Rank: Advanced Member
Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC) Posts: 18,432 Points: 19,233 Location: Golden State, USA Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
|
NHỨC NHỐI CON TIM Tràm Cà Mau
Đâu phải tại yêu nhiều tim đau nặng, Trái tim nầy riêng tặng một người thôi.
Nhiều người tưởng rằng, đau tim là bệnh của ai khác, chứ không phải họ. Lầm to, ai cũng có thể chết bất thần vì đau tim, mà không có một triệu chứng nào báo trước cả. Đau tim, một trong những bệnh giết chết nhiều người nhất tại nước Mỹ. Nhờ khoa học tiến bộ, biết đích danh chết vì bệnh tim. Chứ bên Việt Nam mình thì cứ gọi là "trúng gió", trúng gió mà chết, nhiều lắm. Bị trúng gió, thì cạo gió, và xoa bóp huyệt đạo lung tung, cũng cứu được rất nhiều người. Đó cũng là một cách kích động cho trái tim đập lại, cho máu lưu thông, mà thoát chết. Cái gì cũng là "trúng gió" cả. Câu chuyện "trúng gió" tại Mỹ cũng rất nhiều. Trong sở tôi, có một ông chưa được 60 tuổi, buổi trưa gục đầu trên bàn và chết mà không ai biết. Ông bạn ngồi bên cạnh đến lay nhẹ và nói: "Dậy, dậy, trong giờ làm việc mà ngủ, người ta thấy kỳ lắm". Ông nầy chết trong khi đang làm việc. Đâu phải công việc khó khăn, mệt nhọc và căng thẳng thần kinh lắm cho cam. Công việc cũng nhàn nhã, thong dong, không ai thúc hối, thế mà vẫn chết.
Một ông khác, tuổi trên 50, còn độc thân, đi ăn trưa về, vừa buớc vào thang máy, thì quỵ xuống. Bạn đồng nghiệp kêu xe cấp cứu, đến bệnh viện thì đã chết rồi. Nhiều người ngạc nhiên, vì ông nầy trông trẻ trung, dáng vóc khỏe mạnh, lanh lẹ và độc thân, không có ai mè nheo, cằn nhằn đến độ bực mình mà chết. Một ông bạn, suốt đời không có triệu chứng gì về đau tim cả. Chỉ có bà vợ hay la mắng rầy rà làm ông buồn mà thôi. Một hôm ông ngồi đọc báo chờ vợ trước siêu thị. Bà vợ đẩy xe ra cửa, và nạt ông chồng: "Còn ngồi đó nữa sao? Không phụ tôi đẩy xe ư? Đàn ông gì mà lười biếng quá". Ông vội vã đến đẩy xe cho vợ, mới đi được mấy bước thì quỵ xuống. Bà vợ nạt: "Già rồi mà đi đứng còn hấp tấp, không ý tứ gì cả. Sao không đứng dậy, mà còn định nằm vạ đến bao giờ?" Thấy chồng nằm vạ lâu, bà cúi xuống kéo áo ông, thấy hai con ngươi đứng tròng. Bà hốt hoảng la lên. Nhưng không kịp nữa. Ông đã bị đứng tim chết rồi. Chính bà kể lại và khóc lóc. Báo đăng, có ba ông bác sĩ gây mê, chưa đến 50 tuồi, đều chết vì bịnh tim. Cả ba ông đều không có triệu chứng gì về đau tim. Một ông vừa lái xe về nhà. Bà vợ ở phòng trên nghe tiếng ga-ra mở cửa. Chờ mãi không thấy chồng, chạy xuống ga-ra, thì thấy ông gục đầu trên tay lái mà chết. Ông đã bị đứng tim. Một ông khác, vừa chuyển thuốc mê vào cho bệnh nhân sắp mổ, thì gục xuống, và đi luôn. Một ông khác, cũng chết đột ngột tương tự. Đau tim mà chết. Không biết nghề bác sĩ gây mê nầy có lo lắng lắm không, mà giết chết nhiều người tuổi còn khá trẻ.
