Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

B.B đề nghị Pháp đưa Ngày ăn chay vào công sở
PC
#1 Posted : Monday, October 19, 2009 4:00:00 PM(UTC)
PC

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,668
Points: 25
Woman

Was thanked: 4 time(s) in 4 post(s)
B.B đề nghị Pháp đưa Ngày ăn chay vào công sở

Năm nay 75 tuổi, là người ăn chay trường và thuần chay từ nhiều năm nay, nữ minh tinh Brigitte Bardot (B.B) đã đề nghị Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đưa Ngày ăn chay vào thực hiện tại các công sở vì theo bà, chăn nuôi súc vật ảnh hưởng rất lớn đến sự biến đổi khí hậu toàn cầu.

Trong thư gửi ông Sarkozy, Brigitte Bardot viết: "Đã có ngày không sử dụng ôtô, đã có ngày không có khói, nhưng việc đưa ra một ngày không ăn thịt còn có tác động lớn hơn cả những loại thuế đánh vào động cơ có khí thải CO2, và Trái đất của chúng ta sẽ khỏe mạnh hơn nhiều".

B.B - nữ diễn viên gợi cảm lừng danh với bộ phim Và Chúa đã tạo ra đàn bà (And God Created Woman, 1956) đề nghị Tổng thống Pháp "hãy để cho những tuyên bố trong Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu trở nên có ý nghĩa", và đề nghị nguyên thủ quốc gia Pháp đưa Ngày ăn chay vào tất cả các công sở. Bà cũng yêu cầu các cơ sở tư nhân hưởng ứng sáng kiến này.

Theo Bardot, những khí thải trong quá trình chăn nuôi súc vật "ảnh hưởng trực tiếp đến sự nóng lên của khí hậu toàn cầu… và sự chăn nuôi súc vật dẫn tới lãng phí khổng lồ vì một phần ba lượng ngũ cốc trên toàn thế giới được dành cho mục đích chăn nuôi động vật cho thịt".

Bardot còn cho rằng "từ bỏ việc ăn thịt là phương pháp tốt nhất để chúng ta phản đối hành động vô nhân đạo của con người, khi sát hại hàng tỉ động vật cho thịt hằng năm". Hành động nói trên của Brigitte Bardot không có gì đáng ngạc nhiên nếu chúng ta biết rằng nữ minh tinh một thời này sau 40 bộ phim lớn nhỏ đã chia tay "Nghệ thuật thứ bảy" trước sinh nhật lần thứ 40 và để toàn bộ quãng đời còn lại cho phong trào bảo vệ động vật.

Tại Pháp, từ năm 1966, Brigitte Bardot là người đầu tiên lên tiếng phản đối cách giết thịt động vật tàn nhẫn tại các lò mổ. Sau đó, nhờ uy tín của bà mà trước khi bị giết thịt, người ta đã dùng máy sốc điện để làm choáng và gây mê bò.

Năm 1977, Bardot lại đạt thành công trong một chiến dịch lớn do bà tiến hành để chống nạn săn bắn, sát hại hải cẩu để lấy da. Năm 1986, bà thành lập Quỹ Bảo vệ Động vật mang tên bà và đến năm 1991, bà đã tặng khu nhà của mình tại La Madrague (Saint-Tropez) để nâng nguồn vốn của Quỹ.

Vì tình thương đối với động vật, Brigitte Bardot từng công khai đả kích Sophia Loren khi ngôi sao điện ảnh Ý này ký hợp đồng quảng cáo áo lông thú trị giá 1 triệu USD với hãng Annabella. Trong một thư ngỏ, Bardot phê phán Loren: "Khi mặc áo lông thú, bạn đừng quên rằng, bạn đang mang trên người xác của vô vàn thú vật".

Trong năm nay, vào tháng Sáu vừa qua, Bardot cũng đề nghị Đệ nhất Phu nhân Pháp - cựu người mẫu Carla Bruni-Sarkozy - thử tìm cách khuyên chồng bà, ông Nicolas Sarkozy, hãy cấm các cuộc đấu bò tót mà bà coi là man rợ.

