Bộ trưởng Pháp C. Lagarde chính thức tranh chức tổng giám đốc IMF 
Bộ trưởng Kinh tế Pháp Christine Lagarde, ứng cử viên tổng giám đốc IMF
Reuters
Đức Tâm -
rfi - 25/05/2011
Đúng như mọi dự đoán từ nhiều ngày qua, trong cuộc họp báo tại Paris hôm nay, 25/05/2011, bà Christine Lagarde, bộ trưởng Tài chính Pháp, tuyên bố ra ứng cử chức tổng giám đốc Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế - IMF.
Bà Lagarde cho biết là đã suy nghĩ kỹ càng khi quyết định ra ứng cử và bà được cả tổng thống Nicolas Sarkozy, thủ tướng François Fillon ủng hộ.
Bộ trưởng Tài chính Pháp nói rõ là nếu được lựa chọn, bà muốn làm tổng giám đốc trọn vẹn một nhiệm kỳ 5 năm, chứ không phải chỉ trong 18 tháng còn lại của nhiệm kỳ hiện nay.
Chức vụ tổng giám đốc IMF bị bỏ trống sau khi ông Dominique Strauss-Kahn phải từ chức vì bị cáo buộc cưỡng bức quan hệ tình dục với một phụ nữ dọn phòng khách sạn và hiện ông bị quản thúc tại gia ở New York.
Từ cuối tuần trước, nhiều nước châu Âu đã ủng hộ bà Lagarde. Hôm nay, chủ tịch Ủy ban châu Âu José Manuel Barroso thông báo hoàn toàn ủng hộ ứng cử viên Lagarde.
Châu Âu đang rất muốn có người của châu lục này làm tổng giám đốc IMF vì trong thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của ông Dominique Strauss Kahn, IMF đã hỗ trợ đắc lực cho châu Âu đối phó với khủng hoảng tài chính và nợ công.
Hơn nữa, theo một quy định bất thành văn, được áp dụng từ sau đại chiến thê giới thứ hai đến nay, chức vụ tổng giám đốc Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế được trao cho châu Âu, còn chức chủ tịch Ngân Hàng Thế Giới thì vào tay người Mỹ.
Hôm qua, năm quốc gia đang trỗi dậy là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi, trong nhóm BRICS đã ra thông cáo chung, bày tỏ sự bất bình đối với thông lệ nói trên.
Thời hạn chót để nộp hồ sơ ứng cử chức tổng giám đốc IM F là 10/06. Sau đó, hội đồng quản trị của Quỹ, trong đó, Hoa Kỳ có tiếng nói quyết định, sẽ họp và bầu tổng giám đốc.
Có một trở ngại trên con đường đưa bà Lagarde đến IMF : Bà đang bị cáo buộc lạm dụng quyền lực trên cuơng vị bộ trưởng Tài chính, khi bật đèn xanh cho việc thực hiện phán quyết của tòa án trọng tài, đền bù cho doanh nhân Pháp Bernard Tapie 385 triệu euro, trong một vụ kiện tụng với ngân hàng Crédit Lyonnais.
Hiếm có một chính khách của Pháp nào lại có được sự mến mộ của giới báo chí Anh-Mỹ như bà Christine Lagarde.
Hôm qua, 24/05/2011, tờ New York Times cho rằng bộ trưởng Tài chính Pháp được thế giới đón tiếp như một ngôi sao quốc tế nhạc rốc nổi tiếng. Tờ Financial Times đã coi bà là bộ trưởng Tài chính của năm 2009 do những thành tích và đóng góp của bà trong việc đối phó với cuộc suy thoái toàn cầu. Trong khi đó, tạp chí Mỹ Forbes xếp bà Lagarde ở hạng thứ 17 trong số những phụ nữ có thế lực nhất toàn cầu.
Sinh ngày mồng một tháng Giêng năm 1956 tại Paris, trong một gia đình bố mẹ là nhà giáo, bà Lagarde, vốn là vận động viên vô địch quốc gia trong bộ môn bơi nghệ thuật, đã tốt nghiệp Học viện Chính trị Paris, có bằng cao học về luật xã hội và cử nhân Anh văn.
Năm 1981, bà Lagarde vào làm việc trong văn phòng luật sư nổi tiếng Baker & McKenzie tại Mỹ và năm 1999, bà là phụ nữ đầu tiên lãnh đạo văn phòng này cho đến khi được mời về Pháp để tham gia chính trường.
Từ 2005 đến 2007, bà Lagarde giữ chức bộ trưởng Thương mại Pháp. Sau một thòi gian ngắn làm bộ trưởng Nông nghiệp, từ giữa năm 2007 đến nay, bà là bộ trưởng Kinh tế, Tài chính, một kỷ lục tại Pháp.
Năm nay, trong cương vị bộ trưởng Tài chính Pháp, nước làm chủ tịch G8, bà Lagarde đã liên tiếp công du nhiều nước trên thế giới để vận động và thuyết phục cho quan điểm của Paris về sự cần thiết phải điều tiết các thị trường tài chính.
Luôn luôn lịch thiệp, sang trọng, năng động, có nhiều kinh nghiệm làm việc tại Mỹ, tiếng Anh thông thạo, có uy tín thực sự trong giới tài chính quốc tế, bà Christine Lagarde có nhiều lợi thế để trở thành tổng giám đốc của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế.