Rank: Advanced Member
Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC) Posts: 9,291 Points: 11,028
Thanks: 758 times Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)
|
Chương thứ hai
VĂN HỌC BÌNH DÂN
TIẾT HAI: TRUYỆN CỔ TÍCH
Truyện cổ tức là truyện xưa được truyền tụng lại. Cũng như tiết trước đã đề cập tới nguyên lai của Văn học bình dân, Truyện cổ hầu hết đều là vô danh và dùng phương tiện ngôn ngữ để truyền thông.
Một nước nông nghiệp như xứ ta, đa số ân chúng làm ruộng cày sâu cuốc bẩm đầu tắt mặt tối trong thời gian làm mùa, ngoài ra thời gian còn lại cũng khá nhiều. Riêng ở trong Nam, nhất là miền Hậu giang, ruộng đất “cò bay thẳng cánh”, thời gian làm ruộng trong năm chỉ chừng hai tháng, người nông phu còn lại khoảng mười tháng, họ chỉ dùng một ít thời giờ để lo mưa to nắng hạn, rồi cũng còn một số thời gian dài họ cần phải có những cuộc vui chơi giải trí, những câu chuyện vui nho nhỏ, giúp cho những ngày dài bớt vô vị và quên bớt những nỗi lo âu.
Người xưa chắc cũng thế, những câu chuyện vui, dí dỏm hay những câu chuyện sáng tạo cốt để giải thích thiên nhiên, hay kể lại những chuyện có nội dung nêu cao đạo làm người của những nhân vật trong truyện, hay kể lại những truyện lạ ở nơi nào đó, rồi những câu truyện đại loại như thế được tuyền tụng, người ta thêm bớt đôi chút để cho nó được hợp tình hợp cảnh, nhờ thế mà nó truyền lại được đến nay luôn luôn có nội dung thích hợp cho cả người lớn và trẻ em, một số lớn Truyện cổ có mục đích nhằm giáo dục.
Mỗi một Truyện cổ có một sắc thái riêng biệt, có một mục đích rõ rệt, nhờ căn cứ vào nội dung chúng ta có thể chia Truyện cổ tích thành những loại sau đây :
1. Truyện thần tiên
2. Truyện truyền kỳ
3. Truyện phong tục – luân lý
4. Truyện khôi hài
5. Truyện thần thoại
6. Truyện liên quan đến hiện tượng thiên nhiên
7. Truyện loài vật
Sau đây là một số truyện cổ trích dẫn theo loại kể trên, những truyện này được truyền tụng ở miền Nam, nhưng chắc không phải hầu hết do người miền Nam sáng tác.
I- TRUYỆN THẦN TIÊN :
Truyện thần tiên là một loại Truyện cổ, kể những bà tiên, cô tiên đẹp cả dung nhan lẫn tánh nết, không chết, lúc biến, lúc hiện và do trí tưởng tượng người ta hình dung ra, loại này thích hợp với trí tưởng tượng của trẻ em.
THẰNG CUỘI NGỒI GỐC CÂY ĐA
Thuở xưa có một anh chàng tên là Cuội, làm nghề đốn củi trên rừng để đổi gạo. Một hôm đi sâu vào rừng đốn củi nó gặp một ổ cọp con, Cuội định bắt đem về nuôi, nhưng lúc ấy cọp mẹ đi kiếm mồi về, thằng Cuội bèn bẻ chân cọp con, để chúng nó khỏi trốn, rồi chàng ta lẩn đi nơi khác để tránh cọp mẹ.
Cọp mẹ về đến ổ, thấy con vừa bị què liền bỏ chạy vào rừng, một lúc lại về mang theo ở miệng một nhúm lá cây, nó nhai một chập rồi nhổ vào chỗ chân bị què của cọp con, lát sau cọp con lại cử động được.
Thằng Cuội lấy làm lạ và thán phục cọp có thứ thuốc quý, nó suy tính và định tâm, nên chờ cho cọp mẹ đi kiếm mồi, nó lại bẻ chân cọp con lần nữa rồi kiếm chổ ẩn nấp, chờ xem cọp mẹ đi tìm lá thuốc kia. Khi cọp mẹ trở về thấy cọp con bị gãy chân lần nữa, nó cũng đi tìm thuốc, trong lúc đó thằng Cuội dò theo, và thấy cọp mẹ đi đến cây đa nhai lá.
Khi đã biết cây đa kia là một thứ thuốc quý, Cuội chờ cho cọp mẹ đi về ổ, liền đến nhổ cây đa về trồng ở sau nhà.
Ít lâu sau cây đa đã tươi tốt, một hôm thằng Cuội thấy có một con chó chết trôi, nó liền vớt lên để thí nghiệm, khi xem lại thì con chó ấy mất hết lá gan, nó suy nghĩ chó không thể cứu sống nếu thiếu mất một bộ phận, nhưng bây giờ tìm đâu ra lá gan khác, cùng quá nó liền lấy đất nắn một lá gan rồi bỏ vào bụng chó, sau đó nó nhai lá đa đắp vào bụng chó, và nước thì nhổ vào miệng, một thời gian chó cử động được, rồi sống lại như thường.
Một thời gian sau đó, trong làng có người con gái con ông phú hộ bị bệnh dịch rồi chết, vì thương con nên ông đưa ra lời rao: “Ai mà cứu sống con tôi nếu là trai thì tôi gả nó cho để làm vợ, còn như những hạng người khác thì tôi đền ơn bằng bạc, vàng” Thằng Cuội nghe tin ấy, bèn đến xin cứu mạng cô gái. Nó cũng chỉ dùng lá đa, nhai nát nhổ vào miệng cô gái, rồi cô ta sống lại. Ông phú hộ tuy biết Cuội rất nghèo, nhưng giữ đúng lời gả con cho Cuội.
