Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

Vai trò phụ nữ trong ngành truyền thông
viethoaiphuong
#1 Posted : Monday, May 9, 2011 4:00:00 PM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,291
Points: 11,028

Thanks: 758 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

Vai trò phụ nữ trong ngành truyền thông


Việt Hà, phóng viên RFA
2011-05-10

Một nghiên cứu gần đây về vai trò của phụ nữ trong ngành truyền thông báo chí quốc tế cho thấy phụ nữ chỉ chiếm 30% trong đội ngũ những người làm báo chí chuyên nghiệp toàn cầu.


AFP photo
Ảnh minh họa các nhà báo đang săn tin và ảnh, đa số là đàn ông.

Trong khi đó, nam giới cũng nắm đến ¾ các vị trí lãnh đạo trung và cao cấp tại các công ty truyền thông lớn nhỏ. Những người làm nghiên cứu này cho rằng phụ nữ cần phải đóng vai trò tích cực hơn trong ngành truyền thông báo chí hiện đại.
Trong tạp chí phụ nữ tuần này, Việt Hà phỏng vấn bà Liza Gross, Giám đốc điều hành Quỹ truyền thông phụ nữ quốc tế, một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Mỹ, về nghiên cứu này và những nhận định về vai trò của phụ nữ trong ngành báo chí.

Đàn ông chiếm đa số

Việt Hà: Thưa bà, trước hết xin bà cho biết mục đích của điều tra về phụ nữ trong ngành truyền thông lần này là gì?
Liza Gross: Mục đích của báo cáo là để tìm hiểu xem người phụ nữ nằm đâu trong công nghiệp truyền thông hiện nay, không phải là về vấn đề hình ảnh người phụ nữ được nêu trên báo chí ra sao và mức độ như thế nào vì đã có khá nhiều nghiên cứu về vấn đề này. Hiện chỉ có rất ít nghiên cứu với phạm vi hạn hẹp về vấn đề vị trí của người phụ nữ ở đâu trong họat động truyền thông, có bao nhiêu người trong số họ nằm ở vị trí đưa ra quyết định, bao nhiêu người là nhà báo và họ có thu nhập ra sao so với nam giới và điều kiện làm việc của họ ra sao. Đó là những gì mà cuộc điều tra lần này tìm hiểu.
Việt Hà: Báo cáo của nghiên cứu cho thấy phụ nữ chỉ chiếm 30% trong số những người hoạt động trong lĩnh vực báo chí toàn cầu, đây là một con số khá nhỏ so với tiềm năng của phụ nữ, và phản ánh sự mất cân đối giữa nam và nữ trong ngành truyền thông?
Nhìn chung chúng tôi có thể đưa ra kết luận là đàn ông vẫn chiếm đa số trong các vị trí đưa ra quyết định, truyền thông vẫn là lĩnh vực mà đàn ông chiếm lĩnh.
Liza Gross
Liza Gross: Đúng vậy, cuộc điều tra tiến hành trong hai năm với hơn 500 công ty tại hơn 60 nước. Nhìn chung chúng tôi có thể đưa ra kết luận là đàn ông vẫn chiếm đa số trong các vị trí đưa ra quyết định, truyền thông vẫn là lĩnh vực mà đàn ông chiếm lĩnh. Tất nhiên tình hình có khác nhau tùy từng khu vực, tại các nước vùng Scandinave, hoặc các nước thuộc Liên Xô cũ chúng tôi thấy có nhiều phụ nữ hơn trong các vị trí đưa ra quyết định, trong phòng làm tin nhưng nhìn chung trên toàn thế giới đây vẫn là lĩnh vực mà đàn ông chiếm đa số.

Tạo một sân chơi công bằng


Một nhà báo nữ Iraq đang tác nghiệp tại Baghdad vào ngày 15 tháng 5 năm 2009. AFP photo

