Rank: Advanced Member
Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC) Posts: 9,291 Points: 11,028
Thanks: 758 times Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)
|
Ba điều khó hiểu trước Đại hội Thụ Nhân 2012 tại Paris Lời giới thiệu: Đại hội cựu sinh viên Viện Đại học Đà Lạt dự định tổ chức vào năm 2012 tại Paris, mệnh danh là Đại hội Thụ Nhân (Thụ Nhân là châm ngôn của VĐHĐL – “Bách niên chi kế mặc như thụ nhân”). Ban tổ chức (do csv Tiến sĩ Lê Đình Thông đứng đầu) định không chào, không treo Cờ Vàng. Quyết định này gặp sự chống đối mãnh liệt từ nhiều cựu sinh viên, đặc biệt của chính ba thành viên trong BTC là nhà văn Trần Thị Diệu Tâm, họa sĩ Khánh Thọ, nhà thơ Thụy Khanh. Đây là một vấn đề nội bộ của cựu sinh viên Viện Đại học Đà Lạt. Nhưng vì sự việc treo hay không treo Cờ Vàng trong các buổi lễ cộng đồng Việt Nam hải ngoại, không còn là một việc riêng nữa, chúng tôi xin phổ biến bài viết sau của Tâm Thanh (tức csv Ngô Thanh Tâm). Bài viết nguyên thủy nhắm vào các bạn đồng môn, nên phần đầu có nhiều chi tiết “nội bộ”, nhưng phần sau liên quan đến tất cả chúng ta, những người tỵ nạn Việt Nam. 1) “Không đặt vần đề treo cờ”: Cuộc tranh cãi về lá cờ hiện nay trong gia đình Thụ Nhân đã dễ dàng ăn nói hơn nếu ta chia hai “phe” – tạm gọi là phe treo cờ và phe bỏ cờ. Đằng này, một phe chủ trương treo/chào cờ (Vàng), một phe “không đặt vấn đề treo cờ”. Đã không đặt vấn đề, thì tranh cãi về cái gì? Người viết không định bắt bẻ lời nói đâu. Này nhé, phe “không đặt vấn đề treo cờ” (KĐVĐTC) chỉ đưa ra một tiền đề “vì tinh thần đại học, phi chính trị, phi tôn giáo” nên kđvđtc. Phe treo cờ đưa ra bao nhiêu lý do đạo nghĩa, lý trí, lương tâm, lịch sử kể cả lý lẽ sơ đẳng “phi chính trị đã là có chính trị rồi”... cũng không được những người (đại đa số từng học môn chính trị học) đếm xỉa tới. Chỉ có một người của phe KĐVĐTC nói một câu không thuộc lòng, đó là anh Phạm Trọng Khoát. Anh Khoát viết “cựu sinh viên Viện Đại học Dalat chứ không phải Đảng Đại học Dalat”. Nhờ câu này, tôi mới hiểu có người (ít nhất một) trong phe KĐVĐTC tưởng lá Cờ Vàng là cờ đảng. Đó là điều khó hiểu thứ nhất. 2) “Không đặt vấn đề” nhưng lại bỏ phiếu có treo hay không treo cờ: Tạm bỏ qua cái mâu thuẫn trong việc “không đặt vấn đề” nhưng lại bỏ phiếu. Ta đi thẳng vào cuộc bỏ phiếu kỳ lạ. Một tay chị Võ Quỳnh-Mai chủ xướng, chủ trì, ra mẫu phiếu (trong đó mớm sẵn cho cử tri phiếu 1 là chính nghĩa, phiếu 2 là của ba cá nhân nổi loạn), nhận phiếu (bằng email và điện thoại tư), khui phiếu, kiểm phiếu và báo cáo. Mỗi ngày chị cho biết số phiếu KĐVĐTC tăng vọt trong khi phe treo cờ vỏn vẹn 3 người đứng cô đơn, lâu lâu ba chị này (Trần Thị Diệu Tâm, Lê Thi Hảo, Lê Khánh Thọ) bị phang cho một câu chia rẽ, phá hoại, xin lỗi đi! Còn chính người chủ trì và giám sát cuộc trưng cầu thì đứng phó bảng trong danh sách đối thủ. Vừa làm trọng tài vừa đánh thì làm sao bên kia đỡ được? Trong thể lệ bỏ phiếu lại có câu “nói Oui hay Non” chứ không được giải thích tại sao, vì nói tại sao sẽ mất hòa khí. Loại hòa khí này tôi thấy khá phổ biến trong những gia đình có anh chồng vũ phu và “Trại súc vật” của G. Orwell. Bản báo cáo đàn áp luôn kết thúc bằng câu “Chào đoàn kết”! Từ năm 1929, mạnh nhất là 1945, Hồ Chí Minh lúc nào cũng hô đoàn kết, nhưng lúc ông hô to nhất là lúc người quốc gia bị bỏ mạng nhiều nhất, thê thảm nhất. Đoàn kết phải đặt trên mục tiêu chung và nền tảng chung. Nền tảng chung của Thụ Nhân là gì nếu không là Trường Mẹ Trước 1975 và những giá trị tinh thần mà nhà trường ấy truyền thụ? Qua nay tôi ráng lắng nghe xem bên bỏ cờ có viết một câu nào có tình có lý (ngoài sáo ngữ “tinh thần đại học, phi chính trị, phi tôn giáo”) không? Tuyệt đối không. Tại sao bỏ cờ? Tuyệt đối không ai trả lời. Nếu bên muốn treo cờ nói ra điều gì thì bên kia phản lại bằng cách tấn công con người, không phân tích sự việc. Những người không thích làm cái việc “bỏ phiếu” kỳ cục, nhưng nêu những nhận định rất khách quan, sâu sắc, như quý anh Huỳnh Văn Của, Phạm Ngọc Quỳnh, chị Hồng Cúc v.v. thì chẳng được “ban” bầu cử nhét vào đâu cả, dù các anh chị này nói rành rành “phải treo cờ Vàng”. Một chị khác (khoa học) viết rõ là “không đặt vấn đề chào cờ” được xếp phiếu vào phe không treo cờ, cho tiện việc sổ sách! Phiếu bầu nguyên thủy chỉ có 2 lựa chọn, nhưng khi anh Huỳnh Hữu Tài viết “tôi muốn dựng cờ” thì chủ thùng phiếu lại thêm lựa chọn thứ 3, “dựng cờ”. Cuộc trưng cầu ý kiến như vậy không kỳ lạ sao? Nhất là trong giới CTKD! Đó là điều khó hiểu thứ hai. 3) “Chúng tôi sẽ làm theo những lời chỉ giáo của quý Thày Cố vấn và ý kiến của đại đa số quý anh chị Thụ Nhân Âu Châu” (Tiến sĩ Lê Đình Thông)Sau thời gian im lặng “vì trọng thầy quý bạn”, ngày 27.3 Tiến sĩ Lê Đình Thông, Trưởng ban tổ chức ĐHTN 2012, viết một lá thư (rất vắn tắt, không bỏ dấu). Ông Thông cho thấy nhiều điểm, và không cho thấy nhiều điểm. - Tiến sĩ Thông không phủ nhận việc ông “không đặt vấn đề treo cờ”. Nhưng phủ nhận lý do “về VN” hay “bị áp lực”. Tuy nhiên ông vẫn không cho biết lý do thật sự tại sao không treo/chào cờ. - Ông cho biết Ban Chấp hành Hội Thụ Nhân Paris đã có dự thảo thông báo giải tán Ban Tổ chức. Nhưng không cho biết tại sao chưa công bố thư. Từ hai thông tin đó, tôi có thêm 2 khó hiểu: Điều khó hiểu 3.1: Tiến sĩ Thông là Trưởng BTC, mà BTC sắp bị giải tán. Vậy ông lấy tư cách gì để viết câu “Chúng tôi sẽ làm theo...” Phải chăng ông biết trước nội dung giải tán sẽ gồm việc loại trừ những người “bất đồng chính kiến” (từ của một người KĐVĐTC gọi những người muốn treo cờ). Điều khó hiểu 3.2: Bằng cách nào ông biết được cái “đại đa số” đó cụ thể là bao nhiêu? Căn bản là hiện có bao nhiêu Thụ Nhân Âu Châu? Dùng hình thức trưng cầu thế nào? Hay là dùng kết quả cuộc “bỏ phiếu Võ Quỳnh-Mai”? Lúc tôi viết đến giòng này, có 28 vị KĐVĐTC (nôm na là không muốn treo cờ Vàng), giả thứ có lúc email và điện thoại tư làm cho con số lên 280 vị, rồi cái đa số thầm lặng Thụ Nhân trên khắp