Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

Thái Thanh
Phượng Các
#1 Posted : Thursday, December 23, 2004 4:00:00 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,689
Points: 20,007
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)




Thái Thanh, tiếng hát lên trời

Thụy Khuê



Trong những phút giây thiếu vắng trống trải nhất hay những nhớ nhung tha thiết nhất của cuộc đời, mọi hiện diện hữu hình đều vô nghĩa; ta chờ đợi một đổi trao, khát khao một giao cảm thì bỗng đâu, một hiện diện vô hình lóe lên tựa nguồn sáng, tựa tri âm: sự hiện diện của tiếng hát.
Nếu thơ là một ngôn ngữ riêng trong ngôn ngữ chung, theo Valéry, hay thi ca là tiếng nói của nội tâm không giống một thứ tiếng nói nào của con người, theo Croce, thì âm nhạc hẳn là tiếng nói của những trạng thái tâm hồn và nhạc công hay ca sĩ là nguồn chuyển tiếp, truyền đạt những rung động từ hồn nhạc sĩ đến tâm người nghe.

Thị giác giúp chúng ta đọc một bài văn, nghiền ngẫm một bài thơ, nhưng chẳng mấy ai có thể thưởng thức một bản nhạc bằng thị quan của riêng mình mà phải nhờ đến người trình diễn, đến ca công, ca kỹ. Ngàn xưa nếu người kỹ nữ bến Tầm Dương chẳng gieo "tiếng buông xé lụa lựa vào bốn dây" chắc gì ngàn sau còn lưu dấu vết Tỳ Bà Hành?


Sự biểu đạt tác phẩm nghệ thuật hay sự truyền thông cảm xúc từ nhạc bản đến thính giả, nơi một vài nghệ sĩ kỳ tài, không chỉ ngưng ở mực độ trình diễn mà còn đi xa hơn nữa, cao hơn nữa, tới một tầm mức nào đó, ca nhân đã sáng tạo, đã đi vào lãnh vực nghệ thuật: nghệ thuật vô hình của sự truyền cảm, nghệ thuật huyền diệu sai khiến con người tìm nhau trong bom lửa, tìm nhau trong mưa bão, nghệ thuật dị kỳ tái tạo bối cảnh quê hương đã nghìn trùng xa cách, nghệ thuật mời gọi những tâm hồn đơn lạc xích lại gần nhau dìu nhau đưa nhau vào ngàn thu, nghệ thuật không tưởng đừng cho không gian đụng thời gian khi ca nương cất tiếng hát, tiếng hát của bầu trời, giao hưởng niềm đau và hạnh phúc: Thái Thanh.

*

Người ta nói nhiều đến sự nhạy cảm của phụ nữ, đến một thứ giác quan nào đó ngoại tầm nam giới. Những người đàn bà phi thường như Callas, Piaf, Thái Thanh,... đã tận dụng đến cùng cảm quan bén nhạy của mình để sai khiến, xao động, chuyển hóa ngôn ngữ, âm thanh của bài hát thành nội cảm cầm ca, cấu tạo nên một vũ trụ thứ hai, đắm đuối, cuồng say, trong lòng người:

Trời trong em, đồi choáng váng
Rồi run lên cùng gió bốn miền
Tiếng hát Thái Thanh đến với chúng ta bằng rung động trực giác rồi tan loãng trong suy tư, xoáy vào những hố sâu, những đỉnh cao, vào tiềm lực của sự sống. Trong nghệ thuật hội họa, Van Gogh dùng sắc độ chói rạng để diễn tả những cuồng nhiệt, những trận bão trong tâm hồn. Trong nghệ thuật trình diễn, Thái Thanh vận dụng tiết tấu âm thanh, tạo nên sức cuốn hút mãnh liệt giữa con người, tình yêu và vũ trụ:
Ngày đó có bơ vơ lạc về trời
Tìm trên mây xa khơi có áo dài khăn cưới
Ngày đó có kêu lên gọi hồn người
Trùng Dương ơi! Có xót xa cũng hoài mà thôi!
*
Vẽ lên hình ảnh người nữ ca sĩ dưới ánh đèn sân khấu, Hoàng Trúc Ly đã có câu thơ thật hay:

Vì em tiếng hát lên trời
Tay xao dòng tóc, tay mời âm thanh
Câu này, trái với vài truyền thuyết, không nhắm vào một danh ca nào nhất định, chỉ gợi lên không khí các phòng trà ca nhạc Sàigòn khoảng 1960. Nhưng tiếng hát lên trời là một hình ảnh có lẽ hợp với giọng ca Thái Thanh nhất, giữa những tiếng hát thời qua và thời nay. Thái Thanh là một danh hiệu, nhưng như có ý nghĩa tiền định: bầu-trời-xanh-tiếng-hát. Hay tiếng hát xanh thắm màu trời. Tiếng hát long lanh đáy nước trong thơ Nguyễn Du, lơ lửng trời xanh ngắt trong vòm thu Yên Ðổ, tiếng hát sâu chót vót dưới đáy Tràng Giang Huy Cận, hay đẫm sương trăng, ngừng lưng trời trong không gian Xuân Diệu, tiếng hát cao như thông vút, buồn như liễu đến từ cõi thiên thai nào đó trong mộng tưởng Thế Lữ.
*

Ngày nay, những khi tìm lại giọng ca huyền ảo của Thái Thanh trong tiện nghi, ấm cúng, ít ai còn nhớ đến định mệnh gian truân của một tiếng hát, những bước gập ghềnh khúc khuỷu, chênh vênh, trôi nổi, theo vận nước lênh đênh. Tiếng nhạc Phạm Duy gắn bó với tiếng hát Thái Thanh thành tiếng của định mệnh, chứng nhân của nửa thế kỷ tang thương, chia lìa trên đất nước. Tiếng Thái Thanh là tiếng nước tôi, là tiếng nước ta, là tiếng chúng ta, là tiếng tình yêu, là tiếng hy vọng, là tiếng chia ly, oan khổ...

Tiếng hát Thái Thanh vang vọng những đớn đau riêng của phận đàn bà, mà người xưa đã nhiều lần nhắc đến bằng những công thức: hồng nhan đa truân, tài mệnh tương đố, tạo vật đố hồng nhan. Giọng hát Thái Thanh dịu dàng đằm thắm nhưng vẫn có chất gì đắm đuối và khốc liệt. Thái Thanh tình tự những khát vọng và những đau thương của hàng chục triệu phụ nữ Việt Nam, những thế hệ đàn bà bị dập vùi trong cuộc chiến kéo dài hằng nửa thế kỷ, kèm theo những giằng co tranh chấp, những băng hoại của một xã hội bất an. Nạn nhân âm thầm, vô danh là những người tình, những người vợ, những người mẹ đã có dịp nức nở với tiếng hát Thái Thanh: từ o nghèo thở dài một đêm thanh vắng đến nàng gánh lúa cho anh đi diệt thù, đến lúc anh trở về bại tướng cụt chân, đến nhiều, rất nhiều bà mẹ Việt Nam, từ Cai Kinh ngang tàng đến Gio Linh Ðồng Tháp suốt đời cuốc đất trồng khoai... Tiếng hát Thái Thanh là tiếng vọng khuya khoắt của những cơn bão lịch sử.

Và Thái Thanh đã sống lăn lóc giữa cơn lốc đó. Từ tuổi mười lăm, mười bảy, cô Băng Thanh -tên thật Thái Thanh- đã mang ba-lô theo kháng chiến chống Pháp: Hà Nội, khu III, khu IV, chợ Sim, chợ Ðại, chợ Neo, Trung Ðoàn 9. Về thành, cô đã góp công, tích cực và hiệu lực vào việc củng cố, phát triển nền tân nhạc phôi thai với ban hợp ca Thăng Long, sau đó là kiếp ca nhi phòng trà những nơi gọi là "Sài Thành hoa lệ", những đêm màu hồng, chiều màu tím.

Trong mười năm sa mạc, Bầu trời xanh không hát, chim gìn giữ tiếng, tiếng chim Thanh như lời Phạm Duy trong một tổ khúc. Sang Hoa Kỳ, Thái Thanh hát lại, vẫn đắm say, vừa kiêu sa vừa gần gũi, đam mê và điêu luyện.

*

Thái Thanh tạo cho mỗi tác phẩm một sinh mệnh mới: Bài hát được "Thái Thanh hóa", như đã đạt được "đỉnh cao" của cuộc đời, từ đó khó tìm thấy ai đưa nó vượt lên cao hơn nữa. Bởi Thái Thanh, ngoài giọng hát điêu luyện phong phú mở rộng trên nhiều cung bậc, còn có nghệ thuật làm nổi bật lời ca trong nhạc khúc và tạo ra một khí hậu, một tâm cảnh chung quanh bài hát. Nghe Thái Thanh hát là thưởng thức một khúc nhạc, một bài thơ, trong một thế giới nghệ thuật trọn vẹn. Giọng hát xoắn sâu, xoáy mạnh vào tâm tư người nghe, khi lâng lâng, khi tẻ buốt, sai khiến tâm tư vươn lên, hay lắng xuống. Giọng hát Thái Thanh tha thướt và tha thiết buộc người nghe phải sống cao hơn, sâu hơn, sống nhiều hơn. Tiếng hát Thái Thanh có lúc gợi cảm, khơi tình, hổn hển như lời của nước mây như lời thơ Hàn Mặc Tử.

Khi tiếng hát cất lên, dường như mọi hữu thể làm bằng sỏi đá, sắt thép, thân xác và nước mắt phút chốc tan biến, trở nên vô hình, vô thể, hóa thân trong tiếng hát, khi trầm mặc, khi vút cao; Thái Thanh, phù thủy của âm thanh là một thứ Ðào Nương trong truyền thuyết có ma lực hú về những âm tình u khuất.

*

Trong những cassette giới thiệu nhạc của mình, Phạm Duy một đôi lần có lưu ý Thái Thanh thỉnh thoảng hát sai. Dĩ nhiên một tác giả có quyền đòi hỏi người khác phải trung thành với văn bản của mình; riêng trong nghề ca xướng, nghệ nhân vẫn có thông lệ đổi vài chữ cho hợp với hoàn cảnh, nhất là ở Việt Nam, nền văn nghệ trình diễn vốn dựa trên truyền thống truyền khẩu lâu đời.

Ví dụ như bài Cho Nhau, Phạm Duy viết:

Cho nhau ngòi bút cùn trơ...
Cho nhau, cho những câu thơ tàn mùa
Cho nốt đêm mơ về già
Thái Thanh hát:
Cho nhau ngòi bút còn lưa
...
Cho nối đêm mơ về già
Lưa là một chữ cổ, có nghĩa là còn sót lại, nhưng mang một âm thanh u hoài, luyến lưu, tiếc nuối. Ca dao Bình Trị Thiên có câu:
Trăm năm dù lỗi hẹn hò
Cây đa bến Cộ con đò vắng đưa
Cây đa bến Cộ còn lưa
Con đò đã thác năm xưa tê rồi.
Chính Phạm Duy cũng có lần sử dụng chữ lưa trong bài Mộng Du: Ta theo đường mộng còn lưa... Dĩ nhiên ngòi bút cùn trơ chính xác hơn, nhưng không thi vị bằng ngòi bút còn lưa.
Cho nốt đêm mơ về già, như Phạm Duy đã viết, là cho phứt đi, cho đi cho xong. Thái Thanh thay chữ nốt bằng chữ nối, tình tứ và thủy chung hơn: những giấc mơ về già chỉ là tiếp nối những giấc mơ tuổi xuân mà anh không tặng được em vì gặp em quá muộn; cho nhau chỉ còn trái đắng cuối mùa, nhựa sống trong thân cây chỉ còn dâng được cho em dư vị chua chát và cay đắng.

Phạm Duy viết:

Cho nhau thù oán hờn ghen...
Cho nhau cho cõi âm ty một miền
Thái Thanh hát:
Cho nhau cho nỗi âm ty một miền
Chữ nỗi vô tình buông ra mà hay hơn chữ cõi, vì cõi chỉ là một miền, một không gian, một ý niệm hiện hữu, có vẻ bao la nhưng thực ra hữu hạn. Chữ nỗi vô hình, nhỏ bé nhưng vô hạn, đi sâu vào tâm linh con người: với tuổi già nỗi chết nằm trong cuộc sống. Cho em nỗi chết là cho tất cả những niềm hoang mang, khắc khoải, đau thương còn lại, nghĩa là chút tình yêu còn lưa trong từng nhịp đập yếu ớt của trái tim đã cạn dần cạn mòn hết những mùa xuân.
*

Nói như thế, không có nghĩa là khuyến khích ca nhân đổi lời tác giả. Chính Thái Thanh nhiều khi hát sai, ví dụ như trong Về Miền Trung: Tan thân thiếu phụ, nát đầu hài nhi mà đổi ra thành Thương thân thiếu phụ, khóc đầu hài nhi là hỏng, nhưng người nghe dễ nhận ra và điều chỉnh. Nhiều chỗ sai, người nghe không để ý.

Ví dụ câu này có thể xem như là một trong những câu hay nhất của Phạm Duy và tân nhạc Việt Nam:

Về miền Trung còn chờ mong núi về đồng xanh
Một chiều nao đốt lửa rực đô thành
Thái Thanh hát một chiều mai đốt lửa... là đánh vỡ một viên ngọc quý. Chữ nao mơ hồ, phiếm định, chỉ là giấc mơ ánh sáng, màu sắc của nghệ sĩ -mà Nguyễn Tuân gọi là cơn hỏa mộng- nó chỉ là hình ảnh nghệ thuật, chứ Phạm Duy mong chi ngày đốt kinh thành Huế? Có lẽ ông còn giữ trong ký ức câu thơ của Chính Hữu(1) trong Ngày Về mà ông rất thích:
Bỏ kinh thành rừng rực cháy sau lưng
*
Thơ không thể dịch được, nghĩa là không thể chuyển thơ từ ngôn ngữ nước này sang ngôn ngữ nước khác mà không làm mất hồn thơ, làm mất chất thơ, nhưng có thể chuyển thơ sang hình thức nghệ thuật khác như chuyển thơ sang nhạc hay phổ nhạc những bài thơ hoặc ngược lại, đặt lời thơ cho bản nhạc.

Chúng ta có nhiều nghệ sĩ sáng tác những nhạc khúc tuyệt vời với ngôn ngữ thi ca, nhưng chúng ta có ít ca sĩ thấm được hồn thơ trong nhạc bản. Ðạt tới tuyệt đỉnh trong ngành trình diễn, Thái Thanh nắm vững cả bốn vùng nghệ thuật: nghệ thuật truyền cảm, nghệ thuật âm nhạc, nghệ thuật thi ca và nghệ thuật phát âm tiếng Việt, giữ địa vị độc tôn trong tân nhạc Việt Nam gần nửa thế kỷ: Thái Thanh chẳng cần làm thơ cũng đã là thi sĩ.

Giữa những phôi pha của cuộc đời, tàn phai của năm tháng, giọng hát Thái Thanh vang vọng trong bầu trời thơ diễm tuyệt, ở đó đau thương và hạnh phúc quyện lẫn với nhau, người ta cho nhau cả bốn trùng dương và mặc tàn phai, mặc tháng năm, tiếng hát vẫn bay bổng ở chốn trần gian hoặc ở vô hình.

Paris, tháng 11-1990
Chú thích:
Những lời ca trích trong bài này của nhạc sĩ Phạm Duy.
(1) nói đến tâm trạng chiến sĩ Trung Ðoàn Thủ Ðô khi rời Hà Nội đầu năm 1947.

© 1990-1998 Thụy Khuê
Sóng từ trường
___

Kiến
#2 Posted : Wednesday, December 29, 2004 1:49:06 AM(UTC)
Kiến

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 13
Points: 0

Một bài viết có thể liệt vào "vượt thời gian" của nhà phê bình Thụy Khuê. Tuyệt vời là hai chữ Kiến muốn nói đến về bài hát này và nhất là tiếng hát Thái Thanh.

Khi nào lập gia đình và có con cái, nhất định Kiến sẽ cho nghe nhạc Thái Thanh hát - nhất là những bài cô hát trước 75. Giọng cô lúc ấy nghe thiệt "bão tố" Blush Big Smile
Phượng Các
#3 Posted : Sunday, January 23, 2005 2:49:32 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,689
Points: 20,007
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)
Thái Thanh

Trường Kỳ


Có thể khẳng định một điều Thái Thanh xứng đáng để được coi là giọng ca tiêu biểu của nền tân nhạc Việt Nam. Tiếng hát đó đã được mệnh danh là “tiếng hát vượt thời gian”, cất lên từ thời kỳ kháng chiến khi cô bé Phạm Băng Thanh mới lên mười mấy tuổi cho đến khi quyết định giã từ ánh đèn mầu vào năm 99 tại hải ngoại, khi được 65 tuổi. Thái Thanh sinh trưởng trong một gia đình tiểu thương có 5 người con, 3 gái, 2 trai. Người chị cả trong gia đình không ai khác hơn là nữ ca sĩ Thái Hằng, vợ của nhạc sĩ Phạm Duy. Hai người anh trai chính là Phạm Đình Chương tức Hoài Bắc và Phạm Đình Viêm tức Hoài Trung. Tiếng hát của cô con út trong gia đình là Thái Thanh trải qua bao thế hệ vẫn luôn tỏ ra vững chãi, dù cho sau này tuổi đời có chồng chất thêm, nhưng không hề bớt đi khả năng rung động và sắc sảo ngày nào. Nhạc sĩ Phạm Duy cho rằng không ai có thể thay thế được Thái Thanh trong sự diễn tả những sáng tác của ông. Chính vì vậy, không ai có thể quên được “tiếng hát vượt thời gian” này qua những nhạc phẩm như Ngày Xưa Hoàng Thị, Nghìn Trùng Xa Cách, Áo Anh Sứt Chỉ Đường Tà, Em Lễ Chùa Này, vv...Một nhà báo người Canada, ông Georges Étienne Gauthier, vào năm 72 đã viết về sự liên hệ chặt chẽ giữa tiếng hát Thái Thanh và âm nhạc của Phạm Duy như sau: “Chính với Phạm Duy mà Thái Thanh đã được khai tâm về nhạc lý và về nghệ thuật ca xướng. Nhưng chỉ nguyên việc ấy không đủ cắt nghĩa vì sao sau này Thái Thanh đã thường hát và hát một cách tuyệt diệu các ca khúc của Phạm Duy. Giữa hai người nghệ sĩ hết sức bén nhậy ấy không làm sao khỏi có một liên hệ tâm tình. Thái Thanh đã thấu hiểu bằng trực giác cái ý nghĩa sâu xa của nghệ thuật Phạm Duy, do đó các khúc điệu uyển chuyển và cao nhã của Phạm Duy đã hoàn toàn tự nhiên trở thành thứ môi trường lý tưởng cho giọng hát cũng uyển chuyển và cũng cao nhã của nàng. Cũng vì thế, người ta tự hỏi không biết giọng hát Thái Thanh đã gây hứng cho Phạm Duy hay các khúc điệu của Phạm Duy đã tạo cảm hứng cho giọng hát Thái Thanh. Tôi xin thưa: đồng thời cả hai. Thật ra, giữa hai nghệ sĩ mà tài năng có tính cách bổ túc lẫn nhau thì sự ảnh hưởng qua lại là điều không thể tránh khỏi. Thái Thanh và Phạm Duy gần nhau trong cuộc đời cũng như trong nghệ thuật, có lẽ chính vì thế mà định mệnh chung của họ có thể sung mãn và hoàn hảo như thế.”

Không những chỉ với nhạc Phạm Duy, tiếng hát tiêu biểu của nền âm nhạc Việt Nam còn khiến tâm hồn người nghe ngây ngất với những nhạc phẩm giá trị của các nhạc sĩ nổi tiếng khác như : Buồn Tàn Thu, Thiên Thai, Giọt Mưa Thu, Đêm Thu, Lá Đổ Muôn Chiều, Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay, Đêm Đông, Tình Quê Hương, Những Lời Ru Cuối, Hen Một Ngày Về, Hướng Về Hà-Nội, Mưa Trên Phím Ngà, Thương Về Năm Cửa Ô Xưa, Tâm Sự Ca Nhân, Ngày Về, Mộng Dưới Hoa, Mộng Đêm Xuân, Ghen, Đêm Tàn Bến Ngự, Ngọc Lan, Tình Khúc Thứ Nhất, Tuổi Đá Buồn, Gọi Tên Bốn Mùa. vv...

Tên tuổi Thái Thanh trở nên lẫy lừng kể từ thập niên 50 cho đến những ngày cuối của miền Nam Việt Nam. Tiếng hát đó đã ngự trị trên khắp các chương trình ca nhạc truyền thanh cũng như truyền hình, ngoài ra còn được đặc biệt chú ý đến khi cùng các anh thành lập ban hợp ca Thăng Long. Riêng trong địa hạt vũ trường, tên tuổi Thái Thanh đã được nhắc nhở đến nhiều khi cất tiếng hát tại vũ trường Đêm Mầu Hồng vào đầu thập niên 70. Thái Thanh lập gia đình với tài tử Lê Quỳnh vào khoảng giữa thập niên 50, nhưng hai người đã chính thức ly dị khi người con gái đầu lòng là nữ ca sĩ Ý Lan mới được 8 tuổi. Ngoài Ý Lan là một trong những nữ ca sĩ thành danh tại hải ngoại, một người con gái khác của Thái thanh là Quỳnh Hương cũng là một giọng ca nổi tiếng và là một MC duyên dáng . Nhờ thừa hưởng dòng máu nghệ sĩ của bà ngoại, con gái của Ý Lan hiện cũng đang là một tiếng hát trẻ nhiều triển vọng.

Sau khi ra đến hải ngoại, những năm đầu tiên, Thái Thanh được coi là một trong những ca sĩ được mời đi lưu diễn nhiều nhất, cùng một lúc tiếng hát này đã được mời thu thanh trên nhiều CD của trung tâm Diễm Xưa. Sau đó Thái Thanh mở lớp dạy hát tại cùng địa điểm dạy nhạc của nhạc sĩ Nghiêm Phú Phi ở quân Cam. Năm 99, bà quyết định giải nghệ khi được 65 tuổi. Sự kiện này được đánh dấu bằng một đêm trình diễn đặc biệt của bà cùng với các con và cháu. Cùng một lúc bà đang trong vòng thực hiện một quyển hồi ký, viết về cuộc đời ca hát của mình được bà coi như hơi thở, như nguồn sống của mình...

Trường Kỳ
2001
Phượng Các
#4 Posted : Sunday, January 23, 2005 12:55:27 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,689
Points: 20,007
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)
Thái Thanh : Tiếng hát tuyệt vời

Việt Hải


Sáng thứ bảy một hôm khi thức dậy tôi nghe chuông điện reo, bên đầu giây bên kia là chị nhà thơ Vũ Hoài Mỹ (VHM) hớn hở khoe với tôi là tối hôm qua chị nghe nhạc, trong một CD có bài hát "Nửa Hồn Thương Đau", nhạc của Phạm Đình Chương và do ca sĩ Thái Thanh (TT) hát, chị cảm thấy rất "phê". Chị VHM lập đi lập lại câu nói: "Giọng Thái Thanh tuyệt vời, Thái Thanh thật tuyệt vời!". Đoạn chị đọc tôi nghe bài thơ chị vừa làm khi cảm xúc nẩy ra khi nhớ về một nữ hoàng của nền ca nhạc VN. Tôi biết nàng thơ VHM, chị có biệt tài làm thơ rất nhanh và nhuyễn. Ngày hôm nay chị là người góp ý niệm khi đọc cho tôi nghe bài thơ mới cảm tác của chị về cô Thái Thanh qua đề tựa của bài thơ là:

"Thái Thanh: Tiếng Hát Tuyệt Vời":

" Thái bình, mà tiếng ngậm ngùị
Thanh âm xưa ấm lòng người ngàn phương
Tiếng êm mượt ướp trầm hương
Hát ru day dứt "nửa hồn thương đau"
Tuyệt tình, không vướng lụy "Sao"
Vời trông đất Mẹ dạt dào tự dọ "

Chị VHM giải thích là sau năm 75, TT chán nản không trở lại nghiệp ca hát, không chạy theo luồng gió mới của buổi giao mùạ Câu thứ 5 chị ám chỉ sự kiện dứt khoát lập trường với chế độ mới trong buổi giao thời đầy "trăng sao", tức thời buổi đầy nghi kỵ của chế độ cờ đỏ "sao" vàng.

Tôi cảm nhận sự kiện "phê, phê" lại đến với tôi, tôi bắt ý khi đọc bài thơ của chị xong, tôi quyết định viết lên những cảm nghĩ riêng của mình bằng lời lẽ thay vì bằng những vần thơ như chi.. Bài viết này mang cùng tên với bài thơ của chị vì đây là sự kiện thật sự, một true fact theo ý nghĩ của tôị Trước đây có vài thân hữu khuyến khích tôi viết ghi nhận các ca nhạc sĩ có những đóng góp cho lãnh vực âm nhạc, tôi ngần ngại vì khi không đủ dữ kiện thì viết không trung thực được. Riêng về ca sĩ TT tôi rất muốn viết từ lâu rồị Vì những ai sống tại miền nam VN trước năm 75 ít nhiều cũng biết TT và những nhạc phẩm mà cô hát. Rất nhiều người như các bạn tôi đều thú nhận trong đời họ, họ có những kỷ niệm riêng tư với tiếng hát TT. Và tôi cũng như ho.. Tôi vội ghi bài thơ của VHM lên trang bià một tờ báo với hàng chữ hý hoáy, và liền leo vào "người tình hi-tech", một đặc ngữ mà nhà tôi ám chỉ cái computer của tôi, tôi quý nó vì nó gắn liền với cái nội tâm tri giác của tôị

Tôi nhớ một chương trình trên đài truyền hình số 9 về quê hương của những năm trước mùa di tản năm 75, giọng hát TT được dùng làm nhạc đệm mở đầu chương trình khi chạy bài hát bài "Tình Ca" của nhạc sĩ Phạm Duy:

"Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi
Mẹ hiền ru những câu xa vời
À à ơi! Tiếng ru muôn đời
Tiếng nước tôi! Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui
Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi
Tiếng nước tôi! Tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi
Thoắt nghìn năm thành tiếng lòng tôi, nước ơi..."

