Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

Tin tức về những dự luật cải tổ Y Tế tại Mỹ
viethoaiphuong
#1 Posted : Sunday, March 21, 2010 4:00:00 PM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,291
Points: 11,028

Thanks: 758 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)
Hạ viện Mỹ sẽ biểu quyết về dự luật cải tổ y tế vào Chủ nhật


Cindy Saine_VOA

Hạ viện Hoa Kỳ sẽ mở cuộc biểu quyết quan trọng vào ngày chủ nhật về dự luật cải cách chăm sóc sức khỏe. Lần thứ nhì, Tổng thống Barack Obama đã hoãn chuyến đi châu Á Thái Bình Dương đến Indonesia và Australia để có mặt tại thủ đô Washington vào lúc Quốc hội biểu quyết về ưu tiên hàng đầu của ông sau một năm tranh luận và giằng co. Từ trụ sở Quốc hội Mỹ, thông tín viên VOA Cindy Saine ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.


Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã tiết lộ điều mà phe Dân chủ hy vọng sẽ là phiên bản cuối đã được sửa đổi của dự luật cải tổ chăm sóc sức khỏe

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã tiết lộ điều mà phe Dân chủ hy vọng sẽ là phiên bản cuối đã được sửa đổi của dự luật cải tổ chăm sóc sức khỏe

Hôm qua, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Robert Gibbs nói với các phóng viên rằng Tổng thống Obama tin tưởng dự luật về cải tổ chăm sóc sức khỏe sẽ trở thành luật trên toàn quốc Hoa Kỳ.

Ông Gibbs nói: “Tôi nghĩ dự luật sẽ được Hạ viện thông qua vào ngày chủ nhật. Tôi tin rằng dự luật sẽ sớm được Thượng viện thông qua, và tổng thống sẽ có thể ký duyệt toàn bộ dự luật để trở thành luật.”

Tổng thống Obama đã hoãn chuyến đi nước ngoài theo lịch đã định cho đến tháng Sáu để chứng kiến cao điểm của nỗ lực kéo dài cả năm trường trước sự nhất trí chống đối của tất cả các nhà lập pháp thuộc đảng Cộng hòa ở cả Hạ viện lẫn Thượng viện.

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã tiết lộ điều mà phe Dân chủ hy vọng sẽ là phiên bản cuối đã được sửa đổi của dự luật cải tổ chăm sóc sức khỏe với tổn phí 940 tỷ đôla, theo đó bảo hiểm y tế sẽ được mở rộng cho khoảng 32 triệu người hiện nay không có bảo hiểm. Văn phòng Ngân sách Hạ viện phi đảng phái đã công bố các số liệu hôm qua, với ước tính là dự luật sẽ hạ mức thâm hút ngân sách liên bang xuống 138 tỷ đôla trong 10 năm đầu.

Chủ tịch Hạ viện Pelosi, người còn đang cố gắng thu phục được 216 phiếu cần thiết để dự luật được thông qua ở Hạ viện, rất lấy làm hài lòng về các con số của cơ quan vừa nói. Các con số này có thể giúp tranh thủ được sự ủng hộ của các đảng viên Dân chủ có chủ trương bảo thủ về tài chính sắp phải đối đầu với các cuộc tái tranh cử gay go vào tháng 11 năm nay.

Bà Pelosi nói: “Vì sức khỏe và phúc lợi của người dân Mỹ, vì sự lành mạnh tài chính của ngân sách nước Mỹ, vì các bậc cao niên, vì những người trẻ tuổi của chúng ta, vì phụ nữ, vì các cơ sở doanh nghiệp nhỏ và vì tính cạnh tranh, chúng ta sẽ làm nên lịch sử và chúng ta sẽ đạt được tiến bộ bằng cách thông qua dự luật này.”

Nếu dự luật được thông qua, công cuộc cải tổ chăm sóc sức khỏe toàn diện sẽ tái cấu trúc 1/6 nền kinh tế Hoa Kỳ, và lần đầu tiên sẽ đòi hỏi đa số người Mỹ có bảo hiểm y tế và phạt các công ty lớn và vừa nếu các công ty này không cung cấp bảo hiểm sức khỏe cho nhân viên của họ. Luật mới cũng sẽ đề ra các hạn chế đối với các công ty bảo hiểm, tỷ như sẽ không cho phép họ loại trừ những người muốn được bảo hiểm vì tình trạng bệnh đã có từ trước.

Phe Dân chủ đang áp dụng một tiến trình lập pháp phức tạp để thông qua dự luật. Trước tiên, Hạ viện sẽ phải thông qua một dự luật của Thượng viện mà nhiều nghị sĩ trong đảng Dân chủ không thích chút nào. Sau đó cả hai viện sẽ cần phải thông qua một kế hoạch điều chỉnh dự luật đã được đồng ý trong các cuộc thương lượng với Tòa Bạch Ốc.

Các nhà lập pháp của đảng Cộng hòa đã chống đối dự luật chăm sóc sức khỏe ngay từ buổi đầu, vì cho rằng nó quá lớn, quá tốn kém và để cho các giới chức hành chánh quan liêu của chính phủ xen vào các quyết định về y tế của người Mỹ.

Trưởng khối thiểu số ở Hạ viện ông John Boehner đã kiên quyết tuyên bố phe Cộng hòa sẽ “làm tất cả những gì có thể được để bảo đảm là dự luật này sẽ không bao giờ, không bao giờ được thông qua”, và một số đảng viên Cộng hòa tại Thượng viện nói rằng họ đã nghiên cứu các quy định của Thượng viện để làm bất cứ điều gì có thể được để ngăn chặn dự luật nếu dự luật được đưa trở lại qua Thượng viện vào tuần tới.
viethoaiphuong
#2 Posted : Tuesday, March 23, 2010 8:06:36 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,291
Points: 11,028

Thanks: 758 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)


Friday, March 19, 2010

Chương trình cải tổ y tế của TT Obama sắp đến hồi quyết định:
Lợi hay hại?


* Việt Nguyên

Trận chiến cải tổ y tế giữa hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa sắp đến hồi quyết định. Chương trình y tế sẽ được TT Obama đưa ra Hạ viện trong hạ tuần tháng 3/2010 vẫn tiếp tục gặp phải sự chống đối của đảng Cộng Hòa và các công ty tư.

Chương trình Y tế được TT Obama xem là chương trình quan trọng nhất ngoài chiến tranh A Phú Hãn. Hai chương trình được TT Obama thực hiện với hai chiến thuật khác nhau. Ở A Phú Hãn, TT Obama đánh chống du kích còn ở trận chiến y tế ông lại dùng chiến thuật du kích để dùng áp lực quần chúng lên đảng Cộng Hòa.

