Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

Chernobyl Nhật Bản: Fukushima đánh dấu kết thúc kỷ nguyên hạt nhân
viethoaiphuong
#1 Posted : Sunday, March 20, 2011 4:00:00 PM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,291
Points: 11,028

Thanks: 758 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

Chernobyl Nhật Bản: Fukushima đánh dấu kết thúc kỷ nguyên hạt nhân


Christopher Sultan dịch từ tiếng Đức
© Bản tiếng Việt: Hiếu Tân

Truyền hình Nhật Bản đưa những hình ảnh thảm họa đến hàng triệu phòng khách trên khắp đất nước, nơi những người xem kinh hoàng nhìn thấy một vụ nổ ở một lò phản ứng hạt nhân ở Fukushima

BBT Spiegel: Nhật Bản vẫn còn đang quay cuồng trong trận động đất lớn nhất từng biết, thì một vụ nổ ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima hôm thứ Bẩy, tiếp theo là một giây thảm họa vào hôm thứ Hai. Mặc dù chính phủ bảo đảm, vẫn có một nỗi lo sợ về một Chernobyl khác. Tai nạn này đã làm bật lên một cuộc tranh cãi chính trị sôi sục ở Đức, và trông có vẻ như chấm dứt giấc mơ về năng lượng hạt nhân rẻ và an toàn.

Truyền hình Nhật Bản đưa những hình ảnh thảm họa đến hàng triệu phòng khách trên khắp đất nước, nơi những người xem kinh hoàng nhìn thấy một vụ nổ ở một lò phản ứng hạt nhân ở Fukushima.

Vụ nổ hôm thứ Bẩy thổi bay mái của tòa nhà lò phản ứng, đẩy một đám khói trắng dầy đặc lên trời. Khi khói tan, trong số bốn tòa nhà lò phản ứng màu trắng, chỉ còn nhìn thấy có ba.

Tòa nhà thứ tư chẳng còn lại gì ngoài cái vỏ trông ma quái.

Những bức tường ngoài của toà nhà lò phản ứng đã nổ tung. Lớp vỏ thép chứa các thanh nhiên liệu nóng đỏ hình như chịu được vụ nổ, nhưng thảm hoạ chính còn có thể ngăn ngừa được hay không vẫn còn là điều chưa rõ. Ngoài ra, bốn lò phản ứng hạt nhân nằm trong hai khu liên hợp phát điện Fukushima không hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát.

Vụ nổ thứ hai

Rồi sau đó, hôm thứ Hai, một vụ nổ thứ hai diễn ra ở nhà máy Daiichi, lần này liên quan đến lò phản ứng 3 của nhà máy. Vụ nổ làm bị thương 11 công nhân và và đẩy một cột khói khổng lồ lên không trung. Vẫn chưa rõ bức xạ rò rỉ trong vụ nổ này có vẻ như gây ra bởi sự tích tụ hydrogen, một nhân viên vận hành nhà máy nói rằng mức phóng xạ tại lò phản ứng vẫn còn thấp hơn các giới hạn cho phép. Hoa Kỳ phản ứng với vụ nổ ngày thứ Hai bằng cách di dời một trong những hàng không mẫu hạm của nó đang ở 100 dặm (160 km) ngoài khơi, ra khỏi khu vực này, sau khi phát hiện mức phóng xạ thấp trong vùng lân cận.

Ngay sau đó, chính phủ loan báo rằng hệ thống làm mát cho lò phản ứng số 2 của nhà máy cũng đã hư hỏng. Các vụ nổ ở các lò phản ứng 1 và 3 đã được báo trước bởi những sự cố tương tự. Hãng tin Jiji hôm thứ Hai báo cáo rằng mức nước ở lò phản ứng số 2 đã tụt xuống sâu đến mức đủ để lộ ra một phần các thanh nhiên liệu.

Các hình ảnh trên ti vi vào dịp cuối tuần qua không để cho ai nghi ngờ gì nữa: quốc đảo tiên tiến này rõ ràng đã trải qua thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất cho đến ngày hôm nay trong thế kỷ 21, do trận động đất khủng khiếp nhất trong lịch sử Nhật Bản gây ra.

Một thời gian ngắn sau vụ nổ ngày thứ Bẩy, Chánh Thư ký Nội các Yukio Edano xuất hiện trên kênh truyền hình chính để nói về tai nạn này – theo cách một thầy giáo nói với học trò của mình trong một chuyến đi của lớp về những việc họ sẽ làm sau đó. Rồi một chuyên gia về nhà máy điện hạt nhân, tóc hoa râm cùng với Edano kêu gọi dân chúng duy trì "reisei", hãy yên tâm và bình tĩnh.

Reisei, reisei: Cứ như thể chính phủ lo lắng về việc làm nguội những cái đầu của các công dân Nhật Bản hơn là những thanh nhiên liệu hạt nhân đã nóng chảy một phần.

Được khuyên ở trong nhà

Khi lò phản ứng nổ ở Chernobyl cách đây một phần tư thế kỷ, Liên Xô ngay lập tức đưa hàng nghìn công nhân đến để lấp cát và bọc chì các lõi lò phản ứng bị quá nhiệt. Cuối cùng gần như cả một triệu người tham gia vào đảm bảo an toàn cho lò phản ứng này. Nhưng lúc đó Liên Xô không phải đồng thời đối phó với các hậu quả của một trận động đất và một cơn sóng thần.

Những cố gắng của cảnh sát Nhật Bản sơ tán một khu vực rộng lớn xung quanh lò phản ứng có vẻ điên rồ hơn là bình tĩnh. Hàng ngàn người chạy xuống miền nam bằng ô tô riêng.

Trước hết, khó mà đánh giá mức độ nguy hiểm của phóng xạ trong vùng kế cận với lò phản ứng. Các chuyên gia tại chỗ báo cáo rằng mức phóng xạ đo được gần lò phản ứng là một sievert[1] trên giờ. Đây là một mức cao, nhưng không thể so sánh với mức 200 sievert trên giờ mà một số công nhân trực sự cố ở Chernobyl bị phơi nhiễm.

Trong một vụ phóng xạ phát ra từ lõi lò phản ứng bị chảy tan, nhiều chất phóng xạ khác nhau trong đó có plutonium và uranium, và các chất nguy hiểm iodine 131 và cesium 137, cũng làm ô nhiễm môi trường xung quanh Chernobyl. Đã có xác nhận rằng ít nhất một lượng nhỏ cesium cũng đã thoát ra ở Fukushima. Vào thứ Bẩy, Bộ trưởng Ngoại giao Đức, Guido Westerwelle, lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do (FDP) đã khuyên những người Đức nên rời khỏi các vùng bị ảnh hưởng của sóng thần và sự cố hạt nhân.

Một người phát ngôn của chính phủ Nhật Bản khuyên các công dân nên ở trong nhà, tắt máy điều hòa nhiệt độ và nếu cần, áp một chiếc khăn mặt ướt lên miệng. Tất cả những cái đó là dấu hiệu cho thấy phản ứng của một đất nước công nghiệp hóa đã vô vọng đến mức nào vào những giờ đầu tiên sau sự cố.

Thái độ ngạo mạn

Sự kiện là Nhật Bản, nước đã có thời được coi là thần kỳ kinh tế, đang đứng trên bờ vực của một thảm họa hạt nhân có thể phá hủy nền công nghiệp hạt nhân nhiều hơn so với thảm họa lò từ phản ứng của Liên Xô ở Chernobyl cách đây một phần tư thế kỷ.

Mọi người đều biết, nước Nhật nằm trong khu vực có động đất, khiến nó dễ gặp nguy cơ hơn nhiều so với các nước như Đức và Pháp. Nhưng Nhật bản tình cờ cũng là nước công nghiệp hàng đầu, một nước mà các kỹ sư được đào tạo tốt, nghiêm cẩn đến mức mô phạm đã chế tạo ra những chiếc xe hơi tối tân nhất và có độ tin cậy cao nhất thế giới.

Khi sự cố Chernobyl xảy ra, công nghiệp hạt nhân Đức cố gắng tự thuyết phục mình và các công dân Đức, rằng đó là tại các lò phản ứng già nua và các kỹ sư kém cỏi, cẩu thả của Đông Âu. Các lò phản ứng của Tây Âu, hay là nền công nghiệp khẳng định thế, là hiện đại hơn, được bảo dưỡng tốt hơn và đơn giản là an toàn hơn.

Bây giờ đã rõ cái thái độ tự tin ấy ngạo mạn như thế nào. Nếu một tai họa tầm cỡ ấy có thể xảy ra ở Nhật Bản, thì nó cũng có thể xảy ra dễ dàng như thế ở Đức. Chỉ cần có một chuỗi những tình huống tai hại thích hợp. Fukushima là bất cứ nơi nào.

Ngày 11/9 của công nghiệp hạt nhân

Có vẻ như từ nay trở đi các nhà chính trị và các nhà khoa học sẽ có cái nhìn hoài nghi hơn về năng lượng hạt nhân. Đây là bằng chứng theo cách tranh luận công khai Bộ trưởng Môi trường Đức Norbert Röttgen, một thành viên của Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo trung hữu (CDU) của Thủ tướng Angela Merkel, phản ứng khi ông nghe nói về vụ nổ tại một lò phản ứng owr đầu bên kia của thế giới. Hôm thứ Bẩy, Röttgen nói với vợ ông rằng đây là "một sự kiện làm thay đổi tất cả." Họ cảm thấy nhớ lại ngày 11/9, ngày khủng bố tấn công New York và Washington.

Một mối nguy trực tiếp đối với Đức có thể "được loại trừ trên thực tế," Röttgen nói thêm rằng điều quan trọng nhất bây giờ là "thể hiện thông cảm với Nhật Bản, làm rõ tình hình và giúp đỡ." Thủ tướng Merkel đã triệu tập một cuộc họp khủng hoảng tối thứ Bẩy.

Röttgen phản ứng giận dữ với cuộc tranh luận mới về hạt nhân diễn ra ở Đức vào cuối tuần qua. "Tôi cảm thấy đây là việc không cần thiết trong tình hình này, và thật sự là không đúng lúc," ông nói. Bản thân Röttgen không muốn bình luận về những hậu quả đối với kế hoạch kéo dài tuổi thọ của các nhà máy điện hạt nhân ở Đức, gọi nó là một "cuộc thảo luận chính trị vào thời gian khác."

Vấn đề các nhà máy điện hạt nhân của Đức nên duy trì hoạt động bao lâu nữa đã là chủ đề của một cuộc tranh cãi sôi nổi mấy năm gần đây. Tháng Mười năm ngoái, quốc hội Đức đã nhất trí kéo dài tuổi thọ của 17 nhà máy điện hạt nhân của đất nước, thật sự lật ngược kế hoạch loại bỏ từng bước điện hạt nhân đã được nhất trí dưới thời chính phủ Gerhard Schröder, người tiền nhiệm của Merkel. Theo luật mới, các nhà máy này sẽ tiếp tục hoạt động thêm một thời gian trung bình 12 năm mỗi cái, có nghĩa là nhà máy điện hạt nhân cuối cùng của Đức nay sẽ được trù tính đóng cửa vào năm 2035, chứ không phải năm 2021 là hạn chót như chính quyền Schröder dự kiến.

Tuy nhiên đạo luật này cũng có thể bị lật lại: năm bang do đảng Dân chủ Xã hội trung tả kiểm soát gần đây đã đưa ra khiếu nại với Tòa án Hiến pháp Đức chống lại việc kéo dài thời gian hoạt động của các nhà máy này.

Vận động trên một hành lang Chống-Hạt nhân

Đảng Xanh tất nhiên không đồng ý với đánh giá của Röttgen rằng đây không phải lúc nói về năng lượng hạt nhân ở Đức. Họ thấy thảm họa hạt nhân Nhật Bản là một dịp để thảo luận một trong những vấn đề cốt lõi truyền thống của họ với độ mãnh liệt mới. Những cuộc bầu cử quan trọng sắp diễn ra tại các bang tây nam Baden-Württemberg và Rhineland-Palatinate. Gần đây, Đảng Xanh đã không thành công lắm trong các cuộc điều tra dư luận. Bây giờ nó sẽ vận động trên một hành lang chống hạt nhân, đặc biệt khi Stefan Mappus (CDU) Thống đốc bang Baden-Württemberg là một người ủng hộ mạnh mẽ điện hạt nhân. Thomas Strobl, tổng thư ký CDU ở bang này, đã sẵn sàng lập kế hoạch tiến lên, nói rằng "Chúng ta không nên tiến hành một chiến dịch bầu cử trên sự đau khổ của người Nhật."

Đảng Xanh không bị ấn tượng với những lời nói hoa mỹ đó. Jürgen Trittin, cựu bộ trưởng môi trường và là nghị sĩ lãnh đạo của đảng Xanh ở Bundestag, cảm thấy chính đáng trong nỗi hoài nghi của ông về điện hạt nhân. "Ngay cả một nước có công nghệ tiên tiến hiện đại như Nhật Bản cũng không miễn nhiễm với nguy cơ phóng xạ. Điều này cũng áp dụng đối với Đức, tại đây chúng ta thậm chí còn kéo dài tuổi thọ của các lò phản ứng hạt nhân cực kỳ mất an toàn như Neckarwestheim," Trittin nói. Ông chỉ ra rằng tai nạn ở Nhật Bản cũng chứng tỏ rằng việc kéo dài tuổi thọ [các lò phản ứng] là vô trách nhiệm.

Renate Künast, người cùng với Trittin là lãnh đạo nhóm nghị sĩ của Đảng Xanh, bổ sung: "Các nhà máy điện hạt nhân không nên đặt tại những vùng đông dân cư, và phải chắc chắn không nằm trong vùng động đất. Điều này cũng áp dụng cho cả Đức nữa. Neckarwestheim chẳng hạn, không chịu được động đất."

Volker Kauder, lãnh đạo đảng CDU và đảng anh em Bavarian của nó là Liên minh xã hội Thiên chúa giáo (CSU) – trong quốc hội ở Bundestag, đã nói rõ rằng hai đảng sẽ tiếp tục ủng hộ kéo dài tuổi thọ, bất chấp tai nạn ở Fukushima. Phó trưởng đoàn nghị sĩ của đảng Michael Fuchs đồng ý: "Nhật bản có kiến tạo địa chất hoàn toàn khác Đức. Tai nạn ở đó không gieo nghi ngờ lên việc kéo dài tuổi thọ của các nhà máy điện hạt nhân ở đây."

Vấn đề then chốt ở Đức

Đây là một lý lẽ cũ nhưng liệu nó có thể được duy trì liên tục không thì còn phải xem. Cho đến nay, ngành công nghiệp này, CDU/CSUvà FDP đã khăng năng nói rằng các nhà máy điện hạt nhân của Đức an toàn và Đức có thể tin cậy ở các kỹ sư của mình. Nhưng cũng chính điều này đã luôn là đúng ở Nhật Bản. Các kỹ sư của nó có tiếng là giỏi ngang với kỹ sư Đức, khi nó chế tạo mọi thứ, từ ô tô đến nhà máy điện hạt nhân. Như vậy nếu Nhật Bản không thể tin tưởng vào việc xây dựng các lò phản ứng có thể hoạt động một cách an toàn, thì nói gì đến Đức?"

Ít có vấn đề nào khác có tác động mạnh đến lịch sử nước Đức sau chiến tranh như vấn đè điện hạt nhân. Và hiếm có nước nào khác phản ứng nhậy bén như thế với nguy cơ ô nhiễm hạt nhân. Đây là một trong những lý do mà Đức phải thành lập một đảng chống hạt nhân, Đảng Xanh, từ đó đã cắm rễ vững chắc vào hệ thống chính trị.

Đức cũng có địa lý chống đối với điện hạt nhân trong đó có các vị trí như Brokdorf, Kalkar, Wackersdorf và Gorleben, tên của chúng đã trở thành biểu tượng của cuộc tranh luận này. Xã hội công dân Đức đã phát động những trận đánh lớn chống lại vũ khí hạt nhân, bình thường bằng lời lẽ nhưng đôi khi bằng cả dùi cui, đá, súng phun nước và lựu đạn.

Chống đối thậm chí đã trở thành cách sống của một số người, giống như những nhà hoạt động đã lập nên "nước Cộng hòa Tự do Wendland" vắn số vào năm 1980 gần một bãi chôn chất thải ở Gorleben ở Bắc Đức. Phong trào này thậm chí đã đặt ra khẩu hiệu "schottern" nhắc đến hành động phá hoại chống việc vận chuyển chất thải hạt nhân."

Khởi động lại phong trào chống hạt nhân

Khi Đảng Xanh hình thành một chính phủ liên minh với đảng Xã hội Dân chủ (SPD) trung tả năm 1998, nó đã đặt việc loại bỏ từng phần hạt nhân thành ưu tiên cao nhất, với mục tiêu ngừng hoạt động tất cả các lò phản ứng vào năm 2021. Nhưng khi liên minh CDU/CSU/FDP lên nắm quyền năm 2009, nó bắt đầu bàn đến việc kéo dài tuổi thọ các nhà máy đó. Chính phủ sợ thiếu điện nghiêm trọng nếu các lò phản ứng bị ngừng, và gánh nặng chuyển sang các nguồn năng lượng tái sinh. Ngoài ra, các chính khách trong chính phủ mới lo sợ khả năng đảo ngược đạo luật bị ghét mà SPD/Đảng Xanh đã ban hành trước khi rời chức vụ.

Nhưng chính sự quay ngoắt này đã tạo ra sự ủng hộ mới cho phong trào chống hạt nhân. Khoảng 12.000 người đã tham gia vào chuỗi xích kết bằng người giữa Brunsbüttel và các nhà máy điện hạt nhân Krümmel gần Hamburg. Những mối lo cũ về sự thiếu kiểm soát nguồn năng lượng này đã nổi lên lại.

Liên minh CDU/CSU bị chia rẽ trên chủ đề này. Một bộ phận lớn của nhóm nghị sĩ quốc hội do Volker Kauder ủng hộ việc kéo dài tuổi thọ thêm 15 năm hoặc hơn, trong khi Bộ trưởng Môi trường Röttgen muốn dừng ở 10. Hai phe thỏa thuận 12 năm. Chính phủ quyết định đẩy sang luật mà không dính đến Thượng viện (Bundesrat), bởi vì các đảng liên minh thiếu một đa số ở đó. (Bình thường Bundesrat phải thông qua bất kỳ luật nào tác động đến thẩm quyền của 16 bang nước Đức) Tòa Hiến pháp Liên bang Đức nay đang chờ để xét xem liệu quan điểm của chính phủ có phù hợp với hiến pháp Đức hay không. Cả quá trình này cũng mới được tiếp thêm sinh lực để đối phó với áp lực do thảm họa ở Nhật Bản gây ra.

