Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

Lê Thị Lựu (1911-1988) (họa sĩ)
Phượng Các
#1 Posted : Thursday, December 23, 2004 4:00:00 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,686
Points: 19,998
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)




Lê Thị Lựu



Họa sĩ Lê Thị Lựu sinh ngày 19-1-1911 tại làng Thổ Khôi, tỉnh Bắc Ninh, mất ngày 6-6-1988 tại Antibes - Pháp. Tốt nghiệp khóa thứ ba trường Cao Ðẳng Mỹ Thuật Hà Nội năm 1932. Ra trường, bà được bổ dạy liên tiếp các trường: Trường Bưởi, trường Hàng Bài (tiền thân của trường Trưng Vương), trường Làm Ren (École Dentellière), trường Hồng Bàng Hà Nội, trường Áo Tím (sau thành trường Gia Long) và trường Mỹ Thuật Gia Ðịnh.
Ngoài ra bà còn cộng tác với những tạp chí Ngày Nay, Phụ Nữ Tân Văn (của ông bà Nguyễn Ðức Nhuận), Ðàn Bà Mới (của nữ sĩ Thụy An), dưới bút hiệu Văn Ðỏ. Làm thơ (rất ít) ký bút hiệu Thạch Ẩn do một nhà sư đặt cho.
Năm 1940 sang Pháp, định cư ở vùng Paris.
Bà là thành viên của hội Union des Femmes Peintres et Sculpteurs của Pháp.
Năm 1946, ở Paris, bà gia nhập phong trào chống thực dân, bị DST (mật thám Pháp) khám nhà nhiều lần. Giữ chức thủ quỹ cho hội Văn Hóa Liên Hiệp mãi đến ngày ký hiệp định Genève. Khi thấy Bắc Nam chiến tranh, bà ngưng hẳn mọi hoạt động Việt kiều.

Từ năm 1971 bà cùng chồng là kỹ sư kiêm họa sĩ Ngô Thế Tân về sống ẩn dật tại biệt thự An Trang, Spéracèdes (miền Nam nước Pháp) và tiếp tục sáng tác đến những ngày cuối đời.

Thụy Khuê


Phượng Các
#2 Posted : Saturday, February 12, 2005 12:24:57 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,686
Points: 19,998
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)
Lê Thị Lựu,
ấn tượng hoàng hôn (1911-1988)



Thụy Khuê


Viết được trung thực về một người không quen biết đã khó, nhưng viết về một họa sĩ thân thương quen thuộc trên 25 năm trời, hẳn là khó hơn: bao năm gần gũi họa sĩ Lê Thị Lựu, nhưng áng chừng đối với bà, việc cầm bút là lẽ tự nhiên, như cần ăn, cần thở, bà không bao giờ giảng cho tôi nghe những lý thuyết hay qui luật hội họa. Bức nào vẽ gần xong, vừa ý hay chưa vừa ý, bà chỉ vắn tắt: "Cháu trông có được không? Chỗ này còn phải sửa nữa v.v...". Dường như: ánh sáng ấy thì phải đi với màu sắc này. Lẽ tự nhiên là thế, như không có định luật, họa sĩ đạt được thành công trong niềm giao cảm giữa nhãn quan và tác phẩm.
Họa sĩ Lê Thị Lựu với tôi ngoài liên hệ gia đình, còn là một trong hai người đàn bà ở Pháp hiếm hoi mà tôi được gần cận và quý mến: Người thứ nhất là bà Nguyễn Hiến Lê, một người đã hy sinh hạnh phúc cá nhân cho sự nghiệp văn học của chồng và người thứ nhì, Lê Thị Lựu, người đàn bà tài sắc vẹn toàn với tất cả ý nghĩa đúng đắn và trung thực.

Những năm 32, 33, các báo phụ nữ đều nhắc tới người nữ họa sĩ đầu tiên của Việt Nam, tốt nghiệp thủ khoa trường Cao Ðẳng Mỹ Thuật Hà Nội năm 1932. Ra trường nổi tiếng ngay khắp ba kỳ về tài cũng như về sắc. Sống tại Pháp từ năm 1940 nên thế hệ hiện nay, nhiều người không biết đến bà. Trong 56 năm sáng tác liên tục, Lê Thị Lựu vẽ không nhiều, tranh bà đã tản mát, lưu lạc, nếu muốn ước lượng, con số hai, ba trăm xem chừng gần gũi nhất.

