Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

Luật Bảo Hiểm Y Tế Toàn Dân
Phượng Các
#1 Posted : Tuesday, October 8, 2013 11:25:09 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Hôm nay, 1 Tháng Mười, Luật Bảo Hiểm Y Tế Toàn Dân (Affordable Care Act-ACA), còn gọi là “Obamacare,” bắt đầu cho phép những ai chưa có bất kỳ loại bảo hiểm nào ghi danh, để được hưởng quyền lợi bắt đầu từ ngày 1 Tháng Giêng, 2014. Ðể tìm hiểu kỹ hơn về chương trình này, nhật báo Người Việt phỏng vấn cô Tricia Nguyễn, thành viên Hội Ðồng Quản Trị CalOptima và là tổng giám đốc Hội Cộng Ðồng Người Việt, Santa Ana, về vấn đề này. Mọi chi tiết về hội, xin vào trang nhà www.thevncoc.org, hoặc gọi điện thoại 714-558-6009.


Người Việt (NV): Hồi Tháng Ba, 2010, Tổng Thống Barack Obama ký Luật Cải Tổ Y Tế Toàn Dân rồi, và 1 Tháng Giêng 2014 sẽ áp dụng. Tại sao 1 Tháng Mười thì Bộ Y Tế nói mọi người ghi danh? Có chi tiết gì quan trọng?
Tricia Nguyễn: 1 Tháng Mười là cho những người nào không có bảo hiểm được ghi danh, họ có từ 1 Tháng Mười, 2013 đến 31 Tháng Ba, 2014 để ghi danh vào bảo hiểm của tiểu bang California hoặc các tiểu bang khác. Nếu sau 31 Tháng Ba, 2014, họ phải trình bày gia đình có vấn đề đặc biệt mới được ghi danh.

NV: Ví dụ như đến ngày 1 Tháng Mười này, tôi không có bảo hiểm, tôi nên làm gì? Ở đâu? Như thế nào?

Tricia Nguyễn: Có hai cách. Ở tiểu bang California, có chương trình Covered California tại trang nhà http://www.coveredca.com/, hoặc gọi số điện thoại 1-800-300-1506 (Tiếng Việt: nhấn số 4).

NV: California chấp nhận Obamacare. Những tiểu bang khác có thể chấp nhận hoặc không. Nếu ở tiểu bang khác thì nên làm gì?

Tricia Nguyễn: Ở tiểu bang khác, quý vị có thể vào trang nhà http://www.healthcare.gov/, hoặc gọi số điện thoại 1-800-318-2596 (Tiếng Việt: nói “Vietnamese”), để biết thêm chi tiết của tiểu bang mình.

NV: Những người không có bảo hiểm đến 1 Tháng Mười có thể ghi danh. Thu nhập của tôi như thế nào sẽ nằm trong tiêu chuẩn được vào chương trình Obamacare?

Tricia Nguyễn: Ví dụ, nếu mình ở một mình, có lương khoảng $15,860/năm, thì sẽ được vào MediCal, không cần vô chương trình Covered California. Nếu gia đình mình có 4 người, thu nhập $32,500/năm, thì mình cũng được vào MediCal. Trong khoảng $32,000 đến $94,000, mình có các sự lựa chọn của Covered California, và được giúp co-payment. Khi mà quý vị điền tên vào Covered California, điền số người trong gia đình, điền thu nhập mỗi năm, thì họ sẽ cho hiện ra những chương trình mà hợp cho gia đình mình, và giá tiền mình phải trả là bao nhiêu.

Có bốn mức bảo hiểm: Bronze (đồng), Silver (bạc), Gold (vàng), và Platinum (bạch kim) nhằm đáp ứng những nhu cầu về sức khỏe và tài chánh khác nhau, và dựa trên tỉ lệ phần trăm chi phí dịch vụ mỗi chương trình chi trả. Các mức này cũng cho biết tỉ lệ phẩn trăm chi phí chăm sóc sức khỏe mà bệnh nhân sẽ phải trả.

Phần chi phí sau này bao gồm:

-Khoản tiền khấu trừ (deductible), tức là khoản tiền nợ về dịch vụ chăm sóc sức khỏe được bảo hiểm mà bệnh nhân phải trả trước khi hãng bảo hiểm chi trả phí tổn dịch vụ.

-Khoản tiền đồng thanh toán (copayment), tức là khoản tiền cố định mà bệnh nhân phải gánh chịu cho dich vụ chăm sóc sức khỏe được bảo hiểm.

-Khoản tiền đồng bảo hiểm (coinsurance), tức là phần đóng góp của bệnh nhân vào chi phí dịch vụ chăm sóc sức khỏe được bảo hiểm.

Giả sử như quý vị có $1,000 deductible, $25 copayment và 20% coinsurance. Ðối với một số dich vụ chăm sóc sức khỏe như đi bác sĩ gia đình, quý vị sẽ phải trả $25 copayment. Ðối với các dịch vụ khác, như giải phẫu chẳng hạn, trước tiên, quý vị phải thanh toán tiền deductible $1,000, sau đó quý vị sẽ phải trả 20% chi phí giải phẫu còn lại. Như vậy, nếu chi phí giải phẫu là $5,000, thì quý vị phải trả trước tiên $1,000 deductible, rỗi sau đó 20% chi phí còn lại tức là ($5,000-$1,000) x 20% = $800.