Chương trình Y tế Obama được xem là chương trình sẽ thay đổi nền y tế Hoa Kỳ trong vòng 45 năm qua đầy mâu thuẫn, phí tổn lên đến một ngàn tỷ Mỹ kim trong 10 năm nhằm bảo hiểm cho toàn dân trong đó có 31 triệu người không có bảo hiểm.



Tổng thống Obama sẽ phải đương đầu với rất nhiều khó khăn
để thành công với chương trình cải tổ y tế do ông khởi xướng.
(Hình: Getty Images)

Bảo hiểm y tế

Sau khi đắc cử, TT Obama đã đặt thời điểm tháng 8 năm 2009 để bắt đầu thực hiện Cải tổ Y tế. Ông và đảng Dân Chủ đã lạc quan quá mức khi muốn sửa đổi nền y tế với chi phí lên đến hai ngàn 300 tỷ Mỹ kim trong năm 2008. Ông đã gặp nhiều chống đối vì y tế Hoa Kỳ là một dịch vụ lớn và phức tạp với nhiều quyền lợi của các giới tư bản và Chương trình Y tế của ông đầy hỏa mù.

Chương trình Y tế mang tên Obama nhưng TT Obama không hề đưa ra dự luật. Hai dự luật được bàn cãi đến từ Hạ viện và Thượng viện.

Tháng 12 năm 2009, TT Obama đã mất cái tài làm ảo thuật trong thời gian tranh cử. Thiếu tổ chức, lạc quan quá đáng, đảng Dân Chủ lủng củng, các dân biểu nắm chức quan trọng như Charles Rangel từ chức, tỷ lệ ủng hộ của dân xuống dưới 33%. Thời kỳ hợp tác lưỡng đảng đã qua. Sau khi TT Obama nhậm chức, đảng Cộng Hòa đã quyết định không chấp nhận các chương trình lớn của chính quyền Obama. Quyết định này mạnh thêm sau khi ông Scott Brown thắng cử TNS tiểu bang Massachusetts.

Thiếu 60 phiếu đa số cần thiết ở Thượng viện, Chương trình Y tế 2,700 trang “mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm” kết quả của những cuộc đi đêm giữa TT Obama và các dân biểu bị phản đối buộc TT Obama phải dùng đến chiến thuật cởi mở qua cuộc Hội thảo hồi cuối tháng Hai cho dân chứng kiến. Ở buổi hội thảo C-Pac này, TT Obama cũng không lấy được sự ủng hộ mới nào của đảng Cộng Hòa ngoài một điểm đồng nhất: các hãng bảo hiểm sức khỏe không được từ chối bán bảo hiểm dựa trên tiêu chuẩn người mua đã có bệnh (preexisting condition) và thiên về một giải pháp của đảng Cộng Hòa: những người bệnh sẽ vào nhóm rủi ro lớn (high risk pool) và các bảo hiểm sức khỏe sẽ được bán xuyên bang.

Đảng Cộng Hòa với lời của cựu chủ tịch Quốc hội Newt Gingrich “Chính quyền Obama với khẩu hiệu Hy vọng và Thay đổi sẽ đưa đến xã hội hóa nền y tế Hoa Kỳ, kế hoạch trung ương sẽ đưa đến độc tài, bộ máy xã hội chủ nghĩa sẽ chỉ huy nền y tế Hoa Kỳ”. TNS Jim de Mint nặng lời hơn, mỉa mai TT Obama “Ông có dáng ăn khách trên đài truyền hình không có nghĩa là ông có thể dụ những người yêu chuộng tự do vào đường Xã hội Chủ nghĩa!” Lãnh tụ thiểu số Hạ viện John Boehner yêu cầu ông Obama bỏ dự luật để bắt đầu lại từ đầu.

Chương trình Y tế mà TT Obama muốn Hạ viện biểu quyết trong hạ tuần tháng 3, 2010 sẽ được thực hiện vào năm 2014, chương trình này được gọi là chương trình thỏa hiệp giữa Hạ và Thượng viện. Vì không đủ số 60 nên Thượng viện đưa dự luật TV ra Hạ viện để biểu quyết. Bà Nancy Pelosi không tự tin sẽ lấy đủ phiếu Hạ viện nên đề nghị Thượng viện thông qua dự luật “thỏa hiệp” trước. Con đường luẩn quẩn này cần tài ảo thuật của TT Obama! Ông đã bắt đầu bằng những lời hứa hẹn: cho người già 250 Mỹ kim mua thuốc, Cải tổ Y tế có lợi cho dịch vụ thương mại nhỏ và các người không bảo hiểm v.v...

Bảo hiểm y tế ở Hoa Kỳ phức tạp, từ thời TT Johnson, bảo hiểm Y tế gồm hai chương trình tư và công. Chương trình công gồm Medicare cho người già và Medicaid cho người nghèo. Thời TT Clinton các chương trình công và tư được sửa đổi qua các cơ quan quản trị sức khỏe HMO. Chương trình này nhằm vào sự kiểm soát chi phí. Các chi phí y tế càng ngày càng gia tăng vì nhiều yếu tố: cách hành nghề của bác sĩ, gian lận bảo hiểm, sự đỏi hỏi của bệnh nhân, kỹ thuật cao, máy móc đắt tiền như CT Scan, MRI, thưa kiện hành nghề không đúng tiêu chuẩn của giới luật sư, căn bản là sự mua bán dịch vụ y tế giữa người cùng cấp dịch vụ (bác sĩ và bệnh viện) và người nhận dịch vụ được thanh toán bởi một người thứ ba (hãng bảo hiểm). Sự mua bán này với giá cả thay đổi tùy công ty, tùy vùng, tùy tiểu bang. Kết quả đưa đến lạm phát, tăng giá bảo hiểm sức khỏe vô hạn định, 31 triệu người Mỹ không có bảo hiểm y tế trong đó có nhiều triệu người trẻ khỏe mạnh tự ý không mua bảo hiểm. Vì thiếu bảo hiểm y tế có hơn một triệu người phải phá sản. Hóa đơn bệnh viện phức tạp không ai đọc được trừ chuyên viên bảo hiểm! Chi phí y tế chiếm 18% chi phí cá nhân. Từ 1999 đến 2009, trung bình tiền đóng bảo hiểm cho mỗi gia đình tăng từ $5,800 lên đến $13,400, chi phí cho mỗi người trong chương trình Medicare tăng từ $5,800 đến $11,900.

Chương trình Y tế Obama bị đảng Cộng Hòa phản đối thật ra rất giống với Chương trình Y tế Nixon. Từ thời TT Theodore Roosevelt năm 1912, Chương trình Y tế đã không thực hiện được. Đến 1970, TT Nixon đòi tất cả chủ nhân phải mua bảo hiểm cho nhân viên chứ không phải chỉ các hãng lớn và kêu gọi kiểm soát chặt chẽ các hãng bảo hiểm. Điều mỉa mai là TNS Dân Chủ Ted Kennedy, người đã đứng sau Chương trình Y tế Obama, đã chống đối chương trình của Nixon!

