Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

HIẾU TỰ CA (CA VÈ CỤ SÁU) và Nữ Tắc - Trần Lục
viethoaiphuong
#1 Posted : Wednesday, December 9, 2009 4:00:00 PM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,291
Points: 11,028

Thanks: 758 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)


HIẾU TỰ CA (CA VÈ CỤ SÁU)

Tủ sách Dũng Lạc giới thiệu tác phẩm Hiếu Tự Ca rất nổi tiếng của Cụ Sáu Trần Lục, gồm 1088 câu thơ theo thể Vè, vẫn được gọi là Ca Vè Cụ Sáu. Đây là một hình thức giáo dục bình dân tuyệt vời, vì dân chúng trong vùng ai cũng thuộc, và đọc đi đọc lại thường xuyên trong mọi sinh hoạt đời thường đã khiến trở thành kim chỉ nam đời sống.

Mấy lời hiếu tự nói qua
Để cho ai nấy trẻ già nhớ ơn.
Làm người sống ở thế gian,
Ai không đội đức cao san (sơn) nặng dày.

5- Nói sao cho hết cho rồi;
Biết bao khí huyết tài bồi cho ta:
Phần hồn thì Chúa sinh ra,
Xác này Chúa phó mẹ cha sinh thành.
Phụ tinh mẫu huyết đúc hình

10- Cho ta toàn vẹn mà sinh làm người.
Nói mà rơi hai hàng giọt lệ,
Lấy lưỡi nào mà kể cho xong.
Nặng nề chín tháng cưu mang,
Mặt thì tái mét võ vàng xanh xao.

15- Nằm trong như cắt như bào,
Bởi chưng khí huyết đúc vào thân ta.
Thể hình ngày tháng nhẩn nha
Đúc dần từng thí cho ta thân này.
Tha hồ nặng nhọc đắng cay,

(còn tiếp)



* by HVLN / TV-VB
Roseheart
viethoaiphuong
#2 Posted : Sunday, December 13, 2009 12:05:22 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,291
Points: 11,028

Thanks: 758 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)
CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP CỦA CHA TRẦN LỤC


Chân dung Cụ Sáu Trần Lục (1825-1899)

Msgr. Trần Ngọc Thụ


Trước khi vào đề

“Cha Sáu” hay “Cha Trần Lục” nguyên quán tại làng Mỹ Quan, tổng Cao Vĩnh, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa, sinh năm 1825. Cụ thân sinh Trần Văn Nhu xuất xứ từ Nam Định, còn bà cụ bản quán Ninh Bình. Hai cụ sinh 5 trai 2 gái. Cha Sáu là con thứ hai. Người con thứ ba Gioan Trần Văn Pháp (hay Truật), em Cha, sau này được tử đạo, chết rũ tù ở Lạng Sơn. Trước ở đời, tên Cha Sáu là Phêrô Trần Văn Hữu. Năm 11 tuổi, cắp sách đi học, và năm 15 tuổi, theo ở với linh mục Tiếu, xứ Bạch Bát. Năm 1845 cậu Hữu lên đường theo ơn kêu gọi, vào tu tại chủng viện Vĩnh Trị (về sau đi về Hoàng Nguyên), từ đấy đổi tên là Triêm. Năm 1850, mãn khoá, đi tập sự truyền giáo. Năm 1855, học triết lý, thần học ở Kẻ Non. Hai năm sau (1857), Tự Đức cương quyết tiêu diệt đạo Công giáo, bắt đầu những cuộc bách hại rùng rợn. Ngày 13 tháng 7 năm 1858, bị bao vây ở La Mát với Giám mục Liệu và mấy linh mục ngoại quốc, thầy Triêm mưu mô mặc áo dài đen, đeo ảnh thánh giá lớn trên ngực, giả làm “đạo trưởng”, tự ý ra nộp mình, đang khi đó cho người đưa Giám mục và các linh mục ngoại quốc sang trốn ở Đồng Bầu, xứ Khoan Dụ. Phải án đầy đi Lạng Sơn, hồi đó mới chịu 6 chức (do đó giáo hữu bị đày chung với ngài mới đặt cho cái tên “Cụ Sáu”; tên này được bình dân hóa và tồn tại cho đến ngày nay). Năm 1860, được phép về thụ phong linh mục ở Kẻ Trừ, rồi lại trở lên Lạng Sơn truyền đạo cho số giáo dân bị tù đày ở đó.

