Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

Katherine Hepburn - Huyền Thọai của Hollywood
tvmt
#1 Posted : Tuesday, March 1, 2005 4:00:00 PM(UTC)
tvmt

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 28
Points: 0



Katherine Hepburn - tài tử điện ảnh (1907-2003)

Thuở ban đầu của Hollywood là thời khai sinh những minh tinh màn bạc tên tuổi, mỗi người mỗi vẻ: Greta Garbo nổi tiếng với cặp giò dài, Bette Davis với đôi mắt sâu thăm thẳm, thu hút, Rita Hayworth, tóc bồng bềnh với cặp mắt thật trữ tình... Tất cả là những bức hình poster khổ lớn mà quân nhân Mỹ treo đầu giường thời đệ nhị thế chiến. Ngòai ra còn có các tài tử như Carole Lombard, Marlene Dietrich, Ava Gardner, Vivien Leigh, và các nam tài tử tài hoa đã chiếm không ít thời gian của khán giả Hoa Kỳ và thế giới, tò mò về đời tư của các minh tinh màn bạc. Tất cả đã tạo tính chất huyền thoại của thế giới điện ảnh. Xen lẫn những nữ tài tử quyến rũ, đầy nữ tính này đã có những nữ tài tử mang cá tính mạnh mẽ, trong đó phải kể Bette Davis, Joan Crawford, Barbara Standwitch, nhưng không ai có thể vượt qua Katharine Hepburn. Báo chí đã dùng danh từ "độc đáo" để diễn tả người nữ tài tử mà về sau nhiều người đã âu yếm gọi tắt là Kate.

Katharine Hepburn là người duy nhất giữ quán quân, lãnh tới bốn giải Oscars về “Nữ tài tử xuất sắc nhất” trong năm, và cũng là nữ tài tử được đề cử tới 12 lần giải Oscars cho vai trò thủ diễn trong phim (chỉ có Merryll Streep là người vượt bà về lãnh vực này). Katherine Hepburn với khuôn mặt nhiều góc cạnh, đã tạo thêm màu sắc cho thế giới điện ảnh Hồ Ly Vọng qua các vai nữ có cá tính độc lập, nhiều nam tính, nhưng không kém phần kiêu sa, đài các. Các phê bình gia dùng chữ tham vọng để diễn tả người nữ tài tử này, nhưng với một nghĩa đẹp. Nhìn lại quá trình diễn xuất dài tới sáu thập niên, bà đã chứng tỏ là người đã vượt qua những khó khăn, những thử thách mà nghề nghiệp đòi hỏi. Khi bà ra đi, các báo chí, các nhà phê bình điện ảnh, các đồng nghiệp, khán giả gần xa đã giành nhiều bài để viết về bà trong niềm thương mến và kính trọng, nhưng sự nghiệp của Hepburn không phải lúc nào cũng suông sẻ, bà đã đi qua những chặn đường lên xuống, lắm gian nan, bị chỉ trích phê bình nặng nề. Katherine Hepburn được mô tả là một người phụ nữ cứng rắn đương đầu với thế giới đàn ông, thế giới của phái mạnh, giàu có và quyền uy, để được đóng những vai trò cô ước muốn.

Katherine Hepburn sanh ngày 12 tháng 5, năm 1907 tại Hartford, tiểu bang Connecticut, vùng New England. Bà là con thứ hai, và là con gái đầu trong gia đình gồm sáu người con. Cha là một bác sĩ giải phẩu, và mẹ là một người nhiệt liệt tranh đấu cho quyền của phụ nữ. Xuất thân trong một gia đình thượng lưu, thuở thiếu thời của Katherine là một cuộc sống thoải mái, cộng với một nền giáo dục cao. Cả hai cha mẹ đều khuyến khích các con theo đuổi ước mơ và sự nghiệp mình chọn. Tuy vậy, Katherine đã nếm mùi bi kịch, người anh Thomas, rất thân với bà, đã chết vì bắt chước một màn treo cổ trong một vỡ kịch. Katherine là người đã khám phá anh mình chết và chuyện này ảnh hưởng nhiều đến cô thiếu nữ đang tuổi vui tươi, hồn nhiên này. Sau những năm trung học tại một trường nữ, Katherine ghi danh vào trường đại học Bryn Mawr ở Pensylvannia, chuyên về lịch sử và triết lý. Sau giai đoạn đầu khó khăn, vì cá tính bướng bỉnh, và phần nào bị ảnh hưởng cái chết của người anh, Katherine cũng xong bằng cử nhân vào năm 1928, và quyết định dấn thân vào con đường nghệ thuật.