Ngày nay, 50 tuổi được xem là còn trẻ, chứ ngày xưa, vua Khải Định đã ăn mừng "tứ tuần thượng thọ" rồi đó. Thời nầy, 40 tuổi thì xem như còn xuân xanh lắm, nhiều anh chưa chịu lấy vợ, nhiều chị chưa chịu lấy chồng, vì còn trẻ mà, vội chi? Bạn tôi, đi làm việc về, đút chìa vào ổ khóa cửa mãi mà không được, cứ trật ra ngoài hoài. Rồi bỗng nhiên quỵ xuống trước cửa nhà. Trong phút nguy cấp đó, anh biết không phải bị "trúng gió", vội vã mò điện thoại cầm tay, kêu số cấp cứu 911. Anh được chở kịp vào bệnh viện, và đêm đó, bác sĩ đè ra mổ tim ngay. Cứu anh sống. Nhưng không làm việc được, tay yếu không lái xe, trí óc không còn sáng suốt. Vẫn sống bình thường. Hai năm sau, trong khi đang tắm, qụy xuống, và chết vì tim. Có người phỏng đoán, anh chết vì tắm nước quá mát. Máu dồn ra ngoài da để bảo vệ thân thể, tim không còn máu, nên "đi" luôn. Ông bạn ngồi cạnh tôi, người Mỹ, tuổi chưa được 50, dáng người gầy, thon thả, mỗi chiều sau khi tan sở, chạy bộ ven bờ sông. Một hôm nọ, vợ ông không thấy ông về, điện thoại hỏi thăm khắp nơi. Hôm sau điện thoại vào sở xem ông có đi làm không. Đi tìm mãi, cảnh sát báo cho bà biết, tìm ra xác ông bên bờ sông. Ông chết vì bị đứng tim. Một ông bác sĩ mổ tim, tập thể dục mỗi ngày. Cũng không có triệu chứng gì trước về căn bệnh tim. Hôm đó ra sân quần vợt. Vừa đưa vợt lên, thì té qụy xuống, và chết luôn. Không cứu kịp. Một ông khác, trưa nào cũng lái xe đến sở của cô con gái, để cha con cùng đi ăn, và chuyện trò cho vui. Một hôm, trên đường đi, ông thấy đau trong ngực, và biết cần cấp cứu ngay. Ông rán hết sức, lái xe đến thẳng phòng cấp cứu của bệnh viện và khai là đau tim. Nhân viên bệnh viện thấy ông còn lái xe được, và để ông chờ. Chờ lâu quá, ông chết ngay trong phòng làm hồ sơ tiếp nhận cấp cứu. Đáng ra, ông phải dừng lại, và kêu xe cấp cứu ngay. Bởi lái xe, nguy hiểm cho người khác nếu ngất xỉu trên tay lái. Hơn nữa, nếu đi xe cấp cứu, bệnh viện sẽ cứu ông ngay khi mới vào.
Nhiều người rất sợ vào nằm chờ trong phòng cấp cứu của bệnh viện. Vì trên đường thì xe hú còi ầm ỉ, gấp gáp lắm, nhưng khi đến bệnh viện, thì để cho người bệnh nằm chờ dài cổ ra, chờ cho chán chê, mà chẳng ai dòm ngó đến. Rồi chán nản quá, họ đứng dậy, ra về mà không cần báo cho bệnh viện biết. Bạn tôi, buổi tối ngồi xem truyền hình với đứa con trai. Khi hết phim, cháu đến thức bố dậy đi ngủ: "Bố ơi, hết phim rồi, vào đi ngủ." Lay hoài không thấy bố dậy. Cháu bé khóc: "Bố đừng làm con sợ." Và bạn tôi đã chết tự bao giờ mà không biết. Chỉ có hai bố con sống với nhau. Tội nghiệp thằng bé, không biết phải làm gì trong tình thế đó. Nhiều trường hợp khác nữa, thấy tận mắt, nghe tận tai, nhiều quá không kể hết được. Thế mà, tôi cũng như mọi người khác, cứ tưởng bệnh tim là bệnh của ai, chứ không phải của mình.
Y hệt chuyện chết chóc, ai đó chết, chứ mình thì không, như sống mãi muôn đời.
Nhiều năm trước, khi đi ra ngoài trời lạnh, tôi cảm thấy nhói nhói trong tim. (Nói theo bạn tôi, là cảm thấy đau nhè nhẹ như khi bị phụ tình). Tôi cũng không cần báo cho bác sĩ biết. Một hôm đi khám bệnh, trong lúc nói chuyện đùa cho vui, tôi tiết lộ cái "nhói nhói như bị phụ tình" đó. Ông bác sĩ nầy tử tế, đưa tôi đi đo tâm động đồ. Không biết sao hôm đó, tâm động đồ của tôi bất thường, lặng đi hai nhịp. Nhiều người cho biết, bình thường thì cảm thấy tim đau, nhưng khi đo nhịp tim, thì tim đập bình thường, nên không có dấu hiệu nào cả, bác sĩ cho là tim đập bình thường. Sau đó, tôi được đưa đi thử nghiệm nhiều cách khác nữa. Làm luôn cả thử nghiệm "phóng xạ" (nuclear scanning), bơm chất cản quang vào máu, và soi xem các cơ tim hoạt động ra sao. Tôi được nằm và chuồi vào một cái máy, như sắp phóng tôi vào trong không gian, ở các phim giả tưởng. Sau đó, được xét nghiệm bằng siêu âm xem các van tim hoạt động có bình thường không. Bác sĩ gia đình nói cho tôi biết, có một mạch máu rất nhỏ dưới đáy nhọn của tim bị nghẹt nhẹ.
