Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

2 Pages<12
cái TÌNH và cái LÝ trong Ca Dao Việt Nam
viethoaiphuong
#21 Posted : Sunday, March 27, 2011 8:20:00 PM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,342
Points: 11,181

Thanks: 761 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

Ca Dao và Lịch Sử


Phương Nghi

Ca dao, tục ngữ là tiếng nói của dân gian Việt, trải qua nhiều thời đại, từ thời xưa và đến cả thời nay. Ca dao, tục ngữ phản ảnh tâm tư, tình cảm của người dân trong sinh hoạt hằng ngày, không chỉ ở nơi đồng nội mà còn ở thành thị, kinh đô. Tuy là ngôn ngữ dân gian, nhưng ca dao, tục ngữ không phải là tiếng nói bình thường mà là ngôn ngữ có vần điệu, ngắn gọn và vì ngắn gọn, có vần điệu nên dễ phổ biến rộng rãi trong quần chúng.

Từ trước, người ta thường có quan niệm rằng ca dao, tục ngữ là văn chương bình dân, phát xuất từ nông thôn, thật sự ca dao tục ngữ là tiếng nói của nhiều tầng lớp dân chúng, và có lẽ phần lớn tác giả là những kẻ sĩ, cư ngụ ở khắp nơi, từ thành thị đến nông thôn.

Ca dao, tục ngữ là loại văn chương truyền khẩu, biểu hiện nhiều mặt sinh hoạt của quần chúng Việt Nam, nhất là về mặt tình cảm, nên trong ca dao rất phong phú khúc hát trữ tình. Ngoài ra, đặc biệt ca dao, tục ngữ còn biểu lộ những nhận định của dân chúng đối với những hành vi tốt, xấu của con người trong xã hội khi giao tiếp với nhau, hay bình luận, phê phán giới lãnh đạo trong chính quyền hiện tại, hoặc trong quá khứ, tức là những nhân vật lịch sử và các biến cố liên quan đến vận mệnh dân tộc và đất nước.

Trường hợp này, ca dao, tục ngữ có thể xem là một hình thức ngôn luận của quần chúng ở thời đại xưa, khi xã hội chưa phát triển, chưa có điều kiện phổ biến dư luận của người dân như là báo chí hoặc các hình thức thông tin trong thời đại mới, mặc dù từ trước đã có thư tịch nhưng chỉ là để chuyển tải văn chương, sử liệu, mô phạm (thánh mô hiền phạm) v...v... Bài viết này chỉ đề cập đến phần ca dao, tục ngữ có liên hệ với các vấn đề lịch sử Việt Nam.

Nho giáo từ Trung Quốc truyền sang đất Việt, qua giới nho sĩ, từ trước thường có quan niệm trọng nam khinh nữ (nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô). Nhưng đối với người dân Việt thì không có quan niệm kỳ thị đó, nhất là đối với hạng anh thư nữ kiệt.

Muốn coi lên núi mà coi
Coi bà quản tượng cỡi voi bành vàng

Rõ ràng câu ca dao này đã ca ngợi công đức chống ngoại xâm của Triệu Nữ Vương (tức là Triệu Thị Trinh - mà sử Tàu miệt thị gọi là Triệu ...u : Bà vú Triệu). Sau cuộc nổi dậy chống Tô Ðịnh của Hai Bà Trưng bị thất bại, Bà Triệu noi gương anh dũng đó đã phất cờ khởi nghĩa chống quân Ðông Ngô. Khi Bà đánh giặc, mặc áo giáp vàng cỡi voi xông vào quân địch như vào chỗ không người, xưng danh hiệu là Nhụy Kiều tướng quân. Sau một thời gian dài bị lệ thuộc Trung Hoa, Việt Nam giành được độc lập và Ngô Quyền thiết lập một vương triều tự chủ, sau hơn 10 thế kỷ chịu nhục của người dân dưới ách đô hộ. Nhưng cuối đời nhà Ngô, vì thế lực suy yếu, nên đã có 12 sứ quân nổi dậy, đánh lẫn nhau, làm cho dân tình khổ sở. Các sứ quân đó, trong hơn 20 năm, vẫn xưng hùng xưng bá, không ai chịu phục ai. Kết cuộc, họ phải khuất phục dưới tay Vạn Thắng Vương Ðinh Bộ Lĩnh, tức Ðinh Tiên Hoàng sáng lập ra vương triều nhà Ðinh. Phán xét sự tranh giành quyền lực của các sứ quân và cuộc chiến thắng của Ðinh Bộ Lĩnh, dân gian đã tóm gọn trong câu ca dao:

Ở đời muôn sự của chung
Hơn nhau một tiếng anh hùng mà thôi

Thật vậy, ở đời muôn sự của chung, nhưng của chung đó không phải là ai cũng có thể chiếm hữu dễ dàng. Phải có tài năng hay mưu lược quyền biến.

Ngôi vua cuối cùng của nhà Lý thuộc về Lý Chiêu Hoàng, tức là Chiêu Thánh công chúa, con vua Lý Huệ Tôn, mới lên 7 tuổị Quyền hành lúc đó ở trong tay Trần Thủ Ðộ. Và Thủ Ðộ đã làm chủ hôn cho cháu là Trần Cảnh lấy Chiêu Hoàng, để chuyển vương quyền qua nhà Trần. Quần chúng có lòng lưu luyến nhà Lý đã tỏ lòng công phẫn và mỉa mai trong câu ca truyền khẩu:

Trống chùa ai đánh thì thùng
Của chung ai khéo vẫy vùng thành riêng

Dưới đời vua Trần Anh Tông, vì lý do chính trị, đã gả em gái là Huyền Trân công chúa cho vua Chiêm là Chế Mân để đổi lấy 2 châu Ô, Lý (tức Ðịa Lý và Bố Chính), sau đổi tên là Thuận Châu và Hóa Châu. Người Việt vẫn có tinh thần kỳ thị chủng tộc, cho người Chiêm là giống man di, lên tiếng phản đối việc làm này của triều đình nhà Trần

Tiếc thay cây quế giữa rừng
Ðể cho thằng Mán thằng Mường nó leo

Quần chúng còn tiếc thương cho thân phận một vị công chúa, lá ngọc cành vàng, phải lấy chồng man rợ ở phương xa, qua ca khúc Nam Bình, vẫn lưu truyền ở cố đô Huế: "Nước non ngàn dặm ra đi".

Về sau, Chế Mân chết, vua Trần sai Trần Khắc Chung sang Chiêm tìm cách đưa Huyền Trân về nước để khỏi bị hỏa thiêu theo chồng (theo tục lệ Chiêm). Dư luận quần chúng có vẻ khắc nghiệt khi nghi ngờ về tình cảm của Trần Khắc Chung đối với công chúa Huyền Trân trên chặng đường thủy dài ngày đưa công chúa về nước. Người ta xót xa thân phận Huyền Trân, một lần nữa, qua tay Trần Khắc Chung.

Tiếc thay hột gạo trắng ngần
Ðem vò nước đục lại vần lửa rơm

Nhưng đó chỉ là chuyện đồn đại trong dân gian, không có bằng chứng gì xác thực.

Khi Lê Lợi dấy binh chống Minh, khởi đầu ở vùng Thanh Hóa, sau chiếm lĩnh Nghệ An để mở rộng khu vực chiến đấu, nhân dân đã phấn khởi ca ngợi vùng đất tự do ấy và cổ võ cuộc di dân vào vùng này:

Ðường vô xứ Nghệ quanh quanh
Non xanh nước biếc như tranh họa đồ
Ai vô xứ Nghệ thì vô

Các biến cố lịch sử ảnh hưởng rất lớn đến đời sống dân chúng, nhất là loạn lạc. Chiến tranh gây cảnh điêu tàn, chết chóc, nhà tan cửa nát. Nhân dân chỉ biết kêu trời, bày tỏ nỗi oán thán:

Cái cò lặn lội bờ sông
Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non
Em về nuôi cái cùng con
Ðể anh đi trẩy nước non Cao Bằng

Ấy là thảm cảnh của người dân phải thi hành nghĩa vụ tòng quân dưới thời Nam Bắc Triều, xảy ra cuộc chiến tranh Trịnh - Mạc. Cao Bằng là căn cứ địa trọng yếu của nhà Mạc. Người lính trong câu ca dao trên thuộc hàng ngũ quân Trịnh, được lệnh lên đường đánh quân Mạc, vỗ về vợ con trong buổi chia ly. Từ khi Trịnh Tùng diệt được nhà Mạc, dù với danh nghĩa phù Lê, nhưng tập trung mọi quyền hành vào tay mình rồi xưng Chúa, vua Lê chỉ còn giữ hư vị.