Rồi đậm đà hơn về tình ca quê hương, giang sơn gấm vóc cho con tim tôi thêm rung động qua giọng ca mà làn hơi ngân dài của tiếng hát vượt dòng thời gian này xuôi theo khắp nẽo đường đất nước, theo nhiều biến cố, vận nước nổi trôi để chúng ta còn nhớ mãi:

"Tôi yêu đất nước tôi, nằm phơi phới bên bờ biển xanh
Ruộng đồng vun sóng ra Thái Bình
Nhìn trùng dương hát câu no lành
Đất nước tôi ! Dẫy Trường Sơn ẩn bóng hoàng hôn
Đất miền Tây chờ sức người vươn, đất ơi
Đất nước tôi ! Núi rừng cao miền Bắc lửa thiêng
Lúa miền Nam chờ gió mùa lên, lúa ơi
Tôi yêu những sông trường
Biết ái tình ở dòng sông Hương
Sống no đầy là nhờ Cửu Long
Máu sông Hồng đỏ vì chờ mong
Người yêu thế giới mịt mùng
Cùng tôi ôm ấp ruộng đồng VN
Làm sao chắp cánh chim ngàn
Nhìn Trung Nam Bắc kết hàng mến nhau..."

Giọng ca TT thanh thoát, xao xuyến tâm tư người nghe về đất nước, quê hương mến yêụ Kỷ niệm cũ đó vẫn mãi mãi ngự trị trong tâm hồn tôi khi tiếng ca mang những tình tự rất quê hương đưa người dân Việt phiêu du tâm hồn qua ba miền đất nước. Hoà lẩn bài "Tình Ca" này trong hồn tôi là bài "Tình Hoài Hương", nhạc cũng do Phạm Duy:

"Quê hương tôi, có con sông dài xinh xắn
Nước tuôn trên đồng vuông vắn
Lúa thơm cho đủ hai mùa
Dân trong làng trời về khuya vẳng tiếng lúa đê mệ
Quê hương tôi có con sông đào ngây ngất
Lúc tan chợ chiều xa tắp
Bóng nâu trên đường bước dồn
Lửa bếp nồng, vòm tre non, làn khói ấm hương thôn!
Ai về, về có nhớ, nhớ cô mình chăng?
Tôi về, về tôi nhớ hàm răng cô mình cười!
Ai về mua lấy miệng cười
Để riêng tôi mua lại mảnh đời, thơ ngây thơ...!

Một bản nhạc hay là điều cần thiết để thành công cho người nhạc sĩ. Tuy nhiên, cái yếu tố khác không kém phần quan trọng là người ca sĩ chuyển đạt bài hát đó có khả năng thuyết phục sự rung cảm đến người nghe bản nhạc đó hay không. TT hát với sự khéo léo vận dụng âm thanh theo tiết tấu của bài hát và diễn tả lời bài hát trong một kỹ thuật giao thoa đồng điệu của năng khiếu thiên bẩm. Tôi nhớ lại khi xem hoặc nghe TT diễn tả một cách thật truyền cảm và thật điêu luyện những nhạc phẩm mà TT đã trình bày như: Kỷ Vật Cho Em, Mùa Thu Chết, Nghìn Trùng Xa Cách, Trả Lại Em Yêu, Bà Mẹ Gio Linh hay Bên Cầu Biên Giới, Ngàn Thu Áo Tím,... Tôi cho là vô cùng tuyệt vời:

"Em hỏi anh, em hỏi anh bao giờ trở lại
Xin trả lời, xin trả lời mai mốt anh về.
Anh trở lại có thể bằng chiến thắng Pleime,
Hay Đức Cơ, Đồng Xoài, Bình Giã,
Anh trở về anh trở về hàng cây nghiêng ngả
Anh trở về, có khi là hòm gỗ cài hoa,
Anh trở về trên chiếc băng ca
Trên trực thăng sơn màu tang trắng.
Em hỏi anh, em hỏi anh bao giờ trở lại
Xin trả lời xin trả lời mai mốt anh về.
Anh trở về chiều hoang trốn nắng
Poncho buồn liệm kín hồn anh
Anh trở về bờ tóc em xanh
Chít khăn sô lên đầu vội vã... Em ơi!
Em hỏi anh. Em hỏi anh bao giờ trở lại
Xin trả lời, xin trả lời mai mốt anh về
Anh trở lại với kỷ vật viên đạn đồng đen
Em sang sông cho làm kỷ niệm
Anh trở về anh trở về trên đôi nạng gỗ
Anh trở về, anh trở về bại tướng cụt chân.
Em một chiều dạo phố mùa Xuân,
Bên nguời yêu tật nguyền chai đá..."

Lời bài hát "Kỷ vật cho em" buồn thảm, thê lương, giọng ca cao vút như ai oán của TT khiến tôi rung cảm cho người chinh phụ trong bài hát đối diện với cái rủi ro oan nghiệt của chiến tranh cho hạnh phúc đời nàng. Lần đầu tiên tôi nghe giọng TT ca bài hát này nó đã in sâu cái cảm xúc xoáy vào nội tâm tôi hay một sự chấp nhận mặc nhiên tiên khởi trong hồn tôi cho tới naỵ TT cho âm thanh bài hát ngân nga lên xuống theo cung điệu nhịp hát, khi cô phát âm ngôn từ "Em ơi!", tôi nghe rỏ và thích khúc này, sự kiện cho ta chút bùi ngùi, chút tình tứ cảm thông. Đây là bài hát phải do TT ca và vì cái tần số thính giác đã quen thuộc trong tiềm thức như là một định kiến khuôn mẫu có sẵn trong tôị

Tiếng hát của Thái Thanh với riêng tôi, tôi có những kỷ niệm thật êm đềm. Năm 1967-68, tôi thường đến nhà 2 cô bạn Mỹ Trâm và Mỹ Xuân trong hẻm lối vào kế bên hông đại học Vạn Hạnh, hai cô này học nhạc từ lò luyện tập ca hát của nhạc sĩ Nguyễn Đức, có nhiều lần tôi chứng kiến 2 cô đang tập dượt hát tại nhà, tôi ngồi xem khi hai cô nghe máy hát phát ra những bản nhạc của Phạm Duy do Thái Thanh hát, Mỹ Xuân hát giọng trầm, Mỹ Trâm có giọng hát cao trong trẻo, cao vút khi nàng bắt chước giọng TT. Tôi nghĩ có lẽ không thể nào sánh bằng, nhưng những hậu duệ vẫn lấy giọng ca TT làm chuẩn hay thước đo của sự tiến triển của giọng mình qua các bài như bài "Tiếng Đàn tôi", nhịp điệu Tango:

"Đời lạnh lùng trôi theo giòng nước mắt,
Với bao tiếng tơ xót thương đờị
Vì cuộc tình đã chết một đêm naọ
Lúc trăng hãy còn thơ ấu!
Dù đời tàn trên cánh nhạc chơi vơị
Thoáng nghe tiếng ai khóc ai cườị
Người đẹp về trong lúc mùa thu rơị
Tiếng chuông tiễn đưa đến tôị
Mênh mông lả lơi!
Đàn trầm xa lánh cõi đờị
Mênh mông lả lơi!
Lạnh lùng em đã rời tôị
Khoan, khoan, hò ơi!
Người về xa tắp không lờị
Khoan, khoan, hò ơi!
Lệ sầu rụng xuống đàn tôi..."

Bài ca khác qua giọng hát TT được 2 cô tập dượt mà tôi còn nhớ là "Ngày đó chúng mình", một bài tình ca với nét nhạc trữ tình, nhẹ nhàng, du dương, giọng ca TT bắt đầu:

"Ngày đó có em đi nhẹ vào đời
Và mang theo trăng sao - đến với lời thơ nuối
Ngày đó có anh mơ lại mộng ngời
Và se tơ kết tóc - giam em vào lòng thôi
Ngày đôi ta ca vui tiếng hát vói đường dài
Ngâm kẽ tiếng thơ, khơi mạch sầu lơi
Ngày đôi môi đôi môi đã quyết trói đời người
ôi những cánh tay đan vòng tình ái
Ngày đó có ta mơ được trọn đời
Tình vươn vai lên khơi - tới chín trời mây khói
Ngày đó có say duyên vượt biển ngoài
Trùng dương ơi! Giữ kín cho lâu đài tình đôi ..."

Một bài hát khác của nhạc sĩ Phạm Duy là bài "Tiếng Sáo Thiên Thai", một ca khúc chứa đựng nhiều lời thanh thoát ca tụng vẽ đẹp thiên nhiên, khi TT cất tiếng hát thì hồn tôi có cảm giác thật "thiên thai", khúc nhạc mang âm thanh thư thái:

"Xuân tươi! Êm êm ánh xuân nồng,
Nâng niu sáo bên rừng,
Dăm ba chú Kim đồng...
Tiếng sáo, Nhẹ nhàng lướt cỏ nắng,
Nhạc lòng đưa hiu hắt,
Và buồn xa buồn vắng,
Mênh mông là buồn!
Tiên nga, buông lơi tóc bên nguồn,
Hiu hiu lũ cây tùng,
Ru ru tiếng trên cồn... Mây ơi!
Ngập ngừng sau đèo vắng,
Nhìn mình cây nhuộm nắng,
Và chiều như chìm lắng,
Bóng chiều không đi..."

Rồi một bài hát mà giọng ca TT đã làm lòng tôi dâng lên nỗi buồn man mác là bản "Hoa Rụng Ven Sông":

"Giờ đây trên sông hoa rụng tơi bời giờ đây em ơi cơn mộng tan rồi lòng anh tan hoang thôi vỗ tình ơi ngày như theo sông bóng xế tàn rơi Còn đâu em ơi còn đâu ánh trăng vàng còn đâu ánh trăng vàng mơ trên làn tóc rối còn đâu em ơi còn đâu bước chân người còn đâu bước chân người mơ trên đường chiều rơi Còn đâu đêm sang lá đổ rộn ràng còn đâu sương tan trăng nội mơ màng còn đâu em ngoan tóc rối ngổn ngang tuổi em đôi mươi xuân mới vừa sang..."

Tôi nhận xét trong lịch sử âm nhạc VN thì nhạc Phạm Duy và tiếng hát Thái Thanh có sự liên hệ mật thiết, bất khả phân ly, vì nhiều bài ca của Phạm Duy được sáng tác ra chỉ để giọng ca TT đem lên đỉnh cao đúng vị trí của nó, và ngược lại nhạc Phạm Duy cũng đem tiếng hát TT vào sự đam mê, ngưỡng mộ, thần tượng cô nhiều hơn đối với hàng nhiều, thật nhiều người, trong đó có nhiều ca sĩ tập sự như Mỹ Trâm, Mỹ Xuân,... Nhiều bài viết đã nói nhiều về tương quan giữa nhạc Phạm Duy và tiếng hát Thái Thanh, và đó là tương quan hai chiều bổ sung lẫn nhau. Qua nhiều bài hát từ các bài vừa nói trên hay Ngày Xưa Hoàng Thị, Tiễn Em, Dòng Sông Xanh, Nụ Tầm Xuân, Tìm Nhau, Giết Người Trong Mộng, Em Lễ Chùa Này, Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng,... hay Đừng Xa Nhau mà Mỹ Trâm nghe nhiều lần học kỹ thuật ca của TT:

"Đừng xa nhau! Đừng quên nhau!
Đừng rẽ khúc tình nghèo
Đừng chia nhau nỗi vui niềm đau.
Đừng buông mau! Đừng dứt áo!
Đừng thoát giấc mộng đầu,
Dù cho đêm có không bền lâu.
Đời phai mau, người ghen nhau,
Lòng vẫn cứ ngọt ngào,
Miệng ru nhau những ân tình sâu.
Đừng xôn xao, đừng khóc dấu,
Đừng oán trách phận bèo,
Vì sông xa vẫn trung thành theo..."

Tôi biết tôi có viết về giọng ca Thái Thanh, dù là ghi nhận lại hay quảng bá giọng ca này là độc đáo hay xuất chúng thì cũng bằng thừa, nhưng vì có vài người bạn thân khuyến khích tôi nên viết ra những cảm nghĩ của mình và bạn bè về giọng ca vàng Thái Thanh đã làm mưa, làm gió, tung hoành trong vườn ca âm nhạc VN trong bao năm qua. Tôi nẩy ra ý nghĩ đi gom góp ý kiến của các bạn, rồi đúc kết những ý nghĩ của họ lại trong một bài viết về người ca sĩ của sự mến mộ chung này của quần chúng. Phần kế tiếp tôi xin trích các emails được phúc đáp từ một số thân hữu trong giới thi, văn và nhạc để tìm hiểu xem giọng ca TT có kỷ niệm nào với họ hay họ nghĩ sao về giọng hát này. Nào, chúng ta hãy xem sự ghi nhận của các bạn qua những lời nhận xét sau đây:

Nhạc sĩ trẻ Nguyễn Thiện Doãn cung cấp cho tôi những lời tận đáy lòng của anh về tiếng ca của Thái Thanh: "Vào thuở 18 tuổi khi vừa lớn, Thiện Doãn vẫn thích nhất bài Khi Tôi Về do Phạm Duy sáng tác và Thái Thanh trình bầy. Lời và nhạc, đối với Thiện Doãn, đã quá hay, nhưng nếu không có giọng hát của ca sĩ Thái Thanh thì chưa chắc đã làm NTD phải chú tâm mà ưa thích trong lúc cái tuổi đời mình chưa đủ để phải cưu mang và suy tư (Tam thập nhi lập, Tứ thập nhi viễn chi). Tuy lúc đó còn trong lứa tuổi mới lớn, yêu đương bồng bột, sá gì đến chuyện chiến chinh và thanh bình, nhưng không hiểu sao cứ mỗi lần nghe ca sĩ Thái Thanh cất lên với giọng trong veo, vút tầng mây để rồi giọng ca ấy lẽn vào tâm tư mình với nhiều hình tượng và mơ ước: "Khi tôi về, con chim bồ câu nằm trong tổ ấm khi dây thép gai đã hết rào quanh đồn phòng ngự Và người lính đã trở về bờ ruộng nương đã một lần hoang phế và hôm nay anh cày đám ruộng xưa khi anh về đường đồng quê lối cũ. Con diều bay hồn nhiên, đùa bay trong chiều lộng gió thanh bình. Ôi, chốn quê nhà trên thảm cỏ xanh... Chắc chắn là mơ ước về một quê hương thanh bình, hiền hoà của miền quê mộc mạc, của quê hương đầy ắp tình tự và thâm thúy qua lời nhạc, tiếng ca được gói ghém trong bài "Khi Tôi Về. Con cò lại bay trên đồng ruộng xanh Tre già bảo nhau cúi đầu trầm ngâm Cùng mùi khói lam quen thuộc...". Đến những năm cuối thập niên 80's thì lại được dịp nghe những bài Đạo Ca của nhạc sĩ Phạm Duy qua giọng hát tuyệt vời quen thuộc của nữ ca sĩ Thái Thanh. Giọng ca của ca sĩ Thái Thanh đã để lại trong tâm hồn Thiện Doãn một ấn tượng miên man, to lớn. Bên cạnh những dòng nhạc thanh thoát của nhạc sĩ Phạm Duy, những hòa âm điêu luyện của nhạc sĩ Duy Cường, lời thơ nỗi tiếng của thi sĩ Phạm Thiên Thư, tiếng hát thánh thót như chim sơn ca của ca sĩ Thái Thanh đã chuyên chở những vàng son về ý niệm của dòng nhạc và lời ca rót vào lòng người nghe mà trong đó có Thiện Doãn là một ví dụ điển hình. Tuy tuổi đời còn trẻ so với những bậc trưởng thượng, TD vẫn xin được ghi nhận nơi đây lòng kính phục và trân qúy đến với nữ ca sĩ Thái Thanh nói riêng, và các nhạc sĩ đóng góp nhạc cho ca sĩ Thái Thanh ca nói chung.", Thiện Doãn, San José.

Với nhạc sĩ Phan Ni Tấn từ Canada, cho ý kiến của anh: "Nói về giọng hát Thái Thanh, bắt tôi lựa ra một hay hai bài thì tôi e sẽ không đủ, nhưng đã hỏi thì tôi xin nêu ra nhé. Tôi xin chọn bài Đường Chiều Lá Rụng vì lời như thơ, được giọng ca thánh thót cất lên trong âm thanh âm nhạc tạo nên hình ảnh một không gian mênh mông, bao la của buổi chiều lá ru.ng. Khi tâm tư tôi đang định cư nơi nhiều rừng núi của Canada này mà hồn nghe thấy lá mùa thu rơi để dễ đồng cảm hơn những hình ảnh cô liêu, tàn tạ hay héo úa của cảnh chiều hoang phế...", Phan Ni Tấn, Toronto.

Nhạc sĩ Phạm Anh Dũng cho biết anh thích nhiều bài hát qua giọng ca của Thái Thanh, một ví dụ điển hình là bài "Bà Mẹ Gio Linh". PAD, Santa Mariạ Mẹ Gio Linh tượng trưng cho hằng triệu bà mẹ khác khắc khổ trong chiến tranh, hy sinh thân phận mình để nuôi con ra chiến trận, họ bám víu lấy quê hương tội nghiệp như thân phận chính mình, nhạc Phạm Duy qua sự diễn đạt như lời tâm sự rất tình tự của giọng ca Thái Thanh: "Mẹ già cuốc đất trồng khoai Nuôi con đánh giặc đêm ngày Cho dù áo rách sờn vai Cơm ăn bát vơi bát đầy Hò ơi ơi ới hò! Hò ơi ơi ới hò! Nhà thì nó đốt còn đây Khuyên nhau báo thù phen này Mẹ mừng con giết nhiều Tây Ra công sới vun cầy cấy Hò ơi ơi ới hò! Hò ơi ơi ới hò! Con vui ra đi, sớm tối vác súng về Mẹ già một con yêu nước có kém chi Đêm nghe xa xa có tiếng súng lắng về Mẹ nguyện cầu cho con sống rất say mệ Mẹ già tưới nước trồng rau Nghe tin xóm làng kêu gào Quân thù đã bắt được con Đem ra giữa chợ cắt đầu..."

Nhạc Sĩ Anh Vũ biên cho tôi đôi dòng nhận xét của anh như sau: "Với tôi, ca sĩ Thái Thanh hát bài nào cũng tuyệt vời vì giọng hát của cô là cả sự điêu luyện và thiên phú. Điêu luyện ở chỗ cách chuyển tông (tone), luyến, láy, rung, ngân cơ hồ như những bất cứ nhạc cụ nào mà người nhạc công tài ba đang xữ du.ng. Thái Thanh không những áp dụng lối ép hơi từ bụng, thanh quản trong kỷ thuật thanh nhạc, mà cô còn áp dụng cả một vùng trời nghệ thuật bằng cách đem cả trái tim, tâm hồn gởi gấm theo từng ý nghĩa âm ba nhịp điệu, cuờng độ trải rộng bát ngát hay sâu thăm thẳm trong khoảng không gian, thời gian cơ hồ yên tĩnh... Tôi vốn thích nhất là bài -Trường ca- Con đường cái quan." Anh Vũ, Orange county.

Nhạc sĩ Trần Đại Phước cho dòng ghi nhận của anh về TT: "Theo kinh nghiệm và cảm nhận riêng, tôi nghĩ Thái Thanh có một giọng hát cùng một cung cách hát vô cùng điêu luyện một cách cực kỳ sắc sảo, không có giọng nữ nào trong giới ca sĩ VN có thể vượt qua nổi. Sự sắc sảo này không chỉ nằm trong âm sắc (timbre) mà còn ở trong việc diễn tả cao độ của âm thanh nữa. Sắc giọng của Thái Thanh bén nhọn, mạnh mẽ nên có tính cách xoáy sâu vào tâm tư của người nghe. Do đó, chỉ có giọng Thái Thanh mới có thể đi đôi với hai sắc giọng khác trong ban Thăng Long, một rất "rền" (Hoài Trung) và một rất "nhựa" (Hoài Bắc). Cũng có thể nói là tiếng hát Thái Thanh mang tính chất opera, nhưng do thiên phú chứ không phải do đào luyện nên nghe tự nhiên, dễ chịu. Tuy nhiên, tôi xin thêm rằng nghe Thái Thanh hình như cũng phải cần đến một "tâm lực" hùng hậu, vì có hơn một người quen đã nói với tôi rằng khi nghe Thái Thanh hát, họ cảm thấy "sợ". Cũng nhờ sắc sảo - chính xác và uyển chuyển - trên độ cao của nốt nhạc, Thái Thanh đã phần lớn có thể diễn tả vượt trên những ký âm thông thường của một ca khúc, đôi khi còn có thể tạo nên những "glissandi" mà cũng chỉ có Thái Thanh mới thể hiện được, ví dụ chữ "lướt" trong "Buồn Tàn Thu". Người khó tính về chuyện hát thật sát với ký âm có thể không hài lòng, nhưng theo tôi, đó cũng là quyền diễn xuất của một ca sĩ trong việc đơn ca, mình chỉ nên nhận xét về hay hay dở, xuất sắc hay tầm thường, mà ở Thái Thanh, hầu như luôn luôn chỉ có xuất sắc.", TĐP, Dallas.

Nhạc sĩ Hiếu Anh cho tôi ý nghĩ của anh khi nghe TT hát: "Rất hân hạnh biết anh và lại được anh nhắc tới ca sĩ THÁI THANH, một ca sĩ có giọng ca thánh thót ngọt nào và truyền cảm, một giọng ca mà nhiều người đã phải nhìn nhận rằng: "GIỌNG CA VƯỢT THỜI GIAN và KHÔNG GIAN". Những bản TÌNH CA của Phạm Duy mà THÁI THANH đã hát sau này ít có ai qua mặt được THÁI THANH như bài Đố Ai, NỤ TẦM XUÂN,... hay HỘI TR'NG DƯƠNG của Phạm Đình Chương, và cả những tác phẩm của các nhạc sĩ khác như bài MÙA THU KHÔNG TRỞ LẠI của Phạm Trọng Cầu, mà THÁI THANH đã hát rất hay. Tuy vậy, sở thích và trình độ thưởng thức của mỗi người mỗi khác... nhưng tựu trung hầu như đa số đều mến mộ giọng ca THÁI THANH như một GIỌNG CA VÀNG hiếm có. Sau cùng, tôi có một kỷ niệm rất khó quên với giọng ca THÁI THANH là tôi đã rơi nước mắt khi nghe THÁITHANH ca bài BIỆT LY của DZOÃN MAN trong cái đêm của ngày cuối cùng mà tôi phải biệt ly người vợ vừa cưới để ngày mai lên đường nhập ngũ vào trường Bộ Binh Thủ Đức... vì nó xảy ra đúng tâm trạng sắp tạm biệt gia đình và người vợ mới cướị", Hiếu Anh, Louisville, Kentucky.

Nhạc sĩ Hàn Sĩ Nguyên góp ý của anh như sau: "Anh hỏi về ca sĩ Thái Thanh, Nguyên biết trả lời sao bây giờ? Thái Thanh nổi tiếng quá rồi. Thôi thì vắn tắt như thế này nhé : Có nhiều yếu tố tác động, vun đắp, hình thành nên một nhân cách, một tâm hồn... - Một là Ca dao VN - Hai là Thơ Kiều của Nguyễn Du - Ba là nhạc Phạm Duy đi đôi cùng tiếng hát Thái Thanh, mà Nguyên nghĩ hai thành phần này theo Nguyên là không thể tách rời nhau. Chính Nguyên là một trong số những người chịu ảnh hưởng nặng nề của cả 3 yếu tố ấy, ngay từ tấm bé, cho đến bây giờ, mãi mãi về sau này. Vì vậy, tình cảm của Nguyên là "vô cùng biết ơn những người nghệ sĩ ấy". Nói riêng về Thái Thanh thì... bài nào cũng thích, nhưng nếu phải chọn thì Nguyên đặc biệt thích thì 2 bài: 1- "Ngày đó chúng mình", gamme Re trưởng: là bản nhạc đầu tiên Nguyên tập chơi đàn năm 16 tuổị 2- "Tình cầm", đặc biệt thích khi mình... không còn trẻ nữa, vì nó quá tuyệt vời!", Hàn Sĩ Nguyên.

Nhạc sĩ Trần Quốc Sỹ cho ý kiến của anh về Thái Thanh: "Theo tôi, hai nhạc phẩm mà Thái Thanh đã làm rung động người nghe nhất là bài "Áo anh sứt chỉ đường tà" và bài "Kỷ vật cho em". Có lẽ ít ca sĩ nào có thể trình bày hai nhạc phẩm này hay hơn Thái Thanh. Nghe Thái Thanh trong bài "Áo anh sứt chỉ đường tà" và bài "Kỷ vật cho em", thính giả có thể có cảm tưởng như mình đứng giữa những gì đang xảy ra của cuộc chiến buồn vơi...", Trần Quốc Sỹ, Hungtington Beach, nam Cali.

Từ bên Úc châu, nữ nhạc sĩ Quách Nam Dung ghi những nhận xét về Thái Thanh như sau : "Thái Thanh được coi là giọng ca hàng đầu của nền âm nhạc VN, giọng ca oanh vàng này đã chiếm một khoảng thời gian dài, nhất là từ thập niên 50's đến giữa 70's, trong không gian VN, đặc biệt là tại miền nam khi nhiều nhạc phẩm của nhạc sĩ Phạm Duy và nhiều nhạc sĩ khác được cô cất tiếng ca mình chuyên chở đến đám đông. Trong nhiều bài ca cô hát, QND thích nhất bài "Giết Người Trong Mộng" của Phạm Duỵ", Quách Nam Dung, Melbourne.