Sau đây là chi tiết các chương trình: (Loại bảo hiểm, tỉ lệ chi phí bảo hiểm trả, tỉ lệ chi phí bệnh nhân trả)

-Bronze, 60%, 40%

-Silver, 70%, 30%

-Gold, 80%, 20%

-Platinum, 90%, 10%

NV: Trang nhà www.coveredca.com của Covered California có tiếng Việt không?

Tricia Nguyễn: Có chứ, tổng cộng là 10 thứ tiếng. Khi vào trang nhà sẽ thấy bên góc phải các ngôn ngữ cho mình chọn.

NV: Trang nhà www.healthcare.gov của các tiểu bang khác có tiếng Việt không?

Tricia Nguyễn: Trang nhà này của liên bang chưa có tiếng Việt, nhưng có số điện thoại 1-800-318-2596, quý vị có thể gọi vào và nói “Vietnamese” thì sau đó họ sẽ chuyển đường dây cho mình nói chuyện với người Việt Nam.

NV: Có khi nào họ không chuyển không? Ví dụ như tôi chỉ biết nói tiếng Việt, rồi họ nói bằng tiếng Anh kêu tôi chờ nhưng tôi không hiểu thì sao đây?

Tricia Nguyễn: Trong trường hợp này, quý vị cũng có thể hỏi Covered California để họ giúp. Covered California cũng là một phần của chương trình liên bang. Ngoài ra, mình có thể nhờ con cháu trong nhà để gọi cho mình nhân viên nói tiếng Việt. Tất cả sẽ được giúp đỡ, vì đây là quyền lợi của mọi người, cho dù ở tiểu bang nào.

NV: Giả sử tôi ở Utah, trang nhà không có tiếng Việt, tôi gọi qua Covered California nhờ họ giúp, có được không?

Tricia Nguyễn: Ðược. Họ sẽ chuyển cho anh đường dây thích hợp.

NV: Ví dụ tôi đang đi làm, qua ngày 1 Tháng Mười, đùng một cái tôi bị sa thải, và tôi không có bảo hiểm nữa, tôi có đủ tiêu chuẩn để xin Obamacare không?

Tricia Nguyễn: Tất cả mọi người đều có quyền mua bảo hiểm Covered California. Hồi xưa nếu mình có bệnh tiểu đường, cao máu, các hãng bảo hiểm có quyền không chọn mình hoặc cho giá cao hơn. Trong chương trình Covered California, tất cả cư dân đều được mua bảo hiểm. Trong ví dụ của anh, nếu trễ ngày, mình có thể xin, nói là tôi vừa mất việc làm, thì người ta sẽ cho ghi danh trễ vào Covered California.

California có 4 công ty bảo hiểm vào chương trình Covered California. Ðó là Anthem Blue Cross of California, Blue Shield of California, Health Net, và Kaiser Permante. Ðặc biệt, California bắt bốn cơ quan này phải cung cấp quyền lợi như nhau, những chương trình y tế phải giống nhau. Nếu vào trang nhà đọ giá, quý vị sẽ thấy giống nhau. Trong bốn loại Bronze, Silver, Gold, và Platinum, có tiền thì trả cho loại nhiều tiền hơn mỗi tháng để nếu cho chuyện gì phải vào nhà thương thì trả ít hơn. Nếu mình không có tiền mình trả ít thì khi vào nhà thương phải trả nhiều tiền. Mình có rất nhiều sự lựa chọn.

NV: Có phải trả chi phí ghi danh không?

Tricia Nguyễn: Những người nào bán bảo hiểm cho quý vị mà nói quý vị đóng một phần ngân khoản mới giúp kiếm bảo hiểm Covered California là trái luật. Luật nói là tất cả mọi người đều có thể giúp quý vị, nhưng không ai được tính bất kỳ cước phí nào.

NV: Nếu tôi đang đi làm, đã có bảo hiểm và không cần mua bảo hiểm khác. Vậy tôi có thể mua bảo hiểm rẻ hơn của tiểu bang hay liên bang không? Dù thu nhập của tôi cao?

Tricia Nguyễn: Ðược chứ. Chương trình này cho tất cả mọi người. Tất cả những ai đang có bảo hiểm, mà thấy giá quá cao, muốn mua bảo hiểm chính phủ, thì có thể lên Internet để đọ giá coi rẻ hơn hay đắt hơn. Dịch vụ tại đây có thể nhiều hơn, vì sau Covered California, luật cho rất nhiều chương trình hơn những bảo hiểm xưa nay.

NV: Vậy bốn công ty bảo hiểm trong chương trình Covered California cung cấp bảo hiểm cho cả người đang có và không có bảo hiểm?

Tricia Nguyễn: Ðúng vậy.

NV: Nghe nói luật mới sẽ phạt những người không có bảo hiểm. Nếu đến 1 Tháng Giêng, 2014 mà tôi không chịu mua bảo hiểm thì có sao không?

Tricia Nguyễn: Nếu anh không mua bảo hiểm, đến lúc anh khai thuế, IRS sẽ thấy anh không có bảo hiểm, họ sẽ phạt anh. Tiền phạt sẽ như sau: (khi khai thuế đầu 2015) một cá nhân là $95, nếu có thêm một con thì $47.50/đứa, và cứ thế mà tính ra. Người lớn là $95, trẻ em là $47.50. Nếu hai vợ chồng hai đứa con, thì bị phạt $285, hoặc tổng cộng 1% lương trong năm. Cái nào cao hơn thì IRS phạt cái đó. Ví dụ lương anh là $30,000, IRS sẽ phạt 1% là $300, thay vì phạt $285. Ðó là mức phạt cho năm 2014 (khai thuế năm 2015). Ðến năm 2015 (khai thuế năm 2016), mức phạt cho một người là $325, nếu có thêm một con thì $162.50/đứa, gia đình hai vợ chồng hai con là $975, hoặc 2% lương trong năm. Ðến 2016 (khai thuế 2017), mức phạt cho một người là $695, nếu có thêm một con thì $347.50/em, gia đình hai vợ chồng hai con là $2,085, hoặc 2.5% lương trong năm. Càng về lâu, anh càng bị phạt nặng hơn nếu không mua bảo hiểm.

