Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

Emily Bronte
Phượng Các
#1 Posted : Wednesday, December 8, 2004 4:00:00 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
TÀI HOA MỆNH BẠC: EMILY BRONTE (1818-1848)

Trần Thị Bông Giấy

Trong văn học sử Anh, ngoại trừ các tác phẩm của Shakespeare, có lẽ không cuốn tiểu thuyết nào được quá nhiều sách báo đề cập đến như cuốn Jane Eyre và Wuthering Heights của hai chị em nhà Bronte. Đặc biệt là Wuthering Heights, một tác phẩm lạ lùng, đầy sự thống khổ, nhưng cũng vô cùng dụ hoặc lôi cuốn mà kể từ khi chào đời của nó --tháng 12/1847—đến nay vẫn không ngớt được tán dương, ca tụng.
Wuthering Heights còn được gọi là một bài thơ trữ tình rất đẹp trong ngôn ngữ Anh; một quyển tiểu thuyết mang chủ đề rõ rệt nhất là sự trả thù, dù rằng nhân vật tạo nên sự trả thù ấy cuối cùng rồi cũng bỏ rơi cái kế hoạch đã nhiều năm hành động. Ngoài ra cũng còn có những chủ đề khác nữa: sự phạm tội và sự trừng phạt đứng ở hai đầu mối cuộc sống; giông bão xung khắc với tĩnh lặng, điều Thiện đối nghịch với điều Ác trên cùng bãi chiến trường là tâm hồn con người. Luôn cả chủ đề tình yêu. Tuy nhiên, điểm khác biệt của tình yêu trong Wuthering Heights là nó được khai triển hầu hết trên khía cạnh tinh thần mà không là nhục dục. Cái tình ấy đã trói buộc hai nhân vật chính với nhau suốt trong hằng chục năm dài, để rồi họ chỉ kết lại được thành một sau khi cả hai đã chết.
Đó là tác phẩm có một sự quyến rũ vĩnh cửu mà qua không biết bao nhiêu thời kỳ văn học thay đổi, sự quyến rũ này vẫn không hề bị giảm sút trong tâm hồn nhiều thế hệ độc giả nối tiếp; mỗi lần đọc là mỗi lần người ta có thể tìm thấy điều kỳ bí thu hút mới.
Đó cũng là tác phẩm được viết ra bởi một thiên tài. Và bậc thiên tài này lại là một nàng trinh nữ đẹp mang thân hình mảnh mai yếu đuối nhưng có cái tâm hồn cứng hơn những tảng đá, vời vợi cao như những cây thông trong vùng đồng hoang Haworth mà nàng vô cùng yêu dấu. Người con gái đã dành tất cả tấm lòng cho sự cô đơn chìm đắm, cho thiên nhiên, súc vật, nghệ thuật; và trong đời, ngoài cha cùng anh trai, đã không hề giao tiếp với đàn ông và cũng chưa một lần biết đến tình yêu nam nữ. Dẫu vậy, trong tác phẩm, với chủ đề tình yêu, nàng đã phô bày sự dày vò thống khổ, sự khắc khoải đau đớn, những đam mê đắm đuối của trái tim một cách lạ lùng linh hoạt, đến nỗi những kẻ đã từng trải qua nhiều mối tình tuyệt diệu cũng phải bị lôi cuốn đến ngạc nhiên.
Giống như những lời chị nàng đã nói: “Mạnh hơn một người đàn ông và cũng đơn giản hơn một đứa con nít”, người con gái đó đã vĩnh biệt trần gian rất sớm ở cái tuổi 30 sau khi đã cho chào đời đứa con tinh thần lừng danh kim cổ: Wuthering Heights. Tên nàng là Emily Bronte.

(1818-1835)

Emily Jane BRONTE là con gái thứ năm của hai ông bà Reverend Patrik Bronte và Maria Branwell Bronte, sinh ngày 30/7/1818 tại Thornton, gần Bradford, vùng Yorkshire, nước Anh.
Cha nàng, tên thật là Patrik O’Prunty, sinh năm 1777, con trưởng trong một gia đình có mười người con, xuất thân dòng dõi nông dân nghèo khổ thuộc vùng County Down, miền Bắc Ái Nhĩ Lan.
Thuở thiếu niên, ông O’Prunty từng là một người thợ rèn và thợ dệt vải. Nhờ sự thông minh sáng sủa của mình mà ông được một giáo sĩ phái Methodist nuôi cho ăn học; đến năm 16 tuổi, trở thành thầy giáo trong một trường đạo Cơ Đốc ở Presbyterian. Năm 1802, nhờ sự giúp đỡ của một mục sư Anh quốc giáo phái, ông nhận học bỗng về thần học tại trường Johns College ở Cambridge, nước Anh. Bốn năm sau, 1806, trở nên một cha phó. Rồi, để che giấu cái gốc gác nghèo khổ của mình, ông đổi tên O’Prunty thành Bronte.
Năm 1812, ông Bronte cưới bà Maria Branwell làm vợ và cả hai đưa nhau đến sống trong vùng Hartshead thuộc tỉnh Yorkshire.
Bà Maria Branwell gốc ở Cornwall, thuộc giáo phái Méthodist, thông minh nhanh nhẹn, có kiến thức khá về văn chương và đã xuất bản một tác phẩm mang tựa đề On the Advantages of Poverty in Religious Concerns. Chính ông Patrik Bronte cũng từng viết bốn quyển sách vừa văn chương vừa thi ca: The Cottage in the Wood; Collage Poems; The Rural Minstrel; và The Maid of Killarney. Quyển cuối cùng được xuất bản năm 1818. (Dù rằng không tác phẩm nào trong số này đạt thành công, nhưng từ đó cho thấy cái trái quả văn chương nẩy nở trong thế hệ sau của gia đình Bronte đã được khai trồng trong cả hai ông bà Patrik và Maria Bronte.)
Tại Hartshead, bà Maria Bronte sanh hai người con gái lớn là Maria (1813) và Elizabeth (1814). Sau đó ít lâu, họ đổi về Thornton, cũng thuộc tỉnh Yorkshire, để rồi bốn người con kế tiếp lần lượt chào đời: Charlotte (1816), Branwell (1817), Emily (1818) và Anne (1820).

