Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

Nhà văn Nhật bản Murakami Haruki.
Anh Ba
#1 Posted : Tuesday, November 16, 2004 4:00:00 PM(UTC)
Anh Ba

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 953
Points: 0

Murakami Haruki : Tiểu thuyết gia Nhật Bản hiện đại .
Phạm Vũ Thịnh .
Nguồn : tienve.org

Từ Điển Bách Khoa Columbia, ấn bản năm 2001, ghi rằng Murakami Haruki "được công nhận một cách phổ biến là một trong những tiểu-thuyết-gia-thế-kỷ-20 quan trọng nhất của Nhật Bản". Đề cập đến thời đại lắm bão tố hiện nay ở Nhật, Matsuda Tetsuo của báo Yomiuri Shimbun, tờ nhật báo có số in lớn nhất Nhật Bản, viết: "Trong bất cứ trận bão lớn nào cũng có những nhà văn giương cao ngọn đèn soi cho quần chúng. Murakami Haruki đang và sẽ lãnh vai trò đó". Báo The Guardian ở nước Anh viết: "Không có nhiều tác giả cùng thời với ông mà tác phẩm lôi cuốn được giới độc giả trẻ trực tiếp đến như thế, không chỉ trong nước ông mà còn trên khắp thế giới".
Murakami Haruki sinh năm 1949 ở cố đô Kyoto, nhưng lớn lên ở Kobe. Thân phụ có thời là nhà sư, dạy văn học Nhật Bản ở cấp trung học, và đã gặp thân mẫu ông trong lúc cùng dạy môn ấy. Ngay từ thuở nhỏ, Murakami Haruki đã có khuynh hướng phản kháng đối với văn hóa truyền thống. Thay vì chia sẻ với song thân quan tâm về văn học Nhật, ông tìm đọc mê mải tác phẩm của những tác giả Âu Châu thế kỷ 19 - Balzac, Flaubert, Chekhov, Dostoevsky, Dickens. Sau đó, ông học tiếng Anh, và đọc nguyên tác tiếng Anh những tiểu thuyết trinh thám, khoa học giả tưởng, Truman Capote, Kurt Vonnegut, Richard Brautigan… Ông ham mê nhạc Âu Mỹ: Elvis, Beatles, Beach Boys, nhạc Jazz… Thế giới mới đó quyến rũ ông đến nỗi không bao lâu sau khi kết hôn với bạn đồng học Takahashi Yôko, năm 1971, ông ngưng việc học ở Đại học Waseda, cùng vợ mở một quán rượu nhạc Jazz ở Tokyo. Ở quán Jazz đó, tên đặt theo con mèo ông nuôi là Peter Cat, ông hầu bàn, rửa chén đĩa, thay đĩa nhạc, bố trí nhạc công, và khi rảnh thì đọc rất nhiều sách và học tiếp khoá trình Đại học. Song thân ông rất thất vọng về việc ông lấy vợ sớm và quay lưng lại với đời công tư chức vẫn được xem là an toàn, an định, thậm chí lý tưởng trong xã hội Nhật lúc bấy giờ đang phát triển mạnh. Quán Jazz sống được bảy năm, ông và vợ ông cũng đã tốt nghiệp Đại học trong khoảng thời gian đó.
Ông chỉ bắt đầu viết từ 1978. Khi đang xem một trận bóng chày-baseball, ý nghĩ viết văn chợt đến với ông, như một tiếng gọi siêu hình, ông cho đó là sự kiện hạnh phúc nhất của đời ông. Tác phẩm đầu tay của ông, KazeNo UtaO Kike [Lắng Nghe Gió Hát / Hear the Wind Sing] xuất bản năm 1979, kể lại thời sinh viên tranh đấu phản kháng mà ông đã tham gia với một ít hoài nghi. Tác phẩm đầu tay nầy được giải thưởng "Tác giả Mới - Gunzô" ngay năm đó.
Tiếp tục thành công với hai tác phẩm sau đó và một số các truyện ngắn, ông bán quán Jazz, và trở thành một tác giả toàn thời. Ông bắt đầu dậy sớm và để ý ăn uống dưỡng sinh. Ông cũng bắt đầu việc dịch sách tiếng Anh, thường là cộng tác với một giáo sư về văn học Mỹ ở Đại học Tokyo. Nương theo tiếng tăm đang lên của ông trong lãnh vực sáng tác, số người ham chuộng những tác phẩm dịch thuật của ông từ Raymond Carver, Truman Capote, F. Scott Fitzerald… cũng tăng nhanh.