Hàng ngày, Cuội lo chăm sóc cây đa và dặn vợ đừng bao giờ làm ô quế chung quanh gốc đa, vì Cuội tin đó là cây đa thần, nếu bị ô uế nó sẽ mất linh. Nhưng tánh người ta hay tò mò, nên một hôm khi Cuội vào rừng, để đốn củi thì người vợ lại thử bằng cách đi tiểu gần nơi gốc cây đa, một chốc cây chuyển mình, lúc ấy Cuội mang củi về, thấy thế, lấy làm lo sợ bèn đến ôm gốc cây đa giữ lại, nhưng chẳng những nó không đứng yên, mà lần lần còn nhắc bổng bay lên, càng lúc cây đa càng bay cao, Cuội không dám buông ra, nên cứ ôm mãi, cho đến khi cây đa đến cung trăng của chị Hằng.
Ngày nay, cứ đến ngày rằm trăng tròn, trời trong chúng ta có thể thấy chú Cuội vẫn còn nắm giữ cây đa, và loài chó từ đó trở đi rất thính tai vì gan chúng là đất, nên trong đêm tối, mặc dù chẳng trông thấy, nhưng có ai đi ở gần, nó đều biết được và thỉnh thoảng gặp hình ảnh chú Cuội trên cung Hằng, chó lại sủa lên tiếng nghe ai oán như để gọi chú Cuội, người ân của nó, sao bỏ đi lâu quá chưa về.
II- TRUYỆN TRUYỀN KỲ :
Là những truyện kỳ lạ được truyền tụng lại.
ÔNG XÃ CỌP
Cách nay chừng một trăm năm, ở cù lao Năng gù (1) vẫn còn nhiều đế sậy âm u, trong làng có một bà mụ rất giỏi, mỗi lần có người đến rước đi sanh, bà ấy đánh tay có thể biết được người đàn bà có mang, ở nhà đã sanh hay chưa và sanh vào giờ nào, mọi người đàn bà dù có khó sanh đến đâu mà được bà ta sanh thì cũng trở nên dễ dàng, cho nên người ta đua nhau đến nhờ bà mỗi lần có việc sanh sản.
Một đêm kia đã khuya, bà mụ đi tiểu ngoài sau nhà, liền gặp ngay một chú cọp đang ngồi ở lối đi, như chực sẵn để đón bà. Bà ta rất sợ hãi, nhưng nghĩ mình chuyên làm phước không lẽ lại bị cọp vồ. Nghĩ vậy nên bà ta khấn nguyện :
- Tôi là người hiền lương, nếu Ngài cần chi tôi sẵn lòng giúp, xin đừng hại thân tôi.
Cọp như nghe được tiếng người, liền quì mọp xuống, tỏ vẻ cung kính như mời bà mụ lên lưng để cõng đi. Mặc dù sợ, nhưng bà cũng đánh liều leo lên lưng cọp. Cọp liền cõng bà mụ đi, cọp đi qua vài con rạch, len lõi trong những đám đế sậy chừng một khắc thì đến một gốc cây to. Bà mụ thấy ở đó có một con cọp khác đang hung hăng, chừng như đau đớn lắm, lúc ấy bà mới biết đó là cọp cái đang chuyển bụng chờ sinh, bà lại khấn:
- Nếu như Ngài muốn cho tôi sanh con Ngài êm ái, xin Ngài nằm yên đừng làm cho tôi sợ hãi, tôi sẽ hết lòng giúp Ngài.
Cọp cái lúc ấy lại nằm yên, rồi bà ta giúp cho cọp mẹ sanh con, xong xuôi cọp đực liền mọp xuống, bà mụ lúc này đã yên tâm, nên leo lên lưng cho cọp cõng về.
Lúc bà mụ bị cọp cõng đi, trong nhà không ai hay biết, cho đến lúc hay được thì ai nấy đều lo cho số phận của bà, vì người ta biết trong cù lao có cọp. Trong nhà đi tìm và báo tin cho hàng xóm hay, hàng xóm bèn cùng nhau đốt đuốc đi tìm, tìm mãi vẫn không thấy bà mụ, mà chỉ thấy vài dấu chân cọp ở sau nhà dẫn ra ngoài ruộng, họ đã đinh ninh là bà bị cọp vồ, nhưng đến khoảng canh tư thì bà mụ được cọp cõng về trả ở sau vườn nhà, bà đi vào nhà, rồi thuật lại chuyện được cọp cõng, đi sanh con cho bà con hàng xóm đang tụ tập ở nhà bà nghe, mọi người bán tín bán nghi, nhưng ai nấy cũng vui mừng vì bà vẫn được bình an.
Đến vài hôm sau, khi trời vừa hừng sáng, bà mụ dậy sớm ra sân thì thấy có một con heo đúng tạ ( 2 ) đã bị cọp vồ đem đặt ở giữa sân. Dân làng hay tin ấy, họ kéo đến xem heo và thấy dấu chân cọp họ tin là chuyện có thật, nhưng trong gia đình bà mụ còn sợ cọp vồ heo của người trong làng đem đến kiếng, nên có nhờ người đi dọ hỏi, kết quả trong làng không có ai bị mất heo, và về sau hỏi ra thì làng kế cận tức là bên kia sông cũng chẳng có ai bị mất heo.
