Mười năm Tiền Vệ (2002-2012)
Nguyễn Hưng Quốc
26.11.2012
Tôi không nhớ ngày cũng không nhớ tháng; tôi chỉ nhớ năm: 2002. Tôi cũng không nhớ nhân dịp gì tôi bay từ Melbourne lên Sydney và, như mọi lần, ở nhà Hoàng Ngọc-Tuấn; và cũng như mọi lần, mỗi khi tôi lên, Tuấn đều gọi anh em, bạn bè lại nhà để ăn nhậu và chuyện trò. Tôi chỉ nhớ rõ điều này: Buổi tối hôm ấy, có khá đông người: ngoài anh em Hoàng Ngọc-Tuấn, còn có một số bạn văn nghệ: các nhà thơ Võ Quốc Linh, Uyên Nguyên, Nguyễn Hoàng Tranh và nhà văn Nguyễn Hoàng Văn dạo ấy mới từ Melbourne lên Sydney sống và làm việc. Chúng tôi nói đủ thứ chuyện, nhưng nhiều nhất, bao giờ cũng là chuyện văn nghệ. Thường, nói chuyện về văn nghệ, bao giờ chúng tôi cũng hào hứng và sôi nổi. Nhưng tối hôm ấy, có lúc, không khí như chùng xuống. Ai cũng có vẻ buồn buồn.
Lý do nỗi buồn ấy cũng dễ hiểu: Tạp chí Việt bị đình bản. Tôi ra tạp chí Việt từ đầu năm 1998. Mỗi năm hai số. Tổng cộng bốn năm: tám số. Ngắn ngủi và ít ỏi, nhưng tờ báo gây được tiếng vang đáng kể. Dĩ nhiên không phải ai cũng thích. Nhưng có điều này khá rõ: số báo nào cũng gây xôn xao trong dư luận, đặc biệt giới cầm bút ở hải ngoại. Xôn xao chủ yếu vì những vấn đề được đặt ra khá mới: hết chủ nghĩa hậu hiện đại đến chủ nghĩa hậu thực dân; hết vấn đề sống và viết như những người lưu vong đến vấn đề tình yêu, tình dục và phái tính trong văn học; hết chuyện cái mới trong văn chương đến chuyện văn học trong thế kỷ 21. Xôn xao cũng vì thái độ của nhóm chủ trương: quyết liệt. Ngay cả cái tiêu đề đặt dưới tên báo Việt, “Công hoà văn chương thế kỷ 21” cũng khiến nhiều người ngạc nhiên, hoang mang và có khi, khó chịu. Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, trong mục "Sổ tay" đăng trên tạp chí Văn tại California số tháng 8.1998, viết: "Nụ cười của nước Pháp, nước mắt của Ba Tây trong World Cup 98 chưa đủ sức làm trái đất nóng lên. Thế nhưng, tạp chí Việt [...] ở Úc vừa phát hành số 2, với chủ đề Sống & Viết ở Hải Ngoại có khả năng làm những người cầm bút Việt Nam giật mình."
Tuy nhiên, sau khi ra được 8 số, tôi thấy mệt mỏi. Một mình tôi lo việc bài vở; một mình tôi layout; một mình tôi đi quanh xin quảng cáo để có thêm chút tiền trang trải ấn phí và bưu phí; một mình tôi mang bảo thảo đến nhà in; một mình tôi đến nhà in lấy báo; rồi một mình tôi lui hui bỏ vào phong bì, chở ra bưu điện, gửi đến các độc giả dài hạn. Mà số độc giả dài hạn ấy cũng không nhiều; lại ở rải rác khắp nơi trên thế giới: một số ở Úc, một số ở châu Âu, châu Á, và nhiều hơn, ở Mỹ. Gửi báo đi, sợ nhất là cước phí. Nhà in, vốn yêu văn nghệ và muốn ủng hộ việc làm của chúng tôi, tính giá khá rẻ: khoảng hơn 3 đô la cho một tờ báo dày khoảng 300 trang. Cước phí trong nước Úc, nếu tôi nhớ không lầm, khoảng 2.4 đô la. Nhưng cước phí gửi đi ngoại quốc lại rất đắt, khoảng 12 hay 14 đô la gì đó. Tổng cộng, giá thành của một số báo, ở Úc là khoảng trên 5 đô la; ở ngoại quốc, trên 15 đô la. Để có độc giả, tôi đề giá báo khá rẻ: 7 đô la bán lẻ; 5 đô la cho độc giả dài hạn ở Úc và 9 đô la cho độc giả ở các nước khác. Như vậy, bán bao nhiêu lỗ bấy nhiêu. May, một số bạn bè tôi, những người yêu thích văn nghệ, giúp tôi một phần trong số tiền lỗ ấy dưới hình thức quảng cáo hay tặng tiền. Có điều, dù chịu lỗ như vậy, số độc giả vẫn không nhiều. Thoạt đầu, tôi in mỗi số 1000 bản. Bán được khoảng 400 bản. Sau, tôi hạ số in xuống còn 800; số độc giả cũng vẫn ở mức 400. Tôi hạ số in xuống còn 500: Vẫn còn thừa khoảng 100 bản. Tôi nản. Và cuối cùng, cuối năm 2001, sau khi số 8 ra mắt, tôi quyết định ngừng.
