Rank: Advanced Member
Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC) Posts: 18,432 Points: 19,233 Location: Golden State, USA Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
|
Những người thơ nữ già trước tuổi Saturday, September 30, 2006 Nguyễn Mạnh Trinh.
Một nhà thơ nữ Việt Nam có những vần thơ kỳ lạ. Vi Thùy Linh. Sinh năm 1980, tới nay trên hai mươi tuổi mà thơ như của một người đầy kinh nghiệm đã từng trải qua nhiều cảnh ngộ trong đời. Qua cung cách sống, thi ca trở thành những bước chân đi tìm mà ở đó, những hình ảnh gợi đến những dục tính cũng như những ý nghĩ có lẽ táo bạo với một người con gái Việt Nam. Qua hai tập thơ, “Khát” và “Linh,” nhà thơ này trở thành một khuôn mặt nổi bật và được trong nước đề cử đại diện Việt Nam tham dự Liên Hoan Thơ Quốc Tế lần thứ bảy tại Pháp.
Thơ của Vi Thùy Linh già trước tuổi và trong ngôn ngữ có một chút gì cường điệu của những bước chân đi sải dài hơn độ bình thường. Thơ, gợi tới những phần ẩn mật, của da thịt và của những suy tưởng sục sôi. Thơ, gợi tới những bảng đường cấm nhưng đầy hình ảnh kêu gọi trí tò mò...
“... Phiêu diêu mắt, thấy con đường tơ lụa
Phiêu diêu lưỡi, chạm đáy mềm Âu Cơ.
Ly rượu dan díu mùi đàn bà
Nước mắt không thể ngấm thêm được nữa
Ta tạo dị bản ta, chống đỡ
Dan díu men mê man
Mật khẩu nẻ lá môi thâm nhập.
Hồi hộp đến cuối đường tơ lụa
Tây Tạng mê ảo cuồng hoa
Trứng nhộn nhịp thụ thai
Âu Cơ rũ váy rũ nghiệt ngã
Lại hứng hứng gió thốc
Thôi miên những cánh cửa chồi răng
Hoa Thùy Linh.
Ðàn đàn mũi tên bay từ hai đùi
Bắn nát sự cam phận.”
Tôi đọc thơ Vi Thùy Linh cũng như đã nghe đài BBC, RFA phỏng vấn cô. Tôi đã được nghe nữ thi sĩ nói về sự đam mê sáng tạo cũng như suy tư có ý thức của mình. Dường như tôi thấy những bước chân đi qua những khuôn khổ thi ca cổ điển. Nhưng, nếu tìm kiếm sự khai phá thì chưa. Thơ, còn ở trong những cung cách cố gắng cách tân đổi mới nhưng chưa hoàn toàn là những bứt phá cần thiết để cảm quan người đọc bị chế ngự và đuổi theo, rượt bắt... Những ấn tượng tạo được qua thi ảnh, chỉ là thoảng chốc và chưa đủ độ ngân nga...
Khi trả lời một câu hỏi nhân dịp ra mắt tập thơ thứ ba “Con ngươi của mắt,” Vi Thùy Linh đã bộc lộ cá tính của mình:
“Hỏi: Trong hai tập thơ trước, những đánh giá cực đoan thường tập trung vào những bài thơ mà chị thể hiện bản năng giới tính một cách mạnh mẽ như “Khỏa thân trong chăn tìm chồng” hay bị suy diễn như câu “ngày cuối tháng ngày em chóng mặt.” Trong tập thơ mới, chị còn làm độc giả “chóng mặt” bởi những câu thơ kiểu này?
Vi Thùy Linh: Người ta thường nói mỗi ngôi nhà là một tổ ấm, xã hội tập trung của nhiều tổ ấm, còn tôi muốn dùng biểu tượng chiếc giường. Chiếc giường là nơi những người yêu nhau nằm bên nhau, có những người không yêu nhau vẫn phải lấy nhau không vì yêu mà vì cơn say, vì lỡ làng cũng ở trên chiếc giường ấy. Chiếc giường là biểu tượng phức hợp.
