Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

Những Hoàng Nữ và Công Chúa Nhà Nguyễn
Phượng Các
#1 Posted : Friday, December 24, 2004 4:00:00 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,689
Points: 20,007
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)
Bút Khảo Về Tên Những Hoàng Nữ và Công Chúa Nhà Nguyễn

Lê Vân Lân



I – PHẦN KHẢO SÁT

Giòng họ Nguyễn hiện diện trên ngôi vị cai trị ở Việt Nam kể từ Chúa Nguyễn Hoàng vào trấn nhậm đất Thuận hóa năm 1558 cho đến vua Bảo Đại thoái vị vào năm 1945 cộng cả thẩy 9 đời chúa ( 1558 – 1776) và 13 đời vua ( 1802 – 1945).
Trong thời gian gần non 4 thế kỷ, nhà Nguyễn đã sản xuất bao nhiêu công chúa? Những nàng công chúa này đã được sanh ra trong những hoàn cảnh lịch sủ nào và đã được đặt tên ra sao? Đây chính là trọng điểm của sự khảo sát của tôi trong bài bút khảo này.

Minh xác về danh từ

Trước hết, về danh từ, người ta quen nói con trai vua chúa là hoàng tử, con gái là công chúa. Điều này nói chung thì đúng nhưng cũng cần minh xác thêm. Dựa vào cuốn Nguyễn Phúc tộc thế phả, trong phần Vương phả (chép về các Chúa Nguyễn) cũng như trong phần Đế phả (chép về các Vua Nguyễn), con trai của Chúa và Vua gọi chung là Hoàng Nam, hay Hoàng tử hoặc Công tử còn con gái của họ gọi chung là Hoàng Nữ hay Công nữ.
Con trai của chúa hay vua nói chung đẻ ra thì một số ít chết sớm thì sách ghi là tảo thương, còn những hoàng nam hay hoàng tử còn sống thành người thì duy chỉ có một người được sách lập làm Thế tử để nối ngôi chúa hay làm Thái tử nối ngôi vua còn những người khác thì tùy theo chức tước hay sắc phong lón nhỏ mà gọi, chẳng hạn như về đời Chúa thì Nguyễn Phúc Nguyên là con thứ sáu của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng được lập Thế tử để trở thành Sĩ vương ( hay Chúa Sãi); về đời Vua, hoàng tử Nguyễn Phúc Kiểu (hay Đảm) là con thứ tư của vua Gia long được sách lập làm Thái tử để trở thành vua Minh Mệnh (sau khi Anh Duệ Hoàng thái tử Nguyễn Phúc Cảnh qua đời), còn anh em của ngài thì gọi tùy theo tước phong, chẳng hạn như Kiến An Vương Nguyễn Phúc Đài, Định Viễn Quận vương Nguyễn Phúc Bính...

Về phía con gái, cũng vậy trừ những người chết yểu, trong các đời Chúa, những hoàng nữ khôn lớn chưa có thể gọi là Công chúa vì các chúa Nguyễn vẫn còn mang Vương tước. Tuy nhiên các con gái của các chúa vẫn được gọi là Công nữ hay Công nương, như trường hợp các bà Ngọc Vạn, Ngọc Khoa... Kể từ sau vua Gia Long xưng đế hiệu, thì con gái được vua sắc phong mới gọi là Công Chúa. Công chúa được gả chồng thì gọi là “ hạ giá”, chứ không nói theo ngôn ngữ thường dân là “xuất giá”. [Chồng của những công nương, công chúa thường là con của những khai quốc công thần, hay các đại quan ít nhất từ tam phẩm trở lên.] Một công chúa trong một đời thường có nhiều tên như biệt danh hay tự danh lúc mới đẻ, tước hiệu công chúa sau khi được sắc phong, thụy danh sau khi chết. Chẳng hạn như ta đọc trong phần Đế Phả của cuốn Nguyễn Phúc Tộc chép như sau:

NGUYỄN PHÚC NGỌC KHUÊ
Mỹ Khê Công Chúa

Bà là con gái thứ 12 của đức Thế Tổ, mẹ là Đức phi Lê thị Bình. Bà sinh năm Đinh Mão ( 1807).
Năm Ất dậu ( 1825), bà lấy chồng là Vệ Úy Nguyễn văn Thiện ( con trai của Kinh môn Quận công Nguyễn văn Nhân).
Năm Đinh hợi ( 1827), bà mất , lúc 21 tuổi, ban thụy là Trinh Ý.
Về sau mới được phong Mỹ Khê Thái Trưởng Công chúa.
Bà có 1 người con trai.
[Chú thích thêm của người viết: vua Thế Tổ là vua Gia Long, bà Đức phi Lê thị Ngọc Bình là con gái út của vua Lê Hiển Tông, em gái của Ngọc Hân Công Chúa. Bà này nguyên là vợ của vua Tây sơn Nguyễn Quang Toản (con thứ của vua Quang trung Nguyễn Huệ). Khi Quang Toản bị bắt và giết lúc mới 19 tuổi, đương nhiên bà còn rất trẻ tơ hơ hớ, chưa sanh con và nhất là đẹp quí phái lộng lẫy nên vua Gia Long mới thương hoa tiếc ngọc, cưới làm Đức Phi, đứng hàng thứ ba trong các bà vợ của ông sau hai bà vợ già tấm cám là bà Tống thị Lan (Thừa thiên Cao Hoàng Hậu, mẹ của Hoàng tử Cảnh) và bà Trần thị Đang (Thuận thiên Cao Hoàng Hậu tức là mẹ của vua Minh Mệnh).]
Một điểm cần lưu ý thêm là chữ Công Chúa chẳng duy nhất chỉ là con gái vua, mà những công chúa có anh em làm vua được phong làm Trưởng Công Chúa, chẳng hạn như hai bà công chúa Ngọc Châu và Ngọc Anh là chị em với vua Minh Mệnh được gọi theo thứ tự là Bình Thái Trưởng Công Chúa, và Bảo Lộc Trưởng Công Chúa... Còn tước vị Thái Trưởng Công Chúa, theo thói nhà Đường, là tước vị của người cô của vua.
[Trường hợp của bàLê thị Ngọc Bình trong tư cách vợ vua Gia Long tuy trẻ măng nhưng đứng vai ngon lành là cô dì của Vua Minh Mệnh!]

Ý niệm ‘ Lá Ngọc Cành vàng” qua chữ Ngọc!

Khảo sát Sơ đồ Phả hệ Dòng họ các Chúa Nguyễn, tóm tắt theo cuốn Tiên nguyên toát yếu phả tiền biên của nhà Nguyễn, tôi thấy rằng biệt danh của các hoàng nữ trong các đời chúa đêu mang có lót chữ Ngọc:
_ đời Nguyễn Cam ( quen gọi là Kim) có 1 gái là Ngọc Bảo;
_ đời Nguyễn Hoàng có 2 gái là Ngọc Tiên và Ngọc Tú;
_ đời Nguyễn Phúc Nguyên có 4 gái là Ngọc Liên, N. Vạn, N. Khoa, N. Đỉnh;
_ đời Nguyễn Phúc Lan không có con gái;
_ đời Nguyễn Phúc Tần có 3 gái: Ngọc Tào, và 2 người sau chết sớm không có tên;
_ đời Nguyễn Phúc Thái có 4 gái: hai gái đầu tảo thương không tên, 2 người còn lại là Ngọc Nhiễm, Ngọc Nhương;
_ đời Nguyễn Phúc Chu có 4 gái: Ngọc Sáng, N.Phụng, N. Nhật và một không tên
_ đời Nguyễn Phúc Thụ có 6 gái: người đầu không tên, 5 người sau là Ngọc Thường, N. San, N. Doãn, N. Biện, N. Uyển
_ đời Nguyễn Phúc Khoát có 12 gái:Ngọc Tuyên, N. Nguyện, N. Thành, N. Ái, N. Nguyệt, N.Cư, Ngọc Thọ, N. Xuyến, N. Dao, không tên, Ngọc Cơ, không tên ( Trong Nguyễn Phúc Tộc thế phả ghi Ngọc Nguyệt là Ngọc Muội, Ngọc Cư ghi là Ngọc Quận)
_ đời Nguyễn Phúc Thuần có 1 gái: Ngọc Thục
_ đời Nguyễn Phúc Cốn ( quen đọc là Luân tức là cha của vua Gia Long Nguyễn Ánh) có 4 gái sau là Ngọc Tú, Ngọc Du, Ngọc Tuyền, Ngọc Dụ

Tôi đặc biệt nhận xét thêm rằng tên những hoàng nữ bắt đầu từ chúa Nguyễn Phúc Thụ về sau thì ngoài tên Ngọc là chữ lót đầu, những tên chính phần lớn viết với bộ thủ Ngọc như San, Uyển, Tuyên, Thành, Ái, Nguyệt, Thọ, Dao, Cơ, Thục, Du.
Tại sao chữ Ngọc (cũng là bộ thủ Ngọc) lạị được đặc biệt chọn đặt tên cho những hoàng nữ nhà Nguyễn vậy? Ai cũng đoán rằng điều này là do ý niệm tôn quý cho rằng con cái nhà vua là cành vàng lá ngọc (kim chi ngọc diệp).