Hepburn bắt đầu sự nghiệp của mình bằng kịch nghệ, ban đầu đảm nhận những vai phụ trong một kịch trường tại Baltimore. Chỉ trong vòng vài tháng Hepburn đã được giao cho một vai tại Broadway. Broadway là nơi sản xuất những vỡ kịch mới mẻ, đầy sáng tạo, nơi quy tụ những diễn viên kịch nghệ sáng giá nhất, cũng như các nhà đạo diễn tài ba nhất của Hoa Kỳ. Những năm kế tiếp Hepburn chỉ đóng vai phụ. Cuối cùng trong vai trò Antiope, của vở kịch "Chồng của một chiến sĩ", cô kịch sĩ trẻ đã được chú ý đến. Hãng RKO, đã mời Hepburn thủ vai nữ chính trong phim A Bill of Divorcement (1932), đóng cặp với John Barrymore, đạo diễn là George Cukor . Phim là một bước đầu thuận lợi cho sự nghiệp điện ảnh của Hepburn. Cô đào mới mẻ của Hồ Ly Vọng thành công qua hai phim tiếp theo, Little Woman và Morning Glory (1933). Với phim Morning Glory, cô đã lãnh giải Oscar đầu tiên cho vai Nữ Xuất Sắc trong năm, qua vai Eva Lovelace, một nữ tài tử tới New York trong bước đường kiếm danh vọng và tiền tài.

Năm kế tiếp, 1934, Katherine trở lại Broadway với vở kịch The Lake, và bị một nhà báo, cũng là phê bình gia có tiếng thời đó, Dorothy Parker, chê nặng nề. Thế nên, tăm tiếng của Katherine bị chìm, ảnh hưởng đến những phim sau, số khán giả xem phim thật tệ! Đó là những thất bại đầu tiên của Katherine. Ngoài ra, Hepburn còn bị phê là làm tàng, vì từ chối những buổi phỏng vấn của báo chí. Bị mang tiếng với danh xưng "box offixe poison" (độc dược tại Box office), Hepburn chấm dứt hợp tác với hãng RKO năm 1937.

Không còn bị ràng buộc với khế ước với phim trường nữa, Hepburn cộng tác với kịch gia Philip Barry, cùng sáng tác vỡ kịch "The Philadelphia Story" . Qua vai trò Tracy Lord, được viết riêng cho nàng, các phê bình gia nhiệt liệt khen ngợi. Nhờ sự thành công này mà Hepburn trở lại với điện ảnh, thực hiện vỡ kịch Philadelphia thành phim. Lúc ấy, Hepburn đã cho thấy tính cương nghị của mình, nàng đòi quyền được chọn đạo diễn cùng các tài tử diễn xuất chung (Cary Grant và James Stewart). Phim thành công vẻ vang, và Katherine Hepburn được đề cử giải Oscar năm đó.

Năm 1942, Hepburn lại thành công với phim Woman of the Year, là phim đầu tiên Katherine đóng cặp với Spencer Tracy, người sẽ chiếm trái tim của người nữ tài tử có tiếng là cứng rắn, đàn ông tính. Cô đào Hepburn thủ vai một nữ ký giả chuyên tường thuật các tin tức chính trị. Lanh lẹn, nhưng lạnh lùng, cô ký giả này đã gặp phải một nam ký giả tài năng và làm mềm lòng cô. Sự hợp tác giữa hai tài tử Tracy Hepburn được mệnh danh là thời kỳ Tracy-Hepburn, vì hai người đóng với nhau tất cả là chín phim. Từ cuốn phim đầu, Hepburn đã bị tiếng sét ái tình đánh phải, và cũng như chuyện người nữ ký giả trong phim, Tracy đã chinh phục trái tim của Hepburn. Các phim của cặp tài tử này gồm có: Adam’s Rib (1949), Pat and Mike (1952), and Desk Set (1957), và phim Guess Who’s Coming to Dinner? (1967), là phim cuối cùng Tracy đóng xong thì mất vài tháng sau đó. Bà Hepburn đã thuyết phục ông Tracy làm phim này, dù rằng ông đang rất yếu. Phim chỉ quay vào buổi sáng khi ông còn có thể hoạt động được. Hepburn đã lãnh giải Oscar lần thứ nhì với vai trò của phim, và phim đã được đề cử giải Oscar cho phim xuất sắc nhất trong năm.

