, nên cho cô gái theo long giá về kinh đô. Cô gái làng quê được đón về cung vua ấy là Yến Cô Nương xinh đẹp, nết na của làng Siêu-Loại (Sủi). Nhưng Lý Thánh Tông là ông vua chăm việc nước, luôn luôn thân chinh dẹp giặc. Vua ít nhàn rỗi để ngự tới cung Ỷ Lan. Đương lúc cung Ỷ Lan vắng tiếng đàn, tiếng sáo, thì bỗng một hôm sau khi Thánh Tông đi trảy hội chùa Thổ Lỗi, cung Ỷ Lan lại nhộn nhịp hơn xưa. Yến Cô Nương nhờ "thông minh vốn sẵn tư trời" được học tập, trau dồi đã trở thành một cung phi "nổi danh tài sắc một thời" kinh sử làu thông, văn chương uyên bác. Lý Thánh Tông đem lòng yêu mến, phong làm Ỷ Lan phu nhân, lấy tên cung Ỷ Lan và cũng có ý kỷ niệm cô gái đứng tựa bên gốc lan, khi tuân lệnh đến bệ kiến buổi đầu ở làng Sủi (Siêu Loại).

Sau đó (1066), Ỷ Lan sinh hạ được một hoàng tử lấy tên là Kiền Đức. Kiền Đức trán cao, tay dài quá gối, thông minh, tuấn tú, vua càng yêu dấu hơn, Yến Loan được tôn là Ỷ Lan nguyên phi - đứng đầu các cung phi, sau thái hậu; con trai được lập làm thái tử.

Năm Kỷ Dậu (1069), Lý Thánh Tông thân chinh đi đánh giặc ngoại xâm. Trong khi vua cùng Lý Thường Kiệt ở ngoài biên cương, Ỷ Lan nguyên phi đảm đang, chăm lo quốc sự, trị nước điều khiển có kỷ cương khiến thần dân thán phục, cõi nước được yên vui. Lý Thánh Tông từ ngoài biên ải đánh trận lâu ngày không thắng, chán nản rút quân quay về. Về chưa đến nơi, nghe dân chúng Châu Cư Liên (Tiên Lữ, Hải Hưng) ca ngợi nguyên phi Ỷ Lan ở nhà trị nước rất giỏi, lòng dân cảm hóa, được suy tôn là bà Quan Âm, vua Thánh Tông tự trách mình: "Nguyên phi là đàn bà còn làm được như thế, ta là đàn ông há thua sao! Vua lại tiếp tục trở ra đánh giặc, lần này thắng trận. Năm đó, mùa hạ vua đem quân về ca khúc khải hoàn, đại xá cho thiên hạ, giảm thuế khóa, phát tiền lụa, thóc cho dân nghèo. Ỷ Lan rất nhân từ dạy con ngoan, đào tạo con trở thành một nhà vua anh minh sau này; lại lo cho dân giàu nước mạnh, yêu thương nhân dân được mọi người kính phục.

Năm Nhâm Tý (1072) tháng giêng mùa xuân, Lý Thánh Tông mất ở điện Hội Tiên. Hoàng thái tử Kiền Đức lên ngôi vua, tức vua Lý Nhân Tông. Khi ấy vua mới lên bảy, tôn mẹ là Ỷ Lan nguyên phi lên làm Linh Nhân hoàng thái hậu. Ỷ Lan vừa giúp coi triều chính, vừa làm nhiệm vụ bà mẹ dạy dỗ con. Trong khi vua còn thơ ấu, Ỷ Lan điều khiển cả quốc gia, cùng tể tướng Lý Thường Kiệt chủ trương đánh quân Tống xâm lược. Hai lần quân Tống đến (1075, 1077) vua Lý Nhân Tông chưa quá 10 tuổi, Ỷ Lan đã cùng Thái sư Lý Đạo Thành lo việc binh lương chuyển ra tiền tuyến. Trong lúc Tổ quốc lâm nguy Ỷ Lan đã cùng Lý Thường Kiệt giữ vững giang sơn, xã tắc; công ấy đời sau còn nhắc mãi.

Ỷ Lan xuất thân là một thôn nữ, nên hiểu thấu những khổ đau của người phụ nữ nông dân vì nghèo khổ phải đem thân gán nợ cho nhà giàu, bà cho xuất của trong kho chuộc về, và xây dựng chồng con hạnh phúc cho họ. Về việc này Ngô Sĩ Liên đã có lời bàn: "Con gái nghèo đến nỗi phải đợ mình làm mướn, con trai nghèo đến nỗi không vợ đó là cùng dân của thiên hạ. Thái hậu (tức Ỷ Lan) đổi mệnh cho họ cũng là việc nhân chính vậy!". Ỷ Lan không những sửa sang việc quốc chính, tăng cường quân đội, bố phòng, chăm lo việc mở mang dân trí, việc thi cử học hành và còn ban hành nhiều điều ích quốc lợi dân. Ỷ Lan còn khuyên vua làm điều thiện, trị điều ác. Bà hiểu những gian nan của nông dân khi việc nông trang cày bừa không có trâu cày. Ỷ Lan bảo vua phạt tội nặng những kẻ trộm trâu và giết trâu bừa bãi; có lần bà đã nói với vua: "Gần đây người kinh thành và làng ấp đã có kẻ trốn đi chuyên nghề trộm trâu. Nông dân cùng quẫn. Mấy nhà phải cày chung một trâu. Trước đây, ta đã từng mách việc ấy, và nhà nước đã ra lệnh cấm. Nhưng nay việc giết trâu lại có nhiều hơn trước". Nhân Tông bèn ra lệnh phạt rất nặng những người trộm và giết trâu, phạt cả vợ con và hàng xóm vì tội không tố giác.

Sống trong lầu son, gác tía mà lúc nào Ỷ Lan cũng không quên đến người nghèo, Ỷ Lan vẫn chăm sóc đến đời sống cùng cực của nông dân lao động. Cũng như Lý Thánh Tông, Ỷ Lan thường phát chẩn thóc lúa cho kẻ nghèo. Bà sùng đạo Phật, ưa làm việc từ thiện lập nhiều đình chùa.