Khi Emily vừa hai tuổi, ông Bronte được cử làm mục sư ở Haworth nên đưa cả gia đình về lưu trú tại đó. Vùng đất rộng tiếp giáp từ dãy núi Pennine (còn được gọi là cột xương sống của nước Anh), trải thẳng kỳ diệu đến tận ngay ngưỡng cửa nhà Bronte, trong có ngọn gió bấc giá buốt luôn luôn rú gào ai oán, có bãi đồng hoang mênh mông đầy những đá sạn để chỉ duy những đàn cừu trắng, những chùm thạch thảo tím và các rặng dương xỉ xanh um mới làm dịu được chút nào sự gay gắt cho cái nhìn của các cư dân. Nơi đây trở thành vòm trời thân yêu duy nhất của Emily cho đến hết đời nàng.
Haworth là một tỉnh lỵ nhỏ rất hẻo lánh chuyên về kỹ nghệ và đào xới than bùn, nằm ngay trung tâm của vùng đồng hoang Yorkshire, cách 4 dặm tính từ nhánh ga xe lửa dẫn về Luân Đôn và các tỉnh khác. Thời gian gia đình Bronte sống ở đó đã không có đường giao thông thường xuyên, hay không có sự liên lạc đều đặn hàng ngày giữa Haworth với thế giới bên ngoài. Những ngôi nhà được xây bằng gạch xám sản xuất từ chính trong vùng đó. Các con đường chật hẹp. Toàn thể cảnh sắc âm u buồn bã. Cư dân đa số là những người có khí chất cộc cằn, bướng bỉnh, ít nói, khỏe mạnh và hung hãn đến gần giống như thú vật. “Nghe tất cả, thấy tất cả nhưng không nói gì cả. Ăn tất cả, uống tất cả nhưng không đáp trả gì cả” chính là chủ trương của họ, những kẻ mang sự sùng kính đối với tiền bạc như một nỗi gắn chặt vào tâm tư.

Căn nhà của gia đình Bronte có rào vây chung quanh, nằm cạnh ngôi nhà thờ chính của tỉnh lỵ, phía sau là một nghĩa trang đầy những mồ mả. Cuộc sống của họ ở Haworth thoạt đầu tươi đẹp, chẳng bao lâu trở nên buồn rầu ảm đạm. Sau khi sanh cô con gái út, bà Maria Bronte bắt đầu nhuốm bệnh. Từ lâu, bà bị đau phổi, nhưng kể từ khi nằm liệt giường vì một chứng ung thư được phát hiện, kéo dài trong vòng một năm, bà gần như không còn biết gì nữa đến đời sống cũng như sự nẩy nở cả tinh thần lẫn thể xác của các đứa con.

Hẳn nhiên, sáu chị em nhà Bronte rất cô đơn vì thiếu tình thương và bàn tay săn sóc của người mẹ. Do đó, theo giây chuyền từ trên xuống dưới, cô lớn trông nom cô nhỏ và cứ vậy mà tiếp tục cho đến người cuối cùng. Tất cả đều giữ một cuộc sống trật tự rất tĩnh lặng. Trong căn nhà vị mục sư đã không có sự bộc phát của những niềm vui hồn nhiên, không có cái cảnh vui thú đuổi bắt nhau giữa đám trẻ. Khi ở nhà, sáu chị em Bronte ngồi lại bên nhau trong một phòng được gọi là “phòng học của trẻ con”, cũng là chỗ ngủ của các chị em gái. Tại đây, họ đọc sách, thì thầm kể cho nhau nghe những câu chuyện do chính họ tưởng tượng. Họ cũng thường đi bộ bên nhau khắp cả vùng đồng hoang, tay trong tay, các em nhỏ bước những bước ngắn bên cạnh các anh chị lớn. Và chỉ bên ngoài ngôi nhà, trong bãi đất mênh mông đầy đá sạn, họ mới được chạy nhảy, la hét tự do.

Phần ông Bronte, con người thích rút vào sự cô độc, thì lại rất nghiêm khắc kỷ luật và khó khăn trong việc giáo dục con cái. Ông không bao giờ tỏ ra vui tươi hay khoan hòa cùng đám con gái, dù rằng đã rất thiên vị chiều chuộng Branwell, cậu con trai duy nhất. Ông luôn luôn dùng bữa một mình. Khi đám trẻ ở nhà, ông tự rút vào phòng để học hỏi, đọc sách và không cho bất cứ ai đến gần.
Dẫu vậy, trên một mặt, ông Bronte cũng là người cha tốt. Ông thường dành vài giờ trong ngày để đọc sách với các con, hoặc bàn thảo về chính trị và các vấn đề thời sự với Maria, người con gái đầu lòng lúc ấy chưa đầy 10 tuổi, y như thể cô là người đã trưởng thành.

