Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

Những Vấn Đề Liên Quan Đến Ngôn Ngữ
Ba Tê
#1 Posted : Friday, December 25, 2009 4:00:00 PM(UTC)
Ba Tê

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 2,175
Points: 423
Woman
Location: San Diego

Thanks: 15 times
Was thanked: 23 time(s) in 23 post(s)
Đọc thơ: Thơ và văn bản

Nguyễn Hưng Quốc
26/12/2009

Đọc? Thì ai mà chẳng đọc? Nhận định có vẻ hiển nhiên ấy, thật ra, chỉ hiển nhiên, đối với người phương Tây, trong vòng mấy trăm năm trở lại đây; và riêng đối với người Việt Nam, khoảng trên dưới một thế kỷ. Trước, khi chưa có chữ viết, không ai đọc; khi chữ viết chưa phổ cập, rất hiếm người đọc. Ở Việt Nam, trong cả hàng ngàn năm, hầu hết người ta chỉ nói thơ và nghe thơ.

Chữ “nói thơ” ấy rất thông dụng ở miền Nam trước kia. Nói theo kiểu “nói Lục Vân Tiên”. Nói, ở đây, không phải là ứng khẩu hay ứng tác. Mà, thật ra, là đọc. Có điều đó là cái đọc không có văn bản. Đọc từ ký ức. Và, trước đó, để thuộc lòng, người ta thường cũng không đọc. Người ta chỉ nghe ai đó đọc hay nói. Cả người dạy lẫn người học đều châu tuần chung quanh một sinh hoạt có tính chất truyền khẩu. Điều này không những đúng đối với văn học dân gian mà còn đúng với cả văn học thành văn nữa.

Cái gọi là văn học thành văn của Việt Nam ngày xưa thực chất là một thứ văn học bán thành văn và bán truyền khẩu. Tác giả: Có. Tác phẩm: Có. Nhưng do tình trạng in ấn lạc hậu và nạn mù chữ cao, hầu hết các tác phẩm ấy đều chỉ được lưu truyền dưới hình thức truyền miệng. Ngay đối với những tác phẩm được xem là kiệt tác như Truyện Kiều của Nguyễn Du cũng không mấy người được đọc. Phần lớn người ta chỉ nghe ai đó thuộc lòng tác phẩm đọc. Rồi người ta nhớ. Rồi người ta lại truyền tụng tiếp. Cũng bằng miệng.

Phân biệt nói và đọc như trên cũng có nghĩa là ghi nhận một yếu tính của đọc: văn bản. Trong bốn kỹ năng ngôn ngữ cơ bản của nhân loại, chỉ có đọc và viết là gắn liền với văn bản; còn nghe và nói thì không. Văn bản, trong đọc và viết, không giống nhau hẳn: trong viết, nó được sản xuất; trong đọc, nó được tiêu thụ. Cũng có thể nói, đọc là cách tiêu thụ một văn bản.

Văn bản được hình thành từ hai điều kiện, đồng thời cũng là hai trong vài phát minh quan trọng nhất của nhân loại: văn tự và ấn loát (sau này là internet).

Với hai điều kiện ấy, văn bản có thêm một kích thước mới mà các tác phẩm văn học dân gian không có: không gian. Bình thường, thơ vẫn được xem là một loại hình nghệ thuật thời gian. Giống như âm nhạc. Để đọc, cũng như để hát và nghe hát, người ta phải bắt đầu ở một thời điểm và kết thúc ở một thời điểm khác. Và cũng giống âm nhạc, nó cũng là một thứ nghệ thuật thính giác: Trong nền văn hoá truyền khẩu, người ta chỉ thưởng thức thơ bằng lỗ tai. Ngay cả khi kỹ thuật in đã xuất hiện, thói quen đọc to để nghe chính tác phẩm mình đang đọc vẫn kéo dài khá lâu.

Được thưởng thức bằng tai, không có gì đáng ngạc nhiên, yếu tính của thơ nằm ở nhạc điệu. Vần, nhịp, luật bằng trắc, và, phần nào, cả niêm và đối nữa, được sử dụng để củng cố cái yếu tính ấy. Đọc, chủ yếu là để nghe cái âm vang và độ luyến láy của chữ. Ý nghĩa của bài thơ nổi lên, một mặt, ở ngữ nghĩa, hình tượng, sự hô ứng và độ đối xứng; mặt khác, ở khía cạnh ngữ âm. Các nhà thơ tượng trưng đẩy khía cạnh sau cùng đến cực độ khi chủ trương ngữ âm là yếu tố chủ đạo trong việc tạo nghĩa và làm nên tính thơ.

Được in trên mặt giấy hay được bày trên màn ảnh vi tính, thơ biến chất: nó là một nghệ thuật thời gian nhưng đồng thời cũng là một thứ nghệ thuật không gian. Xin lưu ý: tính không gian (spatiality) không làm tính thời gian (temporality) biến mất. Tính không gian xuất hiện như một bổ sung chứ không phải như một loại trừ. Đọc, người ta vẫn phải quét mắt từ trên xuống dưới, từ trang trước đến trang sau. Tuy nhiên, người ta cũng có thể, cùng lúc, phóng mắt bao quát toàn bộ văn bản để ghi nhận, chẳng hạn, những khoảng trống chung quanh văn bản cũng như những điểm nối từ chỗ này đến chỗ khác, những điểm nối dễ dàng bị bỏ qua nếu chúng chỉ được nghe bằng tai.

Là một nghệ thuật thời gian, phương tiện chủ yếu của thơ vẫn là ngôn ngữ; và sức mạnh chủ yếu của ngôn ngữ vẫn nằm ở nhạc tính; tất cả đều được tiếp nhận và cảm nhận theo một trật tự mang thời tính rõ rệt.

Là một nghệ thuật không gian, thơ dần dần có xu hướng phi từ vựng hoá: trong bài thơ không những chỉ có từ vựng mà còn có nhiều yếu tố phi từ vựng, từ các dấu câu đến cách trình bày và cả những khoảng trắng chung quanh các con chữ: Tất cả đều là, hoặc có khả năng là, những ký hiệu có nghĩa.