Mối tình giữa hai đại tài tử, kéo dài 26 năm cho đến khi Spencer Tracy qua đời năm 1957, là một trong những mối tình huyền thoại của Hollywood. Trước đây vào năm 1928, Hepburn đã lập gia đình với một người giàu có tên là Ludlow Ogden Smith. Hai người không hạp, vì Katherine không thể chỉ là một người nội trợ, và họ ly dị năm 1934. Sau đó, Hepburn cũng có một mối tình khác với nhà sản xuất phim Howard Hughes. Tài tử Tracy đã có vợ và hai con khi gặp Katherine, nhưng đã nhiều năm ông không có hạnh phúc với vợ, và cặp vợ chồng này đã từ lâu có một cuộc sống biệt lập. Vào thời buổi báo chí và dân chúng Mỹ còn rất bảo thủ, các tài tử lớn đều trình bày trước công chúng một cuộc sống mẫu mực. Báo chí thời đó lên án nặng nề những mối tình không đàng hoàng, như trường hợp mối tình của Ingrid Bergman và Roberto Rosellini, đã ảnh hưởng nặng nề đến sự nghiệp của Bergman trong một thời gian dài. Nhưng với mối tình của Hepburn-Tracy, nhà báo lại lơ là, ít bàn tán đến. Mãi tới khi Tracy qua đời, vào thập niên 70, các báo chí mới bắt đầu đề cập đến mối tình này. Có lẽ vì hai người rất kính đáo, sống biệt lập tại nhà riêng. Thứ nữa tài tử Tracy và vợ thật ra đã không có hạnh phúc từ nhiều năm trước, tuy vậy vì đạo Công Giáo, ông Tracy lúc nào cũng giữ bổn phận với gia đình, không tính chuyện ly dị vơ . Hepburn lại là một người rất kín đáo, không màu mè. Vì thế dưới mắt mọi người, đây là một mối tình thực sự, và sự ngang trái của hoàn cảnh càng làm tăng tính cách huyền thoại của mối tình này. Nói về Tracy, trong quyển hồi ký viết năm 1991, Hepburn nói: “ôi không ân hận gì cả, tôi đã có một mối tình toàn vẹn.” Thật sự, bà đã chịu đựng rất nhiều khi yêu ông, vì Tracy là một người nghiện rượu, nhiều lúc không thấy ông ở phim trường, bà phải lò mò đi kiếm ông tại các quán rượu. Đến lúc ông mất, theo lời yêu cầu của gia đình ông, bà đã không đến dự đám tang. Cho tới cuối đời bà, Katherine Hepburn không lấy và cũng như không yêu ai sau đo . Về phương diện nghề nghiệp, sự hợp tác của hai người đồng đều, chính vì thế mà Hepburn đã nể Tracy đã coi trọng bà như là một đồng nghiệp ngang hàng.



Katherine Hepburn và Spencer Tracy

Phim cuối cùng hai người diễn với nhau, Guess who's coming for dinner, là một phim đề cập đến hôn nhân dị chủng. Cặp vợ chồng có cô con gái từ xa về thăm nhà, cô báo tin sẽ đem một vị hôn phu, người da đen cho bố mẹ gặp mặt, và có ý muốn cha mẹ sẽ ưng thuận. Vai vị hôn phu do Syney Poitier đóng. Thương con gái, vã lại tính cũng mới mẻ, bà mẹ chấp nhận nhưng lo lắng rằng chồng bà, sẽ không bằng lòng. Lúc đầu ông bố không khỏi bực mình, và lấy làm khó xử. Cuối cùng, sau khi đã suy nghĩ kỹ càng, ông tuyên bố cảm tưởng của mình: "Nếu hai con thương yêu nhau, như ba mẹ đã thương yêu nhau từ lâu nay, ba nghĩ hai con sẽ vượt qua được mọi thử thách cuộc đời đưa đến." Cảnh bà Hepburn nhìn tài tử lão thành Tracy diễn tả lòng người cha, và người chồng, mắt bà ngấn lệ, làm khán giả chùng lòng. Hình như Tracy và Hepburn đã diễn tả, không những vai trò của phim, mà chính lòng của hai người, nhất là bà Hepburn, được đóng vai vợ của người tình lâu năm, một vai trò mà ngoài đời bà không thể có được.