Năm 1821, bà Maria Bronte qua đời khi được 38 tuổi.
Ngoài những buồn bã nẩy sinh từ cái chết của mẹ, đối với đám trẻ nhà Bronte, tình trạng luống cuống còn được đưa tới từ sự hiện diện của bà dì Elizabeth Branwell –em gái bà Maria Bronte--, người đến thay thế chị săn sóc các cháu.
Giống như ông Bronte, bà dì Branwell rất nghiêm khắc, khó tính. Bà luôn luôn cho rằng Haworth là vùng đất cằn cỗi, nghèo nàn, chứ không văn minh như xứ sở Penzance của bà. Hẳn nhiên, bà cũng có thiện ý với đám trẻ, nhưng lại không thành công trong vai trò thay thế người mẹ. Vì vậy, thay vì thân thiết với bà, các chị em Bronte đã hiệp lực nhau, ngấm ngầm công kích chống đối bà. Bà không ưa Maria hoặc Elizabeth, lại chẳng thích Charlotte lẫn Emily. Chỉ riêng Branwell và nhất là Anne –vẫn còn quá nhỏ khi bà đến Haworth—là được bà dành cho những cảm tình đặc biệt. (Luôn các cô gái Bronte sau này cũng nhận định rằng họ không được chút nào sự cảm mến, hay thu lượm gì khác nơi bà dì Branwell ngoài cái ý nghĩa của những bổn phận nội trợ, sự trật tự ngăn nắp, sự đúng giờ giấc.)
Thuở ấu thơ, Emily Bronte vẫn được các người làm và cư dân quanh vùng cho là cô bé đẹp nhất trong số các chị em gái. Nhưng nổi bật nơi nàng chính là sự thâm trầm kín đáo. Cái đặc tính này theo thời gian càng thêm rõ rệt. Lại nữa, cá chất cương quyết cứng rắn cũng đã làm nàng khác biệt hẳn so với tất cả năm người kia. Khi 6 tuổi, một hôm nghe ông Bronte hỏi: “Cha phải làm cách nào tốt nhất để đối xử với anh Branwell khi anh ấy hư đốn?”, cô bé Emily đã lý luận rằng: “Thì cha nói phải trái cho anh ấy biết. Mà nếu anh ấy cũng không chịu nghe lời phải trái, cha cứ quất roi vào mông anh ấy là xong chứ gì!”

*

Tháng 7/1824, hai người con gái lớn, Maria và Elizabeth, khi ấy 12 và 11 tuổi, được gửi đến học trong một trường nội trú nữ sinh tại Cowan Bridge, nơi dành riêng cho con gái các vị mục sư, giáo sĩ nghèo.
Sáu tháng sau đó lại đến phiên Charlotte và Emily (8 và 6 tuổi). Đây phải kể là biến cố lớn nhất trong thời thơ ấu của Emily. Nàng là học sinh nhỏ nhất trong trường Cowan Bridge School thời gian ấy nên được tất cả, từ các cô giáo đến nữ sinh, cưng chiều thương mến.
[Ngôi trường này đã ghi dấu một ảnh hưởng nặng nề trong trí não Charlotte, để rồi 20 năm sau, nó lại xuất hiện rất chính xác từng đường nét mô tả qua ngôi trường Lowood trong tác phẩm Jane Eyre của nàng. Cũng trong tác phẩm ấy, hình ảnh người chị cả Maria Bronte được dựng lại qua nhân vật Helen Burns, cô bạn gái của Jane Eyre ngay từ buổi đầu Jane nhập học vào trường Lowood. Helen Burns được xem là mục tiêu nhận lãnh hầu hết những hình phạt tàn nhẫn nhất của ban giám đốc. Cô ăn vận lôi thôi bẩn thỉu, luôn luôn bị ngược đãi, đánh dập và phạt đứng một mình nơi cuối lớp để tất cả mọi người chung quanh có thể biết rằng cô đã làm điều quấy. Tuy nhiên, dẫu đau khổ vì tất cả những tàn nhẫn như vậy mà Helen Burns vẫn không hề có ý nổi loạn chống cự. Thậm chí, cô còn tự mình đi tìm một bó roi đem lại cho kẻ khác quất vào cô. Xuyên qua nhân vật Helen Burns, người ta có thể hiểu được nỗi đau khổ hằng ngày của Maria Bronte trong thời thơ ấu lưu trú ở Cowan Bridge School như thế nào.]

Ngôi trường –được hướng dẫn bởi một ban giám đốc và giáo sư rất nghiêm khắc; kỷ luật được áp dụng một cách gắt gao tàn nhẫn—đã không phải là nơi chốn thích hợp cho những đứa trẻ tâm hồn mẫn cảm, lại có khuynh hướng yếu phổi như chị em nhà Bronte. Maria Bronte, người chị cả, được ghi nhận là cô bé rất thông minh, kiên nhẫn và trầm tĩnh. Vào trường trước Charlotte và Emily 6 tháng, sức khỏe cô không được tốt kể từ sau lần bị ban sởi và mắc chứng ho. Vì vậy, Maria bị liệt vào chung trong đám trẻ nhỏ không linh hoạt và thường xuyên bị một cô giáo trẻ tên Andrews ban hình phạt tàn nhẫn. Mười một tháng sau khi vào trường, Maria qua đời vì bệnh lao phổi.
Năm tuần lễ sau cái chết của Maria, lại đến phiên Elizabeth Bronte, người chị thứ hai, qua đời với bệnh trạng y như người chị lớn. Đồng thời khi ấy, Charlotte cũng đang bệnh rất nặng. Vì vậy mà ông Bronte đưa cả Charlotte lẫn Emily trở lại nhà trong vùng đồng hoang Haworth.