Gia đình bà mụ sau khi làm heo ăn lại chừa cái thủ vĩ (đầu heo), tối đến bà mụ đem đầu heo ra sân, để trên mâm kiếng lại cho cọp, đêm đó cọp về tha đầu heo đi mất.
Từ đó, người ta tin tưởng cọp sống ở trong làng, nhưng không làm hại dân và gia súc, mà còn có nghĩa nên dân làng nhóm họp lại thảo luận, đi đến quyết định làm một tờ cử ( 3 ). Cử họp làm ông xã trưởng, mỗi năm cứ đến lệ cúng kỳ yên, ban Hội tề đều có dành kiếng cho ông xã cọp một cái đầu heo, và làm một tờ cử mới, năm nào cũng như năm nào sau đêm cúng, sáng ra người ta thấy có dấu chân cọp về tha đầu heo, lấy tờ cử mới và trả tờ cử cũ. Ai cũng lấy làm lạ, tờ cử cũ do cọp trả lại, không biết ông Xã cọp cất dấu ở đâu mà suốt năm mà tờ cử vẫn giữ được mới nguyên.
Mỗi năm dân cư mỗi đông thêm, ruộng đất được khai khẩn thêm, biến những đám lau sậy um tùm thành ruộng lúa xanh tươi, từ đó ông Xã cọp không còn nơi thâm u để ở, ông đã rời làng đi nơi nào không rõ, vì ông đã không còn nhận tờ cử mới và đầu heo nữa. Để tỏ lòng kính trọng ông, trong những ngôi miếu trước sân đình, về bên phải nhà Võ ca, dưới gốc cây thị to, có một ngôi miếu vẫn còn thờ phượng ông Xã cọp cho tới ngày nay.
III- CHUYỆN PHONG TỤC, LUÂN LÝ :
Là những chuyện nói đến sự tích liên quan tới phong tục hay ngụ ý luân lý.
BÁN THÂN LÀM CHA
Ngày xưa, có một ông phú hộ chỉ sanh được ba người con gái, lớn lên sau khi lập gia đình ba cô gái đều đi ở riêng. Ông phú hộ muốn chọn một cặp vợ chồng hiếu thảo, để đem về cho cai quản gia tài và phụng dưỡng vợ chồng ông lúc tuổi già.
Một hôm, ông phú hộ đến thăm nhà cô gái thứ hai, lúc ông đến chỉ có cô gái ở nhà, còn chàng rể đi gặt lúa ở ngoài đồng. Đến bữa cơm, cô con gái dọn cơm ra bộ ngựa ở giữa nhà, rồi lễ phép thưa với cha :
- Thưa cha, con đã dọn cơm xong, xin cha chờ đợi chồng con về rồi dùng cơm luôn cho vui, vì chồng con cũng sắp về tới rồi.
Nghe con gái thưa xong, ông phú hộ chẳng nói chẳng rằng, bèn lấy cây dù cập nách ra về trước sự ngạc nhiên của cô con gái. Về đến nhà ông kể lại cho vợ nghe và kết luận :
- Con hai thật là một đứa con bất hiếu, tôi là cha nó mà nó bắt tôi đợi chồng về rồi mới được ăn cơm. Như vậy nó coi chồng còn trọng hơn cha, tôi quyết sẽ từ nó.
Hôm sau, ông phú hộ lại dậy sớm đi đến nhà cô gái thứ ba, lúc ông vừa tới ngõ, cô ba đang rửa trôn cho con, nhìn thấy cha cô liền nói :
- May quá, cha đến nhằm lúc, thằng cháu này hư quá nó làm tùm lum, nhờ cha múc dùm cho con gáo nước, con rửa trôn cho cháu.
Nghe con nhờ, ông phú hộ đi lấy gáo múc nước đem đến cho con gái, rồi quay qua ra về. Về đến nhà ông lại nói với vợ :
- Con ba nó cũng tệ lắm, tôi đi đường xa mệt nhọc, vừa đến nhà nó chưa kịp nghỉ ngơi là nó đã nhờ tôi làm việc. Giá như ngày thường, không có tôi thì ai làm việc ấy, tôi cũng sẽ từ nó luôn.
Bà phú hộ nghe chồng có ý định từ hai đứa con, bà lấy làm buồn nhưng không biết phải can gián làm sao, vì tánh tình ông phú hộ rất khó, khi ông đã nói thì làm, mà hai người con gái thì đã lỡ dại.
Vài hôm sau, ông phú hộ lại đi thăm người con gái út, buổi sáng hôm ấy khi ông phú hộ đi được nữa đường đến nhà cô gái út thì bị trời mưa to, rồi mưa tiếp tục nhỏ hột, nên trên đường đi lầy lội vì bùn sình, khi đến nhà cô út, ông phú hộ chưa kịp bước chân vào nhà, cô út thấy chân cha dính bùn liền chạy ra hàng hiên nói :
- Thưa cha! Cha múc nước ngoài lu rửa chân cho sạch rồi hãy vào nhà.
Bao nhiêu hy vọng về sự hiếu thảo của đứa con gái út trong lòng ông đều tiêu tan, nỗi hờn giận lại đến nhiều hơn, ông phú hộ liền ra về trong cơn mưa, chớ không thèm đặt chân vào nhà cô út. Về đến nhà ông lại than thở với vợ :
- Tôi tưởng con út khá, nhưng nó còn tệ hơn hai đứa kia, nó coi cái nhà của nó còn trọng hơn tôi. Vậy từ nay, tôi cấm không cho ba đứa con bất hiếu đó về nhà, và tôi đi tìm một đứa con nuôi có lòng hiếu thảo, để phụng dưỡng bà và tôi lúc tuổi già sức yếu.