Năm 1862, Tự Đức tha đạo. Cụ Sáu được trả tự do, về quản nhiệm ba xứ Mỹ Diệm, Kẻ Dừa, Tam Tổng, và từ 1865-1899, nghĩa là đến ngày mệnh một, về quản nhiệm hạt Phát Diệm. Trong lịch sử Giáo hội Việt Nam, linh mục Trần Văn Triêm là linh mục duy nhất đã sáng suốt biết phối hợp nơi ngài hai chức vụ thiêng liêng và hiện thế. Là một giáo sĩ, gần được phúc tử đạo, tuy nhiên, với sự chấp thuận của Giám mục địa phận, ngài cũng là vị “Trấp an” và “Cha Trần Lục” của vua Tự Đức, là Gia Lễ bộ Tham Tri, sung Khâm sai Tuyên phủ sứ của vua Đồng Khánh, là Lễ bộ Thượng thư của vua Thành Thái, là Phát Diệm Nam tước của vua Khải Định, là Ngũ đẳng Bắc đẩu bội tinh của Pháp năm 1884, và Tứ đẳng Bắc đẩu bội tinh năm 1899.

o0o

Lyautey, nguyên soái và thành viên Hàn lâm viện Pháp, năm 1896, hồi đó với cấp bậc thiếu tá tháp tùng Cao uỷ Rousseau, về ngoạn du phong cảnh Phát Diệm, và sau đấy ông có viết lại cảm tưởng của mình: “Phát Diệm, tức là cha Sáu. Là một linh mục Việt Nam đã cao niên, một trong những vị anh hùng khiêm tốn, một trong những con người khát khao hoạt động, có khả năng thành công trong bất cứ sự nghiệp nào, bởi vì xuất thân để đóng những vai trò quan trọng, và nếu không gặp vai trò quan trọng, thì chính những cái nhỏ bé của ngài đã là sự nghiệp vĩ đại rồi”. [1]

“Phát Diệm, tức là cha Sáu”. Quả thế, tên Phát Diệm và tên linh mục Trần Lục từ lâu đã được thiên định gắn liền với nhau, để rồi sẽ không bao giờ ly tán. Con người “thầy tu áo vải” ấy không nguyên là một vị anh hùng dũng cảm, đã có gan tự ra nộp mình, để cứu sống Giám mục Liêu ở La-mát [2], đã hiên ngang xưng đạo, nhiều phen đã chịu tra tấn, gông cùm ở Hà Nội, đã bị phát lưu đày đi Lạng Sơn; nhưng chính con người ấy cũng là một bộ óc thông minh khoáng đạt, là một nhân vật có tài kinh doanh, tổ chức phi thường. Phát Diệm hồi xưa chỉ là một quãng đồng thẳng cánh cò bay, với trên dưới ba trăm căn nhà và một số dân di cư nghèo túng. Để kiến tạo, cha Trần Lục đã đứng lên chiêu dân về ở, đã chiến đấu để lấy lại các khoản công tư điền thổ cho dân chúng, đã cổ võ những cách làm ăn sinh sống của đồng bào, đã khởi công đào con sông Ân Giang chạy suốt bề ngang huyện Kim Sơn, từ Điền Hộ tới Như Sơn, và đồng thời lấy đất đắp thành con đường số 10 ngày nay, đã đích thân tậu ruộng để xây cất một nghĩa địa khang trang, hiện còn ở Phát Thượng, phía bắc nhà thờ chính tòa Phát Diệm.

Nhưng hơn tất cả các sự nghiệp đó, chúng ta phải kể khu thánh đường Phát Diệm, trên 200 thước dài và 115 thước rộng, ngày nay còn đang sừng sững trong vẻ oai hùng, đứng là kỷ niệm nghìn đời minh chứng tài ba và khí phách của cha Sáu [3]. Không nguyên là mỗi nhà thờ, mà là mỗi súc gỗ, mỗi tảng đá đều nói lên một đoạn trường, một lịch sử, một di tích đáng ghi nhớ. Cái chương trình kiến trúc vĩ đại kia đã tiềm tàng cưu mang trong trí óc cha Trần Lục suốt tự năm 1866. Năm ấy Đức Giám mục Chiêu (Mgr.Theurel) uỷ cho ngài sứ mạng vào Kinh (Huế) để trực tiếp ngoại giao với triều Tự Đức (1848-1883), xin nhà vua thẩm đạt và hạ sắc chỉ cho phép tái lập làng Vĩnh Trị, một làng trước kia hoàn toàn Công giáo, nhưng vì những cuộc bách hại gắt gao, người dân đã bị trục xuất khỏi sổ bộ, phân sáp vào các làng lương giáo, còn điền thổ đều bị cưỡng bách tịch thu. Ở giữa kinh thành sông Hương núi Ngự, cha Trần Lục không những đã làm tròn sứ mạng Đức Giám mục uỷ thác, mà còn lợi dụng thời cơ may mắn, trong lúc chờ đợi để vào yết kiến nhà vua, để tâm khảo cứu hết những nét tinh vi trong kỹ thuật kiến trúc hùng tráng Á Đông của các cung điện và lăng tẩm các vị Hoàng gia tiên đế.