Nhạc sĩ Đỗ Duy Thụy đóng góp quan điểm của anh về giọng ca vàng Thái Thanh: "Nói đến giọng ca Thái Thanh, phải nói đến nhạc Phạm Duy, cũng như Khánh Ly với nhạc Trịnh Công Sơn. Những bản nhạc rất hay lại càng truyền cảm hơn nên rất dễ thu hút tâm hồn người nghe, cộng thêm sắc thái độc đáo của giọng ca nên rất dễ trở thành huyền thoại. Tôi đã rất yêu thích giọng hát của Thái Thanh nhưng nếu phải chọn bài hát nào hay nhất qua giọng hát của chị, thì hình như sự ưa thích đó đã đổi thay theo tâm trạng của tôi trong từng hoàn cảnh sống của mình. Nói như vậy, vì tôi còn nhớ cách đây đã lâu, ngày tôi cùng bao nhiêu thanh niên khác đã từ bỏ học đường theo tiếng gọi của non sông lên đuờng nhập ngũ vào thời điểm chiến tranh bộc phát mãnh liệt trong mùa hè đỏ lửa, để lại sau lưng cả một tuổi trẻ đầy mơ ước, rời xa những người thương yêu, và quên đi một tương lai nhiều hứa hẹn. Ngày đó, bước chân chiến đấu trên con đường vô định, tôi đã rất say mê những nhạc phẩm như "Trả Lại Em Yêu" và "Kỷ Vật Cho Em" của Phạm Duy. Và những nhạc phẩm này mà được nghe qua tiếng hát ray rứt cao vút của Thái Thanh thì tuyệt vời cho tâm trạng của tuổi trẻ lớn lên trong một quê hương đầy lầm than máu lửa. Nhưng sau này, từ khi ra đi làm thân viễn xứ trưởng thành nơi đất lạ, nỗi nhớ quê hương có lẽ đã thay thế cho sự khổ đau của chiến tranh và những dằn vặt mất mát của tuổi trẻ, nên tâm trạng của tôi cũng đổi thay khác đi. Bây giờ, có những buổi trưa hè nóng bức chợt nghe văng vẳng tiếng hát cải lương vọng từ đài phát thanh Việt Ngữ, tôi bỗng có một cảm giác rất gần gũi, rất thân thương với văn hoá của đất me.. Một cảm giác như mình đã mất mát tuổi trẻ, lớn lên trong trống vắng, và bây giờ tìm lại được dĩ vãng của chính mình. Vì vậy, tôi đã rất thích và xúc động mỗi khi nghe nhạc phẩm "Tiếng Nước Tôi" và phải với giọng hát Thái Thanh cao vút và ngân dài mới diễn tả trọn vẹn sự yêu thương một ngôn ngữ mà tôi đã dùng từ lúc chào đờị Tôi không biết giải thích tại sao bây giờ tôi lại yêu thích giọng hát của chị Thái Thanh qua nhạc phẩm này như vậy. Có thể vì nợ áo cơm phải dùng ngoại ngữ mà tôi vẫn không hấp thụ hoàn toàn. Có thể về già nên nặng lòng hoài hương chăng? Có thể vì tôi hoạt động trong lãnh vực Việt Ngữ được nhìn thấy các em nhỏ đang cố gắng học tiếng mẹ đẻ. Có thể vì tiếng Việt tôi đã xử dụng để cảm thông tận cùng với ông bà cha mẹ, anh chị em, vợ con, bạn bè v.v... Có thể vì ngôn ngữ này tôi đã diễn tả hoàn hảo hơn ý nghĩ và tâm hồn tôi, thông hiểu hoàn hảo hơn nhưng bài viết, bài thơ, bài nhạc của người cùng quê hương, Có thể tiếng Việt đã thấm vào trong dòng máu của tôi lúc chào đời từ trên môi me.. Vì lý do nào đó, tôi vẫn bâng khuâng cảm xúc mỗi khi nghe giọng hát của Thái Thanh cao vút: "Tôi yêu tiếng nước tôi... Từ khi mới ra đời à ơi...", ĐDT, Houston.

Nhà thơ Bích Khuyên đưa ra cảm nghĩ của chị là: "Tôi say mê giọng ca Thái Thanh từ khi mới lớn, bài hát thích nghe qua giọng ca Thái Thanh thì rất nhiều. Ví dụ bài Nửa Hồn Thương Đau, Ngậm Ngùi hay Giết Người Trong Mộng, tôi thấy lời ca vang cao vút của Thái Thanh tạo cho người nghe một nỗi buồn tê tái trong tâm hồn. Tôi nghĩ cái giá trị của giọng ca này sẽ vô cùng hiếm quý và sẽ đứng vững trong vườn hoa lịch sử âm nhạc VN.", Bích Khuyên, Oklamoma citỵ

Nhà thơ Hồng Vũ Lan Nhi bày tỏ tâm tình về Thái Thanh và kỷ niệm của chị: "Mỗi lần nghe đến "Tiếng Hát Vượt Thờì Gian" là tôi lại nghĩ liền đến Thái Thanh. Từ năm ngoái, tôi dã gặp chị Thái Thanh 2 lần, trong buổi họp mặt taị nhà anh chị bác sĩ Đỗ Xuân Giu.. Anh chị Đỗ Xuân Giụ có một tâm hồn rất văn nghệ, cho nên anh chị đã tổ chức ít ra là 2 lần trong năm, và quy tụ những thành phần cũng yêu văn nghệ như anh chi.. Mỗi lần họp mặt như thế, cũng ước chừng một đám đông 60 người. Và lần naò cũng có chị Thái Thanh hát, và anh Nghiêm Phú Phi đàn. Tôi nhớ 2 lần gặp chị Thái Thanh, dáng ngươì cao cao, gầy gầy, và rất ít son phấn, có thể nói là chị trang điểm rất nhẹ, đến nỗi tôi có cảm tưởng chị không trang điểm Tôi ngồi bên chị và hỏi thăm xã giao. Chị nói chuyện cởi mở, và dễ thương. Chị ăn mặc giản dị, trẻ trung... Ăn uống xong, thì đến phần ca nhạc. Bao giờ thì cũng những ngươì bạn hát trước, có người ngâm thơ, và sau vài ba ngươì, thì Thái Thanh sẽ "bị" mời lên. Hình ảnh chị hôm nay, khác với những ngày xưa chỉ là khi hát, chị phải đeo kính trắng để đọc những lời. Còn lại thì không có chi thay đổi, cử chỉ nhún nhẩy, lốí hát vui tươi, hay buồn sầu cũng vẫn được thể hiện trên khuôn mặt của chi.. Chị hát rất say sưa, và tôi nghe với hết cả tâm hồn. Đứng trước micro, chị tâm sự là chị thích hát nhạc Phạm Duy và Phạm Đình Chương, ngoài ra, chị cũng thích hát nhạc Trịnh Công Sơn, nhưng chưa nhiều. Tuy nhiên, chị hát rất nhiều của nhiều tác giả khác nhau. Nhìn Thái Thanh, ắt hẳn, ai cũng nhớ đến bài Tình Ca của Phạm Duy, mà tôi đã nghe từ năm 1952, khi còn ở Huế, và còn là nữ sinh Đồng Khánh, cuả lớp đệ Thất B3. Vào thời đó, Ban Hợp Ca Thăng Long cũng có ra Huế để hát một chương trình đặc biệt, và tôi tuy chỉ khoảng 12, 13 cũng được gia dình mua vé cho đi xem. Rồi những bài Hội Trùng Dương của Phạm Đình Chương, Dòng sông Hồng, Dòng sông Hương và Dòng sông Cửu Long... Tôi còn nhớ khi có chương trình nhạc phụ diễn ở các rạp ciné do anh Trần văn Trạch đề xướng, tôi vẫn nhớ Ban Thăng Long với bài Ngựa Phi Đường Xa... mà Hoài Trung đã hí giống ngựa hí như đúc. Và Thái Thanh trong bài Dòng Sông Xanh, tiếng hát cao vút, khiến người nghe cảm thấy rộn ràng, xao xuyến. Khi tôi nghe Thái Thanh hát bài Hương Xưa của Cung Tiến mà nhớ cả một trời xưa thơ mô.ng. Nếu kể ra những bài tôi thích thì sẽ nhiều lắm. Nguyên những loạt bài của Phạm Duy như Nghìn Trùng Xa Cách, Đừng Xa Nhau, Ngày Xưa Hoàng Thị, Phố Núi Cao... sẽ nhiều rồi, và tiếng hát Thái Thanh đước các đài radio mãi rả rích một ngày không biết bao nhiêu lần. Và bài Dìu Nhau của Phạm Duy có lẽ tôi chỉ nghe Thái Thanh hát mà thôi . Tuy nhiên, Thái Thanh còn làm tôi nhớ đến bài Tuôỉ 13 của Nguyên Sa và Ngô Thụy Miên. Tôi thích tiếng hát Thái Thanh trong baì Em Dến Thăm Anh Một Chiều Mưa của Tô Vũ, gợi trong tôi những ngày ở Huế mưa dầm dề, mưa Cả tuần không ngớt, và tôi di trong mưa, nghe qua radio nhà ai bài Em Dến Tham Anh Một Chiều Mưa... trong lứa tuổi 13 đó, mà cũng thấy buồn chi la.. Nỗi buồn man mác... Thái Thanh sinh ra để làm loài chim sơn ca hay họa mi, chỉ cho người đời lời ca tiếng hát, và hát nhiều bài của nỗi nhớ không nguôi, mà bài nào cũng cho người nghe một tâm trạng khác nhau, hoặc buồn, hoặc vui... Nhắc đến Thái Thanh, tôi muốn nói nhiều đến giọng hát đặc sắc của chi.. Giọng hát có lúc nhõng nhẽo như khi chị hát lúc tuổi 13, có lúc tha thiết day dứt như khi chị cất tiếng hát: "Em hỏi anh, em hỏi anh, bao giờ trở lại. Xin trả lời, xin trả lời, mai mốt anh về...". Có lúc trữ tình, lãng man, như trong bài Hương Xưa: "Người ơi, một chiều nắng tơ vàng hiền hoà hồn có mơ xa... Người ơi, đường xa lắm con đường về làng, diù mấy thuyền đò... Còn đó, tiếng tre êm ru, còn đó bóng da hẹn hò, còn đó những đêm sao mờ hồn ta mênh mang nghe sáo vi vu...". Tôi ngồi trong một góc, để nghe tiếng Thái Thanh đang vang lên trong căn phòng ấm cúng tại nhà anh chị Đỗ Xuân Giụ, mà lòng như bềnh bồng trôi về một thủa nào xa tít tắp, của một thời Huế xưa, một thời Sài Gòn trong dĩ vãng,... Nhất là thời của Trưng Vương, khi ở vào lứa tuổi đẹp nhất của những năm là học trò đệ Nhị, đệ Nhất ở trường Trưng Vương. Tiếng hát Thái Thanh đã gợi nhớ trong tôi bao nhiêu là kỷ niệm thật êm đềm, khiến nhiều khi nghe chị hát, mà ngỡ như nghe tiếng hát từ dĩ vãng vọng về, cuả những ngày xưa thân ái, để luyến tiếc thêm, và hoài niệm về những ngày xa xưa mà thôị", HVLN, Orange county.

Chị HVLN nhắc tôi bài "Tuổi 13", tôi có kỷ niệm với bài nhạc này khi viết bài văn "Mùa Thu Cho Em". Tôi kể cho anh Ngô Thụy Miên nghe, bài "Tuổi 13" là thơ của Nguyên Sa, nhạc của Ngô Thụy Miên, nhưng phải do Thái Thanh hát, vì chỉ có giọng ca này mới diễn tả trọn vẹn nét dấu yêu với một chút e ấp, một chút nũng nịu, một chút thơ ngây, và một chút nhõng nhẽo của lứa tuổi 13 thần tiên trong cái cảm giác của tôi khi mãi nghe đi nghe lại bài này, và chỉ có Thái Thanh hát "Tuổi 13" mới thật sự "phê" trong cái đam mê hay ý thích của tôi mà thôị Thi sĩ Nhược Thu cho tôi phần ý kiến của anh: "Tôi nghe Thái Thanh ca "Năm năm tình lận đận", tôi hiểu nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên nhiều hơn. Giọng ca Thái Thanh diễn tả bài hát thật rung động tim tôi. Dù những ngày ở sân trường đại học văn khoa, hay khi đi vào quân ngũ, rồi bị bắt đi "học tập", bao bài tình ca do Thái Thanh hát vẫn mãi sống trong tôị Cám ơn "Trả lại em yêu", cám ơn "Hẹn hò": "Một người ngồi bên kia sông im nghe nước chảy về đâu Một người ngồi đây trông hoa trôi theo nước chảy phương nào Trời thì mưa rơi mưa rơi không ngưng suối tuôn niềm đau Người thì hẹn nhau sang sông mong cho chóng tạnh mùa Ngâu...", Cám ơn "Tôi đi giữa hoàng hôn", Cám ơn "Giã Từ Đêm Mưa", Cám ơn "Biệt ly",..., và cám ơn tiếng hát Thái Thanh sẽ còn mãi trong tôị", Nhược Thu, San Diego.

Nhạc sĩ Nguyễn Đăng Tuấn đưa ra cảm nghĩ của anh: "Tiếng Hát Thái Thanh đã tung hoành ngang dọc trong suốt những thập niên sáu mươi và bảy mươi của thế kỷ hai mươị Hàng đầụ Thái Thanh nổi tiếng với nhiều ca khúc khác nhaụ Từ nơi các người viết nhạc trước vào sau thời kỳ "toàn quốc kháng chiến", hay trước và sau thời "tiền chiến". Giọng hát Thái Thanh được vang trong khắp các đài phát thanh Sài Gòn, và đài phát thanh Quân Đội tại miền nam VN tự do. Và bị tắt tiếng sau ngày miền Nam rơi vào tay cộng sản. Để rồi ngậm ngùi "đâu rộn ràng giọng hát Thái Thanh". Tiếng hát Thái Thanh trải suốt. Từ những ca khúc đầy mơ mộng như Suối Mơ của Văn Cao, Con Thuyền Không Bến của Đặng Thế Phong, Ngọc Lan của Dương Thiệu Tước, Hoài Cảm của Cung Tiến, Suối Tóc của Văn Phụng, hay những ca khúc đượm tình quê hương như Đôi Mắt Người Sơn Tây của Phạm Đình Chương, Tình Quê Hương của Đan Thọ, Hòn Vọng Phu của Lê Thương, Tình Hoài Hương của Phạm Duy, hay ca khúc âm vang trời Âu như Paris Có Gì Lạ Không Em của Ngô Thụy Miên,v.v. Đương nhiên tiếng hát Thái Thanh trải rộng cả trăm ca khúc khác nhau, nếu không nói là nghìn bài là con số có được. Tiếng hát rộng, mỏng, uốn éo, và thích nét làm dáng của Thái Thanh khi ca trên sân khấu hoặc trên màn ảnh ti vi. Tôi nghe TT ca mà tâm tư xao xuyến khi gợi về quê hương như bài Tình Hoài hương. Hẳn Thái Thanh đã có riêng một số lượng thích giả đông đảo.", NĐT, New Jersey. Nhận xét của Nhạc sĩ Hoàng Thy về Thái Thanh như sau: "Người ta không ngạc nhiên khi nghe Thái Thanh ca bất cứ một nhạc phẩm nào trong quá khứ và nhạc phẩm được đó được xem là hay, tôi nghĩ chị chọn lựa bài và tập cho mình một phong thái riêng khi hát nó. Những ca khúc được chị ca đều vượt trội khi chị chuyên chở ý tưởng hay lời ca của bản nhạc. Thêm vào đó, cung cách trình diễn linh động như tôi còn nhớ khi xem chị trình bày các ca khúc Kỷ Vật Cho Em, Mùa Thu Chết hay Nghìn Trùng Xa Cách. Ngày nay quay về dĩ vãng cũ của Sài Gòn trước năm 75, hình ảnh hay giọng ca của chị là một kỷ niệm đẹp trong tôi" Hoàng Thy, San Diego. Nhạc sĩ trẻ Minh Luân cho những dòng kỷ niệm chân thành của anh về giọng ca Thái Thanh như sau: "Nhắc đến nữ danh ca Thái Thanh thì chúng ta không thể nào không nhắc tới đại tác phẩm "Buồn Tàn Thu" của nhạc sĩ Văn Cao. Có lẽ tôi suy diễn hơi xa khi cho rằng nhạc sĩ Văn Cao sáng tác nhạc phẩm này chỉ dành riêng cho giọng hát Thái Thanh mà thôi. Quả thật là như vậy mỗi khi nghe Thái Thanh hát dạo câu đầu của bài "Buồn Tàn Thu" là hồn tôi rung cảm ngây ngất vì nó quá tuyệt vời... xin mời các bạn thưởng thức tại đây: "Ai lướt đi ngoài sương gió Không dừng chân đến em bẽ bàng Ôi vừa thoáng nghe em Mơ ngày bước chân chàng Từ từ xa đường vắng Đêm mùa thu chết Nghe mùa đang rớt rơi theo lá vàng Em ngồi đan áo Lòng buồn vương vấn Em thương nhớ chàng Người ơi còn biết em nhớ mong Tình xưa còn đó xa xôi lòng..." Văn Cao viết lên lời tình tự, nhưng lời tự tình này lại được cất vang từ giọng hát điêu luyện về ngàn trùng âm vang vọng nhớ, về dĩ vãng buồn bã của mùa thu tàn lụi: Tôi đã mở đi mở lại bài này cả trăm lần nghe mãi mà cũng không thấy chán... Giọng ca Thái Thanh, theo ý tôi, quả thật là tự cổ chí kim rất khó...
Phượng Các
#5 Posted : Sunday, January 23, 2005 12:57:52 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,689
Points: 20,007
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)
Thái Thanh: Danh ca và mẹ hiền

Tiểu Quyên


Thái Thanh danh ca từ thuở dưới đôi mươi

Nữ danh ca Thái Thanh trong nhiều thập niên được quần chúng ái mộ coi là “Tiếng hát vượt thời gian” nhưng ít người biết tới vai trò Làm Mẹ nhiều khó khăn mà cũng rất thành công của cô, có lẽ không kém gì địa vị sáng láng của cô trên sân khấu.

Trong đĩa nhạc CD Thái Thanh Hải Ngoại 3 (Đêm Màu Hồng), bài mở đầu “Về đây nghe em” là hợp ca của ba giọng của Thái Thanh cùng hai con gái là Ý Lan và Quỳnh Dao (nay là Quỳnh Hương của đài Saigon Radio hải ngoại). Vì lòng thương con mà đây là lần đầu tiên Thái Thanh hát giọng phụ. Cô cho biết:

“Những người giọng cao như Thái Thanh thường không hợp với bè hai. Chị tôi là Thái Hằng thì có “giọng nhung”, là giọng thiên phú để hát bè, nên chị ấy hợp ca thật tuyệt vời, làm nổi bật giọng chính.”

Vai trò làm mẹ khó khăn của Thái Thanh

Trong một buổi tối thứ Bảy cuối năm 1996, Thái Thanh kỷ niệm 50 năm trình diễn âm nhạc, cô đã để lộ tài năng “tung hứng” các con trước khán giả trong buổi trình diễn của toàn thể gia đình cô tại rạp Ritz.

Con người luôn luôn sống với những chùm ánh sáng của danh vọng sân khấu đó đã thể hiện những khôn khéo của một “bà bầu” trong con người hiền mẫu. Thái Thanh đã làm nhiều khán thính giả trung thành của cô phải ngạc nhiên khi cô giới thiệu một cách khéo léo các tiết mục trình diễn của Ý Lan, Quỳnh Hương và Lê Đại trong đêm đó.

Lập gia đình với tài tử điện ảnh Lê Quỳnh (vai chính trong phim Chúng Tôi Muốn Sống) năm 1956, Thái Thanh liên tiếp “sản xuất” 5 người con: 3 gái, 2 trai. Đó là: Ý Lan sanh năm 1957, Lê Việt 1958, Quỳnh Dao tức Quỳnh Hương 1960, Thanh Loan 1962 và Lê Đại 1964. Cậu út Lê Đại nhiều lần “chê” mẹ là sanh đẻ nhiều quá, “y như gái Tầu” vậy. Lê Đại cũng là người kém may mắn nhất trong 5 chị em: Khi ra đời khỏe mạnh, nhưng Lê Đại bị bệnh sốt tê liệt (Polyo) cấp tính từ lúc 8 tháng. Tuy sống sót nhưng Lê Đại bị liệt nửa thân dưới, xương sống cũng bị sụm.

Năm 4 tuổi, chú bé được tổ chức Terre Des Hommes mang qua nước Ý chữa trị 3 năm liền và năm 1971, Đại trở về Việt Nam (7 tuổi), em bắt đầu học vần quốc ngữ với mẹ và các anh chị tại nhà. Sau tháng 4/1975, tuy bị kẹt lại Saigon nhưng bà mẹ Thái Thanh cũng tìm đường đưa được Lê Đại và Quỳnh Hương qua Pháp ( 1980). Sau đó hai chị em được bố bảo lãnh sang Hoa Kỳ và Lê Đại được học qua điện thoại chương trình dành cho trẻ tật nguyền.

Năm 1985, Thái Thanh rời Saigon qua tới California. Mười năm im lặng không hề cất tiếng hát trước công chúng, cô lại bắt đầu tập dượt và trình diễn trên sân khấu khắp nơi trên thế giới. Đồng thời, cô đảm đương trách nhiệm làm mẹ với rất nhiều nghị lực. Thái Thanh tập lái xe dù cô không thích chút nào, nhưng “phải tập ngay để có thể hàng ngày đưa đón Lê Đại đi học”. Sau hai năm học tại College Golden West Lê Đại đã được vô đại học Long Beach. Sự kiên trì và nhẫn nại của bà mẹ Thái Thanh đã giúp Lê Đại (nay là Michael Đại Lê) tự tin hơn, yêu đời hơn và em tốt nghiệp Bachelor tại University of California, Long Beach năm 1996 về bộ môn Music, thêm nhiều tín chỉ về computer. Ngày nay, Lê Đại đang đi làm Webmaster trong một phân bộ về giáo dục và nghiên cứu của đại học UCI Long Beach, sống tự túc thoải mái trong một căn hộ riêng gần trường. Cậu đi làm bằng xe bus, mỗi cuối tuần bà mẹ Thái Thanh đều tới thăm nom, mang thêm vài món ăn Việt Nam bà nấu “theo order” cho cậu út.

Bà mẹ Thái Thanh cũng như bất kỳ bà mẹ nào, đã có bao ước mơ đẹp đẽ về các con, như Phạm Thiên Thư đã diễn tả trong một bài thơ (Phạm Duy phổ nhạc), mà chính cô đã hát lên nhiều lần, làm cho bản nhạc trở thành bất tử. Nhiều bà mẹ trẻ Việt Nam thời đó đã ru con đầu lòng bằng bài ca này, thay cho những câu “ví dầu, ầu ơ...”:

“Ru con bằng bài ca mới
Cho con mến nhạc và thơ
Ru con còn nhờ mây gió
Tim con chẳng có vực bờ....”

Ắt hẳn trái tim của bà mẹ Thái Thanh đã nhiều lần rướm máu khi cất tiếng hát lên những lời nhạc trái hẳn với sự thực phũ phàng của khúc đời cực nhọc mà cô phải hứng chịu trong thời gian Lê Đại mới bị tê liệt:

“Ru con rằng đời muôn lối
Cho mây kết hợp rồi tan
Thân con là trời cao với
Tim con là cõi địa đàng.....”

Cũng như khi cô bé Thanh Loan sang tới Hoa Kỳ (1985), bắt đầu bị bệnh phiền muộn (depression) nặng hơn, Thái Thanh một lần nữa lại khổ đau cùng cực trước số phận khắt khe. Trong thời gian tìm hiểu về bệnh trạng của Thanh Loan, biết con không học hành bình thường như các anh chị em được, cô đã cố gắng dìu dắt con gái, cùng đi làm những việc thiện nguyện, mong con tìm được niềm vui sống...Nhưng bệnh tình Thanh Loan cứ nặng dần, sau cùng Thái Thanh đành phải nghe lời bác sĩ và các bạn đồng cảnh ngộ, đưa con vào một bệnh viện chữa trị. Nhưng cô vẫn kiên trì phấn đấu với phương tiện và hoàn cảnh của mình để giúp đỡ con yêu và một lần nữa Thái Thanh đã thắng được định mệnh: Sau hơn mười năm chữa trị, Thanh Loan ngày nay đang tập trở lại sống bình thường trong xã hội. Cô bé đã có bằng về cắm hoa và rất mong muốn sống tự lập được sau khi đi làm.

Yếu tố thành công của Thái Thanh

Ở địa vị “tiếng hát vượt thời gian”, Thái Thanh suốt mấy chục năm qua đã sinh hoạt với một thứ kỷ luật nghiêm ngặt trong công việc. Vai trò làm mẹ của hai con bị bệnh nặng cũng lại đòi hỏi ở Thái Thanh một thứ nghị lực bằng “thép cứng” cùng sự kiên trì lớn lao. Với hoàn cảnh như vậy, những đức tính phi thường nơi người mẹ được tôi luyện hàng ngày trong Thái Thanh.

Phạm Duy cho là bà mẹ và người vợ của ông (là Thái Hằng) đã cho ông cảm hứng để sáng tác ra trường ca bất hủ Mẹ Việt Nam. Nhưng nhiều người cũng thấy sự hiện diện rất rõ nét của Thái Thanh trong đó. Những khó khăn đau khổ cũng như những thành công tốt đẹp trong đời sống Thái Thanh có lẽ đã được thể hiện trong một số lời hát của turờng ca Mẹ Việt Nam như:

“Đêm qua chớp bể mưa nguồn
Để người trong nước hết buồn lại vui
Vui buồn chút lệ rơi
Vui buồn khóc lại cười
Mẹ cười mẹ bốc thành hơi
Mây từ biển lớn lên ngôi trời già
Mây tản xuống cõi đời
Mưa rửa lỗi con người....

