Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

Thụy Khuê
Hạt Cát
#1 Posted : Wednesday, October 27, 2004 4:00:00 PM(UTC)
Hạt Cát

Rank: Advanced Member

Groups: Registered, Moderator
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 80
Points: 18

Was thanked: 1 time(s) in 1 post(s)
Gởi: Tue Jul 06, 2004 5:47 pm





Thụy Khuê



Tên thật là Vũ Thị Tuệ
Sinh năm1944 tại Nam Ðịnh .
Viết tiểu luận văn học từ 1985
Ðã in bài trên các báo Tự Do (Pháp & Bỉ), Văn Học (Hoa Kỳ), Thông Luận (Pháp), Thế Kỷ 21 (Hoa Kỳ), Ngươì Việt (Hoa Kỳ), Diễn Ðàn (Pháp), Hợp Lưu (Hoa Kỳ), Phụ Nữ Diễn Ðàn (Hoa Kỳ)
Cộng tác với đài RFI (Radio France Internationale ) trong chương trình Văn Học Nghệ thuật từ 1990.

Tác phẩm đã in :

Cấu Trúc Thơ (1995, Văn Nghệ, California)
Sóng Từ Trường (1998, Văn Nghệ, California )
Thái Thanh, tiếng hát lên trời
Nỗi buồn chiến tranh
Mùi đu đủ xanh, Trần Anh Hùng
Cyclo, tiếng ru địa ngục
Thiều quang Lê Phổ
Vũ trụ Phạm Tăng
Phạm Thị Hoài, thiên sứ
Phạm Thị Hoài trên sinh lộ mới của văn học
Lê Thị Lựu, ấn tượng hoàng hôn
Trường hợp Trần Vũ
Võ Thị Hảo, vầng trăng mồ côi
Phạm Duy trên đăng trình đến vô cực
Tầng trệt thiên đường, Bùi Hoằng Vị
Mã quan trong hội họa Lê Bá Ðảng
Lê Bá Ðảng, kịch người
Không gian Lê Bá Ðảng
Vùng tuyệt mù Nguyễn Thị Thanh Bình
Sử quan trong văn chương Nguyễn Huy Thiệp
Nguyễn Huy Thiệp: Sự bất nhân trong nhân tính
Xuân Hồng, kịch bản văn học của Nguyễn Huy Thiệp
Bé Ký, nỗi hoài nhớ niềm vui đã khuất
Cấu trúc cách ly trong Ngó Lời của Lê Ðạt
Từ tình Epphen, nỗi nhớ thương không còn như xưa
Sóng Từ Trường II (2002, Văn Nghệ, California)
Sóng từ trường II
Nói chuyện với Hoàng Xuân Hãn và Tạ Trọng Hiệp (2002, Văn Nghệ, California)

(Web TK)

Hạt Cát
#2 Posted : Thursday, October 28, 2004 5:00:22 AM(UTC)
Hạt Cát

Rank: Advanced Member

Groups: Registered, Moderator
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 80
Points: 18

Was thanked: 1 time(s) in 1 post(s)
Tác giả hc
Gởi: Tue Jul 06, 2004 6:14 pm
Tiêu đề: Hậu Hiện Đại

Bài viết này bà Thụy Khuê đã gửi cho chị Sương Mai để phổ biến trên trang nhà PNV. Vì bài viết quá dài (21 trang), có nhiều chương nên người post sẽ đưa lên từ từ.


Hậu Hiện Đại

Thuyết hậu hiện đại-postmoderne, tuy ra đời cách đây hơn hai mươi năm, nhưng đối với độc giả Việt Nam, dường như vẫn còn là vấn đề thời thượng. Một đề tài dễ gây tranh luận, tuy được nói đến rất nhiều, nhưng nếu muốn tìm một chuyên luận giải thích rõ ràng, tường tận, không dễ. Có người cho rằng đó là một chủ nghĩa, một trường phái, có người cho đó là một lý thuyết suông. Phần đông những người bênh vực lý thuyết này, thường xem nó như một chủ thuyết văn học mới nhất, vượt xa những trường phái, chủ thuyết văn học "cũ" như: lãng mạn, siêu thực, hiện sinh… đã "lỗi thời". Postmoderne mặc nhiên trở thành "postmodernisme", một "chủ nghĩa văn học" có khả năng hướng dẫn sáng tạo cho toàn bộ những nghành nghệ thuật avant- garde thời này. Đối với người đọc bình thường, một số câu hỏi được đặt ra: có một thứ chủ nghĩa hậu hiện đại thật không? Và nếu có, thì chủ nghĩa ấy có những đường hướng sáng tác như thế nào? Những chữ hậu hiện đại nghĩa là gì? Có từ bao giờ? Do ai đề xướng? Nội dung tư tưởng của từ hậu hiện dđại? ... Tựu trung, những câu hỏi cơ bản về bất cứ một khái niệm văn học hay triết học nào.
Bài viết này thử tìm cách trả lời những câu hỏi trên đây, trình bầy với bạn đọc một chân dung hậu hiện đại từ nguồn phát xuất, tức là từ thuyết hậu hiện đại của Jean Francois Lyotard.
Để độc giả dễ dàng theo dõi, trước khi đi vào nội dung vấn đề hậu hiện đại, chúng tôi xin đưa ra một số chú thích quan trọng về:

- Nguồn gốc danh từ hậu hiện đại.
- Hành trình tư tưởng của JF Lyotard.
- Việc dịch một số danh từ trong sách của Lyotard.


Nguồn gốc danh từ

Danh từ postmoderne, hậu hiện đại, xuất hiện trong cuộc tranh luận triết học, từ năm 1979, cùng với sự ra đời của cuốn La condition postmoderne (Điều kiện hậu hiện đại) của Jean Francois Lyotard, thật ra, đã được dùng từ trước trong nhiều lãnh vực khác nhau.

Ngay từ năm 1861, nhà khoa học và triết gia Pháp, Antoine Augustin Cournot, đã nói đến khái niệm hậu lịch sử (post-histoire) trong cuốn Traité de l'enchainement des idées fondamentales dans la science et dans l'histoire (Chuyên luận về sự liên kết những ý tưởng cơ bản trong khoa học và sử học). Trong cuốn sách này, Cournot nhắc đến giả thuyết của Hegel về sự hoàn tất (hay kết thúc) lịch sử ở thời điểm hiện đại, để gián tiếp chỉ định những gì xẩy ra sau đó là hậu lịch sử. Sang thế kỷ XX, từ 1934, một số tác giả khác như Arnold J. Toynbee, Oswald Spengler, Alexandre Kojève, G. Benn và Arnold Gehlen đã lấy lại khái niệm hậu lịch sử này trong các chuyên luận khảo sát lịch sử, triết học, triết lý lịch sử, nghiên cứu thi học của họ.

Một mặt khác, cũng năm 1934, nhà phê bình văn học Tây Ban Nha, F. de Onis trong cuốn Antologia de la poésia espanola e hispanoaméricana đã dùng danh từ postmoderne để chỉ định sự vượt qua (dépassement) chủ nghĩa hiện đại (modernisme) những năm 1905-1914. Nhưng muốn biết sự "vượt qua" này là gì, thì có lẽ phải trở lại khái niệm chủ nghĩa hiện đại trước đã. Từ hiện đại thường dùng trong nghĩa đối lập với truyền thống, và thuật ngữ chủ nghĩa hiện đại- modernisme chỉ ba phong trào hoàn toàn khác nhau: (ở đây chúng tôi không kể đến những chữ chủ nghĩa hiện đại mà người ta hay dùng một cách chung chung giống như chủ nghĩa tiến bộ, khá bừa bãi, và thường vô nghĩa.)

- về tôn giáo, Modernisme là phong trào cải cách tôn giáo, nhằm mục đích hiện đại hóa đạo thiên chúa, cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, chỉ toàn bộ những lý thuyết và khuynh hướng có mục đích làm mới việc chú giải thánh kinh, cải tổ học thuyết xã hội và quản trị giáo hội, sao cho phù hợp với nhu cầu khoa học của thế kỷ XX; đặc biệt cuộc khủng hoảng tôn giáo dưới thời đức giáo hoàng Pie X (1903-1914) ở Pháp và ở Ý. Những tư tưởng cải cách này, bị nghị định Lamentabili và sắc lệnh Pascendi của giáo hội kết án nghiêm khắc năm 1907.

- về văn học, Modernisme ( Modernismo) chỉ trào lưu văn học phát xuất từ châu Mỹ la tinh năm 1890, của một số nhà văn, nhà thơ, viết tiếng Tây Ban Nha mà người khai phá là Ruben Dario ( Nicaragua), muốn thoát khỏi ảnh hưởng Tây Ban Nha, nhưng lại nghiêng về nhóm Thi sơn (Parnasse), (Thi Sơn do Théophile Gautier đề xướng, tập hợp trong một thi tuyển ba cuốn, tác phẩm của những nhà thơ rất khác nhau như: Gautier, Leconte de Lisle, Baudelaire, Banville, Heredia, Sully Prudhomme, Verlaine, Mallarmé, Coppée,... nhưng có cùng một chí hướng: chống lãng mạn, chủ trương đổi mới hình thức, đề cao quan niệm vô ngã trong thơ và nghệ thuật vị nghệ thuật) và nhóm Tượng trưng (Symbolisme) của Pháp.

- Ngoài ra, Modernisme, còn chỉ phong trào văn chương nghệ thuật ở Brésil, phát sinh từ São Paulo năm 1922, tìm những chủ đề thiên nhiên và văn hóa dân tộc.

Tóm lại chữ hậu hiện đại năm 1934, de Onis dùng để chỉ phong trào văn học Tây Ban Nha – châu Mỹ la tinh, từ 1905 đến 1914, chủ trương vượt qua chủ nghĩa hiện đại- Modernismo, không dính dáng gì đến chữ hậu hiện đại mà JF Lyotard dùng sau này.
Hạt Cát
#3 Posted : Thursday, October 28, 2004 5:01:15 AM(UTC)
Hạt Cát

Rank: Advanced Member

Groups: Registered, Moderator
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 80
Points: 18

Was thanked: 1 time(s) in 1 post(s)
Tác giả hc
Gởi: Tue Jul 06, 2004 6:30 pm

Postmoderne trong văn học Mỹ

Danh từ postmoderne, còn được dùng ở một bối cảnh khác, không liên hệ gì với postmoderne của de Onis ở Tây Ban Nha, trong sử học và phê bình văn học ở Mỹ thập niên 60, để chỉ những tác giả sinh vào khoảng thập niên 30 (thế hệ nhà văn sau Ernest Hemingway, William Faulkner, Erskine Caldwell,...) chủ trương cách tân tiểu thuyết với những đặc điểm: châm biếm và tìm một ngôn ngữ văn chương mới, như John Barth, Donald Berthelme, Robert Coover, William Gass, John Hawkes, Kurt Vonnegut, v.v…
Đối với John Hawkes (sinh năm 1925, tại Stanford), kẻ thù đích thực của tiểu thuyết là: tình tiết, nhân vật và đề tài. Để chống lại lối viết hiện thực, ông đưa ra một hình thức tiểu thuyết độc đáo, dựa trên hai yếu tố: châm biếm và kinh hoàng. Trong cuốn The cannibal (Kẻ ăn thịt người) in năm 1949, Hawkes khắc họa hình ảnh một nước Đức quái đản trong tưởng tượng, trước thế chiến thứ nhất và cuối thế chiến thứ hai, với những nhân vật dị kỳ, phế thải, một thế giới dã man, tàn bạo, "ăn thịt người", thế giới của ác mộng mà hiện thực không còn chỗ đứng. Trong cuốn Whistlejacket (Nhiếp ảnh gia và người mẫu, tạm dịch theo tựa tiếng Pháp Le photographe et ses modèles) (1988), ông tả một họa sĩ, muốn vẽ cho thật chính xác bức tranh ngựa, đã mổ ngựa để giảo nghiệm cơ thể; muốn vẽ chân dung hai mẹ con, bèn tìm cách mổ moi (trộm) thân xác một người mẹ chết vì sinh nở, để vẽ cho sống động. Tác phẩm của ông toát ra một thứ ngôn ngữ văn chương lạ kỳ, rùng rợn, mê sảng, một không khí ngụ ngôn thi ca khốc liệt.

William Gass (sinh 1924) cho rằng: tiếng nói theo ta khắp nơi, trong sinh hoạt thầm kín của nhục dục và trong giấc ngủ; ngôn ngữ là hồng tâm của tim người, và ông đã sáng tạo những cách viết, những giọng điệu đặc biệt, văn phong huyền ảo, với những truyện ngắn lạ kỳ đầy hoang tưởng.

Robert Coover (sinh 1932), dùng thủ pháp xáo trộn lịch sử, kể lại và di chuyển việc xử tử Rosenberg vào thời điểm chiến tranh lạnh và cao điểm của phong trào Mac Carthy. Phác họa một chân dung Nixon đầy nọc độc. Nghi ngờ tất cả những version chính thức của thực tại. Coover bẻ chéo thực tại "chính thức" để tạo ra một thực tại khác với cảm quan độc đáo của mình.

Kurt Vonnegut (sinh 1922) đặt những câu hỏi hóm hỉnh: Tại sao chúng ta lại ở trên trái đất này? Ta có thể làm gì được ở đây? Ta biết gì về thế giới này? Trinh thám giả tưởng là đất dụng võ của ông, ông thích so sánh trái đất với những hành tinh khác để tìm hiểu cõi "vũ trụ buồn" của chúng ta. Cố tình pha trộn châm biếm với ngây thơ giả đò, Vonnegut tưởng tượng ra một xã hội mà những người cầm quyền là những nhà bác học và quần chúng trở nên "vô dụng". Ông tạo ra những tình tiết ly kỳ giữa các thiên thể, hành tinh Tralfamadore dùng những gì mà trái đất gọi là di tích lịch sử như Vạn lý trường thành để gửi thông điệp. Để giễu cợt "tương lai nhân loại", ông đặt những câu hỏi lẩn thẩn như "người để làm gì?", "làm sao yêu được đám người vô dụng?"

John Barh (1930), nhận thấy tất cả đều đã "nói rồi", đều đã múc sạch, để tránh lập lại, ông đề xướng nền "văn chương cạn kiệt", coi sự đạp đổ văn chương như một phương cách sáng tạo tân kỳ và sống động. Đập phá những ngõ cụt của văn chương hiện đại và sự sói mòn của các hình thức kể chuyện, ông đưa ra cách viết mới, chủ yếu dựa trên hai yếu tố: chế giễu và cợt nhả. Cuốn Giles goat boy (Giles, đứa bé dê) trình bầy một sườn truyện chính (nếu có thể gọi là truyện) nằm ngổn ngang giữa những thư từ, bài tựa, bài viết… Người đọc được biết: sở dĩ có những linh tinh, bừa bãi này là do "lỗi" của tác giả: một cái máy tính "điên"; nhưng rồi độc giả cũng mò mẫm hiểu được "câu chuyện": một vị giáo sư–văn sĩ tên là J.B , giống hệt hai chữ John Barth viết tắt, được giao nhiệm vụ viết lại chuyện đấng cứu thế: George Giles-đứa bé dê, nửa người nửa thú; mẹ người, cha máy tính. Giles, đứa bé dê, dày 700 trang, nhái lại tất cả các giọng điệu ngôn ngữ, tất cả các cách kể chuyện và còn sáng chế ra một cái máy tính khổng lồ "điên", nuốt tất cả các nhân vật.

Tính cách châm biếm cực kỳ này phát triển mạnh mẽ trong kiến trúc hậu hiện đại những năm 60-70, tạo ra những công trình tân kỳ như nhà kính "lộ thiên" giữa sân bảo tàng viện Louvre, và đôi khi kỳ cục như trung tâm văn hóa Pompidou ở Paris, vượt ra ngoài tất cả những khuôn khổ trường phái đã có.

JF Lyotard lấy lại những chữ hậu hiện đại này và cho nó một nội dung khác, và có lẽ đó là một trong những lý do mà sau này, người ta dễ dàng móc nối lập thuyết của Lyotard với các tác giả Mỹ, được gọi là hậu hiện đại nói trên, để lập ra một trường phái văn học đầu Ngô mình Sở: chủ nghĩa hậu hiện đại, và đưa vào "chủ nghĩa" này, tên những nhà văn nổi tiếng khác mà tính chất đặc dị trong tác phẩm khá cao như Samuel Beckett, Alain Robbe –Grillet, Jorge Luis Borges, Philippe Sollers, v.v…
Hạt Cát
#4 Posted : Thursday, October 28, 2004 5:02:10 AM(UTC)
Hạt Cát

Rank: Advanced Member

Groups: Registered, Moderator
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 80
Points: 18

Was thanked: 1 time(s) in 1 post(s)
Tác giả hc
Gởi: Tue Jul 06, 2004 6:58 pm

Thuyết hậu hiện đại của JF Lyotard
Trở về với hậu hiện đại của Lyotard, thuyết này khởi nguồn từ hoàn cảnh xã hội, chính trị và văn hoá Pháp, mùa xuân năm 1968.
Sự nổi dậy của sinh viên Pháp xuân 68 -mà Lyotard là một trong những người thầy đã đóng góp tích cực- đã dẫn đến cuộc "cách mạng văn hóa toàn cầu", chống lại tất cả những hình thức thủ cựu, áp đặt của các chế độ văn hóa, chính trị cũ, đặc biệt ở Pháp dưới thời hai tổng thống De Gaulle và Pompidou. Người ta cần một không khí dễ thở hơn, cần tự do hơn, cần những cái mới, tìm mọi cách sáng chế ra những chủ đề tân kỳ, những chữ mới lạ, bởi tất cả đều trở nên cũ kỹ, "phản tiến bộ".
Trong bối cảnh ấy, cuốn Điều kiện hậu hiện đại của Lyotard ra đời, do nhà xuất bản Minuit ấn hành tại Paris năm 1979. Đây là một cuốn sách triết học bàn về thân phận tri thức (condition du savoir) thời nay, thời mà khoa học và tin học đã nắm "chủ quyền tuyệt đối" trên mọi lãnh vực thông tin và tri thức trở thành một món hàng thương mại trao đổi.

Lập luận của Lyotard dựa trên hai bản lề: Một mặt gắn liền với luận cứ của Hegel về sự hoàn tất lịch sử ở thời hiện đại và mặt kia với sự suy tàn của các dự trình tư tưởng về một tương lai giải phóng con người; nói cách khác, Lyotard muốn đả phá những ý thức hệ (trong quá khứ và hiện đại) có tham vọng giải phóng con người.

Theo Lyotard, chúng ta đang sống trong thời hậu hiện đại, thời mà tất cả những lý thuyết có từ thời Ánh sáng, đều đã bị đổ vỡ (thời kỳ Ánh sáng là thời điểm văn hóa Tây phương phát triển mạnh, đặc biệt ở Pháp, thế kỷ XVIII, với những nhà tư tưởng như Rousseau, Voltaire, Montesquieu, Diderot v.v...), và xã hội tin học đã biến đổi vận mệnh của tri thức, cuốn sách của ông có tiểu tựa: Rapport sur le savoir (Báo cáo về tình hình tri thức) – tất nhiên là trong xã hội hiện hành.

Theo ông, tri thức, trước đây, ở thế kỷ Ánh sáng cũng như dưới thời Mác-xít, được hiểu như một sứ điệp truyền bá tư tưởng giải phóng con người, hoặc như một lý tưởng bất vụ lợi. Tri thức bây giờ, ở thời đại tin học này, trở thành một món hàng tiêu dùng, buôn bán, cung cấp lợi nhuận như những hàng hóa khác, nó đã thoát khỏi bản quyền của con người. Lập luận này gặp sự đồng cảm nơi triết gia Đức Jurgens Habermas, trước tiên, trong bài tham luận La modernité: Un projet inachevé (Hiện đại: một dự trình dang dở), 1980, rồi sau Habermas mở rộng thành những chuyên luận trong khuôn khổ đọc lại triết học, từ Nietzsche: Le discours philosophique de la modernité (1985) (Trường triết lý về hiện đại) và La pensée post métaphysique (1989) (Tư tưởng hậu siêu hình).

Lyotard và "chủ nghĩa hậu hiện đại"
Nếu nhìn lại quá trình nguồn gốc danh từ postmoderne trên đây, có lẽ người ta sẽ thận trọng hơn khi nhắc đến những chữ hiện đại và hậu hiện đại. Khi đem những tác giả này, tác giả kia, xếp vào khuôn khổ "chủ nghĩa hậu hiện đại" của Lyotard, là đã đi ra ngoài khái niệm hậu hiện đại, theo nghĩa Lyotard. Xin nhấn mạnh rằng Lyotard dùng chữ postmoderne, mà không dùng chữ postmodernisme, vì lập thuyết của ông chống lại các văn bản lớn, các lập thuyết lớn, tức là các thứ "chủ nghĩa".

Còn nếu muốn nói đến một chủ nghĩa hiện đại trong văn chương, thì cần phải xác định chủ nghĩa hiện đại nào: trào lưu văn học Tây Ban Nha- châu Mỹ la tinh cuối thế kỷ XIX, chịu ảnh hưởng của các nhóm Thi Sơn và Tượng trưng, hay là trào lưu văn học ở Brésil, ra đời năm 1922, tìm những chủ đề trong thiên nhiên và văn hóa dân tộc?

Khi nói đến những tác giả thuộc chủ nghĩa hậu hiện đại, cũng cần xác định: chủ nghĩa hậu hiện đại nào? Có phải chủ nghiã hậu hiện đại mà giới phê bình Mỹ, những năm 60, dùng để chỉ định những tác giả sinh ra khoảng 1930, mà tác phẩm có những yếu tố châm biếm và làm mới văn chương? Nếu là đường lối hậu hiện đại đó, thì chỉ là sự trùng tên nhưng không cùng nội dung với lý thuyết hậu hiện đại của JF Lyotard, ra đời gần ba mươi năm sau. Phần đông những nhầm lẫn, có lẽ đã đến từ sự đồng hoá hai khái niệm khác nhau, nhưng cùng tên này làm một.

Ngoài ra, Lyotard tránh né những định nghĩa và chủ nghĩa, bởi khi nói đến chủ nghĩa là phải xác định một lập thuyết chính xác, với những tuyên ngôn. Và đó chính là những cái mà Lyotard gọi là métarécit, grand récit (siêu văn bản, văn bản lớn) mà ông muốn đánh đổ. Sự mâu thuẫn này sẽ được trình bày rõ hơn trong phần phê bình lý thuyết của Lyotard.
Hạt Cát
#5 Posted : Thursday, October 28, 2004 5:03:07 AM(UTC)
Hạt Cát

Rank: Advanced Member

Groups: Registered, Moderator
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 80
Points: 18

Was thanked: 1 time(s) in 1 post(s)
Tác giả hc
Gởi: Tue Jul 13, 2004 5:58 pm

Hành trình tư tưởng của Lyotard

Jean Francois Lyotard (1924-1998), triết gia Pháp, sinh ngày 10/8/1924 tại Versailles. Đậu thạc sĩ triết học năm 1950, sau đó dạy trung học ở trường Constantine (Algérie) từ 50 đến 52. Trở thành trợ giáo (assistant) tại Sorbonne năm 1959 và giảng viên (maitre assistant) tại đại học Paris X (Nanterre) năm 1966. Từ 1973, trở thành giáo sư (professeur) ở Paris VIII và các đại học khác ở Mỹ. Trong hai năm, từ 84 đến 86, JF Lyotard kế tiếp Jacques Derrida trong ghế chủ tịch Viện triết học quốc tế (Président du collège international de philosophie), do Derrida sáng lập và làm chủ tịch từ 1983.
Ngay từ 1954, Lyotard đã gia nhập nhóm Socialisme ou barbarie (Xã hội hay dã man) do Lefort và Castoriadis cùng những chiến hữu Đệ Tứ Quốc Tế, thành lập từ 1949.
1964, nhóm này bị phân liệt, Lyotard tham dự việc hình thành nhóm Pouvoir ouvrier (Quyền lực thợ thuyền) đến 1966, bỏ.
Tại đại học Nanterre, 1968, Lyotard lúc đó là giảng viên, đã hoạt động đắc lực cho phong trào "22 tháng 3" (Mouvement du 22 mars), khởi sự cuộc "cách mạng văn hóa" mùa xuân năm 68.

Là tác giả của 34 tác phẩm triết học và văn học nhưng JF Lyotard không có chỗ đứng tương đương như Jurgens Habermas trong triết học hiện thời. Bộ từ điển tác phẩm văn học thông dụng của Pháp chỉ lưu lại cuốn Le différend (Bất Đồng) trong số đầu sách của Lyotard được mô tả trong từ điển. Còn La condition postmoderne (Điều kiện hậu hiện đại), ít được độc giả chuyên môn quan tâm, sách do Minuit (một nhà xuất bản phát hành số lượng giới hạn) in lần đầu năm 79, nhưng đến hơn hai mươi năm sau (2ê003), mới tái bản. Một hiệu sách lớn như FNAC khu Montparnasse ở Paris, người bán hàng cho biết một năm khá lắm cũng chỉ bán được một, hai cuốn.

Những tác phẩm chính: La phénoménologie (Hiện tượng luận) (1954), Discours, figure (Phát biểu, hình tượng) (1971), Dérive à partir de Marx et Freud (Phiêu lưu từ Marx và Freud) (1973), Economie libidinale (Điều tiết nhục dục) (1974), La condition postmoderne (Điều kiện hậu hiện đại) (1979) và Le différend (Bất Đồng) (1983).

Con đường tư tưởng của Lyotard có thể chia làm hai giai đoạn:
Thời kỳ đầu, chịu ảnh hưởng của triết học Husserl và Merleau-Ponty (La phénoménologie, 1954), chủ nghĩa mác-xít và phân tâm học (Dérive à partir de Marx et Freud, 1973), JF Lyotard trong cuốn Discours, Figure,1971, cố gắng vượt qua giới hạn của hiện tượng luận, ông dựa trên lý thuyết của Freud, về những ham muốn không ý thức được trong vô thức của con người, để thiết lập một thứ "thẩm mỹ mang tính chất hình tượng" (beauté figurale) với những đặc tính rời rạc, đứt khúc, không nối kết (non liée), man dại (sauvage) tiềm ẩn trong nghệ thuật hiện đại.
Khi nhấn mạnh đến vấn đề cường độ của tinh lực nhục dục (énergie libidinale) tức là đến khía cạnh điều tiết (nhục dục) trong phân tâm siêu hình của Freud, Lyotard muốn đề xướng ra một thứ "siêu hình học tinh lực" (métaphysique énergétique) trong cuốn Economie libidinale (1974) (Điều tiết nhục dục).
Riêng về lập thuyết "Mỹ học hình tượng" (Beauté figurale) được ông áp dụng trong khi phân tích tác phẩm một số họa sĩ đương đại như Duchamp, Newman, Asami, Monory, v.v...

1975, đánh dấu ngõ quặt lớn trong tiến trình tư tưởng của Lyotard: đột nhiên, bỏ hẳn triết lý nhục dục, bởi vì -sau này ông cho biết- nó không cho phép ông đặt vấn đề với sự bất công (l'injustice), không cho phép ông điều tra về thân phận tri thức, chất vấn tính chính đáng của các grands récits ( siêu văn bản).
Chịu ảnh hưởng của Wittgenstein, Lyotard quay sang nghiên cứu những récits và những jeux de langage (trò chơi ngôn ngữ) mà số lượng hằng hà, không thể liệt kê, tổng kết, để kéo chúng vào một đơn vị duy nhất dưới sự "điều khiển" của một thứ métalangue (siêu ngôn ngữ) hoặc một métarécit (siêu văn bản) có tính cách toàn diện.
Hành động chấp nhận uy quyền của một grand récit, Lyotard gọi là chấp nhận sự "khủng bố của lý thuyết tư biện" (la terreur spéculative), của lập luận thuần lý và ông cho đó là sự "bất công tuyệt đối" ( l’injustice absolue).
Hậu hiện đại chống lại sự bất công ấy, chống sự độc tài của các lập thuyết trong các siêu văn bản (métarécit), chủ trương bảo tồn và phát huy tính chất đa dạng của các trò chơi ngôn ngữ trong các vi văn bản (petits récits ).
Hai cuốn sách tiêu biểu cho lập thuyết này, cũng là hai tác phẩm chính của Lyotard là La condition postmoderne (Điều kiện hậu hiện đại), (1979) và Le différend (Bất đồng), (1983).


Một số danh từ

Tác phẩm của Lyotard dựa trên một số danh từ chủ chốt, nếu không nắm vững nội dung sử dụng của tác giả thì khó có thể đi xa hơn trong việc tìm hiểu tác phẩm. Đó là những chữ récit, métarécit, grand récit, petit récit, légitime, légitimation, savoir, jeux de langage, v.v….

1. Récit, grand récit, métarécit, petit récit.

Récit, nghĩa tiếng Pháp là relation écrite ou orale de faits réels ou imaginaires (liên hệ viết hoặc nói của những dữ kiện thực hay tưởng tượng). Như vậy, récit trong nghĩa rộng, chỉ toàn bộ những gì viết hoặc nói đến bất cứ một vấn đề nào. Tóm lại récit là tất cả những thể loại văn bản và phát biểu. Récit có thể là một câu văn, một lời nói, một câu chuyện kể, một câu thơ, một truyện ngắn, một truyện dài, một tiểu luận, một huyền thoại, một cổ tích, một lập thuyết triết học…, đó là nghĩa mà Lyotard sử dụng. Khi tạm dịch récit là văn bản, là đã đánh mất nghĩa nói trong chữ récit: ví dụ văn chương truyền khẩu. Vì vậy, chúng tôi sẽ sử dụng cả hai chữ: văn bản và récit. Tuy nhiên, trong bối cảnh mỗi câu mỗi đoạn, récit mang những nghĩa riêng, phù hợp với văn cảnh, chúng tôi có ghi chú thêm tiếng Việt.
Những chữ grand récit, métarécit (có nơi dịch là đại tự sự, siêu ký thuật, truyện lớn, truyện kể vĩ đại v.v...), được Lyotard dùng để chỉ định những lập thuyết lớn như những tư tưởng chủ đạo thời Ánh sáng, hệ thống triết học Hegel, hệ thống triết học Karl Marx, tạm dịch là siêu văn bản, nhưng không phải là cách dịch duy nhất, đôi khi ông dùng những chữ métarécit, métadiscours trong nghĩa mỉa mai, châm biếm, chúng tôi sẽ diễn dịch khác nhau, tùy ngữ cảnh.

Và chữ petit récit, ông chỉ tất cả những cách lập ngôn "bé" của con người như: chữ, câu, lời ăn, tiếng nói…, tạm dịch là vi văn bản, để đối chiếu với siêu văn bản.
Mục đích của JF Lyotard là trình bầy tính cách áp đặt của các siêu văn bản trên các vi văn bản, các tư tưởng "lớn" trên các tư tưởng "nhỏ", nói một cách nôm na là tình trạng cá lớn nuốt cá bé trong sinh hoạt tri thức của con người, trong thời quá khứ và hiện đại. Điều kiện hiện hữu của hậu hiện đại là phải đánh đổ sự bất công sâu sa ấy.

2. Légitime cũng là một chữ chủ chốt trong lập thuyết Lyotard. Ông cho rằng những chế độ văn hóa và tư tưởng liên tiếp từ xưa đến nay, tranh nhau địa vị légitime, tức là cái thẩm quyền, cái địa vị chính đáng, chính thống, chủ yếu. Ví dụ những Grands récits như triết thuyết của Hegel hoặc triết học Mác-xít, đã từng giữ địa vị chính thống, có thẩm quyền, trong đời sống tư tưởng Tây phương. Chúng ta có thể kể thêm hệ thống tư tưởng Nho giáo, trong đời sống Đông phương.

3. Savoir: biết, tri thức , toàn bộ kiến thức về một vấn đề. Nhiều nơi dịch lầm là kiến thức (connaissance)

4. Jeux de langage (các trò chơi ngôn ngữ). Chữ của nhà triết ngữ học Wittgenstein chỉ những quy tắc khác nhau trong cách lập ngôn. Ví dụ mỗi kiểu nói, viết như: hỏi, kêu, tán thán, cầu khẩn, van lậy, xác định, phủ định, v.v... đều có những luật lệ lập câu khác nhau; y hệt như chơi cờ, có phép: cờ tướng, cờ thí, cờ gánh, cờ hùm, cờ người... khác nhau, mỗi trò chơi bao nhiêu quân cờ, cách di chuyển như thế nào, sắp đặt quân cờ ra sao, v.v..., ngôn ngữ cũng vậy.
Phượng Các
#6 Posted : Friday, November 19, 2004 1:30:30 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,700
Points: 20,043
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)

Nói chuyện với nhà thơ Cung Trầm Tưởng

Thụy Khuê

Bù em góp núi chung đồi,
thiêu nương đốt lá cũng rồi hoang sơ

...
Thơ Cung Trầm Tưởng. Phạm Duy phổ nhạc. Thái Thanh diễn tả mà xưa tiếng gọi nghe dường thiên thu. Câu thơ dội lên như một gắn bó cổ âm với hiện tại, như một biệt sắc Cung Trầm Tưởng. Ðó là Cung Trầm Tưởng những năm 55-60.
Cung Trầm Tưởng còn đúc kết niềm đau lưu vãng của người tù cải tạo. Tình yêu, hiện sinh, tù ngục trở thành những thực tại trong thơ Cung Trầm Tưởng và nhà thơ, trong dịp ghé Paris đã dành cho thính giả RFI hai buổi nói chuyện về hành trình thơ và đời của ông.
Trong phần đầu, Cung Trầm Tưởng nói về thời kỳ Tình ca Paris trong hành trình sáng tạo của mình.

Thụy Khuê: Thưa anh Cung Trầm Tưởng, trở lại Paris sau gần nửa thế kỷ xa cách, anh thấy thế nào? Có bỡ ngỡ không?

Cung Trầm Tưởng: Trước khi đến Paris cách đây khoảng 47, 48 năm, tôi đã được hấp thụ nền văn hóa Pháp bởi vì tôi xuất thân từ một trường trung học Pháp; cho nên khi trở lại Paris, tôi cũng bỡ ngỡ nhưng không bỡ ngỡ như những người không biết gì về quá trình văn hóa Pháp. Nhưng đồng thời tôi là người Việt Nam, cho nên tôi vẫn nhìn Paris từ chỗ đứng của một người Việt Nam. Tôi không thấy mâu thuẫn giữa hai điều đó. Lẽ dĩ nhiên thời trẻ, bồng bột, tôi chỉ nhìn -Paris- phảng phất qua bối cảnh một tình quê hương -tôi không dám nói là tình yêu nước- từ xuất phát điểm đó, tôi có thể nói là tôi yêu Paris vô vàn. Yêu Paris nào? Cảnh vật? Ðồng ý. Nhưng còn yêu Paris qua con người. Lúc ấy tôi mới trưởng thành, đầy sự sống, tôi chỉ nhìn thấy tình yêu đôi lứa. Ðó là xuất xứ thầm kín nhất, bí mật nhất của những Chưa bao giờ buồn thế, Mùa Thu Paris...

TK: Những "Chưa Bao Giờ Buồn Thế" (tức là Tiễn Em), "Mùa Thu Paris", "Kiếp Sau" và "Khoác Kín" (tức là Chiều Ðông) là những bài thơ của anh mà anh Phạm Duy đã phổ nhạc. Những tác phẩm này phần nào đã ghi dấu một thời kỳ, thời kỳ mà những nhà thơ như Nguyên Sa, Cung Trầm Tưởng... từ Pháp, đem theo tư tưởng Tây phương về như món quà tặng cho lớp trẻ. Và những tư tưởng này đã gây dấu ấn sâu đậm trong đời họ?

CTT: Lúc làm những bài đó, tôi rất hồn nhiên, nhưng sau mất đi rồi, đặc biệt là ở trong tù, khi tôi gặp những anh bạn, tuổi tác vào bậc đàn em tôi, xuất thân từ Ðại Học Văn Khoa -Sàigòn- bảo rằng: "Anh đã du nhập vào Việt Nam một kích thước về Tây phương khác hẳn với Phạm Duy Khiêm, Nguyễn Mạnh Tường.... Chính chúng em đã yêu văn hóa Pháp chỉ vì những bài thơ Mùa Thu Paris, Chưa Bao Giờ Buồn Thế" (mà anh Phạm Duy đã phổ nhạc thành bài Tiễn Em). Nếu Thụy Khuê bảo rằng nó đánh dấu một giai đoạn hay một thời đại, thì có lẽ cũng đúng thôi. Lúc đó Thanh Tâm Tuyền, Nguyên Sa, Hoàng Anh Tuấn,... chúng tôi làm rất hồn nhiên. Vậy nếu có gì tốt đẹp, và có gì không tốt đẹp, làm hư cả một thời đại trong giai đoạn cực kỳ hung man của đất nước Việt Nam thì tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm.

TK: Thưa anh, những sáng tác đầu tiên của anh đã nẩy sinh trong những hoàn cảnh nào?

CTT: Tôi là người Bắc vào Sàigòn. Tôi cũng đã có một khái niệm mơ hồ nào đó về nước Pháp và đặc biệt là văn hóa Pháp. Sang Paris tôi không ngỡ ngàng lắm. Nhưng càng sang Paris tôi thấy rằng tôi không thể là người Pháp nổi. Tôi là người Việt Nam. Dù đã được hấp thụ nền giáo dục, văn hóa Pháp từ lúc nhỏ. Ðiều đó, đối với tôi là một tiếng gọi vô cùng da diết: Tôi phải tìm đủ mọi cách để trở về nguồn.
Khi sang Paris, tôi gặp một thiếu nữ Pháp, gọi là cùng cung bậc tình cảm với mình. Ðó là một chuyện có thể gọi là phối hợp, phối ngẫu rất hồn nhiên. Có thế thôi. Nhưng tôi phải diễn tả bằng tiếng Việt.
Ðấy là những xuất xứ của những bài thơ đầu đời -nếu có thể được- của sự nghiệp thi ca của tôi. Và tôi không ngờ rằng nó có những hệ lụy với cả một thời đại.

TK: Thời kỳ 50-60 là thời kỳ của Hiện Sinh. Và ảnh hưởng của Tượng Trưng, Siêu Thực vẫn còn. Trong lúc anh làm thơ, anh cứ làm tự nhiên thôi hay là có sự tìm hiểu về những lý thuyết mới của thi ca hoặc tìm hiểu những con đường mới của tư tưởng lúc bấy giờ?

CTT: Có chứ. Tôi đã đọc những thơ của René Char, Paul Eluard,... cái hồi quang của Mallarmé. Tôi rất sợ. Ðiều hớp hồn tôi nhất là Eluard! Tôi đọc Whitman, tất cả.... Lúc học lycée tôi đã nghiến ngấu những thứ như Sartre, Camus,... Chủ nghĩa Hiện Sinh của thời hậu chiến Âu Châu ngấm vào tôi. Tôi hoàn toàn bị hớp hồn bởi chủ nghĩa Hiện Sinh. Lúc đó tôi chỉ phát hiện được Sartre, nhất là L'être et le néant. Sau này tôi đọc Heidegger. Có thể nói là tôi đã xuất phát từ chủ nghĩa Hiện Sinh. Ðấy là mặt lý luận. Nhưng khi vào thơ, tôi phải hóa sinh nó, phải luyện kim nó, luyện đan nó. Lúc đó tôi không hiểu, nhưng có thể là tôi đã mang vào thơ ảnh hưởng của tư trào Pháp quốc và Âu Châu thời đó. Tôi mang vào thơ qua nẻo tình yêu đôi lứa. Tôi nghĩ, trong đó cũng có ảnh hưởng gốc gác của tôi một chút. Tôi không theo đạo, nhưng tôi tin vào một sức mạnh siêu hình. Ví dụ có người hỏi tôi là không em buốt giá từ tâm tức là từ tim? Nhưng sau tôi nghĩ từ tâm có thể là một thuật ngữ Phật giáo đúng hơn chứ Thụy Khuê? Có chủ nghĩa Hiện Sinh bởi lúc đó mình sống với thời đại. Lúc đó, Tây học về mà tôi nói tôi không bị ảnh hưởng của Sartre, Camus thì không đúng.
Tôi đã từng đi xem Huis Clos. Có cả những cô tóc vàng sợi nhỏ. Chúng tôi không hư cấu 100%. Thơ của tôi không xuất phát từ le non-être mà từ l'anti-être, hay gọi theo thuật ngữ thới đó, le néant là mặt nào đó của l'être. Tôi hoàn toàn hệ lụy với những điều đó.