Về tới Phát Diệm, một mình cha âm thầm lặng lẽ, suốt từ 1873-1883, trong 10 năm trường, cha lợi dụng thời gian thái bình tổ chức công cuộc thu sắm vật liệu. Điều đáng chú ý là những vật liệu nói đây nguyên là của mồ hôi nước mắt của giáo hữu địa phương. Cứ mỗi vụ mùa hàng năm vào tháng mười, gia đình nào cũng ủng hộ ba đấu lúa, gom góp từng ngàn gia đình như thế, và tích trữ trong bằng ấy năm trời… Thêm vào đấy, những hy sinh tận tuỵ khác của dân chúng, những cánh tay vạm vỡ của họ, trí thông minh và lòng dũng cảm phi thường của cha Sáu: đấy là những yếu tố căn bản, là những phương tiện quyết liệt nhất đã xây đắp sự nghiệp nguy nga rực rỡ ngày nay. Thời ấy chưa thể có chuyện kỹ thuật tối tân, chưa có những cách ủng hộ tài chánh của người Công giáo ngoại quốc! Nếu thế, người ta càng ngạc nhiên khi nghe lịch sử kể lại: có những khúc gỗ dài trên 10 thước, chu vi tới 2 thước 4, nặng trên 10 tấn, lấy mãi từ Bến Thuỷ (Nghệ An), nghĩa là từ 150 cây số xa; có thứ lấy từ ngọn sông Sử, hay từ Hồi Xuân, đầu ngọn sông Mã (Thanh Hóa); có thứ lấy mãi tự trên rừng Đoài (Sơn Tây). Có cả những tảng đá lớn 7-8 thước khối, nặng gần 20 tấn, lấy từ trong núi Nhôi (Thanh Hóa) hay từ Thiện Dưỡng (Ninh Bình), nghĩa là từ 20-50 cây số! Thế rồi những vật liệu đó, với thời gian, cứ tấp nập chuyển về Phát Diệm, và khi khởi công, cho dù không then máy, không kỹ sư, nó cứ ùn ùn đem mãi lên 10 đến 24 thước cao và, trải qua các thời đại, nó còn đang kiên trì đứng chịu bao nhiêu trận cuồng phong vũ bão!

Năm 1875, để thử sức đất tân bồi của Phát Diệm, cha Trần Lục khởi sự xây núi Táng Xác (cũng gọi là núi Calvariô) đầu tiên. Sở dĩ đặt tên núi Táng Xác là vì hồi xưa đã làm nơi tái diễn màn kịch Thương khó Chúa Cứu Thế (trong đó có màn táng xác Chúa trong mồ), mà chính cha Trần Lục- với nhiều cao hứng và hồn thơ – đã đích thân sáng tác.

Việc thí nghiệm nói trên thành công càng lên tinh thần cho cha Trần Lục. Năm 1885, ngài bắt đầu xây cất các ngôi thánh đường, và trước tiên là đền thờ Trái Tim Đức Mẹ, quen gọi là Nhà Thờ Đá. Đây có một lý do đặc biệt: là để thực thi một lời khấn với Đức Mẹ năm 1860 tại Lạng Sơn, khấn rằng: nếu được qua khỏi cơn bệnh thập tử nhất sinh, ngài sẽ dâng hiếng Thánh Mẫu một đền thờ xứng đáng. Đền thờ nói đây 8 thước cao, 9 thước rộng, 18 thước dài, chia làm 5 gian. Đặc điểm ở chỗ là tất cả làm toàn bằng đá, thậm chí hình hai con phượng ở gian cung thánh, cũng như hình hai con voi phục ở gian cuối… cũng đều bằng đá, chạm nổi. Hơn nữa đá nói đây toàn là những đá quí lấy từ núi Nhôi. Năm 1883, trong trận giặc quân Pháp xâm chiếm Bắc Việt, vị Tổng đốc Thanh Hóa, vì nhu cầu chiến lược, đã cho nổ tung những tảng đá lớn từ núi Nhôi đổ xuống con sông Cầu Bố, để chận đường tiến của hải quân địch. Về sau thái bình trở lại, cha Trần Lục đã tình nguyện moi những tảng đá nói trên đem về Phát Diệm.