Về sau, tôi nói điều nầy với ông bác sĩ chuyên môn bệnh tim, ông cười và mĩa mai tôi. Vì các thử nghiệm đó, không thể kết luận nghẹt mạch máu tim. Chỉ khi nào làm thử nghiệm soi mạch máu (angiography) mời biết rõ có nghẹt hay không. Bác sĩ gia đình cho tôi uống thuốc trừ mỡ trong máu (cholesterol), uống mỗi ngày, uống đều đều. Một hôm tôi đọc được tài liệu cho biết, uống thuốc trị mỡ lâu ngày, có thể đưa đến bệnh gan trầm trọng. Bạn tôi cũng dọa tôi về bệnh gan, đưa cho tôi nhiều thống kê đáng sợ về những người bị hư gan vì uống thuốc đau tim. Có lẽ tôi thiên vị, thương lá gan hơn thương trái tim, cho nên tôi ngưng uống thuốc trừ mỡ.
Sau đó, tôi thường nghĩ, đâu cần uống thuốc trừ mỡ, không uống, tôi vẫn sống nhăn răng ra đây, có can gì đâu. Cho đến một hôm, tôi thấy cánh tay trái mỏi trong bắp thịt, hơi tê tê, nhói nhói. Tôi tưởng vì cắt tỉa mấy cây hường mà ra. Nếu đau tay vì tỉa hoa, thì phải đau tay mặt mới đúng, nhưng tôi cố giải thích sao cho tự yên tâm mình. Nghĩ rằng, rồi bắp thịt sẽ hết đau. Nhưng sau đó, nhiều hôm đang tập thể dục nữa chừng, thì mệt dữ dội, phải ngưng tập năm bảy phút mới tập lại được. Sau đó, mỗi lần xách cái gì nặng, cũng mau mệt khủng khiếp. Những lúc đi ra ngoài trời lạnh, thì mệt ngất, đi không được, phải quay về. Thêm vào các triệu chứng đó, là thỉnh thoảng nghe nhói trong tim, ở ngực, nhưng không xác định được chắc chắn đau chỗ nào. Có đêm đang ngủ, nghe nhói tim thức giấc dậy. Những lúc nầy, là tim đau, nếu được "thăng" ngay, thì khỏe khoắn và nhẹ nhàng lắm. Không đau dớn chi nhiều cả. Với những lời khai bệnh như trên, ông bác sĩ gia đình vẫn cười, cho rằng chưa đáng chuyển qua bác sĩ chuyên môn, và chỉ cho uống thuốc. Dù ông nầy rất tử tế, rất tốt. Khi tôi khai có ngày bị đau nhói trong ngực và mệt đến hai ba lần, ông mới chuyển qua bác sĩ chuyên môn về tim. Qua lời khai, ông bác sĩ nầy biết ngay là tôi bị nghẽn mạch máu tim. Ông giải thích, và cho tôi biết có 3 cách chữa trị.
Thứ nhất là uống thuốc để cầm cự. Thuốc không chữa được bệnh, mà chỉ làm mạch máu giản to ra, cho máu dễ lưu thông hơn, khi nào không uống thuốc, thì mạch máu không gỉản, và lúc đó có cơ nguy.
Cách thứ hai là đút vào chỗ nghẽn một cái ống kim loại như cái lò xò lưới, rồi cho ống phình ra, ép chất mỡ vào thành mạch máu, để máu có thể lưu thông qua "ống cống" đó.
Cách thứ ba, là lấy ống tĩnh mạch ở chân, rồi nối bắc cầu băng qua chổ nghẽn, cho máu lưu thông theo đường mới.