Trong quá khứ, một đa số người Đức có thể được động viên nhanh chóng để chống năng lượng hạt nhân tại bất cứ nơi nào có lý do để làm thế. Fukushima là một lý do quan trọng, và nó sẽ tạo ra một ấn tượng sâu sắc lên cuộc tranh cãi của Đức. Các đảng ủng hộ hạt nhân, CDU, CSU và FDP sẽ phải đương đầu với những lý lẽ mới để biện hộ cho việc kéo dài tuổi thọ các lò phản ứng. Đảng Xanh có thể tăng thêm thanh thế, và SPD trước đây đã có lần ủng hộ điện hạt nhân nhưng sau đó đã quay ngược chính sách của mình, có thể sẽ tách ra khỏi cuộc tranh cãi mà nó thiếu khả năng thuyết phục.

Thủ tướng Merkel cũng thấy trong vấn đề này bản thân bà hơi thiếu tính quyết đoán mà bà đã có trong nhiều cuộc tranh luận khác. Là một nhà vật lý, bà có niềm tin tự nhiên vào khoa học hạt nhân, và do đó, vào công nghiệp hạt nhân. Nhưng là một chính khách bà biết rằng ủng hộ điện hạt nhân là một lập trường không được lòng dân ở Đức. Kết quả, bà sẽ giữ một lập trường khiêm tốn, và để một con mắt vào cuộc chống đối mạnh trong dân chúng, thận trọng mô tả điện hạt nhân như một "công nghệ bắc cầu" đến tương lai dựa trên năng lượng tái sinh, một công nghệ hiện tại được chấp nhận nhưng ít có ý nghĩa lâu dài.

Đếm ngược thời gian đến một Thảm họa Hạt nhân

Khi động đất xảy ra, máy móc phản ứng nhanh hơn bất cứ con người nào. Các cảm biến seismic ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi ngày thứ Sáu đã dò ra những sóng chấn động phá hủy chỉ trong vài giây. Hai phút sau, vào 2:48 chiều theo giờ địa phương, hệ thống điều khiển lò phản ứng đã kích khởi quy trình tự động dừng nhanh của ba lò phản ứng lúc đó đang hoạt động.

Ban đầu mọi việc đều trôi chảy. Trong vài giây, các thanh kiểm soát được đưa vào giữa các thanh nhiên liệu, nhờ đó cắt đứt phản ứng hạt nhân dây chuyền. Đó chính là cách hoạt động đúng của hệ thống. Nhưng sau đó xảy ra một chuyện nghiêm trọng, khởi sự một quá trình đếm ngược đến một thảm họa hạt nhân.

Ngay cả sau khi dừng khẩn cấp, một lò phản ứng hạt nhân vẫn còn sản ra một lượng nhiệt rất lớn khi các chất phóng xạ được tạo ra trong quá trình phân rã hạt nhân tiếp diễn. Trừ khi các kỹ sư tiếp tục làm nguội lò phản ứng trong nhiều ngày sau khi nó ngừng hoạt động, sẽ xảy ra hiện tượng lõi lò phản ứng chảy tan, như trong trường hợp nhà máy hạt nhân Three Mile Island gần Harrisburg, bang Pennsylvania, và ở Chernobyl.

Để phòng ngừa hiện tượng này xảy ra, các bơm nước tiếp tục bơm qua hệ thống làm mát ở Fukushima Nhưng sau đó lưới điện sụp, do kết quả của trận động đất. Các máy phát dự phòng lúc đó bắt đầu hoạt động.

"Giống như Lái một chiếc xe không có Động cơ"

Mỗi lò phản ứng có ba hay bốn máy phát điện diesel. Nhưng khi sóng thần đến, các máy phát điện trong hai lò phản ứng ở Fukushima bị hỏng. Toàn bộ khu vực nhà máy điện bị ngập lụt.

Cuối cùng các kỹ sư đã cố gắng kết nối được bộ ắc quy dự phòng sự cố với hệ thống. Nhưng các ắc quy này chỉ được thiết kế để bắc cầu qua một khoảng thời gian vài phút, chẳng hạn, để có thể chuyển mạch cung cấp điện từ lưới điện sang một nguồn nội bộ. Những nguồn điện yếu này đã ngăn chặn thành công một thảm họa hạt nhân sát sạt vào tối thứ Sáu.

Đó là một hành động liều lĩnh, "giống như cố gắng lái một chiếc ô tô không có động cơ mà chỉ dùng ắc quy" Michael Sailer nói, (ông là Giám đốc điều hành của Viện Öko có cơ sở ở Freiburg và nhiều năm là chủ tịch Ủy ban An toàn Lò phản ứng hạt nhân của Đức). "Ắc quy hoàn toàn là một cố gắng một mất một còn," Lothar Hahn, cựu giám đốc của Hội An toàn Lò phản ứng nói.

Trong khi các kỹ sư Nhật đang vật lộn chiến đấu để ngăn chặn thảm họa đang lù lù hiện đến, thì các chuyên gia an toàn lò phản ứng trên khắp thế giới đang ngồi trước máy tính và theo dõi tiến trình của phản ứng hạt nhân dây chuyền trong nỗi khiếp sợ. Họ gửi e-mail cho nhau, gọi điện thoại và thảo luận trong các diễn đàn chuyên môn kín. Hầu như không có thông báo chính thức, nhưng họ tất cả họ đều có liên lạc với các chuyên gia ở Nhật Bản. "Tình hình là vô cùng nghiêm trọng," Hahn kết luận ngay khi biết rằng hệ thống làm mát đã hỏng. "Nếu điều này tiếp tục, trong trường hợp xấu nhất, chúng ta sẽ thấy một vụ lõi lò phản ứng chảy tan" (mà kết quả là phóng xạ), một nhân viên của cơ quan năng lượng hạt nhân Nhật Bản thú nhận tối thứ Sáu.

Rõ ràng đây chính xác là điều đã xảy ra. Bởi vì các bơm làm mát không làm việc do mất điện, mức nước tụt xuống trong thùng phản ứng. Các thanh nhiên liệu theo báo cáo là chỉ còn ngập một nửa trong nước làm mát, nhô lên khỏi mặt nước đến một mét. Kết quả là, chúng bị phá hủy một phần và trở nên quá nhiệt, đúng như một bộ gia nhiệt ngâm nước có thể trở nên quá nhiệt khi bị lấy ra khỏi nước.

Cuộc chiến đấu vô vọng

Trong sự tuyệt vọng, những người có thẩm quyền cho phép phóng có kiểm soát luồng hơi nước bị ô nhiễm phóng xạ ra môi trường. Mức phóng xạ bên trong nhà máy tăng lên 1000 lần giá trị bình thường, và phóng xạ trong cả khu vực nhà máy cũng tăng cao.

Các báo cáo cho biết áp suất trong thùng chứa lò phản ứng trong Tổ máy số 1 đã tăng lên sáu lần áp suất khí quyển, dường như báo trước thảm họa sắp xảy đến, bởi vì vỏ bảo vệ của lò phản ứng chỉ có thể chịu được một áp suất đến tám lần áp suất khí quyển.

Tình hình ở Fukushima đột ngột leo thang vào đêm thứ Sáu tuần trước. Chuyên gia hạt nhân Sailer so sánh tình hình này với "một bộ phim thảm họa" khi các kỹ sư chiến đấu tuyệt vọng giành lại được kiểm soát các lò phản ứng. Cuối cùng, nó rõ ràng là một cuộc chiến đấu vô vọng.

Các thanh nhiên liệu đã nóng chảy, ít ra là một phần và rõ ràng chỉ còn lại lớp vỏ thép của thùng chứa lò phản ứng và lớp cách ly, ngăn ngừa các chất phóng xạ mạnh nhất khỏi phóng thoát. Tối thứ Bẩy theo giờ địa phương, những người vận hành nhà máy tuyên bố rằng họ có ý định đưa nước biển vào làm ngập các lò phản ứng, đó là cố gắng một mất một còn để ngăn các thùng phản ứng khỏi nóng chảy. "Về cơ bản họ đang cố gắng để nhấn chìm lò phản ứng" chuyên gia hạt nhân Mycle Schneider, người biên soạn "Báo cáo thường niên về tình hình công nghiệp hạt nhân thế giới"nói.

Tiếng vọng của Three Mile Island

Tai nạn Fukushima giống như những gì đã xảy ra ở nhà máy điện hạt nhân Three Mile Island gần Harrisburg, bang Pennsylvania năm 1979. Vào buổi sáng 28 tháng Ba năm 1979, một chiếc van bị kẹt và nhiều sai lầm trong vận hành dẫn đến thất thoát một lượng lớn chất lỏng khỏi hệ thống làm mát cho lò phản ứng thứ hai của nhà máy.

Một trình dừng máy tự động khẩn cấp làm ngưng phản ứng dây chuyền trong lõi lò phản ứng, giống như trong trường hợp ở Nhật Bản tuần trước. Nhưng việc mất nước làm mát dẫn đến tăng nhiệt lượng thừa từ vật liệu của lõi, làm nóng chảy một số vật liệu. Các chất khí phóng xạ thoát ra môi trường, và các chuyên gia mất năm ngày để lấy lại kiểm soát lò phản ứng.

Sự cố Harrisburg là thảm họa lò phản ứng đầu tiên phát ra toàn thế giới những câu hỏi về độ an toàn của năng lượng hạt nhân. Nhưng chỉ sau thảm họa Chernobyl – sắp tới kỷ niệm lần thứ 25 của nó – nhiều nước mới quay lưng lại với loại công nghệ có tính mạo hiểm cao này.

Di sản chết người

Lõi hạt nhân của một trong những lò phản ứng của Chernobyl cũng chảy tan vào cái ngày định mệnh ấy, ngày 6 tháng Tư năm 1986. Thật trớ trêu, đúng vào lúc thanh tra an toàn thì những người vận hành mất kiểm soát lò phản ứng số bốn của nhà máy điện hạt nhân Chernobyl ở gần thành phố Pripyat thuộc Ukrain ngày nay.

Do kết quả của nhiều lỗi vận hành khác nhau, đầu ra của lõi lò phản ứng tăng lên khoảng 100 lần công suất định mức của nó. Lượng nhiệt cực lớn do nó sinh ra phá hủy các kênh dành cho các thanh kiểm soát lò phản ứng, xóa đi đúng cái cơ cấu quan trọng nhất để đề phòng một vụ nổ hạt nhân. Một loạt phản ứng hóa học tai hại dẫn đến tích tụ một hỗn hợp các chất khí gây nổ bên dưới mái nhà của thùng áp suất lò phản ứng, khiến nó cuối cùng bùng cháy.

Khi mái bê tông 1000 tấn của thùng áp suất bị thổi bay lên không trung, lõi lò phản ứng bắt lửa. một lượng lớn chất phóng xạ, như iodine 131 và cesium 137, được phóng thoát ra không khí và tản ra trên một bộ phận lớn khắp lãnh thổ phía tây Liên Xô và Tây Âu.

Bụi phóng xạ rơi xuống khoảng 200.000 ki lô mét vuông đất. Vì chính phủ Liên Xô không muốn thừa nhận thảm họa trong nhiều ngày, một khoảng thời gian quý báu mất đi cho những nhiệm vụ như sơ tán thành phố Pripyat gần kề. nhiều công nhân vệ sinh, được biết dưới cái tên "những người thanh toán" bị phơi ra trước phóng xạ liều lượng cao trong mấy ngày đầu tiên. Tỷ lệ mắc ung thư tuyến giáp tăng vọt trong vùng xung quanh nhà máy trong nhiều năm. Vỏ bê tông cách ly được vội vã xây lên quanh lò phản ứng bắt đầu nứt rạn và vỡ vụn.

"Di tích lịch sử"

Tai nạn lò phản ứng ở Ukraine là do sai lầm của con người. Fukishima bây giờ có thể coi như một cảnh báo rằng các lò phản ứng hạt nhân không thể được bảo vệ một cách tuyệt đối chắc chắn chống lại những lực lượng thiên nhiên, đặc biệt đối với những nhà máy già nua như Fukushima.

Lò phản ứng hạt nhân Nhật Bản là một "di tích lịch sử," Shaun Burnie, một chuyên gia hạt nhân Anh làm việc cho Greenpeace, người rất thông thạo các lò phản ứng trên ờ biển miền đông Nhật Bản nói.

Burnie đã đến thăm các lò phản ứng Fukushima nhiều lần và đã thường xuyên đến làm việc ở Nhật Bản. Các lò phản ứng số 1 và 2 tại Fukushima Daiichi được đưa vào hoạt động vào đầu những năm 1970, khi các tiêu chuẩn an toàn lỏng lẻo hơn nhiều so với ngày nay. Chúng được chế tạo khi Volkswagen đang chế tạo Beetle của nó không có đai an toàn, túi không khí và đệm đầu. Lò phản ứng nổ hôm thứ Bẩy thật ra đã có kế hoạch cho ngừng nay mai.

Vì việc xây dựng mới các nhà máy điện hạt nhân đắt tiền và khó bảo vệ về phương diện chính trị, lợi ích về năng lượng tại nhiều nước đang thuyết phục các chính phủ thông qua việc kéo dài thời hạn sử dụng nhiều hơn so với thời hạn theo kế hoạch đối với các lò phản ứng Đức. Tuy nhiên, sự tái sinh các nhà máy điện già nua này ngày nay đang tỏ ra là một trò chơi nguy hiểm.

Cơ hội nâng cấp bị hạn chế

Những người vận hành nhà máy đang cố gắng duy trì hoạt động của các lò phản ứng của họ vượt quá thời hạn sử dụng thiết kế ban đầu là 40 năm. Hoa Kỳ đã gia hạn giấy phép cho các nhà máy hạt nhân thêm 20 năm, các nước châu Âu đang làm theo. Nhưng công ngệ an toàn trong các nhà máy cũ hơn chỉ có thể nâng cấp trong một phạm vi hạn chế.

Mười một lò phản ứng ở Nhật bản đã phải ngừng hoạt động trong ngày động đất. Năm lò ở trong tình trạng khẩn cấp vì không thể làm mát thích hợp. "Đây là một sự kiện đáng buồn. Công nghiệp hạt nhân quốc tế đã cố gắng để trì hoãn sự kết liễu của nó bằng cách kéo dài thời hạn sử dụng," chuyên gia hạt nhân Mycle Schneider nói. "Các hệ thống cổ lỗ ở Fukushima nay đã minh họa cho những hậu quả đó. Nền công nghiệp [hạt nhân] sẽ không sống sót qua sự kiện này."

Burnie cũng có quan điểm tương tự. "Trong một nghìn năm nữa bạn cũng không thể có giấy phép cho Fukushima hôm nay," ông nói. Trong các lò phản ứng nước sôi thế hệ hai vẫn còn đang được sử dụng trong nhà máy này, các thanh nhiên liệu nổi trực tiếp trong thùng phản ứng. Đức cũng có những nhà máy hạt nhân cùng loại, bao gồm nhà máy Brunsbüttel ở bang miền bắc Schleswig-Holstein. Trước hết, Burnie nói, độ an toàn trong động đất chỉ có thể cải thiện đến một mức độ nhất định. "Nền móng gồm hàng nghìn tấn bê tông. Đó là cái không thể nâng cấp."

Việc Tái sinh Điện Hạt nhân Toàn cầu đang bị Đe dọa

Các lò phản ứng ở Fukushima Daiichi được đặt sát bờ biển, cách thành phố Sendai khoảng 50 km, đã bị tàn phá trong trận động đất. Hầu như tất cả 55 nhà máy điện hạt nhân của Nhật Bản đều được xây dựng gần biển, bởi vì chúng cần một nguồn lớn nước làm mát chắc chắn để hoạt động. Nhưng chính điều đó lại khiến cho chúng rất dễ bị phá hủy trong những cơn sóng thần.

Sau khi cơn sóng thần khổng lồ của Ấn Độ Dương tấn công Đông Nam Á năm 2004, các nhà điều phối hạt nhân và những người vận hành nhà máy nhận ra nguy cơ đối với các nhà máy điện hạt nhân. Cơn sóng thần đó làm ngập các bơm làm mát cho một lò phản ứng ở Nhà máy Điện Nguyên tử Madras ở Ấn Độ, nhưng những người vận hành đã dừng được lò phản ứng vừa kịp đúng lúc để ngăn ngừa một tai nạn. Cơn sóng đó cũng tràn ngập một vị trí xây dựng gần kề với một lò phản ứng tái sinh, nơi người Ấn Độ cũng có ý định sản xuất vật liệu nổ plutonium. Nhưng rõ ràng là những người vận hành Ấn Độ chưa học được nhiều từ cơn sóng thần 2004. Sau khi khu vực đó được xả, họ lại tiếp tục xây một lò phản ứng vẫn ở vị trí đó.

Trong một ý đồ tích cực hơn, Cơ quan Nguyên tử Năng Quốc tế (IAEA) cách đây hai năm đã thiết lập Trung tâm Ân toàn Seismic Quốc tế. Trung tâm này tạo một diễn đàn cho các chuyên gia trao đổi thông tin và đề ra những tiêu chuẩn cao nhất có thể có. Nhật Bản được coi là một trong những nước thành viên tích cực nhất, và như vậy là có lý do. Đây không phải là lần đầu tiên động đất đã đe dọa sự an toàn của các nhà máy điện hạt nhân của Nhật. Năm 2007 chẳng hạn, một trận động đất mạnh 6,8 độ Richte đã làm rung chuyển bờ biển phía tây Nhật Bản. Tâm động đất chỉ cách Kashiwazaki-Kariwa, một tổ hợp 7 lò phản ứng, 16 km và là nhà máy điện hạt nhân lớn nhất thế giới. Sau đó đã phát hiện ra rằng một trong những thanh điều khiển đã bị kẹt.

Lớn hơn dự kiến

Trận động đất năm 2007 cũng mạnh hơn nhiều so với các kỹ sư dự tính. Thật ra, nó mạnh hơn hai lần rưỡi so với một trận động đất mà lò phản ứng này theo thiết kế có thể chịu được. Ngày nay nó được đưa trở lại hoạt động sau khi đã được nâng cấp. Cùng một cơ quan vận hành, Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) sở hữu cả hai nhà máy, Fukushima và Kashiwazaki-Kariwa.

