Sáng sớm thứ Hai đầu tuần tôi quyết định đi Tây Ninh, khảo sát trước những địa điểm mà cô Lục Nồi cho biết là nghèo và cần trợ giúp, theo chương trình phát quà Tết của trang PNV phát động.
Để chuẩn bị cho chuyến đi, ngay từ những ngày thứ 7 và CN tôi đã cố gắng làm cho xong các công việc trong Sở nhằm được nghĩ bù ngày thứ Hai này. Buổi chiều CN về nhà cùng niềm vui mới : Quà Tết của các bạn thân hữu ( cám ơn chị PC, chị HC, chị Tonka, anh Út và cô NA ) gởi về chia cho tôi, anh Kinh Kha, cô HVT và cô Bơ và các bạn khác trong nhóm .
Đêm trước chuyến đi thường thì tôi hơi khó ngủ. Loay hoay chuẩn bị một vài việc như charge pile cho chiếc điện thoại, pile cho máy chụp hình… chuẩn bị sổ sách, áo gió, nón bảo hiểm…cũng đã hơn 11 giờ. Và rồi nằm trằn trọc mãi. Tôi đã quen và rất thích đi xa bằng xe gắn máy dù có thể đi xe hơi cho khoẻ . Cái cảm giác một mình một ngựa phóng vù vù trên đường lộ luôn kích thích tôi. Nhưng lần này hơi khác. Khác vì đi một mình, không có bạn đồng hành. Từ Sài Gòn đi Tây Ninh bằng đường quốc lộ 22 chỉ dài hơn 120 cây số, trên lý thuyết nếu đi với vận tốc trung bình 60 km/giờ bạn chỉ mất 2 tiếng đồng hồ nhưng thực tế không phải vậy, vì chưa tính tới thời gian nghĩ ngơi, cà kê dê ngỗng ở những quán nước ven đường, nơi có những chiếc võng ngả lưng êm ái dễ kéo người ta vào giấc ngủ sau khi no nước dừa trong quán và trò chuyện linh tinh với những cô chủ quán tốt bụng. Thôi thì cho là 3 tiếng đi, trừ hao cho cái vui thích riêng cũng được.
Đồng hồ báo thức lúc 5 giờ vậy mà hơn 6 giờ mới bò ra khỏi gường . Chuẩn bị xong mới biết bỏ mất cái chùm chìa khoá xe ở đâu không biết. Kêu đứa cháu qua kiếm phụ, nhỏ này là đứa cháu thường qua nhà dọn dẹp giùm trong khi tôi đi vắng, kiếm mãi mà chẳng thấy. Cuối cùng nó tìm được chùm chìa khoá ấy nơi … thùng rác trước nhà !. Dạo này chẳng biết đầu óc tôi để ở đâu đâu, chắc là bị treo ngược trên cành cây rồi…
Vì trể nên tôi phải đi vòng về lối Gò Vấp, qua đường Quang Trung hướng về khu chợ Hóc Môn trước khi ra quốc lộ 22, nhằm tránh kẹt xe nếu đi hướng Tân Bình qua ngã bến xe Tây Ninh. Đường Gò Vấp-Hóc Môn dạo này người ta mở đường rất rộng, có chiếc cầu vuợt băng qua khu quân trường Quang Trung ngày xưa. Từ Hóc Môn thẳng tiến về Củ Chi, Tây Ninh… theo quốc lộ 22 đường cũng rộng rãi, có những giải phân cách chia đường nên tôi phóng thật nhanh. Ngày xưa, trên đoạn đường này chú Trung Sĩ tên Cảnh thường chở tôi bằng chiếc xe Jeep lên đơn vị của ba tôi trong những dịp nghĩ hè. Vừa đi vừa nhớ lại những kỷ niệm xưa, vừa nghe nhạc từ chiếc máy nghe nhỏ xíu đeo trước ngực luôn là cái thú đường trường của tôi.