Người ta tự hỏi: Những tảng đá lớn như thế hồi xưa đã được chuyên chở bằng phương pháp nào? Nếu là những tảng đá lấy từ trên núi, người ta dùng nguyên sức mạnh của con người bẩy cho rớt xuống chân núi, rồi đặt trên những hòn lăn thật vững chắc, mở hò dô ta lôi ra tới bờ sông. Dưới sông là những mảng tre rất lớn, chờ cho nước thoái triều, người ta mới trục những tảng đá xuống, để rồi lại chờ nước lên mới khởi hành. Trong trường hợp tảng đá năm dưới đáy sông, giáo dân phải ngồi tính con nước: đưa mảng tre đến tại chỗ lúc con nước còn thấp, dùng những thừng bằng mây cột tảng đá vào dưới mảng tre, rồi khi nước lên, con nước sẽ tự động moi tảng đá lên theo. Nếu là những súc gỗ, người ta buộc vào hai bên hông những chiếc thuyền mành lớn, rồi chờ nước xuôi gió thuận, kéo buồm chạy thẳng về Phát Diệm.

Năm 1888, xong đền thờ Đức Mẹ, ngài tiếp tục xây luôn đền thờ Trái Tim Chúa Giêsu. Ở đây cũng là để thực thi một lời khấn năm xưa. Năm 1874, trước nạn Văn Thân từ Thanh Hóa kéo về đóng ở Ba Đình (cách Phát Diệm 20 cây số) và nạn giặc Cờ Đen do Phạm Duật, nguyên Bố chánh Ninh Bình, rước về đóng ở Yên Mô, cha Trần Lục trên đường vượt biển ra vịnh Hạ Long, không tìm được viện binh từ ngả Hòn Gay và Móng Cáy, ngài quay mũi trở về Phát Diệm, nhưng đồng thời đã tuyên một lời khấn: nếu Chúa cho Phát Diệm thoát nạn can qua, ngài sẽ xây kính Trái Tim nhân hậu Chúa một đền thờ. Quả thật lời khấn đã được hiệu nghiệm. Đền thờ Trái Tim Chúa đặc sắc ở chỗ làm toàn bằng gỗ gụ, 9 thước cao, 12 thước rộng và 25 thước dài. Mỹ thuật hơn cả là cái cửa chánh đền thờ. Công trình chạm trổ toàn bằng tay đã làm say mê vị Toàn quyền Pháp Lanessan về ngoạn cảnh Phát Diệm và ông đề nghị đem trưng bày ở phòng triển lãm Mỹ thuật Quốc tế Ba-lê năm 1889.

Năm 1891 đến lượt nhà thờ chánh tòa địa phận, cũng gọi là nhà thờ Đức Mẹ Mân Côi. Tuy việc xây cất khởi sự từ 1891, nhưng công trình đặt nền móng đã bắt đầu năm 1875. Từng rừng tre đem về, bao nhiêu cũng đem đóng cả xuống lòng đất, có chỗ sâu 30-32 thước, rồi trải cát, trải đá lên trên, rồi lại một rừng tre khác xếp ngang xếp dọc, hết tầng nọ đến tầng kia. Vì thế phải chịu đựng một ngôi nhà 9 gian, hai tầng mái, dài 80 thước, cao 16 thước, ở trong có 48 cột gỗ lim, xếp thành 6 hàng, bên hữu 3 hàng, bên tả 3 hàng, cao song đối nhau mỗi hàng từ 12 đến 7 và 5 thước, chu vi mỗi cột đo tới 2 thước 40, và nặng từ 7 đến 4 và 3 tấn. Trên mỗi cột cha Trần Lục còn cho khắc hai chữ “Maria-Joseph”, theo minh chứng của linh mục Lê Gia Ân, một linh mục cao niên đã sống đời cha Sáu, là để cho ai ra vào kính viếng sẽ nhờ kêu cầu Đức Trinh Nữ, Mẹ Thiên Chúa, và thánh Giuse dưỡng phụ của Chúa Cứu Thế. Hai bên gian cung thánh, thay vì cửa, là toàn những chấn song bằng đá, tiện rất trơn tru mỵ thuật, ở trên khắc 14 chặng đàng Thánh giá cũng bằng đá. Bàn thờ chính là một tảng đá toàn khối, dài 3 thước 10, rộng 82 phân, cao 80 phân. Gian cuối cùng, tức là gian chái kiệu, cũng toàn bằng đá, hình ngũ môn, tức là chia thành năm cửa ra vào. Nằm ngang trên cửa chính lại là một tảng đá dài 4 thước 20, cao 1 thước 50, rộng 75 phân, đội một tấm đá khác ở trên dài 2 thước 10, cao 1 thước 20, rộng 60 phân. Ngoài mặt chái kiệu, khắc 15 mầu nhiệm Mân Côi, Trên cao là ba ngọn tháp ngạo nghễ vọt lên không gian, tháp ở giữa tới một bề cao 24 thước. Giữa hai gian cung thánh và chái kiệu là bảy gian khác làm toàn bằng gỗ lim, chạm trổ theo mỹ thuật thuần tuý Đông phương. Duy có việc lát gạch hoa trong lòng nhà thờ, cha Trần Lục chưa có thời gian thi hành, phải đợi mãi đến 6/10/1918, dịp lễ tấn phong Phó Giám mục Phát Diệm, Đức cha Louise de Cooman (Đức cha Hành) mới được hoàn tất.