Lúc đó Hepburn đã 50 tuổi, nhưng sự nghiệp của người nữ tài tử này mới được một nửa. Những năm kế tiếp bà được giao những vai trò hợp với tuổi của mình, nhưng không kém phần quan trọng. Vai trò trong phim The African Queen (1951) của đạo diễn John Huston, và vai người mẹ của một người nghiện thuốc trong phim Long Day's Journey Into Night (1962), dựa theo cuộc đời của kịch gia Eugene O'Neill, vẫn là những vai nữ mạnh mẽ, có cá tính.

Năm 1968, với phim A Lion in the Winter, đóng cặp với Peter O’Toole, trong vai vua Henry Đệ Nhị, bà đã lãnh giải Oscar lần thứ ba. Bà thủ vai một người đàn bà tham vọng, nhưng cuối cùng phải biết nhượng bộ, cả về mặt tình cảm lẫn quyền năng, không thôi thì sẽ mất ca . Các vai trò trong phim về lịch sử, là những vai khó diễn xuất, ngoài phần nội tâm, các tài tử còn phải biết trình bày theo lối ngôn ngữ xưa thời Elizabeth, mà chỉ những người có trình độ cao mới có thể diễn đạt hoàn toàn vai trò.

Năm sau đó, bà trở lại Broadway, và lại được các phê bình gia nhiệt liệt tán thưởng qua vai trò Gabrielle Chanel, trong vỡ nhạc kịch Coco, thủ vai người đàn bà nổi danh đã dựng được sự nghiệp đồ sộ về thiết kế thời trang.

Thập niên 70, bà bước vào lãnh vực truyền hình, thủ nhiều vai cho màn ảnh nhỏ. Năm bà đã 74 tuổi, Hepburn lãnh giải Oscar lần thứ tư, với phim The Golden Pond, đóng cặp với Henry Fonda .

Dù Katherine Hepburn thủ những vai nữ lớn tuổi, bà vẫn đi tiên phong với các vai trò đặc biệt. The Lion Winter, cũng như On Golden Pond, Guess Who's Coming For Dinner trình bày những "mối tình già", những cặp tình nhân, hoặc vợ chồng tuổi đã xế chiều, nhưng không có nghĩa là tình cảm đã khô cạn, héo mòn, chỉ biết ngày ngày đếm thời gian trôi qua. Trong phim "The Lion in Winter", cho thấy hai vai chính, vua Henry và bà vợ, vẫn còn những cảm xúc, tham vọng trong cuộc đời. Họ vẫn vẽ vời cho tương lai, yêu đương, ganh tị, đau khổ, và vì tuổi cao, họ lại phải đối phó với thế hệ trẻ lớn lên, thấy quyền uy của mình bị đe dọa.

Tuy là một minh tinh điện ảnh nổi tiếng, nhưng bà đã biệt lập được đời sống riêng của mình với đời sống của một minh tinh màn bạc hạng nhất, tránh xa những con mắt hiếu kỳ của các người ái mộ, cũng như nhà báo. Vào thời mà các phụ nữ ra đường ăn bận rất điệu nghệ, lúc nào cũng áo đầm xèo kiểu cách, bộ quần dài, áo sơ mi chỉ để cho nam giới, hay những khi đi công việc tầm thường, thì Kate chỉ thích bận quần tây, áo sơ mi, khoác pardessus, và it điểm trang. Katherine Hepburn là biểu tượng của cách mạng nữ giới, bà đã theo đuổi sự nghiệp của mình một cách thong dong, tự tại. Bà được gọi là một “feminist" - danh từ chỉ người tranh đầu cho quyền phụ nữ, nhưng lại không ồn ào, tuyên bố gì cả, bà cứ thản nhiên làm theo ý của mình. Thời trang của Kate đưa ra, ngày nay người ta gọi là cổ điển, quần dài, áo sơ mi trắng, cổ cao, hoặc áo pull cao cổ vào mùa đông, tóc bối cao. Khi lớn tuổi, khuôn mặt cúa bà theo thời gian, già đi với nếp nhăn, và giọng nói càng lắng, trầm xuống, hơi run run, mà thế hệ trẻ vẫn ái mộ ba . Bà là một hình ảnh "đẹp lão", như một cây cổ thụ thân quen, ta vẫn yêu vết rêu trên thân cây. Bà bảo: "Tôi đã ở trong nghề nghiệp này lâu quá, cuối cùng mọi người ta đâm ra cũng chuộng tôi, như một căn phố cũ thân quen."