Là một nghệ thuật không gian, bài thơ trở thành một vật thể. Có thể nói tính vật thể (materiality) là một trong những phát hiện mới mẻ và độc đáo của giới phê bình văn học trên thế giới trong nửa đầu thế kỷ 20. Không phải ngẫu nhiên mà các nhà Phê Bình Mới của Anh Mỹ thường xem bài thơ như một bức tượng bằng lời (verbal icon) hoặc một chiếc bình được chạm trổ hoàn hảo (well wrought urn).

Tính vật thể của bài thơ dẫn đến hai hệ luận chính: Một, tính khả xúc (palpability): người ta có thể nghe, nhìn, thậm chí, có thể sờ chạm được vào văn bản thơ để có thể ghi nhận và cảm nhận một cách cụ thể những chỗ trơn láng hay gồ ghề, sần sùi, thô nhám trong ngôn ngữ và hình thể của bài thơ; hai: tính bất khả thay thế: đọc thơ là đọc văn bản thơ đang bày ra trước mắt chứ không phải bất cứ một cái gì khác, từ những thông điệp mà người ta nghĩ là bài thơ muốn ký thác đến những nội dung có thể tóm tắt được trong vài câu hay vài đoạn. Đó là lý do tại sao các nhà Phê Bình Mới của Anh Mỹ kịch liệt phản đối việc diễn xuôi (paraphrase) thơ.

Là một nghệ thuật thời gian, thơ được tiếp nhận chủ yếu bằng tai. Là một nghệ thuật không gian, thơ cần được thưởng thức bằng mắt. Sự kết hợp giữa tính thời gian và tính không gian đòi hỏi người đọc sử dụng cả hai giác quan hầu như cùng lúc: thính giác và thị giác. Có thể nói, để thưởng thức thơ, người ta phải biết nghe những gì mình thấy. Chữ có nhạc tính, đã đành. Trong thơ, kể cả thơ cụ thể và thơ hình hoạ, ngay những đường nét và khoảng trống cũng cần có nhạc tính. Theo tôi, đó là ranh giới cuối cùng của thơ, điểm phân biệt giữa thơ cụ thể cũng như thơ hình hoạ với hội hoạ. Hội hoạ chỉ có hình, màu và cấu trúc. Thơ, sau hình, màu và cấu trúc, vang lên âm hưởng của chữ. Cảm giác thơ, theo tôi, chủ yếu vẫn là cảm giác về chữ.

Tiếp nhận bằng tai là tiếp nhận ngôn ngữ ở khía cạnh cơ bản và nguyên thuỷ của nó: ngôn ngữ, trước hết, là âm thanh. Ngay cả khi đọc thầm, người ta cũng nghe được sự xôn xao của chữ, cũng cảm nhận được những nhịp văn lúc lên bổng lúc xuống trầm, lúc mau lúc chậm, lúc mạnh lúc yếu, lúc ngân nga lúc chát chúa.

Tiếp nhận bằng mắt là quan sát hình thế của các con chữ. Quan sát sự chuyển động của các con chữ ấy. Quan sát cái không gian bao trùm cả bài thơ.

Quan sát chứ không phải là nhìn. Đọc khác với nhìn. Cầm trên tay một văn bản bằng thứ tiếng gì đó, người mù chữ nhìn; người biết chữ đọc. Như vậy, đọc không phải chỉ là nhìn. Đọc là nhìn và giải mã cùng lúc.

Ngôn ngữ, tự bản chất, là một thứ mã (code), làm bằng các ký hiệu. Không có ký hiệu nào tự nó và cho nó cả. Ký hiệu nào cũng là một ký hiệu của một cái gì khác. Ferdinand de Saussure phân biệt hai khía cạnh của ký hiệu (sign): cái biểu đạt (signifier) và cái được biểu đạt (signified). Đọc thơ, bởi vậy, là từ cái biểu đạt đi tìm cái được biểu đạt. Tuy nhiên, như các nhà hậu cấu trúc luận và giải kiến tạo chứng minh, cái được biểu đạt, tự nó, sẽ biến thành cái biểu đạt cho cái được biểu đạt khác; rồi cái được biểu đạt ấy lại trở thành cái biểu đạt cho một cái được biểu đạt khác nữa. Cứ thế, liên tục.

Giải mã thơ, do đó, thực chất là quá trình phát hiện các mối quan hệ chằng chịt, phức tạp và hầu như vô tận giữa những cái biểu đạt / được biểu đạt / biểu đạt / được biểu đạt… Phát hiện các quan hệ là phát hiện tính hệ thống của một bài thơ. Bài thơ hay bất cứ một tác phẩm nghệ thuật nào cũng là một hệ thống. Tính hệ thống được biểu hiện qua cấu trúc.

Giải mã một bài thơ, bởi vậy, nghĩ cho cùng, là khám phá ra cấu trúc của nó. Cái cấu trúc ấy, trước, theo các nhà Phê Bình Mới và cấu trúc luận, là một cái gì khép kín; sau, theo các nhà hậu cấu trúc và giải kiến tạo, là một cái gì mở, mở đến gần như vô hạn. Mang tính mở, nên cấu trúc không ngừng thay đổi. Khi cấu trúc thay đổi, văn bản tự động trở thành liên văn bản. Khi văn bản trở thành liên văn bản, ý nghĩa của bài thơ bị triển hạn. Triển hạn đến đâu? Không biết. Nó sẽ không có điểm tận cùng nào cả.

Với việc phát hiện ra các quan hệ cũng như tính hệ thống và cấu trúc của tác phẩm, người đọc đi từ tiếp nhận sang tiêu hoá.

Tiêu hoá, trong đọc, trước hết là phân tích. Phân tích là lựa chọn, từ việc lựa chọn dữ liệu đến việc lựa chọn phương pháp luận. Với sự lựa chọn như vậy, phân tích biến thành một cách diễn dịch. Và diễn dịch, với mức độ nào đó, có thể nói, là một cách viết lại cái văn bản mình đọc. Đọc là viết-lại, là viết trên cái văn bản đã được viết, là tham gia vào quá trình sáng tạo, là, nói cách khác, trở thành tác giả của cái văn-bản-được-đọc. Xin lưu ý: chỉ là tác giả của cái văn-bản-được-đọc. Cái văn bản ấy chỉ một mình hắn biết. Đọc là viết-lại trong riêng tư, một cách thầm lặng. Mỗi độc giả là một tác giả thầm lặng. Tính chất thầm lặng trở thành một trong những đặc điểm nổi bật nhất của đọc. Đọc là một cách nuôi dưỡng nỗi niềm thầm lặng: người đọc không những lọt vào sự thầm lặng mà còn hít thở và lớn lên trong sự thầm lặng. Họ được nuôi dưỡng bởi sự thầm lặng. Tập nghe ngóng những âm thanh vang lên từ thầm lặng. Để biết ngây ngất trước những mùi hương của thầm lặng.

