Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

24 Pages«<
Nhac & Bảo Tàng tranh ảnh nghệ thuật...
viethoaiphuong
#479 Posted : Wednesday, November 23, 2022 5:41:34 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,342
Points: 11,181

Thanks: 761 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

Từ Đà Nẵng đến Liège : Những chuyến ngao du của họa sĩ Vink

23/11/2022 - Thu Hằng / RFI
Vink, họa sĩ người Bỉ gốc Đà Nẵng, là người đầu tiên đưa cổ tích Việt Nam vào truyện tranh Bỉ. Tháng 01/2021, Vink tặng thành phố Liège, như lời cảm ơn, 173 bản vẽ gốc trích từ những tác phẩm truyện tranh theo suốt sự nghiệp của ông. Hơn một năm sau, Liège giới thiệu đến công chúng “Những chuyến ngao du của Vink” (Les Voyages de Vink) tại Bảo tàng Mỹ thuật La Boverie từ 04/07/2022 đến 16/01/2023.

Triển lãm đặc biệt dành cho tác phẩm đặc biệt

Tên của triển lãm Les Voyages de Vink được ông Alain Delaunois, tùy viên khoa học của Bảo tàng La Boverie lấy cảm hứng từ tác phẩm Les Voyages d’He Pao (tạm dịch : Những chuyến ngao du của He Pao), một trong hai tác phẩm dài tập quan trọng gắn liền với sự nghiệp của Vink, tên thật là Vinh Khoa. Và những tác phẩm này được trưng bày ở một nơi rất đặc biệt trong bảo tàng, theo giải thích của ông Alain Delaunois :

“Chúng ta đang đứng trong Galerie noire (Phòng triển lãm đen) của Bảo tàng La Boverie, thành phố Liège ở Bỉ. Tại khu vực này, khách tham quan có thể ngắm những bản vẽ gốc truyện tranh do họa sĩ Vink thực hiện. Đây là món quà Vink tặng cho bảo tàng, và nhất là có đến 173 bức tranh, nên chúng tôi muốn giới thiệu những tác phẩm đó.

Những bản vẽ truyện tranh này được vẽ trên giấy, trước tiên là bằng bút chì sau đó là viền mực mầu và vẽ mầu nước. Công việc được Vink thực hiện vô cùng tỉ mỉ. Việc đóng khung, bảo quản mầu trên tranh phải hết cẩn thận. Điều này giải thích cho việc chúng ta đang đứng ở nơi được gọi là Galerie noire, nơi mà ánh sáng và độ ẩm được kiểm tra nghiêm ngặt để bảo quản các tác phẩm.

Galerie noire là gian trưng bày đặc biệt dành cho những tác phẩm thực hiện trên giấy trong thời gian gần đây hoặc thời trước, thậm chí là từ vài thế kỷ trước. Vì vậy, ánh sáng và độ ẩm được điều chỉnh để các tác phẩm vẽ chì, mầu nước hoặc mực Tầu không bị hỏng hoặc bị phai mầu vì ánh sáng quá mạnh.

Các tác phẩm cũng không được trưng bày lâu ở đây. Chúng tôi luôn thay đổi. Có những tác phẩm rất cổ, ví dụ từ thế kỷ XVII, chúng tôi chỉ trưng bày khoảng 2 tháng rưỡi, sau đó cất lại vào kho và triển lãm loạt tác phẩm khác. Như chị thấy, đèn chiếu sáng trong Galerie noire này chỉ bật lên khi có người vào xem và khi đi ra thì đèn cũng tắt”.

173 tác phẩm là một món quà rất lớn, đầy ý nghĩa mà Vink muốn cảm ơn thành phố quê hương thứ hai của ông. Tác giả gốc Đà Nẵng chia sẻ :

“Tôi sống ở đây hơn 50 năm, tôi có cảm tưởng là mình có nợ với thành phố Liège, với nước Bỉ nói chung. Khi tôi tặng món quà này cho Bảo tàng Mỹ Thuật Liège, tôi cảm thấy được trả nợ. Lý do chính là như vậy. Và bảo tàng sẽ giữ gìn tốt hơn”.