Trong lúc họ Trịnh xưng chúa ở miền Bắc, thì Nguyễn Hoàng được Trịnh Kiểm cho vào trấn thủ Thuận Hóa từ trước, gây dần thế lực, đến lúc vững mạnh cũng xưng chúa ở miền Nam. Rồi đôi bên gây nên cuộc Nam Bắc phân tranh, kéo dài đến non nửa thế kỷ. Họ đánh nhau liên miên, xây thành đắp lũy kiên cố, hiểm trở để phòng chống nhau, nên có câu tục ngữ:

Hiểm nhất lũy Thầy
Thứ nhì đồng lầy Võ Xá

Lũy Thầy tức là lũy Trường Dục, do Ðào Duy Từ chỉ huy xây cất. Nhờ lũy này, quân Nguyễn mới chống cự được lâu dài với quân Trịnh, phải lặn lội đường xa, vất vả nên ở thế bất lợi trong việc tiến quân đánh Nguyễn. Cuộc nội chiến Nam Bắc giữa hai nhà Trịnh - Nguyễn kéo dài, nhưng hai phe cũng liên tục kế truyền nghiệp Chúa. Và cũng vì chiến tranh quá lâu dài nên sau cuộc ngưng chiến, với sông Gianh làm giới hạn hai miền Nam Bắc, họ Trịnh tổ chức một xã hội gần như thanh bình ở Bắc. Các vua chúa cũng như quần thần có mức sống xa xỉ, trụy lạc. Theo tập "Vũ Trung Tùy Bút" của Phạm Ðình Hổ, đời chúa Trịnh thứ 12 là Trịnh Sâm thường tổ chức nhiều cuộc vui chơi ở ly cung trên Tây Hồ, sai người xây cất luôn mãi. Mỗi lần vui chơi thì lại có binh lính hầu quanh hồ, các nội thần thì giả làm đàn bà và dân thì bày bán hàng hóa như ở chợ để vua quan mua sắm.

Cũng dưới triều Trịnh Sâm, phế bỏ con cả là Trịnh Khải, lập con thứ là Trịnh Cán làm thế tử (con của sủng phi Ðặng Thị Huệ, thường gọi là Bà Chúa Chè), giao cho Huy Quận Công Hoàng Ðình Bảo làm phụ chính. Khi Trịnh Sâm mất, đảng Trịnh Khải mưu với quân tam phủ nổi loạn, giết Quận Huy và được tam quân (thường gọi là loạn kiêu binh - hạng lính được ưu đãi, tuyển mộ ở Thanh Nghệ = Thanh cậy thế, Nghệ cậy thần) lập lên làm Chúa, tức là Ðoan Nam Vương. Khi Trịnh Sâm còn sống, ham vui thú ăn chơi, nên mọi quyền hành ở tay Quận Huy. Ông này tự do ra vào cung cấm và có mối liên hệ bất chính với Tuyên phi Ðặng Thị Huê Việc này không tránh khỏi búa rìu của dư luận quần chúng:

Ba quân có mắt như mờ
Ðể cho Huy Quận vào sờ chính cung

Khi viết tập "Vũ Trung Tùy Bút", về việc chúa Trịnh ham mê hưởng lạc, bày cảnh vui chơi làm khổ dân với nhiều sai dịch, Phạm Ðình Hổ đã cho là có sự bất tường. Cho nên hết đời Trịnh Sâm, các con ông là Trịnh Khải và Trịnh Cán vì tranh quyền đã gây rối loạn ở kinh thành. Trịnh Cán (con Tuyên phi Ðặng Thị Huệ) mới được lập lên, với sự hỗ trợ của Quận Huy, chưa được hai tháng, thì bị anh là Trịnh Khải trừ diệt. Và các chúa Trịnh từ đó về sau cũng vì lý do nữ họa mà mất nghiệp:

Sự này chỉ tại Bà Chè
Cho Chúa mất nước cho Nghè làng xiêu

Về chuyện hai anh em họ Trịnh tương tàn, dân gian đã cố lời bàn tán:

Ðục cùn thì giữ lấy tông
Ðục long cán gãy còn mong nỗi gì

"Tông" ám chỉ tước hiệu của Trịnh Cán (Tông Ðô Vương). "Ðục long cán gãy" là nghiệp chúa của Trịnh Cán không tồn tại bao lâu.

Lịch sử Việt Nam từ thế kỷ thứ 17 đến đầu thế kỷ thứ 19, suốt 200 năm là một chuỗi biến cố đẫm máu. Hết cuộc chiến tranh Trịnh Nguyễn, đến cuộc tương tranh Nguyễn - Tây Sơn. Từ lúc anh em Tây Sơn khởi nghĩa, chủ yếu là vua Quang Trung, lập nên một triều đại huy hoàng với nhiều võ công oanh liệt, nhưng khá ngắn ngủi:

Ðầu cha lấy làm đuôi con
Mười bốn năm tròn hết số thì thôi

Tương truyền đây là một câu sấm ứng vào việc triều Tây Sơn mất nghiệp sau 14 năm. Ðầu chữ Quang (- Quang Trung) lấy làm đuôi chữ Cảnh ( - Cảnh Thịnh).

Một câu ca dao khác, cũng cùng ý nghĩa:

Cha nhỏ đầu con nhỏ chân
Ðến năm Nhâm Tuất (1802) thì thân chẳng còn

Chữ "tiểu" ở trên đầu chữ Quang, ở chân chữ Cảnh. Trong xã hội Việt Nam ngày trước, có hạng sĩ phu, ở lẫn trong dân chúng, thường nhận định về các hoạt động của giới cầm quyền đương thời và đề xuất những câu sấm để tuyên truyền cho một phe phái nào đó. Câu sấm được truyền trong dân gian bằng cách dạy cho trẻ con hát khi nô đùa ở các nơi công cộng. Chẳng hạn câu sấm sau đây, dưới hình thức ca dao, được truyền là của các cựu thần nhà Mạc tổ chức chống Trịnh làm ra để liên lạc với các đồng chí tìm đến cơ sở ở mạn Bắc:

Ai lên Phố Cát Ðại Ðồng
Hỏi thăm cô Tú có chồng hay chưa?
Có chồng năm ngoái năm xưa
Năm nay chồng bỏ như chưa có chồng

Dù chiến tranh xảy ra giữa hai miền Nam Bắc hết sức khốc liệt, nhưng hai họ Trịnh Nguyễn vẫn thực hiện những công cuộc phúc lợi ở vùng họ cai trị.

Ở Nam, các chúa Nguyễn nhiều đời trấn thủ, mưu cầu an cư lạc nghiệp cho dân chúng. Dưới đời chúa Hiển Tông Nguyễn Phúc Chu, đường đi qua vùng Hồ Xá - Quảng Trị (tức truông nhà Hồ) thường có bọn cướp ẩn núp, cướp bóc kẻ qua đường. Năm 1722, Chúa sai ông Nguyễn Khoa Ðăng, làm Nội Tán, đi đánh dẹp bọn cướp đó. Người dân ca tụng việc ấy, qua câu ca dao quen thuộc:

Nhớ em anh cũng muốn vô
Sợ truông nhà Hồ sợ phá Tam Giang
Phá Tam Giang ngày rày đã cạn
Truông nhà Hồ, Nội Tán cấm nghiêm

Phá Tam Giang ở huyện Quảng Ðiền, tỉnh Thừa Thiên, nơi có 3 sông lớn của Huế (sông Ô Lâu, sông Bồ,sông Hương) chảy về rồi đổ ra cửa biển Thuận An. Phá này nhiều sóng lớn, thuyền bè qua lại khó khăn, về sau cạn đi.

Sau một thời gian dài, suốt 25 năm, đấu tranh gian khổ, Chúa Nguyễn Ánh đã có thế vững mạnh, tiến quân ra Trung để chiến thắng Tây Sơn. Nhân dân miền Nam vốn có cảm tình với nhà Nguyễn đã truyền câu hát:

Lạy trời cho chóng gió nồm
Ðể cho Chúa Nguyễn giong buồm thẳng ra

Khi Chúa Nguyễn còn ở trong Nam, tổ chức cuộc Nam tiến vào đất Gia Ðịnh, khẩn hoang lập ấp. Dân chúng đồng lòng cổ võ:

Nhà Bè nước chảy rẽ hai
Ai về Gia Ðịnh Ðồng Nai thì về

Vua Gia Long thống nhất sơn hà, lập nên triều Nguyễn, truyền được 13 đời vuạ Kế tục sự nghiệp mở nước của Thế Tổ Gia Long, vua Minh Mạng đã có công dẹp các vụ nổi loạn ở Bắc và Nam, cũng như chống cự ngoại xâm (Xiêm), chiếm Chân Lạp, bảo hộ Ai Lao.

Về nội trị, vua chấn chỉnh luật pháp, chế độ, làm thành một nước có kỷ cương, văn hiến. Trong việc bảo vệ phong tục, vua đã chạm đến tinh thần bảo thủ của người dân miền Bắc, tức là cấm đàn bà mặc váy:

Tháng sáu có chiếu vua ra
Cấm quần không đáy người ta hãi hùng
Không đi thì chợ không đông
Ði thì phải lột quần chồng sao đang?

Dưới triều vua Tự Ðức, nhiều biến cố trọng đại đã xảy rạ Từ những vụ nổi loạn ở miền Bắc, chủ trương phù Lê, như giặc Châu Chấu (có Cao Bá Quát làm quốc sư), Cai Tổng Vàng ở Bắc Ninh, giặc Khách ở Cao Bằng. Ở triều đình, có người anh vua Tự Ðức là Hồng Bảo, âm mưu đoạt ngôi nhưng thất bạị Năm 1886, nhân dịp vua Tự Ðức cho xây Khiêm Lăng ở Vạn Niên (Huế), ba anh em họ Ðoàn (Ðoàn Trưng, Ðoàn Trực, Ðoàn AÙi) khai thác nỗi oán hận của người dân phải đi làm phu gian lao vất vả, nổi dậy chống triều đình. Họ khích động dân bằng câu ca dao:

Vạn niên là Vạn niên nào
Thành xây xương lính, hào đào máu dân

Trong cuộc khởi nghĩa nầy, họ Ðoàn tôn Ðinh Ðạo (con của Hồng Bảo - cải họ Ðinh, sau khi Hồng Bảo bị tội, tự thắt cổ chết) làm minh chụ Vụ này cũng không thành công. Ngoài các vụ nổi loạn, triều vua Tự Ðức còn phải đối phó với cuộc xâm lăng của người Pháp.

