Rank: Advanced Member
Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC) Posts: 9,291 Points: 11,028
Thanks: 758 times Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)
|
Vạn Lý Ðộc Hành!
Monday, May 10, 2010
Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài
Nguyễn Xuân Nghĩa
Có mặt thì phải đặt tên là khủng bố!
Cuối cùng thì chính quyền Hoa Kỳ công nhận Faisal Shahzad là một tên khủng bố. Mà cũng chẳng là tay đặc công đơn lẻ theo kiểu “vạn lý độc hành,” một thứ “lone wolf.” Faisal Shahzad có liên hệ đến lực lượng khủng bố Taliban tại Pakistan và có thể đã được Taliban yểm trợ về tài chánh.
Ngày Chủ Nhật, mùng 9 tháng 5, Tổng Trưởng Tư Pháp Eric H. Holder Jr. xác nhận với truyền thông như vậy. Cố vấn về Chống Khủng Bố tại Phủ Tổng Thống là ông John Brennan còn cho biết thêm là Shahzad hoạt động cho nhóm Tehrik-e-Taliban (gọi tắt là TPP), một lực lượng khủng bố đồng hành và hầu như không tách rời khỏi nhóm Al-Qaeda.
Những xác nhận trên đây không là chuyện nhỏ. Nhìn từ bên ngoài, người ta phải thấy chột dạ.
Tối mùng 1 tháng 5, Faisal Shahzad dùng một xe hơi chất đầy chất nổ nhằm đánh bom khu vực Times Square của thành phố New York vào giờ cao điểm để giết người tối đa. Việc không thành nên không ai bị thiệt mạng. Hơn 53 giờ sau thì tên khủng bố non tay này bị bắt khi lên máy bay tại phi trường New York tính đào thoát qua Dubai ở Trung Ðông. Trước tòa án, nghi can xác nhận tội trạng nhưng khai là tự ý một mình chứ không liên hệ gì tới các nhóm khủng bố ở ngoài nước Mỹ. Cuộc điều tra sơ khởi cho thấy là y khai gian.
Nước Mỹ hú vía vì gặp một tay mơ, nhưng sự may mắn ấy có khi không tái diễn.
***
Trước hết, quả là hung thủ không thiếu ý chí giết người tối đa. Trong chiếc SUV loại Pathfinder được đậu tại đường 45 gần quảng trường Time Square, Faisal Shahzad đã gài ba loại chất nổ nhằm phá hủy cả một khu vực rộng lớn đang có đầy người.
Theo thông tin của Bộ Tư Pháp, một thùng sắt để phía sau xe có chứa hơn một tạ (113 kg) phân bón gốc urea. Nếu trộn với “acid nitric,” phân bón sẽ thành “urea nitrate,” chất nổ được sử dụng trong vụ tấn công World Trade Center năm 1993. “Mục đích yêu cầu” của hung thủ là làm xe hơi nổ tan tành giữa chốn đông người. May là chuyện pha chế ấy không thành!
Trong xe còn trữ hai bình gần hai chục lít xăng, chung quanh chất đầy pháo bông. May là pháo nổ lại không làm vỡ bình xăng khiến xăng bốc cháy hoặc kích hỏa chất “urea nitrate.” Xăng cháy thì quả là ngoạn mục nhưng chức năng giết người thuộc về “urea nitrate.” Như chưa đủ chắc, hung thủ còn để ba bình ga loại propane, mỗi bình 75 lít. May là Faisal Shahzad lại không mở bình ga, có lẽ vì muốn dùng áp suất rất cao trong bình gây ra một vụ nổ lớn. Dùng bình ga làm bom thủ công nghệ - improvised explosive devices - là trò khủng bố đã phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới.
Hoa Kỳ gặp may vì hung thủ cố ý dùng cả ba loại chất nổ (urea, xăng và ga lỏng) mà chỉ không biết cách pha chế và kích hỏa. Ráp bom là một nghề, cho nổ lại là một nghề khác và Faisal Shahzad chưa được huấn luyện tới nơi tới chốn. Một nguyên nhân khác là y có tham vọng cao hơn khả năng, muốn tạo ra sự ngoạn mục cho thiên hạ biết tiếng bằng cách sử dụng phương pháp cầu kỳ quá sức mình.
Năm ngoái, một lãnh tụ khủng bố của Al-Qaeda trong Vịnh Á Rập (AQAP - Al-Qaeda in the Arabian Peninsula) là Nasir al-Wagayshi đã căn dặn các tay khủng bố tự phát ở cấp cơ sở là “chỉ nên dùng phương pháp tấn công đơn giản thôi!” Nghe chừng Faisal Shahzad chưa nghe ra... có khi vì y là con một cựu thiếu tá người Pakistan, đã học hành tử tế và thành công tại Mỹ nên muốn chơi trội!
Nhưng, việc hung thủ đã có thể gom góp ngần ấy phương tiện giết người “ngay trong đất địch” khiến chúng ta phải lạnh mình!
***
Sau vụ 9-11, các nhóm khủng bố chuyên nghiệp xưng danh “Thánh chiến” thấy là rất khó tấn công vào lãnh thổ Hoa Kỳ.
Sau khi được huấn luyện nhuần nhuyễn, các đặc công có tay nghề cao nhất thì khó đột nhập vào Mỹ. Quân khủng bố đành tìm “dân nội địa,” người Hồi Giáo sinh sống tại Mỹ và đã thụ đắc quốc tịch Mỹ, rồi đưa ra ngoài tập huấn để trở về ra đòn.