9 giờ đến Gò Dầu, nghĩ chân bên cái quán ven đường, tôi gọi cho cô Lục Nồi . Cô giới thiệu một người bạn của cô, cô Tú Loan ở TN, người sẽ giúp tôi đi tìm hiểu những nơi cần đến. Đường từ Gò Dầu về TN nhỏ và nhiều ổ gà, hơi khó đi . Hai bên đường là những cánh đồng lúa còn xanh, những con cò trắng đậu thành bầy bên mấy con trâu thảnh thơi nhai cỏ. Cái khung cảnh ấy luôn làm tôi say mê, tính ghé lại chụp hình, nhưng tiếc là cái máy chụp Casio của chị VH cho mượn nhỏ quá, zoom hết cỡ vẫn không rõ ràng, mà lại gần thì lũ cò bay mất, tiếc thiệt. Chợt nhớ có lần chị HC nhờ chụp hình cảnh mấy con trâu và luỹ tre, cảnh mấy cô nữ sinh đội nón lá, nhưng hiện giờ cảnh ấy rất khó kiếm, nữ sinh bây giờ đi xe gắn máy, đội nón vãi nhiều màu, điệu đàng đánh mất ngây thơ, luỹ tre ở vùng đông Nam bộ này lại không có, có chăng là những hàng khuynh diệp vàng quanh nhà nông dân, vừa che mát vừ bán được tiền.
10 giờ tôi đến diểm hẹn. Đó là một quán nước gần trường cô Loan học, cách thị xã TN 3 cây số. Cô là một cô gái nhỏ nhắn, rất nhiệt tình. Điểm đầu tiên chúng tôi đến là Trại Cô Nhi thuộc TT Bảo Trợ tỉnh TN. Có tất cả 37 cháu từ 18 tháng tuổi đến 18 tuổi ở trong 3 khu riêng biệt nhưng tất cả đều toát lên vẻ nghèo nàn, ẩm mốc. Giờ này 23 em tuổi từ 12 đến 18 đều đi học và đang lục tục về. Chị Thuỷ, 1 trong 3 cô phụ trách ở đây dẫn tôi đi thăm từng khu. Cái trại này nằm biệt lập trong Toà Thánh TN và không trực thuộc ở đó, chỉ là nơi ăn nhờ ở đậu của các em. Tiêu chuẩn hàng tháng bao gồm tiền ăn, tiền gạo chỉ 100 ngàn ( hơn 7 USD ), riêng 1 em bé 16 tháng tuổi bị bại não là được 150 ngàn/tháng ( gần 10 USD). Điều đặc biệt là các em ở đây đứa nào cũng lễ phép, luôn khoanh tay chào khách, một cử chỉ hiếm hoi với con nít bình thường. Dĩ nhiên là chúng được dạy như thế, nhưng nhìn các em được như thế này và bất chợt bắt gặp những lễ nghi hiếm hoi trong xã hội bây giờ luôn làm ta chạnh lòng. Trong cái phòng riêng nơi 5 đứa nhỏ tuổi từ 1 đến 5, trừ thằng bé bị bại nạo nằm ngủ thiêm thiếp, 4 đứa trẻ còn lại mặt mũi sáng suả, dễ thưong lật đật đứng trong những chiếc nơi bằng tre - ở nơi khác bằng sắt hay inox – khoanh tay chào chúng tôi. Đang là giờ ngủ trưa mà. Nhìn chúng nó dễ thương như vậy mà mất mẹ, cha tôi xúc động vô cùng. Chúng không đáng bị như vậy, những đứa trẻ ấy. Tôi hiểu những mặc cảm mà những đứa như chúng nó và những đứa bạn lớn hơn đang đi học kia thường phải đối mặt khi tiếp xúc với xã hội vốn phức tạp ngoài kia. Nhưng biết làm sao được khi chúng ta cũng chỉ chia xẻ được với chúng những khó khăn trong miếng cơm, manh áo mà không thể nào chia xẻ những mất mát tinh thần chúng đã, đang và sẽ phải gánh chịu !!