Nội dung chương trình Cải tổ Y tế Obama gồm những điểm chánh: bảo hiểm cho mọi người, nhắm vào 31 triệu người không có bảo hiểm sức khỏe, người không mua nổi bảo hiểm sẽ được trợ cấp, các hãng bảo hiểm không được từ chối vì người mua đã có bệnh, hãng Bảo hiểm không được từ chối hay bỏ nửa chừng vì sự chữa trị tốn kém, tăng triển chương trình Medicaid.

Điểm bảo hiểm công (Public option) được đề cập nhiều nhất thật ra không quan trọng. Đối với ông Obama đây là điểm để lấy lòng dân nghèo vì ông không thật sự tranh đấu mạnh mẽ cho điều khoản này. Khi tranh cử Ứng cử viên Obama chủ trương hai điểm chánh: Một bảo hiểm quốc gia như ở Gia Nã Đại và những người làm việc khi về gia có Medicare sẽ được mua Medicaid để trả chi phí 20% khấu trừ của Medicare và tiền viện dưỡng lão, khi đắc cử ông bỏ hẳn hai lời hứa này và dựa vào các công ty bảo hiểm tư để cải tổ! Bắt buộc mọi người phải mua bảo hiểm, như mua bảo hiểm xe, là một thắng lợi cho các công ty bảo hiểm tư.

Các hãng bảo hiểm sẽ định giá trên các tiêu chuẩn: tuổi, vùng cư ngụ, hút thuốc hay không. Các hãng bảo hiểm bị cấm không được tăng giá cho người đang có bệnh. Chương trình mâu thuẫn vì dựa vào các hãng bảo hiểm tư nhưng lại đi ngược nguyên tắc bảo hiểm trong đó giá và sự rủi ro liên hệ chặt chẽ với nhau! Mặt trái của Chương trình Y tế Obama là đảng Dân Chủ không có chương trình cắt giảm chi phí và cho mọi người có cảm tưởng là mọi người được hưởng y tế mà không phải trả giá đắt qua thuế hay số khấu trừ qua tiền lương hàng tháng. Vấn đề giới hạn thưa kiện hành hành nghề y khoa bị TT Obama bác bỏ. Chương trình còn có những điều khoản tốn kém như hồ sơ bệnh lý điện tử và giá thuốc không được đề cập. Dự luật còn bắt những người có chương trình bảo hiểm tư tốt phải đóng thuế như thuế tài sản.

* TT. Obama hành nghề y khoa

Chương trình Y tế Obama có nhiều điều không rõ ràng như vấn đề phá thai nhưng một điều rõ rệt nhất là dự luật này can thiệp trực tiếp vào vấn đề hành nghề y khoa. Chương trình Y tế này thiên về mô hình ‘Mayo Clinic’, trả lương cho bác sĩ thay vì trả tiền cho dịch vụ. Các bệnh viện tư do bác sĩ làm chủ như các bịnh viện vùng Browns Ville, Texas, sinh lợi nhờ làm MRI và CT Scan cùng các kỹ thuật cao sẽ bị ảnh hưởng nặng.

Thập niên 1980, Chương trình Y tế Clinton bị phản đối mạnh. Ủy ban Cố vấn Medicare kiểm soát giá và chi phí bắt phải có sự ưng thuận của các bảo hiểm trước khi chữa trị. Để nhằm tăng phẩm chất y tế, TT Obama dựa vào những lời khuyên của các cố vấn dựa trên những cuộc nghiên cứu khoa học tốn hàng tỷ Mỹ kim trong thập niên qua trên việc “định bệnh và chữa trị.” Cơ quan cố vấn y tế mới sẽ bắt buộc bác sĩ, bịnh viện và bịnh nhân theo những tiêu chẩu mà chính quyền xem là đúng nhất. Y khoa không còn là một nghệ thuật khoa học. Chính điều này đã khiến giới bác sĩ chống đối chương trình Y tế Obama và đảng Cộng Hòa cảnh cáo TT Obama hành nghề theo đường lối XHCN.

Có hai khuynh hướng đang được TT Obama lắng nghe. Cố vấn Cass Sunstein, giáo sư luật bạn thân của ông Obama ở tòa Bạch Ốc và giáo sư Luật Richard Thaler ở Chicago đề nghị tôn trọng sự tự do lựa chọn của Bác sĩ, đề nghị Bác sĩ không bị trừ tiền bồi hoàn hay bị phạt khi họ đi ra ngoài các tiêu chuẩn chỉ đạo nếu họ có lý do hợp lý. Các ông này còn đi xa hơn, phản đối sự can thiệp của chánh quyền. Khuynh hướng ngược lại của ông Peter Orzag, Giám đốc Cơ quan Điều hành Ngân sách không tin bác sĩ sẽ hành nghề tốt nếu không theo tiêu chuẩn của chánh quyền. Bác sĩ và bệnh viện sẽ được thưởng, được trả nhiều tiền hơn nếu theo đúng tiêu chuẩn. Đây là điều khoản nằm trong dự luật TV sắp được đưa ra biểu quyết. Trong quá khứ, nhất là những năm gần đây, các tiêu chuẩn của chính quyền đã không hẳn đúng trong những tiêu chuẩn của Medicare.

Ủy ban Medicare đưa ra tiêu chuẩn phải kiểm soát lượng đường trong máu chặt chẽ các bệnh nhân bị tiểu đường nằm trong các phòng săn sóc đặc biệt ICU, kết qủa số tử vong cao hơn so với lối điều trị để lượng đường lên xuống uyển chuyển.

Chữa trị ở phòng ngoại chẩn, Medicare đòi hỏi bác sĩ phải kiểm soát lượng đường qua Hemoglobin A1 C dưới 7, kết quả là tử vong và biến chứng đường và tim mạch cao hơn.

Các phẫu thuật tối tân thay đầu gối và cổ xương đùi không thay đổi hiệu quả và biến chứng so với phẫu thuật cũ.

Đối với bệnh suy tim, các đề nghị của Ủy ban cũng không đưa đến kết quả tốt hơn.

Các bệnh nhân suy thận, cần phải lọc thận, phải dùng thuốc loại Statin để ngừa chấn động cơ tim và tai biến mạch máu não lại bị tai biến nhiều hơn vì vậy năm 2009 Ủy ban phải hủy bỏ các đề nghị này. Các đề nghị về suyễn, cao áp huyết cũng không đưa đến kết quả tốt.

Medicare đề nghị phải cho các bệnh nhân viêm phổi trong vòng 4 giờ sau khi định bệnh ở phòng cấp cứu. Kết quả không tốt hơn vì đôi khi quang tuyến không phân biệt với viêm phổi hay suy tim, kếât quả là nhiêàu bẹảnh nhân bị viêm ruột vì liều trụ sinh cao.