Tự Ðức là ông vua có tinh thần bảo thủ, từ khước đề nghị canh tân của các sĩ phu, nhất là Nguyễn Trường Tộ, nên vận nước có chiều suy vong. Vua Tự Ðức chỉ là một nho sĩ thuần túy, có tiếng hay chữ nhất triều Nguyễn, ưa thích thi văn, ngâm vịnh. Dưới triều vua, có ông Lê Ngô Cát là một danh sĩ, đã soạn một bộ sử bằng văn vần là "Ðại Nam Quốc Sử Diễn Ca". Soạn xong, ông dâng lên vua Tự Ðức ngự lãm. Vua xem rồi ban thưởng cho ông Cát:

Vua khen thằng Cát nó tài
Ban một cái khố với hai đồng tiền

Việc ban thưởng này, có lẽ do chuyện bàn tán giữa các đồng liêu với ông Cát ở triều đình, nhưng lại lọt ra ngoài, nên dân gian đã có lời phẩm bình mỉa mai trên, cho rằng vua Tự Ðức không quí trọng văn tài của người khác.

Sau khi vua Tự Ðức mất, quyền hành ở triều đình Huế thuộc về hai ông Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường. Hai ông này trong bốn tháng đã phế và lập 3 vua: Dục Ðức, Hiệp Hòa và Kiến Phúc. Cho nên thời đó, trong dân gian có câu, giữa lúc có sự tranh chấp gi"a Pháp và Việt:

Nhất giang lưỡng quốc nan phân THUYẾT
Tứ nguyệt tam vương triệu bất TƯỜNG

Nghĩa là: Một sông hai nước (Việt - Pháp) không thể thương thuyết, bốn tháng ba vua điềm chẳng lành. (cuối 2 câu có tên hai ông Thuyết và Tường).

Thời gian triều đình Huế khởi xướng công cuộc chống Pháp với các đại thần và các tướng lãnh, dù có tâm huyết nhưng thiếu kinh nghiệm lãnh đạo chiến tranh, nên dân chúng đã có lời bình phẩm có phần khắc nghiệt:

Nước Nam có bốn anh hùng
Tường gian Viêm dối Khiêm khùng Thuyết ngu

Tường là Nguyễn Văn Tường, trước sát cánh với Tôn Thất Thuyết chống Pháp, sau ra hàng. Viêm là Hoàng Kế Viêm, trước cũng chống Pháp, sau được vua Ðồng Khánh phục chức và sai đi dụ hàng vua Hàm Nghị Khiêm là Ông Ích Khiêm, một vị quan thời Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường chuyên quyền, vì tính khẳng khái, không luồn cúi cấp trên, làm phật ý hai ông Tường, Thuyết nên bị giam vào ngục. Dân gian nói ông Khiêm "khùng vì có tính khí khác thường, ngang bướng, không chịu khuất phục cường quyền. Và "Thuyết ngu", ngụ ý cho rằng ông Thuyết là một kẻ "hữu dũng vô mưu". Dù sao, dư luận quần chúng cũng chê hai kẻ gian dối và khen hai người trung can, nghĩa khí.

Thời Pháp xâm lược nước ta, người dân không khỏi buồn lòng nhìn thế sự rối reng:

Ðêm đêm chớp bể mưa nguồn
Hỏi người quân tử có buồn chăng ai?

Nhất là cảnh quốc phá gia vong với một triều đại suy tàn:

Một nhà sinh đặng ba vua
Vua còn (Ðồng Khánh) vua mất (Kiến Phúc) vua thua chạy dài (Hàm Nghi)

Tuy thua chạy dài, nhưng vua Hàm Nghi với sự phù trợ của Tôn Thất Thuyết và các trung thần, nghĩa sĩ đã phát hịch kêu gọi nhân dân hưởng ứng chống Pháp, khởi xướng phong trào Cần Vương ở khắp nơị Tình trạng trong nước Việt lúc bấy giờ đã phân hóa làm hai:

Gẫm xem thế sự thêm rầu
Ở giữa Ðồng Khánh, hai đầu Hàm Nghi

Ở giữa, tức là kinh đô Huế, hai đầu là Nghệ Tĩnh và Nam Ngãi, nơi phát triển phong trào Cần Vương.

Tinh thần ái quốc của người Việt vẫn liên tục sôi nổị Dù công cuộc chống Pháp của vua Hàm Nghi bị thất bại, nhưng đến đời vua Thành Thái, âm mưu chống Pháp vẫn âm thầm trong trí vị vua đã từng giả điên giả cuồng để tránh mắt dò xét của người Pháp.Dân gian phát hiện một hành động của vị vua yêu nước này, mà người ta tưởng lầm là hành vi bất chính, khi vua vốn mang tiếng điên khùng:

Kim Long có gái mỹ miều
Trẫm thương trẫm nhớ trẫm liều trẫm đi

Tương truyền vua Thành Thái có tổ chức một đội nữ binh ở ngoại thành, một địa điểm bí mật ở vùng Kim Long và giao cho một vị tướng phụ trách huấn luyện để chờ dịp khởi nghĩa. Nhiều đêm vua xuất cung vi hành để đến xem xét kết quả của việc huấn luyện đó.

Vua Duy Tân lên làm vua lúc mới 8 tuổi, nhưng lớn lên có chí khí và có lòng yêu nước mãnh liệt. Cũng như vua Thành Thái, vua Duy Tân có ý chống Pháp. Vua thường ra ngoài cung điện để xem xét dân tình và tìm cách liên lạc với các nhân sĩ. Ði dạo chơi trên bãi biển, tay vấy cát, người hầu lấy nước cho vua rửa. Vua nói: "Tay nhớp (bẩn) lấy nước rửa, thế nước nhớp lấy gì mà rửa?".

Phong trào Văn Thân bí mật liên lạc với vua để tìm phương cứu quốc. Năm 1915, đảng Việt Nam Quang Phục cử Trần Cao Vân và Thái Phiên hợp tác với vua mưu đồ khởi sư Họ hẹn gặp nhau trên bờ sông Ngự Hà, giả làm người đi câu để tránh tai mắt địch. Rồi mưu đồ phục quốc của vua Duy Tân cũng bị thất bại và vua phải đi đàỵ Người dân Huế thương tiếc vua cùng các nghĩa sĩ Trần Cao Vân và Thái Phiên đã hiến thân vì nước:

Chiều chiều ông Ngự ra câu
Cái ve cái chén cái bầu sau lưng

Và trên dòng Hương Giang, nhiều năm sau, trên các chuyến đò dọc, người ta còn nghe mấy câu hò trầm thống, bi đát, đầy tâm sự của kẻ mang hoài bão cứu nước không thành:

Trước bến Văn Lâu
Ai ngồi ai câu
Ai sầu ai thảm
Ai thương ai cảm
Ai nhớ ai mong
Thuyền ai thấp thoáng bên sông
Nghe câu mái đẩy chạnh lòng nước non

Như trên đã nói, ca dao là phản ảnh một phần nào dư luận của quần chúng Việt Nam đối với các hiện tượng trong xã hội ở thời kỳ các phương tiện truyền thông bằng văn tự chưa phát triển.

Với người dân, các hành vi của giới cầm quyền, cũng như hành động của các nhân vật trong nước, đều phải chịu sự bình phẩm, phán xét của công luận. Những hành vi có đạo đức, thiện tâm được khen ngợi, ca tụng, trái lại xấu xa, đê tiện đều bị chê bai, nguyền rủa.

Trăm năm bia đá cũng mòn
Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ

Ca dao, nhất là loại ca dao có liên quan đến lịch sử Việt Nam là tấm bia miệng để đời cho người ta ghi nhớ, là tấm gương cho nhiều thế hệ soi chung và bản thân những câu ca dao đó cũng là những phán xét của lịch sử.

Phương Nghi
viethoaiphuong
#22 Posted : Sunday, April 24, 2011 10:55:38 PM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,342
Points: 11,181

Thanks: 761 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)


KINH NGHIỆM SỐNG CỦA DÂN GIAN QUA VĂN CHƯƠNG BÌNH DÂN

Đã nhiều tháng qua, tôi bị hấp dẫn bởi những tiếng nổ của các kho đạn, những chuyện kỳ cục, những điều "trồi", "nổi" quanh mình nen trong một chừng mực nào đó, tôi đã quên bẵng đi những vần ca dao mà bà nhà Bắc Kỳ của tôi đã chép ra từ trong trí nhớ của bả, để trên bàn viết mỗi ngày như một sự nhắc nhở tôi đừng quên chuyện ngày xưa. Càng hít thở không khí trên cõi đời phiền muộn, đầy dẫy oái ăm này càng lâu chừng nào, người ta càng nhớ và sống với quá khứ nhiều chừng nấy. Vui hay buồn gì, ai trong chúng ta cũng đều có quá khứ và sống với nó ít hay nhiều thì tùy thuộc tâm trạng mỗi người. Thế nhưng, cái "chuyện xưa" mà tôi đề cập dưới đây là chuyện chung, không thuộc về ai cả. Và tôi cũng xin tầm phào tào lao một chút về những kinh nghiệm sống trong dân gian qua những vần ca dao, xem người xưa đã suy nghĩ, và sinh hoạt ra sao, âu cũng là một điều "vệ sinh và bổ". Bây giờ, xin mời bạn đọc những vần ca dao sau:

Rau răm ngắt ngọn lại trồng
Em thương anh lắm sợ lòng chị ghen.
Anh về bảo chị đừng ghen,
Để em thấp thoáng ánh đèn cho vui.

