Rank: Advanced Member
Groups: Moderator, Registered Joined: 6/24/2012(UTC) Posts: 5,668 Points: 25 Was thanked: 4 time(s) in 4 post(s)
|
Nữ sĩ Tôn Nữ Hỷ Khương: Lợi danh như bóng mây chìm nổi...
Nguyễn Tý
Ngôi nhà của "quận chúa" nằm trong con hẻm Lê Văn Sỹ, Tp HCM gợi nhớ đến Hương Bình Thi Xã của cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị ở Huế. Hằng ngày Thùy Khương trang rộng cửa chào đón nhiều tao nhân mặc khách. Họ đến vì sự ngưỡng mộ cũng có, vì tình yêu thơ cũng có và hơn hết họ đến vì tấm lòng của nữ sĩ út trong nhóm Quỳnh Dao - nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương.
Tri kỷ với cha
Hình ảnh người cha thân thương đã được nữ sĩ ghi lại qua cuốn "Hồi ức về cha tôi Ưng Bình Thúc Giạ Thị" đã xuất bản năm 1996 và tái bản năm 2002. Nữ sĩ đã học cách sống giản dị đời thường của cha (mà bà gọi cha mình vừa là Thầy vừa là Bạn), tuy là một vị quan, sau khi về hưu vẫn sống đời đạm bạc. Ngoài nuôi dạy con, cụ còn dạy làm thơ, dạy về cách đối nhân xử thế. Hình ảnh, nhân cách sống của cụ luôn ghi đậm trong tâm trí "quận chúa" Hỷ Khương: "Lời xưa di huấn thời son trẻ/ Con vẫn mang theo suốt cuộc đời". Đó là "Hãy sống vị tha và đừng vị kỷ".
Cụ khuyên dạy việc học của các con:
Chớ ỷ giàu sang, chớ thị quyền, Học hành con phải gắng cho chuyên. Hiếu trung hai chữ ngàn thu rạng, Sẵn tấm gương soi đạo Thánh Hiền.
Nữ sĩ Mộng Tuyết cho rằng, Hỷ Khương có phước khi được cha mình xem như tri kỷ. Cách đây 45 năm - năm 1966, trong bài "Dòng Hương Giang nước vẫn trong", bà viết: "Trong lịch sử văn học của mỗi nước thường ghi những mối tình tri âm tri kỷ giữa hai người bạn, giữa cặp bạn đời, giữa hai nhà thơ, văn đồng điệu, mà hình như hiếm có mối tình thắm thiết tri âm, tri kỷ giữa hai cha con: một già đã ngoài 80, một trẻ chừng độ trăng tròn:
Cha con ta là đôi tri kỷ, Chung bóng chung hình giữa nước non.
Tôi muốn nhắc tới cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị, vị Quốc lão đại thần vương tôn triều Nguyễn, thi bá đất Thần kinh (tác giả bài thơ "Chiều chiều trước bến Văn Lâu") và cô con gái út "Quận chúa Công Tằng Tôn Nữ Hỷ Khương nữ sĩ"… đã lớn lên trong cái nôi văn học thi ca, câu hò giọng hát thấm đẫm không khí vương giả cung đình, mà vẫn giữ được truyền thống đạo cao đức trọng của gia tộc cành vàng lá ngọc, mà vẫn giữ được cốt cách chừng mực khiêm cung hòa nhã… Hỷ Khương còn là người thư ký tốt, thay cha mà thư từ qua lại với các bạn làng văn làng thơ… ngoài việc làm thơ, đọc thơ, ngâm vịnh, người con hiếu thảo ấy còn ca ngâm những tác phẩm văn thơ của Ưng Bình Thúc Giạ Thị mới sáng tác để cụ thẩm định lại cái hay, cái đẹp của áng thi ca mà cụ vừa hoàn thành… Tôi cảm nhận được hết những tình cảm thiêng liêng của người con chí hiếu thương nhớ người cha "tri kỷ" suốt cả cuộc đời người không có sự gì làm cho phai nhạt được".
Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu đã làm hai câu đối tặng nữ sĩ Hỷ Khương:
Ngự Lĩnh Hương Giang đồng báo Hỷ Ngọc Đường Kim Mã xuất giai Khương
Giáo sư đã giải nghĩa câu đối thứ nhất: "Tôi nghĩ đến ngày ra đời của Tôn Nữ Hỷ Khương là ngày đem lại niềm vui vô hạn cho cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị, một danh nhân văn hóa của đất nước. Ngày ấy núi Ngự và sông Hương như cùng bừng dậy để báo tin vui về từ Ngọc Đường Kim Mã của cụ đã ra đời một cô gái đẹp, đúng như cổ nhân có câu: Tự nhiên Giáng Khương".