Thu xếp việc nhà cho vợ trông nom, vài hôm sau ông phú hộ giả dạng thành một người nghèo khó, với một chiếc xuồng nhỏ, một ít tiền bạc rồi bơi đi rao bán:
- Ai mua tôi về làm ông, làm cha hôn?
Ông bơi xuồng từ làng này qua làng kia, hôm nọ đến một ngôi chợ đang nhóm buổi sáng, cũng như mọi khi, ông lên bờ tìm một chỗ trải chiếu ngồi, rồi thỉnh thoảng rao bán chính mình, ai nghe qua cũng lấy làm lạ. Trong buổi chợ hôm đó, có một người đàn bà, khi đi chợ về, liền thuật lại cho chồng nghe chuyện nghịch đời kia. Nhưng anh chồng thì trái lại mừng rỡ bàn với vợ :
- Hai vợ chồng mình không có cha mẹ, trước kia bà cũng như tôi đều làm công cho ông chủ, ông chủ thương chúng ta siêng năng, nên dựng vợ gả chồng rồi cho thuê đất làm ăn. Bây giờ mình chưa có con, tôi vẫn thường nghĩ phải chi mình có cha mẹ như những gia đình khác để chúng ta báo hiếu, sau nữa con cái chúng ta sẽ có ông bà như vậy trong nhà thêm đầm ấm. Vậy chúng ta thử rước ông ấy về nhà, rồi thương lượng xem thế nào?
Người vợ nghe chồng nói phải, nên hai vợ chồng liền ra chợ mời ông phú hộ về nhà. Khi rước được ông phú hộ về nhà, hai vợ chồng anh nông phu không hề biết ông lão nghèo rách kia là người giàu có, nhưng hết lòng tôn kính mời ông phú hộ ngồi trên ván, hai vợ chồng đứng hầu chờ ông phú hộ uống xong chén nước trà, người chồng mới bắt đầu thưa chuyện :
- Thưa bác! Vợ chồng cháu không có cha mẹ, vì vậy hôm nay mời bác về đây để được làm con bác, thờ kính như cha mẹ, xin bác cho hai cháu được biết ý kiến?
Ông phú hộ ngẫm nghĩ rồi đáp :
- Thân tôi nay đã già, không còn làm gì nỗi, đến đổi phải bán thân làm cha, nếu như hai vợ chồng cháu bằng lòng thì trả cho tôi ba trăm lạng bạc.
Người chồng nhìn vợ ái ngại rồi tiếp lời :
- Vợ chồng cháu chỉ kiếm đủ ăn, được bác nhân lời là quý quá lắm, tiếc vì chúng cháu mới dành có 100 lạng thôi. Nếu bác bằng lòng xin nhận trước, trong vòng hai năm, vợ chồng cháu xin giao đủ số.
Ông phú hộ ngẫm nghĩ rồi đưa ra điều kiện :
- Tôi bằng long, nhưng vì hai cháu chưa đưa ra đủ số tiền, nên trong thời gian này, nếu hai vợ chồng cháu làm điều gì không phải đối với tôi, thì tôi xuống xuồng đi ngay và không trả lại 100 lạng bạc.
Hai vợ chồng anh nông phu vui mừng, liền giao ngay 100 lạng bạc, rồi cả hai vợ chồng lạy hai lạy, làm lễ tôn ông phú hộ làm cha.
Thắm thoát đến mùa cấy lúa, có một hôm phải trả công cho hàng xóm, nên hai vợ chồng đều phải đi cấy. Trước khi đi, người vợ anh nông phu nấu xong cơm và thức ăn, rồi thưa với ông phú hộ:
- Thưa cha! Hôm nay vợ chồng con phải trả công cấy, trưa không về sớm được, xin cha vui long chịu khó một hôm, con đã nấu thức ăn sẵn rồi, đến trưa cha chỉ hấp lại ăn đỡ một hôm.
Nói rồi hai vợ chồng ra đồng làm việc, đến buổi chiều về, người vợ thấy cha nuôi nằm trên võng, vẻ mặt buồn dào dào, chị ta sợ cha đói nên định vào bếp lo nấu nướng thức ăn, nhưng khi vào bếp xem kỹ lại mới biết là ông phú hộ chưa ăn buổi trưa, cả hai vợ chồng khi ấy mới biết là cha giận, nên cùng đến bên võng quì xuống xin lỗi. Ông phú hộ vẫn không nguôi cơn giận, nói với hai vợ chồng anh nông phu :
- Hai đứa bây rước tao về làm cha, bổn phận hai đứa bây phải dâng cơm vùa nước, cớ sao lại bỏ phế thân tao, cơm canh lạnh lẻo, tuổi già làm sao tao có thể sống lâu được. Tao không bằng lòng với hai đứa bây nữa, mai tao về.
Hai vợ chồng anh nông phu hết lòng xin lỗi, ông phú hộ vẫn không tha. Cuối cùng, anh chồng xin được bơi xuồng đưa ông phú hộ về nhà, ông ta bằng lòng.