Phong cách Murakami Haruki định hình từ tác phẩm thứ ba là Hitsujio Meguru Bôken [Cuộc Phiêu Lưu Theo Con Cừu / A Wild Sheep Chase] xuất bản năm 1982, giải "Tác giả Mới - Noma" trong năm, pha trộn những chi tiết trinh thám đen với những ảo giác và bí mật siêu hình. Nhân vật của ông chủ trương những giá trị quan khác lạ với truyền thống xã hội Nhật, và ham mê Âm nhạc mới, Phim ảnh mới Âu Mỹ. Những đặc điểm đó hấp dẫn tâm tình giới trẻ Nhật Bản đang muốn cởi bỏ những trói buộc của văn hoá truyền thống Nhật Bản. Lúc nầy, số in mỗi tác phẩm của ông đã đạt mức 100 ngàn.
Dị ứng với lối sống đua đòi vật chất trong một nền kinh tế hãnh tiến, và do chưa có con, vợ chồng ông rời Nhật sang sống ở Ý năm 1986. Ở Rome, ông viết NoruueiNo Mori [Rừng Na Uy / Norwegian Wood], tác phẩm đã đưa ông lên địa vị "siêu sao" trong văn học Nhật Bản. Những ký ức hoài niệm trong tuổi đang lớn chen lẫn với ý thức về tính cách nhất thời của đời sống, ý thức về sự không thể tránh được của những mất mát, là đề tài của tác phẩm, đặt trong bối cảnh thời sinh viên tranh đấu phản kháng cùng lúc với bình minh của phong trào tự do tính dục những năm cuối thập niên 60 và đầu 70. Độc giả cùng lứa tuổi chia sẻ được với ông những hoài niệm, đã đành, mà giới trẻ, đặc biệt là các thiếu nữ ở lứa tuổi mười mấy, đôi mươi, cũng cộng cảm với ông về những trầm tư về tình yêu và đau khổ của thời mới lớn, cùng tâm trạng bơ vơ trong cuộc sống. Rừng Na Uy trở thành một phong trào, được tận dụng trong giới quảng cáo, từ bánh kẹo cho đến vật dụng trong nhà; các nhà sản xuất xin làm phim; Murakami Haruki được mời làm quảng cáo truyền hình; nhạc phẩm dựa trên cuốn sách leo lên hạng bán chạy nhất; người hâm mộ hành hương về hộp đêm ở Shinjuku được nhắc đến trong sách, … Ngay trong năm đầu tiên, Rừng Na Uy đã bán được một triệu bộ (mỗi bộ gồm hai cuốn, Thượng và Hạ, vị chi hai triệu cuốn).
Sống ở Âu Châu, ông vẫn băn khoăn về mục đích của đời sống của ông, một người Nhật, một tác giả Nhật. Hai vợ chồng lại quay về Nhật năm 1990, cao điểm của thời kinh tế bọt, mọi người giàu lên và không ngừng nói về tiền. Năm sau, ông lại khoác áo ra đi, lần nầy sang Mỹ làm giáo sư khách của Đại học Princeton hai năm, rồi hai năm tiếp theo làm Tác giả Thường trú (Writer-In-Residence) ở Đại học Tuft, Massachusetts. Hai tác phẩm nổi tiếng khác của ông được xuất bản trong thời gian nầy.
Tháng Giêng năm 1995, xảy ra thảm kịch động đất ở Kobe, trên 6000 người chết, 300 ngàn người trở thành không nhà không cửa, trong số đó có song thân của ông. Hai tháng sau, lại xảy ra vụ tín đồ Chân Lý Giáo Aum thả hơi độc sarin trong tàu điện ngầm ở Tokyo làm 12 người chết và trên 2000 người bị thương. Ông nghĩ rằng hai thảm kịch nầy đánh dấu sự chuyển biến từ căn bản của xã hội Nhật: Ý thức an định do an toàn xã hội từ lâu nay vẫn là một biểu hiện tính ưu việt của truyền thống văn hóa Nhật Bản, được tăng cảm nhờ tình trạng không ngừng phát triển của kinh tế bọt, bỗng một sớm một chiều đã bị thách thức gay gắt đến độ sụp đổ theo những toà nhà Kobe trong cơn động đất. Không lâu sau đó, kinh tế bọt Nhật Bản cũng vỡ tan.