*

Sự mất đi người chị cả đối với đám trẻ nhà Bronte được ví như sự mất đi người mẹ thứ hai. Họ không bao giờ quên được Maria và cũng không ngừng nói về cô.
Charlotte khi ấy 9 tuổi, thay thế nhiệm vụ Maria và trở nên người mẹ nhỏ của các em, dưới sự trông nom của bà dì Branwell và một người đầy tớ già tên Tabitha Aykrord mà đám trẻ nhà Bronte thường gọi là “Tabby”. Bà Tabby đến trong gia đình này khi đã là một góa phụ ngoài 50. Bà rất thương yêu họ, tận tụy săn sóc cho họ và đặc biệt lưu tâm đến Emily và nỗi cô đơn của nàng. Tình thân tạo được giữa Tabby và mấy chị em Bronte thì rất đầy so với sự lạt lẽo xa cách trong tình cảm của họ cho bà dì Branwell.
Thời gian này, ông Bronte lãnh nhiệm vụ dạy Charlotte và Branwell học. Còn Charlotte dạy trở lại cho Emily và Anne. Ngoài ra, Charlotte còn phải giữ vai trò người bạn của ông Bronte, giống như Maria thuở trước. Tuy nhiên, khác với người con gái đã chết, ông Bronte không bao giờ nhìn thấy nơi Charlotte một trí thông minh sáng ngời mà Maria đã có. Ông cũng chẳng chờ đợi gì hơn nơi Charlotte ngoài những công việc nội trợ và săn sóc các em, hoặc là sự hy sinh của một đứa con gái đối với cha.
Dù rằng với những nguyện vọng của ông Bronte và bà dì Branwell đặt để cho đám nhỏ, gia đình họ vẫn lâm vào cảnh nghèo túng. Emily thường xuyên không đủ tiền mua tem gửi thư. Đó cũng là điều khiến họ rơi vào cái tâm lý sống biệt lập, tách rời các cư dân vùng Yorkshire. Họ không hội nhập được với sinh hoạt của những người chung quanh khi mà ngay cả tại Haworth, từ ông cha Bronte đến bà dì Branwell đều không phải là người địa phương chính gốc.
Đám trẻ lớn lên trong sự cô đơn vì mồ côi mẹ, lại càng xa rời hơn với cái thế giới bên ngoài căn nhà họ sống. Thêm vào đó, chức vụ mục sư của ông Bronte cũng là lý do chủ yếu vô tình giữ các chị em Bronte cách biệt khỏi những trò chơi bình thường của các trẻ nhỏ trong vùng đồng hoang.
Vì vậy, quây quần trong nhà với nhau, cả bốn chị em cùng bắt đầu một thời kỳ sáng tạo xuyên qua cái thế giới tưởng tượng của riêng họ. Cảnh sống thiếu thốn tình thương đã cho phép họ có được sự tự do thích đáng trên những gì họ muốn. Tất cả đám trẻ Bronte đều say mê văn chương, hội họa và chính trị. Họ cũng là những độc giả rất nồng nhiệt của cái tủ sách lớn trong nhà, gồm những quyển về lịch sử, tiểu sử danh nhân, các câu chuyện thần tiên của Aesop, chuyện một ngàn lẻ một đêm Ả Rập, các quyển của Sir Walter Scott và thi ca, đặc biệt toàn bộ các tác phẩm của Byron và Milton. Thêm nữa, thư viện Keighley Mechanic’s Institute, nơi mà ông Bronte là một trong những người sáng lập, cũng đã cung ứng cho chị em Bronte nguồn kiến thức dồi dào phong phú. Và dù rằng ngôi nhà của gia đình Bronte nằm ở một chỗ khuất lấp hẻo lánh nhất làng, thì vẫn không hoàn toàn bị cắt đứt hẳn với mọi cái gì xảy ra bên ngoài nó. Những đứa trẻ đọc ngấu nghiến tờ tạp chí Blackwood’s Magazine hằng tháng được gửi đến tận nhà; sau đó, dưới sự khuyến khích của cha, bốn chị em cùng nhau bàn bạc những chuyện xảy ra trên thế giới, các vấn đề chính trị, khoa học tiến bộ, những phát triển văn chương nghệ thuật thời ấy…
Ngoài ra, không chỉ đọc thôi mà họ còn viết cho chính họ nữa. Câu chuyện bắt đầu với một hộp đồ chơi. [Về sau, Charlotte kể lại: “Papa mang về cho Branwell vài tên lính đồ chơi bằng gỗ, mua ở Leeds. Khi papa về nhà, trời đã tối, tất cả chúng tôi đều đã vào giường. Vì vậy, sáng hôm sau Branwell mới đi đến trước cửa phòng chúng tôi với hộp lính gỗ. Emily và tôi nhảy tung ra khỏi giường. Tôi chụp nhanh một tên lính rồi la lớn: ‘Đây là Hầu tước Wellington! Nó phải là Hầu tước!’ Nghe tôi nói vậy, Emily cũng chụp lấy một tên cho riêng mình. Đến phiên Anne rời khỏi giường cũng làm như thế. Trong toàn bộ, tên lính của tôi đẹp nhất, cao và hoàn hảo nhất trên từng phần. Tên của Emily trông nghiêm trang, được chúng tôi đặt cho cái danh hiệu Gravey. Của Anne thì kỳ dị nhỏ bé rất giống với em, chúng tôi gọi là Waiting Boy. Branwell cũng chọn cho mình một tên rồi tự đặt là Bonaparte…”]
Thời gian ngắn sau đó, anh lính của Emily không được gọi là Gravey như thuở ban đầu mà lại nhận cái tên Parry của Branwell đặt cho, lấy theo tên của Đại úy Edward Parry, nhà thám hiểm phương Bắc. Bốn chị em chia thành hai nhóm sáng tác. Charlotte và Branwell họp lại với nhau trong một thế giới riêng thoạt tiên được đặt tên Glasstown, sau đổi thành Angria; còn Emily và Anne lại viết về một vùng đất tưởng tượng gọi là Gondal. Trong thời gian khá dài, cả bốn người tự khai triển khả năng văn chương riêng bằng những bài thơ, ký sự hay các kịch bản nho nhỏ, đồng thời cũng thêm vào nhiều hơn những mẩu chuyện trong hai vòm trời Angria và Gonal mà họ đã cấu tạo nên.

