Có bài này hay lắm nè tonka, mình cũng thích dùng vật truyền thống từ thiên nhiên ra buộc gói bánh trái hơn là dùng dây ni lông chả hạn.
Dây buộc và lạt trong ẩm thực Việt(Theo Tin tức online )
Người Việt thường dùng lá chuối để gói bánh tét, bánh ít, bánh giò... và buộc bằng dây chuối. Còn dây lạt thì dùng gói bánh chưng. Dù dùng dây nào thì trước khi gói cũng phải ngâm nước cho mềm.
Trong đời sống dân Việt Nam, thói quen dùng lá và các loại dây buộc từ lá, từ rơm rạ hay tre, nứa từ lâu đã rất phố biến. Tuỳ theo mục đích sử dụng mà người ta sử dụng nhiều loại dây buộc khác nhau.
Từ lá chuối...
Ngày xưa, các món quà bánh quê thường được gói trong lá chuối hoặc lá sen. Món cốm làng Vòng như thơm hơn nhờ được gói trong tấm lá sen và buộc bằng những cọng rơm cốm. Các món bánh Huế như bánh nậm, bánh lọc sau khi được gói bằng lá chuối, thường được buộc qua một sợi dây được xé ra từ chính miếng lá chuối gói bánh. Dù là cọng rơm hay lá chuối, người ta chỉ dùng để buộc qua chứ không thể chắc chắn được. Muốn chắc hơn, người ta dùng dây chuối. Người Việt Nam thường sử dụng lá chuối để gói các loại bánh tét, bánh ít, bánh giò... và buộc chặt bằng dây chuối. Dây chuối được làm từ bẹ chuối hoặc phần cọng của lá chuối, xé ra thành sợi, sau đó phơi khô. Khi sử dụng thì ngâm nước cho mềm rồi mới buộc. Dây chuối còn dùng để buộc các loại giò lụa, nem chua... Vài địa phương còn sử dụng lá dừa nước còn non để làm dây buộc cho các loại bánh khác.
... Đến dây lạt
Muốn chắc hơn, người ta dùng dây lạt từ tre hoặc từ cây giang. Lạt tre dùng để bó lúa, làm nhà, còn lạt giang thường dùng để gói bánh chưng. Lạt tre được làm từ ống cây tre, còn lạt giang được làm từ ống cây giang. Dù sử dụng bất cứ loại cây nào để buộc hay gói bánh thì cũng phải ngâm dây trong nước cho mềm. Nếu dùng dây chuối chưa được ngâm mềm, dây sẽ dễ bị đứt trong quá trình kéo chặt để buộc chặt bánh. Trường hợp dùng dây lạt không ngâm thì dây sẽ cứng, cũng không thể buộc được. Tuy vậy cũng cần lưu ý thời gian ngâm dây không nên quá lâu vì sẽ làm dây bị bục, bở, nhất là đối với dây chuối. Thời gian thích hợp để ngâm dây chuối là từ 20 đến 30 phút, còn dây lạt thì lâu hơn, từ 3 đến 5 giờ.
Quay về truyền thống
Ngày nay, đời sống công nghiệp phát triển, những sợi dây buộc bánh, buộc giò được thay bằng sợi dây ni-lông nhuộm phẩm màu xanh, đỏ thậm chí là màu đen do dùng nhựa tái sinh, nấu đi nấu lại nhiều lần. Loại dây này khi luộc lên sẽ làm loang mày ra cả nồi nước luộc và làm ảnh hưởng đến chất lượng thực phẩm. Sợi dây ni-lông tuy tiện dụng và giúp giảm giá thành cho món ăn, nhưng cũng góp phần làm cho các món ăn dân dân dã, truyền thống mất đi nét mộc mạc và sự thi vị vốn có. Không chỉ thế, các loại dây ni-lông không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm rất hại đến sức khoẻ người sử dụng. Chất nhựa và phẩm màu chế biến các loại dây ni-lông khi gặp nhiệt độ cao sẽ thấm vào nước luộc và tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm sẽ trở thành những chất độc rất có hại cho sức khoẻ.
Thậm chí có nhiều đầu bếp còn sử dụng dây ni-long để cột, bó thịt trong món thịt kho trứng truyền thống ngày Tết, bó giò heo rút xương, hoặc dùng dây ni-lông cột các món thịt cuộn, rồi thả vào chảo dầu nóng để chiên!!! Nhiệt độ cao của dầu và của nước kho làm sợi dây ni-lông biến chất và trở thành chất độc hại thấm vào thức ăn. Chế biến món ăn như thế thật quá nguy hiểm cho sức khoẻ của bản thân các bạn và người thân của các bạn. Vì vậy,khi chế biến các món ăn, nếu cần sử dụng dây buộc, nên sử dụng các loại dây buộc truyền thống từ ngàn xưa như dây chuối, dây lạt, giúp món ăn thêm vẻ đẹp tự nhiên mà còn an toàn cho người tiêu dùng nữa.
http://tintuc.xalo.vn/00..._trong_am_thuc_viet.html