Bạn cũng như tôi, có lẽ đều thuộc "nòi tình"? Bạn nghĩ gì và có thấy vừa thương vừa tội nghiệp cho người con gái xưng "em" ấy không? Thương và tội nghiệp cho nàng vì nàng biết phận mình, không có cái chuyện "đến sau" mà cứ ghen ngược, đòi chiếm cứ làm của riêng như chúng ta thường thấy xảy ra trong đời sống hàng ngày. Nàng có đòi hỏi điều gì quá đáng đâu, chỉ xin "thấp thoáng ánh đèn" cho vui thôi mà. Dễ thương biết chừng nào! Đó là nói về nàng, còn người viết ra mấy câu trên thì tôi tin chắc cũng thuộc thành phần "Ta cũng nòi tình, thương người đồng điệu" (Chu Mạnh Trinh). Đó là một người ham thích của lạ, muốn đèo bòng chạy một lúc vài ba "máy" cho đời thêm vui, và thêm...rắc rối. Thật ra, trong 10 anh "đần ông" (không phải đàn ông) thì hết 11 anh có máu loạng quạng, léng phéng không ít thì nhiều. Quý vị nam nhi chi chí nào tự xưng mình là người mẫu mực, đạo đức, không hề phiêu lưu, mơ tưởng đến những "vùng đất xa lạ" thì người ấy có thể được sánh ngang với hàng "thánh sống" rồi. Đa phần còn lại, trong đó có tôi, thuộc loại phàm phu tục tử, một thứ "đần ông" chính hiệu ngất ngư con tàu đi. Cho nên, xin có lời bái phục! Phải bái phục các vị thánh sống đó là bởi vì, chính các cụ đạo đức cùng mình ngày xưa, đã không ngần ngại mà thốt lên rằng:

Thế gian ba sự không chừa,
Rượu nồng, dê béo, gái vừa đương tơ.

Một nàng thì rất dịu dàng, e ấp, chịu phần lép vế chỉ xin "thấp thoáng ánh đèn" thôi, nàng kia thì can đảm hơn, chận anh giữa đường, níu áo anh lại để than thở với anh vài lời:

Hỡi anh đi đường cái quan
Dừng chân đứng lại em than vài lời.
Đi đâu vội thế anh ơi,
Công việc đã có chị tôi ở nhà.

Và một nàng khác, tuy cũng thương anh nhưng rất thực tế, nàng cảnh giác tối đa chỉ sợ bà cả vác dao chém cho vài nhát thì còn chi là đời nữa:

Gặp anh em cũng muốn chào
Sợ rằng chị cả dắt dao trong người.

Tục ngữ có câu "cái nết đánh chết cái đẹp", nghĩa là coi chuyện nhan sắc của người phụ nữ không quan trọng bằng tính nết. Tục ngữ nói vậy thì ta cứ biết như vậy, nhưng cái hấp dẫn đầu tiên của người phụ nữ đối với các đấng nam nhi là cái gì? Có phải nhan sắc của người phụ nữ ấy không? Tôi không biết người yêu của Chí Phèo trong tiểu thuyết của Nam Cao xấu xí ra sao nhưng các cụ ngày xưa vẫn một mực cương quyết:

Chẳng thà chịu lạnh nằm không,
Còn hơn có vợ lẹm cằm, răng hô.

Cằm lẹm, răng hô thì các cụ chê đã đành rồi mà ngay cả đến cô nàng có cái mặt mo phinh phinh, chân lại đi vòng kiền chữ bát thì có cho không, các cụ cũng chẳng thèm:

Người mà phinh phính mặt mo,
Chân đi chữ bát, có cho chẳng thèm

Ngược lại, người con gái có đôi mắt lá răm, chân mày lá liễu thì đúng là của quý, đáng trăm quan tiền:

Người mà con mắt lá răm,
Chân mày lá liễu đáng trăm quan tiền.

Đến đây các bạn có thể thắc mắc: thế cái loại nhan sắc nào của các nàng khiến cá cụ nhìn rồi muốn chửi(?):

Mặt má miếng bầu, nhìn lâu muốn chửi
Mặt chữ điền, tiền rưỡi cũng mua.

Các cụ có được những hiểu biết về cách ăn ở, đối xử của người chung quanh là do quan sát, tích lũy kinh nghiệm rồi đói chiếu, so sánh để có một nhận định chung. Theo đó, người phụ nữ nào mà đáy thắt lưng ong thì khéo chiều chồng và khéo nuôi con. Còn "mệ" nào béo trục béo tròn thì ăn vụng như mèo lại hay rầy rà con cái. Đúng được bao nhiêu phần trăm thì khó mà khẳng định, có điều những hình ảnh đó đã truyền lại cho con cháu suốt bao thế hệ và đã ở lại mãi mãi trong văn chương bình dân:

Người mà đáy thắt lưng ong,
Vừa khéo chiều chồng, vừa khéo nuôi con.
Những người béo trục béo tròn,
Ăn vụng như chớp, cấu con cả ngày.

Cũng qua kinh nghiệm trên một số người mà các cụ có nhận xét:

Trai Nhâm Đinh Quý thì tài,
Gái Nhâm Đinh Quý phải hai lần đò.

Hai lần đò là trong cuộc đời của người phụ nữ có cái tuổi Nhâm Đinh Quý này sẽ có tới hai đời chồng. Ngày xưa, ít có vụ ly dị mà chỉ khi chồng chết rồi người đàn bà mới tái giá, đi thêm một bước nữa. Còn thời nay, nhất là ở trên xứ Mỹ tự do một cách kỳ cục này thì không hẳn là do chồng chết mà là do không còn "hợp" nhau nữa nên "anh đường anh, tôi đường tôi" đấy thôi. Không nói tới chuyện tiền bạc, dốp diếc làm chi, chỉ cần chàng ngủ ngáy hơi lớn tiếng là nàng vác đơn ra tòa ca bài "hai giòng sông ly biệt" rồi. (Nhân nói về một người đàn bà đi thêm bước nữa gọi là tái giá, tôi thấy Tiếng Việt ta thật hay và phong phú. Đàn ông vợ chết, lấy vợ khác gọi là tục huyền, còn đàn bà lấy chồng khác gọi là tái giá. Tôi đã lẩn thẩn nghĩ rằng trong trường hợp các bà, sao ta không gọi là "tục tỉu", có phải vui hơn không? Nghĩa là: đàn ông, vợ chết lấy vợ khác; gọi là tục huyền. Đàn bà, chồng chết, lấy chồng khác: gọi là tục tỉu. Cũng đều bắt đầu bằng chữ "tục" cả. Tái nạm, tái gầu vào đây làm chi cho thêm phiền toái!)

Trong khi đó, về cánh đàn ông, các cụ không e ngại gì mà tuyên bố thẳng thừng rằng:

Sông bao nhiêu nước cũng vừa,
Trai bao nhiêu vợ cũng chưa vừa lòng

Hoặc:

Trong nhà có sẵn yến ngâm,
Lại còn muốn những nhung sâm nước ngoài.

Và đây là một chàng tuy đã có vợ nhưng không lúc nào quên bồ nhí của mình:

Con quạ bay xa, bay qua vườn hoa kêu chua chát,
Con nhạn đậu lầu vàng nghỉ mát kêu sương
Nhạn kêu tiếng nhạn đau thương,
Đêm nằm nhớ vợ, ngày thường nhớ em.

Chàng có vợ bé hoặc bồ nhí hay cho rằng vợ người khác đẹp hơn vợ mình thì cũng là chuyện thường tình nhưng chàng sẽ là một tên "đại cà chớn" nếu có tà ý đem lòng thương yêu vợ bạn. Chàng cũng hiểu như thế là bất nhơn, là không đạo đức:

Ai xui ai khiến bất nhơn
Tui thấy vợ bạn tui thương hơn vợ nhà.

Còn chàng có thương vợ người khác mà không được thì thôi chứ chẳng lẽ ăn vạ hay tự tử(?):

Buồn tình chẳng muốn nói cười,
Bởi thương vợ người không được thì thôi.

Thương không được thì thôi chứ không như mấy anh chàng có máu "dê" đầy mình và gan góc, chết thì chịu chứ quyết theo đuổi nàng tới cùng:

Dao phay kề cổ, máu đổ không màng
Chết tôi, tôi chịu, buông nàng không buông.

Nếu chàng gan dạ và can đảm cùng mình như thế thì hẳn chàng có nhiều lá gan và không chỉ chàng dành cho vợ mà còn cho người khác nữa.:

Đàn ông năm bảy lá gan,
Lá ở cùng vợ, lá toan cùng người.