NV: Vậy là đến 2015, giấy khai thuế của mình sẽ có điều khoản viết có bảo hiểm hay không?

Tricia Nguyễn: Dạ đúng. Và nếu phạt, IRS sẽ phạt thẳng vào tiền đóng thuế.

NV: Hồi đầu chị có nói một số người có thể được trợ cấp để mua bảo hiểm như copayment, deductible, tax credit... Ví dụ bảo hiểm của tôi giá $5,000 mà tôi được trợ cấp nên chỉ phải trả $3,000. Vậy tôi đóng trước rồi nhà nước sẽ đưa tôi $2,000 sau?

Tricia Nguyễn: Thực ra không cần đến lúc anh khai thuế. Khi vào trang nhà của Covered California, vô phần tiền lương, ví dụ $47,000, thì khi ra giá, giá đã trừ phần tax credit rồi. Ví dụ anh được $3,000 tax credit, thì anh chỉ cần trả trước phần $2,000 còn lại. Chứ không phải là anh đóng rồi cuối năm IRS mới trả lại.

NV: Có nghĩa là thay vì họ đánh thuế tôi $47,000 thì họ chỉ đánh vào $42,000 thôi phải không? Và $3,000 kia tôi không phải khai thuế?

Tricia Nguyễn: Dạ đúng, chứ không phải anh được lại $3,000.

NV: Còn nếu như tôi chấp nhận phạt, tôi không khai thuế vì tôi làm tiền mặt, tôi không cần bảo hiểm nên tôi mặc kệ, làm sao IRS phạt tôi được?

Tricia Nguyễn: Ðúng là không phạt anh được. Nhưng nếu anh vào nhà thương, anh không có bảo hiểm, anh phải đóng 100%.
Thí dụ 3 ngày bệnh viện hết $30,000. Nhiều người cũng không chịu mua bảo hiểm, đến lúc vào nhà thương là bị phá sản. Luật này, họ không ép mọi người mua bảo hiểm. Nếu mình không có khả năng chi trả bảo hiểm, mình có thể xin dạng ngoại lệ, nói là tôi không thể nào mua bảo hiểm. Nếu có bằng chứng xác minh, họ sẽ miễn cho quý vị khỏi mua bảo hiểm.

NV: Còn nếu tôi vẫn không mua bảo hiểm, khi vào nhà thương không chịu thanh toán hóa đơn, vì tôi không có tài sản thì sao?

Tricia Nguyễn: Thì anh phải khai phá sản. Sau khi khai phá sản, họ có thể lấy xe, lấy nhà anh, trừ lương anh nếu anh còn đi làm. Nếu anh không có gì cả, thì nên xin bảo hiểm, vì thu nhập dưới $15,000 được bảo hiểm MediCal miễn phí với nhiều quyền lợi.

NV: Nếu ai có thu nhập thấp thì nên xin Obamacare này, mọi thứ miễn phí?

Tricia Nguyễn: Luật rất hay, không chỉ giúp cá nhân, mà còn giúp các doanh nghiệp nhỏ, từ 1 đến 50 nhân viên. Dưới 25
người thì được tax-credit, để chủ doanh nghiệp mua bảo hiểm cho nhân viên. Ðến 2016, sẽ là từ 1 đến 100 nhân viên. Vì từ năm 2015, các hãng đều phải có bảo hiểm cho nhân viên, nếu không sẽ bị phạt.

NV: Ở Orange County này, rất nhiều người Việt Nam mình có MediCal hay MSI. Tới 1 Tháng Giêng tới, những người này như thế nào?

Tricia Nguyễn: Orange County này có hai chương trình MediCal Extension, MSI cho những người dưới 200% mức nghèo của liên bang, và một chương trình cho những người thu nhập thấp, không có con, không lớn tuổi và không bệnh tật. Hiện tại, Orange County có khoảng 50,000 người sẽ được tự động chuyển sang CalOptima, và khoảng 9,500 người cần ghi danh vào Covered California.

NV: Vậy MSI (Medical Services Initiative) sẽ biến mất?

Tricia Nguyễn: Không, chương trình này vẫn tiếp tục, để cung cấp dịch vụ cho những người mà không ghi danh vào Covered
California, mà cần chữa bệnh trong tình trạng khẩn cấp. Ví dụ như anh đi cấp cứu mà có bệnh tiểu đường hay cao huyết áp, thì xin lại được MSI, chương trình không đầy đủ như MediCal hay Covered California, nhưng đủ giúp cho anh đi nhà thương, giới hạn dịch vụ, trong lúc đó thôi.

NV: Ở tiểu bang khác, không biết có MSI hay không, nhưng có chương trình nào giống giống vậy không?

Tricia Nguyễn: MSI là chương trình đặc biệt của Orange County. Tại các tiểu bang khác, Tricia không rõ.

