Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

Vi Khuê
Phượng Các
#1 Posted : Saturday, November 27, 2004 4:00:00 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)




Vi Khuê




Tên thật Trần Trinh Thuận, sinh ngày 20.5.1931 Thạch Bình, Ngũ Xã, Thừa Thiên. Cử nhân văn chương Việt Hán. nguyên hiệu trưởng trường trung học Văn Khoa Ðà Lạt.
Chính thức sinh hoạt VHNT từ 1971
Ngòai bút hiệu Vi Khuê, còn dùng các tên : Ðoàn Văn, Nguyễn Thị Bình Thường, Ðào Thị Khánh.
hiện định cư tại Virginia Hoa Kỳ

Tác phẩm đã xuất bản :
· Giọt Lệ(1971) Cát Vàng (1985)
· Tặng Phẩm Tình Yêu (1991)
· Hoa Bướm Vườn Thơ Tôi (1994)
· Ngựa Hồng Trên Ðồi Cỏ (truyện 1986)
· Những Ngày - Virginia (truyện 1991)
· Vẫn Chờ Xe Thổ Mộ (truyện 1993)






suong mai
#2 Posted : Thursday, December 30, 2004 5:01:08 PM(UTC)
suong mai

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 1,113
Points: 234

Thanks: 3 times
Was thanked: 19 time(s) in 19 post(s)
Trích từ Đọc thơ của: vinhhao.net



Vi Khuê



Thủy mặc

Tuổi già chống gậy bên hiên

Mưa thu đọng hạt sương trên đọt gừng

Vẳng nghe quốc gọi ven rừng

Tiếng thoang thoảng động, rưng rưng cành chiều.



Đồi hoa

Từ em được ướp hương tình ái

Sáng dậy thơm như quả chín hườm

Có lũ chim gì ưa mách lẻo

Trên cành tọc mạch ngó qua song

Đêm qua em ngủ một mình thôi

Người yêu em ở quá xa xôi

Nhưng tình như đã len vô máu

Trong mỗi đường gân thớ thịt rồi.



Trưa ở Virginia

Giữa trưa nắng đổ vàng sân

Nhà ai ngói đỏ bâng khuâng phượng về

Võng dài kẽo kẹt thân tre

Sông chao thuyền lại, chèo nghe đã gần

Ôi nàng sưởi ấm lưng ong

Ngồi chi dưới bụi trúc hồng ngẩn ngơ

Kìa con sóc nhỏ, bâng quơ

Óng lưng mềm lụa nhảy bờ cỏ thơm

Vườn rau diếp cá xanh um

Ớt-lên-trời rực cả khung cửa chùa

Lần tràng hạt, niệm nam mô

Sư lên cầu gỗ nhìn trưa dưới cầu...

Nằm êm trong nắng trưa sâu

Tưởng chiêm bao, những chuyện sầu đã qua.



Tiếng gọi

Những tưởng âm thanh chẳng có hương

Trưa nay nghe tiếng gọi bên tường

Tiếng con chim vịt bên tường gọi

Ngát cả trời đây hương cố hương.



Sông trăng đồi hoa

Sông trăng chảy dưới đồi hoa nở

Hạ giới ai ngờ có cảnh tiên

Vẫn biết phù sinh là tạm bợ

Nhưng một ngày anh đã có em.



Hoa

Sớm mai dậy với sao mai

Mới hay trái đất đã quay nửa vòng

Đất còn chẳng chịu nằm không

Máu tim ta vẫn vun trồng nên hoa.



Mặt trời

Khi đứa con gái gửi thư về cho bà mẹ già

Nói rằng

Tóc con đã bạc rồi

Bà mẹ già hốt hoảng trèo lên giường nằm

Để mặc cho dòng lệ tự do trôi

Trên khuôn mặt phủ đầy niềm sợ hãi không tên tuổi

Chúng ta

Sợ hãi

Mặt trời.