[Ghi chú thêm: Tôi còn nhớ thời trước 1945, được chính mắt thấy một chậu cành vàng lá ngọc thực thụ trưng bầy trong bảo tàng viện Khải Định bên hông Tam tòa Huế. ]

Tôi nghĩ rằng ý niệm lót chữ Ngọc này đã phát xuất từ trước đời Nguyễn, rõ ràng nhất vào cuối nhà Lê với những tên Ngọc Hân, Ngọc Bình, con của vua Lê Hiển Tông. Chúng ta không tra cứu được ngọc phả của các đời Lý, Trần và Hậu Lê nên không rõ các tên quí bà công chúa thời trước có thường lót chữ Ngọc hay không? Tuy nhiên, dò trong cuốn Hoàng Lê Nhất Thống chí, tôi thấy vợ của Thái tử Lê Duy Vỹ là công chúa Tiên Dung con của Trịnh Doanh Ân Vương. Nhưng tôi lại thấy chuyện bà Chúa Chè Đặng thị Huệ xin chúa Trịnh Sâm gả con gái là công chúa Ngọc Lan (tên chữ là Ngọc Thuyên) cho em trai của mình là Đặng Mậu Lân (bà Ngọc Lan có bà chị tên là Ngọc Anh, tên chữ là Ngọc Loan).
Ngoài ra, trong sách trên, tôi thấy chữ Ngọc cũng dùng làm tên lót cho phi tần như Ngọc Hoan, Ngọc Khoan.
[ Ghi chú thêm: Hoàng Lê Nhất thống chí chép rẳng: Chúa Trịnh Thịnh vương một đêm cho vời bà cung tần Ngọc Khoan vào ban ơn mưa móc, nhưng viên quan hoạn Khê trung hầu cố tình nghe lầm cho bà cung tần Ngọc Hoan vào vì hôm trước ông có nghe bà kể với ông rằng nằm chiêm bao thấy vị thần cho tấm đoạn có vẽ đầu rồng. Chúa thấy Ngọc Hoan vào, có vẻ không thích nhưng chót gọi không nỡ đuổi ra, nhưng sau Chúa có trách mắng Khê trung hầu, nhưng ông này kể đầu đuôi về giấc chiêm bao. Ai ngờ cái đêm hôm đó khiến bà Ngọc Hoan có thai sinh ra thế tử Trịnh Tông. Chúa Trịnh Thịnh vương lại không mừng thích thế tử lắm lấy cớ không phải con vợ cả và còn nghĩ rằng chiêm bao thấy đầu rồng tuy có khí tượng làm vua nhưng là rồng vẽ không phải rồng thật, vả lại vẽ đầu mà thiếu đuôi như vậy không phải là điềm tốt!]
Xem như trên ta có thể kết luận rằng tên lót chữ Ngọc đã rất thịnh hành vào đời Lê và đời Nguyễn rõ ràng đã nối tiếp truyền thống này.
Trong số những công nữ mang tên Ngọc đời Chúa Nguyễn, chúng ta cần lưu ý đến hai bà con của Chúa Nguyễn Phúc Nguyên: Công nữ Ngọc Vạn được gả cho vua Chân Lạp là Prea Chey Chetta II; nhờ bà mà người Việt được vào sinh cơ lập nghiệp ở vùng Thủy Chân Lạp, đặt nền móng cho cuộc kinh dinh vùng Sài gòn Chợ lớn sau này ( 1689) của người Việt. Người Việt thuở đó quen gọi bà Cô Chín, nên có truyền thuyết cho rằng chữ Cochinchine chỉ Nam kỳ là bắt nguồn từ chữ Cô Chín! Bà em của Ngọc Vạn là công nữ Ngọc khoa được gả cho vua Chiêm thành là Pô Rômê, nên mang tên Chàm là Pô Bia Út. Không biết bà có dùng sắc đẹp của mình mà khuynh đảo vua Chàm không, chỉ biết rằng về sau vua Pô Rômê bị tử trận khi đánh với quân Việt, mảnh đất cuối cùng của Champa bị sát nhập vào bản đồ Đại Việt ( 1651)
Truyền thống dùng chữ Ngọc để lót đầu cho tên các hoàng nữ cũng còn duy trì cho đến đời vua Gia Long. Vua có 18 gái. 13 người được tước vị công chúa.
Tên và tước hiệu của họ như sau:
Bình Thái Ngọc Châu, Bình Hưng Ngọc Quỳnh, Bảo Lộc Ngọc Anh, Phú Triêm Ngọc Trân, Bảo Thần Ngọc Xuyến, Đức Hòa Ngọc Ngoạn, An Thái Ngọc Nga, An Lễ Ngọc Cửu, Nghĩa Hòa Ngọc Nguyệt, An Nghĩa Ngọc Ngôn, An Điềm Ngọc Vân, Mỹ Khê Ngọc Khuê, Định Hòa Ngọc Cơ, và 5 người khác là Ngọc Thiếu, N. Lý, N. Thánh, N. Bích, N. Trinh.
Một điều lý thú là chuyện bà công chúa Chân Lạp Ang-May con của vua Nặc Ông Chân thần phục sụ bảo hộ của Việt Nam (1835) nên được Trương Minh Giảng tâu xin vua Minh Mệnh phong cho bà làm quận chúa Việt Nam , do đó bà có tên Việt là Ngọc Vân.

Những mỹ từ tẩm nhuần đạo lý!
Kể từ vua Minh Mệnh trở đi, sự đặt tên cho các con bắt đầu chuyển hướng và theo một qui tắc chặt chẽ.
Vua Gia Long có 13 con trai, nhưng ba hoàng tử đầu con của bà vợ lớn là Thừa Thiên Hoàng Hậu đều chêt trước khi Vua lên ngôi nên vị hoàng thứ tư là Nguyễn Phúc Đảm (hay Kiểu) con của bà vợ thứ là Thuận Thiên Hoàng Hậu được chọn nối ngôi tức là Thánh tổ Nhân Hoàng đế Minh Mệnh. Ông này bèn củng cố ngôi vị chính thống của mình bằng cách đặt ra một hệ thống chặt chẽ như sau:
_ giòng Đế Hệ là giòng con cháu của ông sẽ nối tiếp nhau làm vua
_ và giòng Phiên Hệ là giòng con cháu của các anh em của ông. (Phiên là bức phên, hàng dậu che chở chung quanh).
Những con cháu sinh ra trong nhánh trực thuộc vua Minh Mệnh sẽ dựa theo baiø Đế Hệ thi của nhà vua theo thứ tự thế hệ các đời (hay thế thứ ) mà chọn những chữ trước sau mà đặt tên cho con trai:
Miên Hường Ưng Bửu Vĩnh
Bảo Quí Định Long Trường
Hiền Năng Kham Kế Thuật
Thế Thoại Quốc Gia Xương
nghĩa là cha lót chữ Miên, con Hường, cháu Bửu, v.v...
Về phía con gái thì con gái của vua tức ngang đời Miên thì gọi là Công Nữ, kê đời tiếp là Công Tôn nữ, rồi Công Tằng Tôn nữ, rồi Công Huyền Tôn nữ, Lai Huyền Tôn nữ... [Xin nói thêm: Công Nữ (hay Hoàng Nữ) là con gái vua. Ở Huế, thời đầu thập niên 50, hình như có một bà Công Nữ giao du cởi mở tự do với giới quyền thế đương thời nên được sử dụng nhiều của công nên bị miệng đời ghen tức độc ác mới loan truyền câu sau: Người Công Nữ, ở công thự, ngự công xa, xài công quĩ, làm đĩ công khai.(sic)]

Vua Minh Mệnh có nhiều vợ với 142 con: 78 hoàng tử và 64 hoàng nữ. Cách đặt tên cho các hoàng nữ và công chúa của vua Minh Mệnh hoàn toàn thay đổi:
Chỉ có hoàng nữ đầu còn gọi là Ngọc Tông (không tước vị công chúa). Trừ ra Năm người đã chết sớm còn 58 bà khác có tên sau đây:

* An Trang Trinh Đức, Lại Đức Trinh Thuận, Nghĩa Điền Trinh Nhàn, Trinh Hòa, Bái Trạch Trinh Tĩnh, Mỹ Trạch Trinh Nhu, Trinh Thụy (7 chữ Trinh dùng trong các biệt danh)

* Quỳnh Lâm Nhàn Thận, Gia Lạc Nhàn Thục, Nhàn Trinh, Thuận Hòa Nhàn Tĩnh, Phương Hương Nhàn An, Mỹ Thuận Nhàn Tuệ (6 chữ Nhàn)
* Mậu Hòa Gia Trinh, Mỹ Ninh G. Tiết, Bình Xuân G. Thụy, Gia Trang, Kim Hương Gia Tĩnh (5 chữ Gia)
Định Thành Hòa Thận, Mỹ Duệ Hòa Nhàn, Hương Khê Hòa Tường, Lâm Thanh Hòa Trinh, Vĩnh An Hòa Thục (5 chữ Hòa)
* An Thường Lương Đức, Bảo Ân L. Trinh, Thông Lãng L. Nhàn, Lương Tĩnh (4 chữ Lương)
Hàm Đức Thục Thuận, Xuân An Thục Tĩnh, Vĩnh Trân Thục Tuệ, Xuân Hòa Thục Tư (4 chữ Thục)
* Phương Duy Vĩnh Gia, Phú Phong Vĩnh Thụy, Qui Đức Vĩnh Trinh (3 Vĩnh)
Phong Hòa Nhu Thuận, Đa Lộc Nhu Hòa, Nhu Tĩnh (3 Nhu)
Định Mỹ Đoan Thuận, Phù Mỹ Đ.Trinh, Tân Hòa Đ. Thuận (3 Đoan)
Thuận Lễ Tĩnh Hòa, Nghĩa Đường Tĩnh An, Tĩnh Trang (3 Tĩnh)
Hòa Mỹ Trang Tĩnh, Triêm Đức Tr. Nhàn, Bình Long Trang Tường (3 Trang)
* Mỹ Hà Tường Hòa, Xuân Vinh Tường Tĩnh (2 Tường)
Bình Thạnh Thụy Thận, Thụy Thục (2 Thụy)
* Xuân Vân An Nhàn (1 An)
Nhu Tĩnh (1 Nhu)
Nghi Xuân Phúc Tường (1 Phúc)
Xuân Lai Như Nghi (1 Như)
Phú Hậu Phương Trinh (1 Phương)
An Phú Khuê Gia (1 Khuê)
Lộc Thành Uyển Diễm (1 Uyển)
Hương La Quang Tĩnh (1 Quang)
Qua những biệt danh mà vua Minh Mệnh đặt cho các hoàng nữ, ta thấy vua đã hoàn toàn không đặt tính chất quyền quí qua sự dùng chữ Ngọc mà chú trọng về tôn chỉ đức hạnh theo Nho giáo mà nhà vua tôn sùng. Cái nết đánh chết cái đẹp!
Trai thì trung hiếu làm đầu.
Gái thì đức hạnh làm câu trau mình.
Đức hạnh nữ tắc là Tứ Đức Tam tòng (Tại gia tòng phụ, Xuất giá tòng phu, Phu tử tòng tử) nên lấy chữ Trinh làm đầu, tương đương với chữ Trung cho nam giới trong Tam Cương Ngũ Thường.