Nhiều chuyên gia hạt nhân của TEPCO, một phần vì lịch sử của nó. Một xì căng đan làm rung chuyển tín nhiệm của công chúng vào công ty này cách đây 10 năm, khi TOPCO bị phát giác đã xoay sở giả mạo các báo cáo về cuộc thử nghiệm rò rỉ được thực hiện trong các đợt thanh tra an toàn trong các nhà máy điện hạt nhân của họ.

Kết quả của các xì căng đan của TEPCO các công dân Nhật Bản ngày càng mất tin tưởng vào chính phủ của họ và công nghệ hạt nhân. Nhật Bản đã phát ra khoảng một phần ba điện năng từ điện hạt nhân và phụ thuộc vào các lò phản ứng ngang với Pháp.

Sau trận động đất năm 2007, những người vận hành một nhà máy tái chế nhiên liệu ở Rokkasho-Mura được yêu cầu nâng cấp tổ hợp, lúc đó đang tiến hành chạy thử. Việc nâng cấp đòi hỏi phải tăng gần gấp đôi chi phí cho dự án, dẫn đến một tổng chi phí lên đến hơn 20 tỷ $ – cho thấy để đảm bảo an toàn chống động đất tốn kém như thế nào.

Sau trận sóng thần tuần qua, cũng có mất điện ở các cơ sở hạt nhân Rokkasho, và nhiều giờ sau động đất an toàn của nhà máy rõ ràng phụ thuộc hoàn toàn vào hoạt động của các động cơ diesel.

Giành đất

Liệu tai nạn ở Fukushima có tác động đến việc bùng nổ xây dựng các nhà máy điện hạt nhân ở châu Á hay không vẫn còn phải chờ xem. Điện hạt nhân hiện nay đang trải qua một đợt hồi sinh trên toàn thế giới, là điều không tưởng tượng nổi trong những năm liền sau Chernobyl.

Những nền kinh tế đang lớn nhanh ở châu Á, Trung Hoa, Nam Triều và Ấn Độ cũng như Nga và Hoa Kỳ, một lần nữa lại đang trông cậy từ điện hạt nhân. Sự hồi sinh này là kết quả của cả tình trạng đói năng lượng trầm trọng trong những nền kinh tế mới nổi và cuộc tranh cãi về ô nhiễm khí các bô nic đang là một lo ngại toàn cầu.

Theo IAEA, 29 nước hiện nay đang vận hành 442 lò phản ứng, tạo ra một tổng công suất 375 gigawatt điện. 65 nhà máy khác hiện đang được xây dựng trên khắp thế giới. Bây giờ khi nhiều người tin rằng biến đổi khí hậu đã thế chân thảm họa hạt nhân làm mối đe dọa lớn nhất đối với loài người, công nghệ hạt nhân, với lượng khí thải CO2 thấp, một lần nữa lại giành được ưu thế.

Chẳng hạn Thụy Điển từ lâu đã được coi như một tấm gương về cách thức từ bỏ từng bước năng lượng hạt nhân. Tuy nhiên, vào giữa năm ngoái, quốc hội Thụy Điển đã đảo ngược quyết định giã từ năng lượng hạt nhân từ 30 năm trước. Luật mới có thể cho phép xây dựng đến 10 nhà máy mới, thay thế các nhà máy Forsmark, Ringhals và Oskarshamn đã cũ.

Ở Hoa Kỳ, trong ba thập niên không có dự án xây mới lò phản ứng nào được xúc tiến. Năm ngoái, Tổng thống Barack Obama quyết định dành hàng tỷ đô la trong quỹ bảo đảm cho vay của liên bang cho hai tổ hợp ở Georgia. Một dự án ở Nam Carolina đang được tiến hành xây dựng.

Trung Hoa có 27 địa điểm xây dựng hạt nhân, trong khi Nga hiện đang xây dựng 11 lò phản ứng mới. Moscow thậm chí có kế hoạch xây dựng những lò phản ứng nổi, nhỏ để cung cấp điện ở vùng Bắc Cực nước Nga.

Kết thúc giấc mơ năng lượng rẻ

Tuy nhiên, trước hết, ngày càng nhiều nền kinh tế mới nổi, và ngay cả các nước đang phát triển quan tâm đến công nghệ hạt nhân. "Chúng tôi dự tính có từ 10 đến 25 nước mới đưa nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của họ vào hoạt động vào năm 2030," Tổng Giám đốc IAEA Yukiya Amano nói. Theo ông Amano, tổng số 65 nước, trong đó riêng ở châu Phi có 21 nước, đã tỏ ra quan tâm đến công nghệ này".

"Dự báo hiện thời cho biết thế giới sẽ tăng tiêu thụ năng lượng toàn cầu lên hơn 50 phần trăm vào năm 2030," một cuốn sách nhỏ của IAEA có tựa đề "Xem xét Phát động một Chương trình Điện Hạt nhân mới" viết. Theo cuốn sách này, các nhà máy điện hạt nhân có thể giúp đảm bảo "tiếp cận năng lượng có thể với tới được ở nhiều nơi trên thế giới"

Tình hình hiện nay cho thấy rằng những hy vọng của những người vận động cho hạt nhân sẽ bị va chạm mạnh. Sự kiện một thảm họa hạt nhân có thể xảy ra trên đất của những robot và những ô tô điện đánh dấu một bước ngoặt trong lịch sử nền công nghệ này.

Có những hoán dụ cho tất cả những tai nạn của thời đại hạt nhân, đặt những cái tên đã trở thành biểu tượng. Three Mile Island là một trong số đó, và tất nhiên, Chernobyl.

Không có vấn đề cái tên Fukushima sẽ có một ý nghĩa tương tự. Fukushima sẽ tượng trưng cho sự kết thúc giấc mơ năng lượng hạt nhân trong tầm tay – và nhận thức rằng chúng ta không có dạng năng lượng ấy được kiểm soát.

RALF BESTE, PHILIP BETHGE, KLAUS BRINKBÄUMER, DIRK KURBJUWEIT, CORDULA MEYER, RENÉ PFISTER, OLAF STAMPF, THILO THIELKE, WIELAND WAGNER

Christopher Sultan dịch từ tiếng Đức
© Bản tiếng Việt: Hiếu Tân

1] sievert (ký hiệu: Sv) là đơn vị SI dẫn xuất của lượng tương đương. Nó nhằm đánh gia về lượng các tác động sinh học của phóng xạ, tương phản với các tác động vật lý được đăc trưng bởi lượng hấp thụ, đo bằng gray. Đơn vị này được đặt theo tên nhà vật lý y khoa Thụy Điển Rolf Sievert, nổi tiếng với những công trình về đo lượng phóng xạ và nghiên cứu về các tác động sinh học của phóng xạ.
viethoaiphuong
#2 Posted : Thursday, March 31, 2011 10:49:37 PM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,291
Points: 11,028

Thanks: 758 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

Việt Nam nên dừng chương trình điện hạt nhân



Đức Tâm - rfi - THỨ HAI 28 THÁNG BA 2011

Nếu không xử lý được các sự cố đang xẩy ra, thì thảm họa hạt nhân Fukushima, Nhật Bản, sẽ còn lớn hơn nhiều so với thảm họa Tchernobyl. Từ hơn hai tuần nay, trước những khó khăn, lúng túng của các nhân viên kỹ thuật Nhật Bản trong việc khắc phục hàng loạt vụ nổ, hỏa hoạn liên tiếp xẩy ra ở các lò hạt nhân nhà máy điện Fukushima, theo giới chuyên gia, lời cảnh báo nói trên là có cơ sở và chính đáng.

Ngay sau sự cố Fukushima, tất cả các nước hiện khai thác điện hạt nhân đã có phản ứng nhanh chóng, thông báo sẽ tiến hành tăng cường kiểm tra, rà soát lại các biện pháp bảo đảm an toàn, sẵn sàng đóng cửa những cơ sở không đáp ứng tiêu chuẩn, hoặc đã cũ. Nhiều quốc gia chuẩn bị phát triển điện hạt nhân tuyên bố đình chỉ, xem xét lại các dự án trong lĩnh vực này.

Còn tại Việt Nam, giới hữu trách trấn an công luận một cách ngắn gọn : sẽ ưu tiên chú trọng đến vấn đề an toàn hạt nhân. Điều này có nghĩa là không có gì thay đổi trong kế hoạch xây dựng 8 lò hạt nhân trong những năm tới.

Sự cố điện hạt nhân Fukushima đã dấy lên cuộc tranh luận là Việt Nam có nên phát triển loại năng lượng này hay không ? Trong tạp chí hôm nay, RFI xin giới thiệu ý kiến cá nhân chuyên gia Nguyễn Khắc Nhẫn, nguyên cố vấn Nha Kinh tế, Dự báo, Chiến lược của tập đoàn điện lực Pháp EDF.

Trong nhiều năm qua, giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn đã miệt mài viết hàng chục bài về vấn đề năng lượng tại Việt Nam. Quan điểm của ông không thay đổi từ trước đến nay : Việt Nam không nên phát triển điện hạt nhân mà cần chú ý tới các loại năng lượng tái tạo khác. Sau phần giải thích, phân tích kỹ thuật về hiểm hoạ điện hạt nhân, phần cuối bài phỏng vấn này, liên quan đến Việt Nam, có thể coi như là một lời kêu gọi tâm huyết của vị giáo sư luôn quan tâm đến sự phát triển của đất nước.

***

Đức Tâm : Kính chào giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn. Cách nay 5 năm, khi trả lời phỏng vấn RFI nhân 20 năm ngày xẩy ra vụ nổ lò hạt nhân Tchernobyl, giáo sư đã cảnh báo về những nguy cơ, hậu quả thảm khốc của điện nguyên tử. Những gì đang xẩy ra tại nhà máy điện Fukushima, Nhật Bản cho thấy dường như người ta chưa rút ra những bài học về Tchernobyl. Trước hết, giáo sư đánh giá thế nào về mức độ nghiêm trọng của các sự cố tại Fukushima?

Giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn: Theo tôi biến cố Fukushima không thua gì Tchernobyl. Trong những ngày đầu, Cơ quan An toàn Hạt nhân Nhật Bản xếp mức nguy hiểm vào hàng số 4, trên thang do INES (International Nuclear Event Scale). Sau vài ngày, họ cho lên số 5, bằng mức của Three Mile Island, trong lúc đó Cơ quan An toàn Pháp xếp vào mức số 6, sau Tchernobyl số 7, mức đo cao nhất. Việc sắp xếp này có tính cách tương đối vì nó còn tùy thuộc ở những tiêu chuẩn đưa ra. Vì diện tích eo hẹp của Nhật Bản gây ra thiệt hại to lớn, rồi đây Fukushima có thể đựợc xếp ngang hàng với Tchernobyl.

Khác với lò nước sôi BWR (Boiled Water Reactor) của Fukushima và lò áp suất PWR (Pressurized Water Reactor) của Three Mile Island, lò số 4 RBMK (1000 MW) ở Tchernobyl không có vỏ bọc bêtông cốt thép để ngăn chặn bụi phóng xạ thoát ra ngoài. Biến cố Tchernobyl xẩy ra vì nhân viên không áp dụng qui tắc căn bản, đã cố ý hay vô tình, tách rời hệ thống làm lạnh cùng với một số hiệu báo động trong một thí nghiệm điện thông thường.

Sáng ngày 26-4-1986 ở nhà máy điện hạt nhân Tchernobyl, hai tiếng nổ kinh hồn (một vì hiện tượng hạt nhân, một vì khí hydro) đã làm tung bay 2000 tấn bêtông của nắp đậy. Tâm lò với 192 tấn nhiên liệu bị nóng chảy làm phóng xạ thoát ra ngoài một cách nhanh chóng. Trong suốt 10 ngày, hàng trăm tấn graphite (chất điều độ - modérateur) bị thiêu hủy, tiếp tục thải phóng xạ lên không gian.

Ngày 11-3-2011, ở Fukushima, hệ thống làm lạnh bị tê liệt vì sóng thần - Tsunami, nên những ngày kế tiếp, có nhiều vụ nổ hydro ở các lò. Ở đây, chất điều độ là nước, không có phản ứng như graphite. Tiềm năng phóng xạ của Fukushima rất lớn, vì tổng công suất 6 lò của Fukushima là 4680 MW, gần 5 lần lớn hơn Tchernobyl. Những chuyên gia và nhân viên khai thác nhà máy điện hạt nhân nào trên thế giới cũng sợ nhất tình huống tâm lò bị nóng chảy và vỏ bọc lò bị nứt rạn, làm phóng xạ bay ra ngoài.

Tình hình biến chuyển nhanh chóng ở Fukushima có thể tạm tóm tắt như sau : 3 tâm lò bị nóng chảy (lò 1 -70%, lò 2 - 33%), 2 hỏa hoạn ở hồ chứa nhiên liệu, 5 vụ nổ hydro. Trong 5 lò, các thanh nhiên liệu đã sử dụng tiếp xúc trực tiếp với khí quyển. Số nhiên liệu tích trữ ở trong các hồ nước đang sôi bằng 4 lần số nhiên liệu trong các thùng lò. Ngày 26-3, tình hình có vẻ trầm trọng hơn vì ở lò 3, khối macma nhiên liệu và kim lọai nóng chảy (corium 2200°C - 2500°C ) có thể làm thủng lò và kết cấu đáy (radier) bêtông, dày khoảng 8m ! Lúc ấy, các chất phóng xạ strontium, uranium và plutonium sẽ xuất hiện và có thể lan ra biển. Số lượng phóng xạ vô cùng nguy hiểm sẽ thải ra như ở Tchernobyl.

Nên biết rằng trong số 514 bộ phận lắp ráp nhiên liêu (assemblages) của lò 3 này, có 32 bộ MOX do Aréva của Pháp vừa mới cung cấp. Dù các lò khác không có nhiên liệu MOX, phản ứng phân hạch cũng tạo ra một ít plutonium. Mỗi lò PWR (1000 MW) của Pháp có khả năng sản xuất mỗi năm 200 kg tương đương Plutonium (Pu). Trước biến cố, chỉ tâm lò số 4 là không có nhiên liệu, vì đã đưa vào hồ nước.

Đức Tâm: Thưa giáo sư, những khó khăn trong việc khắc phục các sự cố ở Fukushima là gì?

Nguyễn Khắc Nhẫn: Ở Tchernobyl, tuy khó vì phóng xạ quá mạnh, nhưng chỉ tâp trung ở một lò số 4. Ngay sau khi xẩy ra biến cố, nhiều đội trực thăng liên tục thả xuống khu lò biết bao nhiêu là tấn cát, chì, đất sét, bore… với mục đích dập tắt hoả hoạn và ngăn chặn bụi hạt nhân phát tán. Từ 600 000 đến gần 1 triệu dân được chính quyền huy động đến tiếp cứu. Vì nhiễm phóng xạ quá mạnh, những anh hùng vô danh này (liquidateurs) phần lớn đã tử nạn hay lâm bệnh tật suốt đời.

Ngược lại ở Fukushima, phóng xạ nhẹ hơn, nhưng phải tổ chức cấp tốc, tiếp cứu cùng một lúc 6 lò. Hết nổ ở lò này thì cháy ở lò kia, xem như thi đua. Vì ở cạnh bờ biển nên TEPCO dùng trực thăng để đổ nước mặn xuống các lò và hồ chứa nhiên liêu đã sử dụng để làm lạnh tâm lò, mặc dù không thể nào ngăn hơi nước nhiễm phóng xạ bay lên khí quyển.

Đến nay, hơn 2 tuần lễ, nhưng TEPCO vẫn chưa kiểm soát được tình hình ở nhà máy, còn hết sức nguy hiểm. Các chuyên gia vẫn hồi hộp lo sợ vì không thể nào tiên đoán được những tình huống có thể xẩy ra. Tình trạng bi đát này có thể kéo dài hàng tuần, hàng tháng. Tuy đem điện vào được, nhưng hệ thống làm lạnh vẫn chưa có thể phục hồi vì máy móc, dụng cụ đo lường đều hư hỏng nặng.

TEPCO đang sợ tâm lò số 3 bị nóng chảy hoàn toàn. Nếu thùng lò và vỏ bọc lò bị nứt thì phóng xạ từ nhiên liệu MOX (có Plutonium) hết sức độc, sẽ lan tràn ra ngoài như ở Tchernobyl. Muốn ngăn chặn bụi hạt nhân phát tán thì phải xây hàng lọat nhiều quan tài (Sarcophage) hay sao ? Sarcophage đầu tiên của Tchernobyl bị nứt nhiều nơi, nên người ta đang xây một Sarcophage thứ hai, trị giá 1 tỷ đôla, có hiệu lực chỉ 100 năm thôi ! Lò 1 của nhà máy Fukushima, vận hành từ 40 năm nay, đúng lý được nghỉ hưu, nhưng éo le thay, vừa mới được phép gia hạn 10 năm nữa từ tháng trước. Chính phủ Nhật đã tuyên bố sẽ đóng cửa nhà máy này. Dù sao với sự tàn phá vừa qua và một khi hàng chục tấn nước biển đã tưới vào, TEPCO biết là thế nào cũng phải hy sinh nhà máy Fukushima.

Liều phóng xạ trên con số 500 – 1000 mSv/ h (1) đã đo đựợc ở đây (trong một năm, nếu hấp thụ quá 100 mSv, có xác suất bị ung thư). Đặc biệt, phóng xạ Iode ở bờ biển cũng tăng rất cao. Nhà chức trách đang tiếp tục công tác khử nhiễm, ban bố lệnh cấm sử dụng và buôn bán thực phẩm được sản xuất ở khu vực này.

Ngày 27/03, TEPCO bắt đầu tưới nước thường vào hai lò 1 và 3 vì với nước biển, muối có phản ứng, ứ đọng ở các ống, gây cản trở cho việc làm lạnh nhiên liệu. Tuy nhiên, họ bắt buộc tiếp tục đổ nước biển vào các hồ. Nhiều vũng nước ở lò 2 có phóng xạ lên rất cao đến 10 triệu lần lớn hơn mức thường. (TEPCO vừa cho biết là con số này không được chính xác) ? Cách nhà máy Fukushima 40 km, người ta đã đo thấy Césium 137 lên đến 3.260.000 Bq/m2 (1)

Đức Tâm: Sau sự cố ở Fukushima, tại một số nước phát triển như Pháp, Đức, đã có một cuộc tranh luận quyết liệt về việc có nên phát triển điện hạt nhân hay không. Thực ra, sau mỗi tai nạn hạt nhân thì lại có những cuộc tranh luận như vậy, nhưng cuối cùng phe ủng hộ điện hạt nhân vẫn thắng thế. Giáo sư có nghĩ rằng lần này, sau Fukushima, mọi việc sẽ khác đi hay không ?