NV: Chương trình mới cũng cho các bệnh nan y, hay chương trình phòng ngừa, trước đây bị từ chối nay được chấp thuận, co đúng không?

Tricia Nguyễn: Dạ đúng. Bảo hiểm mới cho rất nhiều dịch vụ, từ đi bác sĩ, nằm bệnh viện, chăm sóc cấp cứu, chăm sóc sản phụ, trẻ em, mua thuốc theo toa, thử nghiệm y khoa, X-ray, phòng bệnh... Người Việt Nam mình hay nói là sợ đi bác sĩ, sợ tốn. Tôi thấy là những ai lâu rồi chưa đi khám bệnh, nhất là các quý ông, nên đi để tìm bệnh nếu có thì được chữa sớm.
Quý vị đừng lo lắng, nhất là những người ở Orange County. Từ 1 Tháng Mười, họ sẽ bắt đầu gửi thơ về cho quý vị, báo quý vị sẽ được chuyển thẳng qua MediCal hay phải ghi danh Covered California. Họ sẽ chỉ tường tận những gì quý vị cần làm. Nhiều cơ quan trong cộng đồng cũng sẽ tổ chức một vài sinh hoạt giúp giải thích thắc mắc. Có thể mới đầu nghe rất là khó, bác sĩ và bệnh nhân đều lo, nhưng thực ra không có gì nên lo hết.

Vào lúc 8 giờ 30 sáng Thứ Bảy, 12 Tháng Mười, sẽ có buổi thuyết trình về “Obamacare” và hội chợ y tế miễn phí do Hội Cộng Ðồng Người Việt tổ chức tại Trung Tâm Y Tế Á Châu, 9862 Chapman, Suite B, Garden Grove, CA 92841 (góc với Brookhurst). Có chính ngừa cúm, vệ sinh răng, bác sĩ khám bệnh miễn phí. Buổi thuyết trình về “Obamacare” do tôi phụ trách bằng Tiếng Việt.

NV: Xin cảm ơn chị.
1 user thanked Phượng Các for this useful post.
Vũ Thị Thiên Thư on 10/8/2013(UTC)
Phượng Các
#2 Posted : Wednesday, October 30, 2013 5:29:09 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)

Canada có thật sự là “thiên đường y tế”?

Từ năm 2010 cho đến nay, cả nước Mỹ đã ồn ào quá nhiều xung quanh vấn đề bênh hay chống Luật Cải Tổ Y Tế. Cuộc khảo sát của ABC News / Washington Post cho hay 36% công dân có ý kiến thuận lợi với luật cải tổ y tế bị kiện lên Tối Cao Pháp Viện (TCPV) - nhưng, hệ thống chăm sóc sức khỏe hiện hành cũng chỉ được 39% chấp nhận. Tuy đa số không thấy hài lòng nhưng có đến 75% đánh giá phẩm chất chăm sóc sức khỏe hiện tại của họ là “tốt” - nên, điều khó là làm sao thực hiện các giải pháp mà không khiến cho người dân cảm thấy sợ mất loại dịch vụ mà họ xét là tích cực.

Người cao tuổi ở những nước xã hội chủ nghĩa như Canada và Châu Âu thường hưởng lợi nhiều hơn người trẻ trong mức độ chăm sóc y tế. (Obamacare cũng tương tự như vậy - bắt người trẻ đóng tiền bảo hiểm y tế nhưng người trẻ ít dùng, bù lại cho người cao niên sử dụng dịch vụ nhiều).

ABC News và Washington Post nhận thấy 38% kịch liệt chống luật cải tổ (gọi tắt ACA), 52% không tán đồng (?!?) và 12% không ý kiến. Trong giới đánh giá thấp hệ thống y tế hiện hành, chỉ 35% chấp nhận ACA - với những người không bằng lòng hệ thống hiện hành, cũng chỉ có 32% ủng hộ ACA. Vào tháng 4-2012 chỉ 38% nghĩ rằng TCPV nên loại bỏ hoàn toàn ACA, 25% muốn giữ lại tất cả và 29% tin rằng nên giữ lại một phần.

Và rồi hôm Thứ Năm, 28-6-2012, Chánh Thẩm TCPV (Chief Justice hay Justitiarius) John Roberts, đại diện pháp đình đã đọc bản phán quyết: Đạo Luật Bảo Vệ Bệnh Nhân Và Chăm Sóc Y Tế Vừa Tầm Khả Năng Tài Chánh (ACA) không đi ngược lại hiến pháp. Đạo luật cải tổ y tế - với biệt danh là “Obamacare” - được xem là một trong những thắng lợi chính trị lớn lao nhất của ông Obama. Mặc dù phải chờ cho tới ngày 1-1-2014 thì ACA mới bắt đầu có hiệu lực, nghĩa vụ cá nhân phải mua bảo hiểm y tế sẽ đòi hỏi bất cứ người nào ở Hoa Kỳ đủ khả năng tài chánh trả cho các dịch vụ săn sóc y tế, ngay cả khoản bảo hiểm tối thiểu thấp nhất, đều phải có bảo hiểm, bằng cách mua theo cá nhân hoặc thông qua người chủ tuyển dụng của mình. Nếu không có bảo hiểm y tế, họ sẽ bị phạt, bằng biện pháp là tiền của họ bị rút ra từ những ngân khoản hoàn thuế.