Bà thường lui tới các đình chùa, trao đổi với các tăng ni thuyết giáo đạo Phật. Năm 1096, bà bày cỗ chay ở chùa Khai Quốc (tức sau là chùa Trấn Quốc ở Thăng Long) thết các sư. Tiệc xong, bà ngồi kê cứu đạo Phật với các vị sư già học rộng. Bà hỏi về nguồn gốc đạo Phật ở các nước và ở ta. Bà có óc phán đoán đòi hỏi các sư "nói có sách mách có chứng". Chính nhờ câu chuyện giữa bà và các vị sư thời Lý (sách Thiên uyển tập anh ngữ lục đời Trần còn ghi lại tường tận chuyện này), mà đến nay ta còn biết gốc tích sự truyền bá đạo Phật vào nước ta. Có lần bà đến chùa Phổ Minh (Từ Liêm) tranh luận với sư Thông Biện về những điều của Phật giáo. Bà cũng có làm những bài kinh, có câu kệ còn truyền lại đến ngày nay:

Sắc là không, không tức sắc
Không là sắc, sắc tức không
Sắc? Không? thôi mặc cả,
Mới thấu được chân tông (*)

Là một nữ nông dân nghèo, được hưởng phú quý vinh hoa, bà vẫn cho là điều "sắc sắc, không không", đó là phù vân... Bà là một người phụ nữ vương giả, ngọc ngà vàng son không làm vẩn đục tâm hồn bà, cũng là một phụ nữ hiếm có trong lịch sử nghìn năm trước.

Ngày 25 tháng 7 năm Đinh Dậu, Hội tường đại khánh năm thứ 8 (1117) đời Lý Nhân Tông, bà mất, được hỏa táng, dâng thụy là Phù Thánh Linh Nhân Hoàng thái hậu, mai táng ở Thọ Lăng phủ Thiên Đức. Hiện nay còn miếu thờ bà ở hai xã Cẩm Đới và Cẩm Cầu huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương.

http://vietsciences.free...ua/ylanhoangthaihau.htm
Hạt Cát
#3 Posted : Friday, October 29, 2004 5:17:21 AM(UTC)
Hạt Cát

Rank: Advanced Member

Groups: Registered, Moderator
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 80
Points: 18

Was thanked: 1 time(s) in 1 post(s)
Tác giả hc
Gởi: Tue May 18, 2004 2:58 pm

Ỷ LAN PHU NHÂN

Lãng Nhân - Hương sắc quê mình

Ngày mồng một tháng 3 năm Giáp Thìn (1064 dương lịch) vua Lý Thánh Tông, 38 tuổi chưa có con trai, nghe đồn ngôi chùa Lôi Dương rất linh thiêng, ý muốn tìm đến để khấn nguyền cầu tự, nên truyền lập đàn mở hội ở đó. Nhân dịp, cũng tính tuyển thêm cung nữ, bèn phán thị thần ra bố cáo: "Nhà nào có con gái phải cho đến xem hội, trái lệnh sẽ bị nghiêm trị."

Hôm khai hội, đoàn ngự xa đi đến trạm Cầu Bây (Cổ Bi ngày nay) vua ra dấu cho dừng lại vì nhác thấy trong một nương dâu có người con gái đang lúi húi nhặt cỏ, trên đầu như có đám mây màu che phủ (1) liền cho gọi đến và gạn hỏi:

- Gia đình nào mà vô lễ không cho con đi trảy hội, coi thường phép nước thế ư?

Cô gái khép nép thưa:

- Cha con trước làm quan ở Thăng Long, vì mẹ con không may mất sớm nên đã tục huyền, nhưng rồi người cũng thất lộc luôn, nên con mồ côi ở với kế mẫu nơi thôn Dương Xá này. Tuy có nghe rao mở hội song kế mẫu con nhủ rằng nhà nghèo đua đòi sao được với nơi phú quý, thà cứ giữ phận hèn cho xong.

Thấy lời lẽ không chau chuốt nhưng có vẻ thật thà, vua ngó qua dung nhan, thì phương phi mày liễu mặt hoa, má đào, môi hạnh, da ngà, lưng ong (2), liền hỏi:

- Vậy chứ tên là chi, đã thành gia thất chưa?

Thưa con tên Khiết, cảnh nhà bần bách, có ai buồn hỏi tới bao giờ...

Thế là:

Mặt rồng cúi chạnh lòng thương
Phán rằng: "Này thật đá vàng chẳng sai
"Biết đâu là chẳng phúc trời
"Trẫm xưa đã nguyện mấy lời đinh ninh"
Kíp truyền quần áo sắm sanh
Xe sau rước lấy về thành Thăng Long
Dạy cho ở chốn Lan cung
Khiến người dạy bảo vào vòng sẽ hay
Lại sai chọn kỹ tháng ngày
Vào đền thị ngự (3) vui thay ai bì...

Vì vua đã thấy cô Khiết đứng trong đám cỏ nên phong làm Ỷ Lan phu nhân. Năm l066, phu nhân sinh hạ ra thái tử Càn Đức, được tiến phong Thần phi. Rồi một hoàng tử nữa lại chào đời, là Sùng Hiền hầu.

Thánh Tông khôn xiết mừng lòng.
Nhờ ơn tiên tổ Thần phi
Sinh hai hoàng tư uy nghi lạ thường
Gồm no tài đức minh cường
Thật là “dẫn tộ miên trường" lâu xa (3)

Năm 1069, Chiêm thành gây hấn ở biên cương

Hóa Châu (5) là đất thành trì
Chiêm thanh nước bé nó thì xâm binh
Mệnh vua đại giá thđn chinh
Sáu quan ủy thác trong thành trị thay

Nhưng quyền tối cao vua trao cho Thần phi, đủ thấy Thần phi được sủng ái át cả hoàng hậu họ Dương.

Vua đánh Chiêm Thành, không thắng. Khi rút quân về đến cầu Cự Liên, nghe tin Thần phi coi việc nội trị được nhân tâm vui nhận, đất nước thái bình, nên yên lòng quay lại tấn công Chiêm Thành, lần nầy đại thắng:

Xe rồng nhẹ ruổi bằng mây
Gió nhân hây hâỷ quét bay bụi hồng
Xa gần nghe thâý mừng lòng
Đều thì đón rước thánh cung khải hoàn

Niềm vui chiến thắng và thịnh trị chưa được bao lâu Thánh Tông cảm thấy:

“Xuân thu tuổi trẩm đã già
“Hoàng trừ bé nhỏ dễ mà nên trao
“Thần phi tạm ngự ngôi cao
"Trông nom việc nước giữ sao cho bền
"Mai sau hoàng tử lớn lên
"Bấy giờ đã có con hiền trị thay..."