Đó chỉ mới là "toan tính" thôi chứ chưa chắc đã dám hành động rõ ràng dứt khoát như trường hợp của phe tóc dài dưới đây:

Hai tay cầm hai quả hồng,
Quả chát phần chồng, quả ngọt phần trai.
Đêm nằm vuốt bụng thở dài,
Thương chồng thì ít thương trai thì nhiều.

Như thế, cuộc sống lứa đôi của cặp vợ chồng trên đây không có gì bảo đảm sẽ tồn tại với thời gian, không thể nào ăn đời ở kiếp đến răng long đầu bạc được. Người chồng ở đây là một người chồng đau khổ. anh đau khổ là vì lỗi là do chính anh chứ không phải nguyên do nào khác. Vợ anh không thương anh mà đem lòng thương trai là do anh đần độn quá sức:

Một là em lấy chồng quan,
Hai là chồng lính, ba là chồng dân
Nhưng em không chịu lấy chồng đần,
Về nhà cha mẹ mắng, ra đường chị em khinh.

Cái quan niệm chọn chồng của người đàn bà ở trên thật minh bạch. Lấy ai cũng được, sang hèn gì cũng xong nhưng không thể đi nâng khăn sửa túi cho một anh ngu đần, ăn nói vụng về luôn luôn gây phật lòng người khác. Có một câu chuyện kể rất tiếu lâm về một anh chồng đần độn kiểu này như sau:

"Một anh chồng trong một gia đình nọ, vừa ngu vừa vụng về. Hễ mở miệng ra là đem bực mình đến cho người khác. Vì thế, trong mọi giao tiếp, bà vợ phải cấm chỉ anh ta, không nói gì hết. Một hôm, hai vợ chồng được mời dự bữa tiệc đầy tháng con của một người bạn. Bà vợ dặn chồng là suốt bữa tiệc phải im lặng hoàn toàn. Anh chồng nghe lời. Đến dự, mặc cho thiên hạ nói gì thì nói, suốt buổi anh thủ khẩu như bình. Đến khi tiệc tan, mọi người chia tay nhau ra về, mỗi người đều nói một lời chúc tụng nào đó cho cháu bé. Anh chồng buộc lời phải phát ngôn. Anh bèn nói với chủ nhà, là mẹ của đứa trẻ sơ sinh: Chị thấy đó, từ đầu tiệc đến giờ tôi hoàn toàn không có nói điều chi cả. Lỡ ngày mai cháu bé có chết, chị đừng có đổ thừa là tại tôi đấy nhá!"

Cánh đàn ông chúng ta thường tự nhận mình là "đần ông" để vuốt ve, thỏa mãn tự ái của các bà chứ nếu các bà thật sự chê chúng ta là ngốc, là đần thì ta đành phải xách xe không chạy mút chỉ cả tha thôi:

Một đêm quân tử nằm kề,
Còn hơn thằng ngốc vỗ về quanh năm.

Hay:

Một ngày dựa mạn thuyền rồng
Còn hơn chín tháng nằm trong thuyền chài

Từ Đông sang Tây, một ngàn năm trước hay hay một triệu năm sau, bất cứ ở đâu, thời nào cũng có những người đàn bà không đoan chính, tự do xả láng sáng về sớm. Có chồng thì càng dễ..."lăng ba vị bộ", vì đã có người đứng mũi chịu sào rồi mà.

Có chồng càng dễ chơi ngang,
Đẻ ra con thiếp, con chàng, con ai?

Và còn ra cái điều "thách thức" nữa các cụ ạ:

Con tôi đi kiếm về đây,
Có cho nó gọi bằng thầy thì cho.

Không những thách thức mà còn trân tráo, đanh đá, trơ mặt ngồi xổm trên luân thường đạo lý mới là kinh hãi. Trong đời, bạn đã từng gặp loại người đàn bà này chưa:

Lẳng lơ cũng chẳng có mòn ,
Chính chuyên cũng chẳng sơn son để thờ.

Trường hợp nàng gặp phải một anh chàng ba phải, phổi bò, không quan tâm thắc mắc gì đời sống của nàng, ra cái điều rộng lượng thì nàng cũng có quyền rong chơi với tháng ngày chứ:

Em đây là gái năm con,
Chồng em rộng lượng, em còn chơi Xuân.

Thà là như thế còn hơn cái cảnh đêm nay để cửa chờ chồng, đêm mai thì chờ ông láng giềng:

Đêm qua để cửa chờ chồng
Đêm nay để cửa chờ ông láng giềng.

Ngày xưa, khi người chồng qua đời, người vợ để tang 3 năm, sau đó có quyền lấy chồng khác. Tuy thế, cũng không ít trường hợp chưa mãn tang, người đàn bà đã vội có người đàn ông khác:

Mả chồng còn đó trơ trơ,
Đã cùng người khác đợi chờ năm canh.

Bên cạnh đó cũng có những người vợ rất đàng hoàng, đoan chính, nhỏ nhẹ, thưa với người đi theo tán tỉnh rằng "cám ơn những tình cảm anh dành cho tui nhưng xin anh đừng đến nhà tui nữa kẻo chồng tui ghen":

Có lòng thì tạ ơn lòng
Anh đừng đến nữa mà chồng em ghen.

Trong đời sống hàng ngay, vợ chồng chia bùi xẻ ngọt với nhau. Không ai có thể săn sóc lo lắng cho nhau tận tình như vợ với chồng. Thử hình dung ra cảnh người chồng đau nằm liệt giường, người vợ lo thuốc thang, chân thấp chân cao bưng thuốc đến cho chồng uống, vừa đi vừa vái trời cho chồng mạnh khỏe để cùng ăn đời ở kiếp...Làm sao ta không thương hết mình những người vợ như thế được:

Cầm con dao sắc cắt đôi củ gừng,
Bỏ vô nồi đất, sắc lại vài phân.
Cái tay em bưng, cái chân em bước
Mái tóc em xước, cái lược em rơi
Vừa đi vừa vái ông trời
Cho chồng em mạnh, ở đời với em.

Nếu người đàn bà thương chồng nhiều đến thế thì hẳn nhiên là cũng thương con ngập lòng. Nàng bương chải đi làm nuôi con, mặc cho áo rách sờn vai:

Em đi làm mướn nuôi ai,
Cho áo em rách, cho vai em mòn.
Em đi làm mướn nuôi con,
Áo rách mặc áo, vai sờn mặc vai.

Một vài hình ảnh khác cho thấy sự buôn tần bán tảo và bương chải ngược xuôi, đầu tắt mặt tối để lo sinh kế gia đình của người đàn bà đến nỗi vú xẹp, lưng nàng teo:

Một ngày ba bận trèo đèo,
Vì ai vú xẹp, lưng teo hỡi chàng?

Nhìn chung, qua những vần ca dao, chúng ta có thể hình dung và hiểu được những suy nghĩ cùng tâm tình và cách sống của dân gian. Cũng qua ca dao, người xưa đã để lại cho chúng ta một kho tàng về kinh nghiệm sống trên mọi lãnh vực, trong đó đáng kể nhất là kinh nghiệm nói về bản chất không thể thay đổi ở một số người, hay nói nôm na là khi đã thành "tật" rồi thì khó mà chữa được:

Trời nắng rồi trời lại mưa,
Tính nào tật nấy có chừa được đâu.

HUỲNH VĂN PHÚ
viethoaiphuong
#23 Posted : Thursday, May 5, 2011 3:58:10 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,342
Points: 11,181

Thanks: 761 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

VÌ SAO TÔI YÊU TỤC NGỮ CA DAO


Vì sao tôi yêu tục ngữ ca dao, đó chính là điều mà hôm nay tôi muốn nói đến lòng biết ơn sâu xa của tôi đối với Mẹ hiền, người đã ru vào đời tôi những câu ru ngọt ngào, đầy tình tự quê hương... từ thuở nằm nôi, và sẽ còn mãi mãi cho tôi biết yêu những câu lục bát dễ thương, đẹp như dòng sông nước chảy lững lờ, hay như buổi chiều khi nắng nhạt nhoà trên những vòm cây nơi thôn làng...

Tôi yêu miền quê, yêu tiếng chày giã gạo vào đêm trăng, yêu tiếng sáo diều vi vu trên bầu trời đầy mây vào buổi chiều, và yêu tiếng ru hờ à ơi với tiếng võng kẽo kẹt, trong buổi trưa nồng gió hạ, có tiếng gà gáy trưa im buồn...

Tôi yêu tiếng ru của mẹ, khi nằm chờ giấc ngủ, được gối đầu trên cánh tay mẹ, và quàng tay ôm khuôn mặt mẹ, như muốn níu xuống thật thấp, để nghe rõ ràng lời ru êm:

À a à ơi,

Cái ngủ mày ngủ cho lâu
Mẹ mày đi cấy ruộng sâu chua về
Bắt được con diếc, con trê
Đem về làm thịt cho cái ngủ ăn
Cái ngủ ăn chẳng hết
Để dành đến tết mồng năm...

và giọng mẹ ngọt ngào ru tiếp, một tay khi xoa đầu tóc tôi, khi xoa lưng vì sợ cơn nóng hè oi ả, " rôm " sẽ làm ngứa lưng..

