Cám ơn anh Chín nhiều nhiều!
oOo
ngày...
Nghe mẹ kể chuyện ở VN mà tôi thương em quá. Tôi cứ gọi những điều... không như ý của mình là nỗi đau (tại tôi thích viết nên phải cường điệu hóa lên như vậy qua ngòi bút), chứ nếu đem so sánh với nỗi đau hiện giờ mà em đang gánh chịu thì "nỗi đau" của tôi chỉ là một chút gió, một chút mưa để tôi trau chuốc cho câu thơ thêm mượt mà, cho lời văn thêm cảm động. "Nỗi đau" của tôi không thực, còn nỗi đau của em, liệu em có thể nguôi quên để đứng lên đi tiếp những tháng ngày còn lại rất dài, liệu em có thể nguôi quên để trở lại làm một cô gái nhỏ hiền ngoan vui vẻ như xưa? Tôi cầu xin cho em thêm nhiều nghị lực, dù bất cứ giá nào cũng đừng gục ngã nhé em!
Tình trong nhân thế là cái... chi chi mà lại khiến người ta đau buồn đến vậy? Tôi sẽ không đem chuyện của em ra để làm đề tài cho bài viết của mình, cũng chẳng đem bán rao cho người ngòai public, tôi sẽ lặng thầm chia sẽ cùng em, như một người chị mà xưa nay tôi vẫn làm.
Nói thế, tôi lại càng thêm thẹn, tôi mang tiếng làm chị nhưng có chở che, giúp đở gì được cho em đâu. Từ những ngày còn tấm bé, mình đã có diễm phúc được ở kề cận nhau trong mái nhà của ngọai. Sau giải phóng, mẹ tôi nghèo, ba tôi bị tù đày vạn dặm, em sinh ra trong hoàn cảnh hết sức khó khăn. Thuở ấy, nồi cơm trong gia đình độn nhiều khoai, sắn. Lớn thêm một chút, tôi phải theo mẹ qua nhà hàng xóm hái rau Cải Trời về chấm nước tương. Sữa cho em thỉnh thoảng cũng được mẹ em thay thế bằng nước cháo mặc dù lúc đó mẹ em làm ăn khấm khá hơn mẹ tôi.
Thời gian thấm thóat trôi qua, chúng mình cũng lớn dần. Tôi học lớp chín rồi mà ốm như cây sậy, bây giờ nhìn lại tấm hình chụp lúc đó, tôi cứ ngỡ mình là một... thổ dân Phi Châu nào đó chứ! Vậy mà chúng mình lúc đó vẫn là những đứa con ngoan, trò giỏi của gia đình và nhà trường phải không em? Em nhỏ hơn tôi những bốn tuổi, khi tôi học lớp chín thì em mới vừa học lớp năm thôi. Khi tôi chuyển sang trường tỉnh thì em mới bắt đầu lên lớp sáu... Rồi từ đó mình sống xa nhau.
BT qua TG phải cách một chuyến phà. Tôi vẫn thường về nhà ngọai luôn. Còn em mỗi dịp lễ tết hay nghỉ hè đều đến ở với gia đình chúng tôi. Lúc đó ba tôi đi cải tạo về đã được mấy năm và cuộc sống gia đình tôi cũng khá giả hơn xưa. Dù vậy, căn nhà ở phố chật hẹp quá nên mấy chị em bỏ trống cái giường, kéo nhau xuống đất mà nằm. Em nhớ không? Chị cả, tôi, em và em gái của em năm '90 còn giăng mùng nằm dưới đất coi bóng đá, lần đó Maradona thua trận và đã có những giọt nước mắt. Tôi vốn có cảm tình với Maradona nên cũng suýt soa tiếc rẻ. Rồi từ đó, tôi không ham xem bóng đá nữa. Mà bây giờ ở Mỹ, bóng đá không phải là môn thể thao chính. Người ta mê football hơn, chỉ mê xem thì không nói gì, mê cá độ là tan nhà nát cửa, nợ nần bũa vây, nghiêm trọng hơn lại là kéo... xã hội đen đến thanh toán nếu chung tiền không sòng phẳng. Cuộc đời lắm nhiêu khê em à, nó không đơn giản như chị em mình từng suy nghĩ đâu.
Cũng chính vì cuộc đời lắm nhiêu khê nên tôi từ một con bé nhút nhát, chẳng dám cãi ai, chẳng dám tự mình quyết định một điều gì bỗng dưng... bạo dạn hẳn lên. Bây giờ, dù có đi tám hướng bốn phương tôi cũng không còn sợ lạc. Bây giờ, dù có chui vào hang hùm ổ rắn tôi cũng vẫn dám làm. Nói thế, không có nghĩa là tôi không còn vẻ thuần túy, tốt đẹp của một cô gái Việt Nam đâu, em đừng lo, nhưng tôi đã có thể tự mình đứng vững vàng trong cuộc sống, dù cho cuộc sống ấy có ba đào chuyển động như thế nào đi nữa. Còn em, em thì sao?
