Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

Phan Thị Vàng Anh
Phượng Các
#1 Posted : Saturday, November 27, 2004 4:00:00 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)



Phan Thị Vàng Anh



Sinh ngày 18-8-1968 tại Hà Nội
chánh quán Cam Lộ Quảng Trị
(con gái nhà thơ Chế Lan Viên)
Tốt nghiệp Y Khoa Sài Gòn năm 1992
Hiện sống tại Sài Gòn

Tác phẩm đã xuất bản :
· Khi Người Ta Trẻ (truyện ngắn, 1993)
· Ở Nhà (truyện vừa, 1994)
· Hội Chợ (truyện ngắn, 1995)



Phượng Các
#2 Posted : Sunday, November 28, 2004 4:36:15 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Đọc NHÂN TRƯỜNG HỢP CHỊ THỎ BÔNG của Thảo Hảo


Trần Nhuệ Tâm


Thảo Hảo chọn nhan đề truyện "Nhân trường hợp chị thỏ bông" đặt tên chung cho tập sách gồm 34 truyện, viết từ 3/2002 đến 1/2004. Thật ra "Nhân trường hợp chị thỏ bông" và những truyện khác vốn là những bài viết đã đăng thường kỳ trên báo Văn Hóa Thể Thao. Việc nhà xuất bản Hội Nhà Văn cấp giấy phép, in 1000 cuốn, khổ 12x18, giá: 18.000$, chỉ là việc tập hợp cho có không khí tản văn.
Có một anh chàng (mà tác giả gọi là bạn) tranh thủ đi mát-xa nhân trường hợp vợ về quê, thăm mẹ vợ. Trong tiệm, cô gái làm mát-xa kể cho anh nghe truyện ngụ ngôn về một chị thỏ bông, truyện có đại ý là: Chị thỏ bông nọ đi lạc, ba lần, gặp ba anh thỏ khác màu lông, trong ba đêm. Khi về đến nhà, anh chồng thỏ vẫn vô tư thức dậy đánh răng. Và sẽ tiếp tục hồn nhiên vui sống với chị thỏ bông cùng cái bào thai chắc chắn khi sinh ra sẽ có bông giống như chó đốm. Qua truyện này, Thảo Hảo không chỉ muốn mách với chị em: “…Nếu các chị bật đèn xanh, sẽ có vài người đàn ông mong được các chị cười với họ một cái, hay ăn một bữa cơm của các chị nấu, hay được các chị xoa đầu.” Thảo Hảo còn muốn khuyến cáo các phương tiện truyền thông đang viết về đề tài "bình đẳng giới tính" rằng:
“… Kiểu gì, như báo đã nói, cũng là lỗi của các chị thôi.”
“Và báo (có lẽ đã ăn hối lộ của đàn ông) mà đề cao quá sức cái công dung ngôn hạnh, gần như đặt hẳn các chị lên bàn thờ, khiến các chị không leo xuống được để đấu tranh bình đẳng với đàn ông”.
Thảo Hảo tiếp tục muốn dang tay, dạng chân sử dụng vũ khí nữ quyền, không để phòng thủ mà rất sẵn sàng tấn công:
“Thường bao giờ họ (đàn ông) cũng bắt các chị lựa chọn: hoặc là hoa dại và không có anh ấy; hoặc là thành hoa nhựa và có anh ấy; các chị chọn ngay con đường hoa nhựa.”
“Các chị không biết rằng nếu các chị cứng đầu làm hoa dại, thì các chị sẽ không mất gì cả, mà còn kích thích người ta giữ các chị lại hơn.”
“Bình đẳng với phụ nữ là cho họ biết vũ khí mà họ có, và để họ tùy nghi sử dụng sau khi đã cân nhắc được mất.”
So với phụ nữ phương Tây, cách nhìn của tác giả về nữ quyền, nói chung không mới. Nhưng trong bối cảnh “đạo đức đậm đà bản sắc dân tộc” của phụ nữ Việt Nam, quan điểm trên của Thảo Hảo là táo bạo, là khẳng định và cổ động mạnh mẽ hành vi phiêu lưu đậm chất cách mạng giới tính. Đáng phục!
Và đúng ra truyện "Nhân trường hợp chị thỏ bông" đã kết lại ở lập trường này., hưng đáng tiếc là Thảo Hảo lại khư khư giữ quyền sợ mất “đạo đức”. Có thể hiểu là tác giả sẽ yên thân và yên tâm hơn khi hạ bút kết rạch ròi theo một mệnh đề luôn là một thứ bệnh quen thuộc với những người viết ở xứ ta: nghĩ một đằng làm một nẻo. Sống dấn thân ư? Cho em xin: “Tôi nghĩ kỹ rồi, tôi chỉ hung hăng thế thôi. Để không mất anh ấy, tôi sẽ làm hoa nhựa.”
Mời các bạn tìm đọc những câu truyện khác của Thảo Hảo một bút danh của nhà văn Phan Thị Vàng Anh để lại yêu thích bút pháp sắc gọn, lại bị quyến rũ rất quái bởi những góc cạnh nơi tác giả đặt vấn đề. Và còn tự thấy chính mình trở nên thú vị hơn khi bị tác giả tước mất cái thói quen rề rà lôi thôi. Thảo Hảo xô thẳng người đọc vào những đề tài mà người đọc và người viết quan tâm. Đó cũng là thành công của tác giả tập sách này.
Song nghĩ cũng lạ, trong sách này sao mà Thảo Hảo lại tốn hơi với “vua bãi rác” ngần ấy. Chi vậy?


Trần Nhuệ Tâm



Gác Trọ
#3 Posted : Monday, February 21, 2005 9:36:16 AM(UTC)
Gác Trọ

Rank: Advanced Member

Groups: Registered, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 66
Points: 48

Rồi sẽ yêu ai

Phan Thị Vàng Anh


"Hoàn ơi, có thằng mết mày lắm đấy . Ở cùng tổ mày, nhà trên đường mày về. Mày đứng, nó ngồi thì cao bằng nhau". Cả bọn ngồi vắt vẻo trên lan can nhìn tôi chờ đợi .

"Tao biết rồi, thằng Tường chứ gì? Nó đáng tuổi em tao!".

Tôi biết có nói cũng thừa Giờ này trường vắng tanh. Văn phòng, căng tin đều đóng cửa . Thực tập xong, chúng tôi ở lại một chút để tán dóc. Con gái 19, 20, chuyện nào cũng quay về chuyện tình yêu . Tôi băn khoăn nhìn Lan và Xuân, không hiểu tụi nó nói đùa hay thật về cái tin lúc nãy nhỉ?

Tường nhỏ hơn tôi ba tuổi . Hôm qua là sinh nhật nó, tôi vào căng tin mua một gói me: "Mừng oắt con thêm một tuổi nhé". Tường không cười, chăm chú nhìn gói me: "Sao lại không thêm được ba tuổi nhỉ". Vì sao hôm qua tôi lại không nghĩ gì cả. Trong thâm tâm, tôi coi nó như em, con gái trong lớp cũng coi nó như em út.

Tôi đọc một quyển truyện nói về tình yêu giữa một cô bé và một người lớn tuổi . Vì chênh lệch nên họ xưng hô là "ông" và "em". Khép sách lại, tự nhiên tôi nảy ra ý nghĩ vô cùng bất ngờ là mình phải có một người lớn để yêu và phải hơn tôi nhiều tuổi để có thể áp dụng cách xưng hô của truyện. Người ta bảo con gái hay coi thường con trai bằng tuổi, và tôi, tôi đã chán cái cảnh ngồi cãi nhau om lên với mấy thằng bạn trong lớp chỉ vì chép khác nhau một chữ trong bài .

Tôi hỏi mẹ: "Nếu bồ mình lớn tuổi quá thì mình gọi là ông, xưng là em hả". Mẹ đang đếm tiền nên cáu: "Im đi, tao nhầm bây giờ. Mà mày bồ với người lớn làm gì? Để con rể là bạn của tao với ba mày à?".

Sáng nay không có nắng, trời lại có vẻ muốn mưa. Gửi xe xong tôi đi vòng vòng qua cây thị xem may ra có nhặt được quả nào không. Tổ trực đêm qua đã vơ vét hết, chỉ để lại mấy quả nát bét trên sân. Ở sân hành lang, tôi gặp Tường, nó đi ngược lại, xòe năm ngón tay ngó ngoáy như định móc mắt tôi, cái miệng non choẹt méo qua một bên. Tôi bảo: "thằng điên!". Tường bỏ vào túi tôi một quả thị con rồi cùng đi vào giảng đường. Hai tiết đầu là Sinh Vật, tôi luôn luôn quên đem viết chì. Thầy Sinh vật chưa già nhưng dáng đi chậm chạp, các bạn của tôi gặp thầy đi chợ mua toàn những bó rau bé tí, phòng thầy ở trọ cũng bé tí. Tôi nghe kể bỗng thấy mũi mình cay cay . Lan ngồi cạnh tôi, mặt bé như con chuột con, chép miệng như một bà già: "Trí thức chân chính là khổ thế đấy!". Tôi nhìn nó, phì cười, không hiểu cô ả học phong cách người lớn ấy ở đâu .