thế giới có đáng được “quý trọng” như lời của Ts Thông không? Vì vậy, vấn đề treo/chào cờ phải đặt ra và thảo luận rốt ráo, chứ không thể “không đặt vấn đề” rồi quyết định độc đoán. Miệng hô đoàn kết mà coi những người “đặt vấn đề” là chia rẽ, phá hoại, là một triệu chứng bối rối sắp tới tình trạng nguy hiểm. Hãy can đảm đặt vấn đề. Tạm thời dùng tiền đề của chính phe bỏ cờ Tôi vẫn không hiểu vai trò tôn giáo có mắc mớ gì tới lá cờ, nên chỉ lạm bàn (gọi là “lạm” vì tôi không đứng về phe nào cả và chưa từng đóng niên liễm Hội) trên hai tiền đề “phi chính trị” và “tinh thần đại học”. Nhấn mạnh, tiền đề này do một số anh chị nêu lên để bỏ cờ: - “Tinh thần đại học”: Ngoài ý nghĩa nguyên thủy của đại học là một “hội” (universitas) thâm cứu, tôi không tìm được tài liệu nào nói về tinh thần đại học. Có lẽ ít ai buồn nói thế này thế nọ mới là tinh thần đại học. Thập niên 60, sinh viên và giáo sư thiên tả Berkeley mang cờ Mặt trận Giải phóng Miền Nam vào trường, chả ai chỉ mặt các anh thiếu tinh thần đại học cả. Ngày nay Đảng Cộng sản Việt Nam mang Ngôi Sao Cẩm-linh (tượng trưng chủ nghĩa cộng sản) đặt trên chóp tháp chuông Hội trường Năng Tĩnh; tôi tự hỏi khi từ Pháp, Mỹ, Úc về tham dự “Đại hội CSV Đà Lạt” năm trước, chẳng biết có Thụ Nhân nào lên tiếng thuyết về tinh thần đại học không. Khi khẩu hiệu “Kế trăm năm không gì bằng trồng người – Lời Bác Hồ” được kẻ trên khắp các trường đại học Việt Nam, chả biết có Thụ Nhân nào (những người được Cha Viện trưởng Nguyễn Văn Lập cho biết rõ nguồn gốc hai chữ Thụ Nhân) có ai lên tiếng bảo Bác Hồ đạo văn Quản Tử không. Lãnh tụ vĩ đại đạo văn, nửa thế kỷ qua hằng trăm triệu người, không ai nói, không phải vì trí thức trong nước ngủ, mà vì sợ hãi. Chúng ta đã liều mạng đi tìm tự do, sao bây giờ có thể vì những hù dọa hoặc hứa hẹn vu vơ để cuốn cờ? Kết luận gì? Xin thưa: nếu chúng ta không đủ sức chống lại những cái đang làm hại tinh thần đại học, ít nhất chúng ta phải duy trì nơi anh chị em mình hai đức tính của người trí thức là liêm khiết tinh thần, và lòng can đảm đi tìm chân lý. Bỏ Cờ Vàng trong môi trường đại học (dù chỉ là cựu sinh viên già) là một đầu hàng vô điều kiện trước sự hèn hạ và dối trá. (“Hèn hạ và dối trá”, tôi có nói ngoa không, xin quý anh chị chịu khó dành chừng vài ngày tìm hiểu về nền giáo dục tại Việt Nam ngày nay, khắc rõ.) Còn nếu quý anh chị coi Cờ Vàng và Miền Nam Việt Nam không hơn gì xã hội chủ nghĩa, thì xin bỏ luôn hai chữ Thụ Nhân đi. Bởi vì tinh thần Thụ Nhân là một phần – nói tự mãn một chút, phần tinh túy – của nền giáo dục nhân bản - khoa học - khai phóng của Việt Nam Cộng Hòa. Sau cùng của phần tinh thần đại học này, tôi mạo muội hỏi những anh chị em thành đạt nhất sau khi vượt biên sang Âu Mỹ Úc một câu: nếu anh chị tốt nghiệp một trường đại học xã hội chủ nghĩa, liệu anh chị có xoay xở, thích nghi và vươn lên mau chóng như bây giờ không? - “Phi chính trị”: Khắp Âu Mỹ Úc, ngày lễ hội công cộng hay ngày cưới, ngày sinh nhật riêng