Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

Với nghệ sĩ Nam Lộc về nhạc trẻ thập niên 60-70-Phần 1 2 và 3
hoanglanchi
#1 Posted : Sunday, July 5, 2009 4:00:00 PM(UTC)
hoanglanchi

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 406
Points: 408

Thanks: 4 times
Was thanked: 7 time(s) in 7 post(s)
Trò chuyện với nghệ sĩ Nam Lộc về phong trào
Nhạc Trẻ Việt Nam thập niên 60-70

Phần Một


Để tưởng nhớ hai người bạn thân là các nhạc sĩ Trường Kỳ và Tùng Giang, vừa đột ngột ra đi. Nghệ sĩ Nam Lộc đã dành cho chúng tôi một cuộc phỏng vấn liên quan đến hoạt động của phong trào Nhạc Trẻ Việt Nam trong các thập niên 1960-1970.

Thực hiện: Hoàng Lan Chi (Virginia)

Các hình ảnh trong bài cũng do nghệ sĩ Nam Lộc cung cấp. Phần 1 do Khôi An ghi lại từ ghi âm


Quý vị muốn nghe âm thanh của bài phỏng vấn này, xin bấm vào link của chương trình tại đây:

www.dosite.net/lanchi/Nh...uChuyenAmNhacMuoiHai.mp3

Xin ghi rõ nguồn khi trích đăng

Bài: Hoàng Lan Chi
Hình : Nam Lộc



Hoàng Lan Chi (LC): Xin chào nhạc sĩ Nam Lộc. Tìm hiểu về dòng nhạc trẻ cuả Việt Nam vào thập niên 60, 70 thì nhiều người đã phỏng vấn cố nghệ sĩ Truờng Kỳ. Nhưng được biết ông, cố nhạc sĩ Tùng Giang, và cố nhạc sĩ Trường Kỳ là một bộ ba rất thân thiết với nhau, nên hôm nay chúng tôi xin mạn phép trò chuyện với ông về đề tài đó.

Trước hết xin ông vui lòng cho biết nhạc trẻ vào thập niên 60 ám chỉ dòng nhạc nào, do ai khởi xướng? Một cá nhân, một nhóm người hay nhiều người cùng loạt ở nhiều không gian khác nhau nên khó xác định tác giả thực sự?

Nam Lộc (NL): Vâng thưa cô Lan Chi và thưa quý vị, thực sự vào đầu thập niên 60 chưa có từ ngữ “nhạc trẻ”. Phải nói rằng lúc đó, khi nhắc đến hai chữ “nhạc trẻ” là người ta tưởng tượng đến những bản nhạc ngoại quốc hoặc những sáng tác có tính cách kích động. Tiếng thông dụng thời đó là “kích động nhạc”, hầu hết những ca khúc đó đều là nhạc ngoại quốc hay có âm điệu bắt chước nhạc ngoại quốc. Phong trào kích động nhạc ra đời vì có một số khá đông những người trẻ tuổi thời đó yêu các nhạc phẩm có âm điệu nhanh, dồn dập và rất cuồng nhiệt, vì thế họ đã đặt mua hoặc nhờ người quen biết đem các đĩa nhạc ngoại quốc về VN.

Với tinh thần yêu nhạc một cách say đắm như vậy, nên có nhiều bạn trẻ đã lập ra các ban kích động nhạc để tổ chức hoặc trình diễn trong những buổi dạ vũ có tính cách gia đình thân hữu mà thôi, chứ ở các phòng trà ca nhạc thì người ta ít sử dụng các loại nhạc kích động này. Sau một thời gian, vì đất nuớc chúng ta lâm vào hoàn cảnh chiến tranh nên chính phủ đã cấm khiêu vũ. Vì thế việc phổ biến loại nhạc mà cô Lan Chi vừa nói là “nhạc trẻ” cũng chấm dứt hay có thể nói rằng chỉ còn hoạt động âm thầm mà thôi. Mãi đến sau tháng 11, 1963 - tức là sau cuộc đảo chánh tổng thống Diệm - thì Hội Ðồng Quân Nhân và Chính Phủ Cách Mạng mới cho phép khiêu vũ trở lại. Kể từ đó thì coi như sự mong mỏi, ấp ủ, thèm muốn đã bùng nổ ra. Các ban nhạc và các bạn trẻ lại ồ ạt trình diễn và tiếp tục tổ chức những buổi khiêu vũ gia đình và đồng thời đi trình diễn ở khắp mọi nơi.





(Hình 1) Tùng Giang-Trường Kỳ-Nam Lộc

Vào khoảng năm 1965, nhạc sĩ Trường Kỳ cùng một số ca nhạc sĩ trẻ cảm thấy khó chịu với cái chữ “kích động nhạc” nên họ đã hội họp nhau lại và đã nghĩ ra chữ “nhạc trẻ” để diễn tả rằng đây là loại nhạc được những người có tâm hồn trẻ yêu thích, chứ không nhất thiết là chỉ có những người trẻ mới biết hay mới viết loại nhạc này. Nhưng trên thực tế thì chỉ có tuổi trẻ mới say mê chứ người lớn tuổi thường không ưa loại nhạc kích động, và cũng từ đó chữ “nhạc trẻ” ra đời. Vì thế có thể nói “nhạc trẻ” không phải do ai sáng tạo ra hay một nhóm nào phát minh ra, mà đó chỉ là một từ ngữ dùng để diễn tả loại nhạc được giới trẻ ưa thích thời đó mà thôi.



(Hình 2) Chương trình TV “Giờ Nhạc Trẻ” của Trường Kỳ

LC: Vâng, xin cảm ơn ông đã giải thích rất rõ ràng về ý nghĩa cũng như tên gọi cuả dòng nhạc trẻ vào thập niên đó. Thưa ông, các nhạc sĩ trẻ nào vào thời đó tham gia nồng nhiệt và có những tác phẩm nào gây chú ý? Tôi muốn nói những nhạc phẩm mà họ viết thực sự chứ không phải những bài nhạc ngoại quốc, lời Việt, thưa ông?

NL: Vâng, có thể nói rằng trong suốt thời gian từ khi nhạc trẻ được hoạt động và bùng nổ trở lại, tức là từ năm 1963 trở đi thì hầu hết người ta đều trình diễn nhạc ngoại quốc. Có hai lý do: thứ nhất, người ta vẫn ấp ủ và thèm muốn được hát các ca khúc ngoại quốc, nhất là những bài hát đang rất được thịnh hành như một loại thời trang! Thứ hai là vào thời kỳ đó chưa hoặc không có nhạc trẻ thuần tuý VN, ngoài một số bài hát Twist của hai nhạc sĩ Khánh Băng và Phùng Trọng. Mãi cho đến khoảng cuối năm 1970, quan ngại trước sự bành trướng ngày một rộng lớn và mạnh mẽ của phong trào nhạc ngoại quốc, đồng thời lo sợ trước viễn ảnh là nếu cứ để cho giới trẻ hát nhạc ngoại quốc thì họ sẽ quên đi văn hoá, ngôn ngữ, cùng tâm hồn, và tư tưởng VN. Nhưng nếu bắt họ đừng nghe nhạc ngoại quốc mà chỉ nghe nhạc VN thì điều này cũng khó thực hiện được. Vì thế cá nhân tôi là Nam Lộc và anh Trường Kỳ sau nhiều đêm thao thức và suy nghĩ, chúng tôi đã đưa đến một giải pháp “dung hoà” là viết lời Việt cho các bản nhạc ngoại quốc, để từ từ kéo những người trẻ về với âm hưỏng cùng những rung động thuần túy VN. Và cũng từ đó một phong trào ý nghĩa mà chúng tôi dùng chữ “Việt Hoá Nhạc Trẻ VN” đã chính thức chào đời, với sự tham gia của rất nhiều tác giả khác như Phạm Duy, Kỳ Phát, Vũ Xuân Hùng, Nguyễn Duy Biên v.. v...

Có khi chúng tôi dịch từ bài hát nguyên bản, có khi chúng tôi chỉ soạn lời mà thôi. Thí dụ như cá nhân tôi được may mắn viết bài “Trưng Vương Khung Cửa Muà Thu” là tôi hoàn toàn soạn lời và lời này không dính líu gì tới ý nghĩa cuả bản nhạc chính là bài “Tell Laura I Love Her”. Tương tự với nhạc phẩm “Mây Lang Thang” thì lời đó không dính líu gì tới bản “The Cowboy's Work Is Never Done”. Và như đã nói ở trên, mục đích cuả chúng tôi là muốn những người trẻ vẫn nghe các bài hát có âm hưởng của nhạc ngoại quốc nhưng tâm hồn và rung động lại rất thuần tuý VN.

Cho đến nay, những ca khúc ngoại quốc lời Việt kể trên vẫn còn được lưu truyền và có một chỗ đứng riêng biệt trong lịch sử của nền âm nhạc VN.


(Hình 3) Một trong những tuyển tập nhạc “Việt hoá”

Vào khoảng một năm sau ngày chúng tôi phát động phong trào Việt hoá nhạc trẻ thì lúc đó có một số ban nhạc và các nhạc sĩ đầu tiên xuất hiện đã sáng tác ra những ca khúc được xem như thuần tuý nhạc trẻ VN.Tức là từ ngôn ngữ, tư tưởng cho đến âm hưởng và nhạc lý tất cả đều có tinh thần tương tự như nhạc trẻ ngoại quốc. Ban nhạc trẻ đầu tiên phải kể là Phượng Hoàng với những sáng tác cuả Lê Hựu Hà và Nguyễn Trung Cang.




(Hình 4) Trường Kỳ-Nam Lộc và ban nhạc Phượng Hoàng

Còn nói về ca sĩ thì những giọng hát xuất hiện đầu tiên trong làng nhạc trẻ VN từ sau năm 1963 trở đi đa số là những ca sĩ học các trường Pháp thời đó, bởi vì họ vốn có sẵn hoàn cảnh, phương tiện đồng thời giỏi ngoại ngữ.

Có thể kể ra một vài tên tuổi quen thuộc như Elvis Phương, Helena, Thanh Lan, Công Thành, Bích Trâm hay Paolo v.v. đa số là những người học ở các trường Tây như Taberd, Marie Curie hoặc Jean Jackques Rousseau ...



(Hình 5) Paolo & The Black Caps

Nhưng càng ngày nhạc trẻ càng đuợc phát triển rộng rãi vì thế sau này chúng ta thấy thêm các nhạc sĩ và ca sĩ từ các truờng công lập VN lần lượt gia nhập làng nhạc trẻ, thí dụ như Kim Ngân ở Lê Văn Duyệt, Đức Huy học Nguyễn Trãi sau chuyển sang Chu Văn An, Cathy Kim Dung ở Gia Long hay một số khác ở Trưng Vương, Nguyễn Bá Tòng, Hưng Đạo v..v... Nói tóm lại đấy là giai đoạn hưng thịnh nhất của nền nhạc trẻ VN.




(Hình 6) Ban nhạc Top Five & Trường Kỳ-Tùng Giang

LC: Xin cám ơn ông. Về phần các nhạc sĩ già, tạm coi là "đã có máu mặt " của làng âm nhạc VN lúc bấy giờ nghĩ gì về nhạc trẻ? Họ có cùng tham gia với các ông hay không?

NL: Khi phong trào nhạc trẻ ra đời thì có thể nói rằng chúng tôi rất bị kỳ thị. Chúng tôi không được giới sáng tác nhạc VN đón nhận, chấp nhận hay cho sinh hoạt chung. Tuy nhiên, anh em chúng tôi không buồn mà cũng không trách bởi vì tự hiểu rằng khuynh hướng nhạc trẻ hoàn toàn khác biệt, đồng thời mình cũng thông cảm cho quý vị ấy trong hoàn cảnh đó. Bởi vì lúc bấy giờ, đất nước chúng ta đang trong giai đoạn chiến tranh, có nhiều người phải gia nhập quân ngũ, cầm súng chiến đấu ngoài trận tuyến, vậy mà ở hậu phương mình cứ “hò hét” loại nhạc có tính cách kích động, mang khuynh hướng vọng ngoại thì xem như mình đã vô tình quên đi nỗi đau cuả chiến tranh, quên đi trách nhiệm cuả tuổi trẻ và quên hẳn đi những bài hát viết cho quê hương đất nước, cùng ca ngợi sự chiến đấu dũng cảm của những người lính chiến VNCH.

Vì thế cho nên ít ai tham dự, cổ võ hay khuyến khích chúng tôi. Có một người duy nhất mà chúng tôi nghĩ ông cũng có tâm hồn trẻ, ông yêu thích nhạc trẻ và ông cũng khuyến khích các con cuả gia đình ông tham dự vào sinh hoạt nhạc trẻ, đó là nhạc sĩ Phạm Duy. Nhạc sĩ Phạm Duy đã soạn những bài nhạc trẻ cũng như phiên dịch rất nhiều ca khúc nhạc trẻ thời đó cùng với chúng tôi. Nói tóm lại là chỉ có nhạc sĩ Phạm Duy còn các nhạc sĩ khác thì không vì họ cũng có trách nhiệm, bổn phận và khuynh hướng sáng tác riêng tư cuả họ.



(Hình 7) Nam Loc & Pham Duy_1971

LC: Tuy không được sự ủng hộ cuả giới âm nhạc VN, nhưng phải nói các đại hội nhạc trẻ đã rất thành công. Sau bao năm nhìn lại, ông đánh giá vì sao có một sự thành công rực rỡ và vang dội đến như vậy? Nghe nói ở sân Hoa Lư có lần số người tham dự lên đến 20.000 người, thưa ông?

NL: Thưa cô, có 2 lý do. Lý do thứ nhất là vì giới trẻ VN thời đó họ bị ảnh hưởng phong trào nhạc Rock, nhạc Psychedelic, hoặc lối sống Hippy ở nước ngoài, vì thế họ luôn thèm khát có những buổi sinh hoạt như ở ngoại quốc, thí dụ như đại hội nhạc trẻ Woodstock kéo dài cả mấy ngày trời, những cuộc họp mặt cuả giới Hippy, ăn mặc diêm dúa, tóc tai để dài, thèm được tự do ca hát và nhẩy muá v..v... Tuổi trẻ thời đó hay tuổi trẻ nào cũng muốn có những sinh hoạt tự do, không có tính cách trói buộc. Hiểu và thông cảm được tâm trạng của những người bạn trẻ cùng trang lứa với mình, chúng tôi đã tìm cách dung hoà niềm đam mê đó với bổn phận đối với quê hương, đất nước. Phải nghĩ đến trách nhiệm của những người trai trong thời chiến, phải nghĩ đến sự hy sinh cuả các quân nhân trong QLVNCH cũng như niềm đau và nỗi mất mát cuả các cô nhi quả phụ.



(Hình 8) Nam Lộc & ban nhạc The Crazy Dogs

Vì vậy chúng tôi đã đến gặp gỡ các vị lãnh đạo thuộc bộ phận Tâm Lý Chiến thuộc Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị cuả quân lực VNCH và đề nghị quý vị đó cho chúng tôi được tổ chức các buổi nhạc trẻ hàng năm, không cá nhân hay một ban nhạc nào nhận thù lao và tất cả tiền thu được đều trao cho cục Tâm Lý Chiến để lấy tiền giúp cô nhi, quả phụ cũng như gây quỹ Cây Mùa Xuân Chiến Sĩ. Sở dĩ chúng tôi làm như vậy bởi vì 2 lý do: Thứ nhất là muốn đóng góp một phần nào đó vào hoàn cảnh chiến tranh của đất nước, đồng thời để tri ân sự hy sinh cao cả của các chiến sĩ quân lực VNCH. Mục đích thứ hai là để tạo cơ hội cho các bạn trẻ có dịp phô diễn tài năng cũng như cho những khán thính giả thèm khát đuợc nghe nhạc trẻ có cơ hội đến tham dự và sinh hoạt. May mắn thay, tất cả dự định của chúng tôi đều diễn ra đúng như ý muốn. Và đó chính là lý do mà các buổi đại hội nhạc trẻ đều tạo được sự thành công rực rỡ và hàng năm đều có dịp để tổ chức, mà số tiền thu được có thể nói là đã lên đến hàng chục triệu đồng.



(Hình 9) Nam Lộc & Bích Loan (ban nhạc CBC) 1970

Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị lúc đó rất hài lòng, rất phấn khởi, nên họ đã hỗ trợ chúng tôi để có những buổi nhạc hội liên tục hàng năm. Riêng các ca, nhạc sĩ trẻ thì cũng rất sung sướng và hãnh diện, vì vưà có dịp đóng góp vào những sinh hoạt ý nghiã cho quê hương, đất nuớc, lại vừa có dịp phô diễn tài năng âm nhạc của mình. Còn đối với các khán thính giả trẻ thì khỏi nói, con số tham dự đã lên đến mười mấy, hai chục ngàn người mỗi năm. Có thể nói vào thời điểm đó, không có cuộc họp mặt ca nhạc nào thu hút đông đảo khán giả như vậy mà lại diễn ra một cách rất trật tự, đó là nhờ có sự cộng tác của quân đội, cảnh sát, do sự phối trí và điều hành bởi quý vị sĩ quan thuộc Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị QLVNCH.








(Hình 10) Một tấm vé ĐHNT Yểm Trợ Tiền Tuyến_1973

Cho đến ngày hôm nay chúng tôi vẫn cảm thấy đây là một trong những kỷ niệm sinh hoạt làm cho anh em chúng tôi vô cùng hãnh diện mỗi lần nhắc đến các buổi đại nhạc hội nhạc trẻ ngoài trời nói trên.







(Hình 11) Poster DHNT Thảo Cầm Viên 1974

LC: Vâng quả là một quyết định sáng suốt khi tổ chức đại hội nhạc trẻ nhưng tất cả tiền lời thì được dành cho Cây Mùa Xuân Chiến Sĩ.
Xin một câu hỏi khác, ông nghĩ gì về nhạc trẻ Việt Nam hiện nay ở hải ngọai? Có tiến bộ gì so với 40 năm về trước hay dậm chân tại chỗ?

NL: Thưa cô, nếu phân tích giữa nhạc trẻ trong nước và nhạc trẻ ở hải ngoại hiện nay thì chúng ta không có điều gì để có thể dựa vào mà so sánh hay giải thích. Bởi vì, như tôi nói lúc nãy, nhạc trẻ VN trong nước đã dùng chữ “nhạc trẻ” để diễn tả nhạc ngoại quốc, nhạc kích động. Cho nên khi ra hải ngoại chúng ta không dùng chữ nhạc trẻ nữa, bởi vì các bài nhạc kích động đó chính là nhạc của nước Mỹ, hay từ các nước Âu Châu mà bạn có thể nghe mỗi ngày hay bất cứ lúc nào qua radio hay TV. Ngược lại ở hải ngoại chúng ta lại thèm khát nghe những bản tân nhạc thuần tuý VN, những bài nhạc vàng, những ca khúc thời chinh chiến mà ngày trước chúng tôi có thể vì bận rộn hay vì vô tình mà không để ý hoặc không có dịp thưởng thức. Nghe lại những ca khúc đó bây giờ mới cảm thấy là mình đã để mất đi bao nhiêu tinh hoa cuả nền âm nhạc VN. Có thể vì tuổi tác chúng tôi giờ cũng đã thay đổi, hoặc là do sự thay đổi bởi hoàn cảnh cùng tâm trạng của mình!





(Hình 12) Họp mặt nhạc trẻ hải ngoại_USA 1995

Như tôi vừa nói với cô Lan Chi, hiện nay không có “nhạc trẻ”ở ngoại quốc, chỉ có những bài nhạc ngoại quốc mà thôi, chứ “phong trào nhạc trẻ” gần như là không còn nữa rồi. Nhưng có một điểm đáng chú ý là tinh thần cuả những người hoạt động nhạc trẻ ở VN thời trước đã theo đuổi, giúp chúng tôi truởng thành ở hải ngoại. Với tấm lòng trung kiên đó, với tấm lòng quý mến và khâm phục sự hy sinh của người chiến binh VNCH, chúng tôi cũng đã áp dụng, cũng như đã dùng hình thức đó để tổ chức những buổi đại nhạc hội ngoài trời.






(Hình 13) Nam Lộc & khán giả tại Ðại Nhạc Hội gây quỹ xây
Tượng Ðài Chiến Sĩ Việt-Mỹ 2002

Trước hết là để xây dựng Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ tại Westminster, hai lần, lần nào cũng trên 20,000 người tham dự. Và sau này chúng tôi đã tổ chức 3 buổi đại nhạc hội ngoài trời để gây quỹ giúp đỡ các thương phế binh và quả phụ VNCH, mà số tiền thu được đã lên đến hàng triệu Mỹ kim. Có thể nói tất cả sự thành công đó đều phát sinh từ những kinh nghiệm, cũng như những cảm xúc và sự khuyến khích mà chúng tôi đã có được trước đây ở VN. Hình thức đó khi được áp dụng ở hải ngoại vẫn rất thành công, chỉ có điều khác biệt như tôi vưà chia sẻ với cô Lan Chi là nội dung ở hải ngoại thì hoàn toàn khác. Thay vì hát những bài nhạc trẻ, kích động, gào thét thì bây giờ chúng tôi lại yêu thích những ca khúc nói về người lính, về đời lính cùng sự hy sinh cao cả của tập thể quân đội VNCH của chúng ta trước đây.






(Hình 14) Nam Lộc, Đại úy phi công Elizabeth Phạm &
Khoa học gia Dương Nguyệt Ánh tại Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ

LC: Vâng, thưa ông, tôi cũng đang tính hỏi ông có phải sau này ông đã áp dụng cái gọi là “phương thức ngày xưa” cho các đại nhạc hội sau này hay không thì ông đã trả lời trước rồi. Tuy vậy tôi xin được phép nhắc lại câu hỏi cuả tôi, ý tôi muốn ám chỉ nhạc trẻ là những bài nhạc được sáng tác hoàn toàn bởi các nhạc sĩ VN cả nhạc và lời dù rằng nhạc mang âm hưởng nhạc ngoại quốc, đó là những tác phẩm mà tôi muốn ám chỉ như của Lê Hựu Hà, Nguyễn Trung Cang. Tôi đang tự hỏi là những dòng nhạc tương tự như vậy bây giờ ra sao? Tuy nhiên cũng có thể là do hoàn cảnh của chúng ta hơi thay đổi khi chúng ta ra nước ngoài cho nên cũng hơi khác chăng? Nhưng chúng ta có thể tạm bỏ qua câu hỏi này… và có lẽ chúng ta cũng tạm dừng ở đây!

Hoàng Lan Chi: Quí thính giả vừa theo dõi phần 1 của buổi trò chuyện với nghệ sĩ Nam Lộc. Câu chuyện âm nhạc với HLC xin được tạm biệt tại đây. Mọi ý kiến đóng góp cũng như tác phẩm xin được gởi về: amnhaclanchi@gmail.com

(Xin đón xem tiếp Phần 2)


hoanglanchi
#2 Posted : Wednesday, July 8, 2009 11:56:31 PM(UTC)
hoanglanchi

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 406
Points: 408

Thanks: 4 times
Was thanked: 7 time(s) in 7 post(s)


Phần Hai

Để tưởng nhớ hai người bạn thân là các nhạc sĩ Trường Kỳ và Tùng Giang, vừa đột ngột ra đi. Nghệ sĩ Nam Lộc đã dành cho chúng tôi một cuộc phỏng vấn liên quan đến hoạt động của phong trào Nhạc Trẻ Việt Nam trong các thập niên 1960-1970.

Bài này do Khôi An ghi lại từ băng ghi âm. Hình ảnh do NS Nam Lộc cung cấp


Quý vị muốn nghe âm thanh của bài phỏng vấn này, xin bấm vào link của chương trình tại đây:

www.dosite.net/ lanchi/NhacChuDe /CauChuyenAmNhac MuoiBa.mp3)

Hoàng Lan Chi (LC): Xin hỏi một vài câu liên quan nhóm quý ông. Nhắc đến nhạc trẻ thập niên 60-70 là nhắc đến (Trường Kỳ- Tùng Giang và Nam Lộc). Xin ông vui lòng cho biết mối quan hệ của bộ ba quý ông, xuất phát từ đâu, thời gian nào và từ khi nào ý tuởng thành lập nhóm nhạc trẻ thành hình?

Nam Lộc (NL): Thưa cô, thực sự công lao để phát triển nhạc trẻ VN thì gồm có nhiều người lắm, nhưng theo tôi, một trong những người có công lao rất lớn là nam ca sĩ Jo Marcel. Ông là người tổ chức các phòng trà đầu tiên để các bạn trẻ có nơi trình diễn hoặc thi thố tài nghệ Lúc đó phong trào trình diễn nhạc ngoại quốc ở các câu lạc bộ (club) của Mỹ cũng đang phát triển. Chắc cô còn nhớ là khi quân đội Hoa Kỳ và đồng minh đến VN khoảng năm 1963 thì nhu cầu sinh hoạt về âm nhạc cuả họ đã tăng lên rất nhiều, vì thế các câu lạc bộ ở những nơi đóng quân cần nhiều ban nhạc để trình diễn cho những người lính viễn chinh giải trí. Một trong những người đầu tiên đứng ra lập ra các ban nhạc như thế là nhạc sĩ Tùng Giang và sau đó các bạn trẻ cũng tự lập ra các ban nhạc và đi trình diễn khắp nơi.



(Hình 1: Tùng Giang-Trường Kỳ-Jo Marcel_1967)

Nhưng người gom góp các ban nhạc trẻ lại để cùng sinh hoạt lại là nhạc sĩ Trường Kỳ. Với tâm hồn yêu văn nghệ cùng các sinh hoạt nhạc trẻ, Trường Kỳ nghĩ rằng ngoài những lúc chơi nhạc cho các clubs ngoại quốc thì cũng nên họp lại để có những buổi trình diễn cho khán giả VN, nhất là giới trẻ. Anh Trường Kỳ đã dùng phòng trà cuả ca sĩ Jo Marcel để tổ chức những buổi nhạc Hippy-AGoGo với mục đích phục vụ khán giả VN. Anh Tùng Giang cũng là một nhạc sĩ, và khi tán thành ý định cuả anh Trường Kỳ thì anh Tùng Giang đã mời các ban nhạc trẻ cùng cộng tác với chương trình cuả anh Trường Kỳ.




(Hình 2: Tùng Giang-Tuấn Ngọc-Minh Phúc_1966)




(Hình 3: The Strawberry Four:
Billy Shane -Đức Huy-Tùng Giang-Tuấn Ngọc-)

Sau khi Tùng Giang và Trường Kỳ cộng tác đuợc một năm thì cá nhân tôi đã đi tìm đến hai anh đó vì tôi nhìn thấy cả hai anh đều là những người có khả năng, đồng thời vào thời điểm đó, nhu cầu phổ biến nhạc trẻ đòi hỏi rất mạnh mẽ, do đó nếu chỉ trình diễn trong phòng trà cuả anh Jo Marcel hay các night club khác mỗi tuần một lần thì chắc không thể nào đủ để thỏa mãn nhu cầu cuả khán giả. Tôi là người có được bộ óc tổ chức, tôi rất thích tổ chức từ khi tôi còn trẻ, ngay từ thời trung học tôi đã thích và đã làm việc xã hội. Chính động lực đó đã đưa đẩy tôi đã đến gặp các anh TK, TG cũng như JM, trước hết để đề nghị, nên tổ chức rộng rãi hơn ở những điạ điểm rộng lớn hơn; Thứ hai, nên tạo cơ hội để các bạn trẻ được đóng góp vào các hoạt động xã hội, vô vụ lợi nhằm phục vụ cho người dân cũng như cho quân đội. Vì thế, anh em chúng tôi đã gặp nhau vào cuối thập niên 60, chính xác là vào năm 1967. Như vậỵ cách đây 42 năm, anh em chúng tôi đã gặp nhau. Riêng lý do khiến cho chúng tôi thân thiết hoặc gần gũi và cũng làm cho người ta hay nhắc đến “bộ ba” Trường Kỳ, Nam Lộc, Tùng Giang hơn là các bạn khác là bởi vì các bạn khác thuờng là nhạc sĩ, chẳng hạn các anh Đức Huy, Tuấn Ngọc, Paolo hay Elvis Phương v..v.. họ bận đi hát hay chơi đàn, còn anh Jo Marcel thì bận kinh doanh, làm phòng trà, thu âm v..v.., chỉ có ba đứa chúng tôi cùng hợp tác với nhau để đứng ra tổ chức các buổi đại hội nhạc trẻ ngoài trời có tính cách rộng lớn và khá vĩ đại, có lẽ vì thế việc nên nguơì ta thường nhắc tới tên của ba anh em chúng tôi, chứ thật ra thì nhạc trẻ có sự đóng góp công sức cuả rất nhiều người.