Hai cơn sốc liên tiếp nầy đã đưa ông trở về Nhật và là nhân tố chính của các tác phẩm gần đây của ông. Tuyển tập truyện ngắn JishinNo AtoDe [Sau Cơn Động Đất / After The Quake] có những nhân vật chính, do ảnh hưởng gián tiếp xa xôi của trận động đất Kobe, đã cảm nhận sâu sắc sự trống rỗng của chính mình, mất niềm tin vào sự an định của đời sống gia đình, bơ vơ đi tìm những chỗ nương tựa siêu hình. Tập Andaguraundo [Mạch Ngầm / Underground] thoát ra khỏi thể loại tiểu thuyết, ghi những cuộc phỏng vấn trực tiếp những tín đồ Chân Lý Giáo Aum cùng những nạn nhân, những chi tiết thực tế của thảm kịch hơi độc, cho thấy tâm tình phản kháng đối với những giá trị quan tôn thờ vật chất của xã hội hiện đại, cố gắng tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời từ những giải thuyết siêu hình, có khi cực đoan đến nỗi trở thành tội ác. Chưa đến nỗi cực đoan, nhưng những nhân vật chính của Murakami Haruki cũng chia sẻ tâm tình đó.
Những nhân vật chính của Murakami Haruki không những chỉ hấp dẫn giới trẻ Nhật Bản đang muốn cởi bỏ những trói buộc văn hoá truyền thống Nhật Bản, mà còn cộng hưởng với tâm tình giới trẻ Âu Mỹ vì những nét quen thuộc trong lối sống, lối suy nghĩ, thị hiếu mới; và chia sẻ với giới trẻ các nước chậm tiến bộ hơn Âu Mỹ lòng ngưỡng mộ hay ước vọng về lối sống Âu Mỹ. Rất nhiều tác phẩm của ông đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, và có nhiều người hâm mộ ở các nước Mỹ, Anh, Nga, Đức, Hàn, Pháp, Ý, Spain, Hy Lạp, Hà Lan, Phần Lan, Đan Mạch, Áo, Canada, Do Thái, Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan. Tiếng tăm của ông ở nước ngoài cộng với địa vị "siêu sao" trong nước Nhật, đã làm tăng thêm khoảng cách đối với dòng văn học truyền thống Nhật Bản vốn vẫn nghi ngờ ý đồ có vẻ tạo loạn của ông. Nhà văn đoạt giải Nobel Văn học 1994, Oe Kenzaburo, công kích Murakami Haruki là đã "thất bại trong việc lôi cuốn giới độc giả trí thức bằng những kiểu mẫu cho tương lai Nhật Bản" và chê ông là "hôi mùi bơ" (batakusai) vì hay dẫn dụ những chi tiết văn hóa Âu Mỹ. Điều đó dễ hiểu. Chính Murakami Haruki từ lâu vẫn tự nhận là "người dưng" (outsider) đối với xã hội Nhật Bản nói chung, vốn cứng ngắc vì những trật tự quá gò bó, phân định trong ngoài, thân sơ quá rõ rệt.
Murakami Haruki không thích sự săn đón của giới truyền thông, ông ít khi chịu phỏng vấn. Giống như giới trẻ hiện đại, thành phần độc giả chủ yếu của ông, Murakami Haruki thoải mái với quần bò, áo thun, giày thể thao, ham thích các hoạt động tăng tiến thể lực, tham gia nhiệt tình các kỳ chạy việt dã mỗi năm trong suốt 20 năm qua: Athens, New York (3 lần), Boston (6 lần)… Ngày nay, ở tuổi 54, ông vẫn còn chạy 10 km mỗi ngày, ngủ sớm, dậy sớm, và chuyên niệm vào việc viết sách. Koyama Tetsurô của hãng thông tấn Kyodo News nhận xét : "Hiện nay, Murakami Haruki là tác giả văn-học-thuần-túy (pure literature) duy nhất cứ mỗi lần tác phẩm mới phát hành là đạt ngôi vị sách bán chạy nhất (Nhật Bản). Tác phẩm mới nhất của ông là UmibeNo Kafuka [Kafka Bên Bờ Biển] ngay trong tháng đầu tiên (tháng 9, 2002) đã bán được 600 ngàn cuốn".