tư, người ta treo cờ quốc gia ngoài cổng, trong vườn, cầm cờ trên tay, cắm trên xe, vẽ trên má... bảo là chính trị hay phi chính trị? Viện Đại học Đà Lạt có treo quốc kỳ không? Xin coi hình chụp ngày lễ tốt nghiệp Đại học Sư phạm khóa 4 năm 1965, trong đó Cờ Vàng được treo khắp nơi. Xin chú ý hai lá cờ trong hai khoanh tròn, ngoài ra các cột cờ đều treo quốc kỳ. Hình đã mờ, màu cờ không rõ, nhưng lòng tôi còn nguyên màu vàng ba sọc đỏ vì tôi đứng trong hàng sinh viên tốt nghiệp này. Trường Mẹ treo cờ mà cựu sinh viên không treo cờ? Phải chăng vì Cờ Vàng không còn là quốc kỳ nữa? Tôi nghĩ những anh chị nghĩ như vậy cũng có lý, ở tầm nhìn gần. Nhưng sai trong tầm nhìn xa: Ngôi Sao David của người Do Thái tồn tại khoảng hai trăm năm trước khi người Do Thái có lãnh thổ cắm cờ. Ngược lại lá Cờ Búa Liềm bị nhân dân Nga đốt ngay ngoài đường khi chế độ sụp đổ, và họ cho biết trong 70 năm nó không hề hiện diện trong lòng mình. Lá Cờ Vàng mất lãnh thổ cắm, nhưng nó lại đi theo những con người sống chết vì nó, gián tiếp vì nó mà được cứu vớt. Nhiều người bây giờ vinh hoa phú quí, quên những ngày gian lao còn đầy lý tưởng. Nhưng số đông không quên. Muốn quên cũng không quên được. Đối với người tị nạn Việt Nam, Cờ Vàng không những là biểu tượng của một quốc gia đã mất, mà còn là biểu tượng cho những giá trị phải phục hồi. Nói như Hà Lê Bích Thủy (trong bài “Bạn là ai? Người hay cá?), thiếu lá Cờ Vàng tôi không có căn cước. Tôi còn muốn nói thêm: cũng vì tôi không có mảnh đất để cắm nó, nên tôi càng phải duy trì nó trong lòng và mỗi khi có dịp phải trưng nó lên. Dù ngụy tín và ngụy biện bao nhiêu, nếu chối bỏ lá cờ trong một dịp quan trọng như đại hội này, chúng ta sẽ bị rối loạn nhân cách. Để chữa bệnh rối loạn này, nên từ bỏ tư cách tị nạn chính trị, trở về làm người tha phương cầu thực. Tinh thần kẻ sĩ yêu nước:BTC và Tiến sĩ Lê Đình Thông là những người tài đức, đã được tín nhiệm và đã bắt tay vào công việc, nên hy sinh tiếp tục sứ mạng. Sứ mạng của BTC là gì? Là tổ chức một cuộc “quay về Trường Mẹ” đúng hướng. Chị Khánh Thọ viết một ngạn ngữ của người Phi Châu "Quand tu ne sais pas où tu vas, regarde d'où tu viens" (Khi không biết đi về đâu, bạn hãy coi bạn từ đâu tới). Lái xe trong phố lạ, không GPS, tôi cũng dùng mẹo ấy của người dân sa mạc – trở về khởi điểm. Chúng ta đang mất hướng, hãy bình tĩnh nhìn lại chúng ta phát xuất từ đâu? Trường Mẹ của chúng ta là trường nào? “Trường Đại học Đà Lạt” (thành lập năm 1976)? Hay “Viện Đại học Đà Lạt” (thành lập năm 1957)? Phần đông cựu sinh viên đang sống ở nước ngoài, trong đó có tôi, chỉ hứng thú quay về ngôi trường xưa, “Viện Đại học Đà Lạt” tên thân yêu là Thụ Nhân, với những giá trị mà chúng ta đã học, hành và ấp ủ. Ngôi trường và những giá trị ấy gắn liền với lá Cờ Vàng. Chúng ta đã bất hạnh vì mất nước. Chúng ta không thể mất niềm hãnh diện về một căn cước cao quí và niềm hy vọng chính đáng. Đó là thái độ ngẩng đầu của kẻ sĩ mà quý anh chị gọi là tinh thần đại học đấy. “Phi chính trị đảng phái” là một chủ trương đúng đắn, nhưng Thụ Nhân phải là một kẻ sĩ yêu nước. Ngô Thanh Tâm(Thụ Nhân Triết) Source: http://www.lyhuong.net/u...ndex.php/bandoc/622-622