(Hình 4: Jo Marcel-Tùng Giang-Trường Kỳ-Nam Lộc_1995)

LC: Thưa ông, những điều ông vưà nói có giải đáp một phần sự tò mò cuả tôi, nhưng tôi vẫn chưa rõ vì sao chỉ Truờng Kỳ được xưng tụng là “vua nhạc trẻ” trong khi TK không biết đàn và cũng không biết hát?

NL: Người ta thường gọi anh Trường Kỳ là “vua nhạc trẻ” bởi vì anh sinh hoạt với giới yêu nhạc trẻ, nhạc ngoại quốc, nhạc kích động, từ khi anh còn rất trẻ, từ khi anh còn học trung học ở truờng Taberd. Mặc dù không đàn guitar và cũng không lên sân khấu trình diễn, nhưng anh TK không những sinh hoạt với các ban nhạc mà còn có các Teenagers’ Clubs hoặc các Fans Club. Có thể anh TK đã rập khuôn cuả các bạn trẻ ngoại quốc thời đó. Theo tôi, anh TK là người duy nhất đã đứng ra cổ vũ phong trào với các sinh hoạt liên quan tới nhạc trẻ. Từ trường Taberd, Marie Curie hoặc Jean Jackques Rousseau đến Gia Long, Trưng Vương ... đều có những Teenagers’s Club, mỗi club có một người trưởng nhóm để kêu gọi các bạn trẻ. Từ khi Trường Kỳ kêu gọi như thế thì anh đã có nhiều fans ở khắp nơi, không hẳn là fans của TK mà là fans của các ban nhạc, các ca sĩ ngoại quốc, v.v…







(Hình 5 & 6: Trường Kỳ & Fans Club)






Anh TK là ngươì có công phát triển phong trào đó cũng như gom góp những fan yêu nhạc. Có thể nói anh TK là người đi tiên phong trong lãnh vực sinh hoạt này. Bên cạnh đó anh cũng là người viết các bài tuờng thuật trên báo chí VN thời đó về những sinh hoạt của giới trẻ. Do đó, mỗi khi nhắc đến nhạc trẻ là người ta nghĩ ngay đến TK.





(Hình 7: “Vua Hippy” Trường Kỳ)

Thêm vào đó, anh TK có hình ảnh rất đặc biệt: một người đeo cặp kính rất dầy, da ngăm đen, đầu tóc lúc nào cũng dài, một người mà khi nhìn thấy nguơì ta nghĩ ngay đến một nhân vật biểu tuợng cho giới Hippy. Tôi và anh Tùng Giang thì không có đuợc hình ảnh đó, cho nên khi nhắc đến nhạc trẻ, đến Hippy thì ngươì nghĩ ngay đến ông vua nhạc trẻ, ông vua Hippy Trường Kỳ. Những tên đó có tính cách như một thứ danh xưng mà ngươì ta đặt cho TK, chứ con ngươì thật cuả anh ấy cũng không Hippy lắm đâu (cười). Đó chính là lý do mà anh TK dù không phải là Hippy thực thụ, không phải là người đàn nhạc trẻ hay ca sĩ nhạc trẻ nhưng đuợc gọi là “vua nhạc trẻ”. Có thể nói đó là kết qủa của những sinh hoạt cùng sự đóng góp lớn lao mà anh TK đã thực hiện, và đã cống hiến cho nền nhạc trẻ VN, thưa cô.



(Hình 8: “Vua Nhạc Trẻ” Trường Kỳ)

LC: Cám ơn ông đã giải thích rất cặn kẽ, rõ ràng. Qua những điều ông vưà kể, tôi không ngạc nhiên khi biết rằng mấy chục năm sau cố nhạc sĩ TK đã bay từ Canada sang Houston để tham dự buổi gặp gỡ cuả nhóm Citywide do chị Hồng Vân của báo Thế Gìới Nghệ Sĩ tổ chức. Xin cám ơn ông đã nhắc tới một thời vưà qua mà các vị thinh giả cuả chúng ta đuợc gợi nhớ lại, tức là thời phong trào nhạc trẻ đã bắt đầu từ các trường Tây và lan qua các trường Việt như Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Gia Long, Trưng Vương v.v..

Bây gìờ xin phép hỏi một câu không vui lắm, Thưa ông nhạc trẻ thời đó điển hình là nhóm quý ông đã thường bị chỉ trích. Ông có thể cho biết ai đã chỉ trích và vì sao?

NL: Thưa cô, những lời mà cô gọi là “chỉ trích” thì phải nói rằng cũng là những điều hợp lý mà thôi. Lúc đó đất nước đang trong thời chinh chiến, nhiều người trẻ đã phải “xếp bút nghiên theo việc đao cung”. Trong khi đó có “một lũ” thanh niên thiếu nữ khác lúc nào cũng “hoa hoè hoa sói”, tóc dài, đi “gào thét” âm nhạc trong hoàn cảnh như vậy thì cũng quả là hơi…. khó coi. Nhưng đó chỉ là nhìn từ bề ngoài, và những người chỉ trích có lẽ họ không hiểu, hay không biết! Họ quên rằng trong “đám nhạc trẻ” cuả anh em chúng có rất nhiều người đến tuổi nhập ngũ đều gia nhập quân đội. Ngay cá nhân tôi cũng như anh Đức Huy, Tiến Chỉnh, Elvis Phương, hay Jo Marcel v..v.. đều là những người đi lính. Có thể mỗi người phục vụ ở một đơn vị khác nhau, như chúng tôi thì theo đơn vị Báo Chí sau đó chuyển sang ngành Chính Huấn.









(Hình 9 & 10: Nhạc trẻ gia nhập quân đội)



Cũng có những người khác (trong Tâm Lý Chiến) như anh Lê Hựu Hà, anh Nhật Trưòng, thì viết nhạc... Nói chung tôi tin rằng nếu chúng ta xử dụng những nguời nghệ sĩ trong đúng vị trí thì họ cũng là những người chiến sĩ can trường và chiến đấu rất hữu hiệu. Thay vì cầm súng họ có thể cất tiếng hát, lời ca hoặc cầm bút sáng tác những lời nhạc sắc bén và tôi nghĩ rằng hành động của họ cũng có giá trị không thua gì người cầm súng.




(Hình 11: Trường Kỳ-Nam Lộc & nghệ sĩ tại Sư Đoàn 5 Bộ Binh)

Thế nhưng nếu chỉ nhìn bề ngoài thì rất dễ tạo ra sự hiểu lầm, và như tôi vừa nói, thật ra chúng tôi cũng là những nguơì trẻ, cũng đáp lời sông núi và làm tròn bổn phận cuả người thanh niên trong thời chiến. Tuy nhiên, những lời chỉ trích - nếu có - về việc tóc dài hay nghe nhạc ngoại quốc thì tôi cũng không thấy có gì đáng buồn phiền cả. Thực sự những lời chỉ trich nặng nề nhất mà cô LC cũng như quý vị thính giả có thể đã nghe qua, thí dụ như “đây là bọn Hippy, phản chiến, vô trách nhiệm với quê hương, đất nước v.v…”, những lời phê phán nặng nề đó thuờng phát xuất từ các động lực chính trị. Bởi vì trên nguyên tắc thì không có lý do nào để chỉ trích khi chúng tôi chơi nhạc và có đông đảo nguời tham dự, chúng tôi đóng góp công sức, tiền bạc, và những số tiền đó đều do các sĩ quan cao cấp thuộc cục Tâm Lý Chiến điều hành và quản thủ.



(Hình 12: Phu nhân tướng Trần Văn Trung & Đại tá Cao Tiêu
chủ tọa một buổi Đại Hội Nhạc Trẻ Ngoài Trời)

Tuy nhiên, thời gian đó đất nước chúng ta đang ở trong một hoàn cảnh chính trị rất nhiễu nhương – tôi phải dùng chữ đó – giữa hai vị nguyên thủ lãnh đạo quốc gia là ông Nguyễn Cao Kỳ và ông Nguyễn Văn Thiệu. Lúc đó ông NCK đang có khuynh huớng ra tranh cử chức tổng thống với ông NVT, vì thế phe ông NVT và phe ông NCK tìm đủ mọi cách để triệt hạ nhau. Chúng tôi lúc đó đuợc Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị hỗ trợ mà tổng cục này ở dưới quyền chỉ huy cuả tổng thống đuơng thời là ông NVT nên được chính phủ NVT yểm trợ. Phiá ông NCK tìm cách chống đối, công kích và nêu lên lý do rằng chúng tôi là “bọn” Hippy, phản chiến. Ông NCK đã nhờ các thanh niên trong một nhóm tên là Thanh Niên Trừ Gian đi xé các bản poster quảng cáo đại nhạc hội, đồng thời có một số người viết báo, lên án chỉ trích việc làm cuả anh em chúng tôi. Ngoài ra cảnh sát quốc gia dưới sự chỉ huy của tướng Không Quân Nguyễn Ngọc Loan (đàn em của tướng Kỳ) còn được lệnh “hớt tóc” tất cả các thanh niên để tóc dài! Nói tóm lại, chúng tôi là nạn nhân cuả cuộc tranh dành chính trị giữa phe ông NCK và phe ông NVT.