Việt Hà: Thưa bà, cũng trong báo cáo này, chúng ta thấy là tại một số nước châu Á như Trung Quốc, New Zealand, hay Fiji, phụ nữ thậm chí còn vượt nam giới trong các một số vị trí lãnh đạo tại các công ty truyền thông. Một số công ty ở các nước như Bangladesh, và Trung Quốc còn có các chính sách thúc đẩy bình đẳng giới. Vậy đây có thể nói là một điểm tốt ở châu Á so với thế giới?
Liza Gross: Châu Á cho thấy những điểm ngạc nhiên, điều đáng báo động là chúng tôi thấy ít phụ nữ trong các vị trí đưa ra quyết định hoặc phòng làm tin ở các nước như Nhật Bản và Nam Hàn. Nhưng chúng ta cũng phải hiểu rằng đây là một ngành nghề mới phát triển cho nên chưa có nhiều phụ nữ trong đó không phải bởi họ không được tham gia mà đơn giản chỉ bởi họ không coi đây là nghề nghiệp thực sự.
Nghiên cứu lần này không xem xét nguyên nhân của vấn đề này, đây là chủ đề của các nghiên cứu tiếp theo. Nhưng chúng tôi thấy có những bất bình đẳng tại Nam Hàn và Nhật Bản. Tuy nhiên, lại có những số liệu thống kê đáng mừng và khích lệ tại các nước Trung Quốc và một số nước khác tại châu Á. Trên thực tế Shuli Hu là một trong những phụ nữ là chủ của một công ty truyền thông nổi tiếng tại Trung Quốc.
Việt Hà: Một số người cho rằng, nghề làm báo là một nghề vất vả, nhất là đối với các phóng viên chiến trường chẳng hạn. Trong khi đó, phụ nữ phải đảm nhiệm nhiều vai trò một lúc, họ có gia đình, họ làm mẹ, làm vợ. Vậy việc phụ nữ tham gia nhiều hơn vào lĩnh vực này có phải là quá nặng đối với phụ nữ?
Liza Gross: Tất cả những điều mà bạn vừa đưa ra đều đã được đề cập đến trong cuộc điều tra lần này. Thực tế là nghề báo cũng là một nghề chuyên nghiệp như bao nhiêu nghề khác và chúng ta cũng thấy nhiều người đàn ông có gia đình và điều đó không ngăn cản họ làm công việc này, hoặc tham gia vào các vị trí đưa ra quyết định tại các công ty truyền thông.
Vì thế tất cả những gì mà chúng ta đòi hỏi hoặc điều mà chúng tôi hy vọng là những bất bình đẳng mà chúng ta tìm thấy trong báo cáo lần này không tạo thành sự phân biệt đối xử tại chỗ làm đối với phụ nữ. Điều mà chúng tôi hy vọng là báo chí cũng là một nghề có một sân chơi công bằng cho những người phụ nữ muốn làm nghề này dù họ có gia đình hay không.
Việt Hà: Nhưng tại nhiều nước, ngay chính một số phụ nữ làm trong nghề báo chí truyền thông có thể cũng không nghĩ là họ bị phân biệt đối xử so với nam giới ví dụ như bị trả lương ít hơn hay không được tưởng thưởng xứng đáng.
Điều mà chúng tôi hy vọng là báo chí cũng là một nghề có một sân chơi công bằng cho những người phụ nữ muốn làm nghề này dù họ có gia đình hay không.
Liza Gross
Liza Gross: Đây là câu hỏi thú vị và cũng là điều mà chúng tôi gặp phải trong quá trình điều tra. Sự thiếu hiểu biết của người phụ nữ liên quan đến sự mất bình đẳng giới như điều kiện làm việc không công bằng đã khiến nhiều người phụ nữ có xu hướng là chỉ chăm chỉ cắm đầu làm việc hy vọng được tưởng thưởng cho công việc của mình. Tuy nhiên hệ thống mà họ làm việc lại không cho phép cho điều mà họ hy vọng xảy ra. Cho nên phụ nữ nên hiểu được vấn đề bình đẳng giới trong chỗ làm của mình, nên hiểu đây không phải là việc có khả năng làm việc hay không trong ngành báo chí mà chỉ là tạo ra một sân chơi bình đẳng cho người phụ nữ với đồng nghiệp nam giới.

Tầm quan trọng của phụ nữ

Việt Hà: Bà nghĩ thế nào về tầm quan trọng của người phụ nữ trong truyền thông hiện đại?


Hai nhà báo nữ của Mỹ là cô Laura Ling (đứng) và cô Euna Lee (ngồi) bị bắt giam khi tác nghiệp tại Bắc Hàn. Cựu TT Bill Clinton đã giúp cho hai cô được tự do và trở về Mỹ. Ảnh chụp hôm 05/8/2009 tại sân bay ở Burbank, California. AFP