Cả ba cách, chất mỡ vẫn còn nằm đó, nguồn bệnh vẫn còn đó, nhưng máu huyết được lưu thông, thì bớt đau, hoặc bớt nguy hiểm cho tính mạng. Ông hẹn ngày, và nói sẽ đút cái "ống cống" vào mạch máu cho tôi, dễ lắm, chưa đầy nữa tiếng thì xong. Chỉ nằm bệnh viện một hôm rồi về nhà. Tôi yên chí lớn. Sá gì một hai cái ống kim loại nằm trong thân thể. Đúng ngày hẹn, ông bác sĩ cho đè tôi ra, cắt mạch máu ở háng, đút cái ống thông lên tận tim. Thật lạ, tôi không thấy đau đớn chi cả. Chỉ khi ông bơm thuốc nhuộm vào mạch máu qua cái ống, thì cảm thấy nóng nóng, ấm ấm. Tôi nhìn vào màn truyền hình, thấy màu đen tỏa ra nhiều nhánh như hệ thống thượng nguồn của sông rạch. Ông bác sĩ chỉ cho tôi chỗ mạch máu bị nghẹt. Ông nói, mạch nầy đã nghẹt 100% nếu không thì sẽ thấy máu đi vòng qua bên kia. Ông cho biết hai mạch bị nghẹt nặng, một mạch khác bị nghẹt 60%. Không thể đặt "ống cống" thông (sten) được. Ông cắt cử bác sĩ giải phẩu cho tôi, và định luôn ngày mổ banh ngực. Tôi cũng hơi ngạc nhiên, và không ngờ tình trạng trái tim của mình tệ đến thế. Rồi tôi làm đủ các thủ tục. Được dặn dò điều gì phài làm trước ngày lên bàn mỗ. Cho tài liệu đọc, để biết sơ sơ về mổ cái gì, mổ ra làm sao, và làm cái gì trong lúc mổ. Để biết lý lịch và kinh nghiệm của ông bác sĩ sắp giải phẩu cho tôi, tôi mở internet ra, vào Google, rồi đánh máy tên ông bác sĩ vào. Mở cái web có tên ông ấy ra, tôi sẽ biết rỏ năm sanh, học trung học ở đâu, đại học ở đâu, tốt nghiệp năm nào, làm ở nhà thưong nào bao nhiêu năm, làm gì, đưọc huy chưong, tưởng thưởng nào. Tôi không ngờ, ông bác sĩ sẽ mổ cho tôi, là trưởng khoa tim ở bệnh viện tôi sắp nằm, và ông nầy có rất nhiều kinh nghiệm trong việc mổ tim. Tôi về nhà, lục internet xem về mổ tim. Qua mạng lưới Google, tôi tìm mục mổ tim (open heart surgery), tìm ra được rất nhiều bài viết, phim chiếu rất rõ ràng, hay. Có nhiều mục chiếu video cuộc mổ tim. Chiếu từ khi rạch ngực, cưa đôi cái xương sụn nối với các xương lồng ngực, banh lồng ngực ra, và khâu vá, mổ, đóng lại. Xem thì hơi ớn, vì thấy ghê quá, banh toác bộ xương sườn ra, mà mằn mò, khâu vá như một ông thợ may vụng về tập may, trong khi trái tim vẫn đập thoi thóp co bóp. Nếu không "cóc cần" mọi sự, thì e cũng lo lắm. Ai sắp mổ ngực, nếu sợ chết, thì đừng xem các video nầy mà sợ. Không thấy, không biết, thì yên tâm hơn. Đỡ sợ. Trước khi mổ tim mấy ngày, bệnh viện dặn dò tôi làm phải giữ gìn sức khỏe kỹ lưỡng, đừng để bị ho hen, cảm cúm, Vì nếu bị bệnh khác, thì cuộc mổ sẽ hoãn lại, hoặc bị nhiểm trùng trong khi nổ, rất khó bình phục và nguy hiểm. Họ phát cho tôi khá nhiều tài liệu để đọc, nhiều giấy tờ dặn dò làm việc gì trước, việc gì sau, phải ghi xuống giấy để nhớ theo thứ tự. Cái bàn của tôi, vung vải giấy tờ lộn xộn. Biết là có thể "đi đong" cái mạng già trong cuộc giải phẩu, tôi làm một bảng liệt kê nhắc nhở và dặn dò bà xã phài làm gì, làm gì, nếu tôi không còn nữa. Điều cần nhất là đừng có khóc lóc, buồn bả, vì chết cũng là một tiến trình của đời sống. Đừng có làm