Biệt danh của các hoàng nữ tuy gồm hai chữ, nhưng dù là từ chỉ định hay từ bị chỉ định, đảo trước đảo sau thì cũng đều mang một ý nghĩa đạo lý tốt đẹp để bầy tỏ cái ước nguyện và kỳ vọng cho các con gái. Nhìn đại cương, ta có thể suy đoán cái khuynh hướng về quan niệm của Nho giáo đối với vai trò phụ nữ giới hạn trong khuôn khổ gia đình. Theo triết lý vũ trụ quan Á Đông, Dương Nam thì cương, động...; Âm Nữ thì nhu, tĩnh... Chàng thì đi cõi xa mưa gió, Thiếp thì về buồng cũ gối chăn... Chữ AN trong chữ Nho viết với chữ NỮ dưới chữ Miên ( cái mái nhà). Hạnh phúc của người con gái trong cuộc sống là Nhàn như một thân cây trong vườn sau cánh cửa ( Nhàn: chữ Mộc nằm trong chữ Môn), là hỉ gia (vui sướng), gặp mọi điều tốt lành (lương hảo), ăn ở một cách thuận hòa, nhu thục... Cuộc đời của người con gái phải đoan trang ngay thẳng, hưởng những sự hòa tĩnh, không gặp sự ngang trái sóng gió...
Còn tước hiệu công chúa thường cũng là một ý niệm khẳng định và phát huy cho ý nghĩa của những biệt danh chẳng hạn như Công chúa Xuân Vân An Nhàn (nàng con gái an nhàn như đám mây xuân).
Cái thụy danh đặt cho sau khi chết là cái ý tóm lược thành quả của cả một đời đã sống, chẳng hạn như trường hợp của công chúa An Thường Lương Đức: Lúc nhỏ, công chúa cùng các anh chị em đi dự lễ Vạn thọ (sinh nhật của vua) nhưng mẹ đẻ bị bệnh nằm ở nhà. Khi được vua ban cho miếng đản sâm để ăn, bà chỉ ngậm trong miệng không nhai nuốt mà đem về cho mẹ. Khi mẹ mất bà không buồn trang điểm, vua cha se mình thì tự thân nấu cháo sắc thuốc; để tang cha mẹ 3 năm không hề cười. Lấy chồng thì không cậy mình là con vua mà thờ mẹ chồng như người bách tính; chồng chết thì xây sinh phần để hợp táng về sau. Cho nên khi bà chết vào 75 tuổi, nhìn lại suốt cả một đời sống lương hảo, đức hạnh, tên thụy được ban là Mỹ Thục, nghĩa là như một trái cây chín đều (thục) hoàn toàn đẹp (mỹ).

Những cái tên gợi chất thơ !

Vua Thiệu Trị nối ngôi vua cha Minh Mệnh, ngài có nhiều vợ với 29 hoàng tử và 35 hoàng nữ:
Về các hoàng nữ, trừ 2 người mất sớm, còn lại 33 người có tên sau:
Diên Phúc Tĩnh Hảo, An Thạnh Nhàn Yên, Uyên Ý, An Mỹ Huy Nhu, Thúy Diêu, Phương Nghiên, Ái Chân, Hoài Chính Nhã Viện, Thuận Chính Thanh Đề, Thục Nghiên, Sinh Đình, Ủy Thanh, Qui Chính Lệ Nhàn, Trang Ly, Đoan Cẩn, Phú Lệ Đôn Trinh, Liêu Diệu, Uyển Như, Quảng Thi Thanh Cát, Nhàn Nhã, An Phúc Thận Huy, Đồng Phú Ý Phương, Xuân Lâm Trinh Huy, Tự Tân Lương Huy, Tuy Lộc Đoan Lương, Trang Nhã, Thục Trang, Phương Thanh, Lạc Thành Nhàn Đức, Minh Tư, Điềm Uyên, Thuận Mỹ Phúc Huy, Phục Lễ Gia Phúc.

Muốn hiểu ý nghĩa của từng tên trên, chúng ta phải thâm hiểu chữ Nho và văn chương điển cố. Nhìn lại cuộc đời của vua Thiệu Trị, ta thấy ngài là một người “ cư Nho mộ Thích” (vừa sống theo sự tu tâm hướng thiện của đạo Nho, vừa mến chuộng lý thuyết của nhà Phật); nhà vua lại văn hay chữ giỏi, sáng tác nhiều thơ văn, đặc biệt là những bài thơ Ngự Chế vịnh những thắng cảnh, diễn tả cái tình cảm súc động của một tâm hồn yêu cảnh sắc thiên nhiên. Do đó, những tên mà vua đặt cho các hoàng nữ và công chúa là những danh từ rất đẹp : âm thanh nghe du dương trầm bổng dù ta không hiểu nghĩa, còn ý tưởng thì uyên áo, tao nhã, đoan trang ...chẳng hạn như những tên Uyên Ý, Ý Phương, Phương Nghiên, Nhã Viện, Trang Ly, Trang Nhã, Uyển Như, Điềm Uyên rất đầy nữ tính!
Riêng tên “Tĩnh Hảo” (đẹp với vẻ lặng yên) có thể gợi cho ta cái cảnh sắc êm đềm diễm ảo của giòng sông Hương nhìn trong mắt nhà vua vào một sớm bình minh:
Ba bình Hương thủy lung yên sắc
Chu trục thần phong động lỗ thanh
Thiên tửu vị can nhu ngạn thượng
Sơn hoa do luyến kết vân anh.
( Hương giang hiểu phiếm)

( Hương giang sóng lặng lồng sắc khói
Gió sớm thuyền xuôi động mái chèo.
Sương đọng chưa khô, bờ sông lặng
Hoa núi còn vương áng mây trôi!)
(Sớm dạo Hương giang)

[ Chú thích thêm của người viết: Cái tâm hồn thi sĩ trên chẳng riêng gì một mình vua Thiệu Trị ( Miên Tông) có mà có thể nói nó thấm nhuần đến cả hai người em trai của ngài như Tùng Thiện Vương Miên Thẩm, Tuy Lý Vương Miên Trinh, và ba công chúa Lại Đức, Qui Đức và Thuận Lễ, nổi tiếng là Tam Khanh ở kinh thành Huế ( Công chúa Lại Đức Trinh Thận được nhiều người biết với bút hiệu là Mai Am nổi tiếng với bài thơ “ Ức Mai”- Nhớ hoa mai) . Tiếc thay nhà vua thi sĩ Thiệu Trị trị vì 7 năm thì mất, con ngài là Vua Tự Đức Nguyễn Phúc Hồng Nhậm – cũng là một thi sĩ nổi danh lên nối ngôi được 36 năm rồi mất, không có con. Nếu không thì ngọc phả nhà Nguyễn lại ghi thêm nhiều tên đẹp cho các hoàng nữ! ]

Lá ngọc cành vàng trong cơn bão tố
Nối ngôi vua Thiệu trị là vua Tự Đức nhưng vô tự tuy rằng vua nhiều vợ, nên vua phải nuôi ba hoàng tử của người em làm con nuôi. Giai đoạn lịch sử vào cuối đời vua Tự Đức là một chuỗi biến cố đầy bất hạnh và đau thương, nên các bà hoàng nữ của các vua kế vị cũng giống như những đóa hoa sanh ra trong cơn lốc.
Sau Vua Tự Đức là Vua Dục Đức Ưng Chân (con củaThụy Thái Vương Hồng Y tức là em của vua Tự Đức). Ngày 17.7.1883, vua này được nối làm vua nhưng chỉ có 3 ngày thì bị quyền thần truất phế, rồi sau đó bị giam đói đến chết ngày 24 tháng10, 1884.
Vua Dục Đức có 11 con trai và 8 con gái:
Về 11 con trai thì 6 người đầu tảo thương, người con thứ bẩy là Bửu Lân (sau là vua Thành Thái), người thứ tám cũng chết sớm, riêng còn có hai người thứ 9 và thứ 10 còn sống được phong tước Công là Tuyên Hóa công Bửu Toản (dân Huế quen gọi là ông Hoàng Chín) và Hoài Ân công Bửu Khiêm (quen gọi là ông Hoàng Mười). Con trai thứ 11 là Mỹ Hóa Quận công Bửu Lỗi.
Tên 8 hoàng nữ như sau:
Mỹ Lương Tốn Tùy, Phúc Lâm Môn Gia, Như Tâm, Học Giá, Mẫn sự, Thông Lý và đặc biệt một bà có tên Nghị một chữ! còn bà Út (mà dân Huế quen gọi là Bà Chúa Tám) tên là Tân Phong Châu Hoàn.
Ý nghĩa của những tên này phải là bậc học giả uyên thâm mới hiểu, vì chúng có thể dựa vào một câu nào đó trong sách nho. Nếu suy theo nghĩa những chũ rời rồi ghép lại, đôi khi ta có thể đoán ra một phần nào thôi, chẳng hạn như tên Tốn Tùy thì Tùy là theo, Tốn là nhu thuận, như vậy Tốn Tùy là nhu thuận chiều theo chăng? Chữ Môn Gia dựa theo nghĩa từng chữ ghép lại là vui vẻ cửa nhà, còn Phúc Lâm là điều phúc đến.

