quote:
Gởi bởi Bảo Trân
Chị Sương đi Đông Âu với travel agency nào? Có vui không?
BT sợ "cưỡi ngựa xem hoa" rồi. Mệt quá. Cũng chẳng xem được gì nhiều.
May là hôm ở Ba rì được cô em HTMT dẫn đi một vòng, không thì cũng biết đại khái về Paris thôi.
Chị ơi nhớ kể nha nha.
Italy - Đảo Pha Lê Murano Viết về đẹp thật khó – thưởng thức nét đẹp khó hơn. Tại Mỹ, vào thăm các vườn hoa, công viên, người ta đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác – đôi khi một bức tranh tổng hợp từ bao nhiêu vật liệu phế thải, những con ốc be bé, những bánh xe vứt đi – lon thiếc, lon nhôm, vỏ chai vỏ hộp. Ngắm cát chẳng ai thấy đẹp, nhưng từ cát từ đá đã tạo ra không biết bao nhiêu kỳ tích – Thăm Ý – Italia phải tìm thăm ngắm nghía những công trình được bàn tay con người dựng nên, được trí óc con người thực hiện. Theo sách vở ghi lại tiến trình hình thành Đảo Pha Lê Murano:
- Từ thế kỷ thứ 10, người dân Venice đã biết nung chảy cát, đá lửa đá vôi lọc lấy nguyên liệu làm thủy tinh và thổi thành những sản phẩm nghệ thuật tuyệt đẹp. Các xưởng này nằm trong thành phố Venice.
- Vào năm 1291, chính quyền ra lệnh tất cả các xưởng thủy tinh phải dời ra khỏi Venice, để tránh hỏa họa. Nhiệt độ từ các lò nấu thủy tinh lên đến 1500 độ C, nên hết đám cháy này đến đám cháy khác xảy ra, và vật liệu xây dựng thuở đó là gỗ một chất liệu dễ cháy. Đảo pha lê Murano được hình thành.
- Thế kỷ 14, chính quyền Venetian, công nhận một số chủ nhân xưởng thủy tinh vào thành phần quý tộc, những người này có quyền đeo kiếm, một hình thức được miễn truy tố, miễn bị phiền nhiễu vì lính lệ, họ có cơ ngơi giàu có ngay cả có những cô con gái đẹp, được vương tôn công tử rước về làm vợ. Cùng lúc chính quyền cũng ban hành nhiều luật lệ khắt khe ngăn cấm các nghệ nhân đi ra khỏi nước Ý, để giữ độc quyền ngành thổi thủy tinh, nhưng không ít những người thợ xuất sắc bỏ Ý ra đi đến các quốc gia Anh, Bỉ, Pháp và Hà Lan để xây dựng sự nghiệp, nên khắp Âu Châu nơi nào cũng có nhiều tác phẩm kính tinh xảo, không thể phân biệt được nguồn gốc từ Ý hay từ đâu.
- Thế kỷ 16, ngành nghề thổi thủy tinh đã trở nên tuyệt hảo, bao gồm pha lê, kính tráng men (smalto), thủy tinh với các chủ đề của vàng (aventurine), kính nhiều màu (millefiori), kính sữa (lattimo), và đá quý giả làm bằng thủy tinh.
Đến nay, Murano vẫn là nơi nổi tiếng khắp nơi trên thế giới, cho dù ngành thổi pha lê đã có mặt khắp mọi nơi, nhưng sự tinh xảo màu sắc tuyệt vời cùng kỹ thuật tuyệt kỷ vẫn là niềm tự hào của người dân Ý, sống tại Murano.
Từ Venice, lấy chuyến tàu có tên DM, chỉ khoảng 20 phút du khách sẽ thênh thang bước trên con phố nhỏ, có các cửa hàng bán hàng ngàn sản phẩm tuyệt đẹp – không cái nào giống cái nào, vì mỗi sản phẩm được thổi đươc pha chế màu một cách riêng lẻ, các cửa hàng này nằm hai bên bờ kênh nhỏ, chiều ngang khoảng sáu mét, nước đục vì tàu thuyền máy đi lại giữa dòng. Trước mỗi cửa tiệm là một chiếc tàu máy neo vào cột gỗ, thay cho chiếc hơi hay xe gắn máy thường thấy tại các ngôi nhà trên đất liền.
Nét đẹp của đảo Murano là các con lạch ngoằn nghoèo, những con hẻm nhỏ sạch sẽ khang trang, những ngôi nhà nhỏ cổng vào bằng gỗ đẹp như bức tranh, khuôn viên nho nhỏ hoa nở muôn màu, bên cạnh những chiếc thuyền neo bập bềnh theo mực nước lên xuống từ dòng Grand Canal bọc chung quanh đảo.
Du khách chỉ cần một ngày đi bộ đã hết thành phố, mang theo bánh mì, trái cây và nước uống là đủ, vào quán ăn không sợ tốn tiền mà sợ mất thời gian, mà thời gian lại rất quí khi đi du lịch.
May mắn du khách sẽ được thấy tận mắt cảnh nấu chảy thủy tinh, nghệ nhân có thể là một người đàn ông trung niên, hay là chàng thanh niên Ý mắt xanh da nung màu nắng, họ chỉ cần lửa nung chảy que thủy tinh, hay khối thủy tinh được giữ trên đầu một chiếc que sắt rỗng ruột, khi thủy cháy đỏ, chảy như kẹo mạch nha là khi đôi tay khéo léo dùng kìm sắt tạo hình tạo dáng, pha màu tạo thành một sản phẩm sống động, trong một thời gian không dài. Điều làm du khách trầm trồ là sau khi đã hoàn thành sản phẩm, người ta dùng giấy đụng vào khối thủy tinh còn nóng ấy, giấy phực cháy. Lò nấu chảy thủy tinh nóng lắm dù ai cũng đã biết, nhưng thấy ngọn lửa phực lên từ giấy, cái biết nhân lên nhiều lần, kiểu “tai nghe không bằng mắt thấy!”
Cẩn thận lúc này nhé, hãy mua những nữ trang dưới 100 Euro, chắc chắn đẹp và không bị lầm hàng “Made in China” giả thành “Made in Italy”. Các sản phẩm lớn hơn 500 Euro, phải suy nghĩ vài lần trả giá vài lần, nhiều điều ngạc nhiên xảy ra khi ông chủ ra giá 1200, bà chủ đòi 600, đi một vòng trở lại, cô con gái trả lời 300 – lý do nhiều du khách khóc thầm trên đường trở về khách sạn, sau khi đã trả tiền ký tên và biết khi trở về nhà sau chuyến du lịch, món hàng đã chờ trước cửa nhà qua UPS.