đám tang um sùm, đừng tụng kinh gõ mõ cầu siêu, cũng đừng cáo phó, đừng vòng hoa, đừng hòm tốt. Giản dị đem thiêu, rồi lấy tro. Sau đó, làm gì với mớ tro đó cũng được. Trước khi mổ mấy hôm, tôi giữ gìn vệ sinh kỹ lắm. Mặc thật ấm áp, ăn uống điều độ, ăn chất hiền lành, ngủ nghê đầy đủ. Ít dám đi ra ngoài, tránh đám đông. Thế mà trước khi mổ hai hôm, gia đình đứa cháu kêu điện thoại, nói là còn chừng bốn mươi lăm phút nữa thì sẽ ghé thăm. Họ đi xa bốn trăm dặm để thăm tôi, lẽ nào từ chối được. Họ nói là nghe cậu sắp đi mổ, đến thăm và chúc may mắn. Tôi và vợ vôi vã dọn dẹp lại căn phòng khách bừa bãi, lộn xộn, quét nhà, lau chùi, đang bệnh mệt, lại mệt thêm, giữa mùa đông mà mồ hôi vã ra. Mấy lần vợ chồng mệt quá, gắt nhau. Cả gia đình đưá cháu gồm năm người, vừa ho hen, vừa hít mũi sụt sịt. Họ ngồi trong phòng khách mà nhảy mũi lia lịa, làm bà xã tôi sợ hải, tái mặt. Tôi cũng ngại mình bị nhiễm bệnh, chỉ cười mà không dám nói ra. Họ ngồi chơi chừng một tiếng đồng hồ. Tôi cũng mệt lắm, nhưng không dám đi nằm. Sau khi gia đình đứa cháu đi rồi, chúng tôi vội vàng bày lại giấy tờ cần thiết ra bàn lại, và nhất định không bốc điện thoại. Ai kêu cũng không bắt. Bệnh viện có gì khẩn cấp thì nhắn lại trong máy. Bây giờ, tôi mới có cái kinh nghiệm là đừng đi thăm ai trước khi họ sắp lên bàn mổ, và đừng thăm họ sau khi họ mổ xong về nhà. Vì thời gian nầy, sức khoẻ của họ rất mong manh, rất dễ bị nhiễm trùng từ người khác. Vã lại, họ đang mệt, đừng làm họ mệt thêm, mình thì vì thương mến họ, đến thăm viếng, nâng đỡ tinh thần, và nếu không thăm, thì sợ bị trách là vô tình. Nhưng nếu chờ họ bình phục rồi đến thăm thì tốt hơn, vui hơn. Bệnh viện hẹn tôi 5 gờ sáng. Tôi phải dậy lúc 3 sáng giờ sửa soạn, 4 giờ thì anh bạn hàng xóm lái xe đưa tôi đi. Đến nơi, bệnh viện còn đóng cửa. May nhà tôi không xa bệnh viện, có nhiều bệnh nhân phải ngủ tại khách sạn đêm trước đó, để kịp giờ hẹn. Những y tá, nhân viên làm thủ tục giấy tờ trước khi lên bàn mổ rất dịu dàng, vồn vã, tử tế. Cũng làm cho tôi cảm thấy vui trước khi lên bàn mỗ. Nhắc tôi rằng, đời còn có nhiều người dễ thương lắm. Một ông y-tá già, cầm cái dao cạo điện, hỏi han tôi ngọt ngào, và ông bắt đầu cạo lông lá cho tôi, cạo từ dưới háng cạo lên bụng, ngực. Trơn tru, sạch sẽ. Ông vừa cạo vừa mĩm cười. Sau đó, tôi được đẩy vào phòng mỗ. Trên đường vào phòng mỗ, tôi nghĩ rằng, mình đã về hưu được đúng hai năm, đã được nghỉ ngơi, thong dong, đi chơi, vui thú, làm biếng, không lo lắng, không bận rộn, nhàn nhã, thảnh thơi. Thế thì hôm nay, nếu cuộc giải phẩu thất bại, cái thân nầy được chở xuống nhà xác, thì cũng khỏe, không có gì để tiếc nuối cả. Nghĩ thế, tôi sướng quá, và cười thành tiếng. Ông y-tá đẩy xe ngạc nhiên, chắc chưa thấy một "thằng điên" nào vui vẻ cười tươi như vậy trước khi được mổ tim, nguy hiểm đến tính mạng. Ông hỏi tôi cười cái gì, giờ nầy mà còn cười được, không lo lắng hay sao. Tôi cho ông biết lý do tại sao tôi cười sung sướng, ông vỗ vào chân cái bộp, và khen tôi chí lý.