À à ơi,

Con mèo mày trèo cây cau
Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà
Chú chuột đi chợ đàng xa
Mua mắm muo muối giỗ cha chú mèo...

hoặc :

Ba năm trấn thủ lưu đồn
Ngày thì canh điếm tối dồn việc quan
Chém tre đẫn gỗ trên ngàn
Hữu thân hữu khổ phàn nàn cùng ai
Miệng ăn măng trúc măng mai
Những tre cùng nứa lấy ai bạn cùng...

Tiếng ru êm ái ngọt ngào đó của mẹ đã làm cho đôi mắt tôi khép lại và chìm dần trong giấc mộng trẻ thơ :

Hôm qua tát nưóc đầu đình
Để quên chiếc áo trên cành hoa sen
Em được thì cho anh xin
Hay là em để làm tin trong nhà
Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh chưa có, mẹ già chưa khâu
Áo anh sứt chỉ đã lâu
Mai mượn cô ấy về khâu cho cùng
Khâu rồi anh sẽ trả công
Ít nữa lấy chồng anh sẽ giúp cho
Giúp em một thúng xôi vó
Một con lợn béo, một vò rượu tăm
Giúp em đôi chiếu ẹm nằm
Đôi chăn em đắp, đôi trằm em đeo
Giúp em quan tám tiền cheo
Quan năm tiền cưới lại đèo buồng cau ...

Mỗi tối, mẹ ru hoài những lời ca dao tình tự ấy đã thấm nhuần vào trí hồn tôi lúc nào không hay.

Cho nên, sau này, khi tôi đã 5, 7 tuổi, biết chơi búp bế, tôi cũng đã ru búp bế ngủ bằng những bài ru mà tôi đã thuộc nằm lòng từ mẹ.

Tôi chỉ còn nhớ mang máng khi chiến tranh Pháp - Việt Minh bùng nổ vào tháng 8 năm 1945, gia đình tôi đã chạy xuống Vĩnh Hồ, cách Hà Nội khoảng mấy chục cây số. Gia đình tôi đông anh em, tới 11 người, lại còn cộng thêm gia đình ông anh thứ hai là Lê Huy Giáp đã lập gia đình và chị Giáp lúc ấy đang có bầu gần ngày sinh nở, cho nên Thày mẹ tôi đã phải thuê một căn nhà khá lớn.

Tôi vẫn còn nhớ, đó là căn nhà trong một khu biệt thự lớn, có cổng sắt to, và căn nhà gia đình tôi thuê là căn nhà đã bỏ hoang, nhưng rất nhiều phòng và rộng rãi.

Và cháu Minh Phú đã mở mắt chào đời tại Vĩnh Hồ, vào ngày mồng 1 tháng 9 năm 1945.

Tôi hay thơ thẩn ngoài vườn sạu trong khu đất trống bỏ hoang cách nhà cũng khá xa. Tôi thích ngồi trên những tảng đá bị cỏ hoang phủ đầy, và nhẩm học những câu ca dao mà mẹ tôi đã bắt học thuộc lòng.

Bây giờ, không còn là những bài hát ru nữa, mà là những câu dạy đời, khuyên nhủ về đạo đức về tình người:

Chẳng hạn:

- Bầu ơi thuơng lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.

- Ở sao cho vừa lòng ngườí
Ở rộng người cười, ở hẹp người chê.

- Chẳng tham ruộng cả ao liền
Tham vì cái bút cái nghiên anh đồ.

- Mấy đời bánh đúc có xương
Mấy đời dì ghẻ mà thương con chồng.

- Sông sâu còn có kẻ dò
Lòng người nham hiểm ai đo cho cùng.

Học thuộc lòng mấy câu tục ngữ ca dao thì dễ thôi, cái mà tôi sợ nhất là mẹ bắt học thuộc lòng bài kinh thật dài với tựa đề " Dọn Mình Chết ". Chao ôi, ở cái tuổi chưa đủ lớn, mà lại đã phải nghĩ đến ngày nào đó, mình ra đi, thì nản đời biết chừng nào. Ấy vậy mà tôi cũng đã phải học thuộc, và còn nhớ như in đến bây giờ.

Tuy nhiên, vì từ thuở ấu thơ, mẹ đã gieo vào lòng tôi những câu thơ lục bát, cho nên khi có trí khôn, tôi đã yêu những vần thơ lục bát. Và điển hình là yêu những câu thơ chân chất tình người, những vần thơ của nhà thơ chân quê Nguyễn Bính:

Em ơi em ở lại nhà
Vườn dâu em đốn, mẹ già em thương,
Mẹ già một nắng hai sương
Chị đi một bước trăm đường xót xa
Cậy em, em ở lại nhà
Vườn dâu em đốn, mẹ già em thương
Hôm nay xác pháo đầy đường
Ngày mai xác pháo còn vương khắp làng
Chuyến này chị bước sang nagng
Là tan vỡ giấc mộng vàng từ đây.
Ruợu nồng em uống cho say
Vui cùng chị một vài giây cuối cùng
( Rồi đây sóng gió ngang sông
Đầy thuyền hận chị lo không tới bờ )...

( Lỡ Bước Sang Ngang )

Chỉ với 10 tuổi đầu, tôi đã mê thơ Nguyễn Bính, và thuộc lòng bài thơ Lỡ Bước Sang Ngang, dù chẳng ai bắt học thuộc lòng cả.

Và, hình ảnh miền quê, với sông, núi, với con thuyền lơ lửng trên sông, với khóm tre đong đưa theo gió, và những vần thơ lục bát, đã tạo nên một Hồng Vũ Lan Nhi với tâm hồn thơ mộng, lãng mạn tuyệt vời!

Nhắc đến mẹ, lòng tôi bao giờ cũng xót thương, bởi vì tôi luôn là kẻ làm mẹ buồn nhiều hơn vui.

Mẹ muốn tôi học giỏi, thì tôi lại ham chơi hơn học.
Mẹ muốn dạy tôi cách nấu nướng, những món đặc nhà quê, như kho thịt, kho cá bằng nồi đất v..v... Nhưng tôi lại chỉ thích là kẻ chạy bàn trong những ngày giỗ chạp, để phần các chị lớn lo nấu cỗ. Mẹ đã cho tôi đi học nấu cỗ với bà Lộc, nhưng tôi lại thưa cùng mẹ :

- Nếu số con giầu có, con đã có tiền nuôi xẩm, lo gì phải nấu. Nếu số con nghèo, làm gì có tiền để mua gà, mua nấm, để mà nấu.

Biết con gái lười, mẹ cũng đành cười:

- Vụng chèo nhưng lại khéo chống.

Năm tháng qua đi trong vui, buồn, sướng, khổ. Giờ đây, viết về ca dao tục ngữ, nhắc đến mẹ, để thấy lòng con hãnh diện về mẹ đến thế nào!

Mẹ ơi!

Hồng Vũ Lan Nhi
viethoaiphuong
#24 Posted : Monday, June 27, 2011 7:50:27 PM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,342
Points: 11,181

Thanks: 761 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

Hóm hỉnh trong Ca dao tình yêu miền Nam




Sự mộc mạc hồn nhiên ở từ ngữ, cách thể hiện dung dị và ngộ nghĩnh gây nên những bất ngờ thú vị là chất hóm hỉnh thường thấy trong ca dao tình yêu Nam bộ. Đó cũng là biểu hiện tính cách đặc trưng của người dân nơi đây.

Trước hết là chất hóm hỉnh không cố tình, không dụng công, toát ra một cách tự nhiên qua những từ ngữ mộc mạc; không hề trau chuốt chân thật đến độ người nghe phải bật cười. Một anh chàng quá đỗi si tình đã trở thành ‘liều mạng’:

Dao phay kề cổ,
Máu đổ không màng
Chết thì chịu chết
Buông nàng anh không buông

Một cô nàng thật thà cả tin đã giật mình ‘hú vía’ vì kịp thời nhận ra ‘chân tướng’ đối tượng:



May không chút nữa em lầm
Khoai lang khô xắt lát em tưởng cao ly sâm bên Tàu

Có những nỗi niềm tương tư ấp ủ trong lòng, nhưng cũng có khi người ta không ngại ngần thổ lộ trực tiếp với bạn tình:

Tôi xa mình hổng chết cũng đau
Thuốc bạc trăm không mạnh, mặt nhìn nhau mạnh liền

Họ là những người lao động chân chất, nên cũng bày tỏ tình cảm với nhau bằng thứ khẩu ngữ thường ngày không chưng diện, màu mè, tuy vậy, cái tình trong đó cũng mãnh liệt và sâu sắc.
Đây là lời tâm sự của một anh chàng đêm hôm khuya khoắt lặn lội đi thăm người yêu:

Thương em nên mới đi đêm
Té xuống bờ ruộng đất mềm hổng đau
May đất mềm nên mới hổng đau
Phải mà đất cứng ắt xa nhau phen này

Chàng thật thà chất phác, nhưng mà cũng có chút ranh ma đấy chứ? Chất hóm hỉnh đã toát ra từ cái ‘thật thà tội nghiệp’.

Nhưng phần lớn vẫn là sự hóm hỉnh mang tính chất đùa nghịch. Một chàng trai đã phóng đại nỗi nhớ người yêu của mình bằng cách so sánh ví von trào lộng:



Vắng cơm ba bữa còn no
Vắng em một bữa giở giò không lên

Nỗi vấn vương tơ tưởng đi vào tận giấc ngủ khiến chàng trở nên lú lẫn một cách buồn cười.