Kỷ niệm về bài thơ đầu tay
Thi sĩ Vũ Hoàng Chương có hai câu thơ "Ngai vàng chót vót năm đời trước/Tiếng ngọc bâng khuâng một kiếp này". Ông chỉ nghe nữ sĩ ngâm thơ vào năm 1964 mà nhớ đến một vương triều và thi sĩ đã tính từ đời vua Minh Mạng đến Hỷ Khương là năm đời (Minh Mạng, 1791-1841; Tuy Lý Vương, 1820-1897; Tiểu Thảo Hồng Thiết, 1848-1937; Ưng Bình Thúc Giạ Thị, 1877-1961 và Tôn Nữ Hỷ Khương - sinh năm 1937). Một dòng tộc làm thơ nổi tiếng đến năm đời quả là hiếm có trong lịch sử triều Nguyễn và lịch sử văn học Việt Nam. Ngay cả vua Tự Đức đã đánh giá: "Thi đáo Tùng, Tuy thất thịnh Đường" (Tùng là Tùng Thiện Vương, anh ruột Tuy Lý Vương và là con thứ 10 của Minh Mạng; Tuy là Tuy Lý Vương - cố nội của nữ sĩ Hỷ Khương).
Tôn Nữ Hỷ Khương đã in tám tập thơ. Thơ của bà đi vào lòng người bởi nó gần gũi với ca dao, dân ca… từ truyền thống gia đình, nhất là ảnh hưởng từ người cha. Kỷ niệm về bài thơ đầu đời trong nghiệp làm thơ, nữ sĩ tâm sự: "Trong gia đình, thầy tôi đều dạy cho tất cả các con (năm trai, hai gái - NT) làm thơ từ bé. Nhờ vậy, các anh chị em tôi, người nào cũng biết làm thơ. Tôi là con út, nên thuở nhỏ lúc còn sáu, bảy tuổi, thấy các anh chị làm thơ thì rất mê và phục lắm. Khi tôi lên tám tuổi, thầy tôi bắt đầu dạy cho làm thơ, giảng giải cho biết thế nào là niêm, luật, trắc, bằng v.v… Và thể thơ đầu tiên thầy tôi dạy là thơ tứ tuyệt, gồm 4 câu, 7 chữ, 3 vần. Sau đó mới lần lên đến thơ Đường luật 8 câu, 7 chữ, 5 vần.
Một hôm, cô tôi là Công Tôn Nữ Diệu Phẩm (tức bà Phạm Khắc Hòe) đến thăm thầy mẹ tôi. Cô có đem quà tặng gia đình một gói quà bọc ngoài bằng thứ giấy màu ngà. Tôi cứ xum xoe, tò mò, ngắm nghía, hồi hộp, thích thú, đợi chờ… Lúc cô Phẩm ra về, thầy tôi cho mở gói quà ra, thì thấy những củ khoai tây màu vàng rất đẹp. Riêng tôi lại hơi buồn và thất vọng. Thầy tôi chắc chắn đoán được ý tôi, nên ra ngay một đề tài bảo tôi làm thơ theo thể tứ tuyệt mà Người vừa dạy: "Gói quà cô Phẩm tặng". Một lát sau tôi làm được 4 câu thơ như thế này: "Cô Phẩm đem cho một gói này/ Mở ra thì thấy cả khoai tây/ Rứa mà em tưởng là phong bánh/ Em chạy loanh quanh mét với thầy".
Thầy tôi cười rất vui, xoa đầu tôi khen giỏi và thưởng ngay cho tôi một cái bánh ngọt. Đó là bài thơ đầu tiên trong cuộc đời thi nghiệp của tôi. Tôi làm sao có thể quên được".
Giai thoại quanh bài thơ "Còn gặp nhau"
Viên đá được đặt trang trọng trong nhà khắc hai câu thơ "Lợi danh như bóng mây chìm nổi/ Chỉ có tình thương để lại đời" từ năm 2004 đến nay hễ ai đến Thùy Khương trang (ghép tên chồng - Trần Bá Thùy và Tôn Nữ Hỷ Khương - NT) thì ông chủ, phu quân của nữ sĩ đều chụp ảnh kỷ niệm. Đến nay đã gần 500 người với gần 1.000 bức ảnh.