(Hình 13 & 14: Bản Tin_“Nhạc trẻ bị cạo đầu”)



Cho tới nay, chưa bao giờ tôi nhắc đến điều này một cách công khai, nhưng hôm nay nhân buổi phỏng vấn cuả cô Hoàng Lan Chi, và những sự kiện này đã trở thành lịch sử nên tôi cũng xin công khai trình bày. Tôi tin chắc rằng có một số rất đông nhân chứng còn sống, có những nguơì hiện đang làm việc trong lãnh vực báo chí, truyền thông, truyền thanh cũng đã từng tham dự phong trào Thanh Niên Trừ Gian, cũng có người đã từng lên án hoặc chỉ trích chúng tôi. Bây giờ, thỉnh thoảng anh em chúng tôi ngồi lại với nhau, gặp nhau ôn lại những sự kiện đó rồi ôm bụng cuời vì nhìn thấy cả một hậu trường chính trị ở miền Nam thời đó mà chúng tôi, ở cả nhóm nhạc trẻ hay nhóm Thanh Niên Trừ Gian, có thể nói là chỉ những người bị kẹt giữa hai lằn đạn, thưa cô (cuời)!





(Hình 15: Nam Lộc-Trường Kỳ & Thiếu tá Hà Huyền Chi_ Đại Hội Nhạc Trẻ Cuối Cùng)

LC: Vâng, xin ông cho hỏi sau khi nghe những lời chỉ trích, hẳn là quý ông đã ngồi lại với nhau để đề ra cách giải quyết. Lúc đó chỉ có quý ông bàn thảo hay là có sự hỗ trợ cuả cấp trên, chẳng hạn như là từ nội các của TT Thiệu thời đó, thưa ông?

NL: Thưa cô, phải nói một cách thành thật là chắc chắn phải có sự can thiệp cuả những người trong chính quyền ông NVT thời đó. Bởi vì có những chuyện chúng tôi không thể làm được như ngăn cản nhóm Thanh Niên Trừ Gian hay những nguời được thuê đi xé các posters. Chỉ có quân cảnh hay cục Tâm Lý Chiến mới có thể phản lại những việc này, chứ chúng tôi đâu dám xuất hiện, vì lạng quạng có thể bị bắt, không biết phe nào là ủng hộ, phe nào là chống đối (cười). Cho nên, có thể nói chúng tôi chỉ là những người phụ trách chương trình mà thôi, còn những vấn đền giao tế, public relation hay đối phó với dư luận thì hoàn toàn do cục Tâm Lý Chiến đảm nhiệm, chúng tôi không can dự vào những việc đó, ngoại trừ đưa ra một số ý kiến. Tuy nhiên, dù muốn dù không, tinh thần chúng tôi cũng bị xao động và thường phải ngồi lại với nhau đề bàn thảo, theo dõi tình hình để ứng phó tùy theo thời thế (thế thời ... phải thế!).



(Hình 16: Trung Nghĩa & The Enterprises)

Nhưng dù sao đi nữa, tôi cũng rất hãnh diện là lúc đó các anh em nhạc trẻ đã biết ngồi lại với nhau và cùng quan niệm rằng “Nếu chúng ta làm một công việc trong sạch, có ý nghĩa thì chúng ta không sợ gì cả. Khi nguời ta bảo chúng ta phản chiến mà chúng ta không phản chiến thì chúng ta không sợ. Khi người ta bảo chúng ta là kẻ gian dối mà chúng ta không gian dối thì chúng ta không sợ. Chúng ta chỉ sợ khi chúng ta thực sự là nguơì gian dối. Nếu không thì ai có nói gì chúng ta cũng đừng bận tâm”. Đó chính là lý do mà chúng tôi vững lòng tiến tới, chứ không phải chúng tôi vì sợ hãi nên phải làm hay vì bị ép buộc mà phải làm. Chúng tôi làm chỉ vì luơng tâm và ý nghĩa cuả công việc. Đó là quan niệm mà chúng tôi vẫn áp dụng cho tới sau này. Bây giờ thì tôi đã trưỏng thành và còn vững chãi hơn, cho nên những lời nào nói không đúng về mình, nhất là trong hoàn cảnh tự do phát ngôn hiện nay thì mình lại càng nghe nhiều điều bịa đặt hơn nữa. Nhưng tiêu chuẩn vẫn là: mình làm những điều ý nghĩa, đúng với luơng tâm và lý tuởng của mình thì chẳng có gì để sợ cả, thưa cô.

LC: Tôi muốn đuợc hỏi cụ thể, rõ ràng hơn. Ý tôi muốn hỏi là về các đại nhạc hội nhạc trẻ gây quỹ cho Cây Muà Xuân Chiến Sĩ thì mục đích gây qũy đã có ngay từ đầu hay chỉ có sau khi bị chỉ trích, thưa ông?

NL: Thưa cô, chúng tôi có mục đích gây quỹ cho các việc làm có tính cách từ thiện ngay từ đầu, ngay từ khi bắt đầu tổ chức là đã nhằm vào các mục đích đó, nhưng những người chỉ trích thì họ có thể dùng bất cứ lời nào hoặc luận cứ nào để tấn công. Nói tóm lại mục đích gây quỹ giúp cây mùa Xuân chiến sĩ và cô nhi quả phụ là mục đích từ những ngày khởi đầu tiên. Chính vì mục đích đó nên chúng tôi mới làm, nếu không có mục đích đó thì chúng tôi đã không cộng tác. Thế nhưng nhóm chỉ trích lại bảo là chúng tôi lợi dụng quả phụ tử sĩ để tổ chức đại hội nhạc trẻ, họ có thể dùng bất cứ lời nào, và noí thế nào cũng được! Tôi nghĩ rằng đôi khi vì động lực chính trị làm cho người ta có thể bỏ qua bất cứ ý nghĩa nào, dù đó là những việc làm có tính cách từ thiện để yểm trợ QLVNCH.


(Hình 17: Nam Lộc & các nghệ sĩ tại ĐNH Cứu Trợ TPB-VNCH)

Hoàng Lan Chi: Quí thính giả vừa theo dõi phần 2 của buổi trò chuyện với nghệ sĩ Nam Lộc. Câu chuyện âm nhạc với HLC xin được tạm biệt tại đây. Mọi ý kiến đóng góp cũng như tác phẩm xin được gởi về: amnhaclanchi@gmail.com

(Xin đón xem tiếp Phần 3)



hoanglanchi
#3 Posted : Wednesday, July 15, 2009 6:35:00 AM(UTC)
hoanglanchi

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 406
Points: 408

Thanks: 4 times
Was thanked: 7 time(s) in 7 post(s)

Trò chuyện với nghệ sĩ Nam Lộc về phong trào
Nhạc Trẻ Việt Nam thập niên 60-70

Phần Ba

(tiếp theo và hết)

Để tưởng nhớ hai người bạn thân là các nhạc sĩ Trường Kỳ và Tùng Giang, vừa đột ngột ra đi. Nghệ sĩ Nam Lộc đã dành cho chúng tôi một cuộc phỏng vấn liên quan đến hoạt động của phong trào Nhạc Trẻ Việt Nam trong các thập niên 1960-1970.

Thực hiện: Hoàng Lan Chi (Virginia)

(Bài này do Kiều Mỵ Hằng ghi lại từ chương trình “Câu Chuyện Âm Nhạc” của Đài Phát Thanh Tiếng Nước Tôi - Houston - do Hoàng Lan Chi phụ trách và đã được nghệ sĩ Nam Lộc hiệu đính lại. Các hình ảnh trong bài cũng do nghệ sĩ Nam Lộc cung cấp. Quý vị muốn nghe âm thanh của bài phỏng vấn này, xin bấm vào link của chương trình tại đây:


dosite.net/lanchi/NhacChuDe/CCAN14.mp3



Hoàng Lan Chi (LC): Xin cảm ơn ông. Thưa ông cố nhạc sĩ Tùng Giang và ký giả Truờng Kỳ mới ra đi. Ông có thể những kỷ nịêm sâu đậm nhất với hai người bạn này? Có khi nào ông tranh luận với họ nảy lửa không và về vấn đề gì?

Nam Lộc (NL): Nếu kể lại kỷ niệm về 2 người bạn thân của tôi là Trường Kỳ và Tùng Giang thì có lẽ chúng ta phải cần tới mấy ngày thì mới nói hết được. Tôi chỉ xin tóm tắt như sau: chúng tôi thân với nhau từ hơn 40 năm qua và trong suốt thời gian từ khi mới quen nhau cho đến khi 2 anh Trường Kỳ và Tùng Giang nhắm mắt, lúc nào chúng tôi cũng qúy mến nhau như khi mới gặp. Chúng tôi chưa hề có lần nào xích mích, giận dỗi hay nói những điều không tốt về nhau, đó là một điều mà tôi cho là may mắn và hãnh diện trong đời. Tuy nhiên hai anh Trường Kỳ và Tùng Giang thi cũng có vài lần đụng chạm với nhau. Tôi may mắn được cả hai anh thương mến và tin cậy, nên cũng chính vì thế thành ra lại là người bị nghe “chửi”! Khi anh Tùng Giang tức giận hay muốn trách cứ Trường Kỳ điều gì, thì anh ấy không gọi thẳng mà cứ “chửi” qua tôi, nhờ tôi nhắn lại, và nguợc lại anh Trường Kỳ cũng làm như thế. Tuy nhiên, trong những ngày cuối đời hai anh đã có những lời nói và những cử chỉ rất tốt và đáng quý dành cho nhau. Điều này làm tôi vô cùng hài lòng và hãnh diện, nhất là điều đó đã xảy ra truớc khi anh Tùng Giang từ giã cõi đời. Tôi tin rằng 2 anh sẽ gặp lại nhau và hiểu nhau nhiều hơn ở bên kia thế giới.






