Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung
Đào Ngọc Du
đăng ngày 26/02/2013
QĐND - Ở quê hương người ta gọi bà bằng cái tên nôm na, dân dã truyền đời là cô cá Ngừ, hoặc thăng hoa, thì thành bà Chúa Ngừ. Rất đơn giản, bởi mọi người đều biết từ bảy tám trăm năm nay, bà là người - ngay khi mới và còn là một cô gái làng đã được cha đẻ và cậu ruột giao cho việc lập ra và trông coi một ấp nhỏ trong miền ven biển chài cá này. Chính là làng cá Ngừ (Phù Ngự) bây giờ!
Từ cô gái khai cơ cho một làng quê, trở thành bà Hoàng khai quốc cho một Vương triều, đó là cả một chuỗi thi triển giữa sóng gió nắng mưa, thời thế của bốn chữ phẩm hạnh tuyệt vời “Đức - Trí - Uyên - Tuyền” được viết cao trên bức đại tự tại đền thờ Bà Chúa Ngừ, mà người phụ nữ, với tên thực trong chính sử chỉ hai chữ Trần Thị, đã rèn tạo và có được - Chính là Trần Thị Dung mà ngày nay ta vẫn gọi.
Cùng với cái tên chính thức là Trần Thị được ghi tắt gọn trong lịch sử như thế, sử sách xưa cũng chỉ vài lần ghi chép về bà trong đôi ba dòng biên niên, ở vào thời gian từ các năm 1209, 1210… cho đến năm 1258-1259 mà thôi. Nhưng ở quê hương làng Ngừ (Phù Ngự) và rộng ra là cả vùng Long Hưng (Hưng Hà), thì vô cùng phong phú mà cộng thêm vào đầy đủ các phương diện sự tích về bà, cũng giống cuộc đời của các bậc nữ lưu kỳ tài trong lịch sử là những giai thoại về đời sống tình ái của bà.
Lăng mộ Linh Từ quốc mẫu ở quê hương Phù Ngự (Thái Bình).
Chuyện kể rằng: Cô cá Ngừ được sinh ra từ cuộc hôn nhân để liên kết thế lực giữa hai họ Trần - chài cá và họ Tô - quan viên ở trong miền, mà Trần Lý (tức: Ông cá Chép - tên gọi dân gian), khi lấy được người con gái nhà họ Tô, thì cũng có ngay được người em vợ là Tô Trung Tự làm cộng sự, để cùng nhau chăm sóc vun vén cho thế hệ kế nghiệp, mà ngoài cô cá Ngừ là con gái, thì cũng còn có cả người anh trai của cô là Trần Thừa (tên gọi dân gian - vẫn theo “truyền thống” lấy tên cá làm tên người - gọi là “ông cá Dưa”).
Trong khi “ông cá Chép” Trần Lý sinh hạ được “ông cá Dưa” Trần Thừa và cô con gái “cô cá Ngừ” Trần Thị, thì người em trai của Trần Lý là Trần Hoằng Nghị cũng sinh con đẻ cái, mà nổi lên giữa đám trẻ, thì chính là Trần Thủ Độ.
Theo phong tục của một dòng họ vốn chuyên nghề chài cá miền ven biển từ rất lâu đời, đôi gái đảm trai tài chị em con bác con chú Trần Thị và Trần Thủ Độ tuổi trăng tròn lẻ, có thể và đã thật sự yêu nhau thắm thiết. Nhưng, bất ngờ, vào tháng 7 năm 1209, kinh thành Thăng Long có loạn Quách Bốc. Hoàng Thái tử triều Lý mạt, húy là Sảm, thế nào mà lại chạy loạn khỏi Thăng Long, lần đường về miền ven biển, tìm đến vùng đất của họ Trần mà nương nhờ! Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” chép gọn: “Hoàng Thái tử Sảm thấy con gái của Trần Lý có nhan sắc, bèn lấy làm vợ, trao cho Trần Lý tước Minh tự, phong cho cậu người con gái ấy là Tô Trung Tự làm Điện tiền chỉ huy sứ”.
Cuộc đổi đời quá nhanh và quá lớn! Trần Thị, ở khúc ngoặt cuộc đời từ đây, bắt đầu gánh vác một sứ mạng vô cùng trọng đại: vừa làm mặt trăng, sánh cùng mặt trời trên bầu trời nước Đại Việt cuối thời Vương triều nhà Lý, lại vừa mở đường cho dòng họ Trần của mình, thâm nhập vào guồng máy chính sự, sát gần quanh chiếc ngai vàng quyền lực, để rồi sẽ chiếm giành lấy chính báu vật tối thượng ấy! Và dĩ nhiên là phải “quên đi” mối tình thời son trẻ ở quê nhà, mà chung sống cùng vị Hoàng đế cuối cùng của vương triều: Lý gia đệ bát đế - Huệ Tông.