TK: Giữa Sartre và Camus anh gần ai hơn?

CTT: Sartre và Camus? Tôi nói thật, lúc đó tôi là ông cụ non. Tôi thích Sartre vô cùng. Mà thích nhất là L'être et le néant chứ không phải La nausée. Tôi đọc đến những cái cuối cùng của cuối cùng, tận cùng của tận cùng. Dù tôi học Bac Math nhưng tôi rất thích philo. Ðọc L'être et le néant, tôi thấy ghê gớm quá. Tôi thấy ông này có nhiều xảo thuật quá. Tôi biết chứ nhưng mình không lý luận được. Cách hành văn của ông ấy ghê gớm quá, tôi sợ quá.
Lúc đó tôi phát hiện ra là style của Sartre bị ảnh hưởng văn phong của Marx. Nhưng vấn đề là mình phải nhuyễn hóa để thành thơ Việt Nam. Tôi đã từng làm thơ Pháp, tôi xé hết.

TK: Trở lại thời kỳ anh về nước, anh và các bạn anh đã có những đóng góp trong việc làm mới lại thi ca Việt Nam. Bây giờ, nhìn lại thời kỳ ấy, anh thấy những gì anh đã làm được, và những gì anh chưa làm được?

CTT: Bây giờ xét lại tôi cũng có một đóng góp khiêm tốn, tích cực về việc làm mới thơ Việt Nam như Thụy Khuê vừa nói. Ðối với tôi, thơ là căn bản của ngôn ngữ, cũng như căn bản của cuộc sống là hơi thở, oxy, khí trời. Tôi còn nhớ trong một buổi thảo luận tại tòa soạn Sáng Tạo khoảng năm 1960, anh Thanh Tâm Tuyền hỏi tôi sao bây giờ ông vẫn còn làm thơ lục bát. Tôi không muốn lý luận, tôi bảo rằng: Tôi thấy thơ lục bát vẫn chưa hoàn tất, tôi muốn tiếp tục con đường ấy. Bây giờ nghĩ lại, sau những lục bát của Nguyễn Du, Huy Cận, Bùi Giáng v.v... tôi cũng có một đóng góp thật khiêm tốn. Và chưa xong. Chưa xong. Nhưng ô hỡi, thi ca còn mắc nợ lịch sử. Tôi có bổn phận phải trả món nợ lịch sử đó. Vì thế năm 75, tôi quyết định ở lại! Tôi muốn ở lại. Ðó là một quyết định với tất cả những hệ lụy của nó. Tôi nghĩ rằng nếu không có những năm tạm gọi là gian truân, thống khổ... thì ngôn ngữ Cung Trầm Tưởng chưa tới độ mà hôm nay tương đối tôi đã có thể thỏa hiệp với mình, mình đã đạt tới một mốc điểm nào đó. Tôi sợ rằng nếu không có sự hội nhập, dấn thân nhầy nhụa vào lịch sử để thăng hoa lên thì có thể nói rằng tôi đã tới ngõ cụt của thi ca. Tôi vẫn thắc mắc ở một điểm: Thi ca là gì? Ðối với tôi, Thi ca là một ngữ sự. Không giải quyết được ngữ sự đó thì xé tất cả đi.

*
* *


Trong bài Tựa tập thơ Lời Viết Hai Tay, Ainsi parlait le poète, Cung Trầm Tưởng viết:
"Ðời tù là phi lý của phi lý. Ðể đương đầu với nghịch cảnh sàm sỡ, trớ trêu dị hợm, để không bị kéo xuống tầm tất yếu, ngã vào hư vô, để không tự tử, người thơ tù phải học làm con vật siêu hình, đào tìm ý nghĩa sâu thẳm nhất, cơ bản nhất, cụ thể nhất của sự việc trần gian.
Thơ là một đam mê, một lao về, một rượt đuổi khôn nguôi những cánh chim hồng khó bắt, những câu hỏi xanh lớn hơn bất cứ trả lời nào."
Những lời trên đây có thể xem như một tuyên ngôn của Cung Trầm Tưởng về thơ và tù. Sau đây Cung Trầm Tưởng nói chuyện về cái phi lý của phi lý đã gầy dựng nên thơ.

TK: Sau 75, tự ý anh quyết định ở lại. Ở lại và bị đi tù mười năm. Bây giờ nhìn lại, anh thấy người ta "cho" anh đi tù vì anh là phi công hay vì anh là nhà thơ?

CTT: Cả hai cái đó cụm lại. Phi công chỉ là mặt nổi của vấn đề. Cái mà người cai tù của chúng tôi khó chịu nhất, họ ghét nhất, dị ứng nhất là văn học nghệ thuật. Cái họ gọi là phản động của phản động.
Thì hai cái đó cộng lại và tôi có được mười năm tù. Tôi nói chữ có, bởi vì có lẽ phải vậy thì mới chín muồi.

TK: Nhưng thơ anh, phần lớn là thơ tình, thì có gì mà phải hệ lụy, mà phải nặng tội?

CTT: Ðúng. Nhưng chỉ lúc đầu thôi. Thật ra lúc Thụy Khuê đọc Mùa Thu Paris Chưa Bao Giờ Buồn Thế, kể cả Khoác Kín... đã có một cố gắng mò mẫm tới một chân trời, một ngôn ngữ khác. Tôi jeter một cái base là lề lối sống hiện sinh, mình tự chọn cho mình một lối sống trong một bối cảnh tuyệt đối tự do. Như Sartre nói, nếu tôi không lầm, Con người bắt buộc phải tự do. Và tôi mang hệ lụy đó. Ở trong tù, lời đó vẫn còn giá trị. Vì thế trong bài Ainsi parlait le poète của tôi, viết cho lần tái bản Lời Viết Hai Tay, tôi muốn, qua đó, đục phá những cánh cửa để nhìn vào những phương trời như là kính vạn hoa. Kính vạn hoa ở đây là vấn đề ngôn ngữ. Ðối với tôi, ngôn ngữ là máu mủ của tôi. Hơn thế nữa, đó là phương tiện để giải thoát. Hơn thế nữa, đó là phương tiện mà nếu không có nó, tôi đã phải tự tử.

TK: Trong mười năm tù, anh sáng tác trong những điều kiện như thế nào? Cả về vật chất lẫn tinh thần? Vì có lần, anh cho biết, lúc đó anh gầy lắm, còn có 30kg?

CTT: Ðầu tiên về vật chất thì tôi thấy rằng tôi không có bút, không có giấy. Bởi vì tôi không được quyền. Nếu tôi ăn cắp thì nguy hiểm lắm. Trong hoàn cảnh, có thể nói là nghịch cảnh, như vậy, tôi phải sáng tác bằng cái đầu. Lúc ấy tôi có nói rằng: "Làm thơ như chơi cờ tưởng." Tôi chơi cờ với tôi. Tôi chơi cờ với nàng thơ. Nhưng sức tôi có hạn. Cho nên một hôm có anh bạn bảo tôi rằng:
- "Ông phải sống để làm thơ cho chúng tôi."
Tôi trả lời:
- "Tôi có thể đảm nhận trách nhiệm ấy. Tôi phải làm thơ. Nhưng còn sống thì tôi biết thế nào? Ðời tù như ngọn đèn yếu ớt, leo lắt trước cơn bão thổi. Tôi cố làm thơ cho các ông. Nhưng tôi chỉ xin các ông một điều: Sức tôi có hạn, trí nhớ tôi có hạn. Ai nhớ cho tôi?"
"Ông cứ làm thơ, chúng tôi sẽ có một bộ trí nhớ tập thể."
Vì vậy trong Lời Viết Hai Tay, 50% là nhờ bộ nhớ tập thể đó. Tôi vô vàn cám ơn.

TK: Thưa anh, như vậy, các bạn nhớ hộ, rồi sau đó, mọi sự tiếp diễn ra sao?

CTT: Sau đó mình phải viết trên giấy trong một hoàn cảnh éo le là sau mười năm tù, tôi bị tám năm quản chế. Lúc nào trước cửa nhà tôi cũng có một ông công an, giả vờ làm thợ sửa xe đạp, phu xích lô. Nhưng không hiểu tại sao, lúc đó tôi mê thơ hơn là tôi sợ. Tôi viết, sau đó có người mang tôi đến chỗ khác, người ta nhớ hộ. Chính trong lúc đó tôi viết thêm hai tác phẩm cuối cùng. Bộ ba đó tôi gọi là Tâm Sử Thi. Tôi viết lịch sử bằng tâm thức qua nẻo của thơ. Tôi phải làm bằng lục bát vì không những đó là sở trường của tôi mà lại dễ nhớ. Và tôi đưa cho một anh bạn, nguyên là tình báo quân đội. Và anh ấy có một "bộ nhớ" tuyệt vời hơn cả bộ nhớ của computer/ordinateur. Anh thuộc làu. Anh đã đem ra ngoài.

TK: Thưa anh, bài Nguyệt Thực mang những hình ảnh đẹp và có dấu ấn của đời tù, anh đã làm trong bối cảnh như thế nào?

CTT: Ở một dẫy núi đá vôi, lạnh lắm của vùng Hòa Bình, có một cánh đồng chiêm. Ban đêm anh em đói quá, không biết làm gì. Ở cánh đồng chiêm cách đó mấy trăm mét, họ đang tát nước. Mình nghe. Mấy anh bạn bảo:
"Ông Cung Trầm Tưởng, ông có thấy cái này không? Ông làm hộ một bài thơ."
Thì tự nhiên mình thấy có nhiệm vụ. Lúc đó mình chỉ đọc một vài câu thôi, sau đó phải hoàn chỉnh lại. Ðó là cảnh một đêm tù đói lắm, một số anh bạn lại bị phù thủng. Vậy mình phải hư cấu để sống! Mình nói: Ðói quá mà lại không có thực phẩm, ta ăn trăng! Ðây là bài Nguyệt Thực:

Tiếng ai tát nước đồng đêm
Vơi vơi nước cạn, thêm thêm sóng lòng
Ánh trăng quện nước gầu sòng
Trời loang loãng cháo dưới dòng sao Tâm
...
Lúc đó chỉ nhìn thấy cái gì sền sệt: Cháo. Nhìn trăng chỉ thấy cháo. Phản xạ!
...
Gầu ai cứ tát nước vơi
Men trăng đầy hũ, ta mời ta tôi
Ngày xưa uống rượu hương hồi
Ngày nay loãng máu, ta bồi dưỡng trăng.

TK: Thưa anh, có phải kinh nghiệm tù đầy đã làm anh thay đổi quan niệm thơ của anh? Từ thời kỳ đầu, thơ có đối tượng là tình yêu, và bây giờ, thơ phải dính liền với lịch sử, thơ anh dấn thân hơn?

CTT: Tất nhiên thôi. Ở lại, tôi phát giác ra thêm một kích thước gọi là lịch sử. Nhưng ô hỡi, thơ đâu phải chỉ là lịch sử. Cho nên kể cả ngay trong Lời Viết Hai Tay đã có những cố gắng mò mẫm để đi ra khỏi cái mà tôi gọi là "ngục tù lịch sử". Lịch sử là gì? Lịch sử là cái gì thật là ngu xuẩn, con người tạo ra để nhốt giam chính mình! Nhưng tôi cũng khá hiểu được là: "Cái này không được", phải tìm ra cái khác. Vì thế cho nên tôi có viết rằng: cơ bản, thơ vượt lịch sử.
Thơ mà không vượt lịch sử thì chưa phải là thơ. Phải nhầy nhụa trong lịch sử! Nếu nhân loại, hay đặc biệt dân tộc Việt Nam phải đau khổ thì người thi sĩ phải đau khổ cùng với dân tộc. Ở tù! Nhà tù ấy là nhà tù của lịch sử chứ không phải của chế độ. Nhưng lịch sử đâu có phải là cứu cánh của nghệ thuật. Ðây tôi chỉ nói về nghệ thuật thôi, tất nhiên còn nhiều vấn đề khác nữa. Lịch sử nhiều khi nó là cái bêtise. Rất buồn là con người tạo ra lịch sử để rồi bị giam tù bởi lịch sử. Tôi đủ thông minh để vượt qua. Tôi không có niềm tin về siêu hình tôn giáo, tôi phải dùng con đường nghệ thuật mà trong đó tôi thấy, là thơ.
Thơ là phương tiện để tôi tự giải thoát tôi. Lúc đó tôi đã ý thức được nhờ kích thước lịch sử của triết học. Tôi không sợ Sartre bằng Heidegger. Về cái historicité, Sartre chỉ nói một câu theo kiểu mẫu văn hoa của Pháp là: L'homme est un animal historique. Nhưng Heidegger nói về cái temporité. Tôi thấy thơ bắt buộc phải như vậy.
Nhưng cuối đời, Heideger không tìm ra ngôn ngữ. Tôi thử dùng ngôn ngữ thơ để nói cái tính cách vượt qua lịch sử. Có thế thôi. Bởi rằng thực ra, lịch sử là gì? Lịch sử là trạm quá cảnh đóng con dấu máu đỏ của tang thương trên quyển hộ chiếu của thi lữ khách. Xong rồi lại lên đường.

TK: Vì thế mà ra nước ngoài anh vẫn tiếp tục làm thơ, tức là tiếp tục dấn thân theo một nghĩa khác?

CTT: Vẫn có với tôi một tiếng gọi: Tôi phải tiếp tục lên đường. Và muốn như vậy, tôi phải tìm về ngọn nguồn của ngọn nguồn. Là Paris. Tôi phải trở lại. Tôi đã tự nói với tôi ngay từ năm 1976, khi tôi vào tù, rằng tôi sẽ trở lại. Và đến hôm nay, 1999, tức là 33 năm sau, tôi đã đạt được ý nguyện đó. Và nếu xét từ bối cảnh đáy địa ngục đó, hôm nay ngồi đây nói chuyện với Thụy Khuê. Ðó là một phép lạ.

TK: Rút cục môi trường ngục tù đã đem lại những gì cho thơ anh?

CTT: Thơ tù đối với tôi là một quá độ cần thiết phải có, không có cái đó thì không tiếp tục nổi. Bởi sau cuộc rong chơi của tình yêu lứa đôi, chủ nghĩa hiện sinh... mình thấy đó vẫn chỉ là những cuộc rong chơi. Nhưng nếu dân tộc bị rớm máu, người thi sĩ phải bị đổ máu.
Tôi cám ơn vô cùng lịch sử đã giăng cho tôi cái bẫy là tôi phải mười năm ở tù, để thơ tôi có những kích thước khác, có hệ lụy và có trách nhiệm

TK: Kinh nghiệm của anh đã khó khăn, anh có nghĩ rằng những ngày sắp tới, người làm văn, làm thơ có thể vượt qua được những khó khăn hiện nay không?

CTT: Khó khăn hơn nhiều! Tôi nghĩ rằng muốn đạt tới địa đàng phải đi tới từng thứ chín của địa ngục rồi làm cái xẹt xuyên ánh tinh cầu. Ngộ. Ngộ trong nghịch cảnh của lịch sử. Của thời gian.
Bên này nó ru ngủ ta bằng đủ thứ, dễ dãi quá. Thừa mứa quá. Tôi không dám nói là tôi thù ghét, nhưng tôi cảm thấy rằng con người tôi dị ứng với cái đó. Thành ra, thơ trong tù, khi tôi nói về vấn đề muốn trở lại cái nôi thứ hai của tôi là nếp sống, lối suy nghĩ của Tây phương, là tôi muốn nhìn qua khung cảnh Paris. Dù rằng tôi đã đi học cả Mỹ nữa. Tôi vẫn si mê Paris.
Nhưng tôi đến Paris không phải vì cô đầm Michèle. Tôi đến Paris qua nẻo đường của diaspora vietnamien à Paris một thuở nào, và vẫn muốn tiếp tục con đường đó.

TK: Thưa anh, câu chuyện đã dài, xin anh một lời kết trong ý nghĩa thơ Cung Trầm Tưởng.

CTT: Thơ phải có quan hệ máu mủ, quan hệ ruột thịt với lịch sử. Nhưng xong rồi, mình phải lên đường. Siêu hình xuất phát từ thân phận. Thân phận phủ đầy sử tính, đúng không? Ô hỡi, sử tính là gì? Là khốn khổ. Là nhầy nhụa. Là đau thương. Và lịch sử hiện đại tù đầy. Phải qua nẻo đó thì may ra thơ mới thoát được. Không phải là thơ anh với em, lứa đôi.
Người thi sĩ phải đảm nhận cái đau khổ của dân tộc mình. Qua ngôn ngữ. Tạo ra ngôn ngữ. Ngôn ngữ của đau khổ. Thành ra tôi có làm bốn câu thơ -Tôi luôn luôn rất dại. Tôi luôn luôn bị lừa. Nhưng phải bị lừa thì mới biết được là bị lừa- Cuối cùng là bốn câu thơ lục bát:

Mai sau thịt thắm da mềm
Cái yêu khác trước cái nhìn khác xưa
Cái tin vô cớ xin chừa
Sống sao cho xứng lũy thừa thương đau

Tôi phải tích cực chứ. Tôi muốn có một câu kết, không phải đi đến chỗ nowhere. Tất cả những sự tạm gọi là hy sinh là để hái gặt được một mùa: Mùa gặt mười năm. Tất cả là một récolte, mùa gặt mà người ta đọc. Mà đọc là gì? Theo tiếng latin, grec là đi cấy một mùa màng mà cái thằng poète nó trồng hộ anh.

TK: Xin cám ơn anh Cung Trầm Tưởng.

Paris, tháng 10/1999
Phượng Các
#7 Posted : Saturday, November 20, 2004 9:07:35 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,700
Points: 20,043
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)



Cổ dao trong thơ Cung Trầm Tưởng

Thụy Khuê


Cung Trầm Tưởng gắn bó với giai đoạn đầu của thời chia đôi đất nước, qua thi tập Tình Ca, mười ba bài mà Phạm Duy đã phổ nhạc năm bài, đó là Mùa Thu Paris, Kiếp Sau, Về Ðây, Khoác Kín (Phạm Duy đổi là Chiều Ðông) và Chưa Bao Giờ Buồn Thế (Phạm Duy đổi thành Tiễn Em). Tất cả năm bài đều thuộc vào những bài thơ phổ nhạc tiêu biểu cho sự gặp gỡ giữa thi ca và âm nhạc ở cung cao của sáng tạo.
Trong bốn bản nhạc thơ ấy, có Kiếp sau ít nổi tiếng hơn cả, nhưng lại là bài hay nhất. Bởi thơ Cung Trầm Tưởng, nhạc Phạm Duy và tiếng hát Thái Thanh kết hưởng thành một thể toàn bích, gói trọn thiên thu trong khoảnh khắc. Nhạc Phạm Duy và giọng hát Thái Thanh, thính giả đã biết, duy có chất Thơ trong bài Kiếp Sau, riêng nó, đã đạt tới đỉnh nghệ cao thuật nhưng ít ai đề cập.
Bài thơ rất ngắn, sau này Cung Trầm Tưởng có viết lại hai version khác, nhưng có lẽ vẫn không vượt được bản đầu in năm 1959 ở Sàigòn:
Bù em một thoáng trời gần,
đơm hoa kết mộng cũng ngần ấy thôi!
Bù em góp núi chungđồi
thiêu nươngđốt lá cũng rồi hoang sơ
Bù em xuôi có ngàn thơ,
vẫn nghe trắc trở bên bờ sông thương
Quên thôi, bông sẽ phai hường,
mà xưa tiếng gọi nghe dường thiên thu.
Non sông bóng mẹ sầu u,
mòn trông ngưỡng cửa, chiều lu mái sầu

Thôi em xanh mắt bồ câu,
vàng tơ sợi nhỏ xin hầu kiếp sau...
Bài thơ làm năm 1956. Ðã hơn bốn mươi năm. Không một vết nhăn.

Trò chuyện về thơ tức là chuyện trò với chữ -vấn đề ngữ sự- nói như Cung Trầm Tưởng.
Trước hết là chữ bù. Bù em. Phạm Duy có lẽ vì nhu cầu âm nhạc đã đổi ra đền. Ðền em, nũng nịu, Tây hơn, hợp thời hơn, nhưng Bù em, mới hiếm, mới Việt. Trong chữ đền có nghĩa đổi trao, lấy đi rồi đền lại. Trong chữ bù chỉ thấy cho, chỉ "lấp đầy". Nguyên lý lấp đầy lại rất phụ nữ, rất nhục cảm, rất Sartrien, rất Cung Trầm Tưởng. Bù lại gần với âm bu. Bu là gọi mẹ theo tiếng quê ta. Một người "Tây con" như Cung Trầm Tưởng thời ấy, làm thơ tặng những em "tóc vàng sợi nhỏ" mà lại viết Bù em thật tuyệt.
Nhưng Phạm Duy có lý khi ông đổi lại là đền em. Ai cũng hiểu. Ở Phạm Duy là ý thức cộng đồng, ý thức dân ca, ở Cung Trầm Tưởng là ý thức biệt dã, ý thức thi ca. Bù em là ngôn ngữ thứ nhất, ngôn ngữ bùa chú -nói như Mallarmé- khác lạ, không giống ai: Ngôn ngữ vừa được nhà thơ tác tạo. Cả bài thơ có hơi cổ điển, có hồn ca dao. Nhưng không phải ca dao thuần túy mà là ca dao đã hóa thân, cổ điển đã tục lụy.
Thiêu nương đốt lá cũng rồi hoang sơ
Các cụ xưa đâu viết thế. Các cụ môn đăng hộ đối, đâu có thẩy bình dân "cũng rồi" ngồi chung chiếu với quý tộc "thiêu nương".
Rồi lại "Thôi em xanh mắt bồ câu"
Ca dao đâu viết thế . Ca dao thường trực tiếp, dễ hiểu: Em thôi, mắt xanh, hay mắt em, thôi xanh v.v... Nên khi gặp thôi em xanh mắt người đọc lạc vào mê đạo.
Mà xưa tiếng gọi nghe dường thiên thu
Toàn thể câu thơ là một bể hoang đường, lạc đất.
Tất cả những "cũng rồi", "mà xưa", "nghe dường" gieo vào câu thơ ở những chỗ bất ngờ nhất, tạo sự lỗi nhịp, làm đảo thần lục bát, phát sinh một hồi âm mới: Wagner hay Mozart? Phạm Duy hay Văn Cao? Có hết. Tất cả đồng quy ở tiếng gọi thiên thu hay tất cả đều đã hoang sơ?
Cung Trầm Tưởng đã xướng lên một thứ cổ dao hiện đại:
Non sông bóng mẹ sầu u
Mòn trông ngưỡng cửa, chiều lu mái sầu
Những tiết tố âm nhạc, quá khứ, hiện tại, không gian, thời gian, ẩn hiện, giao tỏa với nhau. Những hình ảnh sáo mòn như "đơm hoa kết mộng", "sông Thương trắc trở" được hồi sinh trong một kiếp mới, nhờ cách xếp câu, đảo tứ:
Bù em một thoáng trời gần
đơm hoa kết mộng cũng ngần ấy thôi
Bù em góp núi chungđồi
thiêu nươngđốt lá cũng rồi hoang sơ
Bù em xuôi có ngàn thơ
vẫn nghe trắc trở bên bờ sông thương
Những cách treo chữ: cũng rồi, cũng ngần..., buông chữ: bù em, thôi em..., đảo chữ: mòn trông..., hoặc tạo cảnh: chiều lu mái sầu... đều có tính cách phá tan cấu trúc nội dung, cấu trúc âm thanh của lục bát ca dao để tạo ra, về mặt thời gian, một tiếng gọi từ ngàn xưa vọng lại, về mặt âm thanh và tư tưởng, thành một nhạc âm cổ điển và hiện đại, phong liệm nỗi buồn nguyên thủy, rồi nghiền tán nó ra, rắc vào không gian, gieo vào vũ trụ, tạo ra một môi trường buồn ẩm nhạc:
Ngàyđi, chiều tới không nghiêm,
khoan thai gió cởi phong niêm rũ buồn
Bờ nghiêng nắng giốcđường thuôn,
thiết tha tiếng cũ nghe luồn không trung.
(Về Ðây)
Trong bài Bémol, Buồn lại đập theo một nhịp khác, như một nốt nhạc bị giam cầm:
Chiều buồn lạc thanh âm
Hoang sơ vào khuya tối
Linh hồn tôi dương cầm
Bài Khoác Kín cũng là một trong những giá trị độc đáo của thi ca Cung Trầm Tưởng mà Phạm Duy đã phổ nhạc và đổi tên thành Chiều Ðông (Phạm Duy có tài lựa những tuyệt tác của mỗi tác giả để đưa vào cung bậc âm thanh). Khoác Kín cũng là một bài thơ ngắn, nhưng mỗi câu, mỗi chữ đều là những giọt huyết lệ của thời gian, nhỏ trong không gian tàn tạ:
Chiềuđông tuyết lũng âm u
bâng khuâng chiều tới tiếp thu trời buồn
Nhớ ngày tầu cũngđi luôn,
ga thôn trơ nỗi, băng nguồn héo hon.
Phường xa nhịp sắt bon bon,
tàu như dưới tỉnh, núi còn vọng âm.
Sân ga mái giọt âm thầm:
Máu đi có nhớ hồi tâmđêm nào?
Mình tôi với tuyết non cao;
với cồn phố tịnh buốt vào xương da;
với mây trên nhợt ánh tà;
vớiđèn xóm hạ cũng là tịch liêu.
Tôi về bước bướcđăm chiêu,
tâm tư khoác kín sợ chiều lạnh thêm.
Giọng buồn Cung Trầm Tưởng, thời 55-60, đã khác hẳn giọng sầu Huy Cận trong thời thơ mới. Cung Trầm Tưởng đem lại một cô đơn mới: Cô đơn của buổi hiện sinh. Cô đơn của con người trong sự nhận thức lại chính mình. Cô đơn của một gã Roquentin trực diện với "bản lai chân diện mục" của mình trong chiếc gương soi mói, soát lục. Cô đơn của gã tử tù Meurseult, xa lạ với loài người:
Hoang liêu về chết tha ma
Tiếng chân gõ guốc người xa vắng người
(Tương Phản)
Và chắc hẳn Wagner ở dưới suối vàng cũng đã có phần nào đóng góp trong cách biến tấu nhịpđiệu thể xác và linh hồn của lục bát, nơi Cung Trầm Tưởng.

*

Những năm cải tạo đã thay đổi quan niệm sáng tác của Cung Trầm Tưởng, nhà thơ trữ tình chuyển sang nhà thơ dấn thân: Ông viết về cái tâm thức mới ấy bằng những hàng:
"Người thơ xưa nói lên tâm thức bộ lạc. Người thơ tù "cải tạo" bây giờ, một nạn nhân kiêm chứng nhân, nói lên tâm thức cộng đồng của những người tù cải tạo. Cái tâm thức sâu thẳm, lên men từ khổ đau, thúc trướng bởi bản năng tập quần, xúc tác ra một nhân gian thuần nhất, nền cộng hòa của những người anh em đồng cảnh, những người tù cùng khổ." (Ainsi parlait le poète)
Từ một quan niệm thơ như thế, lục bát Cung Trầm Tưởng, bài Nguyện Cầu Mùa Thu, làm ở Hoàng Liên Sơn, thu 77, có những câu:
Áo tù thẫm máuđôi vai
Bàn chân nứa chém, vành tai gió lùa
Ngó tay bỗng thấy già nua
Cứa êm thân xác mấy mùa thu qua
Môi cằn, má hóp thịt da
Ngô vơi miệng chén, canh pha nước bùn
Ðêm nằm ruột rỗng vai run
Ðầu kề tiếng suối, chân đùn bóng đêm
Cung Trầm Tưởng, ở thơ tù, trở thành một nhà thơ hiện thực, rất hiện thực. Nhưng không phải lúc nào cũng hiện thực. Những mộng, những mơ, những trữ tình khó thoát khỏi bản năng. Cung Trầm Tưởng của thơ tù, có mộng, có mơ, nhưng lại là những cơn ác mộng mà vẫn có cái ngất ngư, cao đạo của tâm hồn:
Sớm đi đội gió đỉnhđầu
Tưởng như hồn chết giữa vầu nứa khô
Ðường lên giang nứa nhấp nhô
Ngả nghiêng mây núi, lệch xôđất trời
(Ðường lên dang nứa)
Mười năm lao cải chỉ là mười năm luyện thép cho thơ. Thơ ông đanh hơn. Như thể muốn thổi bễ thời gian, luyện quánh nỗi đau trong tiếng hò địa phủ:
Mồ dẹt thời gian xe hủ lô
Sương tang sô xóa bặt sông hồ
Niềmđau sờ thấy hồn vong tộc
Nham nháp trời và sần đất thô
Con đường mười năm đã vùi chôn tất cả những ngây thơ, những tin yêu, những nhẹ dạ xưa, và đưa thi ca vào một lộ trình gai góc, lộ trình heo hắt, lộ trình tang trắng mà thơ là sự cô đọng những tang thương, khấp liệm trong lòng người tù cải tạo:
Và đi cho tới cùngđường
Của heo hút xứ khôn lường khổđau
Thoắt đi tócđã phai màu
Như nghìn tang trắng quấnđầu vi lô
Chiều tê sương sập nấm mồ
Vùi chôn chú bé hồđồ năm xưa.

Paris, tháng 10/1999
Phượng Các
#8 Posted : Saturday, November 20, 2004 9:11:26 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,700
Points: 20,043
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)
Từ lãng mạn đến siêu thực

Trường phái siêu thực và chủ thuyết hiện sinh là hai huynh hướng tư tưởng đã ảnh hưởng sâu xa đến toàn bộ sáng tác văn học nghệ thuật Pháp trong thế kỷ này.
Xuất phát từ hai triết điểm khác nhau: Siêu thực đi từ triết học phân tâm của Freud, coi vô thức như chủ thể của sáng tạo. Siêu thực là hiện thân của mộng, đề cao vai trò của mộng. Hiện sinh, trong quan điểm của Sartre, bác bỏ ý niệm vô thức của Freud, coi ý thức mới là chủ thể của sáng tạo. Hiện sinh là hiện thân của ý thức, của thực.
Siêu thực và hiện sinh vừa đối lập, vừa bổ sung cho nhau. Cả hai đều tìm đến tự do như cứu cánh của sáng tạo, cùng chi phối sáng tác văn học nghệ thuật, không những ở Pháp mà còn ảnh hưởng đến văn học nghệ thuật toàn cầu.