Theo: Báo Tiền Phong
PC
#2 Posted : Wednesday, April 28, 2010 6:30:01 PM(UTC)
PC

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,668
Points: 25
Woman

Was thanked: 4 time(s) in 4 post(s)
THÔNG ĐIỆP TỪ NGÀY THỨ HAI KHÔNG THỊT
Khang Huy


(TNTT>) San Francisco là thành phố đầu tiên ở Mỹ khuyến khích dân chúng không ăn thịt vào ngày đầu tuần để giảm gánh nặng môi trường cho Trái đất.
Có điều kiện thì cần phải ăn uống đầy đủ dinh dưỡng. Nhưng bạn nên có một chế độ ăn cân bằng, hợp lý để tránh béo phì, bảo vệ sức khỏe cho chính mình và cho cả… hành tinh xanh của chúng ta.
Từ “nhỏ, lẻ”

Nếu không có ngày “Thứ hai không thịt”, có thể sẽ phải mất một thời gian rất lâu trước khi bạn bắt đầu tự hỏi “Thịt bò ở đâu nhỉ?”. Chiến dịch phi lợi nhuận mang tính quốc gia này ở Mỹ đã gia tăng sức hút khi hệ thống trường công ở Baltimore, thành phố lớn nhất của tiểu bang Maryland, bắt đầu cung cấp những chọn lựa “không thịt” cho học sinh vào các ngày thứ hai trong tuần vào năm ngoái. Kể từ thời điểm đó, ngày càng nhiều cơ quan, tổ chức, công ty truyền thông và nhân vật nổi tiếng đã cam kết không dùng thịt trong ngày thứ hai.

Nơi vận dụng chiến dịch “Thứ hai không thịt” mới nhất ở Mỹ là Cobblestone Cafe, một quán ăn tự phục vụ tại bệnh viện John Hopkins. Sự nhập cuộc của Cobblestone Café tương đối chậm kể từ khi chiến dịch “Thứ hai không thịt” được trường Y tế Công cộng Bloomberg của bệnh viện John Hopkins phát động vào năm 2003. Mục đích của chiến dịch này là giảm 15% lượng thịt tiêu thụ vì sức khỏe và môi trường. Nhưng muộn còn hơn không.

Ngoài bệnh viện trên, một loạt trường đại học đã cùng xắn tay hành động. Hôm 1.3, Đại học California, Santa Barbara, đã bắt đầu “nghi lễ” dẹp hết thịt bò tại các quán ăn tự phục vụ và toàn bộ thịt ở một quán vào ngày thứ hai. Đại học Trung tâm Florida bắt đầu cung cấp những ưu đãi cho các sinh viên không dùng thịt vào ngày thứ hai, bao gồm các khoản giảm giá và nước uống miễn phí. Trong khi đó, Đại học California, Davis đặt mục tiêu thuyết phục 1.000 sinh viên và nhân viên kiêng thịt vào ngày đầu tuần.
Gia súc sản sinh khí methane và các loại khí gây hiệu ứng nhà kính khác thông qua việc thải phân và ợ hơi. FAO ước tính phân và sự đầy hơi của bò tạo ra 30-40% tổng lượng khí thải methane từ những hoạt động có ảnh hưởng của con người. Khi nhu cầu thịt tăng lên, nhu cầu đồng cỏ và đất trồng trọt cũng tăng theo, biến việc phá rừng trở thành nỗi lo bổ sung. Theo báo cáo, ngành gia súc chiếm 30% diện tích đất không bị băng che phủ trên Trái đất. Việc chăn thả quy mô lớn cũng gây tổn hại cho đất canh tác.