========================================== ========================================== 1. Khi một người Việt Nam tỵ nạn khước từ dấu chứng tỵ nạn của mình (không chào lá cờ truyền thống của mình) họ nghiễm nhiên chấp nhận vai trò cai trị của thể chế đã từng biến họ thành người tỵ nạn. Nói theo kiểu bình dị, họ là những người vô tổ quốc, là những kẻ tha phương cầu thực không hơn và không kém. (cựu sinh viên Thụ Nhân Bích Thủy)
2. Vì vậy, nếu một đại hội Thụ Nhân mà người tổ chức từ chối treo lá cờ Vàng thì sẽ không có tôi. (cựu sinh viên Thụ Nhân Huỳnh Văn Của)
Thưa quý giáo sư, quý anh chị trong đại gia đình Thụ Nhân,
Vì lý do riêng, tôi đã xin tạm ngưng sinh hoạt trên hai diễn đàn Thụ Nhân. Nhưng vì tên tôi được ghi trong mục cc và nằm trong phần mở đầu "thưa các thầy cô", và vì, nhất là, vấn đề treo hay không treo, chào hay không chào lá cờ VNCH đã đụng vào tử huyệt, bình dân hơn đụng vào lò xo trong người tôi, một nạn nhân của Việt Cộng, một người tỵ nạn không đội trời chung với Cộng sản dù họ là Việt Nam, Tàu, Cuba, Bắc Hàn, tôi mạo muội có ý kiến như sau:
1) Quốc kỳ VNCH là biểu tượng cho linh hồn của quốc gia miền Nam đã mất. Là căn cước của người quốc gia tỵ nạn. Tôi bỏ nước ra đi chỉ bởi vì lý tưởng quốc gia, tự do, không chịu nổi ách thống trị của Cộng sản, chứ không phải vì đi ăn mày miếng cơm manh áo tại Mỹ, tại Pháp. Nếu chối bỏ lá cờ quốc gia, chối bỏ căn cước tỵ nạn, tôi sẽ giải thích ra sao với con cháu và thế hệ tương lai, tại sao chúng được sinh ra, có mặt tại hải ngoại? Chối bỏ lá cờ quốc gia, chối bỏ căn cước tỵ nạn, tuyên bố không làm chính trị, không phân biệt Quốc gia, Cộng sản nữa, tôi sẽ là ai, gốc gác từ đâu? Vô lẽ tôi chui lên từ đất nẻ Washington DC, Paris, Bruxelles hay Oslo? Vô lẽ tôi không khác gì con cháu, ở các Chinatowns Mỹ, của những người Tàu bị bắt đến Mỹ để làm phu đường rầy xe lửa vào thế kỷ XIX? Hay tệ hơn, vô lẽ tôi chỉ là một trong thành phần "ma cô đĩ điếm" mà một Thủ tướng Việt Cộng nọ (chính xác, Phạm Văn Đồng) đã một lần thoá mạ những thuyền nhân, trong đó có tôi, trốn chạy trối chết chúng nó (mặc nhiên công nhận ông ta nói đúng, nếu tôi chối bỏ lý lịch quốc gia trong sáng của tôi qua việc chối bỏ lá cờ vàng)?
2) Khi bỏ chạy, tôi đã mất hết, chỉ còn lý tưởng tự do, và nhất là tấm lòng chung thủy và hiếu đễ đối với miền Nam, tức nước VNCH, nơi mà tôi được sinh ra, hoặc được nhận vào từ miến Bắc trong cuộc di cư vĩ đại 1954, đã nuôi dưỡng tôi, cho tôi cơm ăn, áo mặc, cho tôi học hành đến nơi đến chốn để trở thành ông này bà nọ, hãnh diện với đời, cho tôi được tự do, kể cả tự do vinh thân phì da, kể cả tự do, ngày nay, quên ơn quên nghĩa, kể cả tự do phản bội. Lá cờ vàng là biểu tượng của nước VNCH và của tấm lòng chung thủy và hiếu đễ của những người con đối với Tổ quốc.