*****
André Breton là người sáng lập trường phái siêu thực. Nhưng trước khi tìm hiểu con đường tư tưởng của Breton, có lẽ phải sơ lược nhìn lại tiến trình thơ ca Pháp, từ lãng mạn đến siêu thực.
Thi ca Pháp thế kỷ XIX có ba khuynh hướng chính: Lãng mạn (Romantisme), Thi sơn (Parnasse) và Tượng trưng (Symbolisme). Cả ba khuynh hướng này không có lãnh phân rõ rệt, không có chủ trương ngã ngũ và chính các nhà thơ đôi khi xuất hiện trong cả hai, ba khuynh hướng khác nhau.
Lãng mạn -Romantisme, phát xuất từ một quan niệm tiểu thuyết của Stendhal mà ông dùng chữ Romanticisme để giữ nguyên gốc Ý. Khi dịch sang tiếng Việt là Lãng mạn, chúng ta đã đánh mất nghĩa tiểu thuyết trong từ nguyên Pháp. Theo Stendhal, tiểu thuyết phải phù hợp với thời đại của nó: Romanticisme (lãng mạn) là nghệ thuật trình bầy cho quần chúng những tác phẩm vừa phù hợp với thói quen và đức tin hiện hành của họ, vừa có khả năng cho họ nhiều hứng thú nhất. Cổ điển (Classicisme), ngược lại, là thứ văn chương chỉ làm thú vị ông, bà, cố của quần chúng mà thôi.
Thơ ca lãng mạn phát triển mạnh khoảng 1820-30 với những tên tuổi như Lamartine, Vigny, Hugo, Musset... Lãng mạn đưa ra "cái tôi" trữ tình (lyrique), đề cao tự do cá nhân, tự do sáng tác, phá bỏ những ràng buộc, những quy luật hình thức chặt chẽ của khuôn mẫu cổ điển. "Cái tôi" trở thành chủ thể của sáng tác, nó tự do hòa hợp tình cảm với thiên nhiên, tô màu ngoại giới theo cảm xúc, theo tưởng tượng của thi nhân. Giữa con người và vũ trụ không còn lằn ranh, không chia giới tuyến. Chủ nghĩa lãng mạn đã ảnh hưởng sâu xa đến văn học Việt Nam trước 45, đến Tự Lực Văn Ðoàn và phong trào Thơ Mới.
Thi sơn (Parnasse) không phải là một trường phái, cũng không phải là một nhóm mà chỉ là một số tư tưởng đồng quy chung quanh một tập san tựa đề Thi sơn đương thời (le Parnasse contemporain), số đầu ra năm 1866, số thứ nhì năm 1871 và số thứ ba năm 1876. Với những tên tuổi như Verlaine, Mallarmé, Héredia, Coppée, Mendes, Dierx, Valade... Họ chối bỏ lãng mạn và đề cao Gautier, Banville và nhất là Baudelaire. Thi sơn không tin ở cảm hứng mà xưng tụng lao động ngôn ngữ, tiếp sức bằng tưởng tượng, cho phép nhà thơ sáng suốt và thản nhiên diễn tả những đam mê, không cần thử nghiệm, từng trải. Leconte de Lisle đề nghị một thứ thơ "khách quan", giao thoa khoa học và nghệ thuật.
Nhưng ngay từ số thứ nhì đã có sự rạn vỡ: Mallarmé khả nghi vì thơ khó hiểu, Verlaine bị nghi ngờ đi hai hàng và có đời tư nhảm nhí. Charles Cros cũng tách riêng. Số thứ ba đi đến đoạn tuyệt: Coppée và Anatole France chọn bài, loại phắt Mallarmé, Verlaine và Cros ra ngoài.
Tóm lại Thi sơn chối bỏ những thái quá của "cái tôi" trữ tình lãng mạn, trở lại sự hoàn hảo hình thức của cấu trúc cổ điển, với những câu thơ hay, giầu âm điệu, đưa con người trở về những suy tư sâu sắc có tính cách triết học và khoa học.
Thi sơn ảnh hưởng sâu rộng trong thi ca Pháp đến khoảng 1914 mới thực sự nhường chỗ cho những trào lưu mới hơn, chủ yếu là siêu thực sau này.
****
Tượng trưng (Symbolisme) thật sự mở đầu cho giai đoạn hiện đại. Những khái niệm mới về thơ ca xuất hiện vào khoảng 1885. Một số nhà thơ trẻ như Vielé-Griffin, Dujardin, Ghil, Henri de Régnier, và phê bình như Wyzewa, Fénéon thường hẹn nhau ở salon văn nghệ của Mallarmé, ngày thứ ba mỗi tuần, rue de Rome. Ảnh hưởng của Mallarmé vào những cuộc thảo luận hình thành ý niệm: Ngoài cảm xúc, tinh tế, thơ còn có một ý nghĩa siêu hình và là giá trị cao nhất trong những hoạt động của con người.
Năm ấy (1885) Dujardin đang điều hành tạp chí Wagner (Revue Wagnérienne), bèn lôi kéo Mallarmé vào quỹ đạo lý thuyết và âm nhạc của Wagner. Từ đó nẩy sinh ý tưởng: Thơ phải hướng về âm nhạc. Cụm từ "Art suggestif" (nghệ thuật khơi gợi) ra đời và thi ca thuộc lãnh vực khơi gợi.
Năm 1886, xuất hiện bài viết tựa đề "Traité du verbe" (khái luận ngôn từ) của René Ghil, trong đó thơ được xác định từ hai yếu tố âm nhạc và gợi cảm, và danh từ symbole (biểu tượng, tượng trưng) xuất hiện lần đầu.
Ngày 18/9/1886, Jean Moréas cho in trên Figaro bài viết tựa đề "Le Symbolisme" được coi như bản tuyên ngôn Tượng trưng. Nhưng bài này cũng không nói gì rõ ràng về đường hướng tư tưởng. Baudelaire, Mallarmé, Verlaine, Banville được coi là những người khai sáng. Tượng trưng chống lại các hình thức "giáo khoa, ngâm nga, cảm xúc giả tạo, mô tả chủ quan" và tìm cách "khoác cho Ý tưởng một hình thức nhậy cảm, hình thức này không phải là chủ đích, nó vừa dùng để diễn tả ý tưởng, mà lại chỉ có tính cách phụ thuộc mà thôi. "
Nhưng người ta không mô tả cái hình thức nhạy cảm (forme sensible) ấy như thế nào, cũng không đả động đến khái niệm symbole.
Ðối với một số người, Tượng trưng là quá độ của Ấn Tượng, một sự dăng dài cảm giác bằng trực giác, là một nghi vấn về sự vật.
Nghi vấn này dẫn đến mối giao cảm giữa những quan hệ hữu hình, giữa hữu hình và vô hình. Khoảng 1890, Tượng trưng được hiểu như một kết hợp giữa mơ mộng và ý tưởng.
Ảnh hưởng của Mallarmé tỏa rộng: Bóng tối rất cần thiết cho thơ. Từ đó phát xuất sự tìm chữ hiếm, những cách cấu trúc ngôn ngữ phức tạp, những hình thức ẩn bí mơ hồ. Một số người vẫn còn giữ nguyên vần điệu, theo Mallarmé, Verlaine. Một số người hướng hẳn về thơ tự do ngay từ 1886.
Ðược coi là thần tượng trong trường phái Tượng trưng, Mallarmé thật sự đã thay đổi quan niệm thơ ca, khai phóng ngôn ngữ. Theo ông: Ngôn ngữ tượng trưng cho cuộc đời, muốn thay đổi cuộc đời phải thay đổi ngôn ngữ. Mỗi lời nói của Mallarmé được coi như là một thứ sấm ngôn, phi trường phái. Ông tìm kiếm một thứ "chữ toàn diện, mới, xa lạ với ngôn ngữ thông thường, tựa như bùa chú", chữ trong bề dầy của ngữ nguyên, bề sâu của lịch sử.
Mallarmé mất vào những năm cuối thế kỷ XIX (1898) và hai mươi năm sau, một trường phái mới ra đời: Siêu thực.
Ở Việt Nam, Tượng Trưng đã ảnh hưởng sâu xa đến lớp nhà thơ chuyển tiếp từ thơ mới đến thơ hiện đại. Ðặc biệt nhóm Ðinh Hùng, Trần Dần, Trần Mai Châu, Vũ Hoàng Ðịch (em Vũ Hoàng Chương), Vương Thanh, lập thi phái Tượng Trưng và xuất bản giai phẩm Dạ Ðài cuối năm 1945. Ðối với Trần Dần, Ðinh Hùng là nhà thơ tượng trưng đầu tiên của Việt Nam với Mê Hồn Ca, Lạc Hồn Ca...
****
Hai nhà thơ lớn khác của thế kỷ XIX được coi là cha đẻ của thơ hiện đại Pháp là Gérard de Nerval và Baudelaire. Họ là tiền trạm của Tượng trưng và Siêu thực.
Gérard de Nerval (1808-1885) ngay từ đầu thế kỷ XIX đã đem mộng vào thơ.
Dịch Goethe từ hồi còn đi học, Nerval bị ảnh hưởng sâu đậm Goethe, bị mê hoặc bởi Faust, và từ thực tại đau thương của cuộc đời: mồ côi mẹ, người yêu Adrienne mất trong tu viện; Nerval đã tìm về cõi chết, về tiền kiếp như một thử nghiệm giao lưu. Ông cho rằng: Mộng (songe) cho phép "mở những cửa ngà hay cửa sừng phân cách chúng ta với thế giới vô hình".
Thơ ông có những hình ảnh vừa chính xác vừa bí mật, đưa đến những quyến gọi gập gỡ giao hình, gieo thân giữa sống và chết, giữa mộng và đời.
Nerval treo cổ tự tử năm 1885, gần Châtelet.
Baudelaire (1821-1867) diễn tả những đối chất trong tâm hồn, những dày vò giữa linh hồn và xác thịt.
Baudelaire đã khám phá ra thiên tài âm nhạc Wagner, tìm đến Edgar Poe như một tri kỷ trong mối giao tình giữa trần gian và âm thế, đem cái spleen -nỗi sầu nhân thế- của Poe vào thơ Pháp.
Ác Hoa (Les fleurs du mal) của Baudelaire biểu dương nỗi khát vọng đổi trao với thiên nhiên qua ngả cảm giác, trong hiện tượng giao ứng (correspondance) toàn diện giữa người với đất trời. Một mối giao cảm vừa thần bí vừa thẩm mỹ, vừa khổ đau vừa tội lỗi, vừa thiên thần vừa ác quỷ... Baudelaire đưa nghệ thuật khơi gợi lên mức thượng thừa trong một cấu trúc thơ chặt chẽ và đầy nhạc tính. Khơi gợi trở thành vấn đề nòng cốt của thơ tượng trưng.
Baudelaire và Nerval đã xây dựng những rường mối đầu tiên cho thơ hiện đại.
*****
André Breton sinh năm 1896 và mất năm 1966. Cuộc đời ông gắn liền với chủ nghĩa siêu thực mà ông là người sáng lập, lý thuyết gia và cổ động viên hàng đầu.
Thời đi học, Breton có học qua vài năm y khoa. Bị động viên năm 1914, được thuyên chuyển vào cơ quan điều trị thần kinh. Từ đó Breton để ý đến phân tâm học. Năm 1919, Breton cùng với Aragon và Soupault chủ trương tạp chí Littérature và bắt đầu viết chung với Soupault những bài viết đầu tiên về siêu thực.
Tháng giêng năm 1920, Tristan Tzara, người khởi xướng phong trào Dada từ Zurich sang Paris. (Dada được thành lập ngày 8/2/1916 ở Cabaret Voltaire tại Zurich với Tristan Tzara, Hugo Ball, Marcel Janco, Richard Huelsenbeck, Hans Arp, Emmy Hennings và Hans Richter) Biểu hiệu nỗi chán chường của người nghệ sĩ trong thế chiến thứ nhất, Dada chủ trương tiêu diệt tất cả các hình thức mỹ học cổ điển, kể cả ngôn ngữ. Ðề nghị dùng những chữ mà âm thanh kêu giống như vật chỉ định, ví dụ: Dada là ngựa trong ngôn ngữ trẻ con; Glouglou tiếng nước chẩy v.v...
Nhóm của Breton hòa hợp với Dada trong vòng hai năm, nhưng sau đó Breton phê phán tính cách hư vô của Dada, tách rời phong trào, để dựng trường phái siêu thực. Dada phát triển ở New York, Berlin, Cologne, Paris trong khoảng ba năm rồi tàn lụi vì tính cách đập phá, chủ nghĩa hư vô man dại, tính khiêu khích cao độ; nhưng nó cũng mở đường cho phong cách sáng tạo hiện đại chủ yếu ở những điểm: Phá rào. Phủ định. Lắp ghép (trong hội họa). Breton đã tiếp nhận những tính chất này và đem vào siêu thực.
*****
Siêu thực dựa trên triết điểm về Mơ của Freud.
Freud chia hoạt động tâm thần làm ba khu vực: Vùng vô thức tức là cái đó (le ça trong tiếng Pháp, Es tiếng Ðức) chứa đựng toàn bộ những nhu cầu bản năng bị dồn nén, cấm kỵ không được phát lộ ra ngoài. Vùng ý thức tức cái tôi (le moi, ego), hay ý thức xã hội, cái tôi xã hội, chứa đụng những gì đã được thanh lọc bởi lý trí và đạo đức xã hội, sẵn sàng trình làng. Và cái siêu ngã (le sur moi) có trách nhiệm kiểm duyệt.
Theo Freud, cái vô thức mới là bộ mặt thật, là cái tôi đích thực của con người. Nó chi phối mọi hoạt động. Còn cái tôi ý thức chỉ là bộ mặt bề ngoài, giả dối và ngụy tạo.
Mơ, đối với Freud, là thực hiện những khát vọng bản năng bị dồn nén. Khi ngủ, cơ quan kiểm duyệt không làm việc, do đó chỉ trong mơ người ta mới thể hiện được những ham muốn bị dồn ép cấm kỵ lúc tỉnh.
Có lẽ ở đây cũng nên mở ngoặc: Freud đã đảo ngược quan niệm cổ điển. Trước Freud, người ta cho rằng hoạt động tâm thần hoàn toàn thuộc địa hạt ý thức. Sau Freud, Sartre phản đối việc Freud tách khối tâm thần làm hai: Cái tôi và cái đó. Theo Sartre: Tôi là tôi. Tôi không phải là cái đó. Không thể bảo rằng bị kiểm duyệt mà không biết ai kiểm duyệt và không biết điều mình kiểm duyệt. Vậy nếu có kiểm duyệt thì chính ý thức đã kiểm duyệt. Mình tự cấm rồi quên đi. Sartre đưa ra khái niệm Ngụy tín (mauvaise foi) để giải thích hiện tượng kiểm duyệt. (Chương La mauvaise foi trong L'être et le néant, Hữu thể và hư vô)
Từ lý thuyết về mơ của Freud, Breton định vị lại vai trò của mơ trong đời sống con người: Trong Manifeste du surréalisme, Tuyên ngôn siêu thực, Breton cho rằng: Ðối với con người, tổng số thời gian sống trong mơ -kể cả mơ mộng lẫn ngủ- không thua gì tổng số thời gian thức, hay là tỉnh. Mơ và tỉnh là hai trạng thái tương đương và đối lập, cùng sống chung trong một con người. Xưa nay người ta chỉ chú trọng đến phần tỉnh -hay phần thức- mà ít ai tìm hiểu, khám phá phần mơ, trừ Freud. Một điều đáng chú ý nữa là con người, khi tỉnh, luôn luôn chịu sự giám hộ của ký ức. Chỉ biết được những gì ký ức ghi lại và cho phép nhớ, và ký ức chỉ lưu lại một phần rất nhỏ về những giấc mơ như những mảnh vỡ trong đêm tối. Ðối với Breton:
- Sự mơ tưởng đến một hình bóng đã qua trong đời chẳng qua chỉ là sự bắc cầu giữa quá khứ và hiện tại bằng hành lang mộng tưởng.
- Vấn đề có thể, hoặc không thể không còn là nỗi ám ảnh của con người nữa. Tất cả đều có thể xẩy ra -tout est possible-. Và sự sống chung giữa mơ và thực trở nên một thực tế tuyệt đối, réalité absolue. Và Breton gọi là siêu thực, surréalisme. Rồi ông đưa ra định nghĩa:
"Siêu thực là thao tác tự động thuần túy tâm linh, qua đó con người diễn tả bằng lời nói, bằng chữ viết hoặc bằng cách này hay cách khác, các hoạt động thực của tư tưởng. Siêu thực là bài chính tả mà tư tưởng đọc ra, vắng mọi kiểm soát của lý trí và ở ngoài vòng quan tâm thẩm mỹ hay đạo đức. "
Qua định nghĩa này, người ta thấy xuất hiện tính chất tự do tuyệt đối trong ngôn ngữ tự động của siêu thực. Ðối với Breton, con người bị giam hãm trong sự kiểm duyệt của lý trí, ngụp lặn trong những lề thói rập khuôn của ngôn ngữ xã hội đã sáo mòn. Cho nên tác hợp mộng và thực là đập vỡ bức tường ngăn đôi con người với phần vô thức để tìm thấy toàn bộ tri năng trong sáng tạo. Những người ký tên vào bản tuyên ngôn Siêu Thực Tuyệt Ðối là Aragon, Baron, Boiffard, Breton, Carrive, Crevel, Delteil, Desnos, Eluard, Gérard, Limbour, Malkine, Morise, Naville, Noll, Péret, Picon, Soupault, Vitrac.
****
Breton kể một giai thoại về mình: Một hôm, trước khi đi ngủ, tôi chợt nghĩ ra một câu, đại loại: Il y a un homme coupé en deux par la fenêtre (có một người bị của sổ cắt ra làm hai). Tôi sững sờ vì thấy mình vừa tìm ra một hình ảnh lạ và hiếm, rất thơ, nếu xét kỹ thì đó chỉ là hình ảnh một người nghiêng mình qua cửa sổ.
Và Breton kết luận: Chất thơ được hình thành qua những hình ảnh thoạt nhìn có tính cách phi lý cao độ, nhưng khi khảo sát kỹ càng, tính cách phi lý lui dần, nhường chỗ cho những gì có thể chấp nhận được.
Siêu thực là một cách nhìn cuộc đời không giống những khuôn sáo cũ. Reverdy viết: dans le ruisseau, il y a une chanson qui coule (trong suối có một bài hát chẩy); le jour s'est déplié comme une nappe blanche (ngày mở ra như tấm khăn bàn trắng).
Từ đó siêu thực hình thành một phương pháp tạo hình mới, khác hẳn với lối tạo hình trong thơ cổ điển.
Trong nghệ thuật cổ điển, cả lãng mạn và tượng trưng, người ta thường tạo hình bằng những phép tu từ như so sánh, ẩn dụ, hoán dụ, v.v... tức là ghép, lắp những thực thể giống nhau. Trong siêu thực, nhà thơ lắp, ghép những thực thể vô cùng xa nhau: như suối và bài hát, như ngày và khăn bàn, với điều kiện là sự gặp gỡ này nẩy ra ánh lửa, bùng lên hình ảnh lạ: bài hát chẩy, ngày mở ra.
Reverdy cho rằng: Ðặc tính của một hình ảnh độc đáo phát xuất từ sự gần cận ngẫu nhiên của hai thực tế rất xa nhau.
Breton xác định: Ðối với tôi, hình ảnh mạnh nhất là khi nó trình bầy cấp độ bất kỳ hoặc tự do cao nhất.
Reverdy và Breton đã phần nào nói lên bí quyết tạo hình của siêu thực.
Về mặt thực tế, để tạo hình, nhà thơ có thể dùng tất cả mọi thủ pháp có thể mường tượng được, kể cả việc lựa, cắt những chữ tình cờ trên mặt báo, đặt cạnh nhau. Với lối cắt dán như thế, Breton sáng chế ra những hình ảnh lạ lùng như: Un éclat de rire de saphir dans l'ile de Ceylan (một tiếng cười lam ngọc trên đảo Tích Lan). Thủ pháp cắt dán này không chỉ giới hạn trong thơ mà còn lan sang các ngành nghệ thuật tạo hình khác, trong hội họa siêu thực của những Picasso, Chagall, Matisse...
Breton tuyên bố: "Hình ảnh đã làm chủ lý trí." Và tâm hồn siêu thực giúp con người trở về thời điểm đẹp nhất của tuổi thơ với những sinh vật kỳ thú mà óc tưởng tượng có thể sáng tạo ra như: éléphants à la tête de femme (voi đầu đàn bà), lions volants (sư tử bay)... hay poisson soluble (cá tan). Những hình ảnh này xuất hiện trên những bức tranh siêu thực của Max Ernst, Picasso, Dali, Chagall... tạo thành toàn bộ nghệ thuật siêu thực, đôi khi rất bí hiểm đối với người ngoại cuộc.
Những hình ảnh này thoạt trông rất kỳ quặc, nhưng phân tích kỹ, chúng phản ảnh thực tại trong một chiều sâu khác. Ví dụ con cá tan, poisson soluble của Breton, chẳng qua chỉ là hình ảnh của con người qua bóng hình nhà thơ. Vừa cá biệt: vì Breton cầm tinh con cá, vừa phổ quát: vì con người nào chẳng tan trong dòng tư tưởng của chính mình.
Những quái thai đầu người, mình thú trong các bức tranh siêu thực, trong một chừng mức nào đó, phản ảnh phần người và phần thú trong mỗi chúng ta.
Tóm lại, siêu thực mở cửa cho sáng tác bước và một vùng đất mới mà nội giới và ngoại giới, mơ và thực, kết hợp với nhau theo bất cứ trật tự nào mà người sáng tác có thể mường tượng được, miễn là trật tự ấy dẫn đến một thành tựu nghệ thuật. Và tác phong tự do này ảnh hưởng sâu rộng đến tư duy nghệ thuật trong suốt thế kỷ XX.
Ở Việt Nam, Xuân Thu Nhã Tập, ngay từ thập niên 40 đã đem những hình ảnh siêu thực vào thơ. Người ta còn nhớ những câu:
Lẵng xuân bờ giũ trái xuân sa
Ðáy đĩa mùa đi nhịp hải hà
của Nguyễn Xuân Sanh. Những hình ảnh lẵng xuân, trái xuân, mùa đi... quá mới với thời đại. Trong nhiều thập niên Xuân Thu Nhã Tập đã bị coi là một trào lưu bí hiểm, hủ nút.
Trong Nam, siêu thực đã xuất hiện trong thi ca và hội họa ngay sau 54. Những lệ là những viên đá xanh tim rũ rượi, những đêm giao thừa thế kỷ mưa sao rơi của Thanh Tâm Tuyền hay những tuổi buồn em đi trong hư vô của Trịnh Công Sơn, đều là những cách tạo hình mới, nẩy sinh từ sự kết hợp những yếu tố bất kỳ hoàn toàn xa lạ với nhau, nhưng đã bùng lên lửa.

Thụy Khuê
Paris, tháng 10/99
Phượng Các
#9 Posted : Saturday, November 27, 2004 12:19:51 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,700
Points: 20,043
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)





Thử tìm một lối tiếp cận văn sử học về
Hai mươi nhăm năm văn học Việt Nam hải ngoại 1975-2000


Thụy Khuê


Hai mươi nhăm năm. Một phần tư thế kỷ. Khi nhìn lại chặng đường vừa qua của văn học Việt Nam, người ta nhận thấy do một tình cờ, một định mệnh hay một thần giao cách cảm nào đó, dòng văn học của người Việt sống ở nước ngoài có những lưu lượng ghềnh thác, chung nhịp với dòng văn học đổi mới ở trong nước.
Cùng chung thời kỳ phôi thai những năm 78-79, khi ở ngoài nước, những tờ Ðất Mới của Thanh Nam, Hồn Việt của Nguyễn Hoàng Ðoan, và Văn Học Nghệ Thuật của Võ Phiến, Lê Tất Ðiều bắt đầu khởi sắc những năm 77-78, thì ở trong nước, tháng 11/1978 trên báo Văn Nghệ Quân Ðội có bài viết tựa đề Viết Về Chiến Tranh của Nguyễn Minh Châu, ngụ ý phê bình nền văn học miền Bắc trước 75 và Việt Nam sau 75, chưa có tiểu thuyết thực sự về chiến tranh. Rồi ngày 9/6/1979, trên tờ Văn Nghệ số 23, Hoàng Ngọc Hiến có bài triết luận tựa đề Về một đặc điểm của văn học nghệ thuật ở ta trong giai đoạn vừa qua, chứng minh tính cách phải đạo của nền văn học trong nước. Hai tiểu luận này được coi là những bài viết khai quang cho nền văn học đổi mới trong nước.
Cả hai dòng văn học hải ngoại và đổi mới cùng phát triển mạnh mẽ những năm 86-88, với số tác giả và tác phẩm cao nhất về phẩm cũng như về lượng. Rồi cùng trầm lắng xuống, từ năm 90 trở đi, với những lý do hoàn toàn khác nhau, nhưng ít nhiều, cả hai đã tìm cách giao lưu âm thầm với nhau, để hợp chung thành một dòng văn học Việt có trong, có ngoài, trong sự cảm thông giữa những người cầm bút.
Tính chất giao lưu này đã khiến cho một số tác giả gặp khó khăn in ấn trong nước, có thể thấy tác phẩm của mình ra đời ở nước ngoài. Rồi những tác phẩm hải ngoại, cũng được chuyền "chui" về nước, theo một hệ thống đường ngầm mà chính quyền Việt Nam không thể kiểm soát hết được. Người trong nước đã có thể lỗ mỗ tiếp nhận văn học hải ngoại như lời Nguyễn Huệ Chi. Từ sự tiếp nhận lỗ mỗ ấy, thoát thai những bài viết "nhận diện" văn học Việt Nam hải ngoại, khá nghiêm chỉnh, như bài của Lê Hoài Nguyên, tựa đề Một cái nhìn mười tám năm văn học Việt Nam ngoài nước , mô tả và đưa ra những nhận định khá sát với thực tế văn học Việt ngoài nước. Sáu tháng sau, Nguyễn Huệ Chi viết bài Vài cảm nhận văn học Việt Nam hải ngoại trong chiều hướng hòa hợp dân tộc, giới thiệu một số tác phẩm ngoài nước dưới nhãn quan đứng đắn của người nghiên cứu phê bình, không phân biệt lằn ranh địa lý, chính trị.
Ở Phạm Xuân Nguyên, sự giao lưu trở thành một đòi hỏi có tính quyết liệt để Hình dung một bức tranh hoàn chỉnh về văn học dân tộc . Phạm Xuân Nguyên chỉ trích quan niệm lỗi thời, đơn nhất về nền văn học cách mạng, văn học miền Bắc, và biện minh cho một cái nhìn toàn diện và đa hợp về văn học Việt Nam trong thế kỷ này.
Ðó là thời điểm 93, 94, 95 một số nhà biên khảo đứng đắn đã có thể bầy tỏ công khai những nhận định của mình về văn học ngoài nước, về sự kết hợp một nền văn học Việt Nam hoàn chỉnh, có nhiều nhánh, không phân biệt ranh giới Bắc Nam, trong ngoài.
Những năm gần đây, nếu căn cứ vào một số bài viết trên các báo chính thức ở trong nước, tình hình có vẻ xấu đi. Bài viết Nhận diện văn học hải ngoại của Hoàng Huân, được giải thưởng phê bình văn học năm 98 của tạp chí Văn Nghệ Quân Ðội, chứng minh cái nhìn phiến diện và hằn học đối với văn học hải ngoại của lăng kính chính thức ngày nay. Tất nhiên, những bài báo kém phẩm chất, tự nó sẽ bị đào thải, nhưng nó chứng tỏ một đường lối chính quy không tốt đối với văn nghệ mà ký ức văn học ít khi bỏ qua. Tất nhiên người ta có thể ghi nhận những tiến triển qua việc cho in một vài tác phẩm hiền lành của người viết ở hải ngoại như Ký sự đi Tây của Ðỗ Khiêm, Tuyển tập những nhà văn nữ..., và mới đây, Sông Côn mùa lũ, bộ trường thiên tiểu thuyết lịch sử về anh em Tây Sơn của Nguyễn Mộng Giác. Nhưng điều đó không khỏa lấp câu hỏi: Tại sao, một phần tư thế kỷ sau ngày hợp nhất đất nước, những tờ báo có tính cách thuần túy văn học như Văn,VănHọc, Hợp Lưu, Tạp Chí Thơ, Việt, v.v... vẫn chưa được công khai có mặt trong nước? Tại sao những tác phẩm tiêu biểu của văn học hải ngoại vẫn chưa được lưu hành trong nước? Ví dụ trường hợp nhà văn Nguyễn Mộng Giác, tác phẩm chủ yếu của ông là bộ Mùa Biển Ðộng . Bộ trường thiên này đã phản ảnh được xã hội và tâm trạng người miền Nam, ít nhất trong thành phần trung lưu, trí thức thành thị. Ðây là một trong những tác phẩm có thể giúp người đọc trong nước, nhất là người đọc miền Bắc, hiểu được phần nào nếp sống tinh thần và vật chất của người miền Nam trong chiến tranh. Và có lẽ chỉ có sự tìm hiểu về nhau giữa đôi bên sau khi cuộc chiến chấm dứt, xuyên qua tác phẩm văn học, mới có thể đưa đến một sự hòa hợp sâu xa. Văn học đích thực trong chiều hướng phục vụ sự thật, có khả năng hòa giải hữu hiệu hơn bất cứ bài thuyết luận nào.
*
Danh xưng

Có nhiều ý kiến khác nhau về danh xưng, nên gọi là văn học hải ngoại, ngoài nước hay lưu vong? Bùi Vĩnh Phúc đưa ra một phân tích đặc sắc, ông cho rằng: Hai chữ Hán Việt hải ngoại không sát nghĩa bằng hai chữ thuần Việt ngoài nước. Vì hải ngoại chỉ có nghĩa là ngoài biển, trong khi ngoài nước có nghĩa là ngoài nước Việt Nam.
Theo ông, chữ nước ở đây không phải là hải (là thủy) mà là quốc. Vậy muốn diễn tả đúng ý ngoài nước Việt Nam thì tiếng Hán Việt phải dùng là quốc ngoại chứ không phải là hải ngoại. Nhưng vẫn theo ông, âm vang của từ ngoài nước làm ta cảm thấy gần gũi với đất nước và người Việt hơn là khi dùng từ quốc ngoại..
Sự phân tích của Bùi Vĩnh Phúc khá cặn kẽ và sâu sắc, nhưng chúng tôi xin nêu thêm một ý khác: Chữ nước trong danh từ đất nước của chúng ta, có hàm nghĩa nước là thủy, như nước sông, nước biển, mà chữ quốc của người Trung Hoa không có. Và có lẽ ít ngôn ngữ nào trên thế giới diễn tả được hình ảnh đất nước với hai yếu tố xương thịt cơ bản tác thành nên nó: đất và nước như tiếng Việt. Nếu không có đất và không có nước thì không có sự sống, không có vật và người. Hai yếu tố cơ bản này, đất-nước gắn bó với xác thịt và linh hồn dân tộc, đã được Bình Nguyên Lộc trải, bầy, đúc, tả trong toàn bộ tác phẩm của ông. Ngoài ra nước biển còn có liên hệ tử sinh với người vượt biển, thành phần chủ chốt của văn học Việt Nam hải ngoại.
Vậy nước trong chữ hải (biển) cũng là thành tố của đất nước. Và hải ngoại chỉ là một cách nói khác, để chỉ những gì ngoài đất nước. Do đó hải ngoại và ngoài nước là những từ tương đương.
Lưu vong vừa là một tình trạng (người bị xa nước), vừa là một tâm trạng (nhớ nước). Có người không xa nước nhưng vẫn nhớ nước như Bà Huyện Thanh Quan. Từ tâm trạng nhớ nước xẩy ra hành động hướng về đất nước dưới nhiều hình thức, trong đó có sinh hoạt văn chương: Viết bằng tiếng Việt. Như vậy, lưu vong là động cơ thúc đẩy con người hướng về nước, nhưng trong văn học tính chất lưu vong chỉ là một biệt cách của mỗi tác giả:
- Lưu vong, theo nghĩa đối kháng chính quyền xuất hiện trong những hồi ký chính trị, cải tạo. (Ở đây chúng tôi không bàn đến những tác phẩm ca tụng chính quyền vì đó không phải là văn học đích thực trong chiều hướng phục vụ tự do và sự thật).
- Lưu vong, theo nghĩa nhớ nước: Sâu sắc trong thơ Phạm Tăng, trong văn Võ Ðình, khơi động ở thời kỳ đầu, qua những tác phẩm như Ðất Khách của Thanh Nam, Thơ Cao Tần, v.v... Càng về sau càng dịu đi, nhường chỗ cho tính chất hội nhập và hòa hợp.
Truyền thống văn học lưu vong, khởi sinh từ những năm đầu thế kỷ, khi Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, từ hải ngoại gửi những tâm văn, huyết thư về nước. Tiếp nối truyền thống ái quốc lưu vong là dòng nghệ thuật thuần túy những năm 30, khi các họa sĩ đầu tiên của Việt Nam như Mai Thứ, Vũ Cao Ðàm, Lê Phổ, Lê Thị Lựu... xuất dương và định cư tại Pháp.
Sau họ là lớp thứ nhì, với những tên tuổi như Lê Bá Ðảng, Võ Ðình, Phạm Tăng, v.v... cùng thời với những nhà biên khảo như Hoàng Xuân Hãn, Tạ Trọng Hiệp, Trương Ðình Hòe v.v...
Tất cả những lớp người đi trước này là tiền thân của văn học nghệ thuật Việt Nam hải ngoại hôm nay. Cho nên khi gói trọn văn học Việt Nam hải ngoại trong phạm vi những tác phẩm của người Việt di tản, chúng ta dễ bị sa vào những lấn cấn, ngộ nghĩnh buồn cười: Ví dụ như việc cãi vã về Phạm Thị Hoài, có nên "cho" Phạm Thị Hoài vào văn học Việt Nam hải ngoại hay không?
Thật ra vấn đề rất đơn giản: Phạm Thị Hoài là nhà văn Việt Nam, với những tác phẩm viết và in trong nước và những tác phẩm viết và in ngoài nước, cũng như Võ Phiến, Mai Thảo, Nhật Tiến, v.v... Khi muốn phân chia theo địa lý văn học thì phần viết và in ở nước ngoài của họ thuộc về văn học hải ngoại.
Picasso, dù xây dựng toàn bộ sự nghiệp hội họa ở Paris, nhưng đối với quốc tế, ông vẫn là họa sĩ Tây Ban Nha. Xem như thế, nguồn gốc quan trọng nhường nào.
Nabokov đi lưu vong, mang theo linh hồn và văn hóa Nga trên đất Mỹ, Pháp, rồi Thụy Sĩ... nhưng ông không được ghi nhận như nhà văn Nga mà là nhà văn Mỹ, gốc Nga, bởi vì tác phẩm của ông, phần lớn viết bằng tiếng Mỹ. Do đó, ngôn ngữ thiết yếu đến đâu.
Nguồn gốc và ngôn ngữ là hai yếu tố xác định "quốc tịch" nghệ thuật, dù biết rằng nghệ thuật không có và không cần quốc tịch. Riêng đối với văn chương, thì ngôn ngữ là yếu tố xác định. Những phần tử như địa lý, chính trị,... chỉ là những tiết tố có thể có ảnh hưởng đến bản chất nghệ thuật và tư tưởng của tác giả.

Văn học Việt Nam hải ngoại được hình thành ở thời điểm nào?

Báo chí là khởi điểm cho sự đọc, sự viết, cho một đời sống tinh thần. Ngay từ khi còn ở đảo Guam hoặc mới bước chân lên những trại tỵ nạn đầu tiên trên đất Mỹ, người Việt đã có báo. Minh Ðức Hoài Trinh, trên báo Hồn Việt Nam, số 1, phát hành tại Paris ngày 15/10/1975, nhắc đến chuyện đã "đọc báo Chân Trời Mới ở các trại như Pendleton, Guam, Asan vào giai đoạn đầu của cuộc ly hành mùa xuân Ất Mão", và bà còn cho biết "theo báo Ðất Mới: Một nhóm các người làm báo ở Hoa Thịnh Ðốn đang thành lập một ủy ban để giúp các người làm báo Việt Nam tìm người bảo trợ và công việc làm ăn tại Hoa Kỳ."
Võ Phiến, trong bài Xuất Trại nhắc nhở đến tờ "Ðất Lành cuối tháng 8-75, liên tiếp mấy số liền, có những bài đăng ở trang nhất, cố gắng giải thích, khuyên nhủ, dỗ dành, mỉa mai, rồi... hăm dọa, nhằm thúc đẩy dân tỵ nạn mạnh dạn ra đi lập lại cuộc đời mới."
Từ những Chân Trời Mới, những Ðất Lành, ... người Việt đã thành lập những tờ báo có tính chất văn học nghệ thuật. Nhìn lại giai đoạn tiên khởi này, những tờ báo có khuynh hướng văn học nghệ thuật xuất hiện sớm nhất ở hải ngoại có thể là:
- Nguyệt san Hồn Việt Nam của Minh Ðức Hoài Trinh, số 1 ra ngày 15/10/1975 ở Paris, số chót Xuân Mậu Ngọ 1978.
- Báo Quê Mẹ của Võ Văn Ái ở Paris, số 1 đầu năm 76, chuyên về văn học nghệ thuật. Sau đó ngừng. Tiếp theo là tạp chí Quê Mẹ, chuyên về thời sự, chính trị, đấu tranh, có thêm trang văn học.
- Báo Quê Hương của Du Tử Lê, Ðinh Thạch Bích, Võ Văn Hà, Phạm Cao Dương ở Costa Mesa, đầu năm 76, ra được ba số thì đình bản. Sau đó Du Tử Lê chủ thương tờ Nhân Chứng. Nhân Chứng tồn tại được hai năm, ra khoảng 20 số.
- Báo Ðất Mới với Huy Quang Vũ Ðức Vinh, Nguyễn Văn Giang là một trong những tờ báo đầu tiên xuất bản tại Hoa Kỳ từ tháng 7/75. Ðến tháng 4/76, Thanh Nam được mời cộng tác . Rồi từ 79 đến 81 có thêm Mai Thảo .
- Báo Hồn Việt của Nguyễn Hoàng Ðoan ở San Diego, ra đời đầu năm 76 mà số Xuân Ðinh Tỵ (1977) đã có đầy đủ tư thế của một tờ văn học nghệ thuật với sự đóng góp bài vở của Lê Tất Ðiều, Võ Phiến, Thanh Nam, Tạ Ký, Nhất Tuấn, Cung Tiến, Nguyên Sa, Túy Hồng...
- Võ Phiến ở Santa Monica và Lê Tất Ðiều ở San Diego cho xuất bản nguyệt san Văn Học Nghệ Thuật từ tháng 4 năm 1978, ra được 13 số thì đóng cửa vào tháng 9/1979. Tái bản bộ mới số 1, tháng 5/85 đến tháng 12/86 đình bản, trao lại cho Nguyễn Mộng Giác đổi thành Văn Học.
- Tờ Việt Chiến do Giang Hữu Tuyên, Hoàng Xuân Sơn và Ngô Vương Toại chủ trương ở Hoa Thịnh Ðốn.
- Cùng thời điểm này, Ðỗ Ngọc Yến sáng lập tờ Người Việt, số báo đầu tiên phát hành tháng 12/78 ở quận Cam, California. Người Việt là tờ thông tin nghị luận, mới đầu là báo hàng tuần, sau trở thành báo hàng ngày, có nhiều độc giả nhất trong cộng đồng người Việt ở Mỹ và là cơ sở nuôi sống nhiều nhà văn, nhà báo.
Ðó là sơ lược một số báo đã hiện diện trong những ngày đầu, cho phép người viết trụ lại để tạo thành bộ mặt văn học hải ngoại.
*
Những hướng đi đầu tiên: Báo Hồn Việt Nam và những biến chuyển từ 30/4/75 đến cuối năm 76

Trong con số ước lượng 130000 người Việt rời nước ở thời điểm 30/4, những văn nghệ sĩ ra đi sớm nhất có thể là nhóm Võ Phiến, Lê Tất Ðiều, Thanh Nam, Túy Hồng, Viên Linh, Vũ Huyến,... nhân viên của đài phát thanh Mẹ Việt Nam , được đưa ra Phú Quốc ngay từ 21/4/75 để chờ tầu Mỹ tới "bốc" . Minh Ðức Hoài Trinh cũng đi trước 30/4 để tham dự hội thảo ở Thái Lan, Mã Lai, Phi Luật Tân về đề tài gia tài văn hóa của Ðông Nam Á. Ngoài ra, những tên tuổi như Phạm Duy, Hoài Trung, Nguyễn Khắc Ngữ, Vũ Khắc Khoan, Nguyên Sa, Cao Văn Luận, Thái Văn Kiểm, Chu Tử , Du Tử Lê, Cao Tiêu, Duy Thanh, Ðỗ Quý Toàn, Hà Huyền Chi, Trùng Dương, Phan Lạc Tiếp, Nhất Tuấn... cũng đều rời nước ở thời điểm 30/4 .
Hồn Việt Nam, với tiêu đề chính "văn hóa và dân tộc" và với mục đích "cơ quan thông tin giữa người trong và ngoài nước", in ngay dưới tên tờ báo, nói rõ hướng đi của người chủ trương: Minh Ðức Hoài Trinh. Tuy chỉ là tờ báo in ronéo, 3 số đầu có 17 trang, sau tăng lên 30 trang, và có lẽ ngày nay không mấy người biết đến; nhưng nội dung, tinh thần và những biến chuyển của Hồn Việt Nam, lại gần gụi với tâm trạng của người Việt hải ngoại lúc bấy giờ.
Sau ngày 30/4, tinh thần chống Cộng chưa xuất hiện mà ngược lại, tinh thần hòa giải Bắc Nam có phần ưu thế. Mọi người tiếp nhận biến cố 30/4 như một biến chuyển lớn lao, còn ngơ ngác, không biết nên vui hay nên buồn: Vui vì đất nước hết chiến tranh. Buồn vì phải chia lìa, ly tán. Minh Ðức Hoài Trinh đã thể hiện khá chính xác, hiện tình ấy trong bài viết mở đầu:
"Trước những biến chuyển của đất nước, trước những vui buồn, những ngơ ngác, hân hoan của mỗi người, trước những đau khổ, nhục nhã của cuộc ly hành, chúng tôi có bổn phận phải làm gì để chia sẻ. " Và Hồn Việt Nam muốn "trở thành mối liên lạc giữa kẻ ở với người đi".
Trong "bức thư" gửi độc giả Bách Khoa, hàng tháng, Minh Ðức Hoài Trinh bày tỏ ước muốn tiếp tục công việc của "anh chị Châu ", làm một thứ Bách Khoa thu nhỏ, với tất cả những khó khăn, giới hạn, nghèo nàn về người viết cũng như tìm tiền để in báo.
Nội dung, ngoài sáng tác, có bốn mục chính: Mỗi tháng đều có bài viết nhắn nhủ người Việt đừng để cho con em quên tiếng Việt . Một bài biên khảo đứng đắn về văn hóa của Hoằng Ðạo. Một bài viết khá kỹ, giới thiệu các danh nhân Việt Nam do Giao Trinh phụ trách. và Mục thông tin, liên lạc tin tức giữa người Việt trong và ngoài nước. Tuy tờ báo do gia đình Minh Ðức Hoài Trinh đảm nhiệm (với Triều Dương và Giao Trinh) nhưng dù dưới hình thức thô sơ, nghèo nàn, nội dung của nó vượt khỏi phạm vi gia đình, rộng hơn tính cách cộng đồng, để đến với "văn hóa và dân tộc".
Ở chính chỗ không ngờ nhất, mục Tin tức và Nhắn tin trên báo Hồn Việt Nam vừa phản ánh vừa tạo dựng những chuyển biến trong tâm cảm người Việt ở nước ngoài, ít ra là ở Pháp.
Sau ngày 30/4, những thông tin trong nước gửi ra rất hiếm. Và Paris là phần đất ưu tiên tiếp nhận những nguồn tin hiếm hoi từ Việt Nam. Rồi từ Paris, tin tức được chuyển đi Hoa Kỳ và khắp nơi.
Ðộc giả đọc được ngay trên số đầu của Hồn Việt Nam, tháng 10/75, những tin tức như:
"Thái Thanh, Mai Thảo, Hoài Bắc không đi, chỉ có Hoài Trung và gia đình Phạm Duy ở Hoa Kỳ."
"Nhà văn Lê Tất Ðiều gửi xin anh em có ai còn giữ được mấy quyển sách của Ðiều, xin gửi cho mượn để chép tay."
Trong số báo thứ nhì, có thư của một độc giả trả lời, giữ trọn bộ sách của Lê Tất Ðiều. Và trong Hồn Việt Nam, số 3, ngày 15/11/75, bài Thư bạn của Lê tất Ðiều gửi Minh Ðức Hoài Trinh, có những câu:
"Ôi! Chữ Việt Nam ta bây giờ quý lắm, kể cả chữ nghĩa viết thư, không thể để chúng lưu lạc được. Bạn có tin gì về N.T. (Nhật Tiến) không? [..] Ðiều mình ước mong được biết là tin tức mọi người. Bây giờ thì không thể viết gì được nữa ngoài việc lâu lâu thảo vài hàng thư thăm bạn bè [...]
Ðời sống hiện tại khá đầy đủ. Cái mà mình thiếu bây giờ là những khuôn mặt của bạn bè, những con đường cũ của mấy chục năm cũ. Lắm lúc nhớ nhà, nhớ Sàigòn, nhớ Ðà Lạt muốn phát điên [...]
Rất mừng thấy bạn còn viết được, còn làm báo được. Ðọc mục Nhắn tin của Hồn Việt Nam khi nào cũng cảm động [...]
Về phương diện văn nghệ, bạn hãy coi tôi như người bỏ đi. Bây giờ chỉ thèm được đọc."
Ðó là tâm sự của Lê Tất Ðiều vào cuối tháng 10/75. Những "tin tức" ngắn ngủi ấy, chứa đựng những "nội dung" mà ít bài văn, bài thơ nào chuyên tải được.
Rồi tiếp nối tin: Ba trại Pennsylvania, Florida và California đóng cửa trong tháng 10/75. Tháng 12/75 có gần 3000 người tỵ nạn xin hồi hương. Trại tỵ nạn cuối cùng, Fort Chaffee, tiểu bang Arkansas, đóng cửa trước Giáng Sinh năm 75. Cuối năm 75, đường phố Sàigòn phải đổi tên. Ðầu năm 76 "báo chí Việt Nam tại hải ngoại ra đời như bươm bướm ". Giữa tháng 2/76: "Nghĩa trang quân đội có bảng ghi ở bên ngoài: Ðây là nơi an nghỉ của những đứa con phản quốc." Tháng 3/76, xuất hiện những tin đầu tiên về người vượt biển: Tới cuối tháng 11/75 còn nhiều gia đình trốn khỏi Việt Nam bằng thuyền nhỏ . Sau Tết Nguyên Ðán 76: những công chức, quân nhân chế độ cũ đều chưa được thả về từ các trại cải huấn. Mặc dù họ được báo trước dự trù cải tạo một tuần hay một tháng .
Ngày 15/5/76, Hồn Việt Nam ra số kỷ niệm ngày đệ nhất chu niên ngày "Ly Hành". Ðây là "số đặc biệt", "số kỷ niệm để đánh dấu một ngày, không biết nên gọi là gì? Buồn? Vui?" Nhưng dường như khát vọng hòa bình vẫn muốn quạt trôi những tin tức bi quan táp đến. Minh Ðức Hoài Trinh cho in bài thơ "Chiến tranh hết rồi" làm tại Paris năm 74, với những tín hiệu khép kín vết thương chiến tranh, mở ra một trang hòa bình:
Và xác chết xác chết khỏi trừng trừng mở mắt
Nuối cuộc đời, tiếc kỷ niệm đau thương
Ngậm căm hờn nghe máu hòa trong đất
Thân vẹn toàn không từng mảnh thịt xương
......
Sông núi ơi! Vùng lên mà ca hát
Khúc thanh bình gào đến tận muôn phương
Hiền cỏ cây nghiêng đầu ru gió mát
Dưới mặt trời, gỗ đá cũng yêu đương.

Tháng7/76: Trong Hồn Việt Nam số 10, có bài viết về cái chết tự tuẫn của Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam. Có tin Vũ Hoàng Chương phải đi học tập. Giọng văn của tờ báo, lần đầu tiên, có vẻ châm biếm nhà nước. Tháng 8 và 9/76 trở đi, tình hình trầm trọng hơn: Ủy Ban Vận Ðộng Cứu Trợ Những Người Việt Nam Trên Ðường Tỵ Nạn ra đời tại Hoa Thịnh Ðốn, thông báo: Số người vượt biển ra đi chỉ sống sót khoảng 35%, vì tầu ngoại quốc không chịu vớt và láng giềng xua đuổi không cho lên bờ.
Những người vượt biển đầu tiên tới Pháp, cho biết hiện tình trong nước: "Họ có thể đột nhập vào bất cứ nhà ai, bất cứ nơi nào và lúc nào."
Theo tin BBC, mỗi tháng ước lượng có khoảng 200 người trốn khỏi Việt Nam. Tháng 10 năm 76: Doãn Quốc Sỹ bị bắt. Vũ Hoàng Chương từ trần. Tháng 11/76: Nhà xuất bản Lá Bối tái hiện ở Paris với bức tâm thư "Tiếng Chim Gọi Ðàn" gửi các văn nghệ sĩ và học giả, yêu cầu gửi bản thảo, Lá Bối sẽ xuất bản. Ðây là nhà xuất bản đầu tiên hoạt động tại hải ngoại theo đúng quy ước in sách mới, không sao chụp sách cũ như Ðại Nam, Xuân Thu, Sóng Mới, v.v...
Tháng 11/76, trong Hồn Việt Nam số 14, Minh Ðức Hoài Trinh "viết cho một người nằm xuống " là Vũ Hoàng Chương và mặc niệm cho tình hình trong nước: "Chưa thấy một ánh sáng nào mà chỉ thấy bóng tối càng ngày càng phủ dầy. Trên lãnh vực văn nghệ sĩ thật đáng thương [...] chỉ có văn bộc mới sống nổi, những kẻ chân chính đều bị tiêu diệt hoặc tự tiêu diệt."
Giữa năm 77, Hoà Thượng Thích Trí Thủ, Viện trưởng Viện Hóa Ðạo loan báo: Chính quyền bắt giam 6 vị thượng tọa, đại đức trong ban quản trị Viện Hóa Ðạo. Việc đốt sách, đốt bản thảo... gia tăng. Tháng 10/77, Hồn Việt Nam ra bộ mới, chuyển hướng sang đấu tranh chính trị, với một ban biên tập mới, ngoài Minh Ðức Hoài Trinh có Trần Tam Tiệp, Phạm Hữu, Vũ Phong. Trên báo xuất hiện những từ "phục quốc, nội công, ngoại kích, mất nước". Và lá thư tòa soạn có những câu:
"Quê hương Việt Nam đang sống trong đau khổ, uất hẹn, tủi nhục, người Việt tha hương không thể thụ động khoanh tay, cúi đầu."
Tờ báo chính trị cũng chỉ sống được 4 tháng rồi đình bản. Có thể nó đã không phù hợp với tinh thần văn hóa và dân tộc của người sáng lập. Nhưng cuộc đời ngắn ngủi của nó (từ tháng 10/75 đến tháng 10/77) trong 2 năm, đã báo động và phản ảnh những biến đổi tâm thức của người Việt hải ngoại: Từ ý hướng hòa hợp dân tộc, xây dựng lại đất nước sau chiến tranh, chuyển sang thái độ trực diện, đối đầu.
*
Tâm thức hòa hợp dân tộc và xây dựng đời sống mới.

Không chỉ ở Minh Ðức Hoài Trinh mà có lẽ đó là tâm thức chung của người Việt sau 30/4: Tin tưởng ở người Việt. Miền Nam chấp nhận thua trận và có ý hướng cộng tác. Hồi ký Cùm Ðỏ của Phạm Quốc Bảo mô tả giai đoạn đầu tiên, sau ngày tiếp quản Sàigòn, chương trình "học tập cải tạo" được tiếp nhận một cách lạc quan và nhanh chóng như sự tiếp thu những từ mới: Mỹ Ngụy, cách mạng, giải phóng, hồ hỡi phấn khởi, đạt yêu cầu, đăng ký, thu hoạch, v.v... Người Việt miền Nam tự xưng mình là "ngụy" và nói về "cách mạng", về "giải phóng" như thật. Một người vừa vượt biển, trả lời phỏng vấn báo Hồn Việt Nam, dù đã tới Paris, vẫn còn lập đi lập lại: Ngày xưa ngụy nó... thế này, thế kia, v.v...
Sự thay đổi ngôn từ chứng tỏ tính chất mềm dẻo, lau sậy của người dân nhưng không phải là không ẩn dấu một hình thức chấp nhận và hội nhập, dù chỉ một chiều. Trong Ðáy Ðịa Ngục, Tạ Tỵ kể chuyện một thương phế binh cụt chân, nhất quyết ghi tên đi học tập. Cán bộ trả lời:
"Thôi, cho anh về, chờ khóa sau. Anh tàn tật vậy, chúng tôi sẽ cấp giấy chứng nhận được hoãn.
- Dạ, xin cho tôi được đăng ký học khóa này. Trước, sau cũng phải học. Một lần cho xong, để yên tâm làm ăn ."
Và Tạ Tỵ đưa ra lập luận của ông, và có lẽ cũng là lập luận chung của những người đi học tập lúc đầu: "Một khi đã phục tùng, chắc họ sẽ sẵn sàng theo đúng chính sách hòa giải hòa hợp dân tộc để cùng xây dựng lại đất nước sau mấy chục năm dài chinh chiến." (trang 55)
Báo chí xuất hiện trong giai đoạn đầu, mang hai loại tên: Khuynh hướng tại ngoại tin tưởng với Chân Trời Mới, Ðất Lành, Ðất Mới... khuynh hướng vọng về đất nước như Hồn Việt Nam, Hồn Việt, Quê Hương, Quê Mẹ, Người Việt... Cả hai khuynh hướng đều có ít nhiều lạc quan: Báo Quê Mẹ ở Paris, số đầu, bài vở chuyên về văn học nghệ thuật trong chiều hướng chào mừng hòa bình và thống nhất đất nước. Võ Phiến nói đến tâm trạng "kẻ vui gượng ở ngoài nước chẳng nên dài lời mà chi đối với cái vui gượng của người ở trong nước" trong bài Vui Gượng, đăng trên Hồn Việt, Xuân Ðinh Tỵ 1977.
Thanh Nam, để kỷ niệm một năm ngày 30/4 có những câu thơ:

Về đây chung phận chung đời
Chung tay tiếp lửa đẩy lùi bóng đêm
Thôi, chào quá khứ ngủ yên
Những đau thương cũ vùi quên cuối trời.
(Buổi Ðầu, Seatle 30/4/76, trong tập Ðất Khách)

Nhưng tâm thức hòa hợp hay niềm lạc quan xây dựng đời sống mới không được lâu bền. Lưu đầy Ðất Khách và thực tại Quê Hương đã khiến Thanh Nam, 1982 -ba năm trước khi mất- đau đớn "xót thân vô dụng, một đời nín câm."
Rồi những biến cố không hay dồn dập đến: Chưa được một năm sau ngày thống nhất đất nước, sách vở miền Nam bị thiêu hủy, các văn nghệ sĩ hàng loạt đi tù. Vũ Hoàng Chương bị bắt ngày 13/4/76 . Người đi cải tạo không về. Người vượt biển vong thân. Vũ Hoàng Chương mất ngày 17/9/76, năm ngày sau khi được thả. Cái tang cải tạo. Cái tang vượt biển: Tang chung. Cái tang văn học: Tang riêng. Nặng trên tâm thức người cầm bút.

Cái chết của Vũ Hoàng Chương

Vũ Hoàng Chương vẫn được coi là một trong những khuôn mặt đại diện cho nền văn học Việt Nam trải hai thời kỳ: tiền chiến và chia đôi đất nước. Cùng với Ðinh Hùng, là hai thiên tài tiền chiến không tắt lửa sáng tạo sau 45. Vũ Hoàng Chương: một nhà thơ và một kẻ sĩ, không khuất phục trước thế quyền trong Lửa Từ Bi.
Có thể vì đã cảm nhận được vị trí độc đáo của Vũ Hoàng Chương trong văn học sử và trong lòng người, cho nên trong thời gian đầu, chính quyền cộng sản không bắt Vũ Hoàng Chương .
Nhưng cũng có thể vì đã cảm nhận vị trí ấy, nên họ bắt ông sau đó. Thời điểm ấy Vũ Hoàng Chương đã yếu lắm, không biết sống chết lúc nào. Bốn tháng tù. Ðược thả. Năm ngày sau, ông mất. Dập tắt một nhà thơ lớn bằng lao tù. Ðó là sự vụng về thê thảm nhất. Bởi khi thân thể nhà thơ nằm xuống là lúc tác phẩm của họ đứng lên. Nhập vào lòng người. Chỉ cần đọc những dòng Mai Thảo viết về Vũ Hoàng Chương cũng đủ thấy sức công phá của ngọn lửa Từ Bi hồi sinh, đưa Mai Thảo đến bờ xung kích.
Và chính Mai Thảo, trong niềm đau xót đứt lìa, tái sinh động lực chuyển tải chúc thư văn học, trở nên linh hồn của một thời kỳ văn học sau đó.
Cái chết của Vũ Hoàng Chương, ở trong nước, bị dấu diếm. Gia đình không được quyền đăng cáo phó. Hàng xóm không được quyền đến thăm. Bạn hữu như Mai Thảo còn đang bị truy lùng. Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Cung Trầm Tưởng đã đi cải tạo lớp đầu. Doãn Quốc Sỹ, Nguyễn Mạnh Côn, Nhã Ca, Trần Dạ Từ, Duyên Anh, Dương Nghiễm Mậu... đã bị bắt. Vũ Hoàng Chương ra đi "trong giới nghiêm tăm tối, trong trống không vô cùng tận. Trên một mặt sàn gác xép hiu quạnh". Theo lời Mai Thảo.
Người trong nước không được biết tin.
Nhưng Paris biết ngay. Trong Hồn Việt Nam số tháng 9, Minh Ðức Hoài Trinh khấp báo. Paris tổ chức lễ truy niệm nhà thơ.
Có thể ngọn Lửa Từ Bi đã là một trong những nguyên nhân sâu xa thúc đẩy người cầm bút di tản hình thành mau chóng một nền văn học. Vừa có tính cách bảo tồn tiếng Việt, vừa khơi đống tro tàn, in lại những tác phẩm văn học miền Nam đã bị hóa vàng, vừa có tính chất sử quan gắn liền với thân phận "lưu vong", với những khó khăn hội nhập đất khách.
Văn học Việt Nam hải ngoại, vì thế rất cách ly với những dòng văn học lưu vong khác trên thế giới. Sâu xa nhất là:
Người Việt viết tiếng Việt.
*
Người Việt viết tiếng Việt

Cung Trầm Tường, thời kỳ Tình Ca Paris những năm 55-60, dù người yêu là Pháp nhưng đã cảm thấy tôi cần phải làm thơ bằng tiếng Việt, bằng tiếng mẹ đẻ của tôi. Tôi có làm thơ tiếng Pháp nhưng xé hết . Ðối với Minh Ðức Hoài Trinh "văn hóa, ngôn ngữ quy định cả một kiếp người. "
Võ Phiến viết: "Tiếng nói của một dân tộc nó sống như một cơ thể [...] Chúng ta yêu ngôn ngữ của cha ông, chúng ta đem nó theo trên từng bước ly hương; nhưng chúng ta sẽ không thể bồi bổ nuôi dưỡng nó, chúng ta sẽ làm cho nó héo hắt trên quê người [...] Chúng ta đưa nó đi, cố giữ nó, nhưng sẽ giữ nó như thể giữ gìn một cái xác ướp.
Trong chúng ta, những kẻ viết lách phải lấy làm lo hãi trước nhất. Vì văn chương là bộ môn nghệ thuật xây dựng trên ngôn ngữ. Cho nên từ ngày bỏ nước ra đi, tôi đâu còn nghĩ tới chuyện nghệ thuật văn chương nữa ."
Từ cái lo hãi của Võ Phiến về một "xác ướp tiếng Việt", ông đã trở thành người khai quật "xác ướp", tiếp máu hồi sinh.
Ý hướng "viết bằng tiếng Việt", giữ gìn tiếng Việt, che khuất ước muốn "để cho thế giới biết mặt biết tên", làm mờ nhạt tâm trạng "phô bầy với thế giới bộ mặt thực của chế độ cộng sản", giải thích sự kiện tại sao sau "một nghìn năm đô hộ giặc Tàu, một trăm năm đô hộ giặc Tây", tiếng Việt vẫn tồn tại. Và sau cùng làm sáng tỏ nhận thức về vị trí "nhược tiểu" của dân tộc Việt Nam.
Nhận thức này đã được thể nghiệm qua những người đi trước như Nguyên Sa, Cung Trầm Tưởng... Nguyên Sa đã sớm nhận thấy: "sẽ không bao giờ một trí thức Tây phương, dù cởi mở như Sartre, có ý học tiếng Việt để đọc truyện Kiều trong nguyên bản." Bởi, theo ông, vị trí văn học một nước, tùy thuộc vị trí chính trị, kinh tế của nước đó. Nhưng Nguyên Sa không nhắc đến một khác biệt nữa: Ðó là khác biệt Ðông-Tây. Tây phương chưa bao giờ thực sự muốn tìm hiểu Ðông phương. Do đó, văn hóa Ðông phương, dù cao như văn hóa Tầu, cường như văn hóa Nhật... vẫn không có chỗ đứng đích thực trong xã hội phương Tây.
Cho nên sẽ không thể có một trường hợp Soljenitsyne Tàu, Việt, Miên... nếu như có một người Trung quốc, Việt Nam hay Cambodge quyết định "lột trần và quật ngã chế độ cộng sản" như một người Nga Soljenitsyne.
Sống ở Hoa Kỳ, Võ Phiến và Mai Thảo đã nhận thấy điều đó, rõ ràng và sâu sắc. Mai Thảo viết:
"Trên phương diện nghệ thuật. Trên phương diện văn chương. Ðối với lưu vong Ðông phương. Ðối với Á Châu tị nạn. Ta với ta thôi, với họ, vô phương, mọi con đường đều chặn lấp, mọi cánh cửa đóng chặt, Võ Phiến nói. Nhật Bản, Ấn Ðộ, Trung Hoa tới đây đã mấy đời, còn đứng bên ngoài lề, làm gì có tiếp nhận và chỗ đứng nào cho Việt Nam mới tới. Chúng, Bình Ðịnh kêu Mỹ bằng chúng, giữ đất thật kỹ. Họa hoằn chỉ một vài thiên tài lỗi lạc lưu vong của Âu Châu lọt được vào và tạo được danh vọng được tên tuổi. Da vàng tuyệt đối không, dù bậc thầy, dù thiên tài. Như vậy cho hết thẩy mọi ngành, từ văn chương tới hội họa, từ sân khấu tới âm nhạc.
Nhận thức sáng suốt mà ở ngoài mọi ảo tưởng này, Võ Phiến đã có được và thật sớm. Trước chúng ta. [...]
Hoa Kỳ rộng rãi tiếp nhận tị nạn thế giới vào xứ sở mình. Ðồng ý. Nhưng "nó" có tiếp nhận, mở đường, trải chiếu hoa, dâng đất đứng cho văn học nghệ thuật tị nạn hay không, đó lại là chuyện khác. Võ Phiến hiểu được rất rõ điều đó. Câu trả lời của ông là không. Cho những người làm văn học nghệ thuật ta tới đây, chưa tạo dựng nổi một tầm vóc với thiểu số mình đã vọng động vọng tưởng cho mình một tầm vóc quốc tế hư ảo lố bịch. [...] Là yếu tính của văn minh văn hóa Hoa Kỳ đã đặt định, bành trướng, tất cả được thi hành như một quốc sách Mỹ trước toàn cầu và trước mọi giòng văn hóa khác, in tuồng một sách lược chính trị, một kế hoạch kinh tế, vắn tắt một thế lực chinh phục. Chính sách ấy đã được tỏ hiện và khẳng định không che dấu, ngay từ lập quốc Mỹ. Bằng tinh thần nội dung bản hiến pháp Mỹ. Bằng tuyên cáo Jefferson. Bằng lập thuyết Roosevelt, bằng chủ thuyết Monroe. Bằng "lối sống" Mỹ, giá trị Mỹ trước sau được rao giảng truyền bá như mẫu mực cứu cánh của loài người, đang tiến chiếm thế giới như một ngọn triều ào ạt.
Tờ Văn Học Nghệ Thuật cho tới ngày đình bản cũng đã được Võ Phiến thực hiện từ nhận thức vừa nói. "
Những dòng trên đây của Mai Thảo ghi nhận công lao của Võ Phiến đối với văn học Viện Nam hải ngoại có thể xem như một tuyên ngôn văn học chung của Võ Phiến và Mai Thảo.
Chỉ mình với mình thôi là một nhắn nhủ, tự nhủ âm thầm mà quyết liệt, không phải ai cũng nhận thức, ai cũng tiếp sóng, nhưng nó tiềm ẩn trong sáng tác như nét đặc thù của văn chương Việt ngoài nước: Niềm đau của họ không hoành tráng, khốc liệt như niềm đau phơi bầy của nhiều dân tộc khác, mặc dù cuộc đổi đời của họ không kém bi thiết, thương tang.
Về câu hỏi: Tại sao người Việt di tản không có "tác phẩm lớn" về cuộc vượt biển? Về tù cải tạo? Về việc thành lập cộng đồng lưu vong...? - Là có, nhưng cái "lớn lao" của người Việt không theo nghĩa thông thường: Họ đã xé nhỏ đau thương trong toàn bộ "cái viết": Từ cải tạo, đến vượt biên, vượt biển... nỗi đau của họ không bồng lên mưng mủ, nó tản mạn lưu vong khắp huyết quản, huyết cầu... Họ đã không bỏ qua một khía cạnh nhỏ nhoi nào, dưới nhiều hình thức viết: Từ nhật ký, thư riêng, đến hồi ký, tùy bút, thơ, phiếm luận, truyện ngắn, truyện dài... nếu ai có "can đảm" đọc lược qua toàn bộ tác phẩm của người Việt ở hải ngoại trong 25 năm nay, thì sẽ ghép được mảnh puzzle lớn lao về lịch sử, xã hội, chính trị Việt Nam trong cuộc dâu bể nửa thế kỷ này.
Cái lớn của họ là tích tiểu thành đại.
Tích tiểu mới là khó. Vì xưa nay, những "đại nạn" it khi trở thành một tác phẩm lớn.
Mỗi dân tộc có những niềm đau lớn khác nhau, do những nguyên do khác nhau. Không thể so sánh niềm đau diệt chủng của người Do Thái với niềm đau diệt chủng của người Khmer. Cũng không thể ví ngục tù Goulag Liên Xô với ngục tù cải tạo Việt Nam. Và cũng không thể đo thảm cảnh vượt biển của người Việt tỵ nạn với Exode khỏi Ai cập của người Do Thái cổ. Nhưng dường như ở mọi cực điểm của niềm đau, con người không có chữ để diễn tả: Niềm đau diệt chủng Do Thái và Khmer không có tác phẩm lớn. Exode Do Thái xưa và thảm cảnh thuyền nhân Việt Nam nay: không có tác phẩm lớn, bởi đó là giới hạn của văn chương, thất bại của ngôn ngữ trước những tột độ trong cái sống và cái chết của con người.
*
Nói như vậy không có nghĩa là ở văn học hải ngoại, tất cả đều được. Tự bản chất nhược tiểu, nẩy sinh nhược điểm: làng xã. Dù thoát ra nước ngoài, người Việt vẫn không tẩy được bẩm sinh làng xã: Ðọc nhau và viết cho hợp ý nhau. Từ đó thoát thai những tình trạng suy tôn cá nhân văn học không kém tai hại như sùng bái cá nhân chính trị. Bởi nó giới hạn tầm đọc tầm nhìn của độc giả trong một vài tên tuổi được tôn sùng trong quy tắc chính trị địa phương, khu vực. Ở khía cạnh này, văn học hải ngoại có những nét bảo thủ giống văn học chính thống trong nước: Ta đọc ta thôi. Người Việt hải ngoại không đọc hay không thích đọc những tác phẩm trong nước, nhất là những tác phẩm mà trong đó, người viết, sử dụng những cấm kỵ...
Phượng Các
#10 Posted : Saturday, November 27, 2004 12:31:10 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,700
Points: 20,043
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)


Phân định các giai đoạn văn học

Sau 11 năm tù, được trả về đoàn tụ với gia đình ngày 11/2/1991, nhà văn Doãn Quốc Sỹ đến Mỹ cuối tháng 2 năm 1995 theo diện ODP. Tháng 6 năm 1997, trên báo Hợp Lưu số 35, Nguyễn Mạnh Trinh hỏi: "Trong văn chương, anh có nghĩ có biên giới giữa những người cầm bút Việt Nam ở trong nước và ở hải ngoại? Hoặc giữa những người ở miền Nam và ở miền Bắc?" Doãn Quốc Sỹ trả lời: "Văn chương Việt Nam là văn chương Việt Nam! Ðơn thuần chỉ có vậy! Những người Việt miền Bắc, người Việt miền Nam, người Việt quốc nội, người Việt hải ngoại phản ánh những gì xẩy ra qua lăng kính cá tính văn chương của từng người. Cả nền văn chương Việt Nam nói chung do đó mà có được sắc thái lung linh phong phú. Tôi hiểu biên giới trong câu trên là như vậy."
Câu trả lời của Doãn Quốc Sỹ thầm ngụ ý nghĩa: Không một biên giới nào có thể ngăn chặn sự hợp sóng, giao trào giữa những luồng tư tưởng khác nhau, xuất phát từ những môi trường đào tạo khác nhau, nơi con người.
Cũng mong rằng sau này, dù rất lâu về sau, khi người đọc trong nước có điều kiện tiếp nhận những thông tin khách quan về động lực thúc đẩy và điều kiện hình thành của nền văn học Việt ngoài nước, sẽ hiểu được những hoài bão, mất mát, ngay cả những cực đoan, thái quá, trong lòng người di tản. Cảm thông những trắng tang, biến đổi trong nhau hơn là hôm nay: mọi sự dường như đang còn dựa trên những hố sâu ngăn cách, mà những cá nhân, những thế lực, thế quyền nổi chìm của đôi bên, vẫn còn gây ô nhiễm tâm trường tình cảm của con người, trong một cuộc chiến tranh lạnh vô hồn, dị dạng, không ai có thể hình dung được chân dung đích thực.
Sau biến cố 75, người Việt rời nước ra đi, có một nhu cầu cần được thỏa mãn: Phần lớn chưa đọc được ngoại ngữ, vậy phải có cái gì để "đọc". Ðó là một nhu cầu có tính "vật chất" tin tức, thông báo hơn là văn chương. Nhưng vì "tin tức, thông báo" trở thành quý hiếm, xa nhòa , giữa cộng đồng trong nước và cộng đồng di tản, cho nên nó đã trở thành một ảo ảnh, biến thành một thực tại văn học. Với những người vượt biên, vượt biển, trong giai đoạn thứ hai, nhu cầu thông tin về kinh nghiệm và thực tại khốc liệt mà mình đã trải qua, nhen nhúm như một đốm lửa thiêu đốt các trang trắng trong lòng người: Nơi các nhà văn, nhu cầu ấy trở nên cấp thiết. Các bản thảo của Nhật Tiến, Mai Thảo, Nguyễn Mộng Giác, Hà Thúc Sinh, Tạ Tỵ... đều xuất phát từ các trại tỵ nạn. Nơi họ, ảnh ảo và ảnh thật giao nhau để tạo thành các tác phẩm thời sự văn học. Do đó mà văn học Việt Nam hải ngoại mang hai tính chất cơ bản: Ảo ảnh xa nhớ quê hương và thực tại kinh hoàng của những tử, sinh, tuyệt, đoạn. Nền văn học ấy gắn liền, thoát thai từ nhiều bi kịch mà thuyền nhân là rường mối hàng đầu.
Theo thống kê của Cao Ủy Tỵ Nạn, trong khoảng 30/4/75 có khoảng 130 000 người bỏ nước ra đi. Có thể nói những người này "phụ trách" mảng văn học hải ngoại thời kỳ phôi thai. Thời kỳ phát triển, phần lớn do những người đi sau, tức là những thuyền nhân đảm trách. Thảm cảnh thuyền nhân dàn trải trong nhiều năm. Năm 75, sau ngày 30/4 có 377 người vượt biển. Năm 76 có 5619 người. Và 77: 15 675 người. Cao nhất là năm 79 với 205 489 người .
Những người vượt biển tràn lên bờ các quốc gia láng giềng, gây khủng hoảng trong nội tình Ðông Nam Á. Nhiều nước áp dụng những biện pháp gay gắt đối với người tỵ nạn: Ngăn chặn và xua đuổi. Không cho thuyền nhân dạt vào bờ. Chơi vơi ngoài khơi, thuyền hỏng máy, thiếu lương thực, tầu bè quốc tế lờ đi không cứu vớt. Số người tỵ nạn vong thân không biết là bao nhiêu. Nhiều ước lượng khác nhau, thay đổi từ 30% đến 50%.
Trong tình cảnh bi thảm ấy, một hội nghị quốc tế được thành lập tại Genève mùa hè năm 1979. Liên Hiệp Quốc triệu tập 72 nước, trong đó có Việt Nam, để bàn về vấn đề thuyền nhân. Chính quyền Việt Nam hứa sẽ ngăn chặn các vụ vượt biển. Các quốc gia Ðông Nam Á chịu cho người tỵ nạn tạm trú trong khi chờ đợi một nước thứ ba tiếp nhận vĩnh viễn. Các nước Tây phương chia nhau tiếp đón người Việt di tản, do đó mọi việc tạm thời được giải quyết.
Nhưng cũng trong năm 79 này, một thảm cảnh khác được phơi bầy với dư luận thế giới: Sự hoành hành của cướp biển trên vịnh Thái Lan. Một số nhà văn, nhà báo như Nhật Tiến, Dương Phục, Vũ Thanh Thủy đã trải qua những ngày kinh hoàng trên đảo Kra, bị cướp biển hành hung, cầm tù. Thoát được, Nhật Tiến, Dương Phục và Vũ Thanh Thủy đã báo động thảm kịch thuyền nhân với dư luận thế giới.
Theo thống kê của Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc, năm 1981 có 455 thuyền Việt Nam tới Thái Lan thì 352 thuyền bị cướp, tỷ lệ 77%. Số người bị cưỡng hiếp là 599 người. Số người bị bắt cóc là 243 người.
Từ 1980, chương trình ra đi có trật tự theo tinh thần thỏa ước Genève hè 79, được áp dụng. Nhiều gia đình được đoàn tụ theo ngả chính thức. Vì thế số thuyền nhân giảm dần nhưng vẫn còn kéo dài trong nhiều năm. Ðến những năm 94-95, khi hầu hết các quốc gia trên thế giới không chịu tiếp nhận người Việt nữa, vấn đề thuyền nhân mới thật sự chấm dứt.
Tính đến giữa năm 82, số người Việt rời nước theo các ngả thủy bộ, tổng cộng khoảng 900 000 người. Chính cộng đồng mới này đã tăng cường và phát triển văn học hải ngoại với những ký ức chiến tranh, cải tạo, vượt biên... và đã thúc đẩy một lớp nhà văn mới bước vào sáng tác.
Ðể phân chia từng thời kỳ văn học, chúng ta có thể dựa trên nhiều yếu tố then chốt: như mốc các đợt di dân, như thời điểm các nhà văn miền Nam xuất ngoại, như sự khai sinh các tờ báo văn học, các nhà xuất bản ra đời, hay sự phát triển kỹ nghệ điện toán với bộ chữ Việt... Kết hợp những yếu tố này, chúng ta có thể phân đoạn 25 năm qua thành ba thời kỳ:

Thời kỳ phôi thai từ 1975 đến 1981,
Thời kỳ phát triển từ 1982 đến 1990,
Thời kỳ hòa hợp từ 1991 đến 2000.

*

Thời kỳ phôi thai từ 1975 đến 1981. Những tờ báo chủ yếu chuyên chở sinh hoạt văn học trong thời kỳ đầu là các tờ Ðất Mới, Hồn Việt và Văn Học Nghệ Thuật. Về mặt xuất bản, cơ sở Người Việt (ra đời trước báo Người Việt) hoạt động từ năm 1976 ở Mỹ. Ở Paris, nhà Lá Bối xuất hiện tháng 11/76. Ðó là những nhà xuất bản chủ trương in sách mới. Ðồng thời, cơ sở Ðại Nam, cũng thuộc những nhà xuất bản ra đời sớm nhất, hoạt động từ tháng 7/76 và sau đó, Sống Mới, Xuân Thu là những nhà chủ trương in lại sách cũ miền Nam và văn học tiền chiến. Trong thời kỳ này, sách báo còn bán ở các tiệm chạp phô.
Về mặt sáng tác: Minh Ðức Hoài Trinh có thơ trên Hồn Việt Nam. Võ Phiến có những tạp bút, tạp ghi, tùy bút, in thành tập Thư Gửi Bạn (Người Việt xuất bản năm 76), Ly Hương, in chung với Lê Tất Ðiều (Người Việt, 77), tiểu thuyết Nguyên Vẹn (Người Việt, 78) và Lại Thư Gửi Bạn, (Người Việt, 79). Lê Tất Ðiều có hồi ký Ngưng Bắn Ngày Thứ 492 (in năm ...), Ðóng Cửa Trần Gian (...) và Thơ Cao Tần (1978).
Tập san Văn Học Nghệ Thuật của Võ Phiến và Lê Tất Ðiều ra được 13 số (từ tháng 4/78 đến tháng 9/79) thì đình bản vì thiếu phương tiện.
Cuốn bút ký chiến tranh xuất hiện sớm nhất có thể là Ngẩng Mặt Nhìn Trăng Sáng của Hoàng Khởi Phong, viết chung với Hoàng Chính Nghĩa (Lê Bi), do Bố Cái in năm 1977.
Năm 1979, Nhóm Nghiên Cứu Sử Ðịa ở Montréal xuất bản cuốn Những Ngày Cuối Cùng Của Việt Nam Cộng Hòa của Nguyễn Khắc Ngữ.
Năm 1980, Võ Ðình cho Lá Bối in tập truyện ngắn Xứ Sấm Sét.
Năm 1981 Ủy Ban Báo Nguy Giúp Người Vượt Biển in tập tài liệu Hải Tặc Trong Vịnh Thái Lan của Nhật Tiến, Dương Phục và Vũ Thanh Thủy và nhà xuất bản Nghiên Cứu Sử Ðịa ở Montréal in cuốn hồi ức Việt Nam Những Ngày Lịch Sử của Nguyễn Tường Bách.
Ðó là đại cương những tác phẩm tiêu biểu xuất hiện trong thời kỳ đầu.

*

Thời kỳ phát triển từ 1981 đến 1990. Ðây là một thời kỳ vô cùng phong phú về mặt báo chí cũng như tác phẩm văn học, sẽ được khảo sát chi tiết ở các chương sau.
Sinh hoạt báo chí khởi sắc với sự hiện diện của Mai Thảo và tạp chí Văn, số ra mắt tháng 7 năm 1982. Mai Thảo nhập cuộc với một thôi thúc: "Hợp nhập trường kỳ vào đại thể quê hương. Vào vận nạn đất nước", ông xem đó là con đường đi của văn học hải ngoại. Nói cách khác, Mai Thảo chủ trương văn học phải đi sát với hoàn cảnh lịch sử và gắn bó với khổ đau của con người.
Ðến tháng 5/85, Võ Phiến và Lê Tất Ðiều cho tục bản tờ Văn Học Nghệ Thuật bộ mới, cũng chỉ ra được 8 số thì đình bản, vì Võ Phiến phải mổ tim. Tờ báo được trao lại cho Nguyễn Mộng Giác, đổi tên là Văn Học từ tháng 2 năm 86. Văn Học đã giữ vai trò chủ chốt trong giai đoạn phát triển, khám phá những tài năng mới.
Ở Canada, tháng 9 năm 1984, nhóm Nguyên Hương - Nguyễn Hữu Nghĩa chủ trương tờ Làng Văn. Làng Văn cũng đã đắc lực trong việc phát triển văn học hải ngoại những năm 85-88.
Thời điểm báo chí thịnh hành nhất là những năm 84-85, có tới khoảng 600 tờ khác nhau. Rồi tụt xuống khoảng 300 tờ vào năm 87 và còn lại khoảng 90 tờ những năm 90 .
Tháng 5/89, cơ sở Người Việt phát hành tạp chí Thế Kỷ 21, nguyệt san chính trị, thời sự, văn học. Rồi tháng 4 năm 1990, Viên Linh cho tục bản tờ Thời Tập, đã ra đời ở Sàigòn trước 75. Thời Tập cầm cự được 11 số, đến tháng 4 năm 91 thì đình bản.
Về mặt xuất bản, nhà Văn Nghệ của ông Võ Thắng Tiết với bức thư tâm huyết gửi độc giả, xuất hiện tháng 10 năm 1985, in tác phẩm đầu: Ðời Viết Văn Của Tôi của Nguyễn Hiến Lê. Văn Nghệ đã có những đóng góp lớn lao cho văn học hải ngoại. Dường như tất cả mọi yếu tố đều quy tụ trong giai đoạn hai thứ này để tiến tới sự phát triển: Lớp người vượt biển với những nhà văn, nhà thơ mang nặng tâm tư và ký ức, kinh nghiệm sống trong nước sau 75; sự phát triển kỹ nghệ tin học; khát vọng xây dựng một nền văn học tự do... Ðó là những lý do và đồng thời cũng là những động cơ thúc đẩy sáng tác. Và chính trong giai đoạn này, người viết ở ngoài nước đã có cơ hội vẽ nên những thăng trầm của lịch sử nội chiến, của cuộc sống tù đầy, cải tạo, cùng thảm cảnh thuyền nhân và những ngày sống trên đất mới.
Nhưng giai đoạn thứ hai này không chỉ có những đóng góp tích cực. Bộ mặt tiêu cực của nó là vạch nên một thực tại đen tối về đất nước, thúc đẩy những phong trào chống cộng quá khích. Nhiều phần tử, chưa từng sống dưới kinh nghiệm cộng sản, lợi dụng để "hư cấu" ra một xã hội mà hận thù là chủ thể của môi trường.

*

Thời kỳ hòa hợp từ năm 1991 đến 2000. Hòa hợp trong nhiều khía cạnh: Hòa hợp dân tộc lẫn hòa hợp và mở rộng địa lý văn học: Từ tâm điểm ở Mỹ, chu vi văn học mở rộng sang thế giới Ðông Âu và Việt Nam...
1989 - bức tường Bá Linh sụp đổ kéo theo sự sụp đổ gần như toàn diện của thế giới cộng sản Ðông Âu. Tâm cảm người di tản cũng bước sang một giai đoạn mới: Chờ đợi và hy vọng một sự thay đổi chính trị ở Việt Nam. Tính chất "đoạn tuyệt" với quê hương không còn nữa mà mở ra một cầu nối, một niềm tin về sự trở về. Một số những tờ báo mới xuất hiện, với những người viết muốn tìm một hướng đi khác: Họ muốn xóa bỏ hận thù, tìm con đường hòa hợp dân tộc.
Về nguyên thủy, nhà văn Nhật Tiến là người đầu tiên cổ động và phát huy chủ trương hòa hợp dân tộc ngay từ 1985. Nhân dịp ra mắt tập truyện ngắn Một Thời Ðang Qua của Nhật Tiến và tập nhạc Thấm Thoát Mười Năm của Phạm Duy tại Washington ngày 11/10/85; trong bài phát biểu , Nhật Tiến đặt vấn đề:
"Trong một lá thư gửi từ quốc nội, một văn hữu có hỏi tôi một câu ngụ ý rằng "Ở hải ngoại các anh đã thực sự có tự do cầm bút hay không?" và Nhật Tiến đã trả lời: "Tôi thấy rõ người cầm bút ở đây chưa thực sự có tự do cầm bút." Ðể minh chứng cho điều mình nói, Nhật Tiến đã mô tả những giới hạn của cộng đồng hải ngoại, bị chi phối bởi những thành kiến, những quan điểm chống Cộng hẹp hòi mà không nhìn đến thực tại của quê hương. Ông viết: "Sự giao thông đi lại giữa hai miền Nam Bắc đã soi sáng một vấn đề mà trước đó ít ai nhận ra: Ðó là tuyệt đại đa số nhân dân miền Bắc, dù đã bị nhào nặn trong lò của chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa, thì con người đích thực của họ vẫn còn tồn tại." Từ chủ điểm nhìn nhận lại mình và nhìn nhận lại nhau, Nhật Tiến nhấn mạnh: "Người cầm bút lưu vong phải tự giải phóng mình để tìm lại chân trời tự do sáng tạo", can đảm nói lên thực tại quê hương mà không ngại sự chụp mũ, hoặc sa vào vòng "bè phái tâng bốc thù tạc".
Ðường lối "hòa hợp dân tộc" còn được xướng lên từ một tờ báo chính trị tại Pháp, tờ Thông Luận do Nguyễn Gia Kiểng chủ trương, ra mắt vào tháng 1/1988. Thông Luận chủ trương "phá rào", muốn trở thành "diễn đàn của nhiều lập trường khác nhau", muốn phá bỏ những "cấm kỵ" của một cộng đồng mang nặng tâm sự quá khứ, thắt chặt mình trong biên giới chính trị một chiều. Chủ trương của Thông Luận được nhiều người hưởng ứng nhưng cũng gây nhiều chống đối gay gắt về phía những cá nhân, tổ chức chống cộng cực đoan.
Khi biến cố Ðông Âu bùng nổ, khuynh hướng "hòa hợp dân tộc" dường như chiếm ưu thế, văn học hải ngoại chuyển mình, muốn đoạn tang với quá khứ để bước vào một giai đoạn mới. Những người đi tiên phong trong lãnh vực này là nhóm Hợp Lưu, do Khánh Trường chủ trương, với Phan Tấn Hải, Lê Bi, Nhật Tiến, Phạm Việt Cường, Hoàng Khởi Phong, Ðỗ Mạnh Trinh, Ðỗ Khiêm... Rất đông nhà văn, nhà thơ hưởng ứng phong trào. Chủ trương của tờ báo được Khánh Trường xác định trong lá thư tòa soạn, số đầu, ra ngày 1/10/1991: "Hợp Lưu sẽ là diễn đàn phổ biến tất cả các tác phẩm của anh em văn nghệ sĩ trong và ngoài nước, những tác phẩm nói lên được khát vọng chung của dân tộc, tấn công mạnh mẽ vào thành trì lạc hậu, tha hóa, chia rẽ, lầm than, đói nghèo, vong thân cũng như phô diễn được cái đẹp, cái hay của ngôn ngữ Việt."
Trước khi Hợp Lưu ra đời, nhóm Thân Trọng Mẫn đã cho in Trăm Hoa Vẫn Nở Trên Quê Hương, một tuyển tập khá đồ sộ, dầy 797 trang, gồm những bài viết và sáng tác ở trong nước trong thời kỳ cao điểm "phản kháng" 1986-1989. Ðây là một cố gắng lớn để thực hiện sự giao lưu "trong - ngoài" giữa những người cầm bút tranh đấu cho tự do và sự thật.
Cùng thời điểm 1/10/91, ban biên tập nguyệt san Ðoàn Kết ở Paris với Nguyễn Ngọc Giao, Hà Dương Tường, Trần Hải Hạc, tuyên bố trả lại Ðoàn Kết cho Hội Việt Kiều và thành lập tờ Diễn Ðàn, chủ trương ly khai với chính quyền Hà Nội.
Khuynh hướng của Hợp Lưu tuy bị đả kích khá gay gắt, nhưng đã có ảnh hưởng sâu xa đến số đông thầm lặng và đã gây được một phong trào hòa hợp dân tộc thực sự. Cùng hướng với Hợp Lưu, một số các tờ báo khác ra đời: Tháng 6/1992, nhóm Trân Sa, Tư Ðồ Tuệ, Hà Trọng Vũ ở Toronto, Canada, xuất bản tạp chí Trăm Con. Nhưng Trăm Con cũng chỉ sống được 14 số rồi phải đình bản vào tháng 9/1993. Tháng giêng năm 94 có tờ Ðối Thoại do nhóm Nguyễn Hương, Lê Bi, Thân Trọng Mẫn, Trương Vũ, Nhật Tiến, Lê Thứ, Ðỗ Hữu Tài... chủ trương. Tờ báo tuyên bố "chúng tôi muốn đối thoại" và "công nhận sự tồn tại của người khác", tìm một hành trình dân chủ, không "phủ nhận bất cứ một khuynh hướng chính trị nào". Nhưng Ðối Thoại cũng chỉ sống được vài số; sau số 5, tháng 4/95 thì ngừng hẳn. Dù chỉ hoạt động được hơn một năm, Ðối Thoại đã có ảnh hưởng khá lớn trong giới trí thức trong và ngoài nước, cùng một chủ trương đấu tranh cho dân chủ bằng ngòi bút.
Mùa thu năm 94, Tạp Chí Thơ số 1 ra đời, 4 tháng một lần với nhóm Khế Iêm, Ðỗ Khiêm, Phan Tấn Hải, Chân Phương, Nguyễn Hoàng Nam, Trầm Phục Khắc... mong mỏi tìm một hướng đi mới cho thơ. Tháng 11/96, Viên Linh cho tục bản nguyệt san Khởi Hành, đã xuất hiện trong nước trước 75. Khởi Hành là tờ báo văn học của những người ra đi theo diện HO, như lời tuyên bố của Viên Linh. Khởi Hành quy tụ những nhà văn đã thành danh trong nước trước 75, phần lớn đã trải qua nhiều năm cải tạo. Những bài viết của họ đậm nét hồi ức sinh hoạt văn học miền Nam, hoặc phản ánh đời sống lao tù của văn nghệ sĩ sau 75. Ðầu năm 1998, tạp chí Việt, một năm hai kỳ, do Nguyễn Hưng Quốc chủ trương, phát hành tại Úc. Nhiều tờ báo khác xuất hiện tại Ðông Âu.
Những biến đổi chính trị trên thế giới góp phần mở rộng môi trường báo chí hải ngoại, tạo ra một diện mạo văn học, thời kỳ thứ ba, khác hẳn hai thời kỳ trước: Những nhà văn xuất thân từ những quá khứ chính trị khác nhau, cùng có mặt trên diễn đàn văn học hải ngoại.