Nguyễn Khắc Nhẫn: Câu hỏi này rất hợp thời sự. Sau Tchernobyl, dư luận toàn cầu không sôi động, lo sợ như lần này. Thảm họa Fukushima, như một Tsunami, đang ồ ạt lay chuyển công nghiệp hạt nhân thế giới. Những đoàn thể chống điên hạt nhân đang lên tiếng dữ dội, đặc biệt ở Đức. Nhiều nước như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Anh, Pháp... đã ra lệnh phải kiểm soát chặt chẽ và củng cố tất cả các nhà máy điện hạt nhân để đối phó với mọi rủi ro tai nạn. Các nước như Vénézuéla, Thụy Sĩ, Israel đang do dự hay cho hoãn lại các dự án. Trung Quốc cũng ngưng cấp giấy phép làm những nhà máy điện hạt nhân mới.

Cộng đồng Âu Châu (có143 lò rải rác trên 14 nước) đang muốn thống nhất các tiêu chuẩn an toàn và sẽ quyết tâm đóng cửa những nhà máy thiếu an toàn. Nước Đức, với 17 lò (22% điện hạt nhân), năm 2003, đã tuyên bố đóng cửa các nhà máy vào năm 2020. Gần đây, vì sợ thiếu điện, đã cho gia hạn đến 2032. Phản ứng của bà Angela Merken, một giáo sư vật lý, hết sức nhạy bén. Bà đã quyết định đóng cửa tạm thời 7 nhà máy điện hạt nhân của Đức xây cất trước 1981, đình chỉ trong vòng 3 tháng việc cho gia hạn thời gian vận hành nhiều nhà máy khác và dần dần sẽ từ bỏ hẳn điện hạt nhân. Hàng trăm ngàn người đã tiếp tục biểu tình ở Đức để phản đối điện hạt nhân.

Pháp với 58 lò rải rác trong 19 nhà máy, có tỷ lệ điện hạt nhân 78%, cao nhất thế giới. Tổng thống Pháp vừa tuyên bố sẽ đóng cửa tất cả những lò nào không tôn trọng những trắc nghiệm (stress test) của Cộng đồng Âu châu. Đảng Xanh đã lên tiếng đề nghị chính phủ trưng cầu dân ý và đóng cửa ngay các nhà máy cũ hay ở vùng dễ bị động đất như Fessenheim (2 x 900 MW) và Tricastin (4 x 900 MW ). Chính phủ đặt tin tưởng vào lò thế hệ ba EPR-1600 MW (European Pressurized Reactor) đang xây cất ở Flamanville. Lò này cũng đang được xây cất ở Phần Lan nhưng bị trễ 3 năm trời.


Giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn (ảnh: vietsciences.free.fr)
Tại sao người ta đi ra, mình lại đi vào ? Chưa có nhà máy điện hạt nhân là may mắn lắm. Tại sao tìm đón rủi ro tai biến?
Cũng như ở Đức và nhiều nuớc khác, Pháp sẽ phải thay đổi chiến lược dài hạn về năng lượng và dần dần hạ thấp tỷ lệ điện hạt nhân. Nhiều chuyên gia chống điện hạt nhân đã tuyên bố rằng Pháp có thể bỏ điện hạt nhân trong vòng 30 năm tới, bằng cách tiết kiệm và tăng hiệu suất năng lượng (-50%), đồng thời triệt để sử dụng năng lượng tái tạo (+ 80%) và khí (+ 20% ).
Fukushima sẽ làm tăng rất nhanh giá thành điện hạt nhân, vì từ nay các công ty phải ồ ạt đầu tư vào khâu an toàn. Thời gian đợi cấp giấy phép và xây cất nhà máy sẽ kéo dài hàng tháng, hàng năm. Năng lượng tái tạo sẽ có cơ hội và điều kiện cạnh tranh. Fukushima cũng sẽ chặn đứng việc gia hạn vô trách nhiệm thời gian vận hành của nhiều nhà máy đến tuổi hưu trí (sau 30 hay 40 năm khai thác). Sở dĩ các công ty muốn gia hạn đến 50 hay 60 năm là vì đã khấu hao và cũng vì tìm cho ra địa điểm mới để xây cất nhà máy điện hạt nhân là hết sức khó khăn, trừ ở những nước thiếu dân chủ. Có ai muốn đi xe cũ đã 15-20 năm, mặc dù xe đã được kiểm tra lại và đổi mới. Nhưng máy xe vẫn cũ, cũng như thùng và vỏ bọc lò thì ai giám tin cậy ? Ngày xưa, làm bài toán kinh tế về giá thành kWh cho EDF, tôi lấy giả thuyết thời gian vận hành là 20 năm thôi, chứ đâu phải 30 hay 40 năm.

Tóm lại, có thể tuyên bố rằng Fukushima sẽ đổi mới hoàn toàn công nghiệp hạt nhân, nếu chưa đủ sức chặn đứng sự bành trướng hay làm sụp đổ nó.

Đức Tâm: Sự cố Fukushima buộc một số quốc gia châu Âu và châu Á xem xét lại kế hoạch phát triển điện hạt nhân. Trong khi đó, chính phủ Việt Nam vẫn chủ trương xây dựng các nhà máy điện hạt nhân và trấn an rằng các nhà máy được xây dựng tại Việt Nam sẽ an toàn hơn và chính phủ coi vấn đề an toàn là ưu tiên hàng đầu…Trong khi đó, một số chuyên gia Việt Nam gợi ý chỉ nên xây một hoặc hai lò rồi rút kinh nghiệm có nên làm tiếp hay không. Ý kiến của giáo sư về việc này ?

Nguyễn Khắc Nhẫn: Cũng như ở nhiều nước trên thế giới, các nước châu Á, như Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, kể cả Nhật Bản, đều đang cấp tốc kiểm tra toàn bộ các nhà máy điện hạt nhân, đồng thời xét duyệt lại chiến lược phát triển năng lượng. Thảm họa Fukushima đang diễn biến có thể xem như một Tsunami rất hùng mạnh, đang ồ ạt lay chuyển công nghiệp hạt nhân thế giới. Fukushima sẽ làm cho các nhà lãnh đạo và chuyên gia khoa học khiêm tốn và dè dặt hơn xưa. Việt Nam không thể coi thường hậu quả tai biến này và tiếp tục xúc tiến chương trình xây cất một loạt 8 lò từ năm 2014 đến 2031.

Lẽ cố nhiên, những lò thế hệ 3 như EPR, AP1000, hết sức đắt tiền, an toàn hơn lò thế hệ 2. Tuy nhiên, bất cứ lò thế hệ 3 nào cũng chỉ là một kiểu lò tiến hóa (évolutionnaire) vừa dựa trên kinh nghiệm quý báu của lò thế hệ 2, vừa được bổ sung với những tiến bộ khoa học kỹ thuật, chứ không có gì cách mạng cả. Cũng như nhiều chuyên gia khác, cá nhân tôi không tin tưởng vào lò thế hệ 4 tương lai, đừng nói đến lò thế hệ 3 mà chúng tôi xem như đã lỗi thời. Các lobby và các công ty vụ lợi, sẽ tiếp tục ru ngủ nước ta với hai chữ an toàn. An tòan chỉ tương đối mà thôi. Chuyên gia Nhật Bản lỗi lạc hàng đầu, giàu kinh nghiệm, có sự hỗ trợ cả một nền công nhiệp robot đồ sộ, thế mà trong hơn hai tuần nay, đành bó tay, bất lực, đau lòng chứng kiến thảm cảnh điêu tàn.

Nhà kinh tế Pháp, Jacques Attali, đã đưa ra ý kiến là nên yêu cầu Liên Hiệp Quốc can thiệp, giúp mạnh Nhật Bản phục hồi tình trạng bi đát của Fukushima vì điện hạt nhân liên hệ đến toàn cầu chứ không riêng gì cho một nước nào. Trong cuốn sách Economie de l'Apocalypse- Trafic et Prolifération nucléaire, xuất bản năm 1994, Jacques Attali đã đề nghị Liên Hiệp Quốc không nên để các nước thiếu điều kiện xây cất lò hạt nhân. Thủ tướng Pháp cũng đã tuyên bố sẽ không bán cho những nước này lò hạt nhân. Nhưng trước khi xẩy ra thảm họa Fukushima, tổng thống Pháp đi đâu cũng quáng cáo và muốn bán lò EPR của Aréva.

Một chuyên gia hàng đầu về lò hạt nhân của Mỹ, giáo Sư Arnold Gundersen, đã tuyên bố rằng hiện nay không nên xây cất thêm một nhà máy điện hạt nhân nào khác trên thế giới, cần phải đợi cho đến lúc các chính phủ lượng định lại mức độ nguy hiểm tối đa như thế nào. Lẽ cố nhiên, tôi ủng hộ lập trường này.

Fukushima đã thức tỉnh dư luận. Bây giờ người ta bắt đầu mở mắt, thấy rõ hư thực. Công nghiệp hạt nhân là một công nghiệp đồ sộ, giàu mạnh, nhưng mỏng manh nhất thế giới. Vì để đồng đôla cao hơn tính mạng con người và môi trường, nên các công ty, các lobby phải dối trá với cấp lãnh đạo và dân chúng, thường xuyên che dấu sự thật.

Đừng quên rằng lửa hạt nhân, lúc sơ khởi là để tàn phá chứ không phải để kiến thíết xây dựng. Vào con đường hạt nhân bây giờ, theo ý tôi, là phản tiến bộ, đi lùi, chứ không phải đi tới, như có người vẫn mơ tưởng hão huyền. Tạo hóa đã cho nhân loại tha hồ sử dụng năng lượng tái tạo, không tốn một xu nhiên liệu nào, thế mà tại sao cứ tiếp tục chạy theo con đường đầy chông gai hiểm trở, vô cùng tốn kém? Nếu cả thế giới triệt để tiết kiệm năng lượng, nguồn năng lượng vô cùng quý báu này có thể tương đương với 50% nhu cầu nhân loại hiện nay. Ít ai tưởng tượng rằng lãng phí toàn cầu có thể lên đến 50%.

Trong số 20 bài tôi viết (2) từ năm 2003, với tất cả nhiệt tình dành cho quê hương, tôi đã nhiều lần nhấn mạnh rằng Việt Nam không nên xây cất nhà máy điện hạt nhân vì nhiều lý do : An toàn, chuyên gia, nhân lực, kinh tế, tài chính, môi trường, rủi ro nguy hiểm, lưu trữ chất thải phóng xạ...

Chính sách năng lượng của nước ta, cũng như của tất cả các nước trên thế giới, phải dựa trên việc triệt để tiết kiệm, sử dụng có hiệu lực năng lượng, khai thác tất cả các nguồn năng lượng tái tạo. Tổn thất năng lượng ở Việt Nam hiện nay có thể lên đến 35-40%. Mỗi chúng ta phải thay đổi cách nhìn và cách sống. Điều độ chừng nào quý chừng ấy. Theo tôi, không có con đường nào khác. Tại sao người ta đi ra mình lại đi vào? Chưa có nhà máy điện hạt nhân là may mắn lắm, tại sao tìm đón rủi ro tai biến. Làm một lò điện hạt nhân là kẹt cả một thế kỉ (50 năm vận hành và 50 năm để tháo gỡ). Các nhà máy điện hạt nhân có phải là mục tiêu lý tưởng cho quân địch khi chiến tranh xẩy ra không ?

Ngày 25-3 vừa qua, trận động đất 6,8° Richter khá lớn ở Miến Điện (Myanmar) như cố tình nhắc đồng bào Hà Nội là tạo hóa vẫn vô thường. Như tôi đã có dịp trình bày trong bài phỏng vấn của RFI về công trình thủy điện Sơn La, các nhà máy điện hạt nhân tương lai ở Ninh Thuận cũng nằm trong vùng có thể bị động đất lớn. Những vệ tinh đã phát hiện vết nứt (faille) sông Hồng dài 1000 km từ Tây Tạng đến khu miền bắc và về phía nam, dọc theo bờ biển nước ta. Vết nứt tuốt (coulissant) theo đường rãnh, trung bình 1 cm mỗi năm, có thể làm xê dịch từng cơn : sông, thung lũng, bãi phù sa… mỗi khi có động đất đáng kể. Đất nước ta eo hẹp, nhất là ở mìền trung, nếu có biến cố xẩy ra, đồng bào ta sẽ phải làm nhà, hụp lặn, ở dưới biển hay sao?

Về khâu xử lý chất thải phóng xạ, hết sức nguy hiểm và đắt tiền, có cơ quan trách nhiệm bên nhà đã tuyên bố rằng sẽ không có vấn đề gì vì ta sẽ giao trọn cho công ty ngoại quốc bán lò đem chất thải về nước họ để giải quyết lấy. Đâu phải dễ như thế. Thảm họa Fukushima diễn ra trong lúc những thanh nhiên liệu còn ở trong các tâm lò hay trong các hồ chứa nước, xử lý chất thải phóng xạ là ở giai đọan sau. Ở nước ta, việc xử lý chất thải gia dụng hàng ngày, chồng chất ngoài đường cũng đã là một vấn đề nan giải. Tội gì mà phải rước thêm chất thải phóng xạ vô cùng nguy hiểm, lưu trữ ngàn năm cho con cháu.

Điện hạt nhân không đóng góp vào sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước. Trái lại, đi vào con đường bế tắc này, vì kinh tài và nhân lực sẽ bị thu hút mạnh, chúng ta sẽ cứ tiếp tục chậm tiến.

Đứng về phương diện tài chánh, tôi đã nhiều lần khẳng định rằng giá thành kWh điện hạt nhân ở Việt Nam sẽ không thể nào kinh tế được, vì những lý do dễ hiểu : Thiếu chuyên viên, trình độ nhân viên khai thác, phương pháp quản trị, tinh thần kỷ luật, thời gian xây cất, vận hành và bảo trì, tháo gỡ, tham nhũng, lệ thuộc ngoại quốc, không có hậu thuẫn kỹ thuật và công nghệ...

Tai biến Three Mile Island, Tcherrnobyl không vì rủi ro mà vì thiết kế không hoàn bị và nhất là vì nhân viên thiếu trình độ hay kinh nghiệm. Chủ yếu vẫn là ở con người. Với nhân lực và ngân sách eo hẹp của nước ta, tại sao lại cả gan xung phong vào một lĩnh vực bế tắc này. Kinh phí khổng lồ, 30 tỷ đôla này, để dành cho năng lượng tái tạo và các lĩnh vực ưu tiên khác như giáo dục, nghiên cứu, y tế , xã hội có ích lợi hơn cho đồng bào không ?

Tôi xin mạn phép nhắc lại : Làm điện hạt nhân là khiêu khích tạo hóa. Đến năm 2030, thì năng lượng tái tạo đã trưởng thành và kinh tế từ lâu. Điện hạt nhân không phải là lời giải cho bài toán năng lượng và hòa bình của nhân loại và đặc biệt cho các nước như nước ta. Các giới có thế lực tiếp tục lợi dụng hiện tượng thay đổi khí hậu để đề cao vai trò điện hạt nhân. Tuy nhiên, đổi CO2 với chất thải hạt nhân, thì chẳng khác nào như đổi SIDA với dịch tả.

Một chuyên gia Mỹ về dự báo, có uy tín trên thế giới, Ray Kurzweil, đã tiên đoán rằng nhân loại, nếu muốn, chỉ trong vòng 20 năm tới, có thể sử dụng 100% năng lượng mặt trời. Đó là chưa nói đến điện gió, đang bành truớng rất nhanh, mà nước Đức dẫn đầu từ bao nhiêu năm nay. Còn rất nhiều nguồn năng lượng tái tạo khác cũng cần đựợc nghiên cứu và khai thác mạnh.

Cũng như Tchernobyl, Fukushima đang cảnh cáo nhân lọai. Tiếng nổ long trời lở đất và sóng thần khủng khiếp ở xứ hoa đào xấu số này, rồi đây sẽ chặn đứng sự bành trướng của công nghiệp điện hạt nhân trên thế giới. Tôi hy vọng rằng nó sẽ làm lay chuyển lương tâm của những nhà khoa học hay chính trị gia, thiếu tinh thần trách nhiệm đối với nhân loại nói chung và đối với dân với nước họ nói riêng.

Chúng ta nên nghiêng mình tưởng niệm và cám ơn những nạn nhân Nhật Bản đã hy sinh tính mạnh trong thảm họa này. Họ đã để lại cho nhân loại một bài học cay đắng nhưng vô cùng quý báu.

Vì sự sống còn của dân tộc, của những thế hệ con cháu sau này, tôi thiết tha đề nghị chính phủ Việt Nam rút lui có trật tự, cương quyết hủy bỏ chương trình điện hạt nhân ngay từ bây giờ, đúng thời, hợp lý, để tránh thảm họa cho đất nước. Các cơ quan trách nhiệm nên nghĩ đến sự an toàn của hàng chục, hàng trăm thế hệ con cháu, thay vì chạy theo những thế hệ lò 3, lò 4, không an toàn chút nào.

(Nguyễn Khắc Nhẫn, nguyên Cố vấn Nha kinh tế, dự báo, chiến lược EDF Paris, nguyên GS Viện kinh tế, chính sách năng lượng Grenoble và Trường Đại học Bách khoa Grenoble)


(1) Becquerel (Bq): tác động phóng xạ đo bằng Becquerel (số hạt nhân phóng xạ tự phân hủy (désintégration) trong mỗi giây là 1 Curie)

1 Ci (Curie) = 37.109 Bq

Sievert (Sv): liều tương đương phóng xạ dùng để đo tác động sinh vật trên cơ thể. Đó là một đơn vị đề phòng phóng xạ

1 Sv (Sievert) = 100 rem (Tchernobyl: 800-1600 rems)
1 Sv =1000mSv) (chiếu phổi: 0.1 rem)

(2) www.vietsciences, caodangdienhoc, ugvf, tailieu.tapchithoidai, diendan.org
viethoaiphuong
#3 Posted : Wednesday, April 6, 2011 8:48:06 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,291
Points: 11,028

Thanks: 758 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

NHỮNG NHÀ MÁY ĐIỆN NGUYÊN TỬ THIẾU AN TOÀN



tka23 post

Nhà máy điện hạt nhân Kozloduy ở Bulgaria


Nguy cơ của khu liên hợp điện hạt nhân Kozloduy là nơi đây sử dụng kỹ thuật thời Liên Xô cũ. Hai lò phản ứng hạt nhân đã ngưng hoạt động năm 2004, và 2 trong số 4 lò còn lại đang có kế hoạch đóng cửa - đây được coi là một điều kiện cho phép Bulgaria gia nhập EU. Nhưng điều kiện này đã gây bất bình cho nhiều người Bulgaria vì tình trạng thiếu điện trầm trọng ở nước này.