Năm 1895-1896, cha Trần Lục đốc xuất luôn việc xây cất ba đền thờ khác: kính Thánh Gioan Tiền Hô, Thánh Phêrô (quan thầy của ngài) và Thánh Giuse. Ba ngôi thánh đường nhỏ này, cũng như đền thờ kính Trái Tim Chúa Giêsu đã nói ở trên, là bốn đền thờ vây quanh hai bên ngôi thánh đường chánh tòa (kính Đức Mẹ Mân Côi). Công trình kiến trúc giống nhau ở chỗ bàn thờ nào cũng bằng đá, chấn song đá; nhưng khác nhau ở chỗ các cột kèo bên trong toàn bằng gỗ, nhưng mỗi đền thờ bằng một thứ gỗ khác nhau.

Đền thờ kính Thánh Gioan Tiền Hô làm bằng gỗ mít, trừ bàn thờ là một tảng đá, diện tích hơn 7 thước khối, nặng 20 tấn, nhưng từ 1923 đổi tên là đền thờ Thánh Rôcô, để ghi nhớ sức ủng hộ thần diệu của thánh nhân đã ra tay cứu chữa dân chúng Phát Diệm trong trận thiên thời dịch tễ ghê gớm năm ấy. Đền thờ kính Thánh Phêrô làm bằng gỗ trai, hai gian cung thánh cũng là hai hàng chấn song đá, ở trên khắc chân dung mười hai vị Tông đồ. Đền thờ kính Thánh Giuse làm bằng gỗ thiết. Đặc biệt ở chỗ là chính tảng đá định đem về làm bàn thờ trong ngôi thánh đường nhỏ bé này, hồi xưa khi chuyển chở, đã sơ ý làm rớt xuống dòng sông, vì nặng tới 20 tấn nên đã chìm sâu, thành ra phải lấy một tảng đá khác nhở hơn thay thế vào.

Ba quả núi nhân tạo

Phía đầu nhà thờ chánh tòa, cha Trần Lục xây ba ngọn núi nhân tạo. Ngoài núi Cavariô (núi Táng Xác, núi Sọ) đã trình bày ở trên, còn hai ngọn núi khác không kém phần ngoạn mục. Tức là núi Hiếu Sơn ở mạn trước đền thờ Trái Tim Đức Mẹ, cũng gọi là núi Sinh Nhật (hay là hang Bêlem) vì trong tuần lễ Giáng Sinh, tượng Chúa Hài Đồng được đặt tại đây cho giáo dân kính viếng. Núi Cây Dầu có vườn Gethsémani. Ở trên, khi tường thuật về núi Táng Xác, chúng tôi đã nhắc qua chương trình vĩ đại của cha Trần Lục muốn biến cả khu thánh đường nguy nga Phát Diệm là một kinh thành cầu nguyện linh động, bằng cách diễn lại nơi đây theo hạn kỳ nhất định thảm kịch tử nạn của Chúa Cứu Thế. Ngài đã xây cất những địa điểm chính yếu. Phương đình (tức tháp chuông) cách xa nhà thờ chánh tòa chừng 25 thước, hiện còn khắc bốn chữ Hán “Thánh cung bảo tòa”, nghĩa là nơi đây sẽ diễn lại cảnh “tiệc ly”: Chúa Cứu Thế dùng bữa với các Tông đồ lần sau hết. Rồi ngài sẽ tới vườn Gethsémani cầu nguyện, ở đó sẽ bị nộp cho đội quân Do Thái. Ngài bị điệu vào thánh đường Đức Mẹ (nhà thờ chính tòa); ở đó gặp mặt người mẹ thân yêu, rồi chịu tử nạn trên thập giá. Dân chúng, tức toàn thể giáo dân Phát Diệm, muôn người như một sẽ đội khăn tang, rước xác Chúa về núi Táng Xác, để kính viếng trong đêm thứ sáu sang rạng ngày thứ bảy Tuần Thánh.

