Dịch tiêu chảy E.coli đe dọa toàn châu Âu
Biển cảnh báo vào khu vực cách ly tại bệnh viện Eppendorf - Hamburg, ngày 08/06/2011
REUTERS/Fabian Bimmer
Anh Vũ - rfi - THỨ NĂM 09 THÁNG SÁU 2011
Cuối tháng năm vừa qua, tại nước Đức bỗng bùng phát trận dịch bệnh tiêu chảy chết người. Trong vòng một thời gian rất ngắn, chưa đầy một tuần, các bệnh viện tại Đức trở nên quá tải vì hàng ngàn bệnh nhân phải nhập viện trong tình trạng bị tiêu chảy cùng các hội chứng tăng urê máu, suy giảm chức năng thận và xuất huyết đường tiêu hoá.
Đến giờ đợt dịch tiêu chảy đã làm 25 người chết (24 người tại Đức và 1 tại Thụy Điển) và hàng nghìn người phải nhập viện.
Trận dịch bất ngờ này đang làm người tiêu dùng và sản xuất thực phẩm ở châu Âu hoang mang lo sợ thực sự bởi quy mô lan tràn và khó kiểm soát của loại vi khuẩn gây bệnh.
Chỉ trong vòng có 3 ngày, nhờ các thiết bị khoa học hiện đại, ngày 2/06, các nhà khoa học Trung Quốc và Đức đã lập được mã di truyền của thủ phạm gây bệnh. Đó là chủng vi khuẩn Escherichia coli được gọi tắt là E.coli, một chủng vi khuẩn được các chuyên gia xác định là hoàn toàn mới, mang độc tố cực mạnh, có khả năng kháng thuốc và nguy hiểm hơn những chủng khác của khuẩn này mà chúng ta vẫn thấy trong ruột người hay động vật.
Các cơ quan quản lý y tế cũng như các nhà khoa học đang đau đầu chạy đua với thời gian để truy tìm nguồn gốc mang mầm bệnh. Nguy hiểm nữa là gần một tháng sau khi ca tử vong vì bệnh tiêu chảy được phát hiện tại Đức đến nay, dịch tiêu chảy đã lan sang 12 nước châu Âu và đang có nguy cơ tiếp tục tràn sang nhiều khu vực khác trên thế giới.
Tìm nguồn mang mầm bệnh như mò kim đáy bể
Dù đã nhanh chóng xác định được chủng loại vi khuẩn gây bệnh, thế nhưng, việc truy tìm ra nguồn mang phát tán vi khuẩn thì lại là công việc vô cùng khó khăn. Trong khi đây là công việc tối cần thiết giúp cho việc ngăn chặn có hiệu quả sự phát tán ổ dịch.
Nước Đức và cả châu Âu đang ra sức huy động mọi nguồn lực cho công cuộc truy tìm xuất xứ của thủ phạm E.coli. Các nhà sinh học, y học và cả các nhà điều tra đang lao vào cuộc chạy đua với thời gian truy tìm thủ phạm từ đâu ra. Đến giờ thì công việc này vẫn như mò kim đáy bể, vi khuẩn E.coli tỏ ra tinh quái, giấu biệt tung tích và tiếp tục thách đố các nhà khoa học châu Âu.
Sau khi dưa chuột Tây Ban Nha đã được xác nhận không phải nguồn gây bệnh, khiến các nhà nghiên cứu phải nỗ lực lại từ đầu để tìm ra nguồn lây lan khuẩn E.coli, người ta vẫn tiếp tục nghĩ tới nguồn mang mầm bệnh là thực phẩm nhưng mục tiêu tìm kiếm thì ngày càng mờ dần.
Mọi hướng nghi vấn đều được các nhà điều tra Đức và châu Âu để ý mắt tới, từ rau quả, thịt cá đến các cơ sở chế biến thực phẩm như quán ăn, xưởng sản xuất mầm hạt, giá đỗ… Kết quả vẫn chỉ là những suy đoán không được chứng minh bằng các phân tích khoa học.