Tôi ở lại trường buổi trưa . Tất cả lên hành lang các phòng thực tập ngủ. Con gái ở lầu hai, con trai ở lầu ba. Đôi khi có những cậu sinh viên lớ ngớ xuống nhầm lầu làm các cô nháo nhác như gà phát hiện ra trong chuồng mình có chuột. Ngủ dậy, ở vòi nước rửa mặt, tôi gặp Bảo Bảo chờ tôi, nôn nóng: "Đi uống nước, Hoàn!" - "Sắp đến giờ rồi!". "Còn mười phút nữa mà!".

Bảo bằng tuổi tôi nhưng người lớn hơn, là một nhân viên chép bài hộ khi tôi nghỉ học. Nước chanh ở trường tôi rẻ và dở hơn bất cứ nơi đâu, vị ngọt của nó làm người ta càng khát hơn. Ở cuối căng tin, Tường ngồi với mấy đứa bạn, nhìn tôi buồn bã, miệng hút thuốc phì phèo . Bảo nói với tôi ra vẻ đàn anh: "Tường nó đang tập thở ra vòng tròn!". Tôi không hiểu hút thuốc thì ngon lành gì nhỉ. Ở phòng thực tập, Tường úp mặt lên cái túi của tôi trông thảm não lắm. "Tường đau đầu hả, xin nghỉ đi!". "Không, sao Hoàn lúc nào cũng muốn tôi nghỉ học?". Tôi nhìn cái gáy trẻ con của nó, tóc có cái đuôi dế mèn, người ta bảo đây là dấu hiệu của trẻ con ăn tham. Tôi đi mượn dầu, dù biết rằng dầu chẳng có tác dụng gì trong việc nàỵ "Thôi đi Hoàn, tôi có bệnh đâu mà cần dầu". Tôi thừa hiểu cái giọng trách móc ấy nhưng cố giả ngu ngơ "Vậy Tường buồn khổ cái gì mà thảm vậy. Ai làm khổ Tường?". "Chẳng ai cả, tôi làm khổ tôi" rồi nó bỏ sang bàn thực tập bên cạnh. Tôi thắng 1-0.

Hình như tôi đã có tình cảm gì đó dành cho Tường. Rất dịu dàng, mơ hồ... không thể hiểu nổi . Mặt Tường non choẹt, răng khểnh dùng vào việc nhe ra trêu tôi hơn làm dùng để cười duyên. Cả lớp hình như lờ mờ đoán ra, nhưng Tường chỉ bằng tuổi em tôi! Buổi chiều tôi, Xuân, Lan ngồi học bài trên hành lang dẫn vào thư quán. Một chỗ ngồi lý tưởng trên đầu là tán me, nhìn xuống hồ cá như một quả tim xây theo kiểu tượng trưng. Ba đứa ngồi xa nhau để tránh nói chuyện. Chợt tôi nghe Lan rít lên nho nhỏ: "Em mày kìa Hoàn!" rồi tôi nghe rất rõ bước chân Tường đang tới gần, gần lắm rồi đi mất, không có gì thêm. "Sao kỳ vậy Hoàn, mày và nó giận nhau hả?" - "Không, quen vậy rồi, xem kẽ một ngày là lơ, một ngày vồn vã, hai đứa điên mà!". "Tếu vậy! Tụi mày làm vậy để làm gì?". Tôi cũng chịu, không hiểu cả cái trò ú tim này dùng để làm gì. Có lẽ, cả tôi lẫn Tường đều sợ người kia đoán được tình cảm của mình cho nên có ngày, cả hai cùng vui quá mức, có ngày lại lạnh như tiền. Chị tôi bảo "Đồ con nít!". Tôi vặn lại: "Khi đi học, bà có vậy không! Bà chị tôi đanh mặt: "Tao không điên như mày!". Có lẽ tôi điên thật!

Ban đêm, trường tôi như khác hẳn, vắng lặng. Tự nhiên xuất hiện mấy con mèo to tướng, mắt sáng quắc, chạy vụt trong sân tối . Tôi ngồi trên bệ tường, đằng sau là cây mận hương hoa ngai ngái dễ chịu; phiá dưới là voì nước khóa không kỹ, nhỏ tí tách, tí tách. Tôi muốn ngồi một mình như thế này mãi không phải nói chuyện với ai, thở cái không khí mát mẻ, lạ lùng của ngôi trường ban đêm. Đêm nay, chúng tôi trực, không chèn cháo vì trường sẽ cúp nước. Mỗi tổ viên mang theo một loại bánh kẹo để liên hoan chung.

Có tiếng chân bước lại, tôi biết là Tường nên quay mặt về phía sân trường nơi ánh sáng của mấy ngọn đèm neon xanh xao hắt xuống. Quay đi như thế này sẽ làm tôi đỡ bối rối hơn. "Vô lâu chưa Hoàn?" - "Mới. Tường mới vào" - "Ừ. Mệt quá!". Sau cái câu muôn thuở đó, chúng tôi ngồi im. Ngày thường tôi vẫn hay tưởng tượng một hoàn cảnh như tối nay, ngồi cạnh Tường, tôi sẽ kể mọi thứ chuyện cho Tường nghe. Vậy mà lúc này, đầu óc tôi trống rỗng, bối rối cực độ...

Tường ngắt một cái lá mận, vò vò rồi đưa tôi: "Hoàn gửi thử coi, giống như sắp được ăn mận vậy!" Tôi cầm lấy và thấy bàn tay mình bị giữ lại một cách vụng về của trẻ con. Mọi ngày, tôi vẫn mong sẽ hiểu được tình cảm Tường giành cho tôi, yêu hay không yêu, đừng ú tim nữa . Nhưng lúc này, một tiếng nói khác trong tôi, rã rời: "Thôi, thế là hết, chẳng còn gì là bí mật nữa!". Tôi cười: "Tường còn trẻ con lắm, đừng bao giờ làm cái trò này nữa nhé!". Mắt Tường bối rối rồi cụp xuống hối hận, cả tôi cũng hối hận ngay lúc đó. Tường bỏ ra bàn trực cách không xa nơi tôi ngồi. Hai phút sau đã nghe tiếng cười của Tường và tôi bắt đầu rối trí.

Đêm trực đi qua, Tường hút thuốc và đánh cờ như mọi khi và tôi càng bối rối. Sáng ra, Tường lấy xe về trước, để tôi lại sau. Mặt Tường bình thản, còn tôi, tôi hối hận vì sao đêm qua, mình thốt ra cái câu điên rồ ấy... Có lẽ, chẳng bao giờ Tường tỏ tình lần thứ hai với tôi ?

Tôi mua những đặc san về tình yêu, không thấy hoàn cảnh nào như vậy. Mỗi sáng, tôi mong vào trường gặp lại Tường, nhìn quanh quất giảng đường, tìm cái dáng cao cao quen thuộc. Chiều nay, trời mưa và tôi buồn hơn. Tường không vào ôn bài nữa. Mặt Tường không tỏ vẻ buồn bã nhưng lạnh lùng, xã giao với tôi hơn xưa. Giờ thì đến lượt tôi khổ vì Tường, Tường không chào bằng những cái méo để tôi có thể mắng "Thằng điên" được nữa, bây giờ Tường gật đầu như người lớn chào nhau. Tôi đưa Tường cái kẹo, Tường cười: "Cảm ơn nhé!". Tôi muốn vặn cổ hai chữ "cảm ơn".

Tôi hỏi mẹ: "Mẹ này, yêu người nhỏ tuổi hơn thì buồn lắm nhỉ!" - "Không biết, sao chẳng bao giờ mày hỏi về yêu cùng tuổi thì như thế nào, lúc thì đòi chơi với ông già lúc thì đòi chơi với trẻ con!" - "Không phải con mẹ ạ! Con bạn con..."

Mẹ ngủ rồi, tờ báo rơi bên cạnh. Ngày mai, tôi sẽ mua một quyển sổ làm nhật ký. Không thể tâm sự cùng ai những trò ấm ớ nàỵ
Gác Trọ
#4 Posted : Monday, February 21, 2005 9:37:46 AM(UTC)
Gác Trọ

Rank: Advanced Member

Groups: Registered, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 66
Points: 48

Hoa muộn

Phan Thị Vàng Anh


Những vườn xung quanh, mai đã bắt đầu trụi lá. Ngày nào, chú Tảo cũng cái quần soọc đen lơ lửng, áo may-ô thủng lỗ chỗ, đầu đội cái nón kết đỏ, len lỏi giữa những hành cây hỏi sang: "Bên ấy chưa nhặt lá à?". Chưa ai nhặt lá mai cả.