Về sau, năm 1925, linh mục Demause, thuộc Hội Thừa Sai Ba-lê, mãi từ Vân Nam (Trung Quốc) ghé thăm Giám mục A.Marcou, và nhân cơ hội tặng ngài pho tượng Đức Mẹ Lộ Đức: từ đấy vườn Gethsémani đổi tên là núi Lộ Đức. Trên núi này, hiện còn để di hài ba vị tử đạo: linh mục Kỳ, nguyên chánh xứ Phát Diệm, bị trảm quyết ngày 5/12/1861 tại Ninh Bình, cùng với ông Ngân, quê họ Tự Tân, bị bắt vì đã chứa chấp vị chủ chăn của mình; linh mục Dũng, kế vị cha Kỳ, chết rũ từ ngay 4/6/1863 cũng tại Ninh Bình.

Sự nghiệp kiến trúc của cha Trần Lục đến đây kể như đã thập phần mỹ mãn. Bằng ấy đền thờ là bằng ấy hạt trân châu, đầy vẻ tân kỳ lộng lẫy. Tuy nhiên, trong khối óc rộng lớn của cha còn tiềm tàng một hoài bão nữa, còn nung nấu một khát vọng sau cùng: thánh đường phải có tháp chuông. Chuông đây tượng trưng cho lời kêu gọi tha thiết của Giáo hội hằng ngày thức tỉnh tâm hồn Dân Chúa. Mỗi tiếng ngân vang là mỗi lần Giáo hội mượn lấy không gian, mượn lấy luồng gió để nhắn nhủ, để thôi thúc, để mời gọi. Chính vì thế, mặc dầu sức đè nặng của tuổi cao niên, năm 1898 (tức một năm trước khi tạ thế), cha Trần Lục khởi công xây tháp chuông, quen gọi là Phương Đình. Theo dự án lúc ban đầu, tháp chuông lẽ ra phải lên tới 60 thước bề cao, nhưng vì thiên định đã sớm cất khỏi trần gian vị anh tài xuất chúng, thành ra chương trình phải bỏ dở một phần. Tuy nhiên, cái vẻ hùng tráng của Phương Đình không vì thế mà giảm bớt giá trị bao nhiêu. Hiện còn 25 thước cao, 17 thước rộng, 24 thước dài, cũng hai tầng mái. Tầng dưới chia thành tam quan, rộng thênh thang. Ở gian giữa kê một tảng đá toàn khối, dài 4 thước 20, rộng 3 thước 20, dày 35 phân, trước kia là tấm sập rồng ở đền Tây Kinh (hay Tân Giai), xa Phát Diệm chừng 70 cây số. Chính tảng đá này – trong những lần diễn lại thảm kịch Thương khó của Chúa Giêsu- là “bàn tiệc ly” Chúa và 12 môn đệ ngồi ở đây để dùng bữa ăn sau hết, và ở đây Chúa lập bí tích Thánh Thể. Tầng trên treo một quả chuông đông phương, cao 1 thước 90, đường kính 1 thước 10 và cân nặng 1500 tạ. Trên cùng là 5 vòm tháp nhỏ: tháp giữa là cây thánh giá, 4 tháp chung quanh đặt tượng 4 vị tông đồ tác giả Phúc Âm.

Tới đây, độc giả đã đi hết một vòng lịch sử của những cái mà người thời nay gọi là kỳ công kiệt tác của cha Trần Lục. Trong lịch sử nhân loại, ít khi có những trường hợp một vĩ nhân, trong quãng thời gian tại chức 36 năm trời (1863-1899) mà đã xây đắp nổi một sự nghiệp vĩ đại: 6 ngôi thánh đường, 3 hang đá, 1 tháp chuông, tất cả với những đoạn trường lịch sử của thời đại lúc đó, tất cả với những khó khăn, thiếu thốn về kỹ thuật, về chuyển vận, nhưng tất cả mang sắc thái của nền kiến trúc Á Đông, thuần tuý, cũng nguy nga hùng vĩ, cũng tráng lệ cổ kính. Phải là cha Trần Lục – con người đã được thiên định, thời gian và nhân loại tin dùng – mới có đủ khả năng, uy tín để thực thi sự nghiệp nói trên. Một nữ ký giả ngoại quốc, cô Yvonne Schultz, sau buổi ngoạn du Phát Diệm, đã viết trong tạp chí Illustration (9/11/1929): “Ngày xưa, những kiến trúc gia xây cất thánh đường phải giao kết với quỷ thần, nhưng đây cha Trần Lục chỉ giao kết với thời gian. Sự nghiệp của cha, nếu phải là một phép lạ, đấy chính là phép lạ ở chỗ kiên tâm bền chí” [4]. Lord Curzon, về sau làm Phó vương Ấn Độ, đã một lần phải ngạc nhiên trước cơ đồ kỳ diệu của cha Trần Lục. Trong bài phóng sự gởi báo National Observer, ông gọi cha Trần Lục là “một vị giáo hoàng nhỏ của Việt Nam” [5].