Tham khảo:
[1] Richard Williams: "Marathon man", The Guardian, 17/05/2003.
[2] Mick Brown: "Tales of the unexpected", The Daily Telegraph, 15/08/2003.
[3] Mục "Murakami Haruki", The Columbia Encyclopedia, 6th Edition, 2001.
[4] Velisarios Kattoulas: "Pop Master", Times Asia, 25/11/2002.
[5] Laura Miller: "The Outsider", The Salon Interview, 16/12/1997.
Anh Ba
#2 Posted : Tuesday, November 16, 2004 5:04:52 PM(UTC)
Anh Ba

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 953
Points: 0

Người đi vé ngày.


****
Tôi 32 nàng 18 … Cứ nghĩ thế là đâm ra nản.

Tôi mới 32 còn nàng đã 18 … Ừ, thế mới được.

Chúng tôi là bạn hơi đặc biệt của nhau, chỉ có thế thôi, không hơn không kém. Tôi có vợ, còn nàng có đến sáu người bạn trai. Nàng hò hẹn với bạn trai mỗi tuần sáu ngày, còn với tôi thì chỉ một ngày Chủ nhật mỗi tháng. Những ngày Chủ nhật còn lại, nàng ở nhà xem TV. Khi xem TV, nàng trông dễ thương như con hải-mã.

Nàng sinh năm 1963. Năm ấy, Tổng thống Kennedy bị bắn chết. Và năm ấy, tôi hò hẹn với gái lần đầu tiên. Bản nhạc thịnh hành trong năm là "Summer Holiday" của Cliff Richard, hình như thế.

Nhưng mà, sao cũng được. Cứ biết là nàng đã sinh vào một năm như thế là được rồi. Tất nhiên, khoảng ấy thì tôi đã chẳng bao giờ nghĩ là có ngày mình sẽ hẹn hò với một cô gái sinh vào năm ấy. Mà ngay cả bây giờ đây, tôi cũng thấy là-lạ. Như lên tận phía lưng của mặt trăng mà hút thuốc vậy.

Đám bè bạn của tôi vẫn có ý kiến thống nhất rằng gái trẻ thì nhàm chán. Thế mà, ngay cả tụi nó cũng hò hẹn với các cô gái trẻ. Vậy thì, có phải tụi nó đã tìm đâu ra được gái trẻ mà lại không nhàm chán chăng? Không, làm gì có chuyện đó. Kết cuộc, cái nhàm chán của các cô gái trẻ đã quyến rũ được tụi nó. Tụi nó vừa xối nước nhàm chán ào ào lên đầu vừa cố tránh không để cho một giọt nhàm chán nào văng dính vào các cô gái trẻ, cứ thế mà tận tình vui thú ngây thơ với trò chơi rắc rối đó.

Ít nhất thì cũng khiến tôi nghĩ như thế.

Thật sự, các cô gái trẻ thì mười cô hết chín là nhàm chán thật đấy. Nhưng tất nhiên là các cô đâu có để ý đến điều ấy. Các cô trẻ, đẹp, và đầy lòng hiếu kỳ. Các cô nghĩ sự nhàm chán không dính dáng gì đến mình cả.

Chao ôi!

Không phải tôi trách cứ gì các cô gái trẻ, mà tôi cũng không ghét bỏ gì các cô. Trái lại, còn thích các cô nữa là khác. Các cô giúp tôi nhớ lại con người nhàm chán của chính mình thời còn trẻ. Điều nầy, nói sao nhỉ … thật tuyệt vời!

"Nầy anh, có muốn trở lại thời 18 tuổi một lần nữa không?" Nàng hỏi tôi.

"Thôi." Tôi đáp. "Không muốn đâu."

Có vẻ nàng không lý giải được câu trả lời ấy.

"Không muốn trở lại thời 18 tuổi à? Thật không đấy?"

"Thật chứ."

"Tại sao?"

"Cứ như bây giờ được rồi."

Nàng chống khủy tay lên bàn, nâng cằm, suy nghĩ lung lắm. Vừa suy nghĩ lung lắm vừa khuấy muỗng lách cách trong cốc cà-phê.

"Em không tin đâu."

"Tin thì tốt hơn."

"Nhưng tuổi trẻ mới là tuyệt vời chứ!"

"Có lẽ thế."

"Vậy sao anh lại muốn như bây giờ?"

"Bởi trẻ một lần là đủ rồi."

"Em thì chưa đủ đâu."

"Chứ em vẫn còn ở tuổi 18 mà."

"Hừm."

Tôi gọi cô hầu bàn cho thêm lon bia. Ngoài trời đang mưa, qua cửa sổ nhìn thấy cảng Yokohama.

"Nầy anh, hồi 18 tuổi, anh suy nghĩ chuyện gì thế?"

"Chuyện ngủ với gái."

"Ngoài chuyện ấy ra?"

"Chỉ mỗi chuyện ấy thôi."

Nàng cười khúc khích, uống một ngụm cà-phê.

"Rồi, có được không?"

"Có lúc được, có lúc không. Tất nhiên, không thì nhiều hơn."

"Thế đã ngủ được với bao nhiêu cô rồi?"

"Có đếm đâu mà biết."

"Thật không đấy?"

"Có muốn đếm đâu nào."

"Nếu em là đàn ông thì em đếm tuốt. Vui lắm chứ không sao."