Nguồn : Nguyễn Hưng Quốc Blog
Ba Tê
#2 Posted : Thursday, February 4, 2010 12:15:31 AM(UTC)
Ba Tê

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 2,175
Points: 423
Woman
Location: San Diego

Thanks: 15 times
Was thanked: 23 time(s) in 23 post(s)
Chuyện "Cái Giọng Saigon"

Sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, trong đầu lúc nào cũng có một ý định là sẽ “thở đều” trên mảnh đất ồn ào này, ý định đó chắc sẽ giữ mãi cho đến lúc một ngày nào đó âm thầm không bứt rứt cắn tay áo mà mỉm cười he he he XXX xuống dưới ấy…

Gọi là yêu Sài Gòn thì có phần hơi quá! Không dám gọi thứ tình cảm dành cho Sài Gòn là tình yêu, nó chưa thể đạt đến mức ấy. Cái tình với Sài Gòn là cái tình của một thằng ăn ở với Sài Gòn hơn 20 năm, cái tình của một thằng mà với nó, Sài Gòn còn quá nhiều điều níu kéo, quá nhiều chuyện để mỗi khi bất chợt nghĩ về Sài Gòn, lại thấy nhơ nhớ, gần gũi...
Hồi còn đi học, vẫn hay chọc mấy đứa bạn bằng 2 câu thơ nhại :
Đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ
Gái Sài Gòn cái mỏ cong cong
Chuyện con gái Sài Gòn "mỏ" có cong không thì hông biết, chỉ biết con gái Sài Gòn có cái dẫu môi cong cong dễ làm chết người lắm, nhất là khi cánh môi be bé ấy cong lên một chữ "hônggg..." khi đứa con trai rủ rê đi đâu, năn nỉ gì đó. Lúc đó, lấy gương ra soi, chắc cái mặt của đứa con trai đó tội lắm.
Mà con gái Sài Gòn có điệu đà, õng ẹo chút thì mới đúng thiệt là con gái Sài Gòn. Ai mà chẳng biết vậy. Gọi đó là cái duyên ngầm của người con gái đất Gia Định cũng chẳng có gì sai. Ai hiểu được sẽ thấy sao mà yêu mà thương đến vậy...
Có dạo đọc trong một bài viết về Sài Gòn – Gia Định của nhà văn Sơn Nam , có thấy ông viết giọng Sài Gòn, cũng như văn hóa và con người Sài Gòn là một sự pha trộn và giao thoa đến hợp nhất của nhiều nơi. Đó là những người Chăm bản địa, những người khách Hoa, những người miền Trung đầu tiên đến đất Gia Định…Từ đó hình thành một loại ngôn ngữ vừa bản địa, vừa vay mượn của những người đi mở đất…
Giọng người Sài Gòn được xem là giọng chuẩn của miền Nam, cũng như giọng người Hà Nội được xem là giọng chuẩn của người miền Bắc.. Giọng chuẩn tức là giọng không pha trộn, không bị cải biến đi qua thời gian. Như nói về giọng chuẩn của người Hà Nội, người ta nói đến cái giọng ấm nhẹ, khi trầm khi bổng, khi sắc khi thanh, và chẳng ai phủ nhận người Hà Nội nói chuyện rất hay và “điêu luyện”. Cái “điêu luyện” ấy như thuộc về bản chất của người Hà Nội mà chỉ người Hà Nội mới có được. Nếu nói là người Việt Nam nói như hát, thì đúng ra chỉ có người Hà Nội là “nói như hát” mà thôi, họa chăng chỉ có giọng Huế của người con gái Huế trầm tư mới cùng
được ví von thế…
Người Sài Gòn thì khác, giọng Sài Gòn cũng khác. Không ngọt ngào …mía lùi như một số người dân Tây Nam Bộ ven vùng sông nước mênh mang chín rồng phù sa, không nặng nề cục mịch như người miền Đông Nam Bộ nóng cháy da thịt, giọng người Sài Gòn cũng ngọt, nhưng là cái ngọt thanh hơn, nhẹ hơn. Đó là chất giọng “thành thị” đầy kiêu hãnh của người Sài Gòn, chẳng lẫn vào đâu được mà dù người khác có bắt chước cũng khó lòng. Dường như qua nhiều năm cùng với đất Gia Định – Sài Gòn phù hoa trong nhịp sống, trong đổi mới và phát triển, thì giọng nói của người Sài Gòn cũng trở nên “cao sang” hơn. Dù vậy, có cái “thanh” của một vùng đất một thời là thủ phủ Nam Bộ, nhưng cũng chẳng mất đi đâu cái mộc mạc không bỏ được của cái gốc chung Nam Bộ.
Giọng người Sài Gòn nói lên nghe là biết liền. Ngồi nghe hai người Sài Gòn nói chuyện cùng nhau ở một quán nước, bên đường hay qua điện thoại, dễ dàng nhận ra họ. Cái giọng không cao như người Hà Nội, không nặng như người Trung, mà cứ ngang ngang sang sảng riêng…Mà điều đặc biệt trong cách người Sài Gòn nói chuyện cùng nhau là mấy từ “nghen, hen, hén” ở cuối câu... Người miền khác có khoái, có yêu người Sài Gòn thì cũng vì cách dùng từ “nghen, hen” này.
Khách đến nhà chơi, chủ nhà tiếp. Khách về, cười rồi buông một câu “Thôi, tôi dìa nghen!” - Chủ nhà cũng cười “Ừ, dzậy anh dìa hen!”. Nói chuyện điện thoại đã đời, để kết câu chuyện và cúp máy, một người nói “Hổng còn gì nữa, dzậy thôi hen!” “thôi” ở đây nghĩa là dừng lại, kết thúc, chấm dứt gì đó. Hai đứa bạn nói chuyện cùng nhau, bắt gặp cái gì vui, quay đầu sang đứa kế bên “Hay hén mậy?” bằng giọng điệu thoải mái…
Giọng người Sài Gòn đôi khi diễn đạt cùng một câu nói, nhưng lại bằng nhiều cung bậc giọng điệu khác nhau lại mang ý nghĩa khác nhau. Đám nhỏ quậy, nghịch phá, người chị mắng, giọng hơi gằn lại và từng tiếng một, có chút hóm hỉnh trong đó “Dzui dzữ hen!”. Đám bạn cùng tuổi, ngồi chơi chung, cười đùa, một người nói giọng cao cao vui vẻ “Dzui dzữ hen!”… Người Sài Gòn có thói quen hay “đãi” giọng ở chữ cuối làm câu nói mang một sắc thái khác khi hờn giận, khi đùa vui như “Hay dzữuuu”, “Giỏi dzữưưu…!”
Nghe người Sài Gòn nói chuyện, trong cách nói, bắt gặp “Thôi à nghen” “Thôi à!” khá nhiều, như một thói quen và cái “duyên” trong giọng Sài Gòn.
Người Sài Gòn nói chuyện, không phát âm được một số chữ, và hay làm người nghe lẫn lộn giữa âm “d,v,gi” cũng như người Hà Nội phát âm lẫn các từ có phụ âm đầu “r” vậy.
Nói thì đúng là sai, nhưng viết và hiểu thì chẳng sai đâu, đó là giọng Sài Gòn mà, nghe là biết liền. Mà cũng chẳng biết có phải là do thật sự người Sài Gòn không phát âm được những chữ ấy không nữa, hay là do cách nói lẫn từ “d,v,gi” ấy là do quen miệng, thuận miệng và hợp với chất giọng Sài Gòn.. Ví như nói “Đi chơi dzui dzẻ hen mậy!” thì người Sài Gòn nói nó… thuận miệng và tự nhiên hơn nhiều so với nói “Đi chơi vui vẻ hen!”. Nói là “vui vẻ” vẫn được đấy chứ nhưng cảm giác nó ngường ngượng miệng làm sao đó. Nghe một người Sài Gòn phát âm những chữ có phụ âm "v" như "về, vui, vườn, võng" nó cảm giác sao sao á, không đúng là giọng Sài Gòn chút nào...