(Hình 1: Trường Kỳ & Tùng Giang)

Riêng đối với tôi, thì Trường Kỳ là một cái thư viện. Anh là người có kiến thức rộng rãi, biết rất nhiều chuyện, nhớ rất nhiều điều, và giữ rất nhiều tài liệu. Sau này khi tôi làm một chương trình video ca nhạc hay viết lời giới thiệu v.v.., nếu quên điều gì hay cần một tài liệu nào thì tôi lại cầu cứu đến anh Trường Kỳ. Khi thì anh có sẵn, nếu không sẽ đi lục lọi, tìm tòi để gởi ngay cho tôi.





(Hình 2: Trường Kỳ & Nam Lộc làm phim Thế Giới Nhạc Trẻ)

Và nếu xem Trường Kỳ là thư viện của tôi, thì ngược lại, tôi là cuốn “phone book” của anh Tùng Giang. Mỗi lần Tùng Giang cần biết điều gì, muốn liên lạc với ai, tìm một dịch vụ nào đó, hay muốn tham khảo vấn đề gì, là anh ấy gọi ngay cho tôi. Điều đó cho thấy chúng tôi rất thân nhau, gần gũi nhau, và cần nhau như thế nào. Đến bây giờ, sau khi hai anh ra đi, tôi trở thành hụt hẫng. Bất chợt cần tìm hiểu điều gì, tôi không biết gọi ai. Ngược lại, cái phone của tôi cũng bớt rung, vì người hay tìm mình để hỏi nay đã im hơi, lặng tiếng!





(Hình 3: Tùng Giang & Nam Lộc và ban nhạc Mây Trắng)

Có thể nói cuộc sống cuả tôi đã mất đi rất nhiều ý nghĩa sau khi hai người bạn thân bất chợt ra đi. Cá nhân tôi cảm thấy rất buồn và trống vắng, nhưng ngồi ngẫm lại, tôi cũng cảm thấy thật là may mắn và hãnh diện vì đã có một quá trình quen biết cả hai anh Trường Kỳ và Tùng Giang. Tôi đã học hỏi cũng như chia sẻ ở hai anh rất nhiều và để lại biết bao nhiêu là kỷ niệm. Với anh Trường Kỳ, những gì muốn nói thì tôi đã đọc trong bài điếu văn hôm tiễn anh ra đi. Riêng anh Tùng Giang, để lại cho tôi một kỷ niệm cụ thể là nhạc phẩm: “Anh Đã Quên Mùa Thu”, sáng tác đầu tiên trong cuộc đời âm nhạc của tôi và cũng là bài hát duy nhất mà tôi được hân hạnh viết chung với Tùng Giang. Đó là những kỷ niệm mà chúng tôi sẽ trân quí cho đến suốt cả cuộc đời.





(Hình 4: Tùng Giang & Nam Lộc phù rể Trường Kỳ)

LC: Xin cảm ơn ông Nam Lộc, những lời tâm sự của ông về Tùng Giang cũng như Trường Kỳ nghe rất cảm động, nhưng thú thật nó không thỏa mãn sự tò mò của tôi. Bởi vì tôi đang trông chờ ông kể lại những kỷ niệm nghịch ngợm của quí ông, vì như ông đã biết hồi đó ba thanh niên trẻ với nhau, thì hẳn có nhiều những kỷ niệm vui, nếu không muốn nói là có khi quỉ quái nữa. Chẳng hạn như một vài kỷ niệm mà tôi đang hình dung nhé. Có thể là ông đã phải giải vây cho cả Trường Kỳ lẫn Tùng Giang nhiều lần. Vậy thì ông có thể nhớ lại những kỳ niệm nào vui vui, nghịch ngợm như vậy, thì xin ông chia sẻ cho qúy thính giả.

NL: Thật sự thì khi còn trẻ, có thể nói rằng tôi gặp và quen biết hai người bạn rất đào hoa, cả anh Trường Kỳ lẫn anh Tùng Giang. Tụi tôi có cơ hội, hoàn cảnh được quen biết nhiều bạn gái thời đó. Dĩ nhiên cũng không thể không kể đến tôi. Trước khi lập gia đình thì có nhiều cơ hội gặp gỡ và cũng có nhiều cơ hội để mà… như cô HLC vừa nói, “giải vây” cho nhau. Ba đứa chúng tôi rất thân với nhau, vì thế “giúp đỡ” nhau là chuyện bình thường. Ví dụ nhiều khi anh Trường Kỳ đang đi chơi với cô bạn gái nào, xong rồi cô kia đến tìm thì dặn tôi phải nói thế nào, giấu thế nào cho khéo để khỏi bị lộ tẩy! Tôi nghĩ là thời tuổi trẻ thì ít nhiều gì ai cũng có những kỷ niệm vui vui như vậy cả. Nhất là đối với nghệ sĩ vì họ cần cảm hứng để sáng tác.





(Hình 5: Trường Kỳ-Nam Lộc-Tùng Giang “thuở thiếu thời”)

Tuy nhiên có một điểm đặc biệt ở chỗ là, Trường Kỳ quen biết nhiều như vậy, nhưng chính tôi lại là người giới thiệu chị Thu Huyền là vợ hiện tại của Trường Kỳ cho anh ấy. Và thật không ngờ Trường Kỳ quen nhiều bạn gái trước đó, nhưng khi gặp được Thu Huyền, là một cô gái rất hiền lành, hiền nhất trong số các cô gái mà anh quen biêt thì Kỳ đã quyết định lập gia đình với Thu Huyền. Đúng là duyên số. Phải nói, kể từ khi thành hôn với Thu Huyền rồi thì ai cũng thấy anh Trường Kỳ là một người chồng hiền lành, chung thủy và là một người cha gương mẫu.





(Hình 6: Trường Kỳ “tuổi choai choai”)






(Hình 7: Trường Kỳ & Thu Huyền)

Riêng anh Tùng Giang của tôi, thì dù đã có gia đình và đã có mấy đứa con, nhưng anh luôn có bạn gái. Anh bắt tôi phải “cover” rất nhiều lần với những người con gái anh quen…tức là với những người bạn gái của anh. Thậm chí có khi tôi phải nói dối vợ con anh, nhiều khi ngồi ngẫm nghĩ tôi cảm thấy mình cũng có tội thật. Thế nhưng mà… đôi khi tâm sự với chị Yến Trang, là vợ anh Tùng Giang, thì chị ấy cũng rất hiểu cho tôi. Chị bảo là: “Yến Trang cũng thông cảm với anh, anh là bạn mà, đâu phải lỗi của anh đâu”! Như tôi vừa kể với cô LC là trong tang lễ của Tùng Giang, tôi có phát biểu rằng anh Tùng Giang là người có nhiều tính tốt hơn tính xấu, anh không có tật hút xách, rượu chè hay cờ bạc nhưng lại là một người rất đào hoa. Mà theo “ngôn ngữ” của Tùng Giang, thì đào hoa không phải là cái tội, mà cũng không phải là cái tật, đó chỉ là “cái số” mà thôi.





(Hình 8: Tùng Giang & Yến Trang)





(Hình 9: Tùng Giang & bạn...)

Sau cùng thì chuyện đó cũng đã thể hiện trong ngày tang lễ của anh Tùng Giang, có sự hiện diện của chị Yến Trang, người vợ đầu cùng đầy đủ con cháu đi bên quan tài, cạnh đó là cô Hiền, người vợ cuối đời của anh, cùng với cậu con Út khoảng 6, 7 tuổi gì đó. Và thấy thấp thoáng là ba người tình cũ của anh đứng sụt sùi ngấn lệ! Tôi cũng cảm thấy buồn cười là vì cả ba người đó đều gọi điện thoại cho tôi, hỏi giờ giấc và nói rằng họ sẽ đến đó và muốn đứng bên cạnh tôi. Một kỷ niệm “bất đắc dĩ” nữa là chính tôi đã làm giấy tờ cho chị Yến Trang và các cháu sang đoàn tụ với anh Tùng Giang ở bên Mỹ. Và sau này, tôi cũng đã giúp anh làm đơn bảo trợ cho người vợ sau cùng sau khi anh ly dị với chị Yến Trang. Nói tóm lại là cái số tôi…cũng khá vất vả về cái tính đào hoa của mấy ông bạn, nhất là hai anh, Tùng Giang và Jo Marcel. Đây là những kỷ niệm không biết là vui hay buồn, nhưng đều là những kỷ niệm đáng nhớ, thôi thì mình hãy cứ giữ thật yên trong tâm khảm! Bây giờ mới có chuyện để kể phải không cô LC?





(Hình 10: Yến Trang và con cháu trong tang lễ Tùng Giang)







(Hình 11: Người Vợ cuối và con trai Út đang khóc Bố)

LC: Vâng, xin cảm ơn ông. Qua những chia sẻ của ông tôi cảm thấy rất là vui. Bởi vì khi nói chuyện với cố ký giả Trường Kỳ thì tôi cũng có hơi bất ngờ khi được biết là anh chỉ có một người vợ duy nhất. Và sau này nhạc sĩ Tùng Giang muốn bảo lãnh người vợ trẻ từ VN qua thì Tùng Giang cũng có kể cho tôi về điều đó.