Pearl
#3 Posted : Thursday, January 27, 2005 11:17:25 AM(UTC)
Pearl

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 37
Points: 0





Rồi

Vi Khuê



rồi
em
sáo đã
sang sông
ngô đồng
một lá
bên song
cũng
rồi
rượu
hồng
nhắp đã
mềm môi
mà chưa
ấm lạnh
với người
xưa
sau

Vi Khuê
(Hoa Bướm Vườn Thơ Tôi)

Phượng Các
#4 Posted : Monday, September 5, 2005 4:04:12 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Thơ Vi Khuê được nhạc sĩ Võ Tá Hân phổ nhạc:

http://vota.com/nhac/Frame_Indices/index_CD.htm

Xin chọn CD 04 Hoang Vu trong danh sách

Phượng Các
#5 Posted : Monday, September 5, 2005 4:14:05 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Hoang vu


Qua đèo nay, nhớ trấn xưa
Hoang vu đồi hạ, đôi bờ cỏ may
Em giờ đây xuôi bến nào
Tôi thương cổ thụ hai hàng lệ xưa

Từ bên ấy sang bên này
Con sông vẽ một nét mày bắt ngang
Cồn hoang dã, bến lau thưa
Trơ thân cỏ dại nằm chờ nước sông

Khung trời xanh đã khép buồn
Suy tư bước nhỏ ngại ngùng chân em
Bên dòng sông nước vẫn trôi
Hoang vu sao lại riêng mình hoang vu

Vi Khuê


Chú thích:
Chép lại từ trang nhạc Võ Tá Hân, có thắc mắc ở câu thứ sáu là bắt ngang hay bắc ngang? PC











Phượng Các
#6 Posted : Monday, September 5, 2005 4:20:20 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Bài thơ xanh

Như tuôn lá đổ về rừng
Như bàn tay mẹ đón mừng con thơ
Như hồng nõn má măng tơ
Thơm thơm cháu ngoại hôn bà sớm mai

Như non cao tiếp biển dài
Bờ xa bãi rộng, trăng cài núi xanh
Như em còn đợi chờ anh
Như con chim hót trên cành nặng sương

Như muôn thác lũ về nguồn
Như tim giếng nhỏ còn tuôn mạch đời
Như buồm căng gió ra khơi
Như cây trái mới đâm chồi lộc non

Như câu lục bát vuông tròn
Như ngôn ngữ mẹ đẹp nguồn ca dao
Như buồm căng gió ra khơi
Như cây trái mới đâm chồi lộc non

Bỗng dưng trời đổ mưa rào
Cho con lộ nhỏ trôi vào ruộng xinh
Bỗng dưng trời rạng bình minh
Bỗng dưng hy vọng cho mình thắm tươi

Quê hương khuất nẻo chân trời
Bỗng dưng chớp rạng sáng ngời quê hương
Bỗng dưng trời rạng bình minh
Bỗng dưng hy vọng, cho mình thắm tươi

Bỗng dưng trời rạng bình minh
Bỗng dưng hy vọng cho mình thắm tươi

Vi Khuê

Phượng Các
#7 Posted : Monday, September 12, 2005 3:01:26 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)



Tình Người Trong NGỰA HỒNG TRÊN ÐỒI CỎ Của VI KHUÊ

HỒ TRƯỜNG AN

NGỰA HỒNG TRÊN ÐỒI CỎ là tuyển tập truyện ngắn của VI KHUÊ, đã được giới thiệu như là một "tuyển tập 10 truyện ngắn nhiều sắc thái khác nhau: tình cảm tư tưởng, tâm lý xã hội, thời thế kinh dị... đưa độc giả vào thế giới đặc biệt Vi Khuê, ngòi bút nữ nạn nhân chiến tranh, chứng nhân thời đại, với một văn phong vô cùng độc đáo..."

Tuyển tập gồm những truyện, phần lớn đã được đăng trên các tạp chí văn nghệ đứng đắn như Văn, Làng Văn, Văn Học; nay được tác giả thực hiện việc in thành sách, lấy tựa từ một truyện mang tên Ngựa Hồng Trên Ðồi Cỏ. Tuy phần lớn đã được đăng, nhưng tất cả các truyện đều đã được công phu nhuận sắc trước khi in, nên người đọc cảm thấy như hoàn toàn mới mẻ.

Trước khi đi sâu vào văn phong và bút pháp, chúng tôi xin điểm qua 4 truyện ít được biết đến nhất hoặc chưa đăng.

