Lê Diễn Đức
BBC từ Warsaw
Giải Nobel Văn chương 2009 được trao cho nhà văn Đức, bà Herta Mueller (Herta Müller) người viết về những trải nghiệm trong chế độ cộng sản tại Romania.
Sinh ngày 17/08/1953 tại Banat, thuộc Nitzkydorf, Romania trong một ngôi làng đa sắc tộc nhưng với đa số người Đức, bà Mueller có cha là quân nhân trong lực lượng SS của Đức Quốc xã.
Sau chiến tranh, mẹ bà đã bị trục xuất đi lao động cưỡng bức tại Liên Xô cùng với những người Đức khác.
Sử dụng tiếng Đức từ bé và chỉ bắt đầu học tiếng Romania khi tới trường, bà nghiên cứu văn học Đức và chủ nghĩa lãng mạn tại Timisoara. Thời gian này bà tham gia nhóm văn sĩ Aktionsgruppe Banat, nơi bà gặp người chồng tương lai.
Năm 1976, bà làm công việc dịch thuật các văn bản kỹ thuật trong một nhà máy sản xuất máy móc. Năm 1979, vì từ chối hợp tác với Securitate (cơ quan mật vụ) của chính quyền cộng sản, bà bị mất việc. Bà kiếm sống bằng công việc trong nhà trẻ và dạy thêm tiếng Đức.
Thoát lưới kiểm duyệt
Năm 1982, bà qua được kiểm duyệt và cho ra đời cuốn tiểu thuyết đầu tay Niederungen (Vùng đất thấp). Sau khi công bố phiên bản đầy đủ vào năm 1984 ở Tây Đức, ra mắt công khai với tên Herta Mueller, bà bắt đầu giành được những giải thưởng đầu tiên và được thừa nhận là một tiếng nói mới trong văn học Đức.
Năm 1987, cùng với chồng là Richard Wagner, bà đã di tản được sang Tây Berlin, Tây Đức.
Tác phẩm của bà sinh ra từ những trải nghiệm bản thân. Nó là bằng chứng về nỗi sợ hãi những cũng chứng tỏ lòng dũng cảm phi thường của bà
Thủ tướng Angela Merkel nói về nhà văn Herta MuellerTại đây, bà làm việc như là một nhà văn được hưởng quy chế định cư và làm giáo sư thỉnh giảng tại một số trường đại học ở Đức và ở nước ngoài, trong đó có Đại học Tự do tại Berlin, nơi bà hiện đang sinh sống.
Bà là dịch giả của rất nhiều tác phẩm trong hơn 20 thứ tiếng. Bà đã nhận nhiều giải thưởng văn học của Đức, trong đó có giải thưởng uy tín nhất – Giải Kleist và nhiều giải thưởng khác của nước ngoài.
Cuốn sách đầu tay Niederungen mô tả về cuộc sống tại ngôi làng Banat từ bối cảnh của một đứa bé, cái nhìn của nó, những cử chỉ và nỗi sợ hãi phải đương đầu với thế giới của người lớn, với sức mạnh đứng trên đời sống và cái chết. Những bóng ma nguy hiểm như thường trực.
Con người có cảm giác bị đóng cửa trong cơn ác mộng không lối thoát. Bà là nhân chứng của một thế giới bị thống trị bởi hận thù và đối xử tàn ác, vô cảm với các nghi lễ và chuẩn mực trong chế độ cộng sản độc tài Ceauşescu. Cộng đồng này bị cấm đoán mọi tập quán truyền thống, bị rẻ rúng như một thứ nô lệ, cá tính bị tiêu diệt. Thành phố mà trong đó mọi thứ đều do Nhà nước và Đảng quyết định đã tạo nên những chuỗi dài không dứt của sự đàn áp và kiểm soát.
Mặc dù xa Romania đã hơn 20 năm, bà Herta Müller vẫn tiếp tục viết về chế độ độc tài cộng sản trong các cuốn tiểu thuyết khác và thơ của mình.
"Lựa chọn hoàn hảo"
Theo Thư ký thường trực của Viện Hàn lâm Thụy Điển, ông Peter Englund, bà Herta Mueller là khuôn mặt của đạo đức và hoàn hảo với các tiêu chuẩn của Giải thưởng Nobel Văn học năm nay.
“Mặt khác bà là một tác giả tuyệt vời với cách sử dụng ngôn ngữ hết sức chuẩn xác” – Englund nói – “Sống trong một chế độ độc tài luôn lạm dụng ngôn ngữ, bà bị buộc vào sự hoài nghi mỗi khi cầm bút sử dụng từ ngữ”.
“
Tôi đóng dấu ấn lên quá khứ của mình và chúng ta hãy nhớ rằng chế độ độc tài vẫn còn là chủ đề hiện tại ở nước Đức”.
Cuốn tiểu thuyết mới nhất của bà, Atemschaukel, có lẽ được yêu thích hơn cả trong cuộc bầu chọn Giải Nobel Văn học kỳ này. Bà viết về một cậu bé bị cưỡng bức vào một trại cải tạo lao động nổi tiếng ở Ukraine, mô tả hoàn cảnh đáng sợ dành cho người Đức sống tại Romania bị xua đuổi qua đó.
Cuốn sách dựa trên thân phận bi kịch của những người Đức bị đày ải khổ cực và dựa trên câu chuyện do nhà thơ Oscar Pastior kể lại, một người cũng giống như Herta Mueller, thuộc dân tộc thiểu số Đức ở Romania. Thoạt đầu họ có ý định viết chung, nhưng không may, Oskar Pastior qua đời vào năm 2006. Atemschaukel như là một biểu tượng chia tay của bà với nhà thơ.
Với sự trải nghiệm quá lớn trong chế độ độc tài cộng sản tại Romania, bà Herta Mueller từng nói: “Tôi đóng dấu ấn lên quá khứ của mình và chúng ta hãy nhớ rằng chế độ độc tài vẫn còn là chủ đề hiện tại ở nước Đức”.
Người giành Giải thưởng Nobel Văn học được chọn bởi 18 thành viên của Viện Hàn lâm Thụy Điển. Có khoảng 200 đề cử trong năm được lập thành một danh sách bí mật. Người thắng phải nhận được hơn một nửa số phiếu bầu. Herta Mueller trở thành người chiến thắng thứ 106 của Giải Nobel Văn học.
Nhận được tin, bà Herta Mueller nói rằng bà không tin mình được nhận vinh dự to lớn như vậy và nói rằng, bà chẳng phải là ngôi sao và không muốn bị công luận làm phiền nhiễu mà chỉ muốn được làm việc bình thường, trong sự yên tĩnh.
Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel đã phát biểu trước công luận rằng, Giải thưởng Nobel Văn học dành cho nữ nhà văn Đức Herta Mueller thật ý nghĩa biết bao khi được trao đúng vào dịp 20 năm bức tường Berlin sụp đổ.
Bà là người Đức thứ 10 được trao giải Nobel Văn chương. Trước bà đúng 10 năm là nhà văn Guenter Grass, người sinh ra trong một gia đình thiểu số Đức-Ba Lan tại vùng nay là miền Tây Bắc Ba Lan.
Chúng ta hãy chờ xem báo chí và truyền thông Việt Nam đưa tin như thế nào về việc một nhà văn xuất thân từ Đông Âu, có những tác phẩm lên án sâu sắc và mãnh liệt chế độ cộng sản được tôn vinh với giải thưởng văn chương danh giá nhất hoàn cầu này.
Warsaw 8/09/2009