Rank: Advanced Member
Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC) Posts: 18,432 Points: 19,233 Location: Golden State, USA Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
|
Simone de Beauvoir, Mối tình xuyên Đại Tây Dương
Ngân Xuyên dịch Mọi chuyện bắt đầu vào tháng Giêng 1947, khi Simone de Beauvoir (1908 - 1986), nữ văn sĩ Pháp nổi tiếng, bạn đời của nhà triết học lớn Jean-Paul Sartre, đến Mỹ theo lời mời của một số trường đại học. Trong thời gian lưu lại ở Chicago, theo lời khuyên của một cô bạn người New York, bà đã có cuộc gặp nhà văn Nelson Algren (1909 - 1981). Ông đã dẫn bà đi thăm khắp thành phố, chỉ cho bà thấy khu "dưới đáy" của Chicago, đến thăm khu phố Ba Lan, nơi ông lớn lên. Chiều ngày hôm sau bà rời đi Los Angeles, nhưng trái tim đã để lại Chicago. Họ yêu nhau nồng nàn, say đắm, nhưng không được sống bên nhau, bởi rời Chicago cuộc đời Algren mất hết ý nghĩa, cũng như Simone không thể từ bỏ Paris. Suốt mười bảy năm (1947 -1964), ngoài những lần gặp gỡ hiếm hoi, mối tình xuyên Ðại Tây dương của họ chở nặng trên những cánh thư. Cuộc tình chấm dứt khi cuốn hồi ký "Sức mạnh đồ vật" của Simone de Beauvoir ra đời (1963). "Em hy vọng anh sẽ hài lòng với những trang viết về anh, em đã đặt vào đấy tất cả trái tim mình" - bà viết cho Algren. Nhưng phản ứng của nhà văn Mỹ thật bất ngờ, gay gắt. Ông đã xỉ vả thậm tệ cuốn sách trên báo chí và cho đến tận lúc chết cũng không có ý định nối lại mối quan hệ bị gián đoạn với nữ văn sĩ Pháp. Ông mất trong cảnh cô độc tại nhà riêng của mình ở Chicago, không có ai bên cạnh lo việc tang ma. Sau khi Algren mất, Simone sửng sốt khi được biết rằng mặc dù nguyền rủa bà công khai như vậy, nhưng ông vẫn cất giữ các bức thư của bà. Chúng đã được đem bán đấu giá và một trường đại học ở bang Ohio đã được quyền sở hữu. Ít lâu sau họ xin phép bà cho công bố các bức thư đó. Vị tất khi được viết ra chúng đã nhằm để công bố, bởi chúng mang đầy những lời bộc bạch rất riêng tư. Nhưng đối với Simone de Beauvoir sự tự khám phá bản thân, thậm chí có gây xốc chăng nữa, vẫn là một trong những phương châm có tính nguyên tắc: nhà văn khi kể về mình cũng là giúp cho sự tự nhận thức của nhân loại, nhà văn không thể có điều gì bí mật che giấu người đương thời và hậu thế. Bà cho phép công bố với điều kiện là tự bà chuẩn bị các bức thư đem in và dịch chúng sang tiếng Pháp. Năm 1986 Simone de Beauvoir mất, chưa kịp hoàn thành công việc này. Con gái bà là Sylvi Le Bone de Beauvoir đã làm tiếp phần việc dở dang của mẹ và cho ra mắt cuốn sách "Lettres à Nelson Algren. Un amour transatlantique" ("Thư gửi Nelson Algren. Mối tình xuyên Ðại Tây dương") tại Pháp năm 1997. Trong mười bảy năm, Simone de Beauvoir đã gửi cho Nelson Algren tất cả 304 bức thư. Dưới đây chúng tôi trích dịch một số.
Thứ Bảy, buổi chiều 23/2/1947 Trên tàu hỏa, dọc đường đến California
Nelson Algren quý mến! Tôi thử viết bằng tiếng Anh. Xin hãy thứ lỗi về mặt văn phạm. Nếu có từ nào đó bị dùng sai thì xin anh hãy cố gắng đọc hiểu. Thêm nữa chữ của tôi xấu khủng khiếp vì tàu lắc rất mạnh. Hôm qua, sau khi chia tay anh, tôi trở về khách sạn viết nốt bài báo - tôi sợ là nó chẳng ra gì, nhưng thôi kệ - và ăn tối với những người đồng hương của tôi mà óc thầm nguyền rủa họ. Họ quả thật đáng ghét, hơn nữa chỉ vì họ mà tôi không thể ăn tối được với anh. Sau đó tôi gọi điện cho anh và họ tiễn tôi ra tàu. Tôi nằm trên giường, mở tập truyện của anh ra đọc cho đến lúc thiếp đi. Hôm nay tôi tiếp tục đọc, đồng thời nhìn phong cảnh qua cửa sổ tàu: ngày yên tĩnh hiếm có, và trước khi đi ngủ tôi muốn nói là tôi rất thích tập truyện của anh và cả anh nữa. Có lẽ anh cũng cảm thấy điều đó, dù thời gian thật ít ỏi và chúng ta thậm chí không kịp nói chuyện nghiêm túc với nhau. Tôi sẽ không nhắc lại lời cám ơn anh nữa, nhưng ở bên anh tôi thấy thật dễ chịu, và tôi muốn để anh biết điều đó. Thật buồn khi phải nói với anh câu chào "tạm biệt", mà cũng có thể là "vĩnh biệt". Tôi muốn lại được đến Chicago vào tháng tư để kể cho anh về tôi và nghe anh kể về anh. Chẳng biết tôi có tranh thủ được thời gian không? Ngoài ra, tôi hơi phân vân: nếu như hôm qua phải khó khăn lắm chúng ta mới chia tay nhau được, thì liệu sau khi chúng ta có mấy ngày bên nhau và gần như chắc chắn là thành bạn của nhau sẽ còn khó khăn đến đâu? Tôi không biết. Nói chung lại, tạm biệt hay là vĩnh biệt, nhưng tôi sẽ không quên hai ngày qua ở Chicago, nói cách khác, tôi sẽ không quên anh.