Thật ra có lúc tôi cũng nghĩ là trở lại được thời 18 tuổi thì cũng hay hay. Nhưng trở lại thời 18 tuổi rồi bắt đầu làm chuyện gì cho phải, thì tôi chịu, không sao nghĩ ra được. Có thể lúc ấy tôi lại được dịp hẹn hò với một người đàn bà quyến rũ 32 tuổi. Thế thì được lắm.

"Có khi nào chị nghĩ muốn trở lại thời 18 tuổi không?" Tôi hỏi nàng.

"Ừm." Nàng mỉm cười, làm bộ suy nghĩ một lúc. "Không, có lẽ không khi nào."

"Thật không?"

"Thật."

"Khó hiểu đấy. Ai cũng nói tuổi trẻ là tuyệt vời cả mà."

"Đúng đấy. Tuyệt vời lắm chứ."

"Thế tại sao lại không muốn trở lại?"

"Cậu lớn thêm rồi sẽ hiểu."

Nhưng thực tế thì tôi đã 32 tuổi, đang trong tình trạng tuần nào mà lười biếng chạy bộ thì bụng trông bự ra ngay. Không thể nào trở lại tuổi 18 được nữa. Dứt khoát như thế.

Cứ xong cữ chạy bộ buổi sáng là uống một lon nước rau, rồi ngồi dựa ngửa lên ghế mà nghe bài "Day Tripper" của ban Beatles.

"Daaaay-ay-Tripper"

Nghe bản ấy, lại có cảm giác đang ngồi trên xe lửa. Những trụ điện, nhà ga, đường hầm, cầu sắt, những bò, ngựa, những ống khói, những đống vật liệu phế thải, … nối tiếp nhau chạy dạt về phía sau. Chạy đến đâu cũng chừng ấy phong cảnh, chẳng có gì thay đổi. Giá là ngày xưa thì mình đã vui thích mà nghĩ là phong cảnh kỳ thú lắm đấy.

Chỉ thỉnh thoảng thì người ngồi ghế bên cạnh mình mới có gì khác. Có lần, bên cạnh tôi là một cô gái 18 tuổi. Tôi ngồi ghế gần cửa sổ, cô ngồi gần lối đi ở giữa xe.

"Cô có muốn đổi sang ghế nầy không?" Tôi hỏi.

"Cảm ơn ông." Nàng nói. "Ông tử tế quá nhỉ."

Tôi cười đau khổ. Đâu phải tử tế gì. Chỉ vì tôi đã quá quen với sự nhàm chán rồi, so với cô em.

Đến chuyện đếm xem có bao nhiêu cái trụ điện chạy qua, cũng đã nhàm chán rồi.

Người-đi-vé-ngày 32 tuổi.

*********
Phạm Vũ Thịnh dịch.

Truyện ngắn trên đây, "Day Tripper", ra mắt người đọc trong tạp chí Torefuru - Trefle khoảng 1981 - 1983, là truyện thứ 12 trong tuyển tập Kangaruu Hiyori (Ngày Đẹp Trời Để Xem Kangaroo).
Anh Ba
#3 Posted : Tuesday, November 16, 2004 5:13:27 PM(UTC)
Anh Ba

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 953
Points: 0

CÔ CÓ YÊU BURT BACHARACH KHÔNG ?.