Lê Thị Lựu thường đắn đo khi cầm bút, nhiều khi vẽ xong lại xóa đi, có bức vẽ đi vẽ lại trong mấy năm trời (Trần Anh Bên Suối, Kim Kiều Gặp Gỡ, Tam Ðại Ðồng Ðường...), có bức chỉ một buổi là xong, mà thông thường là những bức thành công, hoặc ít ra cũng tiêu biểu cho đường lối hội họa của bà (Dông Tố, Chân Dung Vợ Chồng Quê, Cảnh Honfleur, nhiều bức Sơn Nữ...) Phần lớn là tranh lụa, một số rất ít sơn dầu. Ðề tài nằm trong chữ thiếu: thiếu nữ, thiếu phụ, thiếu nhi...

Cùng thời với bà, tranh Nguyễn Phan Chánh mộc mạc, thôn dã, tranh Mai Thứ hồn nhiên, ngây ngô (naĩf), tranh Lê Phổ có tính cách trang trí, quang độ chan hòa, sắc độ rực rỡ, tranh Lê Thị Lựu êm dịu ánh sáng, nhẹ nhàng màu sắc, mềm mại nét bút. Thể hiện phái tính chăng? Chưa hẳn thế, vì trong các ký họa hay sơn dầu đôi khi cũng có những nét gân guốc như nam phái, trong tranh phong cảnh, bút và màu ảnh hưởng Cézanne. Năm 1940, mới qua Pháp nhận thấy đường lối của mình quá xưa đối với trường phái Paris (École de Paris), Lê Thị Lựu do dự và thất vọng, bà đi vào các phòng vẽ như Chaumière ở Montparnasse tìm lại nét bút, phác họa các người mẫu khỏa thân, rồi bà quay hẳn sang tranh lụa.

*

Ban đầu vẽ theo kỹ thuật Trung Quốc nhưng màu sắc tươi hơn. Trong một thời kỳ rất ngắn, Lê Thị Lựu bị ảnh hưởng của Modigliani, sau cùng, bà chuyển hướng và tìm ra đường lối riêng biệt của mình. Tranh bà, tuy có phong cách ấn tượng nhưng thoát ly khỏi lề lối phương Tây, tạo "không khí" và bản chất Việt. Cũng như phái ấn tượng, bà dùng màu tươi, bật ánh sáng, lấy nhật quang làm nền rực rỡ cho tranh, nhưng bà không chối bỏ kỹ thuật cổ điển, dùng cả sáng lẫn tối, chuyển sắc độ dần dần: Thiếu Nữ Với Cây Ðàn Thập Lục vẽ năm 1970 là một trong những bức thành công nhất của bà: Bóng tối tứ phía bên nàng làm ta mường tượng đây là ban đêm, nhưng toàn thân thiếu nữ khoác ánh sáng, nguyệt quang chan hòa, tràn sang những đóa hồng thì thầm bên cạnh, một thứ ánh sáng bàng bạc, huyền ảo của một đêm trăng liêu trai. Nàng gẩy đàn dưới trăng, trong trăng, trên trăng, hay trăng là nàng? Không sao biết được. Bức này làm tôi liên tưởng tới Mademoiselle Grimpel au ruban rose (1880) của Renoir.