S. de Beauvoir
24/2/1947 Đại học Pensylvan Cao đẳng Philadenphia
Nelson quý mến! Tôi lại ở New York sau một chuyến đi giảng bài dài ngày khắp các trường cao đẳng và đại học trong vùng. Tôi sẽ ở lại đây khoảng hai tuần. Tôi đã có vé trở về Paris vào ngày 10 tháng Năm, nhưng thật là tiếc nếu bay đi mà chưa được gặp lại anh. Ðến Chicago thì rất phức tạp cho tôi. Tôi còn một đống bài phải viết, còn mấy bài nói chuyện và hai bài giảng ở ngay tại New York này. Có thể, anh đến đây sau ngày hai bảy được không? Như thế chúng ta sẽ được gặp nhau thường xuyên và trò chuyện được nhiều. Nếu anh đồng ý, tôi sẵn sàng gọi điện vào bất cứ lúc nào để thoả thuận ngày giờ anh đến. Nếu không, tôi sẽ cố tìm cách đến chỗ anh khoảng hai ngày. Xin anh hãy trả lời cho tôi biết. Nếu có thể được, anh nhớ mang theo một bản cuốn tiểu thuyết của anh (cuốn "Buổi sáng không đến" (1942), có lời đề tựa của nhà văn Richard Rite). Hôm qua tôi nhìn thấy nó tại một nhà với cái hình chụp anh rất tồi, trông không giống anh chút nào. Tôi đã định đánh thó nó nhưng mà không được. Tạm biệt anh. Hy vọng chúng ta sẽ sớm gặp nhau.
S. de Beauvoir
Simone de Beauvoir gọi điện cho Algren từ New York. Chuyến về Pháp của bà bị hoãn lại, vì thế bà quyết định đến thăm ông ở Chicago. Sau đó họ cùng nhau trở lại New York, sống bên nhau tuần cuối cùng trước khi Simone về Pháp.
17/5/1947 Trên máy bay. Thứ bảy, nửa ngày về chiều Newfoundland
Anh yêu, "chàng thổ dân" đáng yêu, tuyệt diệu của em, anh lại buộc em phải khóc, nhưng đây là những giọt nước mắt dịu dàng, dịu dàng như tất cả những gì từ anh mà ra. Em đang ngồi trên máy bay, mở cuốn sách của anh ra, và em muốn nhìn thấy nét chữ của anh. Em nhìn vào trang bìa trong, lấy làm tiếc là đã không bảo anh ghi lại một dòng gì đấy làm kỷ niệm, nhưng đột nhiên em thấy chữ ký của anh, nét chữ đẹp đẽ, mềm mại, tràn đầy tình yêu. Em áp mặt vào cửa hông máy bay và bật khóc ngay ở độ cao trên mặt biển xanh, nhưng đó là những giọt nước mắt ngọt ngào, những giọt nước mắt của tình yêu, của tình yêu chúng ta. Em yêu anh. Người tài xế tắc xi hỏi: "Ðó là chồng bà à?" - "Không" - "Thế nghĩa là bạn? - và ông ta nói thêm vẻ thông cảm - "Trông ông ấy xúc động quá!". Em cố nén lòng mình và đáp lại: "Chúng tôi chia tay rất nặng nề, bởi Paris ở quá xa!". Nghe thế ông ta sôi nổi nói chuyện với em về Paris. May là anh không đi với em ra sân bay: trên đại lộ Madison và ở La-Gardia có mấy người quen - chỉ có Chúa mới biết được là đôi khi người Pháp đáng ghét đến thế nào, và đây là trường hợp xấu nhất. Em không giữ được bình tĩnh, thậm chí khóc cũng không khóc được. Cuối cùng thì máy bay cũng cất cánh. Em thích máy bay. Khi trong lòng đầy xáo động thì máy bay, theo em, là phương tiện đi lại hay nhất, nó hòa điệu với trạng thái tâm hồn. Máy bay, tình yêu, bầu trời, nỗi đau, hy vọng - tất cả hòa thành một. Em nghĩ về anh, lật lại trong ký ức từng chi tiết nhỏ nhặt, đọc cuốn sách của anh, tiện thể cũng nói là cuốn này em thích hơn cuốn trước. Tiếp viên mang đến rượu witky và bữa trưa rất tuyệt: gà hầm sữa chua và kem sôcôla. Anh chắc sẽ hân hoan khi nhìn thấy những cảnh này: trời mây, biển cả, bờ bãi, cánh rừng, làng mạc - tất cả như nằm gọn trong lòng tay, và chắc anh sẽ rạng rỡ với nụ cười thơ trẻ ấm áp của mình. Hoàng hôn đã xuống trên Newfoundland, còn ở New York chỉ mới ba giờ sáng. Hòn đảo đẹp một cách khác thường, phủ đầy những hàng thông tối sẫm và những mặt hồ buồn bã im lìm, đâu đó có những đám tuyết. Thấy cảnh này chắc là anh thích. Máy bay đã hạ cánh và hành khách phải chờ thêm hai giờ nữa. Không biết giờ này anh đang ở đâu? Có thể cũng đang trên máy bay chăng? Khi anh trở lại ngôi nhà nhỏ bé của chúng ta, em sẽ nấp dưới giường đợi anh, ồ không, em sẽ có mặt ở khắp nơi. Bây giờ em sẽ luôn luôn ở bên anh - trên những đường phố buồn chán của Chicago, trên mặt đất, trong phòng anh. Em sẽ ở bên anh như người vợ trung thành bên người chồng yêu quý. Chúng ta không cần thức tỉnh, bởi đây không phải là giấc mơ, đây là một hiện thực tuyệt diệu và tất cả chỉ mới bắt đầu. Em cảm thấy anh ở bên cạnh, giờ đây dù em đi bất cứ đâu cũng có anh theo cùng - không chỉ cái nhìn anh, mà cả toàn bộ trọn vẹn con người anh. Em yêu anh, đấy là tất cả những gì em có thể nói được. Anh đang ôm em, em riết chặt anh và hôn anh, như mới hôn cách đây mấy giờ.