[Ghi chú thêm trong dấu ngoặc: Ông Hoàng Chín , Ông Hoàng Mười và Bà Chúa Chín là những nhân vật nổi tiếng ở Huế, đến thời trước 1945 tôi còn nhỏ 14 tuổi vẫn còn nghe! Phủ ông Hoàng Mười nằm trên đường Minh Mệnh, dưới cầu Đông Ba có một cái hồ sen lớn và một trường đá gà mà tôi thường đi qua. Còn Bà Chúa Tám có mở một sòng bạc lớn ở Kim Luông, các con trai của bà có những người mà dân Huế quen gọi là Mệ Phủ (giỏi chơi quần vợt, chơi với vua Bảo Đại), Mệ Tương (giỏi chơi túc cầu với những cú đá thần sầu, về sau làm Đại Úy Hiến Binh), Mệ Hồ cao lớn, điển trai, phong độ điệu nghệ và khiêu vũ giỏi ( Thời làm học sinh trường Quốc Học từng khiêu vũ với cô giáo Pháp trẻ đẹp là Morréno trong đêm dạ vũ tại cung An Định bên An Cựu... Thày trò du dương nhẩy nhưng bà thày không ngờ là học trò mà mình dậy, mà cứ ngỡ là một prince charmant nào đó!) ]

Sau khi vua Dục Đức bị truất phế, chỉ trong vòng 4 tháng mà hai quyền thần Tôn thất Thuyết và Nguyễn văn Tường đã lập rồi truất phế thêm 2 người nữa là vua Hiệp Hòa và vua Kiến Phúc nên ở Huế mới có câu: Nhất giang lưỡng quốc nan phân thuyết, Tứ nguyệt tam vương triệu bất tường!
Vua Hiệp Hòa (Hồng Dật) là con thứ 29 của vua Thiệu Trị, làm vua được 3 tháng thì bị truất rồi bị ép thuốc độc mà chết (ngày 29 tháng 11, năm 1883. Ông có 11 công tử và 6 công nữ. Bị truất làm Phế đế, ông không được thờ trong Thế Miếu và trong điện Phụng Tiên. Và tôi thấy trong Nguyễn Phúc tộc thế phả không có kê những tên của các con cái của ông. Con có cha như nhà có nóc, đám hoàng nam và hoàng nữ con của Phế đế Hiệp Hòa tuy sanh ra là cành vàng lá ngọc nhưng thân phận quả đã bị dập vùi trong quên lãng dù là trên Ngọc Phả của nhà Nguyễn!
Đến Vua Kiến Phúc (Ưng Đăng), con của Kiên Thái vương Hồng Cai thì làm vua trong 8 tháng từ ngày 2 tháng 12 năm 1883 đến 31 tháng 7 năm 1884 thì chết một cách bí mật (15 tuổi, chưa có vợ con).
[Ghi thêm về Kiên Thái vương Hồng Cai: Ông này là em vủa vua Tư Đức, có ba người con đều được chọn làm vua nhưng số phần mỗi người lại khác nhau nên dân gian ở Huế có câu:
Một nhà sinh đặng ba vua
Vua còn,vua mất, vua thua chạy dài.
(Vua còn là Đồng Khánh Ưng Thị; vua mất là Kiến Phúc Ưng Đăng; vua thua chạy là vua Hàm Nghi Ưng Lịch)

Những đóa hoa nở trong cảnh đổi đời và xa xứ!
Đến vua Hàm Nghi (Ưng Lịch), cũng là con của Kiên Thái vương Hồng Cai, là em khác mẹ của vua Kiến Phúc và vua Đồng Khánh, lên làm vua ngày 2 tháng 8, năm 1884 cho đến ngày 5 tháng 7,1885 thì Kinh Đô Huế thất thủ, nên phải xuất bôn, ẩn nấp trong rừng vùng Quảng Bình. Đến ngày 30 tháng 10, năm 1888, vua bị hầu cận phản bắt nạp cho Pháp, sau đó thì bị Pháp đầy qua Algérie sống ở tỉnh Alger từ ngày 13 tháng 1, năm 1889 đến ngày 4 tháng 1 năm 1943 thì mất.
Nhà vua lưu đầy này cưới con gái viên chức Thương chánh Lalauer, có một trai là hoàng tử Minh Đức và hai gái là hoàng nữ Như Mai, phụ nữ Việt đầu tiên đậu kỹ sư Nông Lâm, sống độc thân và hoàng nữ Như Lý lấy một đại tá không quân của Hoàng gia Bỉ.

Sau khi vua Hàm Nghi xuất bôn thì người Pháp chọn Vua Đồng Khánh làm vua. Phong trào Cần Vương chống Pháp theo hịch của vua Hàm Nghi nổi lên ở hai miền Nam Bắc, cho nên dân gian có câu:
Ngẫm xem thế sự mà rầu,
Ở giữa Đồng Khánh, hai đầu Hàm Nghi.
Vua Đồng Khánh trị vì hơn 3 năm và mất ở tuổi 25. Vua có 5 vợ và 10 con: 6 hoàng tử và 4 hoàng nữ. Bốn bà là: Hỷ Duyệt, Hỉ Hỉ, Như Hỉ và Hân Hân.

( Lối đặt tên điệp âm hai chữ Hỉ Hỉ, Hân Hân qủa là mới, trước không hay ít ai sùng. Theo Hán tự, Hân, Hỉ, Duyệt đều mang ý nghĩa vui mừng, cũng như chữ Đồng Khánh của vua có nghĩa là cùng vui để cố bày tỏ cái tâm trạng của người Pháp thống trị vui cọng với cái vui của người Việt bị trị sau khi giải pháp chọn nhà vua Đồng Khánh đứng ra chấp chánh, kêu gọi trấn an lòng người. Cha Khánh thì các con Hân Hỉ Duyệt, nhưng trong hoàn cảnh mất nước niềm vui nghe chừng là vui gượng.

[Chú thích: Hoàng nữ Hỉ Hỉ là công chúa Ngọc Sơn hạ giá lấy vị phò mã Nguyễn Hữu Tiễn chức Trung quân Đô Thống có phủ đệ ở số 29 đường Nguyễn chí Thanh ( tên cũ Minh Mạng) Huế từ cầu Đông ba chạy xuống. Phủ đệ này là một nhà vườn kiểu mẫu rất đẹp, được xem là di sản văn hóa Huế hiện mở cửa cho du khách đến thăm.]

Sau khi vua Đồng Khánh băng hà, người Pháp lại đưa hoàng tử Bửu Lân mới 10 tuổi là con thứ 7 của vua Dục Đức lên ngôi vua tức là vua Thành Thái. Nhà vua có tinh thần chống Pháp, nên giả bộ làm dở khùng điên để che mắt Pháp... Nhưng người Pháp vin vào cớ đó mà bắt nhà vua phải tốn vị ngày 3 tháng 9, năm 1907 sau 19 năm tại vị và bắt đi đầy và nhường ngôi cho con là hoàng tử Vĩnh San tức là vua Duy Tân. Ban đầu, họ đầy vua vào Cap Saint Jacques rồi chín năm sau (1916), họ lại đầy vua qua đảo Réunion ở Phi Châu cùng một lần với con là vua Duy Tân. Đến năm 1947, họ lại cho vua về lại Sài gòn, sau mất tại đây vào ngày 20 tháng 3,1954.
Vua Thành Thái có 19 trai và 26 gái. Đặc biệt tên các hoàng nữ đều lót chữ Lương: trừ hai tảo thương, còn 24 bà mang tên sau:
Lương Trinh, L. Kiều, L. Yên, L. Xuân, L. Huyên, L. Viện, L.Diệu, L. Ngoạn, L.Diên, L. Nghiên, L. Huyền, L. Nhiêu, L. Hân, L.Tuyền, L. Chuyên, L. Nhân, L.Tĩnh, L. Linh, L. Mỹ, L. Cát, L. Hảo, L. Hy, L.Thâm, L. Hoàn
Thật khó mà đoán ý nghĩa của các tên trên nhưng chắc chắn chữ Lương nghĩa là tốt đẹp!
Đây là những lá ngọc cành vàng sanh vào thời mạt kỳ của chế độ dân chủ, nên cái ý tốt lành nghe chừng cũng chua chát và ngao ngán với hoàn cảnh vua cha phải bị lưu đầy, thì các hoàng nam, hoàng nữ đâu có còn hưởng những điều lương hảo kiết tường như buổi thịnh thời!

[Chú thích thêm: Người ta cho rằng số con của vua Thành Thái còn nhiều hơn, nhưng chưa ai khảo sát đầy đủ. Mới đây, nữ kịch sĩ Kim Cương mới nhìn nhà vua là cố ngoại của mình! Công chúa Lương Linh là một nhân vật đặc biệt mà dân Huế quen gọi là Mệ Sen, còn sống đến sau này vào thời Thủ Hiến Trung Phần là Phan văn Giáo ]

Hoàng tử Vĩnh San 8 tuổi lên ngôi với niên hiệu vào ngày 5 tháng 9, 1907. Cuộc âm mưu khởi nghĩa chống Pháp của nhà vua với Thái Phiên và Trần Cao Vân thất bại ngày 3 tháng 5 năm 1916. Vua bị đầy qua đảo Réunion với vua cha Thành Thái ngày 20 tháng 11, năm 1916. Cựu Hoàng về sau liên lạc giao thiệp với tướng DeGaulle trong công cuộc chiến đấu chống Đức Quốc Xã nên qua Pháp ngày 25 tháng 9, 1945 được DeGaulle phong làm Thiếu tá Tiểu đoàn trưởng, và chuẩn bị một vai trò chính trị trong sự trở lại Việt Nam. Nhưng chiều Giáng sinh ngày 24 tháng 12 năm 1945, cựu hoàng bị tử nạn phi cơ khi từ Pháp trở về Réunion thăm gia đình, phi cơ lao vào núi ở Bangui (Trung Phi). Về gia đình, nhà vua có vợ là bà Mai thị Vàng (con của Mai Khắc Đôn là giáo đạo của ông), đi theo vua qua Réunion trong 2 năm sau lại trở về Việt Nam vì không hạp thủy thổ. Bà không có con.
Năm 1927. vua kết duyên với bà Fernande Antier, quốc tịch Pháp sanh ra một hoàng nữ Rita Suzie Georgette Vĩnh San và 3 hoàng nam: Guy Georges Vĩnh San, Yves Claude Vĩnh San, Joseph Roger Vĩnh San.
Cũng được biết về sau vua kết hôn với bà Maillot Marie Ersnestine và có thêm một hoàng nữ là Marie Gisèle Andrée.