Sáng hôm sau, anh nông phu đưa ông phú hộ đi sớm, chị vợ theo ra tận bờ sông khóc tiễn đưa. Đi được vài hôm, khi xuồng đi ngang qua một ngôi nhà ngói khang trang to lớn, ông phú hộ liền nói với anh nông phu :
- Đi đã mấy ngày nay, cha thấy trong người mệt mõi, nên thèm ăn cháo gà, vậy con ghé xuồng lại đây và lên nhà, coi có ai con nài mua một con gà và xin thêm hành, rau để nấu cháo cho cha ăn.
Anh nông phu nghe theo lời, lên bờ vào gặp bà chủ nhà, anh liền thuật chuyện có ông cha già, đi đường xa đã mấy hôm nay muốn ăn cháo gà, xin bà chủ nhà giúp bán cho con gà để anh ta nấu cháo. Bà chủ nhà thấy anh nông phu hiền lành chất phác, thêm có lòng hiếu thảo, có ý định mời khách lên nhà đãi ăn chớ không bán gà, nên bà liền theo anh nông phu xuống bến, nhưng xuống tới nơi thì bà ta nhận ra ngay người cha của anh nông phu chính là chồng bà, hai vợ chồng gặp nhau mừng rỡ. Anh nông phu bây giờ mới biết cha nuôi mình là người giàu có, nơi đây chính là nhà của ông ta, anh nghĩ bổn phận của anh đến đây là hết, nên xin phép ông phú hộ để đi về, nhưng ông phú hộ không cho.
Vài hôm sau, ông phú hộ cho làm bò, heo có mời đủ hàng xóm đến thiết tiệc linh đình. Trước mặt làng tổng, ông phú hộ làm tờ từ cả ba người con gái và nhận vợ chồng anh nông phu làm con, vì đã hết lòng phụng dưỡng, hiếu thảo đối với ông trong thời gian đã qua. Ông bà phú hộ giao cả gia tài cho vợ chồng anh nông phu.
Ít hôm sau nữa, anh nông phu theo lời dặn của cha nuôi, trở về nhà cũ, bán nhà lại cho hàng xóm. Rồi rước vợ về nhà ông phú hộ. Từ đó hai vợ chồng anh nông phu hết lòng phụng dưỡng, hiếu thảo.
Từ ngày bị ông phú hộ từ, ba cô con gái không được phép trở về nhà, chẳng những thế, trước khi chết ông còn trối lại, không cho ba người con gái để tang, vì ông cho họ là những đứa con bất hiếu.
Khi ông phú hộ chết, theo lời trăn trối ấy, thân quyến của ông phú hộ không cho ba cô gái vào nhà. Từ khi bị cha từ ba cô gái vẫn một lòng tôn kính, họ nghĩ chính vì họ làm lỗi nên âm thầm chịu đựng, nay đứng trước cảnh biệt ly làm cho họ càng thêm đau lòng và tủi than, vì khi ông phú hộ đau ốm họ không được phép tự tay làm những công việc bưng cơm, vùa nước, thuốc thang. Nên họ chỉ còn biết tụ tập ở ngoài sân than khóc thảm thiết.
Đứng trước hoàn cảnh khó xử ấy, làng tổng và họ hàng bàn tính, sau cùng bày cho họ một giải pháp, chờ khi quan tài khiêng ra khỏi nhà các cô con gái phải xỏa tóc để che khuất mặt và lăn ở dưới đường, làm như vậy để được trông thấy khi quan tài đi ngang qua.
Kể từ đó, để tỏ lòng hiếu thảo, mọi người đàn bà khi chịu tang phải làm theo các cô con gái con ông phú hộ và Ca dao cũng có câu nói về tục lệ này :
Trai trưởng nam le lưỡi rà hòm,
Gái tiểu nhi than khóc từ chòm cỏ may.
IV- TRUYỆN KHÔI HÀI :
Là truyện có mục đích vui cười, giải khuây.
ĐI LÀM RỂ
Có một anh chàng kia tánh tình khờ khạo, mồ côi cha mẹ, khi đến tuổi lập gia thất mới nhờ mai mối đi hỏi con gái của một gia đình kia. Sau khi nhà gái bằng lòng và đã làm lễ hỏi, chàng khờ phải đến nhà gái làm rể như những anh chàng khác. Nhưng chàng ta không biết làm rể là phải làm như thế nào nên lại phải nhờ đến ông mai chỉ dùm. Ông mai mới dạy bảo, khi đi làm rể là đến nhà đàng gái, hễ thấy ông già vợ làm gì thì phải giành lấy mà làm theo, anh ta nghĩ như thế thì cũng dễ.
Hôm đi làm rể ở nhà gái, sau khi cơm nước buổi sáng xong, ông già vợ xách cái mác ra ngoài đồng, chàng khờ cũng tìm lấy xách theo một cái mác, rồi lót tót theo sau, khi thấy ông già vợ sắp sửa chặt cây tre nào, thì chàng khờ liền thưa :
- Thưa cha để đó con chặt cho.
Chàng rể chưa kịp đốn cây này, thấy ông già vợ chọn cây tre khác, chàng ta lại bỏ cây tre này, để giành đi giúp ông già vợ đốn cây tre khác. Ông già vợ chọn cây nào, chàng ta cũng dành lấy nhưng không đốn cây nào cả.
Thấy thế, ông già vợ sanh nghi chàng rể ba trợn, sợ hãi ông bỏ chạy vào nhà, thấy thế chàng khờ cũng bắt chước chạy theo, trong lúc chạy ông già vợ bị một nhánh tre móc cái khăn lại, nhưng ông ta sợ quá vì thấy chàng rể đang rượt theo nên bỏ chạy luôn, chàng rể thì trái lại lo bắt chước ông già vợ nên lại kéo cái khăn trên đầu xuống liệng lên ngọn tre rồi mới chạy theo ông già vợ.