Simone của anh.
Thứ Tư 4/6/1947
Người chồng yêu của em! Em sung sướng biết bao khi hôm nay đi xuống dưới nhà thấy có thư anh, đó quả là một điều kỳ diệu! Em dường như lại được nghe thấy giọng nói vui nhộn đáng yêu của anh, thấy lại nụ cười anh, anh đang ở bên em và chúng ta đang vui vẻ chuyện trò. Hóa ra, trao đổi thư từ cũng có thể là một việc rất thú vị, nếu thư đi từ lại nhanh chóng thì cũng y như là nói chuyện với nhau vậy. Hình như anh đang ở đâu đây bên cạnh, em cảm thấy là anh yêu em và như đang nhìn em vào giây phút này, em cảm thấy là anh đang cảm thấy em yêu anh biết chừng nào. Anh yêu của em, anh không thể hình dung được là em sung sướng biết bao, em không thể ngờ anh có thể mang lại cho em nhiều hạnh phúc đến thế. Cả một ngày nắng ấm, vui tươi, rạng rỡ là nhờ bức thư dịu dàng của anh đốt cháy tâm hồn em. Em ghen với việc anh có thể viết được những bức thư như thế, điều đó quả không phải, bởi em không tài nào diễn tả được mọi tâm tư, tình cảm của mình bằng một thứ tiếng khác. Anh viết sắc sảo, mô tả rất hay các ấn tượng của mình, kể chuyện rất sinh động. Còn em buộc phải dùng một thứ tiếng Anh trẻ con nghèo nàn, dù cũng như anh, em hy vọng không phải là đồ ngốc. Nhưng đột nhiên anh lên mặt tỏ vẻ tinh tế và thú vị hơn em, rồi xem khinh em vì ngôn ngữ lắp ba lắp bắp thì sao?...
Buổi chiều
Anh yêu, bây giờ chỗ em là nửa đêm, còn ở Chicago là mấy giờ? Có lẽ đang giờ ăn tối. Anh đang làm gì? Gặm xương như anh viết trong thư trước? Em đang ngồi trong căn phòng ở khách sạn của mình (trước 1948, S. de Beauvoir nhiều năm sống ở khách sạn "Luizian" - ND), nó bị bỏ hoang lâu ngày nên trông rất tồi tàn, nếu như phải dẫn anh đến đây thì em xấu hổ lắm. Tường trông cũng còn tạm vì mới được quét lại màu thuốc đánh răng hồng, nhưng trần thì bẩn thỉu kinh khủng, nói chung cả căn phòng đều trong tình trạng thảm hại như vậy, nó rất bất tiện và xấu xí, phải cần đến một người đàn ông có kinh nghiệm quản lý dùng "bàn tay đàn bà" sửa sang, sắp xếp lại. Nhưng em đã quen với khung cảnh này, em đã sống ở đây trong suốt cuộc chiến tranh, đã nấu mì và rán khoai tây tại đây, bây giờ em không thể rời nó được như đầu óc bình thường đòi hỏi.
Sự thật, đầu óc em không bình thường chút nào, chiều nay em cảm thấy mình là người bất hạnh nhất trên đời, hãy cho phép em được khóc một chút. Thật tuyệt biết bao nếu được khóc trên ngực anh, nhưng vì không thể được khóc trên ngực anh mà em đã khóc, đó thật đúng là một điều thậm vô lý. Viết những bức thư tình quả là đại xuẩn ngốc, bởi tình yêu làm sao nói hết được qua những bức thư, nhưng biết làm gì khi giữa anh và người anh yêu bị ngăn cách bởi cả một đại dương đáng nguyền rủa? Em có thể gửi cho anh gì nữa đây? Hoa thì sẽ héo, nụ hôn và nước mắt thì không bỏ vào phong bì được. Chỉ còn lại ngôn ngữ, nhưng tiếng Anh không giúp em bày tỏ được đúng tình cảm của mình. Anh có thể kiêu hãnh đấy, thậm chí từ bên kia đại dương anh vẫn biết cách làm cho em rơi nước mắt! Em rất mệt mỏi và rất buồn nhớ anh. Khi quay trở lại nhà em thấy nặng nề. ở Pháp có cái gì đấy buồn bã một cách khác thường, dù em yêu cái buồn ấy. Sau đó, em sang Mỹ như đi nghỉ, không đòi hỏi gì ở mình, vậy mà phải làm một cái gì đó, nhưng là cái gì thì chính em cũng không hiểu và không tin có thể làm được không. Hôm nay em đang sống một buổi chiều lạ lùng, em đã cố uống thật nhiều để khoả lấp nỗi lòng, nhưng đến giờ này em vẫn không yên được. Em đã kể anh nghe về một phụ nữ rất quái đản (nữ nhà văn Violett Leduc (1907 -1972), bà tự gọi mình là "kẻ quái đản" - ND) đem lòng yêu em. Thậm chí em còn nhớ là đã nói ở đâu và khi nào - trên chiếc giường đôi ở New York- chúng ta nói chuyện về những người phụ nữ, em nhìn khuôn mặt dễ thương của anh và em thấy hạnh phúc. Thế đấy, hôm đó em đã ăn tối với chị ấy. Bốn ngày trước em gặp chị ấy - chị ấy đi kiếm em và thú nhận chuyện đó. Em đang ngồi trong quán cà phê thì chị ấy bước vào, người run như lá liễu. Em hứa ăn tối với chị ấy. Chị ấy mang đến một bản thảo giống như tập nhật ký ghi lại tỉ mỉ, không chút ngượng ngùng