Thực tâm mà nói, thì sống chết đối với tôi, cũng không quan trọng lắm. Không chết trẻ, thì chết gìa. Không chết bây giờ, thì sau nầy cũng chết. Con người phải già, phải chết, để cho các thế hệ trẻ lớn lên thay thế, thế giới sung sức hơn. Cứ thử giả dụ như, con người không chết, thì bây giờ, cả thế giới đầy cả người già lụ khụ, già chiếm chín phần, trẻ chỉ một phần. Thế giới nây toàn ông bà già mấy trăm tuổi, chống gậy lê từng bước, xe lăn đầy phố phường, đường xá. Thế thì lấy ai mà sản xuất, nuôi nấng nhân loại. Bởi vậy, tôi bình tỉnh, và nghĩ rằng được sống cũng vui, mà được chết, cũng vui không kém. Vào phòng mỗ, từng y tá tự đến giới thiệu tên tuổi, và cho tôi biết phần hành của họ. Tôi cũng vui vẻ chào, nói vài lời xả giao bình thường. Khi bác sĩ gây mê đến, xưng danh, và nói cho tôi biết, ông sẽ chuyền thuốc mê cho tôi. Tôi chỉ kịp chào xã giao, và sau đó, mê man ngay, không còn biết trời trăng chi nữa cả. Giá như, có chết khi đó, thì cũng được nhẹ nhàng, êm thấm, mau và tiện lắm. Tôi hoàn toàn không biết việc gì đã xẫy ra.
Chừng mười giờ sau, tôi mơ màng tỉnh dậy trong phòng "hồi sinh". Nghe tiếng bà y tá kêu lớn, và vặn nhạc lớn, kêu tôi mở mắt ra, đừng nhắm mắt lại. Tôi cố gắng hết sức, mà hai mí mắt cứ kéo trì xuống, cứ he hé chút xíu, lại bị nhắm lại. Tôi cũng nhớ là mình đang qua cuộc giải phẩu tim. Nghe tiếng bà xã tôi phụ kêu với bà y tá, tôi cố gắng mĩm cười cho vợ yên lòng. Nhưng không biết miệng có cười được hay không. Khi tôi mở mắt đưọc, tôi thấy bà y tá, bà chị tôi và bà xã đang đứng bên giường lo lắng. Tôi đếm được hai mươi mấy cái ống nối vào ngực, vào họng, vào tay, vào mũi, và có tiếng xì xèo của cái máy bơm nào đó, mà tôi tưởng đâu bên cạnh giường có cái hồ nuôi cá, máy bơm nước đang chạy. Tôi thầm nghĩ, thế là cũng chưa "đi đong" cái mạng già được. Thuốc mê làm tôi hơi buồn nôn và chóng mặt. Suốt đêm hôm đó, một bà y tá da den, mập ú, thức và chăm sóc tôi. Chừng mươi phút, mười lăm phút, bà vào châm thêm thuốc vào bình dang treo, châm thêm máu, xem lại biểu đồ nhịp tim, ghi chú vào sổ. Công việc liên miên, không biết thủ tục bắt buộc, hay bà là người có lương tâm, nên làm việc hết lòng. Rồi rút máu tôi, tiêm thêm thuốc, nhiều lần kê lại gối nằm sau lưng tôi, hỏi han tôi rất tử tế, dịu dàng. Cổ tôi khô như đốt. Bà cho tôi cục nước đá nhỏ như viên kim cương, ngậm trong miệng cho đỡ khát. Khi đó, đúng là quý viên kim cưong ngậm trong miệng. Không được uống nước. Tôi khôi hài, tự ví bà y tá là Đức Bà Quan Âm đang ban giọt cam lồ (cục nước đá) cho người khổ nạn. Suốt một đêm, bà không ngủ, loay hoay quanh giường tôi. Tôi thật tình cảm động. Có những người vì nghề nghiệp, chỉ làm cho xong bổn phận, làm vừa phài thôi. Bà y tá nầy, làm với cả tấm lòng, tưởng như tôi là thân nhân ruột thịt trong gia đình. Vừa mổ xong chiều hôm qua, mà sáng nay, lúc 5 giờ sáng, y tá đã bắt tôi ngồi dậy trên ghế, dây nhợ lòng thòng hơn hai chục sợi dính từ mũi, miệng, ngực, bụng, chim. Tôi