Thần phi nươc mắt tuôn đầy, khấu đầu lạy tạ. Rồi việc phải đến đã đến:

Vừa năm Nhâm Tí đầu thu (1072)
Thái Tông phút chốc đỉnh hồ rồng bay (6)
Chiếu ra đâu đấy cùng hay
Con là Càn Đức lên thay trị vì
Sắc ra thiên hạ cộng tri
Vua lên bảy tuổi hiệu thì Nhân Tông

Và Thần phi nghiễm nhiên lên ngôi thái hậu. Bấy giờ trong triều có hai phe, phe thái hậu có Lý Thường Kiệt cầm đầu quân đội, phe hoàng hậu họ Dương có tể tướng Lý Đạo Thành. Hai phe văn võ chống nhau thường xuyên. Đến năm Nhân Tông 13 tuổi nhân ngày Phật đản vua thiết triều, phong Lý Thường Kiệt làm Kiểm Hiệu thái úy (cầm đầu võ ban) và giáng Lý Đạo Thành xuống Binh Bộ thị lang. Và thái hậu (Ỷ Lan) phàn nàn với Nhân Tông:

- Mẹ già khó nhọc nuôi con, đến khi phú quý thì người ta giành mất chỗ. Họ sẽ đặt mẹ vào đâu đây?

Sở dĩ có vụ tranh chấp này vì khi trước Thánh Tông yêu quý Thần phi nhưng trao quyền chỉ nói miệng, hoàng hậu họ Dương đương nhiên vẫn nắm chính quyền khiến nên xảy ra nhiều chuyện khó xử. Nhân Tông (mới 13 tuổi) nể lời mẹ, liền bắt giam Dương thái hậu cùng 72 thị nữ vào cung Thượng Dương rồi ép phải uống thuốc độc chết.

Thái hậu mong chuộc lại sự tàn ác này bằng những công đức ở kinh kỳ và tứ trấn:

Làm hết cầu quán chùa đình
Khắp hòa tứ trấn kinh thành sửa sang
Xây am xây tháp xây tường
Mở mang mọi cảnh phong quang ưa nhìn
San kinh tạc tượng liền liền
Hồng chung bảo khánh để truyền thế gian
Khắp hết Phả lại, Phao San (7)
Cùng nơi Giao Thủy, Đông Ngàn, Yên Tân .
Hào li chẳng tốn của dân
Sửa sang công đức nghìn xuân vững bền

Ngoài những việc làm vì từ tâm, còn những cải cách về chính trị: Những con gái nhà nghèo đã phải đem thân thế nợ cho nhà giàu, nay được chuộc về để gả cho những người góa vợ (năm 1103)

- Năm 1117, trước khi tạ thế (ngày 22 tháng 10, 25 tháng 9 Đinh Dậu), thái hậu đã dặn Nhân Tông ra lệnh trừng phạt rất nặng những kẻ lấy trộm hay giết trâu, vì thiếu trâu việc đồng án sẽ chậm trễ, thu hoạch sẽ không đủ nuôi dân.

Trong những đền chùa thái hậu cho dựng nên xưa kia, có ngôi đền Kim Cổ thờ Đạo giáo, sau trở thành đền thờ Thái hậu. Đền này hiện nay tọa lạc tại số 73, phố Đường Thành, Hà Nội.

_________________________

Chú thích:

l. Dưới triều Lý, dân ta tin tưởng thần quyền: trong thần tích những danh nhân được thờ nơi đình làng, thường có ghi những việc thần bí đáp ứng óc mê tín của quần chúng.

2. Những câu thơ lục bát trong bài này đều là trích ở "Truyện Ỷ Lan" do cung nữ Trương Ngọc Trong thời chúa Trịnh viết ra năm (1759). Quốc văn từ hồi đó đến nay đã qua một bước dài.

3. Thị ngự: hầu vua

4. Dẫn tộ miên trường: con cháu nối ngôi lâu dài

5. Hóa châu: ở phía nam đèo Ngang

6. Đỉnh hồ rồng bay: vua chết. Điển: Hoàng đế thành tiên, tới Đỉnh hồ, cưỡi rồng bay lên trời

7. Phả lại, Phao san: hai nơi gần sông Lục dầu thuộc tỉnh Hải dương. Phả lại có chùa Quỳnh Lâm, Phao sơn có chùa Hộ quốc, Giao thủy (Nam định) có chùa Keo, Đông ngà có chùa Cổ pháp.

( Angie ST)
PC
#4 Posted : Wednesday, November 25, 2009 11:27:21 PM(UTC)
PC

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,668
Points: 25
Woman

Was thanked: 4 time(s) in 4 post(s)
Thăm đền Nguyên phi Ỷ Lan
26/11/2009 09:01 Nguyễn Dịu - Tiến Thành

Nằm bên quốc lộ 5 ồn ào và tấp nập xe cộ, khu di tích Nguyên phi Ỷ Lan vẫn giữ được vẻ tĩnh lặng, huyền bí của một ngôi đền cổ được xây cất cách nay gần 900 năm. Đến đây, du khách sẽ được tìm hiểu về cuộc đời nữ danh nhân nổi tiếng với tài trị nước, đồng thời được tham quan nhiều di vật cổ của triều đại Lý.

Từ trung tâm Hà Nội qua cầu Chương Dương chừng 18km, ta sẽ gặp đền thờ nguyên phi Ỷ Lan nằm bên quốc lộ 5 thuộc địa phận Dương Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Khu di tích này còn có tên gọi khác là chùa Bà Tấm hay đền Bà Tấm. Toàn bộ quần thể di tích gồm chùa, đền, điện, sơn trang nằm trong khuôn viên có sân, nhà thủy đình, cây xanh ước rộng đến 3ha.

Đưa mắt từ con đường nhựa hun hút nhìn vào dễ dàng nhận thấy cổng đền với mái cong uốn lượn, xen kẽ nhiều họa tiết rồng, phượng, mây, gió… - những dấu hiệu của lối kiến trúc cổ xưa độc đáo.

Đền có hai cổng, cổng bên ngoài gọi là tam quan và cổng trong gọi là nghi môn. Tam quan là một nhà lớn ba gian, vững chãi với kiểu kiến trúc hai tầng bốn mái. Mặt tiền tam quan mở ra ba cửa lớn hình chữ nhật, phía sau để trống, thông với cổng nghi môn.

Qua nghi môn, phía bên trái là đôi rồng chầu thời Lý được làm bằng đá liền khối với nhiều đường nét, chạm khắc tinh xảo. Đôi rồng dài 1,3m, cao 0,8m, nặng hàng chục tấn phủ phục bên mạn sườn một quả đồi nhỏ - tương truyền là nơi thờ nguyên phi Ỷ Lan.

Kế tiếp là ngôi đền chính được xây dựng từ cuối thế kỷ 11, là nơi phụng thờ nguyên phi ngay trên quê hương người. Đền có kiến trúc theo lối cung đình thời Lý, có 72 cửa, thuộc loại cổ nhất nước ta, cách đó không xa đền phía tay phải có ngôi chùa mang tên Linh Nhân Tư Phúc Tự, do chính Linh Nhân hoàng thái hậu Ỷ Lan xây dựng năm 1115.