tình yêu đối với em - phải nói là viết rất được, chị ấy là người có tài năng văn chương, cảm nhận mọi điều rất sâu sắc và biết cách diễn tả tinh tế. Ðọc bản thảo đó là một việc nặng nhọc và hầu như không chịu nổi, nhất đây lại là nói về em. Chị ấy khiến em cảm phục và đồng cảm sâu sắc, nhưng nếu em có mặt ở Paris thì hai người chỉ gặp nhau tháng một lần. Em không ưa cái hội của chị ấy lắm, chị ấy biết điều đó. Ðáng ngạc nhiên là bọn em lại có thể bình thản bàn luận về tình yêu của chị ấy đối với em và nói về nó như một căn bệnh. Nhưng, như anh có thể đoán ra được, đi theo hội chị ấy là một thử thách không dễ dàng gì. Chị ấy bao giờ cũng mời em vào các nhà hàng sang trọng, bắt buộc gọi sâmpanh và các món ăn đắt tiền nhất. Em nói chuyện khẽ tiếng, kể đủ thứ trên đời, cố tỏ ra thoải mái và vui vẻ. Chị ấy thì ngồi uống như điên. Sau đó bọn em vào quán bar, ở đó chị ấy bắt đầu "ca" bài bi thảm, ảo não khiến em phát hoảng lên phải cáo từ. Còn chị ấy, em biết, đi về nhà khóc lóc, đập đầu vào tường và dự định kế hoạch tự sát. Chị ấy không muốn có bạn bè nào khác ngoài em, suốt ngày ngồi một mình, chờ một năm sáu lần gặp em. Em thấy hết sức nặng nề, khổ sở khi phải bỏ mặc chị ấy một mình trên phố trong tình trạng hoàn toàn tuyệt vọng, đầu óc quay cuồng với cái chết, nhưng em có thể làm gì được? Thái độ mềm yếu và thông cảm từ phía em chỉ càng làm cho tình cảnh tệ hơn mà thôi. Dù em có thiện cảm với chị ấy bao nhiêu đi nữa, em cũng không thể hôn được chị ấy. Biết cách nào thoát ra được đây?
Sáng nay, em mang từ "Temps Modern" (tờ tạp chí văn học, chính trị của giới trí thức cánh tả không cộng sản, thành lập năm 1946 bởi J-P Sartre cùng với S. de Beauvoir, R.Aragon, M.Merleau-Ponty - ND) về một đống bản thảo và cả ngày vùi đầu vào đọc. Trong đó có một bản tự thú khiến nhức nhối tâm can: một cô gái điếm kể lại đời mình. Lạy Chúa, thế giới hiện ra trong mắt cô ta chỉ là cái cuộc đời duy nhất mà cô ta đã sống và chết đi mà không được biết đến một cái gì khác cả! Ðiều đó thật là khủng khiếp! Cô ta viết bằng một thứ ngôn ngữ thật thà, thô mộc, trần trụi nên hầu như không thể nào đăng được. Ðáng khóc là những chuyện đó, chứ không phải khóc cho những cảm xúc vụn vặt của mình. Thế mà cô ta còn đủ sức cười cợt được!
Thế nhé, anh yêu, em đi ngủ đây. Em đã được an ủi phần nào khi viết xong thư cho anh. Em được tiếp thêm sức mạnh khi nghĩ rằng anh tồn tại, đang chờ đợi em, rằng tình yêu và hạnh phúc sẽ quay trở lại. Anh đã có lần nói với em rằng em đối với anh có ý nghĩa nhiều hơn là anh đối với em, nhưng không phải thế, hoàn toàn không phải thế đâu anh. Em buồn nhớ anh, em yêu anh, em là vợ anh, còn anh là chồng em. Em thiếp ngủ trong vòng tay anh đây, tình yêu của em.
Simone của anh.
Thứ Bảy, 7/7/1947
Nelson yêu quý, từ sáng trời đổ mưa, đường sắt bãi công, em không biết làm cách nào để ra được chỗ ở ngoại ô. Sau hai ngày ác mộng vừa qua ở Paris, em rất muốn đến đó nghỉ ngơi và làm việc. Chiều thứ năm, khi viết thư cho anh, tâm trạng em hơi bị u uất, nhưng bây giờ thì qua rồi. Cái chính là em lại muốn làm việc. Em đã uổng công sau khi trở về cố lập tức ngồi vào bàn viết tiếp cuốn sách về phụ nữ (ý nói cuốn "Giới tính thứ hai" - ND) mà em đã khởi thảo trước khi đi. Ðối với em, nó tạm thời đã chết. Em không thể nào tiếp tục viết tiếp được từ cái chỗ bị ngắt quãng. Em sẽ quay lại nó, nhưng là về sau, còn bây giờ em phải sục vào các ấn tượng chuyến đi của mình, em không muốn để chúng tản mát mất, cần phải lưu lại một cái gì đó, dù chỉ là trên giấy, nếu như không thể bằng cách nào khác (về sau những ghi chép này được tập hợp thành cuốn sách "Nước Mỹ ngày qua ngày" - ND). Em sẽ viết về nước Mỹ và về bản thân, muốn trình bày nó như một kinh nghiệm cá nhân: "tôi ở Mỹ". Muốn chỉ ra cái gì ẩn đằng sau những từ "đến", "đi", "nhìn xem đất nước", muốn nhận thấy, cảm thấy, nắm bắt một cái gì đó, v.v. Ðồng thời em sẽ cố gắng suy nghĩ về chính hiện thực cuộc sống Mỹ. Anh hiểu là ý em nói gì chứ? Em sợ mình diễn đạt không được rõ ràng cho lắm, nhưng ý đồ này rất hấp dẫn em.
