Rank: Advanced Member
Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC) Posts: 9,291 Points: 11,028
Thanks: 758 times Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)
|
Thân Trọng Thủy
A.- Sáng tác và thưởng thức câu đối là một thú phong nhã của người Việt xưa nay. Những câu đối độc đáo và giá trị là những câu đối có vận dụng tài tình lối chơi chữ.
Có thể kể sơ lược một vài kiểu chơi chữ trong câu đối như sau :
1)- Sử dụng điệp âm đầu.-
Tết tiết túng tiền tiêu,tính tóan toan tìm tay tử tế Hội hè hòng hí hửng, hỏi han hang họ hẳn hay ho.
2)- Nói ngược.-
Vợ cả, vợ hai, hai vợ đều là vợ cả Con nuôi, con đẻ, đẻ con há cậy con nuôi
3)- Sử dụng nhóm chữ cùng khái niệm, cùng đối tượng.-
3.1-Chợ Đồng Xuân bán bánh trung thu, đông thì đông nhưng không bán hạ Người miền đông làm nhà đất bắc, tây thì tây vẫn dựng kiểu nam
3.2-Chị Hươu đi chợ Đồng Nai, ghé qua Bến Nghé ngồi nhai khô bò (chưa có vế đối)
4)-Nói lái (đôi khi rất tục).-
4.1- Tán vàng, lọng lá, che đầu nhau đỡ khi nắng cực Thuyền rồng, mui vẽ, vén buồm lên rồi sẽ lộn lèo
4.2-Thầy giáo tháo giày, tháo cả ủng, thủng cả áo, lấy giáo án dán áo Nhà trường nhường trà,nhường cả hoa, nhòa cả hương, lãnh lương hưu lưu hương.
5)- Vận dụng những chữ đồng âm dị nghĩa.-
Con bò/ cạp con bò cạp, con bò cạp không cạp con bò Con hổ /mang con hổ mang,con hổ mang không mang con hổ .
6)- Tập Kiều.-
Câu đối dán ở buồng vợ lẽ:
Khi vào dùng dắng, khi ra vội… Nỗi đêm khép mở nỗi ngày riêng…
7)-Hàm ý bông đùa, chế diễu.-
Cung kiếm ra tay , thiên hạ đổ dồn hai mắt lại
Rồng mây gặp hội, anh hùng chỉ có một ngươi thôi
(Để ý: “một ngươi thôi” nghĩa là “chỉ có một mình nhà ngươi thôi, nhưng lại hàm ý chế diễu người võ sĩ chỉ có một mắt mà thôi).
8)-Câu đối thách.-
- Vế ra của Hồng Hà nữ sĩ mà Cống Quỳnh chịu thua, không đối được:
Da trắng vỗ bì bạch
(bì bạch là da trắng, bì bạch còn là tiếng tượng thanh) Sau nầy có mấy vế đối nhưng đều không đạt, chỉ có câu sau tạm gọi là trúng cách:
Trời xanh màu thiên thanh
(thiên thanh là trời xanh, tuy nhiên vế đối không chỉnh vì thiên thanh không phải là tiếng tượng thanh)
…….
B. Một đặc điểm của câu đối là sự ứng đối nhanh nhạy,kịp thời,đốp chát, gần như là phản xạ, thể hiện trí thông minh lanh lợi của người đố cũng như người đáp. Có thể nêu vài câu để dẫn chứng:
-2-
1.-Đối đáp giữa ông Tú Cát và Trạng Quỳnh (lúc còn nhỏ):
Ông Tú :] Trời sinh ông Tú Cát Trạng Quỳnh: Đất nứt con bọ hung
2)-Đối đáp giữa vua và Cao Bá Quát:
Vua: Nước trong leo lẻo cá đớp cá Cao Bá Quát: Trời nắng chang chang người trói người.
Trong hai chuyện nầy ta thấy một bên vừa đọc vế xuất thì bên kia gần như ngay tức khắc đọc tiếp vế đối, thật là nhặm lẹ, tài tình.