Bây giờ xin phép cho tôi hỏi một câu hỏi khác. Cũng không biết nói như thế nào đây. Nó như thế này: “Tham gia cùng với Tùng Giang cũng như là Trường Kỳ từ thuở thanh niên. Hai người bạn của ông có một sự nghiệp tương đối cũng khá trong âm nhạc hay trong ngành truyền thông liên quan đến âm nhạc. Đó là tôi muốn ám chỉ Trường Kỳ. Trong khi đó thì ông lại viết nhạc thì không được nhiều như Tùng Giang, viết báo dính tới âm nhạc thì không nhiều như Trường Kỳ nhưng ngược lại thì ông rất nổi tiếng về sự nghiệp MC cũng như là phục vụ cộng đồng trong lĩnh vực di trú. Vậy ông có thể cho một số chia sẻ những suy nghĩ của ông về vấn đề này.

NL: Tôi vẫn thường tâm sự với khán thính giả và bạn bè của tôi rằng, tôi bước vào lĩnh vực văn nghệ nói chung và âm nhạc nói riêng là một sự tình cờ và do lòng yêu chuộng nghệ thuật của mình. Chứ không phải vì tôi là một nhạc sĩ hay là một người có khả năng làm việc trong lĩnh vực này.Vì thế cho nên tất cả những gì tôi có được hiện nay tôi đều xem như là một ân sủng và do sự may mắn. Nhạc lý của tôi rất yếu, không có đủ để hoàn thành một bài hát, do đó mỗi khi viết xong một ca khúc nào rồi thì tôi thường tìm đến những người giỏi nhạc như anh Tùng Giang, anh Huỳnh Anh, anh Hồ Xuân Mai, nhạc sĩ Phạm Duy v..v.. để nhờ hoàn chỉnh và kẻ khung nhạc! Vì vậy cho nên khi được gọi là nhạc sĩ và là tác giả của một số ca khúc thì nó đã quá sức mong đợi của tôi rồi. Dù những bài hát có được đón nhận hay không, được chú ý hay không, thì cũng là niềm sung sướng và hạnh phúc đối với tôi. Thứ nhất, vì mình viết cho mình, cho tâm trạng của mình, hoặc cho những người cùng hoàn cảnh với mình. Chỉ nội điều đó thôi cũng làm thỏa mãn tâm hồn, huống chi còn được khán thính giả ở ngoài nghe và biết đến.





(Hình 12: CD Nam Lộc “Saigon Ơi! Vĩnh Biệt”)

Chuyện thứ hai, là tôi đến với các Trường Kỳ và Tùng Giang vì lòng ái mộ hai người nghệ sĩ này. Tôi tự tìm đến họ, chứ không phải vì một hoàn cảnh nào đó đưa đẩy. Khi tôi gặp được những người mình ái mộ, được họ đón nhận mình và sau đó trở thành bạn thân trong suốt hơn 40 năm trời, tôi nghĩ rằng là tôi là một trong số những người may mắn trong lĩnh vực văn nghệ. Có thể nói rằng tất cả những việc làm như MC hay các hoạt động văn nghệ sau này, đều phát sinh từ mối duyên văn nghệ với Trường Kỳ, Tùng Giang và Jo Marcel. Nếu không có những người đó hoặc không được họ đón nhận thì sẽ không có Nam Lộc MC, Nam Lộc nhạc trẻ, hay Nam Lộc viết nhạc, và trong giới nghệ sĩ sẽ chẳng ai biết tôi là ai cả, có chăng thì chỉ là một người công chức, yêu văn nghệ và thích tham dự vào các sinh hoạt cộng đồng mà thôi.





(Hình 13: mcNam Lộc&Ngọc Lan_1992)

Không biết tôi trả lời như vậy đã đầy đủ chưa hay là cô LC còn muốn tôi đề cập thêm lĩnh vực nào nữa?

LC: Nếu như hồi nãy tôi bày tỏ là tôi không thỏa mãn câu trả lời của ông đối với những kỷ niệm dành cho Tùng Giang, cũng như Trường Kỳ thời trẻ, vì tôi cảm tưởng như ông muốn giấu không kể những cái vui vui, nghịch ngợm giữa quí vị, nhưng với câu trả lời vừa rồi, cũng xin thành thật thưa là tôi rất thỏa mãn vì thấy ông trả lời rất chân thực về việc ông bước vào trong linh vực âm nhạc và về tình bạn của ông với Trường Kỳ cũng như Tùng Giang. Và ông cũng bày tỏ rất thành thực rằng sự nghiệp MC hiện nay của ông xuất phát từ sự giúp đỡ từ hai người bạn ấy. Trước khi tạm biệt thì xin hỏi ông một câu hỏi chót. Thưa ông là người của công chúng thì được tung hô cũng lắm nhưng bị chê bai cũng nhiều. Và ông ông có một bí quyết gì để có thể đứng vững trước cái ba đào đó. Và người bạn đời của ông đóng vai trò gì trong bí quyết đó của ông?

NL: Việc đầu tiên là tôi muốn nhắc lại những điều tôi thường nói với bằng hữu và với gia đình của tôi là: tôi chỉ sợ làm điều sai lầm chứ không sợ ai hiểu lầm. Làm sao mà chúng ta bắt mọi người đều phải hiểu mình được? hoặc phải bỏ thì giờ đi tìm hiểu về mình, vì thế đừng mong sự hoàn toàn hay lúc nào cũng có người thông cảm, và cũng đừng ngạc nhiên khi có người hiểu sai về mình! Cho nên cái quan trọng là mình có làm điều sai lầm hay không! Và đây là một trong những quan niệm tôi luôn áp dụng để làm việc và sống ở đời.






(Hình 14: Trao tiền gây qũy cho ỦyBanXâyDựngTượngĐài)

Riêng người bạn đời như cô LC có nhã ý hỏi đến. Tôi cho rằng người bạn đời của mình, cũng là người đàn bà đứng sau lưng mình, đóng một vai trò rất là quan trọng. Hầu hết những việc tôi làm hiện nay, nếu thành công được, phần lớn là nhờ ở sự cổ vũ, hỗ trợ và thông cảm của nhà tôi. Không bao giờ nhà tôi thắc mắc một điều gì cả, cô ấy chỉ dặn dò tôi một điều duy nhất là anh cố gắng, đừng làm điều gì để lại tai tiếng cho gia đình, cho anh, cho vợ con anh. Nhất là chúng ta có hai đưá con gái, còn ngoài ra thì anh cứ làm bất cứ điều gì mà anh cảm thấy yêu thích, thấy cần phải làm, dù công việc đó có mang lại danh lợi, tiển bạc hay không cũng không quan trọng. Điều quan trọng là mình làm đúng theo lương tâm, theo lý tưởng cùng sự thôi thúc của trái tim. Chính những lời chia sẻ đó đã làm cho tôi hoạt động một cách thoải mái hơn, rộng rãi hơn. Và lúc nào tôi cũng nguyện trong lòng rằng sẽ không làm điều gì để cho người bạn đời của mình thất vọng.






(Hình 15: Gia Đình Nam Lộc_Xmas 2008)

Và đây là những sự chia sẻ vội vã của tôi, không biết đã nói được những điều mà cô LC muốn biết hay không?

LC: Tôi cũng thành thật bày tỏ rằng tôi cảm ơn câu trả lời khéo léo của ông. Đó là ông bảo chúng ta sẽ không sợ gì cả khi mình không làm điều gì sai. Sau nữa cũng xin ông chuyển đến phu nhân của ông lời cảm ơn của tôi. Bà rất giản dị chỉ nói rằng anh muốn làm gì thì làm nhưng đừng có gây ra tai tiếng cho gia đình, nhất là khi chúng ta có 2 đứa con gái nữa. Thưa ông Nam Lộc, tôi cũng là một phụ nữ, trên cương vị một phụ nữ thì tôi nghĩ tất cả những người phụ nữ ở địa vị làm vợ luôn luôn mong chờ người người đàn ông của mình đừng có làm điều gì gây ra tai tiếng gì cho gia đình. Vâng, xin cảm ơn ông Nam Lộc về buổi trò chuyện ngày hôm nay. Đó là nội dung nói về nhạc trẻ của thập niên 60 – 70 mà bộ ba quí ông: Tùng Giang – Nam Lộc – Trường Kỳ cũng đã gây sóng gió một thời và một phần cuộc đời của ông. Hy vọng rằng trong tương lai chúng ta sẽ lại có một buổi trò chuyện khác, ông sẽ chia sẻ với quí thính giả về sự nghiệp MC của ông đến như thế nào, có những gì vui buồn, có những gì chông gai, có những gì thuận lợi và những cái kinh nghiệm của ông trong thời gian qua khi làm MC, được không thưa ông.

NL: Vâng. Tôi rất là vui, sẵn sàng làm công việc này nếu hoàn cảnh cho phép và có chuyện để nói. Xin cảm ơn cô HLC và cảm ơn quí thính giả đã bỏ thì giờ theo dõi cuộc trò chuyện của anh em chúng tôi, và rất mong sẽ có dịp được tái ngộ.

LC: Quí thính giả vừa theo dõi phần 3 và cũng là phần cuối của buổi trò chuyện với nghệ sĩ Nam Lộc. Chương trình đến đây xin tạm ngưng. Xin thân ái chào tạm biệt.

