Autry National Center Nếu đi xe công cộng thì ra khỏi trạm metro Civic Center đợi xe bus 96 trên đường First St khoảng giữa đường Hill và Broadway. Xe 96 sẽ đưa tới thẳng Sở thú (Los Angeles Zoo), và đối diện với Sở thú là Autry National Center, Museum of the American West.
Trung tâm này do ông Gene Autry lập ra vào năm 1987. Theo quảng cáo của trung tâm thì Gene Autry là một ca sĩ hát nhạc cao bồi, một nhạc sĩ sáng tác hơn 300 ca khúc, một tài tử chiếu bóng, một người xây dựng nên một đế quốc giải trí gồm nhiều đài phát thanh, truyền hình, một phim trường, một nhãn hiệu thu âm, nhiều rạp hát, và cả một đội khúc côn cầu (the Angels).
Vào đỉnh cao sự nghiệp vào thập niên 1940, ông được bầu là người trình diễn nổi tiếng nhất nước Mỹ (the most popular entertainer in America). Mỗi tháng ông nhận 25 ngàn lá thư của người hâm mộ (con ngựa Champion của ông nhận được 1 ngàn!). Ông là người trình diễn duy nhất chiếm được 5 ngôi sao ở Hollywood Walk of Fame, cho Radio, Recording, Motion Pictures, Television và Live Theater/ Performance.
Người nổi danh vậy mà tôi hoàn toàn không biết, trời ạ. Hồi nhỏ tôi không thích coi phim cao bồi hay phim chiến tranh chút nào. Ghét nữa là khác.
Vào năm 1988, ông đã hoàn thành một mơ ước, là xây dựng được một viện bảo tàng để trình bày và giới thiệu di sản của miền Tây, và cho thấy ảnh hưởng của nó tới nước Mỹ và thế giới. Cho tới nay, ba ông cự phú của Mỹ là Hearst, Getty, và Autry đều xây nên các "căn nhà mơ ước" của mình, mà tôi trước khi đi coi nhà lại chưa hề biết tới họ là ai.
Tượng của Gene Autry ở ngay cổng của Bảo tàng.
Nếu bạn đi vào ngày thứ Ba thứ hai mỗi tháng thì khỏi trả tiền vô cửa. Một số bảo tàng cũng hay dành một ngày mỗi tháng để cho khách "nghèo mà ham" được mở mang kiến thức (Bên Paris bảo tàng Louvre cũng có lệ này - riêng bên London thì hoặc là miễn phí luôn hoặc là charge tiền vô cửa chớ không có cái mửng này!).
Tôi cũng thuộc hạng nghèo mà ham này, cho nên cũng canh sao đi đúng ngày miễn trả tiền. Khách vô cửa được dán miếng nhãn vô áo với lý do là để dễ kiểm sóat (safety) (?). (Vậy rồi người ta sẽ phá họai bằng cách nào? tôi không hiểu? ).
Vừa mới vào là tôi tắp ngay vào các galleries chưng các tác phẩm hội họa, điêu khắc. Đây là các chưng bày một thời gian, khác với các chưng bày lưu cữu. Các tác phẩm nhìn thấy tuyệt đẹp. Tôi để ý thấy giá cả từ 5, 7 ngàn lên tới 3, 4 chục ngàn. Khi tôi đến chơi nhà người Việt mình, ít thấy thiên hạ chơi tranh. Nhưng với thế hệ sau này, ảnh hưởng phong cách sống nhà khá giả thì từ từ cũng có.
Sau đó tới các phòng chưng bày lưu cữu, thường trực. Có các đề tài lớn liên quan tới ngựa, tới phụ nữ, tới sự phát triển của nghệ thuật chiếu bóng ở Hollywood, có một phòng về các đồ đan lát, giỏ, rọ..
Nói chung đây là một bảo tàng có giá trị, hữu ích cho những ai muốn hiểu biết về các di sản dính líu đến cuộc Tây tiến của dân Mỹ. Nhiều bộ yên cương ngó thấy ngớp. Có con ngựa giả để ai muốn trèo lên đó thử chơi cho biết. Tôi cũng thử trèo lên, rất tiếc là chung quanh vắng ngắt, không có ai để nhờ chụp cho tấm hình đang cỡi ngựa... giả.
Ngòai sân sau có một giả cảnh về một góc miền Tây. Ở đây người ta có đặt vấn đề là thật sự ranh giới nào thuộc về miền Tây nước Mỹ? Tôi có thử rờ vô các tảng đá thì thấy là đá thật chớ không phải đồ giả xi măng tô màu như đám đá giả ở Disneyland hay Đại Nam quốc tự ở Bình Dương.
Ngòai ra còn có một phòng chưng bày cảnh nhà của dòng họ See. Ông Fong See người Tàu, lấy vợ là người Mỹ, mở cơ ngơi làm ăn ở khu Chinatown, sanh con đẻ cháu tới mấy đời. Người Tàu, người Nhật đã góp mặt vào xứ California và nay đều có các trung tâm, bảo tàng để kỷ niệm và cho người sau hiểu biết hành trình đến xứ Mỹ của họ.