Giới thiệu tác giả và thơ Tình Trong Cõi Mộng
Kính thưa quý vị,
Hôm nay vẫn còn là tháng 5, tháng dành cho mẹ. Người Mỹ đã chọn một ngày trong tháng 5 để nhớ công ơn người mẹ. Người Công giáo cũng chọn tháng 5 làm tháng kính Đức Mẹ. Vậy tưởng không gì thích hợp bằng đọc lên bài thơ “Nhớ Mẹ” của tác giả Quỳnh Anh để giới thiệu tập thơ Tình Trong Cõi Mộng của bà.
Hôm qua Mẹ trở về nhà
Con níu áo mẹ chỉ là khoảng không
Mẹ nay nước Nhược, non Bồng
Mẹ cha xum họp mênh mông cõi trời
Bao nhiêu cay đắng cuộc đời
Bấy nhiêu phiền não rối bời tâm can
Lạc loài trong cõi nhân gian
Cháu con mất mẹ nát tan cõi lòng
Vậy tác giả Quỳnh Anh, bà là ai?
Thưa, bà là cô gái Bắc Ninh, mà đã nói đến Bắc Ninh, thì ai người xứ Bắc mà không hãnh diện là con gái Bắc Ninh. Vì trong dân gian có câu thơ rằng:
Cô gái Bắc Ninh xắn váy quai cồng
Đọc thơ cho mẹ gánh gồng theo cha
Câu thơ ý nói con gái Bắc Ninh vừa giỏi giang lại vừa tháo vát. Là con gái Bắc Ninh, lại sinh trưởng trong gia đình văn học, mẫu thân bà là thi sĩ, nên ngay từ tấm bé bà đã ảnh hưởng tâm hồn thơ của mẹ. Do đó thơ bà nhẹ nhàng và tự nhiên như hơi thở. Tình Trong Cõi Mộng là tập thơ nói lên những nỗi nhớ thương ray rứt, những chờ đợi khắc khoải và những ước vọng mà bà không thực hiện được trong cõi thực.
Nhà bình thơ Phạm trọng Lê trong một lúc trà dư tửu hậu tại quán Phở Xe Lửa có lộng ngôn tuyên bố là phải điên điên mới làm thơ hay được, rồi như để chứng minh cho lời nói của mình ông kể nào là Bùi Giáng điên, Hàn mặc Tử điên, Cao bá Quát điên...
Vậy hãy theo cái nhận xét nửa đùa nửa thật của ông Lê xem tác giả “Tình Trong Cõi Mộng” có điên lắm không? Tuy nhiên trước khi nói đến cái điên của bà, tôi xin được bàn đến mục đích thơ của bà.
Mục đích cao cả của thi nhân thì quá nhiều. Người thì làm thơ mong hướng dẫn tư tưởng nhân loại, đưa thế giới tới khúc đại đồng ca, kẻ thì làm thơ tranh đấu cho quê hương xứ sở, người thì làm thơ chống đối chế độ độc tài, bất công, thối nát, với những lời thơ mạnh như dao chém đá, như khai sơn phá thạch, những lời thơ làm tiêu tan ý chí chiến đấu của địch quân, hoặc những lời thơ khích động tinh thần chiến sĩ có sức mạnh như một sư đoàn quân tinh nhuệ, và nhiều nhiều lắm kể sao cho xiết.
Riêng đối với tác giả Quỳnh Anh, theo tôi, bà chỉ có một mục đích khiêm tốn là đem tất cả những đau thương buồn tủi, những nhớ nhung tha thiết giãi bày lên trên 100 trang giấy,
để mong xóa dịu vết thương lòng,
để được đê mê chìm vào trong cõi mộng,
để thấy được người xưa trở về,
để được gặp mẹ hiền đã khuất bóng,
và thấy quê xưa yêu dấu nay đã cách xa.
Đây là tiếng thơ nức nở của người thiếu phụ đêm đêm ôm gối mộng, mà lệ sầu chứa chan, khóc cho một mối tình đầu tan vỡ. Nếu trong chúng ta, trong những lúc muộn phiền đau khổ mà có được người bạn tâm tình để ta có một bờ vai gục vào nức nở, có phải nỗi sầu đã vơi được một nửa rồi không?