Lời cảm ơn gửi đến đến Liège, quê hương thứ hai

Đáp lại tấm lòng của Vink, Bảo tàng Mỹ Thuật Liège muốn giới thiệu rộng rãi đến công chúng một phần sự nghiệp ông, từ họa sĩ-tác giả truyện tranh nổi tiếng, đến người kể lại lịch sử qua hình ảnh, trong đó phải kể đến tác phẩm đáng chú ý là Pays de Liège, vie d’une église (tạm dịch : Vùng đất Liège, cuộc sống của một nhà thờ) phác lại nghìn năm lịch sử của Công quốc Liège. Ông Alain Delaunois giải thích :

“Tác phẩm của Vink được vẽ trên giấy, sử dụng mực và mầu nước nên có thể rất dễ bị hỏng theo thời gian. Những tác phẩm đó được bắt đầu trong những năm 1984-1985 nên một số bản vẽ gốc cũng đã có từ gần 45 năm nay. Vì thế, tác phẩm của Vink hoàn toàn xứng đáng được triển lãm tại đây. Thêm vào đó, việc Vink tăng cho Bảo tàng Mỹ Thuật Liège chừng đấy số tranh, cũng là lý do để giới thiệu đến công chúng trong khu triển lãm Galerie noire đặc biệt này.

Điểm đặc biệt trong công việc của Vink, một họa sĩ sống ở Liège từ rất lâu, là trong ông có cả một nền văn hóa châu Á rất lớn, vì thế sự pha trộn giữa hai nền văn hóa này tạo cho tác phẩm của ông những nét kì lạ, vừa có ảnh hưởng đến từ những nước châu Á, vừa có nét của văn hóa phương Tây. Có thể thấy rõ trong tác phẩm của ông cả một chuỗi ảnh hưởng, có thể là những câu chuyện hay những thể loại đặc trưng của châu Á nhưng phim kung-fu, võ thuật Nhật Bản, Việt Nam, Trung Quốc. Tất cả những yếu tố đó khiến những cuộc phiêu lưu trong các tác phẩm của ông trở nên đặc biệt, tạo bất ngờ cho công chúng”.

Thành phố Liège có vị trí thuận lợi, giáp với Đức và Hà Lan, gần Pháp và Luxembourg. Thành phố nhỏ đón rất nhiều khách du lịch từ các vùng lân cận nên khách đến thăm bảo tàng Mỹ Thuật cũng rất đa dạng, với đủ ngôn ngữ. Ngoài những người đam mê truyện tranh và biết đến Vink, đặc biệt qua những cuộc phiêu lưu của He Pao và Nhà sư điên (Le Moine Fou), hai tác phẩm dài tập chính của Vink, ban tổ chức chú ý đến mọi chi tiết, dù nhỏ nhất, để khách tham quan bảo tàng có thể biết đến công việc Vink và những tác phẩm hội họa gần đây của ông, sau khi ngừng sáng tác truyện tranh.

“Ngay lối vào triển lãm, chúng tôi đặt một tấm biển lớn giải thích một chút về Vink, về con người ông và với tư cách là nghệ sĩ vẽ truyện tranh. Ngoài ra, khách tham quan có thể thoải mái xem triển lãm với những tấm biển nhỏ giải thích tranh được trích từ tập truyện nào. Nhưng mục đích chính của chúng tôi là để người xem không bị cuốn theo những lời giải thích, mà nhãng đi công việc của người nghệ sĩ - một phần công việc để sáng tạo nên những tập truyện tranh. Nếu người xem muốn biết thêm về câu chuyện thì họ sẽ tìm đọc những tập truyện tranh đó. Còn ở đây, trong triển lãm, họ có thể ngắm nhìn hoặc cảm nhận chất lượng nghệ thuật và kỹ thuật trong các tác phẩm của Vink.