3) Tưởng nhớ, biết ơn nước VNCH trong phạm vi rộng lớn, đối với tôi, cũng như tưởng nhớ, biết ơn tổ tiên, ông bà, cha mẹ tôi trong phạm vi nhỏ hẹp hơn. Khi con cháu hội họp, vui chơi, ăn uống, nhảy nhót trong gia đình, trước bàn thờ tổ tiên, ông bà, cha mẹ, có đứa con đứa cháu nào đã đặt vấn đề nên hay không nên thắp một nén nhang tưởng niệm các cụ trước, rồi vui chơi sau, nên hay không nên bỏ phiếu để lấy biểu quyết thắp nhang? Treo cờ, chào cờ là một bổn phận đối với tổ quốc (đã mất), cũng như thắp nhang cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ (đã khuất) là một bổn phận, mà đã gọi là bổn phận thì còn gì để bàn cãi, bỏ phiếu lấy ý kiến?
4) Có người sẽ bảo, thắp nhang và treo cờ khác nhau. Đúng, khác nhau, bề ngoài. Dưới lăng kính nghị quyết 36. Các cộng đồng, đoàn thể, hội đoàn, kể cả tôn giáo, trường học của người Việt tỵ nạn hải ngoại, diễn đàn thân hữu, v.v... đều là đối tượng của Nghị quyết 36. Bọn lãnh đạo Việt Cộng, sau những năm thất bại, đã nâng Nghị quyết 36 lên hàng quốc sách (xin quý vị xem báo chí và tin tức internet trong nước), ra chỉ thị những tòa đại sứ và những tên nằm vùng triệt để thi hành Nghị quyết đó bằng mọi giá. Bằng cách gợi lên, với những lời đường mật, trong lòng người xa xứ nỗi nhớ quê hương, tuyển mộ nằm vùng bằng cách quẳng cho vài mẩu xương (nghĩa bóng), mời gọi những "khúc ruột ngoài ngàn dặm" (hết ma cô đĩ điếm, phản bội tổ quốc rồi, sướng nhé!) về du lịch đi (Nguyễn Minh Triết còn dụ: "gái Việt Nam bây giờ đẹp lắm..."), về làm ăn đi, xoá bỏ hận thù đi, đem tiền về xây dựng đất nước đi, cứu trợ thay cho chúng những người khốn khổ thuộc trách nhiệm của chúng, cho người ra ngoại quốc vắt cạn những con bò sữa hải ngoại, và những con bò sữa hải ngoại này đi vắt cạn những con bò sữa hải ngoại khác, đem tiền về VN phải chia tứ lục cho bọn cán bộ mới mua được cơ hội làm từ thiện, thương người, trong khi trong nước có kẻ đã sắm máy bay riêng, đi xe Rolls Royce đời mới, ở những dinh thự nguy nga, tiền hàng tỷ đô gửi trong chương mục ngoại quốc (tại sao không đến gõ cửa xin vắt sữa những con bò này?) -mà người tỵ nạn như tôi nằm mơ cũng không thấy. Bằng cách chia rẽ những người trong cộng đồng, đoàn thể, các trường Việt ngữ, cãi nhau như mổ bò về bất cứ vấn đề nào nằm trong mục thảo luận chương trình tổ chức, từ thực đơn ăn uống, mời ca sĩ nào hát nhảy đầm, cho đến việc treo hay không treo cờ VNCH. Và treo cờ hay không treo cờ mới là mục tiêu chính yếu của Nghị quyết. Một số không nhỏ đồng hương vô tình mắc bẫy Nghị quyết 36, còn số hữu tình thì được che đậy, nằm vùng rất kỹ bằng những cái cớ được nại ra, nhưng không thuyết phục.
Nói ra thì mang tiếng chụp mũ, không nói ra thì mang tiếng thụ động, ba phải, nín thở qua sông.