Thời kỳ phôi thai 1975-1981

Ðể mở đầu cho giai đoạn phôi thai của văn học hải ngoại, xin gợi lại Vũ Khắc Khoan như một giá trị tinh thần, đã tiền sử hóa những đớn đau ly cách:

....
Ðá tảng u mê mơ tiền sử
Chồn già ngơ ngẩn nghếch trăng lu
Cành phong chợt tỉnh cơn thiền định
Nghiêng cả thân gầy xuống gốc du.
...
Viễn ly điên đảo mộng tưởng
Lâng lâng
Không cả vô thường.
(Vọng Cố Nhân)
Bài thơ, không biết đã làm từ chặng nào trên quãng ly hương, đăng trên báo Văn, số 5, tháng 11/82; tuy tên là Vọng Cố Nhân nhưng lời thơ như thoát ra từ miệng cố nhân. Nơi Vũ Khắc Khoan, người đi và người ở, dường như chỉ là một: Mình vọng về mình trong ly trình vào mộng. Rất lâu sau ông, chưa thấy ai viết như thế về cuộc đổi đời. Vũ Khắc Khoan chắc không phải là người làm thơ đầu tiên tại hải ngoại sau 30/4. Mà rất có thể là Minh Ðức Hoài Trinh. Bài Lời Ca Của Ðất có lẽ viết từ trước 30/4, cất lên như một thương ca, tạ từ vũ khí:
Lời ca của đất
Những bài thơ bị cấm, trích Trường Hận Ca
Em đây mà
Anh, anh ơi sao không quay đầu lại
Sao không nhìn nhau
Không gượng nhẹ bàn tay
Em của anh
Bao nhiêu lần sợ hãi
Từng đợt mìn bom
Từng hố trẻ vùi thây

Hãy nhìn em đi anh
Xin nhau cái nhìn đằm thắm
Xin nhau nụ cười thiết tha
Quê hương mình
Ðường Bắc Nam thăm thẳm
Từng đoàn quân chen chúc tới tha ma.

Ðêm mờ hơi sương
Ði đâu anh, đi đâu
Xin đừng đi nữa
Ðỗ lại hôm nay, cởi súng buông gươm
Tội nghiệp em
Ba mươi năm khói lửa
Mải hận thù quên nói chuyện yêu đương.

Em sợ lắm
Mùi hôi tanh của màu đen, máu chết
Từ mình anh rịn thấm xuống thân em
Trời ôi, này
Sao xác anh bê bết
Lấy đất bùn thay nệm ấm chăn êm

Hình hài em bé nhỏ
Sẹo hằn lên thịt da
Ruột gan ai nỡ xé
Gỗ đá nào không nức nở thương ta.
(Hồn Việt Nam, số 5, ngày 15/2/76)

Lời trao đổi giữa hai xác thân đã tan trong lòng đất -dưới ngòi bút Minh Ðức Hoài Trinh- vọng lên những ngày đầu hòa bình, vừa như một thệ nguyền cho yêu thương, vừa như một mặc niệm cho những hình hài đã nằm xuống. Minh Ðức Hoài Trinh tụng ca hòa bình bằng một giọng hoài cổ, đầy bi kịch và tha thiết:
...
Kinh hoàng rồi chấm dứt
Người đi sẽ trở về
Mẹ già ngừng thao thức
Ðêm đêm dài thôi vọng bước trên đê.

Em nhỏ ơi, em sẽ được vào đời yên tĩnh
Không ngại mìn, bom, không sợ lệnh xuất quân
Hai buổi đến trường không phập phồng lo bắt lính
Mười tám tuổi hồng không bị cướp mùa xuân.
...
Vườn nghĩa trang xin đừng e thiếu chỗ
Mỗi ngày không vào từng chục cỗ xe tang
Chôn vội vã, lấp chưa thành nấm mộ
Ðây ngẹn ngào, kia vật vã khóc than.
...
Bé thơ ơi, một kiếp người mang nặng
Mà sẽ còn muôn kiếp nữa theo sau
Nếu trót sinh làm Việt Nam - Xin hãy làm khoai sắn
Ðừng làm người để khỏi oán hờn nhau.
(Chiến Tranh Hết Rồi, Hồn Việt Nam, số 8, tháng 5/76)
Tráng sĩ của hòa bình, Minh Ðức Hoài Trinh đã có những lời hùng ca ngất ngưởng:
Dương cung lên ta bắn vào bóng tối
Cho bóng tối kêu gào, cho bóng tối xin van
(Bài Thơ Không Tên, Hồn Việt Nam, số 10, tháng 7/76)

Sau những lời thơ bi hùng của Minh Ðức Hoài Trinh chôn vùi cuộc chiến, Cao Tần tức Lê Tất Ðiều, bước vào thơ năm 77.
Thơ Cao Tần là những khúc chuyện kể tự nhiên, tào lao, đấu hót, học trò, lính tráng, mày tao chí tớ của mấy thằng bạn, lính, đời.
Ðó là tiếng nói trực tiếp, phi thơ, phản thơ, phẫn thơ, hài thơ, ngậm cười:

Mai mốt anh về có thằng túm hỏi
Mày qua bên Mỹ học được củ gì
Muốn biết tài nhau đưa ông cây chổi
Nói mày hay ông thượng đẳng cu li.

Gọi là "tí toáy" làm thơ nhưng đôi khi nhịp buồn của Cao Tần cũng vụt nhanh suýt bắt kịp gia tốc Nguyễn Khuyến:
Lòng vàng khô hơn chiếc lá đưa vèo
Cao Tần làm thơ tài tử, ngồi chơi, phác họa một mẫu di tản cù lần ngông, nhỏ nhoi như thân phận nhược tiểu, cùng cực như số phận bại trận, và lau sậy kiến cỏ như thân xác con người, nhưng cũng lại ngạo nghễ, ngoan cố, thượng đẳng yêu thương và gắn bó dai dẳng với đất nước như một hồn đi chưa thoát kiếp. Bài thơ Kho Tàng của Cao Tần là một bi kịch nhiều "hồi". Mỗi hồi mở vào một đoạn trường hài lộng đớn đau:

Chàng Cù Lần có cái túi nhỏ
Suốt bốn mùa giấu diếm như điên
Anh em sùng nghi thằng này chơi khó
Thủ cẳng tí tiền len lén tiêu riêng.
...
Ðáy túi nhỏ thì đầy danh thiếp cũ
Những tên người tên tỉnh đã xa xưa
Những dòng vội ghi hẹn hò gặp gỡ
Những đường quen không trở lại bao giờ

Trả túi thằng em, cả bầy bỗng xệ
Cù Lần xấu hổ chửi như ca
Cái túi nhỏ tưởng đầy lòng ti tiện
Hóa đem theo muôn vạn mảnh quê nhà.

Cù Lần dọa đêm nay đâm chết hết
Ôi ví dầu chú mở được tim anh
Chú cũng thấy một kho tàng thắm thiết
Với khăn tang nhầu nát chữ thêu xanh.
...

Ở Cao Tần, người lính bại trận tìm chiến thắng trong chiến dịch tình thương và xây dựng tình người.

*

Võ Phiến mở đầu thời kỳ hải ngoại của ông bằng những bài tạp ghi, tùy bút trong Thư Gửi Bạn, Ly Hương và tiểu thuyết Nguyên Vẹn.
Nguyên Vẹn không phải là một thành công đáng kể so với phần trước tác của Võ Phiến ở trong nước; tác phẩm viết về một giai đoạn cuộc đời một cô gái tên Dung, từ những ngày bình yên trong cuộc sống miền Nam, trải qua những đổi đời, di tản, thất lạc người yêu và đến Mỹ. Nhưng thái độ nhẩn nha của Võ Phiến dường như không hợp với những nổi trôi cuồn cuộn của cuộc đổi đời. Ở đây, ông lại cũng ít dịp vận dụng sở trường: Rọi kính hiển vi lên những sinh hoạt bình thường của con người để lục lọi, tìm kiếm, đào sâu. Có thể vì hoàn cảnh "sôi bỏng" không cho phép, hoặc vì Võ Phiến ra đi trước ngày 30/4, chưa thật sự "sống" những phút "dầu sôi lửa bỏng" nên ông không bắt kịp vận tốc chuyển tải. Ðọc Nguyên Vẹn, độc giả có cảm tưởng "tụt hậu" về một thời xa, rất bình an bên Xóm Cầu Mới, có cô Mùi tiền chiến Nhất Linh táo bạo hơn cô Dung bẩy lăm Võ Phiến. Những "xen" chủ chốt của Nguyên Vẹn như cảnh nằm võng - nằm phản -ngoắt tay chỉ gợi chút luyến tiếc Võ Phiến Ðêm Trăng, Võ Phiến Giã Từ ngày xưa, sâu sắc, nhậy cảm và ngắn gọn hơn Võ Phiến Nguyên Vẹn bây giờ..
Nếu tiểu thuyết Nguyên Vẹn chưa phải là một thành công, thì ngược lại, những bài viết ngắn trong Ly Hương đã cho người đọc tìm lại được Võ Phiến chậm rãi, sâu sắc và ý nhị của tùy bút, Võ Phiến của những mất mát, lạc lõng khi tiếp xúc với vùng đất mới.
Những mảnh dĩ vãng rơi rớt tứ tán trên đường, khi vội vã rời nước, nay lũ lượt trở về, móc nối với ngoại cảnh đất Mỹ. Nhưng cũng chỉ là móc hờ, treo tạm trên đất "tạm dung". Chúng không "thấm" được vào cảnh -dù cảnh rừng phong mùa thu vô cùng quyến rũ- nhưng nó không phải "ở ta", không phải của ta, bởi vì nó chưa thấm kỷ niệm, nó chưa "sống" thật lâu trong ta: Nó chưa có tình. Và như vậy, Võ Phiến lại phải "lẩn thẩn" tìm về ngọn "cỏ bồng phất phơ", tìm về Ức Trai, như một miền đất hứa vĩnh viễn của tâm hồn, qua "những ngày thỏn mỏn cuối cùng của năm tàn rơi rụng dần và từng chữ từng chữ, bài thơ của cụ (Ức Trai) thấm vào lòng kẻ tha hương. Tiếng mưa lúc canh tàn, tiếng trùng dưới chân vách, ở xứ lạnh không hề có. "
Võ Phiến trên đất khách, đã tìm mối liên lạc, gắn bó giữa cảnh và tình nơi người và thiên nhiên. Cảm xúc chỉ nẩy sinh nếu có sự "quen biết nhau" từ trước: Quen nhau qua văn hóa, biết nhau bằng kỷ niệm. Vắng bóng những xúc tác ấy, con người dửng dưng với thiên nhiên như những kẻ ngoạn cảnh qua đường. Người di tản sống trên đất khách, mãi mãi là "kẻ qua đường" trên "đất tạm dung". Vì chưa bao giờ hết mình nhúng vào văn hóa đất khách. Chưa bao giờ thật có "kỷ niệm" với người của đất khách. Ðó là bi kịch trọn đời của ly khách, mà Vũ Khắc Khoan cô đọng lại trong hai câu thơ:

Ðá tảng u mê mơ tiền sử
Chồn già ngơ ngẩn nghếch trăng lu

*

Tập truyện ngắn Xứ Sấm Sét của Võ Ðình là cuộc thử nghiệm hội nhập đất khách. Có lẽ chỉ có Võ Ðình và Ðỗ Khiêm là hai nhà văn đã thật sự sống với văn hóa và con người của đất khách. Võ Ðình có khả năng tiếp cận hai thế giới Ðông-Tây bằng cái nhìn hội họa, rồi hòa hợp chúng trong mầu sắc văn hóa của hai cõi để tạo thành một phong cách Võ Ðình.
Hãy chú ý đến cách viết của Võ Ðình: "Tôi thấy, tôi nghĩ rằng tôi thấy được một ánh lửa lòe sáng; có lẽ một tia nắng nào đó, lưu lạc trên núi kia, bỗng tìm được lối về, hấp tấp phóng lui để hòa mình vào bóng tà huy." (G., Xứ Sấm Sét, trang 32)
.Ðó không phải là viết mà cũng chẳng phải là vẽ: cả hai. Mở đầu: Tôi thấy, tôi nghĩ rằng tôi thấy, là một câu rất Tây, rất "hiện sinh", và kết thúc bằng ... bóng tà huy rất Ôn Như Hầu. Ðầu Ngô mình Sở, nhưng không chướng, mà lại rất... hợp, rất hay. Ðọc kỹ hơn, thì những: tôi thấy, tôi nghĩ rằng tôi thấy, có lẽ..., trên núi kia... đều chỉ là những dự tưởng, ảo giác; bởi: đã chắc gì? Nhưng những dự tưởng ấy hợp lại, thành một cảnh thật trong tâm linh, bởi tất cả những yếu tố: ánh lửa lòe sáng, tia nắng lưu lạc, bóng tà huy... có thể khởi đi từ một bức tranh trừu tượng.
Những nhân vật trong truyện Võ Ðình thường có chất mầu nhiệm, siêu hình và siêu linh; phần nhiều là người Mỹ, nhưng là một thứ Mỹ bị nghệ thuật hóa, bị Việt hóa, trong chất Võ Ðình, họ trở thành những biểu tượng giao lưu. Con chim G. hiển linh như một kỳ điểu văn hóa, một thứ Gabrielle thánh linh hiện hữu, một ảo giác của nghệ thuật mà con người muôn đời tìm kiếm.

*

Những Ngày Cuối Cùng Của Việt Nam Cộng Hòa của Nguyễn Khắc Ngữ in năm 79, là cuốn sử đầu tiên ở hải ngoại, và cho đến nay cũng chưa có một cuốn nào khác đạt được giá trị tương đương. Cuốn sách được "khởi soạn" ngay từ khi Nguyễn Khắc Ngữ bước chân lên tàu, rời nước ngày 30/4; soạn giả đã tìm hiểu và phỏng vấn những người liên hệ, tham khảo tài liệu từ ba phía: Bắc, Nam và Hoa Kỳ.
Những Ngày Cuối Cùng Của Việt Nam Cộng Hòa không gới hạn ở giai đoạn cuối của chiến tranh. Bẩy chương đầu khái quát cả một thời kỳ lịch sử hình thành và diễn tiến của xã hội miền Nam, từ 1954 đến 1975 và sự can thiệp của người Mỹ qua các giai đoạn chiến tranh. Từ chương 8 đến chương 27 đi vào phần cốt lõi của cuộc chiến 75. Tức là từ nghị quyết 21 của đảng Lao Ðộng Việt Nam lựa chọn đường bạo lực cách mạng mở chiến dịch Tây Nguyên, qua trận chiến Ban Mê Thuột, cuộc triệt thoái Cao Nguyên, chiến trường Trị Thiên, Quảng Ðà, mặt trận Nam Trung phần... và kết thúc bằng chiến dịch Hồ Chí Minh. Cuốn Ðại Thắng Mùa Xuân của Văn Tiến Dũng, xuất bản tại Hà Nội năm 76, đã vẽ được toàn bộ các chiến dịch từ Tây Nguyên đến Hồ Chí Minh, nhìn từ bộ chỉ huy hành quân miền Bắc. Cuốn Kết Thúc Chiến Tranh 30 Năm của Trần Văn Trà (nxb Văn Nghệ, thành phố Hồ Chí Minh, 1982) tổng kết những khó khăn của chiến trường B, bao gồm một nửa miền Nam từ Tuyên Ðức đến Cà Mâu. Cuốn Những Ngày Cuối Cùng Của Việt Nam Cộng Hòa của Nguyễn Khắc Ngữ tổng hợp các tư liệu của miền Bắc, miền Nam và Hoa Kỳ, để có một cái nhìn khái quát về cuộc chiến 75.
Ðiều đáng tiếc là Những Ngày Cuối Cùng Của Việt Nam Cộng Hòa được viết trong thời kỳ vừa kết thúc chiến tranh, Nguyễn Khắc Ngữ chưa có đủ khoảng cách để giữ tầm nhìn trung dung với lịch sử, cho nên đã có những lời miệt thị, lên án gắt gao chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, một thái độ mà dù sao, cũng không nên có ở một sử gia trong bất cứ hoàn cảnh nào.

*

Hồi ức Việt Nam Những Ngày Lịch Sử của Nguyễn Tường Bách bao gồm cả giá trị văn chương lẫn lịch sử. Nguyễn Tường Bách viết về những năm kháng chiến chống Pháp, về cuộc tranh chấp Việt Minh với Việt Quốc và Việt Cách, về những nổi trôi của phong trào Việt Nam Quốc Dân Ðảng sau khi quân Tưởng rút về Tàu, về đại gia đình Nguyễn Tường và Tự Lực Văn Ðoàn...
Hồi ký Nguyễn Tường Bách có một giá trị tình cảm sâu đậm trong lòng người Việt, nó đã thuật lại những giây phút tranh đấu cuối cùng cho đất nước với những hoang mang, tuyệt vọng của những văn nghệ sĩ thân yêu nhất trong thế kỷ này: Khái Hưng, Nhất Linh, Thạch Lam, Hoàng Ðạo, Nguyễn Gia Trí... họ tiêu biểu cho tầng lớp thanh niên trí thức yêu nước, đã đi vào cuộc chiến với những ngây thơ, lãng mạn, trữ tình của người nghệ sĩ muôn thuở.

*

Hải Tặc Trong Vịnh Thái Lan của Nhật Tiến, Dương Phục và Vũ Thanh Thủy, in năm 1981 là một tập tài liệu vô cùng quý giá về số phận các thuyền nhân bị nạn hải tặc. Ðây là một xấp tài liệu sống, được các nhà văn, nhà báo ghi lại, với những nhân chứng chính xác, kể lại những trường hợp bạo hành.
Ðặc biệt là bài ký Hành Trình Ði Tìm Tự Do Bằng Tầu Thuyền Qua Ngả Thái Lan do chính Nhật Tiến viết, mô tả lại chuyến đi của mình cùng với 81 người, đã bị cướp bóc, hành hung, phụ nữ bị hãm hiếp, ... trong một bối cảnh kinh hoàng kéo dài ba tuần lễ. Bên cạnh đó là bài tự thuật của ông Vũ Duy Thái, người đã mất vợ và 6 con trong những hoàn cảnh cực kỳ bi thảm.
Mỗi chữ trong tập tư liệu ngắn này, vọng lên những tiếng kêu thất thanh cuối cùng của người mắc nạn.
Một trăm năm sau, một ngàn năm sau... cho dù gỗ đá đọc tập tài liệu này, chắc cũng không khỏi ngậm ngùi, muốn tìm về đảo Kra, thắp nén hương lòng, nguyện cầu cho những hồn còn chưa khuất, và may ra hiểu được cái giá của Tự Do.

Kỳ tới: Thời kỳ phát triển 1982-1990
Thụy Khuê
Paris, tháng 12/99

Chú thích
1 Thống kê của Cao Ủy Tỵ Nạn, Rồng Vàng Vượt Biển của Vũ Thụy Hoàng, Viêt Nam Books, 1982, trang 223.
2 theo Nguyễn Hữu Nghĩa, Sơ Kết 15 Năm Văn Học Lưu Vong, Văn Xã, số 3, tháng 7/1990.
3 in lại trong Văn Học Nghệ Thuật, bộ mới, số 7, tháng 11/85
4 Cỏ Bồng Phất Phơ, trong tập Ly Hương, in lại trong Tùy Bút I, nxb Văn Nghệ, 1986.
5 http://perso.club-intern...ouh15/nhattien/index.htm
Phượng Các
#11 Posted : Monday, November 29, 2004 7:22:38 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,700
Points: 20,043
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)
alain robbe grillet
hay sự trắc nghiệm con người
trong thế giới đồ vật và sự vật



thụy khuê



Ở tuổi 80, Alain Robbe Grillet , người chủ trương phong trào Tiểu Thuyết Mới tại Pháp những năm 50-60, trong tháng 10 năm 2001 vừa cho xuất bản La Reprise (Quay Lại), cuốn tiểu thuyết mới nhất của ông. La Reprise đánh dấu sự trở lại sau 20 năm hầu như không có tác phẩm thật sự tiểu thuyết, kể từ cuốn Djinn , ra đời năm 1981 và cũng để nhìn lại quá khứ văn học của tác giả với mục đích cách tân Tiểu Thuyết Mới, ra đời cách đây đã nửa thế kỷ.

Alain Robbe Grillet sinh ngày 20 tháng 8 năm 1922 tại Brest , một thành phố bên bờ biển Bắc Đại Tây Dương -thuộc miền Tây vùng Bretagne - Pháp. Xuất thân là kỹ sư canh nông, trong một gia đình có khuynh hướng chính trị cực hữu, chuộng trật tự xã hội, ủng hộ Pétain . Sau này Alain Robbe Grillet cho biết có hai động lực thúc đẩy ông bỏ nghề công chức để viết văn: Chính trị và tính dục. Từ Freud , người ta biết rằng tính dục chi phối tất cả và từ Marx, người ta biết rằng chính trị chi phối tất cả. Qua thế chiến thứ hai, ông nhận thấy chất điên loạn trong chế độ Nazi , những chế độ được gọi là trật tự thường dấu một mặt trái vô trật tự, với bản chất độc tài, khủng bố và diệt chủng. Những khám phá này đã đưa ông đi vào con đường viết văn. Và những tác phẩm của ông là hành trình tranh đấu giữa cái trật tự (l'ordre ) và cái vô trật tự (le désordre).

Từ lâu, Alain Robbe Grillet vẫn biết mình không phải là một kẻ "bình thường" cho nên những hình ảnh bạo dục, khổ dâm là cần thiết cho sự vận hành bộ máy sinh thực của chính tác giả, và có lẽ vì thế mà Alain Robbe Grillet trở thành nhà văn bất thường và độc đáo nhất của Pháp trong thế kỷ XX . Tập truyện đầu tay viết năm 1949, tựa đề Un Régicide (Kẻ Giết Vua) bị nhà Gallimard từ chối, mãi đến năm 1978 nhà Minuit mới in lần đầu.

Cuốn tiểu thuyết xuất hiện đầu tiên là Les Gommes (Những Cục Tẩy) được Minuit in năm 1953, sau đó Alain Robbe Grillet trở thành cố vấn văn chương của Minuit trong 30 năm và Minuit giữ độc quyền in sách của Alain Robbe Grillet đến ngày nay.
Les Gommes tuy không mang lại tiếng vang đáng kể, nhưng được hai nhà phê bình thời danh là Jean Cayrol và Roland Barthes chú ý, viết bài khen ngợi; tác phẩm được giải Fénéon và Alain Robbe Grillet bắt đầu được mọi người biết đến.



Năm 1956, Le Voyeur (Kẻ Ròm Trộm) ra đời, gây nhiều sóng gió. Đây là tác phẩm chủ yếu của ông. Nhờ sự ủng hộ của các nhà phê bình nổi tiếng như Georges Bataille, Jean Paulhan, Maurice Blanchot, Roland Barthes, Le Voyeur được giải thưởng của các nhà phê bình "Prix des Critiques " (riêng Maurice Blanchot và Roland Barthes đã viết bài hết sức khen ngợi nhưng Gabriel Marcel, triết gia công giáo và thành viên có ảnh hưởng của hội đồng giám khảo, từ chức). Sách bán được vì gây scandale, phần lớn đều chê hoặc là tà dâm, hoặc cuốn truyện này không thể nào nhá nổi. Hoặc cả hai. Giới phê bình kinh điển Pháp kết tội năng nề: Emile Henriot , nhà bỉnh bút văn học của tờ Le Monde thời ấy, cho rằng Robbe Grillet bị bệnh tâm thần đáng tống giam vào trại trừng giới (dĩ nhiên là sau này Henriot có duyệt lại quan điểm của mình).

Năm 1959, tác phẩm La Jalousie (Bức Mành Mành) ra đời, có thể xem như đó là ba tác phẩm chủ yếu, xây dựng nên "cõi viết" và "thế giới" Alain Robbe Grillet , một toàn bộ tác phẩm gồm hơn mười cuốn tiểu thuyết và cũng chừng ấy cuốn phim. Sự nghiệp điện ảnh bắt đầu năm 1960, khi Alain Robbe Grillet cộng tác với đạo diễn Alain Resnais, viết kịch bản cho phim L'année dernière à Marienbad (Năm ngoái ở Marienbad). Cuốn phim gây xao động dư luận điện ảnh bấy giờ, mở màn cho một nền "điện ảnh mới", song song với nền "tiểu thuyết mới". Năm sau, tác phẩm đoạt giải Sư Tử Vàng ở Đại Hội Điện Ảnh Venise .

Năm 1963, Alain Robbe Grillet khai trương một thể loại mới: Thể loại tiểu thuyết điện ảnh và nghề đạo diễn với cuốn phim truyện L'immortelle (Bất Tử), đồng thời ông cho xuất bản cuốn tiểu luận Pour Un Nouveau Roman (Để Xây Dựng Một Nền Tiểu Thuyết Mới). Cuốn tiểu luận này đánh dấu giai đoạn "trưởng thành" của phong trào Tiểu Thuyết Mới mà Alain Robbe Grillet được coi như "người lãnh đạo", lý thuyết gia, cùng với Claude Simon và Nathalie Sarraute , bắt đầu được mời diễn thuyết về tiểu thuyết ở Châu Mỹ La Tinh và các nơi khác.

Từ 1960 đến nay, Alain Robbe Grillet vừa làm phim vừa viết thêm 9 tác phẩm nữa. Cuốn cuối cùng, Les derniers jours de Corinthe (Những ngày cuối của Corinthe ) xuất bản năm 1994. Ba tác phẩm cuối cùng thuộc vào loại ký sự, tạp văn.

Trong bẩy năm gần đây, Alain Robbe Grillet hầu như ngừng viết, cuốn sách cuối cùng, thật sự tiểu thuyết là cuốn Djinn xuất bản năm 1981 cách đây 20 năm. Đột nhiên, tháng 10 năm nay, xuất hiện tiểu thuyết La Reprise. Tác phẩm đánh thức nền văn học Pháp, dường như ngủ gật trong nhiều thập niên, bởi các nhà văn của thế hệ trẻ, phần lớn đều quay về lối kể chuyện nhiều tình tiết, hấp dẫn, dễ hiểu, dễ đọc, dễ bán... Đã vắng bóng những tác phẩm có ảnh hưởng tư tưởng sâu xa trong văn học như La Nausée (Buồn Nôn) của Sartre hay L'Etranger (Người xa lạ) của Camus . Thời ấy đã xa rồi. Thật sự xa rồi.

Sự xuất hiện của La Reprise chứng tỏ Alain Robbe Grillet có thể "làm mới" lại những cái đã cũ, chuyển biến những cái "hồi xưa" khiến chúng trở thành "avant-garde ", tiên phong của hồi nay. Alain Robbe Grillet là một tác giả khó đọc. Tuy nổi tiếng nhưng rất ít người đọc. Sách của ông sống được vì được in, được dịch khắp thế giới, nhưng số lượng trải dài trên thời gian. Còn thật sự ra, một cuốn như La jalousie (Bức Mành Mành), xuất bản năm 1957, chỉ bán được dưới 500 cuốn trong toàn bộ khối Pháp ngữ, năm đầu. Năm sau bán được khoảng 600. Và ngày nay, tùy năm, nhưng đổ đồng cũng chỉ bán được 5, 6 nghìn cuốn mỗi năm. Ngay cả tác phẩm mới nhất này, khi giới thiệu trên báo chí văn chương, người ta cũng chỉ đưa ra những bài phỏng vấn tác giả, rất ít người viết bài phê bình. Dường như họ ngại nói hố, viết sai, có một sự thận trọng quá mức trong giới phê bình.

Tháng 10 vừa qua, trong chương trình văn học hàng tuần của một đài truyền hình Pháp, với sự góp mặt của các cây bút phê bình và các tác giả trẻ đang nổi tiếng, cả người phụ trách chương trình lẫn người tham dự đều có một ý ngầm nghi ngờ văn tài của Alain Robbe Grillet , tất cả đều muốn hỏi: Tại sao Alain Robbe Grillet không viết một cách "bình thường" như những người khác? Nếu ông viết "hay đến thế" thì tại sao không có nhiều bài phê bình sách mới của ông, mà chỉ có các bài phỏng vấn.
Hiện tượng này cho thấy một tác giả tầm cỡ như Alain Robbe Grillet mà cũng gặp những khó khăn trong một công chúng văn học được coi là "có trình độ cao" như công chúng Pháp.

Từ 1972, Tom Bishop mời Alain Robbe Grillet sang dậy ở đại học New York (ông tiếp tục công việc này tới 1997). Dạy về "mình". Về kinh nghiệm này, Alain Robbe Grillet viết: "Dậy về tiểu thuyết và phim ảnh của mình thuộc cái mà người ta gọi là performing arts , nghệ thuật sân khấu, nghệ thuật trình diễn sống động. Không những tác giả phải chịu trách nhiệm toàn bộ tác phẩm của mình -đã là khủng khiếp lắm rồi- với một chút khoảng cách mà phê bình cho phép [hắn còn phải phê bình] những hình ảnh hay văn bản mà hắn đã sản xuất ra cách đây trên dưới 20 năm (khoảng cách nhỏ xíu, có thể ví với khoảng cách giữa một diễn viên trên sân khấu với vai trò hắn đang đóng), hắn còn phải phô trương trước mặt mọi người cái nhãn hiệu cầu chứng của hắn, nghĩa là một bộ mặt đích thực nhà văn, y chang khuôn đúc. Sự thể bối rối này vẫn còn đặt ra hôm nay, cho bất cứ một tiểu thuyết gia, tiểu luận gia hay triết gia nào.

Tất cả tác phẩm của hắn chẳng bao lâu sẽ bị đặt trong cái viễn cảnh hai mặt xã giao và trào tếu: vừa phải có một bộ mặt ăn ảnh, vừa phải biết ăn nói trước micro .

Có một cái gì đó rất nhức nhối cho kẻ cầm bút chỉ quen với những dập xóa và cô đơn, từ nay hắn sẽ không ngừng được xem, được đặt dưới ánh đèn, bị thu gọn lại trong tấm hình trên băng hay trên bìa sách, với những lời tàm xàm của hắn trên báo, trên đài phát thanh, trên truyền hình. Hắn chỉ muốn quát vào mặt những độc giả đọc dối, những khán thính giả tìm tiêu khiển, rằng: Những gì tôi muốn gửi đến các bạn là qua văn bản, chỉ qua văn bản, đừng chú ý đến hàm râu của tôi, các điệu bộ của tôi, những lời bù khú của tôi. Hãy bỏ cái hy vọng rởm là bạn sẽ khám phá ra một cái tôi cá biệt hơn, hay ho hơn, thành thật hơn, trong những buổi phỏng vấn vội vàng (lại còn được ngụy trang hơn khi chúng được đưa lên mặt báo, bởi chúng đã mất đi tính chất cởi mở và nhẹ nhàng của lời nói) hơn là trên những trang viết dài mà tôi đã kiên trì, nhẫn nại tạo nên. Tác giả là một kẻ vô diện, mà giọng nói của hắn chỉ có thể truyền qua chữ viết, và hắn là kẻ "chẳng tìm ra chữ". (Angélique ou l'enchantement -Angélique hay phép bùa chú [trong tiểu thuyết], 1988, trang 204)

Những lời "tâm sự" trên đây của Alain Robbe Grillet nói lên phần nào "nỗi niềm" của một nhà văn Pháp khi được "trưng dụng" sang Mỹ. Nó cũng giải thích độ lệch giữa tác phẩm của một nhà văn và sự cảm nhận của một số công chúng có phương tiện nhưng không có thì giờ đọc, muốn "đốt giai đoạn" bằng cách mời nhà văn đến để "trình bày" bản chất của họ, tác phẩm của họ. Độ lệch này còn biểu hiện trên một số tác giả khác, như trường hợp thuyết Déconstruction (Phá Cấu Trúc) dựa trên triết học của Derrida, rất được ưa chuộng bên Mỹ, mà Jean Yves Tardié trong cuốn La critique littéraire au XX siècle (Phê bình văn học thế kỷ XX ) coi như là một trường hợp kỳ cục xuất khẩu và mô phỏng lý thuyết tư tưởng. Chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này trong một dịp khác.



Tiểu Thuyết Mới tập hợp thành quả dài của con đường tư tưởng thế kỷ XX , cộng tác hai khái niệm nhân bản và cấu trúc: đặt con người vào vũ trụ vật thể.

Khái niệm vật thể này được tô đậm trong tác phẩm La jalousie (Bức Mành Mành), ở đây Alain Robbe Grillet chiếu tất cả người và vật lên bằng một cái nhìn trung tính, dung hòa, không thiên vị. Ngay cái tựa đề La jalousie đã mang tính chất tác hợp ấy: la jalousie trong tiếng Pháp vừa có nghĩa là ghen, vừa có nghĩa là bức mành mành. Nhưng nếu dịch sang tiếng Việt mà chọn nghĩa ghen thì không đúng với ý nghĩa của tác phẩm: Trong truyện Alain Robbe Grillet luôn luôn nhắc đến bức mành mành. Đây là tự truyện về đoạn đời ông sống ở Martinique , Robbe Grillet mô tả kỹ càng (theo cách mô tả trong hiện tượng luận của Husserl ) căn nhà ông đã ở, trong có bức mành mành, ngoài có những cánh đồng chuối (Alain Robbe Grillet là kỹ sư canh nông chuyên trị bệnh chuối).

Truyện -thật ra không có truyện- viết về hai nhân vật A và Franck đối diện với nhau trong một bữa ăn (chiều, tối) và có thể họ đã qua đêm với nhau. La jalousie được viết như một bản giao hưởng tương tự như Boléro của Maurice Ravel. Mỗi đoản khúc bắt đầu bằng:

"Bây giờ, bóng cột...
"Bây giờ, bóng cột...
"Bây giờ, A đi vào phòng...

hoặc:

"Dọc theo dòng tóc...
"Sâu trong thung lũng...
"Bây giờ, giọng nói của người tài xế...
"Bây giờ, nhà trống...
"Cả nhà trống trơn...
"Giữa bức tranh xám, còn đó...
"Bây giờ, bóng cột...

Những tần sóng này trở đi, trở lại, và mỗi lần mở ra một cảnh mới. Những cảnh này không xếp theo thứ tự thời gian mà xếp theo thứ tự của trí nhớ: tức là không có thứ tự gì cả.

Cảnh không cần nhiều, chỉ một vài màn được quay đi quay lại nhiều lần: phòng ăn, lan can, dậu chuối và vệt con rết chết dí trên vách...

Nhưng những cảnh ấy không chết, mỗi lần nhớ lại, nó lại có một đời sống khác, như thể sự vật có đó nhưng nó có không gian của nó, có thời gian của nó, nó di động chứ không ở "chỗ cũ", không "y như cũ". Người đọc là kẻ "voyeur ", không biết "cái đêm" mà tác giả cho mình nhìn trộm, ghen tuông với cảnh thân thiết của hai người là đêm hay ngày, là hôm qua hay hôm nay, là ăn sáng hay ăn tối, họ uống khai vị (appéritif ) hay hậu vị (digestif ), chỉ biết mình là người "duy nhất" được tham dự vào cái không khí mơ hồ và bí mật ấy, một sự gì sẽ xẩy ra, một tai nạn, một nỗi bất hạnh mà tác giả cố ý đẩy lùi vào bóng tối. Còn "họ", hai nhân vật chính A và Franck , họ có thật hay không? A ngồi đối diện với Franck , trò chuyện với Franck , hay chỉ ngồi một mình, độc thoại với chính mình, chiều qua, chiều nay, đêm sau, đêm trước...

Tất cả đều lu mờ như có một "bức mành mành" che ngang, mành mành của trí nhớ, của những khoảng đứt trong không gian và thời gian.

Tính chất bí mật này dàn trải trên toàn bộ tác phẩm của Alain Robbe Grillet dẫn đến một sự lôi cuốn vượt quá sức mình mà người đọc không chống cự nổi. Tôi muốn nói người thật tình muốn đọc ông, còn những người chê văn ông khô khan, khó đọc, cứ lập đi lập lại hàng chục trang mỗi cảnh, có lẽ là vì chỉ đọc lướt, cho nên đã bị những hình ảnh cực kỳ tế nhị và đa âm trong chữ nghĩa của ông đẩy vào cạm bẫy.



Tác phẩm La reprise -Quay Lại, trung thành với nguyên tắc của tiểu thuyết mới mà Alain Robbe Grillet đề ra trong cuốn Pour un nouveau roman . Nguyên tắc này có thể tóm gọn như sau: "Tiểu thuyết không có một nguyên tắc gì cả mà mỗi cuốn tiểu thuyết là một tìm tòi mới, tạo ra một nguyên tắc mới." và Alain Robbe Grillet đã viết La reprise trong tinh thần nhìn lại, ngoái lại con đường mình đã đi để tạo ra một hướng đi mới. Tóm lại, ông đã nhìn lại Ecole du regard -trường phái cái nhìn- để tạo một cái nhìn mới về Tân Tiểu Thuyết.

Sự đổi mới Tân Tiểu Thuyết, hôm nay, của Alain Robbe Grillet trong tác phẩm mới nhất này là gì?

Trước tiên, ông tạo thêm nhiều chiều kích cho cách viết và cho nhân vật.

Về nhân vật, không còn mỗi nhân vật là một như trước nữa mà mỗi nhân vật trong La reprise là cái bóng của mình, và mỗi cái bóng ấy lại "sản xuất" ra một cái bóng khác, cứ thế nhân lên. Khởi thủy, nhân vật chính là bóng của tác giả, nhưng tự hắn, nhân vật chính này cũng là kẻ đang ngồi kể chuyện mình, hắn cũng là một loại tác giả phó bảng . Và vì là tác giả nên hắn lại tạo ra nhân vật của hắn. Vì hắn tạo ra nhân vật nên hắn có quyền bắt đầu lại câu chuyện một cách khác... Nói khác đi, quyền nhìn lại, quay lại, viết lại... là đương nhiên trong tác phẩm La reprise . Hệt như khi thực hiện một cuốn phim, đạo diễn quay lại các scène tùy theo ngẫu hứng, tưởng tượng. Hệt như trí óc quay lại những màn đời trong quá khứ... tất cả những màn quay lại không hề có tính chất tuyệt đối, duy nhất, xác thực, mà ngược lại, tất cả đều đáng ngờ, đều có thể sai, có thể chối cãi được, có thể nói lại được... Những version, những thoại mà "kẻ kể" đang kể về một tình huống nào đó, không lấy gì làm chắc lắm. Ngoài ra còn có một kẻ đứng ngoài để chú thích những sai lầm cố ý hay vô tình của kẻ kể chuyện. Kẻ "chú thích" này có thể là chính Alain Robbe Grillet , hay là "bóng" của Grillet, là đồng tác giả, là nhân vật và là người đọc nữa...