Tổng thống Georgi Parvanov của Bulgaria đã đề nghị EU xem xét lại vấn đề sau cuộc tranh cãi vào đầu năm 2009 về khí tự nhiên giữa Nga và Ukraina dẫn đến việc nhập GAS của Bulgaria bị cắt giảm giữa mùa đông khắc nghiệt.

Nhưng nỗ lực của ông Parvanov đã gặp thất bại. Do đó, thay vì cho mở cửa lại những lò phản ứng cũ, Bulgaria quyết định xây dựng những lò mới có thể là an toàn hơn với sự giúp đỡ của Công ty Năng lượng nguyên tử quốc gia Nga Rosatom.



Nhà máy điện hạt nhân Akkuyu ở Thổ Nhĩ Kỳ


Do nằm trên đường đứt gãy North Anatolian nên Thổ Nhĩ Kỳ cũng được coi là một trong những quốc gia có động đất cao nhất thế giới.

Trong thế kỷ qua Thổ Nhĩ Kỳ đã hứng chịu 14 trận động đất khiến trên 1.000 người chết. Đó là lý do khiến nhiều người Thổ Nhĩ Kỳ thận trọng với chính sách năng lượng hạt nhân. Kế hoạch xây dựng một nhà máy điện hạt nhân ở Akkuyu, gần cảng biển Mersin, với sự giúp đỡ của Nga đã bị ngưng trệ vào năm 2000.

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Nga Dmitry Medvedev vẫn tái khẳng định nhiệt tình của họ về dự án nhà máy điện hạt nhân ở Akkuyu, bất chấp vấn đề kiểu mẫu lò phản ứng được đề nghị sử dụng cho dự án đã không nhận được sự chấp thuận của các chính quyền châu Âu.

Nhà máy điện hạt nhân Metsamor ở Armenia

Nhà máy điện hạt nhân quan trọng nhất của Armenia - nơi cung cấp 40% năng lượng cho quốc gia miền Tây Nam Á này - hoạt động từ nhiều năm qua. Nằm cách xa thủ đô Yerevan với 1,1 triệu dân, lò phản ứng được xây dựng từ năm 1980 theo thiết kế của Liên Xô - cùng với thiết kế của Nhà máy điện hạt nhân Kozloduy của Bulgaria - thiếu một số yếu tố an toàn quan trọng vốn có trong các nhà máy điện hạt nhân hiện đại.

EU mô tả Metsamor là "già cỗi và ít tin cậy nhất" trong số 66 lò phản ứng tương tự đang tồn tại trên thế giới.

Metsamor bị đóng cửa năm 1989 vì lý do an toàn sau một trận động đất, và được mở cửa trở lại vào giữa thập niên 90. Chính mức độ an toàn của Metsamor là nguyên nhân của cuộc tranh cãi gây bất hòa giữa châu Âu và Mỹ, một quốc gia tài trợ cho Armenia đồng thời lo ngại về khả năng tồn tại của nhà máy, cũng như Armenia.

Trong khi đó giới lãnh đạo Armenia lại khẳng định Nhà máy Metsamor rất an toàn. Họ cũng nhấn mạnh rằng kế hoạch thay thế Metsamor bằng một nhà máy khác mới hơn, an toàn hơn, theo thiết kế của Nga sẽ không xảy ra trước năm 2017 vì vấn đề tài chính.

Nhà máy điện hạt nhân Indian Point ở Mỹ


Trong tháng 8/2010, Ủy ban Điều hòa hạt nhân của Mỹ (NRC) tính toán về mức độ an toàn của 104 nhà máy điện hạt nhân của nước này sau một trận động đất. Lò phản ứng số 3 của Nhà máy điện hạt nhân Indian Point ở hạt Westchester, New York, cách vùng lân cận Manhattan chỉ 40km. Trong khi những nhà máy khác - nổi tiếng nhất là Nhà máy năng lượng Diablo Canyon và

Nhà máy điện hạt nhân San Onofore - được xây dựng để chống chọi với động đất, thì Nhà máy Indian Point lại không HỘI ĐỦ ĐIỀU KIỆN đó.

Theo tính toán, vỏ lò phản ứng số 3 của Nhà máy Indian Point rất dễ bị tổn hại nặng nề khi bị động đất. Andrew Cuomo, Thống đốc bang New York nói, vào giữa tháng 3 vừa qua: "Tôi đã lo ngại nhà máy Indian Point từ lâu. Tôi hiểu năng lượng và lợi ích. Nhưng tôi cũng hiểu thế nào là nguy hiểm ...".

Nhà máy điện hạt nhân Shika ở Nhật Bản


Năm 1999, cuộc kiểm tra hàng ngày phát giác một trục trặc có thể xảy ra tại một lò phản ứng của Nhà máy điện hạt nhân Shika - một thị trấn có khoảng 15.000 dân - có thể sinh ra một phản ứng dây chuyền không kiểm soát được trong vòng 15 phút. Mặc dù không có chuyện gì xảy ra nhưng thực tế cho thấy Nhà máy Shika đã giữ kỷ lục về tai nạn cho đến năm 2007, khi chính quyền Nhật Bản ra lệnh tạm thời đóng cửa nhà máy này.

Trước đó, năm 2006, một tòa án cũng đã ra lệnh đóng cửa nhà máy Shika do người dân địa phương kiện nhà máy không đủ sức chịu đựng trận động đất mạnh nhưng sau đó bị Cơ quan An toàn kỹ nghệ và hạt nhân của Nhật Bản bác bỏ. Sau thảm họa Nhà máy điện hạt nhân Fukushima, người ta lại tranh cãi về sự giám sát an toàn ở Nhà máy Shika

TỔNG HỢP
viethoaiphuong
#4 Posted : Thursday, April 28, 2011 6:13:51 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,291
Points: 11,028

Thanks: 758 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)
VOA - Cập nhật Thứ Ba, 26 tháng 4 2011

Chất thải hạt nhân

Các nhà máy điện hạt nhân có những ưu điểm là sạch, có hiệu quả, và yên lặng, nhưng lại gặp những vấn đề phức tạp về an toàn. Các nhà máy này có sự nguy hiểm về rò rỉ phóng xạ cũng như dễ gặp nguy cơ tấn công khủng bố.
Nhưng có lẽ phiền phức nhất là chúng tạo ra một khối lượng chất thải to lớn dưới hình thức các thanh nhiên liệu uranium đã sử dụng rồi nhưng vẫn còn phóng xạ nguy hiểm kéo dài hằng ngàn hoặc có thể hằng triệu năm.
Làm sao để giải quyết các chất thải đó và chứa tại đâu đã là câu hỏi chính trong các cuộc tranh luận từ nhiều thập niên nay liên quan tới năng lượng hạt nhân.
viethoaiphuong
#5 Posted : Wednesday, May 25, 2011 9:32:26 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,291
Points: 11,028

Thanks: 758 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

Nhật Bản sẽ sử dụng năng lượng tái tạo nhiều hơn


VOA - Thứ Tư, 25 tháng 5 2011


Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan, công bố một đề nghị để nước ông sử dụng 20% năng lượng từ những nguồn có thể tái tạo.

Loan báo của ông Kan được đưa ra trong bài diễn văn hôm thứ Tư trước Tổ Chức Hợp Tác Kinh Tế và Phát Triển tại Paris, hơn hai tháng sau khi trận động đất và sóng thần khổng lồ gây ra tai họa cho nhà máy điện hạt nhân nước ông.

Thủ tướng Kan nói để đạt được mục đích này, Nhật Bản sẽ hạ thấp chi phí sử dụng năng lượng mặt trời xuống khoảng 1/3 mức giá hiện nay vào năm 2020, và xuống 1/6 vào năm 2030.

Ông nói trách nhiệm của Nhật Bản là phải học từ tai nạn ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima để làm cho điện hạt nhân an toàn hơn đối với thế giới. Ông cũng hứa thực hiện những nỗ lực mới để cải tiến hiệu quả năng lượng và giảm bớt sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
viethoaiphuong
#6 Posted : Friday, May 27, 2011 11:27:30 PM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,291
Points: 11,028

Thanks: 758 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)
VOA - Cập nhật Thứ Sáu, 27 tháng 5 2011

Đức muốn đóng cửa vĩnh viễn 7 lò phản ứng hạt nhân


Hình: REUTERS
Các nhà hoạt động biểu tình phản đối chính sách năng lượng hạt nhân ở Đức, 16/5/2011

Giới chức các tiểu bang Đức kêu gọi đóng cửa vĩnh viễn 7 nhà máy điện hạt nhân cũ nhất.

Những nhà máy này đang đóng tạm thời để duyệt lại vấn đề an toàn vào tháng Ba sau khi xảy ra tai họa hạt nhân tại nhà máy Fukushima, Nhật Bản. 16 bộ trưởng môi trường các bang của Đức hôm thứ Sáu muốn việc đóng cửa tạm thời trở thành vĩnh viễn.

Trong một tuyên bố chung sau cuộc họp tại thành phố Wernigerode, bộ trưởng các bang nói khuyến cáo của họ căn cứ trên những phúc trình của chính phủ về an toàn và đạo đức nghề nghiệp của những nhà máy điện hạt nhân.

Chính phủ liên bang Đức sẽ đưa ra quyết định cuối cùng vào tháng tới. Tuy nhiên có vẻ như 7 nhà máy này sẽ vẫn đóng cửa, vì người dân Đức lâu nay vẫn lo ngại về năng lượng hạt nhân. Đức có 17 lò phản ứng hạt nhân.

Trước đây trong tháng, Bộ trưởng Năng lượng Norbert Roettgen nói cần phải chuyển sang những nguồn năng lượng khác càng sớm càng tốt, tuy nhiên không có lý do an toàn để Đức ngưng sử dụng điện hạt nhân ngay bây giờ.
viethoaiphuong
#7 Posted : Monday, May 30, 2011 4:16:08 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,291
Points: 11,028

Thanks: 758 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

Chính phủ Đức tuyên bố từ bỏ năng lượng nhạt nhân vào 2022



Bộ trưởng Môi trường Đức Norbert Rottgen (Reuters)

RFI - Thứ hai 30 Tháng Năm 2011

Hôm nay 30/05/2011, bộ trưởng Môi trường Đức Norbert Rottgen tuyên bố, năm 2022 Berlin sẽ đóng cửa toàn bộ các lò phản ứng hạt nhân trên lãnh thổ nước này. Như vậy, Đức sẽ trở thành cường quốc công nghiệp đầu tiên từ bỏ năng lượng nguyên tử.
Bộ trưởng Norbert Rottgen cho biết thêm, năm 2021, phần lớn 17 lò phản ứng Đức sẽ ngừng hoạt động. Còn 3 lò mới xây dựng sẽ đóng cửa chậm nhất là vào cuối năm 2022, để tránh việc thiếu điện trong thời gian chuyển tiếp. Theo ông, đây là một quyết định không thể đảo ngược của chính phủ Angela Merkel.

Xin nhắc lại, năm ngoái, chính phủ Đức đã thông qua quyết định kéo dài thêm 12 năm khai thác năng lượng ở các lò phản ứng của nước này, mặc dù công luận gay gắt phản đối. Tuy nhiên, tháng ba vừa qua, trước thảm họa Fukushima, thủ tướng Đức Angela Merkel đã cho đóng cửa ngay những lò phản ứng cũ nhất và dự kiến từ bỏ năng lượng hạt nhân dân dụng.

Như thế có nghĩa là từ nay đến đó, Đức phải tìm ra phương án đáp ứng cho 22% nhu cầu điện, mà hiện nay do các lò phản ứng nguyên tử cung cấp. Quyết định từ bỏ năng lượng nguyên tử của Berlin còn phải được Quốc hội Đức thông qua và theo giới phân tích, vấn đề này sẽ gây nhiều tranh cãi, đặc biệt là từ phía tâp đoàn điện lực Đức RWE.

Phản ứng trước quyết định này, bà Anne Lauvergeon, giám đốc tập đoàn nhạt nhân Pháp Areva, cho rằng đây là một quyết định hoàn toàn mang tính chất chính trị. Ngoài ra, do đã đóng cửa 7 lò phản ứng, giá điện tại Đức cũng đã tăng lên đáng kể. Cuối cùng chủ tịch hiệp hội giới chủ nhân Pháp, bà Laurence Parisot, cho rằng quyết định này sẽ ảnh hưởng không chỉ Đức, mà còn tác động đến toàn Châu Âu

Về phần bộ trưởng Môi trường Thụy Điển, ông Andreas Carlgren hôm nay đã phê phán quyết định của Đức. Theo ông, điều này đi ngược lại những cố gắng để giảm lượng khí thải CO2. Đức có nguy cơ sẽ phải nhập năng lượng nhạt nhân của Pháp và khó có thể giảm thiểu sự tiêu thụ năng lượng hóa thạch, đặc biệt là năng lượng từ các-bon. Ông cho rằng châu Âu không thể cùng một lúc giải quyết được 2 vấn đề : giảm năng lượng nguyên tử và giảm thiểu biến đổi khí hậu.
viethoaiphuong
#8 Posted : Tuesday, June 7, 2011 5:05:20 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,291
Points: 11,028

Thanks: 758 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)


Ba phần tư người Pháp muốn giã từ điện hạt nhân



Nhà máy điện hạt nhân Tricastin, miền nam nước Pháp (AFP)

Trọng Thành - rfi - Thứ ba 07 Tháng Sáu 2011
Chủ đề điện hạt nhân một lần nữa thu hút sự chú ý tại Pháp. Trong cuộc thăm dò dư luận về thái độ của dân Pháp đối với điện hạt nhân, được công bố hôm 5/6, ¾ số người được phỏng vấn đã thể hiện mong muốn chấm dứt việc khai thác nguồn năng lượng này.
Cụ thể là 62% muốn chấm dứt một cách từ từ trong vòng hai mươi đến ba mươi năm, và 15% muốn chấm dứt một cách nhanh chóng. Bất chấp kết quả thăm dò dư luận này, chính phủ Pháp vẫn kiên quyết trung thành với chiến lược phát triển điện hạt nhân. Bộ trưởng Công nghiệp Pháp Eric Besson cho rằng, đây là một vấn đề rất phức tạp, người Pháp cần phải được biết rõ hơn về nhiều yếu tố liên quan đến các hệ quả của sự từ bỏ này, như « cái giá phải trả, sự phụ thuộc về năng lượng, khí thải gây hiệu ứng nhà kính ».

Theo ông Besson, một cuộc thảo luận rộng rãi về chủ đề này là cần thiết, đặc biệt vào dịp tranh cử tổng thống sắp tới. Còn theo ứng cử viên tổng thống Pháp, François Holland, vấn đề có vẻ rất rõ ràng, nước Pháp phải nỗ lực để giảm lượng điện hạt nhân từ 75% hiện nay xuống còn 50% vào năm 2025.

Đức : Một mô hình năng lượng mới thay thế cho hạt nhân

Les Echos có bài phân tích « Đức làm đổ nhào tín điều của Pháp về năng lượng nguyên tử », với quyết định đột ngột mới đây của thủ tướng Đức từ bỏ loại năng lượng này từ đây đến năm 2022. Theo Les Echos, mặc dù cái giá của việc từ bỏ hạt nhân rất cao, có thể từ 30 đến 200 tỷ euro, nhưng bản thân giá điện hạt nhân cũng không thấp, và sau thảm họa Fukushima, các biện pháp an toàn được xiết chặt hơn, giá điện hạt nhân như vậy sẽ còn tăng cao hơn nữa. Dẫn lời ông Henri Proglio, tổng giám đốc công ty điện lực Pháp EDF mới đây, Les Echos cho biết, EDF sẽ phải đầu tư khoảng từ 40 đến 50 tỷ euro để kéo dài tuổi thọ của các lò phản ứng tại Pháp. Như vậy, một lần nữa, vấn đề năng lực cạnh tranh sẽ được đặt ra đối với điện hạt nhân. Bên cạnh đó, đi kèm với việc từ bỏ hạt nhân, Đức sẽ xây dựng và xuất khẩu một mô hình năng lượng mới. Các tập đoàn công nghiệp hàng đầu của Đức sẽ gia nhập vào cuộc chơi mới.

Le Monde dành một phần trong phụ trương kinh tế hôm nay để tìm hiểu chiến lược năng lượng của Đức với hồ sơ « Ra khỏi hạt nhân. Một chiến lược của Đức ». Bài viết cho biết chính sách từ bỏ hạt nhân của thủ tướng Angela Merkel mới đưa ra tưởng là đột ngột, nhưng kỳ thực, tại Đức, chính sách này đã bắt đầu hình thành từ năm 2000. Và từ 20 năm trở lại đây, một nền công nghiệp năng lượng tái tạo đã phát triển tại nước này. Phụ trương Le Monde cũng cho biết thêm một điều quan trọng là, mặc dù năng lượng « xanh » được Đức chú ý (với 9% lượng điện tiêu thụ), nhưng khác hẳn với Pháp, về năng lượng hiện nay Đức vẫn lệ thuộc rất nhiều vào dầu hỏa (35%), khí đốt (22%) và đặc biệt là than nâu – lignite (11%), một nguồn năng lượng hóa thạch rất gây ô nhiễm. Bên cạnh đó, chính sách của thủ tướng A. Merkel đã thay đổi khá đột ngột, các tập đoàn năng lượng lớn của Đức như RWE, E ON, Vattenfall Europe và EnBW không được tham gia vào quá trình quyết định, mà chính họ lại là lực lượng duy nhất có khả năng tài trợ cho các dự án của chính phủ, Le Monde nhận định.

Fukushima : Hàng trăm người Nhật về hưu sẵn sàng thay thế các nhân viên trẻ làm việc tại khu vực bị phóng xạ

Vẫn liên quan đến hạt nhân, theo Le Monde, ngày hôm qua, gần 250 người Nhật về hưu, hưởng ứng lời kêu gọi của một kỹ sư về hưu 72 tuổi, đã thành lập một nhóm, sẵn sàng làm việc tại khu vực bị phóng xạ tại nhà máy Fukushima Daiichi, để thay thế cho các nhân viên Tepco.