Chia tay với trại mồ côi này, chúng tôi đi tìm hiểu thêm về trại nuôi người già và cơ sở nuôi dạy trẻ khiếm thị. Nhưng ở 2 nơi này, tôi vẫn chưa thấy một sự đồng cảm nào đặc biệt. Trại nuôi người già với hơn 20 cụ khá khang trang và sạch sẽ. Có vẻ như nơi đây được tài trợ nhiều. Trường dạy trẻ khiếm thị là nơi có ít em mồ côi hơn, còn lại đa số là các em ở những gia đình đầy đủ gởi vào, chủ yếu để học, học chữ và học những nghề thích hợp. Tôi trình bày quan điểm của mình với cô Loan. Cô nghe xong và thử đề nghị, nếu các AC đã muốn lên đây rồi mà chỉ có ý địng giúp một trại mồ côi như thế thì cũng phí, hay anh thử cùng em đi thăm một xã được cho là nghèo nhất trong tỉnh đi. Nó nằm sát biên giới, cách đây gần 20 cây số. Đến nơi anh sẽ biết. Tôi nghĩ thầm, tại sao lại không đi, cứ đến cho biết, mất mát gì mà ngại.
Ăn trưa vội vàng cùng cô ở một tiệm cơm bình dân xong, chúng tôi hướng về huyện Bến Cầu, gần Xa Mát . Cái xã Long Khánh nằm khuất trong đó. Đường đi ngày càng xấu. Trên đường đi cô kể cho tôi nghe về cái lai lịch của xã này, nơi mà dân chúng đa số thường mang vác hàng lậu vượt biên giới cho các tay buôn từ Kampuchea về VN để kiếm sống nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo vì các công việc ấy chỉ làm theo thời vụ, thu nhập bình quân theo đầu người từ 100 đến 150 ngàn/năm ! Tôi ngạc nhiên về điều này, cứ tưởng cô nói giỡn . Cô chỉ cho tôi thấy những cánh đồng xơ xác ven đường, lý ra mùa này phải là vụ Đông Xuân, lúa non phải mơn mởn nhưng đằng này chỉ thấy trơ đất khô cằn, nứt nẻ. Những mương tưới nước cạn queo, không một chút nước. Miền đông Nam Bộ vốn khắc nghiệt về nước . Không có nước thì không làm ăn gì được nếu có đất ruộng, mà những người này lại không có đất ruộng !. Cái khổ nằm ở đó. Cô kể cho tôi nghe về những đóp góp nho nhỏ của các bạn chung Sở làm của cô cho những gia đình nghèo ở đây. Ba ấp Long Phú, Long Châu và Long Cường với ngót nghét hơn 200 gia đình, trong đó số gia đình thường xuyên nhận cứu đói của xã đã là 57 hộ .
Khi đến nơi, tôi gặp thêm 2 cô bạn cuả cô là cô Quý và cô Nữ . Cô Nữ có làm việc trong Xã nên cái danh sách gia đình nghèo cô biết khá rõ. Chỉ cần đi thăm vài gia đình trong cái danh sách ấy cũng đủ hiểu họ sống như thế nào rồi . Ngay lập tức tôi nảy ra ý định phát quà tết cho các gia đình này trước khi tham khảo ý kiến của các AC . Sẽ không uổng công khi chúng ta làm việc này vì họ quá nghèo, một chục ký gạo và những phần quà bánh trong dịp tết đến cho họ là niềm vui cho họ và cho chúng ta. Họ không thuộc thành phần đặc biệt nào trong xã hội, họ đơn thuần chỉ là những người nghèo, phải nói là quá nghèo là đằng khác . Giúp gì được cho họ trong khả năng hạn chế của mình theo tôi là điều nên làm. Mong các AC cho ý kiến.
Làm một vài việc khác như tham khảo giá gạo, cách thức tổ chức chuyến đi, đường xe cộ lui tới…, đã hơn 3 giờ chiều tôi mới rời TN. Mua vội vàng chục bắp non bán ven đườn ở Trãng Bàng, tôi vội vàng phóng xe một mạch về nhà đã gần 6 giờ tối. Cứ để nguyên áo quần, tôi đánh một giấc đến 9 giờ tối mới trở dậy , tắm rửa, ăn uống qua loa rồi bật máy. Làm hình và viết báo cáo này. Vừa viết vừa nhìn hình mấy đứa nhỏ trong chiếc lồng tre và nhớ lại những gian nhà ọp ẹp ở cái xã ấy, nơi mà tôi không đành lòng lôi chiếc máy ảnh ra chụp.
Xin cám ơn các bạn.