Sau vua Duy Tân là vua Khải Định tại ngôi vua chín năm ( từ ngày 18 tháng 5, 1916 đến ngày 6 tháng 11 năm 1925). Nhà vua có 12 vợ, nhưng chỉ duy nhất có một hoàng nam là hoàng tử Vĩnh Thụy. Hoàng tử này sanh ngày 22 tháng 10, 1913. Năm 1922, sang Pháp học. Cuối năm 1925 về nước chịu tang cha rồi đầu năm 1926 nối ngôi với niên hiệu Bảo Đại, rồi sang Pháp tiếp tục học đến năm 1932 về nước làm vua. Rồi Nhật đảo chánh Pháp ngày 9 tháng 3, năm 1945, vua Bảo Đại lập chính phủ Quân chủ Lập hiến với Thủ tướng Trần trọng Kim ngày 17 tháng 4 năm 1945. Nhưng đến ngày 25 tháng 8 năm 1945, vua Bảo Đại tuyên bố thoái vị sau khi Việt Minh cướp chính quyền. Về gia đình, vua Bảo Đại cưới bà Nguyễn thị Lan (tên thánh là Marie Thérèse Nguyễn Hữu Hào, người tỉnh Gò Công miền Nam) và tấn phong bà làm Nam Phương Hoàng Hậu ngày 24 tháng 3, năm 1934. Nhà vua có 2 trai là Hoàng Thái tử Bảo Long, Hoàng tử Bảo Thăng; và 3 gái là các công chúa sau: Phương Mai, Phương Liên, Phương Dung. Chữ Phương lót đầu của tên các công chúa có nghĩa là thơm, chính là noi theo tước hiệu Nam Phương Hoàng Hậu (đóa hoa thơm miền Nam)

II- VÀI NHẬN ĐỊNH
Một bức tường chữ nghĩa
Trong Phần I, tôi chỉ làm một sự khảo sát những tên của những hoàng nữ và công chúa nhà Nguyễn qua 400 năm lịch sử. Công việc chỉ là liệt kê và phân loại một cách khái quát theo lối biên niên ra những tên theo triều đại các vua chứ không dám đi vào sự nhận định phân tích kỹ càng chi tiết mà công việc đòi hỏi nhiều công phu nghiên cứu về ý nghĩa của các tên. Lý do là vì nhiều khó khăn, nhất là lý do văn tự. Văn tự của Việt Nam bắt nguồn từ sự tiếp nhận và học tập văn tự Trung Hoa qua nhiều ngàn năm lịch sử nên mới phát sinh ra những từ Hán- Việt. Văn hóa và tư tưởng của Việt nam ta đương nhiên chịu ảnh hưởng sâu đậm qua cái cuốn rốn ngôn ngữ. Mỗi chữ Hán-Việt viết ra đều mang ba sắc thái là hình, âm và nghĩa. Khi ta chấp nhận chữ Quốc Ngữ theo lối phiên âm tiếng nói bằng la-mã tự thì văn tự này chỉ còn giữ âm, còn phần hình và nghĩa đã gần như không còn nữa vì ta không còn thấy mặt chữ Hán với những nét viết và các bộ thủ khác biệt để hiểu những ý nghĩa chuyên biệt. Thế hệ chúng ta không còn là thế hệ cựu học lấy Hán tự làm chuyển ngữ nên tìm hiểu ý nghĩa những chữ Hán quả là rất khó khăn.
Ví dụ: một âm “ tẩu” tầm thường mà ta thường hiểu là chạy, nhưng viết theo bảy chữ hán-tự đồng âm, thì tầu mang những nghĩa khác nhau hẳn như : chị dâu, ông già, con mắt không ngươi, phấn chấn, cái chằm bụi, rủ rê, tùy theo chữ này viết với các bộ thủ khác nhau: nữ, hựu, mục, thủ, thảo, ngôn... Tẩu tẩu đọc lên quen hiểu là một vị lão niên nhưng ghép các chữ đồng âm dị nghĩa lại Tẩu tẩu có thể chỉ một ông già mù, rủ rê chị dâu v.v... [ Khi mới gặp tên công chúa Nhàn Yên của vị vua thi sĩ Thiệu Trị, tôi đã vội đoán là nhà vua tả cái Khói sóng lãng đãng nhàn tản trên sông như ý của bài thơ ngự chế Hương Giang hiểu phiếm. Nhưng tra kỹ tự điển thì hai chữ này viết với bộ Nữ: Nhàn là nhàn nhã, thuần thục, Yên là dáng mặt đẹp, hay cười nụ, diễn tả cái đẹp thùy mị tươi cười của một ái nữ. Tước hiệu công chúa Nhàn Yên mà vua ban cho là An Thịnh: An là bình an, còn thịnh có thể là đầy đặn( viết với bộ Mãnh) như thịnh vượng, nhưng viết với bộ Nhật thì nghĩa là sáng, ý cầu chúc cho công chúa được một tương lai an lành sáng sủa! ]
Văn hóa, tư tưởng thường biến thiên theo những phong trào lịch sử. Chúng ta khi khảo sát và phân tách ý nghĩa của những cái tên cổ xưa, công việc kể ra rất khó và dễ lầm lẫn nếu ta cứ lấy con mắt đời nay mà xét việc làm của người đời xưa. Riêng xét về tên các hoàng nữ của nhà Nguyễn qua hơn bốn trăm năm, ta thấy rõ có một sự biến thiên về khuynh hướng của mỗi giai đoạn lịch sử như tôi đã trình bầy ở phần trên. Hiểu ý nghĩa đen hay trực diện của một cái tên Hán tự chỉ hé lộ một phương diện hạn hẹp nào về từ ngữ đó. Một từ ngữ Hán tự thường là bắt nguồn từ một câu nào đó trong kho tàng Tứ Thư Ngũ Kinh, chẳng hạn như tên Tri Túc ( biết đủ) có thể là câu Tri túc đãi túc hà thời túc nói giản lược đi! ( Biết đủ nhưng vẫn mong chờ đủ thì bao giờ mới đủ!). Bên cạnh cái kiến thức học từ những pho sách giáo khoa, kẻ sĩ ngày xưa còn phải đọc thêm những ngoại truyện hay thi văn thì mới gọi là lịch lãm thâm nho. Chẳng hạn như cái tên Nhật Nhàn (cái nhàn rỗi của một ngày) là do cả câu : Đắc nhất nhật Nhàn vi ngã phúc ( Được một ngày nhàn là tôi hạnh phúc). Cái tên Minh Nguyệt đơn giản thì ai cũng hiểu nghĩa đen là trăng sáng, nhưng có thể do 4 chữ Minh Nguyệt tiền thân, dựa vào hai bài thơ của hai thi nhân:
- Thơ của Tư Không Đồ qua câu:Tình phong kim nhật Minh Nguyệt tiền thân tạm dịch ra thơ nôm
Kiếp này gió tạnh đời ta,
Hẳn là kiếp trước ta là trăng suông
- Thơ của Bạch Cư Dị qua câu :
Thủ bả dương chi lâm thủy tọa,
Nhàn tư vãng sự tự tiền thân
Bờ suối ngồi cầm một nhánh dương
Vẩn vơ kiếp trước, nhớ muôn đường
Hán Nho uyên áo và súc tích học suốt một đời chưa chắc hết, khiến làm sao những kẻ tân học nắm bắt và hiểu rõ hết. Do đó, mới câu chuyện sau: Một người tử tù được vua ban cho một ân huệ trước khi xử chém, người này chỉ tâu: Xin cho học chữ Nho!
Bởi vậy, khảo sát về tên và ý nghĩa tên của những hoàng nữ và công chúa có thể đòi hỏi một công trình thâm cứu của một học giả hơn là một bài biên khảo ngắn.

Một di sản thiện mỹ về văn hóa
Một điểm tổng quát rất quan trọng về phương diện văn hóa là tại sao người Việt chúng ta lại coi trọng những cái tên đặt cho người và cho vật? Chúng ta phải đi từ phạm trù cụ thể, thực tiễn qua phạm trù trừu tượng, tin tưởng siêu nhiên.
Trong sự chỉ định để phân biệt sơ đẳng, đương nhiên phải đặt ra nhu cầu đặt ra những tên để gọi. Trường hợp làm tôi liên tưởng đến đoạn chép đầu trong Sáng Sáng Thế của Kinh Thánh: Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất. Đất còn trống rỗng, chưa có hình dáng, bóng tối bao trùm vực thẳm, và thân khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước.
Thiên Chúa phán: “ Phải có ánh sáng” Liền có ánh sáng. Thiên Chúa thấy rằng ánh sáng tốt đẹp. Thiên Chúa phân rẽ ánh sáng và bóng tối. Thiên Chúa gọi ánh sáng là “ngày”, bóng tối là “ đêm”. Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ nhất.
[ Người ta phải có những cái tên để gọi một cách cụ thể những gì xảy ra chứ. Không lẽ lại gọi cái gì cũng là “ấy” này, “ấy” nọ sao? Một câu chuyện kể rằng ở Huế có một vị đường quan chữ nghĩa giỏi có một...
Phượng Các
#2 Posted : Tuesday, March 15, 2005 12:45:39 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,689
Points: 20,007
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)
Tấm vải bọc điều

Nguyễn Văn Lục


Hầu hết những bé gái sinh ra đều quấn trong một tấm tã. Tã cứ đeo dính lấy bé gái cho đến khi bé biết mặc quần thì tã đã mủn. Chỉ có nước vứt. Nhưng có những bé gái ra đời được quấn trong tã bọc điều, biểu tượng của giàu sang phú quý. Những cái tã mầu sa tanh đỏ, có thêu kim tuyến vàng sặc sỡ, có rua xa hoa. Nhưng liệu chúng có bảo đảm được cuộc đời nhung lụa cho những cô gái có số phận may mắn đó không?
Tấm vải bọc điều trong nội cung

Không ở đâu có nhiều tấm vải bọc điều như thế. Đơn giản chỉ vì vua chúa ở ta cũng như bên Tàu không chỉ có một mà nhiều vợ. Bên Tàu, một vị hoàng đế có số cung phi, cung nữ lên đến 10.000 người. Giả dụ 10.000 đó cùng đẻ thì có 10.000 tấm vải bọc điều phơi phới trong cung.
Triều đình nhà Nguyễn không đến nỗi như thế, nhưng ngoài hoàng hậu, các vua đều nạp phi. Đời Minh Mạng, nhiều cung phi chỉ là cung nhân, cung nhân giản dị là kẻ hầu hạ, thị nữ trong cung. Có thời kỳ trong nước có hạn hán, vua Minh Mạng cho là trong cung nhiều chướng khí nên đã cho thải về đến 100 bà cung phi, có nghĩa là ông còn giữ lại ít lắm cũng vài trăm. Đã vậy, ông còn nổi tiếng qua câu thơ truyền tụng lại:"Nhất dạ ngũ giao, tam hữu dâng".