Trong vườn, mai vẫn rậm rịt, không ai rảnh mà làm việc ấy, gần cuối năm, bà cụ lại được mời đi tỉnh chơi, những người trẻ còn lại trong nhà đùn đẩy nhau, ai cũng ngại, ai cũng cố cho rằng người ta chỉ bày vẽ, chứ cứ thử không nhặt xem, nó có nở không? Nở quá đi chứ!

Rồi một người nhớ ra, bảo "Ờ năm nay không có chú nhỏ nào đến nhặt lá giùm nhỉ?". Ở nhà, không cần quy ước, cứ ai lân la tán tỉnh Hạc đều được gọi là "chú nhỏ", có chú đến rồi đi luôn, có chú lai rai lâu lâu đảo qua một lần rồi biến mất, mỗi chú để lại một vài kỷ niệm trong nhà, trong vườn, trong cái trại gà lợp lá dừa mục nát. Đó là những cái ghế con đóng vuông vức đầy đinh; những cành cây bị bẻ quặt, uốn cong, cố vặn theo hình con lân, con phụng; là hệ thống máng ăn cho gà, dùng không biết bao giờ mới hỏng... Mọi người vẫn đùa, hỏi: "Hạc! Mày có nhớ thằng nào làm việc nào không?". Hạc vêu mặt cười: "Nhớ chứ, tôi ghi sổ hết mà!". Mọi người cười đe: "Cẩn thận! Một trong những thằng ấy mà vớ được cuốn sổ thì mày khốn!"

...Ờ đúng rồi, mấy năm nay chẳng có ai đến nhặt lá mai cho Hạc. Tuyến lấy vợ. Nhật xuất cảnh. Chức cách đây mấy hôm thấy chạy xe vèo vèo ngoài ngã ba, chở một đứa con gái bé như cái kẹo, không ôm iếc gì cả nhưng nhìn thì biết ngay là bồ bịch. Đó là những "chú nhỏ" năm xưa, tay lăm lăm kéo, đứng chông chênh trên cái ghế gỗ, hay khom lưng giữa những tàn mai già, nhặt lá. Lá mai xạm màu rơi đầy gốc, họ lại nghĩ ra việc quét vườn. Hạc lúc tựa gốc mít, lúc đi quanh chú nhỏ, nói chuyện "ngụ ngôn", đôi khi buồn cười, thấy hình như đã nói những câu thế này, cũng trong tiếng chổi lạt xạt quét vườn, vào năm ngoái, với người năm ngoái. Rồi về, nấn ná ở cổng, hẹn Tết nhớ đến coi mai nở, à trước Tết chứ, để còn chở đi chợ. Năm nào Hạc cũng phải giảng giải việc đi chợ Tết cho một người nào đấy, anh chị trong nhà lại cười: "Người vô duyên, không giữ ai được quá một năm!".

2. Rốt cuộc, cả đám người trẻ tuổi trong nhà vừa quyết định vừ cười láu cá: "Khỏi, thử một năm không nhặt lá, biết đâu hoa ra lác đác lại chẳng đẹp hơn?". Họ vùi đầu vào mua sắm, may cho nhanh mấy bộ quần áo Tết. Hai mươi tám Tết bà cụ mới về, đứng lọt thỏm giữa những bị cói, giỏ cước, trẻ con trong nhà ùa ra, miệng hét, tay xách, người lớn cũng ùa ra, cười: "Tết về rồi!". Bà cụ nhìn khoảng vườn còn rậm rịt lá mai, lắc đầu: "Chúng mày đáng sợ thật!" . Cả lũ lại cười.

Mùng Một, mùng hai Tết, không có mai, Hạc thấy Tết giống như một ngày chủ nhật, như nhà ai giàu có làm đám cưới đốt pháo thật nhiều. Một người nói: "Mày đừng có đổ thừa! Cái hoa mai quê mùa ấy việc gì làm mày mất Tết", rồi ngậm miệng ngay, nhìn Hạc như muốn nói: "Chẳng qua năm nay không thằng nào đến nữa mà thôi!". Hạc cũng chỉ cười, vào nhà nằm, lôi mấy tờ báo Xuân ra xem mà thấy buồn rũ rượi: "Năm nay mình đã bao nhiêu tuổi? Vì sao những ngày lễ Tết mình luôn phải nằm nhà?".

Một đứa cháu trèo lên giường, moi móc từ trong túi ra một đống hạt dưa và một nắm phong bao ra đếm lại. Hạc cườ`i: " Dì thấy con đếm phải đến chục lần chứ không ít!". Cô nghĩ: "Ngày xưa mình cũng như thế này" rồi lơ mơ ngủ mất.

3. Mọi người kêu lên ngán ngẩm: "Hết Tết!". Rồi vặn đồng hồ báo thức, dậy sớm đi làm trở lại. Bây giờ bà cụ mới đi nhặt lá mai được, lụi cụi từ gốc này qua gốc khác, thỉnh thoảng pháo sót lẹt đẹt đâu đó trong xóm nhỏ. Hạc đi quanh mẹ: "Chi vậy?". Bà cụ móm mém cười: "Tội nghiệp, nhặt để nó nở!".

Mai nở. Một chiều kia, như đã hẹn, một cô bạn dẫn ông anh họ đến nhà Hạc, gửi anh ta lại bảo: "Ra chợ một chút" rồi phóng xe đi mất, lại bỏ nhỏ: "Ông đàng hoàng lắm đó!". Anh ta lù khù, tay khư khư giữ cái mũ vàng như củ nghệ, chậm chạp, mãi mới cởi được xăng-đan để vào nhà. Hạc cau mày: "Khi mình còn trẻ, cỡ này đừng hòng bò đến gần!". Rồi đau đớn nghĩ: "Sao mình cay đắng thế này!".

...Họ ngồi một lúc lâu, có tám trang báo giở qua giở lại, chẳng đọc được tin gì. Cũng không biết nói chuyện gì. Hạc rủ: "Ra vườn xem mai chơi!". Họ đi qua những góc vườn, nơi khoảng một chục cây mai bung ra đặc kịt những hoa vàng nở muộn. Hạc nghĩ: "Có mai rồi đấy, mà vẫn không thành Tết!". Hai người khoanh tay bước, chỉ có tiếng lá mai lạt xạt dưới chân. Họ vẫn không biết nói gì, nghiêm trang như giám khảo hội hoa Xuân... Và nắng chiều tắt dần, như một dải voan cũ vắt trên ngọn cây, nhợt nhạt...

Hết

Gác Trọ
#5 Posted : Monday, February 21, 2005 9:42:30 AM(UTC)
Gác Trọ

Rank: Advanced Member

Groups: Registered, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 66
Points: 48

Si tình

Phan Thị Vàng Anh


Mười một giờ đêm, khách đã bắt đầu lục đục ra về, anh và em đã bắt đầu ngáp vặt, (chúng mình thân nhau quá mà, điều này đâu còn phải là cái để gọi là “xúc phạm” nhau như hồi mới quen cách đây hai năm!).

Trình tự một buổi cà phê đã diễn ra đủ: đã kể chuyện cơ quan anh, ở lớp em cho nhau nghe, đã chửi người này, khen người nọ, xong đến chuyện hai đứa, lại giận nhau, rồi khóc, rồi xin lỗi… và đến mục kể chuyện cười, những chuyện không vui lắm cũng cười (đôi lúc, trong bóng tối, em cảm thấy mình thật giả dối, những cơ cười cứ nhệch ra cầu tài…)

Mười giờ đêm, trời bắt đầu lạnh. Anh vu vơ hỏi em tên một nhà văn nữ. Em bảo em có đọc và ái mộ lắm lắm con người ấy, đôi mắt mở to ấy… mà có lần em được nhìn thấy ngoài đời thật. Anh bảo: “Đọc truyện thấy ngồ ngộ”. Anh mà cũng đọc truyện sao? (Một lần, anh bảo: “Ghét tiểu thuyết, anh chỉ đọc sách vớ vẩn, đại loại “Bạn biết gì về cá voi” hay “Tâm lý phụ nữ”… chẳng hạn, đọc trong lúc nghỉ ăn cơm, vớ được một quyển, hay tối về, đợi giờ đến nhà em…”)… Vậy nên em hào hứng kể cho anh nghe về những gì của chị X. mà em đọc được, mười giờ đêm, em mơ màng với những cốt truyện nhân ái em yêu. Anh lại bảo: “Em về tìm lại cho anh mượn nhé!”. Và em “Vâng!”, và sự khổ sở trong tình yêu của em lại có thêm một chi tiết mới.