Tuy nhiên nếu hỏi kỹ một công dân Mỹ, nhất là những người di dân, tị nạn gốc Việt, thì dường như có rất nhiều người còn khá mù mờ về khái niệm cải tổ y tế. Đặc biệt các ông bà cao tuổi thường hay bình phẩm: “Y tế Mỹ không bằng Canada”, rồi có người kết luận: “Obama đang bắt chước Canada”. Sự thật như thế nào?

Chăm sóc sức khỏe tại Canada

Thật ra thì từ lâu người dân Mỹ đã nghe nhiều về chế độ bảo hiểm y tế toàn dân tại Canada. Người thán phục, kẻ ước ao, nhưng cũng có không ít những nghi ngờ, thắc mắc: “Tiền đâu mà chính phủ Canada chi trả nổi?”.

Người dân Canada, cũng như dân Mỹ, đều phải trả thuế lợi tức cho 2 chính phủ: liên bang và tiểu bang. Thuế suất được tính tùy thuộc vào 4 nhóm lợi tức (income bracket). Thuế liên bang: Nhóm lợi tức thấp nhất (dưới 37.885 Mỹ kim) thuế suất 15%, nhóm lợi tức cao nhất (trên 123.184 Mỹ kim) thuế suất 29%. Thuế tiểu bang: thay đổi theo tiểu bang, nhưng cao nhất là 18% và thấp nhất là 10%. Như thế, người dân Canada chịu mức thuế lợi tức tối đa là 47%. Nhưng đây là mức thuế cho nhóm dân có lợi tức cao nhất, sống tại tiểu bang đánh thuế cao nhất, chứ đa số dân Canada chỉ trả thuế suất khoảng 25%.

Hệ thống y tế của Canada là hệ thống y tế công cộng, toàn dân (universal public health care insurance) nghĩa là tất cả mọi người dân đều được bảo hiểm y tế, không tùy thuộc vào việc làm hay lợi tức. Trên nguyên tắc, người dân phải đóng tiền bảo hiểm y tế hàng tháng. Nhưng nếu lợi tức sau khi trừ thuế (net income) của gia đình dưới 28.000 Gia kim/năm thì được giảm và dưới 20.000 Gia kim/năm thì được miễn đóng. Còn lương trên 28.000 Gia kim thì mỗi tháng cũng chỉ đóng 54 Gia kim (Canadian dollar = 0.97 US dollar) cho cá nhân hay 96 Gia kim cho vợ chồng, hay 108 Gia kim cho gia đình (3 người trở lên).

Những người đi làm việc thì tùy theo cơ quan hay công ty, có thể được chủ nhân trả cho phân nửa hoặc bao luôn tiền này. Như vậy, vì số tiền đóng bảo hiểm y tế hàng tháng quá thấp, chỉ có tính chất rất tượng trưng, nên nói y tế Canada miễn phí thì cũng không sai, và toàn bộ dân chúng Canada đều có bảo hiểm y tế: đi khám bệnh miễn phí, làm các xét nghiệm y khoa miễn phí, sinh đẻ miễn phí, chữa trị bệnh viện miễn phí, gần như cái gì liên quan đến y tế thì đều miễn phí.

Hệ thống bệnh viện Canada

Bác Sĩ P. N. V. Trang, hiện đang sinh sống tại miền Nam California nói với nhật báo Viễn Đông: “Mình từng là bác sĩ, sống cùng bố mẹ ở Vancouver, Canada. Sau đó mình lập gia đình với ông xã mình, anh Hưng, là bác sĩ hành nghề tại vùng Riverside và mình quyết định qua Hoa Kỳ định cư luôn. Có hai lý do khiến mình sang Mỹ. Thứ nhất là tại Canada, mức lương bác sĩ bị hạn chế chứ không như tại Mỹ, mình lại thuộc vào thành phần lợi tức cao, nên phải đóng thuế ở mức tối đa, trong khi tại Mỹ thì mức thuế thấp hơn. Thứ hai là khi đó mình còn trẻ, 30 tuổi nên sức khỏe tốt, đó là lý do mình không muốn trả thuế quá cao khi mình hầu như không bao giờ cần đến các dịch vụ y tế. Cho nên khi sang Mỹ, tuy mình không lấy lại được bằng hành nghề bác sĩ (các bác sĩ từ các nước khác hầu như không thể lấy được bằng tương đương để hành nghề vì các điều kiện khá gắt gao của Bộ Y Tế Hoa kỳ nhằm hạn chế số lượng bác sĩ từ nước ngoài), mình vẫn chấp nhận bỏ nghề và cho đến nay mình vẫn hài lòng với quyết định này. Từ đó đến nay mình làm thư ký tại phòng mạch của ông xã”.

Khi được hỏi về bảo hiểm y tế tại các bệnh viện Canada, cô Trang cho biết: “Trước kia, khi sống tại Vancouver, mình làm việc tại bệnh viện và còn có phòng mạch riêng nên mình biết khá rõ về nền bảo hiểm y tế của Canada. Người dân đất nước này, khi bệnh thì đi gặp bác sĩ để được khám bệnh miễn phí. Còn nếu bệnh nặng phải vào nhà thương, những người dân thường chỉ hơn người ăn welfare (tiền trợ cấp xã hội) ở chỗ là họ có thể được nằm một phòng riêng, còn những ai ăn welfare phải nằm chung phòng với vài người khác, nhưng chữa trị và thuốc thang như nhau. Ngay cả người homeless (không nhà cửa) cũng có thể nằm cùng bệnh viện với một triệu phú, hay thậm chí với vị Thủ Tướng vì Canada không có bệnh viện tư và không có bệnh viện riêng dành cho các quan chức. Một khi đã vào bệnh viện, không người dân nào trả một đồng xu. Đây là điểm mà người dân Canada thường tự hào về phương diện y tế”.