Xung quanh viên đá khắc hai câu thơ cũng có nhiều điều thú vị. Một người yêu thơ vô tình bắt gặp họ khắc thơ vào viên đá bán mỗi viên 200 đôla đã gọi báo tin cho nữ sĩ biết. Ngày mồng 4 Tết, tình cờ nữ sĩ cùng một số người bạn sang quận 7 làm 49 ngày mất ni sư Trí Hải, khi đi về ngang Công viên Tao Đàn ghé vào, họ biết mặt nữ sĩ và xin tặng viên đá. Có lẽ ni sư phò hộ cho bà.
Thơ của nữ sĩ Hỷ Khương đã nằm lòng nhiều người nên có một số người lợi dụng để in lịch, khắc đá bán mà không đề tên tác giả cũng như không xin phép. Lịch block Tân Mão 2011 năm nay cũng có tờ in hầu hết là thơ của nữ sĩ. Người anh họ đọc và biết thơ của em nên gởi vào tặng. "Họ không xin phép nhưng "đại vui" rồi. Công ty An Hảo trước đây vào năm 2008 có xin phép và gởi một số tiền nhưng sau đó họ cứ làm, không xin phép, không đề tên tôi, chỉ đề tên người viết thư pháp. Trước đó, nhà văn Tô Nhuận Vỹ ở Huế cũng cho biết thơ tôi in lịch. Anh nghe tôi nói họ không xin phép. Anh bảo để anh viết bài phê phán nhưng tôi ngăn. Bởi họ lấy thơ mình phổ biến là vui rồi. Một đời thơ mà có một bài thơ đi vào dân gian là quý lắm rồi, hơi mô mà kiện với tụng (bà cười độ lượng). Một số bạn bè góp ý với tôi là nối giáo cho giặc, hiền quá hóa… ngu nhưng tôi không buồn, tôi chỉ biết đến Phật. Trong đời tôi trải nghiệm để con cháu nghe. Một là không tham; hai là không hơn thua ai (đi kiện bản quyền) để cuối cùng sẽ được và được rất nhiều. Chuyện đời như áng mây bay" - Nữ sĩ tâm sự.
Trong bài "Hiện tượng thơ Tôn Nữ Hỷ Khương", nhà văn Hà Văn Thùy cung cấp chi tiết: "Ông Mai Chí Thọ, một vị Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Công an, Ủy viên Bộ Chính trị đương thời trong một bức thư gởi cho Quốc hội ngày 16/11/2006, đăng báo Người Đại Biểu Nhân Dân, có đoạn: "Với niềm cảm xúc và niềm tự hào dân tộc trào dâng, không thể kìm chế được, tôi xin nêu thêm mấy dòng thơ của Tôn Nữ Hỷ Khương, nhà thơ nữ đương thời mô tả nét cao đẹp của nền văn hóa đạo đức Việt Nam bằng những lời thơ tuyệt vời, khó có thể đôn hậu và nhân văn hơn thế nữa:
Sống trên đời gắng giữ trọn chữ Tâm. Và nhất niệm báo ân đừng báo oán.
Còn gặp nhau thì hãy cứ vui, Chuyện đời như nước chảy hoa trôi,
Lợi danh như bóng mây chìm nổi. Chỉ có tình thương để lại đời.
Còn gặp nhau thì hãy cứ thương, Tình người muôn thuở vẫn còn vương.
Chắt chiu một chút tình thương ấy, Gửi khắp muôn phương, vạn nẻo đường".
Bài thơ "Còn gặp nhau" hiện đã được gần chục nhạc sĩ phổ nhạc. Trong đó, nhạc sĩ, bác sĩ Võ Tá Hân là người phổ toàn bộ bài, ông cho biết: "Thơ Hỷ Khương đã là một bản nhạc vì âm điệu đã có sẵn nên rất dễ phổ và dễ lấy trọn bài, không thể bỏ một chữ nào được".
Được biết, năm 2010, NXB Văn hóa Sài Gòn cùng Công ty Văn hóa Hương Trang đã in tập "Khúc tri âm" là tập thơ, ảnh, xướng họa gồm 167 bài viết do bằng hữu và độc giả viết để tặng "Quận chúa" Tôn Nữ Hỷ Khương.
Nguồn: vnca.cand.com.vn
|