II. Từ đấy, anh không quay lại nữa. Ngày hẹn, am mặc áo xanh thêu hai hàng lá đen mọi rợ, đợi anh đến. Mẹ em bảo: “Tao nghi lắm, nó luôn luôn sai hẹn!” Em cũng nghi lắm (kinh thật, sao em có thể chịu đựng được tình trạng phập phồng này trong suốt hai năm nhỉ?)… Rồi cũng như những lần trước, em nằm vật ra, úp mặt vào cái chăn lông vịt, thấy mình như chết lặng đi, em nghĩ: “Hết rồi!”

Lần này bình tĩnh hơn, em nằm xuống, vạch ra ngay trong đầu một kế hoạch sống mà không có anh, một đời sống gần như là tu hành, có điều, không có vị thần nào để em thờ phụng cả. Mẹ em bước vào phòng, dè dặt: “Con có đến cơ quan tìm nó không?” - “Để làm gì?”, em thấy, thật chẳng để làm gì. Mẹ em dè dặt mà giận: “Nó tệ quá!”, em phì cười: “Tệ gì, người ta không yêu, ép sao được!”. Ép sao được, càng ngày em càng thấy anh chủ tâm xử tệ để em đừng yêu nữa, có lẽ em cảm thấy anh tốt quá, phần “nghĩa” của em đè nặng lên vai anh quá, nếu nói trắng ra: “Thôi nhé, tôi không yêu nữa”, thì có vẻ hơi kinh, nên anh chọn cách nhân đạo hơn, anh làm những việc không ra gì để em tự quyết định… Và rồi cũng có hiệu quả, em cũng đau đớn nhận ra chuyện tình của mình gồm tám phần nghĩa, hai phần tình. Thật khốn nạn cái thân em, từ bé vẫn mơ mộng một mối tình với tám phần tình, hai phần nghĩa!

Em nằm, rứt mấy cọng chiếu ngo ngoe, mẹ em mắng: “Đừng rứt ra nữa, mấy bữa mà hư!”. Buồn cười thật, mẹ em lúc nào cũng tỉnh táo mà quan sát mọi việc, nhượng bộ em vài cọng chiếu này cũng không được sao? Nó an ủi em phần nào đấy chứ!

III.Em cầm cái chổi lông gà đã bị bầy chó con gặm chơi hết một nửa, một cái ghế đẩu, xuống nhà phụ đựng sách. Ở đây có năm dãy kệ cao hai thước, đứng xếp hàng, mạng nhện nhiều vô kể và mái tôn hầm hập nóng. Trên kệ, vô thiên lủng tổ tò vò, một con tò vò đang cong đít bên cái tổ như cái nậm rượu, em lấy cán chổi đụng vào nó, tò vò hoảng hốt bay đi, rồi vo một nùi mạng nhện, em nhét vào cửa nhà nó. (Một lần thấy em làm thế, có điều, em nhét bằng cơm nguội, anh bảo: “Em ác quá!”. A, anh là người luôn luôn mắng em ác!)

Em đi lần lượt từ cái kệ sát tường, từ tầng dưới lên tầng trên, hắt hơi liên tục vì bụi. Trong đầu em chỉ còn một hình ảnh duy nhất là cái bìa sách có vẽ một mảng cỏ úa làm nền cho hai chữ tựa sách bằng mực đen to cộ. Sách ra đã được năm năm, em đọc đi đọc lại cũng vài lần, một tập truyện về những khu vườn, những người yêu nhau, về một ông thầy giáo già… (Em nghĩ, nếu anh được đọc, có thể anh sẽ bắt đầu một kỷ nguyên mới: Thích đọc truyện).

… Em đi lẩn thẩn giữa những hàng kệ tăm tối, ẩm mốc. Trong đống báo cũ, em nhặt được một quả trứng gà ( gà nhà em có tật xấu đẻ rơi khắp nơi), trong đầu em ngay lập tức tưởng tượng ra cái cảnh tường thuật lại cho anh chi tiết này. Em lục được một chồng hồ sơ cũ, hồi ấy chữ còn tròn trịa, chữ “g” có một cái đuôi như một cái móc tay mời gọi. Sổ nào cũng ép vài tờ thư dở dang hay vài trang nhật ký. Không phải tờ nào cũng viết về anh, em sửng sốt vì thấy rằng mình cũng có lúc đau lòng vì người này, người nọ, khi đã có anh. Em yêu mình lắm, nên em không kết cho em cái tội “ngoại tình”, em gọi là “chọn lựa”… Em chợt hoảng lên, trước khi em lấy chồng một tháng, hẳn em sẽ phải giở lại từng quyển sách trong nhà, nhặt lại hết những tờ giấy ma mãnh này và ông chồng em sẽ an tâm rằng mình là mối tình đầu!

… Thất bại thảm hại, quyển sách không có gì ở đây. Em kê cái ghế ra trước cửa phòng ngồi hóng gió. Gió không có, nắng như đổ lửa, chị em hái đậu quyên mà mặt nhăn nhăn nhó nhó, hỏi: “Tìm sách cho nó à?”. Em thách thức: “ờ”, rồi em lảo đảo muốn ngã, anh có cần lấy sách đâu, anh hỏi vu vơ thôi mà, lúc ấy khuya rồi, hết chuyện rồi, anh hỏi vu vơ thế thôi, còn em, em thần thánh mỗi lời anh nói, em cầm cái chổi lông gà xông pha vào đống mạng nhện, vào đống bụi, vì anh.

IV. Rồi một người hiền đến với em. Tối thứ bẩy hàng tuần (sách vở như bao cặp tình nhân khác!), “Người hiền trên núi” ấy lặng lẽ ngồi ở cái bàn học của em, chờ đợi. Nếu may mắn trời mưa, em sẽ ở nhà, nếu trời tạnh ráo, em biến đi từ sớm cùng vài đứa bạn gái, để chín giờ tối về, đảo qua đảo lại vài câu rồi xin lỗi, vào buồng nằm thẳng cẳng, nghe ngoài kia, tiếng chào lí nhí và tiếng xe buồn bã lùi xa. Một lần, tụi bạn mách em, anh đi đâu ngoài phố, với một thằng bạn trai, anh phóng xe như bay, đẹp lắm với cái đầu vô cùng lạ mắt. Tụi bạn an ủi: “Thứ bẩy mà đi chơi với bạn trai, chắc là chưa có bồ mới!” (Trời ơi, tụi nó vô tình nhắc lại thói quen của hai ta, anh và em căm ghét ngày thứ bẩy, nó chật chội, đông đúc, ai cũng như ai. Và em trọn ngày thứ Tư làm thứ bảy để hẹn hò).

… Tối thứ bảy đó, em nằm nhà. Người hiền kia lại đến, gõ lạch xạch vào cái cổng tôn han rỉ phủ đầy tigôn rồi lí nhí mời em đi “uống nước”. (Anh ấy không dám dùng từ “cà phê”, sợ rằng sẽ xúc phạm em. Tội nghiệp!). Em ngồi sau xe, thẳng đơ, hai tay khoanh lại, ngửa mặt nhìn trời. Hai bên đường là đất mờ mờ ánh trăng, xe đi ngang vạt đất trồng vạn thọ, em hít thở hương hoa hồng ấy mà ứa nước mắt. Em bảo: “Đừng đi xa, mệt lắm rồi!”. Vào một quán nước bé tí, ghế mây thấp lè tè trên nên cát sỏi sạch sẽ, một anh chủ quán bé tí ưỡn ẹo đi ra, hỏi: “Anh chị dùng chi?”, anh bạn lại quay sang lịch sự: “Em dùng gì?”, em cáu tiết: “Cho bình trà!”, rồi em lấy tay ôm mặt, trong cái tư thế bất lịch sự ấy, em ngồi, nghe một người đang chịu đựng em, như em đã chịu đựng anh, như anh đang chịu đựng ai (biết đâu!), và cũng biết đâu, có một đứa con gái hiền lành đang chịu đựng anh bạn ngồi cạnh em bây giờ! Luẩn quẩn, em tưởng tượng ra một cuộc rượt bắt vĩ đại, em thấy mình mệt quá rồi, thấy mình ngu dại, sao không quay lại mỉm cười với cái người đang đuổi mình, rồi cả hai sẽ cùng nghỉ mệt dưới một bóng cây, như cây xoài ở cái quán này chẳng hạn.

V. Đến lúc này, em đã có người yêu mới, một người làm em thanh thản đến mức có thể ngủ quên đến tận giờ hẹn mỗi tối thứ bẩy, nghe tiếng gọi cửa, em bật dậy cười thầm: “Thế này sao gọi là yêu?”. Một người thật đến độ em không nỡ nói dối. Anh sẽ hỏi: “Còn nhớ không?”, nhớ lắm chứ, nhớ đến phát điên. Cơ quan của anh, căn nhà quét vôi hồng ấy em không dám đi qua lần nào, em đi học bằng một nẻo vòng vèo khác, ngang qua một khu chợ nhỏ, có một anh giữ xe đạp mắt lác vẹt đứng căng dây từ tờ mờ đất, qua một trường cấp một, trẻ con buổi sáng mắt nhắm mắt mở, khăn quàng xộc xệch đến lớp… Em đi cái đường vòng vèo ấy, xa xôi cốt để cho anh không phải thấy mặt, để anh không bị ám ảnh bởi cảm giác có một đứa theo đuổi, làm phiền.