Quyết định ấy rõ ràng làm nhiều anh em viết lách ở Úc hụt hẫng. Trong bốn năm, Việt đón nhận sự cộng tác của nhiều người ở khắp nơi, nhưng lực lượng nòng cốt vẫn là anh em ở Úc. So với tuổi tác trung bình của giới cầm bút ở hải ngoại lúc ấy, tất cả đều còn khá trẻ, chưa ai từng xuất bản gì ở Việt Nam trước năm 1975. Họ viết, một phần, vì yêu văn nghệ; phần khác, vì thích đàn đúm với bạn bè. Nhiều người, rất tài hoa, không viết ở đâu khác ngoài Việt. Trước, họ chỉ lặng lẽ đọc. Thảng hoặc, cầm bút, họ cũng chỉ viết cho một số bạn bè đọc. Ngay chính Hoàng Ngọc-Tuấn, ngoài thời gian làm tờ Tập Hợp, một tờ báo văn nghệ được xem là xuất sắc nhất trong giới sinh viên thời ấy, không hề gửi bài đăng ở đâu cả. Võ Quốc Linh và Uyên Nguyên cũng vậy. Nguyễn Hoàng Văn và Nguyễn Hoàng Tranh cũng vậy. Tất cả đều như vậy. Trong tất cả những người cộng tác trên Việt, trừ tôi, chỉ có một người duy nhất đã xuất hiện thường xuyên trên các tạp chí ở Mỹ: Thường Quán. Hết.
Những anh em chỉ thực sự bắt đầu viết từ tờ Việt và hầu như chỉ viết cho Việt, đến khi Việt bị đình bản, cảm thấy chới với. Với họ, hầu như không còn động cơ gì để viết lách nữa cả. Các tạp chí văn học bên Mỹ hay thì hay, nhưng, ngoài chuyện khác biệt về quan điểm văn học, chúng xa xôi quá; đăng bài ở đó, với họ, giống như việc ném một viên sỏi vào khoảng không. Không một tiếng dội. Nên ai cũng thất vọng.
Buổi tối năm 2002, ở nhà Hoàng Ngọc-Tuấn, đang lúc say sưa bàn chuyện văn học, ai đó đề nghị tôi cho tục bản tờ Việt. Tôi lắc đầu. Tôi nêu ra cả một ngàn lẻ một lý do để từ chối việc ra lại tờ báo chính tay tôi đã khai tử. Bỗng dưng, có ai đó, nếu tôi nhớ không lầm, hình như là Hoàng Ngọc Diêu, em trai Hoàng Ngọc-Tuấn, đề nghị: “Hay mình ra một tờ báo điện tử?” Mọi người ồ lên, thích thú. Tôi là người duy nhất phân vân. Lại có cả một ngàn lẻ một lý do để phân vân.
Thứ nhất là vấn đề kỹ thuật. Tôi hoàn toàn mù về kỹ thuật. Nên nhìn đâu cũng thấy khó khăn. Nhưng Diêu trấn an ngay: “Anh khỏi lo! Ở nhà, bọn em toàn là dân kỹ thuật mà!” Ừ, mà quả thật, hầu hết các em trai, em gái và em rể của Hoàng Ngọc-Tuấn đều là các chuyên viên kỹ thuật điện toán cả; trong đó, Hoàng Ngọc Diêu, người đề nghị ra tờ báo điện tử, sau này trở thành một chuyên viên an toàn mạng nổi tiếng, người giúp bảo vệ cho hầu hết các tờ báo mạng độc lập ở hải ngoại từ các cuộc tấn công dữ dội của đám tin tặc ở trong nước, và cũng là người, vì lý do ấy, đã bị Việt Nam cấm nhập cảnh vào đầu năm 2012.