Song có lẽ ấn tượng hơn cả là những hiện vật quý được lưu giữ và bảo tồn suốt gần chín thế kỷ. Đó là ba chân tảng đá chạm cánh sen, hai đầu sư tử đá, một thành bậc chim phượng đều có từ thời Lý, bốn tấm bia đá thời Hậu Lê, một khám thờ chạm rồng uốn khúc yên ngựa được chạm thủng hoa văn linh vật từ thời Mạc… Và đặc biệt là hai câu đối ca ngợi công đức của thái hậu Ỷ Lan:

Thập bát tử, điếu phỏng thế tại tam truyền chiêu lệnh thục
Bách dư sở tự quán địa lưu cố trạch tối linh thanh

(Có nghĩa: Đời nhà Lý thứ ba kén được người con gái đẹp, có đức có tài. Đất nước ta có trên một trăm nơi thờ nhưng đây chính là quê hương của bà được lưu truyền đến ngày nay và rất linh thiêng)

Trong đó, độc đáo nhất phải kể đến tượng hai sư tử điêu khắc bằng đá trong tư thế phủ phục đang vờn ngọc, được chạm khắc với đường nét đặc biệt mềm mại, tạo cho chúa sơn lâm một vẻ đẹp vừa uyển chuyển vừa oai hùng mạnh mẽ. Đôi mắt to lồi hẳn ra ngoài, ẩn dưới đôi lông mày rậm, hàm răng đều đặn, răng nanh nhọn và khỏe, nhất là chân mập với những móng cong sắc, quắp chặt. Thêm vào đó, tư thế “sơn lâm vờn ngọc báu” còn gợi sự mềm mại, uyển chuyển. Có lẽ chính từ sự kết hợp này đã tạo nên hồn cốt của hiện vật.

Và đến đây thì không thể bỏ qua tượng nguyên phi Ỷ Lan được chạm khắc tinh vi và đặt trong khám gỗ lớn, toát lên vẻ đôn hậu, nhân từ của một thánh mẫu đất Bắc.

Ngày nay, trên khắp đất nước ta có đến 72 nơi lập đền thờ nguyên phi, nhưng duy chỉ có đền và chùa tại quê hương bà (Dương Xá, Gia Lâm, Hà Nội) là còn giữ được vẻ nguyên sơ cũng như các di vật cổ kính. Và hiếm nơi nào ở Hà Nội lại có một không gian yên tĩnh, linh thiêng như khu di tích đền thờ Đức quốc mẫu nguyên phi Ỷ Lan.

Đây không chỉ là nơi ta tìm đến để tưởng nhớ vị danh nhân đã có công với đất nước, mà còn là nơi ta tìm về những giá trị văn hóa, lịch sử và kiến trúc của triều đại nhà Lý.

http://www.giacngo.vn/dulich/2009/12/04/7E4643/
xv05
#5 Posted : Sunday, November 17, 2013 9:15:09 PM(UTC)
xv05

Rank: Advanced Member

Groups: Registered, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,044
Points: 3,390
Woman
Location: Lục điạ hình trái táo

Thanks: 340 times
Was thanked: 45 time(s) in 44 post(s)
Thái Hậu Ỷ Lan : Nữ chính trị gia kiệt xuất Việt Nam

Lê Phước



Đền thờ Thái hậu Ỷ Lan hiện ở Gia Lâm. Dân gian thường gọi là "chùa Bà Tấm" (DR)


Trong lịch sử phong kiến Việt Nam, có rất ít phụ nữ nổi bật trên chính trường. Đấy không phải là bởi vì phụ nữ nước ta không có tài làm chính trị, mà bởi vì ngày xưa phụ nữ luôn bị kềm kẹp trong cái câu “tam tòng tứ đức”, luôn sống trong cái cảnh “khuê môn bất xuất”.
Chính vì thế, nhân vật nữ nào được nổi bật thì ất phải là kiệt xuất lắm. Và cách đây hơn 800 năm, lịch sử Đại Việt đã biết đến một phụ nữ kiệt xuất có tài kinh bang tế thế: Thái Hậu Ỷ Lan.

Cô gái tựa gốc lan

Về nhân thân của bà Ỷ Lan, còn nhiều điểm chưa rõ. Xem xét các bộ sử liên quan, đại khái bà sinh vào khoảng năm 1044 và mất năm 1117. Tên của bà sử cũ cũng không thống nhất, có thuyết cho rằng bà tên là Lê Khiết Nương, có thuyết thì bảo là Lê Thị Khiết, cũng có thuyết nói là Lê Thị Yến Loan. Lúc chưa vào cung, bà là một cô gái hái dâu, chăn tằm ở làng Thổ Lỗi (còn có tên là làng Sủi, nay là xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội). Câu chuyện tiến cung của bà khá lãng mạn, và cũng là nguồn gốc của tên Ỷ Lan, cái tên nổi tiếng đến mức mà đời sau không ai còn chú ý đến tên thật của bà nữa. Sử cũ chép về câu chuyện này đại để như sau :

Thuở ấy vào năm Quý Mão (1063), vua Lý Thánh Tông đã bốn mươi tuổi mà vẫn chưa có con trai để truyền ngôi báu. Vua bèn thân hành đi cầu tự khắp các chùa chiền, miếu mạo nhưng không hiệu nghiệm, nhà vua vô cùng lo lắng. Một sớm mùa xuân, vua về viếng thăm chùa Dâu (tổng Dương quang phủ Thuận Thành) dân làng mở hội nghênh giá. Trai gái, già trẻ các làng đều ra rước vua.

Đoàn xa giá của vua đi đến đâu, các làng lân cận nô nức, đổ xô về phía ấy. Duy có một cô thôn nữ xinh đẹp của làng Sủi vẫn điềm nhiên hái dâu, xem việc ngự giá của vua không có quan hệ gì đến mình. Lý Thánh Tông lấy làm lạ, bèn cho đòi người con gái có vẻ "kiêu căng" đang đứng bên nương dâu kề gốc lan ấy đến trước kiệu rồng để hỏi. Cô gái ung dung nhẹ nhàng tới quỳ tâu: “Thiếp là con nhà nghèo hèn, phải làm lụng đầu tắt mặt tối, phụng dưỡng cha mẹ có đâu dám mong đi xem rước và nhìn mặt rồng".

