Bỗng dưng nghe có người buồn sự đời, chán sự tình chưa tối đã leo lên giường đi ngủ, dzui quá (có đồng minh hổng dzui sao được)..ha ha…Ai biểu, trời ưu ái ban cho niềm vui thì chê ỏng chê eo, hổng chịu nhận, ổng ghét ổng lấy lại hết, giờ ngồi ôm một khối u sầu (giống tôi quá dzậy…).hề hề…đang rầu thúi ruột hổng biết phải làm sao, kí đi chọc thiên hạ chửi chơi, đỡ buồn!
Suốt một tuần qua, tôi bị rơi vào trạng thái u uất, trầm cảm. Tinh thần hỗn loạn đến tột bậc. Lúc nào cũng hốt hoảng, hoảng hốt…Tôi thấy mình quá trơ trọi, lạc lõng giữa thế gian này. Có lúc, tôi hiền lành, bao dung ngay cả với kẻ đang kề dao vào cổ mình, nhưng có lúc tôi lại sẵn sàng nổ tung với bất kì kẻ nào lại gần. ông Sếp của tôi đã xui xẻo nên bị tôi cho văng mãnh. Ổng nhìn tôi ngạc nhiên nhiều hơn là tức tối. Giờ chắc là tôi có tên trong sổ thù vặt cuả ổng rùi.
Bất chợt nghĩ đến em, tôi muốn đến thăm em cho bằng được, mặc dù trời đã tối. Rà điện thoại một vòng để kiếm người đồng hành, không ai nhận lời đi cùng cả. Chiều chủ nhật đẹp trời, không mưa, se se lạnh, rất đẹp cho những cuộc dạo chơi, chẳng ai dại chi theo tôi hít bụi, lội mấy cái ổ voi ổ gà ,đến cái vùng hẻo lánh đó để thăm một người sắp chết. Tôi quyết định đi một mình. Tôi tin chắc, đến đó, tôi có thể thoát khỏi cái trạng thái mất thăng bằng đáng sợ này. Thói người ta sao tôi hổng biết, chớ cái thói của tôi tôi biết rõ lắm. Hễ tôi có đang buồn cách mấy, mà gặp người đang khổ là tôi quên mình ngay. Mãi lo nghĩ chuyện của họ, tôi quên khuấy đi mất cái chuyện của mình.
Đường đến nhà em hai bên toàn cây với bụi rậm, tôi sợ ma muốn chết. Lại thêm trời mưa cả tuần qua làm cho con đường càng thêm gồ ghề, méo mó, sình lầy. Cắm đầu cắm cổ chạy, lúc đến khúc quẹo vào hẻm nhà em, tôi ngước mặt lên thì một bóng đen đập ngay vào mắt. Chân tay rụng rời, bủn rủn, tôi sém thả xe. KHi mắt đã quen dần với bóng tối của con hẻm, tôi mới nhận ra nó là một cây chuối. Tôi cắm đầu bươn tiếp, mặc kệ bùn sình lầy, không còn hơi sức đâu mà tránh, miễn là nhanh đến nhà em.
Đúng 3 tuần rồi, hôm nay tôi mới đến thăm em được. Chỉ có 2 chị em ở nhà. Má em vừa đi mua bó bông về thay bàn thờ Đức Mẹ. Vừa bước chân vào nhà, tôi ngớ người ra. Em thay đổi nhiều quá! Tôi đứng như chôn chân. Em nằm đó, chăn đắp ngang ngực, khuôn mặt em căng tròn, hai mắt nhắm nghiền. Đôi bờ vai mỏng manh chỉ da bọc xương ngày nào, nay nở to căng phồng, to hơn cả vai của tôi. Gương mặt xanh như tàu lá. Nhanh vậy sao? Cái chân đã sưng lên đến mặt rồi.
Vẫn nhắm mắt, em cất tiếng chào yếu ớt: “Chào chị H, bữa nay chị được nghỉ hả” (khi cô, khi chị, vậy đó), rồi kêu chị gái rót nước mời “chị H”. Tôi ngồi im lặng, ngắm nhìn gương mặt em, xót xa. Chân mày, mắt, mũi, vành môi, nét nào cũng đẹp, nhưng xanh xao nhợt nhạt quá. Thấy tôi im lặng, em hé môi hớp một ngụm không khí, thều thào: “Mỗi lần chích thuốc xong là 2 mắt em cứ bị nhắm lại, thuốc nó làm em nhắm mắt, chớ hông phải em ngủ đâu, em vẫn nghe được. Chị H cứ nói chuyện đi, em nghe”. Tôi hông dám nói, vì sợ em lại trả lời, khó nhọc quá. Em hỏi tôi có khoẻ không, cả bác Hưng và cái chú gửi Mẹ La Vang cho em nữa. Tôi nói mọi người vẫn khoẻ và vẫn thường hỏi thăm bé Tuyết, rồi kể đủ thứ chuyện cho em nghe. Bé Trinh chị của em cho biết mấy ngày hôm nay em bị đau họng và miệng bị lở, nên không chịu ăn cơm. Tôi đưa mắt nhìn quanh, không thấy chú gấu bông và búp bê đâu cả. Chị bé nói là dạo này bé đau quá, không có nhúc nhích được, nên không chơi gì được cả. Tuyết cố sức thanh minh “Trời mưa quá, nhà em bị thấm nước, em sợ hư, nên nói mẹ đem ra tiệm giặt, rồi bỏ trong bao cất rồi”.