Trước giờ hạ huyệt hồi tháng 8/1999 vừa qua, Thái Hằng đã được các con và Thái Thanh, Mai Hương hát tiễn đưa bằng bài Mẹ Trùng Dương:

“Sóng vỗ miên man như câu ru êm của mẹ dịu dàng
Nước biếc mênh mông như đôi tay ôm của mẹ trùng dương...”

Tấm lòng người mẹ nào cũng lớn như trời biển. Mẹ nào mà không dùng hết cả tâm hồn và thể lực của mình để ôm lấy các con.... Càng gặp nhiều ngang trái, lòng mẹ lại càng mênh mông. Bà mẹ Thái Thanh “khi còn là thiếu phụ - thơm như nhành ngọc lan”, nàng yêu con hết mực và yêu hết mọi người: “trên đỉnh mùa xuân mẹ ta, yêu cả rừng hoa lá” (đạo ca Quán thế Âm của Phạm Thiên Thư).

Tuy không bị khổ đau nhiều như những bà mẹ mất con trên biển cả vì sóng dữ hay vì hải tặc, nhưng lòng thương con của Thái Thanh cũng chẳng khác gì các bà mẹ hiền của thế gian. Khán thính giả hầu như rất ít người biết rằng trong đời sống thường nhật, ngoài việc tập dượt và trình diễn, Thái Thanh danh ca vẫn làm tất cả mọi việc của một bà mẹ Việt Nam bình thường: đi chợ, nấu ăn khi thiếu người giúp việc, chăm sóc từ manh quần tấm áo cho các con tới chuyện kiểm bài vở, dạy con học... Sống xa Lê Quỳnh từ năm 1965, Thái Thanh một mình đóng trọn vai trò vừa là mẹ vừa thay cha trong việc nuôi dạy con cái. Khi dịu dàng, lúc nghiêm khắc, cô mong các con cô có được căn bản vững chắc về văn hóa và đạo đức, để mai sau trở nên những Con Người có thể viết hoa. Dù các con cô đều có giọng ca thiên phú, nhất là Ý Lan và Quỳnh Hương, nhưng khi trẻ còn nhỏ, Thái Thanh nhất quyết không cho con bước vào nghề ca hát.

Trong một lúc tâm tình với nhà báo từ năm 1974, Thái Thanh nói: “Cái nghề ca hát này không dễ dàng. Dù ở địa vị số một cũng có rất nhiều khó khăn phải đương đầu, nên tôi không muốn các con tôi theo chân mình.” Nhưng riêng cô thì không bao giờ Thái Thanh chán ca hát. Có thể nói Thái Thanh “sống” một cách mãnh liệt nhất là khi cô hát:

“Dù cho đang bối rối vì chuyện gì chăng nữa thì khi nghe tiếng đàn dạo lên mở đầu bài hát là Thái thanh “nhập” liền, tất cả mờ nhạt hết, chỉ còn nét nhạc và lời ca là đang Sống trong con người mình.”

Nghe và nhìn Thái Thanh hát với ngọn lửa nồng nàn trong con tim cô, khán giả hiểu được điều này, và những người yêu cô thông cảm được, chấp nhận được vì sao có khi cô “lắc lư” nhiều quá trong một số bài bản....

Thái Thanh giữ địa vị của một đệ nhất danh ca trong nhiều năm, kể cả thời gian 5 con còn nhỏ. Chính tinh thần tự kỷ, có trách nhiệm và luôn luôn coi trọng nghề nghiệp đã khiến Thái Thanh đảm đương hai vai trò rất nặng nề đó một cách hoàn hảo. Cô thường nhắc tới hình ảnh một người lực sĩ điền kinh quần áo trắng tinh khiết, cầm bó đuốc thế vận, kiên trì và đều đặn chạy đường trường, hướng về đài lễ. Thái Thanh yêu cái hình ảnh đẹp đẽ ấy vô cùng. Người lực sĩ đó biểu hiện cho cái tâm bất biến, trong sạch, luôn luôn tiến về phía trước với sự cố gắng bền bỉ không có gì lay chuyển nổi. Giống như cái tâm của người nghệ sĩ hướng về những cái đẹp chân chính của nghệ thuật. Cô đã âm thầm và kiên định sống xứng đáng với vai trò làm mẹ và danh hiệu “tiếng hát vượt thời gian”. Cô đã nhẹ nhàng luớt qua những năm tháng của rất nhiều bổn phận trong gia đình, rất nhiều phiền nhiễu trong xã hội, gây ra do sự nổi danh nghề nghiệp của cô.

Ngày nay, tuy rời xa ánh đèn sân khấu, Thái Thanh đôi khi có chút nhớ nhung, nhưng việc làm mẹ của cô đã và còn đang đem lại nhiều niềm vui lớn. Thái Thanh cho là nàng rất may mắn vì đã hỗ trợ được hai người con gặp cảnh khó khăn để họ trở nên những con người bình thường, tự lập được trong xã hội Bắc Mỹ. Những khó khăn lùi dần vào dĩ vãng, chỉ để lại vài nét nhăn nho nhỏ trên khôn mặt vẫn rất tươi thắm của bà mẹ danh ca. Thái Thanh tự lấy làm hài lòng về những thành quả của các con, và ngày nay bà nội bà ngoại Thái Thanh cũng đang được hưởng tình thương và sự thành công của thế hệ thứ ba nữa. Các con Ý Lan đều học giỏi, hai cô lớn đã vô đại học và Mai Linh, cô cháu lớn nhất của Thái Thanh thì cũng có cái “rin (gene)” “mê” hát như mẹ và bà ngoại, đang bắt đầu nổi tiếng.

Thái Thanh và nhạc Phạm Duy

Ngay từ những ngày đầu tiên cất tiếng hát (khoảng 13- 14 tuổi) trong vùng hậu phương của thời toàn dân kháng chiến chống Pháp, Thái Thanh cũng đã hát nhiều nhất là nhạc của Phạm Duy. Sau khi hồi cư về Hà Nội rồi di cư vào Sài Gòn (khoảng giữa năm 1950) cùng đại gia đình, Thái Thanh bắt đầu nổi tiếng như cồn khắp Trung Nam Bắc qua những sáng tác của người nhạc sĩ đa tài này, cũng là chồng của bà chị Thái Hằng.

Nhạc sĩ Phạm Duy cùng Phạm Đình Chương lập ban hợp ca Thăng Long, và Thái Thanh liên tục “lăng-xê” nhạc Phạm Duy từ 1950 cho tới khi miền Nam Việt Nam bị Cộng Sản hóa. Với giọng trong thanh, cao vút nhưng chuyên chở thật đầy đủ những rung cảm của người viết nhạc tài hoa, tiếng hát Thái Thanh đã đi vào tâm tư thính giả, khơi động những cảm xúc mãnh liệt trong tâm hồn người nghe nhạc. Theo nhạc sĩ Phạm Duy:

“Nếu không có Thái Thanh thì nhạc Phạm Duy cũng không được hay và nổi lên được như vậy”. Phạm Duy quan niệm một bài hát được thành công phải nhờ 3 yếu tố: nhạc sĩ viết được bài hay, người hát diễn tả được đầy đủ nét nhạc đó, và quần chúng phải biết nghe! “Thái Thanh là giọng ca duy nhất hát nổi hai cao độ chạy dài tới 2 bát âm trong nhạc của tôi. Không những thế, cô có giọng hát rất truyền cảm, dù khi lên thật cao.....”. Cũng như Khánh Ly làm nổi bật tên tuổi Trịnh Công Sơn, Thái Thanh đã đóng góp rất nhiều trong việc đưa nhạc Phạm Duy lên ngôi vị cao nhất Việt Nam trong các thập niên 1950, 1960, 1970 và 1980.... Cho tới nay, mỗi khi nghe những bản nhạc do Thái Thanh trình bày, nhiều người vẫn được sống lại thuở thanh xuân thơ mộng qua những bản tình ca, hoặc “sởn gai ốc” vì không khí chiến tranh của bài “Kỷ vật cho em, Màu tím hoa sim...”, ứa lệ với bài “Nước mắt rơi” ...

Các trường ca Con Đường Cái Quan và Mẹ Việt Nam của Phạm Duy, thu thanh trong thập niên 60, cũng đều do Thái Thanh diễn tả giọng chính. Hai trường ca này, qua giọng hát của cô, đã hun dúc lòng yêu nước thương nòi của vài ba thế hệ thanh niên miền Nam Việt Nam. Tiếng hát Thái Thanh đã đưa vào tâm tư những con người trẻ tuổi đó bao tình tự quê hương, bao nỗi lòng người dân đau khổ vì chinh chiến và bao bài học lịch sử đặc thù của nước Việt....khiến cho họ yêu cái xứ sở tan nát đó, yêu được cả những khổ đau ách nạn của đất nước bị bom đạn tơi bời suốt mấy chục năm.

Phạm Duy qua tiếng hát Thái Thanh đã biểu tỏ được tâm hồn phong phú và đa dạng nơi con người nghệ sĩ đó. Hầu như viết xong bài bản nào ông cũng đều đưa cho Thái Thanh hát thử trước hết. Với vốn liếng về ký âm và thiên khiếu thông minh, Thái Thanh chỉ cần nhìn vào nhạc chừng dăm mười phút là cô cất tiếng hát được liền. Cô cho biết: “Tôi thường đọc bản nhạc mới như đọc một truyện ngắn để cảm được ý tác giả trước khi thẩm âm các nốt cho đúng cao độ rồi mới hát.”

Hồi đang sáng tác mạnh mẽ (1960-1970) nhạc sĩ Phạm Duy hay khoe mấy người bạn trẻ của ông những băng nhạc mới nhất do Thái Thanh thử giọng. Hầu như lần nào ông cũng phải phụ đề: “Đây là bài mới đưa bài cho cô Thái nên lần hát đầu tiên này cô hát chưa tới. Cứ chờ mà nghe...lần thứ hai là nàng ta bắt được linh hồn bản nhạc liền đó thôi!”. Quả tình, sau khi nghe Thái Thanh hát những bài mới của Phạm Duy thì chúng tôi mới cảm được và thấy thấm thía, vì khi chính ông cầm đàn mà hát thì chúng tôi chưa thấy cái hay ở đâu cả. Đôi khi còn thấy “kỳ kỳ” nữa là khác.

Ngay cả khi cô im tiếng 10 năm trong chế độ Cộng Sản (1975-1985) để bày tỏ thái độ chống đối một cách bất bạo động, tiếng hát Thái Thanh vẫn được yêu mến hàng đầu trong băng nhạc của nhiều gia đình người Việt xa xứ. Ngày nay cô đã ngưng hát, coi như “nghỉ hưu”, nhưng có thể nói số người thưởng ngoạn vẫn nhớ và thương giọng hát đó cũng vẫn rất đông đảo.

Thái Thanh thường trả lời những người mến mộ muốn nghe cô cất tiếng lại: “Khi nào có hội nghị Diên Hồng hay có đại nhạc hội hồi hương trong tự do (chắc còn lâu!), thì cụ Thái Thanh này, dù có phải chống gậy lụ khụ, cũng sẽ tự động ra sân khấu, không cần ai mời cũng vẫn lên tiếng hát mừng quê hương tôi, mừng người nước tôi”

Tiểu Quyên
Phượng Các
#6 Posted : Sunday, January 23, 2005 12:59:15 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,689
Points: 20,007
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)
Tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi

Đỗ Việt Anh


Chúng ta quen hình dung Thái Thanh trên sàn diễn, khi đang hát, hoặc qua những đĩa, băng nhạc. Chúng ta thường nhớ đến Thái Thanh như một đệ nhất danh ca và quên mất Thái Thanh trong đời thường như một bà mẹ, một người nội trợ thích nấu ăn, một phụ nữ thích mặc đẹp, ăn ngon, kể cả ăn quà vặt.

Năm nay ở tuổi 70, Thái Thanh vẫn cần mẫn làm các món dưa chua, củ cải ngâm nước mắm, kho cá thu, làm thịt đông, và nhiều món nữa. Cô vẫn say sưa kể về cách làm các món ăn "Bắc Kỳ chính cống," nào là ở quê mình cây cải trước khi đưa vào muối phải phơi cho heo héo một chút, rồi nước muối phải pha làm sao, bây giờ ở Mỹ, có lò nướng, có microwave, mình phải cắt củ cải làm sao, sấy làm sao, pha nước mắm thế nào.

Thực tình những món cô làm đều rất ngon, hương vị giống như hồi xưa tôi vẫn được mẹ tôi nấu cho ăn, như món cá thu kho riềng chẳng hạn. Hồi còn sinh tiền khi làm món cá kho này, mẹ tôi thường nướng cá thu cho xem xém, thịt hơi săn lại một chút, rồi bà nhét mấy miếng thịt ba chỉ sắt khúc vào giữa con cá. Khi kho, ngoài chuyện thêm nước mắm, lót những lát riềng, bà còn lót một lớp trà mạn không ướp hương hoa gì cả xuống đáy nồi.

Trong "căn hộ" một phòng, có bếp gas, có lò nướng, có microwave, tủ lạnh, tôi không biết cô xoay sở làm sao để kho được nồi cá thu, chỉ biết rằng Thái Thanh rất thích thú nói về món ăn, về nghệ thuật nấu món ăn với những phương cách cầu kỳ như vậy.

Tôi tưởng tượng khi cô đang nấu nướng, chắc toàn bộ con người cô, thân, trí và tâm cô đều chú tâm vào chuyện nấu nướng y như khi cô hát vậy. Trong một lần cùng cô đi mua "thức ăn" cho hoa lan, cô nói: "Cư xử với cây khó lắm, nhất là hoa lan, không như cư xử với người đâu. Nếu mình không chăm sóc tử tế, không khéo, không làm đúng những gì mình phải làm, thì cây nó bỏ đi. Còn với người, người ta sẵn sàng chịu đựng nhau, đôi khi người ta giả dối để vẫn liên lạc với nhau vì những điều gì đó. Còn với cây, mình có yêu cây thì cây mới ở lại." Thái Thanh đời thường là thế.

Thái Thanh tên là Phạm Băng Thanh, sinh năm 1934, là em út trong gia đình 5 anh em: anh cả là Phạm Đình Sỹ (bà Phạm Đình Sĩ là kịch sĩ Kiều Hạnh sinh ra Mai Hương, Bạch Tuyết), anh thứ là Phạm Đình Viêm tức Hoài Trung, chị là Thái Hằng (bà Phạm Duy), anh thứ tư là Phạm Đình Chương tức Hoài Bắc. Quê ngoại Thái Thanh ở Sơn Tây, còn cô ra đời ở làng Bạch Mai, Hà Nội. Năm 1946 cô theo gia đình tản cư vào vùng Chợ Đại, rồi Thanh Hóa là nơi Thái Hằng kết hôn với nhạc sĩ Phạm Duy. Tháng Năm, 1950 gia đình cô cùng Phạm Duy bỏ vùng kháng chiến về Hà Nội, sau đó vào ngay Sài Gòn. Suốt những năm trường sau đó cho đến khi Miền Nam bị mất, tiếng hát Thái Thanh cùng nhạc Phạm Duy bay bổng khắp nơi.

Nhà văn Mai Thảo đã gọi giọng hát cô là "tiếng hát vượt thời gian." Quả thật cho đến trăm năm nữa, tiếng hát này chắc vẫn còn ngự trị trong tâm tưởng người dân Việt, sẽ còn vang vọng như khúc quan họ giữa trời xuân.

Kết hôn cùng tài tử Lê Quỳnh năm 1956, Thái Thanh và Lê Quỳnh có 5 người con: Ý Lan, Lê Việt, Quỳnh Dao tức Quỳnh Hương, Thanh Loan và Lê Đại. Đến năm 1965, sau khi chia tay cùng Lê Quỳnh, cô đã phải đóng vai "Dạy con đèn sách thiếp làm phụ thân." Cô vừa là mẹ, vừa là cha, một hình ảnh chắc ít ai trong chúng ta có thể hình dung được ở cô. Cô vừa là một bà mẹ dịu dàng, vừa là một người cha nghiêm khắc. Cô không thể ngủ mê trên danh vọng để quên mất việc hướng dẫn đàn con trên đường đời. Cô khuyên răn đàn con đừng lấy nghề ca hát làm chính vì dù có ở địa vị số một trong lãnh vực này cũng không tránh khỏi những khó khăn, gian nan để sống còn.

Cô Thái Thanh đã vượt qua biết bao khó khăn, chịu đựng biết bao vất vả để giúp các con, nhất là hai người con bé nhất, có được một cuộc sống tốt đẹp. Bây giờ chúng tôi muốn nói đến khía cạnh khác trong cuộc sống của cô, một khía cạnh càng làm lớn con người của Thái Thanh: Đó là nghị lực chống chỏi với bất hạnh của cuộc sống.

Cách đây bốn năm, cô bị một cơn tai biến mạch máu não (stroke), mất hết trí nhớ. Nằm trong phòng mạch bác sĩ cũng như khi ở bệnh viện cô không còn nhận biết ra người thân. Đôi khi cô nhận ra Quỳnh Hương, Ý Lan, còn thường là không. Ở bệnh viện về cô đã cố gắng tập luyện rất nhiều để khôi phục trí nhớ. Mấy tháng sau khi rời bệnh viện cô đã nhận biết ra nhiều điều quen thuộc, nhưng bài hát thì lẫn lộn lung tung. Không biết do nghị lực của chính cô, sức sống mãnh liệt của chính cô, hay do phép lạ mà sau đó trí nhớ cô hồi phục dần. Từ chỗ không còn nhận ra người thân, cô đã nhớ lại được từng lời bài hát.

Bắt đầu hát từ năm 13, 14 tuổi, Thái Thanh đã nổi tiếng ngay với bài "Dòng Sông Xanh" do Phạm Duy đặt lời Việt. Đó là những năm 1946-1948, khi Phạm Duy đang cố o bế cô em út để có cớ tán cô chị là Thái Hằng.

Từ đó đến nay, hơn nửa thế kỷ trôi qua, tiếng hát Thái Thanh vẫn triền miên chuyên chở đến mọi người Việt Nam biết bao niềm xúc cảm của một kiếp người. Tiếng hát đó như gắn liền với định mệnh của cả dân tộc ta, đất nước ta.

Trong một buổi hội thoại với thính giả của đài phát thanh Văn Nghệ Truyền Thanh qua chương trình giới thiệu buổi trình diễn của Thái Thanh và các con năm 1996, một thính giả gọi vào đài để nói với Thái Thanh, đại ý như thế này: Vợ chồng chúng tôi xin cảm ơn chị Thái Thanh, bởi vì chúng tôi đã lớn lên, trưởng thành theo tiếng hát của chị. Chúng tôi yêu nhau, lấy nhau qua tiếng hát của chị. Chúng tôi yêu nước nồng nàn, mãnh liệt cũng vì tiếng hát của chị đã gieo cho chúng tôi lòng yêu nước như vậy. Chúng tôi yêu con người, yêu mẹ chúng tôi, yêu cha chúng tôi, cũng do tiếng hát của chị. Tiếng hát của chị đã truyền đạt tất cả những gì cao quí nhất của dân tộc này, của con người này cho tất cả chúng tôi. Xin cảm ơn...

Chắc hẳn nhiều người trong chúng ta đều muốn ngỏ lời cảm ơn như vậy. Ngay cả nhạc sĩ Phạm Duy cũng phải gửi lời cảm ơn như vậy vì nếu không có giọng hát đó nhạc của ông chưa chắc đã đi xa, đi cao, đi sâu đến thế. Thái Thanh đã khiến những bản nhạc của ông sáng tỏ hơn, phong phú hơn, gần gụi hơn với người nghe. Thái Thanh có được cái thiên phú là "cảm được" những gì tác giả mỗi bài nhạc muốn diễn đạt.

Thái Thanh nói về chuyện đóng góp cho các bản nhạc: "Tôi vẫn nghĩ là tôi 'feel' được cái bài đó phải được phát âm thế này, phải có cái đoạn mà tôi tự thêm vào. Thường thường tôi vẫn lo rằng tác giả bài nhạc không bằng lòng với lối phát âm của tôi ở khúc đó, không bằng lòng với đoạn thêm thắt của tôi, nên tôi hay phone hỏi tác giả. Tôi nói rằng bài mà tôi sắp hát của ông đây nếu tôi trình diễn thêm như thế này thì ông thấy thế nào. Hầu hết tôi nhận được lời khen của tác giả và họ đồng ý cái kiểu hát của tôi khiến bài hát hay hơn."

Thái Thanh nói về bí quyết làm sao có thể diễn đạt trọn vẹn những cảm xúc của bài nhạc, của tác giả, làm sao để người nghe cũng thấm được trọn vẹn những cảm xúc đó: "... điều đầu tiên tôi muốn nói về chuyện này là người ca sĩ phải biết yêu tiếng nói của nước mình, phải yêu tiếng Việt của mình. Người ca sĩ còn phải yêu đất nước mình nữa. Khi trong bài hát có nói đến những xứ sở, những vùng nào đó trên đất nước mình, đến người nào đó trong xã hội mình, thì mình cũng phải cảm thấy yêu cả những địa danh đó, những con người đó, Miền Trung, Miền Nam, Miền Bắc. Đặc biệt tôi sinh ra ở Hà Nội thì khi đọc đến hai chữ Hà Nội tôi cảm thấy một tình cảm yêu mến vô bờ. Nếu mình không yêu chữ của nước mình thì giống như mình hát một bài hát ngoại quốc vậy. Thí dụ đọc đến chữ 'em bé quê' là mình cảm thấy dào dạt tình thương yêu các em nhỏ sống ở những vùng quê nghèo nàn, tôi nói yêu chữ nước mình, đến con người mình là vậy. Còn một chuyện nữa là tôi yêu người nghe, luôn luôn tôn trọng khán thính giả. Tôi rất thận trọng khi hát."

Tiếng hát Thái Thanh không chỉ chuyên chở tình yêu đất nước, tình yêu con người, tình đôi lứa, tiếng hát đó còn mang cả "Đạo" đi rao giảng.

Nhà văn Thụy Khuê trong bài "Phạm Duy trên đăng trình đến vô cực," khi nói về tập Đạo Ca do Phạm Duy phổ thơ Phạm Thiên Thư, đã viết như thế này: "... giọng hát thiên sứ Thái Thanh hướng dẫn chúng sinh - từ cõi vô minh - lắng nghe số kiếp trầm luân của chính mình mà vượt trùng luân hồi, tìm về bến giác."

Quả thực nếu không phải giọng ca Thái Thanh, cái chất Đạo trong thơ Phạm Thiên Thư, trong nhạc Phạm Duy chưa chắc đã được truyền đạt trọn vẹn. Cách truyền đạt Thái Thanh rất "người," rất "chúng ta." Nghe giọng hát đó chúng ta tưởng như chính là tiếng hát từ đáy lòng mình, rất thật, rất quen, rất trọn vẹn. Cái thật, cái quen, cái trọn vẹn đó đã khiến những bà mẹ, bà vợ, các chị em của những người lính gục ngã nơi chiến trận òa lên khóc sau khi nghe Thái Thanh hát như Thái Thanh kể về kỷ niệm của "Đêm Màu Hồng": "Kỷ niệm thì nhiều, nhưng có một chuyện tôi nhớ mãi đến bây giờ: Một hôm tôi hát bài 'Kỷ Vật Cho Em' xong thì thấy mấy bà khóc. Các bà ấy đều có chồng, có con, có anh em tử trận. Điều đó thật là day dứt." Nói đến đây, Thái Thanh lẩm nhẩm ôn lại: "Anh trở về, chiều hoang trốn nắng. Poncho buồn liệm kín hồn anh. Anh trở về bờ tóc em xanh. Chiếc khăn sô trên đầu vội vã. Em ơi..."

Hơn 50 năm Thái Thanh đã cống hiến tiếng hát cho người, cho đời. Hơn 50 năm tiếng hát này nổi trôi theo vận nước, trong đó 10 năm tiếng hát câm nín vì Sài Gòn câm nín, vì "... khi người cộng sản vào miền Nam, tôi thấy họ khác mình quá, cái gì cũng khác. Khác hay hay khác dở thì tôi không bàn, nhưng tôi thấy không có gì giống tôi, giống trước đây, thì tôi không hát..."

Bây giờ, ở tuổi 70, tiếng hát đó lại vang lên. Không còn mạnh, không còn khỏe như xưa, nhưng vẫn là nỗi đam mê đó, đam mê hơn xưa nữa vì "... yêu con người thiết tha hơn trước..."

Đỗ Việt Anh


Việt Dương Nhân
#7 Posted : Friday, February 11, 2005 11:46:00 PM(UTC)
Việt Dương Nhân

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 1,837
Points: 0

Nữ Ca Sĩ Thái Thanh

Phượng Các
#8 Posted : Thursday, August 11, 2005 2:23:32 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,689
Points: 20,007
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)
Nụ Tầm Thanh


Công Tử Hà Đông


Trích ‘Lời Tác Giả’ phóng sự tiểu thuyết “Yêu Nhau Bằng Mồm”: Tôi viết Yêu Nhau Bằng Mồm để đăng báo tuần năm 1960. Đến Tháng Bảy năm 1970, mười năm sau ngày Kiều Ly xuất hiện trên báo, tôi ngồi sửa lại Yêu Nhau Bằng Mồm để đưa cho Nhà Chiêu Dương xuất bản thành quyển sách này. Buổi sáng mùa thu, tôi ngồi một mình trong căn phòng nhỏ của tôi và Alice; sau lưng tôi là chiếc Akai xoay đều một băng nhạc do Phạm Mạnh Cương thực hiện.