Nhìn lại một quãng thời gian hơn 300 năm hình thành và phát triển của Sài Gòn từ Phiên Trấn, Gia Định Trấn, Gia Định Thành, Phiên An, Gia Định Tỉnh…cho đến Sài Gòn, dân Sài Gòn đã là một tập hợp nhiều dân tộc sinh sống như Việt, Hoa, Kh’mer…Các sử sách xưa chép lại, khi người Việt bắt đầu đến Đồng Nai – Gia Định thì người Kh’mer đã sinh sống ở đây khá đông, rồi tiếp đó là người Hoa, và một số người tộc láng giềng như Malaysia, Indonesia (Java) cũng có mặt. Sự hợp tụ này dẫn đến nhiều sự giao thoa về mặt văn hóa, làm ăn, cũng như những mặt khác của đời sống, trong đó dĩ nhiên phải nói đến ngôn ngữ.
Tiếng nói của người Sài Gòn không chỉ thuần là tiếng Việt, mà còn là sự học hỏi, vay mượn nhiều từ ngữ của dân tộc bạn, đâm ra mang nhiều “hình ảnh” và “màu sắc” hơn. Những từ như “lì xì, thèo lèo, xí mụi, cũ xì…” là mượn, những từ như “xà quầng, mình ên…” là của người Kh’mer. Nói riết đâm quen, dần dần những từ ngữ đó, những tiếng nói đó được người dân Sài Gòn sử dụng một cách tự nhiên như của mình, điều đó chẳng có gì lạ…Thêm vào đó, nó được sửa đổi nhiều cho phù hợp với giọng Sài Gòn, thành ra có những nét đặc trưng riêng.
Vậy nói cho cùng thì người Sài Gòn cũng có những tiếng gọi là “tiếng địa phương” (local dialect !?). Những tiếng này thể hiện rõ nhất khi người Sài Gòn nói chuyện cùng người miền khác. Nghe một người Sài Gòn nói chuyện cùng một người khác vùng, dễ dàng nhận ra những khác biệt trong lời ăn tiếng nói giữa hai người, hai miền. Có một số từ người Sài Gòn nói, người miền khác nghe rồi…cười vì chưa đoán ra được ý. Cũng như khi nghe người Huế dùng một số từ lạ lạ như “o, mô, ni, chừ, răng…” trong khi nói chuyện vậy thôi. Khác là mấy tiếng người Sài Gòn nói, vẫn có chút gì đó nó…vui vui tai, là lạ, ngồ ngộ làm sao.
Người Sài Gòn nói riêng và miền Nam nói chung, có thói quen dùng từ "dạ" khi nói chuyện, khác với người miền Bắc lại dùng từ "vâng". Để ý sẽ thấy ít có người Sài Gòn nào nói từ "vâng". Khi có ai gọi, một người Sài Gòn nói "vâng!" là trong dáng dấp của câu nói đó có giọng đùa, cười cợt.. Khi nói chuyện với người lớn hơn mình, người dưới thường đệm từ "dạ" vào mỗi câu nói. "Mày ăn cơm chưa con ? - Dạ, chưa!"; "Mới dìa/dzề hả nhóc? - Dạ, con mới!"… Cái tiếng "dạ" đó, không biết sao trong cảm giác nghe của một người Sài Gòn với một người Sài Gòn thấy nó "thương" lạ...dễ chịu mà gần gũi, nhẹ nhàng mà tình cảm lắm lắm. Cảm giác nó thật riêng so với những nơi khác. Nghe một tiếng "dạ" là biết ngay tên này là dân miền Nam cái đã rồi hẳn hay...
Một người miền khác, có thể là Bắc hoặc Trung, diễn tả một khoảng thời gian ngắn vài ngày thì nói “Từ bữa đó đến bữa nay”, còn người Sài Gòn thì nói “Hổm nay”, “dạo này”…người khác nghe sẽ không hiểu, vì nói chi mà ngắn gọn ghê. (Lại phát hiện thêm một điều là người Sài Gòn hay dùng từ “ghê” phía sau câu nói để diễn tả một sắc thái tình cảm riêng. Tiếng “ghê” đó chẳng hàm ý gì nhiều, nó mang ý nghĩa là “nhiều”, là “lắm”. Nói “Nhỏ đó xinh ghê!” nghĩa là khen cô bé đó xinh lắm vậy.)
Lại so sánh từ “hổm nay” với “hổm rày” hay nghe ở các vùng quê Nam Bộ, cũng một ý nghĩa như nhau, nhưng lại không hoàn toàn giống nhau. Nghe người Sài Gòn dùng một số từ “hổm rày, miết…” là người Sài Gòn bắt chước người miền sông nước vậy. Nhưng nghe vẫn không trái tai, không cảm thấy gượng, vì trong người Sài Gòn vẫn còn cái chất Nam Bộ chung mà.
Nghe một đứa con trai Sài Gòn nói về đứa bạn gái nào đó của mình xem…”Nhỏ đó xinh lắm!”, “Nhỏ đó ngoan!”…Tiếng “nhỏ” mang ý nghĩa như tiếng “cái” của người Hà Nội. Người Sài Gòn gọi “nhỏ Thuý, nhỏ Lý, nhỏ Uyên” thì cũng như “cái Thuý, cái Uyên, cái Lý” của người Hà Nội thôi.
Nói một ai đó chậm chạp, người Sài Gòn kêu “Thằng đó làm gì mà cứ cà rề cà rề…nhìn phát bực!” Nghe cứ như là đùa, chẳng làm câu nói nặng nề lắm. Một người lớn hơn gọi “Ê, nhóc lại nói nghe!” hay gọi người bán hàng rong “Ê, cho chén chè nhiều nhiều tiền ít coi!”… “Ê” là tiếng Sài Gòn đó, coi gọi trổng không vậy mà chẳng có ý gì đâu, có thể nói đó là thói quen trong cách nói của người Sài Gòn. Mà người Sài Gòn cũng lạ, mua hàng gì đó, thường “quên” mất từ “bán”, chỉ nói là “cho chén chè, cho tô phở”… “cho” ở đây là mua đó nghen.
Nghe người Sài Gòn nói chuyện với nhau, thường bắt gặp thế này “Lấy cái tay ra coi!” “Ngon làm thử coi!” “Cho miếng coi!” “Nói nghe coi!”… “Làm thử” thì còn “coi” được, chứ “nói” thì làm sao mà “coi” cho được nè ? Vậy mà người Sài Gòn lại nói, từ “coi” cũng chỉ như là một từ đệm, dân Sài Gòn nói dzậy mà. Ngồi mà nghe người Sài Gòn nói chuyện cùng nhau thì quái lắm, lạ lắm, không ít người sẽ hỏi “mấy từ đó nghĩa là gì dzậy ta ?” – Mà “dzậy ta” cũng là một thứ “tiếng địa phương” của người Sài Gòn à. Người Sài Gòn có thói quen hay nói “Sao kỳ dzậy ta?” “Sao rồi ta?” “Được hông ta?”…Nghe như là hỏi chính mình vậy đó, mà…hổng phải dzậy đâu nghen, kiểu như là nửa hỏi người, nửa đùa đùa vậy mà.
Tiếng Sài Gòn là thế đó, nếu bạn giả giọng Sài Gòn nói chuyện, dù có giống cách mấy mà bỏ quên mấy tiếng đệm, mấy tiếng Sài Gòn riêng riêng này thì đúng là… “bạn hông biết gì hết chơn hết chọi!”
Mà giọng Sài Gòn đã thế, cách người Sài Gòn xưng hô, gọi nhau cũng có phần mang “màu sắc” riêng.
Người Sài Gòn có cái kiểu gọi “Mày” xưng “Tao” rất “ngọt”. Một vài lần gặp nhau,nói chuyện ý hợp tâm đầu một cái là người Saigon mày tao liền. Nếu đúng là dân Sài Gòn, hiểu người Sài Gòn, yêu người Sài Gòn sẽ thấy cách xưng hô ấy chẳng những không có gì là thô mà còn rất ư là thân thiện và gần gũi.
Mày-tao là kiểu xưng hô hay thấy trong mối quan hệ bạn bè của người Sài Gòn.. Cách xưng-hô này thấy dàn trải từ đủ các mối quan hệ bạn bè; từ bạn học giữa mấy đứa nhóc chút xíu, cho đến mấy bác mấy anh lớn lớn tuổi. Hổng biết cái máu dân Sài Gòn nó chảy mạnh quá hay sao mà thấy mấy cách gọi này nó...tự nhiên và dễ nói hơn là mấy từ như "cậu cậu - tớ tớ" của miền Bắc. Nói chuyện bạn bè với nhau, thân thiết mà gọi mấy tiếng mày mày tao tao thì nghe thật sướng, thật thoải mái tự nhiên, và khoai khoái làm sao ấy. Gọi thế thì mới thiệt là dân Sài Gòn.
Đấy là ngang hàng, ngang vai vế mà gọi nhau, chứ còn như đám nho nhỏ mà gặp người lớn tuổi hơn, đáng bậc cha, chú thì khác. Khi ấy “tụi nhỏ” sẽ gọi là chú, thím, cô, dì, hay bác và xưng “con” ngọt xớt. Có vẻ như người Sài Gòn "ưa" tiếng chú, thím, dì, cô hơn; cũng như đa phần dân miền Nam khác vậy mà. Mà có lẽ cách gọi này cũng còn tuỳ vào việc ước lượng tuổi của người đối diện. Gặp một người phụ nữ mà mình nhắm chừng tuổi nhỏ hơn mẹ mình ở nhà thì "Dì ơi dì...cho con hỏi chút...!" - còn lớn hơn thì dĩ nhiên là "Bác ơi bác..." rồi.
Những tiếng mợ, thím, cậu,... cũng tùy vào vai vế và người đối diện mà gọi. Có người chẳng bà con thân thuộc gì, nhưng là bạn của ba mình, lại nhỏ tuổi hơn, thế là gọi là chú và vợ của chú đó cứ thế gọi luôn là thím. Gọi thì gọi thế, còn xưng thì xưng “con” chứ không phải “cháu cháu” như một số vùng khác. Cái tiếng “con” cất lên nó tạo cho người nghe cảm giác khoảng cách giữa mình với đứa nhỏ đang nói kia tự dưng… gần xịt lại. Nghe sao mà quen thuộc, và gần gũi đến lạ lùng. Tự dưng là thấy có cảm tình liền.
Nói tiếp chuyện xưng-hô, người Sài Gòn có kiểu gọi thế này :
Ông đó = ổng
Bà đó = bả
Anh đó = ảnh
Chị đó = chỉ