***

Phòng loan trải chiếu rộng thình
Anh lăn qua đụng cái gối, tưởng bạn mình, em ơi!

Nhưng cái độc đáo là ở đây nỗi niềm đó lại được bộc lộ một cách hài hước:

Tôi xa mình ông trời nắng tôi nói mưa
Canh ba tôi nói sáng, giữa trưa tôi nói chiều

Có một chút phóng đại làm cho lời nói nghe hơi khó tin! Nhưng hề gì. Chàng nói không phải cốt để đối tượng tin những điều đó là sự thật mà chỉ cốt cho nàng thấu hiểu tấm tình si của mình. Nàng bật cười cũng được, phê rằng ‘xạo’ cũng được, miễn sao hiểu rằng mình đã phải ngoa ngôn lên đến thế để mong người ta rõ được lòng mình.

Lại có một chàng trai đang thời kỳ tiếp cận đối tượng, muốn khen cô nàng xinh đẹp, dễ thương mà khó mở lời trực tiếp. Để tránh đột ngột, sỗ sàng, chàng đã nghĩ ra một con đường vòng hiếm có:

Trời xanh bông trắng nhụy huỳnh
Đội ơn bà ngoại đẻ má, má đẻ mình dễ thương

Mục đích cuối cùng chỉ đơn giản là khen ‘mình dễ thương’ mà chàng đã vòng qua năm non bảy núi. Bắt đầu từ thế giới tự nhiên – trong thế giới tự nhiên lại bắt đầu từ ông trời – tạo hóa sinh ra những loại cây, hoa đẹp đẽ – rồi mới bước qua thế giới của loài người – trong thế giới loài người lại từ hiện tại ngược dòng lịch sử để bắt đầu từ tổ tiên ông bà, tới thế hệ cha mẹ, rồi tới nhân vật chính – ‘mình’. Thật là nhiêu khê, vòng vo tam quốc làm cho đối tượng hoàn toàn bất ngờ. Những lời ngộ nghĩnh kia dẫn dắt tới sự hiếu kỳ háo hức muốn biết ‘chuyện gì đây’, cho đến khi cái kết cục thình lình xuất hiện làm cho cô nàng không kịp chống đỡ… Nhưng mà nó thật êm ái, thật có duyên biết bao, nên dù phải đỏ mặt, cô hẳn cũng vui lòng và không thể buông lời trách móc anh chàng khéo nịnh!

Ngược lại, cũng có những lời tỏ tình khá táo bạo, sỗ sàng, nhưng hình ảnh thì lại hết sức ngộ nghĩnh, dí dỏm:

Con ếch ngồi dựa gốc bưng
Nó kêu cái ‘quệt’, biểu ưng cho rồi

Những người nghe câu ‘xúi bẩy’ này không thể không bật cười, còn đối tượng xúi bẩy cùng lắm cũng có thể tặng cho người xúi có phần trơ tráo kia một cái nguýt dài.

Những câu ca dao hóm hỉnh không chỉ bật lên từ tâm trạng đang vui, tràn đầy hy vọng, có khi ‘rầu thúi ruột’ mà họ vẫn đùa. Những trắc trở trong tình yêu nhiều lúc được trào lộng hóa để ẩn giấu nỗi niềm của người trong cuộc:



Thác ba năm thịt đã thành bùn
Đầu thai con chim nhạn đậu nhánh tùng chờ em

Quả là ‘khối tình thác xuống tuyền đài chưa tan’, nên chàng lại quyết tâm chờ tiếp ở kiếp sau cho đến khi nào nên duyên nên nợ. Kiên nhẫn đến thế là cùng!

Khi chàng trai cố gắng đến hết cách vẫn không cưới được người mình yêu, không biết trút giận vào đâu, bèn đổ lỗi cho một nhân vật tưởng tượng:

Quất ông tơ cái trót
Ổng nhảy tót lên ngọn cây bần
Biểu ông se mối chỉ năm bảy lần, ổng hổng se

Thái độ quyết liệt trong tình yêu lắm lúc được thể hiện đầy mãnh liệt. Anh chàng hay cô nàng trong câu ca dao dưới đây đã xem cái chết nhẹ như lông hồng. Thà chết còn hơn là lẻ bạn!

Chẳng thà lăn xuống giếng cái ‘chũm’
Chết ngủm rồi đời
Sống chi đây chịu chữ mồ côi
Loan xa phượng cách biết đứng ngồi với ai?

Có chàng trai thì quyết tâm đem tuổi thanh xuân gửi vào cửa Phật:



Nếu mà không lấy đặng em
Anh về đóng cửa cài rèm đi tu

Chàng vừa muốn tỏ lòng mình vừa muốn thử lòng người yêu. Và cô nàng cũng tỏ ra quyết tâm không kém. Chàng đi đến đâu nàng theo đến đó để thách thức cùng số phận:

Tu đâu cho em tu cùng
May ra thành Phật thờ chung một chùa

Bằng câu đùa dí dỏm của mình, cô nàng đã làm nhẹ hẳn tầm nghiêm trọng của vấn đề trong tư tưởng anh chàng và cũng hóa giải tâm tư lo âu, phiền muộn của chàng – ‘Có gì đáng bi quan đến thế? Cái chính là em vẫn giữ vững lập trường’ – đồng thời cũng hàm thêm chút chế giễu – ‘Mà có chắc là tu được không đấy?’.

Khi yêu, nhiều cô gái cũng mạnh dạn bày tỏ tình cảm của mình không kém các chàng trai.

Phải chi cắt ruột đừng đau
Để em cắt ruột trao anh mang về

Không tiếc cả thân thể, sinh mạng của mình, nhưng cô gái chỉ… sợ đau, thật là một cái sợ đầy nữ tính rất đáng yêu. Hay khi chàng trai muốn liều mình chứng tỏ tình yêu, nhưng cũng lại ‘nhát gan’ đến bật cười:



Gá duyên chẳng đặng hội này
Tôi chèo ghe ra sông cái, nước lớn đầy… tôi chèo vô

Tinh nghịch, hóm hỉnh những lúc đùa vui và cả những khi thất vọng, đó là tinh thần của người lao động để chống chọi những khắc nghiệt của hoàn cảnh. Những chàng trai, cô gái đất phương Nam đã lưu lại trong lời ca câu hát cả tâm hồn yêu đời, ham sống, hồn nhiên của họ trên con đường khai mở vùng đất mới của quê hương tiếp nối qua bao thế hệ – Đó là tinh thần phóng khoáng, linh hoạt, dày dạn ứng biến của những con người:

Ra đi gặp vịt cũng lùa
Gặp duyên cũng kết, gặp chùa cũng tu…

Đoàn Thị Thu Vân


* s/t by HVLN - TrungVuong - VietBao
viethoaiphuong
#25 Posted : Wednesday, February 8, 2012 11:09:56 PM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,342
Points: 11,181

Thanks: 761 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)


Tình quê hương qua ca dao


Lê Bình
Saturday, 04 February 2012 09:46

Vào đem gia thừa năm nay, trời xui đất khiến hay sao…mà tôi lại mở một bản nhạc đợi giao thừa thì nó trung ngay một bài…coi như là “bói nhạc” đầu năm…Bài đó co tên Đêm Giao Thừa Nghe Một Khúc dân Ca của Võ Đông Điền, qua giọng ca của Hương Thủy.

Ý mèn đét Thiên Địa Quỷ Thần ơi…sao mà nó lâm ly lạ kỳ…nghe xong nổi da gà luôn…Lời và nhạc …nó làm sao đó khó nói lắm…Nó như vầy “Đêm giao thừa nghe một khúc dân ca, Bài dân ca tha thiết đậm đà, Từ tha hương nghe bài dân ca, Câu dân ca ấm lòng người đi xa, Nghe nôn nao như chiều 30 Tết, Bếp than hồng mẹ nấu bánh chưng xanh, Lời dân ca như phù xa con sông.

Thương quê hương thương vườn cau luống rau, Câu dân ca giao thừa nơi xa xứ, Có mùa xuân đến từ quê nhà…” Ý cha mẹ ơi, lần đầu tiên tôi nghe….nó lạnh trong xương sống, nó tê mê như uống chén rượu nồng….đế Gò Đen, đế Bà Điểm. Ngoài lời ca tiếng nhạc còn có tiếng nhịp ong lang nghe cốc cốc….nó mời đã làm sao. Thế mới biết ngày xưa Trương Lương làm rã rời một đoàn quân.

Nhạc, nếu biết khai thác…nó có ảnh hưởng thật mãnh liệt.

Tôi bừng tỉnh…chết thiệt chớ chẳng chơi. Nếu mà nâng lên “hàng quan điểm” thì thằng cha nhạc sĩ nầy chả đang chơi “NQ 36” đây. Ai thì tôi không biết, nhưng vói tôi, bài ca nầy nó có sức thẩm thấu thật sâu. Nếu nói tha thiết thì chưa đủ nghĩa, nói đậm đà tình dân tộc thì cũng còn thiếu…Diễn tả làm sao cà? Thì…cứ như vầy “Uống nước nóng lạnh tự biết”. Vậy đó, khó nói lắm. Tuy nhiên, “quan điểm” hay 35, 36 gì gì đó cũng chẳng sao.

