VOA - Chủ nhật, 03 tháng 7 2011
Đối lập Thái thắng cử với đa số tuyệt đốiKết quả bầu cử sơ khởi cho thấy đảng đối lập Pheu Thai do bà Yingluck Shinawatra lãnh đạo và được người anh của bà, cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra, yểm trợ, đã chiếm được đại đa số phiếu. Đảng Pheu Thai đã đánh bại đảng đương quyền của thủ tướng Abhisit Vejjajiva và tuy phải đến thứ Hai mới có kết quả chính thức, ông Abhisit đã chấp nhận thua cuộc và lên tiếng chúc mừng đối thủ.
Daniel Schearf | Bangkok Hình: AP
Đảng Pheu Thai đã chiếm ưu thế trong cuộc tổng tuyển cử hôm Chủ nhật, 3/7/2011
Đảng Pheu Thai, đảng đối lập chính đã chiếm ưu thế trong cuộc tổng tuyển cử hôm Chủ nhật, cuộc bầu cử đầu tiên kể từ 4 năm nay.
Phần lớn cuộc bầu cử là vụ đọ sức giữa đảng Dân Chủ đương quyền của thủ tướng Abhisit Vejjajiva và đảng Pehu Thai, do bà Yingluck Shinawatra, em gái của cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra lãnh đạo.
Ngay cả trước khi có kết quả chính thức, cuộc thăm dò ý kiến những người vừa ra khỏi phòng phiếu cho thấy đảng Pheu Thai chiếm được số ghế khả quan tại quốc hội.
Thắng lợi này đánh dấu một sự đảo ngược cho ông Thaksin và các đồng minh của ông gần 5 năm sau khi ông bị buộc phải rời khỏi quyền lực vì một vụ đảo chính của quân đội.
Ông Abhisit chấp nhận thất bại và ngỏ lời chúc mừng bà Yingluck Shinawatra trên đài truyền hình quốc gia trong tư cách một nữ thủ tướng đầu tiên của nước Thái. Nhưng ông nói đảng Dân Chủ sẽ tiếp tục chống lại kế hoạch của đảng Pheu Thái nhắm ân xá cho các chính trị kể cả ông Thaksin. Ông nói các đảng viên đảng Dân Chủ đã cố gắng làm việc trong hơn 2 năm và ông muốn cảm tạ tất cả mọi người. Ông nói, từ ngày hôm nay, ông muốn thấy có đoàn kết, hòa giải và để cho tân chính phủ thực hiện những điều mà họ đã hứa. Ông nói đảng Dân Chủ sẽ là một đảng đối lập xây dựng tại quốc hội, nhưng sẽ chống lại bất cứ một toan tính gì nhắm ân xá cho bất cứ một cá nhân nào.
Bà Yingluck được đại đa số quần chúng coi là người đại diện cho ông anh bà, một người mặc dù đã hai lần thắng cử vẻ vang, đã bị quân đội lật đổ năm 2006 vì lo ngại ông chiếm quá nhiều quyền lực.
Những người chỉ trích ông Thaksin nói rằng ông tham nhũng, độc tài và bất trung đối với nền quân chủ được dân chúng Thái tôn sùng. Ông bác bỏ tất cả mọi cáo buộc và đã trốn sang nước khác lưu vong để tránh bị ngồi tù vì tội tham nhũng.
Dầu sao chăng nữa, trong 4 cuộc tổng tuyển cử trong quá khứ, đại đa số dân Thái đã bỏ phiếu cho ông Thaksin hoặc cho các đảng đồng minh với ông.
Nhưng những phán quyết của tòa đã giải tán các chính phủ đó và cấm các lãnh đạo đảng không được nhậm chức trong 5 năm qua.
Lên tiếng trên đài truyền hình quốc gia từ trụ sở của đảng Pheu Thai, bà Yingluck nói lên quyết tâm sẽ thực thi những lời hứa khi bà vận động bầu cử và sẽ không làm người dân thất vọng. Bà cho biết sứ mạng trước mắt đầy khó khăn, lấy ví dụ, giải quyết vấn đề cơm áo cho dân, cải thiện nền kinh tế và lãnh đạo quốc gia để đi đến chỗ đoàn kết và hòa giải.
Hoa Kỳ đã công bố một thông cáo chúc mừng Thái Lan vì cử tri Thái đã tham gia đông đảo vào cuộc bầu cử.
Nhưng có thể nói thì dễ hơn là làm, nhất là nếu dự tính ân xá được xúc tiến và ông Thaksin được phép trở về Thái lan.
Ông Thaksin là một hình ảnh gây chia rẽ, bị giới đặc quyền đặc lợi ở Thái Lan vừa ghét vừa sợ.
Kể từ vụ đảo chính năm 2006, Thái Lan đã chứng kiến những vụ xuống đường lẻ tẻ và bạo động giữa những người ủng hộ ông Thaksin thuộc giới nông dân và công nhân với những người ủng hộ cho giới cầm quyền truyền thống và quân đội.
Phe áo vàng biểu tình tuyên bố bảo vệ chế độ quân chủ đã tạo áp lực với các chính phủ đồng minh với ông Thaksin năm 2008 bằng cách bao vây trụ sở quốc hội và rồi chiếm luôn các phi trường ở Bangkok.
Năm ngoái những vụ đụng độ giữa quân đội và các phần tử vũ trang biểu tình trong hàng ngũ áo đỏ của ông Thaksin đã khiến 90 người thiệt mạng, hầu hết các nạn nhân là thường dân.
Giới quan sát thời cuộc lo ngại rằng thắng lợi của em gái ông Thaksin có thể sẽ dẫn đến thêm những vụ biểu tình của phe áo vàng hoặc một vụ đảo chính nữa. Trước ngày bầu cử, Tham mưu trưởng quân đội Thái nhắc đi nhắc lại rằng sẽ không có đảo chính nữa.
Kể từ năm 1932 khi Thái Lan trở thành một quốc gia theo chế độ quân chủ lập hiến, nước này đã trải qua 18 vụ đảo chính hoặc âm mưu đảo chính.