CHUYỆN TÌNH HUẾ TÁM MƯƠI HAI, viết từ năm 1982 và là truyện ngắn đầu tay của Vi Khuê, đăng trên báo chí hải ngoại là một chuyện tình mô tả nhiều chuyện tình trong đó: Tình yêu của một ông bác sĩ trẻ, độc thân với vợ bạn. được chính ông ta tỏ bày một cách liều lĩnh táo bạo gây dư luận sôi nổi qua một bài thơ ngâm, khiến cho Nguyên,một thiếu phụ ngoài bốn mươi nhân đó hồi tưởng lại mối tình của Trấn 20 năm trước ở Huế đối với mình. Và cuối cùng, chuyện tình lứa đôi chuyển qua tình yêu quê hương đất nước trong đó nỗi ray rứt đớn đau trở thành khủng hoảng tâm trí một nhân vật trí thức Việt Nam quá ưu tư về thời cuộc nước nhà. Truyện có màu sắc đặc biệt Huế, khung cảnh Huế, và những nhân vật nói giọng Huế.

"Chuyện Tình Huế 82" hẳn là một chuyện tình, được kết luận bằng câu "Ðôi mắt của người say, đôi mắt của người tình chỉ là đôi mắt của người điên" và "Không làm gì có một chuyện tình Huế 82, chỉ có chuyện một người điên vì thời cuộc". Tuy được kết luận như vậy, trước tiên CTH82 vẫn là một chuyện tình thơ mộng và trong sáng.

Truyện làm nao nao tâm hồn những ai đã qua cái tuổi nồng nàn, đọc nó mà nhớ lại một người yêu đã đi qua trong cuộc đời mình: Trấn không tự mình tỏ tình với Nguyên bằng lời nói mà bằng hành động, như đã nói lời vĩnh biệt nàng vào một ngày cuối tháng 4 năm1975 lịch sử, qua một người thứ ba: "Chỉ mong khi chết được có người yêu đi sau đám ma!" (trang 13). "Người yêu", hai chữ vẫn đáng yêu lắm chứ! Có lẽ, tôi nghĩ điều tác giả muốn nói, được gói ghém trong câu này: "Có tình yêu chứ sao không? Nhưng quan niệm về tình yêu thay đổi, mỗi thời biểu lộ một cách khác. Thế thôi!"

NHỮNG DẤU CHÂN LẠC LOÀI CỦA MẸ: Ở truyện ngắn “nhỏ” nhất trong tập truyện này, ngôi thứ nhất – xưng tôi - tự biến mình thành cô gái 17 tuổi, với một cuộc tình trẻ con diễn ra nơi cái phòng roller skating của bọn mười-mấy tuổi (teen-ager) ở ngôi trường trung học nọ. “Người yêu” 22 tuổi tên Hồ Hoàn Kiếm, như quê quán của “chàng” vốn ở miền Bắc xa xôi. Kiếm được Thắm yêu vì chàng có cái bụng lép, của hiếm có nơi cái xứ mà mấy ông xồn xồn thường làm cô bé sợ những cái vòng số 2, tưởng chừng như mỗi ông “đều mang trước bụng một thùng nước lèo, ong óc, òng ọc...” Chàng có nhiều điểm đáng yêu nữa, đặc biệt là giọng nói thánh thót bổng trầm với những từ đặc biệt miền Bắc như “Ô hay, Bé hay hờn mát nhỉ”. Và “để thư thả, mẹ anh khó tính lắm” (trang 40).
Nhưng cái đáng yêu nhất nơi chàng đối với Thắm, là tình yêu của chàng đối với mẹ, và nỗi buồn khổ do mẹ chàng vô tình gây nên mà chẳng biết.
Với truyện ngắn có tầm vóc khiêm nhường nhất trong toàn tập này, tác giả Vi Khuê cho thấy cái tài viết đối thoại của mình: dí dỏm thơ ngây, từ miệng cô bé 17 tuổi; đanh đá ngoan cố, từ miệng bà mẹ quê hiểu biết sai lạc về cái gọi là bảo tồn văn hóa, bảo tồn bản sắc dân tộc. Vấn đề được đặt ra ở đây là tình trạng lạc loài của bà mẹ đó – như những bà mẹ khác - giữa một môi trường sinh sống mới hoàn toàn xa lạ, khác hẳn với lối sống xưa kia của bà ở quê nhà. NDCLLCM là một truyện ngắn hết sức dễ thương.