Ở Paris em đã trải qua khoảng thời gian rất tuyệt. Sáng qua Sartre đưa em đến xem bản nháp bộ phim theo kịch bản của anh ấy do Delannoir quay. Theo em, bộ phim được. Em đã kể anh biết là điện ảnh Pháp hiện nay đã tiến rất xa, bởi vì các đạo diễn mong muốn thể hiện cái nhìn độc đáo riêng về cuộc sống, tìm cách nói lên được một cái gì đó của mình - giống như chúng ta viết sách vậy. Thật thú vị khi xem bản nháp chưa dựng xong. Anh sẽ bắt đầu hiểu làm phim là thế nào, cùng một cảnh có thể quay theo các cách khác nhau ra sao và việc lựa chọn bản cuối cùng phức tạp đến thế nào. Thêm nữa, em quen với hầu hết những người đóng trong phim này, do đó rất hứng thú khi thấy trên màn ảnh một chàng trai hay cô gái mà gần như ngày nào mình cũng gặp ở quán cà phê trên phố Saint-Germain-de-Pré. Sau đó là bữa tiệc coctail ở nhà Gallimar, ông chủ xuất bản của em. Ông ta giàu có nhờ bóc lột các nhà văn bần cùng đến mức tuần nào cũng tổ chức tiệc coctail. Em là người đầu tiên đến. Trong khu vườn và các căn phòng đông chật người, không còn chỗ nào mà len chân, em gặp lại một đống bạn bè cách biệt nhau kể từ hồi em sang Mỹ. Họ chúc mừng em, hỏi chuyện nước Mỹ và thông báo những tin tức đồn đại nóng hổi nhất ở Paris. Cả bọn hẹn đến tối gặp lại nhau. Thế là đến khoảng nửa đếm, em đi tới một chỗ cực kỳ điên rồ nhưng cũng rất đáng yêu, ở đó giới trí thức trẻ Pháp - hay đám trẻ coi mình là thế - tới uống rượu và nhảy múa với các nữ trí thức giả hiệu trẻ trung và xinh đẹp. Ðó là một cái hầm chứa dài và hẹp nằm dưới một quán bar không lớn lắm, tối tăm, trần và tường quét màu đỏ, bàn ghế để chật cứng và đông nghịt người nhảy múa, ước có khoảng một trăm hay hai trăm người ở đó, mặc dù lúc thường nó chỉ chứa được không quá hai mươi người. Khung cảnh dễ chịu, tuy có hơi lạ lùng, bởi vì các cậu bé và cô bé đến đây ăn mặc rất kỳ dị, thường là những bộ quần áo loang lổ sặc sỡ, và chúng nhảy như điên. Nhưng trong đám đó cũng có những cậu trông rất thông minh, còn các cô bé thì có gương mặt dễ thương. Các nhạc công ở đó toàn tay cừ, chơi hay hơn hẳn phần lớn những người da trắng ở Mỹ, họ sống chính bằng nghề này. Ðặc biệt em thích anh chàng thổi kèn (đó là Boris Vian, người sau này trở thành một nhà văn nổi tiếng của Pháp, đặc biệt với tiểu thuyết "Bọt ngày" đã được dịch ra tiếng Việt - ND), một chàng trai trông hấp dẫn lạ lùng, một kỹ sư (để kiếm sống), nói chung là nhà văn và nhạc công. Anh ta thổi rất say sưa, mạnh mẽ, mặc dù anh ta bị đau tim và có thể chết nếu chơi quá nhiều. Anh ta đã cho ra một cuốn sách gây ầm ĩ ("Tôi đến nhổ vào mộ các ngài") - hình như nó do một người Mỹ da đen viết, còn anh ta chỉ dịch ra - nhờ đó đã kiếm được khá tiền, bởi vì cuốn tiểu thuyết đó (một cuốn sách mang tính bạo dâm và đầy nhơ bẩn) được công chúng đổ xô tìm đọc.
Chung lại là bọn em uống rượu thỏa thích, trò chuyện cởi mở, nghe nhạc jazz và xem mọi người nhảy múa (bản thân em thì không nhảy, không bao giờ em thích cái trò đó). Buổi tối diễn ra dễ chịu, dù em không nghĩ là sẽ mau chóng gặp lại những người bạn này. Em không có ý định gặp gỡ thường xuyên với họ, nhưng em thấy thích thú khi biết họ đang sống đâu đó gần bên - ở nước Pháp, ở Paris - cũng đang viết lách, nghe nhạc jazz, nhìn ra phố, nhìn lên trời như em vậy.
Em nghĩ là sẽ sống thêm một tháng nữa như thế này, giữa Paris và làng quê, tuần hai lần vào thành phố, viết sách về nước Mỹ và viết thư cho anh. Em đang đợi, chậm nhất là vào thứ hai, bức thư số 4 của anh. Sáng nay em có hy vọng mong manh là sẽ nhận được nó, nhưng không có! Hãy viết thư cho em, anh yêu, tốt nhất là ngày nào cũng gửi, chứ không phải là tuần chỉ hai lần. Em đã nói với nhiều người về cuốn tiểu thuyết của anh, lúc nào em cũng cảm thấy dường như em đang cầm tay anh và mỉm cười với anh. Paris lúc này là buổi trưa. Còn anh ở Chicago có lẽ đang đi bơi hay đang bận tạp dề vào bếp? Cũng có thể là anh đang ngủ? Em thích thế hơn, để cho em được đến gần bên và đánh thức anh dậy bằng nụ hôn. Em hôn anh nhiều, thật nhiều.