Thí dụ như tháng 9 năm ngoái, “công dân Mỹ” Najubullah Zazi bị bắt như vậy sau khi qua học tập trong một căn cứ của Al-Qaeda tại Pakistan năm 2008. Chính là hệ thống nghe lén của tình báo Mỹ phát giác hành tung của Zazi và theo dõi để kịp thời tóm cổ khi hắn mua một lượng rất lớn hai chất “hydrogen peroxide” và “acetone” để pha chế chất nổ “triacetone triperoxide” rất dễ bốc. Hành tung mua sắm loại hóa chất này khiến nhà chức trách kịp nhảy vào cuộc. Nghĩa là các nghi can đều có được khủng bố al-Qaeda hay Taliban huấn luyện, nhưng chưa tới trình độ.
Một trường hợp khác lại đáng chú ý hơn. Ðó là thiếu tá Bộ Binh Hoa Kỳ Nidal Hasan. Tháng 11 năm ngoái, anh ta nổ súng giết chết 13 người trong trại lính Fort Hood ở Texas. Thay vì chạy ra nước ngoài để thụ huấn một khóa học về khủng bố, Nidal Hasan dùng ngay kiến thức quân sự của mình thi hành việc giết người để làm sáng danh Thượng đế Allah của mình, theo kiểu tàn ác của mình. Hung thủ nhắm vào phương pháp đơn giản hơn là chế bom, và đạt kết quả hơn hẳn Faisal Shahzad! Nói cách khác, lời khuyên của trùm khủng bố AQAP là al-Wahayshi đã có công hiệu trong cộng đồng Hồi Giáo cực đoan tại Mỹ.
Vấn đề là vì sao người ta vẫn còn gặp hiện tượng kỳ lạ này?
***
Lãnh đạo lực lượng khủng bố chiến lược như al-Qaeda hay Taliban thật ra đang bị tê liệt và không thể tung hoành tại Hoa Kỳ với một thành tích ghê gớm như vụ 9-11 năm 2001. Nhưng, trong thế giới Hồi Giáo, ta vẫn thấy xuất hiện phản ứng “khủng bố tự phát” của các nhóm Al-Qaeda “địa phương” (như AQAP) hay nội địa, hoặc các tay khủng bố đơn lẻ kiểu “Vạn lý Ðộc hành.” Thành phần này không có trình độ nghiệp vụ cao như 19 hung thủ của vụ 9-11 và cần được huấn luyện thêm. Nếu được kết nạp từ Hoa Kỳ và chạy ra ngoài học nghề giết người - như trường hợp Faisal Shahzad - thì may ra nhà chức trách Mỹ có thể theo dõi và bắt được. May ra thôi, nếu Quốc Hội không ngăn cấm chuyện nghe lén này.
Chứ thực tế thì nhà chức trách Hoa Kỳ đã bị tuột tay và nước Mỹ gặp may nên tránh được hai vụ tàn sát trên chuyến bay vào Detroit trong ngày Giáng Sinh và tại Times Square vào hôm mùng Một vừa qua. Trong cả hai vụ, chính là thường dân đã phát giác và ngăn được tai họa. Và Faisal Shahzad còn thoát khỏi mạng lưới an ninh cho tới khi lên máy bay - cũng tại New York - để trốn qua Trung Ðông. Các cơ quan an ninh Mỹ có trách nhiệm lớn khi để xảy ra những vụ như vậy.
Faisal Shahzad có bị theo dõi, đã đưa vợ con ra ngoài sau khi qua 5 tháng học nghề khủng bố rồi quay trở lại Mỹ thi thố tài năng. May là tay nghề chưa khá nên thành tích chưa trọn vẹn. Nếu hắn gặp may thì dân Mỹ đã lãnh họa! Dù sao, phải lấy công tâm mà nói rằng việc theo dõi, nghe lén và điều tra một số nhân vật khả nghi như vậy không là đơn giản, dễ làm. Và nếu thiếu tế nhị thì cơ quan công quyền còn mang tiếng là kỳ thị dân Trung Ðông, Á Rập hay người Hồi Giáo.
Chuyện đáng nói hơn thế là chính quyền Barack Obama đã gián tiếp quy tội cho vị tiền nhiệm là có chánh sách quá khe khắt nhuốm mùi thù nghịch với Hồi Giáo nên càng khuyến khích khủng bố. Sau khi nhậm chức, ông Obama lập tức đòi đóng cửa trại tù Guantanamno rồi đi vái tứ phương, đọc diễn văn đầy tính chất hòa giải tại các nước Hồi Giáo và tránh dùng đến chữ “khủng bố” - một “tai họa nhân tạo”! Kết quả thì ông chẳng thuyết phục được các phần tử quá khích và khủng bố Hồi Giáo vẫn kết nạp thêm người, kể cả những kẻ ăn học tử tế ngay trong xã hội Mỹ. Ngoài Faisal Shahzad hiển nhiên là còn nhiều tay khác, hiện đang học kinh nghiệm thất bại tại Times Square để trau giồi nghiệp vụ.
Các hung thủ còn mai phục và nhắm vào các mục tiêu “mềm,” thuộc về dân sự, rất khó phòng thủ và bảo vệ. Nhiều “vạn lý độc hành” mà cùng ra tay thì ta vẫn có một phong trào... Nước Mỹ sẽ chẳng mãi mãi gặp may và một tai họa khác vẫn có thể xảy ra.
|