Ông Yasuteru Yamada, người đã đưa ra sáng kiến này, cho biết, thế hệ ông dù có ý thức hay không có ý thức cũng đã tham gia vào việc ủng hộ chính sách hạt nhân, và vì vậy phải có trách nhiệm về những hậu quả của thảm họa. Ông giải thích bản thân ông và những người cùng thế hệ đã già chỉ còn sống được mươi lăm, hai mươi năm nữa. Thời gian này không kịp cho bệnh ung thư phát triển.

Theo Le Monde, thái độ quả cảm hy sinh của nhóm những người tình nguyện cao tuổi kể trên càng gợi nên một tình cảm ngưỡng mộ, nhất là trong khi giới chính trị Nhật đang làm xấu hình ảnh của mình, với việc đưa ra đề nghị bất tín nhiệm với thủ tướng Nhật, trong bối cảnh đất nước đang trải qua tình trạng khủng hoảng. Hiện tại, đề nghị của nhóm đã không được Tepco chấp nhận.
viethoaiphuong
#9 Posted : Wednesday, June 8, 2011 6:56:44 PM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,291
Points: 11,028

Thanks: 758 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)
VOA - Cập nhật Thứ Tư, 08 tháng 6 2011

Thụy Sĩ có kế hoạch hủy bỏ từng bước năng lượng hạt nhân



Hình: REUTERS
Tấm áp phích về vấn đề hạt nhân trước Trụ sở Quốc hội Liên bang Thụy Sĩ

Hạ viện Thụy Sĩ chấp thuận một đề nghị hủy bỏ từng bước việc sử dụng các nhà máy điện hạt nhân trong nước vào năm 2034.

Kế hoạch này đòi đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân khi giấy phép hoạt động hết hạn. Các nhà lập pháp cũng đồng ý cấm xây dựng những nhà máy điện hạt nhân thay thế.

Chính phủ đã khuyến cáo đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân giữa lúc thái độ chống hạt nhân của người dân Thụy Sĩ ngày càng tăng.

Biện pháp này còn cần phải được Thượng viện Thụy Sĩ chấp thuận rồi mới có hiệu lực.

Nhà máy điện hạt nhân hiện cung cấp khoảng 40% nhu cầu năng lượng của Thụy Sĩ trong khi các nhà máy thủy điện cung cấp gần hết phần còn lại.
viethoaiphuong
#10 Posted : Tuesday, June 21, 2011 3:04:16 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,291
Points: 11,028

Thanks: 758 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)
RFI - Thứ ba 21 Tháng Sáu 2011

Làn sóng chống hạt nhân ngày càng mạnh tại Nhật Bản


Một cuộc biểu tình chống điện nguyên tử tại Tokyo ngày 10/4/11. Bé gái trong ảnh cầm biểu ngữ mang dòng chữ "Không cần nhà máy điện hạt nhân".
Reuters

Minh Anh
Thất bại trong lần thực hiện đầu tiên đối với việc xử lý 105.000 tấn nước nhiễm chất phóng xạ càng làm cho người dân Nhật Bản phản ứng mạnh mẽ hơn, chống lại năng lượng hạt nhân. Với bài viết « Quản lý hậu quả kém, tình hình Fukushima làm tăng mạnh làn sóng chống hạt nhân tại Nhật Bản », nhật báo Le Monde phân tích nguyên nhân của sự chống đối này.

« Xưởng vẽ Ghibli không muốn dùng điện hạt nhân để sản xuất phim » là dòng chữ trên băng rôn trước cổng xưởng vẽ của nhà đạo diễn phim hoạt hình nổi tiếng của Nhật, ông Hayao Miyazaki - người từng đoạt giải Oscar lần thứ 75 cho bộ phim « Cuộc phiêu lưu của Chihiro » và giải Gấu vàng Berlin 2002 cho bộ phim hoạt hình hay nhất. Le Monde cho biết ngày càng có nhiều người lên tiếng phản đối hạt nhân, ngay cả những người nổi tiếng thuộc làng giải trí Nhật Bản.

Qua thăm dò ý kiến, 82% người dân được hỏi mong muốn tháo dỡ ngay lập tức hoặc bỏ dần dần tất cả các lò phản ứng hạt nhân. Không những thế, 11 trên tổng số 47 tỉnh trưởng cũng đồng tình với ý kiến này của người dân. Theo họ, cần phải loại bỏ ngay lập tức tất cả những lò phản ứng ngay khi nó chứa đựng nguy cơ khó khăn cho việc thẩm định. Họ kêu gọi chính phủ và các tập đoàn khai thác điện hãy vì tương lai cho các thế hệ con cháu sau này mà can đảm đưa ra các quyết định lịch sử, từ bỏ hạt nhân và phát triển các nguồn năng lượng thay thế. Ngay chính tại Fukushima, ủy ban phụ trách nghiên cứu về tái xây dựng dự đoán sẽ từ bỏ hạt nhân.

Le Monde giải thích, sở dĩ người dân Nhật Bản có thái độ thù nghịch với hạt nhân vì hai lý do.

Thứ nhất, thất bại của lần xử lý đầu tiên 105.000 tấn nước nhiễm xạ cho thấy chính phủ Nhật Bản và tập đoàn khai thác điện hạt nhân Tepco quản lý hậu quả kém. Le Monde cho biết, lượng cesium chiết tách đã chạm tới giới hạn nhiễm xạ 4 millisievert chỉ trong vòng có 5 giờ, mà theo chuẩn bình thường phải mất một tháng. Không những thế, chi phí cho xử lý nước nhiễm xạ rất tốn kém. Cứ một tấn nước cần xử lý, Tepco phải trả khoảng 210.000 yên (tương đương với 1.840 euros). Bình thường, nước đã được khử nhiễm sẽ được dùng để làm lạnh các lò phản ứng. Điều đáng lo ngại là, trong trường hợp thất bại người ta vẫn chưa có một giải pháp thay thế nào khác. Như vậy, có nguy cơ nước nhiễm xạ lại sẽ được đổ ra biển một lần nữa.

Thông tin nhỏ giọt về tầm mức nghiêm trọng của hậu quả hạt nhân Fukushima cũng là nguyên nhân tạo ra thái độ thù nghịch chống hạt nhân. Le Monde cho biết, chính quyền địa phương vùng Shizuoka đã tìm mọi cách che giấu sự thật. Thậm chí, họ còn đề nghị nhà các nhà phân phối lớn không nên yết thị trên mạng Internet kết quả xét nghiệm cho biết chè ở vùng này bị nhiễm xạ cao, vượt quá tiêu chuẩn quy định.

Le Monde kết luận, trong bối cảnh này, chính quyền của ông Naoto Kan khó có thể mà thuyết phục người dân để tái khởi động lại các lò phản ứng đang ngưng hoạt động.
viethoaiphuong
#11 Posted : Wednesday, June 22, 2011 6:52:31 PM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,291
Points: 11,028

Thanks: 758 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

Báo động từ các nhà máy điện hạt nhân ở Mỹ: Nước nhiễm xạ rò rỉ ra môi trường


Quốc hội Mỹ báo động tại 3/4 trong số 65 nhà máy điện hạt nhân ở Mỹ đang diễn ra tình trạng nước nhiễm phóng xạ rò rỉ ra môi trường bên ngoài trong một thời gian dài, thậm chí đã ngấm xuống tầng nước ngầm!



Vụ rò rỉ nước nhiễm xạ ở Nhà máy điện hạt nhân Byron tại Illinois năm 2007 - Ảnh: AP


Theo báo cáo điều tra của Văn phòng trách nhiệm giải trình chính phủ (GAO) thuộc Quốc hội Mỹ, nước nhiễm đồng vị phóng xạ tritium đã rò rỉ qua hệ thống đường ống mục nát ra môi trường tại 48 trên tổng số 65 nhà máy điện hạt nhân Mỹ. Trong khi đó, các công ty điện lực điều hành những nhà máy này lại chưa tìm ra cách hiệu quả để phát hiện rò rỉ. Do đó, tình trạng rò rỉ đã xảy ra trong nhiều năm qua sẽ không dừng lại.

Phóng xạ cao gấp hàng trăm lần mức cho phép
Điều đáng lo ngại là nước nhiễm xạ từ hệ thống đường ống cũ kỹ và xuống cấp nghiêm trọng của khoảng 37 nhà máy điện hạt nhân của Mỹ đã ngấm vào nguồn nước quanh nhà máy. Đặc biệt nghiêm trọng như ở Nhà máy điện hạt nhân Braidwood tại Illinois, hơn 22,7 triệu lít nước nhiễm phóng xạ tritium đã rò rỉ ra môi trường từ thập niên 1990. Ở lò phản ứng Vermont Yankee tại bang Vermont, nước nhiễm tritium rò rỉ ra bên ngoài có mức độ phóng xạ cao gấp 125 lần mức cho phép. Ở lò phản ứng Browns Ferry tại Alabama, một vụ rò rỉ năm 2010 đã xả ra môi trường lượng nước nhiễm xạ có mức phóng xạ cao gấp 100 lần quy định. Còn vụ rò rỉ ở Nhà máy Quad Cities tại Illinois năm 2008 đã xả ra lượng nước nhiễm xạ cao gấp 375 lần so với mức quy định.
Trong nhiều trường hợp, nước nhiễm xạ đã làm ô nhiễm cả một khu vực rộng lớn. Nước nhiễm xạ từ ba nhà máy điện hạt nhân tại Illinois và Minnesota đã làm ô nhiễm các giếng nước sạch trong khu vực dân cư lân cận, dù mức độ nhiễm xạ chưa đạt đến ngưỡng nguy hiểm. Tritium từ một nhà máy hạt nhân ở New Jersey đã rò rỉ và ngấm xuống tầng nước ngầm sâu trong lòng đất và thoát vào một kênh xả nước ra vịnh Barnegat ngoài Đại Tây Dương.

Thế nhưng, các quan chức Viện Năng lượng hạt nhân Mỹ (NEI) vẫn lớn tiếng đảm bảo tác động đến sức khỏe công chúng và sự an toàn của sự cố rò rỉ là “gần như bằng 0”. Theo Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA), tritium là đồng vị phóng xạ của hydro, có chu kỳ bán rã khoảng 12,3 năm. Tritium không phải là đồng vị phóng xạ gây nguy hiểm cao, nhưng việc tiếp xúc kéo dài với tritium ở mức độ cao có thể dẫn tới các bệnh ung thư, máu trắng và biến đổi gen.

Theo báo cáo của GAO, ngành công nghiệp điện hạt nhân Mỹ gần đây có áp dụng một số biện pháp để sớm phát hiện các sự cố rò rỉ. Tuy nhiên, Ủy ban Quy chế hạt nhân Mỹ (NRC) vẫn không thể xác định được việc phát hiện sớm này có hiệu quả đến đâu “khi mà các nhà máy điện hạt nhân ngày càng xuống cấp”.

Những nhà máy già cỗi
Những lò phản ứng đầu tiên được xây vào thập niên 1960-1970. Đến nay, 66 trên tổng số 104 lò phản ứng đã được gia hạn hoạt động thêm 20 năm. Chính quyền lại đang xem xét gia hạn hoạt động cho 16 lò phản ứng khác. Tổng cộng 82 lò phản ứng đã hoạt động trên 25 năm.
Các điều tra cho thấy nhà chức trách đã cho phép các lò phản ứng hoạt động một cách thiếu an toàn để kéo dài thời gian tồn tại. Khi các thiết bị đã chạm đến hoặc vượt qua giới hạn an toàn, các công ty điện lực và nhà chức trách lại sẵn sàng nới lỏng hoặc bẻ cong các quy định an toàn. Năm 2010, NRC lại lần thứ hai nới lỏng giới hạn về tổn hại phóng xạ đối với các lò phản ứng, bất chấp việc điều chỉnh này có nguy cơ khiến phóng xạ dễ bay ra môi trường bên ngoài.

Hậu quả là các sự cố hạt nhân liên tục xảy ra. Từ năm 2005 đến nay đã có 26 vụ báo động ở các nhà máy điện hạt nhân Mỹ do đường dây bị kẹt, thiết bị nứt vỡ, rò rỉ nước nhiễm xạ... Chẳng hạn ngày 22-1-2011, một lò phản ứng 39 năm tuổi ở Michigan ngừng hoạt động do dây cáp điện bị hỏng, làm cầu chì nổ, một van bị nghẽn, khiến lò phản ứng này đẩy hơi nước chứa tritium ra không khí bên ngoài.

Một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất là việc hóa chất ăn mòn thiết bị từ bên trong tại các lò phản ứng. Năm 1986, một đường ống bị ăn mòn đã nổ tại lò phản ứng Surry 2 ở Virginia, làm bốn công nhân thiệt mạng. Hóa chất ăn mòn còn tạo ra các vết nứt ở các lò phản ứng. Từ năm 2001-2003, các vết nứt đã xuất hiện trong lò phản ứng ở ít nhất 10 nhà máy điện hạt nhân. Dù vậy, câu trả lời của NRC vẫn luôn là: “Chúng tôi có thể sửa chữa. Chúng tôi có thể thay thế. Chúng tôi có thể chắp vá”. Thế nhưng, như một chuyên gia hạt nhân khẳng định: “Mọi thứ, kể cả những nhà máy điện hạt nhân, đều chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian nhất định”!

SƠN HÀ (Theo AFP, Huffington Post, Daily Mail)
viethoaiphuong
#12 Posted : Sunday, July 3, 2011 1:27:04 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,291
Points: 11,028

Thanks: 758 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)
RFI - Chủ nhật 03 Tháng Bẩy 2011 - Sửa đổi lần cuối Chủ nhật 03 Tháng Bẩy 2011

Đức rút khỏi điện hạt nhân: Suy nghĩ về trường hợp Việt Nam


REUTERS/Benoit Tessier

Đức Tâm

Sau thảm họa Fukushima Nhật Bản, cuối tháng Năm 2011, thủ tướng Angela Merkel đưa ra kế hoạch nước Đức rút khỏi điện hạt nhân kể từ năm 2022. Quyết định này gây chấn động và làm nẩy sinh nhiều cuộc tranh luận tại nhiều nước châu Âu. RFI xin giới thiệu ý kiến của chuyên gia Nguyễn Khắc Nhẫn, nguyên cố vấn Nha kinh tế, dự báo, chiến lược EDF Paris, nguyên giáo sư Viện kinh tế, chính sách năng lượng Grenoble và Trường Đại học Bách khoa Grenoble. Là người rất quan tâm đến sự phát triển của đất nước, từ nhiều năm qua, giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn đã viết nhiều bài về vấn đề năng lượng của Việt Nam.

Một quyết định sáng suốt và dũng cảm của thủ tướng Đức Angela Merkel

RFI: Kính chào giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn, vừa qua, chính phủ Đức của thủ tướng Angela Merkel đã tuyên bố sẽ đóng cửa toàn bộ các cơ sở điện hạt nhân tại nước này vào năm 2022. Một số nước phương Tây coi đây là quyết định mang mầu sắc chính trị, phục vụ ý đồ tranh cử. Với tư cách là chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng, giáo sư bình luận gì về quyết định của Đức?

Giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn: Ngày 30/5 vừa qua tại Berlin, bà Angela Merkel đã long trọng loan báo trước thế giới rằng nước Đức sẽ từ bỏ điện hạt nhân vào năm 2022. Dự luật được phê chuẩn ngày 6/6 gần giống dự luật của chính phủ Gerhard Schröder, thông qua năm 2000, bắt buộc đóng cửa nhà máy điện hạt nhân cuối cùng vào năm 2021.

Quyết định của bà Angela Merkel có thể gây ngạc nhiên vì tháng 9/2010, chính phủ của bà ta vừa đồng ý cho các công ty điện kéo dài thêm trung bình 12 năm các lò phản ứng cũ nhất. Trong số 17 lò phản ứng, 7 lò đã đóng cửa ngay từ khi có tai biến Fukushima vì đã hết hạn vận hành (trên 30 năm hoạt động).

Những lobby hạt nhân nói đó là một quyết định hoàn toàn mang tính chính trị, điều này không đúng hẳn. Là một nhà vật lý, bà Angela Merkel biết rất rõ mối nguy hiểm của điện hạt nhân. Bà ta đã lấy một quyết định sáng suốt, hết sức khôn ngoan, về mặt chiến lược lẫn kinh tế kĩ thuật, để tránh cho đất nước một thảm họa như Tchernobyl hay Fukushima. Bộ trưởng Môi trường, Norbert Röttgen, trong chính phủ của bà Angela Merkel tuyên bố rằng quyết định trên không thể đảo ngược được.

Kinh phí dự kiến của việc từ bỏ điện hạt nhân

RFI: Thưa giáo sư, việc đóng cửa các lò hạt nhân cũng rất tốn kém, nước Đức dự kiến cho công việc này ra sao?

Giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn: Về khía cạnh tài chính, thật sự đó là một đòn nặng nề đối với các công ty khai thác nhà máy điện hạt nhân khi họ đã mất khoảng 500 triệu euro vì việc đóng cửa 7 lò phản ứng cũ từ cách đây hơn 3 tháng. Lợi nhuận hằng năm sẽ giảm 6.4 tỷ euro lúc tất cả các nhà máy đóng cửa vĩnh viễn. Dự kiến lợi nhuận sẽ bớt 30% vào năm 2012. Hằng năm, chính phủ Đức sẽ mất khoảng 2.3 tỷ euro (thuế đối với nhiên liệu hạt nhân) và cũng mất thêm 300 triệu euro liên quan đến nguồn đóng góp của các nhà sản xuất điện dành cho quỹ phát triển năng lượng tái tạo.

Nước Đức chấp nhận trả giá rất đắt cho việc từ bỏ điện hạt nhân bởi ngoài việc phải mất đi một nguồn thu cho ngân sách, họ phải dành một khoản đầu tư rất lớn cho năng lượng tái tạo. Giá kWh hiện nay đã cao tại Đức, sẽ tăng từ 20% đến 30% từ đây đến 2020. Các công ty sẽ chịu 3/4 của phần tăng thêm này được ước tính trên 33 tỷ euro.
Những kinh phí khác của việc chuyển đổi toàn bộ ngành công nghiệp hạt nhân vẫn chưa được biết chính xác.