Vua thấy cô gái tuy ăn mặc quê mùa, nhưng cử chỉ thì đoan trang dịu dàng, lời nói phong nhã, đối đáp phân minh, lễ nghĩa rành rành. Vua yêu vì sắc, trọng vì nết, nên cho cô gái theo long giá về kinh đô. Về đến kinh đô, vua Thánh Tông cho dựng cung Ỷ Lan với ý nghĩa là gợi nhớ lại câu chuyện nhà vua đã gặp cô gái đứng tựa cây lan (Ỷ Lan tức là: tựa cây lan), và phong cho cô gái hái dâu làng Thổ Lỗi làm Ỷ Lan Phu Nhân.
Chuyện hậu cung
Ba năm sau khi tiến cung, Ỷ Lan Phu Nhân hạ sinh cho vua Thánh Tông vị hoàng tử đầu tiên, hoàng tử Càn Đức, tức vua Lý Nhân Tông sau này. Nhờ đó, Ỷ Lan Phu Nhân được gia phong Ỷ Lan Thần Phi. Vào năm 1068, Ỷ Lan Thi Thần Phi hạ sinh thêm một hoàng tử nữa, và được phong là Ỷ Lan Nguyên Phi (đứng đầu các phi, chỉ sau Hoàng Hậu Thượng Dương lúc bấy giờ).

Năm 1072, vua Thánh Tông mất, con trai Nguyên Phi Ỷ Lan là Thái tử Càn Đức lên ngôi lấy hiệu là Lý Nhân Tông. Tân vương sinh năm 1066, tức lên ngôi chỉ mới 6 tuổi, do đó cần có Thái hậu buông rèm nhiếp chính. Theo điển lệ lúc bấy giờ, bất kể là mẹ ruột của vua hay không, miễn là Hoàng hậu thì sẽ được phong làm Thái hậu và được buông rèm nhiếp chính. Hoàng hậu của vua Thánh Tông là bà Thượng Dương, và thế là Hoàng Hậu Thượng Dương được phong Thái Hậu nhiếp chính, trong khi đó bà Ỷ Lan là mẹ ruột lại chỉ được phong là Thái Phi (đứng sau Thái hậu). Tức vì con mình đẻ ra mà mình lại bị thua kẻ khác, nên Thái Phi Ỷ Lan mới rấp tâm hại Thượng Dương Thái Hậu.

Sự việc xảy ra vào năm 1073, sử cũ chép như sau:

« Linh Nhân (tức bà Ỷ Lan-LP) có tính ghen, cho mình là mẹ đẻ mà không được dự chính sự, mới kêu với vua rằng: “Mẹ già khó nhọc mới có ngày nay, mà bây giờ phú qúy người khác được hưởng thế thì sẽ để mẹ già vào đâu?". Vua bèn sai đem giam Thượng Dương Thái Hậu và 76 người thị nữ vào cung Thượng Dương, rồi bức phải chết chôn theo lăng Thánh Tông ».
Sau đó, vua Nhân Tông mới phong cho mẹ ruột làm Linh Nhân Thái Hậu nắm quyền buông rèm nhiếp chính. Như thế, cô gái hái dâu làng Thổ Lỗi năm nào, sau 10 năm tiến cung, không chỉ trở thành mẫu nghi thiên hạ cai quản hậu cung, mà còn nắm đại quyền điều hành đất nước.
“Rằng tôi chút phận đàn bà….”

Vụ bức tử Thượng Dương Thái Hậu và hơn 70 cung nữ nói trên là vết mờ trong bức tranh sáng lạng về sự nghiệp của Thái Hậu Ỷ Lan. Sự việc đã bị các sử gia phong kiến chỉ trích. Thế nhưng, ở đây có một điểm đáng chú ý, đó là sự chỉ trích của các sử gia phong kiến vốn nặng tính Nho Giáo đã không quá gay gắt, mà hơn nữa còn tỏ ra thông cảm.

Chẳng hạn như sử gia Nho Giáo Ngô Sĩ Liên phê rằng: “Nhân Tông là người nhân hiếu, Linh Nhân là người sùng Phật, sao lại đến nỗi giết đích thái hậu, hãm hại người vô tội, tàn nhẫn đến thế ư? Vì ghen là thường tình của đàn bà, huống chi lại là mẹ đẻ mà không được dự chính sự. Linh Nhân dẫu là người hiền cũng không thể nhẫn nại được, cho nên phải kêu với vua”.

Một lần phạm tội sử sách đã không quên, nhưng các sử gia lại tỏ ra thông cảm với cái chuyện “Ghen tuông vốn chuyện người ta thường tình” như cụ Nguyễn Du đã nói trong Truyện Kiều. Sự cảm thông này có thể hiểu được, bởi vì đối với đại cục, với dân với nước, Thái Hậu Ỷ Lan đã có những đóng góp vô cùng to lớn.

Hai lần nhiếp chính


Tài làm chính trị của Thái Hậu Ỷ Lan được thể hiện ngay cả khi bà còn là Nguyên Phi. Số là vào năm 1069, vua Lý Thánh Tông cùng Lý Thường Kiệt mang quân đi đánh nước Chiêm ở phía Nam, vua tin tưởng giao quyền nhiếp chính cho Nguyên Phi Ỷ Lan. Sử cũ chép rằng : bà nguyên phi Ỷ Lan trị nước rất giỏi, khiến dân tâm hòa hiệp, cõi nước thanh bình. Dân gian sùng đạo Phật, tôn bà là “Quan Âm”. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép một mẫu chuyện mà theo đánh giá của nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần là “Chút sĩ diện đáng yêu của vua Lý Thánh Tông” như sau :
“Trận này, vua đánh Chiêm Thành mãi không được, bèn rút quân về. Đến Cư Liên (Tiên Lữ, Hải Hưng), vua hỏi thăm nhân dân, thấy nhân dân hết lời ca ngợi tài trị nước của Ỷ Lan, vua mới thở than: “Kẻ kia là đàn bà còn làm được như thế, là nam nhi lại chẳng làm được việc hay sao?”. Nói xong bèn quay lại đánh nữa và thắng được”.

Lần nhiếp chính thứ hai xảy ra sau khi vua Lý Thánh Tông mất vào năm 1072. Như đã nói, Thái Phi Ỷ Lan đã bức hại Thái Hậu Thượng Dương vào năm 1073 và chiếm ngôi Thái Hậu nhiếp chính.

Thế nhưng, vừa nắm được quyền bính, Thái Hậu Ỷ Lan đã phải lèo lái chính quyền nhà Lý cứu nguy cho chủ quyền dân tộc. Số là vào năm 1076, quân Tống xâm lấn nước ta. Trước sức mạnh như vũ bão của giặc, Thái Hậu Ỷ Lan đã biết đặt lợi ích quốc gia lên trên hiềm khích cá nhân. Chuyện là, trước đây, Lý Đạo Thành về phe Thái Hậu Thượng Dương còn Thái Phi Ỷ Lan thì dựa vào Lý Thường Kiệt. Năm 1073, Thái Hậu Thượng Dương bị bức tử, Lý Đạo Thành bị giáng chức ra tận Nghệ An.