Thế mà tác giả Quỳnh Anh đã 3, 40 năm, vẫn chờ, vẫn đợi người tình bội ước, vẫn mong có ngày gặp lại người xưa để được gục lên bờ vai nức nở dù chỉ một lần như trong mấy câu thơ sau đây:
Có bao giờ có khi nào
Anh quay gót lại hồng đào vườn xưa
Để em nước mắt như mưa
Một lần nức nở như chưa lần nào
Vậy bà cũng điên lắm chứ, tuy không phải cái điên của Bùi Giáng, đứng giữa chợ đọc thơ và la hét, nhưng là cái điên êm ái, cái điên vì tình. Điên và thất vọng tới độ có lần bà đã tính chuyện xuống tóc đi tu, trong một tu viện trên núi cao thật xa, xa hẳn nhân gian thế tục (Đoản văn Sông núi ngày xưa trang 89). Điên đến nỗi người tình bội ước đã 3, 40 năm mà vẫn chờ, vẫn đợi, vẫn không oán hận.
Phải chăng đây là một mối tình tuyệt đối, một mối tình chung thủy, một lần đã hứa là giữ mãi không thôi. Mấy ai trong chúng ta có được đức tính này? Đúng là thi nhân cũng phải có điểm khác người.
Kính thưa quý vị,
Nhà văn Đỗ Tốn chỉ viết có một cuốn tiểu thuyết “Hoa Vông Vang” mà tên ông đã đi vào văn học sử.”
Nhạc sĩ Trần Quảng Nam chỉ với một bản nhạc “10 năm tình cũ” mà được bao người yêu mến.
Thi sĩ TTKH với bài thớ “Hai sắc hoa Ty Gôn” cũng đã trở thành huyền thoại.
“Tình Trong Cõi Mộng” đã đem đến cho tôi nhiều bài thơ nhẹ nhàng xúc động, đặc biệt có 2 bài mà tôi ưa thích vô cùng, đó là bài “Cõi Sầu” trang 49 và “Quê hương tạm” trang 53. Tâm tư của tác giả có thể gói ghém trong bài “Cõi Sầu” sau đây:
Sầu ta một cõi mênh mang
Cõi nhà tan tác muôn vàn xót xa
Sầu ta một cõi bao la
Cõi tình đẫm lệ cõi ta lạc loài
Sầu ta một cõi u hoài
Cõi đời lưu lạc một loài cỏ hoang
Sầu ta một cõi bẽ bàng
Trăm năm mộng ước một làn mây trôi
Vâng:
Cõi nhà thì tan tác
Cõi tình thì đẫm lệ
Cõi đời thì lưu lạc
Còn gì nữa đâu
Cả đến Trăm năm mộng ước cũng chỉ một làn mây trôi. Rồi trong “Quê hương tạm” bà có những câu
Này quê hương mới, quê hương tạm
Ta chỉ dừng chân quên nỗi đau
Em kiêu sa quá làm ta nhớ
Vườn cũ quê nhà ngát hương cau
Hoặc:
Ta nhớ những chiều chưa tắt nắng
Ngoài vườn đàn bướm rất lao xao
Thấy cái kiêu sa của quê hương tạm, của những thành phố đồ sộ nguy nga, của những kinh kỳ huy hoàng tráng lệ chỉ làm cho tác giả nhớ tới vườn cũ quê nhà ngát hương cau, nhớ những chiều chưa tắt nắng, nhớ đàn bướm lao xao ngoài vườn.
Nhưng bây giờ tất cả chỉ còn
“Vườn cũ sương mù phủ chiêm bao”
Phải chìm vào giấc mộng mới thấy lại quê xưa vì trên thực tế dù có trở về thì hỡi ơi tang thương biến đổi, tường cũ rêu phong
Đâu còn vườn cau hương ngát
Đâu còn đàn bướm lao xao.
Đọc xong bài thơ này lòng tôi rung lên một mối u hoài, một nỗi buồn mênh mông xa vắng và vô tận, rồi thấm thía đến độ muốn ứa nước mắt.
Đúng là: “Ôi những ngày xưa thân ái nay còn đâu”
Kính thưa quý vị,
Thơ “Tình Trong Cõi Mộng” buồn quá, mỗi dòng thơ là mỗi dòng nước mắt, nếu tôi cứ tiếp tục nói về thơ của bà thêm 5 phút nữa, có lẽ tôi cũng khóc luôn. Tôi tự hỏi tại sao trên cái cõi đời đầy phiền muộn này, người ta lại cứ gieo đau khổ cho nhau. Nhưng có lẽ chính những sự khổ đau này đã là nguyên nhân nẩy sinh ra những vần thơ tuyệt diệu như những dòng thơ trong “Tình Trong Cõi Mộng” của tác giả Quỳnh Anh mà tôi tin rằng bà đã rất hài lòng về đứa con tinh thần của mình, ngày hôm nay, ngày mai và mãi mãi.
Xin cảm tạ và kính chào quý vị.
Bùi Cửu Viên