http://www.procontra.asia/?p=180
Thứ hai là về thì giờ. Báo mạng, để có độc giả và để giữ được độc giả, cần phải có bài mới thường xuyên. Tốt nhất là mỗi ngày. Điều đó đòi hỏi người biên tập phải mất rất nhiều thì giờ. Mỗi ngày ít nhất là vài ba tiếng. Phần tôi, tôi rất ngại điều đó. Nhưng khó khăn này được giải quyết rất nhanh. Hoàng Ngọc-Tuấn xung phong: “Tôi làm cho!” Đồng ý, nhưng thực tình, tôi không mấy an tâm. Tôi ngại Tuấn, vốn tính nghệ sĩ, làm việc theo hứng, chỉ một thời gian ngắn, sẽ chán nản và bỏ cuộc. Nhưng lần này, tôi lại sai. Suốt 10 năm qua, ngày nào cũng như ngày ấy, sau khi vợ con đi ngủ hết, Tuấn cũng đều một mình cặm cụi trước computer để đọc bài, chọn bài, sửa bài và đưa bài lên mạng. Đến hai, ba giờ sáng. Ngày nào cũng thế. Ngay cả khi đi du lịch xa, cả ngày gặp gỡ bạn bè, chuyện trò và hát hò, về khách sạn, đã khuya lơ khuya lắc, Tuấn lại vẫn loay hoay với chiếc laptop để lại đọc bài, chọn bài, sửa bài và đưa bài lên báo đúng kỳ. Ngày nào cũng thế. Suốt mười năm qua.
Thứ ba là về chất lượng. Tôi không tin mình sẽ có đủ bài vở để đăng tải mỗi ngày. Lại càng không tin đó là những bài hợp với điều mình chủ trương: mới. Trước sự hoài nghi ấy, mọi người chỉ dè dặt: Thôi thì mình cứ thử xem sao. Có sân chơi tốt, biết đâu sẽ làm xuất hiện nhân tài. Tôi miễn cưỡng: ừ, thì thử. Và lần này, tôi cũng lại sai nữa. Ngay khi mới xuất hiện, anh em bạn bè văn nghệ khắp nơi đã gửi bài tới ào ạt. Thời gian đầu, mỗi ngay đăng bốn bài. Sau này, tăng lên, trung bình sáu bài. Về thể loại, đủ cả: từ thơ đến truyện ngắn, truyện cực ngắn, phê bình, tiểu luận và tuỳ bút; từ sáng tác đến dịch thuật; từ văn học đến mỹ thuật và âm nhạc. Về tác giả, có đủ các thế hệ: từ những người cầm bút trước 1975 đến những người mới cầm bút sau 1975, thậm chí, sau thời đổi mới, hay trẻ hơn nữa, mới xuất hiện thời gian gần đây, ở giữa hoặc cuối thập niên đầu tiên của thế kỷ 21. Và đủ vùng miền: Ở Việt Nam, có; ở hải ngoại, có. Ở hải ngoại, họ đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Mỹ. Pháp. Đức. Nhật. Úc. Và nhiều nơi khác nữa.
Sau khi “giải quyết” tất cả các vấn đề ở trên, anh em quyết định ra tờ bao mạng với tên là Tiền Vệ để nhấn mạnh ý hướng và nỗ lực đổi mới, điều được ghi rõ ngay trên trang đầu của tờ báo:
TIỀN VỆ là một trung tâm văn học và nghệ thuật trên mạng lưới thông tin toàn cầu, với hai hoạt động chính là phổ biến các tác phẩm mới và tiến hành các cuộc tranh luận về văn học nghệ thuật. Mục đích chủ yếu của TIỀN VỆ là nhằm góp phần xây dựng một khối Thịnh Vượng Chung của văn học nghệ thuật Việt Nam, nơi, bất chấp những dị biệt về địa lý và chính trị, mọi người có thể gặp gỡ nhau trong nỗ lực tìm tòi và thử nghiệm để trả công việc sáng tác trở về đúng nguyên nghĩa của nó: làm ra cái mới.
TIEN VE is an online centre for the arts (including literature, music, visual and performing arts) whose principal activities are presenting new creative works and organizing debates on aesthetic and artistic issues. The main aim of TIEN VE is to contribute to the formation of a Commonwealth of Vietnamese Arts, where, regardless of geographical and political differences, everyone can join and share their endeavour in exploration and experimentation so that artistic creativity is reunited with its original meaning, namely, the making of the new.