Simone của anh.
Chủ Nhật 8/8/1948
Chào anh, anh yêu của em! Chúng ta thức dậy cùng nhau, anh chìa nắm đấm cho em, rồi sau đó... Mà thôi, em không thể. Ôi, những cơn tỉnh giấc cô đơn, lạnh lùng trong căn phòng tròn này!
Hôm nay một ngày bình yên, chủ nhật, ngoài phố có gió nhẹ thổi. Sartre cùng mẹ đi vắng một tuần, giao lại căn hộ cho em. Ngồi bên bàn, em nhìn qua cửa sổ ngắm nhà thờ và tiệm cà phê "Do Mago". Bây giờ là mười giờ sáng, em không tính đi đâu cho đến tám giờ tối. Em uống một viên tăng trương lực - em muốn kết thúc một chương. Hôm nay anh chắc cũng làm việc cả ngày, em nghĩ thế. Bài tiểu luận của em "Ðạo đức của tính hai mặt" sắp ra ở Mỹ. Em lại nhìn thấy cái tay làm trò ảo thuật ấy (em gần như đã đoán ra được một số trò của hắn) và lại có mặt tại một hầm chứa đông chật khách du lịch Mỹ đến mức phải vất vả lắm em mới len được vào. Nó nằm ở tầng hầm tiệm "Do Mago", bài trí hấp dẫn theo phong cách kỳ dị nhưng dễ chịu, nhạc jazz ở đó hay nhất Paris, quả thật là tuyệt vời, bọn trẻ nhảy múa rất đẹp. Nhân vật chính ở đó vẫn là anh chàng thổi kèn mà có lần em đã viết cho anh, anh ta vừa mới dịch xong cuốn "Những chiếc đồng hồ lớn" của bạn anh là Kennet Phiring (nhà văn Mỹ, nổi tiếng vào những năm 30, về sau chuyên viết các tiểu thuyết trinh thám - ND). Một điều lạ lùng: bạn em dịch sách của bạn anh, đó là hai thế giới khác nhau, xa nhau vời vợi, còn em và anh thì rất gần nhau. Em kiên trì theo trật tự đã định: ban ngày làm việc, buổi tối gặp gỡ bạn bè - thường là ở tiệm cà phê, nơi đó có witky, khi thì ngồi dưới bóng dù ngoài đường, khi thì ở trong nhà. Nhóm bạn vẫn chừng ấy người: Sartre, anh chàng Bost đẹp trai, Giakometti, Richard Rite - một cuộc sống thật trầm lặng. Em vẫn không nguôi buồn nhớ anh, nỗi nhớ khó nhọc, không nước mắt, giá đôi khi khóc được thì tốt hơn, nhưng em đã khóc quá nhiều vào cái đêm ấy, từ đó chỉ còn lại nỗi đau nghiệt ngã, khô lạnh. Tuy nhiên em vẫn không đến nỗi bị cắt đứt, khi tìm thấy trong va li của mình chiếc khăn mùi xoa có thêu chữ "A" và khi đeo chiếc cà vạt nhỏ màu đen mà anh rất thích.
Hôm qua em vào rạp xem bộ phim "Quả cầu bốc cháy" của Houks làm cùng với Hary Cuper và Barbara Stenvik - đôi đoạn vui nhộn, nhưng nói chung là nhảm nhí. Vì còn thời gian cả một ngày nên em muốn thong thả trò chuyện cùng anh. Em không có tài viết được những chuyện bịa hay ho như anh, nên tốt nhất là em kể cho anh nghe các chuyện thật. Em đã đọc đi đọc lại bức thư mới đây của anh và muốn quay lại nó. Thứ nhất, em nhắc đến một chàng trai xinh đẹp không phải để nhằm khoe khoang. Em cảm thấy, trong quan hệ của chúng ta sự khoe khoang là không nên có. Nếu như em có khoe một điều gì đấy thì đó là về tình yêu của chúng ta. Ðơn giản là em rất muốn chúng ta không chỉ là tình nhân, mà còn là bạn bè, và càng biết nhiều về nhau càng tốt. Còn khoe khoang tiểu sử tình ái của mình thì đặc biệt chẳng sao, hôm nay em sẽ kể cho anh nghe mọi chuyện về em, như anh đã kể cho em nghe về anh vào cái buổi tối tuyệt diệu trong tiệm cà phê "Kasa kontent". Như anh đã biết, em sinh ra trong một gia đình thị dân theo công giáo và rất cổ hủ, mọi người giáo dục em rất nghiêm khắc, cấm đọc đủ thứ sách - em được đọc chúng chỉ vào những năm sinh viên, khi đã ngừng tin vào Chúa. Nhưng dẫu sao em vẫn là cô gái "nết na" nhất đời. Năm mười bảy tuổi em yêu người anh họ thông minh, quyến rũ, cùng tuổi với em, anh ấy đối với em là mẫu hình lý tưởng của người đàn ông. Anh ấy rất quyến luyến em, phát hiện cho em văn học hiện đại và giúp đỡ về mặt tâm lý giúp em thoát khỏi các thiên kiến của gia đình, nhưng anh ấy "tôn trọng" em như một người mang cách nhìn thị dân có thể "tôn trọng" cô em họ, còn khi cưới vợ anh ấy lấy một cô gái què quặt ngốc nghếch, giàu có và còn trinh nguyên với chồng. Chung lại, đó là một mối tình lý tưởng kiểu trẻ con, tầm thường. Ðám cưới của anh ấy đã giáng cho em một đòn, nhưng không phải là quá mạnh, bởi vì chính vào thời gian ấy em có những người bạn mới, đó là các sinh viên như em, trong số họ có Sartre. Em và Sartre chẳng mấy chốc đã quấn quít nhau, em hai mươi ba, anh ấy hai mươi lăm, em đã vui sướng hiến dâng cho anh ấy cuộc đời mình và cả bản thân. Anh ấy là người đàn ông đầu tiên em chung chăn gối - trước đó em thậm chí chưa hôn một ai. Từ đấy, bọn em có cuộc sống chung, và như em đã nói với anh, em rất yêu anh ấy, nhưng có lẽ là yêu như một người anh.