*

Phải kể rằng sự đọc sách của Emily không thấy bày tỏ trong văn chương của nàng.
[Chính Charlotte năm 1850 cũng đã viết về điều này với độc giả của Wuthering Heights như sau: “Cả Emily lẫn Anne, không ai được học hỏi gì cả. Họ cũng không có ý nghĩ tìm kiếm từ những nguồn cội phong phú của các khối óc văn nhân khác những chất liệu nào đó cho những câu chuyện kể của họ. Những cái gì họ viết ra đều luôn luôn kết tụ từ những xúc động thiên nhiên, những trực giác của chính họ và từ những tích lũy của sự quan sát mà cái giới hạn kinh nghiệm có thể cho phép họ chất chứa.]
Với Emily, tác phẩm tác động sâu xa tâm hồn nàng chính là Tales of a Grandfather của Sir Walter Scott mà bà dì Branwell đã làm quà tặng cho chị em Bronte nhân dịp Tết năm 1828. Bối cảnh của Gondal được Emily và Anne xây dựng như một vùng đất trong truyện của Scott, các nhân vật toàn được đặt bằng tên Anh; nhân vật chính là một phụ nữ có cá tính rất mạnh, bất phục tùng và đa nghi.
[Có lẽ ưu thế của nhân vật chính trong Gondal đã nẩy sinh từ sự chịu đựng cái vận số ngột ngạt bị đè nặng bởi sự tù túng từ trong gia đình ra tới ngoài xã hội của cuộc đời Emily?]
Thêm nữa, chất liệu sáng tác của Emily đến từ những câu chuyện truyền miệng và các bài ca dân gian trong vùng, được bà vú già Tabby kể cho nghe.
[Trong Wuthering Heights, nhân vật Nelly Dean, người kể chuyện chính, được đánh giá điển hình cho Tabby, dù rằng ngoài cuộc đời, bà vú già đơn giản hơn nhân vật Nelly Dean rất nhiều. Sự hiểu biết thu lượm trong vùng Yorkshire của Emily đã được xếp đặt tuần tự trong Wuthring Heights, và những câu chuyện kể của Tabby cũng dội lên những tiếng vang nào đó trong tác phẩm lớn của Emily.]

*
* *

Tháng 1/1831, Charlotte bỏ rơi cái thế giới Angria từng xây dựng với Branwell để theo học lớp giáo viên trong một trường nữ học ở Roe Head, thuộc Dewsbury, cách Haworth chừng 20 dặm. Ngôi trường này cũng có cái kỷ luật sắt rất nghiệt ngã y hệt ngôi trường cũ ở Cowan Bridge; hiệu trưởng là cô Wooler. Tại đây, Charlotte kết thành bạn thân trong nhiều năm với Ellen Nussey và Mary Taylor. Năm 1832, trở về nhà, Charlotte đóng vai trò cô giáo dạy học cho ba em.
Năm 1835, vào một ngày trước kỳ sinh nhật thứ 17 của Emily, Charlotte trở lại trường Roe Head, có Emily đi theo –sau 10 năm ở nhà. Tuy nhiên, Emily, người con gái rất cô đơn và không có bạn, rõ ràng không thể sống xa vùng đồng hoang yêu dấu, nên tỏ ra nhớ nhà dữ dội. Nàng tự nhận biết đã không có khả năng chịu đựng cuộc sống đoàn thể và sự học hỏi bởi thói quen như kẻ khác. Vì vậy, Emily ngã bệnh, nặng đến nỗi không ăn không ngủ được. Khi ông Bronte nghe Charlotte báo cáo rằng với tình trạng sức khỏe như vậy, Emily sẽ chết, nên ông đem Emily về nhà sau ba tháng vỏn vẹn lưu trú tại Roe Head.
[Sau này, Ellen Nussey, bạn của Charlotte, khi nhắc lại về Emily trong cái thuở gặp nhau lần đầu ở Roe Head, đã mô tả rằng đó là “một người con gái khép kín ghê gớm; theo ngày tháng, sự khép kín này càng thêm sâu sắc”. Sự quan sát của Ellen đuợc gọi là đáng tin không chỉ vì tình thân và nỗi ngưỡng mộ dành cho gia đình Bronte, mà còn chính vì cách đối xử có phần ấm áp của Emily đối riêng cho cô. Trong một dịp đến thăm Charlotte đang bị bệnh, Ellen Nussey đã thật kinh ngạc xúc động vì cả gia đình Bronte, trừ Charlotte) đều tiễn đưa cô đến tận ngoài đường chính.]

