Chào chị Vân Nhi và các chị
Em đang bận quá nên thỉnh thoảng vào PNV dạo một vòng rồi đi ra thôi, nhưng mấy hôm nay theo dõi tâm sự của chị Vân Nhi làm cho em cũng muốn có... ý kiến ý cò một tí cho bớt... stress.

Ban đầu đọc thì em nghĩ rằng cô em chồng của chị VN không được tế nhị cho mấy, ai lại lấy rồi mới xin chủ nhân. Em cũng thấy chị VN sao mà hiền quá, người ta lấy thứ mình trân quý mà chị chẳng nói gì cả. Kem dưỡng da em không quan trọng mấy, có thể mua lại, nhưng quà của nghĩa muội chị tặng mang nhiều kỷ niệm là thứ không mua được cũng không định giá được, thì đáng lẽ chị VN nên cứng rắn hơn một chút.
Nhưng có một chi tiết chị viết làm cho em thắc mắc. Chị viết rằng chị xem cô em như thần tượng, làm em suy nghĩ, nếu là người kém ý tứ như thế, sao lại là thần tượng? Hay là cô em này có những mặt tốt khác mà chị VN chưa nói đến?
Sau đó chị đưa thêm ví dụ thì em có thể hiểu được thêm nên có thể đưa ý kiến cho chị được rồi

Em nghĩ rằng cô em chồng của chị (không biết là bao nhiêu tuổi) rất có thể thuộc vào mẫu người có trái tim đại lượng, tính tình hòa nhã dễ thương làm cho người đối diện dễ có cảm giác gần gũi nên được trẻ cũng mến mà già cũng thương. Chính vì vậy mà chị xem cô em như thần tượng chăng? Vì người khác cảm thấy gần gũi nên mới tự nhiên vào phòng của cô em chơi (trong trường hợp của các cháu trong nhà). Cô em của chị cũng có thể có "tâm hồn trẻ" (phải bỏ trong ngoặc kép là vì nếu nói trẻ tuổi thì không biết định thế nào mới là "trẻ" đây, 40, 50 có khi vẫn là... còn trẻ. Tâm hồn trẻ theo định nghĩa tạm của em trong trường hợp này là người có tâm hồn vô tư, luôn nhìn đời qua lăng kính lạc quan), nên cô ấy nghiễm nhiên nhiên nghĩ rằng ai cũng như mình. Cô không quan tâm mấy đến việc mấy đứa cháu vào phòng mình phá, hoặc có thể nếu có người lấy đồ của cô dùng cô cũng không mấy quan tâm. Cho nên khi vào phòng người khác cô ấy cũng "vô tư" như ở đang ở phòng của mình và nghĩ rằng mình không câu nệ sự riêng tư thì người khác cũng có cùng quan điểm.
Nếu nhìn theo khía cạnh này thì cô em chồng của chị không đáng trách cho lắm. Những người có tấm lòng mở rộng lại vô tư thì sẽ nghĩ rằng ai cũng giống như mình và vì thế có thể đòi hỏi quá nhiều từ người khác, đâm ra trở nên thiếu tế nhị. Cũng có những người có tấm lòng mở rộng nhưng hiểu được lý lẽ cuộc sống rằng không phải ai cũng giống nhau thì sẽ không đòi hỏi người khác hành xử giống như mình, từ đó có cách cử xử tế nhị hơn. Riêng chị VN thì vì quá tế nhị đâm ra... thiệt thòi. Do đó, nếu có lần tới chị VN nên có thái độ dung hòa một chút. Đành rằng chẳng ai thích người khác tự tiện lấy đồ của mình, nhưng nếu thật sự như lời ông xã chị nói là chị cũng có... nhiều quá, cho một chút có sao đâu, thì với những thứ có giá trị vật chất, nếu có thể mua lại được thì thôi, dĩ hòa vi quý, cứ để cô em lấy, chứ bây giờ đã bỏ vào giỏ rồi, bảo nàng lấy ra cũng... kỳ, lại làm mất đi hình ảnh bà chị dâu dễ thương trong mắt em chồng.
Nhưng đối với những thứ có giá trị tinh thần không thể dùng tiền mà mua lại được thì chị nên cứng rắn hơn, giải thích cho cô em hiểu là thứ đó rất quan trọng đối với chị vì là quà kỷ niệm. Em tin rằng cô em sẽ hiểu và tự ý "trả lại khổ chủ". Và điều này cũng có thể giúp ích cho cô em có thêm kinh nghiệm sống, giúp cho cô hiểu rằng không phải thứ gì nếu là mình, mình có thể cho được thì cũng có nghĩa là mình có thể đòi hỏi người khác cho mình. Có thể những "sự cố" như vậy sẽ làm cho cô em học được cách cư xử tế nhị hơn cũng nên.
Chị VN nói rằng mình nhu nhược không dám nói thẳng với cô em, nhưng em nghĩ rằng chị hiền lương, chị biết quý trọng kỷ vật (nghĩa là quý trọng tình bạn) và thương mến em chồng (nghĩa là quý trọng tình thân). Em thấy mối liên hệ của chị và cô em chồng khá tốt đẹp, có thể cô ấy cảm thấy gần gũi với chị như chị ruột, cho nên mới tự nhiên lấy đồ của chị. Nếu vậy thì cũng là một dấu hiệu tốt. Nói chung, cùng một sự việc, nếu mình cố gắng nhìn nó ở khía cạnh tích cực, thì nó sẽ trở nên một điều tốt và ngược lại.
Về bất đồng giữa chị và ông xã. Có lẽ chị buồn tại sao anh bênh em gái mà không bênh chị, nhất là chị lại đang trong giai đoạn "buồn sau khi sanh nở", đáng lẽ anh phải an ủi chị mới đúng. Có thể anh hơi thiếu tế nhị, hoặc cũng có thể chị đặt trọng tâm của vấn đề không chính xác, thay vì nhấn mạnh đến việc em nên hỏi chị trước khi lấy đồ (đồng nghĩa là chị không tiếc nhưng chị cũng không thích bị bất ngờ) thì chị lại nhấn mạnh việc chị bị em lấy đồ mà không hỏi (đồng nghĩa là chị tiếc món đồ ấy) làm cho ông xã chị hiểu vấn đề bị sai ý của chị. Nói chung, cùng một sự việc nhưng tùy theo cách mình trình bày sẽ làm cho người nghe có những cảm nhận khác nhau. Chén đũa sành hay đồ sứ kiểu cọ thì lúc ăn cũng phải khua, cơm càng ngon lại càng... khua lớn hơn, thành ra vợ chồng bất đồng là chuyện thường, nhờ đó mới có thể hiểu nhau hơn., hạnh phúc hơn.
Cuối cùng thì chúc mừng chị mới có em bé. Khi nào có thời gian rảnh chị cứ vào PNV dạo chơi, bảo đảm với chị không có nơi nào giống như PNV đâu!

Thân mến.