Thứ tư, 23/7/1947
Anh yêu của em, không có những thư mới của anh sau hai bức đến từ tuần trước, vì thế em quyết định đọc lại chúng. Giá anh biết được là em hoàn toàn không trách cứ gì thú chơi bài của anh. Nếu như anh đã làm việc vất vả cả ngày thì vì sao chiều tối lại không chơi? Cái chính là công việc làm xong, còn khi rời bàn đứng lên và muốn thư giãn thì theo em, có thể làm gì cũng được. Em chẳng hạn, những khi đó thích uống một chút, cái đấy cũng như chơi cờ vậy thôi, chỉ để nghỉ ngơi thôi mà. Nói chung thời gian gần đây em uống hơi nhiều, bởi vì em rất buồn nhớ anh, buồn nhớ nhiều hơn là em có thể hình dung. Nelson anh yêu, anh là người ân cần và đáng yêu nhất trên đời, em rất vui sướng thấy anh muốn chuẩn bị mọi việc thật lý tưởng cho chuyến em đến, nhưng hãy cứ để đó chỉ là dự định thôi nghe anh. Nếu anh khỏe mạnh và yêu em thì hỏi em còn cần gì hơn nữa? Xin anh đừng sửa soạn gì đặc biệt cả. Tất nhiên, nếu anh dùng mười đôla mà mua được một chiếc ô tô thì đó là một điều kỳ diệu, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể đi bằng xe buýt và máy bay, thậm chí chỉ bằng xe buýt, và nếu như trong bếp của chúng ta có một ít thịt và ngô - hay thậm chí chỉ ngô không thôi - thì đối với hạnh phúc thế cũng đã đủ lắm rồi, phải không anh? Anh biết đấy, em không phải là người đỏng đảnh, em có thể sống bằng bánh mì và khoai tây, nước lã và tình yêu, vậy nên anh chớ lo lắng gì. Về mặt nào đó đúng là em có hơi sợ. Hôm nay em đã xem bộ phim của Sartre - nó đã hoàn thành và không đến nỗi kém, dù còn có thể làm được hay hơn. Nhưng vấn đề không phải ở chỗ đó. Vấn đề là ở cốt truyện khiến em thấy lo âu. Người đàn ông và người phụ nữ quen nhau sau khi chết và yêu nhau. Họ được phép trở lại dương thế nếu họ biết cách biến được tình yêu của mình thành tình cảm con người thực thụ, sống động thì họ sẽ lại được hưởng toàn vẹn cuộc sống, còn nếu không thì sẽ bị chết vĩnh viễn. Họ đã không biết cách. Ðiều đó đã gây ấn tượng mạnh và em nghĩ về cuộc tình của chúng ta. Chúng ta yêu nhau qua các hồi ức và hy vọng, thường là qua thư từ. Liệu chúng ta có thể biến được tình yêu này thành tình cảm sống động và hạnh phúc của con người không? Cần phải thế. Em nghĩ, chúng ta sẽ có được điều đó, nhưng không phải là đơn giản. Nelson, em yêu anh, nhưng liệu em có xứng đáng với tình yêu của anh không, một khi em không thể hiến dâng cho anh cuộc sống? (trong thư trước Algren bày tỏ hy vọng là trong lần đến sau Simone de Beauvoir sẽ ở lại hẳn - ND). Em đã cố giải thích cho anh rõ vì sao. Anh có hiểu em không? Anh có bực bội không? Ðiều đó có làm anh xa cách không? Anh có luôn tin rằng em thật sự yêu anh, yêu chân thành? Có lẽ, không nên nói những điều như thế trong thư, em rất đau khổ khi phải nói ra mọi điều thẳng thắn như vậy. Nhưng lảng tránh chúng em lại thấy khó hơn gấp bội, bởi em cũng đã tự đặt cho mình những câu hỏi đó. Em không muốn lừa dối anh hay che giấu anh một điều gì. Một trong những câu hỏi đó đã không để em yên ổn hai tháng nay, nó dày vò em, cắn xé trái tim em: có thể dâng hiến một phần mình được không, khi biết rằng không có ý định dâng hiến tất cả? Liệu mình có quyền yêu anh ấy và nói là yêu nếu mình không sẵn sàng trao cho anh ấy toàn bộ cuộc đời khi anh ấy đòi hỏi? Liệu một ngày nào đó anh ấy có căm ghét mình không? Nelson, tình yêu của em, giá như không nói đến vấn đề này thì dễ chịu cho em hơn, bởi anh cũng không đề cập đến nó, nhưng anh đã nói rất tha thiết với em rằng đối với chúng ta không thể có chuyện gì lừa dối hay che giấu nhau. Em không thể chịu được giữa chúng ta lại có những chuyện úp mở, những điều khó chịu không nói ra lời, những sự bực bội kìm nén. Bây giờ mọi chuyện đã được viết hết ra giấy. Nếu anh không muốn thì xin đừng viết trả lời, đợi khi nào gặp nhau chúng ta sẽ bàn bạc. Anh còn nhớ đã có lần em nói em kính trọng anh thế nào: chính sự kính trọng anh đã buộc