Đến một phút nào đó tôi ngừng tay trên bản thảo vì tiếng hát của Thái Thanh. Nàng hát bài Mùa Thu Trong Mắt Em của Phạm Mạnh Cương. Tôi xúc động vì tiếng hát và tôi chợt nhớ từ lâu rồi, từ rất nhiều năm nay, tiếng hát Thái Thanh đã làm tôi nhiều lần xúc động; tôi yêu đời, yêu người nhiều hơn, đời tôi sung sướng hơn, đẹp hơn, một phần chính là nhờ sự hỗ trợ, sự ca tụng Tình Yêu của Tiếng Hát Thái Thanh.

Tôi bỗng nhớ lại một buổi sáng cách buổi sáng hôm nay đã gần hai mươi năm. Đó là một buổi sáng năm 1952. Buổi sáng đó tôi là một thanh niên vừa hai mươi tuổi, những bước chân tôi đang bỡ ngỡ bước vào đường đời; tôi vừa từ Hà Nội vào Sài Gòn và tôi đang đi tìm việc trong những tòa báo ở Sài Gòn. Với tôi năm ấy một chân phóng viên báo chí với số lương tháng hai ngàn đồng bạc là một cái gì thật là lý tưởng và quí báu nhất đời. Buổi sáng ấy tôi đứng trên con tầu điện từ Chợ Lớn chạy về Sài Gòn, và tôi thấy Thái Thanh cùng đi trên con tầu điện ấy.

Năm 1952, gần hai mươi năm trước đây, Thái Thanh và tôi cùng hãy còn rất trẻ; chúng tôi đang cùng bước vào con đường văn nghệ, nàng ca hát, tôi viết truyện, làm thơ. Năm ấy tôi chưa có chút tiếng tăm nào, Thái Thanh và Ban Thăng Long đã bắt đầu nổi tiếng. Và năm đó Sài Gòn còn có đường xe điện chạy từ Sài Gòn vào Chợ Lớn trên đường Galiéni, nay là đường Trần Hưng Đạo.

Và như thế là cho đến sáng hôm nay, khi tôi ngồi sửa truyện và nghe Thái Thanh hát qua băng nhựa, thời gian đã hai mươi năm trôi qua. Tôi thấy Nữ ca sĩ Thái Thanh, với tiếng hát không có dĩ vãng của nàng, đã làm cho đời tôi đẹp hơn, phong phú hơn là tôi với những truyện ngắn, truyện dài của tôi làm cho đời nàng thêm đẹp. Vậy để trả ơn nàng, tôi trang trọng đề tặng nàng tập truyện này. Bạn đọc thông minh chắc thừa hiểu nữ nhân vật Kiều Ly của phóng sự tiểu thuyết này không phải là hình ảnh của Thái Thanh; tôi chỉ cần nói thêm rằng những đoạn nào tả chân về Kiều Ly là tả Kiều Ly, còn những đoạn nào tả thơm, tả sạch về Kiều Ly thì Kiều Ly đó có phảng phất hình ảnh Thái Thanh vậy.

Ngày Một Tháng Chín 1970

Ngưng trích

Thời gian vỗ cánh bay như quạ... Thơ Ông Tchya Đái Đức Tuấn. Đây là nguyên bài thơ bốn câu của ông tôi tìm được trong Hồi Ký Nhớ Nơi Kỳ Ngộ của ông Lãng Nhân:

Thì giờ vỗ cánh bay như quạ
Bay hết đường xuân kiếm chỗ ngồi
Rượu đến, gà kêu, cô cuốn chiếu
Quay về, còn lại mảnh tình tôi.
Tôi chỉ đổi tiếng “thì giờ” thành “thời gian..”

Đúng là thời gian vỗ cánh bay như qua. Năm 1970 tôi ngồi trong căn gác nhỏ ở Ngã Ba Ông Tạ, Sài Gòn, nghe tiếng hát Thái Thanh, viết những giòng trên đây làm lời nói đầu tập phóng sự tiểu thuyết Yêu Nhau Bằng Mồm của tôi. Tôi đăng Yêu Nhau Bằng Mồm từng kỳ trên tuần báo Kịch Ảnh của Quốc Phong. Truyện viết xong được Nhà Xuất Bản Chiêu Dương ấn hành thành sách. Năm 1970 tôi nhớ hình ảnh của Thái Thanh trên chuyến xe điện Chợ Lớn-Sài Gòn 20 năm trước – năm 1950, năm ấy hai chúng tôi còn rất trẻ…

Thế rồi… Thời gian vỗ cánh bay như quạ... Năm nay, năm 2000, buổi sáng tháng Mười, mùa thu lại về trên đồng đất Virginia của người Mỹ, tôi ở Rừng Phong, viết lại bài tôi đã viết năm 1970 – 30 năm trước – bài tôi viết về Thái Thanh, người nữ ca sĩ của vợ chồng tôi, tôi lại tưởng như tôi nhìn thấy tôi 30 năm trước ngồi viết về Tiếng Hát Thái Thanh trong căn gác nhỏ của vợ chồng tôi ở Ngã Ba Ông Tạ, Sài Gòn; năm 1970 ấy tôi mới 40 tuổi. Tính ra thời gian đã qua 50 năm kể từ buổi sáng tôi nhìn thấy Thái Thanh bận toàn đồ trắng trên chuyến xe điện Chợ Lớn-Sài Gòn.

Nếu còn ở Sài Gòn tôi sẽ chẳng bao giờ được thấy lại, được đọc lại Yêu Nhau Bằng Mồm. Sau cuộc biến thiên 30 Tháng Tư 75 ở Hoa Kỳ người ta in lại nhiều sách truyện của những văn sĩ Sài Gòn, trong số sách được in lại có quyển Yêu Nhau Bằng Mồm của tôi. Bánh xe lãng tử sang Hoa Kỳ tôi lại có quyển Yêu Nhau Bằng Mồm; nhờ vậy hôm nay tôi mới có điều kiện và cảm hứng để viết bài này.

Alice và tôi có hai ca sĩ Thái Thanh và Anh Ngọc, với vợ chồng tôi Thái Thanh và Anh Ngọc là nhất; nữ ca sĩ của Kiều Giang, con gái chúng tôi, là Lệ Thu. Có lần, cũng những năm 1970, tôi đã viết:

— Tôi quen mở máy nhạc khi ngồi viết, vừa viết vừa nghe nhạc. Nhưng khi tiếng hát Thái Thanh cất lên, tôi phải ngừng viết để nghe. Tôi vẫn nghĩ khi Thái Thanh hát mà tôi làm bất cứ việc gì là tôi có lỗi.

30 Tháng Tư 75 đến, số văn nghệ sĩ may mắn bỏ của chạy lấy người được lơ thơ như lá mùa thu, số văn nghệ sĩ kẹt giỏ ở lại đông vô số kể, những ngày tháng đen tối, u sầu, lo âu kéo dài như vô tận. Một đêm cuối năm 1976 tôi gặp lại Thái Thanh. Đêm ấy có Hoài Bắc, Lê Trọng Nguyễn. Vi-la lớn đường Hiền Vương, gia chủ mời chúng tôi ăn bữa tối. Khoảng 11 giờ đêm Thái Thanh ngồi vào piano, nàng vừa đàn, vừa hát. Thấy tôi đến bên đàn, nàng mỉm cười nhìn tôi. Tôi hiểu nàng hỏi tôi:

“Muốn nghe bài gì?” Tôi nói:

- Thôi thì thôi nhé...

Nàng nhắc lại:

- Thôi thì thôi nhé...

Và nàng hát cho tôi bài Động Hoa Vàng, thơ Phạm Thiên Thư, nhạc Phạm Duy. Tôi lặng người nghe nàng hát cho riêng tôi nghe. Sau đó tôi làm bài thơ:

Tiếng mẹ ru từ thuở nằm nôi,
Mẹ thôi Mẹ không hát nữa,
Khi Anh chân bước vào đời.
Tiếng hát Mẹ nằm trong ký ức
Tung cánh bay khi Em hát cho người!
Ngày xưa xa lắm ở bên trời
Có người xưa hát lúc đi rồi
Mười hôm tiếng hát còn vương vấn
Trên mái nhà xưa âm chửa rơi.
Tiếng hát Em tim Anh nức nở
Hai chục năm rồi thanh chửa thôi!
Em hát khi Anh vừa bỏ học,
Em hát khi Anh sắp bỏ đời.
Em hát khi Anh hồng tuổi ngọc,
Em hát khi Anh giấc ngủ vùi,
Em hát khi Anh chưa biết khóc,
Em hát khi Anh biết mỉm cười.
Em hát tan vàng, ca nát đá.
Em hát cho Anh biết ngậm ngùi.
Nắng chia nửa bãi, chiều rồi.
Đêm tàn Em hát, buồn ơi lá sầu.
Động Hoa Vàng có tên nhau,
Thương thì thương nhé, qua cầu gió bay.
Tiếng Em buồn cuối sông này,
Mây đầu sông thẫm bóng ngày khóc nhau.

Tôi không xưng Anh với Thái Thanh. Nhân vật “Anh” trong thơ tôi là người yêu mê tiếng hát Thái Thanh, người biết ơn, người ca tụng tiếng hát Thái Thanh. Tim tôi rung động vì tình cảm của người ấy và tôi thay người ấy làm thơ. Tháng Mười 1988 ở Nhà Tù Chí Hòa nghe tin Thái Thanh đã sang Hoa Kỳ, tôi làm bài thơ thứ hai trong có hình ảnh Thái Thanh. Thái Thanh không vượt biên như người nữ ca sĩ trong thơ tôi, nhưng đi qua biên giới là vượt biên, chỉ có vượt biên trái phép và vượt biên hợp pháp. Đã phải sống đến năm năm trong ba bức tường, một hàng song sắt của nhà tù lớn Chí Hòa, tôi cô đơn, tôi sầu buồn nên tôi làm thơ. Thơ vẩn, thơ vơ thôi. Năm 2000, thế hệ lão liệt chúng tôi đã và đang dắt nhau đi vào quên lãng. Thời gian tới biết có ai còn xúc động vì tiếng hát Thái Thanh, vì nhạc Phạm Duy, Hoài Bắc, Đoàn Chuẩn? Tôi viết bài này để hoài niệm nhau lúc chúng tôi còn sống; tôi viết nhớ người mà cũng là nhớ những ngày hoa niên, những ngày trung niên của đời tôi:

Tóc mai sợi vắn, sợi dài
Lấy nhau chẳng đặïng, thương hoài tình nhân.
Tiếng Em trời đất vang ngân
Âm vàng, thanh ngọc bội phần xót sa.
Trèo lên cây bưởi hái hoa,
Bước xuống vườn cà, hái nụ tầm thanh.
Nụ tầm thanh nở ra cánh biếc,
Em vượt biên rồi, Anh tiếc lắm thay.
Nhớ nhau gọi một chút này
Mất nhau ta tiếc những ngày có nhau.
Nửa hồn thương, nửa hồn đau,
Nửa hồn ta tím ngắt mầu thời gian.
Nghìn trùng xa cách quan san
Biết Em chớp biển, mưa ngàn ở đâu.
Hạc vàng bay mất từ lâu
Mà sao hoàng hạc trên lầu còn thanh.
Lan huệ sầu ai...
Lan huệ sầu thành.
Quê Em tiếng hát em xanh đất trời.
Từ ly người đã xa người
Còn đây tiếng hát một đời xôn xao.
Ta đốt lên một cành hương dạ thảo
Em biết choTình Ta vẫn nhớ Người.
Thăng Long từ độ Thanh hồng hảo.
Tình khúc, thương ca động đất trời.
Tà áo xanh ngời hương mộng ảo,
Hồ điệp, Trang Châu hát giữa đời.
Người đi mùa ấy thu giông bão,
Tà áo Văn Quân mấy khóc cười.
Mái nhà xưa nhớ trăng thu thảo,
Viễn xứ thuyền đi, biển nhớ lời.
Người đi vắng một trời châu bảo,
Vượn hú, chim kêu, nước ngậm ngùi.
Lâu đài tình ái sương dăng ảo
Đồi tím hoa sim gió ạ…ời…
À ơi..ơi..à ơi
Ngày ấy có Thanh, Thanh nhẹ vào đời
Và Thanh ca đến với lời thơ nuối.
Ngày ấy có Tôi mê mải tìm lời..
Và Thanh Thanh...suốt một đời
Tình ơi..!
Nhớ người mười tám, đôi mươi,
Cỏ hồng, chiều tím, xanh trời, Người đi.
Chúng mình ngày đó xuân thì,
Tiếc không khăn gấm, quạt quỳ trao tay.
Gìn vàng, giữ ngọc cho hay,
Lửa hương ta hẹn kiếp này, kiếp sau.
Áo bay thương lúc qua cầu
Trăng vàng, mây bạc mái đầu thướt tha.
Trèo lên cây bưởi hái hoa
Bước xuống vườn cà, hái nụ tầm thanh.
Nụ tầm thanh nở ra cánh biếc,
Em vượt biên rồi, Anh tiếc lắm thay.
Của tin gọi một chút này:
Tóc mai sợi trắng, sợi phai
Lấy nhau đặng cũng thương hoài ngàn năm!

Công Tử Hà Đông
Làm tại Phòng 20 F Chí Hòa
Tháng Mười, 1988 (trích tapnhac.virtualev.net)
Phượng Các
#9 Posted : Thursday, August 11, 2005 2:27:39 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,689
Points: 20,007
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)


Thái Thanh: Tiếng Mẹ Sinh Từ Lúc Nằm Nôi


Thái Thanh sinh năm 1934, là em út trong gia đình 5 anh em: anh cả là Phạm Đình Sỹ (bà Phạm Đình Sĩ là kịch sĩ Kiều Hạnh sinh ra Mai Hương, Bạch Tuyết), anh thứ là Phạm Đình Viêm tức Hoài Trung, chị là Thái Hằng, anh thứ tư là Phạm Đình Chương tức Hoài Bắc. Quê ngoại Thái Thanh ở Sơn Tây, còn cô ra đời ở làng Bạch Mai, Hà Nội. Năm 1946 cô theo gia đình tản cư vào vùng Chợ Đại, rồi Thanh Hóa là nơi Thái Hằng kết hôn với nhạc sĩ Phạm Duy. Tháng 5, 1950 gia đình cô cùng Phạm Duy bỏ vùng kháng chiến về Hà Nội, sau đó vào ngay Sài Gòn. Suốt những năm trường sau đó cho đến khi Miền Nam bị mất, tiếng hát Thái Thanh cùng nhạc Phạm Duy bay bổng khắp nơi. Nhà văn Mai Thảo gọi giọng hát cô là “tiếng hát vượt thời gian”. Quả thật cho đến trăm năm nữa, tiếng hát này chắc vẫn còn ngự trị trong tâm tưởng người dân Việt, sẽ còn vang vọng như khúc quan họ giữa trời xuân.

Kết hôn cùng tài tử Lê Quỳnh năm 1956, Thái Thanh và Lê Quỳnh có 5 người: Ý Lan, Lê Việt, Quỳnh Dao tức Quỳnh Hương, Thanh Loan và Lê Đại. Khi nói đến những văn nghệ sĩ, nhất là trường hợp một nữ danh ca, ít ai để ý đến khía cạnh Bà Mẹ trong đời sống những phụ nữ này. Có tác giả đã nói đến tấm lòng Bà Mẹ của Thái Thanh trong việc nuôi dưỡng đàn con. Cô Thái Thanh đã vượt qua biết bao khó khăn, chịu đựng biết bao vất vả để giúp các con, nhất là hai người con bé nhất, có được một cuộc sống tốt đẹp. Bây giờ chúng tôi muốn nói đến khía cạnh khác trong cuộc sống của cô, một khía cạnh càng làm lớn con người của Thái Thanh: Đó là nghị lực chống chỏi với bất hạnh của cuộc sống. Cách đây 4 năm (2000) cô bị một cơn tai biến mạch máu não (strocke), mất hết trí nhớ. Nằm trong phòng mạch bác sĩ cũng như khi ở bệnh viện cô không còn nhận biết ra người thân. Đôi khi cô nhận ra Quỳnh Hương, Ý Lan, đôi khi không. Ở bệnh viện về cô đã cố gắng tập luyện rất nhiều để khôi phục trí nhớ. Mấy tháng sau khi rời bệnh viện cô đã nhận biết ra nhiều điều quen thuộc, nhưng bài hát thì lẫn lộn lung tung. Không biết do nghị lực của chính cô, sức sống mãnh liệt của chính cô, hay do phép lạ mà sau đó trí nhớ cô hồi phục dần. Từ chỗ không còn nhận ra người thân, cô đã nhớ lại được từng lời bài hát. Trong dịp đón Thụy Khuê từ Pháp qua ở nhà Y Sa, độ một năm sau biến cố trên, Thái Thanh đã thấy “ngứa ngáy” muốn giúp cho buổi tối xum họp bạn bè thêm đẹp, nhưng cô đành chỉ hát được vài câu rồi thôi vì quên lời. Vậy mà đến ngày “Lễ Của Mẹ” (Mother’s Day) năm 2004, ngày “Thái Thanh và 3 thế he” ở Majestic, Thái Thanh đã xuất hiện duyên dáng trong vai nữ sinh áo dài trắng, nón lá, cắp sách đến trường mở đầu buổi trình diễn với bài “Ngày Xưa Hoàng Thị”, và hát một loạt bài sau đó.

Chắc chắn Thái Thanh đã có một ý chí mãnh liệt, thứ ý chí giúp cô sống qua những tháng năm ở Sài Gòn đen tối, giúp cô chăm sóc các con trong cơn bệnh hoạn ngặt nghèo, rồi giúp cô hát lại được ở tuổi 70. Dưới đây chúng tôi xin ghi lại đôi lần chuyện trò với cô trước và sau khi cô bị stroke:

Hỏi: Chị bắt đầu hát năm nào, Chị còn nhớ bài hát đầu tiên?

TT.:Không nhớ rõ, nhưng về tuổi thì tôi bắt đầu hát từ năm 13, 14 tuổi. Không nhớ rõ bài hát đầu tiên trình diễn là bài nào nhưng chắc chắn là của Phạm Duy. Hồi đó, năm tôi 14 tuổi, anh Phạm Duy cứ phải dùng tôi làm cái cái cớ lấy điểm với chị Thái Hằng, chị ruột của tôi. Năm đó Thái Hằng khoảng 21 tuổi. Không lạ gì mà hồi đó đã có bài “Dòng Sông Xanh” nhạc ngoại quốc, lời Việt. Ông Phạm Duy đã phải đặt lời Việt cho bài “Dòng Sông Xanh” để cho cô Thái Thanh bé xíu hát thì mới lấy điểm được với bà Thái Hằng.

Hỏi: Chị còn nhỏ vậy mà các cụ vẫn cho chị hát?

TT.: Bố mẹ tôi cũng là những nghệ sĩ chơi đàn cổ như đàn tranh chẳng hạn, nên cụ thông cảm. Dù không bị ngăn cấm vì “xướng ca vô loài” nhưng các anh em tôi đều được các cụ hướng dẫn là cần nhất phải học hành trước đã, đàn địch là chuyện phụ thôi, nhưng lúc chạy loạn tôi không có cơ hội học chữ nhiều nên có thể tự học ca hát.

Hỏi: Hồi xưa kỹ thuật còn thô sơ, phương tiện không có nhiều. Chị có nghĩ là nếu hồi đó có được những phương tiện và kỹ thuật như bây giờ, Thái Thanh sẽ khác hơn không?

TT.: Hồi đó khi tôi hát, lúc tôi mười mấy tuổi, thì kỹ thuật mình đã có gì đâu. Cái micro dài thật dài và to bằng cả cái bàn tay mình. Nếu tôi đứng gần micro để tiếng hát phát ra tốt hơn thì khán giả không nhìn thấy tôi, còn nếu tôi đứng xa để khán giả thấy được khuôn mặt tôi thì tiếng hát lại không còn rõ nữa. Nếu kỹ thuật được như bây giờ thì hẳn là phải khác đi chứ. Nhưng dù sao tôi vẫn có niềm hạnh phúc mà ít ai có được là từ năm 14 tuổi tôi bắt đầu hát với cái micro to như thế cho một nhóm khán giả nghe, đến bây giờ gần 70 tuổi, tôi vẫn còn được hát và thu vào CD để gửi cho thính giả khắp thế giới nghe, nghĩa là hơn 50 năm sau tôi lại được dùng cái technique mới cho giọng hát của mình. Hạnh phúc lắm.

Hỏi: Lần đầu tiên chị xuất hiện trước công chúng là ở đâu, Hà Nội hay làng quê?

TT.: Sure là ở làng quê vì hồi đó là lúc kháng chiến. Khi đó có những ban nhạc hát cho công chúng ở vùng quê nghe. Lần đầu tiên tôi lên sân khấu ở tuổi 14, mình còn bé xíu mà đứng trước đông đảo bà con, nên tôi cũng sợ lắm. Nhưng sau khi cất tiếng hát, thì tiếng hát, âm nhạc làm tôi hết sợ mà còn cảm thấy hứng khởi, hạnh phúc, vì lúc đó tôi được đứng trong ban hợp ca gồm các anh các chị như Hoài Trung, Hoài Bắc, Thái Hằng, những người sau này thành ban “Thăng Long”.

Hỏi: Ban hợp ca Thăng Long được thành lập từ hồi đó?

TT.: Nói thế cũng được. Có thể nói “Thăng Long” được thành lập từ hồi kháng chiến, từ khi tôi còn nhỏ.

Hỏi: Sau này chị gia nhập đoàn kịch “Gió Nam”?

TT.: Ban hợp ca Thăng Long ở trong ban Gió Nam, tuy hai mà một. Lấy tên Gió Nam vì chúng tôi từ Hà Nội vào Sài Gòn rồi trở ra Hà Nội trình diễn, mang cái gió miền Nam ra ngoài Bắc.

Hỏi: Chị có thấy là giọng chị hợp với nhạc Phạm Duy, hay là Phạm Duy sáng tác để cho chị hát?

TT.: Anh Duy lớn hơn tôi mười mấy tuổi, có lẽ muốn biết chính xác điều đó phải hỏi anh Phạm Duy. Tôi chỉ biết là kể từ bài “Dòng Sông Xanh” anh Duy đặt lời cho tôi hát, thì anh đã biết giọng hát tôi làm sao, sau đó những bài hát của anh ấy sáng tác ra thường do tôi hát đầu tiên nên chắc là anh phải chọn sao đó cho thích hợp với giọng hát Thái Thanh.

Hỏi: Bài “Dòng Sông Xanh” chị hát năm 14 tuổi, như thế chị có phải tập luyện nhiều không?

TT.: Về chuyện tập luyện, lúc đó mình chưa có trường “Quốc Gia Âm Nhạc”, chưa có ai mở khóa huấn luyện hát (thanh nhạc), tôi chỉ có thể nghe đàn bài nhạc, và với tuổi 14 mà tôi hát đước bài đó, tôi nghĩ phần lớn do thiên phú. Ngay cả chuyện phát âm, trước hết tôi đọc lời ca cho đúng, và khi hát tôi phải phát âm như lúc tôi đọc chứ không thể để chữ nọ xọ chữ kia, giọng nọ xọ giọng kia. Tôi nghĩ rằng chuyện phát âm tiếngViệt một phần tôi có được cũng là chút năng khiếu trời cho.

Hỏi: Một số bài hát chị có thêm thắt đôi chút mà bây giờ người ta gọi là “feeling”, chị có nghĩ đó là ưu điểm của chị, là sự sáng tạo của chị, và nhạc sĩ liệu có hài lòng không? Thí dụ như bài “Paris Có Gì Lạ Không Em”, ở phần cuối chị thêm vào khúc “Lá La La Là Lá La....”, chúng em cho rằng khúc hát thêm đó thật tuyệt vời, làm sáng hơn cái chất Paris trong bài hát. Thế nhưng liệu nhạc sĩ có đồng ý không?

TT.: Ở đây phải nói nhạc sĩ là tác giả chứ không phải người chơi đàn. Tôi vẫn nghĩ là tôi “feel” được cái bài đó phải được phát âm thế này, phải có cái đoạn mà tôi tự thêm vào. Thường thường tôi vẫn lo rằng tác giả bài nhạc không bằng lòng với lối phát âm của tôi ở khúc đó, không bằng lòng với đoạn thêm thắt của tôi, nên tôi hay phone hỏi tác giả. Tôi nói rằng bài mà tôi sắp hát của ông đây nếu tôi trình diễn thêm như thế này thì ông thấy thế nào. Hầu hết tôi nhận được lời khen của tác giả và họ đồng ý cái kiểu hát của tôi khiến bài hát hay hơn.

Hỏi: Về phía người chơi đàn, ban nhạc đệm cho chị, có khi nào đang hát chị chợt thấy có cảm hứng và thêm vào, hay thay đổi cách diễn đạt, mà ban nhạc không biết trước không?

TT.: Cái đó thì chưa xẩy ra bởi vì bao giờ cũng phải tập với ban nhạc hoặc dặn dò nhau đôi chút. Muốn thêm hay bớt điều gì đó đều phải được dự trù trước, vì chính mình cũng phải nghe thử xem sự thêm bớt đó có hay không. Chưa bao giờ đứng trên sân khấu mà tôi làm chuyện đó. Nhân nói về chuyện đứng trên sân khấu, có một lần tôi đứng hát trước khán giả, người đệm piano cho tôi hát hôm đó là nhạc sĩ Nghiêm Phú Phi. Ông đã chọn đệm cho tôi với ton Ré majeur, mà nếu hát Do majeur thì vừa với giọng tôi hơn. Khi tôi nghe intro, tức là khúc mở đầu mới có độ 3, 4 nốt của ông, tôi vẫn đứng yên tại chỗ và dùng ngón tay cái và ngón tay trỏ làm thành hình chữ C ra hiệu cho ông, ông đã hiểu ý tôi ngay và chuyển từ Re xuống Do. Sau đó ông khen tôi: Tai của Thái Thanh thính quá, mới nghe mấy nốt mà đã nhận ra là Ré, không phải Do để ra hiệu cho tôi.

Hỏi: Thế chị học nhạc lý ở đâu? Đọc đâu đó có viết là chị phải chui đầu vào trong cái chum để tập phát âm?