Tuy nhiên, VC không dám chỉ trích việc thắp nhang tưởng nhớ tổ tiên, chúng để tự do, mặc dù chúng không ngu đến nỗi không hiểu rằng treo cờ quốc gia và thắp nhang tưởng niệm tổ tiên đều giống nhau, ít ra về ý nghĩa tinh thần. Nhưng bằng mọi cách, chúng phải tiêu diệt lá cờ quốc gia, lá cờ mà có một ông thầy chùa tại Beaverton, Oregon, tên Thích Ẩn Long (những Phật tử chân chính cho ông này là sư giả, xin xem tài liệu đính theo) công khai gọi trong một buổi thuyết pháp là "lá cờ ba que". Nhưng vì bản chất gian manh, láu cá nên VC dùng mánh lới khác. Ví dụ, tôi nghe nói, chưa có bằng cớ, ở Việt Nam bây giờ, trên một số bàn thờ tổ tiên gia đình có cả hình Hồ Chí Minh, và trong chùa, nhà thờ có tượng Hồ Chí Minh ngồi bên Chúa, Phật? Nếu đúng, VC đã tương kế tựu kế, lấy gậy ông đập lưng ông, trong vấn đề thắp nhang: cho thắp, cúng tế, để tỏ ra tự do, nhưng phải có Bác hiện diện. Trong vấn đề treo cờ, tại những trường học Mỹ, chẳng hạn, chúng vận động treo cả hai cờ, VC và VNCH, như giải pháp tạm thời, trước khí thế cao độ của đồng bào tỵ nạn tại Mỹ, trong khi chờ đợi một cơ hội khác. Nhưng đồng bào tỵ nạn không chịu các trường học Mỹ treo hai cờ. Phải treo cờ VNCH mà thôi. Và không phải không có lý do mà đa số các tiểu bang, thành phố Mỹ đã công nhận, cho treo lá cờ VNCH. Họ là người ngoại quốc, không mắc nợ gì với VNCH.
Huống chi tôi là một người thọ ơn đất nước, quốc gia miền Nam?
Cuối thư, tôi xin hoàn toàn đồng ý với anh Huỳnh Văn Của và chị Bích Thủy, đặc biệt về những câu tôi đã trích ra trên từ thư của anh, chị. Tôi biết sẽ có những phản ứng, như thời gian trước đây, từ phía những anh chị không đồng quan điểm. Nhưng không sao, vì đây là xứ sở tự do, dân chủ và tôi đã quá quen với những cuộc tranh luận về chính trị, và một lần đã bị kiện vì một bài viết chống nằm vùng và VC tại Portland, vụ kiện mà tôi, sau khi tai qua nạn khỏi, vẫn thấy hãnh diện. Một điều duy nhất tôi sợ, là khi ngôn từ và phương cách, mức độ đối thoại đã vượt quá lằn ranh truyền thống phải có, dù sao, giữa thầy và môn sinh, hay ngược lại giữa môn sinh và thầy, giữa môn sinh và môn sinh.
Tôi có thể im lặng, cầu an, để yên thân, cho đến hết tuổi già, cho xong kiếp người. Nhưng không, tôi đã lên tiếng, để yểm trợ một số cựu sinh viên Thụ Nhân, có vẻ ít ỏi, đã dám viết rõ ràng, không mập mờ, hàng hai, bằng giấy trắng mực đen, lập trường "quốc gia" (tôi chưa nói "chống Cộng") vững chắc của mình, đã dám viết lên những điều mình cho là đúng. Tôi đã lên tiếng, để chứng tỏ tư cách một người tỵ nạn chân chính còn nhớ và biết ơn tổ quốc VNCH và lá cờ vàng thân yêu của tôi, lá cờ mà quân dân cán chính miền Nam đã một thời hy sinh xương máu để bảo vệ cho đến phút cuối của ngày 30/4/1975 và bây giờ còn tôn vinh, nâng niu xem như một lẽ sống, một lẽ chết, chứ không phải là một sự chọn lựa, một vấn đề mang ra để bỏ phiếu. Tôi đã lên tiếng, để vong linh những người đã chết cho tôi, vì tôi, thay tôi trước đây khỏi phải tủi hổ. Tôi đã lên tiếng, vì tôi là một người, không muốn thua những "con cá hồi" của chị Bích Thủy, hoặc không muốn là một con thò lò (hay thần giữ cửa Janus trong thần thoại cổ) hai mặt, lúc vàng lúc đỏ, hay nửa vàng nửa đỏ, hay đỏ nhiều hơn vàng, như màu áo của một Hồng Y VN khi ông qua Úc tuyên bố, đỏ vàng giống nhau.
Vả lại, vì tôi chỉ có một đời để sống. Sống không thẹn với quốc gia, với tổ tiên, cha mẹ, không thẹn với chính mình, với con với cháu mình.
Tôi dùng chữ "tôi", vì đây là ý kiến cá nhân, chứ không phải đề cao "cái tôi đáng ghét". Xin quý vị thông cảm.
Kính chào quý vị. Chúc quý vị an bình, thanh thản trong tâm hồn, và những ngày thật vui.
GS Nguyễn Kim Quý (cựu giáo sư Viện Đại Học Đà Lạt)
|