II (1835-1837)

Trong gia đình, trừ ra ông Bronte, Emily được xem là cao nhất trong bốn chị em. Dáng người nàng mảnh khảnh, bước đi khoan thai chập chạp, cái vẻ giống như con trai nhiều hơn con gái, mái tóc dợn sóng xinh xắn màu nâu đậm ôm vòng chung quanh khuôn mặt có nước da tái nhợt với đôi mắt xanh thẫm đượm nét cô đơn sâu kín. Nhìn chung, vẻ đẹp nơi Emily không cân xứng với cái miệng khá rộng. Luôn luôn nàng có lối ăn vận rất lỗi thời và không bao giờ khai triển chút duyên dáng con gái nào của mình để chinh phục cảm tình kẻ khác; cũng không hề cố gắng trau chuốt để làm cho thân thề trở nên quyến rũ. Nàng chẳng một lần lưu tâm đến cái nhìn của bất cứ ai về mình.
Tuy nhiên, điểm nổi bật nơi Emily chính là nỗi cô đơn bao phủ lên nàng. Sự cô đơn này không những chỉ người trong nhà, mà luôn cả các cư dân trong vùng Haworth cũng đều dễ dàng nhận biết. Mất mẹ từ khi ba tuổi, được chăm sóc bởi các người chị lớn và bà vú già Tabby cho đến khi có sự xuất hiện của bà dì khó tánh Branwell, một phần giáo dục nhận từ người cha có cái cá chất lãnh đạm xa cách với con cái, sự cô đơn trong tâm hồn Emily hẳn nhiên là phải có. Nàng tách rời tất cả mọi người trong nhà cả trên bề ngoài lẫn trong thâm sâu trí não. Nên, dẫu rằng được yêu thương hơn hết bởi các anh chị em, Emily vẫn chỉ đóng kín ý nghĩ mình với tất cả. Nàng thường ngoảnh mặﴠđi trước bất cứ kẻ lạ hay quen nào và cũng không hề ưa thích sự trò chuyện.
Ngoài việc chăm sóc nhà cửa, mọi niềm vui của Emily chỉ chú trọng vào những điều cốt tủy thâm sâu thuộc tinh thần riêng biệt. Hai trong số những dấu vết chủ yếu của Emily chính là tình yêu cho bãi đồng hoang Haworth và cho nỗi cô đơn của mình. Nàng ưa thích đi lang thang trong vùng đất rộng đầy những đá sạn với con chó tên Keeper rất được nàng yêu dấu. Nàng cũng rất nhẹ nhàng thương quý các loài súc vật.
[Về sau, Ellen Nussey trong một bài viết về Emily, đã kể rằng: “Emily nghiêng nửa người trên một phiến đá, chơi đùa giống như một đứa bé với những con nòng nọc trong làn nước, làm cho chúng bơi vòng quanh hồ. Xong, cô khởi sự nói về luân lý đạo đức giữa kẻ mạnh và người yếu, kẻ can đảm và người hèn nhát, trong khi vẫn đuổi theo những con nòng nọc với các ngón tay của mình.”]
Ngoài ra, Emily còn là một nghệ sĩ có biệt tài về hội họa và âm nhạc. Những bức vẽ sót lại sau này (đặc biệt vẽ súc vật) dã chứng minh điều ấy. Riêng Ellen lại rất ca ngợi năng khiếu chơi dương cầm của nàng.
[Chính giáo sư Constantine Héger về sau trong thời gian Charlotte và Emily theo học ở Bruxelles, cũng nghĩ rằng Emily cần phải được gửi đến học với một giáo sư dương cầm giỏi nhất nước Bỉ thời ấy.]
*
* *
Sự thất bại trong việc hòa nhập vào đời sống cộng đồng càng làm cho Emily thêm gắn bó với Branwell, người vừa mới trở về nhà sau khi đã làm tiêu tán cơ hội may mắn duy nhất là được theo học tại Royal Academy Schools ở Luân Đôn. Cả hai anh em trở nên thân thiết với nhau, (trong khi đó, Charlotte và Anne đi làm và đi học ở vùng khác). Emily hiểu rằng những hành động của anh là sai nhưng cũng không thể hướng dẫn anh vào một cuộc sống ngăn nắp có trật tự hơn.
Người ta không thể phân tích cá chất của bất cứ ai trong nhà Bronte mà lại không lưu tâm đến Patrik Branwell Bronte, lớn hơn Emily một tuổi và là người duy nhất được đối xử như một nhân vật quan trọng trong gia đình. Branwell có khuôn mặt và vóc dáng rất khôi ngô tuấn tú. Sự học vấn của cậu hấp thụ ngay tại nhà bởi vì ông Bronte nghĩ rằng ông sẽ dạy cho cậu được nhiều hơn là cậu có thể gặt hái từ các trường học từ thiện như đám con gái ông đã nhận. Cha và dì Branwell rất cưng quý cậu nên kết quả hẳn nhiên không gì khác hơn là làm cho cậu hư hỏng. Luôn các chị em gái cũng được dạy rằng phải nhất nhất chiều theo ý cậu.
Trong những năm thiếu thời của Branwell, cả gia đình Bronte đều nhìn nhận cậu là người có khả năng về văn chương nghệ thuật. Cùng các chị em gái, cậu viết những bài ký sự, thi ca và một loạt truyện ngắn. Cũng giống như họ, Branwell rất say mê đọc sách, lại có biệt tài kể chuyện nên được dân trong vùng biết đến nhờ cái tài ấy. Ngôi nhà gia đình Bronte dẫn thẳng một quãng khá dài tới ngay cái quán rượu duy nhất trong làng, rất đông khách. Khi Branwell còn nhỏ, như một thói quen, cậu thường được người chủ quán gọi đến để giải khuây cho khách ông ta bằng tài kể chuyện lưu loát của cậu. Trong cách thức như vậy, Branwell sớm nếm mùi rượu từ các vị khách thưởng công cho, món nước uống độc hại mà cái thể tạng yếu đuối của cậu khó lòng kham nổi.
Toàn thể bốn chị em Bronte ai cũng thích vẽ tranh, nhưng trên hết là Branwell, người nổi bật nhất trên khía cạnh nghệ thuật này. Vì vậy, ông Bronte đã mướn một giáo sư hội họa về dạy cho các con. Khi ấy Charlotte 16 tuổi và Branwell 15. Sau đó, riêng Branwell lại được cho theo học với một họa sĩ vẽ chân dung trong tỉnh lân cận. Hẳn nhiên, Branwell có thể tự tạo cho mình một tên tuổi, nhưng bởi vì sống trong vùng đất hoang dã, chung quanh toàn những nông dân thấp kém và tôi tớ bề dưới, mọi khả năng tốt đẹp trong người cậu chẳng những không được phát triển, lại còn bị hủy hoại đi do từ sự được cưng chiều quá độ của gia đình, từ lòng kiêu hãnh trong chính cậu, từ sự chơi bời phóng túng, sự nghiện rượu và ghiền bạch phiến. Khi được cha gửi theo học trong Royal Academy Schools ở Luaân Đôn để có thể trở nên một nghệ sĩ, Branwell lại đem tiền đi uống rượu hết rồi bịa chuyện rằng chính cậu là nạn nhân trong một vụ tấn công và bị cướp sạch của cải.
Sự thật, trong trọn gia đình Bronte, Emily được xem là người có tinh thần tự do, thực tế và cương nghị nhất. Khi bà vú già Tabby bị gãy chân trước kỳ lễ Giáng Sinh 1836, chỉ duy nhất Emily thay thế tất cả mọi việc trong phần hành của Tabby. Nàng được cư dân trong vùng tôn trọng vì tài làm bánh mì, dù rằng để thi hành việc ấy, luôn luôn Emily đặt sẵn trước mặt cuốn sách chỉ dẫn với giấy bút đầy đủ.
Dẫu yêu sự cô đơn và thường xuyên im lặng, Emily vẫn tỏ ra vui vẻ hòa nhã. Nàng được cả gia đình thương yêu và các dân làng –những người thường đến chơi trong bếp với Tabby—chân thành ưa thích. Nàng không bao giờ bị những cơn khủng hoảng làm cho run rẩy sợ hãi giống như Charlotte, không cả nỗi u uất về tôn giáo đến phải chán nản ngã lòng như Anne. Nàng cũng chẳng cần dùng đến rượu hay bạch phiến như Branwell để trốn chạy những nỗi buồn phiền thất vọng. Nàng không bao giờ lớn tiếng phàn nàn về sự cô đơn và không có bạn của mình.
[Những đoạn nhật ký của Emily đã trình bày cho thấy một tinh thần hoạt động với cái nhìn hài lòng về quá khứ và sự chấp nhận sốt sắng ở tương lai. Nàng cũng thẳng thắn nghĩ về cái chết mà không sợ hãi, điều này được biểu thị qua một bài thơ nhỏ của nàng, bắt đầu với câu: “Linh hồn nhát sợ không phải của tôi.” (No coward soul is mine.”)]