Không hiểu sao mà dấu hỏi tự nhiên cái trở nên giữ vai trò quan trọng... ngộ nghĩnh vậy nữa. Nhưng mà kêu lên nghe hay hay đúng hông? Gọi vậy mới đúng là chất Nam Bộ - Sài Gòn á nghen.
Người Sài Gòn cũng có thói quen gọi các người trong họ theo... số. Như anh Hai, chị Ba, thím Tư, cô Chín, dượng Bảy, mợ Năm...Mà nếu anh chị em họ hàng đông đông, sợ gọi cùng là chị Hai, anh Ba mà hổng biết nói về ai thì dzậy nè, thêm tên người đó vào. Thành ra có cách gọi : chị Hai Lý, chị Hai Uyên, anh Ba Long, anh Ba Hùng...
Thêm nữa, nếu mà anh chị em cùng nhà thì tiếng "anh-chị-em" đôi khi được...giản lược mất luôn, trở thành "Hai ơi Hai, em nói nghe nè..." và "Gì dzạ Út ?"...Tôi thích cách gọi này, đâm ra ở nhà gọi Dì Út tôi chỉ là một tiếng Út gọn lỏn. Có chuyện nhờ là cứ "Út ơi...con nhờ chút!" hoặc với mấy chị tôi thì "Hai ơi Hai...em nói nghe nè!".
Cách gọi này của người Sài Gòn nhiều khi làm người miền khác nghe hơi...rối. Có lần, kể cho người bạn ở Hà Nội nghe về mấy người anh chị trong gia đình. Ngồi kể lể "anh Hai, chị Hai, dì Hai, Út, cậu Hai, mợ Hai, chú Ba..." một hồi cái bị kêu là hổng hiểu, xưng hô gì rối rắm quá chừng, làm phải ngồi giải thích lại suốt một hồi...lâu..
Cách xưng hô của người Sài Gòn là vậy. Nghe là thấy đặc biệt của cả một mảnh đất miền Nam sông nước.
Cứ thế, không sang trọng, điệu đà như giọng người dân đất Bắc, cũng chẳng trầm lắng, thanh thanh như tiếng Huế Thần Kinh, cái giọng Sài Gòn đi vào tai, vào lòng, vào cách cảm, và nỗi nhớ nhung của người Sài Gòn lẫn dân miền khác bằng sự ngọt ngào, bằng cái chân chất thật thà của truyền thống xa xưa, và bằng cả cái “chất Sài Gòn” chảy mạnh trong từng mạch máu người dân Sài Gòn. Đi đâu, xa xa Sài Gòn, bỗng dưng nghe một tiếng “Dạ!” cùng những tiếng “hen, nghen” lại thấy đất Sài Gòn như đang hiện ra trước mắt với những nhớ thương…