TT.: Nhạc lý cũng như là xướng âm tôi đã phải đặt mua sách từ bên Pháp, theo đó tự học, có gì khó thì hỏi anh Phạm Đình Chương. Anh Chương là thầy dậy tôi. Anh có lần nói: “Cô có cái đặc biệt là trước khi tôi dậy thì cô đã biết rồi”. Còn chuyện chui đầu vào chum thì không có đâu. Có lẽ ai đó đã đoán thôi vì thấy giọng tôi, cách phát âm của tôi khá mạnh nên họ nghĩ vậy. Cái giọng mạnh này chắc cũng là do trời cho tôi.

Hỏi: Có thể nói 70% tài năng của chị là do thiên phú?

TT.: Vâng, tôi cũng nghĩ như vậy. Trời cho tôi giọng, Trời còn cho tôi hai lá phổi rất rộng. Ý Lan có lần đã nói với tôi: “Mỗi lần con nghe Mẹ hát, nghe Mẹ xướng âm, con có cảm tưởng như tất cả buồng phổi của Mẹ đã mở ra.” Đó cũng là một điều thiên phú. Nhưng có điều tôi vẫn tâm niệm rằng trời cho mình cái gì thì mình phải ôm lấy nó, trân trọng cái đó, nghĩa là phải tập luyện để giữ được nó, để làm lớn, làm mạnh nó lên. Chú không thể cứ nghĩ thiên phú là không cần tập dượt, và còn phải yêu nó nữa thì mới có những thành tựu.

Hỏi: Chị đang nói về thiên phú, vậy chị có nghĩ rằng một điều khác trời cũng cho chị là đầu óc chị, tâm hồn chị dễ dàng cảm nhận được những gì tác giả các bài nhạc muốn gửi gấm, và chị đã dùng cái thiên phú đó để truyền đạt được tâm tình tác giả đến người nghe? Nhiều người có thể xướng âm những dòng nhạc, những lời ca của nhiều tác giả, nhất là của Phạm Duy, nhưng họ không có cùng cái cảm xúc như chị, họ không “cảm” được như chị.

TT.: Tôi không biết chuyện tôi cảm thông được với các tác giả có phải là thiên phú không. Nhưng điều đầu tiên tôi muốn nói về chuyện này là người ca sĩ phải biết yêu tiếng nói của nước mình, phải yêu tiếng Việt của mình. Người ca sĩ còn phải yêu đất nước mình nữa. Khi trong bài hát có nói đến những xứ sở, những vùng nào đó trên đất nước mình, thì mình cũng phải cảm thấy yêu cả những địa danh đó nữa, Miền Trung, Miền Nam, Miền Bắc. Đặc biệt tôi sinh ra ở Hà Nội thì khi đọc đến hai chữ Hà Nội tôi cảm thấy một tình cảm yêu mến vô bờ. Nếu mình không yêu chữ của nước mình thì giống như mình hát một bài hát ngoại quốc vậy. Thí dụ đọc đến chữ “em bé quê” là mình cảm thấy dào dạt tình thương yêu các em nhỏ sống ở những vùng quê nghèo nàn, tôi nói yêu chữ nước mình là vậy. Còn một chuyện nữa là tôi yêu người nghe, luôn luôn tôn trọng khán thính giả. Tôi rất thận trọng khi hát.

Hỏi: Thưa chị, về một trường hợp cá biệt, khi nghe chị hát bài “Hương Ca Vô Tận” của Trầm Tử Thiêng, khán thính giả thấy chị hầu như đã diễn đạt được hết cái tâm tình của nhạc sĩ, trong đó có cả phần tâm tình của chị. Có phải chị đã được tác giả chia sẻ chút ít về bài hát đó?

TT.: Tôi đã hát bài đó của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng cách đây nhiều năm, khi chúng tôi còn ở Việt Nam. Với ca sĩ được làm thân, được nói chuyện với các nhạc sĩ là điều rất thú vị vì mình hiểu biết hoàn cảnh các bài hát hơn. Khi nói chuyện với nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng tôi mới biết ý của ông trong những lời ca. Trong bài có những câu như “Hát nữa đi hương...”, nhiều khán thính giả tưởng “hương” là tên một người con gái, nhưng có nói chuyện với ông mới biết chữ “hương” là ông muốn nói đến “quê hương.”

Hỏi: Chúng ta qua một chuyện khác. Người đời thường hay dè bỉu những bài nhạc đại chúng, được đông đảo quần chúng ưa thích vì giai điệu, cấu kết giản dị, dễ dãi. Họ gọi đó là loại nhạc “sến”. Chị có nghĩ là nên gọi như vậy không, nên phân biệt như vậy không, và chị có hát những bài hát đó không? Chị có thích đặc biệt một nhạc sĩ nào không?

TT.: Dùng chữ “sến” để chỉ nhưng bài nhạc đó là thiếu lịch sự, và chắc chắn là tôi có hát những bài loại đó. Ngày xưa, có một ông nhạc sĩ nay đã mất rồi, tôi không nhớ rõ tác giả nào, nói với tôi thế này: “Thái Thanh ạ, nếu có một loại nhạc gọi là nhạc sến thì tôi xin làm sến, vì Thái Thanh mới trình bày một bài hát với hình ảnh đẹp đẽ quá, tươi tắn quá, và nếu tôi là sến tôi sẽ may cái áo thật đẹp để mặc.” Còn bảo rằng thích đặc biệt một nhạc sĩ nào thì câu trả lời là không. Thích một bài hát nào thì tôi hát bài đó với tất cả tâm hồn, không cứ bài đó là của ai. Thực ra cũng có thể nói là những bài của Phạm Duy, Phạm Đình Chương, vì là những người trong gia đình, nên khi chúng chưa ra ngoài thính giả thì tôi đã được nghe trong gia đình, tôi đã được các ông ấy gọi ra để hát thử từng đoạn trước khi tác phẩm hoàn thành, đương nhiên những bài của hai ông ấy tôi hát nhiều.

Hỏi: Vậy thì cũng xin chia sẻ với chị kinh nghiệm này, hồi còn trẻ, còn sinh viên, quả thực bọn em có thái độ phân biệt với những bài hát giai điệu dễ dãi. Phải đợi đến khi nằm tù ở Thanh Hóa 7, 8 năm trời, lúc đó em mới thấy hết giá trị của những bài bị gọi là sến kia. Lúc đó, giai điệu, lời ca những bài đó sao thấm thía đến thế. Lúc đó nghe “Nghìn Trùng Xa Cách” em không khóc như khi nghe “Xuân Này Con Không Về”, hoặc nghe “Phố Buồn” em cũng chỉ thấy sao xuyến như nghe bài gì của Trúc Phương có câu “đèn khuya mắt đỏ...” Lúc đó em mới nhận ra những bài hát đó thực sự là tiếng nói, tâm tình của đa số người dân miền Nam, của mọi người. Bây giờ xin đi đến một câu hỏi khác: Sau 1975, chị còn ở trong nước, chị có hát không, chị sống như thế nào?

TT.: Nói đúng ra thì tôi không hát. Lý do là vì khi người Cộng Sản vào miền Nam, tôi thấy họ khác mình quá, cái gì cũng khác. Khác hay hay khác dở thì tôi không bàn, nhưng tôi thấy không có gì giống tôi, giống trước đây, thì tôi không hát. Sau khi mời tôi không được thì tôi “được” họ cấm hát, thế thì tốt quá. Họ nói tiếng hát Thái Thanh là của “Ngụy”, chứ không phải của họ. Tôi kể câu chuyện nhỏ này: Cô Kim Cương mấy lần đến nhà tôi ở đường Cống Quỳnh, nói rằng “chị ở căn nhà này chật hẹp, nóng nảy quá”, ngỏ ý muốn mời tôi đến ở cùng nhà với cô ấy, vì tôi chỉ có một thân một mình, và cô ấy cho rằng tôi sống trong hoàn cảnh khổ quá. Kim Cương ở một ngôi nhà lớn, có máy lạnh, nước nóng nước lạnh. Cô ấy khéo lắm, nói rằng “Không phải em mời chị đến để rồi yêu cầu chị hát đâu, từ ngày xưa em đã tự bảo rằng chỉ cho tôi hát một ngày được như Thái Thanh thì sau đó có phải chết tôi cũng bằng lòng.” Cô ấy khéo thế đấy. Nhưng tôi từ chối viện lý do là tôi ở đâu quen đó, lại gần chợ nữa, và tôi không làm việc nổi vì các con tôi đều ở xa, tôi nhớ chúng lắm chẳng bụng dạ nào đi hát cả. Còn về đời sống, tôi cứ bán dần đồ đạc, nữ trang đi để mà sống qua ngày vì tôi có làm gì ra tiền. Đến bây giờ tôi rất hài lòng vì tránh được mọi điều ép buộc của nhiều người lúc đó.

Hỏi: Bây giờ thì đến một câu hỏi khá riêng tư không biết chị có vui lòng trả lời không. Thực ra chị là người của công chúng, chị có thể chia sẻ mọi điều với công chúng. Câu hỏi thế này: Chị là người duyên dáng, khả ái, có đôi tay đẹp, nhất là đôi mắt vô cùng thu hút, vậy không biết các chàng trai trẻ từ xưa đến giờ bị chị thu hút đến thế nào, chị tiết lộ được không?

TT.: Cô ca sĩ hay hát Trịnh Công Sơn, cô Khánh Ly, trước ngày mất nước, tức là cách đây hơn hai chục năm, có lần nói với tôi thế này: “Nếu cháu là chồng của cô, cháu đành phải để cô đi hát trước khán giả, nhưng cháu sẽ giữ hai bàn tay cô ở lại nhà, cháu không cho ai được nhìn hai bàn tay ấy khi cô hát.” Còn chuyện các chàng trai trẻ, thì trong cuộc sống chúng ta mấy chuyện đó cũng như nhau thôi.

Hỏi: Thí dụ trong ban Gió Nam có anh Trần Văn Trạch, một người trình diễn thành công rất mê chị?

TT.: Anh Trạch là một người kín đáo, trước khi mất anh ấy mới nói cho mọi người biết anh ấy mê Thái Thanh. Tôi chỉ nhận thấy là anh ấy hay đến nhà chơi với các anh các chị, và hay nhìn tôi. Lúc đó mình còn trẻ quá. Thực ra cho đến bây giờ chuyện tình cảm của Thái Thanh cũng kỳ cục lắm, phải nói thẳng ra là “này cô Thái Thanh, tôi thế này, tôi thế nọ” thì Thái Thanh mới biết, mới tin, vì khán giả yêu mình cũng biểu lộ như vậy, làm sao mình biết được ai yêu mình thật, ai mê tiếng hát của mình thôi. Có nói ra tận miệng thì tôi mới biết: “ủa, vậy hở!”

Hỏi: Còn với những văn nghệ sĩ miền Bắc gặp chị sau 75 thì sao, có cán bộ nào “nói thẳng” với chị không?

TT.: Ai cũng thấy thái độ bất hợp tác của tôi thì còn cán bộ nào tìm đến nữa. Mà có “nói thẳng” thì câu trả lời cũng không là “Me too” đâu đấy nhé. Với các anh chị văn nghệ sĩ như Văn Cao, Hoàng Cầm,... đều đến gặp tôi, đôi khi cũng nói để cho mình vui lòng ấy mà, như anh Văn Cao nói thế này: Nếu tôi còn trẻ thì thế nào cũng xin cưới Thái Thanh. Anh ấy bông đùa như vậy nhưng tôi cũng không dám trả lời “Me too!”

Hỏi: Chị nhớ một kỷ niệm nào ở Đêm Màu Hồng?

TT.: Kỷ niệm thì nhiều, nhưng có một chuyện tôi nhớ mãi đến bây giờ: Một hôm tôi hát bài “Kỷ Vật Cho Em” xong thì thấy mấy bà khóc. Các bà ấy đều có chồng, có anh em tử trận. Điều đó thật là day dứt.

Hỏi: Năm 1985 chị qua đến Hoa Kỳ, mọi người vui mừng đón tiếp chị trong đêm tái ngộ Thái Thanh ở hải ngoại, sau đó chị không có hoạt động gì nhiều về văn nghệ?

TT.: Sau đêm đó, một số “bầu sô” mời tôi hợp tác. Tôi không dám nhận lời nhiều vì lý do còn phải đi học ESL, thời gian học này kéo dài mấy năm. Về sau tôi chỉ ghi đĩa với cô Thái Xuân (Trung tâm Diễm Xưa) vì Thái Xuân chịu chiều theo ý tôi. Thí dụ mỗi CD thỉ có một mình tôi hát chứ không xen lẫn nhiều người. Tôi rất cảm ơn Thái Xuân vì cô ấy đã cố gắng làm mọi điều theo yêu cầu của tôi, như có bài hát tôi cần tiếng đàn tay chứ không phải đàn điện thì dù tốn kém mấy cô ấy cũng mua, khi thu băng đôi khi tôi cần tiếng đàn harp, cô ấy cũng chiều dù cho tiền thuê loại đàn đó cũng như tiền trả cho người chơi rất đắt. Trong một bài hát nhiều khi cần cả mấy thứ đàn đó, nhưng đàn tay vẫn là thứ tôi thích nhất, tiếng đàn đó “có lòng nhất”.

Chúng ta vừa mới đọc qua đôi điều thú vị về Thái Thanh, người ca sĩ lớn lao của đất nước Việt Nam. Gia đình cô còn sản xuất những người con nổi tiếng: Ý Lan, Quỳnh Hương, Thanh Loan đã nổi tiếng trong giới nghệ thuật, truyền thanh, Lê Việt đã tốt nghiệp kỹ sư còn nhất định lấy thêm bằng bác sĩ y khoa, và đặc biệt Lê Đại từ một thanh niên bị tê liệt vẫn kiên trì học để tốt nghiệp đại học, đi làm trong dòng chính của Mỹ. Tất cả những ý chí, tài hoa đó hẳn phần nào được Thái Thanh truyền cho. Trong đêm Thái Thanh và 3 thế hệ, đàn con cháu xum vầy chung quanh, tất cả đều cất lên tiếng hát ngợi ca Mẹ và Bà, ngay chàng bác sĩ Lê Việt cũng đã chứng tỏ là có một giọng ca truyền cảm, và một cung cách thật chân chất, khiêm nhường.

Để kết thúc bài này, chúng tôi xin mượn ít dòng của nhà văn Thụy Khuê: “Chúng ta có nhiều nghệ sĩ sáng tác những nhạc khúc tuyệt vời với ngôn ngữ thi ca, nhưng chúng ta có ít ca sĩ thấm được hồn thơ trong nhạc bản. Đạt tới tuyệt đỉnh trong ngành trình diễn, Thái Thanh nắm vững cả bốn vùng nghệ thuật: nghệ thuật truyền cảm, nghệ thuật âm nhạc, nghệ thuật thi ca và nghệ thuật phát âm tiếng Việt, giữ địa vị độc tôn trong tân nhạc Việt Nam gần nửa thế kỷ: Thái Thanh Chẳng cần làm thơ cũng đã là thi sĩ.

“Giữa những phôi pha của cuộc đời, tàn phai của năm tháng, giọng hát Thái Thanh vang vọng trong bần trời thơ diễm tuyệt, ở đó đau thương và hạnh phúc quyện lẫn với nhau, người ta cho nhau cả bốn trùng dương và mặc tàn phai, mặc tháng năm, tiếng hát vẫn bay bổng ở chốn trần gian hoặc ở vô hình.”

Phạm Duy đã chuyên trở lịch sử đất nước Việt Nam, ưu tư về vận mệnh dân tộc Việt Nam, về thân phận con người Việt Nam trong những tác phẩm của ông. Thái Thanh đã truyền đạt mối ưu tư đó, sức nặng lịch sử đó cho tất cả chúng ta. Cô đã nuôi dưỡng niềm tin, lòng yêu nước, tình người cho nhiều thế hệ chúng ta. Xin cảm ơn Thái Thanh và Phạm Duy.

nguoi-viet.com


Pearl
#10 Posted : Wednesday, August 17, 2005 5:00:35 AM(UTC)
Pearl

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 37
Points: 0

Thái Thanh, tiếng hát dâng hiến tâm tình

Hồ Trường An

Tôi nhớ mang máng nữ danh ca Thái Thanh được định cư trên đất nước Hoa kỳ vào năm 1985, 1986 gì đó, theo diện ODP. Và mãi tới năm 1992 tôi mới được xem chị hát ở rạp Maubert Mutualité, quận 5 của kinh thành Paris. Trước đó, bà Võ Phiến có tặng tôi băng nhạc “ Thái Thanh Hải Ngoại 2, Quê Hương Và Kỷ Niệm” do Trung Tâm Diễm Xưa sản xuất.

Trong tấm ảnh in trên bìa bọc của băng nhạc, Thái Thanh vẫn còn trẻ đẹp như hồi 20 năm về trước. Cũng có thể đó là công cạo sửa và tô điểm thêm của nhiếp ảnh gia. Người trong ảnh vẫn phấn mịn son tươi, vẫn giữ vẻ thông minh rạng rỡ ở sóng mắt nụ cười. Người trong ảnh mặc chiếc áo dài màu hồng quế (hồng ửng tía ngọt lịm), khoác bên ngoài chiếc áo bằng ren thêu dệt lộn với kim tuyến sợi nhỏ mức như sợi tóc. Chị tô son hồng ngọc, phết sơn móng tay màu đỏ sậm như máu đông đặc và đeo hoa tai rẽ hình cánh quạt nặng quằn cùng một vốc chuyền bướm, tất cả nạm chuỗi hột nhả ánh kim cương lấp lánh.

Trong ảnh, Thái Thanh đang cầm máy vi âm, máy chúc xuống miệng, mặt ngửa lên, giống như gã cuồng đồ đang tu chai rượu. Mặt chị hí hởn, tươi như hoa, môi nở một nụ cười sáng như mây hồng lúc rạng đông.

Hôm trình diễn ở rạp Maubert Mutualité, Thái Thanh hát ở phần 1 và phần 3 chương trình. Còn phần 2 thì dành cho các nữ ca sĩ Như Mai, Ngọc Lan, Kim Ngân và nam ca sĩ Duy Quang. Ở phần 1, chị diện chiếc áo màu tể thanh, xanh thật sáng và thật thắm như màu men sứ Sài Diêu vào triều đại của Châu Thái Tôn Hoàng Đế thời Hậu Châu bên Tầu. Ở phần 3 chương trình, chị diện chiếc áo màu nâu đỏ in hoa cánh bướm màu vàng tái như màu hoa kim liên (capucin) hoặc hoa dã lan (iris) . Màu nâu lẫn màu vàng đều tái ngắt và lu chìm, nhưng sự kết hợp của chúng trên nền lụa lại xông xáo choáng lộn bất ngờ.

Thái Thanh suốt 15 năm hành nghề ca hát theo kiểu gạo chợ nước sông ở quê nhà, dưới chánh thể Cộng Sản. Chị mang tiếng hát ra hải ngoại bằng sự tự tin thấy rõ, dù làn hơi tiếng hát đã hao hụt chút ít, chuỗi ngân không còn nhỏ mức và đều đặn, nhưng âm sắc vẫn còn lảnh lót, vẫn còn lóe những ngân vang sáng rỡ. Lúc hát, chị vẫn hăng hái quăng mình trọn vẹn vào phút giây đùa bỡn với tiết điệu và âm thanh. Dù chuỗi ngân có thô rít, nhưng chị vẫn không nao núng, vẫn kéo dài làn hơi để cho làn hơi gợn sóng. Khi hát tới chỗ khá cao hay khi xuống chỗ khá thấp lọt ra khỏi âm vực tiếng hát của mình, chị vẫn cứ đưa tiếng hát của mình lướt tới, vẫn quả cảm chuyển giọng, tới đâu thì tới, không sợ tiếng hát gãy vụn hoặc vỡ bể hay bị sa lầy. Nhìn và lắng nghe chị hát, tôi ngậm ngùi trước sự thành khẩn tha thiết của chị trong lúc chị dâng hiến tiếng hát của mình cho khán giả và nhất là cho lý tưởng của mình mà không cần nhìn lại tuổi đời đang đè nặng trên lưng trên vai mình, không quan tâm cái sinh lực trong tiếng hát của mình đã bị thời gian làm vơi cạn đi ít nhiều.

Tuy nhiên, hôm đó giọng hát của chị chỉ hơi rạn nứt chút ít ở một vài chỗ, phải tinh lắm mới nhận ra. Nhưng mà, đó vẫn còn là một giọng hát đẹp gợi nên vết da rạn quý giá trên nền men bóng của chiếc độc bình. Hôm đó, chị còn hát bài “Dòng Sông Xanh” của Johann Strauss, vẫn hứng khởi ngân bằng nguyên âm (vocaliser) và vẫn nhún nhẩy theo nhịp điệu Valse xôn xao.

Sau buổi trình diễn tại rạp Maubert Mutualité, Thái Thanh còn trình diễn thêm một vài nơi ở Paris, rồi trình diễn ở một vài nước trên lục địa Âu Châu. Tôi có nghe loáng thoáng chị được đón nhận nồng nhiệt ở nơi nầy, bị hững hờ ghẻ lạnh ở nơi khác, gây một âm vang vừa đủ để hãnh diện ở chỗ kia. Tôi cũng có nghe vài lời bình phẩm ở lối trình diễn điệu đà và sự diễn tả quá mức của chị ở Washington D.C.

Tại nơi đây, khi bước ra sân khấu, chị mặc áo choáng lộn như y quan của của gánh Hồ Quảng, lại khoác áo choàng như Người Dơi; lúc hát chị lắc lư hơi nhiều, rồi nhảy loi choi, vung vãi quá nhiều nhiệt tình, nhiều điệu bay bướm thừa thãi. Song dù gì đi nữa, hôm trình diễn tại rạp Maubert Mutualité, chị vẫn ghi vào ấn tượng tôi hình ảnh một nghệ sĩ hát bằng tâm tình dâng hiến, bằng trái tim mẫn cảm, bằng cái đẹp muôn màu muôn vẻ của tâm hồn. Sau phần 1, đèn ở hí viện bật lên, khán thính giả đứng dậy vỗ tay hét lớn:

- Hoan hô! Hoan hô Thái Thanh!

Nhà văn nữ Thụy Khê bảo tôi:

- Nghe Thái Thanh hát mà nhói cả tim!

Học giả Phạm Xuân Hy, người chuyên dịch chuyện hồ ly tinh trong “Liêu Trai Chí Dị” hoặc trong “Dạ Vũ thu Đăng” cũng bảo:

- Thái Thanh hát vẫn còn hay.

Thái Thanh hát hay điều đó dĩ nhiên rồi, ai mà dám cãi được ? Nhưng Thái Thanh còn hát giỏi nữa, bởi vì chị có kỹ thuật hát khá tinh vi. Nhưng tiếc thay, khi hát ở những chỗ hơi cao, chị thường nhốt sâu tiếng hát trong cuống họng nên tiếng hát thanh thì có thanh, nhưng chua ơi là chua! Từ Thái Thanh lúc đó chị trở thành Thái Chanh một cách ngon ơ! Đây là nhược điểm của chị. Bởi tự luyện tập giọng hát theo lối chầu văn, hát chèo với cách ngoai mồm bẻ miệng nên chị không nắm bắt cách luyện tập theo phương pháp chân truyền của ca sĩ Tây phương. Từ lúc đầu, chị không tập rống khi lên cao để tiếng hát được dàn rộng, không mất âm lượng và có thể giữ được âm sắc ngọt ngào. Trong băng nhạc “Thái Thanh, Tiếng Hát Vượt Thời Gian”, chị có hát bài “Sérénade” của Schubert, từ đầu tới cuối chị xài toàn giọng óc, chua tới rùng rợn luôn!

Nhưng khi hát ở những chỗ không quá cao hoặc không quá thấp, tiếng hát chị đẹp hẳn lên, như khối ngọc giữ màu trong vẻ sáng, không tỳ vết, không lỗi lầm. Ở những nốt nhạc nơi trầm, tiếng chị dầy và ấm hẳn lên, thập phần quyến rũ.

Qua tiếng hát Thái Thanh, người nghe có cảm tưởng đến ngắm một lạch nước trong chảy thao thao vào một vùng thôn dã thuộc miền trung du của Quê Bắc vào thuở tiền chiến. Nơi đó, có những hình ảnh tiêu biểu như lũy tre xanh rậm rọc bọc quanh làng làm cho khung cảnh ấm cúng và thân mật. Có mảnh ao làng lênh láng nước trong veo, ngày ngày có những cô gái quê đến gánh nước hoặc rửa rau và vo gạo. Có ngôi đình làng dành cho các cuộc tế lễ thành hoàng. Có ngôi chùa, am mây, miếu mạo... dành cho những khách hành hương. Lại còn thêm bóng đa, bóng chuối, bóng na, những cây cau, những nương khoai... làm cho khung cảnh thêm xanh mát, thêm bóng râm êm ả trong nắng trưa.

Thái Thanh hát những ca khúc âm hưởng dân ca miền Bắc như “Tình Ca”, “Tình Nghèo”, “Tình Tự Tin”, “Nụ Tầm Xuân”, “Tình Hoài Hương” và “Chú Cuội” của Phạm Duy, “Kiếp Cuội Già” và “Khúc Giao Duyên” của Phạm Đình Chương, “Tình Quê Hương” của Đan Thọ, “Các Anh Đi”, “ Nhớ Bến Đà Giang” của Văn Phụng đều truyền cảm, đều gợi cái trong trẻo êm đềm của lạch nước mùa xuân, cái tịch mạc thật thơ mộng của cảnh thôn dã nơi Quê Bắc.

Vì hát theo lối nhấn từng chữ như lối chầu văn nên chị hát những bài nhạc ngoại quốc như “Celèbre Valse” của Brahams, “Sérénade” của Schubert, “Rêverie” của Robert Schumann... đã được đổi thành lời Việt thì lại không sành điệu bằng Mộc Lan, Kim Tước, Châu Hà, Tuyết Hằng, Mai Hương và Quỳnh Giao.