Bà là một người rất yêu thể thao, bà chạy bộ hàng ngày trước khi bộ môn này là một "thời trang", vẫn tắm nước lạnh cho đến khi lớn tuổi, chơi tennis, đạp xe đạp ... ... Nhiều năm, trên đường phố New York, người ta thấy một bà lão vẫn tỉnh bơ đạp xe đạp, len lõi giữa dòng xe cộ ngược xuôi, cuối tuần về Connecticut, bà đều đặn ra làm vườn, chăm sóc cây cỏ. Người Hoa Kỳ yêu bà vì bà là một hình ảnh độc lập, hùng mạnh về tâm linh và thân thể. Bà sống thực, không màu mè, kiểu cách, ra vẻ một minh tinh màn bạc lớn, hay một bà nhà giàu thừa của. Về những khó khăn tình cảm, bà nhắn nhủ thế hệ sau: Rồi ta phải tìm cách mà vượt qua chúng thôi, không có cách gì khác!

Không những được khán giả ái mộ, Katharine Hepburn còn được các đồng nghiệp ngưỡng mộ tài năng . Bà đã được các đông nghiệp Hội Điện Ảnh Hoa Kỳ (American Film Institute), bầu là Nữ tài tử xuất sắc nhất của thế kỷ, số phiếu bầu vượt xa số phiếu nam tài tử đoạt giải nhất. Kate đã làm việc liên tiếp trong sáu thập niên, thủ từ nhiều vai trò khác nhau, từ kịch trường, màn ảnh bạc, đến màn ảnh nhỏ của truyền hình. Lớn lên trong một gia đình thượng lưu, nhưng bà không bị đóng khung vào ước muốn tầm thường, sống thoải mái trong nhung lụa, mà bà đã thực hiện ước mơ của mình, là theo đuổi nghiệp mà bà yêu thích. Có lẽ cũng do ảnh hưởng của bố mẹ, mà Hepburn đã nhớ đến với câu: "Điều hay nhất là cha mẹ tôi đã dạy tôi là chớ sợ hãi điều gì cả . Không có sự sợ hãi ."

So với các sắc đẹp lộng lẫy, kiêu sa của những minh tinh màn bạc thời đó, thật sự thì nữ tài tử Katherine Hepburn không phải là một nữ tài tử đẹp, nhưng bà đã đi vào lòng quần chúng, đồng nghiệp với một sắc thái riêng biệt . Một khuôn mặt với nhiều góc cạnh, một cái nhìn sáng rực, thông minh, một giọng nói trầm, và nhất là sự cương quyết theo đuổi nghề nghiệp mình chọn, vượt qua những thất bại của cuôc đời, Katherine Hepburn là một hình ảnh của phụ nữ mới, không bị gò bó bởi những định luật thông thường, khước từ là sản phẫm của những nhà kinh tài giàu có, mà tự tin phát triễn tài năng của mình .

Katherine Hepburn là huyền thoại cuối cùng của Hollywood, thế kỷ 20

Minh-Thanh



Phượng Các
#2 Posted : Sunday, March 6, 2005 8:13:59 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,704
Points: 20,055
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)
quote:
Phim cuối cùng hai người diễn với nhau, Guess who's coming for dinner, là một phim đề cập đến hôn nhân dị chủng. Cặp vợ chồng có cô con gái từ xa về thăm nhà, cô báo tin sẽ đem một vị hôn thê, người da đen cho bố mẹ gặp mặt, và có ý muốn cha mẹ sẽ ưng thuận. Vai vị hôn thê do Syney Poitier đóng.


Chắc chị tvmt muốn nói là vị hôn phu chứ? Big Smile

PC cũng mới coi phim trên đây vài tuần trước. May mà trong các thư viện công cộng người ta vẫn mang đến tặng cho thư viện các phim vedeo cũ nên có các phim xưa mà coi (chớ còn coi trong AMC thì lúc này nó hay ngừng lại quảng cáo quá, lại lười phải đi theo TV rồi). Mới coi thì tưởng phim này cô con gái mang người yêu về là vai chánh chị nhỉ..... Mà cũng không dè ông cha lại là người yêu ngòai đời của Hepburn. Thấy ổng già quá mà! Question