Trên chiếc bàn nhỏ bên cạnh giường, tôi thấy một rổ nhựa đựng đủ thứ bánh kẹo, một gói me, dừa ép khô, bò rim, mấy quả ổi. Tôi ngạc nhiên hỏi: “Mẹ đi bán bánh kẹo lại rồi à”? Em hiểu tôi định hỏi gì, nên mỉm cười “Mấy thứ đó của con đó”. Thì ra mấy hôm nay em thèm ăn đủ thứ, ăn hàng…ăn vặt…cái tật của con gái tuổi me dầm đó mà. Em thèm ốc, chè, măng cụt, me, xoài, cốc, ổi, bắp bung, cá nướng, mực nướng, rồi cả lẩu và thịt bò nhúng nữa. Hễ em thích ăn món chi là mẹ mua cho em ăn đến lúc ớn thì thôi. Hôm nay thì em thèm sầu riêng, bơ, nhưng mùa này làm gì có sầu riêng và bơ mà mua….
Một lúc, em lại lên cơn đau. Cơn đau dữ dội hơn những cơn đau tôi đã gặp. Tôi loay hoay muốn giúp em, nhưng làm cách nào em cũng kêu đau hết. Bất lực, tôi ra cửa ngóng mẹ em về. Mẹ em cũng không có cách nào hay hơn. Thì ra cái chân trái còn lại bấy lâu nay nằm gập vào, giờ sưng to, không duỗi ra được nữa. Vì không cử động được nên máu ứ lại, không lưu thông, làm em đau. Trước đây, em vẫn thường mắc cỡ, không muốn cho tôi xem chân. Giờ đau quá em không còn biết dị nữa, vừa kêu la, vừa đưa tay hất tung cái chăn đang đắp, một cảnh tượng kinh hoàng hiện ra trước mắt: khúc chân cụt ngắn ngủn, sưng phình to, căng phồng như quả bóng, láng kít. Cái chân phải còn lại cũng sưng to, nằm bất động. Còn cái chổ đó, …tôi không dám nghĩ nữa…Cắn vành môi để khỏi bật ra tiếng khóc, tôi quay mặt đi.
Cơn đau không dứt, em và mẹ quyết định chích thuốc sớm hơn. Mẹ bẻ đầu ống thuốc, còn em tự tay bơm thuốc vào xy lanh (em nói mẹ bơm không hết, phí thuốc lắm) rồi đưa cho mẹ chích. Căn bệnh của cô con gái biến một bà mẹ buôn gánh bán bưng trở thành người chích thuốc sành điệu không thua chi một người y tá lành nghề. Mỗi lần hết thuốc, muốn mua thuốc thêm, mẹ em phải làm “đơn xin xác nhận con tôi vẫn còn sống” để được phường xác nhận, người ta mới bán thuốc, vì đó là morphin!
Đã 9 giờ tối, tôi định ra về thì một điều kì lạ nữa lại đến. Tiếng xe đổ xịch trước cửa, một người đàn ông tay xách một túi ni lông có 3 ổ bánh mì, tay kia cầm 2 hộp thit heo đóng hộp, ào vào nhà “Con đã ăn cơm chưa?” Em chào lí nhí tôi nghe không rõ, nhưng tiếng người đàn ông thì rất dỏng dạt: “Ba chạy khắp nơi tìm sầu riêng cho con nhưng không có, ba dặn mấy ông chạy xe Sài Gòn nhưng mấy ổng nói hết mùa rròi, kiếm đâu ra. Tí nữa con ráng ăn bánh mì với thịt hộp rồi ngủ nghe con”. Tôi sửng sốt hết nhìn người đàn ông, nhìn em rồi quay sang nhìn chị Nhung. Không nghi ngờ gì nữa, đây đích thị là người cha đã bỏ đi theo vợ bé từ khi em còn rất nhỏ. Nay em bệnh nặng chắc mẹ em nhắn ông về thăm con. Nhìn ông có vẻ rất thương và lo lắng cho bé Tuyết, và em cũng vậy. Như đoán được suy nghĩ của tôi, chị Nhung thì thầm: Ổng không có con gái, nên thấy bé Tuyết rồi thương như con ruột. Không có ổng 2 chị em bé Tuyết chết từ khi nhỏ rồi”. Tôi không cần biết, cũng không muốn biết ông ta là gì của tụi nhỏ, có phải là cha ruột hay không, mà tôi chỉ biết một điều, một sự thật trước mắt: bé Tuyết kêu ông là “ba”, ông kêu bé Tuyết là “con”, và rất thương yêu lo lắng cho bé. Tôi chỉ cần biết vậy, hắt ra tiếng thở nặng nhọc nén lại từ nãy đến giờ, tôi đứng lên chào mọi người, cũng gần 9 rưỡi rồi. Bé Tuyết nằng nặc đòi mẹ đưa chị H ra khỏi xóm, kẻo chị H sợ ma. Xấu hổ quá, nhưng mà nhớ lại cây chuối lúc nãy, tôi sợ thiệt. Bên nhà bên kia, một cô gái cũng đang nhùng nhằn chàng trai để đưa cô ra khỏi xóm, tôi phì cười, vói sang: “Tui cũng đi ra, chị đi với tui nè”. Nói rồi tôi nổ máy, chạy đi. Có tiếng xe đuổi theo phía sau. Tôi cười thầm “Mình khôn thí mồ, te te chạy trước thành ra có người đưa mình”. Tôi rất sợ chạy sau cùng, vì lúc nào cũng sợ có một kẻ vô hình nào đó phía sau lưng mình.
Ánh đèn thành phố đã hiện dần lên… Về đến phố, tôi chạy xe vòng vòng tìm cái gì đó lót bụng, đói quá rồi.
Hết tối chủ nhật.