RFI - Thứ ba 07 Tháng Năm 2013
Đặt chân lên Hỏa tinh, một giấc mơ từ nay có thể thành hiện thựcGiám đốc NASA, Charles Bolden : Đưa người lên Hỏa tinh là một ưu tiên của NASA.
Reuters/Michael R. Brown
Thụy MyCác chuyên gia của NASA (Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ) cũng như trong lãnh vực tư nhân từ nay đều có cùng suy nghĩ, đó là một chuyến bay lên sao Hỏa là việc nằm trong tầm tay con người trong hai mươi năm tới, cho dù các thử thách là vô biên.
Một hội nghị ba ngày đồng tổ chức với đại học George Washington nhằm nghiên cứu về khả năng thực hiện và lợi ích của một chuyến viễn du như thế, đã diễn ra vào thứ Hai 06/05/2013 tại Washington. Tham gia hội nghị này có những tên tuổi lớn như Buzz Aldrin - người thứ hai đi bộ trên Mặt Trăng, cũng như các viên chức cao cấp của NASA, kể cả giám đốc của tổ chức này là Charles Bolden.
Việc hành tinh xa xôi này lại thu hút được sự quan tâm trong những tháng gần đây, khiến cho nhiều dự án nghiêm túc về du hành lên sao Hỏa đã được trình làng. Cũng có cả những đề nghị kém phần nghiêm chỉnh hơn, chẳng hạn như một dự án đưa người lên Hỏa tinh nhưng chỉ có mỗi một chiều đi, để tiết kiệm chi phí.
Theo một cuộc điều tra dư luận mới đây do tổ chức phi lợi nhuận Explore Mars và tập đoàn Boeing tiến hành, thì công chúng Mỹ tỏ ra ủng hộ việc gởi các phi hành gia lên sao Hỏa. Có đến 75% trong số 1.101 người được hỏi thuận tình với việc tăng gấp đôi ngân sách hàng năm cho NASA – hiện nay là 17 tỉ đô la – để tài trợ cho các chuyến bay lên Hỏa tinh.
Hiện nay Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ chỉ nhận được số tiền tương đương 0,5% ngân sách liên bang, trong khi tỉ lệ dành cho chương trình Apollo chinh phục Chị Hằng trong thập niên 60 trước đây chiếm đến 4%. Giám đốc NASA, ông Charles Bolden gần đây đã nhắc nhở rằng « phi vụ mang theo người lên Hỏa tinh là một ưu tiên của NASA ».
Trở ngại lớn nhất cho các chương trình như thế là cuộc khủng hoảng ngân sách của Hoa Kỳ - theo như nhận định của Scott Hubbard, giáo sư trường đại học Stanford ở California và từng là người chịu trách nhiệm chương trình thám hiểm sao Hỏa của NASA.
Trong một cuộc trao đổi với AFP, ông dự báo : « Nếu chương trình được tiến hành lúc này, thì có thể đưa được người lên sao Hỏa trong 20 năm tới ». Giáo sư nhấn mạnh : « Bay lên Hỏa tinh không cần phải có phép lạ, nhưng cần có tiền, và một chương trình có thể khắc phục được các thách thức kỹ thuật và công nghệ ». Ông Hubbard không đưa ra ước tính cụ thể về chi phí, nhưng một số cho rằng phải cần đến hàng trăm tỉ đô la.
Theo giáo sư Scott Hubbard, thì một phi vụ mang lên sao Hỏa một khối lượng 30 đến 40 tấn sẽ là một trong những thử thách lớn nhất về kỹ thuật. Khó khăn to lớn khi bay vào khí quyển của Hỏa tinh là một điều mà ai cũng biết. Ông nhắc lại vụ hạ cánh đầy khủng hoảng kéo dài bảy phút của robot Curiosity trên sao Hỏa hồi tháng Tám năm ngoái, trong khi robot này chỉ nặng có một tấn, và là bộ máy nặng nhất từ trước đến nay đáp xuống được một hành tinh khác. Do vậy, trước khi đưa phi hành gia lên hành tinh đỏ, cần phải có những phi vụ do robot thực hiện, để chắc rằng hệ thống có thể hoạt động được.
Về việc phóng phi thuyền, NASA tiếp tục phát triển một hỏa tiễn phản lực hạng nặng (SLS) và buồng du hành Orion, dành cho các phi vụ thám hiểm không gian xa xôi có người điều khiển. Tuy nhiên giáo sư Scott Hubbard ước tính một động cơ nguyên tử sẽ là chọn lựa tốt nhất, cần được triển khai trong thời gian tới, vì đảm bảo được lực đẩy ổn định, rút ngắn được phân nửa thời gian của cuộc hành trình từ 6 đến 9 tháng.
Khoảng cách giữa Địa cầu và Hỏa tinh thay đổi từ 56 đến 400 triệu km, tùy theo vị trí của hai hành tinh. Ngoài các trở ngại về kỹ thuật, các tác động tiêu cực lên cơ thể con người khi du hành lâu ngày trong không gian vẫn chưa được biết hết, đặc biệt là bức xạ vũ trụ.
Stephen Davison, viên chức NASA chịu trách nhiệm về chương trình sinh học không gian ở Trung tâm Không gian Johnson tại Houston, nơi có trung tâm huấn luyện các phi hành gia, giải thích với AFP : « Bức xạ trong không gian cùng với nguy cơ tăng cao về ung thư, chắc chắn là một mối nguy cho phi hành đoàn mà chúng ta cần phải hiểu biết nhiều hơn ».
Ngoài các tia bức xạ, các tác động của vi trọng lực lên áp suất trong hộp sọ có thể là nguyên nhân của các vấn đề ít nhiều nghiêm trọng về thị giác - được quan sát nơi các phi hành gia trong các tàu con thoi (ISS). Ngược lại, hiện tượng lượng xương và cơ bị mất đi trong tình trạng phi trọng lực được hạn chế.
Cuối cùng, theo Stephen Davison, khó khăn lớn thứ ba là tình trạng tâm lý của các phi hành gia bị cô lập, phải sống bó buộc một thời kỳ dài trong một không gian chật hẹp. Theo ông, « cần phải nghiên cứu các tác động sinh học và tâm lý của các nhà du hành vũ trụ trong ít nhất mười năm » tại các tàu con thoi, trước khi tiến hành một chuyến bay lên sao Hỏa.