Hôm chủ nhật vừa qua, các nhà khoa học Đức lại tung ra một giả thuyết tìm kiếm mới, theo đó, loại vi khuẩn này có thể xuất phát từ những trung tâm sản xuất khí sinh học. Tại Đức, có rất nhiều trung tâm như vậy để tái chế rác thải hữu cơ. Các nhà khoa học lập luận rằng trong quá trình tái chế các chất thải hữu cơ có rất nhiều loại vi khuẩn lạ xuất hiện. 80% các chất thải hữu cơ sau tái chế được đưa ra làm phân bón cho nông nghiệp và đây có thể là một nguồn lây nhiễm vi khuẩn vào rau quả. Tuy nhiên lập luận này cũng không được chứng minh bằng kết quả phân tích cụ thể.
Bắt đầu cảm thấy bất lực trước loại vi khuẩn E.coli, nước Đức phải nhờ đến các chuyên gia được gửi đến từ Trung tâm kiểm soát, phòng bệnh châu Âu (ECDC) và Cơ quan An toàn Thực phẩm châu Âu. Nhưng cuộc truy tìm nguồn gốc lây bệnh vẫn mù mịt, thậm chí, các giới chức Đức còn đánh tiếng cho biết có thể không bao giờ tìm ra nguồn lây lan.
Những hệ lụy với nhà nông châu Âu
Trong khi chờ đợi kết quả, vi khuẩn E.coli. đang khiến nông dân châu Âu điêu đứng và gây ra một số căng thẳng về ngoại giao.
Ngày 02/06, Nga chính thức ra lệnh ngưng nhập khẩu rau củ từ Liên Hiệp Châu Âu. Doanh số rau củ của châu Âu nhập khẩu vào nước này hằng năm khoảng 600 triệu euro. Matxcơva khẳng định chỉ dỡ bỏ lệnh cấm khi xác nhận được nguồn gốc chính xác của dịch bệnh. Châu Âu phản ứng lại, cho rằng hành động như vậy là vi phạm quy định của Tổ chức Thương mại Quốc tế.
Ngành nông nghiệp Tây Ban Nha hiện bị ảnh hưởng nặng nề nhất với doanh số giảm khoảng 200 triệu euro/tuần và 70.000 lao động trong lĩnh vực sản xuất rau quả có thể bị mất việc. Sau khi rau Tây Ban Nha được minh oan, bộ trưởng Nông nghiệp Tây Ban Nha Rosa Aguilar cho biết sẽ yêu cầu Đức và Liên Hiệp Châu Âu bồi thường 100% thiệt hại cho nông dân.
Tình hình tại các nước châu Âu khác cũng không sáng sủa hơn khi rất nhiều người tiêu dùng đã quay lưng lại với các lọai rau củ, quả, ra khỏi thực đơn hằng ngày. Dưa chuột, dù đã được “giải oan”, vẫn giảm doanh số 80-90% trong khi nhiều loại rau củ khác cũng sụt giá 20-30%. Hàng ngày nông dân Pháp vẫn cứ phải đổ đi hàng chục tấn dưa chuột không bán được. Liên Hiệp Châu Âu đã phải hứa sẽ chi hơn 200 triệu euro đền bù thiệt hại cho các nhà trồng rau bị vạ lây vì dịch.
Nguy cơ một cuộc khủng hỏang y tế và nông nghiệp đang le lói đe dọa nhiều nước trong Liên Hiệp. Lãnh đạo và người tiêu dùng châu Âu đang nóng lòng mong chờ câu trả lời chính xác từ các nhà khoa học để khống chế được dịch bệnh không để bùng phát thành một cuộc khủng hoảng mới trong lúc mà lục địa này đang lao đao chống đỡ với cơn bão nợ công.