Ấy là chưa nói đến sự nghiệp thiêng liêng ngài thi thố cho giáo dân, trong khi tại chức quản nhiệm địa hạt Phát Diệm. Tinh thần tôn sùng phép Thánh Thể, thói quen canh thức cầu nguyện các đêm thứ năm sang ngày thứ sáu đầu tháng, lòng nhiệt thành khuếch trương sự tôn sùng Đức Mẹ Mân Côi, nhất là trong tháng Năm dương lịch, tổ chức những cuộc Dâng Hoa cho Đức Mẹ, sự cổ vũ đọc kinh và đền tội cho các linh hồn nơi luyện ngục, sự chấn hưng phong trào kịch Thương Khó trong Tuần Thánh, những bản kinh đơn sơ sốt sắng ngài sáng tác hiện nay vẫn còn lưu hành, nhất là sự nhiệt tâm cộng tác với hai Đức Giám mục Gendreau (Đức cha Đông) và Đức Giám mục A.Marcou (Đức cha Thành) để chuẩn bị cơ sở cho việc thành lập địa phận Việt Nam tiên khởi [6], tất cả còn in sâu trong hoài cảm của giáo dân Phát Diệm. Chính bầu không khí sầm uất thiêng liêng này đã tạo nên một sắc thái riêng biệt, tô điểm cho trăm phần tráng lệ cái phong cảnh, vừa thiên nhiên vừa nhân tạo, mà chúng tôi trình bày ở trên.

Linh mục Phêrô Lê Gia Ân, trong bức thư đề ngày 27/6/1952 để chỉ cho chúng tôi một vài yếu tố liên quan đến đời sống cha Trần Lục, có kể câu chuyện: Độ hai năm trước khi ngài qua đời, người ta chứng kiến sự kiện có độ năm chục con chim bồ câu tự nhiên bay đến làm tổ ở thánh đường Đức Mẹ Mân Côi, kêu ríu rít một thời gian, nhưng không ai bắt được con nào, rồi tự nhiên bay đi đâu hết cả đàn. Và câu chuyện cây thiên tuế đang xanh tươi trên ngọn núi nhân tạo, trước căn phòng ngài ở, tự nhiên chết khô. Thì ra dân chúng họ cảm nghiệm: đó là những điềm trời, báo trứơc sự ra đi của những bậc vĩ nhân anh tài!

Ngày nay cha Trần Lục đã trở thành người thiên cổ, nhưng di hài của cha hiện còn an nghỉ giữa khu giáo đường lịch sử, nơi mà xưa kia cha đã cống hiến toàn thân và nghị lực để phục vụ Thiên Chúa, Giáo hội và các linh hồn. Trên nấm mồ cha, khách thập phương còn đọc thấy:

Trước mồ đứng sững luỵ châu rơi;
Phảng phất thần tình thấy rạng Người.
Đạo đức thơm lừng năm cõi đất;
Công danh sáng dậy một phương trời.
Thánh đường dường cột cây không hủ;
Cửu tháp tầng thành đá chẳng rời.
Khoát sắt, thơ son truyền sự nghiệp.
Trung trinh hai chữ để gương đời.

Phát Diệm, 25/11/1928
Phước Môn Bá Nguyễn Hữu Bài

Nhưng nói cho đúng: hơn mọi lý do trần gian, cha nằm lại đó để chứng minh cho lời Phúc Âm bất hủ: “Nếu hạt giống rơi xuống đất mà thối nát sẽ đem nhiều kết quả” (Jo.12,14). Trong chương trình Quan phòng thầm kín, nhưng vô cùng hiệu nghiệm của Thiên Chúa, kết quả ở đây là sự hình thành, sự lớn lên, là cả hiện tại và tương lai của Giáo phận Phát Diệm hôm nay và ngày mai.