Em cũng đã tự lực cánh sinh từ lâu lắm rồi, từ những ngày sau trung học ấy. Ước mộng được lên thành phố học đại học đã được em biến thành sự thật. Ở quê mình, mấy người thi đỗ đại học và cơ hội học cao đâu. Cái khó nó cứ bó cái khôn mãi không thôi! Vậy mà em đã làm được. Em vừa đi học vừa đi làm, thiếu hụt thì mượn thêm tiền của người chị họ tốt bụng. Em không xin tiền ba mẹ em đúng như lời hứa "Con lên Sài Gòn học sẽ tự lo cho mình, con chỉ xin ba mẹ vui lòng chấp nhận để con đi!". Còn tôi, mang tiếng ở Mỹ nhưng tôi cũng vừa đi học, vừa đi làm. Lúc đó tôi còn nghèo lắm, chẳng dư dã gì, tiền học tôi cũng phải vay của nhà nước nữa! Nên khi em gởi thơ qua xin cái computer, rồi xin cái xe gắn máy để đi làm tiếp thị (mà những thứ em cần lúc đó thật mắc mỏ, không dễ dàng mua sắm như bây giờ), gia đình tôi đành phải ngậm ngùi từ khất. Chúng tôi có giúp đở em đấy nhưng kể ra chẳng đáng là bao. Cuối cùng, em cũng vượt qua khó khăn, tôi cũng vượt qua hết trở ngại. Tôi ra trường, đi làm được khá nhiều tiền, lúc bấy giờ tôi có thể giúp em thì em đã tự có thể đứng vững bằng đôi chân của mình rồi. Vài năm sau, em cũng ra trường, và mãi đến bây giờ em vẫn còn ham học lắm. Tôi nghe em kể em học đủ thứ thấy mà ham. Còn tôi, cũng chẳng nhất nghệ tinh nhất thân vinh gì cả, nay làm việc này, mai đổi việc khác. Thời buổi này khó khăn quá, phải tùy theo hoàn cảnh. Cũng chính vì vậy mà tôi mới nói tôi từ một cô bé nhút nhát chỉ biết làm việc ở văn phòng, bây giờ phải ra chợ đời gánh vác mọi điều không như ý... Tôi vẫn tin một ngày mai tôi có thể làm được điều tôi yêu thích và mong muốn, em cũng vậy nha!
Em thương, chuyện không vui của em dù sao cũng đã xảy ra rồi. Tình không trọn vẹn có phải là tình trăm năm như mấy nhà thi sĩ nói không, tôi không biết. Với em, tôi chỉ mong cuộc tình đó chóng phôi pha để em quên và tiếp tục sống một cách vui vẻ vì đời em còn dài lắm, một tương lai tươi sáng hơn đang đợi chờ em phía trước. Em thương, đừng đọc thơ... rên (giống thơ tôi viết!), đừng nghe nhạc buồn, đừng dại khờ đi tìm lại những kỷ niệm xưa để thêm đau lòng. Quên hẳn đi, "người trăm năm" của em vẫn chờ em đâu đó, nếu em chịu bước tới, dĩ nhiên em sẽ gặp. Còn người hôm qua, em hãy xem như một... tờ giấy nháp. Dù ai phụ ai, đừng oán hận, oán hận chỉ làm lòng em thêm nặng, oán hận chỉ làm tâm tư em héo mòn. Nói thì dễ, làm mới khó làm sao nhưng tôi tin với một cô bé trắng trong, dễ thương và nhiều nghị lực như em em sẽ làm được. Trời không bạc đãi kẻ hiền tài, em hãy tin dùm tôi điều đó, như tôi đã từng tin để những bước lao đao không vấp ngã, để khi vấp ngã tôi vẫn gượng đứng lên và... oai hùng đi tiếp...
Còn bây giờ, bờ vai tôi đây này, nó không còn gầy guộc như năm tôi học lớp chín nữa nên em tha hồ gục vào đó mà khóc, nước mắt sẽ làm trôi hết nỗi buồn. Và khi tôi kết thúc những dòng này, tôi sẽ... cùng khóc với em... chỉ xin em đừng hỏi tôi:
Nếu nói rằng thương, sao đành
Sao đành phụ nghĩa ái ân
Nếu nói rằng yêu, sao đành
Sao đành mưa bụi tan nhanh
vì ngay cả chính tôi cũng khó tìm cho mình được một câu trả lời đích thực, thế mới gọi là đời. Mà bắt đầu chào đời thì... con người đã cất tiếng khóc thật to rồi, phải không em?