Tác giả : Murakami .
Phạm Vũ Thịnh dịch .
*********


Thưa cô,
Hôm nay, hơi lạnh đã càng ngày càng dịu bớt, trong ánh dương đã cảm được chút hương mùa xuân. Xin hỏi thăm sinh hoạt thường ngày của cô hiện nay như thế nào?
Cảm ơn cô đã gửi cho bức thư mang đến nhiều niềm vui. Nhất là đoạn cô viết về quan hệ giữa món chả thịt bằm và hạt nhục-đậu-khấu thật là một áng văn trác tuyệt mà lại tràn đầy cảm giác sinh động của đời sống. Những dòng văn bật lên mùi nồng ấm của bếp lửa cùng với tiếng dao thớt sống động nao nức chờ đợi một món ăn ngon.
Đọc bức thư của cô một hồi, tôi đâm ra thèm món chả thịt bằm đến không chịu nổi, nên đã tức tốc tìm đến một quán ăn đêm để gọi cho kỳ được món ấy. Thực sự, quán ăn nầy lại có đến tám kiểu chả thịt bằm khác nhau. Kiểu Texas, kiểu California, kiểu Hawaii, kiểu Nhật Bản…, tất cả tám kiểu như thế. Kiểu Texas thì thật to lớn, tuy chỉ đặc biệt về kích thước, thế thôi. Kiểu Hawaii thì có thêm nhiều miếng thơm. Kiểu California thì … tôi quên mất là có gì đặc biệt. Kiểu Nhật Bản thì có thêm củ cải trắng nghiền nhỏ. Quán ăn kiến trúc lịch sự, các cô hầu bàn xinh đẹp, mà lại mặc váy cực ngắn.
Nhưng chẳng phải tôi đặc biệt muốn đến quán nầy để điều nghiên về trang trí bên trong quán, hay để ngắm quần lót của các cô hầu bàn. Mục đích của tôi chỉ là để ăn chả thịt bằm, mà chỉ muốn món chả thịt bằm đơn thuần thôi, chẳng phải kiểu nầy kiểu nọ. Nên đã bảo cô hầu bàn cho tôi món ấy. Nhưng cô hầu bàn đáp rằng: "xin ông tha lỗi, quán em chỉ có món chả thịt bằm kiểu nầy kiểu nọ mà thôi".
Tất nhiên, chẳng thể nào trách gì cô hầu bàn được. Cô ấy đâu có quyết định thực đơn, mà có phải cô ấy thích thú gì chuyện mặc đồng phục ngắn đến nỗi mỗi lúc cô cúi xuống để đặt chén đĩa lên bàn lại cho thấy cả quần lót đâu. Thế nên, tôi đã mỉm cười hoan hỉ mà gọi tạm món chả thịt bằm kiểu Hawaii vậy. Cô hầu bàn đã mách nhỏ rằng khi ăn, cứ gạt bỏ mấy miếng thơm đi là được.
Cuộc đời đúng là ly kỳ thật. Tôi thực sự chỉ muốn món chả thịt bằm thông thường, ở đâu cũng có, vậy mà có lúc lại chỉ được đưa đến thứ chả thịt bằm kiểu Hawaii phải tự mình gạt bỏ mấy miếng thơm đi!
À, mà món chả thịt bằm cô làm hẳn là chả thịt bằm thông thường, ở đâu cũng có đấy chứ nhỉ? Đọc bức thư của cô, tôi đâm ra muốn thế nào cũng mong được thưởng thức món chả thịt bằm thông thường cô làm.
So với đoạn văn ấy, có vẻ đoạn cô viết về máy tự động bán vé của xe lửa quốc doanh có hơi cường điệu một tí. Tiêu điểm cô nhắm đến thì rất hay, nhưng khung cảnh chưa được lời văn truyền đến tận người đọc. Mong cô sẽ không quá cố gắng diễn tả cho thật sắc sảo. Kết cuộc, văn chương chỉ là thứ đắp đổi cho thích hợp mà thôi.
Bức thư của cô kỳ nầy đạt điểm tổng quát là 70 điểm. Kỹ năng văn chương của cô đang tiến bộ dần lên. Xin vững lòng cố gắng mà không nôn nóng.
Mong đợi thư sau của cô.
Mùa xuân thật sự đến thì thích quá nhỉ.
Ngày 12 tháng 3.
Tái bút:
Cảm ơn cô đã gửi cho hộp bánh quy. Ngon quá. Tuy nhiên, trên nguyên tắc của hội, nhất thiết cấm giao lưu cá nhân ngoài thư từ, do đó mong cô từ nay không phải bận tâm chuyện quà cáp thế nữa.
Dù sao, cũng xin cảm ơn cô rất nhiều.
Tái tái bút:
Thư lần trước, cô viết về "chuyện khó khăn tinh thần" với ông nhà, nếu giải quyết được êm đẹp thì tốt quá.