Với những người chỉ có khả năng hiểu giường là giường chiếu theo kiểu tính dục đơn thuần thì tôi không nghĩ phải mất sức lực để thuyết phục họ yêu thơ mìnhà Vì những độc giả ấy không có khả năng để cảm thụ nghệ thuật và ý tưởng đẹp đẽ của tôi. “Ngày cuối tháng” trong thơ chỉ là một trạng ngữ thuần khiết. Với đối tượng luôn tiếp nhận nghệ thuật bằng cái đầu đen tối và suy diễn, hiểu “ngày cuối tháng” theo kiểu khác cũng như hiểu chiếc giường theo kiểu “ngày cuối tháng” thì tôi không có nhu cầu chinh phục họ thêm vào lượng độc giả của mình. tôi cực đoan và sẵn sàng gạt bỏ.
Hỏi: Ngôn từ trong thơ chị cũng thường tập trung quá nhiều vào cái “tôi” cá nhân. Ðó là cách “tiếp thị” hay thể hiện cá tính?
Vi Thùy Linh: Không phải “tiếp thị” mà là cái tôi mãnh liệt. Tôi là sự hóa thân chứ không phải bản thể thực tế. Thậm chí thơ của tôi giải tỏa hộ khát vọng của cả những người lớn tuổi nhưng vẫn khao khát tình yêu. Quá mạnh mẽ vì tôi dám sống và dám thể hiện thái độ sống. Phan Thị Thanh Nhàn “giấu một chùm hoa trong chiếc khăn tay/ cô gái ngập ngừng sang nhà hàng xóm,” còn tôi thay vì nấp ở ngoài cửa sẽ đến thẳng bên anh ấy và nói “Em yêu anh và em sẽ chờ anh về.” Thay vì cô gái nhà quê bứt cỏ phừng phựt và chạy ù trên đê khi người yêu hỏi “Em có yêu anh không?” thì tôi không bao giờ bỏ chạy và sẽ nói “em yêu anh và khi nào chúng ta làm đám cưới?” Tôi nghĩ việc kín đáo hay bày tỏ thuộc về cá tính và bản lĩnh của mỗi người...”
Ðấy, con người của cô thi sĩ trẻ xốc nổi như vậy! Nếu có người bảo, nếu nói huỵch toẹt ra như vậy thì còn gì là lãng mạn, còn gì là thơ nữa. Thế mà, cô vẫn làm thơ, vẫn say sưa với sự đi tìm kiếm chính mình, và tạo ra rất nhiều “giai thoại” trong làng văn nghệ. Vi Thùy Linh làm thơ với những câu đại loại như:
“... anh hạ trời xuống, anh nâng đất lên
anh bùng vỡ thanh xuân cuồng điên
trên lưng anh bơi mải miết ngón ngón em dài trắng
môi em trườn trong đêm căng
duỗi chân dài em nối những biên giới, những núi đồi sông biển. Anh đến bên em nhịp nhịp qua cầu đùi muốt
đêm tận cùng chờ hiến
vào lúc anh lên em, lên anh
thụ tạo giấc mơ ấp ủ
em đạt khát khao làm mẹ.”
Và Vi Thùy Linh đã viết về những người không thích thơ cô:
“... Và tôi làm nhiều kẻ nhảy dựng lên khi viết về những cái lưỡi đầy sự giả dối và những con người đeo mặt nạ giễu đầy phố. Một số người kêu ca tôi viết về tính dục, họ kêu rất to như thể đó là tội lỗi, là lĩnh vựcà không thuộc về con người. Tôi không viết về tính dục mà viết về tình yêu. Tình yêu đích thực hòa quyện thể xác và tâm hồn, tính dục với tôi nằm trong tình yêu. Tôi cực nhọc tìm ngôn ngữ, hình ảnh biểu tượng để bùng vỡ tràn trề sức xuân, chất sống của tôi, không kìm giữ lảng tránh hay lẩn trốn không đi theo đám đông phong trào như con thú tách khỏi bầy tìm con đường riêng không bao giờ yếu hèn trước các thử thách...”
Giải thích như thế, “tuyên ngôn” thơ như thế, liệu có thuyết phục được không từ những bài thơ, tập thơ in ra đời??
Tôi lại đọc một nữ thi sĩ Nga Xô Viết, trẻ tuổi và cũng có những câu thơ “già trước tuổi” đầy lạ lùng, Marina Tsvetayeva.