Thiên tình sử cực kỳ éo le, chen trộn cùng biết bao chuyện thâm cung bí sử hết sức phức tạp, thậm chí hiểm nghèo đến mức mất mạng như chơi! 16 năm chèo chống cùng một lúc con thuyền tình nhỏ bé đớn đau và chiếc thuyền rồng quốc gia đại sự, cuộc sống và công việc của Trần Thị từ năm 16 tuổi đến năm 32 tuổi, đáng là và cần cả nghìn trang vạn lời Trường ca sử thi hoặc Trường thiên tiểu thuyết để mô tả chép ghi. Nhưng nhất là vào tháng 8 năm 1226, đang vừa là Hoàng hậu cư tang Lý gia đệ bát đế, Thái hậu của Nữ hoàng Chiêu Thánh mới nhường ngôi, lại vừa là Hoàng cô của đương kim Hoàng đế Trần Cảnh, người đàn bà họ Trần này, ở độ tuổi 33 đã giũ bỏ tất cả, để chỉ cần được trở về sống thiết tha nhưng đơn sơ trong vai người vợ đích thực và mãi mãi của người tình xa: Trần Thủ Độ, thì đây chính là lúc mà bao nhiêu chuyện kể và lời bình cũng không đủ!
Nhưng nếu cứ đắm đuối vào đây, thì rõ ràng là đã nhãng mất nét đẹp đẽ nhất trong nhân cách và tài năng, cả công tích và sự nghiệp lớn lao nhất nữa, mà chỉ đến năm 1258, đã ở vào độ tuổi lão bà, ngoại lục tuần, Trần Thị mới trổ ra và tạc vào lịch sử dân tộc thời bừng bừng “Hào khí Đông A” kháng chiến chống giặc Nguyên Mông lần thứ nhất.
Bấy giờ là lúc mà trước sức tấn công ào ạt của quân thù, triều đình nhà Trần phải bỏ Kinh đô Thăng Long, làm cuộc “rút lui chiến lược” về mạn Nam, để rồi sẽ dồn sức ngược lên đánh trận “quyết chiến chiến lược” Đông Bộ Đầu, cả phá giặc xâm lược; Hai phần công việc trọng đại lúc này là đưa toàn bộ triều đình về nơi lánh giặc an toàn và chuẩn bị lực lượng để lại phản công. Cả hai sự nghiệp đó
Trần Thị là người đứng ra cáng đáng và làm tròn ở ngay chính quê hương bà.
Người phụ nữ họ Trần này, với bốn chữ “Đức - Trí - Uyên - Tuyền” làm nên phẩm chất kỳ diệu của một cuộc đời công tư đều đầy sóng gió lớn lao, vào lúc cuối đời, quốc gia hữu sự, đã đưa cả triều đình và sự nghiệp nhà Trần mà bà từng góp đôi bàn tay thiếu nữ một thời vào cuộc sáng nghiệp, bây giờ lại trở về đúng nơi mà từ đấy, mấy chục năm trước đã ra đi, dấn thân xây dựng cơ đồ nhà Trần trong vai Hoàng hậu nhà Lý.
Công lao một lần nữa vẹn tròn sự nghiệp phù giúp non sông xã tắc đời Trần của Trần Thị, cuối cùng đã đem đến cho bà danh hiệu và tước vị xứng đáng, cao quý và đẹp đẽ nhất: Linh Từ Quốc mẫu!
Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” chép: “Hoàng đế Trần Thái Tông (chính là chú bé Trần Cảnh, ngày nào còn là con trai nhỏ của “ông cá Dưa” Trần Thừa - anh trai của Trần Thị - vì thế còn có tên dân gian vùng đất phát tích - dấy nghiệp của nhà Trần gọi là “chú bé cá Lành Canh” và cũng vì thế, là cháu gọi bà bằng cô ruột, cũng còn chính là con rể của bà, vì trước sau, lần lượt làm chồng của cả hai con gái của bà: Chiêu Thánh và Thuận Thiên) thấy Trần Thị đã từng làm Hoàng hậu của Lý Huệ Tông, cho nên phong bà làm Quốc mẫu - cũng là biệt danh của Hoàng hậu, xe kiệu, mũ áo, quân hầu của bà, đều ngang với Hoàng hậu”.
Người phụ nữ họ Trần, Linh diệu và Từ thục, hai lần là Hoàng hậu của hai vương triều này, còn và vẫn là người hằng gắn bó, thậm chí sống chết với quê hương.
Một năm sau ngày đại thắng quân xâm lược Nguyên Mông lần thứ nhất, vào tháng Giêng, mùa xuân năm Kỷ Mùi (1259), Linh Từ Quốc Mẫu qua đời ở tuổi 66. Theo nguyện vọng trước lúc mất của bà, Quốc mẫu được đưa từ Thăng Long trở về Làng Ngừ (Phù Ngự). Và ở lại đây, cho đến tận bây giờ, tại Lăng Bà Chúa Ngừ - phần xác, còn phần hồn thì chính vị tại nơi linh thiêng, quanh năm thơm ngát khói hương thờ phụng bà: Ngôi đền Ngừ - thuộc Hưng Hà - Thái Bình ngày nay.
ĐÀO NGỌC DU