Đang chạy khi ngoái lại nhìn chừng chàng rể, thấy thế ông ta càng tin chắc rể mình nó điên, nên ông càng chạy nhanh hơn, chàng rể lại cũng bắt chước chạy nhanh theo. Ông già vợ tưởng nó quyết đuổi theo mình, nên càng cố gắng ba chân bốn cẳng chạy riết vào nhà, thấy vợ đang ngồi thổi lửa nấu cơm, gấp rút quá ông không kịp nói, bèn đá đít cho vợ biết để chạy theo mình, nhưng bà vợ chưa hiểu ý vẫn còn đang ngồi, chàng rể thấy vậy cũng bắt chước, chạy đến đá mẹ vợ chúi nhũi vào bếp. Bà mẹ vợ thất kinh hồn vía lồm cồm đứng dậy chạy theo chồng. Người chồng chun vào kẹt bồ lúa la làng. Thấy thế chàng rể cũng bắt chước chạy theo, chun vào kẹt bồ lúa la làng chói lói.
V- TRUYỆN THẦN THOẠI :
Truyện thần thoại là loại truyện cho ta thấy rõ đời sống tâm linh của con người sơ khai. Người Việt Nam cũng như nhiều dân tộc trên thế giới, muốn giải thích nguồn gốc con người cũng như vạn vật, truyện thần thoại cốt làm thỏa mãn tính hiếu kỳ của con người, chẳng những như thế mà truyện thần thoại còn đáp ứng lại những nỗi sợ hãi to lớn nhất luôn đe dọa đời sống con người, người ta đã tạo dựng ra thượng đế và các vị thần để cai quản vũ trụ. Dù sao thì truyện thần thoại cũng đã được sáng tạo sau khi con người đã có đời sống văn minh phần nào, mới có thể sáng tạo các truyện thần thoại khả dĩ phù hợp với hiện tượng thiên nhiên, và tạo dựng vũ trụ theo quan niệm của con người ở thời kỳ sơ khai ấy.
HỘT GẠO TRỜI CHO
Sau khi tạo dựng con người rồi, muốn cho được sung sướng, ông trời còn tạo thêm gạo để làm thức ăn, để con người chẳng phải làm lụng bằng chân tay vất vả như ngày nay. Thuở đó, cứ đến mùa là tự nhiên lúa mọc ngoài đồng, rồi theo ngày qua tháng lại lúa chín, khi ấy con người chỉ cần quét dọn sẵn sàng, sạch sẽ là lúa lăn vào tận trong nhà, mỗi hột lúa to bằng trái dừa.
Nhưng đến mùa lúa chín nọ, có một gia đình kia vì bận lo con cái nên quên quét dọn, đến thời kỳ lúa chín, nó tuần tự lăn vào nhà, khi ấy người đàn bà không thể làm biếng được nữa, mới lo quét dọn nhưng chưa làm xong thì lúa đã vào tận nhà rồi, sẵn bực bội vì con cái quấy rầy, lại tức tối vì chưa dọn nhà mà lúa đã lăn vào, nên sẵn có cây chổi trong tay, bèn trở cán chổi đập mấy hạt lúa cho hả cơn giận, hạt lúa bị nát ra hàng nghìn mãnh như ngày nay và người đàn bà còn nói :
- Đi đâu thì đi cho rãnh mắt, tao làm chưa kịp, chưa mời, chưa thỉnh đã vào!
Những hạt lúa còn lại thấy vậy bèn lăn trở ra ngoài đồng, rũ nhau đi mất.
Ông trời thấy thế lấy làm bất bình vì sự ngu xuẩn và lười biếng của người đàn bà, Ngài bèn hạ lệnh bỏ không cho lúa tự mọc và đến mùa lăn vào nhà nữa, bắt buộc ai muốn có gạo ăn thì phải cày sâu cuốc bẫm, cấy dọn và gặt hái những hạt lúa bể ấy đem về nhà. Đấy là hình phạt của ông trời dành cho loài người vì đã lười biếng.
Thời kỳ đó ông trời còn rất gần con người để quan sát sự sinh sống muôn loài, nhưng từ khi ban cho con người cái hình phạt phải trồng lấy lúa mà ăn thì con người càng ngày càng khổ cực, người ta thường kêu than với ông trời :
- Trời ơi! Sao mà khổ cực như thế này!
Trước còn ít mà về sau càng nhiều hơn, ông trời lấy làm bực vì ông cho rằng tại con người lười biếng quá, nên phải chịu lấy chớ đâu phải do ông trời làm ra, nên ông không muốn nghe tiếng kêu vô lý ấy, ông trời bèn dời tầng trời cao lên một chút, nhưng vẫn còn gần đủ để nghe ngóng. Con người dần dần sinh sôi nẩy nở thêm tiếng kêu than càng nhiều, vì thế ông trời lại ngày càng dời cao thêm một chút nữa để tránh bớt nghe, cho đến một ngày nào đó, ông trời đã dời lên quá cao, đến nổi con người nhìn lên ông thấy thăm thẳm một màu xanh, ông trở thành ở một nơi quá xa xôi với con người.