Hàng ngày em làm việc như một cái đồng hồ. Sáng nghe bính boong chuông lễ, em mở mắt ra, việc đầu tiên là nghĩ đến anh như một thói quen, kế đến là bình thường an tưởng đến người hiền. Rồi em rửa mặt, đánh răng, nấu một nồi cơm, nhét chặt cùng rau thịt vào một cái lon guygô mà đến lớp. (Em tưởng tượng anh sẽ cười khi biết em bắt đầu có cái trò làm nhà lành này!). Ở lớp em lặng lẽ làm đủ số việc được giao, buổi trưa, ở một góc hành lang, em lặng lẽ mở nắp lon cơm đọng đầy nước, rồi ngủ một giấc ngắn ngủi với vài cơn mơ lẫn lộn… Sáu giờ tối, em về nhà. Ở cửa, em hỏi mẹ: “Có thư không?”, mẹ em sẽ uể oải: “Không!”. Em sẽ vào nhà, ăn cơm, nghỉ một chút rồi học bài. Để tám giờ ba mươi tối, ngày nào cũng đúng giờ ấy, em dành mười lăm phút để mở lại báo cũ xếp thành từng chồng lớn trong nhà, em tìm ở trang “Sáng tác” cái tên X. hay những gì liên quan đến X. rồi em cắt ra, tỉa góc tròn, phủi bụi, cho vào một cái phong bì to dán bằng bìa cứng, mà ở một góc, em đề chữ tắt, tên anh.

Gác Trọ
#6 Posted : Monday, February 21, 2005 9:44:37 AM(UTC)
Gác Trọ

Rank: Advanced Member

Groups: Registered, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 66
Points: 48

Mười ngày

(Phan Thị Vàng Anh


26 Tết. Anh bảo: “Chiều nay về quê, mùng Năm anh lên”. Tôi làm tính nhẩm: Mười ngày. Mười ngày vừa tết, vừa đợi bằng một ngàn ngày thường, có nghĩa là tôi sẽ phải quét mạng nhện một mình, một mình đỡ những cánh cửa xuống, rồi một mình lắp vào chỗ cũ…

Tôi hỏi: “Sao lâu vậy?” Anh cười “X. Có gần đâu để anh đi đi về về như chuột!” Tôi lẩm bẩm: “Biết làm gì ở thành phố bây giờ?”. Anh trả lời bằng cách lập cho tôi một thời gian biểu với những công việc nhàm chán đến nỗi thay vì làm chúng, thà tôi uống một thứ thuốc gì đó để ngủ liên tục mười ngày còn hơn.

Rồi anh dặn: “Nhớ viết thư!”. Tôi gật đầu, đây là sở thích của tôi.

27 Tết:

Tôi bước vào bưu điện thành phố để bỏ lá thư đầu tiên cho anh. Khi phong bì chui tọt vào thùng thư “các tỉnh”, tôi bỗng cảm thấy hụt hẫng. Những giờ trước, khi cắm cúi trên tờ giấy cắt góc cẩn thận, những phút trước, khi bước tự tin trên những bậc tam cấp của bưu điện, tôi hoàn toàn nghĩ rằng anh đọc thư tôi.

Lúc này, nhìn quanh, tôi thấy sao mà lo lắng cho cái thư nhỏ bé của tôi. Mọi người tất bật gọi điện, bôi hồ dán tem. Hàng trăm ngàn người như tôi nhưng xem ra họ đều bình tĩnh hơn tôi, xong việc là lạnh lùng bước ra ngoài trời nắng như ran, ngước mắt nhìn nhà thờ Đức Bà bên kia đường như thói quen của tất cả mọi người, rồi đi. Còn tôi, sau vài phút thẫn thờ, tôi ngượng nghịu nhìn quanh rồi cũng chuồn thẳng.

28 Tết:

Khách khứa nhà tôi đến chủ yếu vào những ngày trước Tết. Họ hỏi: “Cháu đâu?” Mẹ tôi tự hào chỉ tay không định hướng: “Nó đi làm kiệu, hành bên nhà bạn!”.

Tôi thích mọi thứ không phải nhà mình, ăn cơm nhà khác, ngủ nhà khác, trèo lên một cây ổi nhà khác vặt quả… đều thích hơn làm tại nhà mình, thích hơn, bởi vì nó lạ, và tôi chỉ cần lạ.

Tôi ngồi cắt rễ kiệu, hai chân tê dại. Châu thọc tay vào cái chậu của tôi, bĩu môi: “Con này keo, cắt kiệu hà tiện, để đuôi xanh lè!”. Tôi nghĩ, nếu đây cũng là một cách xem tướng, tôi sẽ phát cho các bạn trai của tôi, mỗi đứa một cái dao sắc, một nắm kiệu, không ai được nhìn và cắt. Hẳn kết quả sẽ là:

A: Không cắt lá kiệu, chỉ cắt rễ.

B: Cắt rễ sạch sẽ, kiệu giống như đang nẩy mầm.

C: Thất thường hỗn độn.

Và anh, tôi nghĩ, nắm kiệu sau khi đã lọt vào tay anh đành phải vứt đi vì đã cắt phạm đến cả thân kiệu.

Châu hỏi: “Mày cười cái gì?”. Rồi không đợi tôi trả lời, nó ngoe nguẩy đi xuống bếp. Ngày Tết, không ai có thì giờ để làm điều gì đến nơi đến chốn.

29 Tết:

Tôi gửi cái thư thứ hai, hy vọng bưu điện sẽ làm việc đến 30 Tết, đủ kịp cho cái thư đầu đến anh. Anh đang quét mạng nhện chẳng hạn, né tránh một cách bản năng và vô vọng những đám bụi chắc chắn sẽ rơi lên đầu… Ông đưa thư dừng lại trước cửa, hét to: “ Thư nha!”… rồi tôi hy vọng, cứ cái đà làm ăn nhanh chóng này, mùng Năm anh sẽ đọc cái thư thứ hai, anh sẽ tưởng tượng được cái cảnh tôi chen lấn trong chợ Tết, tôi hoa mắt chóng mặt ra sao trước một núi công việc.

Ở chợ, dưa hấu nằm chồng chất lên rơm, đủ cỡ. Anh bán hàng xoen xoét xoen xoét về những quả dưa và tôi đâm nghi ngờ. Một người ăn mày bò lết dưới chân Uyển và tôi, lở lói, đầy bùn “nhân tạo”. Uyển thì thầm: “Xin tiền để lấy sức mà sống, sống để đi xin tiền, vậy sống làm gì?” Tôi nghĩ, nhiều khi, người ta kéo dài cuộc sống một cách vô ích, hình như ai cũng có, dù cụ thể hay mơ hồ, một cách hy vọng ngày mai khá hơn, người bệnh hy vọng khoa học phát hiện ra một thứ thuốc mới, người ăn mày hy vọng một ngày mai nhặt được vàng…

Trong chợ, tôi gần như tựa vào Uyển mà bước. “Đông quá, ngộp quá!”. Tôi bảo. Uyển an ủi: “Mỗi năm chỉ có một lần, chịu khó!”, rồi giở mục lục ra, lẩm bẩm: “Còn bóng heo, mộc nhĩ, măng khô…”. Tôi thấy, hình như suốt mấy ngày qua, tôi chuẩn bị Tết không để cho gia đình tôi, tôi chuẩn bị cho những người khác chưa rõ mặt, cho một phong tục rắc rối không theo không được… ở cửa, mẹ tôi bảo: “Mẹ đã đặt bánh chưng cho con đỡ mệt”. Tôi cười, đỡ mệt thật nhưng cái Tết đã mất đi một nửa. Những cái bánh của Lang Liêu đã có người mang đến tận nhà, tôi sẽ không rửa lá, đãi đậu và cùng anh chị thức đêm ngoài vườn canh nồi bánh như xưa nữa, lúc còn cha.

30 Tết:

Tôi dồn lá vào một góc vườn và đốt, xong đứng hít thở mùi khói vườn. Trước sân, mai đã nở vàng. Con mèo đủng đỉnh ra chọn một khoảng đất sạch sẽ đầy ánh nắng, lăn lộn vài vòng rồi nằm ngửa ra bất động, đầu ngoẹo qua một bên, trông hơi giống một anh động kinh. Tôi nghĩ, nó hạnh phúc hơn tôi, nó không phải chờ đợi điều gì. Còn tôi, tôi đợi thư anh, sao đến giờ này vẫn chưa có.