Nói gọn lại, Alain Robbe Grillet trong La reprise đã tạo ra một thứ siêu nhân vật, rất phức tạp như thực tại con người.
Một siêu nhân vật như thế được đặt trong bối cảnh tiểu thuyết trinh thám gián điệp mà vai chính là một điệp viên mang nhiều căn cước khác nhau: Henri Robin , Boris Wallon , Mathieu Frank , Franck Matthieu , Walther von Brucke ... Tay điệp viên này người Pháp, sinh ở Brest ... có những hình ảnh ấu thơ ở Bretagne , có những kỷ niệm thiếu thời ở lycée Buffon... như tác giả. Tay điệp viên này được gửi tới Berlin sau thế chiến thứ hai, một Berlin bị tàn phá trong những xung đột miền: Miền Pháp, miền Mỹ, miền Đông Đức, miền Tây Đức... Với nhiệm vụ bí mật "quan sát" một vụ ám sát để viết bản tường trình, nhưng hắn lại rơi vào bẫy: hắn bị bắt và bị kết tội giết người. Rút cục chính hắn không biết: hắn giết hay ai giết? Không khí Kafka , trong một Berlin cấm vận, bị hận thù, khủng bố phong tỏa, một Berlin bí mật pha trộn Nazi và cộng sản, KGB và SS , mà mỗi chi tiết được kể ra đều khả nghi, nhầm lẫn, không tin được... Câu chuyện sau triệt hạ câu chuyện trước. Chi tiết sau phản bác chi tiết trước, nhân vật xóa nhân vật, tạo ra một không khí phủ định tuyệt đối.



Từ những tác phẩm đầu như Les Gommes (Những cục tẩy), Le voyeur (Kẻ ròm trộm), không khí trinh thám luôn luôn hiện diện trong tác phẩm của Robbe Grillet. Với La reprise, Grillet lại càng trinh thám hơn như thể muốn chứng tỏ: bất cứ thể loại nào cũng có thể trở thành văn học, kể cả trinh thám, miễn là nó thám hiểm con người trong chiều sâu.

Sự thám hiểm chiều sâu đó bắt nguồn từ một cái nhìn triết lý, đến từ rất xa, từ Kierkegaard , triết gia Đan Mạch thế kỷ XIX , cha đẻ của triết học hiện sinh.

La reprise là tên một tác phẩm của Kierkegaard (nguyên tác là Gjentagelson , trước đây được dịch là La répétition -Lập lại) trong đó Kierkegaard muốn chứng minh: Con người không thể sống hai lần một đoạn đời đã qua. Sự tìm lại những xúc động ngày xưa chỉ làm cho người ta đau khổ: Constantin Constantius nhân vật chính (hay chính nhà văn) đã đến Berlin lần thứ nhì để tìm lại cảm giác lần đầu, nhưng Constantin thất vọng: Những cảm tưởng, những rung động chính xác y như ngày xưa không tái tạo được. Ngược lại, nhà văn có thể từ những hình ảnh ngày xưa, tái tạo và đổi mới ngàn vạn lần những hình ảnh ấy trong tác phẩm nghệ thuật, đó là nguồn của vĩnh cửu, và là ý nghĩa sâu xa của hư cấu trong sáng tác.

Kierkegaard viết: "Quay lại (reprise) và hồi tưởng (ressouvenir) là cùng một vận hành, nhưng trong hai hướng trái ngược nhau: Bởi những gì mà ta hồi tưởng lại là đã qua rồi, đó là sự lập lại (répétition) hướng về phía sau, trong khi quay lại là hồi tưởng tiến lên phía trước."

Câu văn này của Kierkegaard được trích dẫn trên trang đầu cuốn La reprise , như cơ nguyên, là bùa hộ mệnh, như dấu triện cầu chứng phương cách sáng tạo tiểu thuyết của Robbe Grillet. La reprise, như vậy, không chỉ là một cuốn tiểu thuyết mà nó còn là cẩm nang nói lên cách sáng tác tiểu thuyết, một cuốn truyện ngỏ cửa cho thấy cách viết của tác giả như thế nào.

Siêu nhân vật của Alain Robbe Grillet, tổ hợp cắt dán những hình ảnh chập chùng của quá khứ, những cảm giác, những hoang tưởng của nhiều đoạn đời, nhiều giấc mơ, nhiều ác mộng... đã trải qua hoặc đã tiếp nhận qua các tác phẩm mà kinh nghiệm sống chen lẫn kinh nghiệm "biết", trực tiếp và gián tiếp, tạo nên thực chất của hư cấu.

La reprise , quay lại những séquence cũ, các nơi chốn cũ, các nhân vật cũ, các kỷ niệm cũ, trong các tác phẩm cũ của Alain hay của ai khác rồi đem Grillet -hóa nó đi, tạo sinh cho chúng một đời sống mới, như thể ông viết lại các tác phẩm của mình với những phương tiện khác, như thể ông nhìn lại Berlin dưới những kỷ niệm khác: kỷ niệm của chính cậu bé Alain đã đến đây với mẹ lần đầu sau chiến tranh, kỷ niệm của Kierkegaard, hay kỷ niệm của Kafka ... cả ba đều đến Berlin những thời trước. Tất cả những kỷ niệm ấy trụ vào một nhân vật, nhân nó lên và biến nó đi, khiến nó trở thành siêu nhân vật.



Những nhân vật trong tác phẩm của Alain Robbe Grillet không phải là "bà con" của nhau mà chúng là những bóng đúp của nhau. Những "cốt truyện" cũng vậy. Đề tài trinh thám, án mạng đã được viết nhiều lần. Tính chất trinh thám ở đây là sự điều tra về thực chất của con người, về những cái được gọi là "sự thật". Có thể có một sự thật đích thực không? Hay mỗi người nói một sự thật khác nhau? Alain Robbe Grillet thám hiểm các version ấy của sự thật trong con người trinh thám.

Tiểu thuyết Les gommes (Những cục tẩy) ra đời cách đây gần nửa thế kỷ cũng là một tiểu thuyết trinh thám.

Thám tử Wallas được "trên" gửi đến một quận lỵ điều tra về vụ ám sát (hay ám sát hụt) một nhân vật tên là Albert Dupont hay Daniel Dupont gì đó. Nhưng chính Wallas lại bị lạc vào một phố huyện mà mọi con đường đều quay tròn, đi hoài vẫn quay về chỗ cũ: Không khí Kafka lồng trong thế giới đồ vật Alain Robbe Grillet bắt đầu lộ diện trong tác phẩm "đầu tay" này. Một thế giới mà cá nhân bị mất đi trong thế giới đồ vật và sự vật: Bất cứ một "vật" gì cũng có thể có nhiều ý nghĩa, chúng có chất sống, có những bí mật riêng tư. Những con kênh phù thủy, những con phố mật vụ chứa đầy hoài nghi và khủng bố. Không khí khủng hoảng ấy được tạo ra từ cách đối chiếu sự vật và con người. Alain Robbe Grillet viết:

"Một người đàn ông to lớn đứng chình ình ra đó -lão chủ- cố gắng nhận diện mình giữa đống bàn ghế ngổn ngang. Một hình ảnh bệnh hoạn nổi lềnh bềnh trên tấm gương dài treo lưng quầy rượu -lão chủ- mập ú, viêm gan, xanh xao trong bể cá vàng." (Les gommes, trang 11-12)

Lối tả vừa kỹ, vừa mờ, tạo ấn tượng tẩy xóa, làm mơ hồ một thực cảnh: người chủ tiệm đứng giữa đống bàn ghế, một bên tường là bể cá vàng, phía đối diện là quầy hàng, có treo gương; tấm gương phản chiếu cảnh tiệm ăn có lão chủ đứng giữa một cách méo mó, bệnh hoạn. Lão chủ có mắc bệnh viêm gan không, hay là chính cái gương phản chiếu và phản trắc đã cố ý dìm đầu lão vào bể cá vàng rồi làm méo mó và xanh xao đi cùng với rong rêu trong bể cá?

Tóm lại, những "cảnh thực" vào tay tác giả, trở thành tẩy xóa, mơ hồ, hoảng loạn hơn qua cách tả. Và như thế, những tình huống cũng chung số phận. Một chi tiết về án mạng có thể nằm trong cục tẩy (trang 66). Nhưng cục tẩy cũng là cơ nguyên của việc xóa chi tiết ấy. Tóm lại tất cả đều có thể bị "tẩy xóa", ngụy tạo, làm lại, và có lẽ đó là ý nghĩa sâu xa nhất của những chữ Les gommes (Những cục tẩy) mà Alain Robbe Grillet đã đặt cho tác phẩm.



Trong La reprise, Alain Robbe Grillet muốn viết lại Les gommes. Bối cảnh vẫn là một vụ ám sát. Nhưng lần này, vai chính không phải chỉ là một thám tử mang tên Wallas mà là một siêu nhân vật mang nhiều tên khác nhau, có những hành tung khác nhau, có những cuộc đời khác nhau, kể lại những sự thật khác nhau; và hành trình của hắn cũng qua một thế giới đồ vật đặc biệt: thế giới siêu đồ vật. Thế giới này được mô tả với giọng điệu như sau:

"Đi thẳng thì tới phòng đợi, phòng này thông với hai phòng khác đồ đạc sơ sài nhưng giống nhau như hai giọt nước, kiểu như một phòng được nhân đôi trong tấm gương lớn.

Phòng trong, trên cái bàn chữ nhật nâu nhạt, ba ngọn nến thắp sáng trên cây chúc đài giả đồng. Một chiếc phô tơi cũ, kiểu Louis XV bọc nhung đã sờn, có chỗ loáng bóng vì bẩn, có chỗ xám xịt vì bụi, đặt xéo trước bàn như đang chờ ai. Đối diện với tấm ri-đô rách cố gắng che dấu cái cửa sổ, là cái tủ lớn khẳng khiu không kiểu cọ, giống như cái hòm làm cùng thứ gỗ thông với cái bàn. Giữa cây chúc đài và cái phô tơi, một tờ giấy trắng hình như hơi cựa quậy trên bàn, dưới ánh nến rung rinh. Lần thứ nhì trong ngày, tôi cảm thấy một ấn tượng mạnh như một kỷ niệm lạc lõng của tuổi thơ nhưng luôn thay đổi không thể nắm bắt được. Ần tượng này cũng biến ngay sau đó.

Phòng ngoài không có ánh sáng, cũng không có nến trên chiếc chúc đài chân chì. Cửa sổ toác hoác không kính mà cũng chẳng có khung. Khí lạnh bên ngoài và ánh trăng xanh xao tràn vào lẫn với ánh sáng phòng trong, một thứ ánh sáng mờ ảo ấm cúng hơn nhưng bị loãng đi vì khoảng cách. Ở đây, hai cánh tủ há mõm để lộ những ngăn trống. Chiếc ghế phô tơi thủng đệm bầy ra một khóm lông độn đen ngòm, lồi ra theo vết rách hình tam giác." (trích dịch trang 27-28)

Nghệ thuật của Alain Robbe Grillet , trong trích đoạn trên đây, là tạo sự di động, lập lờ của đồ vật: coi vậy mà không phải vậy. Hai căn phòng, lúc đầu bảo là giống hệt nhau nhưng thật ra không giống. Chúng cùng ở trí nhớ bước ra mà chúng lại có những chi tiết chính xác bất thường, chứa đựng một thứ ảo ảnh dục tình mờ ám: cái ghế phô tơi bọc nhung đỏ, sờn bẩn, có vết rách hình tam giác thòi lông, cánh cửa sổ toác hoác, không kính, không khung, cái tủ giống cái hòm... Tóm lại, thế giới đồ vật ở đây là thế giới ma quái, chúng cũng có ký ức mập mờ, chúng cũng khả nghi và lưỡng diện như con người.
Một trích đoạn khác, Alain Robbe Grillet viết:

"Bỗng dưng tất cả lặng xuống. Và trong cái tịch lặng quá hoàn toàn, hơi đáng ngại đó, Franck Matthieu (hay Mathieu Frank cũng được, vì cả hai đều là tên) tỉnh dậy, không biết đã thiếp đi bao lâu, trong một căn phòng quen thuộc mà hắn có vẻ biết rõ từng chi tiết nhỏ, mặc dù cách bài trí này hắn không nhớ rõ đã thấy ở đâu, trong không gian nào, thời điểm nào... Trời tối. Tấm ri đô dầy khép kín. Đối diện với cái cửa sổ vô hình là bức tranh treo ở giữa tường.

Tường dán một thứ giấy xưa, có sọc dọc, những vạch xanh xao, đen tối, viền trắng rộng độ năm, sáu phân, xen kẽ với những băng rộng cùng cỡ nhưng vàng vọt hơn. Những hình thù nhỏ li ti giống hệt nhau chạy dọc trên băng, nét vẽ trước kia chắc có thếp vàng, nay đã xỉn. Không cần đứng dậy, Mathieu F. cũng có thể vẽ lại bằng ký ức cái hình thù nhập nhằng này: Đó là một bông hoa chạm giống như một loại đinh hương hay ngọn đuốc li ti, mà cũng có thể là một đoản đao, hay một con búp bê tí tẹo mà mình mẩy và hai chân chụm lại giống hệt lưỡi đao, hay cán đuốc, và cái đầu trở thành ngọn lửa hay nắm đao, hai tay hơi co lại, khum khum dơ về phía trước giống như cán đao hay đài đuốc chặn không cho chất bỏng lan xuống tay." (trích dịch trang 106-107)

Cách tả kỹ, mổ xẻ theo hiện tượng luận, mà lại úp mở, tạo nên một không khí khả nghi toàn diện.

Tay điệp viên (bây giờ có tên là Franck Matthieu hay Mathieu Frank ) tỉnh dậy trong một căn phòng ở nhà -giả dụ là- của kẻ mà hắn được lệnh hạ sát. Nhà này bài trí toàn búp bê giả to bằng người thật. Bà chủ, vợ của kẻ đã hoặc sẽ bị giết, cho hắn uống một thứ độc dược hay nha phiến gì đó, khiến hắn cứ hết tỉnh lại mê, và mỗi lần tỉnh lại, hắn lại thấy mình trong một tình huống khác.

Trích đoạn trên đây cho thấy trạng thái nửa mê nửa tỉnh của hắn. Căn phòng Franck đang nằm, có những nét của những căn phòng hắn đã "biết" từ trước, có thể trong tuổi thơ, hay là căn phòng đầu tiên hắn đã đến Berlin với mẹ, cũng có thể là căn phòng mà Kierkegaard hay Kafka đã ở, Berlin , nhiều năm trước. Với những chi tiết quen thuộc: ri-đô rách che cửa sổ giả... Những gì được mô tả vừa rõ, vừa mờ, vừa đúng, vừa sai như sản phẩm của trí nhớ bị lọc qua lăng kính nha phiến: một bông hoa chạm, một cánh đinh hương, một ngọn đuốc, một đoản đao, một con búp bê tí teo... Sự sáng suốt và nhầm lẫn của trí nhớ làm cho tất cả đều khả thể, tạo cho một sự vật có thể có nhiều "căn cước" khác nhau. Chúng cũng được nhân lên như những nhân vật, chúng cũng "siêu", cũng khả nghi và trinh thám, chúng cũng có thể "nhúng tay" vào tội ác, vào bí mật... Cứ như thế: một bức tranh khiêu dâm, một con búp bê lớn như người mẫu... trong một cái nhìn của kẻ đã bị chuốc nha phiến, có thể trở thành những hoạt cảnh bạo tàn, những màn khổ dâm, bạo dục, loạn luân, bất ngờ và phi lý nhất.

Alain Robbe Grillet muốn chứng tỏ nhà văn có thể viết bất cứ "chuyện gì" trong tác phẩm. Miễn là viết làm sao cho có nghệ thuật.

Hai trích đoạn trình bày ở trên, phản ánh không khí mập mờ, khả nghi, rất đặc thù trong tác phẩm của Alain Robbe Grillet : Hai căn phòng cổ giống nhau như hệt, một hình thái sosie đã có trong các tác phẩm trước, được triệt để hóa trong La reprise .
Mở đầu là điệp viên Henri Robin bị một kẻ sosie (giống hệt) chiếm chỗ trên tầu hỏa. Hắn không hiểu hắn là hắn hay kẻ sosie là hắn. Rồi tới hiện tượng thứ nhì: Hai căn phòng giống hệt nhau, sáng tối đối chọi nhau: một chiếu sáng bằng nến, một không ánh sáng, cùng tỏa ra không khí mờ ảo, ám ảnh, hư hư thực thực. Thứ ba: Điệp viên là con trai của kẻ bị ám sát? Hắn là con nạn nhân hay hắn là thủ phạm? Thứ tư: Bà vợ kẻ bị ám sát giống hệt mẹ hắn. Thứ năm: Tay tổ công an hình như là hắn. Thứ sáu: Kẻ bắn hắn cũng mang tên của hắn. Thứ bẩy: Hắn đứng xem đám ma của hắn như một kẻ bàng quang v.v... Mấu chốt sáng tác của Alain Robbe Grillet khởi đi từ đấy. Người kể chuyện nhặt từ ký ức của mình những mẫu quá khứ để từ đó, khởi viết, khởi tìm, khởi đi vào tác phẩm. Những nhân vật trong tiểu thuyết, những sosie , chỉ là "những yếu tố đã xuất hiện trong đời thực nhưng được biến đổi theo tưởng tượng, bị ảo hóa qua kỷ niệm, rồi tái tạo bằng chữ viết. Bởi vì, điều quan trọng đối với nhà văn, không phải là những yếu tố tạo thành văn bản, văn bản không phải tờ giấy chứng nhận sự đích thực chân xác mà phản ánh cách tổ chức vận hành trong tác phẩm." (Alain Robbe Grillet trả lời phỏng vấn của Catherine Aargand , báo Lire , tháng 10/2001)
Robbe Grillet đã không nói điều gì khác với nguyên tắc sáng tác của muôn đời, trừ một điểm: Robbe Grillet luôn luôn tách rời quan niệm sáng tác kể chuyện cổ điển theo đường lối hiện thực xã hội. Sự chép lại y hệt hiện thực, đối với Grillet là đường lối xa hiện thực nhất. Nếu chúng ta tóm tắt "nội dung" các tác phẩm nổi tiếng của Alain Robbe Grillet như Un régicide (Kẻ giết vua), Les gommes ( Những cục tẩy), Le voyeur (Kẻ ròm trộm)... thì thấy tất cả xoay quanh một án mạng.

Ở Un régicide có án mạng thực. Nhưng ở Les gommes , sự tẩy xóa sự thực đã khá rõ: Wallas , tay điệp viên đi điều tra về một vụ án mạng, lại luôn luôn bị lầm, mọi dấu vết bị tẩy xóa, chính hắn bị lạc vào thế giới mà hắn tìm tòi.

Le voyeur (Kẻ ròm trộm) xoay quanh vụ ám sát một bé gái, có thể bị hãm hiếp trước khi bị giết. Mathias , kẻ làm ăng kết, lại chính là kẻ khả nghi. Mathias là một gã bán rong đồng hồ trên một hải đảo. Chính hắn đã nhìn thấy bé gái lần đầu và có lẽ cũng là lần cuối. Giữa hai "lần" ấy, những gì đã xẩy ra? Mathias kiểm điểm từng giây từng phút thời khóa biểu của mình ngày hôm ấy, có những khoảng trống đáng ngờ, không thể giải thích được. Mà cần gì phải giải thích? Tại sao lại phải giải thích? Với ai? Có ai hỏi đâu mà phải khai. Mathias là kẻ "ròm trộm" chính mình, kiểm thảo chính mình; mỗi cá nhân nào cũng có một chút Mathias ở trong: thử ròm trộm xem có bao nhiêu tội ác mà mình đã có thể làm mà không biết.



Tiểu thuyết La reprise , tổng hợp toàn bộ kỹ thuật viết của Alain Robbe Grillet :

Tính chất quay lại, nhìn lại, xuất hiện trong La jalousie , Bức mành mành, xuất bản năm 57, khởi đầu cho tiểu thuyết-điện ảnh. Và tiếp nối là những phim L?année dernière à Marienbad (Năm ngoái ở Marienbad ) với Alain Resnais đạo diễn năm 60, rồi L'immortelle (Bất tử) do chính Alain Robbe Grillet thực hiện.

Quay lại -Reprise - chỉ là một hình thức trở lại quá khứ để sáng tạo ra cái mới. Quá khứ của hình ảnh, quá khứ của tâm thức, quá khứ của ảo giác. Mỗi nhân vật trong La reprise là một kết thành, không chỉ rút ra từ kỷ niệm, từ đời sống, mà cả từ những tác phẩm đã viết trước đây. Thế giới đồ vật mà Alain Robbe Grillet đã tạo ra từ tác phẩm đầu tiên, ở đây sống lại trong một trạng thái khác, một căn buồng, một chiếc ghế bành, một tấm đệm, một vết loang trên đá hoa, một mẩu vụn bánh mì, một bức tranh, một con búp bê, một con kênh, một cái bản đồ, một con phố, một sợi dây, một con rết... mỗi đồ vật, sự vật đều hiện sinh, có đó, lù lù ra đó, không thể giải thích và không cần giải thích, đều tham dự vào các sự kiện xẩy ra trong tác phẩm. Nhưng tất cả những hành vi, động tác ấy không xuất hành từ lối viết thông thường, mà xuất ra từ cái nhìn, cái nhìn này không kể, chúng chỉ tả trong một cách tả khác trước, nhà văn để sự vật lên bàn, ngắm, mổ, xẻ, và chiếu ông kính vào những ngõ ngách bí mật của nó. Trích đoạn về hai căn phòng rất tầm thường, nhưng đọc kỹ sẽ thấy có vẻ gì rờn rợn, với cái ghế bành bọc nhung đỏ nhẵn bóng vì bợn bẩn, với cái cửa sổ không kính, không khung, với cái bàn giống như hòm. Với cái tủ toác mồm trong rỗng, với cây chúc đài chân chì không nến, với vết rách hình tam giác để lồi khóm lông đen lún phún... Grillet là làm lạnh gáy người đọc bằng những sự vật rất tầm thường nhưng ngòi bút của ông đã tạo cho chúng một ma lực bạo dục khổ dâm không chỉ ở những đoạn "chính thức" mô tả mà ở ngay cả những đoạn không "chủ ý". Những mê loạn, những ám ảnh, đồi trụy hay cao cả đều cuốn trọn trong cái "búi" bòng bong mà con người và sự vật hiện sinh, chung sống, độc lập và bí mật, mỗi "kẻ" một cõi.


Cuối cùng, có thể nói trong suốt sự nghiệp bốn mươi năm, Alain Robbe Grillet đã chỉ viết đi viết lại một tác phẩm. Đó là viết về mình. Về hành trình một người đi tìm mình, điều tra về mình. Án mạng chỉ là cái cớ để điều tra. Điều tra những hành vi của mình, của con người trăm mặt. Những ngả đường mà nhà văn tìm kiếm, tra khảo, dường như không bao giờ tới đích. Và đó cũng là ý nghĩa sâu xa của sáng tác: Nghệ sĩ không bao giờ tới đích. Bởi vì nếu đã tới đích rồi, thì không còn gì để nói, để viết, để sáng tác nữa...

Thụy Khuê
Paris tháng 11/2001


Phượng Các
#12 Posted : Saturday, January 8, 2005 6:08:14 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,700
Points: 20,043
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)
Hiện Tượng Bùi Giáng



THỤY KHUÊ




Sinh thời, Bùi Giáng bảo: “Hãy để cho tôi yên, tôi dại. Ðừng ai nói đến tôi. Và nhất là đừng có ai bàn đến thơ tôi” Có lẽ vì tôn trọng nhà thơ, cho nên ít ai bàn đến thơ ông.

Như ông, Bùi Giáng sống tiêu dao suốt cõi mù sa bên rừng. Thơ ông cả đời lục bát. Tại sao lục bát? Bởi vì, đối với Bùi Giáng : “Lục Bát Việt Nam là cõi thi ca hoằng viễn nhất, kỳ ảo nhất của năm châu bốn biển, ba bảy sông hồ”.

Về bản thân mình, Bùi Giáng tự họa: “nhe răng cười trong bóng tối...không bao giờ bắt chuồn chuồn mà cứ bảo rằng mình luôn luôn bắt chuồn chuồn... Không thiết chi đọc sách mà vẫn cặm cụi đọc sách hoài... Chán chường thi ca mà cứ làm thơ hoài... Chuốc sầu vạn đại thì bảo rằng mua vui cũng được một vài trống canh.”

Hỏi về tiểu sử Bùi Giáng trả lời:

Hỏi tên? Rằng biển xanh đâu

Hỏi quê? Rằng mộng ban đầu rất xa

Gọi tên là một hai ba

Ðếm là diệu tưởng, đó là nghi tâm

Trên báo Văn, số 26 tháng 8 năm 1984, Mai Thảo kể lại rằng khi hỏi về cái lực viết phi phàm của Bùi Giáng, Thanh Tâm Tuyền lắc đầu cười: “chịu, không giải thích được [...] Nói đến mấy ngằn bài thơ Bùi Giáng là đúng. Mà nói thơ Bùi Giáng chỉ có một bài, vô tận, vô cùng là đúng hơn. Ngủ ra thơ. Thở ra thơ. Ði ra thơ. Ðứng ra thơ. Chứ không phải nghĩ thơ, làm thơ.”

Vẫn theo lời Mai Thảo, ông Thanh Tuệ, giám đốc nhà xuất bản An Tiêm, thuật lại: “Anh lang thang suốt ngày chẳng thấy lúc nào ngồi viết hết. La cà hết nơi này đến nơi khác, uống rượu say ngất rồi về lầu lăn sàn ngủ, nhiều ngày bỏ cả bữa ăn. Ðêm cũng không thức, chỗ nằm tối thẳm. Tôi in không kịp, nói ảnh tạm ngừng thì ảnh ngừng. Nói có máy, có giấy, có buổi sáng, buổi chiều ảnh đã tới ném bịch xuống cả năm bảy trăm trang. Cứ thế đem sắp chữ thôi, đâu có thì giờ đọc.”

Mai Thảo kể tiếp khi làm số Văn, đặc biệt về Bùi Giáng: “Tôi hỏi xin ông những bài thơ mới nhất. Ông gật. Tưởng lấy ở túi vải ra. Hoặc nói về lấy, hoặc nói hôm sau. Tất cả đều không đúng. Ông hỏi mượn một cây bút, xin một xấp giấy, một chai bia lớn nữa, đoạn ngồi xuống và trước sự kinh ngạc cực điểm của chúng tôi, bắt đầu tại chỗ làm thơ [...] Lần đó, tôi đã thấy, đã hiểu tại sao Bùi Giáng, cứ cánh bướm rong chơi, cứ phiêu bồng lãng du mà vẫn có ngay nghìn câu một buổi.”

Về những cơn điên Bùi Giáng Phạm Xuân Ðài kể trong lời tựa tập thơ Bùi Giáng: ”chỉ có thơ và những cơn điên [..] Bây giờ (năm 1992) anh ít làm thơ lắm, còn các cơn điên thì vẫn viếng thăm anh gần như định kỳ. Những lúc ấy anh đi nhiều nơi, nhưng thường xuất hiện ở vùng chợ Trương Minh Giảng (chỗ đại học Vạn Hạnh, là nơi ngày xưa anh thường trú ngụ) đứng giữa đường vung tay điều khiển xe cộ cử chỉ rất linh động, đặc biệt đôi mắt sáng quắc bừng bừng [...] Có khi anh múa may trong một lớp áo lòe loẹt, động tác mạnh mẽ chính xác gần như múa võ, miệng hò hét như đang nạt nộ với một đối tượng vô hình.”

Ðó là hiện tượng Bùi Giáng, qua lời kể của những người thân trong giới văn học.



Bùi Giáng là ai? Bùi Văn Vịnh, em của Bùi Giáng , cho biết: Bùi giáng sinh ngày 17 tháng 12 năm 1926 tại làng Thanh Châu, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.

Thuở nhỏ, học trường Bảo An tại Ðiện Bàn, Quảng Nam, trung học ở trường Thuận Hóa, Huế, năm 1950, đậu Tú Tài 2 văn chương ở Liên Khu 5. Sau đó ra liên Khu 4 học tiếp đại học. Nhưng sau khi nghe qua bài diễn văn khai giảng của ông viện trưởng Bùi Giáng quay về Quảng Nam và bắt đầu quảng đời được gọi là “Mười lăm năm chăn đê ở núi đồi Trung Việt“.

Tháng năm 1952, Bùi Giáng về Huế thi Tú Tài tương đương và vào Sài Gòn ghi danh Ðại Học Văn Khoa.

Lần này, sau khi nhìn danh sách giáo sư giảng dạy ở Văn Khoa, Bùi Giáng quyết định chấm dứt việc học ở trường và bắt đầu viết khảo luận, sáng tác, dịch thuật và đi dạy học tại các trường tư thục.

Từ năm 1957 đến 1997, Bùi Giáng có khoảng 55 tác phẩm đã in về thơ, dịch và triết. Như lời Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Thanh Tuệ, thơ có đến nghìn bài. Và nội trong một ngày, có thể ném bịch một vài trăm trang sách. Ðúng là một kỷ lục có một không hai.

Chúng ta thử tìm hiểu bản chất của kỷ lục ấy qua một vài trang sách của Bùi Giáng trong con đường ngã ba bước đi của tư tưởng, do An Tiêm Xuất bản lần thứ nhất tại Sài Gòn Năm 1972, và tái bản tại hải ngoại.

Có thể nói trong cuốn sách này, cái gọi là điên của Bùi Giáng phát hiện rõ rệt dưới hình thức loạn ngôn, ngộ chữ cao độ. Về Heidegger, Bùi Giáng viết: “Tất cả con đường tư tưởng của Heidergger là mọi mọi lối nhiếp đẫn bước đi về những vùng u kín trong cổ lục uyên nguyên” (trang 13)

Về Nietzsche, ông viết: “Nietzsche không phải là đại hải đại dương, Nietzsche đã đón vào lòng mình một dòng sông dơ bẩn. Và từ đó? Từ đó, Nietzsche biết thành một loại người mạt hậu theo mọi nghĩa thái thậm ly kỳ. Con người mạt hậu và hư vô chữ nghĩa, con người mạt hậu và sa mạt tinh hoa, con người mạt hậu và Mạt Hậu “Tử Sinh Môn” Hoạt Tinh Thể, con người mạt hậu và Siêu Hình Học Lãnh Ðịa, con nguời mật hậu và Ðịnh Mệnh Phối Tiết Sử Lịch Tồn Lưu, ÐỊnh Mệnh Phối Tiết Sử Lịch Tồn Lưu, và Siêu Hình Học theo nghĩa Sử Lịch chân lý của Hiện Thể như là Hiện Thể, Sử Lịch chân lý của Hiện Thể và Ðịnh Mệnh Tồn Lưu thoái tàng ư mật, Tồn Lưu thoái tàng ư mật vàHằng Thể bước vào vòng di vong trầm một, từ di vong trầm một còn chút hậu tình ân ốc nào sẽ “ trột mầm” cho một trận Dịch Chuyển thông hành của Ðịnh Mệnh hay không? Hay Siêu Hình Học vẫn mãi mãi kiên trì tồn lập trong cuộc đú đỡn “ trê lưu ư ngoại” bất khả tư nghị khuyết phạp từ Hoạt Tinh Thể của Hư Vô?...” (trang17)

Và cứ như thế, Bùi Giáng sản xuất 499 trang Con Ðường Ngã Ba, Bước Ði Của Tư Tưởng.

Ðiểm thích thú nhất của người đọc trong cuốn sách này là những trích đoạn thơ Bùi Giáng, phần lớn là những câu thơ hay, tỏa ra những suy tư sâu lắng về bản chất con người.

Nhưng trong 499 trang chữ ấy, người đọc tìm thấy rất ít dòng đứng đắn và chỉ tỉnh táo bàn về những vấn đề triết học như hiện sinh và bản thể, tồn tại và thời gian, mặc dù ông rất ngưỡng mộ Heidegger, người thầy hiện sinh được ông trích, dịch một cách kỳ cục. Ví dụ như câu này, dịch ra từ tiếng Pháp, tiếng Ðức: “Nhưng mà lời thuyết thoại trì ngự, trong (khởi từ) Ðịnh Mệnh Phối Tiết mở phơi, sẽ ra sao nếu như cái Sở Khải Khai trong Song Trùng Tịch Hạp bị Ðịnh Mệnh Phối Tiết (ruồng rẫy) bỏ phó mặc cho cuộc thể hội vất vơ nhân tuần (dung thường nhật kệ ) của con người từ diệt chúng tử chúng sinh?”

(Con Ðường Ngã Ba Bước Ði Của Tư Tưởng, trang 12 – 13)

Dù đặc sệt những tên tuổi triết gia, nặng ký trích dẫn thiên kinh, vạn điển; dù có mộtsố ý trội lên về vấn đề đọc sách, đọc Nguyễn Du, đọc Bùi Giáng, về sự gặp gỡ giữa những nhà tư tưởng lớn, đả kích một số nhà xuất bản không tôn trọng văn bản của tác giả, Con Ðường Ngã Ba vẫn không phải là cuốn sách bàn về triết học, hoặc đưa ra một hệ thống tư tưởng mạch lạc; mà có thể nói đây chỉ là cuốn phiếm luận bí hiểm, ngôn ngữ thần trú, nhại triết học, nhạo người đọc. Cho nên khi TẠ Tỵ viết: “Bùi Giáng đối thoại với Nietzsche, Sophocle, {arénide, Khổng Tử, Lão Tử, Sartre, Camus... “ thì e rằng Tạ Tỵ quá lời. Sự tìm kiếm siêu hình nơi Bùi Giáng, như chỉ dừng ở phần vỏ của ngôn từ: tồn sinh, tồn lưu, hằng thể, hư vô, logos,... mà không đi vào nội tâm của suy tưởng. Hoặc có lẽ Bùi Giáng chỉ muốn rỡn chơi. Nếu ông nhắc tới Như Lai, Bồ Tát, Heidegger, Parménide, Platon, Socrate cũng chỉ như ông nói đến Nam Phương Hoàng Hậu, Dương Quý Phi, MarilynMonroe, đười ươi, chuồn chuồn, châu chấu v.v... vậy thôi, trong một trạng thái “tẩu hỏa nhập ma”, một tinh thần anarchiste toàn diện. Thái độ arachiste của Bùi Giáng, ở đây gần với nghĩa “phức loạn tri năng” của Ðào Duy Anh và rất xa với nghĩa “vô chính phủ” mà người ta thường gán cho arachiste theo nghĩa hẹp.

Phải chăng Bùi Giáng chỉ muốn “hù dọa” người đọc không chuyên môn? Hay ông muốn nhại, diễu, những hệ thống suy tưởng mà một số trí thức quen dùng như mẫu mực hoạt động tinh thần? Biến chúng thành một thứ charabia, ngôn ngữ vấn đáp chuồn chuồn, châu chấu, nói trẹ, nói xàm, nói bá láp và ông có khả năng sản xuất mỗi ngày vài trăm trang như thế?

Thái độ anarchiste toàn diện này mở rộng trong đời sống, trở thành một bản năng phản kháng quẫy đời: Cởi quần áo giữa lớp học, tắm nơi công cộng, ngủ vỉa hè, trở thành clochard (hành khất say rượu), mặc áo rằn ri lính ngụy, để chỉ đường...tất cả những “cơn điên” ấy của Bùi Giáng chứng minh sự sáng suốt Bùi Giáng không điên.

Không điên vì ông chỉ đẩy đến cùng trạng thái hiện sinh, chứng nghiệm ý thức trần trụi về bản thể. Cởi dần năm bảy lớp quần áo chẳng qua chỉ là hiện ảnh “trút gọn hiện tượng”, bóc vỏ các tầng lớp bề ngòi của “hiện tượng” để tìm ra bản chất trong hiện tượng luận Husserl.

Trở thành clochard là một cách thể nghiệm tự do tự hủy.

Trong những đệ tử hiện sinh thời ấy. Bùi Giáng là người đi xa nhất trong hành động tự hủy và hành xác. Tự hủy để chứng minh Cá nhân con người đã chán ngấy cuộc sống, nó còn quyết định tự do lựa chọn, và sự hủy hoại bản thân là sự lựa chọn tiến gần nhất đến tự do tuyệt đối.

Sau 75, người ta càng yêu Bùi Giáng hơn, vì trong một xã hội được bị lồng vào khuôn phép, một xã hội đã ổn định cơ thể, công chúng yêu mến những gì bất thường, yêu những kẻ ngoại đạo, bất ổn.

Bùi Giáng là người ngoại đạo duy nhất dám làm lũng đoạn môi trường ổn định bằng thái độ tư hủy. Cái điên của Bùi Giáng là cái điên sáng suốt trong một tình thế không có cứu cánh nào khác nếu không tìm về bản thể của con người.

Thơ Bùi Giáng, hiện sinh trong đoạn trường và định mệnh

Những “dạ thưa”. Những “tồn sinh”, những “phố thị”, những “cố quận”, “đười ươi”, đã trở thành những cốt cách, những địa chỉ rất Bùi Giáng:

Dạ thưa phố Huế bây giờ

Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương

Dạ thưa Vĩ Dạ về gần

Ðã từ xa lắm thiên thần nhớ em

Thơ Bùi Giáng, ngay từ thuở đầu đã rong chơi, lãng mạng, tinh nghịch, nhẹ nhàng, hóm hỉnh, luôn luôn là những lời vấn đáp lẩn thẩn về ý nghĩa cuộc đời, về lẽ tồn sinh, về những chuyện phù du, dâu bể, ẩn kín một dụng tình khép mở Xuân Hương:

Cá ở ngoài khe có ít nhiều

Cồn lau cỏ lách có hoang liêu

Em về có hỏi răng ri rứa

Nhắm mắt đưa chân có bận liều.

(Bờ trần gian)

hoặc:

Bỏ hai chân xuống một vùng

Nước truông là lá thu rừng xuống khe.

( Bỏ hai chân)

Những dòng thơ trên đây, theo như lời Mai Thảo, Bùi Giáng đã làm một mạch, tại chỗ, xuất bút thành thơ. Huyền thoại Bùi Giáng, thi sĩ bẩm sinh, poète né, trong thập niên 60 – 70, được xác định như một hiện tượng văn học độc đáo. Như thể ông biết trước đường đi nước bước của thơ. Có khả năng thiên bẩm về sự lang thang ngơ ngẩn của nhũ trên đời, và chỉ cần huơ tay, bắt chúng, nhốt vào ngay câu lục bát, như Bình Nguyên Lộc “nhốt gió”, là có ngay thơ Bùi Giáng:

Một hôm đếm một ra ba

Thật là lạ lắm ấy là cái chi

Hay

Người con gái lội qua khe

Bàn chân với nước lạnh đè lên nhau

Nỗi niềm tưởng lại xưa sau

Bàn chân với nước cùng nhau lại đè.

(Lá hoa cồn)





Hỏi tên? Rằng biển xanh dâu

Hỏi quê? Rằng mộng ban đầu rất xa

Gọi tên là một hai ba

Ðếm là diệu tưởng, đo là nghi tâm

Bốn câu tự họa trên đây dường như gói trọn bản chất thơ ca và tư tưởng Bùi Giáng. Một bản chất đa mang nỗi hiện sinh hoang tưởng trong một “đạo khờ” gắn bó với đoạn trường tái tân thanh (chữ củ Bùi Giáng tiếp nhận Nguyễn Du như một thông đạo, thông thư, thông mệnh văn học).