Liza Gross: Ngày nay chúng ta thấy phụ nữ trong truyền thông số cũng phản ánh điều đang xảy ra với toàn bộ ngành truyền thông báo chí nói chung. Chúng ta thấy một vài vị trí đưa quyết định do phụ nữ nắm giữ, nhiều phụ nữ hơn tham gia vào công việc này, tuy nhiên chúng ta không thấy sự công bằng, chúng ta thấy có rất nhiều vốn đổ vào để bắt đầu được dồn vào nam giới, hơn 90 cent trong số 1 đô la vốn đầu tư mạo hiểm trong ngành truyền thông ở Hoa Kỳ là vào nam giới, hoặc dự án do nam giới phụ trách.
Chúng ta thấy là phụ nữ có thể đóng góp trong lĩnh vực này và chúng ta phải cẩn thận để làm sao người phụ nữ cũng được trao cơ hội công bằng như nam giới. Đào tạo cũng là một yếu tố. Chúng ta phải khuyến khích phụ nữ không nên sợ công nghệ mới, không sợ nhìn vào các thiết bị phần cứng mới vì đây là thế giới mà chúng ta sẽ sống và chúng ta không muốn bị bỏ lại đằng sau.
Việt Hà: Nhưng cũng có người có thể nghĩ là chúng ta đang nói quá nhiều về phụ nữ. Liên Hiệp Quốc có chương trình phụ nữ, các quốc gia cũng có chương trình về phụ nữ, bình đẳng giới được nói đến khắp nơi. Có những người đàn ông thậm chí có thể nghĩ là dường như đang có một xu hướng chống đàn ông tại một số nơi. Bà nghĩ thế nào?
Liza Gross: Chúng tôi cũng gặp phải vấn đề này trong quá trình nghiên cứu, IWMF khẳng định rằng đây không phải là vấn đề phụ nữ mà là vấn đề về giới ảnh hưởng cả nam lẫn nữ.
Bởi vì khi người phụ nữ không thể phát triển khả năng của mình để đóng góp xứng đáng cho xã hội bởi hệ thống không cho phép thì nền kinh tế nhìn chung phải chịu thiệt, toàn xã hội nhìn chung cũng chịu thiệt, bởi người phụ nữ hoạt động trong ngành báo chí không được tạo điều kiện đủ để nói lên câu chuyện của mình thì truyền thông sẽ có một cái nhìn phiến diện về những gì đang diễn ra trên thế giới.
Chính vì thế vấn đề này ảnh hưởng cả nam lẫn nữ, và vì vậy chúng tôi khẳng định đây không phải là vấn đề phụ nữ, về phụ nữ mà là vấn đề bất bình đẳng giới cần phải được nhìn nhận cho tất cả.
Việt Hà: Quỹ truyền thông phụ nữ Quốc tế có dự định gì tiếp theo sau báo cáo này để đảm bảo những kết quả này sẽ được phục vụ cho mục đích tạo dựng một sân chơi công bằng cho phụ nữ trong ngành báo chí?
Liza Gross: Đây sẽ là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của IWMF trong vòng 2 năm tới. Chính vì thế chúng tôi mời những nhà lãnh đạo nữ đến Washington và họ bàn thảo về báo cáo này, và họ đặt ưu tiên hàng đầu cho mỗi khu vực, và trở về để giải quyết vấn đề của khu vực mình.
Bởi vì khi người phụ nữ không thể phát triển khả năng của mình để đóng góp xứng đáng cho xã hội bởi hệ thống không cho phép thì nền kinh tế nhìn chung phải chịu thiệt, toàn xã hội nhìn chung cũng chịu thiệt...
Liza Gross
Ví dụ tại khu vực nào đó, vấn đề ưu tiên là tiền lương thì họ sẽ nhìn vào bảng lương của các công ty. Nguyên nhân mà chúng tôi cần phải tập trung các lãnh đạo nữ lại vì họ có khả năng thúc đẩy việc giải quyết vấn đề. Cho nên chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với họ trong 2 năm tới và hy vọng họ sẽ mang cả những đồng nghiệp nam vào để thảo luận tiếp và sau đó chúng tôi sẽ xem xét có thể làm gì tiếp theo. Chúng tôi sẽ làm nghiên cứu này lần nữa sau 3 năm tới để xem vấn đề này đã đươc giải quyết đến đâu.
Việt Hà: Xin cảm ơn bà đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn này.
Tạp chí phụ nữ tuần này xin tạm dừng tại đây. Việt Hà thân ái tạm biệt quý thính giả và xin hẹn gặp lại vào thứ ba tuần tới. Mọi thư từ đóng góp ý kiến cho chương trình, xin quý vị gửi về www.facebook/VietHaRFA hoặc email về địa chỉ vietha@rfa.org
viethoaiphuong
#2 Posted : Tuesday, February 28, 2012 3:22:34 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,291
Points: 11,028