Tôi thừ người ra. Ông bà của người Việt mình hay thiệt là hay, văn chương học lực chẳng bằng ai, không tiến sĩ, cũng chẳng bác vật…vậy mà có những lời ca, câu hát, điệu hò…ma đi đâu …cũng có đôi khi làm cho mình đứt ruột. Nhất là mình đang ở xa quê hương.

Hôm nay, mục Nhịp SốngViệt xin được trở về thăm quê qua những câu ca dao, tục ngữ, dân ca.

Thôi khỏi định nghĩa chi cho mất công, bởi vì ai ai cũng biết ca dao, tục ngữ…v.v. là cái gì rồi. Có người còn thuộc làu làu hàng chục, hàng trăm câu ca dao, mặc dù mù chữ. Thiệt đó, ngoại tôi, một bà già “quê rích quê rang”, hình như chưa có lần nào biết đến “Thầy Gòn”…vậy mà Kiều thuộcnhư cháo, ca da tục ngữ, hò…chứa một bụng, như các nhà hiền sĩ “Binh giáp tàng hung trung”. Nói cái gì bà cũng đệm một câu. Nhắc đến quê…bà phán ngay chốc:

“Cho em trở lại đường xưa
Để em tìm lại gốc dừa cạnh ao
Lời anh âu yếm chiều nào
Thoảng vang trong gió rì rào chớm thu”

Cứ như là thơ.

“Quê tôi có gió bốn mùa,
Có trăng giữa tháng có chùa quanh năm.
Chuông hôm gió sớm trăng Rằm,
Chỉ thanh đạm thế âm thầm thế thôi.
Mai này tôi bỏ quê tôi,
Bỏ trăng bỏ gió chao ôi bỏ chùa.”

Nghe mà đã lỗ tai luôn. Chớ chi bà là trai..chắc đắc đào mời là dữ thần ôn luôn nha.

Nhắc đến nhà quê thì mớinhớ…Trai thanh gái lịch ở ruộng, nói noà ngay chẳng có ai đượchọc hành dỗ đạt gì, vậy mà cứ mùa gặt mùa cấy…hoặc chống xuồng trên kinh, rạch, gặo lúc giómát trăng thanh thì…ca dao, hò vè…cứ mà bay lơ lững trong không khí đượm mùi lúa chín, mùi sen nở, mùi bông lựu, bông mù u.

“Sông dài cá lội biệt tăm,
Phải duyên chồng vợ ngàn năm cũng chờ.
Ruộng ai thì nấy đắp bờ,
Duyên ai nấy gặp đừng chờ uổng công.”

Gặp mấy nàng như vầy thì các anh có nước mà độn thổ luôn. Đối đáp làm sao mà đặng? Đừng có nghĩ quê hương mình nghèo, dân mình ít học…mà khinh nha. Một cô gái nop1i nhưvầy thì trả lời, trả vốn làm sao? Chỉ có nước mần thinh là ăn chắc.

“Đố ai lượm đá quăng trời,
Đan gàu tát biển ghẹo người cung trăng.”

Hoặc

“Đừng thấy miếu rách mà khinh,
Miếu rách mặc miếu, thần linh hãy còn.”

Đó là những câu ca dao , tục-ngữ, dân-ca trong nền văn chương (văn học) bình-dân. Không biết có từ đời kiếp nào, mỗi ngay mỗi thêm …và ông già, bả lão, thanh niên thiếu nữ…thuộcnằm lòng. Không biết những anh ở tỉnh, ở thành…bác học, tiến sĩ….có thuộc hay không. Chẳng biết. Nhung cứ về miệt ruộng mà coi. Dường như từ năm chí bắc, từ ruộng đồng đến chốn đèo heo hút gió…Nhớngày xưa trong tuyện của Tự Lực Văn Đoàn có cô thôn nữ “Hỡi anh đi đường cái quan, dừng chân đứng lại cho em hỏi han đôi lời…” Ghẹo người ta mà văn chương ghê gớm chưa? Thưở nay văn minh lắm rồi, không biết có còn những cảnh “trên đồng cạn dưới đồng sâu, chồng cày vợ cấy, con trâu đi bừa”…mà người ta có “tán tỉnh, chọc ghẹo” văn minh như ngày xưa không?

" Đêm qua ra đứng bờ ao,
Trông cá, cá lặn, trông sao, sao mờ.
Buồn trông con nhện giăng tơ.
Nhện ơi! nhện hởi! nhện chờ mối ai?
Buồn trông chênh chếch sao Mai,
Sao ơi! sao hởi! nhớ ai sao mờ?
Đêm đêm tưởng giải Ngân hà,
Bóng sao Tinh-đẩu đã ba năm tròn,
Đá mòn, nhưng da chẳng mòn,
Tào-khê nước chảy vẫn còn trơ trơ..."

Việt Nam của minh ngày xưa tre xanh bao bọc làng quê , và sau hàng tre xanh đó, đời sống và tình cảm của người mình tha thiết, đậm đà, thân thương, trìu mến…đã có cả một kho tàng văn chương tuy là là “bình dân”, nhưng chứa trong lòng nó một nền tảng “bác học” nghiên cứu hoài chưa đến đáy…Và nó là nguồn gốc của tinh thần…Việt Tộc, là Rồng Tiên.

Không bác học mà người dân quê có những câu hóc búa như vầy:

" Đố ai biết đá mấy hòn?
Tua-rua mấy chiếc, trăng tròn mấy đêm?
Đố ai biết lúa mấy cây?
Biết sông mấy khúc, biết mây mấy từng?
Đố ai quét sạch lá rừng?
Để ta khuyên gió, gió đừng rung cây.
Đố ai lặn xuống vực sâu,
Mà đo miệng cá, uốn câu cho vừa?
Đố ai nằm võng không đưa,
Ru con không hát? Ta chừa nguyệt hoa."

Wow! Hết biết chưa. Và dường như những câu nầy trở thành một bài hát rất được ưa thích?

Và quê hương của mình đó có đời sống thật tuyệt vời, không cần nhà tiền triệu, du lịch bằng cruise, đi xa láng o láng cóng…v.v. Cuộc sống của người mình thì như vầy

" Tháng Giêng ăn Tết ở nhà,
Tháng Hai cờ bạc, tháng Ba hội hè.
Tháng Tư, đong đậu nấu chè,
Ăn Tết Đoan-ngọ, trở về tháng Năm.
Tháng Sáu buôn nhãn, bán trăm,
Tháng Bảy, ngày rằm, xá tội vong nhân.
Tháng Tám, chơi đèn kéo quân,
Trở về tháng Chín, chung chân buôn hồng.
Tháng Mười, buôn thóc, bán bông,
Tháng Một, tháng Chạp, nên công hoàn toàn..."

Toàn là hội với hè,chà với cháo…thiệt là sung sướng, choó có đâu như bâygiờ…mời bảnh con mắt, con gà vừa nhảy xuống đất thì con người cũng lật đật tung mền ngồi dậy, ngáp dài ngắp ngắn lo ăn lo tắm lo chở con đến trưòng và tất bật nhào vô hãng….đến chiều tối mới về đến nhà thì thở hếtra hơi…cứ vậy quanh năm suột tháng…Cái nầy ông bà mình đã nói rồi

" Áo dài chớ tưởng là sang,
Bởi không áo ngắn, mới may áo dài."

Trong đời sống hằng ngày thì cũng có câu như thấ nầy:

" Hơn nhau tấm áo, manh quần,

Thả ra ai cũng ở trần như ai."

" Trời làm một trận lăng nhăng,
Ông hoá ra thằng, thằng hoá ra ông."

Và quê hương mình đó cũng có nhiều chuyện để nhớ chớ chẳng không? Nhìn ra ta chẳng bằng ai, nhìn lại thì cũng chẳng ai bằng mình. Đừng đi đâu xa. Đây nè!

"Ai ơi đứng lại mà trông
Kìa núi Thành Lạng, kìa sông Tam Cờ"

"Đồng Đăng có phố Kì Lừa,
Có nàng Tô Thị , Có chùa Tam Thanh"

"cao nhất là núi Ba Vì,
Thứ ba Tam Đảo , thứ nhì Độc Tôn"

"Sâu nhất là sông Bạch Đằng,
Ba lần giặc đến, ba lần giặc tan.

" Rủ nhau xem cảnh Kiếm Hồ
Xem chùa Thê Húc, xem chùa Ngọc Sơn.
Đài Nghiên , Tháp Bút chưa mòn,

" Đông Ba , Gia Hội hai cầu
Ngó lên Diệu Đế bốn lầu hai chuông"

" Nhà Bè nước chảy chia hai,
Ai về Gia định, Dồng nai thì vê."

" Đồng Tháp Mười cò bay thẳng cánh.
Nước Tháp Mười lóng lánh cá tôm"

Bà con mình đã đi hết chưa? Đã ăn được miếng mắm ba khía ở Cà Mau? Miếng mắm thái ở Châu Đốc? Đã qua phà Châu Giang, ngồi xuồng trên dòng Vĩnh Tế. Đã đến Bắc Vàm Cống? Được ăn thịt chuột ở Cao lãnh, uống trà sen ở Đồng Tháp Mười?...

Nhiều lắm.

Chỉ nghe một câu ca dao…giữa đêm giao thừa trên đất khách…nó đã dẫn tôi đi qua muôn dặm nghìn trùng. Nhớ thiệt chớ chẳng chơi.

Lê Bình
Users browsing this topic
Guest
2 Pages<12
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.