3)-Tiếp đến là chuyện cụ Đào Tấn (người sáng lập bộ môn hát bội ở Bình Định) một hôm thấy trước cổng nhà có câu đối (có ý chê bai) do ai đó dán sẵn hồi nào không rõ:
Hát hay Học dở
Cụ điềm nhiên viết thêm năm chữ vào sau mỗi câu làm thay đổi hẳn ý nghĩa (từ bị chế diễu thành tự hào):
Hát hay, chính kép Qui Nhơn thiệt Học dở, làm quan Quảng Ngãi chơi
4)-Hoặc như chuyện Nguyễn Công Trứ thuở còn là học trò, có lần nghe đồn sư ông tại một ngôi chùa gần chỗ Nguyễn Công Trứ trọ là người hay chữ nhưng lại ghét học trò, lại hay ăn thịt chó nên có ý dò xem hư thực ra sao. Một hôm ông tìm vào bếp nhà chùa và bắt gặp sư ông đang lúi húi trong đó, mùi thịt chó thơm lừng. Sư ông bị quấy rầy, bực mình đọc một câu rằng
Khách khứa kể chi ông núc bếp (có ý nói khách gì mà lại xông vào bếp nhà người ta)
Nguyễn Công Trứ liền trỏ vào nồi thịt chó đọc tiếp liền:
Trai chay nào đó vại cà sư
(vại cà sư vừa có nghĩa là cái vại cà của nhà sư vừa có nghĩa đùa bỡn : bà vãi cà ông sư, giọng Nghệ An đọc vãi thành vại)
Sư ông hốt hỏang chỉ vào pho tượng gần đấy mà nói:
Xin chứng minh cho, Nam Mô A Di Đà Phật
Nguyễn Công Trứ tức thì chỉ bàn thờ ông Táo đọc tiếp ngay:
Có giám sát đó, Đông Trù Tư Mệnh Táo Quân
Nhà sư liền bào chữa:
Thuộc ba mươi sáu quyển kinh, không thần thánh phật tiên nhưng khác tục
Nguyễn Công Trứ đáp lại ngay:
Hay tám vạn tư mặc kệ, chẳng quân thần phụ tử đếch ra người
Thật là đốp chát lanh lẹ, phản xạ tuyệt vời. Ngòai ra hãy chú ý đến cách chơi chữ khéo léo khi dùng chữ “kệ” để đối lại chữ “kinh”.
5)-Nhưng cũng có nhiều trường hợp các nhà biên sọan thêm mắm thêm muối vào để cho câu chuyện thêm phần hấp dẫn, như chuyện trạng Lương Thế Vinh sau đây chẳng hạn:
Vua Lê Thánh Tông và các quan đến thăm một ngôi chùa làng,quê của Lương Thế Vinh, lúc sư cụ đang tụng kinh. Bỗng sư cụ làm rơi chiếc quạt xuống đất. Một vị quan tùy tùng của vua cúi xuống nhặt giúp. Thấy vậy vua ra nghĩ ra một vế đối và trong bữa tiệc hôm đó vua bắt các quan đối:
-3-
Đường thượng tụng kinh sư sử sứ (nghĩa là trên bục đọc kinh sư sai khiến sứ)
Các quan không ai đối được vì vế xuất có đến ba chữ cùng âm đầu là S Trạng nguyên Lương Thế Vinh cứ ung dung ngồi uống rượu. Đến khi vua thúc giục, ông mới bảo lính hầu về nhà mời vợ ông đến. Khi bà trạng đến, ông bèn lấy cớ quá say xin phép vua cho vợ dìu mình về. Thấy Vinh vốn là một tay có tài ứng đối mà hôm nay cũng chịu bí, tính đánh bài chuồn, vua đắc ý giục:” Đối được hay không thì nói đã rồi hẵng về chứ?”. Vinh liền tâu:” Bẩm, thần đã đối rồi đấy thôi” Vinh vừa chỉ vào bà trạng đang dìu mình vừa đọc to:
Đình tiền túy tửu, phụ phù phu (nghĩa là: trước sân say rượu vợ dìu chồng).
Nhà vua cười và thưởng cho trạng rất hậu. Rõ ràng là các nhà biên sọan đã thêm thắt chuyện kêu lính hầu về mời vợ trạng, mục đích là để minh họa cho vế đối của trạng. Nếu không như thế thì vế đối của trạng là vu vơ, mơ hồ, không dựa vào một sự kiện nào trước mắt cả. Tả một cảnh tượng không có thực để đối với một sự kiện có thực vừa diễn ra thì vế đối không thể gọi là hay và có giá trị được. Cho nên phải thêm mắm thêm muối.