VI- TRUYỆN LIÊN QUAN ĐẾN HIỆN TƯỢNG THIÊN NHIÊN :
Từ ngàn xưa chắc chắn người ta đã nhìn thấy cầu vòng, nó là một trong muôn ngàn hiện tượng của thiên nhiên vì tục ngữ có câu :
Mống dài thì ngắn mống vắn thì mưa
Cùng từ ngàn xưa cho đến ngày nay con người đều muốn tìm hiểu tất cả sự vật có trong vũ trụ, tại sao có con người, tại sao có muôn thú và tại sao có các hiện tượng bởi vì ở vào thời kỳ sơ khai người Việt Nam đã tin rằng mọi vật không phải có từ một nguyên nhân đầu tiên, họ tin có ông Trời tạo ra tất cả muôn loài kể cả con người, còn mọi sự vật khác đều có một vị thần điều khhiển hay ít ra cũng có một lý do nào đó để tạo ra các hiện tượng, chẳng hạn như trời đang nắng hạn nghe cóc kêu thì người ta biết là sắp có mưa vì vậy có truyện :
CON CÓC LÀ CẬU ÔNG TRỜI
Ngày xưa có một năm hạn hán, cho đến nỗi sông suối đều hết nước, muôn thú đều không có nước uống, cả đến cây cỏ cũng bị héo dần vài loại thú không có cả thức ăn.
Một con Cóc khát quá, bèn đánh liều đi kiện ông trời, vì thần mưa quên làm nhiệm vụ. Trong lúc Cóc nhảy đi, hầu hết thú vật mệt mõi nằm chờ chết, nên con Ong thấy Cóc còn đi ngoài đường bèn hỏi Cóc đi đâu, Cóc ta trả lời :
- Hạn hán lâu quá, nên tôi đi lên trời kiện thần mưa.
Con Ong nghe hợp lý liền đi với Cóc, đi một đoạn gặp Gà, Gà liền hỏi :
- Hai anh đi đâu ?
Cóc trả lời :
- Vì lâu ngày không mưa, nên chúng tôi đi lên trời kiện thần mưa.
Gà sốt sắn :
- Mấy tháng nay trời không mưa, cây cỏ lúa má chết dần, thậm chí không có nước uống, vậy hai anh cho tôi theo với.
Thế là ba con tiếp tục đi, đi một đổi nữa lại gặp con Cọp đói đang nằm chờ chết, cọp cũng hỏi :
- Trời làm hạn hán gần chết tới nơi, mà mấy anh còn thì giờ dẫn nhau đi chơi nữa sao?
Cóc bèn trả lời :
- Vì trời hạn hán, chúng ta sắp chết hết cả nên chúng tôi rũ nhau đi lên trời kiện thần mưa, anh có muốn đi không?
Cọp nghĩ lời Cóc nói phải liền bằng lòng :
- Vậy thì tôi đi với các anh.
Thế là cả lũ bốn con rủ nhau đi lên trời. Khi đi lên tới thiên đình, Cóc dặn Cọp, Gà và Ong ở ngoài cửa chờ, khi nào Cóc gọi đến ai thì kẻ ấy vào rồi Cóc đi vào. Lúc ấy ông trời đang đánh cờ, Cóc liền nhảy lên bàn cờ. Ông trời thấy vậy tức giận liền quát to và truyền lệnh :
- Nhà ngươi làm gì mà hỗn hào như thế? Thiên tướng đâu ra đập cho chết con cóc này.
Trời vừa phán xong thì có lính thiên đình định ra đánh Cóc, Cóc liền gọi Ong vào, Ong bay vào đánh lính, lính phải chạy.
Trời thấy thế giận quá bèn gọi thần Sấm, thần Sét ra đánh Cóc, Cóc bèn gọi đến Gà, Gà vào mổ, thần Sấm sợ quá chạy lui vào hậu cung.
Trời lại càng giận hơn, bèn gọi thần Cẩu ra cắn Cóc, Cóc lại gọi Cọp vào, thần Cẩu thấy Cọp sợ quá lo cong đuôi chạy mất.
Bấy giờ ông trời thấy khó mà trị bọn Cóc liền vỗ về :
- Thôi có chuyện gì oan ức cậu cứ trình bày?
Cóc liền thưa :
- Từ mấy tháng nay thần mưa không làm việc, nên ở thế gian thiếu nước, cây cỏ chết, muôn thú chúng tôi không có gì ăn, lại thiếu nước uống nên sắp chết hết cả , xin Thượng đế truyền lệnh cho thần Mưa làm mưa, để cho có nước chúng tôi nhờ.
Ông Trời nghe xong liền gọi thần Mưa đến để hỏi đầu đuôi câu chuyện, thần Mưa cho biết :
- Vì ở thế gian rộng rãi nên chúng tôi làm mưa chỗ này quên chỗ nọ, xin Thượng đế lượng xét.
Ông Trời nghe xong truyền lệnh cho thần Mưa làm mưa ngay và an ủi cóc.
- Thôi cậu về với mấy đứa kia đi, nếu ở dưới ấy không có mưa cậu kêu cho tôi biết.
Từ đấy về sau, khi nào hạn hán, cóc kêu thì trời cho thần Mưa làm mưa ngay. Do câu chuyện này, người ta truyền tụng câu Ca dao :
Con cóc là cậu ông Trời
Ai mà đánh nó thì Trời đánh cho
VII- TRUYỆN LOÀI VẬT :
Truyện loài vật là những truyện kể riêng về loài vật, trong ấy có những truyện ngụ ngôn hay giải trí.
THỎ VỚI KHỈ
Ở bên cạnh khu rừng có một đám khoai lang, thỏ với khỉ ở trong rừng thường ra đám khoai lang ấy móc củ hay ăn lá, lâu ngày người chủ khoai biết được bèn rình rập, có khi lấy đất liệng chúng, có khi rượt thỏ và khỉ chạy cong đuôi.