Gần đây nhấât là đề nghị không làm Mamogram (chụp hình vú) cho phụ nữ từ 40 tuổi đến 49 tuổi để khám phá ung thư sớm. Bị phản đối, Bác sĩ Diana Petitti Giám đốc ủy ban phải thanh minh và hai ngày sau ra Quốc hội xin lỗi.

Cái giá phải trả cho sự khám phá ung thư sớm bằng Mamogram cho phụ nữ 40 tuổi là ba tỷ Mỹ kim mỗi năm. Chánh phủ muốn tiết kiệm tiền nhưng dân Mỹ phản đối. Muốn giảm chi tiêu là vấn đề khó khăn cho Chương trình Y tế Obama.

Những người muốn cải tổ y tế hay nhìn về y tế Âu Châu, thuốc ở Âu Châu rẽ hơn thuốc ở Mỹ 50-60%. Trong dự luật Cải tổ Y tế lương bác sĩ sẽ xuống (tháng 3/2010 tiền bồi hoàn Medicare cắt 21%, chính quyền Obama tạm thời phải dời đến cuối năm) nhưng không có điều khoản để đối phó với hãng thuốc. Kiểm soát chi phí có hiệu quả tốt ở Pháp và Đức nhưng ở Anh sự kiểm soát này đưa đến kết quả sự chữa trị ung thư có kết quả tệ nhất ở Âu Châu.

Chương trình Y tế Obama đã làm dân Mỹ hoang mang. Số người đồng ý với chương trình xuống thấp.

Điều đáng suy nghĩ là nếu sức khỏe là vàng, dân có khỏe quốc gia mới hưng thịnh thì lịch sử Hoa Kỳ đã cho thấy bảo hiểm y tế không đi đôi với hưng thịnh. Số người không có bảo hiểm y tế lên đến 31 triệu nhưng Hoa Kỳ vẫn là cường quốc duy nhất so với các quốc gia có bảo hiểm y tế quốc gia ở Âu châu!

viethoaiphuong
#3 Posted : Tuesday, March 23, 2010 7:19:47 PM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,291
Points: 11,028

Thanks: 758 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)
Tổn phí y tế vẫn quá cao

Tuesday, March 23, 2010

Ngô Nhân Dụng

Ðạo luật Cải tổ Hệ thống Y tế mà Tổng Thống Barack Obama mới ký hôm qua là một biến cố lớn trong lịch sử chính trị nước Mỹ, đã được so sánh với các đạo luật thiết lập hệ thống An Sinh Xã Hội (Social Security) mà Tổng Thống Franklin D. Roosevelt ký năm 1935 và thành lập hệ thống Medicare lo sức khỏe người về hưu được Tổng Thống Lyndon Johnson ký năm 1965.

Cũng giống hai đạo luật quan trọng trên, Luật Cải tổ Y tế mới này gia tăng ảnh hưởng của chính phủ liên bang Mỹ trong đời sống người dân. Vì thế, cả ba đạo luật đã chia dân Mỹ làm hai phe, chống đối và ủng hộ. Khác hai đạo luật trước, khi đó các vị tổng thống đảng Dân Chủ được nhiều đại biểu Quốc Hội Cộng Hòa ủng hộ, lần này đảng Cộng Hòa tẩy chay hoàn toàn. Cho nên đạo luật mới này chắc chắn sẽ là đề tài chính cho các cử tri Mỹ phán đoán khi họ đi bỏ phiếu chọn đại biểu Quốc Hội vào Tháng Mười Một năm nay, mặc dù phần nhiều các điều khoản phải đợi tới những năm 2014 hoặc 2018 mới được thi hành.

Bên cạnh các trận đấu chính trị đó, có hai vấn đề mà các cuộc vận động cải tổ y tế vẫn nhắm tới. Thứ nhất là mở rộng mạng lưới bảo hiểm y tế cho hầu hết, nếu chưa phải là tất cả mọi người Mỹ. Thứ hai là kiểm soát không cho chi phí về y tế tăng lên quá cao.

Ðối với mục tiêu thứ nhất đạo luật mới đã thành công một phần, sau nhiều lần cố gắng từ 36 năm nay. Năm 1974 Tổng Thống Cộng Hòa Richard Nixon đã tính làm luật để mọi người Mỹ đều có bảo hiểm y tế, nhưng khi đó đảng Dân Chủ đã bỏ lỡ cơ hội, không ủng hộ ông Nixon vì họ tưởng sẽ có thể đòi hỏi nhiều điều hơn nữa. Hai chục năm sau Tổng Thống Bill Clinton lại muốn thực hiện y tế cho toàn dân, nhưng cũng vì muốn đạt được nhiều quá cho nên nhiều người chống lại, ngay trong đảng Dân Chủ. Ðạo luật năm 2010, đến năm 2019, sẽ cung cấp bảo hiểm y tế cho thêm 32 triệu người Mỹ nữa, bằng 2 phần 3 số người hiện nay không có bảo hiểm. Từ nay, trong số các nước tiến bộ kinh tế thuộc khối OECD, chỉ còn 2 quốc gia chưa thực hiện y tế cho toàn dân là Mexico và Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhưng mục tiêu thứ nhì mà tất cả mọi cuộc cải tổ y tế đều phải nhắm tới là giảm bớt tốc độ chi phí y tế gia tăng, thì đạo luật mới không hứa hẹn sẽ đạt được điều gì đáng kể. Các cuộc bàn cãi chính trị chỉ chú ý nhấn mạnh đến số tiền chính phủ Mỹ sẽ chi. Bây giờ chúng ta có thể bỏ qua các cuộc tranh cãi có tính chất đảng phái để nhìn vào khía cạnh kinh tế. Một điều hiển nhiên là dân Mỹ chi tiêu quá nhiều về y tế mà không được hưởng những lợi ích tương xứng.

Năm 2007, trung bình mỗi người dân Mỹ chi 7,421 đô la về y tế. Trong năm 2006 bình quân chi 6,567 đô la một người, cao gấp 2 lần các nước như Úc (US$ 2,960), Ðức (3,247), Pháp (3,353), Canada (3,505), hoặc Nhật Bản (2,529 đô la) trong cùng năm đó. Trong khi đó, kết quả cho thấy dân Mỹ không khỏe mạnh hơn người dân các nước khác, khi tính đến tuổi thọ trung bình, số trẻ em chết yểu, vân vân. Cuộc nghiên cứu của một nhóm giáo sư Ðại Học Johns Hopkins đã so sánh Mỹ và bốn nước trong khối Thịnh vượng chung Anh. Họ dùng 21 chỉ số phẩm chất về săn sóc sức khỏe để đo lường, thí dụ tỷ lệ người bị ung thư thoát chết, tỷ số người còn sống năm năm sau khi trị bịnh, vân vân. Kết quả cho thấy nước Mỹ không hơn gì các nước khác. Thí dụ, ở Mỹ tỷ số người còn sống 5 năm sau khi thay thận là thấp nhất so với 4 nước kia. Bệnh nhân bị Hepatitis B. ở Mỹ có tỷ số cao nhất, một thứ bệnh mà các tác giả cho là có thể tránh được. Ngược lại, nước Mỹ đứng hạng nhất về tỷ số bệnh nhân còn sống 5 năm sau khi chữa ung thư ngực.