Câu chuyện âm nhạc với HLC xin được tạm biệt tại đây. Mọi ý kiến đóng góp cũng như tác phẩm xin được gởi về amnhaclanchi@gmail.com
PC
#4 Posted : Thursday, July 16, 2009 6:12:47 AM(UTC)
PC

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,668
Points: 25
Woman

Was thanked: 4 time(s) in 4 post(s)
Bài phỏng vấn này thật có giá trị. Thứ nhất anh Nam Lộc nổi tiếng trong cộng đồng nên ai cũng muốn biết. Thứ hai chị HLC đặt những câu hỏi lý thú quá. Và hình ảnh đi kèm đúng là gợi nhớ lại cả một thời lẫy lừng của các nhân vật "kích động nhạc" ngày xưa. Ba tiếng "kích động nhạc" thật lâu mới được nghe lại. Approve
Sương Lam
#5 Posted : Thursday, July 16, 2009 6:38:04 AM(UTC)
Sương Lam

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 2,472
Points: 333
Location: Thành Phố Hoa Hồng Portland, OR

Thanks: 6 times
Was thanked: 9 time(s) in 8 post(s)
SL cám ơn chi Lan Chi về bài phỏng vấn này.
Thú thật dù sống trong thập niên 60-70 nhưng SL cũng không có đi xem đại nhạc hội nhạc trẻ của Trường Kỳ tổ chức ở sân Hoa Lư ngày xưa.Wink Bây giờ đọc bài phỏng vấn của chị với ông Nam Lộc thấy cũng hay hay và gợi nhớ lại danh từ "kích động nhạc" bây giờ thấy ít khi dùng đến.Question
hoanglanchi
#6 Posted : Friday, July 17, 2009 1:26:02 AM(UTC)
hoanglanchi

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 406
Points: 408

Thanks: 4 times
Was thanked: 7 time(s) in 7 post(s)
Xin cảm ơn PC và SL

Khởi đầu là Lan Chi định phỏng vấn NL chưng 5 phut về kỷ niệm để thực hiện chương trình Câu Chuyện Âm Nhạc tuởng niệm Tùng Giang. Nhưng sau đó Lan Chi nghĩ Truờng Kỳ và TG cùng NL là bộ ba về nhạc trẻ thôi thì phỏng vấn về nhạc trẻ thời xưa luôn

Mục đích để giới thiệu lại cho những người già như Lan Chi và cả SL (!!) tuy ngày xưa có nghe nói đến nhạc trẻ, nghe tin Hippy bị cạo đầu nhưng không quan tâm hoặc còn mải lo học, lụm cho xong cái bằng tú tài đặng còn đi kiếm cơm ăn!

Lan Chi đưa vài câu hỏi trước thôi. Khi gọi đến Nam Lộc là cứ thế ổng nói và Lan Chi đưa thêm tùy suy nghĩ lúc đó của Lan Chi. Có vài bí mật không thể tiết lộ.

Sau khi Lan Chi đưa chương trình phát thanh, Lan Chi phải dụ dỗ cô em họ, Khôi An ghi lại. Khôi An mất 2g30 cho kỳ 1 và có lẽ tương tự cho kỳ 2. Kỳ 3 thì lại nhờ cô cháu Kiều Mỵ Hằng...

Sau khi Khôi An ghi lại thì Lan Chi chuyển cho Nam Lộc để ảnh edit. Lan Chi có nói " làm ơn scan nhiều hình nghe vì bài hấp dẫn và có gia trị hơn nhờ hình ảnh. Sau nữa nhiều người không có thì giờ nghe. Nên ghi bài viết thì đăng báo tờ khắp nơi được và lưu trữ net, nhiều người xem được.."

Nam Lộc nghe Lan Chi nói có lý nên dù đang bận Asia gì đó không biết, ráng thức đêm và scan hình cho Lan Chi. Kỳ 1 mà Lan Chi tung net không có nhiều hình như ơ đây. Sau này NL gửi thêm và vì Lan Chi post ở Phunuviet sau nên tuong đối nhiều hình hơn

Cuộc đời là Duyên. Lan Chi mên Truờng kỳ và Tùng Giang vì chơi với TK và thích 2 nhạc phẩm của Tùng Giang ( Tôi với trời bơ vơ- Anh đã quên mùa thu) nên chỉ có y đinh phỏng vấn NL về Tùng Giang mà cuối cùng lại xoay qua nhạc trẻ và...điều quan trọng là Nam Lộc được giải thích nhạc trẻ theo suy nghĩ của anh ấy. Hì. Dù sao thế hệ tuổi 30, 40 có cái nhìn khái quát về tình hìnhnhạc trẻ hay kích động nhạc của thơi 60-70...

Điều mà Lan Chi muốn gửi gấm là giới trẻ hòan toàn có thể sống với sở thích của mình nhưng vẫn đóng góp được cho xã hội chứ không phải đứng bên lề. Hát nhạc kích động nhưng gây quỹ cho quân dội VNCH còn hơn là rên rỉ ca khúc này nọ làm yếu kém tinh thần quân nhân...Dù rằng trên thực tế, nhạc trẻ vào thời đó ra sao thì...nhiều người biết....

Lan Chi vẫn quan niệm có những điều không cần nói hết sự thực đúng 100% mà chỉ cần 80% cũng đủ miễn là đem đến kết quả tốt cho những người gọi là "con em của chúng ta "...Tuổi trẻ hay bắt chuớc, tuổi trẻ thích đội đá vá trời, tuổi trẻ uớc mơ ngút ngàn cho quê hương vậy thì hãy đưa những guơng tốt cho tuổi trẻ xem. Vừa được vui chơi với những gì phù hợp với lứa tuổi của mình vừa đóng góp cho xã hội, người trẻ nào cũng muốn như vậy cả...Phải thế không các ACE?

PC
#7 Posted : Saturday, July 18, 2009 6:22:02 AM(UTC)
PC

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,668
Points: 25
Woman

Was thanked: 4 time(s) in 4 post(s)
quote:
Gởi bởi hoanglanchi
Có vài bí mật không thể tiết lộ.



Chèn ơi, chị làm cho em tò mò quá! Wink
Cái mới mà em biết thêm trong sinh họat nhạc trẻ là vụ ông Kỳ ông Thiệu lại dính dấp trong thời kỳ dân hippy bị bố ráp. Đoạn lịch sử này chưa được viết lại đầy đủ dù chỉ trong thời hiện đại vừa mới qua (hay cận đại?). Các nhân chứng sống không chịu viết thì ai sẽ viết bây giờ.

Khánh Linh
#8 Posted : Saturday, July 18, 2009 6:42:49 AM(UTC)
Khánh Linh

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 1,775
Points: 1,317

Thanks: 139 times
Was thanked: 110 time(s) in 98 post(s)
quote:
Gởi bởi PC

quote:
Gởi bởi hoanglanchi
Có vài bí mật không thể tiết lộ.



Các nhân chứng sống không chịu viết thì ai sẽ viết bây giờ.



Không có chi là khó! Chị Phượng Các hãy liên lạc với người viết bài này hỏi đầu đuôi cho kỹ rồi chính chị sẽ viết lại và mở đầu như thế ni: tui nghe người ta kể rằng....

Mấy chục/trăm năm sau thì chuyện chị viết sẽ trở thành truyền thuyết để lại cho đời sau đọc rồi chí chóe: hổng biết có thiệt hông ta! Question
Hihi!!!
hoanglanchi
#9 Posted : Monday, July 20, 2009 10:47:38 PM(UTC)
hoanglanchi

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 406
Points: 408

Thanks: 4 times
Was thanked: 7 time(s) in 7 post(s)
Pc ơi, bí mật riêng chứ Nl đã nói đủ những gì anh muốn nói về nhạc trẻ

Nhưng để đầy đủ thì Lan Chi sẽ phỏng vấn thêm những vị có thẩm quyền thời đó và ở phòng tâm lý chiến hoặc cả giới bên ngòai...

Cá nhân Lan Chi thì hồi đó cũng không thích giới nhạc trẻ lắm. Có lẽ vì mình học trường Viêt và luôn có ác cảm với dân trường tây vì đa số, đa số chứ không phải tất cả nhe-họ mất gốc mà lại cứ hách xì xằng, sau nữa chiến tranh lan tràn và nhìn đám con nhà giàu, tóc tai bu xù hát kích động nhạc thì cũng chướng tai gai mắt lắm như anh Nam Lộc cũng có nói đó

Dường như hồi đó nếu có cảm tình thì Lan Chi có cảm tình với du ca hơn vì có những bài có y nghĩa như

Không phải là lúc chúng ta ngồi đặt vấn đề nữa rồi..

hay
Ta như nước sông dâng tràn có bao giờ tàn..

Lan Chi luôn là người yêu tình ca quê hương mà

tuy vậy với tính cách là người làm các chương trình về các khía cạnh âm nhạc thì phỏng vấn và tim hiểu để có những tài liệu lịch sử lại là chuyện khác

nếu PC chú ý sẽ thấy chị Lan Chi ...rất lành trong phỏng vấn nghĩa là tạo điều kiện tối đa cho người ấy được nói Blush Đương nhiên người nói phải chịu trách nhiệm về những gì họ nói chứ không phải chị Lan Chi. Vì thế Lan Chi luôn nhắc nhở xin quý vị nói đúng sự thực dùm vì Lan Chi luôn lưu trữ băng thu âm!
Users browsing this topic
Guest (3)
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.