YES SIR, YES SIR: Chuyện tình thứ 3 và là chuyện tình cuối cùng trong 10 truyện. Mai và Vinh, cũng như Trấn và Nguyễn, Thắm và Kiểm trong 2 truyện tình kia. Tình yêu chỉ là cái cớ tác giả mượn để nói lên những điều thực sự nghiêm trọng trong những bối cảnh của lịch sử: biến cố chính trị ngày 1 tháng 11 năm 1963 với những suy tư, thắc mắc, băn khoăn về thời cuộc của hai nhân vật chính, điển hình cho cả một thế hệ trẻ ưu tư.
“Yes sir, Yes sir” là tiếng kêu thảm não nói lên tình trạng “xuống dốc” bi đát của cả một lớp người trí thức Việt cúi đầu đi xin việc ở các sở Mỹ. Ðáng ghi nhận là những câu nói sau đây: Của Vinh: “Thế hệ chúng ta chỉ có một mối bận tâm hàng đầu là vấn đề này – tư tưởng phải thành hệ thống! Sống đã mệt lắm rồi, nhưng còn phải nghĩ sao cho đúng! Cả một thế hệ quay cuồng trong cơn lốc suy tư (trang 131). Của Mai: “Tất cả mọi người của dân tộc này đều phải tham dự cuộc đánh nhau để mà chết, chỉ vì đã suy nghĩ khác nhau về cách đem lại hạnh phúc cho nhau, không thù oán ba đời nghìn kiếp? Thật vô lý. Bộ không còn có cách nào giải quyết được vấn đề một cách ít tàn nhẫn, ít đau lòng hơn sao?”
(trang 130). Của bà mẹ: “Ðào sâu tư tưởng thì mệt lắm con ạ vì đầu óc con người rất có giới hạn nếu quan tâm đến chính trị, đời khổ lắm, má thương con, đâu muốn đời con khổ...” (trang 137).
Truyện kết thúc bằng một câu của Michael, người chồng Mỹ tốt bụng của Mai, vô tình đã nêu ra một đề tài suy tư của thời đại chúng ta:
- Anh biết..., người Việt Nam trọng người trí thức hơn người ... thợ sơn mà!
- Người Mỹ cũng thế thôi, Michael ạ! (trang 145)

CHUYỆN THỜI ÐẠI: Ðầy tình tiết, sôi nổi chung quanh hai nhân vật nữ thuộc giai cấp bình dân, từ những chứng kiến đổi thay dâu biển ở quê nhà qua đến cuộc-sống-tìm-đến ở Mỹ. Chị Hạnh, nguyên giáo viên tiểu học, vợ một người đã từng làm việc ở một sở “của người bạn đồng minh” tại Sài Gòn với đồng lương
hậu hĩ, và cô Mến, đứa con gái nhà nghèo đã phải bỏ ngang chương trình lớp 10 để đi bán mía xâu, về sau vượt biển đến lập nghiệp tại Hoa Kỳ, hưởng một đời sống đầy đủ như mơ ước. Một truyện ngắn quá nhiều màn nhiều cảnh với những mẩu đối thoại và tả cảnh linh động như thế này:

- Xe cộ gì mà khổ đến thế này? Từ hồi Pháp thuộc đến giờ, có khi nào khổ đến thế này không?
- Không.
- Thế thì từ bao giờ xe cộ và người khổ như thế này?
- Từ sau một chín bảy lăm đấy, ông ạ.

Một người đàn ông, một người đàn bà ngồi đối diện nhau, không quen biết nhau , tự động diễn mấy câu bi hài kịch ngắn, làm bật lên, giữa lòng xe hừng hực như cái hầm, vài tiếng cười khấc khấc. (trang 27)
Truyện ngắn của Vi Khuê, quan trọng nhất bao giờ cũng ở đoạn kết.