Châu tạt qua vài phút dặn: “Tối xong hết việc, tao và mày đi một vòng rồi về đón giao thừa!” Đi một vòng Sài Gòn, vừa đi vừa nghĩ, một năm qua mình được gì mất gì… Tôi cũng thích cái trò này.

… Bẩy giờ tối, tôi thấy mẹ Châu còn ngồi may đồ. Nhà vắng hoe, vì sạch sẽ, gọn gàng nên trông càng vắng. “Đi chơi hết rồi, Châu cũng đi gội đầu rồi, chắc sắp về!” Cô bảo, rồi đưa tôi hộp mứt: “Ngồi đợi nó một chút!” Tôi mở nắp hộp, tự nhiên thấy ngán ngẩm, như thể mấy ngày nay mình đã phải ăn những thứ này thay cơm… Tôi quay mặt đi, che miệng ngáp, tự nhiên giật mình, giờ này, mẹ tôi cũng đang ở nhà một mình giống như mẹ Châu. Vội vã, tôi chào cô, dặn lại vài thứ rồi ra về, trong những giờ phút cuối cùng này của năm cũ, người ta “người” nhất.

Toi về, thắp một cây hương lên bàn thờ cha, rồi vào phòng nằm, nước mắt chảy dài trên má.

… Giao thừa, tôi có cảm giác một bàn tay vô hình cuốn lại tấm thảm cũ, trải ra trước mặt tôi một tấm thảm mới tinh, việc đầu tiên tôi làm trên đó là cùng mẹ tôi uống trà, ăn bánh và nghe pháo nổ. Pháo nổ khắp nơi, cả trong TV lẫn ngoài đường. Chó mèo hoảng hốt thật tội nghiệp, tôi ôm tất cả bọn lập cập đó vào lòng, thấy tràn ngập một cảm giác yêu thương cao cả.

Mùng Một:

Tôi mở mắt vì tiếng pháo xa gần khắp nơi, mùi thuốc pháo bay vào tận trong phòng. Mùng Một, trong nắng mới, trẻ con đóng bộ đi lại nhăng nhít trên con đường trước nhà. Mẹ tôi bảo: “trẻ con cả xóm hôm nay trông cứng như hộp”. Anh chị tôi và thằng bé đến xông nhà, anh tôi nhìn sân, hỏi: “Sao không đốt pháo?”. Tôi bảo “Không dám!”. Anh treo pháo vào cành xoài, pháo nổ, các nhà bên cạnh cũng đì đẹt nổ theo, giống cái kiểu gà gáy đua bình minh. Chị tôi bịt tai, mắt rạng rỡ, tôi thấy, người á đông nhiều thú vui buồn cười, ngay cả ăn uống cũng vậy, lúc nào cũng thích có cảm giác pha trộn mâu thuẫn.

Xác pháo hồng một khoảng sân lẫn những cành mai rụng. Mai vàng rực rỡ cùng lá mới, chị tôi đếm và hoan hỉ kêu lên: “Toàn sáu cánh!”.

Mùng Một, tôi phải cẩn trọng trong lời ăn tiếng nói. Hàng xóm sang chúc Tết, như người xa lạ vì những lời chúc văn hoa. Tôi nghĩ, may mà mùng Một anh không đến, nếu đến chắc anh cũng thành người lạ.

Mùng Hai:

Mặc dù năm giờ chiều qua, chị tôi tuyên bố: “Hết Tết!”, tôi vẫn cảm thấy hôm nay mới thật là Tết. Buổi sáng, khách và họ hàng ngập nhà. Trẻ con rủ nhau ra ngoài hè, mở những phong bao ra đếm tiền, so đo, tị nạnh. Trẻ con dưới sự chỉ đạo của bố mẹ, nói thật máy móc: “Chúc dì (cô) có bồ!”. Tôi cười, thật là một lời chúc tốt đẹp cho tất cả những đứa con gái.

Chiều, tối, Châu, Uyển và tôi đã khoác tay nhau trong Tao Đàn xem hoa phong lan và hòn non bộ. Châu bảo: “Sao dáng hoa lan đều giống nhau?”. Uyển hoang mang: “Tao chịu, không biết đánh giá mấy cây cổ thụ này, thấy cũng giông giống mấy chỗ bán ngoài đường”.

Đường phố đầy xác pháo, chợ búa vắng tanh. Đêm về, ngang qua quán cũ, tôi nhớ anh thắt ruột, Uyển hỏi: “Mày nhận được cái thư nào chưa?”. “Chưa! Chắc bưu điện nghỉ!” “Hôm nay làm việc rồi mà?” Uyển bảo, “Có bồ mệt nhỉ, tao không thích có bồ là vì vậy!”. Châu liếc: “Thật không?” Ai cũng hiểu, trả lời là thừa.

Vè nhà, tôi trệu trạo nhai bánh chưng, nghe pháo lẹt đẹt đâu đó, biết rằng Tết đã qua rồi. Tôi ngồi vào bàn, viết một cái thư cho anh, đúng hơn là cho mình vì biết chắc rằng nó không tới kịp.

Mùng Ba:

Cũng như mọi năm, tôi ở nhà để đợi Lương tới. Lương bảo: “Tụi mình làm gì ăn cho đỡ ngán bây giờ? Lương thèm ăn canh cải và củ đậu chiên chấm mắm ớt”. Tôi cười: “Kiếm ở đâu ra để hầu ông đây?”. Tụi tôi ngồi cuốn bánh tráng ngoài vườn mẹ tôi đi qua hỏi: “Mấy đứa có muốn uống rượu mít không?”.

Lương hỏi: “An còn giữ thư từ chứ?” - “Còn, khoảng 80 cái”. Có lẽ tôi cũng viết cho Lương khoảng chừng ấy thư, có thể hơn nữa. Không hiểu vì lẽ gì và bằng cách nào, tụi tôi đã hạ bậc tình cảm xuống chỉ còn là bè bạn và sự chuyển cấp thoải mái này chứng tỏ cái mà chúng tôi ngỡ là “tình yêu” xưa kia chỉ là ngộ nhận.

Rồi hai đứa đi thăm bạn bè cũ. Nhà nào cũng giống nhau ở bữa ăn thịt kho, dưa hành, khổ quá… Chủ, khách nói chuyện không tập trung nổi vì cắn hạt dưa lách tách, mọi người trêu chọc “Chúc Lương và An năm nay…”. Chúng tôi nhìn nhau cười, cố ý trêu chọc lại bằng cách làm cho mọi người hiểu lầm… Để đến tối, lúc chia tay, Lương mở đầu: “Chúc An và…” cũng vậy, tôi lặp lại: “Chúc Lương và…” một cơn mưa nhỏ bất chợt đổ xuống trái mùa, tôi tự hỏi, những lời chúc của mình có chân thành không?

Mùng Bốn:

Mãi mùng bốn, đám bạn chung của Uyển và tôi mới đến. Ồn ào như cái chợ dù chỉ có vài đứa, tụi nó trong giây lát tạo được không khí Tết vốn rất mờ nhạt trong nhà tôi. Phong ôm con chó tên Xịt đang ngoe nguẩy ngoài hiên vào lòng, leo lên xe rồi bảo: “Về nhà tôi!”.

Phong dựng cái chòi xinh xắn để học bài trong khu vườn của ba mẹ nó. Trước cửa chòi, đầy xác pháo và vỏ hạt dưa. Tụi nhỏ kéo một cái ghế cho Xịt nằm xong lấy bài ra đánh. Uyển và tôi, hai “người già” ngồi bổ dưa, dọn bánh thuẫn và pha trà, thỉnh thoảng hé mắt nhìn, không hiểu gì lắm.

Từ xa, thấy anh đưa thư đạp xe tới, tôi chạy ra chặn đường hỏi thư, anh cười: “Không!” Uyển bảo: “Tao nghĩ, nó không viết gì cho mày đâu, chắc mải đi với em nào dưới đó!” Tôi thấy người ta thường mong người khác bất hạnh để được tỏ lòng thương hại, ai cũng vậy, có điều người khôn thì giấu đi, kẻ dại thì để lộ.

Buổi chiều, cả bọn lên chùa, tụi con trai ngồi ngoài ghế đá đợi Uyển và tôi vào thắp nhang. Trên vòm điện chính, chim sẻ ríu rít bay chuyền qua các chùm đèn lồng, tôi đứng trước Phật và khấn:: “Xin cho mẹ con mạnh khỏe và con được bình an”. Rồi tự hỏi, sao lần nào thắp nhang, tôi cũng chỉ xin “bình an”.

Rồi chụp hình, ông phó nhòm nói như ra lệnh cho đám loay hoay này: “Nhìn tôi đi, nhìn tôi”. Phong lẩm bẩm: “Ông có đẹp gì mà nhìn”, rồi nó đưa hai ngón tay lên đầu tôi như hai cái sừng con, tôi cười, hơi thương hại, cái trò đùa này hàng trăm, ngàn kẻ đã làm, nó lặp lại làm gì cho nhàm chán?