Riêng tôi, tôi chưa thấy ca sĩ nào diễn tả trọn vẹn ý tình qua các ca khúc của Phạm Đình Chương và nhất là của Phạm Duy bằng Thái Thanh.

Ở bài “Tình Ca”, khi hát tới câu hát “Tôi yêu tiếng xa mờ”, giọng chị sắc vút lên như xuyên vào mối cảm hoài người nghe bằng một luồng gió mạnh, reo xao xuyến trong nội giới chúng ta rất lâu ... Ở bài “ Kỷ Vật Cho Em”, khi mở đầu bằng câu “Em hỏi anh, em hỏi anh bao giờ trở lại” thì ở tiếng “hỏi”, chị như nghẹn nấc làm người nghe bàng hoàng dao động cả tâm hồn; chưa có ca sĩ nào diễn tả tuyệt vời cảm xúc như chị ở tiếng đó. Hình như Trời sinh Phạm Duy ra để soạn ca khúc cho Thái Thanh hát. Trong phút hiển linh của thần trí sáng tạo, anh viết những dòng nhạc truyền cảm tột độ mà chỉ có Thái Thanh diễn tả mới đi đến chỗ cùng tận của ý tình. Cho nên khi hát bài “Bà Mẹ Gio Linh”, Thái Thanh cất tiếng “Hò ơi ới ơi hò”, tiếng hò chị ở chỗ đó như banh gan xé ruột người nghe, như khơi dậy một vết thương rướm máu của họ. Tiếng hò sao mà thảm thiết một cách thần tình, làm sao có ai hò vượt qua chị dẫu đương sự có ăn một trăm, một ngàn cót thóc đi nữa.

Ngoài ra, bản “Tình Không Biên Giới” của Văn Lương, “Mấy Dặm Sơn Khê” của Nguyễn Văn Đông, “Sao Đêm” của Lê Trọng Nguyễn, “Tiếng Thời Gian” và “Trở Về Dĩ Vãng” của Lâm Tuyền đều được chị trình bày bằng một tình cảm vừa phải, nhưng rất truyền cảm, rất nghệ thuật.

Nghe Thái Thanh hát các ca khúc âm hưởng dân ca miền Bắc, chúng ta có cảm tưởng được ngắm những bức tranh mộc bản hoặc những bức tranh dân gian bày bán ở chợ quê trong dịp Tết. Những bức tranh dân gian ấy tô màu lòe loẹt và suồng sã nhưng hàm nhuận ý tình thật mộc mạc, thật thân thương: đỏ như ruột dưa hấu, xanh như mực học trò, vàng như nghệ, lục biếc như đọt chuối hay như lá mạ, tím như nước cốt trái mồng tơi...

Còn ở những bức tranh mộc bản thì tuy khung gỗ khắc có những nét thô tháp nhưng khi được in lên trên nền giấy xốp và thấm mực đều bỗng hiện lên những đường nét tạo hình ấm cúng và duyên dáng lạ kỳ!

Qua tiếng hát Thái Thanh, chúng ta có thể mương tượng đến tiếng sáo diều vi vút vào buổi chiều quê, khi mà ánh tà dương không còn trải trên mặt ao đầm, và sương mỏng bắt đầu theo bóng chiều lan khắp đó đây. Lúc đó, tàn cây, khóm chuối biến dần thành những khối bóng đậm đen như tô bằng mực tàu trong thứ ánh sáng lu lít mù mờ vào lúc chạng vạng. Tiếng sáo mỏng và thanh cứ vi vút từ đầu bữa cơm chiều dưới ánh đèn dầu cho tới khi trăng lên rọi lóng lánh mặt ao đầm mà vẫn chưa tắt.

Thái Thanh có giọng hát thiên phú quý báu như thế, nhưng theo tin đồn thì chị chẳng thận trọng giữ gìn. Chị không kiêng khem trong việc ăn uống. Hễ gặp trái chua là chị ăn mê tơi, ăn ngấu nghiến. Gặp trái chát như sung để ăn cặp với bún riêu, như mít đẹt nổi mụn cám vàng chị liền cất giấu ngay trong bụng là chỗ không trời không đất... cho gọn!

Hồi ở bên quê nhà, Kiều Chinh và Thái Thanh là hai nữ nghệ sĩ trình diễn thích giao du với các nghệ sĩ bên sáng tác nổi tiếng trí thức. Qua ông anh nhạc sĩ Phạm Đình Chương của mình, Thái Thanh ưa giao du với nhóm Cái Bang trong đó có kịch tác gia Vũ Khắc Khoan, nhà văn Mai Thảo, ký giả Lô Răng Phan Lạc Phúc, nhà văn Thanh Nam, nhà văn Thanh Tâm Tuyền... lại thêm có ca sĩ Anh Ngọc, anh bạn đồng nghiệp của chị. Giờ đây, Vũ Khắc Khoan, Mai Thảo, Phạm Đình Chương và Thanh Nam đã từ trần. Thanh Tâm Tuyền định cư trên vùng Vạn Hồ thuộc tiểu bang Minnesota. Còn Phan Lạc Phúc ở tận bên Úc. Trong chuỗi ngày tàn bóng xế, chị cùng nghệ sĩ dương cầm Nghiên Phú Phi mở lớp luyện ca.

Từ năm 1995, làn hơi trong tiếng hát Thái Thanh giảm sút quá nhiều. Chị không còn ngân nga được nữa. Nhưng từ cái gốc của chị, có hai chồi măng mới mọc ra, trong thời gian chẳng bao lâu mà trở thành hai cây trúc tương phi yểu điệu xinh tươi. Mỗi khi lớp lớp sóng nhạc hiện thân thành cơn gió lướt qua, trúc reo lao xao những tiếng hát làm rung cảm khách mộ điệu khắp bốn phương trời hải ngoại. Đó là nữ ca sĩ Ý Lan và nữ ca sĩ Quỳnh Hương, hai cô con gái của chị và của minh tinh điện ảnh Lê Quỳnh.

Hồ Trường An (Trích từ Chân Dung Những Tiếng Hát, quyển 1)
Pearl
#11 Posted : Thursday, August 18, 2005 2:27:55 AM(UTC)
Pearl

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 37
Points: 0

Cuộc Chuyện Trò Trên Mạng với nữ ca sĩ Thái Thanh



Câu hỏi 1:Thưa bà, tôi rất hâm mộ giọng hát của bà, tôi cũng thích Ý Lan hát. Xin tò mò hỏi bà, được biết bà rất quí trọng ông Phạm Duy, nay PD đã về VN, bà và gia đình có dự tính về VN không? Cảm ơn bà.(tranrhang-florida)

Trả lời:Tôi rất quý trọng ông Phạm Duy. Tuy nhiên gia đình tôi thì chưa có ý định về VN như ông.

Câu hỏi 2:Về sau này có dịp em nghe các bản nhạc mà bà đã hát, trong đó có bài Tình Ca, Dòng Sông Xanh... Xin cho biết hiện nay bà đang làm gì? và có định có CD nào để kỷ niệm không ạ? Chứ lứa tuổi các anh chị của em (trên 50-70t) đã 1 thời nghe giọng hát của bà (trước 1975).(Hang-Houston, TX)

Trả lời:Tôi cũng vừa mới làm một CD "Thái Thanh và 3 thế hệ" trong chừng độ năm ngoái nay thôi.

Câu hỏi 3:Nếu nhạc sĩ Phạm Duy tổ chức một chương trình ca nhạc ra mắt ở Sài Gòn và mời cô về tham dự, cô có dự định về Sài Gòn hát cho khán giả trong nước nghe không? Nếu không, thì vì lý do gì? Sức khỏe hay vì những vấn đề tế nhị khác? Chúc cô nhiều sức khỏe và mãi là tiếng hát vượt thời gian trong lòng ba, bốn thế hệ yêu mến tiếng hát của cô ! Duy Nguyen. Texas, USA(Duy Nguyen-Texas, USA)

Trả lời:Hát cho khán giả trong nước nghe là điều tôi mong muốn lắm nhưng... chưa phải bây giờ.

Câu hỏi 4:Chào Cô, Khi qua đây Cô đã phát hành bao nhiêu CD, CD nào Cô cho là ưng ý nhất, Cô có trở về VN sống như nhạc sĩ Phạm Duy không, các con của Cô có dự dịnh ra một DVD riêng cho Công không, Gia-đình và cháu mong đợi ở Cô điều này đó, chúc Cô nhiều sức khỏe và hạnh phúc với các con, cháu. Kính.(KimLe-LA , Cali)

Trả lời:Từ khi qua Mỹ, tôi có ra được cỡ 5 CDs. Mỗi một CD tôi đều mang những kỷ niệm riêng của nó vì thế mỗi CD tôi đều yêu mến.

Câu hỏi 5:Tôi yêu ca hai: Cô Thái Thanh và Lê Quỳnh. Yêu Thái Thanh với tiếng hát cho riêng tôi với Tình Hoài Hương, Tình Ca... Yêu Lê Quỳnh với những báo trước sự độc ác, tàn bạo... của cộng sản trong phim "Chúng tôi muốn sống" và cũng tại Lê Quỳnh là mẫu người đàn ông rất đàn ông. Tôi xin được biết: Sao không thấy Thái Thanh hay bất cứ ai nhắc đến Lê Quỳnh hiện nay?(Kim-Oanh Huynh- Houston , TX)

Trả lời:Tôi cũng giống quý vị, tôi rất thích cuốn phim "Chúng tôi muốn sống" do anh Lê Quỳnh đóng vai chính. Còn về câu hỏi của quý vị, chắc quý vị đã không để ý rồi. Trong các chương trình ca nhạc tôi vẫn hay nhắc đến anh Lê Quỳnh. Tôi còn nói rằng anh Lê Quỳnh chẳng những đóng phim hay mà còn hát hay nữa đấy.

Câu hỏi 6: Bà Thái Thanh có chấp nhận trường hợp ca sỹ khi trình bày bài nhạc cứ hay đổi lời của tác giả, cụ thể ca sỹ Thế Sơn hát bài "Không bao giờ ngăn cách" có câu 'viết tên người yêu lên ba lô nặng trĩu' lại đổi là 'viết tên người yêu trong con tim nặng trĩu' thì chẳng có ý nghĩa gì cả.(Thanh Nguyễn-Houston, Texas)

Trả lời:Tôi không đồng ý điều đó.

Câu hỏi 7:Thưa Bác, Được biết tiếng hát của Bác đã đi vào lòng ngườk "Tiếng hát vượt thời gian". Xin hỏi nhờ vào đâu mà Bác dược 1 chát tình quê hương như vậy? Kính chúc bác và gia đình luôn được nhiều sức khỏe.(Linh-Canada)

Trả lời:Sở dĩ tôi có "tiếng hát vượt thời gian" là do quý vị khán giả đã thấy tôi hát từ trẻ cho đến già. Còn về "chất tình quê hương", tôi có được do tôi rất yêu quê hương nên khi tôi hát là đã có "chút tình quê hương" trong đó rồi.

Câu hỏi 8:Thưa Cô, theo Cô thì bài hát nào của nhạc sĩ Phạm Duy mà Cô đã trình bày thành công nhất? Cô có thể cho biết ý kiến của Cô về việc nhạc sĩ Phạm Duy quay trở về sống trong nước? Cô có ý định về nước để ăn hưởng tuổi già hay không? Chúc cô và gia quyến luôn bằng an, mạnh khỏe. Kính!(Tony Tran-Mebourne, Australia)

Trả lời:Tôi thì nghĩ rằng mỗi một bài hát của Phạm Duy đều có cái hay của nó, nên tôi không thể trả lời là bài nào hay nhất, chỉ thấy là bài hát nào của Phạm Duy cũng hay và rất hợp với tôi. Về việc nhạc sĩ Phạm Duy về nước để hưởng tuổi già, tôi nghĩ đó là chuyện riêng của Phạm Duy. Còn tôi, tôi nghĩ tôi sẽ không về VN an hưởng tuổi già bởi con cháu tôi đều ở tại Mỹ hết.




Câu hỏi 9:Thưa Bác Thái Thanh, trong cuộc sống hiện tại một ngày của Bác là như thế nào, và Bác có ý định trở về VN để sống như nhạc sĩ Phạm Duy hay không? Cháu kính chúc Bác nhiều sức khỏe và bình an. Xin được nói với Bác rằng nhờ có tình yêu mãnh liệt của ca sĩ Thái Thanh mà một người trẻ như cháu dù đến chết cũng sẽ không bao giờ quên "Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời người ơi..."(Va^n Anh DDo^~-Houston, TX)

Trả lời:Hàng ngày tôi quây quần bên bếp để nấu ăn cho chính tôi và gia đình, bởi tôi là một người rất yêu thích công việc nội trợ chứ không chỉ thích hát thôi. Ngoài ra, tôi cũng rất thích trông cháu nếu các con có gửi chúng cho tôi.

Câu hỏi 10:Cháu rất mê giọng hát của cô qua nhiều bài hát mà Cô thể hiện, đặc biết có 1 bài ảnh hưởng đến tâm hồn cũng như nghề nghiệp cháu rất nhiều, đó là bài: "Buồn Tàn Thu" của Văn Cao. Xin cho cháu hỏi, Cô có rung động như thế nào khi hát bài này thế? Cháu cũng muốn tìm CD của cô để nghe và để sưu tầm, nhất là những bài hát Việt Nam tiền chiến, Xin cho cháu địa chỉ liên lạc nếu có thề. Email address của cháu là: (...... ) Cháu cam ơn Cô rất nhiều.(Nguyen Kim Hanh-211 A Western Blvd,Jacksonville NC 28546)

Trả lời:Tôi thích bài "Buồn tàn thu" lắm! Bài này là một trong những bài hát đầu tiên của tôi khi tôi bước vào nghề ca sĩ.

Câu hỏi 12:Kính cô Thái Thanh, "tiếng hát vượt thời gian": Cháu không dám phiền cô về những nhạc phẩm và nhạc sĩ đã nổi tiếng từ lâu mà muốn hỏi ý kiến cô về "nhạc mới" và "người mới". Trong số những nhạc phẩm và nhạc sĩ Việt Nam mới, nhất là ở Hải Ngoại Cô thấy có những nhạc phẩm nào có giá trị và những nhạc sĩ nào có khả năng ?(Phạm Quỳnh Lệ-Orange, California)

Trả lời:Tôi cũng nghe rất nhiều nhạc mới và ca sĩ mới ở trong và ngoài nước. Nhạc sĩ trong nước và ngòai nước đều có khả năng. Mỗi nhạc phẩm thì lại đều có giá trị riêng của nó.

Câu hỏi 13:Cô Thái Thanh ơi, cháu rất ngưỡng mộ giọng hát cảu Cô. Cảm tưởng cảu cô như thế nào khi dứng hát chung với các con của mình? Cuộc sống của Cô hiện giờ như thế nào? Cô có dụ định sẽ ra 1 album mới nữa hay không? Xin chúc Cô dồi dào sức khỏe và hạnh phúc trong những ngày tháng sắp tới.(jenny phan-Arizona,USA)

Trả lời:Phải nói rằng tôi rất sung sướng trước những thành công của các con tôi, nó khiến cho tôi cảm thấy còn sung sướng hơn trước những thành công của chính tôi.

Câu hỏi 14:Thưa Cô. Cô còn giữ bài hát " Bình dân học vụ " (?), trong đó có câu....(i thời có chấm, tờ thời có ngang.....) không ạ. Cô còn nhớ chứ Cô. Cháu phải mua ở CD nào?. Cháu kính chúc sức khỏe Cô.(Thắng Nguyễn-Sacramento)

Trả lời:Lâu quá rồi nên chính tôi cũng không còn nhớ nữa.

Câu hỏi 15:Chao ca si Thai Thạnh, Co co bao nhieu nguoi cọn Cam ọn(Trang Nguyen-Cali)

Trả lời:Tôi có 5 người con, 3 gái, 2 trai.

Câu hỏi 16:chao co. co co du dinh ve viet nam nhu nhac si pham duy khong. co dang o voi nguoi con nạo. quynh huong co o gan co khọng. chuc co nhieu suc khoe(hien-viet nam)

Trả lời:Xin xem những phần tôi đã trả lời! Tôi đang sống chung với tất cả các con của tôi, khi thì với người này, khi thì với người khác. Quỳnh Hương và Ý Lan đều ở gần với tôi.

Câu hỏi 17:WHAT IS YOUR RIGIONL? Cô Thái Thanh hát rất hay đó, CO THUONG HAT BAN NHAC NHA THO,TUY NHIEN CO THUONG VE VIETNAM CA HAT khong vay? THANK YOU FOR YOUR ONLINE.(Matthews tran-USA)

Trả lời:Tôi theo đạo Phật. Tôi chưa bao giờ về VN hát cả.

Câu hỏi 18:Thưa cô Thái Thanh, Ba Mẹ cháu và tụi cháu rất yêu thích giọng hát của cô và các ca sĩ trong gia đình Thái Thanh. Cô có tính làm một chương trình ca nhạc đặc biệt cho 3 thế hệ của gia đình Thái Thanh không? Nếu có chắc là hay lắm. Tụi cháu chờ đợi chương trình đó của cô. Chúc cô vạn sự như ý!(Quang -Hoa Ky)

Trả lời:Tôi đã tổ chức chương trình "Thái Thanh và 3 thế hệ" cách đây khoảng 1 năm rưỡi ở Majestic. Còn việc tổ chức tiếp những buổi "Thái Thanh và 3 thế hệ" trong tương lai là đương nhiên phải có.

Câu hỏi 19: Kính chào Cô , cháu muốn hỏi Cô có mấy cháu nội và mấy cháu ngoai. Ca sĩ Ý Lan có con gái Mai Linh theo con đuòng ca hát , vậy ca sĩ Quỳnh Huong có con nào theo chân chị không. Cháu rất hâm mộ chị Quỳnh Huong qua vai trò MC. Kính chúc Cô và gia đìnhvui mạnh(Nguyen Mai Hien-Cali)

Trả lời:Tôi có 12 cháu nội ngoại. Quỳnh Hương cũng có một cô con gái nối nghiệp, có cùng tham gia trong chương trình "Thái Thanh và 3 thế hệ". Cám ơn cháu!

Câu hỏi 20:Thưa cô, bí quyết nào đã giúp cô có được giọng hát bền bỉ cả nửa thế kỷ vậy? Cô có hãnh diện về con gái Ý Lan của cô không? Và có những ai trong gia đình nối được nghiệp của cô? (NGUYEN THI KIM DUNG-ST. LOUIS MO USA)

Trả lời:Như tôi đã trả lời rồi, thành công của các con tôi còn khiến tôi sung sướng hơn chính thành công của bản thân tôi. Ý Lan, Quỳnh Hương cùng 3 thế hệ đã nối nghiệp của tôi.

Câu hỏi 21:BI QUYET NAO MA GIONG HAT CUA CO TON TAI CA NUA THE KY?(NGUYEN THI KIM DUNG-SAINT LOUIS M.O USA)

Trả lời:Giọng hát là của Trời cho nhưng mình cũng cần phải luyện tập.

Câu hỏi 22:Xin ca sĩ Thái Thanh vui lòng cho biết
Thứ nhất: Ngoài nhạc của nhạc sĩ Phạm Duy ra ca sĩ còn thích hát nhạc của nhạc sĩ nào nữa không và đặc biệt là nhạc phẩm nào của nhạc sĩ nào?
Thứ hai: Từ ngày sang định cư ở Hoa Kỳ ca sĩ có về lại thăm Việt nam lần nào chưa? Ca sĩ có dự định về lại quê nhà để sống nghỉ hưu hay không? Kính chúc ca sĩ khỏe mạnh và hạnh phúc với gia đình ở Hoa Kỳ
Tran Thai Phuong -(Tran Thai Phuong-Perth, Western Australia)

Trả lời:Ngoài nhạc sĩ Phạm Duy, tôi còn rất thích nhạc của nhạc sĩ Phạm Đình Chương vì cả 2 đều là anh trong gia đình nên mỗi bài hát khi họ mới làm được một đọan đã đưa tôi hát thử. Như tôi đã trả lời, tôi chưa từng trở về lại VN từ khi sang Mỹ.

Câu hỏi 23:Mình muốn biết dì Thanh năm nay bao nhiêu tuổi?(nguyenthisang-tayninh)

Trả lời:Năm nay tôi đã 70 tuổi rồi.

Câu hỏi 24:Xin chào cô Thái Thanh, cháu là người rất hâm mộ cô và cả con gái Ý Lan của cô nữa. Cuộc sống của cô bây giờ như thế nào, đặc biệt là sức khoẻ của cô ra sao, sau khi cô bị stroke tới giờ có ảnh hưởng gì nhiều đến sức khoẻ của cô không? Chúc cô Thái Thanh ;uôn khoẻ và luôn sống trong lòng công chúng.(Nhat Le-Perth, Australia)

Trả lời:Sức khỏe của tôi hiện nay rất tốt sau khi bị stroke cách đây 3 năm. Cám ơn cháu!

Câu hỏi 25: Thưa chị Thái Thanh. Xin chị cho biết chị có còn hát trước công chúng nữa không và chị có dự định sẽ hát cho bà con ở Seattle trong một ngày gần đây không? Nếu một ngày nào đó chị có về lại Việt nam nhu ông Phạm Duy,chỉ xin chị một điều là xin đừng tuyên bố diều gì có thể làm buồn lòng hằng triệu khán thính giả đã mến mộ chị từ mấy chục năm nay.Xin chúc chị được khoẻ mãi.(Andy Huynh-Washington state,USA)

Trả lời:Không chỉ Seattle mà ở tất cả các tiểu bang khác, nếu có dịp, Thái Thanh cũng sẽ đến trình diễn.

Câu hỏi 26:Tại sao Việt Cộng vào miền Nam, chị nhất định không hát một bài nào cho họ nghe?(Vui Hoang-New York, New York)

Trả lời:"Không hát" đã là câu trả lời rồi.

Câu hỏi 27:co thai thanh dang o thanh pho nao. co co cd nao moi khong(anh-viet nam)

Trả lời:Thái Thanh đang sống ở Quận Cam. CD mới là "Thái Thanh và 3 thế hệ".

Câu hỏi 28:Nga2y xu7a to6i ra61t ha6m mo65 Ban ho7p1 ca Tha8ng Long. Xin chi5 vui lo2ng cho bie61t thu71 tu75 lo7n1 nho3 cu3a ca1c tha2nh vie6n?(Ke3 A1i Mo65-Los Angeles, CA)

Trả lời:Trước tiên, ban hợp ca Thăng Long là anh em ruột thịt. Anh Hòai Trung là lớn nhất, chị Thái Hằng thứ hai, anh Hòai Bắc thứ ba rồi cuối cùng là Thái Thanh.

Câu hỏi 29:Xin hỏi cô Thái Thanh có ý định hát tiếp và ra CD nữa hay không? Cô có ý định viết hồi ký không?(Temely-Germany)

Trả lời:Việc viết hồi ký thì có lẽ sẽ có nhưng chưa phải bây giờ. Còn việc hát tiếp và ra CD mới có lẽ sắp bắt đầu vào một ngày rất gần.

Câu hỏi 30:Toi rat thich nghe chi hat tu thuo con nho. Xin hoi chi Chi co Album nhac cua rieng chi hay khong ? Neu co thi lam the nao toi co duoc. O Cambodia khong co su kiem duyet van hoa pham nhu o VN. Than ai(Lam Son-Phnompenh Cambodia)

Trả lời:Anh có thể liên lạc với trung tâm băng nhạc Thúy Nga.

Thái Thanh chào quý độc giả: Trước khi chấm dứt chương trình hôm nay. Thái Thanh xin cảm ơn tất cả quý vị đã yêu Thái Thanh mà gửi rất nhiều lời thăm hỏi. Xin hứa hẹn sẽ có lần nói chuyện tiếp nữa.


người việt online

Từ Thụy
#12 Posted : Thursday, October 13, 2005 9:58:41 PM(UTC)
Từ Thụy

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 1,394
Points: 39
Woman

Thanks: 2 times
Was thanked: 3 time(s) in 3 post(s)
Mời các ACE thưởng thức.

Nghìn Trùng Xa Cách
Tác giả: Phạm DuyTrình bày: Thái Thanh



http://s18.yousendit.com...64EBAAJDLY1NXAFAW5DZ9E8

Nghìn trùng xa cách người đã đi rồi
Còn gì đâu nữa mà khóc với cười
Mời người lên xe về miền quá khứ
Mời người đem theo toàn vẹn thương yêu
Đứng tiễn người vào dĩ vãng nhạt mầu
Sẽ có chẳng nhiều đớn đau
Nối gót người vào dĩ vãng nhiệm mầu
Có lũ kỷ niệm trước sau
Vài cánh xương hoa nằm ép trong thơ
Rồi sẽ tan đi mịt mù
Vạt tóc nâu khô còn chút thơm tho
Thả gió bay đi mịt mù
Nghìn trùng xa cách người đã đi rồi
Còn gì đâu nữa mà giữ cho người...
Trả hết về người chuyện cũ đẹp ngời
Chuyện đôi ta buồn ít hơn vui
Lời nói, lời cười
Chuyện ngắn chuyện dài
Trả hết cho người, cho người đi
Trả hết cho ai ngày tháng êm trôi
Đường em đi trời đất yên vui
Rừng vắng ban mai, đường phố trăng soi
Trả hết cho người, cho người đi
Trả hết cho ai cả những chua cay
Ngày chia tay, lặng lẽ mưa rơi
Một tiếng thương ôi, gửi đến cho người
Trả nốt đôi môi gượng cười
Nghìn trùng xa cách đời đứt ngang rồi
Còn lời trăn trối gửi đến cho người...
Nghìn trùng xa cách người cuối chân trời
Đường dài hạnh phúc, cầu chúc cho người.