Trên đây là 4 truyện trong đó có 3 chuyện tình yêu đôi lứa, viết bằng những lời văn có vẻ đơn giản nhưng vẫn cho người đọc cái cảm tưởng: không dễ gì hiểu được cái ngụ ý sâu xa của tác giả qua mỗi chữ, mỗi dòng. Truyện thứ tư là truyện điển hình của thời đại tính. Ta thấy ở đây, cũng như trong thơ, Vi Khuê
thường cố gắng đạt đến “trình độ cao của nghệ thuật và tư tưởng”. Nhưng, những truyện được tán thưởng nhất trong tuyển tập là Mẹ Ngày Xưa,Chiều Siêu Thị, Chỗ ở Cho Linh Hồn, Tết của Linda và Ngựa Hồng Trên đồi Cỏ...
Tất cả đều là những bối cảnh lịch sử thường trải dài suốt mấy mươi năm chinh chiến trên quê hương xưa, và nối tiếp ở cuộc đời lưu vong xa nước bây giờ.

NGỰA HỒNG TRÊN ÐỒI CỎ dù là tập truyện đầu tay – nói đúng hơn, là tập truyện đầu tiên của một nhà thơ nữ được phát hành tại nước ngoài, nhưng nó đã giới thiệu bà thực sự là một nhà văn, viết văn đàng hoàng, chứ không phải là một nhà kể chuyện. Sở dĩ nói thế vì đã có nhiều trường hợp những cây bút
chỉ mới làm công việc kể chuyện chứ chưa hề viết văn được một lần nào. Nhà kể chuyện chỉ tường thuật những biến cố. Nhà văn giữ một trách nhiệm nặng nề hơn, đưa hành trình cây bút vào lãnh vực sâu kín, lắt léo của tâm lý phức tạp con người, và chủ yếu, phải nói lên một điều gì. Ở 10 truyện ngắn trong NHTÐC,
Vi Khuê đã vẽ được từng chân dung, từng tâm tình nhân vật với từng nếp cảm nghĩ có bề sâu, đã dựng được những bối cảnh sống động. Bởi đó, chỉ ở một tập truyện đầu tay, bà đã nắm thật vững kỹ thuật viết văn và đã chính thức trở nên một nhà văn có kích thước lớn trên văn đàn... phái nữ (nếu cần phải nói vậy).

Vi Khuê là ngòi bút phụ nữ không nhốt kín đường hướng sáng tác của mình vào tình yêu đôi lứa như đa số nhà văn nữ ở tác phẩm đầu tay. Qua tình người, bà mở rộng tầm nhìn về quê hương, đất nước, về cảnh ngộ lưu vong, về giấc mộng kinh hoàng mấy mươi năm chinh chiến, về những thắc mắc siêu hình.
Bất cứ ở cảnh huống nào trong truyện, tình người cũng được thắp sáng từ đầu đến cuối, và để lại ngân vang những dư âm ngọt ngào hay cay đắng, chứ không thoảng qua rồi bay đi. Vi Khuê sử dụng một lối văn giản dị mà có chuốt lọc. Bà không cần những ngữ pháp hào nhoáng và sực nức son phấn điểm trang.
Ở NHTÐC, chúng ta không thấy chữ nhiều mà nghĩa ít, không thấy chữ có mà nghĩa không, không thấy chữ lớn mà nghĩa hẹp, không thấy chữ kêu mà nghĩa câm.

Tóm lại, NGỰA HỒNG TRÊN ÐỒI CỎ của Vi Khuê là một công trình sáng tác đạt được 3 tiêu chuẩn: nhân tính, nhân đạo, và nhân bản, để trở nên đúng nghĩa là một tác phẩm văn chương.
NGỰA HỒNG TRÊN ÐỒI CỎ cũng là tác phẩm đầu tay chứng minh dõng dạc rằng: tác phẩm đầu tay được xuất bản có khi không phải là tác phẩm của người mới viết lách, mà trái lại đã viết lách lâu năm, nhuần nhuyễn và điêu luyện.

HỒ TRƯỜNG AN



Phượng Các
#8 Posted : Monday, October 10, 2005 2:48:53 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Users browsing this topic
Guest
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.