Thế nhưng, để tạo được sức mạnh đoàn kết bên trong mà chống giặc ngoài, Thái Hậu Ỷ Lan đã bỏ qua hiềm khích cũ và triệu Lý Đạo Thành về kinh giao cho chức Thái Phó Bình Chương Quân Quốc Trọng Sự trông lo nội chính, còn Lý Thường Kiệt thì tập trung sức lực dẫn quân chống ngoại xâm. Một cách khái quát, triều đình dưới quyền Ỷ Lan, văn có Lý Đạo Thành còn võ thì có Lý Thường Kiệt.

Và kết quả là cuộc chiến chống quân Tống năm 1076-1077 đã chiến thắng vẻ vang với trận Như Nguyệt đi vào lịch sử. Và với sự bất tử của bài thơ Nam Quốc Sơn Hà của Lý Thường Kiệt, một bài thơ được xem là ‘‘Bản Tuyên ngôn Độc lập’’ đầu tiên trong lịch sử Việt Nam.

Chưa hết, trước khi đánh quân Tống, Lý Thường Kiệt đã mang quân đánh Chiêm vào năm 1075 và giành được chiến thắng. Nên nhớ rằng, việc “Phá Tống, bình Chiêm” của Lý Thường Kiệt diễn ra thành công khi ấy vua Nhân Tông chỉ là một cậu bé lên mười. Và như thế, việc triều đình tất nhiên do Thái Hậu Ỷ Lan lãnh đạo. Ỷ Lan chỉ là một người đàn bà sống trong cái xã hội do đàn ông thống trị xưa kia, thì quả thật, nếu không có thực tài chính trị để điều hành đất nước, thì bà cũng không dễ gì lãnh đạo nổi hai nhân vật kiệt xuất như Lý Thường Kiệt và Lý Đạo Thành.
Đào tạo một minh quân cho đất nước

Thái Hậu Ỷ Lan rất hiểu nỗi đau khổ của nông dân. Khi Lý Thánh Tông mất, con bà lên ngôi, bà đã làm được nhiều việc có ích cho dân. Ở nông thôn bấy giờ có nhiều phụ nữ vì nghèo mà phải bán mình, đem thân thế nợ, không thể lấy chồng được, bà Ỷ Lan đã lấy tiền bạc trong quốc khố chuộc những người ấy và đứng ra dựng vợ gả chồng cho họ.

Thái Hậu Ỷ Lan rất hiểu rằng đối với người nông dân thì “con trâu là đầu cơ nghiệp”, nên đã nhiều lần nhắc nhở vua Nhân Tông phạt nặng những kẻ ăn trộm trâu và giết trâu. Tháng hai năm Ðinh Dậu (1117), giai đoạn trước khi bà mất, bà còn nhắc nhở vua một lần nữa : “Gần đây, người kinh thành và làng ấp có kẻ trốn đi chuyên nghề trộm trâu. Nông dân cùng quẫn. Mấy nhà phải cày chung một trâu. Trước đây, ta đã từng mách việc ấy và nhà nước đã ra lệnh cấm. Nhưng nay việc giết trâu lại có nhiều hơn trước”.

Lời khuyên vua trên đây chứng tỏ tuy Thái Hậu Ỷ Lan quan tâm theo dõi và lo lắng đến đời sống nông dân. Không chỉ có thế, kinh tế Đại Việt bấy giờ cái chính vẫn là nông nghiệp, bởi vậy chăm lo cho nông dân cũng chính là chăm lo cho nền kinh tế đất nước. Tuy việc con trâu bề ngoài là chuyện nhỏ, nhưng lại có ý nghĩa chiến lược rất lớn vậy.

Vâng lời mẹ, vua Lý Nhân Tông hạ lệnh truy bắt và trừng trị những kẻ chuyên nghề ăn trộm trâu. Không những thế việc giết trâu ăn thịt những ngày giỗ đám cũng bị hạn chế. Chính quyền Lý quy định ở Thăng Long cũng như tại các địa phương trong cả nước cứ ba nhà lập một “bảo” kiểm soát lẫn nhau và cùng liên đới chịu trách nhiệm về tội lạm giết trâu bò.

Ngoài những đóng góp nói trên, Thái Hậu Ỷ Lan còn có một đóng góp vô cùng quan trọng mà không thể nào không nhắc tới, đó là bà đã sinh ra và đào tạo được một minh quân cho đất nước như Lý Nhân Tông.
Các bộ sử đều ghi lại việc đất nước phát triển phồn thịnh về mọi mặt dưới thời Lý Nhân Tông. Đặc biệt về giáo dục, vào năm 1075, triều đình cho mở khoa thi tam trường để lấy người văn học ra làm quan. Đây là kỳ thi đầu tiên ở nước ta, chọn được hơn 10 người trong đó thủ khoa là Lê Văn Thịnh. Năm 1076, triều đình lập Quốc Tử Giám, được xem là trường đại học đầu tiên của nước ta. Nền giáo dục Nho Học của nước Việt bắt đầu từ đó.

Ta thấy trong giai đoạn này, vua Nhân Tông chỉ độ 10 tuổi, Lý Đạo Thành lo việc nội chính, Lý Thường Kiệt thì lo đánh giặc ngoại bang, trên thì có Thái Hậu Ỷ Lan lãnh đạo. Sử gia Trần Trọng Kim nhận định về giai đoạn này như sau: “…trong thì sửa sang được chính trị, ngoài thì đánh nhà Tống, phá quân Chiêm. Ấy cũng nhờ có tôi hiền tướng giỏi cho nên mới thành được công nghiệp như vậy”. Và lẽ dĩ nhiên, để có được cái “tôi hiền tướng giỏi” đó, thì người lãnh đạo tối cao là Thái Hậu nhiếp chính phải có thực tài lãnh đạo.