Ngoài Thái Thanh, Lệ Thu hát bài này cũng rất hay.

thu vang
#13 Posted : Tuesday, October 18, 2005 9:59:37 PM(UTC)
thu vang

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 318
Points: 0

TV góp vào đây với chị PC và TT bài hát do TT trình bày nhe.

Muôn kiếp ngậm ngùi
Hòang Trọng - Thái Thanh
http://s19.yousendit.com...EDCLZL16AS02H4D891G14F7


[image]http://i23.photobucket.com/albums/b374/thuca77/muonkiepngamngui.jpg[/image]
Lênh đênh tiếng ca buồn lắng trong chiều khóc những gian thù
Bao nhiêu xót xa hờn óan sẽ sang đến muôn ngàn sau
Quê hương tóc tang lửa khói cho người héo hon chờ mong
Ai đi nhớ nhung thổn thức chia tay ngấn lệ sầu tuôn
Ôi có thưong yêu nào dài theo năm tháng trọn tình sâu
Vì người cách quan san đời lắm ly tan cho tình phũ phàng
Ôi sống trong điên cuồng ngờ đâu nên nỗi mong chi tìm nhau
Hồn còn ngất thương đau lòng nát canh thâu ôi sầu chinh chiến
Ai hay xót xa lẻ bóng nghe tình gối chăn hững hờ
Anh ơi gió mưa chìm khuất mái tranh vẫn mơ ngày xưa
Cô đơn khóc trong sầu nhớ kiếp nào biết anh còn không?
Bên con khẽ ru hồn héo đêm đêm sống trong hòai mong
Ai hay…. Hòai mong .


thu vang
#14 Posted : Tuesday, October 18, 2005 10:03:55 PM(UTC)
thu vang

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 318
Points: 0

Bóng người đi.
Văn Phụng –Thái Thanh

http://s19.yousendit.com...OZM1R1KO0D06VJ1UYTIH9WC

[image]http://i23.photobucket.com/albums/b374/thuca77/chuyentinhbuon.jpg[/image]
Chiều xưa gió êm lay nhẹ liếp dừa
Câu hát nhớ nhung cung đàn tiễn đưa
Nhìn bóng anh đi thoả chí mười phương
Em về chiều mênh mang xuống nắng vương bên sông .

Người đi tóc xanh vương màu chiến trường
Chiều ấy mắt em vương buồn luyến thương
Chiều ấy nói qua làn gió đợi chờ
Anh về cầu ngàn hàn nối nhịp xưa.

Trao ai duyên ban đầu
Dù muôn năm trọn kiếp không phai màu .
Thương cho ai dãi dầu
Ngày đêm nơi chiến tuyến ngăn quân thù
Thấm thiết biết bao lời
Gửi người trai vì sông núi
Thu xưa vui ra đi
Đường làng xưa nhớ về .

Anh nhé lá hoa tươi màu thái hoà
Câu hát dưới trăng thanh bình lắng xa.
Non nước ấm êm hàn nối nhịp cầu
Anh về tình ta tươi thắm bền lâu.

Từ Thụy
#15 Posted : Wednesday, October 19, 2005 12:08:16 PM(UTC)
Từ Thụy

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 1,394
Points: 39
Woman

Thanks: 2 times
Was thanked: 3 time(s) in 3 post(s)
Approve Chị thu vang. Thái Thanh hát nhiều bài hay chị há. Chị có nghe mấy bài Thái Thanh hát sau này không? Tuy không còn mượt mà như xưa, nhưng so ra thì vẫn còn hay lắm.

Để hôm nào rảnh tí, Thụy sẽ đem thêm vài bài vào đây góp với chị nhé.
Phượng Các
#16 Posted : Sunday, November 6, 2005 11:03:20 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,689
Points: 20,007
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)
Thái Thanh

Nguyễn Đình Tòan


Ðối với những thính giả đã đứng tuổi, từ 40 trở lên, tiếng hát Thái Thanh không chỉ còn là một tiếng hát thông thường, một giọng hát hay, mà gần như còn là một phần đời của chính mình nữa.

Vâng, trong một nửa thế kỷ qua, tiếng hát Thái Thanh đã gắn liền với vận mạng của xứ sở.

Người ta dã nghe tiếng hát ấy trong mọi hoàn cảnh, vui cũng như buồn.

Có thể nói, âm nhạc Việt Nam biến đổi theo lịch sử đến đâu, có tiếng hát Thái Thanh đến đó.

Máu lửa, chiến tranh, bom đạn, chia cắt, người sống, người chết, nước mắt, mồ hôi, thấm nhập vào âm nhạc của chúng ta như thế nào, đều được phản ánh qua tiếng hát Thái Thanh.

Lịch sử của chúng ta không kể hết những nỗi bi thương.

Tai họa rình rập người ta khắp nơi, khắp chốn.

Những mạng sống được tính từng giây, từng phút.

Thế nên, không có gì lạ, khi người ta, trong khoảnh khắc nào đó, nghe tiếng hát Thái Thanh đồng thời cũng nhận ra mình vẫn còn.

[Lịch sử của chúng ta thiếu gì lúc đã khiến người ta thấy như mình chẳng còn hiện hữu nữa!]

Thái Thanh được yêu mến nhất qua những bài dân ca.

Không phải thứ dân ca dựa dẫm trên những làn điệu Ả Ðào hay chầu văn chẳng hạn, được biến chế, thêm thắt, như một số các ca khúc chúng ta được nghe gần đây. Mà là thứ dân ca xuất phát tự lòng người, từ những hoàn cảnh lịch sử, ước muốn chia xẽ, giải bớt oan khiên, phục hồi hy vọng. Những bài hát trở thành dân ca chứ không phải những bài dân ca có sẵn.

Qua tiếng hát Thái Thanh, người ta cảm thấy yêu tiếng nói của dân

tộc hơn, thương yêu nhau hơn.

Nói Thái Thanh được yêu mến nhất với những bài dân ca, không có nghĩa bà chỉ hát được dân ca.

Thật ra, dân ca, theo cách hát, cách lựa chọn bài hát của Thái Thanh, tự nó, đã là một thứ tình ca rồi.

Nghe Thái Thanh hát tình ca, dù là nhạc của Phạm Duy, Văn Cao, Dương Thiệu Tước hay Phạm Ðình Chương, người ta mới thấy rõ, đạt tới một trình độ nào đó, một ca sĩ có thể quyết định mà không sợ nhầm lẫn, mình có thể hát được bài hát nào, loại nhạc nào.

Trường hợp Thái Thanh cũng là trường hợp hãn hữu.

Vì, bà khởi dầu sự nghiệp của mình vào những ngày gần như cả nước bừng lên tinh thần ái quốc, mùa Thu năm 1945.

Bên cạnh bà, lại có anh rể là Phạm Duy, anh ruột là Phạm Ðình Chương, viết bài cho hát.

Những bài hát được sáng tác vào lúc ấy, mang ý nghĩa thực sự của những đóng góp trực tiếp để làm nên lịch sử.

Ðưa được những bài hát ấy đến quảng dại quần chúng là công lao lớn của Thái Thanh.

Theo những người được nghe ca khúc Bà Mẹ Gio Linh vào đúng cái lúc xẩy ra chuyện “quân thù đã bắt được con, mang ra giữa chợ chém đầu” và bà mẹ đi lấy đầu con về ấy, Thái Thanh, bằng tiếng hát của mình, đã gây một sự xúc động lớn đến nỗi, tất cả những người nghe đều cảm thấy mình phải để tang người đã chết. Những sự xúc động như thế làm tăng thêm sức mạnh, tăng thêm ý chí cho người ta, là điều dễ hiểu thôi.

Tiếng hát Thái Thanh là “tiếng nước tôi”, là tiếng tình yêu, là tiếng hy vọng, là tiếng chia ly, oan khổ. Nó vang vọng những nỗi đớn đau của người đàn bà. Nó phản ánh những khát vọng, đau thương của hàng triệu phụ nữ Việt Nam bị rập vùi trong một nửa thế kỷ chiến tranh, kèm theo những băng hoại của một xã hội bất an.

Những nạn nhân âm thầm vô danh là những người tình, người vợ, người mẹ, đã có dịp thở than bằng tiếng hát Thái Thanh.

Người ta đã nói nhiều về sự nhậy cảm của người đàn bà, một thứ

giác quan ở ngoài tầm của nam giới, Thái Thanh đã tận dụng cảm quan ấy để chuyển hóa âm thanh thành cái vũ trụ đắm đuối trong lòng người.

Cái cách nhấn câu, nhả chữ của Thái Thanh khi hát, là một mẫu mực cho những ai muốn theo đuổi công việc này.

Dù bà có hát những bài được sáng tác ngay vào ngày hôm nay, người ta vẫn nghe ra cái chất ca dao trong tiếng hát.

Không có một bề dày quá khứ và văn hóa, không thể có tiếng hát như vậy dược.

Phê bình truyện Kiều, Phạm Quỳnh có một câu, hẳn những ai đã đọc Kiều, yêu Kiều, đều nhớ:


Truyện Kiều còn thì tiếng Ta còn.

Tiếng Ta còn thì nước Ta còn.


Cái tiếng Ta ấy, tiếng Việt Nam ấy, nay có thể thêm vào, phải được nghe qua tiếng hát Thái Thanh nữa, để biết cái nặng nhẹ của một chữ phải được phát âm chính xác thế nào.

Phải nghe Thái Thanh hát “Buồn Tàn Thu” của Văn Cao hay “Bà Mẹ Gio Linh” của Phạm Duy để thấy tiếng nói biến thành lời ca thế nào, và được ca sĩ trả lời ca lại cho tiếng nói ra sao.

Không có gì bền vững mãi.

Ðó là luật của thiên nhiên.

Giữ vững được tiếng hát của mình trong ngót một nửa thế kỷ, không phải chuyện ai cũng làm được.

Khó khăn hơn nữa, với hoàn cảnh lịch sử của chúng ta, công việc của một ca sĩ nhiều khi không phải chỉ là hát mà còn phải biết im lặng nữa.

Ước mong sao có một buổi gặp gỡ nào đó giữa Thái Thanh và các thính giả, trước khi bà ngừng hát hẳn. Ðể những người yêu tiếng hát của bà có thể trực tiếp trao tận tay bà, mỗi người một bông hồng tạ ơn.

Nói tới đây, chúng tôi chợt nhớ tới mấy câu thơ của Tagore, xin trích để tặng bà:


Tôi đã nhận được lời mời đi vào cuộc lễ trần gian

Và như thế đời tôi đã được chúc lành

Phận sự của tôi trong cuộc lễ này là sử dụng nhạc khí của mình

Và tôi đã cố hết sức tôi.

Saturday, November 05, 2005


Việt Dương Nhân
#17 Posted : Friday, October 26, 2007 7:08:57 AM(UTC)
Việt Dương Nhân

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 1,837
Points: 0



VINH DANH THÁI THANH : TIẾNG HÁT VƯỢT THỜI GIAN

VÀI GHI NHẬN NHANH, NGẮN, GỌN VỀ CHƯƠNG TRÌNH
KỲ VŨ

Ðây không phải là một bài tường thuật, mà chỉ là một số ghi nhận nhanh, ngắn và gọn về một chương trình nhạc thính phòng mang một giá trị nghệ thuật hiếm thấy tại Montréal. Ðó là chương trình “Vinh Danh Thái Thanh: Tiếng Hát Vượt Thời Gian”, diễn ra vào ngày Chúa Nhật 13 tháng 11 năm 2005 vừa qua. Nếu ghi nhận nhanh, đó là một chương trình THÀNH CÔNG. Nếu ngắn, chỉ có một chữ HAY để diễn tả. Còn một cách gọn gàng để đề cập về tiếng hát Thái Thanh, chắc chỉ còn chữ TUYỆT VỜI, hoặc...…TRÊN CẢ TUYỆT VỜI nếu biết số tuổi của bà đã hơn 71!

Tôi cũng không mấy gì tin tưởng về tiếng hát Thái Thanh khi đến tham dự chương trình này. Mặc dù đã phỏng vấn Thái Thanh vài tuần trước đó và được biết sức khỏe của bà đã rất khả quan, nhận biết được qua tiếng nói và những câu trả lời rất sáng suốt và tinh tế của bà. Nhưng tôi vẫn không tin Thái Thanh còn có thể hát được một cách vững vàng và làn hơi của bà còn khỏe đến như vậy sau khi từng bị “stroke” cách đây vài năm.. Nhưng tôi đã lầm. Hoàn toàn lầm khi được nghe bà cất tiếng hát ngay từ nhạc phẩm đầu tiên Tình Ca. “ Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời, người ơi...”, nghe “đã” hết sức. Chẳng khác gì những lần tôi nghe bà hát tại vũ trường Ðêm Mầu Hồng vào những năm 68 – 69. Lại còn “ ai về, về có nhớ, nhớ cô mình chăng ? Tôi về, về tôi nhớ hàm răng cô mình cười...”, vẫn còn duyên dáng ra gì với nụ cười thật tươi và những động tác rất ư linh động. Cái lả lướt trong chất giọng, cái buồn man mác trong nghệ thuật diễn tả vẫn ngập đầy trong “ai lướt đi ngoài sương gió, không dừng chân đến em bẽ bàng...”.

Lần này so vớ i 30 năm về trước, khi gia đình bà (với Phạm Duy, Thái Hằng, Phạm Ðình Chương, Hoài Trung ) đi trình diễn “chui” cho một số chương trình do anh em chúng tôi tổ chức tại Ðà Lạt sau tháng 4 năm 75 cũng chẳng khắc gì. Lại còn có phần trội hơn với hệ thống âm thanh hiện đại, hệ thống ánh sáng đẹp mắt trên một sân khấu theo tiêu chuẩn quốc tế trong chương trình vừa qua. Tôi cũng tưởng cùng lắm, Thái Thanh sẽ chỉ hát được liên tiếp 3 nhạc phẩm trong một lần xuất hiện tại hí viện Monument National này. Nhưng một lần nữa, tôi lại lầm. Lầm t. Lần này l# 7841;i kèm với một sự ngạc nhiên đầy thích thú khi vẫn còn tìm thấy cái chất nhí nhảnh trong tiếng hát Thái Thanh với “ em tan trường về, anh theo Ngọ về...”. Quá hay. “Dòng Sông Xanh” của hàng chục năm trước cũng vẫn còn trong xanh như tiếng hát của Thái Thanh. Không một chút vẩn đục, mà vẫn “một dòng xanh xanh, một dòng tràn mênh mông, một dòng nồng ý biếc, một dòng tình xao xuyến, một dòng đầy quyến luyến,...”.

Và quả thật tôi cũng hơi ái ngại và...hồi hộp mỗi khi tiếng hát của bà vút lên thật cao. Nhưng nhịp độ của sự hồi hộp đã từ từ lắng dần khi tiếng hát ấy buông thả xuống thật êm, thật nhẹ. Chiều hôm đó đã ghi lại nơi tôi hình ảnh một Thái Thanh tươi vui đầy năng động, với những câu nói thật chân tình của một nghệ sĩ gắn liền cuộc đời mình với sân khấu trên nửa thế kỷ qua nhiều thế hệ khán giả. Ðôi khi những nét...”xí xọn” rất đáng yêu của bà đã tạo nên những tràng cười thoải mái, cũng như tài năng âm nhạc của bà đã làm nổi lên những tiếng vỗ tay phụ họa theo hoặc những tràng pháo tay tán thưởng không dứt khiến không khí không còn có vẻ “trang nghiêm nhà thờ” như Nguyễn Ngọc Ng& #7841;n và Tuấn Ngọc nhận xét trước khi Thái Thanh xuất hiện. Nó cũng làm tan biến đi vẻ trịnh trọng, đôi khi...căng thẳng của một buổi nhạc thính phòng thường thấy. Muốn ho cũng phải cố...nín.

Lần này khác hẳn: thân mật và tự nhiên. Thái Thanh đã không khóc, không chảy nước mắt khi bước ra sân khấu để tái ngộ với khán giả Montreal như bà đã nói với tôi trước đó. Nhưng niềm xúc động của bà đã dâng trào qua những nụ cười tươi tắn và những chiếc hôn gió nồng nàn gửi đến nhữn g khán giả có mặt, mà nhiều người mới được nghe và nhìn Thái Thanh lần đầu tiên trên sân khấu ! Tôi muốn viết thêm nữa về Thái Thanh, nhưng quả thật không còn tìm đâu ra chữ nghĩa để khen ngợi bà. Những tán tụng bằng lời hay chữ viết đã được khai thác hết từ trên nửa thế kỷ qua. Và nay vẫn luôn luôn có giá trị, sau khi cùng với Thái Thanh vượt thời gian. Và cả không gian!

Thêm một vài ghi nhận về thành phần gia đình và...”bán gia đình” của Thái Thanh chiều hôm đó cũng rất nhanh, ngắn và gọn. Ý Lan vẫn luôn là một tiếng hát duy nhất xứng đáng tiếp tục sự nghiệp của thân mẫu cô để cũng sẽ vượt thời gian sau này. Nhạc phẩm “Nếu Anh Còn Trẻ” (hoặc nói theo Tuấn Ngọc là “Nếu Anh Còn...Khỏe” ) đã được cô trình bày cùng với Tuấn Ngọc thật duyên dáng. Sự ăn khớp giữa hai người về lời ca cũng như điệu bộ thật tự nhiên. Thoải mái cứ...như chơi. Dễ dàng và nhịp nhàng. Còn Quỳnh Hương? Giọn g nói của cô vẫn mang những nét sang cả, cùng với một tiếng hát êm tai, không chút cầu kỳ. Cậu em của Ý Lan tên Lê Hoàng Việt, tháp tùng mẹ, chị, em cùng các cháu trong chuyến đi này cũng ra quân “thử lửa” lần đầu tiên tại Montréal. Mặc dù có chất giọng trong một nhạc phẩm của ông bác quá cố Phạm Ðình Chương, nhưng có vẻ còn hơi…...run. Như vậy cũng bình thường thôi. Lần đầu, sao tránh khỏi! Cũng như các cháu Thanh Hương, Ý Thi, hai cô con gái thứ ba và út của Ý Lan và Quỳnh Trang, con của Quỳnh Hương cũng hồi hộp vậy. Tuy nhiên các giọng ca thuộc thế hệ thứ ba của gia đình Thái Thanh đã t ỏ ra có những cố gắng rất đáng khen. Phần khác, sân khấu nhờ đó đã có thêm được phần trẻ trung và linh động.

Còn Thái Hà, càng ngày càng tỏ ra vẻ “pro” hơn so với khoảng thời gian đầu tiên. Cũng dĩ nhiên thôi. Ði hát nhiều nên dạn sân khấu và dạn đèn là phải ! Không thể quên được ban nhạc The Memories, đã giữ một phần quan trọng cho sự thành công của chương trình “Vinh Danh Thái Thanh :Tiếng Hát Vượt Thời Gian”. Sự phối hợp ăn ý giữa các nhạc sĩ nồng cốt Duy Ngọc (trưởng ban, lead guitar ), Ðình Dũng (bass) , Hoàng Khiết (drums) cùng cùng 2 nhạc sĩ khách tăng cư& #7901;ng là Trần Duy Sĩ (guitar, đến từ San Francisco) và Hoàng Thi Thi ( keyboard, đến từ Orange County ) đã khiến những tiết mục diễn ra nhịp nhàng và đều đặn, cùng một sự phụ họa rất ngọt và nhiều “feeling”.

Nên biết nhạc sĩ Hoàng Thi Thi (con cố nhạc sĩ Hoàng thi Thơ ), người soạn hoà âm cho toàn bộ nhạc phẩm trong chương trình, đến Montreal không đầy một ngày trước khi khai diễn, đã chỉ cùng với The Memories ráp lại với nhau vài giờ. Nhưng kết quả cho thấy được một sự hài hoà rất nhuần nhuyễn. Việc sắp xếp những tiết mục trình diễn cũng c ần được ghi nhận như một trong những yếu tố đưa đến thành công cho chương trình. Khó người quên được hình ảnh gia đình Thái Thanh quây quần bên nhau trong “Lòng Mẹ” cũng như sân khấu đã sáng rực lên với nhạc phẩm “Về Ðây Nghe Em” để kết thúc chương trình với toàn thể nghệ sĩ xuất hiện trên sân khấu.

Hình như tôi đã đi quá sự Nhanh, Ngắn và Gọn ? Vậy thôi, phần kết luận xin được dành cho các trẻ em tàn tật và mồ côi ở Việt Nam, cũng như những người già bệnh hoạn và tàn tật. Không bao lâu nữa, chắc chắn các người kém may mắn này sẽ nhận được những món quà rất tầm thường hằng mong ước, chẳng hạn một lon Coke hay bánh kẹo hoặc vài ký gạo, vv... như người điều hợp chương trình là Bùi Xuân Huy đề cập trong phần diễn giải những trích đoạn video về những chuyến đi thăm một số trại mồ côi của “ Qu& #7929; Trẻ Em Tàn Tật Và Mồ Côi” (California) do Thái Hà đại diện. Nói thẳng ra, đó là số tiền do các vị hảo tâm và các nhà bảo trợ đóng góp cùng với tiền vé tiêu thụ được, sau khi trừ mọi phí khoản, sẽ được dùng vào mục đích tạo cho các em và các người già một niềm vui nhỏ. Như phương châm “Ðúng Người, Ðúng Lúc và Ðúng Nhu Cầu” của ban tổ chức.

KỲ VŨ
Phượng Các
#18 Posted : Wednesday, September 12, 2012 4:03:01 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,689
Points: 20,007
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)
Thái Thanh và 10 bài đạo ca của Phạm Duy

http://www.phatam.com/vi...ate-Thái_Thanh.html
viethoaiphuong
#19 Posted : Saturday, February 3, 2018 1:31:34 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,342
Points: 11,181

Thanks: 761 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)
Xin post đúng tiếng hát trước 75 của Thái Thanh trong nhạc phẩm "Đưa em tìm động hoa vàng" :

https://www.youtube.com/watch?v=JZTY8GWrjjk

Rằng xưa có gã từ quan
Lên non tìm động hoa vàng nhớ người
Thôi thì thôi đừng ngại mưa mau
Đưa nhau ra tới bên cầu nước xuôi
Sông này đây chẩy một giòng thôi
Mấy đầu sông thẫm tóc người cuối sông

Nhớ xưa em chưa theo chồng
Mùa Xuân may áo áo hồng đào rơi
Mùa Thu em mặc áo da trời
Sang Đông lại khoác lên người áo hoa

Rằng xưa có gã từ quan
Lên non tìm động hoa vàng nhớ nhau
Thôi thì em chẳng còn yêu tôi
Leo lên cành bưởi khóc người rưng rưng
Thôi thì thôi mộ người tà dương
Thôi thì thôi nhé... đoạn trường thế thôi

Nhớ xưa em rũ tóc thề
Nhìn trăng sao nỡ để lời thề bay
Đợi nhau tàn cuộc hoa này
Buồn như cánh bướm đồi Tây hững hờ

Rằng xưa có gã từ quan
Lên non tìm động hoa vàng ngủ say
Thôi thì thôi để mặc mây trôi
Ôm trăng đánh giấc bên đồi dạ lan
Thôi thì thôi chỉ là phù vân
Thôi thì thôi nhé có ngần ấy thôi

Chim ơi chết dưới cội hoa
Tiếng kêu rơi rụng giữa giang hà
Mai ta chết dưới cội đào
Khóc ta xin nhỏ lệ vào thiên thu.



Thái Thanh vẫn là tuyệt đỉnh với ca khúc nầy ! Không ai có thể hát bài này hay bằng Thái Thanh ..! Bản nhạc tìm đúng người để giữ Hồn mộng gã từ quan và người đẹp trong cơn mộng

Nhớ xưa em chưa theo chồng
Mùa Xuân may áo áo hồng đào rơi
Mùa Thu em mặc áo da trời
Sang Đông lại khoác lên người áo hoa


vì thế ca khúc sống mãi trong lòng người nghe, dù bất kể khi nào, thời nào..! Đa tạ nhạc sĩ và ca sĩ !!
merci NNT - VB - Gia Long
HTMT - VHP
Phượng Các
#20 Posted : Thursday, March 19, 2020 4:20:52 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,689
Points: 20,007
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)
Tưởng nhớ Danh ca Thái Thanh (1934-2020)

18/03/2020



Chiều về trên sông Giã từ vũ khí
Người đi qua đời tôi Dừng bước giang hồ
Bà mẹ Gio linh Còn chút gì để nhớ
Nghìn trùng xa cách Dạ lai hương

Buồn tàn thu Bên cầu biên giới
Con thuyền không bến Nghe những tàn phai
Ngày đó chúng mình Ngàn thu áo tím
Ngậm ngùi Hoài cảm Một bàn tay

Paris có gì lạ không em
Sao mùa thu không trở lại?
Giọt mưa thu Thuyền viễn xứ Sang ngang
Nhớ người ra đi cho Mùa thu chết
Đưa em tìm động hoa vàng!

Hòn vọng phu thôi Đường chiều lá rụng
Cơn mê chiều Tiếng hát trên sông
Nửa hồn thương đau Kiếp sau Kỷ niệm
Đôi mắt người Sơn Tây Ngày đó chúng mình

Tình chết như mùa đông Em yêu trả lại
Tôi ru em ngủ Tóc mai sợi vắn sợi dài
Người đi qua đời tôi Kỷ vật cho em
Ô mê ly Tìm nhau Cho nhau
Đêm màu hồng Đường xưa lối cũ
Về đây nghe em hát Nụ Tầm xuân

Kiếp nào có yêu nhau Hướng về Hà Nội
Nhớ thành đô Sẽ có một ngày!
tìm Tiếng xưa Tình nghệ sĩ Quê nghèo
Nước non ngàn dặm ra đi Thương về xứ Huế

Anh gửi nắng cho em Bài hương ca vô tận
Mối tình đầu Mơ giấc mộng dài

Em vẫn đợi anh về Đường dài một bóng
Đêm cuối cùng, Dạ khúc Mộng du

Nguyễn Hàn Chung
Houston TX
Mar.18.2020
Users browsing this topic
Guest
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.