Thanks: 758 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)
VOA - Thứ Ba, 28 tháng 2 2012

Phụ nữ trẻ Yemen nằm trong thế hệ nhà báo mới



Hình: VOA - E. Arrott
Cô Nadia Abdullah chụp ảnh một bé gái trong khi thu lại các hình ảnh của cuộc nổi dậy ở thủ đô Sana's, Yemen

Cô Nadia Abdullah người Yemen không phải là một nhà viết sử.
Là một cư dân trẻ của thành phố Sana’a, choàng khăn che kín mặt, hay thường gọi là niqab, từ cửa sổ nhà cô nhìn ra quảng trường Thay Đổi trong lúc diễn ra những cuộc biểu tình chống chính phủ bắt đầu cách đây một năm.

Cô nói: “Cha tôi cho tôi một cái máy quay phim và nói với tôi, ‘Trong trường hợp có bất cứ cuộc tấn công nào vào người trẻ, con thu lại và sau đó chúng ta có thể gởi cho các kênh truyền thông.’”

Cô Abdullah là một phần của thế hệ những nhà báo công dân mới giúp vượt qua những hạn chế của chính phủ để đưa tin về Mùa Xuân Ả Rập ra thế giới bên ngoài.

Các nhà lãnh đạo Ả Rập tại Trung Đông và Bắc Phi cố hạn chế truyền thông tường thuật về những cuộc nổi dậy, nhưng hàng trăm người có quyết tâm như cô Abdullah sẽ không ngừng lại.

Ghi nhận những rối loạn chính trị từ căn phòng của cô là một bước to lớn đối với Abdullah, được nuôi dạy bởi người cha mà cô mô tả là một người bảo thủ thuộc bộ tộc Hashid còn bảo thủ hơn nữa.

Cô Abdullah nói: “Tôi không tưởng tưởng được là cha tôi, anh em tôi hay là gia đình chấp nhận cho tôi đi ra ngoài và phỏng vấn bằng máy quay phim. Điều này hầu như không thể nào thực hiện được vì những khuôn mẫu và truyền thống. Đây là những truyền thống khép kín và bảo thủ. Không thích hợp cho một phụ nữ xuất hiện tại nơi công cộng.”

CẢM HỨNG TỪ CÁCH MẠNG

Tuy do cảm hứng từ cuộc cách mạng dưới khung cửa sổ, cô Abdullah đã đi ra ngoài, còn được cha cô chúc lành. Cô tin cách mạng đã thay đổi mọi thứ.

Cô Abdullah mang máy quay phim ra đường theo dõi những tin tức đang xảy ra tại Sana’a. Cô ghi lại hình ảnh đàn áp của binh sĩ chính phủ, từ vòi rồng phun nước cho đến đạn thật. Cô quay video các xác người trên đường phố, những bệnh xá dã chiến đầy những người bị thương đến một người đàn ông ôm thi thể người thân trong nhà xác.

Ảnh hưởng mạnh nhất đối với cô là khi cô quay phim cái chết của một người biểu tình trẻ tuổi.

Cô nói: “Viên đạn xuyên qua đầu em này và em trở thành một người tử đạo. Đây là một tình huống rất khó khăn khi một trong những người trẻ chết trước mắt tôi.”

HÌNH ẢNH KỂ LẠI CÂU CHUYỆN

Cô cũng ghi nhận những hình ảnh thầm lặng, hòa bình hơn. Trong một bức ảnh các phụ nữ cầu nguyện buổi tối trong ngày lễ Ramadan, có một bé gái, mệt lả vì khóc, nằm yên ổn trong vòng tay của người mẹ: khuây khỏa giữa đức tin.

Những hình ảnh khác cho thấy những người biểu tình trương các dấu hiệu hòa bình hay chiến thắng trước các binh sỹ chính phủ, hay ngủ say trong các lều bạt trong lúc nước ngập chảy phía dưới.

Cô Abdullah nói cô quyết tâm cho thấy khuôn mặt thật của những người biểu tình mà chính phủ gán cho là côn đồ.
Cô Abdullah nói tiếp: “Với một máy quay phim và một bức ảnh bạn có thể chặn được những lời dối trá.”

Cuối cùng, những người biểu tình và những nhà báo công dân kể lại những câu chuyện của họ đã giúp lật đổ được một nhà cầm quyền cai trị lâu năm.

Đối với cô Abdullah, hiện đang theo đuổi nghề ký giả, những câu chuyện này còn giúp phá sập rào cản đối với phụ nữ Yemen.
Users browsing this topic
Guest (2)
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.