Kiều Gẩy Ðàn Tì Bà, một trong những bức tranh cuối cùng bà vẽ trước khi mất, vẫn dùng ánh sáng làm nền giao cảm, từ những màu xanh đậm, hồng đào, vàng mimosa, trên hoa cỏ, bà hạ dần sắc độ để lưu lại màu trắng mong manh trên áo nàng Kiều, với đôi mắt bồ câu đen hiu hắt sáng, gợi tiếng đàn trong, buốt, lạnh và buồn:

Trong như tiếng hạc bay qua
Ðục như nước suối mới sa nửa vời.
Tranh Kim Kiều Gặp Gỡ (1975) thể hiện lối viễn họa (perspective): Dưới cầu, dòng suối thướt tha uốn khúc tới tận chân rừng. Con đường mòn chạy dọc theo dòng nước. Bóng sâu hút lặng thinh của con đường và âm thanh thầm thì, róc rách của dòng suối trò chuyện với nhau trên những đường cong (arabesque) mềm mại, gợi thanh, gợi hình, giao hòa nơi vô tận. Tất cả gieo ấn tượng gặp gỡ và chia ly: Ðường im nghe suối nói hộ người những xao xuyến, luyến lưu thuở ban đầu.
Tranh khỏa thân bà chỉ vẽ một bức; mà cũng đoan trang lắm. Bức Thiếu Nữ Tắm Hồ Sen (1970), dùng nền xanh non tươi mát lót thảm cỏ hoa, vài cánh sen phớt hồng trôi trên mặt nước, như ẩn như hiện. Người con gái ngồi nghiêng, tóc ươn ướt xõa, quay đầu lại, khăn lụa mỏng che một phần thân hình, úp mở, đợi chờ. Dường như cỏ hoa, mây, nước cũng muốn tắm chung với nàng, trong màu xanh bất tuyệt ấy.
Người đẹp trong tranh Lê Thị Lựu có những mẫu mực lý tưởng, đúng như khuôn cổ điển: mặt trái xoan, cân đối theo tỉ lệ vàng(1).
Bà ít vẽ cảnh, chỉ một vài bức bằng sơn dầu. Cảnh Honfleur dùng khối, tụ chồng lên nhau, gợi những căn nhà san sát, nét tựa Cézanne. Vẫn màu nhạt, êm dịu, từ những mảnh buồm đến sóng nước, tất cả hòa đồng trong sắc độ xanh, mát, tịnh, thanh và êm ái.
Bức họa một em bé ngồi dưới trời dông. Ðôi mắt bé là cả một trời lo âu, thắc mắc. Họa sĩ không đặt tên cho bức tranh. Lần đầu tiên nhìn thấy tôi gọi là Dông Tố. Bà đồng ý. Bé đi lạc chăng? Bé đợi ai đây? Dông tố bên ngoài có cao bằng dông tố đang lên trong lòng bé?
Dông Tố là một trong những bức hiếm hoi có màu sắc biểu hiện (expressionniste) Lê Thị Lựu sáng tác trong một chiều nhớ quê hương.

*

Tranh Lê Thị Lựu màu vui nét sáng mà vẫn thoảng buồn, như một vết thương yêu đời: em bé hái hoa đồng biếu mẹ, thiếu nữ cõng em rong chơi trong rừng, thiếu phụ bồng con, ánh mắt hiền hòa âu yếm... có gì hòa bình, an lạc, êm như trong cõi mộng buồn (Ðào nguyên của tác giả chăng?). Ta cứ việc đi vào, chìm đắm trong bầu trời, trong ánh sáng, trong thanh sắc, trong yêu thương, trong hy vọng... không cần thắc mắc hỏi xem: bút thuật có thể hiện những rung động quằn quại nội tâm, cũng không cần biết nghệ sĩ có màng tới những ấm ức bên trong của tạo vật.
Người nghệ sĩ ấy đã sống trong khoảng trời Việt Nam đầu thế kỷ và đã khuất ly đất nước vào những năm 40. Bà đem khí quyển tâm hồn, đem cái hoàng hôn buồn bã rất Hồ Dzếnh ấy nhuộm với vàng thu Paris.
Tranh Lê Thị Lựu dan díu với một thiên đường Việt Nam tiền chiến, xa biệt, thời sơn nữ ca, một đêm trong rừng vắng, ẩm thêm sắc thái nghiêm đài về đất cũ của những người cách nước lâu ngày, có những nhịp đời thương nhớ âm vọng trong thời khắc và lòng người như lời Hồ Dzếnh. Gần gụi với tâm tư chiều Hồ Dzếnh, tranh Lê Thị Lựu dấy lên trên nền năm tháng cũ một bóng hoàng hôn mơ hồ ôm trùm lên sự vật; khiến cho ai đó, mỗi lần tìm đến tác phẩm Lê Thị Lựu, lại thấy vang lên những bâng khuâng gió nhớ về qua lá đầy.