em phải viết ra trang thư này. Em không có ý nói anh yêu cầu gì ở em, nói chung không biết là khi chúng ta gặp nhau sự thể sẽ thế nào, em chỉ muốn nói một điều: em không bao giờ có thể đem lại cho anh tất cả, vì thế tâm hồn em cứ bị dằn vặt. Anh yêu, đó quả thật là địa ngục - sống xa nhau, không thể nhìn thẳng vào mắt nhau khi nói về những chuyện quan trọng như vậy. Anh có cảm thấy chính vì tình yêu mà em cố gắng nói lên sự thật bằng mọi giá và điều đó chứa chất nhiều tình yêu hơn là mấy lời "em yêu anh"? Anh có cảm thấy em muốn không chỉ là được yêu, mà còn phải xứng đáng với tình yêu của anh? Xin anh hãy đọc thư này với trái tim đang yêu, hãy hình dung như là đầu em đang ngả vào vai anh. Có thể anh không coi nghiêm trọng lắm bức thư này của em, bởi em viết về những điều anh cũng đã biết. Nhưng em không thể không viết, bởi vì tình yêu của chúng ta cần phải trung thực, cuộc gặp của chúng ta cần phải không bị biến thành bẽ bàng, thất vọng. ở đây em đặt hy vọng vào cả anh và bản thân mình. Dẫu anh xem chuyện này thế nào chăng nữa, xin hãy cứ ôm chặt em.
Simone của anh
Algren viết thư đáp lại rằng ông có ý định đề nghị bà lấy ông, khi bà đến Chicago. Ông thích chờ đợi cuộc gặp để nói chuyện nghiêm túc, nhưng bức thư ngày 23 tháng Bảy đã buộc ông phải nhìn sự việc một cách tỉnh táo, cuộc hôn nhân sẽ đẩy cả hai người đến sự đoạn tuyệt không thể được với cái thế giới mà mỗi người không thể tách rời. Chẳng lẽ có thể chặt đứt gốc rễ ràng buộc bà với Paris, ông với Chicago mà không thấy nuối tiếc và không cảm như đó là một cuộc tự sát tinh thần? Tuy nhiên ông cảm thấy mình buộc chặt với bà bởi những mối dây hôn nhân chặt hơn những mối dây đã từng gắn ông với người vợ hợp pháp trước đây. Còn về tương lai... Liệu một ngày nào đó ông có căm ghét bà không?Hiện thì ông cảm thấy là điều đó không thể có được. Ông biết ơn bà và sẵn sàng vì bà mà từ bỏ hình thức chung sống theo như thông lệ: họ sống bên nhau một thời gian, rồi bà ra đi. Nếu ông có điều kiện thì bay đến Pháp, sau đó trở về nhà, không hề có những cảnh bi thương, sướt mướt.
Thứ Bảy, 28/7/1947
Nelson, anh yêu, em viết cho anh trên giấy màu xanh sáng, bởi vì trái tim em đang ngập tràn một niềm hy vọng cũng màu xanh sáng như vậy: chúng ta sắp có một niềm vui lớn. Nếu mọi việc đâu vào đấy thì em sẽ đến chỗ anh vào đầu tháng chín, chính xác là ngày bảy, và ở lại đến ngày hai mươi. Chúng ta sẽ có gần hai tuần được sống trong vòng tay nhau, ở nơi thanh bình như chốn mục đồng. Em lấy chuyến bay thẳng Paris - Chicago, lên máy bay vào chiều ngày sáu và đến nơi vào ngày bảy, lúc mười hai giờ (theo giờ Chicago). Anh đừng ra sân bay, các thứ thủ tục hải quan khủng khiếp chẳng biết lúc nào mới xong, và em sẽ điên lên mất khi biết anh đang ở gần đâu đó nhưng em không thể thấy được. Hơn nữa sân bay không phải là nơi tốt nhất cho cuộc gặp lại của vợ chồng sau một thời gian dài xa cách. Hãy đợi em ở nhà với rượu wisky ngon, giăm bông và mứt, bởi vì em sẽ rất mệt mỏi và đói bụng. Hãy dự trữ tình yêu nhiều vào, hãy mua hết các nhãn tình yêu sản xuất tại địa phương trong các thứ chai lọ mà anh có ở nhà. Anh yêu, em không thể và thậm chí không tìm cách diễn đạt là em sung sướng đến mức nào. Mọi việc được quyết định một cách đột ngột. Em biết là vào tháng chín em sẽ có hai tuần rảnh, nhưng Chicago thì quá xa xôi, cứ nghĩ đến việc bay đến đấy là em đã thấy sợ, như anh cũng sợ phải đến New York khi em từ đó gọi điện cho anh. Em biết rằng nếu em cứ khăng khăng thì sẽ có thể nhận được tiền từ nhà xuất bản của mình (Sartre đã thuyết phục Beauvoir thực hiện chuyến đi và cấp tiền cho bà -ND). Và đột nhiên em nghĩ: "xa xôi" nghĩa là gì? Hai mươi tư giờ bay nghĩa là gì nếu anh thật sự muốn gặp mặt người anh yêu dấu? Em vừa tự đặt ra câu hỏi đó thì câu trả lời cũng bật ra luôn: nếu em có thể đi được, nghĩa là, em sẽ đi. Việc đã quyết. Em bổ đến hãng du lịch...
|