Ý Lan: "Cần nhất là lòng tử tế"Thursday, September 08, 2005
Ý Lan trên bìa báo Phụ Nữ Gia Đình số 4, năm 2002 Hoàng Trọng Thụy & Trương Huy Tường
Trích báo “Phụ Nữ Gia Đình Người Việt”
“Nếu kiếp sau được làm người trở lại, thì xin được làm người phụ nữ Việt Nam...”
Với 6 mụn con, không nói ai cũng biết Ý Lan là người nghệ sĩ mê con nhất cuộc đời. Nhưng làm thế nào để chăm sóc cho các con, bảo đảm được đời sống nghệ thuật, và chu toàn những quan hệ với bạn bè và người thân, là điều mà ít ai có thể hiểu được.
Trong khi đó, Ý Lan vẫn tiếp tục giữ được một hình dáng thanh tao và một sắc đẹp hầu như không hề bị thời gian làm phai nhạt. Con gái lớn nhất của Ý Lan là Mai Linh, năm nay 24 tuổi vừa đi hát vừa hoàn tất chương trình đại học, lại còn phụ giúp mẹ trong việc chăm nom 5 đứa em, cậu em trai út năm nay mới 6 tuổi.
Nhìn lại quãng đời đi qua, Ý Lan cho biết những gian truân riêng trong đời sống cá nhân vẫn không thể so sánh với thời gian và nỗ lực để lo chu toàn cho cả 6 ngừơi con, trong khi một thân một mình giữ vai trò “phụ mẫu.” Nỗi khó khăn nói chung không chỉ riêng cho Ý Lan mà hầu như cho mọi người phụ nữ có hoạt động và sự nghiệp trong xã hội là làm sao trong gia đình vẫn giữ được tình thân giữa con cái với mẹ của chúng. Nhất là khi người mẹ tuổi đời vẫn còn trẻ, phải có một quan hệ tình cảm riêng tư màlàm sao cho các con chấp nhận được có một người đàn ông khác bước vào chia sẻ con đường đời với mẹ chúng. Còn nhiều khó khăn khác nữa mà nếu người phụ nữ không có đủ bản lãnh và tự tin thì khó có thể bảo vệ được gia đình, trong hoàn cảnh rất nhiều cám dỗ như ở xã hội tự do phóng khoáng Hoa Kỳ này.
Riêng đối với Ý Lan, cô tâm sự, do ảnh hưởng của mẹ là ca sị Thái Thanh, ngay từ lúc nhỏ, ngoài chuyện được mẹ hướng dẫn nghệ thuật ca hát, cô còn học được nơi thân mẫu tánh kiên nhẫn và chịu đựng, để vượt qua những áp lực đến từ xã hội. Như có một trách nhiệm đến từ xã hội. Như có một trách nhiệm bảo vệ danh tiếng của cả một gia đình, danh tiếng đã tạo dựng được từ khi bà mẹ bước lên ngưỡng cửa của danh vọng, rồi đến phiên Ý Lan.
Biến cố ngày 30 tháng Tư năm 75 ảnh hưởng lên toàn bộ người Việt Nam trên nhiều mặt đời sống. Gia đình của Ý Lan còn bị nhiều ảnh hưởng nặng nề khác, gây khó khăn vô vàng cho mọi người và bản thân cô. Nhưng cũng vì thế mà Ý Lan học hỏi được nhiều điều quý giá nhất, một trong những điều Ý Lan muốn nhấn mạnh là Lòng Tử Tế. Trong một xã hội nhiễu nhương, mọi giá trị bị đảo lộn, lúc đó con người mới thấy không có gì quý bằng cách đối xử tử tế với nhau. Không một tặng phẩm nào mang đến hạnh phúc cho mọi người bằng tấm lòng Tử Tế.
Tử Tế trở thành tiêu chuẩn trước tiên mà cô chọn cho bất cứ một quan hệ nào đến với cô và gia đình. Ý Lan tâm sự: “Hai chữ Tử Tế nó bao gồm rất nhiều lĩnh vực, Tư Cách Con Người, Nhân Phẩm, cũnh như là Bản Chất Thiện. Bản chất tốt thì mới gọi là Tử Tế.”
“Ý Lan nghĩ rằng khi gặp gỡ với con người tử tế thì tất cả những gì tốt đẹp tiếp theo sau chỉ là phần thưởng thêm cho mình. Nếu không may gặp phải người không tử tế, thì tất cả những điều gì tốt đẹp ở bên ngoài chỉ đóng vai phụ mà thôi. Trong bản chất mà thiếu lòng tử tế thì không bao giờ lâu được.”