Trở lại trường hợp của vua Lý Nhân Tông, khi lớn khôn, ông vẫn theo đường lối mà mẹ ông đã làm khi nhiếp chính để xây dựng một đất nước phồn thịnh. Sử cũ chép rằng, khi Thái Hậu Ỷ Lan mất, vua Nhân Tông đã làm theo đúng di nguyện của bà là hỏa táng theo nghi thức Phật Giáo. Điều đó cho thấy vua có hiếu và kính mẹ như thế nào. Và điều đó càng cho thấy, Thái Hậu Ỷ Lan có uy với triều đình và với nhà vua như thế nào.
Thái Hậu Ỷ Lan mất vào năm 1117, còn vua Nhân Tông mất năm 1127, tức chỉ cách nhau có mười năm. Có thể nói rằng, nhà vua chỉ được hoàn toàn “tự do” khỏi sự ảnh hưởng của mẹ được 10 năm mà thôi. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư ca ngợi tài đức của vua Lý Nhân Tông như sau: “…sáng suốt thần võ, trí tuệ hiếu nhân, nước lớn sợ, nước nhỏ mến, thần giúp người theo, thông âm luật, chế ca nhạc, dân được giàu đông, nước được thái bình, là vua giỏi của triều Lý”. Và vua Nhân Tông càng tài giỏi, thì cái công giáo dưỡng của Thái Hậu Ỷ Lan lại càng to lớn.
Học rộng biết nhiều

Phụ nữ ngày xưa chỉ quen việc « khuê môn bất xuất », còn việc học hành ra thi thố với đời là đặc quyền của đấng mày râu. Thái Hậu Ỷ Lan xuất thân chỉ là cô gái hái dâu thì chắc chắn không có điều kiện để học hành nhiều được. Sử cũ không thấy chép là bà Ỷ Lan ăn học tới đâu, nhưng qua những thể hiện cụ thể, ta thấy bà là người học rộng, biết nhiều.

Năm 1096, bà bày cỗ chay ở chùa Khai Quốc (tức sau này là chùa Trấn Quốc ở Thăng Long), để thết đãi các sư. Tiệc xong, bà ngồi kê cứu đạo Phật với các vị sư già học rộng. Bà có óc phán đoán, đòi hỏi các sư “nói có sách, mách có chứng”. Chính những lời đối đáp giữa bà với các bậc cao tăng đã đặt nền tảng đầu tiên cho việc ra đời của sách Thiền Uyển Tập Anh (nghĩa là Anh Tú Vườn Thiền) rất có giá trị sau này. Xin trích một bài kệ bàn về chuyện sắc không trong tác phẩm này :
Sắc là không, không tức sắc
Không là sắc, sắc tức không
Sắc? Không? thôi mặc cả,
Mới thấu được chân tông

Chỉ bốn câu thôi cũng đủ thấy trình độ tinh thông Phật Pháp của Thái Hậu Ỷ Lan cao đến dường nào !

Nhiều ngôi chùa tháp có quy mô to lớn bề thế, có trang trí đẹp mắt đã được xây dựng lên trong “thời đại Ỷ Lan” này : chùa Giạm (Quế Võ, Hà Bắc) 1086, chùa Một Mái ở động Hoàng Xá (Quốc Oai, Hà Tây)1099, chùa Phật Tích (Tiên Sơn, Hà Bắc) 1100, chùa Bảo Ân (Ðông Sơn, Thanh Hóa) 1100, tháp Chương Sơn (Ý Yên, Nam Hà) 1108, chùa Bà Tấm hay còn gọi là Linh Nhân Từ Phúc (Gia Lâm, Hà Nội) 1105. Vẫn hay đó căn bản là do công sức và tài khéo của nhân dân, thế nhưng tất cả phải có sự cho phép và hỗ trợ của nhà cầm quyền, mà người nắm quyền tối cao lại là người rất sùng đạo Phật là Thái Hậu Ỷ Lan.

Ngày 25 tháng 7 năm Đinh Dậu (1117), Thái Hậu Ỷ Lan mất, thọ trên 70 tuổi, được vua Nhân Tông dâng thụy hiệu là Phù Thánh Linh Nhân Hoàng Thái Hậu. Đền thờ chính của bà hiện ở Gia Lâm, Hà Nội. Ngôi chùa có tên là "Linh Nhân Từ Phúc Tự" (dân gian thường gọi là "chùa Bà Tấm"), được bà cho xây dựng vào năm 1115. Đến khi bà qua đời, ngôi đền thờ bà cũng được xây dựng tại đây. Từ đó đến nay, cụm đền chùa này là nơi thờ Phật, và cũng là nơi tưởng niệm bà.

Đến đây, có thể nói rằng, dù trong sự nghiệp của bà đã có một vết đen và vụ bức tử Thượng Dương và hơn 70 cung nữ, thế nhưng dân gian vẫn xem bà như “Quan Âm tái thế”, hay là “Cô Tấm” trong truyện cổ tích. Huống chi câu chuyện bức tử nói trên chỉ được sử sách chép lại có mấy dòng, hoàn toàn không nói rõ bối cảnh và nguyên nhân sâu xa thật sự của vụ việc. Thái Hậu Ỷ Lan xuất thân chỉ là một thôn nữ nhà nghèo mà lại tự rèn luyện có được một kiến thức hết sức uyên thâm, đó là một tấm gương tự học lớn. Bà không chỉ giỏi việc nước, mà còn đảm việc nhà khi đã đào tạo cho vạn dân một vị minh quân như vua Lý Nhân Tông.

Bài học lớn nhất rút ra từ sự nghiệp chính trị của Thái Hậu Ỷ Lan có lẽ việc : Vì lợi ích chung, bà đã biết gác lại hiềm khích cá nhân để huy động mọi lực lượng có thể nhằm chống kẻ thù xâm lược. Khi giặc Tống xâm lăng, vua Nhân Tông chỉ mới lên 10 tuổi, Thái Hậu Ỷ Lan phải thay vua lãnh đạo quân dân chiến đấu chống kẻ thù. Bà đã gác lại tư thù để dùng người có thực tài như Lý Đạo Thành làm Bình Chương Quân Quốc lo chuyện nội chính. Chiến công hiển hách của Lý Thường Kiệt ngoài mặt trận sẽ không thể có được nếu như không có một hậu phương vững chắc và thống nhất, mà cái hậu phương vững chắc và thống nhất đó đã có được nhờ vào tài điều hành của Thái Hậu Ỷ Lan và tài trị nước của ông Lý Đạo Thành.

