Tiền sản giật chỉ xuất hiện trong quá trình mang thai hoặc ngay sau khi sinh. May mắn là đa số các trường hợp đều nhẹ, và cứ 14 thai phụ thì chỉ có một người mắc phải, nhưng đôi khi chứng bệnh này có thể trở nên rất nghiêm trọng.
Triệu chứng này khá phức tạp và cho tới giờ vẫn chưa có ai hiểu rõ về nó, có thể do một khuyết tật ở nhau thai gây ra, làm giảm lượng máu và chất dinh dưỡng truyền cho thai nhi, khiến thai nhi kém phát triển.
Thật không may là không có một triệu chứng rõ ràng nào của tiền sản giật trong giai đoạn đầu của bệnh, nhưng nếu khám thai thường xuyên thì có thể phát hiện ra căn bệnh trước khi nó trở nên nghiêm trọng.
Bác sĩ của bạn sẽ kiểm tra xem bạn có bị tăng huyết áp, có đạm trong nước tiểu, và gặp các vấn đề về tuần hoàn như sưng phù hay không. Đây chính là những dấu hiệu của tiền sản giật.
Tuy nhiên nếu bạn chỉ có một trong các triệu chứng trên thì không thể kết luận là bị tiền sản giật. Huyết áp cao và sưng phù nhẹ là những biểu hiện rất phổ biến ở thai phụ và không nhất thiết chứng tỏ có vấn đề gì nghiêm trọng. Đạm trong nước tiểu cũng có thể là do bị viêm nhiễm. Như vậy rất khó để phát hiện ra chứng bệnh tiền sản giật.
Ở giai đoạn sau của bệnh, tiền sản giật sẽ gây nên các triệu chứng dưới đây. Nếu bạn thấy mình gặp phải bất kỳ hiện tượng nào, hãy đi khám ngay lập tức!
Đầu đau như búa bổ, kèm theo mờ mắt, hoa mắt hay hiện tượng đom đóm bay trước mắt
Đau phần bụng trên
Buồn nôn, mặc dù hiện tượng này có thể là do ốm nghén
Bỗng nhiên mặt, bàn tay, cổ chân hay bàn chân bị sưng phù
Tăng cân nhanh đột ngột
Ai có nguy cơ bị tiền sản giật nhiều nhất?
Mặc dù các chuyên gia vẫn chưa xác định chính xác nguyên nhân gây tiền sản giật, vẫn có một số yếu tố được cho là có thể khiến một số phụ nữ có nguy cơ lớn hơn người khác:
Tuổi: nếu bạn mang thai khi dưới 20 tuổi hoặc trên 35 tuổi.
Cân nặng: nếu bạn bị béo phì, với chỉ số BMI vượt quá 35.
Bị mắc sẵn các bệnh: tiểu đường, huyết áp cao, lu-pút (lao da), thận và bệnh đau nửa đầu.
Nếu đây là lần đầu bạn mang thai hoặc lần đầu bạn có thai với người chồng này.
Nếu bạn được chẩn đoán là sẽ sinh đôi hoặc nhiều hơn.
Khoảng cách giữa 2 lần mang thai quá lớn: thường được tính là 10 năm trở lên kể từ lần sinh nở gần đây nhất.
Có tiền sử bị tiền sản giật: nếu bạn, mẹ bạn hay chị em gái bạn đã từng mắc bệnh này.
Phòng ngừa
Một trong các nguy cơ của bệnh là bị béo phì, do vậy một số chuyên gia cho rằng việc tuân thủ một chế độ ăn uống lành mạnh và cân đối sẽ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh. Lý tưởng nhất là bạn hình thành thói quen ăn uống lành mạnh từ trước khi có thai nhưng không bao giờ là quá trễ để bắt đầu thói quen này.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bạn phải kiêng khem đủ thứ một khi có thai. Hãy tham vấn bác sĩ của bạn để biết bạn nên ăn gì, bạn cũng có thể trò chuyện với các chuyên viên tư vấn của chúng tôi.
Điều quan trọng nhất bạn cần làm là tuân thủ đúng lịch hẹn khám thai để thường xuyên kiểm tra huyết áp và lượng đạm trong nước tiểu, nhằm phát hiện sớm chứng bệnh tiền sản giật.
Tiền sản giật mức độ nhẹ
Tiền sản giật nhẹ không phải bao giờ cũng cần điều trị, bạn chỉ cần thường xuyên khám sức khỏe của bạn và thai nhi là đủ. Một số trường hợp khác có thể điều trị bằng thuốc hoặc viên bổ sung vi chất nếu bạn bị huyết áp thấp. Tuy nhiên, điều này không thể ngăn ngừa được tiền sản giật mà chỉ có thể giúp kiểm soát bệnh.
Tiền sản giật mức độ nặng
Nếu bạn được chẩn đoán bị tiền sản giật nặng, nhiều khả năng bác sĩ sẽ yêu cầu bạn nằm nghỉ trên giường và có thể bạn cần nằm viện một thời gian. Bạn có thể sẽ được kiểm tra huyết áp hàng ngày và siêu âm thường xuyên để theo dõi sự phát triển của thai nhi. Nếu bạn hoặc thai nhi có vấn đề gì nghiêm trọng, có thể bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc kích thích đẻ hoặc phải sinh mổ