Phẩm chất phục vụ ở Canada

Khi được yêu cầu so sánh về phẩm chất phục vụ giữa các bệnh viện tại Canada và Mỹ, cô Trang cười: “Thế nếu như bạn phải trả 10 ngàn, thậm chí hai, ba chục ngàn đô la để được ở tại khách sạn 5 sao, và được cho ở free trong một khách sạn 3 sao thì bạn chọn cái nào? Theo cái nhìn rất cá nhân, cho phép mình tạm xếp loại phẩm chất các bệnh viện tại Mỹ và tại Canada như thế”.

Bác sĩ Canada lãnh lương như thế nào?

Cô Trang tiếp: “Tuy y tế Canada theo xã hội chủ nghĩa nhưng không phải toàn bộ bác sĩ y tá lãnh lương cố định như công nhân viên chức. Thay vì có hàng trăm hãng bảo hiểm y tế chi trả cho bác sĩ nhà thương như ở Mỹ, chính quyền các tiểu bang ở Canada đóng vai trò medical insurer (nhà bảo hiểm y tế). Chính quyền quy định các chi phí dịch vụ, khám bệnh bao nhiêu tiền, một lần thử máu bao nhiêu tiền, một ca phẫu thuật bao nhiêu tiền... và trả cho bác sĩ, nhà thương thực hiện cácdịch vụ đó. Thay vì gởi hóa đơn tính tiền cho các hãng medical insurance (bảo hiểm y tế) như ở Mỹ, bác sĩ và nhà thương ở Canada gởi bill tới cho Bộ Y Tế tiểu bang. Do đó, giữa các bác sĩ vẫn có sự chênh lệch lợi tức, ít bệnh nhân thì lợi tức thấp, nhiều bệnh nhân thì lợi tức cao.Bệnh viện đông bệnh nhân, khéo quản lý thì thặng dư ngân sách, ngược lại thì chính phủ phải bù lỗ, nhưng nếu bệnh viện bị thâm hụt quá thì rất có thể sẽ nằm trong danh sách bị đóng cửa nếu có cắt giảm ngân sách".

Tuy nhiên, bác sĩ ở Canada không kiếm được nhiều tiền như bác sĩ ở Mỹ, vì giá cả dịch vụ do chính phủ ấn định. Theo Viện Thông Tin Y Tế Canada (Canadian Institute for Health Infomation) thì trung bình bác sĩ gia đình (family doctor) tại Canada có mức thu nhập hằng năm chừng 240 ngàn Gia kim, trong khi bác sĩ chuyên môn (specialist) kiếm chừng 340 ngàn Gia kim, là mức thu nhập thua xa nếu so với các bác sĩ tại Hoa Kỳ.

Ngành dược tại Canada

Người viết bài này, đã hành nghề dược sĩ tại Québec, Canada, trong 12 năm, và sang Mỹ tiếp tục với nghề này cho đến nay thêm 12 năm nữa. Gần 13 năm sống tại Canada, tôi chưa hề, dù chỉ một lần, cần đến dịch vụ y tế (đi bác sĩ, mua thuốc, chích ngừa, vào bệnh viện, vân vân). Với nghề dược sĩ, tôi thuộc vào thành phần lợi tức khá, và phải đóng thuế 44%, trong khi tại California thì chỉ đóng 30%. Nếu tính theo mức lương dược sĩ thì 14% chênh lệch thuế tương đương chừng 1.300 Mỹ kim một tháng. Cứ xem như số tiền này người dược sĩ mang quốc tịch Canada tự mua bảo hiểm y tế cho mình (health insurance), coi như họ mua sự an tâm vì e rằng mai này khi về già đổ bệnh ra thì sẽ có chính phủ đài thọ. Chắc chắn ai cũng phải nhìn nhận rằng số tiền đóng hằng tháng này (1.300 Mỹ kim) là “vô cùng đắt đỏ” cho một người trong độ tuổi từ 20 đến 35. Đó chính là câu trả lời vì sao tôi cùng hằng ngàn dược sĩ khác đã rời bỏ Canada vào cuối thập niên 1990 để nhập vào Mỹ khi “cơn đói” dược sĩ lên cao nhất tại khắp nước Mỹ.

Theo Bộ Y Tế Canada thì hiện nay tỉ lệ dược sĩ nằm trong lứa tuổi từ 23 đến 45 (lứa tuổi được xem là có xác suất bệnh tật thấp) là 42% và từ 46 đến 65 tuổi là 54%. Và chính nhờ thu số tiền này của những người đi làm đóng thuế hàng năm mà chính phủ có khả năng chi trả cho những bệnh nhân lớn tuổi đang cần được điều trị.

Người dân Canada mua thuốc ra sao?