C.-Sau đây là vài giai thọai có liên quan đến những câu đối độc đáo , thú vị và cả hóc búa nữa:
1)-Chuyện xin chữ:
1.1)-Một ông lão hàng xóm của cụ Tam nguyên Yên Đổ bảo người con kiếm một cơi trầu sang thưa với cụ để xin một câu đối về dán ở bàn thờ ông bà. Cụ ngồi bên nhà mình đã nghe rõ cả nên khi con ông lão láng giềng qua, cụ bảo ngay: ”Ta không cần phải suy nghĩ gì nữa vì câu đối ấy chính lão nhà anh đã làm rồi, để ta đọc lại cho mà chép nhé":
Kiếm một cơi trầu thưa với cụ Xin đôi câu đối để thờ ông
1.2)-Một hôm cụ Nguyễn Khuyến đến chơi nhà một thầy đồ ở làng bên cạnh. Ông đồ nói về chiếc nhà tranh mình mới dựng, than phiền rằng nhà chỉ tạm đủ ở, nhưng vì xây theo hướng bắc rối đây lúc nóng sẽ nóng lắm, lúc rét sẽ rét cóng da cóng thịt. Rồi ông đồ nói:”Chẳng dám dấu gì Cụ, cháu mới nghĩ được một vế đối để dán ở nhà học mới, còn vế sau thì chưa nghĩ ra, giá mà Cụ lớn nghĩ hộ cháu thì vinh dự quá…”
Vế đó là:
”Người nước Nam, hỏi tiếng tây chẳng biết tây, hỏi tiếng tàu chẳng biết tàu, chỉ một lẽ, minh tiên vương chi đạo dĩ đạo” (minh tiên vương chi đạo dĩ đạo=làm cho sáng cái đạo của tiên vương)
Cụ Yên Đổ cười nói:
”Anh bảo vế thứ hai anh chẳng nghĩ ra, nhưng anh chẳng cũng đã đọc cho tôi nghe rồi còn gì?”
Ông đồ kinh ngạc nói:”Bẩm Cụ, có đâu ạ?”
- Thì đây này, anh chẳng đã bảo như thế nầy là gì: - Nhà hướng bắc, chua ai rét thì đã rét, chưa ai nực thì đã nực, mới gọi là: tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu!
(tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu= lo trước cái lo của thiên hạ).
2)-Chuyện quan hòang giáp chịu tài người ăn xin:
Phạm Nguyên Du sinh năm 1739, đỗ hòang giáp năm 40 tuổi, làm quan đến Đông Các Đại học sĩ. Lúc vợ chết ông có làm mấy câu đối thờ, có câu như sau:
Sử ngã tất sanh, khanh tất tử Hạp dư vi phụ, nhĩ vi phu
(nghĩa là: Ai khiến tôi phải sống, mình phải chết? Sao không để tôi làm vợ mình làm chồng).
Có một người kia vào nhà xin ăn, lân la đọc hết mấy câu đối rồi gật gù ra chiều tán thưởng. Ông Du thấy vậy mới hỏi:
- Ông thấy sao? Được không? - Dạ được đấy, nhưng chưa thật hay. - Thế ông có thể làm hay hơn không? - Thưa, tôi chỉ biết làm câu đối nôm thôi. - Xin ông cứ làm thử.
Người ăn xin liền đọc:
Đất chẳng phải chồng, đưa gởi thịt xương sao lợi Trời mà chết vợ, thử xem gan ruột mần răng?
Câu nầy rất xuất sắc: chẳng những đối rất chỉnh(“trời” đối với “đất”, ‘’vợ” đối với “chồng”, “gan ruột” đối với “thịt xương”,”răng’’đối với “lợi” rất chỉnh, mà còn sử dụng được câu tục ngữ ”Sống gửi thịt, chết gửi xương” nói về người con gái đi lấy chồng tức là trao thân gởi phận cho chồng, khi sống cũng như khi chết. Thế thì nay chết đi sao lại đem xương thịt mà gởi cho đất? Đất có phải là chồng đâu?
Ý tưởng của vế dưới cũng rất độc đáo: Trời mà chết vợ thử xem trời có héo gan héo rụôt không?
Tôi cho rằng có lẽ không có câu đối khóc vợ nào hay hơn thế!
3)-Chuyện Bao công phá một kỳ án liên quan đến một vế đối hóc búa:
Có một viên ngọai họ Vương vừa cưới cho cậu con trai “hũ mắm treo đầu giàn” một cô gái ở làng bên, vừa xinh đẹp vừa có chữ nghĩa. Trong đêm tân hôn, khi khách khứa đã về hết, cô dâu đưa ra một vế đối, giao hẹn với chồng nếu không đối được thì không cho động phòng. Vế đối như sau:
Điểm đăng đăng các các công thư. (Đốt đèn lên gác, người nào cũng phải lo công việc đèn sách của mình)
Tân lang chắp tay sau lưng đi lui đi tới mãi cũng không tài nào đối được, bèn bỏ lên thư phòng. Cô dâu gọi lại nhưng không kịp, đành ngủ một mình. Sáng hôm sau anh chồng quay lại phòng vợ, mặt mày ủ dột. Thấy kỳ lạ, cô vợ hỏi:” sao mặt chàng như đưa đám vậy?” Anh chồng trố mắt nhìn vợ :”Chẳng lẽ nàng không biết vì sao ư?”.Cô vợ đáp:”Quả thực em không biết.” Anh chồng liền nói:”Vì không nghĩ ra được vế đối nên mới như thế”. Cô vợ nghe nói kỳ lạ quá hỏi ngay: ”Chứ không phải đêm qua chàng đã quay lại đối được rồi đó sao?”.