“... Từ thi ca tôi, về thanh xuân và nỗi chết; thơ không phải chỉ để đọc; thơ tan tác trong bụi phủ của kệ sách thư quán (nơi mà chẳng có ai thèm đoái hoài nó). Từ thi ca tôi, của men nồng rượu vang ủ mãi chỉ một ngày...”
Nữ thi sĩ viết những vần thơ này khi hai mươi tuổi. Thế mà, tưởng là suy nghĩ của một ngươi đã chịu bầm giập và trải qua nhiều đớn đau của cuộc sống. Thi ca với cuộc đời nàng, giống nhau từ khuôn dáng của giọt lệ trong bà ngưỡng mộ Stenka Razim niềm vô vọng, để rồi tự chấm dứt với sự tự diệt bàng hoàng.
Năm mười bảy tuổi, Tsvetayeva in tập thơ đầu tiên. Vecherny Album (Tập Ảnh Buổi Tối) lúc cô còn mặc áo nữ sinh đồng phục của trường học. Hai năm sau, tập thơ thứ hai. Volshebny Fona (Ðèn Lồng Ma Thuật). Cả hai tập, cùng chứa đựng những đề tài liên quan đến tuổi trẻ lãng mạn Nhưng cũng hiếm có một người nữ trẻ tuổi lại có những câu thơ tuyệt vọng như:
“... Anh hãy cho tôi thời thơ ấu
Ðẹp hơn những truyền kỳ thần tiên
Bây giờ, ở tuổi mười bảy
Hãy cho tôi nỗi chết...”
Có người đã viết: “Thơ của Marina Tsvetayeva là của cảm tính. Bà mang độc giả vào một thế giới riêng, bàng bạc lời ru, mịt mờ nhân ảnh. Ngôn từ, nhịp điệu như phát xuất từ cung bậc âm thanh nào của hằn dấu tâm thức và được ký âm lại với tính cách của những vang vọng huyền bí của bùa chú linh thiêng... ”
Thơ có phải mang con người đến cơn tỉnh thức sau những chấn động bàng hoàng?
“... Anh truy tìm đời sống thế nào
Anh lo ngại, anh giận dữ
Anh quay cuồng vặn vẹo
Ðứng lên, ngồi xuống
Trị giá có đắt không, hỡi bạn khốn khổ?
Ðổi chác một bất tử tầm thường...”
Ðịnh mệnh của Tsvetayeva là thi ca của những ngày lưu vong. Năm 1922, sau những ngày đẫm máu của nước Nga, bà lưu vong sang Âu Châu. Sống ở Berlin, Prague, Paris, giữa những cư dân bản xứ, bà thấy cô đơn vô hạn. Mười mấy năm sau, 1939, bà trở về Nga và hai năm sau, 1941, tự sát trong vô vọng của một cuộc đời luôn có những đám mây đen mịt mờ bao phủ. Thơ có những nơi chốn hiện diện. Ở Mạc Tư Khoa, viết về Lorelei, về Paris, về đảo ST Helene. Ðến khi ở Paris thì lại nhớ về Kaluga với khói sương sầu muộn của cây hương mộc. Bà ngưỡng mộ Stenka Razim nhưng khi gặp sự sa sút của vóc dáng người mà bà từng trân trọng, bà đã đau khổ từ chối sự thừa nhận của mình. Suốt cuộc đời bà, là một cuộc chiến dai dẳng với chính mình trong sự khốc liệt dữ dội.
Như một nghệ sĩ chân chính, Tsvetayeva ít để ý đến danh vọng cá nhân. Bà đã từng hạ bút: “Ðối với một người Nga chân chính, việc cố gắng đi tìm danh tiếng trong đời sống là một hành động đáng khinh và đầy chất khôi hài...”
Thơ của bà, hình như có sự dụng công để làm phức tạp và khó hiểu hơn ngữ nghĩa. Ðiều ấy dường trái ngược với tính kiêu hãnh và làm trầm lắng đi những xúc cảm bồng bột quá độ. Những bài thơ cô độc, hay chính xác hơn, tự tạo một cái vỏ làm chỗ ẩn náu, mang trên đôi vai cuộc đời trĩu nặng lời nguyền rủa, Ðôi lúc, trong mê cung tự tạo, với giả hình đổi dáng, làm khác biệt với đám đông tầm thường. Thơ, như bọc trong nỗi sầu khổ đau đớn tột cùng.