không thể tưởng tượng được, có là muốn hành hạ bệnh nhân chắc. Mệt và chóng mặt lắm. Bà y tá bảo tôi phải ngồi như vậy trong một giờ đống hố. Ngồi được chừng 25 phút, hết sức chịu đựng, tôi xin bà cho mằm, vì mệt quá. Nằm phòng hồi sinh được hai đêm, sáng hôm sau họ đẩy tôi xuống phòng bệnh thường, và bắt tôi tập đi bộ mỗi ngày và tắm. Khiếp, vết thương dài hơn hai tấc, còn rỉ máu còn tươi , và nhiều cái lỗ trên ngực, có ống lớn bằng ngón tay nối từ trong tim, trong phổi lòng thòng ra ngoài, dính với cái máy, cái bình. Thế mà bắt tôi tắm vòi sen, tắm xong y tá dùng khăn chậm khô ngực, không dám lau. Trước khi đi mổ, bà xã tôi ép ăn, để có đủ sức khỏe mà qua cuộc giải phẩu. Tôi ăn cho vợ vui. Nhưng sau khi mổ xong, bị bón. Cái ruột già căng cứng như muốn nổ ra. Ba bốn ngày không đi tiêu được. Không được rặn, vì sợ các mối chỉ may tại nơi mổ bung ra. Hai y tá cho tôi uống nước trái mân đen, cũng không hiệu quả. Tôi phải dùng đến thủ thuật đề cho phân ra, mà cũng vô hiệu. Cái bụng cứng ngắt, rất đau đớn, khó chịu. Y tá cũng không giúp tôi được gì. Đêm nằm trên giường, tôi nghĩ thầm, chắc mình không chết vì bệnh tim, mà chết vỉ vỡ ruột già. Cứ lăn lộn mãi, có khi thiếp đi chừng năm phút. Tôi gần như mê sảng.
Trong thời gian đau ốm, bịnh hoạn, khi nào tôi cũng giữ được tinh thần khôi hài, ngạo nghễ, xem thường, thế mà hôm nầy, tinh thần tôi xuống lắm. Khi nữa đêm, tôi hé mắt ra, trong bóng mờ, thấy một bà y tá da đen. Lúc nầy là đổi phiên trực gác của các y tá chăm sóc con bệnh. Ngọn đèn phiá sau người y tá làm thành một vòng hào quang trên đầu bà. Tôi vốn không tin theo một tôn giáo nào, và cũng chẳng tin vào thần thánh, nhưng buột miệng thều thào hỏi: "Có phải bà là thiên thần mà Thượng Đế gởi xuống để giúp tôi không?" Bà cười, nhẹ nhàng đặt tay lên trán tôi, và hỏi, bà có thể làm gì để giúp tôi không. Tôi nói với bà, là tôi có cảm tưởng cái ruột già của tôi sắp nổ tung vì bón mấy hôm nay. Bà mau mắn cho tôi thuốc nhét hậu môn. Không kết quả. Bà bảo tôi nằm nghiêng, co chân, và trải nhiếu khăn ra giường, quấn nhiều khăn làm vòng đai bao quanh vùng khăn trải. Rồi bà đưa ngón tay vào hậu môn, mà móc phân ra từ từ, từng chút một. Cẩn thận, nhẹ nhàng. Khi phần cứng của phân moi ra hết, thì phần bên trong chạy phọt ra. Tôi thấy người nhẹ như đang bay bổng lên không trung. Như trên vai mọc cánh, đang bay lượn giữa trời. Khỏe hẵn. Bà y tá dọn giường, và cho tôi viên thuốc ngủ. Tôi cám ơn bà. Nụ cười trên môi bà hiền từ làm tôi liên tưởng đến những bức tượng Quán Thế Âm Bồ Tát. Tôi nắm lấy tay bà mà cám ơn. Dù đã được uống viên thuốc ngủ, nhưng khi bà đi rồi, tôi vẫn cảm động thao thức mãi. Nằm không yên, tôi lấy giấy bút, trong cơn xúc động vì lòng tử tế, vì tình người lai láng, tôi viết một bài thơ, nhan đề là "Belinda", tên của bà y tá. Có lẽ cũng là loại thơ con cóc. E rằng, lời lẽ cũng ngô nghê như một ông ngoại quốc làm thơ bằng tiếng Việt. Viết xong bài thơ, tôi yên tâm ngủ một giấc dến sáng.