Thân phận dâu bể của con người, nỗi hoài nghi về số kiếp, ta từ đâu lại? Ta là ai? Những trầm luân biến đổi làm sao đo, đếm, đặt tên được? Ðến bản thân ta, ta còn không biết, nữa là... Nếu trường phái hiện sinh (Sarter) bác bỏ tính chất định mệnh, thì ở Bùi Giáng, định mệnh (Kiều) và hiện sinh giao hưởng với nhau thành một cấu trúc tư tưởng mới, tạo nên những vần thơ đậm dấu Ðạm Tiên, hắt ra những ánh siêu thực:

Em chết bên bờ lúa

Ðẻ lại bên đường mòn

Một dấu chân bước của

Một bàn chân bé con

Anh qua miền cao nguyên

Nhìn chân trời bữa nọ

Ðêm cuồng mưa khóc điên

Trăng cuồng khuya trốn gió

Mười năm sau xuống ruộng

Ðếm lại lúa bờ liền

Máu trong mình mòn ruỗng

Xương trong mình rã riêng

(Mưa nguồn)

Bùi Giáng có những câu thơ rất cao, rất tĩnh, rất sâu, thanh thản, gợi đến hư vô trong một không gian lãng mạn trữ tình, ít thấy xuất hiện trong thơ Việt.

Thưa em buổi trưa đi vào giữa lòng lá nhỏ

Tiếng kêu kia còn một chút mong manh

Dòng nức nở như tia hồng đốm đỏ

Lạc trời cao kết tụ bóng không thành

(hư vô và vĩnh viễn – Mưa nguồn)



Không gian Bùi Giáng, một cõi hư không đầy dấu hỏi, bồng bế nhau đi, năm này qua tháng kác, một cõi trùng sinh, di động luân hồi.

Những nhịp bước trên đường còn dội mãi

Vang về đâu không vọng lại hồi âm

Của réo rắt riên một lần mãi mãi

Gió phương trời ủ mộng giữa hoa tâm

Em hỏi mãi tuy biết lời đáp lại

Chảng bao giờ thỏa đáng giữa đời câm

Em ngó mãi những chiều về trở lại

Manh những gì về trong cõi trăm năm....

(Chiều – Mưa nguồn)

Từ Nguyễn Du, Bùi Giáng trích tạo nên một mô-típ bạc mệnh hiện đại, mầu sắc siêu thực, tài tử và tài hoa, môt chất thơ giao thoa Nguyễn Du Bùi Giáng

Lớp phiêu bồng mọc trăng ngàn

Thành xưa phố cũ muôn vàn phía sau

Ðạp thanh vẽ bóng lộn mầu

Góp dâng cữ gió nghiêng đầu sương mây

Ngõ ban sơ hạnh ngân đài

Cổng xô còn vọng điệu tài tử qua

Xin chào giữa bước chân ra

Chết từ sơ ngộ mầu hoa trên ngàn

(Mầu hoa trên ngàn)

Nơi Bùi Giáng còn một mô-típ bạc mệnh, cuồng khất, tổng hợp tính chất đoạn trường, tồn sinh, ngông ngôn, rất liều và rất loạn, mà cũng là vọng âm của niềm hoang mang tuyệt đối:

Hồng quần rất mực bước ra

Trường quần duệ địa phong hoa lá cồn

Phải rằng nắng quáng dập dồn?

Hay là đèn trút linh hồn oái oăm?

Phải là nguyệt giữa đêm rằm?

Nguyên tiêu lãng đãng lá nẳm ngẩn ngơ?

Kể từ hằng thủy ban sơ?

Kể từ sơ thủy về tờ vẽ trang?

Kể từ thu tạ lên đàng?

Rừng phong thu đã quan san nhuộm mầu?

Phải rằng đó trước kia sau?

Hay là sau trước còn tao ngộ gì?

(Con đường ngã ba)



*



Nhưng bi kịch của Bùi Giáng là ông lập lại mình.

Trong gần nửa thế kỷ làm thơ, Bùi Giáng để lại hàng ngàn bài, có những câu thơ tuyệt hay, nhưng chính sự lập lại những khám phá ngôn ngữ buổi đầu khiến thơ ông trở thành khuôn sáo, về mặt từ ngữ cũng như tư tưởng. Những dạ thưa, tồn sinh, trùng lai, phố thị của Bùi Giáng, tà huy của Nguyễn Gia Thiều, mù sa, trăm năm của Nguyễn Du... ban đầu làm xuyến xao người đọc: Em về rũ áo mù sa, Trút quần phong nhụy cho tà huy bay. Nhưng vì lập lại nhiều lần chúng bị phá giá. Hiện tượng phá giá này có mặt ngay ở những tác phẩm đầu và chủ yếu của Bùi Giáng.

Từ Mưa Nguồn, Lá Hoa Cồn, năm 62, 63 đã thấy xuất hiện tính chất đoạn trường, tồn sinh nhu tinh thần chínhtrong tư tưởng của Bùi Giáng: Nguyễn Du, Tản Ðà gặp gỡ Heidegger, Breton phóng sinh một tạng chán đời mới lạ. Bài Rượu Uống trong Lá Hoa Cồn, một thứ đoạn trường ngông rất lãng mạng siêu thực, tiêu biểu cho tính chất lang thang trong cấu trúc thơ Bùi Giáng:

Thưa em rượu uống bây giờ

Là trăm năm gục hai bờ tử sinh

Ðộng hờ hững chúa điêu linh

Em làm Hoàng Hậu mọc tình cỏ phơi

Nhà ma cửa quỷ đi đời

Chìm hơi thở đục trong lời xuân xanh

Càn khôn xiêm mỏng che mành

Về trong thiên hạ em thành thiên thân.



Thưa em rượu uống bây giờ

Là thiên cổ lụy còn trơ bên mình

Tài hoa tiếng vọng điêu linh

Phạm Ðan Phượng chết theo Quỳnh Như sao.

Thưa em từ bữa nghiêng chào

Chớm trang đầu chợt sóng trào trường giang

Em đi rắc lá trên đàng

Cỏ xanh rì mọc suốt càn khôn kia

Mùa xuân mưa rưới mộng lìa

Về trong nắng hạ mép bìa sai bâu

Thưa em rượu uống bây giờ

Là trong lát nữa lên bờ đuổi ma

Chạy quang cồn cụm lá già

Rách như bươm suốt ruộng sa mạc đồng

Càn khôn gió đổ chất chồng

Rú như beo rống như hùm đổi hang

Trên rừng dưới lũng tan hoang

Vẫ sừng sững bóng chắn ngang quỷ sầu



Thưa em rượu uống bây giờ

Là trong lát nữa trăng mờ hỏi ma

Hỗn mang về giữa hiên nhà

Bây giờ cố quận tên là chiêm bao

Nhìn nhau trong lũy ngoài hào

Lời phôi dựng một điệu chào dị sai

Trên đầu thế kỷ chia hai

Nguồn man mác lạnh tìm ai bây giờ



Thưa em rượu uống bây giờ

Là thiên thu lại còn trơ hận trường

Chung cầm dâu biển khôn lường

Chân trời mộng lý con đường chia ba

Nam đình doanh trại dàn qua

Trống chầu trùng ngộ thưa là không mong

Hoạt tồn phát tiết sầu đong

Tràng giang thế kỷ xô dòng xuống lên.

Thưa em rượu uống bây giờ là điệp khúc mấu chốt dẫn đến câu thơ thứ nhì: Là trăm năm gục hai bờ tử sinh. Cả hai nằm trong cầu trúc song song, tổng hợp quan niệm ngông, đoàn trường và hiện sinh toàn bài. Câu ba, câu bốn: Ðộng hờ hững chúa điêu linh, Em làm Hoàng Hậu mọc tình cỏ phơi, đệm thêm chất lẵng lơ dục tính, nhưng được loãng đi vì loại hình này được Bùi Giáng dùng nhiều. Rồi chìm hơi thở đục trong lời sương xanh, một câu rất hay bị đặt bên một câu lãng xẹt: Nhà ma quỷ đi đời. Nếu chúng ta đọc đến nhịp thơ thứ nhì:

Thưa em rượu uống bây giờ

Là thiên cổ luỵ còn trơ bên mình

Cũng vẫn thấy nguyên những nhược điểm như nhịp thơ đầu, tức là trong phần thơ đệm có những vội vàng, dễ dãi, ghép chữ, ghép ý rất sáo: Tài hoa tiếng vọng điêu linh, Phạm Ðan Phượng chết theo Quỳnh Như sao.

Ở những nhịp sau, thì ngay chính điệp khúc mấu chốt:

Thưa em rượu uống bây giờ

Là trong lát nữa lên bờ đuổi ma

Thưa em rượu uống bây giờ

Là trong lát nữa trăng mờ hỏi ma

Thưa em rượu uống bây giờ

Là thiên thu lại còn trơ hận trường

Ðã có sự lập lại chính mình như thế, như thể nhà thơ tiện tay bắt được chữ nào vội bỏ ngay vào lục bát, không màng nhìn lại những câu thơ đầu nữa.



*

Tất nhiên láy là một quy ước rất thường trong thi ca. Nhưng láy chỉ làm tăng giá trị thơ khi nó dưa đến những dồn dập hoặc trong cảm xúc, hoặc trong nhịp điệu, hoặc trong sinh động... Tức là láy phải đưa tới một trạng thái căng thẳng, tới một vận tốc khác trong tiến trình âm và ý.

Ví dụ:

Này chồng , này vợ, này cha

Này là em ruột này là em dâu

Là một trong cách láy của Nguyễn Du, vừa tăng vận tốc miêu tả, vừa gia tốc sức ép của hiện thực, rành rành, chính xác, chỉ mặt, chỉ tên.

Hoặc:

Làm cho cho mệt cho mê

Làm cho đau đớn ê chề cho coi

Láy ở đây lũy thừa mật độ ác liệt của Tú Bà, hoặc:

Buồn trông cửa bể chiều hôm

Thuyền ai thấp thoáng cánh bưồm xa xa

Buồn trông ngọn nước mới sa

Hoa trôi man mác biết là về đâu

Mỗi lần láy là một lần Nguyễn Du chuyển cảnh, chuyển tình.

Sự láy lại, nơi Bùi Giáng, rất thường khi chỉ là láy dập dình tại chỗ, láy lười, thấy hợp vần, tiện thể thì láy. Láy hồ đồ ít khi mang tới trạng thái mới, cảm xúc mới, hoặc một sức ép gia tăng, mà chỉ cho ta một cảm tưởng dằng dai, lai tạp:

Hãy mang tôi tới giữa đời

Giết tôi chết giữa cõi đời mốc meo

Hãy mang tôi tới nắng chiều

Giết tôi chết giữa một chiều khe mương

Hãy mang tôi tới dặm trường

Giết tôi chết giữa con đường bơ vơ

Hãy mang tôi tới bất ngờ

Giết tôi ngẫu nhĩ trong giờ ngẫu nhiên

Hãy mang tôi tới diện tiền

Giết tôi chết giữa người thuyền quyên kia

(Sa mạc trường ca, Cầu nguyện Ca)

Jacques Brel, năm 1966, khi tuyên bố ngừng hát ở tột đỉnh danh vọng, trả lời câu hỏi: “Tại sao ông ngừng hát lúc này?” Brel bảo: “Tôi ngừng vì muốn giữ lòng ngay thẳng với thính giả và với chính mình. Bởi vì khi người nghệ sĩ như tôi, đã nắm vững được tất cả những yếu tố kỹ thuật làm lay động lòng người, thì đó sẽ có khuynh hướng ăn gian (tricher), phong tỏa người nghe bằng tất cả những kỷ sảo của mình, và khi tôi biết mình sắp đi đến chỗ bước vào kỷ sảo, tôi ngừng” Tất nhiên, Brel chỉ ngừng hát hai năm và năm 68, khi ông trở lại với âm nhạc, đã với một tinh thần khác, hẳn Brel biết mình đã đoạn tuyệt được với ý định dùng kỷ sảo để thu phục lòng người. Và Brel ở lại với âm nhạc thêm sáu năm nữa.

Ở Bùi Giáng hình như không có sự tự giới ấy. Cho nên, biết bao lần người đọc tiếc, giá Bùi Giáng đừng ham chơi, chịu khó dừng lại ở chỗ đáng dừng để những câu thơ sáng giá hơn như:

Bụi thu mờ ai phủi với hai tay

Hoặc:

Em về mấy thế kỷ sau

Nhìn trăng có thấy nguyên màu ấy không

Ta đi còn giữ đôi giòng

Lá rơi có dội ở nơi sương mù

Khỏi bị lọt vào khu rừng hoang, ôm đồm những lời thơ vội vàng, mọc lên như cỏ dại.



*



Ám ảnh đoạn trường, tư tưởng và ngôn ngữ Nguyễn Du theo đuổi Bùi Giáng suốt đời. Những tập thơ mới nhất, in ở hải ngoại những năm gần đây càng lộ rõ. Trong những cuốn thơ Bùi Giáng (sđd), Bùi Giáng 94 (in tại California năm 95), và một phần tập Chớp Biển (sđd), Bùi Giáng tìm về người thầy Nguyễn Du như một cứu cánh. Hầu như mỗi bài thơ của ông đều có ít nhất một chữ hoặc một câu của Nguyễn Du. Và cấu trúc toàn bài thường dựa vào ý một câu Kiều:

Rằng xưa ký ức đàn bà

Tên là phụ nữ, tuổi là dấn thân.

.... Trước đèn một tập mở ra

....

Biển dâu lục địa cõi mièn

....

Cảo thơm lần giở gió giăng dậy thì

Ám ảnh “mù sa”, ám ảnh “chỉn e” ám ảnh “vân mòng”, mai sau”, “trăm năm”, ngẫu nhĩ”, “phong tình”, “cổ lục”, “dặm về”, “tử sinh”... trở thành lớp da thứ nhì của Bùi Giáng:

Rừng phong thu đã nhuốm màu

Quan san ngần ấy tư trào ngần kia

....

Chốn nào mộng mị chiêm bao

Chốn này tỉnh táo tiêu tao vân mồng

Từ cảnh sang tình, từ mơ sang thực, ám ảnh ngông ngữ trở thành ám ảnh tư tưởng. Bùi Giáng đã cạn dần hồn mình và sống hồn Nguyễn Du trong đoạn cuối đời:

Em đi từ tỉnh mộng đầu

Một mình anh ở mang sầu trăm năm



Em từ vô tận xa xăm

Trùng lai chất vấn: Từ trăm năm nào?

Những câu hỏi mà Bùi Giáng trải suốt đời thơ, thắc mắc, tìm kiếm, đặt nghi vấn về cỏi đi cõi ở, cõi có, cõi không, biết đâu hôm nay Bùi Giáng chẳng đã tìm được Nguyễn Du ở một cõi trùng lai nào đó, và ông đang chất vấn người thầy về nỗi đoạn trường ấy, từ trăm năm nào?

THỤY KHUÊ

Tháng 10/1998
Pearl
#13 Posted : Thursday, February 3, 2005 10:28:23 AM(UTC)
Pearl

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 37
Points: 0

Cấu trúc cách ly trong Ngó Lời của Lê Ðạt

Thụy Khuê



Ở Sénégal, với mẩu gỗ mun, người ta có thể tạo ra trăm nghìn hình tượng nghệ thuật. Trong tranh thủy mạc, chỉ với vài nét, họa sĩ có thể phác cả vũ trụ càn khôn. Dường như đó là những bí quyết tiết kiệm của nghệ thuật nhà nghèo và là bửu bối của những ai đã từng chán ngấy xài sang: Xài sang chất liệu, xài sang thời gian, xài sang chữ nghĩa... Thơ Ðường, với những chữ tầm thường, số chữ giới hạn mà có thể tạo sinh những biến ảo vô hạn giữa cảnh và tình.

Lê Ðạt tìm đến nghệ thuật nghèo -art pauvre- như một phương tiện ngó lời:

Vườn nắng mắt gió bay mùa hoa cải
Bóng lá răm ngày Phả Lại đắng cay
(Phả Lại, Ngó Lời, trang 18)
Hai câu tám chữ, tổng cộng 16 chữ. Trong 16 chữ này không có chữ nào bóng bẩy, mạ kền, không có chữ sang, chữ diện, toàn những chữ tầm thường mà ta có thể bắt gặp ở bất cứ ngõ ngách nghèo nàn nào trong chợ chữ. Nhưng nếu thử vài động tác chuyển hoán vị trí của chúng trong hai câu:
Vườn nắng mắt gió bay mùa hoa cải
Bóng lá răm ngày Phả Lại đắng cay
thành:
Vườn lá răm gió bay mùa hoa cải
Bóng ngày phả lại nắng mắt đắng cay
hay:
Bóng nắng mắt răm gió ngày phả lại
Vườn lá bay mùa hoa cải đắng cay
Vườn mắt bay mùa hoa ngày phả lại
Nắng bóng răm gió lá cải đắng cay

Mắt ngày đắng cay bay mùa hoa cải
Phả lại vườn răm bóng lá gió bay

Ðắng cay hoa cải nắng gió Phả Lại
Vườn răm mùa lá ngày bóng mắt bay

Ðắng cay lá răm nắng ngày phả lại
Vườn mùa hoa gió bóng cải mắt bay

Ðắng cải cay hoa mắt ngày mùa nắng
Lá vườn phả bóng gió lại răm bay
v. v...

Tính theo toán học 16 chữ này có thể hoán vị giai thừa (factoriel) 16 thành một tổng số khổng lồ những câu thơ khác nhau(1). Khi ấy sự biến hình của 16 chữ có thể trở thành vô tận và như thế hai câu thơ phả lại trên đây cho ta cái cảm tưởng không chỉ ngắm một vườn cải, vườn răm trong ngày nắng Phả Lại, mà dường như ta đứng trước một không gian ảo: thiên nhiên mang tâm cảm và thị giác con người đang phân thân làm nhiều mảnh, rồi tự xếp lại thành những cảnh khác, những tình huống khác, cứ như thế, như thế... Từng mảnh cảnh và tình tự do tung bay như tranh Chagall dưới sự hướng dẫn của một nhà ảo thuật vô hình: Tụ hợp, ly tan không ngừng trong khoảnh khắc không gian và thời gian lạc mất và tìm lại trong nhau.
Ðó là sự cách tân mới nhất trong phép tạo hình thơ Lê Ðạt.
*
Dưới dạng tung bay nhẹ nhàng như đùa nghịch, chơi chữ, thơ haikâu của Lê Ðạt mang một quá trình tìm tòi sâu xa và cá biệt, một sự bắc cầu giữa xưa và nay, trong cấu trúc hình thức và triết lý thi ca. Lê Ðạt đã vượt qua những trở lực của dấu trong tiếng Việt, của trật tự chữ trong câu (dấu có nhiệm vụ phối âm và nhạc tính trong câu phụ thuộc vào trật tự chữ). Ông đã phá câu, xé chữ để sáng tạo một lối nói mới một cách ngó lời , trong cấu trúc cách ly tạo sinh toàn diện.

Nếu ở Bóng Chữ, đã có những biến ảo chữ (mỗi chữ giấu những bóng mình) trong cách trượt âm, trượt nghĩa. Nếu ở Bóng Chữ đã xuất hiện cấu trúc sóng ngang (tức là một câu thơ có thể biến đổi tùy theo những cách ngắt câu khác nhau). Thì ở Ngó Lời, ngoài biến tấu bóng chữ, biến tấu sóng ngang, các sóng chéo, xiên, trên, dưới, ngang, dọc, đều có thể giao nhau. Sự hoán vị trở nên bất kỳ khiến tính cách tạo sinh mở ra toàn diện: Với số chữ giới hạn (16) nhưng âm, ảnh và ý có thể biến đổi gần như đến vô cùng. Cho nên, những câu thơ như:

Trang thiên thanh ấp xanh mùa cốm tiếc
Thư ủ tình thu ép biếc hơi hương
(Thư xưa, trang 49)
không chỉ có một kiếp sống, mà chúng có thể có những kiếp sống khác, tùy theo sức tạo sinh của người đọc:
Trang thư ủ tình thu mùa cốm biếc
Ấp thiên thanh xanh ép tiếc hơi hương
Biếc trang tình ép thu xanh mùa cốm
Tiếc hơi hương ủ ấp thu thiên thanh
...

Lê Ðạt gọi thơ ông là haikâu, có lẽ để phân biệt với hai câu hiểu theo nghĩa thông thường, vì ẩn sau mỗi haikâu, còn có những hai câu thơ khác chưa khám phá. Ngó Lời ẩn cả bóng chữ lẫn bóng câu.
Trong văn học hiện đại, người ta thường đề cao vai trò của người đọc như một đối tác văn học trực diện với tác phẩm. Nhưng thực ra không phải tác phẩm nào cũng cho người đọc cái quyền liên danh với tác giả. Với những câu thơ cổ điển như:

Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa
(Nguyễn Du)
hoặc hiện đại như:
Vậy sao em lại ngủ
ngủ trong lòng mộ trong nghĩa địa thân thể anh
với áo cỏ may châm da thịt
(Thanh Tâm Tuyền)
thì người đọc chỉ có thể nghiêng mình, tiếp nhận cảnh tình, mà không thể tiếp tục tạo sinh ra những câu thơ mới, như với:
Thê Húc dáng cong bước chiều ký ức
Trang mây bay Bút Tháp mực xanh ngày
(Hồ chiều, trang 96)
Ký ức chiều ngày bước cong Thê Húc
Mực xanh bay bóng Tháp Bút trang mây

Thê Húc mây bay bước chiều ký ức
Bút Tháp cong trang dáng mực xanh ngày
......

Thơ haikâu của Lê Ðạt không phát sinh từ haiku của Nhật Bản mà gần gụi với tinh thần phá câu của Mallarmé và tính chất độc lập chữ trong thơ chữ Hán. Trước khi là một dấu hiệu chỉ định sự vật, chữ Hán đã mô tả sự vật bằng đường nét: Mỗi chữ là một đồ hình. Bản thân chữ Hán là những bức hoạt họa phối âm, có khả năng tự túc, độc lập với những chữ khác. Ví dụ câu thơ Thiên địa phong trần của Ðặng Trần Côn, tức Trời - đất - gió - bụi là 4 chữ độc lập. Ðây không phải là một câu thơ (hiểu theo nghĩa cổ điển: Câu có chủ từ, động từ, tĩnh từ) mà là nhiều câu thơ vì ta có thể đảo lộn trật tự 4 chữ : Ðất gió bụi trời, trời bụi gió đất... không hề gì. Nhưng khi Phan Huy Ích chuyển sang tiếng Việt thành Thuở trời đất nổi cơn gió bụi thì chỉ còn có một câu thơ hay và chỉ một mà thôi: câu thơ Việt không thể đảo lộn trật tự như câu thơ chữ Hán (không riêng gì Phan Huy Ích, mà hầu như bất cứ ai dịch thơ Ðường, dù là dịch hay, cũng làm mất tính cách độc lập chữ trong câu thơ chữ Hán).
Lê Ðạt dường như có ý muốn phá vỡ trật tự này. Ông phá câu tiếng Việt, ông cởi trói thơ ông khỏi hình thức câu, để đi đến câu bất định: Một cấu trúc cách ly toàn diện.

Ðương nắng đường rùng lạnh cũng có thể là: Ðường nắng đương rùng lạnh hay Rùng lạnh đường đương nắng, vv... Với thủ pháp này, nhà thơ độc lập và dân chủ hóa mỗi chữ; nói khác đi ông tháo chữ ra khỏi phép đặt câu theo văn phạm cổ điển (mỗi chữ có một chức vụ cố định trong câu). Ông đưa chữ ra khỏi lãnh vực quan liêu để đạt tới sự bình đẳng bình quyền: Mỗi chữ đều đắt giá như nhau, đều tự do đi lại trong kâu. Có thể đó là một hình thức thực hiện dân chủ và nhân quyền trong trận đồ chữ nghĩa của Lê Ðạt. Chữ trở thành một sinh thể tự do hành động và di động. Ở mỗi vị trí khác nhau, chúng tạo nên những môi trường khác, những tình huống khác. Chữ là hóa thân của con người. Mỹ học bỗng mang đậm một tính đạo đức học sâu nặng.

*

Có thể xem thơ Lê Ðạt như những bức họa mang đường nét "thiên di", chuyển từ hữu hình sang vô thể, từ vô thể trở lại hữu hình. Chuyển từ phong cảnh sang tình cảnh, từ vật chất sang con người trong luân hồi giữa mơ và thực, phối hợp không gian, thời gian và khoảnh khắc:

Tháp Gô tích núm đồi trưa thở nắng
Chuông ngân chim thân trắng bướm cựa mình
Lửa gạo thắp hoa đèn soi cỏ lạ
Mây Sơn Tinh nước cả ngã ba tình
(Trung du, trang 25)
Ðây là phong cảnh trung du trải dài trong không gian và thời gian? Ðây là trận bão tình Sơn Tinh - Thủy Tinh trong một thời cổ tích? Hay đây là khoảnh khắc khỏa thân hiện hình của người kiều nữ trong những truyền thuyết muôn đời? Tính chất di động từ thực tại hữu hình chuyển sang ảo ảnh, từ tâm cảnh sang tâm linh, sang những chuyển biến vô hình, siêu hình, phải chăng là cuộc hành trình trong vô thức, giữa mơ và thực, giữa thức và tỉnh, mà có lần Lê Ðạt gọi là hội chứng từ thức:
Khuya mõ đoạn tình, kinh thoát tục
Thơ trang ngân tâm từ thức lụy trần
Ai gõ mõ, ai đoạn tình, ai đọc kinh, ai thoát tục? Ai làm thơ, ai từ thức, ai lụy trần? Ai thanh, ai tục? Ai tỉnh, ai mơ?...
*

Chênh vênh giữa nhiều biên địa, Ngó Lời là sự hiện diện và gặp gỡ của những vắng mặt: Cổ thi, Ðường thi, ca dao, Nguyễn Du, Mallarmé, Desnos, quá khứ, kỷ niệm, ước hẹn, bội thề... trong một ngôn ngữ tình đã được giải phóng:

Tàu đắm hẹn bội thề lênh láng biển
Trắng tinh bờ mộng thải nhiễm ô mơ
(Ô nhiễm, trang 139)
Từ một ngoại cảnh thời sự: tàu đắm, ô nhiễm biển của thời nay, Haikâu như vết dầu loang dần trên mặt sóng, chuyển sang tâm cảnh của những hẹn biển thề non, của những giấc mơ ô nhiễm, của những tinh mộng láng lênh, của những bội ước bội thề...
Hay từ một huyền thoại thời danh:
Tóc phong lan cổ bạch đàn tích sóng
Mắt thoại huyền sông chén ngấn hò khoan
(Thoại huyền, trang 37)
Người đẹp trong tranh ngập ngừng bước ra, bỗng vỡ tan như mảnh gương bội ước; như những con chữ bội tình vừa hội tụ nên hình hài nàng trong giây lát đã vội chia tay để đi tìm những thoại huyền chưa biết, những tích cổ chưa hay của những lan phong tóc, những thoại bạch đàn, những sông sóng mắt, những mắt hò khoan, những cổ ngấn đàn...
Từ hận vạn cổ, trăng Khuất Nguyên xưa, thoát thai:
Bóng cá dạ trăng buồn quẫy nước
Dằng dặc tình tăm chữ giải oan
(Khuất Nguyên, trang 80)
Hay câu thơ Ðỗ Phủ, biến thành:
Ðôi bóng câu huyền cong biếc liễu
Một hàng cười trắng thẳng thanh thiên
(Xuân Ðỗ Phủ, trang 83)
Nhà thơ hẳn đã nắm bắt được cái "khoảnh khắc" bây giờ và ở đây, cho nên ông tạo điều kiện gặp gỡ giữa xưa và nay, để những bóng cá, dạ trăng oan khuất năm xưa, có dịp giải oan cho những hận tình chưa ngó, để những hàng cười trắng bây giờ có thể thăng thiên lên bầu trời xanh xưa sau.
*

Tính cách trữ tình và lãng mạn không lộ mà như đã nhỏ thành mật tố, ngấm vào chữ rồi sao lên, khiến các con chữ ráo hoảnh, chúng như chưa hề đẫm lệ bao giờ. Có vẻ hờ hững, thản nhiên, vô tình, nhưng thực ra chúng đã nhiễm tình từ tâm, lụy tình từ kiếp trước, đã đam mê hơn một lần đời và đã vượt khỏi nhục cảm đời thường để đi vào xác thân ái ân đời chữ, khiến mỗi kết hợp hôm nay đều phát ra một tình trường, một từ trường, tĩnh lặng mà vô cùng đau thương và dậy sóng:

Người đẹp lẩn khe hai hàng chữ tối
Thủ thư mù lần lẻ một lối mê.
(Borges, trang 84)
Hành động thơ trong Ngó Lời chủ yếu là một hành trình vào tình vừa cách ly, vừa hội tụ. Người thơ nhờ cậy vô thức phát lộ những khoảnh khắc khác nhau của một đời tình, của nhiều đời tình, của một nền văn hóa, của nhiều nền văn hóa, những ngọn lửa đam mê,... và cắt ra những hình tượng, những mảnh puzzle ghép lại thành thơ trong một công nghệ sinh học chữ đặc biệt. Nhưng mỗi yếu tố vẫn còn mang trong mình những vết thương quá khứ, chưa hết lụy tình mà đã hồi sinh, chúng đem vào đời mới những niềm đau cũ:
Tim lặng lạnh gốc bồ đề mưa cũ
Chim gõ mõ kiếp xưa chưa hết rũ lụy tình
(Chim gõ mõ, trang 48)
*
Chúng ta sinh ra trong cô đơn, gián đoạn và chết đi trong gián đoạn, cô đơn. Mỗi cố gắng "giao lưu" với kẻ khác dường như chỉ là ảo tưởng. Ở chóp đỉnh của hạnh phúc, hai cá thể cũng không biết những gì đang xảy ra trong nhau, bởi đau không thể chia, sướng không thể sẻ, bởi không có cầu "thông thương" trực tiếp và liên tục giữa con người.
Những bắt gặp cảm thông, nếu có, chỉ là những tíc tắc tức thời, những lóe chớp ngộ tình, như những tia lửa sáng tạo sinh rồi tắt. Bachelard có lần đề nghị: Nếu chúng ta thử nhìn lại tư tưởng của mình, sẽ thấy chúng không ngừng bị xóa theo mỗi khoảnh khắc trôi đi.

*

Mỗi khoảnh khắc ra đi mang theo những mẩu sinh mệnh tư tưởng chưa kịp thành hình mà đã tàn lụi. Nhưng thời gian cũng chỉ là một chuỗi dài những khoảnh khắc chết yểu. Thời gian vừa là nghĩa trang, vừa là cái nôi của những tích tắc tức thời. Thời gian mang tính chất đứt đoạn của cuộc đời, và mỗi khoảnh khắc là một cô đơn, chia biệt, giam cõi âm trong lòng, bởi còn đang sống nó đã chết. Khoảnh khắc tựa như định mệnh của con người: Sống để tiến về cái chết, và nó cũng gắn liền với trực giác sáng tạo, cũng lóe lên rồi cũng tắt lụi, nếu con người không kịp thời ghi lại bằng chữ. Chữ chính là thịt xương của những sinh mệnh tư tưởng lóe lên trong khoảnh khắc.

Chữ chính là chứng từ của những mẩu tư tưởng đã qua đời :"Heo may từ xao xác nghĩa trang già" (trang 80). Chữ cũng mang định mệnh gián đoạn và cô đơn của khoảnh khắc, của đời người, nhưng chữ sống sót, chữ không bị thời gian xóa đi như xác thân hay khoảnh khắc

Trăng liêu trai hoa cửa trang không ngủ
Tự vị ma về chữ dụ mộng du
(Chữ khuya, trang 85)
Chữ là thuật cho phép người sống sống với người chết, cho chúng ta hôm nay sống với Nguyễn Du, Lý Bạch, Tản Ðà hôm qua, trong những khoảnh khắc đang trôi, kéo theo những chia ly cách biệt.
Lê Ðạt gắn bó sâu xa với ý niệm thời gian, khoảnh khắc, với tình yêu, sự sống và sự chết, hẳn không khỏi nghiệm suy về những mất mát trong phút giây đang sống.
Hành động cách ly và tạo sinh con chữ, đem nó ra khỏi từ trường liên tục của những câu thơ có văn phạm, phải chăng, ở đây không chỉ là sự cách tân hình thức ngôn ngữ thơ, mà còn là sự thực hiện tự do và cũng là một cách tìm mình, tìm đến tận nguồn của những cô đơn gián đoạn trong sự sống; tìm cách hồi sinh những phút giây sáng tạo hiếm hoi trong đời để kết thành một xâu chữ -tình- thoát khỏi sự hủy diệt của thời gian? Nhà thơ vĩnh viễn là một kẻ lang thanh trang lần quê chữ tìm mình (trang 122). Họa hằn cũng có lần nhà thơ du cư kia may kỳ ngộ một khoảnh khắc vĩnh cửu.
*

Nặng nợ với chữ, với tình, vỡi chữ tình và tình chữ, thơ Lê Ðạt gánh những kiếp tình, nổi, chìm, lỡ, mòn, thề, bồi, lầm, lỗi... trong mỗi hóa thân chữ.

Ðất lở đá mòn một hai chìm nổi
Thề bồi lời cát lỗi phải lầm sông
(Thề bồi, trang 125)
Lửa Ngó Lời thầm thì trong bóng câu bóng chữ, rủ người đọc mộng du trong cõi có có không không, kết hợp không gian thời gian trong những sát na hò hẹn, chia ly, bùng lên rồi tắt lịm, khâm liệm một vũ trụ nhớ thương, đắm say, cô đơn, gián đoạn, phân kỳ, mà hồn chữ thể hiện và hồi sinh những chứng tích của sự sống tưởng đã chết trong con người.
Thơ Lê Ðạt tỉnh táo mà đam mê, xót xa và hy vọng; dường như bình thản, vô tâm, nhưng đến được chỗ vô tâm có đâu là dễ? Chẳng đã trải bao hành hương trắng mộng?
Ai đốt rừng cho gỗ tiêu tâm (trang 60)
Cảm ơn chữ đã không phụ nhà thơ và nhà thơ đa mang đã trả lại cho tim ta những kỷ liệm vùi nông chân lộ úa tình (trang 164) trong một thoáng ngộ yêu:
Một huệ tình ơn chữ ngộ thừa yêu (trang 176)
Yên Cơ, Giáng Sinh 1997

Chú thích

1 hoán vị g(i)ai thừa 16! = 1x2x3x ... x16 = 20.922.789.000, gần 21 tỷ.

© 1991-1998 Thụy Khuê
PC
#14 Posted : Friday, July 3, 2009 4:58:33 AM(UTC)
PC

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,668
Points: 25
Woman

Was thanked: 4 time(s) in 4 post(s)
Võ Phiến

THỤY KHUÊ Chủ Nhật, Ngày 5 tháng 4-2009


Tiểu sử

Võ Phiến tên thật là Đoàn Thế Nhơn, bút hiệu khác: Tràng Thiên. Ông sinh ngày 20/10/1925 tại làng Trà Bình, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Cha là Đoàn Thế Cần làm giáo học, mẹ là Ngô Thị Cương. Võ Phiến có người em ruột là Đoàn Thế Hối, sinh năm 1932, sau này ra Bắc tập kết, cũng là nhà văn bút hiệu Lê Vĩnh Hoà. Khoảng 1933, cha mẹ xuống Rạch Giá lập nghiệp đem Đoàn Thế Hối theo; Võ Phiến ở lại Bình Định, sống với bà nội, học trường làng, trung học ở Quy Nhơn. 1942 ra Huế học trường Thuận Hóa và bắt đầu viết văn. Bài tùy bút đầu tiên tựa đề Những đêm đông viết năm 1943 đăng trên báo Trung Bắc Chủ Nhật, ký tên Đắc Lang.

1945, Võ Phiến gia nhập bộ đội trong một thời gian ngắn, sang 1946 ra Hà Nội học trường Văn Lang; đến tháng 12/1946, trở về Bình Định tham gia kháng chiến, sang năm 1947 về làm thuế quan tại Gò Bồi. Năm 1948, ông kết hôn với cô Võ Thị Viễn Phố (Võ Phiến là Viễn Phố nói lái) và ông dạy học ở trường trung học bình dân Liên Khu V. Cuối năm 1954, ông ra Huế làm việc tại Nha Thông Tin ít lâu rồi xin chuyển vào Quy Nhơn, tại đây ông tự xuất bản hai tác phẩm đầu Chữ tình (1956) và Người tù (1957), gửi bài đăng trên hai tạp chí Sáng Tạo và Bách Khoa. Từ tác phẩm thứ ba Mưa đêm cuối năm (in năm 1958, tại Sàigòn), Võ Phiến bắt đầu nổi tiếng, ông xin đổi vào làm việc tại Sài Gòn, cộng tác thường xuyên với các báo Sáng Tạo, Thế Kỷ 20, Văn, Khởi Hành, Mai, Tân Văn... và trở thành một trong những cây bút chính của tờ Bách Khoa, cùng với Nguyễn Hiến Lê, Vũ Hạnh v.v... 1962, Võ Phiến lập nhà xuất bản Thời Mới.

Rời nước một tuần trước ngày 30/4/1975, một thời gian sau ông định cư tại Los Angeles, làm công chức thuế vụ.

Võ Phiến là một trong những người đầu tiên có công xây dựng nền văn học Việt Nam Hải Ngoại, chủ trương tập san Văn Học Nghệ Thuật từ 1978 đến 1979, rồi từ 1985 đến 1986. Tờ Văn Học Nghệ Thuật của Võ Phiến là nguyệt san văn học có uy tín đầu tiên tại hải ngoại, là tiền thân của tờ Văn Học mà sau này Nguyễn Mộng Giác tiếp nối. Văn Học Nghệ Thuật đã mở dầu cho một trào lưu văn học đích thực mà sau này trở thành Văn Học Việt Nam Hải Ngoại, hội tụ những cây bút cũ và mới, tạo ra một lớp người viết và người đọc tham dự vào văn chương tiếng Việt.

Từ tháng 7/1994, Võ Phiến nghỉ hưu nhưng vẫn viết, hiện ông sống tại Quận Cam, California, Hoa Kỳ.

Ông là tác giả của trên dưới 30 tác phẩm gồm đủ mọi thể loại: thơ, truyện ngắn, truyện dài, tùy bút, tiểu luận, tạp luận, biên khảo, phê bình, dịch thuật.

Tác phẩm đã in:

Tiểu thuyết: Giã từ (Bách Khoa, Sài-gòn, 1962), Một mình (Thời Mới, 1965), Đàn ông (Thời Mới, 1966), Nguyên vẹn (Người Việt, California, 1978).

Truyện ngắn: Chữ tình (Bình Minh, Quy Nhơn, 1956), Người tù (Bình Minh, 1957), Mưa đêm cuối năm (Tự Do, Sài-gòn, 1958), Đêm xuân trăng sáng (Nguyễn Đình Vượng, 1961), Thương hoài ngàn năm (Bút Nghiên, 1962), Về một xóm quê (Thời Mới, 1965), Truyện thật ngắn (Văn Nghệ, California, 1991).

Tùy bút: Thư nhà (Thời Mới, 1962), Ảo ảnh (Thời Mới, 1967), Phù thế (Thời Mới, 1969), Đất nước quê hương (Lửa Thiêng, 1973), Thư gửi bạn (Người Việt, California, 1976), Ly hương (in chung với Lê Tất Điều, Người Việt, California, 1977), Lại thư gửi bạn (Người Việt, 1979), Quê (Văn Nghệ, 1992).

Tiểu luận: Tiểu thuyết hiện đại (bút hiệu Tràng Thiên, Thời Mới, 1963), Văn học Nga Xô hiện đại (Thời Mới, 1965). Tạp bút, ba tập (Thời Mới, 1965-66), Tạp luận (Trí Đăng, 1973), Chúng ta qua cách viết (Giao Điểm, 1973), Viết (Văn Nghệ, 1993), Đối thoại (Văn Nghệ, 1993).