Thế tổ Cao hoàng đế, tức vua Gia Long có 13 hoàng tử, 18 hoàng nữ. Cộng chung là 31 người. Thánh tổ Nhơn hoàng đế, tức vua Minh Mạng có nhiều con hơn: 78 hoàng tử và 64 hoàng nữ. Cộng chung là 142 người. (Có nhiều sách chép nhiều hơn, từ 165 đến 170 người, chẳng hiểu những con số đó lấy ở tài liệu nào và căn cứ vào đâu). Hiến tổ Chương hoàng đế, tức Thiệu Trị có 29 hoàng tử và 35 hoàng nữ. Cộng chung là 64 người. Dực Tôn hoàng đế, tức Tự Đức, không có con, chỉ nhận con nuôi. Tính chung cả bốn triều vua có tất cả 250 hoàng tử và hoàng nữ. .

Nay chúng ta cứ giả dụ trong một thời gian là 30 năm sau, số này có vợ có chồng phải cộng thêm 250 công chúa hoặc phò mã nữa. Con số cộng chung sẽ là 500 người. Lại cứ giả dụ một cách rất khiêm tốn là trung bình mỗi gia đình tối thiểu có bốn người con, con số sẽ lên đến 1.000 người - 1.000 tấm vải bọc điều là các hoàng tôn (tức là cháu trai, cháu gái vua). Chúng ta tạm thời tính đến đây thôi, vì còn các hoàng tôn sẽ lại tiếp tục lấy vợ, lấy chồng nữa. Chẳng hạn, con thái tử Bính, con vua Gia Long, không phải chỉ có 4 người con - 4 tấm vải bọc điều mà có đến có 42 con trai, 31 con gái. Hoàng tử Miên Chi, con Minh Mạng 18 con gái, 13 con trai, hoàng tử Miên Tĩnh 10 con trai, 77 con gái, hoàng tử Miên Phú 27 con trai, 35 con gái. Hoàng tử Hồng phó, con Thiệu Trị có 16 trai, 29 con gái. Hoàng tử Quân Bắc 43 con trai, 24 con gái. Chỉ tính con của 6 hoàng tử thôi. Con số con trai gái đã tốn thêm 400 tấm vải bọc điều.

Các con trai hay gái này, nhất là trong các đời trước, đa số đều ghi "sinh mẫu là ai không rõ". Dù không rõ nguồn gốc, bọn họ vẫn có tấm vải bọc điều làm chứng chỉ vào đời.

Bên cạnh đó còn có anh em, chị em với vua, với hoàng hậu và cung phi. Đám người này được gọi chung là hoàng thân công. Đổ đồng có thêm 250 cặp hoàng thân công nữa, chưa kể những thê thiếp như sẽ nói sau. Mỗi gia đình hoàng thân công nhận cho bốn người một gia đình, ta có thêm 1.000 người nữa. 1.000 người con trai, con gái các người có tước công này được gọi là công tử nữ.

Sau cùng, con cháu họ nhà vua thì được gọi chung là tôn thất. Bọn người này phải cộng thêm 1.000 người nữa. Năm Minh Mạng thứ 4, năm 1823, có chỉ rằng các viên chức trong dòng họ tôn thất mà chưa có quan chức thì được gọi là tôn thất nhàn tản. Từ này ít người biết tới, vì có ai chịu nhận cái chức nhàn tản đâu .

Nếu cộng chung tất cả đám người thuộc dòng họ các vua kể trên, ta có khoảng 4.000 người trong bốn đời vua. 4.000 người này được nuôi ăn ở, tiền bạc, gạo thóc mà tuỳ theo cấp bậc sẽ có mức lương bổng rõ rệt.

Bên cạnh đó, đừng quên mấy ông anh em nhà vua hoặc anh chị em phía hoàng hậu đều cũng có vợ nọ con kia nên triều đình đã đặt ra là phủ thiếp, tức là vợ các tước công.

Tất cả những thành phần trên đều không ai tự làm lấy các việc phục dịch hay tạp dịch nên phải có người hầu hạ, vì thế triều đình đã đặt ra Cung giám viện, hay Viện quan giám mà đời Minh Mạng thứ 17, 1836, đã có dự định cấp bậc Thái giám làm năm cấp: Thủ đẳng, Thứ đẳng, Trung đẳng, A đẳng và Hạ đẳng. Con số người này bao nhiêu thì quả thực người viết không tính hết được. Chỉ biết rằng, khi một công chúa đi lấy chồng, có phò mã rồi thì được cấp 50 người để phục dịch gồm lính canh, lính hầu do một viên đội trưởng chỉ huy cộng với một số thị nữ. 50 người này đều được triều đình cấp lương bổng, nuôi ăn ở. Nếu chỉ tính số người phục dịch cho 250 hoàng tử, công chúa, con số này sẽ lên tới 12.500 người.

Bên cạnh đó là hàng quan lại từ nhất phẩm đến cửu phẩm, lại chia ra hàng quan văn, quan võ.

Thấp nhất và sau cùng là bọn lính kinh. Lính kinh dùng để hộ vệ, hoặc hộ vệ loan giá đều chỉ tuyển trong họ Tôn thất mà thôi.

Làm con tính sơ sài, tổng cộng lại cho thấy con số là chòm chèm hai chục ngàn người được trả lương, nuôi ăn. Chỉ việc giải quyết, điều hoà con số người này cho ổn thỏa, công việc của một ông vua trong một ngày cũng đủ mệt rồi.

Khi đến tuổi lấy chồng

Khi đến 16 tuổi thì các hoàng nữ phải kết hôn. Vì thế, quanh năm ngày tháng, phải chọn ngày tốt để gả chồng cho các hoàng nữ. Theo lệ thường thì "Gái thập tam, nam thập lục". Nhưng cũng có lệ "Gái hơn hai, trai hơn một". Lý thuyết là như thế, nhưng người viết thử làm một thống kê sơ sài cho thấy ít có công chúa nào lấy chồng vào đúng lúc 16 tuổi. Trong số 54 người con gái của Thánh tổ, tức vua Minh Mạng, độ tuổi trung bình đi lấy chồng là 22. Nghĩa là lấy chồng trễ ít nhất từ năm đến tám năm.
Người viết còn nhận thấy một điều đáng kinh ngạc là tuổi thọ của các công chúa rất vắn. Vua Minh Mạng có 64 người con gái, chép vào chuyện chỉ có 48 người. Người tuổi thọ nhất là 68. Người trẻ nhất chết lúc 1 tuổi. Tuổi thọ trung bình của các công chúa là 21 tuổi. Đặc biệt trong số 8 công chúa kể từ hoàng nữ thứ 55 trở đi, có 3 người không được chép chuyện. Năm công chúa cuối cùng thì lần lượt chết vào năm 7 tuổi, 9 tuổi, 5 tuổi, 24 tuổi và 25 tuổi. Rõ ràng có sự suy thoái về tuổi thọ các công chúa ở vào cuối đời Minh Mạng. Những tấm vải bọc điều này quả thực không có cái may mắn như người ta mong đợi. Nếu cứ tính tuổi trung bình của tám hoàng nữ chót, con số tuổi thọ trung bình là 8,7. Các hoàng nữ thật quá vắn số. Tấm vải bọc điều còn có nghĩa lý gì. Thà được quấn tấm tã lót bằng vải đã mủn mà có cơ hy vọng sống lâu. Chưa kể, hơn 10 công chúa không có tiểu sử, có thể là chết sớm, chưa kịp đặt tên. Nếu xét cả hơn 10 công chúa không có tiểu sử, chưa có tên, cơ nguy tuổi thọ sụt xuống còn bao nhiêu?.

Sang đến đời Thiệu Trị, con số còn gây ngạc nhiên nhiều hơn nữa. Vua Thiệu Trị có 35 công chúa, chỉ 29 có tiểu sử. Trong số đó 11 người sống dưới 5 tuổi. Tuổi thọ trung bình của 29 người là 15 tuổi. Chỉ có 3 người sống trên 50 tuổi. Và người sống lâu nhất chỉ có 58 tuổi. Nếu cộng thêm 6 người không có tiểu sử, không có tên tuổi, thì tuổi trung bình còn được bao nhiêu? Phải chăng tuổi thọ trung bình của các công chúa quá thấp, vì chính vua Minh Mạng cũng chết trẻ vào lúc 50 tuổi và Thiệu Trị ở tuổi 41. Có sự liên hệ gì giữa tuổi thọ của Minh Mạng và Thiệu Trị với nguyên nhân kéo thấp tuổi thọ của các công chúa xuống. Thường các hoàng tử, tuổi thọ cao hơn vì không phải sinh đẻ và có thể họ chịu khó hoạt động nhiều hơn.