Ai dám nghĩ một cô gái hái dâu quê mùa mà có được cái tài chính trị đến như vậy? Cái tài chính trị đó có thể tóm lược qua câu trả lời của bà khi được vua Thánh Tông hỏi về việc trị quốc, được sử cũ chép lại như sau: “Muốn nước giàu dân mạnh, điều quan trọng là phải biết nghe lời can gián của đấng trung thần. Lời nói ngay nghe chướng tai nhưng có lợi cho việc làm. Thuốc đắng khó uống nhưng chữa được bệnh”.
Tài năng đó, đức độ đó đã góp phần khẳng định bản lĩnh của phụ nữ Việt nam, đã đưa Thái Hậu Ỷ Lan vào hàng ngũ những nhà lãnh đạo chính trị kiệt xuất trong lịch sử phong kiến Việt Nam, và đặc biệt là đã để lại cho hậu thế một bài học quý giá về việc biết sử dụng hiền tài, và khi cần thiết thì biết gác lại hiềm khích riêng tư để phục vụ cho lợi ích chung của đất nước.
(Hết)
Phượng Các
#6 Posted : Sunday, November 24, 2013 10:35:11 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Bà Ỷ Lan này vậy mà cũng có nguời ngoại quốc nguỡng mộ, lấy tên bà làm biệt hiệu, anh nguyen và xv có nghe nói đến bà Ỷ Lan Penelope hay không?
xv05
#7 Posted : Sunday, November 24, 2013 2:16:30 PM(UTC)
xv05

Rank: Advanced Member

Groups: Registered, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,044
Points: 3,390
Woman
Location: Lục điạ hình trái táo

Thanks: 340 times
Was thanked: 45 time(s) in 44 post(s)
Khg biết có phải bà Penelope Faukner lấy tên Ỷ Lan vì bà ngưỡng mộ hay vì thấy tên đó có ý nghĩa hay (dựa vào cây lan), lạ(?) Giống như, thí dụ em đặt tên con là Ý Lan vì thấy có vẻ tên hay, lạ chớ chưa hẳn vì em mê ca sĩ Ý Lan
nguyen1
#8 Posted : Sunday, November 24, 2013 5:40:24 PM(UTC)
nguyen1

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/23/2013(UTC)
Posts: 1,091
Points: 3,294

Was thanked: 104 time(s) in 92 post(s)


Có phải cách đây khá lâu bà đó viết cái bài qua... qua.. gì đó không?

Không biết ai bày cho bà hay tự bà đó dùng tên của một hoàng hậu đã được dân chúng thờ phụng? Bà ta không biết đó một chuyện phạm thượng sao?

Phượng Các
#9 Posted : Monday, November 25, 2013 8:49:06 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
xv,
Chắc không phải dựa cành lan mà là bả phớt lờ ông vua đó chớ, nhớ đâu đó có nói như vậy, mà chuyện đó cũng đáng ngưỡng mộ bả rồi. Cứ nhìn các cơn say như điên dại của thế nhân khi huớng về các nguời nổi tiếng cũng đủ thấy bản lĩnh của bà Ỷ Lan nguyên phi như thế nào.

Anh nguyen,
Chắc tại bả nguời Anh, không quen chuyện phạm thuợng.

À, nói về chuyện trọng nam khinh nữ thì thấy lạ là nuớc mình không có đặt tên đuờng cho bà Ỷ Lan và Duơng thái hậu. Về sự thủ đoạn soán ngôi thì Trần Thủ Độ cũng đâu thua gì hai bà này, vậy mà ổng đuợc đặt tên đuờng đó chớ!
xv05
#10 Posted : Monday, November 25, 2013 3:37:22 PM(UTC)
xv05

Rank: Advanced Member

Groups: Registered, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,044
Points: 3,390
Woman
Location: Lục điạ hình trái táo

Thanks: 340 times
Was thanked: 45 time(s) in 44 post(s)
Originally Posted by: Phượng Các Go to Quoted Post
xv,
Chắc không phải dựa cành lan mà là bả phớt lờ ông vua đó chớ, nhớ đâu đó có nói như vậy, mà chuyện đó cũng đáng ngưỡng mộ bả rồi. Cứ nhìn các cơn say như điên dại của thế nhân khi huớng về các nguời nổi tiếng cũng đủ thấy bản lĩnh của bà Ỷ Lan nguyên phi như thế nào.
Em thì nghĩ là bả cố ý làm như vậy, bả thật là khôn, đáng ngưỡng mộ ở điểm này. Bả làm vậy thì ông vua sẽ chú ý đến bả ngay.
Nhớ là đọc Từ Hy Thái Hậu, thấy kể lúc vô cung bả cũng cố ý làm những điều khác với các cô khác để được chú ý. Ngày đầu diện kiến ông vua, bả cũng phớt lờ ổng đi, thế là ổng chú ý đến bả ngay.

Nói chuyện ngoài lề chút xíu, cô ca/nhạc sĩ Carpenters (Yesterday once more) nổi tiếng vậy, bao nhiêu người ngưỡng mộ nhưng lại thích và kết hôn với một anh chàng chỉ vì anh khg hề biết đến tên tuổi của cô. Tiếc là mối tình đó khg bền lâu.
nguyen1
#12 Posted : Monday, November 25, 2013 6:24:58 PM(UTC)
nguyen1

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/23/2013(UTC)
Posts: 1,091
Points: 3,294

Was thanked: 104 time(s) in 92 post(s)


Không phải ngày nay các cô cũng làm điệu bộ nào đó để người khác phái chú ý sao?

Tôi tưởng bà đó tự hào là mình hiểu văn hoá VN lắm mà? Hinh như những người ái mộ bà ta cũng khen như vậy?

Tôi không nhớ khu nào ở Sàigòn có đường Trần Thủ Độ?





Phượng Các
#13 Posted : Thursday, November 28, 2013 10:11:59 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Ở đây nè anh nguyen:

Quote:
Tran Thu Do is parallel with Nguyen Son street in Tan Phu district. It is located within a 5 minute drive from the nearest supermarket and a 15 minute drive from Dam Sen cultural park.

http://www.hcmc.com/streets/tran-thu-do
Phượng Các
#11 Posted : Sunday, December 1, 2013 9:59:56 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Originally Posted by: xv05 Go to Quoted Post

Nhớ là đọc Từ Hy Thái Hậu, thấy kể lúc vô cung bả cũng cố ý làm những điều khác với các cô khác để được chú ý. Ngày đầu diện kiến ông vua, bả cũng phớt lờ ổng đi, thế là ổng chú ý đến bả ngay.

Nói chuyện ngoài lề chút xíu, cô ca/nhạc sĩ Carpenters (Yesterday once more) nổi tiếng vậy, bao nhiêu người ngưỡng mộ nhưng lại thích và kết hôn với một anh chàng chỉ vì anh khg hề biết đến tên tuổi của cô. Tiếc là mối tình đó khg bền lâu.


Trong truyện Love Story của Erich Segal cũng có đoạn chàng vai chánh nói về các người ngưỡng mộ chàng, đại khái là nói một hai câu là hết chuyện nói . Làm người nổi tiếng hay giàu có thì khó có bạn thân, thành ra có nổi tiếng thì đừng để ai biết mặt mình .

Một mối tình bền lâu hay không tuỳ vào nhiều yếu tố, trong đó yếu tố không biết người yêu là người nổi tiếng chỉ là yếu tố vụn vặt, không đáng kể .
Users browsing this topic
Guest (2)
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.