Một bản nghiên cứu của Henry J. Kaiser Family Foundation cho biết trong tổng số chi tiêu về y tế, công quỹ các cấp chính phủ Mỹ đã chi trả 46% - với các chương trình Medicare, Medicaid (hay Medical) và chương trình cho trẻ em CHIP. Các quỹ tư nhân trả 54%, trong đó các công ty bảo hiểm chiếm 35%. Ðến năm 2018, dù chưa có đạo luật cải tổ y tế năm nay, số tiền chi về y tế do công quỹ đài thọ sẽ lên trên 51%, phần của tư nhân sẽ xuống chỉ còn 49%. Có đạo luật Obama hay không, y tế Mỹ đã đi trên con đường ngày càng tùy thuộc vào chính phủ nhiều hơn tư nhân.

Mỗi năm, số tiền mua bảo hiểm y tế tăng nhanh hơn tỷ lệ tăng lương bổng. Từ năm 2000, tiền đóng (premium) bảo hiểm y tế tăng ít nhất 5%, tăng nhiều nhất là 14% trong vòng 7 năm; trong khi đó lương bổng chỉ tăng từ 2% đến 4%. Tính chung lợi tức cả quốc gia, vào năm 1960 dân Mỹ làm ra 100 đồng thì chỉ tiêu hơn 5 đồng vào y tế. Tới năm 2007, dân Mỹ làm ra 100 đồng thì chi hơn 16 đồng về sức khỏe. Ước tính đến năm 2018 tỷ lệ đó sẽ lên tới hơn 20%, một phần năm lợi tức toàn dân.

Tại sao người Mỹ chi về y tế nhiều như vậy, và chi vượt hẳn trên các nước tiên tiến khác? Có nhiều nguyên nhân khách quan. Một là tỷ số người già tăng lên, số người bị mập phì tăng, và nhiều chứng như bệnh tiểu đường, suyễn, bệnh tim hơn trước. Khi dân một nước giàu hơn thì thường họ cũng chi về y tế nhiều hơn, vì có những phương pháp điều trị và thuốc men mới, đắt tiền hơn.

Nhưng bên cạnh các nguyên nhân khách quan đó, có những nguyên nhân nằm trong hệ thống tổ chức y tế ở Mỹ khiến chi phí tăng. Lý do vì người ta “tiêu thụ” các sản phẩm và dịch vụ y tế nhiều hơn mặc dù không cần thiết. Ðó là những nguyên nhân gây ra phí phạm trong hệ thống, và có thể thay đổi được chúng, để tiết kiệm.

Thí dụ: Khi người tiêu thụ không phải trực tiếp trả tiền túi của mình ra trả thì họ dễ “mua hàng” nhiều hơn. Ðây là một định luật kinh tế ai cũng có thể hiểu được. Người ta “tiêu thụ” thêm những sản phẩm y tế như thuốc men, hoặc các dịch vụ y tế như thử nghiệm (tests), thời gian nằm bệnh viện, đòi gặp các chuyên gia thay vì chỉ gặp các bác sĩ tổng quát, và đòi các dịch vụ đắt tiền dù không chắc cần thiết. Các chương trình do chính phủ trả (Medicare, MediCal, CHIP, vân vân) đều có thể đưa tới hành vi “tiêu thụ quá mức cần thiết” này. Những người mua bảo hiểm y tế trong sở làm cũng chỉ đóng một phần tiền bảo hiểm, và thường không phải tự mình móc tiền túi trả thêm. Khi đó, họ cũng có khuynh hướng “tiêu thụ quá nhiều” các dịch vụ y tế.

Tình trạng trên đây đã gia tăng trong thời gian qua. Năm 1970, trung bình một người Mỹ phải móc túi trả 40% chi phí y tế cho mình, 60% còn lại do công ty bảo hiểm hoặc chính phủ trả. Tới năm 2007, người Mỹ chỉ còn trả 14% chi phí y tế bằng tiền túi mà thôi, 86% là do “đệ tam nhân” trả. Ðây là một nguyên nhân khiến số chi tiêu về y tế ở Mỹ tăng vọt trong gần 40 năm đó.

Hiện nay những người mua bảo hiểm y tế ở sở làm chỉ phải trả khoảng 30%, được chủ nhân trả trung bình 70% tiền mua bảo hiểm. Số tiền chủ nhân trả đó có thể coi như phụ cấp bên cạnh lương bổng, chỉ khác là người được hưởng không phải đóng thuế lợi tức trên số tiền được hưởng. Nếu số tiền đó được trả như lương bổng thì chính phủ có thể đánh thuế, sẽ thu được 250 tỷ Mỹ kim mỗi năm. Nói cách khác, hệ thống y tế hiện nay đã buộc chính phủ Mỹ trợ cấp 250 tỷ đô la cho các người may mắn có việc làm tốt. Tức là tất cả mọi người đóng thuế phải trợ cấp cho họ. Những người được thụ hưởng số tiền trợ cấp này không biết họ được trợ cấp. Và vì không phải trả tiền túi nên họ có thể sẽ tiêu thụ “quá nhiều” các dịch vụ y tế, đặc biệt là những người được hưởng “bảo hiểm cadillac” tốt nhất, vì họ làm ở các công ty lớn với các địa vị quan trọng. Họ có thể được dùng nhiều dịch vụ đắt tiền mà khỏi phải bỏ tiền túi.

Ðạo luật cải tổ y tế đã nhằm gây tác dụng bằng cách đánh thuế một nhóm người trong số này. Kể từ năm 2018, những người được công ty trợ cấp mua bảo hiểm y tế giá trên 27,500 đô la một năm sẽ phải đóng 40% thuế trên số tiền cao hơn con số đó. Từ nay đến năm 2018, các công ty bảo hiểm sẽ tìm cách giảm giá để không ai có bảo hiểm trên 27,500 đô la, để không ai phải trả thuế. Các công ty bảo hiểm sẽ cạnh tranh nhau để bán những chương trình bảo hiểm tốt nhưng dưới 27,500 đô la! Ðây là một hậu quả giúp tiết giảm chi phí y tế một cách gián tiếp, bằng khích lệ về kinh tế!