Về phần nhà vua, vì có quá nhiều công chúa nên mọi việc cưới hỏi đều giao cho một vị trong hoàng tôn đứng ra làm chủ hôn và một vị thượng quan lo việc sắp xếp hôn sự gọi là chiếu liệu. Cả hai vị về thân thế và gia đình đều là những gia đình thuận hảo, gương mẫu về mặt đạo đức, không tai tiếng gì. Vị chủ hôn và viên thượng quan sẽ thiết lập một danh sách các phò mã tương lai trong hàng con cái Thượng quan trong triều. Ít lắm trong danh sách cũng phải có năm phò mã tương lai để dễ bề chọn lựa. Trước khi lập danh sách dâng lên vua, hai vị phải xem số tuổi hai người có hợp nhau không. Vị chủ hôn đem cả can chi năm tuổi của công chúa và can chi năm tuổi của phò mã như Giáp Tý, Ất Sửu v.v… đưa xuống cho Khâm Thiên Giám chọn ngày tốt. Gia đình của phò mã phải là thượng quan trong triều đình. Người ta chú trọng đến gia thế nhà phò mã hơn chính phò mã, vì thế phần đông các phò mã sức học đều không có gì, kể như không mấy người có ăn học hay đỗ đạt. Cho đến đời Thiệu Trị, người viết duyệt lại danh sách các công chúa đã lấy chồng cho thấy không một công chúa nào lấy chồng thuộc giới nho sĩ cỡ cử nhân trở lên. Kể cũng là một điều lạ. Người có ăn học không thiếu, có thể chỉ thiếu gốc gác, con nhà. Vì vậy không được tuyển chọn. Còn một điều cũng không kém lạ là tất cả các công chúa này, không một ai lấy chồng có gốc gác miền Bắc. Người viết dò tìm quê quán các phò mã thì phần đông có gốc miền Trung. Nhưng cũng không thiếu phò mã gốc miền Nam. Trong số phò mã, con rể Minh Mạng, người viết đếm được 10 người gốc miền Nam, còn lại đều gốc miền Trung. Không có ai đến từ miền Bắc cả. Đám trai đất Hà Thành có thể dung mạo đều xấu xí quá chăng? Điều này để dành cho các sử gia, các nhà xã hội học miền Bắc cắt nghĩa giùm. Ngay cả việc vua lấy vợ, người ta cũng nhận thấy, nhiều hoàng hậu từ miền Nam mà tới. Đặc biệt hoàng hậu Nam Phương được coi là hương thơm đến từ phương Nam. Miền Bắc, phải có trí nhớ dai lắm lội ngược lịch sử đến thời Tây Sơn mới có Ngọc Hân công chúa lấy vua. Nhưng nên nhớ, lúc đó Huệ chưa làm vua, mà cách lấy thì vội vã, tất bật vừa lấy vừa cho.

Những trở ngại khi công chúa lấy chồng

Tấm vải bọc điều còn gặp thêm nhiều oan trái. Chết sớm đã đành. Lấy chồng thì muộn. Việc lấy chồng trễ phần lớn là do nguyên nhân tang chế trong triều. Một triều đình mà dòng tộc đông như thế, đám cưới xảy ra thường xuyên, nhưng đám tang cũng vậy. Nào mẹ vua, vợ vua rồi chính vua. Hãy xem thử: Thái hoàng thái hậu, mẹ vua Gia Long và bà nội vua Minh Mạng rồi Tuyên Từ khánh hoàng thái hậu, mẹ vua Minh Mạng và vợ vua Gia Long. Khi Minh Mạng chết thì những bà này còn sống. Chưa kể đến hoàng thân, quốc thích. Nào là các hoàng tử công, hoàng tôn, hoàng thân công, hoàng đệ, các công tử, các công chúa, các thiếp của hoàng tử, hoàng tôn rồi đến các hoàng nữ, các hoàng muội, thái trưởng công chúa, các tả hữu tần ngự của tiên đế đời trước, các phi tần ở đại nội, các công nữ, các phủ thiếp... và cuối cùng các dòng trong tôn thất. Chưa kể các lễ giỗ triền miên năm này qua năm khác. Tang phục thì có ngũ phục, có năm bậc để trở: từ ba tháng, năm tháng, chín tháng, một năm đến ba năm. Quanh năm giỗ chạp, ăn uống. Triều đình nhà Nguyễn đã có nhiều đại tang như Hiếu Khang hoàng hậu, Thừa Thiên Cao hoàng hậu, Thuận Thiên Cao hoàng hậu, rồi hoàng đế Gia Long, Minh Mạng rồi Thiệu Trị. Lấy tỉ dụ làm mốc là khi Thiệu Trị mất năm 1847. Tính từ năm Gia Long lên ngôi 1802 đến năm 1847 là 45 năm.Trong 45 năm đó có ít nhất gần mười đại tang. Trong đó có ba đại tang hoàng đế, năm đại tang hoàng hậu.
Năm Gia Long thứ 6, tức năm 1807, Thánh tổ thiên nhiên hoàng hậu, vợ vua Minh Mạng, mẹ vua Thiệu Trị, mất lúc mới 17 tuổi. Gia Long thứ 10, tức năm 1812, Hiếu Khang hoàng hậu mất (mẹ vua Gia Long). Đến ba năm sau, tức năm 1815, vừa mãn tang Hiếu Khang hoàng hậu thì lại đến lượt đại tang Thừa Thiên Cao hoàng hậu (vợ Thế tổ hoàng đế, tức Gia Long). Năm 1820, đến lượt Gia Long thăng hà. Rồi Minh Mạng mất năm 1840. Thuận Thiên Cao hoàng hậu (Vợ thứ của vua Gia long, 14 tuổi được tiến vào cung, phong là nhị phi) mất năm 1846 và Thiệu Trị mất năm 1847. Rồi đến Hiến Chương hoàng hậu, vợ vua Thiệu Trị.

Luật tang chế lại khá khắt khe. Khi Hiếu Khang hoàng hậu mất, chính vua Gia Long phải mặc áo sổ gấu trong ba năm. Chị vua mặc áo tang ba năm, con gái vua mặc tang phục một năm. Hoàng tôn, hoàng thúc mặc áo tang năm tháng. Tả hữu cung tần đều mặc áo tang một năm. Các quan kinh văn võ từ chánh tam phẩm trở lên mặc áo tang vén gấu ba tháng. Quan kinh, chánh tam phẩm trở lên, cấm giá thú trong ba tháng. Việc để tang như thế ảnh hưởng trực tiếp đến việc lấy chồng của các hoàng nữ. Mọi việc hôn sự phải được đình hoãn lại sau ba năm.

Chúng ta hãy làm một con tính nhẩm. Giả dụ vào đầu đời Tự Đức, khi Cao Thiên hoàng hậu mất vào năm thứ 6 đời Thiệu Trị, tức năm 1846. Năm 1847, đến lượt Thiệu Trị mất. Dĩ nhiên phải để tang ba năm. Giả dụ lúc đó con gái các vua Minh Mạng và Thiệu Trị vừa đến tuổi 16 để lấy chồng thì phải lui lại đến năm 1850 mới được lập gia đình. Có hơn ba mươi hoàng nữ đến tuổi lấy chồng ở trong trường hợp này phải ngưng lại.

Đợi thêm bốn, năm năm nữa, các công chúa 21 tuổi, đã "quá lứa" vào thời đó. Các hoàng nữ bị coi như gái già. Nếu là người dân có thể ế chồng, may là công chúa nên vẫn có thể chọn được phò mã. Nhưng không phải dễ, vì phải chọn phò mã 22 tuổi là lý tưởng nhất. Nhưng con trai ở tuổi đó, nhiều người cũng đã lập gia đình rồi. Vì thế, thay vì chọn lựa phò mã trong các gia đình đại quan như luật lệ bắt buộc, triều đỉnh phải chọn lựa gia đình các quan từ tam phẩm trở xuống. Theo như dư luận thời đó truyền tụng trong dân gian, có nhiều trường hợp các ứng viên phò mã được chọn thấy hoàng nữ quá già, hoặc không được đẹp đẽ gì cho lắm, bèn đánh bài tẩu mã, trốn khỏi kinh đô Huế để tránh phải lấy công chúa già.

Việc hôn sự của các hoàng nữ

Nhưng có vải bọc điều nên con vua cháu chúa rồi trước sau cũng gả chồng được. Danh sách được đệ lên vua, vua duyệt, rồi khoanh đỏ vào đó. Khoanh vào ai thì người đó được. Số phận đã an bài không cách gì thay đổi được nữa. Thế là phò mã đã được chọn lựa. Công chúa sau khi biết được tên phò mã tương lai, vì muốn biết xem dung nhan phò mã nên tìm đủ cách để xem mặt. Cách tốt nhất là nhờ bọn thị nữ đi điều tra tung tích, gia cảnh, chỗ ở nhà phò mã. Sau đó, nếu cơ hội thuận tiện thì chính hoàng nữ cũng tìm dịp để xem cho tỏ tường. Kể ra cũng là một giai đoạn lý thú, hứng khởi và hấp dẫn. Lấy nhau kiểu đó mà sử sách đã để lại nhiều mối tình vợ chồng đằm thắm và keo sơn như trường hợp Quy Đức công chúa Vĩnh Trinh, biệt hiệu là Nguyệt Đình. Phò mã Thuận vâng lệnh triều đình đi công vụ vào Gia Định chẳng may bị chết để lại tiếc thương cho công chúa. Công chúa đã làm biểu dâng lên vua, vua cũng cảm động khi đọc tờ biểu đó.
Khi vua đã chọn rồi thì phò mã không thể chối từ và hoàng nữ cũng không thể nại ra bất cứ lý do gì để không lấy.

Nay hãy xem lại đạo dụ của Gia Long năm thứ tư: "Trước hết, nhà vua sai vợ chồng đại thần ấy song toàn đến trước mặt vua, đem việc gả chồng cho công chúa bảo cho biết. Đại thần ấy bái mạng rồi lui ra, đến Thanh phong đường bảo quan mỗ (giống như khi ta dùng chữ ông X.) rằng nay có chỉ vua ban, lấy công chúa là mỗ gả cho con thứ mấy quan mỗ, tên là mỗ."