Ý Lan muốn nhấn mạnh đến hai chữ Tử Tế để dành cho con người mà cô mới vừa đính hôn. Với 6 người con và một lần nữa bước thêm một bước trong quan hệ hôn nhân, điều khó khăn không chỉ riêng cho Ý Lan mà cho bất cứ người phụ nữ nào khác là làm sao dung hòa được quan hệ từ người đàn ông đến từ bên ngoài, với các con mình, làm sao cho các con chấp nhận mẹ mình bước thêm một bước nữa. Nhà báo nào cũng tò mò muốn hỏi Ý Lan về cuộc hôn nhân sắp tới của cô, có phải là một sự hy sinh, đòi hỏi lòng can đảm khi cô chấp nhận đính hôn trong thời gian quahay không?
Mặc dù không chịu tiết lộ nhiều chi tiết liên quan đến con người mới đi vào đời Ý Lan nhưng, cô nhắc lại, đối với cô điều cơ bản cho bất cứ một quan hệ nào trong đời sống vẫn phải dựa vào hai chữ Tử Tế. Từ đó các quan hệ tình cảm hay bất cứ một quan hệ nào khác mới có thể được vun xới và phát triển một cách vững bền. Đối với quan hệ tình cảm mới này, Ý Lan hy vọng là cô đã đủ chín chắn trong quyết định tiến thêm một bước nữa, nhờ vào thời gian tìm hiểu và những cố gắng dung hòa được với các con.
Chúng tôi không dám mạn bàn nhưng phải công nhận là người đàn ông mà Ý Lan chọn thật sự yêu thương cô. Yêu tiếng hát tuyệt vời của Ý Lan là điều đương nhiên, nhưng người đàn ông Ý Lan chọn cón phải chấp nhận một gia đình khá đông đúc, mà phải có đủ bản lãnh để chấp nhận thêm những đồn đãi xì xầm chung quanh. Có thể khẳng định một điều là ý trung nhân mà Ý Lan chọn cũng phải mê trẻ con không thua kém Ý Lan. Rồi chính dựa vào sự Tử Tế mà họ có thể chung vai trên con đường tình yêu vượt qua được những mâu thuẫn khi con cái riêng biệt.
Con nhà Tông chẳng giống Lông cũng giống Cánh. Dù muốn hay không thì Ý Lan nhận thấy một điều là các con của cô cũng mê hát, và ngày nay đã tạo được cho mình một tên tuổi trong làng âm nhạc ở hải ngoại. Nhưng mê hát là một chuyện, cũng không thể quên học hỏi. Ý Lan cho biết là cô đã được Mẹ đưa vào khuôn khổ từ bé, kỷ luật của mẹ là nhất định không để cho Ý Lan ra đời sớm với hành trang chỉ là giọng hát thiên phú không thôi. Cô còn phải trải qua thời gian học hỏi, tôi luyện, và từng trải những đắng cay trong đời sống để có thể dấn thân vào nghiệp cầm ca.
Riêng đối với các con, theo cô điều cơ bản vẫn là học vấn. Đối với Ý Lan, các con của cô vẫn phải ra trường với điểm tốt rồi sau đó muốn chọn cho mình con đường sự nghiệp nào thì tùy ý, ý muốn đó của Ý Lan, bà mẹ, cũng mơ tới kết quả hay cho Mai Linh, con gái đầu của Ý Lan. Mê hát, thích đi hát, nhưng Mai Linh vẫn theo đuổi một nghề nghiệp riêng đủ để chu toàn cho cá nhân cô, đồng thời cũng có thì giờ cho gia đình, cho Mẹ, cho các em. Ảnh hưởng từ bà ngoại, đến Mẹ, đến chị, các em của Mai Linh cũng theo khuôn mẫu đó để chọn cho mình một lối đi riêng. Nhưng điều quan trọng nhất, Ý Lan nhắc lại, là làm điều thiện và giữ tấm lòng tử tế.
Nhiều người gọi Ý Lan là Tí Điệu (quý độc giả chắc còn nhớ cô đào trong truyện hoạt họa Xì Trum). Ý Lan hát điệu và nói chuyện cũng điệu. Nhưng đó có phải là điều cô cố tạo ra, cho một phong cách trình diễn riêng của mình, để đừng giống với ai hết hay không? Nói chuyện và tiếp xúc với Ý Lan thật nhiều thì người đối diện sẽ hiểu được ra một điều, là tính Ý Lan vốn như vậy. Như thế không phải là cô “làm” Điệu, có ai thấy Điệu cũng là tính tự nhiên toát ra từ con người cô.