Mùng Năm:

Anh lên thành phố với một dáng vẻ lạ lùng. Tôi hỏi: “Anh có nhận được thư?” Anh gật đầu, “Sao anh không viết?” “Anh cũng không biết”. Tôi bảo: “Về đi, mệt lắm rồi” Rồi tôi ngồi đằng sau, nhắm chặt mắt cho đến khi xe dừng trước cửa nhà. Anh chúc: “Năm mới…” Tôi ngăn lại: “Thôi đủ rồi!”. Vào nhà, tôi xé tờ lịch mùng năm, bỏ vào trong tủ.

Đêm đó, trời Thanh Đa đầy sao, Châu Uyển và tôi trong một cái quán cùng những vỏ bia. Tôi bảo: “Mượn cho tao ghế bố”, bên bờ sông, tôi nằm, nhìn lục bình trôi cùng gió lạnh, bờ bên kia là dừa nước, là những rặng cây hoang dại. Trong trạng thái lơ mơ, tôi nhớ lại mười ngày chờ đợi đã qua. Châu, Uyển nắm lấy vai và lau mắt cho tôi: “Thôi, An!”. Cảm động, tôi mỉm cười, nghe trên sông, róc rách một chiếc thuyền chèo đêm.

Gác Trọ
#7 Posted : Monday, February 21, 2005 9:48:29 AM(UTC)
Gác Trọ

Rank: Advanced Member

Groups: Registered, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 66
Points: 48

Kịch câm

Phan Thị Vàng Anh


Từ đây, nó nghĩ, mọi thứ tự, luật lệ đã thay đổi: Với mẩu giấy này, nó trở nên một người có vai vế trong nhà, nó sẽ được tự do, tự do tiếp bạn bè và chiều tối, thoải mái mà đi chơi và nhất là, nó đã có cái cớ để đổ tội cho những sai lầm nếu có, sau này.

Tờ giấy thông hành ấy nhỏ bằng hai bao diêm, một cạnh xé lam nham, vội vã, một lời hẹn yêu đương của một người già quên tuổi tác và nghĩa vụ - bố nó - với một người nó không hề có một tý khái niệm nào về tuổi, đẹp, xấu, nghề nghiệp, hoàn toàn lù mù, chỉ hiểu bố nó tha thiết viết:

“Em!”…

Như một con rắn, nó trườn đến một hàng photocopy thật sang, ở đấy chắc không ai biết nó là ai, hai tờ, một tờ đút túi, một tờ nó lẳng lặng đưa cho ông bố đang ngồi đọc báo, và cười một cái cười ngang hàng, không phải của con dành cho bố. Một trật tự mới ngay lập tức được thiết lập, bố nó cầu khẩn và căm thù nhìn nó, cái đứa lầm lì nhất trong bốn đứa đây, cái đứa ít nhìn vào mắt ông nhất trong nhà, hầu như hai bố con không trao đổi gì ngoài những câu chào, tiếng mời cơm, đứng trước nó, ông thật sự thấy mình là chủ gia đình, một gia đình của trăm năm xa xưa mà trong thâm tâm ông đàn ông nào cũng ao ước… Bây giờ, nó đứng trước ông, điệu bộ rất lễ phép, cũng lẳng lặng không một lời… chỉ có cái cười nhẹ nhàng và đôi mắt… Ông bố hiểu ra, nó thỏa mãn biết bao nhiêu, nó đã căm hờn ông biết bao lâu…

Bà mẹ không biết gì, chỉ thấy các con mình ít bị la mắng hơn, những bữa cơm dọn trễ một chút cũng không sao, đứa nào chậm chân ngồi trễ một chút cũng không sao, ông chồng đăm chiêu, thờ ơ dễ tính… lẫn lộn.

Và nó, nó không sử dụng ngay cái quyền của giấy “thông hành” ấy, vẫn chưa thằng bạn trai nào được tiếp vào chiều tối, vẫn chưa một buổi đi chơi nào quá lâu… Không phải vì nó còn sợ, chỉ đơn giản là nó chưa quen được tự do, chỉ thế thôi, chẳng có tí ti đạo đức nào trong việc chậm trễ này cả. Rồi nằm dài, một trưa, nó nghĩ: Hay thật, mình bây giờ lại còn đạo đức hơn bố mình! Bây giờ, mà đi chơi nhiều thì lại hư bằng nhau. Mình càng nghiêm trang ông cụ càng hãi, như vậy đã hơn.

Và như thế, hàng ngày nó quan sát lại mọi việc trong nhà. Nó nhìn bố nó, ông hiệu phó của một trường cấp 3, lầm lũi với cái cặp đen, gầy gò mực thước trong bộ quần áo phẳng phiu, đến lớp nó cười thầm: “Đi giảng đạo đức đấy!”.

Nó quan sát mẹ nó say sưa trong cái trò rửa thịt, nhặt rau, nhìn bà mẹ hồn nhiên giữa mấy đứa con lít nhít, đứa nào cũng giống mẹ, mắt lồi. Mà nhìn mấy mẹ con quấn lấy nhau trong góc bếp: Chẳng cần có bố cũng sống được! Nhưng khi ngồi vào bàn ăn, nhìn thấy mẹ mình yêu thương và sợ sệt gắp thức ăn cho chồng, nó tủi thân một cách trẻ con: “à, cái đám mắt lồi chúng mình đây được yêu thương chẳng qua chúng mình là sản phẩm của ông bố này. Mẹ yêu bố gấp đôi tụi mình. Nếu bây giờ có một đám cháy, cho mẹ cứu một người duy nhất, chắc hẳn là mẹ sẽ cứu bố”. Rồi như thật, nó kín đáo liếc các em nó, liếc những đứa bé bị bỏ rơi trong đám cháy thử thách mà nó tưởng tượng ra… Rồi bình tâm trở lại, nó nhìn bà mẹ rất đơn giản ấy mà thương hại: “Thôi, giấu đi là vừa, mẹ hiểu quá chắc cũng chẳng làm gì được, và ngây ngô quá, chưa chắc đã khổ, chuyện lớn sẽ thành trò đùa, bố sẽ quen đi, rồi sẽ không sợ ai trong nhà này cả”. Vậy là nó tiếp tục ăn, mẹ tiếp tục gắp, bố tiếp tục lặng lẽ, các em nhai nuốt hồn nhiên, ngày này qua ngày khác, không ai biết có hai người khổ sở trong nhà.

Nó khổ sở trong nhà, cũng chẳng nghĩ đến việc thù tiếp bạn bè, hay chơi bời khuya khoắt nữa. Cảm thấy mình giống một tên “thừa nước đục thả câu”, nó cụt hứng, ngồi lặng lẽ bên một đám bạn ồn ào, nó nhìn hàng dầu gió bên đường thả quả như những cái trực thăng tí hon và nghĩ: “Khốn nạn thật, nếu không có chuyện bẩn thỉu kia thì bây giờ phải đạp bán sống bán chết về nhà rồi!”. Và một tối, một thằng bé chưa biết luật lệ của gia đình nghiêm khắc này, cao hứng ở lại đến 9 giờ, cười cười nói nói, tay chân múa may không biết sợ. Ông bố, theo thói quen cùng một chút tự ái thua cuộc đi ra rồi bất lực đi vào. Tự nhiên nó thấy cái miệng thằng bé sao mà rộng, tay chân nó sao mà như hề, và nó cáu lên một cách vô lối, nghĩ rằng từ đây mọi trò của mình có được chẳng qua cũng nhờ một trò đáng khóc.

Rồi nó tiếc, phải như không nhặt được tờ giấy quỷ quái ấy. Nhặt được, tưởng rằng từ đây sẽ có gan nhìn thẳng vào mắt bố nó khi cần thiết, hóa ra càng ngày càng ít dám nhìn, nhìn nhau, mắt bố con dại đi, và nó ngượng.

Cay đắng, nó nghĩ đến cuộc sống gia đình đen tối mà nó sẽ phải có. Nó sẽ không được hồn nhiên trời phú như mẹ nó. Chồng nó, dễ gì có được cái địa vị mực thước như bố nó, có nghĩa là cái gia đình tương lai ấy càng dễ tan nát gấp trăm lần cái tổ ấm bây giờ. Nghi ngờ, nó gác lại những kế hoạch yêu dương, sợ hãi và giễu cợt, nó nhìn những thằng bạn đi bên cạnh như nhìn những tên lừa đảo còn ẩn mình trong cái lá ủ!