Vậy là mọi chuyện đã quyết định xong. Đến ngày đã định, vua ngự tiện điện, bố của phò mã cùng các quan viên trong họ đều mặc áo chầu đến sân điện. Lạy năm lạy rồi nhận mệnh lui ra đứng theo ban. Cũng ngày hôm ấy, mẹ của phò mã đem các mệnh phụ trong họ đều mặc áo màu đến cửa cung Khôn Đức rồi cửa cung Trường Thọ làm lễ vọng bái. Riêng bố của phò mã thì liệu đường đến dinh công của chủ hôn xin chọn ngày tốt làm lễ ăn hỏi. Ông chủ hôn lại truyền cho Khâm Thiên Giám chọn ngày tâu lên và truyền cho bố của phò mã biết.

Phần sính lễ mà gia đình phò mã phải lo liệu cho đủ gồm: một lợn mổ (chắc thịt lợn luộc), một lợn quay đến ngoài cửa Hữu Đoan nhờ tâu xin dâng lễ. Khi gặp vua thì lạy năm lạy, được mời ngồi ăn trầu, rồi bái biệt, lạy năm lạy nữa.

Đến ngày lễ hỏi, cha mẹ phò mã đem các mệnh quan, mệnh phụ đều mặc phẩm phục, đồ lễ vật như các thứ bò, lợn, trầu cau, lụa, đoạn, vàng bạc đến cửa dinh quan chủ hôn đợi. Ở đây không nói rõ mỗi thứ bao nhiêu. Nhưng theo L. Sogny, trong bài Cérémonial d'autrefois pour le mariage des princesses d'Annam trong Bulletin des amis du vieux Huế có ghi rõ như sau:

Ngày đầu trong lễ Nạp thái, phò mã dâng lên Tôn Nhân Phủ 10 lạng vàng và 100 lạng bạc, hai mâm trầu cau. Lễ vấn danh dâng lên hai trâu, hai lợn thật to cộng với hai hũ rượu.

Ngày thứ hai, lễ Nạp trưng, hai khúc sa tanh thêu, bốn khúc lụa gọi là "vân", bốn khúc lụa gọi là "sa", hai mâm trầu cau và hai bình rượu. Lễ Nạp cát gồm hai bò, hai dê, hai bình rượu.

Ngày thứ ba, gọi là lễ điện nhạn (présents d'oies) chim nhạn một đôi, một hộp đựng những tấm lụa những giải ngũ sắc, hai con ngỗng, cổ tiền 100 đồng.

Nhưng tất cả những phẩm vật này đều có tính cách tượng trưng, vì nó thay đổi theo từng đám cưới, từng gia cảnh và từng triều vua. Cuối cùng là lễ thân nghinh hay đón dâu về nhà.

Hồi môn của hoàng nữ

Những con số trưng ra ở đây cho thấy lượng tiền cho công chúa về nhà chồng là quá lớn và quá tốn kém cho triều đình. Luật định rằng con gái hoàng hậu đi lấy chồng thì cho tiền sắm tư trang, may mặc là 50.000 quan. Con gái trưởng (con các vợ khác) của vua là 30.000 quan. Con gái thứ của vua là 20.000. Xem ở trên, tiền ăn của vua (Vua ăn một mình) chỉ có 50 quan cho một tháng. Lương cho hoàng quý phi, vợ vua là 1.000 quan/năm, chưa kể gạo. Các phi tần bậc một (có bảy bậc phi tần): 300 quan/năm. Nữ cung, người hầu gái trong cung có sáu bậc, có 6 quan/tháng. Lính kinh có 2 quan/tháng. Chưa kể công chúa và phò mã còn được cấp 50 người phục dịch đều được trả lương. Nếu tính con số 250 công chúa, hoàng tử lấy vợ chồng, lấy 20.000 làm căn bản, chi phí sẽ lên tới 5.000.000 quan tiền. Chi phí của hồi môn này có tốn hao ngân quỹ quá cho triều đình, mà gián tiếp là do dân chúng đóng góp không?
Cũng vì vậy, vào đầu đời Thiệu Trị có dụ rằng: "Đời xưa vua Nghiêu gả 2 con gái cho Ngu Thuấn ở Vi Nhuế chả nghe nói lễ cưới sang trọng. Hơn nữa đám cưới chỉ dùng hai da hươu làm lễ, xưa kia vẫn nói thế. Nay gả hoàng nữ cho con các đại thần. Mà các đại thần thanh thận trung cần, trẫm vẫn biết sẵn. Vậy 6 lễ cưới (các lễ nạp thái, vấn danh v.v...) cho tùy theo cảnh nhà giàu nghèo mà sắm sửa, không nên ấn định lễ vật. Bộ lễ bàn định các thứ phẩm vật, chớ nên bày đặt quá nhiều. Vậy các chủ hôn cần biết rõ " .

Dụ ở trên kể là đã hay. Nhưng vẫn phải trích dẫn cho bằng được Nghiêu Thuấn để có giá trị thuyết phục, dù chỉ một việc nhỏ là các phẩm vật dẫn cưới. Phần gia giảm theo tinh thần dụ ở trên là muốn châm chước cho các quan đại thần, gia đình nghèo được tùy tiện, gia giảm trong phẩm vật dẫn cuới. Dụ ra đã đành, các quan đại thần có dám tuân theo hay không lại là chuyện khác. Thứ đến, phần của hồi môn của triều đình thì hầu như vẫn định là như vậy, không có gì thay đổi.

Lễ thân nghinh

Lễ thứ sáu của đám cưới là lễ thân nghinh. Lễ thân nghinh nói đúng ra là ngày lễ cưới, bắt đầu bằng một đoàn kiệu từ phủ công chúa. Đoàn rước kiệu gồm vị chủ hôn và các mạng phụ (vợ quan đại thần) và các mạng quan (vợ các quan) được chỉ định trong đám rước kiệu công chúa. Kèm theo đó có sáu nữ quan và phò mã đứng chờ ở phía trái và đằng sau cung điện của công chúa. Các mạng phụ mạng quan giúp công chúa lên kiệu và lúc đó, phò mã lên ngựa mở đường đi đầu trước kiệu của công chúa, tiếp theo là người chủ hôn rồi đến các mạng phụ mạng quan. Sau cùng, đợi công chúa ra đi, các hòm nữ trang, các hòm của cải và phẩm vật đã chuẩn bị sẵn được đem theo đến phủ đệ mới, được bày ra.
Sau đó đám rước đi đến chỗ ở mới của công chúa. Đây là đặc đìểm cần ghi nhận vì chỉ có lễ đón dâu mới làm ở phủ đệ công chúa. Đến nơi, phò mã mở màn kiệu, đỡ công chúa xuống dẫn vào nhà khách. Tiếp đến là lễ hợp cẩn. Hai người ăn cùng một miếng thịt và uống rượu ở hai cái tách được cưa làm đôi. Những mạng phụ được mời một bữa ăn nhẹ, sau đó ai nấy ra về.

Sáng hôm sau, công chúa được phò mã dẫn về ra mắt bố mẹ chồng. Sáng hôm sau nữa lại đến bàn thờ tổ tiên bố mẹ chồng làm lễ gia tiên.

Năm ngày sau đó, công chúa và phò mã mặc phẩm phục mới ra trình diện vua cha, đến cung Từ Thọ và đến trước vua làm lễ bái yết, sau đó đến cửa Hưng Khánh làm lễ chiêm bái. Cuối cùng mới được phép về thăm nhà mẹ đẻ. Sau đó, hai người sẽ đến Tôn Nhân phủ để cảm tạ vị chủ hôn. Kể từ nay, chú rể được phong chức Phò mã đô úy.

Một điều kỳ lạ là từ nay, phò mã không có quyền có nhiều thê thiếp như tất cả các đàn ông khác trong triều đình. Chỉ trừ khi công chúa không có con, phò mã mới được quyền cưới thiếp hay vợ nhỏ. Các con của hai người sẽ chỉ biết có họ mẹ mà không biết đến bố. Con trai trưởng của hai người được phong chức vệ úy. Còn các con khác của hai người thì không được chức tước gì cả. Nếu công chúa không có con, con trai của vợ bé sẽ có chức kiểm hiệu.

Về thủ tục giao tế bên ngoài, đôi khi công chúa được mời mà phò mã thì không. Về sau, trong dân gian thường có câu nói "Phò mã tốt áo". Phải chăng để ám chỉ vai trò phụ thuộc của phò mã đối với công chúa?

Việc cưới hỏi cho các công chúa triều Nguyễn theo tập quán cổ truyền chấm dứt vào năm 1907. Đó là đám cưới công chúa Tân Phong, chị vua Thành Thái. Từ sau đó, không còn lại công chúa nào để lấy chồng nữa. Như vậy, phải đợi đến con gái vua Bảo Đại. Nếu kể từ năm 1907, ít lắm cũng 50 năm sau, con gái vua Bảo Đại mới đủ tuổi để đi lấy chồng. Nhưng đến lúc đó, như chúng ta đã biết, mọi chuyện đã không còn như trước nữa rồi.

Cả một thời kỳ, cả một triều đại nhà Nguyễn đã đi qua. Viết lại những nét chính về việc cưới hỏi của các công chúa, cùng lắm chúng ta có được một vài kiến thức nhỏ nhoi về các tập tục chốn cung đình của thời đó. Đó chỉ là những bộ xương khô, xác ướp. Nhưng cái điều chính là đời sống các công chúa, con người của họ với những nỗi buồn, vui, những tâm trạng, những hoàn cảnh riêng tư thì vẫn là một tấm màn bí mật. Họ chả cho biết được gì, cũng chả có sách vở, tài liệu nào viết về họ. Chính sử chỉ cho biết được vài nét chính có tính cách tiểu sử. Một vài lời khen vu vơ, có cũng được, không cũng chẳng sao.


Users browsing this topic
Guest
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.