*
Việc làm thêm như thế, tôi đã làm suốt khoảng một năm. Lúc tôi 22 tuổi.
Tôi đã ký khế ước với một hãng nhỏ làm việc gì chẳng ai hiểu rõ ở Iidabashi có tên là "Hội Văn-Bút - Pen Society", mỗi tháng cứ viết tràn đi cho đủ số trên 30 lá thư, tương tự như lá thư trên đây; mỗi lá thư tính 2 ngàn Yen,[2] thư nào nội dung cũng giông-giống nhau.
Khẩu hiệu quảng cáo của hãng nầy là "Chính bạn cũng sẽ viết được những bức thư làm cảm động lòng người". Người muốn viết thư giỏi như thế phải vào hội, đóng phí gia nhập và hội phí hàng tháng, mỗi tháng viết bốn lá thư gửi đến hội. Người làm việc cho hãng, trong đó có tôi, gọi là "Bút-sư - Pen Master", đọc, hiệu-đính các lá thư nầy rồi viết cảm tưởng và hướng dẫn, như trong bức thư trên đây. Hội viên phái nữ thì do bút-sư phái nam đảm đương, và hội viên phái nam thì có bút-sư phái nữ. Tôi đảm đương tổng cộng 24 người, tuổi từ 14 đến 53, mà nhiều nhất là các cô từ 25 đến 35 tuổi. Nghĩa là phần lớn hội viên tôi đảm đương đều lớn tuổi hơn tôi. Vì vậy mà trong khoảng một tháng đầu, tôi bị bấn loạn vô cùng, vì thấy văn chương của hội viên hay ho hơn mình nhiều; có vẻ họ quen viết thư hơn tôi rất nhiều. Chứ tôi trước đó, thư từ cho ra hồn thì hầu như chưa hề viết một bức nào cả. Quả thật tôi đã toát mồ hôi lạnh mà gắng gượng qua được tháng đầu tiên ấy.
Tuy nhiên, hết tháng đầu, không thấy có hội viên nào hé ra một lời bất mãn về năng lực văn chương của tôi cả. Mà ngược lại, người trong hãng còn cho biết tiếng tăm của tôi đang ở mức khá cao nữa. Và ba tháng sau, tôi còn có thể tự hào là năng lực văn chương của những hội viên do tôi hướng dẫn đã tăng tiến thấy rõ. Cứ như là một phép lạ! Có vẻ những người phụ nữ nầy quả thật đã tin tưởng vào "bút-sư" là tôi, từ đáy lòng của họ.
Khoảng ấy thì tôi đã không hiểu lý do tại sao, nhưng bây giờ nghĩ lại, tôi cho là vì họ buồn quá đó thôi. Chỉ vì họ muốn viết điều gì đấy để giãi bày với người nào đấy. Và hẳn là họ tìm đến lòng khoan dung hỗ tương với người đọc những điều họ viết.
Cứ thế, suốt từ mùa đông năm tôi 21 tuổi đến mùa xuân năm 23 tuổi, tôi đã sống như một con hải-cẩu què chân trong hậu-cung văn chương của nó. Hội viên đã gửi đến tôi thật đủ thứ thư từ. Thư nhàm chán cũng có, thư ngộ nghĩnh tức cười cũng có, mà thư buồn thảm cũng có. Trong khoảng thời gian một năm ấy, tôi có cảm tưởng mang máng rằng mình đã già đi luôn một lèo hai, ba năm. Lúc tôi có chút sự tình phải nghỉ việc ấy, tất cả các hội viên do tôi hướng dẫn đều nuối tiếc. Cả tôi nữa, mặc dù thật tình đã thấy chán chuyện phải viết thư ngày nầy qua ngày khác, ở một ý nghĩa nào đấy, cũng tiếc nuối. Bởi tôi cảm nhận được rằng có được chừng ấy người giãi bày chân thành đến mức như thế với mình, có lẽ là cơ hội sẽ không còn có lại nữa.
*
Riêng về chuyện chả thịt bằm thì, tôi đã có cơ hội được ăn món chả thịt bằm do cô ấy (người đàn bà viết trong bức thư trên đây) làm cho.
Nàng 32 tuổi, chưa có con, chồng làm việc cho một trong năm hãng mậu dịch lớn nhất nước. Khi tôi viết trong lá thư cuối cùng rằng rất tiếc sẽ nghỉ việc vào cuối tháng ấy, nàng đã mời tôi đến ăn trưa. Nàng viết: sẽ làm món chả thịt bằm thông thường, ở đâu cũng có. Mặc dù trái với quy tắc của hãng, tôi quyết tâm đến ăn trưa với nàng xem sao. Chẳng có thứ gì trên đời nầy có thể ngăn cản được lòng hiếu kỳ của một thanh niên 22 tuổi.
Căn chúng cư của nàng nằm ven đường tàu điện Odakyu. Căn phòng có cái vẻ trống trải của một cặp vợ chồng không có con. Bàn ghế, đèn phòng, và cả áo len của nàng không là thứ đắt tiền, nhưng trang nhã. Trong lúc tôi ngạc nhiên vì nàng trông tươi trẻ hơn tôi tưởng tượng rất nhiều, thì nàng cũng ngạc nhiên vì thấy tôi trẻ hơn nàng tưởng tượng rất nhiều. Hội Văn-Bút không bao giờ tiết lộ tuổi tác của bút-sư cả.