Yên Cơ, tháng 7-1988

Chú thích

(1) Tỷ lệ vàng: Luật cân xứng tỷ lệ của Hy Lạp do Vitruve đặt thành công thức: Khuôn mặt lý tưởng phải được chia thành bốn phần đều nhau:
- Từ đỉnh đầu tới chân tóc, trước trán,
- Từ chân tóc trước trán tới kẽ mắt,
- Từ kẽ mắt đến đầu mũi,
- Từ mũi đến cằm.
(Phần cuối cùng này cũng chia làm ba phần nhỏ: miệng nằm giữa).

© 1991-1998 Thụy Khuê

Phượng Các
#3 Posted : Sunday, February 13, 2005 10:36:43 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,686
Points: 19,998
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)
Nữ hoạ sĩ đầu tiên của Việt Nam




Không phải chờ đến đầu thế kỷ XX mới có nữ hoạ sĩ đầu tiên của Việt Nam. Bởi lẽ, mỹ thuật dân gian, hay còn gọi là tranh dân gian (tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống ... ) đã có cách đây mấy trăm năm và không thể khẳng định là không có bàn tay của phụ nữ. Nhưng, nếu nhắc đến nữhoạ sĩ đầu tiên của dòng tranh hiện đại Việt Nam thì không thể không nhắc đến Lê Thị Lựu.



Nữ hoạ sĩ Lê Thị Lựu sinh ngày 19-1-1911 tại làng Thổ Khôi (Bắc Ninh), mất ngày 6-6-1988 tại Antibes (Pháp). Bà sinh ra và lớn lên đúng vào thời kỳ văn hoá Pháp bắt đầu có ảnh hưởng đến xã hội và văn hoá Việt Nam - những phong tục, tập quán: về thẩm mỹ, về kiến trúc, về sinh hoạt hàng ngày ...



Trong khi phụ nữ Việt Nam vẫn còn đang nhuộm răng đen, mặc áo dài thâm và chịu gò bó trong những khuôn khổ, quy tắc của Nho giáo, thì Lê Thị Lựu đã thi đỗ và thuyết phục được gia đình cho theo học nghề hoạ sĩ vẽ tranh khoả thân tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương vào năm 1927. Năm 1932, bà tốt nghiệp với số điểm cao nhất trường. Các báo phụ nữ những năm này đều nhắc đến người nữ hoạ sĩ đầu tiên tốt nghiệp thủ khoa ấy. Ra trường, bà nổi tiếng ngay khắp ba kỳ về tài năng của mình.



Tranh của Lê Thị Lựu thẫm đẫm những đặc tính của phụ nữ Á Đông nói chung và phụ nữ Việt Nam nói riêng. Đó là nét thanh tú, dịu dàng, hiền lành, tràn đầy tình yêu thương với trẻ nhỏ ... được thể hiện quấn quýt, nhuẫn nhuyễn trên nét vẽ, đặc biệt được thể hiện trên chất liệu lụa. Hai bức tranh "Mẹ và Con" được thể hiện trên hai chất liệu khác nhau là phấn màu và lụa, được coi là những tác phẩm tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của bà.



Ba bức tranh đầu tiên của bà đã được trưng bày tại cuộc triển lãm do Hiệp hội những nữ hoạ sĩ và điêu khắc (The Union of Women Painters, Sculptor and Woodcut Artists) tổ chức. Tại đây, bà đã giành được giải nhất và ngay lập tức được kết nạp vào Hiệp hội.