Cuộc cách mạng điện Xanh của Đức

RFI: Tại châu Âu, Đức là một trong những quốc gia có truyền thống trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, sinh thái. Phong trào bảo vệ môi truờng đã xuất hiện từ những năm 70 của thế kỷ trước. Giáo sư nhận định thế nào về cuộc cách mạng Điện Xanh tại Đức?

Giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn: Quyết định từ bỏ điện hạt nhân của Đức, một cường quốc có công nghiệp đứng hàng thứ 3 thế giới, là dấu hiệu của một chuyển biến quang trọng, có tính quyết định, trong lĩnh vực năng lượng thế giới. Nó thể hiện mong muốn của dân chúng ở Đức, đặc biệt nhạy cảm, cũng như ở nhiều nước châu Âu khác, sau thảm họa Fukushima.

Đó là một bài học sâu sắc, khôn ngoan, dành cho tất cả các nước nói chung và Việt Nam nói riêng.

Đằng sau quyết định nổi bật, đáng phục này, là một chiến lược công nghiệp ấn tượng, một kế hoạch đổi mới công nghệ khổng lồ, cho phép nước Đức giữ vững được sự tăng trưởng kinh tế. Từ 20 năm nay, nước Đức đã xây dựng một nền công nghiệp năng lượng tái tạo đầy chất lượng. Sự chuẩn bị có phương pháp và có tính lâu dài đối với năng lượng tái tạo đã cho nước này đi trước một bước rất xa và có ưu thế cạnh tranh lớn. Kể từ đây, công nghiệp năng lượng xanh của Đức, sẽ phát triển hùng mạnh, và nước này sẽ nhanh chóng trở thành vô địch thế giới về năng lượng tái tạo. Đó là một trong những lĩnh vực quan trọng nhất của nền kinh tế Đức, tính đến cả công ăn việc làm và giá trị mà nó tạo ra. Năm 2010, với sự đầu tư 27 tỷ euro cho thiết bị sản xuất và phân phối năng lượng xanh, đã có 370 000 việc làm được tạo ra, tức gấp đôi so với năm 2004. Trong một ngày gần đây, con số này sẽ vượt quá 500 000. Lĩnh vực năng lượng tái tạo sẽ qua mặt lĩnh vực hóa chất và tiến gần đến ngành công nghiệp ôtô, đầu tàu tạo công ăn việc làm.

Luật đầu tiên về giúp đỡ và khuyến khích dân chúng, bắt buộc các công ty phải mua điện sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo với giá hấp dẫn, đã xuất hiện từ năm 1991. Những văn bản khác nhằm cải thiện các công cụ hỗ trợ được ban hành năm 2000 và sửa đổi cho phù hợp vào năm 2004, rồi năm 2009.

Hiện nay, điện hạt nhân (với 17 lò) đóng góp 23% vào tiêu thụ điện năng tại Đức, trong khi phần của điện « xanh » (100 TWh) trong tổng số lượng điện sản xuất ra (560 TWh) đã đi từ 3.1% năm 1990 đến 17% năm 2010, với phân bố như sau : gió (5.8%), sinh khối (4.5%), thủy điện (3.3%), mặt trời (1.9%).

Theo bộ trưởng Liên bang về môi trường, con số về phân bổ các nguồn năng lượng trong tiêu thụ năng lượng sơ cấp năm 2010 như sau : dầu mỏ, fioul (35%), khí tự nhiên (22%), than đá (12%), than nâu (11%), hạt nhân (11%), tái tạo (9%).

Không nên nhầm lẫn con số về điện và năng lượng sơ cấp ( bao gồm tất cả các nguồn năng lượng).

Theo dự đoán của Berlin, phần năng lượng tái tạo trong sản xuất điện của Đức sẽ đi từ 17% hiện nay lên đến 35% (thậm chí 50%) vào năm 2020 và 80% vào năm 2050.

Sự thành công trong công nghiệp năng lượng tái tạo

RFI: Thưa giáo sư, tại châu Âu, nước Đức cũng đi tiên phong trong việc đầu tư, phát triển công nghệ và công nghiệp năng lượng tái tạo?

Giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn: Nhờ vào ý chí chính trị và trợ giúp tài chính của chính phủ, nước Đức từ lâu đã được xem như là nước dẫn đầu không thể chối cãi trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Sự thành thạo về công nghệ và năng lực công nghiệp của Đức trong lĩnh vực năng lượng gió và mặt trời được thừa nhận và đánh giá cao. Năm 2010, với công suất lắp đặt tuabin gió là 27 000 MW, nước Đức sản xuất khoảng 25% tổng số năng lượng gió của thế giới. Đức đứng hàng thứ 2 thế giới, chỉ sau Mỹ, về năng lượng gió. Năm 2008, Đức thu được 12 tỷ euro nhờ xuất khẩu thiết bị. Về năng lượng mặt trời, với 5400 MW lắp đặt, thị trường này của Đức lớn hơn Tây Ban Nha và Nhật Bản. Trong lĩnh vực năng lượng xanh, nước Đức có rất nhiều công ty vừa và nhỏ chuyên về kỹ thuật cao. Về năng lượng gió, có thể kể tên các công ty vô địch như Enercon, Repower, Nordex, Siemens Windpower. Từ lâu, họ cung cấp tua bin gió trên khắp thế giới. Về năng lượng mặt trời, Solar World, Q-Cells với hàng ngàn nhân viên, có mặt trên thị trường chứng khoán, Điều má Đức lo ngại nhất là sự cạnh tranh từ các công ty Trung Quốc.

Siemens, đối tác chính của Framatome vào năm 1989 để thiết kế và xây dựng lò phản ứng thế hệ 3 EPR, đã chấm dứt thỏa thuận hợp tác với Areva NP vào năm 2009. Ngay sau đó, Siemens muốn hợp tác với Rosatom của Nga và có tham vọng dẫn đầu trong lĩnh vực điện hạt nhân. Nhưng sau Fukushima, một thăm dò cho thấy 59% nhân viên của Siemens đồng ý với việc từ bỏ điện hạt nhân, bởi vì họ nhận thấy quá nguy hiểm, nếu tiếp tục theo đuổi lĩnh vực nguyên tử đang xuống giốc. Điện hạt nhân không còn nằm trong chiến lược của tổng giám đốc, M. Löscher, người muốn công ty của mình đứng nhất nhì trên thế giới trong các ngành công nghiệp chú trọng đến môi trường. Tập đoàn có trụ sở tại Munich này phải trả bù cho Areva NP 40% giá trị, khoảng 648 triệu euros. Điều khoản « không cạnh tranh » đến năm 2013, trên thực tế ngăn chặn sự hợp tác của Siemens với Rosatom. Nhưng Siemens có nhiều ưu thế khác. Siemens, nổi tiếng trên toàn cầu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, cũng có tham vọng thực hiện được doanh số là 40 tỷ euro, vào năm 2014, trong việc sử dụng năng lượng và bảo vệ môi trường.

Theo viện khí hậu Wuppertal, 12 tỷ euro đầu tư trong việc sử dụng hiệu quả năng lượng cho phép tiết kiệm hằng năm hơn 19 tỷ euro và tạo ra từ 250 000 đến 500 000 việc làm ! Việt Nam nên lưu ý. Cũng cần nhấn mạnh rằng ngay cả chủ tịch Hiệp hội bảo vệ công nghiệp Đức (BDI), Hans-Peter Keitel, dù chỉ trích thời điểm cuối để rút ra khỏi điện hạt nhân là năm 2022, cũng ủng hộ việc từ bỏ này của chính phủ. Tất nhiên, sẽ còn có thêm những chi phí phải chịu đựng, nhưng cũng có những cơ hội kinh doanh mới, đặc biệt hấp dẫn, đối với nền công nghiệp và kinh tế Đức. Nước này sẽ đầu tư lớn trong lĩnh vực năng lượng gió, mặt trời, sinh khối, khí, than, tiết kiệm năng lượng và sử dụng hiệu quả năng lượng.

Từ năm 2009, những nhà công nghiệp hàng đầu của Đức như Siemens, E.ON, RWE và Deutsche Bank đã triển khai tập đoàn Desertec Industrial Initiative ( DII ) nhằm khai thác năng lượng mặt trời và gió tại sa mạc Sahara. Đó là một dự án khổng lồ với 400 tỷ euro, liên kết khoảng ba chục dự án địa phương, mà mục tiêu là đến năm 2050 sẽ cung cấp điện cho khu vực Bắc Phi và Cận Đông, đồng thời cung cấp 15% lượng tiêu thụ của châu Âu. Desertec có tham vọng xây dựng các ngành công nghiệp mới trong khu vực đang phát triển này, ưu tiên tạo ra công ăn việc làm và chuyển giao công nghệ. Sự từ bỏ điện hạt nhân càng củng cố thêm địa vị Desertec. Hiện nay, tập đoàn nhận được sự ủng hộ của dân chúng, đảng Xanh, tổ chức Hòa bình Xanh, và tất nhiên của cả Ủy viên châu Âu về năng lượng, Günter Oettinger người Đức.

Hậu quả của thảm họa Fukushima và sự lựa chọn lịch sử của Đức

RFI: Thưa giáo sư, thảm họa Fukushima Nhật Bản đã buộc giới lãnh đạo nhiều nước trên thế giới phải xem xét lại chính sách phát triển điện hạt nhân. Ngoài quyết định mang tính lịch sử của Đức, người dân các nước khác như Ý, Thụy Sĩ, Pháp, … cũng không muốn phát triển điện hạt nhân?

Nguyễn Khắc Nhẫn: Sự lựa chọn thông minh có tính lịch sử này của nước Đức đang làm rối loạn thị trường điện châu Âu. Châu Âu đang xem xét lại chính sách năng lượng của mình và tự đặt câu hỏi về sự tồn tại của điện hạt nhân trên toàn cầu.

Sự từ bỏ điện hạt nhân của Đức có thể xem như là lời cảnh báo nghiêm túc với Việt Nam và các nước muốn dấn thân vào lĩnh vực nguy hiểm này, vô cùng tốn kém với hậu quả khủng khiếp, đối với những thế hệ mai sau. Thảm họa Fukushima và sự rút lui có trật tự của Đức đã giáng một đòn cay đắng cho những nước mơ ước hạt nhân và những lobby. Họ đã mất hết hi vọng kiếm được lợi nhuận với một thị trường 2000 tỷ euro, trị giá của 400 lò phản ứng dự trù sẽ được xây cất. Thay cho việc hồi sinh của điện hạt nhân, chúng ta đang chứng kiến sự suy tàn không thể nào tránh khỏi. Ngoài ra, phần lớn các lò phản ứng đang hoạt động hiện nay trên thế giới cũng khó có thể nhận được giấy phép để kéo dài thời gian hoạt động.

• Italy : Trong ngày trưng cầu ý kiến 13/06, thủ tướng Silvio Berlusconi đã tuyên bố « Tạm biệt hạt nhân, chúng ta phải tập trung vào năng lượng tái tạo », khi mà các phòng bỏ phiếu vẫn còn mở cửa ! 95% cử tri trả lời « không » đối việc quay trở lại điện hạt nhân. Thảm họa Fukushima và quyết định của Đức đã kích thích dư luận phản đối hạt nhân. Ngay từ năm 1987, sau thảm họa Tchernobyl, nước Ý đã nói không với điện hạt nhân, thông qua trưng cầu dân ý (tại sao Việt Nam không bắt chước cách xử lý dân chủ này?).

Kế hoạch xây dựng 4 lò EPR - Areva của Tập đoàn điện lực Ý (ENEL), với sự hợp tác của EDF, đã bị hủy bỏ. (cũng như Việt Nam, ở đây, lò phản ứng đầu tiên dự tính sẽ đưa vào hoạt động năm 2020). Hiệp định hạt nhân Pháp-Ý năm 2009, thương thảo rất khó khăn, dự kiến rằng ENEL, ngoài lò EPR ở Flamanville (Pháp), có thể chiếm 12.5% trong số các lò EPR sẽ được xây dựng ở Pháp, và có quyền hưởng lượng điện tương ứng với số tiền họ bỏ ra. Từ nay, Italy sẽ khai thác triệt để năng lượng tái tạo và than sạch. 65 kỹ sư và kỹ thuật viên của Ý đang được đào tạo tại công trường EPR Flamanville sẽ về nước. Đó là một thất bại lớn đối với Enel, EDF và đặc biệt là Areva. Công ty này còn sẽ chịu nhiều sự rút lui khác (desistement).

• Thụy Sỹ : Ngày 25/05/2011, tức 2 tháng rưỡi sau Fukushima, chính phủ Thụy Sỹ đã thông báo việc từ bỏ dần dần điện hạt nhân từ đây đến năm 2034 (Lò cuối cùng sẽ là Leibstadt, được đưa vào sử dụng năm 1984). Chỉ 3 ngày sau trận sóng thần ác liệt ở Nhật Bản, chính phủ đã quyết định ngưng các dự án khôi phục các nhà máy. Sau thời gian khai thác, ước tính khoảng 50 năm (theo tôi là quá lạc quan, nên rút ngắn lại), 5 lò phản ứng của Thụy Sỹ sẽ không được thay thế.

Quyết định này, được nước Áo đặc biệt ủng hộ, xảy ra vào thời điểm mà ở Deauville, G8 yêu cầu tăng cường các biện pháp an toàn trong các nhà máy điện hạt nhân. Bộ trưởng năng lượng Thụy Sỹ, Doris Leuthard, tuyên bố rằng đó là một ngày lịch sử và đáng mừng vì đã lựa chọn điều tốt đẹp cho đất nước. Chi phí hằng năm cho việc từ bỏ điện hạt nhân ước tính từ 0.4% đến 0.7% PIB, tức khoảng 3 tỷ euro, và kWh sẽ tăng từ 10% đến 15%.

Chính phủ Thụy Sỹ cho rằng họ đã lựa chọn chiến lược tốt nhất, vì họ biết về lâu dài, điện hạt nhân sẽ không thể cạnh tranh được với năng lượng tái tạo. (Việt Nam nghĩ sao?). Sau đây là phân bố của năng lượng điện hiện nay: thủy điện (56%), hạt nhân (39%), nhiệt cổ điển và các dạng khác (5%). Thụy Sỹ sẽ phát triển tối đa các nguồn năng lượng Xanh, đặc biệt là thủy điện, khuyến khích tiết kiệm năng lượng, xây dựng các nhà máy chạy bằng khí, song song với việc nhập khẩu điện.

• Pháp : Sau Fukushima và trước cuộc trưng cầu ý kiến ở Ý, tờ báo JDD (Journal du Dimanche) ngày 5/6 đã đăng kết quả thăm dò của Ifop, thực hiện ngày 1/6 đến ngày 3/6 : 2/3 dân Pháp muốn chấm dứt năng lượng hạt nhân (62% đồng ý chấm dứt trong vòng 25 đến 30 năm, 15% đòi chấm dứt nhanh chóng).

Các chuyên gia của Mạng lưới từ bỏ điện hạt nhân (Réseau Sortir du Nucléaire) mới đây đã đưa ra một kế hoạch rất lạc quan (mà theo tôi nên khuyến khích nhưng rất khó thực hiện được) nhằm từ bỏ điện hạt nhân tại Pháp chỉ trong vòng 10 năm mà thôi.

Vấn đề hạt nhân cũng nằm trong chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2012. Đối với đảng Xanh, hoàn toàn ủng hộ lập trường của Bà Angela Merkel, việc từ bỏ điện hạt nhân là điều kiện quyết định để liên minh với đảng Xã hội. Vấn đề này cũng gây ra những phiền phức ở cánh hữu khi mà 37% số người được thăm dò ý kiến của đảng UMP, đảng nắm quyền, cũng cho rằng nên từ bỏ điện hạt nhân.

Thảm họa Fukushima đã làm thay đổi tình thế hoàn toàn, hơn nữa nó xảy ra ở một nước dân chủ và có trình độ công nghệ hết sức cao. Nước Pháp, với hai hãng khổng lồ đang gặp khó khăn tài chính, Areva và EDF (với khoản nợ 34.4 tỷ euro), không thể tiếp tục theo đuổi ảo vọng với điện hạt nhân an toàn ! Trong nhiều năm, chi phí của điện hạt nhân đã được che dấu một cách có hệ thống, và ít người biết đến sự hỗ trợ tài chính của chính phủ Pháp, từ năm 1974, cho việc nghiên cứu hạt nhân ở CEA, ước tính lên quá 159 tỷ euro. EDF sẽ phải tăng mạnh dần dần giá điện để đối phó với việc cải tiến và tu bổ các nhà máy điện hạt nhân và tuân thủ các yêu cầu nghiêm ngặt mới về an toàn.

Việt Nam nên biết là hiện nay, người ta tranh luận xung quanh hai vấn đề tối quan trọng, có thể xem như những quả bom nổ chậm : sự chôn cất lâu dài chất thải phóng xạ và việc tháo gỡ 58 lò và các cơ sở hạt nhân mà tổng chi phí có thể lên đến hàng trăm tỷ euro ! (Ví dụ cho thấy chi phí ước lượng cho việc tháo gỡ nhà máy Brennilis ở vùng Bretagne đã đi từ 50 triệu euro lên đến 500 triệu euro, tức 1000% !) Ngay cả trước Fukushima, Areva đã gặp nhiều khó khăn tài chính nghiêm trọng. Hãng đánh giá tài chính Standard & Poor's dọa sẽ đánh lùi xếp hạng, hiện nay đã xuống BBB+. Sự chậm trễ 3 năm trong việc xây dựng lò EPR ở Phần Lan khiến Areva phải trả giá rất đắt. Chi phí đầu tư tăng từ 3.2 lên 6 tỷ euros. Từ nay, Areva sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc xuất khẩu lò EPR, quá đắt và công suất quá lớn (1600 MW).

Pháp thường tự hào có công nghiệp điện hạt nhân hùng mạnh, giá điện rẻ, nhưng sự thật nó rất mỏng manh. Nếu có tai biến, trong giây phút, toàn quốc có thể bị tê liệt, vì tỷ lệ điên hạt nhân quá cao (78%). Vì hạt nhân đang gây ra lo sợ và giá dầu hỏa tiếp tục tăng cao, tất cả các tập đoàn năng lượng lớn của Pháp, Areva, Total, EDF, GDF- Suez, đều ồ ạt đầu tư vào năng lượng Xanh.

Vấn đề an toàn hạt nhân sau Fukushima

RFI: Nhật Bản là nước công nghiệp phát triển, đứng đầu nhiều lĩnh vực công nghệ tiên tiến, nhưng thảm họa hạt nhân Fukushima cho thấy, điện hạt nhân có rất nhiều rủi ro và cần phải xem xét lại vấn đề an toàn hạt nhân?

Giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn: 100 ngày sau Fukushima, tình hình tại Nhật Bản chưa thể ổn định, vẫn còn đáng lo ngại. Và nó sẽ kéo dài hàng chục năm ! Những tin tức dồn dập về mức ô nhiễm phóng xạ quá cao, những che đậy, dối trá của chính phủ và Tepco làm đa số dân Nhật Bản ngày nay tỏ ý muốn từ bỏ điện hạt nhân. Mặt khác nhiều nhà máy vẫn còn bị cấm hoạt động và luôn ở trong tình trạng tăng cường an toàn, bị kiểm soát và thanh tra. Các cơ quan an toàn đã đánh lừa người dân bằng cách nâng (thậm chí đến 2 lần) ngưỡng ô nhiễm chấp nhận được. Một điều không thể tha thứ ! Việc Tepco thực hiện các sarcophage tạm thời (không bằng bê tông như ở Tchernobyl) vô cùng tốn kém và ít hiệu quả, không cho phép đảo ngược tình hình. Việc di dời hàng chục, hàng trăm nghìn tấn nước phóng xạ, với sự giúp đỡ của các công ty nước ngoài, trong đó có Areva, gặp những khó khăn lớn. Chi phí mỗi ngày một tăng, có thể lên đến hàng trăm tỷ đôla. Không sớm thì muộn, Nhật cũng không tránh khỏi viêc từ bỏ điên hạt nhân.

Với 143 lò đang hoạt động, châu Âu quyết định kiểm tra sức chịu đựng (stress test) của các nhà máy. Tuy nhiên, sự tranh cãi xung quanh tiêu chí của các phép thử sức bền đã nhanh chóng gây chia rẽ. Cơ quan an toàn Tây Âu (Wenra), do Pháp dẫn đầu, chỉ muốn kiểm tra với các nguy cơ thiên nhiên (bão, lũ lụt, động đất…) trong khi Ủy ban châu Âu, được sử ủng hộ của Đức và Áo, đề nghị tính đến tất cả các nguy cơ có thể có, bất kể chúng thuộc bản chất gì (khủng bố, rơi máy bay, tấn công tin học, lỗi con người…). Vài chuyên gia cho rằng đây là cơ hội để dự báo những điều không thể dự báo, nghĩ đến những điều không thể nghĩ được, và tưởng tượng những thứ không thể tưởng tượng nổi!

Vừa qua, Paris đã tổ chức một hội nghị về an toàn hạt nhân bao gồm khoảng 30 nước tham gia (Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Canada, châu Âu...) Theo bộ trưởng Năng lượng Thụy Sỹ, từ nay, sự an toàn của các nhà máy hạt nhân của từng nước phải được kiểm tra theo cặp. Nghĩa là bắt buộc phải có sự hợp tác chuyên gia của các nước khác khi thanh tra tại một quốc gia thành viên. Việc kiểm tra sẽ công khai. Bắt buộc tính đến những sự kiện ít có khả năng xảy ra (sóng thần và động đất mạnh…). Với hướng này Pháp có nguy cơ gặp sự cố nghiêm trọng.

Theo hai chuyên gia nổi tiếng, Benjamin Dessus, chủ tịch của Global Chance, và Bernard Laponche, nhà vật lý hạt nhân đã từng làm việc ở CEA, số liệu về những tai nạn lớn xảy ra trong 30 năm gần đây, cho thấy về mặt thống kê, có thể xảy ra tai nạn lớn ở Liên Hiệp Châu Âu trong quá trình sử dụng các lò hiện tại, và xác suất xảy ra tại Pháp rất cao. Như vậy, không phải là không thể xảy ra tai nạn. Và điều đó là chưa tính đến các cơ sở sản xuất plutonium, sự vận chuyển và lưu trữ chất thải phóng xạ, hồ chứa các thanh nhiên liệu phóng xa!

Thái độ đáng lo ngại của Việt Nam

RFI: Sau Fukushima, một số nước đang có những chương trình phát triển điện hạt nhân đã phải đình chỉ các dự án, thậm chí có nước từ bỏ hẳn điện hạt nhân. Trong khi đó, chính quyền Việt Nam vẫn chủ trương duy trì các kế hoạch phát triển địên hạt nhân. Về chủ đề này, giáo sư đã nhiều lần có ý kiến khuyên can Việt Nam. Sau sự cố Fukushima, chắc giáo sư lại càng tha thiết đề nghị Việt Nam từ bỏ lựa chọn này?

Giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn: Cá nhân tôi rất tiếc và vô cùng lo ngại vì Fukushima không làm suy giảm niềm tin của các nhà chức trách Việt Nam đối với điện hạt nhân. Chương trình xây dựng 8 lò phản ứng từ năm 2014 đến 2031 hình như vẫn không có gì thay đổi, trong khi phần lớn các quốc gia trên thế giới từng theo đuổi hạt nhân, đều xem xét lại toàn bộ chiến lược năng lượng. Thật không phải là một điềm tốt cho đồng bào khi biết rằng hai lò phản ứng đầu tiên định xây cất ở miền Trung Việt Nam, trên dải đất rất eo hẹp, được chính phủ phó thác cho Nga và Nhật, những nước đã chịu thảm họa Tchernobyl và Fukushima !

Nhằm xoa dịu sự lo lắng của dân chúng, giới thẩm quyền nhắc đi nhắc lại rằng các lò phản ứng được chọn, thuộc thế hệ thứ 3+, đảm bảo an toàn. Từ gần mười năm nay, tôi đã cho biết là không có lò phản ứng nào trên thế giới, thậm chí kể cả lò thế hệ 4 đang trong quá trình thiết kế, có thể tránh khỏi những tai nạn nghiêm trọng. Lò phản ứng EPR của Areva, đặc biệt đắt tiền và nổi tiếng về sự an toàn (trên lý thuyết), cũng sẽ không chịu đựng được các cuộc tấn công khủng bố có chủ đích hoặc những máy bay cảm tử lớn đâm vào. Việt Nam phải hiểu rằng cuộc tranh luận về điện hạt nhân không thể chỉ giới hạn trong vấn đề an toàn mà thôi.

Tôi có thể quả quyết rằng giá kWh điện hạt nhân ở nước ta sẽ không kinh tế, nếu phân tích và tính toán một cách khoa học. Bao vấn đề quan trọng cần được xem xét chu đáo : các cơ sở công nghiệp liên hệ, trình độ và khả năng chuyên môn, luật pháp, tham nhũng, sự phụ thuộc vào quốc gia cung cấp, nhập khẩu uranium làm giàu, giá thành xây dựng, độ trễ khi thi công, các lợi ích chằng chịt, văn hóa về kỷ luật và an toàn. Đó là chưa kể đến những chi phí khổng lồ cần thiết cho việc quản lý, lưu trữ chất thải phóng xạ và việc tháo gỡ nhà máy, có thể lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đôla ! Thật là thiếu tinh thần trách nhiệm nếu chúng ta quyết tâm để lại những di sản cực kì nguy hiểm cho các thế hệ mai sau.

Mặt khác, đừng quên rằng một tai nạn hạt nhân lớn xảy ra ở Việt Nam đồng nghĩa với sự tê liệt lâu dài của ngành du lịch, làm mất đi một nguồn ngoại tệ to lớn. Nhật Bản không còn thu hút nhiều khách du lịch như xưa, sau thảm họa Fukushima.

Hạt nhân đã mất sự tín nhiệm của dân chúng. Việt Nam, cũng như hầu hết các nước trên thế giới, phải nhanh chóng xem xét lại chiến lược năng lượng. Chúng ta không còn cách nào khác ngoài việc khai thác tối đa tất cả các nguồn năng lượng tái tạo : mặt trời, gió, thủy điện, sinh khối… Sự tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng cũng là những giải pháp chiến lược ưu tiên. Hệ số đàn hồi (coefficient d’élasticité = ΔE/E / ΔPIB/PIB ) lớn hơn 2, điều đó có nghĩa là chúng ta phí phạm quá nhiều năng lượng.

Điều cấp bách là Việt Nam phải từ bỏ ngay chương trình điện hạt nhân để đầu tư gấp vào năng lượng Xanh đầy hứa hẹn, đặc biệt là năng lượng mặt trời. Theo báo cáo của GIEC (nhóm chuyên gia liên chính phủ về biến đổi khí hậu) trình bày tại Abou Dhabi ngày 8 tháng 5 vừa qua, năng lượng tái tạo có thể đáp ứng 80% nhu cầu tiêu thụ của thế giới vào năm 2050 (điều này tương ứng với việc giảm 1/3 khí thải hiệu ứng nhà kính). Theo lời của chủ tịch GIEC, Rajendra Pachauri, chi phí sẽ nhỏ hơn 1% PIB thế giới. Cũng theo kịch bản tham vọng này, vào năm 2030 năng lượng xanh sẽ chiếm 43%.

Việt Nam không thể do dự, nghi ngờ gì nữa : năng lượng mặt trời sẽ là nguồn năng lượng của tương lai, bởi vì nó vừa vô hạn, sạch, và không nguy hiểm. Trái đất đón nhận từ mặt trời khoảng 10.000 lần năng lượng mà nhân loại tiêu thụ hàng năm ! Để thay thế năng lượng hạt nhân bằng năng lượng mặt trời, các chuyên gia đã đưa ra 5 kiểu (đang thực hiện hoặc còn là dự án) : pin mặt trời, nhiệt mặt trời, ống khói mặt trời, năng lượng mặt trời không gian và phim mặt trời. Ray Kurzweil, được Bill Gates xem như là một trong số ít những nhà tương lai học uy tín, dự đoán 100% năng lượng đến từ mặt trời, có thể đạt được trong 20 năm nữa ! Theo ý tôi, năng lượng lấy toàn bộ từ mặt trời có thể đạt được vào năm 2050, chứ không thể sớm hơn, nếu xét đến sức ỳ (inertie) trong lĩnh vực năng lượng, cần thời gian đáp ứng rất lâu dài. Năng lượng mặt trời toàn bộ không có nghĩa là bỏ hoàn toàn các nguồn năng lượng hóa thạch (than, dầu mỏ và khí đốt) cũng như các nguồn năng lượng tái tạo khác (gió, thủy điện, sinh khối…). Nên nhớ rằng tiềm năng năng lượng gió cũng to lớn và chi phí của nó càng ngày càng trở nên kinh tế, nhờ sự tiến bộ của công nghệ. Ngoài hạt nhân, tất cả các nguồn năng lượng nêu trên đều bắt nguồn từ mặt trời. Đi đâu rồi cũng trở về cội ! Nhân loại đã phung phí thì giờ và tiền bạc từ lâu mà không biết. Rút lui ngay khỏi lĩnh vực hạt nhân là hơp thời, hợp lý. Khiêu khích tạo hóa thì có ngày cũng mang họa.

Điều đáng lo ngại là thiếu sự quyết tâm chính trị mạnh mẽ của cấp lãnh đạo các nước. Tôi sẽ an tâm bao giờ nước ta có cái nhìn chiến lược về năng lượng như bà Angela Merkel. Sau Fukushima, nhân loại đang bước vào một cuộc cách mạng năng lượng Xanh toàn diện. Tại sao nước ta vẫn tiếp tục bịt tai che mắt?

Cũng như các lobby, một số chuyên gia ở Việt Nam luôn đề cao hiện tượng thay đổi khí hậu để biện minh cho các dự án điện hạt nhân. Nhưng đó không phải là một luận điểm vững chắc bởi điện hạt nhân chỉ chiếm 15% lượng điện sản xuất trên toàn cầu, và phần năng lượng do uranium so với toàn bộ năng lượng sơ cấp ngày nay chỉ chiếm 5% - 6%. Điều đó có nghĩa là thay thế điện hạt nhân bằng các nguồn năng lượng tái tạo là hoàn toàn khả thi và nên xúc tiến mạnh.

Nước chúng ta có nhiều may mắn lắm vì chưa có nhà máy điện hạt nhân nào cả. Chúng ta sẽ không tốn kinh phí khổng lồ để từ bỏ nó, và chi phí chuẩn bị lâu nay đế đi vào lĩnh vực không đáng là bao, có thể bỏ qua. Rút ngắn sự chậm trễ của chúng ta trong lĩnh vực năng lượng tái tạo so với Đức, Đan Mạch, Tây Ban Nha, Ấn Độ, Mỹ hoặc Trung Quốc không phải là điều dễ dàng. Việt Nam càng chậm trễ trong việc từ bỏ điện hạt nhân, khó khăn sẽ càng chồng chất và không thể nào bắt kịp các nước trong việc phát triển năng lượng Xanh, tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng. Nên biết rằng ưu điểm của năng lượng Xanh là có khả năng tạo ra rất nhiều việc làm cho đồng bào (trái với điện hạt nhân) và công nghệ không khó lắm.

Chúng ta cần phải biết làm chủ nhu cầu năng lượng, khuyến khích tự tiêu thụ nguồn năng lượng tái tạo sản xuất ra, phát triển các cơ sở năng lượng tích cực, đào tạo khẩn cấp các chuyên gia và thợ chuyên môn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Cũng cần nghĩ đến một chiến lược có tính giáo dục để kêu gọi dân chúng hưởng ứng cách thức tiêu thụ mới . Sự tiết kiệm năng lượng không phải ngẫu nhiên mà có được, và cũng không phải đến một cách bất thình lình từ các văn bản luật lệ.

Thời kì của các đại dự án kiểu Liên Xô đã qua rồi. Cái gì nhỏ mới đẹp! (Small is beautiful!). Triệt đẻ khai thác các nguồn năng lượng Xanh, phù hợp với các dự án nhỏ, với công suất thấp, để cung cấp các lưới điện thông minh (Smart grids). Chính năng lượng phân tán (Energie décentralisée) mới đáp ứng hoàn hảo nhất đối với các đặc tính của năng lượng lan tỏa (Energie de flux) thiên nhiên. Con người tự mình làm phức tạp vấn đề vì quá tin vào công nghệ tinh vi. Chúng ta khiêu khích tạo hóa bằng cách luôn tập trung lại những gì tạo hóa đã phân tán. Tại sao đi xa, đào sâu, tìm nguồn năng lượng hóa thạch (Energie de stock) xây dựng những nhà máy đồ sộ rồi truyền dẫn và phân phối điện trên quãng đường dài hàng chục, hàng trăm km, gây nên những tổn thất (nhiệt) tốn kém vô ích; đó là sự lãng phí. Từ nay, chúng ta phải nghĩ đến việc giảm khoảng cách giữa nơi tiêu thụ và nơi sản xuất.

Từ lâu, những bà cụ và phụ nữ Việt Nam đã nấu cơm nấu nước bằng củi hay than một cách đơn giản mà không gây cháy nổ hay để lại chất thải. Họ sáng suốt và thông minh hơn chúng ta.

Các lò phản ứng hạt nhân chẳng khác gì cái nồi nấu nước sôi, có chăng chỉ khác ở chỗ trăm nghìn lần phức tạp và tốn kém hơn. Tất nhiên, chúng làm ra điện nhờ vào uranium làm giàu nhập khẩu, thay cho củi than, bằng cách làm quay tuabin và máy phát điện. Nhưng nó lại sinh ra chất thải phóng xạ cực kì độc hại trong hàng thế kỉ. Có đáng phải trả giá như vậy không? Lò PWR được thiết kế năm 1954 là để trang bị cho tàu ngầm Nautilus của Mỹ. Lúc sơ khởi, lò hạt nhân có mục đích chiến tranh giết người chứ không phải làm điện cho hòa bình thế giới. Việt Nam phải hiểu rằng thời kỳ oanh liệt của hạt nhân đã qua rồi ! Nó không có một chút tương lai nào cả. Ngày nay một nước có nhà máy điên hạt nhân không phải là một cường quốc có uy tín như xưa.

Vì cớ gì chúng ta lại có thể nhắm mắt tin cậy ở công nghệ hạt nhân của Nga đang chuẩn bị xây lò đầu tiên cho ta? Một báo cáo trình bày ngày 9/6 vừa qua của Tâp đoàn nước này, Rosatom, gây hoang mang và lo sợ, nhất là cho nước láng giềng Norvège (Báo Le Monde ngày 25/6).

Trong số 32 lò phản ứng của Nga, nhiều khuyết điểm và cẩu thả về thiết kế hay khai thác đươc vạch trần ( nhờ thảm họa Fukushima, có nghĩa như họ không có Tchernobyl xẩy ra ?): mức độ nguy cơ động đất quá lạc quan và cách đề phòng yếu ớt, nhiều lò không có hệ thống ngưng vận hành tự động, các nhà ( batiment ) máy như Balakovo và Kalinin bị nghiêng và lún ( như một vài biệt thự ở ta ). Đó là chưa kể sự thiếu sót về số kịch bản nguy biến, sức chịu đựng lâu dài của các lò khi thiếu điện hay hệ thống làm lạnh, sự kiểm tra về khí hydro để tránh nổ, sự phân tích có hệ thống các thiết kế về an toàn.

Các chuyên gia Nhật cũng vì quá tin tưởng ở hai chữ an toàn nên mới dám xây dựng hàng loạt nhà máy nguyên tử, dọc theo bờ bể, khiêu khích trái đất lên cơn nổi giận và sóng thần ồ ạt tàn phá!

Trong vòng 50 năm qua, thế giới chỉ với 435 lò, mà đã có 5 lò bị nóng chảy : lò Three Miles Island, lò Tchernobyl và 3 lò của Fukushima. Trung bình có thể nói cứ 10 năm có một biến cố rùng rợn! Hạt nhân Fukushima hay Hiroshima, Nagasaki cũng là một. Phóng xạ giết người của bom nguyên tử hay của lò điện hạt nhân cũng là một. Những tâm lò (Coeur du réacteur) nóng chảy kia đã và đang làm bao trái tim của thường dân và con nít vô tội tan nát, các nhà lãnh đạo quốc gia có xót xa không?

Grenoble, ngày 3/7/2011
(Nguyễn khắc Nhẫn, Nguyên Cố vấn Nha kinh tế, dự báo, chiến lược EDF Paris, GS Viện kinh tế, chính sách năng lượng Grenoble, GS Trường Đại học Bách khoa Grenoble, Giám đốc Trường cao đẳng điện học và Trung tâm quốc gia kỹ thuật Sài Gòn)
Users browsing this topic
Guest (5)
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.