Tuy nhiên, mỗi bên chỉ ngạc nhiên một lần, thế thôi. Khẩn trương của buổi gặp mặt ban đầu đã nhanh chóng giải tiêu. Trong tâm tình hai hành khách lỡ trễ cùng một chuyến tàu, chúng tôi cùng ăn món chả thịt bằm nàng làm, và uống cà-phê với nhau. Từ cửa sổ tầng 3 nầy có thể nhìn thấy tàu điện chạy qua. Hôm ấy là một ngày đẹp trời, bao lơn của các căn chúng cư chung quanh phơi đầy nệm màn, chăn trải giường. Đôi lúc nghe có tiếng đập nệm phơi phành phạch. Thứ tiếng động kỳ dị không cho được cảm giác xa hay gần, như vọng lên từ một đáy giếng đã khô cạn.
Món chả thịt bằm thật ngon lành. Gia vị vừa đúng độ. Bên trong lớp da nám dòn một tí, nước mật tươm tràn trên thịt bằm nung núc. Nước xốt cũng đạt mức lý tưởng. Tôi khen như thế, làm nàng lộ vẻ vui sướng.
Uống cà-phê xong, chúng tôi vừa nghe đĩa nhạc Burt Bacharach vừa tâm sự. Thật ra, thân tôi thì chẳng có gì đáng gọi là tâm sự cả, nên phần lớn là nàng kể chuyện đời nàng đó thôi. Nàng kể thời đi học đã muốn trở thành nhà văn. Là người ngưỡng mộ Françoise Sagan, nàng kể về Sagan cho tôi nghe. Đặc biệt nàng thích cuốn tiểu thuyết Có Yêu Brahms Không? Tôi cũng không ghét gì Sagan. Ít nhất thì cũng không nghĩ là nhàm chán như người ta nói.
"Nhưng mà tôi thì chẳng viết lách gì được cả". Nàng nói.
"Bắt đầu viết từ bây giờ cũng chưa muộn mà". Tôi nói.
"Chứ anh là người đã cho biết là tôi chẳng viết lách gì được cả đấy thôi". Nàng cười, nói.
Tôi đỏ mặt. Thời 22 tuổi, có chút gì là tôi đỏ mặt lên ngay.
"Nhưng mà, văn chương của chị có sự chân thành lắm chứ".
Nàng không nói gì, nhưng khoé môi thoảng chút gì như là nụ cười. Một nét cười mỉm thật mơ hồ, đâu chỉ một phần nhỏ của một cen-ti-mét.
"Ít nhất thì bức thư của chị đã khiến tôi đọc đến là muốn ăn món chả thịt bằm ngay thôi".
"Hẳn là vì đúng vào lúc anh đói bụng đấy". Nàng dịu dàng đáp.
Ừ thì, có thể là thế không chừng.
Tàu điện chạy qua bên dưới cửa sổ, vọng lên những tiếng sầm sập khô khan.
*
Lúc đồng hồ chỉ 5 giờ chiều, tôi nói lời từ biệt.
"Đến lúc phải xin phép ra về. Có lẽ chị còn phải chuẩn bị cơm tối cho ông nhà sắp về?"
Nàng vẫn tựa tay chống cằm.
"Ông ấy về rất trễ. Trễ lắm kia. Hôm nào cũng quá nửa đêm mới về đến nhà".
"Bận việc đến thế kia à?"
"Ừm". Nàng nói, sau một thoáng ngần ngừ. "Vả lại, trong thư cũng đã có viết là không được song suốt với nhau đấy".
Tôi thật chẳng biết nên nói sao cho phải.
"Nhưng mà, cũng chả sao". Nàng nói, dịu dàng. Tôi nghe mà có cảm giác có vẻ "chả sao" thật. "Cảm ơn anh về chuyện viết thư trong suốt thời gian vừa qua. Tôi thật là vui thích".
"Tôi cũng vui thích lắm". Tôi nói. "Và cảm ơn chị đã cho ăn món chả thịt bằm ngon lành nữa".
*
Ngày nay, đã mười năm trôi qua, mỗi lần đi tàu điện Odakyu chạy ngang qua khu chúng cư của nàng, tôi lại nhớ đến món chả thịt bằm nám dòn ngon lành của nàng. Không còn nhớ là khung cửa sổ nào, nhưng tôi có cảm giác là bên trong khung cửa sổ ấy, có lẽ nàng vẫn còn nghe nhạc Burt Bacharach, một mình.
Có phải đáng lẽ tôi nên ngủ với nàng tối hôm ấy?
Đây là đề tài văn chương của tôi, mà tôi vẫn không hiểu nên làm sao.
Có lớn thêm đi nữa, vẫn còn vô số điều mà mình không hiểu nên làm sao cho phải.

***********


Lời người dịch:
Truyện ngắn sau đây là truyện thứ 9 trong tuyển tập Kangaruu Hiyori (Ngày Đẹp Trời Để Xem Kangaroo), được dịch từ nguyên tác tiếng Nhật "Ba-To Bakarakku Ga OSuki?" trong bản bỏ túi do nhà Kôdansha tái bản lần thứ 47, tháng 3 năm 2004.

Users browsing this topic
Guest
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.