Không cần phải chuyên về kinh tế học chúng ta cũng biết có cạnh tranh là có lợi cho người tiêu thụ để tiết kiệm tiền chi tiêu. Trong thị trường bảo hiểm y tế hiện nay các công ty bảo hiểm chỉ cạnh tranh nhau để thu hút được những thân chủ khỏe mạnh nhất, tránh xa những thân chủ có nhiều bệnh, không thuộc loại cạnh tranh về giá cả và dịch vụ! Với điều luật cấm họ từ chối những người mua bảo hiểm có bệnh sẵn, việc cạnh tranh sẽ được hướng sang phía lành mạnh hơn. Tức là sẽ giảm giá và tăng số và phẩm chất các dịch vụ cung ứng. Người tiêu thụ hiện nay rất khó biết đủ tin tức để so sánh các chương trình bảo hiểm. Cho nên không thể so sánh cả hai yếu tố: giá cả và phẩm chất, như họ vẫn làm khi đi mua xe hơi hay chọn trường đại học cho con. Từ năm 2014 đạo luật cải tổ y tế sẽ lập ra một “thị trường bảo hiểm y tế” để mọi người có thể vào đó so sánh giá cả và các dịch vụ y tế do mỗi công ty bảo hiểm cung cấp, giống như các công chức chính phủ liên bang và Quốc Hội đang được hưởng.

Với sự ra đời của thị trường y tế này, các công ty bảo hiểm và tổ chức y tế sẽ phải cải tổ để cắt giảm chi phí tổng quát không liên hệ gì đến việc trị bệnh, ngõ hầu cạnh tranh với nhau. Có những công ty bảo hiểm phải chi phí 40% vào việc hành chánh, quảng cáo, trả hoa hồng cho người trung gian bán bảo hiểm, vân vân. Chương trình y tế công cộng ở Canada không chi đến 2% vào những việc hành chánh như vậy! Ðây là một sự phí phạm có thể cắt giảm được. Ở Mỹ có những người chỉ làm việc “làm hóa đơn đòi tiền” giúp cho các bác sĩ làm sao tính được nhiều tiền nhất, các chuyên viên này có thể kiếm nhiều tiền hơn, có khi gấp hai, ba lần lương các bác sĩ. Tình trạng này sẽ phải chấm dứt khi các công ty bảo hiểm và tổ chức y tế phải cạnh tranh mạnh mẽ hơn. Hiện nay tại nhiều tiểu bang, chỉ có một hoặc hai công ty bảo hiểm y tế hoạt động, gần như độc quyền, cho nên họ không lo cắt giảm chi phí như khi họ phải cạnh tranh.

Một nguyên nhân khác khiến chi phí y tế tăng vọt là cách trả tiền những người cung cấp dịch vụ y tế. Phần lớn các chi tiêu y tế ở Mỹ là trả cho các bệnh viện (vào năm 2007 là 31%), trả cho y sĩ (21%). Hiện nay, họ thường được trả tiền nhiều ít tùy theo theo số việc họ làm, hơn là kết quả trị liệu của các công việc đó. Cũng giống như các người bán vé xe hơi, xe bán càng đắt tiền thì càng được hưởng hoa hồng cao hơn. Chúng ta có thể bác bỏ ý kiến của người bán xe, nhưng ít ai phản đối các bác sĩ của mình. Nhất là mình không phải bỏ thêm tiền túi ra trả! Ðây là một trong những nguyên nhân khiến chi phí y tế tăng vọt.

Ðạo luật cải tổ y tế sẽ thay đổi cách trả công nhà thương và bác sĩ cho những bệnh kinh niên. Không trả tiền mỗi lần một bệnh nhân tiểu đường được đưa đến nhà thương cấp cứu, mà trả cho kết quả công việc trị liệu trong một khoản thời gian dài. Một ủy ban (IMAC) sẽ nghiên cứu giá cả và hiệu quả y tế để đề nghị các biện pháp cắt giảm chi phí. Ủy ban độc lập này sẽ tránh cho các đại biểu Quốc Hội không phải quyết định. Các tổ chức cung cấp dịch vụ y tế, các công ty bảo hiểm sẽ phải cắt giảm chi phí để đáp ứng những đòi hỏi giảm giá của IMAC, thay vì chỉ lo “lóp bi” các đại biểu Quốc Hội. Hy vọng tổng số tiền chi về y tế do đó sẽ giảm bớt!

Trên đây chỉ là một số điều dễ nhìn thấy nhất về kinh tế để hiểu tại sao chi phí y tế ở nước Mỹ lại đắt nhất thế giới. Ngoài những nguyên nhân khách quan như số người già đông hơn, số bệnh nhiều hơn vì nạn mập phì, vân vân, có những lý do nằm trong hệ thống mua dịch vụ và cách trả tiền. Ðó là những nguyên nhân thuộc phạm vi tổ chức kinh tế. Thay đổi các nguyên nhân đó, có thể giảm bớt số chi tiêu y tế.

Ðạo luật mà Tổng Thống Barack Obama mới ký ngày hôm qua, và dự luật bổ sung mà Thượng Viện Mỹ sẽ bàn trong tuần này, chỉ tấn công một cách yếu ớt vào vấn đề giảm bớt chi phí trong hệ thống y tế của Mỹ. Ðảng Dân Chủ, cũng như đảng Cộng Hòa, đều chú trọng tới số chi tiêu của chính phủ nhiều hơn là tổng số chi của toàn dân và những nguyên nhân khiến số chi lên cao quá.

Theo bài nghiên cứu của Kaiser Family Foundation thì trong năm 2006 một nửa số chi phí y tế ở Mỹ đã trả cho việc trị bệnh của 5% tổng số dân. Và 1% những người “tiêu thụ” nhiều dịch vụ y tế nhất đã sử dụng hơn 21% tổng số chi tiêu của cả nước. Các chương trình tiết giảm chi tiêu bằng cách cắt bớt những phí phạm cần nhắm vào những người tiêu thụ nhiều nhất này! Nhưng phải chú ý thay đổi cách “mua” và cách “trả công” các dịch vụ y tế thì mới trừ được những phí phạm từ gốc.[/navy]


PC
#4 Posted : Wednesday, March 24, 2010 6:02:51 AM(UTC)
PC

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,668
Points: 25
Woman

Was thanked: 4 time(s) in 4 post(s)
quote:
Gởi bởi viethoaiphuong
Điều đáng suy nghĩ là nếu sức khỏe là vàng, dân có khỏe quốc gia mới hưng thịnh thì lịch sử Hoa Kỳ đã cho thấy bảo hiểm y tế không đi đôi với hưng thịnh. Số người không có bảo hiểm y tế lên đến 31 triệu nhưng Hoa Kỳ vẫn là cường quốc duy nhất so với các quốc gia có bảo hiểm y tế quốc gia ở Âu châu!