(Sưu tầm )

P.S: Dạ, tui là người miền Nam chân chất (chân đất ! ) thấy sao nói dzậy . Đọc bài này thấy thấm thấm nên tủm tỉm cười khóai chí bèn đem ra mời các bạn vô đọc chơi nghen . Ai đọc rồi thì ..đọc lại cũng không sao hén Smile

sửa lỗi chánh tả
cám ơn chôm chôm
linhvang
#3 Posted : Thursday, February 4, 2010 10:49:51 AM(UTC)
linhvang

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 4,933
Points: 1,248
Woman
Location: University Place, Washington State, USA

Thanks: 23 times
Was thanked: 45 time(s) in 43 post(s)
quote:
Gởi bởi Ba Tê


P.S: Dạ, tui là người miền Nam chân chất ( chân đất ! ) thấy sao nói dzậy . Đọc bài này thấy thấm thấm nên tũm tĩm cười khóai chí bèn đem ra mời các bạn vô đọc chơi nghen . Ai đọc rồi thì ..đọc lại cũng không sao hén Smile


Không hiểu sao mà lâu nay LV cứ nghĩ chị là dân Trưng Vương, là người Bắc. Có lẽ vì chị là bạn của chị BH chăng?
Ba Tê
#4 Posted : Thursday, February 4, 2010 3:27:09 PM(UTC)
Ba Tê

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 2,175
Points: 423
Woman
Location: San Diego

Thanks: 15 times
Was thanked: 23 time(s) in 23 post(s)
LV , bạn đồng môn không có nghĩa là đồng hương!
Hi hi , vì là Nam kỳ nên chị viết sai dấu hỏi ngã tá lả luôn á Big Smile
Phượng Các
#5 Posted : Monday, March 18, 2019 11:53:48 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Chữ nghĩa bây giờ



Trần C. Trí



Từ lâu nay ở hải ngoại đã có không biết bao nhiêu là bài viết nói về cách dùng chữ (chứ không phải “từ”!) ở Việt Nam. Bài này có nhan đề là “Chữ nghĩa bây giờ” bởi vì những từ ngữ “lạ” hay cách nói năng bừa bãi hiện nay không những chỉ ở trong nước mà còn lan tràn qua hải ngoại, len lỏi đến tận những ngõ ngách trong cộng đồng người Việt của chúng ta đến mức báo động.


Trong nước, người ta lúc nào cũng hô hào “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt,” nhưng thực tế lại là một sự trái ngược hết sức mỉa mai. Trước hết, tiếng Việt làm sao trong sáng cho được khi khuynh hướng lai căng càng ngày càng được thấy rõ trong cách dùng chữ của nhiều người. Từ những chữ sặc mùi Trung Cộng như “tham quan, đăng ký, đại sứ quán, hộ chiếu, giao lưu” đến những câu có chữ Tây chữ u chen vào như “thằng con tuổi teen của tôi,” “Cô ca sĩ muốn làm PR,” hay “Anh nhớ inbox em,” “Cô ấy đi làm ô-sin,” vân vân và vân vân.