Và ông bố, mỗi sáng lầm lũi trên đường đến trường, ông nghĩ ra mọi cách để giải thích tại sao lâu nay mình ít nói trước học trò, ông sợ rằng một ngày nào đó, rủi như chuyện này vỡ lở, những cái áo dài nết na kia, những bộ đồng phục ngoan ngoãn kia sẽ làm thịt ông như trả thù một đạo đức giả hiệu bao lâu nay vẫn áp bức chúng nó. Rồi lo sợ, ông miên man nghĩ đến bà vợ và những đứa bé ở nhà như một cái án treo lơ lửng trên đầu, và co rúm người lại, ông vô tình tập trước cái tư thế sẽ thay cho tác phong uy quyền xưa nay.

Nước mắt, người và xe nhoè nhoẹt, ông nghĩ đến đứa con gái lớn: “Mình mất nó thật rồi! Nó có rơi xuống bùn, mình cũng không đủ tư cách kéo nó lên, thò tay xuống kéo, biết đâu nó sẽ trừng mắt rồi tự nguyện lặn luôn xuống đáy!”. Rồi tủi thân, ông loạng choạng đạp xe giữa cây cỏ hai bên đường. “Mình chết đi, nó có khóc không?”. Lẩn thẩn, như mơ, ông tưởng tượng ra một đám tang, một bà vợ, mấy đứa bé mịt mù khóc lóc cùng nhang khói. Chỉ một đứa con gái làm lũi và cương quyết như đang canh gác một phạm nhân.

Pearl
#8 Posted : Monday, April 3, 2006 9:39:50 PM(UTC)
Pearl

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 37
Points: 0

Ai Dám Nhận Là Mình Xấu Xí?
PHAN THỊ VÀNG ANH

1.
Bạn đã đi Đà Lạt chưa? Đã đến Sài Gòn chưa? Đã về những làng Bắc bộ chưa?
Nếu chưa, thì bạn nên đi. Bạn nên đi sớm.
Đi trước khi những biệt thự bị bỏ hoang đến tàn lụi.
Đi trước khi rêu trên tường chùa bị cạo và tượng bị sơn son thếp vàng.
Đi trước khi thành phố lớn muốn tạo những dấu chân hiện đại khổng lồ, dẫm lên chính những khẩu hiệu bảo tồn vốn cổ mà mình đã hô hào trước đó.
2.
Cách đây mới vài năm thôi, thành phố Hồ Chí Minh của tôi linh đình tổ chức kỷ niệm Sài Gòn 300 năm. Những ảnh cũ được đem ra, món ăn khẩn hoang nấu lại, nhà nhà nghe tên ông Nguyễn Hữu Cảnh, người người nghe lại những địa danh xưa: Gò Cây Mai, đình Thông Tây Hội, kinh Tàu Hủ với bến Bình Đông...
Bến Bình Đông, thì năm nay, khi Sài Gòn bước vào tuổi thứ 303, người ta sắp dẹp nó, để mà làm đại lộ Đông Tây. Cụ Nguyễn Đình Đầu đã phải kêu lên trên báo Tuổi Trẻ: “Xin giữ lấy cảnh quan của Sài Gòn sông nước trên bến dưới thuyền”. Bạn phải đi qua khu vực này, thấy được vẻ đẹp (bị bỏ phí của nó) bạn mới hiểu được tiếng kêu của cụ. Thật chẳng khác nào lời kêu cứu và khẩn nài; không biết ví thế này có quá không, nhưng như tiếng kêu của cụ bà Sài Gòn, sau lễ thượng thọ phải nài xin con cháu đừng ném đi cơi trầu cũ với di ảnh cụ ông... Bến Bình Đông, với hai bên bờ là nhà cổ, xưởng xay lúa, là những thứ mà cái túi “vốn cổ” của chúng ta chẳng có nhiều, nhất đây lại là cái thứ hữu hình, bằng nước, bằng gạch, bằng kiểu nhà, cách sinh sống; chứ không phải những thứ lù mù truyền thống, phục hồi lại mỗi nơi một màu cờ phướn và một kiểu đuôi nheo.
Thế nhưng, nếu đại lộ Đông Tây đi qua, số phận cảnh trên bến dưới thuyền rất Nam Bộ xưa của bến Bình Đông sẽ chẳng khác gì số phận rêu trăm tuổi của tháp Rùa. Giải tán một khu vực thật chẳng khó, cũng như việc dọn rêu thôi, nhưng cái nỗi ám ảnh rằng mình đã phá tan chỗ trú ngụ của hàng trăm năm lịch sử có đeo đuổi được những người ký quyết định không?
Và những người đó là ai? Họ nghĩ gì trong đầu nhỉ? Họ quyết tâm giữ gìn bản sắc dân tộc cho đậm đà bằng cái cách gì đây? Bằng cho phép xây nhà hộp tràn lan và nói đơn giản là “thí điểm”? Bằng nhập xe máy Trung Quốc ồ ạt? Bằng cho phép đập biệt thự xưa để xây nhà kính? Bằng xóa sổ cái nhúm di tích vốn đã rất mỏng mảnh của nước ta với lý do để thuận tiện cho hiện đại hóa?
Thử tưởng tượng hai mươi năm sau thôi, những khu nhà cổ (chưa bị đập) ngày hôm nay lên bưu ảnh. Và sẽ có những người chỉ cho con cái mình mà nói: “Chỗ này ngày xưa bố (mẹ) có đi qua, đẹp lắm.” Và có những người sẽ không dám chỉ tay vào ảnh mà nói: “Cái khu này chính bố đã ký quyết định đập đi.”
3.
Tôi lại đọc báo Tia Sáng, có bài của tác giả Vũ Khánh về tiếp thị một hình ảnh Việt Nam. Vậy đấy, cứ rành mạch liệt kê cái vốn ít ỏi của mình ra rồi khai thác triệt để thì khéo lại thành giàu có. Tác giả kể ra, chúng ta có áo dài, có nón, có phở, có nem. Nghe dễ chịu như nghe một người nói đơn giản: “Tôi là thợ may. Lương tôi đủ sống. Tôi thích mặc áo xanh.” Một người như vậy cũng hấp dẫn lắm chứ! Cái mộc mạc của họ, cái nghề của họ, sở thích của họ không giống anh, không giống tôi. Việc gì cứ phải thổi phồng lên những gì mình không có, để rồi phá bỏ những cái (tuy ít mà) quý giá của mình?
Nếu coi mỗi dân tộc gần như cá tính một con người: anh Pháp hào hoa làm thơ hay, anh Trung Quốc buôn bán giỏi và mưu lược, anh Lào hiền lành... thì nếu chỉ nhìn vào chuyện giữ gìn vốn cổ không thôi, tôi vẫn nghĩ, anh Việt Nam là người hay nói dối. Dối mình và dối người.
Chúng ta nói dối nhiều quá. Dối ở chỗ có nhiều việc chúng ta nói một đằng và làm một nẻo. Chúng ta nói, tôi là người có văn hóa và thích chơi đồ cổ, nhưng có con chuột chạy qua là chúng ta (quyết) ném chuột đến vỡ cả bình quý. Chúng ta cung kính ào ạt cho một lễ hội 300 năm Sài Gòn, rồi sau đó thì sẵn sàng thực thi một dự án có phá bỏ những phần cổ kính của Sài Gòn 303 tuổi. Chúng ta không tiếc cả kho tính từ mỹ miều cho cái Chùa Một Cột, nhưng lại tiếc một cái cột bằng gỗ cho nó, khiến bao nhiêu khách phương xa phải chưng hửng. Chúng ta biết mình nghèo mà cứ huênh hoang là mình giàu.
Mà trong khi đó, có đứa con nào dám trách mẹ nghèo! Ừ, nước của tôi là thế đấy, nhưng mà chúng tôi tự hào, để tôi cho anh thấy: Cha ông để lại có một chút của (cẩn thận mở gói ra), chúng tôi gìn giữ còn được thế này đây (thấy vẫn còn nguyên), và chúng tôi sẽ giữ cho con cháu (cẩn thận gói lại). Anh cười thì mặc anh!
4.
Ông Bá Dương, tác giả người Trung Quốc, có viết một đoạn thế này: “Đã nhiều năm nay, tôi muốn viết một quyển sách dưới tên gọi: ‘Người Trung Quốc Xấu Xí’. Tôi nhớ quyển sách ‘Người Mỹ Xấu Xí’ sau khi viết xong đã được Quốc vụ viện Mỹ dùng làm tài liệu tham khảo cho sách lược của mình. Người Nhật cũng có một quyển sách ‘Người Nhật Xấu Xí”. Tác giả là Đại sứ Nhật tại Ác-hen-ti-na. Ngài đại sứ này (sau khi viết cuốn sách đó) liền bị cách chức. Đấy có lẽ là cái khác nhau giữa Đông phương và Tây phương...”
Nhưng ở Trung Quốc, người ta đã in “Người Trung Quốc Xấu Xí” của ông Bá Dương.
Và không phải vì thế mà người Trung Quốc bị nhìn là xấu hơn. Trái lại.ª

Users browsing this topic
Guest (5)
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.