Chú thích

[1] Mgr. A.Olichon, Le Père Six, trang 131.

[2] Linh mục Trần Công Hoán, Tiểu sử cha Sáu Trần Lục, Saigon 1963, tr.28.

[3] Mgr. A.Olichon, Le Père Six, trang 87-100 và Linh mục Trần Công Hoán, Tiểu sử cha Sáu Trần Lục, Saigon 1963, tr.88-101

[4] Mgr. A.Olichon, Le Père Six, trang 98

[5] Mgr. A.Olichon, Le Père Six, trang 132-133

[6] LM Mai Đức Thạc, Tiểu sử Đức cha Thành (Mgr. A.Marcou) Saigon 1967, tr.14-15)

Tiểu sử tác giả Trần Ngọc Thụ

- Sinh năm 1918 tại làng Văn Hải, Kim Sơn, Ninh Bình.

- Du học tại Âu châu từ năm 1937, thụ phong Linh Mục tại Roma năm 1942, thăng chức Đức Ông năm 1978 và Giám Chức Danh Dự của Đức Thánh Cha (1985)

- Bí thư của Đức Giám Mục Lê Hữu Từ (1951-1955)

- Bí thư của Toà Khâm Sứ Toà Thánh ở VN (1957-1976)

- Bí thư của Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II (1988-1996); Cáo Thỉnh Viên phụ trách hồ sơ phong hiển thánh cho 117 vị tử đạo ở VN năm 1988

- Về hưu năm 1996, được Đức Gioan Phaolô II ân thưởng hai chức mới: Kinh Sĩ Bậc I tại Vương Cung Thánh Đường Phêrô ở Roma, và Chưởng Ấn Toà Thánh.

- Ngoài những bài viết cho các báo chí Công Giáo khắp năm châu, còn là tác giả của nhiều tác phẩm, như: Đức Mẹ Fatima Bình Lợi (1980); Vụ án Phong Thánh (1987); Bản Tường Trình về 117 Chân Phúc Tử Đạo VN, bằng Ý ngữ và La ngữ (1987); Đời Sống Tu Sĩ và Công Đồng Vatican II; Giáo Hội Việt Nam, quyển I, II (1991) , quyển III (1993) ; Kinh Lạy Cha (1993) ; Lịch Sử Giáo Phận Phát Diệm (1994)...

Nhóm Trần Lục

viethoaiphuong
#3 Posted : Friday, December 18, 2009 11:12:02 PM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,291
Points: 11,028

Thanks: 758 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)
NỮ TẮC THƯỜNG LỄ

LM Trần Lục

Tán xương nghiền thịt đền ơn
Họa là muôn một vài phân chăng là.
Thí thi ta nói qua qua
Nữ nhi phải nhớ để mà đền ơn

Thứ hai ta lại nói dần
Cách ăn nết ở về phần nữ nhi
Dậy dậy sớm, thức thức khuya
Chẳng kỳ việc gì dọn dẹp liền tay

Chẳng nên tìm chốn ngủ ngày
Chẳng nên tìm chốn đấy đây dông dài
Chẳng nên vào ra nhà ai
Là khi cha mẹ không sai mình vào

Ở nhà xay lúa đâm bèo
Tằm tơ gạo thóc tùy chiều mẹ cha
Lọ tương lọ mắm lọ cà
Nồi niêu bát đĩa cùng là lọ dưa.

(còn tiếp)
viethoaiphuong
#4 Posted : Monday, December 28, 2009 12:01:06 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,291
Points: 11,028

Thanks: 758 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)
NỮ TẮC THƯỜNG LỄ

LM Trần Lục


Nữ nhi ở vụng dại thời
Mẹ cha chịu đủ mọi mùi tanh hôi
Việc nhà thu xếp đã rồi
Thì đừng có ngồi mách lẻo cùng ai

Tập tành nghề nghiệp vá may
Miệng ôn kinh bổn còn tay thì làm
Việc nhà mình đã nan kham
Con ăn đứa ở người làm phải thuê

Được công việc tại nữ nhi
Ăn ở khéo thì mọi việc mọi trôi
Miếng giầu bát nước hẳn hoi
Người ta là người thân phận làm thuê

Chớ đừng ăn ở khắt khe
Ra điều giữ dè thì lại thiệt hơn
Lạ gì lòng bụng thế gian
Ở ăn lắm cách gian ngoan với mình.

(còn tiếp)

Users browsing this topic
Guest (2)
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.