Là một trong những người thuộc nhóm chủ trương, tôi không muốn đánh giá Tiền Vệ. Việc ấy, để các anh em khác làm thì hay hơn. Tôi chỉ muốn ghi nhận hai sự kiện khá hiển nhiên, có thể kiểm chứng dễ dàng:
Thứ nhất, cho đến nay, Tiền Vệ là một trong hai tờ báo mạng văn học duy nhất bằng tiếng Việt. Chỉ có hai. Tờ kia là Da Màu. Hết. Báo, thực sự là báo, theo tôi, cần có ba điều kiện chính: Một, phải được cập nhật mỗi ngày; hai, có nhiều cộng tác viên khác nhau chứ không phải chỉ có một người duy nhất (như ở các blog); và ba, bài vở phải mới chứ không phải là một dạng tập hợp từ các nguồn khác, hoặc báo in hoặc báo mạng, đâu đó (như hầu hết các tờ báo mạng hiện nay, trong cũng như ngoài nước).
Thứ hai, trong hai tờ, Tiền Vệ thuộc lớp cao niên hơn Da Màu. Và cho đến nay, có lẽ là có tuổi thọ cao nhất trong tất cả các tờ báo mạng các loại, kể cả các tờ báo chỉ tập hợp bài vở từ những nơi khác.
Sống lâu như vậy, ngoài chuyện chất lượng hay quan điểm, có lẽ còn có yếu tố tâm lý: đăng nhanh và được đọc nhiều. Nhớ, ngày trước, từ Úc, mỗi khi viết bài xong, tôi gửi cho các tạp chí bên Mỹ, như Văn, Văn Học hay Hợp Lưu, thường tôi phải chờ đến một, hai tháng. Gửi qua email: rất nhanh. Nhưng nhận được, ban biên tập phải chờ đến kỳ mới mang báo đi in (Với Văn và Văn Học: một tháng; với Hợp Lưu: hai tháng). In xong, phải gửi bưu điện. Ngay cả khi gửi bằng máy bay thì cả một, hai tuần sau, tôi mới nhận được. Từ lúc nhận được báo đến lúc nhận được hồi âm từ bạn đọc hoặc bạn bè trong giới văn nghệ, lại mất thêm mấy tuần nữa. Dằng dặc. Với báo mạng thì khác. Lúc Tiền Vệ mới ra mắt, viết bài xong, tôi gửi qua email cho Hoàng Ngọc-Tuấn. Mấy phút sau, tôi nhấc điện thoại, hỏi Tuấn đã nhận được bài chưa, Tuấn nói: Rồi. Nói chuyện tào lao mấy phút nữa, Tuấn lại nói: “Ông vào Tiền Vệ đi, bài lên rồi đó.” Vừa nói chuyện, tôi vừa bấm vào Tiền Vệ, thấy, quả thật, bài mình đã nằm chình ình trên đó rồi. Lại nói chuyện tiếp. Năm, mười phút sau, nhìn lên màn ảnh computer trước mặt, tôi đã thấy có mấy cái email từ bạn bè cho biết vừa mới đọc xong bài viết mới của tôi trên Tiền Vệ. Và thích. Những người ấy ở đâu? Có người ở Úc. Có người ở Mỹ. Có người ở Đức hay Pháp. Và có người ở Việt Nam. Xa hun hút cái nơi tôi ở.
Trước, tôi đã biết, trên lý thuyết, tính tốc độ và tính toàn cầu của internet, nhưng chỉ với Tiền Vệ, tôi mới cảm nhận được, một cách trực tiếp, ý nghĩa thực sự của hai đặc điểm ấy.
Sau đó, tôi mất hẳn hứng thú gửi bài cho báo in. Anh em ở Văn, Văn Học (lúc còn sống) cũng như ở Hợp Lưu thỉnh thoảng xin bài, tôi cứ ừ hử rồi thôi. Đã từng có kinh nghiệm về tính tốc độ và tính toàn cầu của Tiền Vệ, tôi hoàn toàn không còn kiên nhẫn để chờ cả mấy tháng mới được nhìn thấy đứa con tinh thần của mình được khai sinh trên giấy. Lại là số giấy ít ỏi, năm bảy trăm số, nằm đìu hiu trên các tiệm sách vắng ngắt ở hải ngoại.
Ai đã từng ngoại tình với báo mạng cũng đều chặt cầu với báo in.
Về lại, họ chỉ về với sách.
Sách, chứ không phải là báo.