Sống đời lưu vong, bà thấm thía nhiều điều. Nhưng, vẫn giữ cá tính của lòng kiêu hãnh chủng tộc, bà viết:
“Thi ca nào? Của những người đã có và đã là, không phải là kẻ da màu đen đúa...”
Tập thơ Poema Kontsa (Thơ lúc cuối cùng) là viết về một đời sống lưu lạc, mà, so sánh với kiếp sống ở “ghetto.” Không gian, thời gian của hoang đảo, với đám đông, là cư dân sống chỗ hoang dã rừng rú. Gặm nhấm cô độc, tự tách mình ra khỏi sinh hoạt đời thường, thơ đã biểu hiện những tiếng u uất trầm thống.
Hai mệnh đề được tìm thấy, trong cấu trúc thi ảnh mang tên Tsvetayeva. Nó rõ ràng những tính chất của sự biểu trưng tuyệt đối.
Mệnh đề thứ nhất, viết năm 1916:
“... Một ngày dài với nỗi buồn thảm gợi đến. Ngày dừng lại nỗi thống trị. Khóc than. Giận dữ. Những đồng xu lạnh tanh. Ðôi mắt tôi bất động. In ngọn lửa cháy bùng. Theo dọc đường quên lãng của thủ đô Mạc Tư Khoa mà tôi lái đi có người lê bước khổ nhọc. Những quỵ ngã bên lề phố. Hòn đất đầu tiên rớt xuống quan tài rơi lộp bộp. Rồi thì. Cuối cùng. Tình yêu tự mình thừa nhận từ cơn thiếp ngủ cô quạnh.”
Mệnh đề thứ hai. Viết năm 1920:
“... Tôi viết trên phiến nâu đen đá tảng va trên nhạt nhòa màu sắc của lá. Cũng như trên lòng cát của vực sông hay biển cả. Tôi trượt trên giá băng dài theo mặt kính cửa chớp. Trên đôi tay tôi. Trên thân ngọn cây già. Và, hiểu biết nào rõ rệt hơn tất cả. Trên mây và sóng biển. Tại sao? Tôi muốn tất cả nở rộ trong thơ tôi thế kỷ này... Ngón tay tôi, trang giấy trắng đã lạnh lùng gạch chéo tuổi tên...”
Ðề tài chính của thơ Tsvetayeva là tình yêu, nỗi chết, nghệ thuật và lòng yêu đất nước. Tình yêu là một cuộc quyết đấu chẳng thể nào trốn tránh. Nó là nỗi cam chịu nhọc nhằn pha lẫn nhiều khía cạnh quái lạ: Can đảm, trang nghiêm, khêu gợi, vô tình, tàn nhẫn, vô luân...
Nỗi chết, là một mặc nhiên, không sợ hãi mà cũng chẳng từ khước. Thơ đã làm cho bà có vóc dáng của một người vô tín ngưỡng tinh khôn, của một người Nga thuần chủng. Bà viết:
“... Giống như hơi nước túa ra từ lỗ mội, danh xưng mê tín để gọi cho linh hồn. Của người Thiên Chúa Giáo thiếu máu xanh xao. Hơi nước. Ðặt lá cao dán vào. Chẳng bao giờ có sự hiện hữu. Mà đó là chính thân thể mà cuộc nhân sinh tồn tại... Trong thơ, lòng trân quí nghệ thuật và tình yêu đất nước dường như luôn luôn tương phản và không bao giờ trộn lẫn hòa hợp. Thơ là những niềm căm hận, là những vết thương của những cuộc rời bỏ quê hương...”
Từ Vi Thùy Linh, tự nhiên tôi nghĩ đến Marina Tsvetayeva. Một liên tưởng như một phản xạ mà chính tôi cũng lạ lùng. Tôi không thể so sánh bởi hai người khác nhau, hai cuộc sống khác nhau cũng như tư duy suy luận khác nhau. Chỉ có một lý do, tôi muốn đi tìm những trái cây đã chín trước tuổi, của vô vàn những người thơ trong những bầu trời thi ca riêng. Và, có một kết luận nhỏ nhoi. Thơ chắc cũng có độ chín, dù tự nhiên hay không, và, độ chín ấy có phải là tuổi già, của những điều tự nhiên sẽ hiểu nếu ta vừa đi tới...
|