Có hai người mà PC đang lần mò tìm phim của họ mà coi, đó là bà Hepburn và người kia là Jane Fonda. Mà nghe đâu người Mỹ rất ngưỡng mộ. Ngày xưa ở VN hình như chỉ có nữ nghệ sĩ Kim Cương là dùng uy tín trên lãnh vực nghệ thuật để họat động từ thiện. Giờ đây thì chúng ta thấy có Kiều Chinh, Khánh Ly,...cũng đi theo chiều hướng đó. Cooling



tvmt
#3 Posted : Sunday, March 6, 2005 10:17:23 AM(UTC)
tvmt

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 28
Points: 0

Cám ơn chị PC đã báo lỗi, đã sửa lại.
tvmt coi các phim cũ bằng cách ra mướn ngòai hơn là xem trong TV, vì thường họ quảng cáo nhiều, làm phim quá dài, đôi lúc làm mình mất hứng. Nhà tvmt có cable và các phim cũ được chiếu trên các đài khg có quảng cáo cũng được lắm.

VN mình và hội cựu quân nhân Hoa Kỳ khg thích Jane Fonda vì hành động của cô trong thời kỳ chiến tranh VN. Jane Fonda đã làm 1 hành động kém suy xét, dù sau này Jane F có lời xin lỗi cựu quân nhân Mỹ, nhưng nhiều người vẫn khg bằng lòng.
Thế nhưng trong lãnh vực điện ảnh, Jane Fonda là 1 tài tử nhiều kinh nghiệm, đóng rất hay. Phim 9 to 5, cô đóng 1 thiếu phụ bị chồng bỏ, phải ra kiếm việc làm, vụng về vì chưa đi làm bao giờ, thật xuất sắc! Jane F là 1 trong những tài tử được nhiều đề cử qua các vai cô diễn xuất.

Một phim vừa có Katherine Hepburn lại có luôn Jane Fonda là phim On Golden Pond, tvmt xin giới thiệu cho các bạn. Hình ảnh của phim đẹp,hiền hòa, tình cảm được diễn tả qua các tài tử gạo cội, chắc chắn sẽ lưu lại trong chúng ta lâu dài.
linhvang
#4 Posted : Sunday, March 6, 2005 2:22:45 PM(UTC)
linhvang

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 4,933
Points: 1,248
Woman
Location: University Place, Washington State, USA

Thanks: 23 times
Was thanked: 45 time(s) in 43 post(s)
quote:
Gởi bởi tvmt


Một phim vừa có Katherine Hepburn lại có luôn Jane Fonda là phim On Golden Pond, tvmt xin giới thiệu cho các bạn. Hình ảnh của phim đẹp,hiền hòa, tình cảm được diễn tả qua các tài tử gạo cội, chắc chắn sẽ lưu lại trong chúng ta lâu dài.


LV đã xem phim On Golden Pond nhiều lần (càng xem càng thích) và rất thích phần đối thọai đốp chát của các nhân vật. Đúng là hình ảnh của phim rất hiền hòa. Làm ở thư viện, có cơ hội mượn được nhiều phim, giữ bao lâu cũng không bị phạt, nhưng tiếc quá, kiếm đâu ra thì giờ mà xem! Cũng rất thích những phim ngọai quốc của nhiều nước trên thế giới.
Phượng Các
#5 Posted : Monday, March 7, 2005 12:03:39 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,704
Points: 20,055
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)
Nói tới phim cũ phim mới, không biết sao mà PC lại thấy gần gũi với các phim của mấy chục năm trước. Nhất là nghe mọi người ca tụng cái thời vàng son của thập niên 60 từ âm nhạc tới chiếu bóng.

Nghe có người nói Sophia Loren là người phụ nữ đứng đầu bảng về tài tử được yêu chuộng của mọi thời, nay thì biết thêm Katherine Hepburn như chị tvmt đưa lên. Hôm nọ xem cái phim Two Women có Sophia Loren đóng thì đâu có gì đặc sắc, chỉ là bà ta quá hấp dẫn (thân hình gợi cảm, đúng là một "nữ thần nhục thể), hơn Brigitte Bardo đương thời cùng với bà. Lại thêm đời sống gia đình của bà tử tế (!) Tongue hơn là BB.

Chị tvmt,
Jane Fonda cũng như Jean Paul Sartre, đều thấy là họ lầm. Chắc họ học một bài học là đối với việc chính trị không phải lãnh vực của mình thì đừng nên chen vào, chị nhỉ?

Chị linhvang ơi,
Mang cùng tâm trạng với chị, nhiều thứ quá không biết nên làm cái gì đó chị, chắc hôm nào phải suy tư lại coi cuộc đời mình nên chọn cái gì đây, chớ không thôi uổng phí những ngày tháng này quá, phải không?



Users browsing this topic
Guest
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.