Đề tài chính của Lê Thị Lựu nằm trong chữ "thiếu": thiếu phụ, thiếu nữ, thiếu nhi, ... Những bức tranh về đề tài này cũng là những bức thành công và tiêu biểu nhất cho phong cách nghệ thuật của bà như "Thiếu nữ với cây đàn thập lục", "Kiều gẩy đàn tì bà", "Sơn nữ", "Chân dung vợ chồng quê", "Giông tố", "Kim Kiều gặp gỡ", "Thiếu nữ tắm hồ sen" ... Có thể hình dung về bức "Thiếu nữ với cây đàn thập lục" : Bóng tối từ phía thiếu nữ làm ta mường tượng đây là ban đêm, nhưng toàn thân thiếu nữ khoát ánh sáng tràn sang những đoá hồng thì thầm bên cạnh, một thứ ánh sáng bàng bạc, huyền ảo của một đêm trăng liêu trai. Thiếu nữ gảy đàn dưới trăng, trong trăng, trên trăng, hay trăng chính là thiếu nữ? Đây là một trong những bức tranh thành công nhất của bà theo trường phái ấn tượng. Hoặc bức tranh khoả thân "Thiếu nữ tắm hồ sen", với nền xanh non tươi mát lót thảm cỏ hoa, vài cánh sen hồng trôi trên mặt nước như ẩn như hiện. Người con gái ngồi nghiêng, tóc ươn ướt xoã, quay đầu lại, khăn lụa mỏng che một phần thân hình úp mở đợi chờ. Dường như cỏ hoa, mây nước, cũng muốn tắm chung với nàng trong màu xanh bất tuyệt ấy. Bức "Giông tố" hoạ một em bé ngồi dưới trời giông, đôi mắt lo âu, thắc mắc. Bé đi lạc chăng? Bé đợi ai đây? Giông tố bên ngoài có cao bằng giông tố đang bên trong lòng bé? Đây là một trong những bức tranh hiếm hoi thể hiện sự nhớ thương quê hương da diết của Lê Thị Lựu.



Một trong nhiều ý kiến nhận xét về tranh của Lê Thị Lựu là : Màu vui, nét sáng mà vẫn thoảng buồn cùng với những đường nét và thần thái của những mộng mơ và cảnh sắc thiên đường trong tưởng tượng.



Cùng với công việc vẽ tranh - niềm đam mê hàng ngày, bà còn là cô giáo dạy vẽ trong 7 năm liền (1932-1939) tại các trường lớn như trường Bưởi, trường Hàng Bài (tức trường Trưng Vương sau này), trường làm Ren, trường Hồng Bàng (Hà Nội), trường Áo tím (trường Gia Long sau này) và trường Mỹ thuật Gia Định.



Khi là một nhà giáo dạy vẽ, Lê Thị Lựu rất quan tâm đến học sinh. Hình ảnh của bà hiện lên vừa gần gũi thân quen, lại vừa cao sang. Họa sĩ Phan Kế An, một trong những học trò trước đây của bà kể lại: "Trong lớp, bà đi đến từng học sinh, chỉ dẫn cặn kẽ cho mỗi người. Chỉ một thời gian, bà đã nhận ra những ưu điểm và nhược điểm của từng học sinh, ai chăm ai lười, bà đều nhẹ nhàng động viên khuyên nhủ". Nhiều họa sỹ thành danh sau này là những học trò được bà dìu dắt trong những bước đi đầu tiên trên con đường đến với Hội hoạ.



Cùng với Hội hoạ, bà còn cộng tác với các tạp chí "Ngày nay", "Phụ nữ tân văn", "Đàn bà mới", và làm thơ. Năm 1940, bà theo chồng sang Pháp sinh sống và làm việc tại Paris. Ở đây bà đã tham gia phong trào chống thực dân và nhiều lần bị mật thám Pháp khám nhà và xét hỏi. Bà từng giữ chức thủ quỹ cho Hội văn hoá Liên hiệp Pháp cho đến ngày ký hiệp định Geneve 1954 về Việt Nam.