Ngôn ngữ Việt trong nước ngày nay bỗng nghe sao vô cùng ngớ ngẩn và kệch cỡm. Ở hải ngoại, sống trong môi trường tiếp xúc trực tiếp với tiếng Anh hay tiếng Pháp, cố nhiên những người tị nạn như chúng ta cũng nói tiếng Việt có pha chữ nước ngoài, nhưng chỉ là vì bị “nhập tâm” một cách chẳng đặng đừng những từ ngữ dùng hay nghe hằng ngày khi sinh hoạt hay làm việc với người bản xứ, chứ không phải để làm dáng thời thượng như người ở trong nước.


Nét lai căng của tiếng Việt cũng được biểu hiện qua cách dịch trực tiếp các từ ngữ hay thành ngữ của tiếng Anh chẳng hạn. Ví dụ như “as soon as possible” thì trở thành “sớm nhất có thể,” “mission impossible” là “nhiệm vụ bất khả thi” (vừa lai Tây vừa lai Tàu!), “a chance of rain” thành “khả năng mưa,” hay “going to an event” là “đi sự kiện”!


Nghe hay đọc những câu đại loại như thế, ta có cảm tưởng như tiếng Việt ngày nay không còn nghe “mùi Việt” nữa.


Hay khuynh hướng “lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia.” Tiếng nọ xọ tiếng kia, nghe nửa nạc nửa mỡ vô cùng khó chịu. Xin mời xem Hán-Việt giao duyên: siêu sạch, siêu sao, tái mở rộng, hay Việt-Hán-Việt giao duyên như lò vi sóng (microwave oven!); Anh-Việt giao duyên: lướt phây (xem Facebook), còm sĩ (comment + sĩ); thậm chí Hán-Việt-Pháp cũng vui vẻ giao duyên nốt: siêu xuyệt (siêu + sur, để chỉ những căn nhà có địa chỉ chồng chéo lên nhiều tầng!). Đành rằng trong thứ tiếng nào cũng có thể có hiện tượng ráp từ ngữ từ nhiều gốc khác nhau, ví dụ như tiếng Anh “superman” là do “super” (La-tinh) và “man” (Germanic) ráp lại, hay “uber-rich” là do “uber” (tiếng Đức) và “rich” (Anh/Germanic) nói như tiếng lóng. Tuy nhiên, những hiện tượng ráp nối đó trong tiếng Anh hay nhiều thứ tiếng khác chỉ có tính cách chừng mực chứ không quá đáng như trong tiếng Việt bây giờ.


Mặt khác, câu cú của tiếng Việt ngày nay đang bị khủng hoảng nặng nề. Trật tự trong câu bị đảo lộn chẳng hạn. Trong cú pháp tiếng Việt, khi dùng chữ Hán-Việt thì thường hình dung từ đứng trước danh từ (yếu điểm, địa danh, túc từ), còn khi dùng chữ thuần Việt, hình dung từ đứng sau danh từ (nhà cao, cửa rộng, đất lành). Ấy vậy mà lâu nay báo chí trong nước (rồi từ từ lan ra báo chí hải ngoại) rất sính dùng cách đảo ngữ trong các tiêu đề, cho hình dung từ đứng trước danh từ, ý hẳn để làm cho tiêu đề hấp dẫn, cho “kêu,” gợi tò mò cho người đọc. Chẳng hạn như “Cơ cực những mảnh đời trên sông nước,” “kinh dị ngôi làng có ma,” hay “Xinh tươi vườn hoa ngày Tết.” Rằng kêu thì thật là kêu, nghe qua vui ít buồn nhiều ai ơi!


Đảo ngữ còn xảy ra với một số danh từ ghép hay nhóm chữ như “bảo đảm” / “đảm bảo,” “khai triển” / “triển khai,” “đoàn kết” / “kết đoàn,” “dược thảo” / “thảo dược,” “luật sư đoàn” / “đoàn luật sư,” “trưng cầu dân ý” / “trưng cầu ý dân,” vân vân và vân vân. Tình trạng ăn xuôi nói ngược này mà còn tiếp tục, chẳng bao lâu cộng đồng thế giới sẽ ghi nhận nước Nam Việt Nghĩa Chủ Hội Xã Hòa Cộng, phải không quý vị?


Nhiều tiêu đề của bài báo lại dùng một tính từ, động từ hay trạng từ nói về một tình trạng đứng phía sau trong câu, nhưng lại không có chữ gì để nối hai thành phần đó lại. Ví dụ như “cười té ghế (?) những kiểu áo cách tân,” “cay đắng (?) cô dâu Việt bị chồng Hàn đối xử tệ bạc,” hay “ngỡ ngàng (?) Việt kiều bị người thân ở Việt Nam lường gạt.” Độc giả ngày nay khi đọc những loại câu như thế ắt hẳn phải tập thói quen “đọc ít, hiểu nhiều,” hay nói theo kiểu Mỹ là “reading between the lines” (thậm chí “between the words”!).


Một hiện tượng phản cú pháp khác là bỏ bớt chữ trong một số nhóm chữ (chứ không phải “cụm từ”!). Trước hết, xin ghi nhận là trong tiếng Việt có rất nhiều trường hợp “bỏ chữ,” như một số giới từ được bỏ đi theo thói quen và đã trở thành “đúng.” Ví dụ như thay vì nói “đi đến phi trường,” chúng ta chỉ nói “đi phi trường,” hay “ba của tôi” có thể nói là “ba tôi.” Dạo sau này, trên báo chí trong nước xuất hiện cách nói như sau “những điều cần biết sau sinh” (thay vì “sau khi sinh”), hay “đường phố ngập nặng sau mưa” (thay vì “sau khi trời mưa” hay “sau cơn mưa”). Nói theo kiểu này thì chúng ta cũng có thể nói thêm những chuyện khác như “đi ngủ sau ăn,” “nghỉ ngơi sau làm việc,” “bật cười sau khóc”!


Hiện tượng bỏ chữ còn được ghi nhận qua những danh từ ghép thành lập bằng một danh từ cộng với một động từ. Ví dụ như “người lái xe” hay “người quay phim” thì chỉ còn là “lái xe” và “quay phim.” Chúng ta có thể nghe câu “Ngày mai tôi cần một lái xe và hai quay phim” trong ý nghĩa đó. Nói kiểu như vậy thì câu sau đây có thể có hai nghĩa: “Tôi thích lái xe lắm!”Một là “I like driving very much,” hai là “I like the driver very much.” Chẳng biết đằng nào mà lần! Nhân đây, xin được phép đố quý vị độc giả, “Bảo vệ đi mua điều hòa” là gì? Giải đáp (chứ không phải là “đáp án”!): The bodyguard went to buy an air conditioner!