Đêm hôm sau, tôi đưa cho bà. Đọc xong, bà cảm động, ôm tôi mà khóc. Bà nói riêng cho tôi biết, bà là nữ Mục Sư đang điều hành một nhà thờ tin lành trong thành phố nầy. Đúng là bà có trái tim của một nữ Thánh. Có lẽ, trước khi đi mổ lớn, chỉ nên ăn thức ăn lỏng, đừng ăn chất đặc, chất xơ, vì thế nào cũng bị bón. Ông bác sĩ giải phẩu cho tôi cũng rất tử tế. Nhiều hôm sau ca mổ, đã 9 giờ đêm, ông còn ghé thăm tôi, hỏi han kỹ lưỡng, dịu dàng. Cái lưng ông còng xuống, có lẽ do cứ cúi xuống lâu trên bàn mổ mải thành còng lưng. Tôi nghĩ, đa số những người làm việc trong bệnh viện nầy, ngoài mục đích mưu sinh, còn cả một say mê nghề nghiệp, và cả tấm lòng nhân từ. Sau khi mổ, vết cắt lớn, mà tôi không thấy đau đớn, nhức nhối gì cả. Hồi phục rất mau, vết thương kéo da cũng nhanh, làm các y tá và bác sĩ ngạc nhiên. Cũng nhờ một ông bà con có kinh nghiệm dặn, khi nào cảm thấy đau nhức sơ sơ, thì xin thuốc giảm đau ngay, đừng để cho đau quá, vì phải có thời gian, thuốc mới hiệu nghiệm. Trong thời gian dưỡng bệnh, tôi ráo riết ôn lại tiếng Pháp để chuẩn bị đi chơi Âu Châu, nên cũng không có thì giờ nghĩ đến bệnh, đến đau đớn. Dẫm lên chân bác sĩ, tôi viết sơ về các bệnh dau tim, như múa một đường quyền hoang dại. Sách viết rằng, bệnh liên quan đến tim, rất nhiều khi là "những bước chân âm thầm", không báo trước. Bệnh tim có nhiều loại khác nhau. Thông thường nhất là suy tim, nghĩa là tim không chuyển vận máu đủ cho nhu cầu. Cứ 100 ngưòi Mỹ, thì có 1 người bị bệnh nầy. Nước Mỹ có hơn 2 triệu người suy tim. Tốn phí bệnh viện rất lớn. Trong một năm, những người bị suy tim chết đến 15%, Kế dến đau tim bẩm sinh, sinh ra đã bị đau tim rồi, vì cấu tạo tim mạch không được bỉnh thường. Cứ 1000 em bé sinh ra, có đến 6 đến 8 em bị đau tim bẩm sinh. Bệnh nầy chữa được, bác sĩ sẽ mổ và điều chỉnh lại. Sau nữa là nghẽn mạch máu tim và động tim. Một năm có hơn 1.5 triệu người Mỹ bị bệnh nầy. Sẽ có hơn 500 ngàn ngưòi chết, và khoảng 300 ngàn người đưọc mổ tim. Kế đến là bệnh tim đập sai nhịp và bất tỉnh. Sau đến là van tim bị hư hỏng, rồi đến bệnh mạch máu bị thương tật, bị phình, teo. Cuối cùng là màng bao tim bị bệnh.
Ai muốn biết rõ hơn, xin vào thư viện mượn cuốn "Mayo Clinic Heart Book" mà đọc, rất hay, viết cho người thường đọc. Kinh nghiệm của những người đau tim cho biết, khi có ít hay nhiều triệu chứng sau đây, thì đừng nên coi thường: đau ngực, thở gấp, hay mệt, sưng, bất tỉnh, nhức đầu lâm râm, nhịp đập tim bất thường, tê tay hay chân, màu da không bình thường, té xỉu, thay dổi bất chợt về thị giác, nói năng, và cảm xúc. Khi nào thì nên đi bác sĩ? Khi triệu chứng đau tim mới có, triệu chứng càng lúc càng nặng, triệu chứng trở nên trầm trọng, triệu chứng làm thành lo lắng, triệu chứng tái diễn. Những người yêu nhiều thì thường bị nhói tim, không biết có chuyển qua bệnh đau tim không. Nhưng những người ăn nhiều chất béo bổ, chắc chắn sẽ đau tim, cho nên có rất nhiều người sợ các chất béo, ngọt, mặn, như sợ thuốc độc. Lo lắng, bị áp lực, muộn phiền nhiều cũng sinh ra đau tim. Bởi vậy, có ông Mỹ đau tim nằm chung bệnh viện với tôi, nói đùa rằng: "Bà nào muốn làm goá phụ sớm, thì cứ cằn nhằn ông chống cho nhiều vào, rồi thế nào cũng được mãn nguyện sớm." Mấy bà nghe, háy nguýt ông sắc như dao chém./.
|