Thời nay, quan niệm và cái nhìn của xã hội về vai trò của người phụ nữ cũng đã khác, nhưng không phải người phụ nữ nào cũng có đủ tài và đủ can đảm để lao vào con đường nghệ thuật đầy khắt khe như Lê Thị Lựu đã từng làm vào những năm đầu thế kỷ XX - thời buổi giao thoa giữa cái cũ và cái mới, giữa tư tưởng phong kiến khắt khe với tư tưởng bình quyền của phương Tây, giữa những phong tục tập quán trải hàng nghìn năm với những hoạt động văn hoá mới du nhập ... Nói như vậy để thấy hết được vai trò là người đi tiên phong trong lĩnh vực nghệ thuật vốn không dễ dàng này của Lê Thị Lựu vừa là đại diện cho phụ nữ, vừa là đại diện tiêu biểu cho cả nền hội hoạ hiện đại Việt Nam.



Tạp chí Thông tin phụ nữ (VN)



Phượng Các
#4 Posted : Monday, December 19, 2005 12:11:08 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,686
Points: 19,998
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)
Le Thi Luu

By Huu Ngọc

Among these Vietnamese artists, two names immediately spring to my mind. These are Le Thi Luu and Le Pho. They were my painting teachers 70 years ago. I was then a 13-year-old boy who had just entered the French-run Buoi School in Hanoi. I remember Le Thi Luu the best, as she was then only 20 and very beautiful. She had an oval face, dreamy eyes, white skin, and a fine figure made more prominent by the modernized ao dai dress.


Mrs. Le Thi Luu in 1940

During our weekly painting lessons, we students would spend more time admiring her beauty from behind the drawing boards than doing our painting assignments. Some students even secretly painted pictures of her.

Ms. Luu is already in heaven. She died twelve years ago at the age of 77 in Antibes, France. She was bom in Bac Ninh Province. Her father was a civil servant with a French education. The family was rather well-off, but not wealthy. Le Thi Luu was the first Vietnamese woman to become a professional painter. She grew up during a time when French culture was beginning to exert its influence in Vietnam, but Confucianism still remained the social norm. The fact that she was able to persuade her family to allow her to study at the Ecole Superieure des Beaux-Arts de l'indochine was an achievement in itself, as students at the Ecole were expected to paint nudes, while Vietnamese women then still lacquered their teeth black and wore dark-coloured trousers. Luu passed the entrance exam with the highest score. After she graduated she taught painting for seven years, until 1939. In 1940, she followed her husband to France when he was sent there as an agriculturalist. When the Germans invaded France, the couple got stuck there. They

later spent three years in Guinee, as her husband was responsible for a plantation there. After the Second World War, the couple returned to Paris where they took part in the movement of the overseas Vietnamese for Vietnam's independence. After Vietnam's war victory in 1954, Luu abandoned trading to resume her career. As she was not very healthy (once she almost died of a heart attack), she could not paint as much as she would have liked to. Consequently she had a bit of an inferiority complex because she had not practised the art for some time. She managed, however, to overcome her ill heath and self-doubts. Her first three paintings were exhibited at an exhibition of the Union of Women Painters, Sculptors and Woodcut Artists. She won the first prize at the exhibition and was immediately admitted to the Union.


Mother and child. Silk. Painted by Le Thi Luu

Luu's paintings are imbued with the character of Vietnamese and Asian women. She loved themes involving family and expressed her love by depicting women and children. Her artistic style was classic, but she could express emotions with gentle colours and smooth lines. That is why she was better at silk painting, even though her oil painting technique was also quite strong. Victor Tardieu, Principal of the Ecole Superieure des Beaux-Arts de l'Indochine, compared her painting style with Cezanne's.

In silk painting, at first she followed the Chinese style, using even patches of colour with outlines and some contrast between highlights and shadows. She was then briefly influenced by Modigliani before she was able to develop her own style similar to post-impressionism and suggestive of Renoir, but Vietnamese to the core.

nguồn:
http://www.lachonggaller...om/ringing_the_bell.htm

ngodong
#5 Posted : Saturday, October 28, 2006 9:52:50 PM(UTC)
ngodong

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 3,452
Points: 1,212
Woman

Thanks: 93 times
Was thanked: 35 time(s) in 34 post(s)


Lòng Mẹ

http://galleryvietnam.ifrance.com/perso-23017.htm

[img]http://anthonyha.gotdns.com/NhatLung/Personnages/TinhMauTu.jpe[/img]

Tình Mẫu Tử
Users browsing this topic
Guest
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.