Đến quy mô

San Francisco (California), đã trở thành thành phố “Thứ hai không thịt” đầu tiên của Mỹ. Hội đồng giám sát của thành phố hồi đầu tháng này đã thông qua nghị quyết ủng hộ phong trào và khuyến khích các trường học, nhà hàng và người dân tham gia.

Người đệ trình dự luật trên, bà Sophie Maxwell - một thành viên của Hội đồng giám sát, đã giải thích cho hành động của mình: “Tôi muốn mọi người nghĩ về việc không dùng thịt vào một ngày nào đó. Tôi muốn mọi người nghĩ về những thứ khác mà họ có thể ăn. Điều đó tốt hơn cho chúng ta và tốt hơn cho hành tinh”. Theo bà, một số thành phố trên thế giới đã thực hiện các bước tương tự nhằm khuyến khích các loại thực phẩm lành mạnh tại các nhà hàng, cửa hàng thực phẩm và trường học. Việc thông qua nghị quyết “Thứ hai không thịt” là sự ủng hộ về mặt pháp lý việc sống lành mạnh và có ý thức về môi trường sinh thái mới nhất của thành phố San Francisco. Nghị quyết trên kêu gọi ý thức về mối liên hệ giữa thói quen ăn uống, sức khỏe và sự biến đổi khí hậu. Dĩ nhiên, San Francisco không phải là thành phố đầu tiên trên thế giới phát động “Thứ hai không thịt”. “Danh hiệu” này thuộc về thành phố Ghent của Bỉ.

Tác động của việc ăn thịt

Vào năm 2006, một báo cáo của LHQ đã kết luận rằng việc sản xuất và ăn thịt góp phần làm biến đổi khí hậu qua quá trình tạo chất khí gây hiệu ứng nhà kính của ngành chăn nuôi gia súc. Tổ chức Lương-Nông LHQ (FAO) nhận thấy việc chăn nuôi và giết thịt bò và các loại động vật khác ước chiếm 18% tổng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính do con người gây ra. Các chất khí gây hiệu ứng nhà kính, chẳng hạn như methane, CO2 và nitrous oxide, có liên quan đến tình trạng ấm dần lên toàn cầu.

Nghị quyết “Thứ hai không thịt” vừa được thông qua ở San Francisco đã nhận được nhiều phản ứng khác nhau từ dân chúng, cả ủng hộ lẫn cho rằng nó sẽ nhanh chóng rơi vào quên lãng. Mặc dù vậy, với người Mỹ, một sự cắt giảm khiêm tốn lượng thịt tiêu thụ sẽ giúp giảm đáng kể gánh nặng đối với tài nguyên thiên nhiên và môi trường. Ở Việt Nam, dù cuộc sống nhìn chung còn khó khăn nhưng với bộ phận khá giả, trung lưu, một chiến dịch như tại San Francisco chắc hẳn đáng để suy nghĩ.

Khang Huy
(http://www.thanhnien.com.vn/)


Gia súc sản sinh khí methane và các loại khí gây hiệu ứng nhà kính khác thông qua việc thải phân và ợ hơi. FAO ước tính phân và sự đầy hơi của bò tạo ra 30-40% tổng lượng khí thải methane từ những hoạt động có ảnh hưởng của con người. Khi nhu cầu thịt tăng lên, nhu cầu đồng cỏ và đất trồng trọt cũng tăng theo, biến việc phá rừng trở thành nỗi lo bổ sung. Theo báo cáo, ngành gia súc chiếm 30% diện tích đất không bị băng che phủ trên Trái đất. Việc chăn thả quy mô lớn cũng gây tổn hại cho đất canh tác.



Tonka
#3 Posted : Wednesday, April 28, 2010 10:54:34 PM(UTC)
Tonka

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,649
Points: 1,542

Thanks: 95 times
Was thanked: 204 time(s) in 192 post(s)
quote:
Gởi bởi PC
Từ “nhỏ, lẻ”


Đến quy mô



Rồi trường kỳ beerchug
Users browsing this topic
Guest
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.