Hoa Kỳ là cường quốc số một vì các nước Âu châu đã bị kiệt quệ sau thế chiến thứ hai đến nổi phải nhờ tới sự trợ giúp của Mỹ qua chương trình Marshall chớ có phải là nhờ nó không có chương trình bảo hiểm y tế quốc gia đâu. Lẽ ra chúng ta nên đặt câu hỏi là tại sao các nước Âu châu (và cả Canada và Úc, Tân tây Lan v..v...) lo được cho toàn dân vấn đề dịch vụ y tế vậy mà đệ nhất siêu cường là Hoa Kỳ lại bó tay tới nay.
viethoaiphuong
#5 Posted : Thursday, March 25, 2010 6:58:30 PM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,291
Points: 11,028

Thanks: 758 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)
Ảnh hưởng của Đạo Luật Cải tổ Y tế với mọi người

Tuesday, March 23, 2010

Chương trình cải tổ y tế một khi được thi hành, sẽ bắt đầu có hiệu lực đầy đủ từ 2014 để tới năm 2019 mở rộng việc bảo hiểm cho thêm 32 triệu người ở Hoa Kỳ. Tuy nhiên khi được Tổng Thống Obama ký ban hành thành luật, ngay từ bây giờ đã có nhiều ảnh hưởng đến tất cả mọi công dân Mỹ.

Ảnh hưởng tức thời:

-Các hãng bảo hiểm không còn được phép giới hạn số tiền trả cho việc chữa trị của khách hàng. Quy định này đặc biệt quan trọng với những người có bệnh nặng, chẳng hạn như ung thư, mà tiền thuốc rất đắt.

-Những người đã bị các hãng từ chối bán bảo hiểm do tình trạng bệnh hoạn sẵn có, được mua bảo hiểm tạm thời từ nay cho đến năm 2014 khi luật được thi hành đầy đủ. Một ngân khoản $5 tỷ được ứng cho việc này.

-Các hãng phải cung cấp bảo hiểm cho thanh niên không còn lệ thuộc gia đình cho tới năm 28 tuổi. Quy định này giúp cho sinh viên mới ra trường và người còn tìm việc.

-Mỗi người già được thêm $250 trả tiền mua thuốc bù vào khoảng trống mà Medicare Part D không chi trả. Tương lai khi đã sử dụng hết số tiền được mua thuốc trong Medicare Part D ($2850), sẽ không còn phải trả 100% tiền túi như hiện nay mà sẽ được giảm dần và tới năm 2020 chỉ còn phải trả 25%.

Ảnh hưởng sau 4 năm nữa:

-Từ năm 2014, hầu hết mọi người dân Mỹ phải mua bảo hiểm, nếu không sẽ bị phạt.

-Tiền phạt khởi đầu là 1% thu nhập cá nhân hoặc tối thiểu $95 nếu số nào lớn hơn, sau đó đến năm 2016 sẽ tăng lên tới 2.5% thu nhập hoặc tối thiểu $695. Mức tiền phạt giới hạn cho cả gia đình là $2.085.

-Nếu không thể trả tiền mua bảo hiểm vì quá nghèo, thì có thể đủ điều kiện để được vào Medicaid, chương trình bảo hiểm sức khỏe của liên bang cho người nghèo và tàn phế. Chương trình này sẽ được mở rộng đáng kể từ 2014.

-Những gia đình nghèo được miễn giảm thuế, hoặc nếu gồm 4 người có thu nhập dưới $88,000 một năm, được tài trợ để mua bảo hiểm.

-Tiểu thương, công ty nhỏ được hưởng điều kiện dễ dãi và nhận trợ giúp trong việc mua bảo hiểm sức khỏe. Cơ sở dưới 50 người không bị phạt nếu không mua bảo hiểm cho nhân viên. Cơ sở dưới 25 người với mức lương dưới $50,000 được giảm thuế 35% chi phí đóng bảo hiểm năm nay và 50% năm 2014.

-Cơ sở trên 50 người không mua bảo hiểm cho nhân viên có thể bị phạt tới $2,000 cho mỗi nhân viên làm toàn thời gian.

-Chương trình y tế cải tổ tốn $940 tỷ trong 10 năm. Nhưng do tăng tiền thuế công ty và giảm chi phí trong chương trình Medicare Advantage , ngân quỹ liên bang dự trù sẽ tiết kiệm được $138 tỷ theo ước lượng của Văn phòng Ngân sách Quốc Hội. Người có thu nhập cao sẽ phải trả thêm thuế.

-Tiền mua bảo hiểm tăng hay giảm hãy còn là đề tài tranh luận. Người bệnh hoạn có lẽ sẽ được mua rẻ hơn hiện nay vì các hãng bảo hiểm không được phép tính thêm lệ phí với họ. Nhưng người khỏe mạnh có thể phải mua bảo hiểm đắt hơn. Người lớn tuổi bảo hiểm đắt hơn người trẻ nhưng cách biệt không nhiều. (HC)

viethoaiphuong
#6 Posted : Monday, March 29, 2010 5:45:36 PM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,291
Points: 11,028

Thanks: 758 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)
Ảnh hưởng bất ngờ

Saturday, March 27, 2010

Lê Phan

Trong khi ở Hoa Kỳ cuộc tranh luận về Luật cải tổ y tế vẫn tiếp tục, trên thế giới, thắng lợi của Tổng Thống Barack Obama trong việc thông qua được luật này sẽ có những ảnh hưởng quan trọng.

Ở Âu Châu, ký mục gia Gideon Rachman của tờ Financial Times viết “Tổng Thống Barack Obama đã nhảy ra khỏi giường bệnh chính trị, giựt bỏ những ống tiếp thức ăn và đang sẵn sàng nhảy múa quanh văn phòng Oval Office. Việc Hạ Viện thông qua cải tổ hệ thống chăm sóc sức khỏe đã hồi sinh chính phủ Obama.” Ðiều càng đáng chú ý đến hơn là ảnh hưởng trên trường quốc tế theo ông Rachman.

Khi thúc đẩy thông qua được cải tổ mà nhiều đời tổng thống từ Theodore Roosevelt đến Bill Clinton đã không làm được, tổng thống nay có thể chỉ ra là đã đạt được một thành quả lịch sử. Chỉ một việc này, ông đã cho thấy hình ảnh một vị tổng thống yếu ớt, không làm gì nên chuyện, chỉ là một ảo tưởng. Thật là một điều may mắn cho thế giới vì dầu sao chăng nữa Hoa Kỳ vẫn là cường quốc duy nhất hiện nay.

Trong năm qua, thế giới, nhất là Âu Châu đã hớn hở và lạc quan với hy vọng là ông Obama sẽ là một vị tổng thống “dám làm-can do”. Nhưng hào quang đã bắt đầu lu mờ. Thay vào đó, người ta bắt đầu bàn tán đến một ông Obama chỉ nói mà không làm; một ông Obama quá ngây thơ, bị những tên hung đồ của thế giới bắt nạt. Hình ảnh của một tổng thống Hoa Kỳ đứng cô đơn tại Vạn lý Trường Thành của Bắc Kinh đã trở thành tiêu biểu của sự yếu kém đó. Ấy là chưa kể hình ảnh của một ông Obama, kẻ thù của phe cánh hữu, người đã mất cái ghế được coi như là an toàn nhất tại Thượng Viện ở tiểu bang Massachusetts.