III (1837-1842)


Năm 1837, sau khi cái chân gãy của Tabby đã lành lặn hẳn, đồng thời cũng là lúc Branwell từ giã gia đình để đến nhận chức vụ trợ giáo trong một trường nam sinh tại Halifax, thì Emily cũng tự mình kiếm sống trong vai trò cô giáo tại một học đường ở Law Hill, gần Halifax.
Tuy nhiên nàng không may mắn với sự dạy học. (Charlotte đã kể cho Ellen Nussey nghe rằng công việc làm của Emily tại Law Hill quá cực nhọc, mỗi ngày bắt đầu từ 6 giờ sáng đến mãi 11 giờ khuya và chỉ được nghỉ nửa giờ ở khoảng giữa). Thêm với lòng nhớ nhà nung nấu, vì vậy, sau 6 tháng hành nghề cô giáo, Emily đã ngưng ngang, không tiếp tục lưu lại Law Hill nữa (giống như từng ngưng ngang sự học ở Roe Head thuở xưa), trở về vùng đồng hoang thân yêu.
Cùng thời gian ấy, Branwell lại bỏ mặc công việc trợ giáo ở Halifax để cố gắng trở thành họa sĩ vẽ chân dung tại Bradford, nhưng vẫn thất bại, nên đành quay lại Haworth. Cậu lâm vào cảnh nợ nần tứ phía, nghiện ngập nhiều hơn trước. Và trong khi Charlotte cùng Anne rời khỏi nhà vì công việc dạy học nơi vùng khác, Emily phải chứng kiến trực tiếp các cảnh tượng hư hỏng hằng ngày của Branwell, chịu đựng đương đầu với những tiếng la hét mỗi khi cơn say hay cơn ghiền bạch phiến của anh nổi dậy.
*
* *
Không chỉ riêng Emily tỏ ra đau khổ khi phải sống xa nhà, mà chính cả Anne và Charlotte cũng cùng tâm trạng như vậy. Sau một năm rưỡi nhận việc tại trường nữ học Roe Head (nơi mà Charlotte từng là học sinh một thời), Charlotte trở về nhà. Ba chị em gái lại trải qua vài năm kế tiếp sống cạnh nhau trong vùng đồng hoang Haworth. Họ tiếp tục làm việc nội trợ, thêu thùa, viết lách, vẽ tranh và đọc tất cả những gì có thể đọc.
Thời gian Charlotte và Emily được gửi đến lưu trú trong trường nữ học Cowan Bridge, rồi Roe Head, hai nơi này chẳng mở ra được bất cứ chân trời tươi sáng nào cho họ; đổi lại, những điều họ mang theo về nhà chỉ là cảm nghĩ xót xa rằng họ phải sống tùy thuộc vào sự thương hại của kẻ khác. Và dù rằng vẫn nghĩ, một cô giáo dạy tư chỉ giống như một người đầy tớ trong các gia đình họ làm việc, đứng tách riêng một góc vì sự học vấn của mình, nhất là trong vai trò ấy, sự thiếu thốn tự do, thiếu thốn thì giờ rảnh rỗi là những điều đáng e ngại nhất; nhưng, cũng giống như các phụ nữ có giáo dục thuộc giai cấp nghèo khổ thời ấy, chị em Bronte vẫn không thoát được ra ngoài cái ý nghĩ “địa vị xã hội thích hợp nhất cho họ chính là chức vụ cô giáo dạy tư.”
[Charlotte hai lần trải qua kinh nghiệm cô giáo dạy tư. Một, khi làm việc trong gia đình Sidgwick tại Stonegappe; hai, vào năm 1841 tại gia đình White ở Uppwood House, Rawdon. Trong cả hai trường hợp, nàng khám phá ra sự nhục nhã vì phải kiếm sống tại nhà kẻ lạ mà không được chỉ định rõ ràng địa vị hay quyền hạn của mình, dưới sự thương hại của bà chủ. Thêm chi tiết đáng lưu tâm về vai trò cô giáo dạy tư cũng được diễn tả rất sống động trong tác phẩm Agnes Grey của Anne Bronte.]
Rồi, với ý nghĩ muốn thành công trong nghề dạy học, đồng thời thỏa mãn được những nhu cầu đòi hỏi của ông Bronte và Branwell, giải quyết mọi nỗi khó khăn nẩy sinh từ vật chất đến tinh thần, cả ba chị em gái đã nghĩ ra ý định thành lập một ngôi trường của chính họ ngay tại Haworth.
Dẫu cô đơn, ít nói, thích tản bộ một mình trong cánh đồng hoang, tỏ ra quyến luyến súc vật nhiều hơn con người; và dẫu hoàn toàn lánh mặt tất cả những người quen hoặc bạn bè của gia đình mỗi khi họ đến thăm, Emily cũng vẫn tự ràng buộc mình với các anh chị em khác và không phủ nhận rằng sự liên hợp gia tộc là điều rất cần thiết. Do đó, trước dự định thành lập ngôi trường, Emily tỏ ra rất hài lòng.
Phần Charlotte được khuyên nhủ rằng, để hấp dẫn lôi cuốn nhiều học sinh, ngôi trường của họ phải có dạy luôn phần ngoại ngữ trong chương trình. Vì vậy đưa đến cái quyết định rằng cả Charlotte lẫn Emily đều phải đi sang Buxelles, nước Bỉ, học thêm tiếng Pháp, tiếng Đức và âm nhạc.