Ý Lan tâm sự rằng nếu kiếp sau được làm người trở lại, thì cô xin được làm người phụ nữ Việt Nam. Tại sao cô thích làm người Việt Nam? Đây không phải là một câu sáo ngữ, nhưng do một tâm sự có đầy đủ lý lẽ mà Ý Lan muốn nói. Ý Lan nghĩ rằng hạnh phúc của một người phụ nữ là trời cho mình có cơ duyên sống và suy nghĩ theo lối “mềm mại” của nữ giới. Nói riêng về người phụ nữ Việt Nam, Ý Lan nhắc tới lời Mẹ dạy từ tấm bé, rằng con gái Việt Nam thì phải giữ bản chất đoan trang, thùy mị. Khi lớn lên, khi lấy chồng thì biết sống cho chồng, cho gia đình và cho các con.
Đối với riêng Ý Lan thì thời gian sống cho gia đình là những ngày hạnh phúc Ý Lan đã được trải qua. Ý Lan giải thích thêm, cho thấy thật sự cô rất hãnh diện làm phụ nữ Việt Nam. Đối với Ý Lan chính vào những ngày tháng thăng trầm trong cuộc sống mà người phụ nữ Việt mới chứng tỏ được khả năng chịu đựng và tính can đảm của mình; để làm sao giữ vững được mái ấm gia đình của mình. Những người phụ nữ Việt Nam đã trải qua nhiều truân chuyên trong cuộc sống có thể hiểu rõ hơn ai hết, vì đối với họ, mái ấm gia đình là nơi quý báu hơn hết mọi chuyện – trong khi các đấng mày râu cứ lo toan chuyện sự nghiệp và... những chuyện ngoài đường.
Với đời sống tình duyên có khá nhiều may rủi, Ý Lan thành thật tâm sự rằng riêng bản thân cô dù đã trải qua nhiều chuyện không may về hôn nhân, nhưng cô vẫn luôn quan niệm là “không có gì quý bằng trên cuộc đời là một mái ấm gia đình, một vợ một chồng”. Lẽ đương nhiên theo Ý Lan thì nguyện ước vẫn không thể nào vượt qua khỏi số phận mà Trời đã định đoạt cho mỗi một con người. Nhưng, cô vẫn nghĩ, mái ấm gia đình là ưu tiên hạng nhất trong đời sống của Ý Lan.
Nếu có dịp tiếp xúc với Ý Lan, ai cũng sẽ nhận thấy đức tự tin hiếm có nơi một người phụ nữ. Nhưng một đức tính nổi bật khác là đức khiêm nhường của cô, khác xa với những gì mà người ta thường tưởng tượng về một ca sĩ tên tuổi được đặt vào vị trí bậc nhất trong giới nghệ sĩ Việt Nam. Những gian truân, những khó khăn xen lẫn với hạnh phúc, nụ cười cùng nước mắt đã giúp cho Ý Lan thấu hiểu được thế nào là lẽ sống.
Hãy nghe Ý Lan tâm sự: “Ý Lan tin rằng, hễ sống ở đời là có những lúc thăng trầm, giống như một dòng sông, có khúc quanh, khúc thẳng, mình phải chấp nhận nó thôi. Tại sao mình thấy hạnh phúc, sung sướng, khi mình đang trong khúc sông chảy êm ái mượt mà, nhưng mình lại từ chối có những lúc rơi vào những đoạn thác ghềnh, những lúc gió to, sóng lớn? Không phải chỉ trong thế giới nghệ sĩ mới phải trải qua những lúc thăng trầm, chung quanh mình có biết bao nhiêu người còn bất hạnh hơn mình rất nhiều. Trong một bài hát “Muốn hỏi tại sao” của nhạc sĩ Diệu Hương, cô có câu này: “Tôi muốn bảo cùng em, có những điều gì em không nói được, thì xin em cứ giữ lặng thinh, vì quanh đây còn bao nhiêu những nỗi muộn phiền”.
“Dù lúc hạnh phúc hay khi chịu đắng cay, ý nghĩa thực đời sống chính là những giây phút thăng trầm mà chúng ta đang trải qua”. Ý Lan mỉm cười nói, như câu tạm biệt. Trong một vóc dáng dịu dàng, thanh thoát, điềm đạm, ít ai hiểu được trong cô ẩn chứa một con người cương quyết và tinh thần vững chãi như thế nào. Mong Ý Lan vẫn tiếp tục mang niềm vui đến cho mọi người qua tiếng hát tuyệt vời của cô.
Thu 2000