Và sự việc là tổng thống có vẻ bất lực không làm sao thông qua được cải tổ y tế đã làm tiêu tan niềm tin, không những ở Hoa Kỳ, mà quan trọng hơn nữa, trên toàn thế giới. Những người ngoại quốc không hiểu gì về thủ tục của Quốc Hội, họ chỉ thấy một tổng thống được nhiều người dân ủng hộ, với một đa số khổng lồ, thế mà có vẻ không làm sao thông qua được chính sách đối nội quan trọng nhất.

Sự bế tắc về dự luật cải tổ y tế đã trở thành chiều hướng đáng ngại, và đã có vẻ như ấn định phương thức chính phủ Obama đối phó với phần còn lại của thế giới. Trong năm đầu của nhiệm kỳ, ông Obama đã có thói quen đưa ra những mục tiêu vĩ đại nhưng rồi chẳng đạt được gì cả.

Chẳng hạn như, tổng thống loan báo sẽ hồi sinh tiến trình hòa bình Trung Ðông, đòi hỏi Israel phải đình chỉ việc xây dựng thêm các khu định cư trên đất của người Palestine. Nhưng hòa đàm không làm sao bắt đầu được, trong khi ông Benjamin Netanyahu đã coi thường yêu cầu của tổng thống, tiếp tục cho phép các khu định cư mới, không những ở vùng bị chiếm đóng mà còn ngay cả ở trung tâm của Ðông Jerusalem, nơi mà người Palestine dự định sẽ là thủ đô của một quốc gia Palestine trong tương lai. Một nhà báo ngoại quốc đã nhận xét là những apartment sang trọng, vốn được bán cho đa số là người Do Thái ở hải ngoại, được xây dựng ngay trong thành phố Jerusalem, là một cử chỉ công khai coi thường Hoa Kỳ và chính phủ Obama.

Chưa hết, đêm ông đắc cử, ông Obama nói “một hành tinh đang lâm nguy” là ưu tiên số một của ông, nhưng Hội nghị Copenhagen về thay đổi khí hậu đã trở thành một thất bại thê thảm. Không có gì tai hại hơn cho uy tín của Hoa Kỳ bằng tin tức bị tiết lộ ở Âu Châu là tổng thống đã phải đích thân đến tìm gặp ông Ôn Gia Bảo vì ông này không chịu đến họp!

Chính phủ Obama cũng nói là sẽ không dung thứ cho việc phát triển một quả bom hạt nhân ở Iran, ấy vậy mà ông Ahmadinejad tiếp tục cho phát triển hết trung tâm này đến trung tâm khác và chương trình hạt nhân của Iran có vẻ vẫn tiếp tục trong khi Hoa Kỳ không làm sao thuyết phục được thế giới, đặc biệt là Nga và Trung Quốc, ủng hộ cho những trừng phạt mới.

Rồi đến chiến tranh Afghanistan. Trong nhiều tháng chính phủ công khai dụ dự, không làm sao đi đến được một quyết định về việc tăng quân. Thế rồi đến lúc loan báo tăng quân thì ngay đến tổng thống nghe cũng có vẻ không mấy thuyết phục về hiệu quả của việc tăng quân cho lắm. Các vị chỉ huy quân sự như Tướng McChrystal nghe ra còn có vẻ đáng tin cậy hơn.

Thành ra càng ngày trên thế giới người ta càng coi ông Obama là yếu, thiếu cương quyết và thiếu hiệu năng. Nhưng việc tổng thống đã mang hết sức lực và đã làm nổi việc thúc đẩy thông qua Luật cải tổ hệ thống chăm sóc sức khỏe đã làm mọi người giật mình.

Dĩ nhiên không có liên hệ trực tiếp giữa sự hồi phục đối nội so với cơ hội thắng lợi ngoại giao, nhưng chúng ta sẽ thấy ảnh hưởng gián tiếp. Nói một cách rất bộc trực, việc thông qua luật này đã cho thấy ông Obama là một kẻ có thể thắng cuộc. Nó cũng cho thấy ông rất kiên trì và sự bướng bỉnh của ông đã có hiệu quả.

Cải tổ y tế, vốn đã có lúc tưởng là một thất bại, thật ra chỉ là một trường kỳ kháng chiến. Các lãnh tụ quốc tế, vốn đã coi ông Obama không có cơ hội nào để đạt những gì ông muốn trên trường quốc tế, từ Afghanistan đến Trung Ðông, đến thay đổi khí hậu, hay Iran, đang phải tính lại xem là có thể sự kiên trì của tổng thống rồi sẽ mang lại thành quả chăng?

Và ở một khía cạnh nào đó có vẻ như chúng ta đã thấy sự thay đổi thái độ đầu tiên khi một ngày sau khi tổng thống ký thành luật việc cải tổ y tế, phía Nga đưa ra chỉ dấu là sẽ đồng ý về một hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân mới.

Một nhà bình luận ở Á Châu còn nhận xét đó chính là lý do của thái độ lúng túng của Trung Quốc đối với Google khi cũng vào lúc này Google tuyên bố rút khỏi Hoa Lục. Nhà bình luận này nói là nếu dự luật y tế thất bại, hẳn thái độ của Bắc Kinh sẽ cương quyết hơn. Bắc Kinh sẽ trả đũa công khai hơn và Google sẽ bị trừng phạt để làm gương cho những công ty nào dám “hỗn” chống lại nhà nước Trung Quốc. Nhưng nay Bắc Kinh có vẻ đang có những tranh cãi với thái độ của Bộ Ngoại Giao mềm mỏng hơn trong khi Bộ Thông Tin cứng rắn hơn. Dĩ nhiên Bắc Kinh sẽ không “tha” cho Google nhưng họ sẽ không dám làm mạnh quá, sợ là sẽ ảnh hưởng đến những chuyện khác.

Và sau cùng, sự việc tổng thống đã thành công trong việc đưa dịch vụ y tế đến cho đại đa số nhân dân Hoa Kỳ đã giúp thay đổi một hình ảnh của một Hoa Kỳ nơi người nghèo bị giới doanh nghiệp bóc lột dã man. Trong khi ở Hoa Kỳ, người ta nói đến “death panel” của hệ thống Y tế quốc gia Anh NHS, thì ở Âu Châu người ta kể đến cái thê thảm của một người hấp hối trên giường bệnh mà bị từ chối cứu chữa. Cả hai hình ảnh đều hoàn toàn thất thiệt và ít nhất từ nay Âu Châu không thể khinh mạn chê bai Hoa Kỳ về vấn đề y tế nữa. Một chiến thắng nhỏ nhưng vô cùng quan trọng.
Users browsing this topic
Guest (3)
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.