Khi bị bệnh thì người dân Canada đi gặp bác sĩ miễn phí. Khi được bác sĩ cho toa mua thuốc, nếu thuộc vào thành phần lợi tức thấp thì người bệnh hoặc là không phải trả hay trả rất ít. Nếu là thành phần tự làm chủ (self-employed) sẽ phải móc tiền túi ra trả, còn những người đi làm thuê và trong nơi làm việc có bảo hiểm y tế phụ trội (extended medical insurance plan) thì sẽ phải trả 20% tiền thuốc thôi, chương trình bảo hiểm y tế phụ trội trả 80%. Có thể nói là hầu hết bệnh nhân mua thuốc đều được bảo hiểm bởi chính phủ, người chủ nhà thuốc chỉ cần gửi hóa đơn cho chính phủ hằng tháng, và sẽ được trả một số tiền cố định cho một toa thuốc, nghĩa là cho dù dược sĩ bán một món thuốc X trị giá 10 Mỹ kim hay thuốc Y trị giá 1.000 Mỹ kim thì cũng sẽ được nhận một số tiền lệ phí phục vụ bằng nhau.

Lạm dụng và gian lận

Ông Tim Menke - cố vấn của phòng Tổng Thanh Tra thuộc Bộ Y Tế Xã Hội Hoa Kỳ có cho biết: “Theo ước lượng, các vụ gian lận Medicare tại Mỹ đã gây thiệt hại cho quỹ thuế do công dân đóng góp khoảng 60 tỉ Mỹ kim hàng năm”. Khi còn làm việc tại bệnh viện và các nhà thuốc tại Montréal trong những năm 1990, người viết cũng đã từng đọc nhiều bài báo về các trường hợp gian lận khi một vài bệnh viện hay dược phòng gửi hóa đơn tính tiền chính phủ, nhưng trên thực tế họ không hề thực hiện các dịch vụ như trên giấy tờ. Nhưng vì đã lâu và không đi sâu vào các con số thống kê, nên không còn nhớ được là vấn đề này gây thiệt hại bao nhiêu cho đất nước Canada, nhưng chắc chắn phải là một con số không nhỏ.

Gian lận thường xuất phát từ hai lý do: thứ nhất là vì không đủ lợi tức (profit) nên con người phải gian lận để duy trì thương vụ của mình mà tồn tại, thứ hai là vì lòng tham. Nếu gạt bớt động lực vì lòng tham thì theo ý kiến cá nhân của người viết, hiện nay các bệnh viện, phòng mạch, nhà thuốc không cần phải gian lận, chỉ vì số lượng người bệnh đã quá đông đúc rồi, nên không cần thiết phải gian lận mới đủ sống hay có lời nhiều. Nếu tính trung bình thì hiện nay các nhà thuốc tây tại miền Nam Cali bán thuốc cho hơn 100 toa một ngày (tiệm nào được chừng hơn 200 thì khá lắm rồi đó), trong khi tại Montréal hiện nay, 400, 500 toa là chuyện thường ngày, thậm chí có tiệm đến 800 toa, một điều mà các chủ nhân nhà thuốc tại Mỹ “không dám mơ tới nổi”. Lý do: Số người già tại Canada đông quá mức nên nhu cầu thuốc men gia tăng mau như diều gặp gió.

Cầm giữ bệnh nhân

Ở Canada, khi người sản phụ sinh con, đa số bệnh viện đều có khuynh hướng kéo giữ bệnh nhân nằm lại thật nhiều ngày để "theo dõi bệnh tình", mặc dù người phụ nữ hoàn toàn khỏe mạnh và xin cho về nhà sớm. Lý do bệnh viện chưa cho về đôi lúc khá buồn cười, như vì bệnh nhân còn "hơi táo bón" nên cần ở lại để được điều trị. Thật ra, đó chỉ là cái cớ để bệnh viện tiếp tục gửi hóa đơn cho chính phủ. (bên Mỹ sinh con mới 2 ngày là đã xuất viện).

Người bệnh thường xuyên đi bác sĩ

Còn người bệnh ở Canada thì động tí là đi bác sĩ, và dù bác sĩ có cho biết rằng "Ông/Bà không sao, không bệnh gì nặng, chỉ cần về nghỉ ngơi", thì bệnh nhân vẫn luôn luôn kỳ kèo bác sĩ cho một toa thuốc "gì đó" mới an tâm. Thế là để “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”, các bác sĩ thường cho 100 viên Tylenol (thậm chí nhiều bác sĩ đã in sẵn trên toa, chỉ cần ký tên), mua về để cho chật tủ thuốc. Còn nếu bác sĩ để bệnh nhân ra về "tay không" thì rất dễ mất khách, nhất là khách Việt Nam. Thế là các nhà thuốc tây hầu như nơi nào cũng đếm sẵn trước 100 viên Tylenol, hễ khách vào đưa toa ra thì có ngay lọ thuốc, chỉ cần dán nhãn vô thôi. Mà Tylenol thì giá vốn rất rẻ, cứ gửi hóa đơn cho chính phủ lấy tiền lệ phí bán thuốc, hóa ra cả 3 đàng đều lợi (bệnh nhân, bác sĩ, dược sĩ).
Nói thì có người không tin, hơn 15 năm trước, chính phủ Canada còn “khá giả” nên trả luôn tiền thuốc vitamin, calcium, thứ gì cũng trả ... nên người ta thường giả bộ bệnh, đi bác sĩ xin các loại thuốc này để ... gửi về Việt nam làm quà cho thân nhân, bè bạn. Nói chung, đây là hiện tượng lạm dụng nền y tế công cộng tràn lan tại Canada.

