Hi`nh trên: Lâm vồ
Phân biệt bồ đề với cây lâm vồ
Từ lâu trong dân gian đã có một sự nhầm lẫn giữa cây bồ đề thiêng Ấn Độ và một loại cây khác được cư dân Huế đánh đồng thành một với tên gọi "bồ đề". Đó là cây lâm vồ. Cả 2 loài cây được dân gian Huế đánh đồng là bồ đề này đều thuộc họ Dâu tằm (Moraceae), cùng chi Sung (Ficus) có những điểm khác biệt rất rõ.
Cây bồ đề Ấn Độ, gọi gọn là bồ đề, là loài cây gắn liền với truyền thuyết Đức Phật Thích Ca chứng thành đạo quả vô thượng giác, nhiều tài liệu trong nước gọi là đề hay đa đề, tên tiếng Trung là 菩提树 (bồ đề thụ), tên tiếng Anh là Bo tree, Bodhi tree, pipal tree, tên khoa học Ficus religiosa. Người công bố tên khoa học đã dùng tính ngữ "religiosa" để nhấn mạnh sự liên quan của cây với truyền thuyết Đức Phật, vì religiosa có nghĩa là thuộc về tôn giáo.
Còn cây lâm vồ được trồng rất phổ biến ngoài đường phố, công viên, khuôn viên công sở, trường học, bệnh viện, bến bãi, đường làng, đền đài miếu mạo, cả ở nhiều khuôn viên chùa Phật giáo... là một loài tương cận với loài bồ đề, có ngoại hình tương tự bồ đề, nhiều tài liệu trong nước gọi là lâm vồ hay đề lâm vồ, tên tiếng Trung là 心叶榕 (tâm diệp dong), tên tiếng Anh là Rumpf's Fig Tree hay Mock Bodhi tree (có nghĩa là cây giả bồ đề), tên khoa học là Ficus rumphii, là loài cây xuất hiện ở Huế trước cây bồ đề hơn cả thế kỉ.
Cây lâm vồ phân bố ở nhiều nước Đông Nam Á. Đây là loài cây có phổ thích nghi rất rộng, chỉ cần một điểm tựa, với một ít chất mùn hay bột bụi cộng với chút ẩm độ thì một hạt bám vào cũng mọc thành cây, cho dù điểm tựa đó là một vết nứt vỏ của cành cây, một đám rêu phong trên bờ tường, nóc nhà, mái ngói…
Do cùng chi thực vật nên mới nhìn qua người ta thấy 2 cây hao hao giống nhau. Bởi vậy, khi không quan sát và phân tích kĩ càng, ngộ nhận là lẽ thường tình. Nếu nhìn kĩ sẽ thấy nhiều đặc điểm khác biệt, cây bồ đề có chồi ngọn ngắn, cuống lá dài, đáy lá nhọn hoặc gần tròn, mép phiến lá gợn sóng, đỉnh lá có chuôi nhọn kéo dài thành chuôi, trong lúc cây lâm vồ có chồi ngọn dài hơn, cuống lá lại ngắn, đáy lá hình tim, mép không gợn sóng, và đỉnh lá chỉ có mũi nhọn không có chuôi kéo dài.
Như vậy rõ ràng đã có sự nhầm lẫn.
http://www.thanhnien.com.vn/