Biên khảo: Văn học miền Nam tổng quan (Văn Nghệ, 1986), Văn học miền Nam, 6 tập, gồm 3 tập về truyện, 1 tập ký, 1 tập kịch - tùy bút và 1 tập thơ (Văn Nghệ, 1999).

Dịch thuật: Hăm bốn giờ trong đời một người đàn bà (Stéfan Zweig) (Thời Mới, 1963), Các trào lưu lớn của tư tưởng hiện đại (André Maurois) (Thời Mới, 1964), Truyện hay các nước, 2 tập, cùng dịch với Nguyễn Minh Hoàng (Thời Mới, 1965), Ông chồng muôn thuở (Dostoïevski) (1973).

Toàn bộ tác phẩm Võ Phiến được in lại trong Võ Phiến toàn tập, 9 cuốn (Văn Nghệ, 1993).

Võ Phiến không phân biệt rõ ràng giữa tiểu thuyết và truyện ngắn, giữa truyện ngắn và tùy bút. Truyện ngắn của ông thường là truyện dài viết ngắn. Có những truyện ngắn lại được ông xếp vào loại tùy bút. Cho nên việc phân chia thể loại trong tác phẩm của Võ Phiến chỉ có tính cách tương đối.

Tuy viết nhiều thể loại, nhưng sở trường của Võ Phiến là truyện ngắn, truyện dài và tạp văn (tiếng chúng tôi tạm gọi chung cho tùy bút, tạp bút và tạp luận của Võ Phiến). Thơ ông không quan trọng so với văn và ông cũng không chuyên về biên khảo phê bình.


*


Là một trong những nhà văn hàng đầu của miền Nam, Võ Phiến có chỗ đứng và lối sống biệt lập, không theo thời thượng. Nề nếp công chức, chừng mực, ít tham dự các phong trào đổi mới, không theo nhịp sống hoa lệ của Sài gòn ban đêm, ông viết: "Không có xi nê, đánh bài, bơi lội, cải lương... gì hết. Quanh năm tôi ít trông thấy Sàigòn ban đêm. Chỉ có đọc, và thỉnh thoảng thấy cần len lỏi, vu vơ trong các ngõ hẻm" (Tạp bút, trang 407).

Thời 55-60, những trào lưu mới của văn học Tây phương rất thịnh hành ở miền Nam, Võ Phiến đọc nhiều, ông nghiên cứu tiểu thuyết hiện đại và viết cả một cuốn tiểu luận về vấn đề này, nhưng trong sáng tác, ông không chịu ảnh hưởng rõ ràng một ai hoặc trường phái nào. Giữ phong cách một nhà văn độc lập, gần như cổ điển: ở truyện ngắn, truyện dài, giọng cân nhắc, chặt chẽ, mô tả tỷ mỉ, đôi chỗ tỏ ra quê mùa, khề khà thô vụng. Trong tùy bút ông buông thả hơn, giọng hóm hỉnh pha trò, có chỗ mỉa mai cay độc.

Ở miền Nam những năm 60, khi lớp trẻ đọc thơ Nguyên Sa, hát Tiễn em của Phạm Duy, Cung Trầm Tưởng... thì Võ Phiến đưa ra những nhân vật quê mùa, tầm thường, như anh Bốn Thôi, ông Ba Thê Đồng Thời, chị Bốn Tản, Bốn Chìa Vôi, những thân phận lạc loài, không hấp dẫn, chẳng ai bận tâm, mất thì giờ mô tả. Đó là những mảnh vụn, thừa thẹo của xã hội, sống âm thầm như chưa hề có mặt. Võ Phiến chiếu xuống từng mảng thân xác và tâm hồn ấy, ông banh bét ra, ông đi vòng vo quan sát, nhẩn nha trò truyện. Người nóng tính bực mình, chờ đợi một cái gì ghê gớm xẩy ra thì chẳng bao giờ thấy. Cho nên thời 55-75, ở trong nước, Võ Phiến không phải là một nhà văn ăn khách.

1975, di tản sang Hoa Kỳ, uy thế văn học của ông đổi khác. Người ta tìm đọc Võ Phiến. Trước hết, vì Võ Phiến là người tiên phong khơi lại nền văn học đang bị xoá sổ ở quê nhà; thêm nữa, nhà xuất bản Văn Nghệ của Võ Thắng Tiết in lại toàn tập Võ Phiến, trường hợp duy nhất tại hải ngoại, lần này sách bán chạy, nhiều người cầm bút hết lời ca ngợi. Nhưng lý do sâu xa nhất của sự biến đổi tâm lý trong lòng người đọc đối với tác phẩm của Võ Phiến là khi đã bị tróc rễ, đắm thuyền, mất hết cả, chỉ còn lại độc một chiếc áo vá trên vai, người ta mới thấy quý mến và trân trọng nó. Tác phẩm của Võ Phiến đối với người Việt di tản, như manh áo rách cuối cùng còn lại trên thân sau cuộc đổi đời, như bữa cơm đầu sau những ngày đói khát trên biển. Lạc loài, bơ vơ trên đất khách, không thể bám víu vào nguồn cội nào, những cụ già bị bấn ra khỏi nước đứng xếp hàng trước một tiệm chạp phô ở Paris để mua vài miếng trầu, miếng vỏ bỏ mồm. Trong cơn thèm khát quê hương thấu suốt thịt da, người ta chỉ còn biết bám vào hũ mắm cua chua, vào quả ổi tầu, vào chiếc bánh tráng Bình Định để ăn lai rai, ăn hàm thụ, mỗi ngày một miếng qua tác phẩm của Võ Phiến.


Tác phẩm của Võ Phiến chiếu vào phần u uẩn, khuất lấp trong tâm hồn những người dân tầm thường, quê mùa như ông Bốn Tản (Lẽ sống) chị Bốn Chìa Vôi (Chim và rắn), anh Bốn Thôi (Lại thư nhà), ông Ba Thê Đồng Thời (Giã từ), những thân phận lạc lõng, thừa thẹo, rách rưới, sống ngoài lề xã hội, trong một quê hương mà chiến tranh có thể tàn phá được tất cả, trừ những hũ mắm, những hạt trà... Đó là phần tinh túy nhất trong nước cốt quê hương, là mùi dân tộc mà nhà văn cất ra được dưới giọng văn khề khà, thô lậu, với nghệ thuật miêu tả tinh vi.

Những nhân vật của Võ Phiến khởi đi từ ký ức tuổi thơ của một cậu bé lớn lên trong thế giới đàn bà, bà nội và các cô, ở miền quê Bình Định; rồi từ Bình Định, phiêu bạt đi nơi khác, trôi dạt như chính bản thân ông trong các chuyến đi, chuyển nhà, chuyển ở.

Tác phẩm của Võ Phiến thầm kín nói lên những chua xót không nói ra được, làm bật những nín thinh của kẻ suốt đời tìm kiếm những mất mát của chính mình qua độc thoại mà không ai đối thoại. Tác phẩm của ông chiếu vào sự vong thân của con người khi phải bứt khỏi nguồn cội.


Ở những truyện thật hay như Người tù (1955), Dung (1956), Lỡ làng (1956), Anh em (1957), Thác đổ sau nhà, Lẽ sống (1958), Chim và rắn (1967), ... ông có cái nhìn soi mói vào những chỗ hiểm hóc nhất về tâm lý và dục tính của con người. Nghệ thuật của Võ Phiến chủ yếu nằm trong sự mô tả.

Ở những truyện Lỡ làng, Anh em, Thác đổ sau nhà, Lẽ sống, chân dung con người được hình thành qua những ẩn ức dục tính. Trong truyện Dung, ông mô tả những động tác của một nhân vật trong bữa ăn, và qua cách gắp, cách nhìn, cách lựa món, Võ Phiến làm bộc lộ cái bản năng sâu kín nhất của con người. Trong truyện Người tù, ông mô tả một thanh niên biết mình sắp chết nhưng chưa được hưởng lạc thú thể xác, kể ra những fantasme, những tưởng tượng, để lừa người nghe và lừa mình. Truyện Chim và rắn mổ xẻ sự xuống cấp dần dần của một người đàn bà quê mùa tốt bụng ngây thơ như chim, sau nửa thế kỷ lặn lội trong chiến tranh và thù hận, trở thành rắn.

Con người luôn luôn muốn che đậy sự thật về mình, giấu mình dưới vỏ bề ngoài. Võ Phiến có khả năng lật tẩy cái bên trong con người bằng cách chỉ nhìn và ghi những gì phát tiết ra ngoài. Những ám ảnh nội tâm, những mặc cảm, những bản năng, những khát vọng... chẳng qua chỉ là phần chìm của tảng băng mà bề nổi có thể chụp bắt được. Nhưng phải làm sao chụp đúng lúc, phải bắt quả tang. Võ Phiến luôn luôn bắt quả tang đúng lúc cái giây phút con người sơ hở để lộ mặt thật của mình. Người ta thường nói Võ Phiến sắc sảo: sự sắc sảo của ông chính là ở chỗ đó: Ông bắt trúng, bắt quả tang, trong khi người khác cũng rình mà đôi khi không bắt được gì cả.


Nhà văn duy vật, vô thần

Sự mô tả chi li và ẩn ức tính dục

Truyện của Võ Phiến chiếu vào nội tâm u uẩn của con người, bằng nhiều cách, qua hai lối viết khác nhau: Giai đoạn đầu, truyện viết theo lối cổ điển, nhà văn đứng ngoài mô tả. Giai đoạn sau, ông vào trong da thịt của nhân vật.

Tâm lý là phần sâu nhất trong tác phẩm của Võ Phiến, nhưng ông không phân tích tâm lý theo lối truyền thống, mà trình bày theo lối hiện đại, tức là tâm lý được phát hiện qua cử chỉ, qua cách ăn nói, qua hành động và thái độ sống, tất cả nghệ thuật này được thực hiện qua sự mô tả chi li.

Tìm hiểu Võ Phiến là tìm hiểu về sự chi li này. Võ Phiến đọc nhiều và nghiên cứu khá kỹ về văn học hiện đại thế giới. Tuy ông cho rằng ông chịu ảnh hưởng Marcel Proust, nhưng đọc kỹ, thì cái chi li trong văn ông không giống cái chi li tìm thấy trong ký ức thơ mộng của Proust mà gần với cái chi li hiện thực Hồ Biểu Chánh cộng thêm những yếu tính tiểu thuyết mới và những ẩn ức dục tính của Freud. Nói cách khác, văn phong Marcel Proust dựa trên tâm tưởng và đầy chất thi ca, Proust nghiêng về nghệ thuật và đời sống tinh thần, trong khi Võ Phiến chiếu vào hiện thực sinh tồn, vào cử chỉ đích thị, vào đời sống thể xác, vật dục.


Võ Phiến ảnh hưởng ai và ảnh hưởng như thế nào? Đó là những câu hỏi lý thú.

Có thể nói văn ông, ngoài những nét đặc thù Võ Phiến mà chúng ta sẽ xác định sau, còn có những yếu tố khác: có Freud trong cách trình bày ẩn ức tính dục. Có Nhất Linh trong việc đặt tên nhân vật, những Bốn Thôi, những Ba Thê Đồng Thời của Võ Phiến rất bà con với những ông Năm Bụng, Ông Giáo Đông Công Đức Tin Lành của Nhất Linh trong Xóm Cầu Mới, và cách lấy một phần của thân thể làm biểu tượng cho toàn diện, cũng rất Nhất Linh. Có Hồ Biểu Chánh trong lối mô tả chi tiết và sử dụng tiếng Việt. Có ảnh hưởng hiện sinh qua cách dùng hành động để xác định tâm lý và bản chất của nhân vật. Có Nathalie Sarraute trong cách mô tả hiện tượng trong tiểu thuyết mới, nhưng Sarraute chỉ nhắm vào hiện tượng bằng cái nhìn khách quan để ghi lại toàn diện sự thể mà không muốn "nói lên" một cái gì. Trong khi Võ Phiến soi tỏ hiện tượng để nói lên ẩn ức tính dục, ẩn ức tham lam trong nội tâm nhân vật. Tất cả những yếu tố tạm gọi là ảnh hưởng này, Võ Phiến đã nghiền nát trong tác phẩm, chúng đã bị Võ Phiến hoá, chúng đã trở thành bản chất của Võ Phiến, cho nên phải dùng kính hiển vi mới thấy được.

Trọng tâm các truyện hay của Võ Phiến luôn luôn chiếu vào nội tâm con người: con người bị hoành hành, bị dằn vặt bởi những yếu tố ở trong và ở ngoài mình. Yếu tố ở ngoài là hoàn cảnh, là môi trường: môi trường chiến tranh, hoàn cảnh bị bật rễ ra khỏi quê hương. Yếu tố bên trong, mới thực sự quan trọng, tức là phần thân xác, phần đòi hỏi của các cơ năng, các nhu cầu vật chất, đưa đến những hành động và cách sống, đưa đến sự sa đọa.

Trái ngược với những người chủ trương tinh thần làm chủ vật chất, những nhân vật của Võ Phiến bộc lộ phần bản năng, phần cơ thể, và chính phần đó mới làm chủ mọi sinh hoạt của con người. Và đó cũng là nền tảng tư tưởng của Võ Phiến.

Vì vậy, có thể nói Võ Phiến là nhà văn duy vật đầu tiên của Việt Nam, thực sự duy vật. Ông trình bày bản tính thâm sâu của con người qua những cử chỉ ăn uống bài tiết, tiêu hoá, sinh lý mà không hề bận tâm lo lắng đến phần tâm linh, tâm hồn, thường được coi là linh thiêng, cao cả, đối với người Việt. Không ai còn lạ gì sự chống Cộng triệt để của Võ Phiến, nhưng lại cũng không ai nhận ra tính chất duy vật gần như tuyệt đối trong tác phẩm của Võ Phiến. Và đó chính là cái mâu thuẫn sâu xa nhất trong tư tưởng của con người, nó nằm trong vô thức như một sự chống lại chính mình mà nhà văn không hề hay biết.


Ngay trong truyện ngắn Dung, in năm 1956, đã xuất hiện những yếu tính đặc thù này.

Nhận xét đầu tiên: trong Dung, Võ Phiến đã dùng hoán dụ như một thủ pháp tài tình. Nghiã là ông lấy một phần rất nhỏ của cơ thể để biểu dương toàn diện. Việc này trong thuật ngữ văn chương người ta gọi là làm một phép hoán dụ, thí dụ trong câu Chinh phụ ngâm: "Khách má hồng nhiều nỗi chuân chuyên", tác giả lấy hai chữ "má hồng" để chỉ toàn diện người đàn bà đẹp. Thủ pháp này Tolstoï hay dùng trong văn, ví dụ khi tả cái chết của Anna Karénine, Tolstoï chỉ cho thấy chiếc ví tay của nàng rơi vãi tung toé. Nhất Linh rất thích phương pháp này của Tolstoï và ông cũng đã áp dụng tài tình khi tả Thu nằm ngủ hở cánh tay trong Bướm trắng. Đến Võ Phiến sức biến ảo lại khác lạ hơn nữa. Chúng ta thử xem cách ông giới thiệu cánh tay như một toàn thể quyến rũ như thế nào, ông viết:

"Bức hình lớn đàng xa kia vẽ thái tử Sĩ-đạt-ta bước vào phòng nhìn vợ một lần cuối cùng trước khi từ giã kinh thành ra đi. Trong phòng không có ngọn đèn nào, người đàn bà nằm ngủ thiêm thiếp dưới ánh sáng của ban ngày. Tiếp theo đó là bức hình vẽ đức Phật trầm tư dưới gốc bồ đề. Rồi trên tấm hình lóe sáng này là thái tử đưa lưỡi gươm lên tự cắt món tóc trên đầu mình trong lúc hai kẻ gia nhân đang xuống ngựa quỳ trước mặt xin rước người về. Mới nhìn lần đầu vào bức tranh này Phương đã chú ý đến hai cánh tay của đức Phật và cho đến bây giờ, mỗi lần quay về phiá ấy là anh lại nhớ đến hai cánh tay mềm mại, tròn nung núc và đỏ hồng hồng, hai cánh tay con gái quá đẹp. Trông thấy cánh tay ấy huơ lên chỉ có thể nghĩ là trong một điệu múa, có ai ngờ là vung gươm trong một cử chỉ dứt khoát, đoạn tuyệt với cõi đời phàm tục." (Dung, trong tập Truyện ngắn 1, trang 24)

Cánh tay của đức Phật, có lẽ là lần đầu tiên được đưa vào tiểu thuyết một cách "gợi cảm" như thế, được ngắm nghía kỹ càng và thấy toát ra mùi vị con gái "hấp dẫn" như thế. Nhưng chưa hết, cánh tay ấy lại dẫn Phương liên tưởng đến một cánh tay khác:

"Hôm ấy anh nhìn qua cửa sổ, thấy Dung đang chải tóc, mặc chiếc áo cánh trắng, để trần hai cánh tay. Hôm ấy mới cách hôm nay có một tuần lễ. Hình ảnh còn rõ rệt quá. Tiếng con ngỗng kêu, mùi lá ướt của bờ rào chè răng cưa, mùi lá mục, đất ẩm bên đường đi, hình chiếc áo căng thẳng ở sau lưng và những nét dun lại trên vai áo Dung khi hai tay vươn lên đầu chải tóc..., tất cả, anh vụt thấy, nghe, ngửi lại được tất cả buổi mai hôm đó" (trang 24).

Võ Phiến vừa buông ra thủ pháp nghệ thuật đầu tiên của ông, đồng thời cũng đưa ra những ý nghĩ táo bạo đầu tiên của một nhà văn vô thần, gần như phạm thượng đối với đức Phật. Tuy vậy những điều ông viết ra hoàn toàn có lý và dựa trên sự thật, không có gì bổ báng cả. Những ai tinh ý đều nhận thấy những bức tranh vẽ đức Phật Thích Ca, khi còn là thái tử, thường có những nét rất con gái. Điều này phù hợp với cách biểu hiện các vị thần linh, ở Ấn Độ. Thật vậy, các vị thần như Vishnou hay Shiva, dù là đàn ông, nhưng thường được vẽ dưới nét đàn bà. Nhưng sự táo bạo phi thường của Võ Phiến là ông không chỉ dừng ở chỗ nhận ra cánh tay đức Phật giống con gái, mà ông còn nối kết cánh tay "tròn nung núc và đỏ hồng hồng" của đức Phật, với "cánh tay trần của Dung", khơi trong đầu Phương những thức động dục tình lúc anh ta thấy Dung ngồi lễ Phật. Ở đây, sự thức động dục tình đến từ một bức tranh, tranh... Phật.


Một đoạn khác, Võ Phiến viết về bữa ăn, như sau:

"Tôi chưa thấy ai có lối ăn uống tàn bạo và bủn xỉn như hắn. Tiếc rằng những nét ấy không biểu lộ trong cặp mắt.

Vừa đối diện với mâm cơm, bằng một cái liếc rất nhanh, hắn đã định ngay được giá trị từng món ăn, chọn ngay được món ăn ngon nhất. Và từ đầu đến cuối bữa ăn hắn tấn công vào trọng tâm một cách kiên nhẫn, tàn bạo, nhưng khôn ngoan lạ kỳ. Có nhiều người đang ăn vụt chú ý đến món mà mình thích nhất gắp liền năm bẩy miếng, ăn lia liạ. Những người ấy hoặc quá thật thà hoặc lơ đãng; đôi khi lại là những người chăm nói chuyện, mà ít quan tâm đến việc ăn. Có người gắp quàng xiên tùy hứng không suy nghĩ. Có người tính toán rất công bình. Những người già những người bạc nhược ăn uống yếu đuối thường ngập ngừng đưa đôi đũa lưỡng lự giữa mâm. Hạng lớn tuổi có khi tự do, thân mật đến lẩm cẩm, phóng đôi đũa ra sát mâm rồi mới chọn lựa. Ngọn đũa của thanh niên quyết định nhanh chóng không dè dặt. Người tỉ mỉ hay sửa soạn, tém vén kỹ lưỡng miếng đồ ăn trước khi bưng chén lên và. Mỗi người có một lối ăn. Riêng hắn thì hắn không tham lam một cách thực thà, không bao giờ gắp liên tiếp đôi ba lần món ăn ngon nhất. Nhưng hắn không có một phút lơ đãng. Hắn tính toán chu đáo, gắp khắp các đĩa, nhưng tổng kết lại thì thế nào cũng gắp được món ngon nhiều hơn cả. Và hắn theo dõi ngọn đũa của tất cả các thực khách, không dung thứ cho một người nào hơn mình. Hắn cạnh tranh kín đáo nhưng ráo riết. Hắn bực mình nhất là gặp phải kẻ lơ đãng. Kẻ lơ đãng đôi khi thình lình tấn công liên tiếp vào món ăn ngon, như một cua-rơ tự nhiên bứt phá, làm cho hắn phải ra sức đuổi theo kèm sát. Có để ý đến thái độ của hắn trong những trường hợp này mới thấy hắn khéo léo thần tình. Hắn lầm lì như không hề quan tâm chú ý đến đối phương nhưng hắn suy tính chín chắn và phản công trả đũa, chận đứng đối phương rất nhẫn tâm. Bình thường thì ngọn đũa trí trá của hắn thu lại đầy ý thức chuẩn bị, rồi đột nhiên vụt phóng ra nhanh nhẹn lạnh lùng như một con cò già lão luyện phóng mỏ bắt ruồi, trăm lần không sai đích một lần." (Dung, trang 35-36)

Đoạn văn trên đây trình bày toàn diện thủ pháp nghệ thuật và chiều hướng tư tưởng của Võ Phiến: Con người bày tỏ bản ngã trong bữa ăn qua thủ đoạn và cách tấn công vào các món. Đôi đũa được coi như vũ khí chiến đấu. Cục diện bữa ăn được mô tả như một trận chiến mà các đối thủ tàn sát nhau trong ván cờ người. Cách tiến thủ của đôi đũa được bày bố như cách thối lui của các lưỡi gươm, các tay súng trận.

Nhà văn thường tách rời hai địa hạt mô tả và địa hạt bàn luận: đã mô tả thì không bàn luận và đang bàn luận thì tránh mô tả. Cách mô tả của Võ Phiến rất đặc biệt, ông vừa tả vừa luận. Rất ít nhà văn làm như thế bởi vì làm như vậy rất khó, pha trộn hai thể loại khác nhau, văn dễ bị sống, luận ra đằng luận, tả ra đằng tả. Đằng này Võ Phiến thành công một cách thần tình: Ông vừa buông ra câu tả cách gắp của người lớn tuổi, chen ngay sau đó là câu luận về cách gắp ấy để rút ra một nhận định về tính tình kẻ gắp.


Võ Phiến sử dụng tinh vi đôi mắt nhà văn qua hai yếu tố: cái nhìn và lối nhìn. Nhưng ông không chỉ dừng lại ở đôi mắt nhà văn mà ông còn sử dụng tất cả những đôi mắt khác mà nhà văn bắt gặp trong các nhân vật. Nếu tiểu thuyết mới, còn được gọi là Ecole du regard, Trường phái cái nhìn thì đây, Võ Phiến cũng đã lập ra một trường phái nhìn riêng biệt của mình, ngay từ năm 1956, và ông dùng cái nhìn trong một dụng ý hoàn toàn khác với tiểu thuyết mới: Tiểu thuyết mới dùng cái nhìn để mô tả hiện tượng theo quan điểm triết học hiện sinh, tức là để chứng minh sự hiện hữu của thực thể, nó lù lù ra đấy, nó như thế đó, nó không đi từ một bản chất nào có sẵn, bởi hiện hữu có trước bản chất. Trong khi Võ Phiến dùng cái nhìn để soi mói vào bản chất tham lam, bản chất ghen tuông, đố kỵ của con người. Và theo ông tất cả những gì thúc đẩy hành động của con người, đều nằm trong hai đòi hỏi chính của thân xác, là ăn uống và sinh lý.

Võ Phiến cũng không chỉ dùng đôi mắt của mình để soi mói nhân vật mà ông còn bội phân đôi mắt ấy lên nhiều lần, tức là ông dùng mắt mình để theo dõi nhân vật, rồi ông dùng mắt của nhân vật này chiếu vào nhân vật khác. Sự chiếu qua chiếu lại giữa các nhân vật gây ra những ánh mắt phản hồi, tương tác, đối tác, cộng hưởng... do đó có thể nói Võ Phiến đã tìm cách thay đối thoại miệng bằng đối thoại mắt trong sinh hoạt của con người. Những gì sâu lắng thường không nói ra được, chỉ có thể cảm thấy và biểu thị bằng ánh mắt.

Tóm lại, hai yếu tố chính xây dựng nên nghệ thuật của Võ Phiến là con mắt và chi tiết, và những chi tiết nào đáng chú ý nhất đối với ông? Đó là những điểm trên thân thể con người: từ cánh tay nõn nà của đức Phật, hay cánh tay trần của Dung, đến đôi mắt cú vọ của Bình xoáy vào mâm cơm, hoặc sợi lông mũi hay vết nẻ trên gan bàn chân của anh Bốn Thôi... tóm lại, những chi tiết tầm thường nhất trên thân thể con người, không mấy ai chú ý, đều được Võ Phiến chiếu kính hiển vi vào và ông đã làm nên truyện lớn.


Bốn tác phẩm cột trụ: Giã từ, Lại thư nhà, Một mình và Đàn ông

Võ Phiến thật sự bước vào nghiệp văn sau 1954. Khoảng thời gian đầu từ 1955 đến 1959, ông còn ở Quy Nhơn, cũng là thời gian phát triển truyện ngắn, tác phẩm thường được xây dựng trong bầu khí tối sáng, tranh chấp giữa quốc gia và cộng sản. Tuy vậy, yếu tố chính trị chỉ là nền, mục đích chính của ông là làm lộ cá tính nhân vật, thể hiện sự giằng co giữa cá nhân và thân xác như trong các tác phẩm Người tù (1955), Dung (1956), Thác đổ sau nhà (1957) v.v ..

Giai đoạn hai, Võ Phiến chuyển nền chính trị sang nền ly hương, và trong thời gian này ông phát triển truyện dài. Tác phẩm Giã từ viết năm 1960, mở đầu cuộc ly hương của Võ Phiến: rời Bình Định vào Sài Gòn năm 1959. Ông mô tả cái đớn đau của những kẻ sống ngoài lề xã hội, những kẻ bị đánh bật rễ. Nhân vật Ba Thê Đồng Thời trong Giã từ sống như một ký sinh trùng, ăn nhờ vào kẻ khác, gió chiều nào cũng ngả, một kẻ mất gốc mang những u uất của con người trực diện với chiến tranh, tha hoá tột độ, tìm cách sống còn.

Giai đọan thứ ba: Phi thời gian. Từ 1965 trở đi, một số nhân vật tiểu thuyết của Võ Phiến thoát khỏi môi trường chiến tranh hoặc ly hương, để đứng riêng như những con người trần trụi, trực diện với nội tâm. Võ Phiến đã viết những tác phẩm giá trị như Một mình (1965) và Đàn ông (1966). Trong Một mình lấp ló ảnh hưởng triết học hiện sinh, Một mình là một thứ Buồn nôn của Võ Phiến: Con người nhận diện chính mình trong sự cô đơn gần như tuyệt đối.

Ở hải ngoại, Võ Phiến viết truyện dài Nguyên vẹn in năm 1978 về cuộc ly hương thứ nhì: từ Sài Gòn sang Mỹ. Nhưng Nguyên vẹn không đạt được nghệ thuật ở những tác phẩm trước, Võ Phiến đã không tạo được "không khí" Sài Gòn sau 75, có lẽ vì lúc đó ông đã đi rồi; hơn nữa, Võ Phiến không thoải mái trong những bối cảnh rộng lớn với nhiều nhân vật.


*


Nghệ thuật của Võ Phiến bộc lộ trong những không gian nhỏ, khép kín, từ truyện ngắn đến truyện dài. Có thể nói, bốn tác phẩm Giã từ, Lại thư nhà, Một mình, và Đàn ông, đã tạo nên sườn chính của tư tưởng và nghệ thuật Võ Phiến. Mỗi tác phẩm mang một sắc thái, nhưng đều đạt đến đỉnh cao nghệ thuật, một nghệ thuật tỉ mỉ, sâu sắc. Ngòi bút ông xoáy sâu vào những cử chỉ nhỏ nhặt, vô nghĩa nhất để vẽ nên toàn bộ con người. Thế giới nhân vật của ông được hình thành qua những chân dung rõ nét, cá tính bộc lộ sâu sắc, luôn luôn bị dày vò trong ám ảnh nhục dục. Về mặt tư tưởng, Võ Phiến đi sâu hơn nữa về phía vô thần và duy vật. Về cách thể hiện, ông chuyển từ lối viết truyền thống, sang lối viết hiện đại hơn, tức là ông không còn đứng ở vị trí bên ngoài của người kể chuyện mà dần dần ông thâm nhập vào trong da thịt nhân vật để mô tả. Giã từ cuốn tiểu thuyết đầu tiên, một truyện vừa, khoảng 80 trang, là sự bắc cầu giữa hai lối viết truyền thống và hiện đại. Lại thư nhà, hơn 60 trang, là tác phẩm chủ yếu, cô đọng không gian Võ Phiến, đưa chúng ta vào thế giới những nhân vật của ông. Đàn ông, chiếu vào những nhân vật ấy, nói đúng hơn là những người đàn ông ấy, qua con mắt của Chị Lê, người đàn bà làm điếm, nhìn khách hàng của mình dưới những khía cạnh trần trụi nhất. Chị Lê tìm ra "cái chung" của đàn ông: trong bất cứ hoàn cảnh nào, vẫn là nhục dục, chỉ là nhục dục, là cõi mà họ tự do nhất, cõi mà họ sống thật nhất với chính mình. Một mình phân tâm nỗi cô đơn bệnh hoạn của con người khi chỉ còn có mình đối diện với chính mình.

Võ Phiến dùng những nhận xét tế vi, lấy chi tiết làm nên đại sự, để thăm dò lòng người dưới nhiều hình thức: Bằng phân tâm của Freud chiếu vào nội tâm u uẩn, ẩn ức tính dục của nhân vật. Bằng biện pháp hoán dụ, ông chiếu rọi vào một phần của cơ thể, để nói lên ẩn ức dục tính toàn diện của con người, những người sống ngoài lề xã hội, từ người tù đến gái điếm, từ già đến trẻ. Nhờ ảnh hưởng triết học hiện sinh, con người nhìn lại chính mình, không ai thoát khỏi sự cô đơn. Với những chi tiết chằng chịt, Võ Phiến dệt nên cấu trúc nội tâm phức tạp và bi đát của con người.


*


Lại thư nhà tiêu biểu cho cấu trúc toàn bộ tiểu thuyết của Võ Phiến. Không hiểu sao ông lại xếp Lại thư nhà vào loại tùy bút. Thực ra, đây là một truyện vừa và cũng là tác phẩm nền móng, xây dựng nên vũ trụ tiểu thuyết của ông, với nhân vật Bốn Thôi. Lại thư nhà tạo ra không khí và bối cảnh Võ Phiến, thế giới của những kẻ ở ngoài lề. Bốn Thôi tuy ở trong xứ, nhưng đã bị cách ly với người khác, với thế giới chung quanh. Bốn Thôi là kẻ ly hương trong thân phận mình, là đại diện sâu xa nhất cho những kẻ sau này phải bỏ nguồn cội đi tha phương cầu thực.

Lại thư nhà, tuy được tác giả xếp vào loại tùy bút, nhưng chỉ vài trang đầu tạm có tính tùy bút: ông bàn phiếm về vài câu ca dao Bình Định và giới thiệu món mắm cua chua, đặc sản Bình Định. Đó là những trang vào truyện, để giới thiệu anh Bốn Thôi và người vợ thứ hai có "bàn tay quý giá" biết làm mắm cua chua.

Thế giới Võ Phiến bắt đầu từ nhân vật Bốn Thôi, nhưng bắt nguồn từ người bà: Bà tôi. Hình ảnh bà nội Võ Phiến, người đã nuôi ông từ thuở nhỏ. Bà tôi với cái dĩ vãng "tối lờ mờ" mỗi lần kể lại một mảng chuyện cũ bao giờ cụ cũng bắt đầu bằng hai chữ "mọi lần". Cứ mỗi lần có "mọi lần" là lại có chuyện. Và trong những "mọi lần" như thế một nhân vật mới lại xuất hiện, mỗi thứ có một bản sắc, một sự tích riêng. Chính ở những "mọi lần" đó, phát sinh Võ Phiến, nhà văn duy vật đích thực đầu tiên của Việt Nam. Bà là nguồn, cháu là động cơ phát xuất nhân vật.

Những nhân vật ấy là ai: Là ông bá hộ Thành, là bà cử Tạ, là ông tú Từ Liêm... nhưng còn có thể là những thứ khác hẳn, như mắm, chẳng hạn. Mắm cũng từ bà:

"Trong thuả "mọi lần" như thế, rập rình rất nhiều ông tú ông cử, những người từng làm vinh dự cho "gánh" họ Huỳnh của bà tôi. Tuy nhiên tôi chú ý nhất đến các món đồ ăn. Đồ ăn của "mọi lần" có những món kỳ quặc. Bà tôi kiêu hãnh kể rằng bà đã từng có thể dùng bột trắng pha màu rực rỡ bắt hình bánh cỗ đồ bát bửu: bầu rượu, cây bút, cái tù và..., đã từng luộc những con gà và sửa soạn cho chúng nó thành hình ngư, tiều, canh, mục..., đã làm những chiếc bánh tét nhân chữ hạnh, chữ thọ, màu đỏ màu xanh, đã gói những cuốn chả mà khi cắt ra mỗi lát đều có hoa đỏ hoa vàng v.v... (...)

Nhưng tại sao bên cạnh những cầu kỳ sang trọng như vậy, "mọi lần" cũng lại dung nạp rất nhiều mắm? Cảnh đói khổ với những điều xa xỉ của chỗ quyền quý kia làm cách nào mà tiếp xúc nhau mật thiết, dung hòa với nhau? Bà tôi làm sao có thể tưởng nhớ đến con gà Lã Vọng lại vừa có thể thông thạo và tha thiết với các món mắm mặn? Đó là chỗ mâu thuẫn (...)

Về già, đáng lẽ bà được hoàn toàn thảnh thơi, không phải lo lắng gì nữa về sự sinh sống trong gia đình, thì rốt cuộc bà tôi vẫn có hai mối bận rộn, đó là rác và mắm". (Tùy bút 2, trang 66-67)


Bà chính là nguồn cội các sự thể và nhân vật. Bà cụ suốt đời chỉ chăm có hai chuyện: ăn uống và rác rưởi, như thể phần dạ dày và phần phế thải là hai lo toan chính của bà cụ. Bà cụ chính là mẹ đẻ của tâm hồn duy vật. Bởi bà cụ đã chú ý đến cái thiết yếu nhất của con người là cái dạ dày. Bà vừa là ngọn nguồn của mắm, làm ra mắm, vừa phản ảnh tâm hồn thực tiễn của người Bình Định nói riêng và người Việt Nam nói chung. Anh Bốn Thôi sở dĩ được bà cụ chú ý đến bởi vì trong sáu người vợ của Bốn Thôi chỉ có mỗi mình chị Lộc, người vợ thứ hai biết làm mắm.

Như thế có thể nói rằng, trong vũ trụ của Võ Phiến hai yếu tố quan trọng nhất là đàn bà và mắm. Và hai yếu tố này sẽ chi phối toàn bộ tác phẩm của ông, từ tùy bút đến truyện ngắn truyện dài. Và cũng chính ở tác phẩm Lại thư nhà mà chúng ta có thể nhìn thấy phát xuất đó. Trong giang sơn Võ Phiến, người cầm đầu, người cai trị là đàn bà chứ không phải là đàn ông: một vũ trụ mẫu hệ và duy vật, phát sinh từ người bà. Bà tôi.

Trong Lại thư nhà, bà tôi và các cô là thế giới của tác giả. Bên cạnh đó có thế giới Bốn Thôi, cũng lại là một thế giới đàn bà với sáu người vợ liên tiếp. Thế giới thứ nhất dưới quyền đô hộ của bà tôi. Thế giới thứ hai, nổi bật là chị Lộc, người vợ thứ nhì. Chị Lộc kẻ đứng mũi chịu sào cả về vật chất lẫn tinh thần và khi chị Lộc chết, Bốn Thôi trở thành kẻ bất lực hoàn toàn, cả thân xác lẫn tinh thần.


Trong Đàn ông, người lãnh đạo tinh thần là chị Lê và nhân vật sa đọa là ông tú Từ Lâm và những người đàn ông. Võ Phiến dùng cái nhìn của một người đàn bà giang hồ để vẽ chân dung những người đàn ông. Họ đều gặp nhau ở "chỗ ấy". Từ trẻ (Tạo) đến già (cụ tú Từ Lâm), "mọi đau khổ, cảm xúc, rung động cao thượng hay ham muốn yếu hèn ... đều đưa người đàn ông đến chỗ gặp gỡ ấy". Như thể một khi đã mất hết, dường như đàn ông chỉ còn có sinh lý là cứu cánh. Võ Phiến đã đào sâu xuống những đau khổ, u uất trong những thân phận đàn ông sa cơ, thất vận, phiêu bạt, bị bứt khỏi cỗi rễ của mình. Ông xóa tiệt những ảo ảnh về người đàn ông, từ già đến trẻ, phơi họ trần truồng trực diện với những đớn đau và ham muốn không giải quyết được.


Trong Một mình, nhân vật Hữu là một gã mạnh khoẻ, có công ăn việc làm, nhưng dần dần Hữu đi vào tình trạng bệnh tưởng, suy nhược, mất mình trong một thứ sa đoạ tinh thần không thể nào cứu vãn nổi.

Võ Phiến đưa ra một vũ trụ mà đàn bà luôn luôn làm chủ tình thế ở bất cứ hoàn cảnh nào. Những người đàn bà này thường có đầu óc thực tiễn, họ làm chủ hũ mắm, làm chủ rác rưởi, làm chủ thân xác. Chính họ nắm bộ máy sinh hoạt và sinh dục của đàn ông. Cái thế giới thực tiễn bao gồm các hoạt động phần dưới của cơ thể này có tên là thế giới duy vật.

Võ Phiến hầu như không đả động gì đến các sinh hoạt tinh thần, hoặc khi ông nói đến chỉ là để miả mai châm biếm nội dung những lời bàn phiếm, những cãi vã vô bổ về thời sự của những người đàn ông.

Trong một đất nước chiến tranh, người ta chỉ quen bàn đến các đại sự, đến tổ quốc, đến những lý tưởng cao siêu, hùng khí ngùn ngụt. Nam tính và hùng tính được phô trương mãnh liệt ở cả hai miền đất nước. Võ Phiến đưa ra một thế giới đàn ông, vặt vãnh, ăn bám, bất lực, tê liệt và sa đoạ. Ông đã đi ngược với niềm tin thời đại, chống lại hùng khí chiến tranh và đó là giá trị nhân bản cao nhất mà Võ Phiến đạt được với bức chân dung bi đát của xã hội qua ngòi bút mỉa mai châm biếm chua xót cực cùng.


Sự vong thân của con người khi bị bứt khỏi nguồn cội.

Tiểu thuyết của Võ Phiến chiếu vào sự tha hoá của con người, qua bốn nhân vật tiêu biểu, phản ánh bốn giai cấp: anh Bốn Thôi, trong Lại thư nhà, giai cấp bần nông, ông Ba Thê Đồng Thời trong Giã từ, giai cấp trung lưu tiểu tư sản, ông tú Từ Lâm, trong Đàn ông, giai cấp nhà nho, và Hữu trong Một mình, giai cấp trí thức thành thị.

Nhân vật Ba Thê Đồng Thời trong truyện Giã từ, biểu hiện thành phần tiểu tư sản ăn bám. Ông Ba Thê Đồng Thời không làm cái gì cả,...
Phượng Các
#15 Posted : Friday, June 28, 2013 9:04:40 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,700
Points: 20,043
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)
Users browsing this topic
Guest
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.