Anh chồng cãi: ”Đêm qua tôi ở lại thư phòng suốt cả đêm chứ có quay lại lúc nào đâu?”.
Nghe vậy cô vợ rụng rời tay chân. Nguyên là vào giữa đêm qua, lúc cô vợ còn đang mơ mơ màng màng thì có một người bước lên giường nằm cạnh cô và nói khẽ: ”Anh đã nghĩ ra được vế đối rồi.” và đọc luôn vế đối. Cô vợ nghe xong tưởng đấy là chồng mình cho nên đã cùng nhau vui vầy ân ái, rồi cô ngủ say cho đến sáng. Khi nghe chồng nói cô biết đã bị lừa đến mất cả trinh tiết, nên xấu hổ vô cùng, cô liền treo cổ tự tử. Vụ án được báo lên quan phủ. Quan cho rằng vì không đối được vế đối nên anh chồng đã giết vợ, do đó quan cho bắt anh ta giam vào ngục chờ ngày hành quyết.
Vụ án được báo lên Bao công. Xem xét hồ sơ, Bao công nhận thấy có điều không rõ ràng nên đến tận nhà Vương viên ngọai để điều tra. Bao công cho rằng điểm then chốt của vụ án là câu đối. Ông đọc đi đọc lại vế xuất và cố nghĩ cho ra vế đối. Bao công đi đi lại lại trong sân, vừa đi vừa suy nghĩ, đến khi mỏi chân ông kêu người nhà đem ra một chiếc ghế, kê tựa vào gốc cây ngô đồng để ông ngồi suy nghĩ tiếp. Ông nhìn lên trên đầu thấy trăng sáng vằng vặc và bất chợt nghĩ ra được vế đối, đồng thời trong đầu ông cũng lóe ra tia sáng của vụ án.
Sáng hôm sau Bao công truyền cho quan sở tại loan báo việc tuyển dụng nhân tài. Nội dung cuộc khảo thí rất đơn giản: ai đối được vế đối sau sẽ được tuyển dụng:
Điểm đăng đăng các các công thư
Mọi thí sinh đều lắc đầu cho là vế đối quá khó. Bỗng có một thư sinh mặt mày tuấn tú, cử chỉ phong lưu nhưng đôi mắt có vẻ “lanh mưu” tiến ra xin đối. Chàng ta cất giọng ngâm:
Di ỷ ỷ đồng đồng thưởng nguyệt (Chuyển ghế dựa ra dựa vào cây ngô đồng cùng ngắm trăng).
Mọi người khen hay. Bao công cũng gật đầu tỏ vẻ hài lòng.
Thấy vậy, chàng thư sinh đánh bạo hỏi: ”Không rõ đại quan sẽ giao cho tiểu nhân chức gì đây?”. Bao công bỗng cười ha hả. Ông đập bàn quát: ”Bây đâu! Bắt đứa gian manh cho ta!”
Chàng thư sinh hồn xiêu phách lạc. Chính hắn ta là bạn học của người chồng (bạn “lanh mưu”). Trong đêm hôm đó khi nghe người chồng than thở không đối được vế đối của vợ, chàng ta liền ra ngòai sân cố suy nghĩ . Đến khi đứng tựa cây ngô đồng và nhìn lên vầng trăng thì hắn ta chợt nghĩ ra vế đối và rồi sinh lòng đen tối, hắn lẻn vào phòng cô dâu, giở trò gian manh. Cô dâu không phân biệt được thật giả nên mới rơi vào tay kẻ bất lương để đến nỗi phải tự tử để bảo tòan danh tiết. May mà gặp Bao công sáng suốt và mưu trí đã phá được vụ án.
4)-Vài vế xuất thú vị khác.-(chưa có vế đối)
4.1.- Nem chả ngon, chả ngon. 4.2.- Con gái bên đông lấy chồng bên tây, cứ giữ lòng ngay, chớ hề nam bắc 4.3.- Lên phố Mía gặp cô hàng mật cầm tay kẹo lại hỏi thăm đường 4.4.- Gái tơ chỉ kén ngài quân tử. 4.5.-Cha con thầy thuốc trở về quê, gánh một gánh hồi hương, phụ tử 4.6.- Mẹ đội thúng me, em e nặng mẹ.
Thân Trọng Thủy sưu tầm
|