Một khuynh hướng nữa tạm gọi là “khuynh hướng lập dị.” Nói một cách tóm tắt, chữ Việt truyền thống thường bị thay thế bằng chữ khác, cho nó khác đi vậy thôi! Hễ chữ Hán thì bị thế bằng chữ Việt (máy bay trực thăng / máy bay lên thẳng, đồng bào thiểu số / dân tộc ít người); (có khi thay mà thay không hết như “thủy quân lục chiến” thành “lính thủy đánh bộ,” mà tại sao lại không là “lính nước đánh đất”?). Chữ Việt thì bị thay thế bằng chữ Hán (người giữ trẻ/ bảo mẫu, ở lại lớp / lưu ban, trục trặc/ sự cố). Chữ Hán-Việt này thì bị thay thế bằng chữ Hán Việt khác (độc thân / đơn thân, đối thoại / đài từ (trên phim ảnh), thông hành / hộ chiếu, nhân đạo / nhân văn); hay chữ Việt này cũng bị thay thế bằng chữ Việt khác (màn ảnh / màn hình, xe gắn máy / xe tay ga (“ga” là tiếng tây!)).

Các ông cộng sản không biết học hành tới đâu, nhưng tài chơi chữ của các ông thì phải nói là tuyệt! Một đảng viên phản bội, các ông bảo là “tự diễn biến.” Các ông cảm thấy có một thay đổi gì không có lợi cho đảng của các ông mà không thấy rõ kẻ địch nơi đâu, các ông bèn gọi đó là “diễn biến hòa bình.” Các ông muốn núp dưới cái nhãn hiệu cộng sản đã giúp các ông leo lên tới tột đỉnh quyền lực, nhưng cũng muốn tập tễnh làm ăn buôn bán theo kiểu “tư bản giẫy chết” để bỏ đô-la xanh lét vào cái túi đỏ lè của các ông, bèn đẻ ra cái quái thai “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.”


Các ông dặn lũ tay chân của các ông đi sang các nước tư bản để tha phương cầu thực, nhưng lại không muốn chúng tha hoá, lâu ngày quên mất đảng, nên các ông luôn luôn dặn dò chúng “hòa nhập chứ không hòa tan.” Thành phố mang tên “bác” dạo này bị kẹt xe khủng khiếp, nhìn từ trên xuống thấy lúc nhúc những người và xe, thấy thương dân mình phận long đong. Nhưng không, lãnh đạo thành phố quả quyết rằng đó chỉ là “ùn ứ chứ không ùn tắc!” Thật là “Fini leau dire!” Nếu chơi chữ như vậy thì chắc chúng ta ở hải ngoại cũng có thể chơi chữ được. Có lần trong lớp tiếng Việt, tôi đố các em sinh viên của tôi: “Các em có thể kể tên vài cái hồ nổi tiếng ở Việt Nam không?” Sinh viên của tôi, em thì biết hồ này, em thì biết hồ khác, thi nhau kể “hồ Xuân Hương, hồ Ba Bể, hồ Hoàn Kiếm.” Tôi cười bảo các em, “Còn một cái hồ nữa, to lắm mà mấy em không nhớ. Ở Sài Gòn, sau một cơn mưa lớn, cả thành phố chìm trong nước. Đó là hồ Chí Minh!.”


Chuyện chữ nghĩa tiếng Việt bây giờ, dễ cần đến nhiều pho sách mới tạm nói đủ, huống chi một bài báo cưỡi ngựa xem hoa như thế này. Nói cho cùng, ngôn ngữ nào cũng thay đổi theo thời gian và thời cuộc, ngôn ngữ nào cũng đầy tính sáng tạo, nhưng sự thay đổi, sự sáng tạo chỉ nên có tính chừng mực. Như người Pháp có nói “Tout excès est mauvais,” sự cực đoan nào cũng không hay ho gì cả. Sự “phát triển” ngôn ngữ bừa bãi và quá đáng ở Việt Nam chính là phản ảnh của một xã hội bị xáo trộn về chính trị, kinh tế, đạo đức và giáo dục. Khi nào đất nước thật sự thanh bình, dân chủ và được khai phóng đúng mức, tự nhiên lúc ấy tiếng Việt cũng sẽ trở nên trong sáng, hay đẹp và thâm thúy như nó đã từng như thế từ ngàn năm trước.





Trần C. Trí
viethoaiphuong
#6 Posted : Monday, May 27, 2019 1:50:56 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,291
Points: 11,028

Thanks: 758 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

Khảo sát: Tiếng Việt quyến rũ thứ nhì châu Á

VOA - 01/05/2019
Phát âm tiếng Việt được xếp hạng quyến rũ thứ nhì châu Á và thứ 25 trên toàn thế giới, theo một khảo sát vừa được trang web du lịch quốc tế Big 7 Travel công bố.

“Tiếng Việt là một ngôn ngữ có trọng âm, vì vậy giọng nói lúc trầm lúc bổng”, theo mô tả của Big 7 Travel.

Cuộc thăm dò đã được trang du lịch quốc tế thực hiện trên 1,5 triệu độc giả của họ từ khắp nơi trên thế giới.

Kết quả là giọng Kiwi của New Zealand được bình chọn quyến rũ nhất thế giới, kế đó là giọng Nam Phi, giọng Ireland, giọng Ý và giọng Úc.

Giọng Pháp xếp thứ 7, trong khi giọng miền Nam nước Mỹ xếp thứ 9 và giọng chuẩn Anh xếp thứ 12.

Riêng trong khu vực châu Á, quyến rũ nhất là giọng Philippines (xếp thứ 21 trên toàn thế giới), kế đó là Việt Nam (25), Ấn Độ (26), Malaysia (39), Nhật (42), Trung Quốc (43), Pakistan (47) và Thái (48).

Big 7 Travel là một trang web du lịch quốc tế với nội dung tập trung giới thiệu về du lịch, ẩm thực và khách sạn dành cho những người sử dụng điện thoại di động trên toàn thế giới.

Users browsing this topic
Guest (4)
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.