Nạn "chảy máu chất xám"

Anh V. John Bình, kỹ sư điện toán đang làm việc tại miền Bắc California, kể lại: “Tôi rời Toronto năm 1998 để sang San Jose làm việc khi cơn sốt computer lên đỉnh điểm ở cả hai nước. Tại xứ sở Canada, nơi mà rất nhiều người ca ngợi là thiên đường y tế, và thậm chí từ vài năm nay toàn nước Mỹ đang ồn ào tranh luận, và hằng triệu người Hoa Kỳ đang tự vẽ ra một viễn cảnh an nhàn kiểu như "Tôi làm việc tàng tàng, đóng thuế chút chút, thậm chí không cần làm, nhưng hễ bệnh tật thì đã có chính phủ lo". Nếu chỉ suy nghĩ thô thiển như thế thì Canada đâu có tình trạng chảy máu chất xám nhức nhối từ gần 15 năm nay. Giới trẻ (với nhu cầu y tế thấp nhất) và giới trí thức (thành phần đóng thuế cao nhất) đều cảm thấy bất bình khi họ phải đóng thuế quá cao, làm bao nhiêu đều phải nộp cho chính phủ để mà nuôi những ai không làm việc được, dù vì lý do bệnh tật hay thất nghiệp. Tuy rằng ai già cũng sẽ đến lúc đó, nhưng tuổi trẻ không nghĩ như vậy”.

Đòi hỏi sự công bằng

Anh Bình nhận xét: "Với họ, đó không phải là sự công bằng. Mỉa mai nhất cho chính phủ Canada là khi các tầng lớp trí thức (còn được gọi là tầng lớp chất xám - bác sĩ, dược sĩ, y tá, nha sĩ, kỹ sư, kiến trúc sư, vân vân...) được đào tạo hầu như miễn phí (hay với tiền học phí rất thấp so với Mỹ), thì khi vừa tốt nghiệp đi làm việc vài năm là họ nhận ra ngay sự bất công này. Thế là đất nước Canada với nền y tế tuyệt vời không còn cầm giữ nổi chân họ nữa. Và đó chính là nguyên nhân gây ra nạn chảy máu chất xám (giới trẻ và thành phần trí thức ồ ạt bỏ Canada sang Hoa Kỳ làm việc) đã khiến chính phủ Canada nhức đầu và bất lực. Và tôi nằm trong số đó. Tôi rời Toronto năm 28 tuổi, khi hầu hết các bạn bè đều rời "đất nước lá phong" để tìm đến "xứ sở cờ hoa" - quốc gia biểu tượng cho sự công bằng. Tôi siêng năng thì tôi giàu, còn anh làm biếng thì anh nghèo, anh khổ. Với tôi, Hoa Kỳ là đất nước của những người siêng năng và thành công, chứ không phải của những ai nằm đó chờ đợi người khác đóng thuế nuôi mình". - (TV)

Ghi chú: Trên đây chỉ là ý kiến cá nhân ghi nhận từ các người được phỏng vấn, không nhất thiết là ý kiến hay nhận xét của nhật báo Viễn Đông.

Phượng Các
#3 Posted : Sunday, November 3, 2013 10:52:17 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Rất ít người ghi danh được vào Obamacare lúc đầu
Saturday, November 02, 2013 3:49:16 PM



WASHINGTON (NV) - Tài liệu thu thập được của Dân Biểu Darrell Issa (Cộng Hòa-California), chủ tịch Ủy Ban Giám Sát Chính Phủ của Hạ Viện, cho thấy vào ngày đầu tiên của chương trình bảo hiểm y tế Obamacare, chỉ có sáu người thực sự ghi danh và tăng lên 248 người trong ngày thứ nhì, theo WallStreetCheatSheet.com


Do lỗi kỹ thuật của nhu liệu dùng để ghi danh trực tiếp, khiến 31 ngày đầu tiên của thời kỳ sáu tháng ghi danh bị đảo lộn, như người ghi danh muốn vào trang mạng phải chờ đợi hàng giờ, không mở được trương mục cá nhân để hoàn tất tiến trình gồm 30 bước, gửi đến các hãng bảo hiểm thông tin sai lạc, và làm cho khách hàng khó biết được chi phí y tế phỏng định một cách chính xác.

Bà Marilyn Tavenner, giám đốc Trung Tâm Dịch Vụ Medicare và Medicaid, nói trong buổi điều trần hôm Thứ Ba trước Ủy Ban Thuế Hạ Viện rằng tiết lộ nói trên chẳng có gì đáng ngạc nhiên.

Bà nói: “Chúng tôi đã dự trù con số sẽ nhỏ ngay từ đầu.” Cơ quan bà chịu trách nhiệm làm sao bảo đảm chương trình của liên bang này sẽ hoạt động hữu hiệu kể từ ngày 1 Tháng Mười.

Từ khi ký ban hành Obamacare, tên chính thức là “Affordable Care Act,” vào Tháng Ba 2010, chính phủ Obama sử dụng chương trình cải tổ y tế tương tự ở Massachusetts làm thước đo noi theo để áp dụng vào việc ghi danh trên toàn quốc.

Chính vì nương theo trường hợp của tiểu bang Massachussetts, theo lời bà Tavenner, mà con số ghi danh lúc đầu bị chậm hơn so với dự liệu.

Bà Tavenner thêm: “Kinh nghiệm của Massachussetts cho thấy bị chậm lúc ban đầu rồi sau đó mới nhanh. Chúng tôi cũng hy vọng tương tự đối với toàn quốc.”

Chính phủ dự trù sẽ có bảy triệu người ghi danh vào chương trình bảo hiểm trước ngày 31 Tháng Ba, 2014, tức ngày cuối để ghi danh. (TP)

nguoiviet online
Users browsing this topic
Guest (2)
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.