Một hôm thỏ bàn với khỉ :
- Từ lâu chúng ta cứ bị người chủ đất rượt phải chạy trốn mệt quá, có khi chưa được miếng nào đã phải chạy, có khi vừa ăn no đã chạy làm khổ thêm cho cái bụng, vậy để đối phó lại, chúng ta chia phiên khi nào anh ăn, tôi canh gác, khi nào tôi ăn, anh canh gác như vậy an toàn hơn.
Khỉ bằng lòng, nhờ sự phân công ấy thỏ với khỉ được yên thân vì mỗi khi chủ đất đi thăm đám khoai, thỏ với khỉ đã biết được nên tìm cách ẩn trốn kỹ. Nhưng một hôm, đến phiên chú khỉ gác, vì ham chơi nên chủ đất đến mà khỉ không hay, do đó thỏ bị rượt chạy một trận bán sống bán chết.
Sau chuyện ấy xảy ra, thỏ giận khỉ, ngoài mặt không nói ra nhưng trong lòng vẫn nghĩ đến cách trả thù. Một hôm, thỏ bàn với khỉ :
- Tôi với anh đi ăn như thế này vẫn sợ người ta săn đuổi, vậy tôi bàn với anh như thế này, chúng ta bới cả củ lẫn dây lang đem vào rừng, để dành ăn dần dần như thế đi một chuyến mà chúng ta ăn được nhiều hôm.
Khỉ nghe vậy còn thắc mắc nên hỏi thêm :
- Làm sao chúng ta mang được về cho nhiều?
- Chúng ta bới cả củ lẫn dây rồi mang về.
- Nhưng có hai tay thì làm sao mang được nhiều?
Thỏ giải thích thêm :
- Như anh có tay còn cầm được, còn tôi chỉ có bốn chân thì làm sao! Tôi đã nghĩ rồi, chúng ta bới cả củ cho nhiều rồi quấn dây xung quanh mình mà đi về.
Khỉ tán đồng và khen ngợi :
- Ý kiến anh thật là tuyệt, vậy để tôi làm trước, còn anh gác dùm.
Thỏ bằng lòng gác, chờ cho khỉ sau khi đào bới và quấn dân lang khắp thân mình rồi, thỏ thấy khỉ đã trúng kế mình, bèn la to :
- Bớ làng xóm ơi! Khỉ ăn cắp khoai lang :
La xong, thỏ bỏ chạy vào rừng, chủ nhà hay được chạy ra thấy chàng khỉ còn bị dây lang quấn quanh mình cố gắng chạy, nhưng không nhanh nhẹn như ngày thường, nên người chủ đất vừa rượt vừa lấy đất liệng cho một trận thừa sống thiếu chết.
Khỉ lại thoát được vào rừng, tìm gặp thỏ, khỉ trách :
- Sao anh hại tôi dữ vậy?
- Để cho anh thấy vì anh ham chơi mà tôi bị một trận hôm trước cũng như anh vậy chớ có gì đâu.
Kể từ đó thỏ và khỉ không còn đi ăn chung với nhau nữa.
* * *
Ngoài truyện thần thoại và loài vật ra, truyện cổ tích miền Nam cũng như truyện cổ tích Việt Nam đóng góp trong Văn học bình dân một sắc thái đặc biệt, nó không phải là truyện vui, mà ban đêm dưới ngọn đèn dầu, bà kể cho cháu nghe để giải trí chúng, phần đóng góp tích cực của nó là giáo dục, đa số truyện cổ đều có một nội dung giáo dục con người.
Nội dung ấy không ngoài dạy cho người ta ăn ở với nhau cho phải đạo làm người, sống với nhau trong tình tương thân tương ái, hiếu hòa, nó không mang những danh từ cao siêu như tam cương, ngũ thường, tam tòng tứ đức của nhà nho. Mỗi một câu chuyện là một trường hợp có thể xảy ra, và chúng ta có thể chọn một lối giải quyết tương tự như nhân vật trong truyện, nó dạy người ta ăn hiền ở lành, cứu giúp những người nghèo khổ, bênh vực kẻ thế cô, sức yếu, sống được như vậy sẽ luôn luôn gặp được những điều may mắn cũng như đấy là một sự đền bù tương xứng, đó chính là chủ đích mà Truyện cổ tích khuyến khích mọi người nên theo. Đấy là phương pháp giáo dục hữu hiệu nhất của người bình dân.
Ghi chú :
1. Cù lao Năng gù là tên một cù lao nằm trên sông Hậu Giang, trước kia có tên là Bình Lâm thôn, sau đổi là làng Bình Thủy, tổng Định thành, huyện Châu thành, tỉnh Long Xuyên, nay là xã Bình Thủy, quận Châu phú, tỉnh An Giang. Cù lao này dài chừng 5 km và ngang chỗ lớn nhất chừng 2 km, đầu cù lao giáp với Vàm nao, nơi đây có phà đưa xe cộ từ đường Long Xuyên – Châu Đốc đi qua Thánh địa Hòa Hảo.
2. một cân ta là 0,6kg, một tạ: 100 cân = 60kg, gọi là heo đúng tạ tức là từ 60kg trở lên.
3. Ban Hội tề ngày xưa khi chỉ định ai một chức gì thì họ họp lại tại Đình thảo luận, khi đã quyết định thì họ làm một tờ cử, như là sự vụ lệnh ngày nay vậy.
|