Vài đề nghị nhỏ liên quan đến sách – Nguyễn Hưng Quốc
Trong lãnh vực văn học, chúng ta có thói quen hay cao đàm khoát luận về đủ thứ chuyện lớn lao nhưng tiếc thay chúng ta lại thường lơ là về những thứ cụ thể, gần gũi và cấp thiết nhất. Hậu quả là có những khuyết điểm cứ kéo dài dằng dai mãi trong khi, thực ra, chỉ cần một chút xíu ý thức và quyết tâm, là chúng ta có thể khắc phục được ngay, chẳng cần một “hàn lâm viện” nào cả. Chỉ thử nêu lên một vài trường hợp nhỏ, sơ đẳng, đơn giản và dễ thực hiện nhất.
Thứ nhất, về nhan đề in ở gáy sách. Trong sách tiếng Anh, nhan đề in ở gáy hướng về trang bìa trước, để, nếu chúng ta đặt sách nằm ngửa trên bàn, hàng chữ ở gáy sẽ thẳng đứng. Trong sách tiếng Pháp, ngược lại, nhan đề ở gáy được in hướng đầu về trang bìa sau, do đó, để nhan đề ở gáy được đứng thẳng, chúng ta phải đặt sách nằm sấp (trang bìa trước úp xuống bàn). Hướng về phía nào cũng được, chỉ là vấn đề thói quen, nhưng điều quan trọng là phải nhất quán: cuốn sách tiếng Anh nào cũng in nhan đề ở gáy giống nhau và cuốn sách tiếng Pháp nào cũng in nhan đề ở gáy giống nhau. Với sách tiếng Việt thì khác. Có cuốn nhan đề ở gáy nằm hướng này, có cuốn nhan đề nằm ở hướng khác. Rất vô chính phủ. Ai chưa hình dung ra tình trạng oái oăm này, xin thử nhìn lên kệ sách của mình (hoặc nếu không có, thì kệ sách Việt ngữ trong thư viện) một lúc thì sẽ thấy mỏi cổ ngay: lúc phải ngoẹo cổ về hướng này, lúc phải ngoẹo cổ về hướng khác để đọc các nhan đề trên gáy sách. Khổ!
Ðề nghị: các nhà xuất bản (nhất là trong nước) thống nhất in gáy hướng về mặt bìa trước để bà con đỡ mỏi cổ!
Thứ hai, về vị trí của mục lục. Trong sách tiếng Anh, mục lục thường nằm ở trước. Trong sách tiếng Pháp, mục lục nằm sau cùng. Cách đặt mục lục ở những trang đầu tiên của cuốn sách hay tờ báo như cách các nước nói tiếng Anh làm rõ ràng hợp lý và tiện lợi hơn: mục lục là cái người đọc cần đọc đầu tiên để, thứ nhất, ít nhiều hình dung đại ý cuốn sách hay chủ đề của tờ báo; thứ hai, có thể xác định được ngay những gì mình cần đọc trước và những gì mình cần đọc sau. Ðối với sách báo tiếng Việt thì đúng là… tự do tuyệt đối, lúc mục lục nằm trước, lúc nó lại nằm sau, khiến cho, khi cần phải tìm một bài viết nào đó trong đống sách báo Việt ngữ, chúng ta thường rất mất công và bực mình: mở cuốn thứ nhất, thấy mục lục nằm ở đầu; đến cuốn thứ hai, lật mấy trang đầu, không thấy, loay hoay một lúc mới phát hiện nó nằm ở trang… cuối; sang cuốn thứ ba, tưởng nó nằm ở trang cuối, té ra, nó lại nhảy lên trang đầu trở lại. Cứ thế. Tìm tài liệu mà cứ như là dò mìn.
Ðề nghị: Thống nhất việc đặt mục lục ở những trang đầu. Luôn luôn. Ðể mở bất cứ tờ báo hay tạp chí hay cuốn sách nào ra là thấy ngay mục lục.
Thứ ba, về việc ghi chú tài liệu, chúng ta rất thường… quên. Hậu quả là, một, khi đọc, chúng ta cứ phân vân không biết tác giả lấy tài liệu từ đâu, có chính xác và đáng tin cậy được hay không; hai, khi đánh giá, chúng ta cứ phân vân không biết một ý tưởng nào đó là phát kiến riêng tác giả hay chỉ là sự vay mượn, tổng hợp từ những nguồn tài liệu khác; ba, nếu chúng ta muốn nghiên cứu thêm về đề tài ấy thì chúng ta cũng chẳng biết nên đọc thêm những gì và bắt đầu từ đâu.
Ðề nghị: xin tác giả các bài nghiên cứu ghi giùm “tài liệu tham khảo” để bà con nhờ.
Thứ tư, với sách nghiên cứu, có lẽ nên thêm “Bảng tra cứu” (Index) trong đó ghi số trang của những vấn đề chính hoặc những tác giả được đề cập đến trong công trình để, độc giả, khi cần tìm hiểu về một tác giả hoặc một vấn đề nào đó, chỉ cần lật nhanh đến những trang liên hệ mà thôi. Ví dụ, để tìm những đoạn liên hệ đến Bùi Giáng trong cuốn Văn Học Miền Nam, tổng quan của Võ Phiến, chúng ta chỉ cần lật phần “Danh biểu” (tức một hình thức của ‘bảng tra cứu’), sẽ thấy ngay những trang mình cần đọc là: 47, 141, 285, v.v.. Rất nhanh. Tiếc là phần lớn sách tiếng Việt lại không có những bảng tra cứu tương tự, do đó, việc tìm tài liệu trở thành một cực hình, rất mất thì giờ, nhiều khi thành vô vọng.
Ðề nghị: tất cả các sách nghiên cứu nên thêm phần “Bảng tra cứu.” Với việc xếp chữ trên máy computer như hiện nay, việc lập bảng tra cứu như thế rất đơn giản và nhanh chóng, ai cũng có thể làm được.
Thứ năm, về chính tả và cách trình bày: Chỗ nào cần in nghiêng? Chỗ nào phải viết hoa? Lúc nào thì dùng dấu một nháy (‘…’), lúc nào thì dùng dấu hai nháy (“…”)? Dấu chấm (.) lúc nào được đặt trước và lúc nào thì được đặt sau dấu ngoặc đơn ()? v.v…
Ðề nghị: Nếu các nhà văn, nhà thơ có lơ đễnh thì các chủ bút hay các biên tập viên trong các tòa soạn và các nhà xuất bản nên để ý sửa đổi hầu tránh tình trạng “vô chính phủ” đã kéo dài quá lâu này.
Trong sinh hoạt văn học Việt Nam có vô số những khuyết điểm cần khắc phục. Ở đây, tôi chỉ xin nêu vài vấn đề sơ đẳng và cũng dễ thực hiện nhất. Nhân tiện, cũng xin đề nghị Bộ Văn Hóa hay Ủy Ban Khoa Học Xã Hội Việt Nam nên động não một tí: những chuyện như vậy mà không nghĩ ra và không làm được thì họ tồn tại để làm gì?
NHQ