IV
(1842-1844)

Tháng 2/1842, hai chị em Bronte lên đường sang Bruxelles và trở nên lưu trú sinh trong một ngôi trường kiến trúc kiểu Anh, rộng rãi tiện nghi, do hai ông bà Constantine Héger làm hiệu trưởng. Bước khởi hành này đã ghi một ảnh hưởng sâu đậm trong cuộc đời Charlotte. Bruxelles đã làm màu sắc cho tất cả những gì sau này Charlotte sẽ viết. Nàng hưởng thụ rất nhiều kinh nghiệm tại đây. Vị hiệu trưởng, giáo sư Héger, là một học giả thông thái nhưng tánh nết bất thường. Ông đã lập gia đình và có 5 con. Charlotte âm thầm say mê yêu ông.
[Tình yêu này cộng thêm với sự ràng buộc đối với người cha đã quyết định rất nhiều cho sự sáng tạo các tác phẩm tương lai của Charlotte. Các nhân vật người tình trong văn chương Charlotte thường được nhìn như một người đàn ông lớn tuổi và một nàng con gái trẻ cô đơn không bè bạn.]
Riêng Emily, người con gái giống như một viên đá hoa cương bám dính trên vùng đồng hoang yêu dấu thì vòm trời Bruxelles chẳng gây được chút hiệu quả nào trong tâm tư nàng. Emily nghe nhớ nhà hơn bao giờ hết, nhưng quyết tâm chịu đựng vì cái mục đích phải đạt cho kỳ được. Charlotte lãnh nhiệm vụ học tiếng Pháp, còn Emily tiếng Đức. Trong vai trò của mình, Emily đã sử dụng thì giờ một cách hữu ích. Nàng thu hái sự tiến bộ rất cao trong ngôn ngữ.
Nhưng, trong khi Charlotte luôn luôn tỏ ra ngoan ngoãn chăm chỉ, Emily trái lại vẫn thường hay phê bình chỉ trích phương pháp dạy của giáo sư Héger, cũng như thực sự không có cảm tình về ông, con người bẩm sinh không hòa nhã. Tuy vậy, giáo sư Héger lại rất linh mẫn và là một trong số ít người đã định giá chính xác được năng lực của Emily: “Emily có một cái đầu luận lý rất sắc bén. Đối với đàn ông, đó là một khả năng kỳ lạ; với đàn bà lại càng họa hiếm hơn. Không những vậy, trong cái đầu nhỏ bé ấy còn chứa đựng cả một nghị lực mạnh mẽ. Cô sẽ không bao giờ nản chí khi phải đối diện với bất cứ vấn đề khó khăn nào, không bao giờ chịu thua đời sống. Trên hết, khả năng tưởng tượng thật quả dồi dào; nếu cô viết một tác phẩm, cái nhìn về quang cảnh và nhân vật hẳn sẽ vô cùng sống động, lối diễn tả sẽ rất linh hoạt để có thể lôi cuốn độc giả dễ dàng. Cô phải là đàn ông mới đúng, hơn nữa, một nhà thám hiểm tài ba.”
Cũng một lần, giáo sư Héger, trong một cuộc chuyện trò với ông Bronte,...
Users browsing this topic
Guest
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.