Mỗi mảng, có khoảng 3-4 tranh, có chỗ là 9-10 tranh, là một câu chuyện được trích từ một cảnh trong một tập truyện, giúp người xem có thể tưởng tượng ra phần tiếp theo vì như chị thấy, các tranh được trưng bày không có khung thoại, không có chữ, có nghĩa là không có lời thoại để người xem cảm nhận tính nghệ thuật, mầu sắc mà không bị phiền vì lớp chữ.

Nhưng Vink cũng muốn có những đoạn nghỉ giữa các tác phẩm nên chúng tôi đã để xen kẽ các tác phẩm có kích thước khác nhau, ví dụ ở đây là bìa của một tập truyện tranh hoặc bên kia là một bản vẽ nháp. Chúng tôi cũng trưng bày một số tác phẩm hội họa vì sau khi ngừng sáng tác truyện tranh, Vink chủ yếu dành thời gian cho hội họa, vẽ chân dung và phong cảnh”.

Thú vui hội họa

Vink đã không thể đến dự buổi khai trương triển lãm mà ông là nhân vật chính vì lý do sức khỏe. Trở lại Galerie Noire với RFI Tiếng Việt, ông cho biết cảm nhận :

“Tất cả những tác phẩm này, tôi đã biết trước hết rồi, vì mỗi trang như tôi được thể hiện trong đó, nhìn các tranh đó như nhìn mình trong gương nên tôi chỉ nhìn thoáng qua vì nhìn đến 60 tấm gương thì cũng hơi kỳ cục.

Tôi phải nói đây là một trong những triển lãm lớn nhất. Cách đây 20 nay, tôi cũng có một triển lãm ở Bourges, Pháp, nhưng phải nói đây là một triển lãm rất công phu. Triển lãm này hoàn toàn do ê-kip của Alain Delaunois xây dựng. Tôi rất hài lòng về việc trình bày ánh sáng, sắp đặt các tranh rất bài bản, rất mỹ thuật”.

Kết thúc triển lãm là tác phẩm “Cô gái bên dòng nước” Vink vẽ một quán cà phê ở Đà Nẵng, phía sau là con sông Hàn. Đây là bức tranh mà ông Alain Delaunois, tùy viên khoa học của Bảo tàng Mỹ Thuật, bị lôi cuốn ngay khi đến nhà họa sĩ chọn một số tác phẩm hội họa để giới thiệu.

“Tôi vẽ tại chỗ trong một quán cà phê ở Đà Nẵng, nhưng phía sau tôi thêm một dòng sông của Đà Nẵng, nhưng thực ra sông đó không phải ở trước mặt tôi trong quán cà phê. Tôi bắt đầu vẽ bằng bút chì tại chỗ, rồi có cô tiếp viên, cô chịu ngồi đó để cho tôi chụp hình. Sau đó tôi hoàn thiện ở nhà, có lẽ mất đến cả tháng vì mỗi chi tiết, tôi đều phải kiếm tài liệu”.

Một dòng sông ở phía xa mở ra một con đường mới, như muốn nói Vink khép lại sự nghiệp tác giả truyện tranh và toàn tâm toàn ý với thú vui hội họa :

“Từ lâu, kể cả khi vẽ truyện tranh, tôi vẫn thích vẽ thêm tranh hội họa bằng mầu nước hoặc sơn dầu. Nhưng làm cả hai công việc cùng lúc thì không thể được. Mỗi trang truyện tranh mất rất nhiều thời giờ, cần ít nhất một tuần. Rồi phải làm trong thời hạn cố định để ra sách. Trong khi vẽ tranh hội họa thì tự do, được làm ở nhà. Mình sửa lui, sửa tới, làm chậm làm mau đều được hết. Rất thoải mái”.

Trong mỗi tác phẩm hội họa được trưng bày tại triển lãm đều có thể thấy tâm hồn của Vink như ở một nơi xa. Ở chốn trời Tây, nhưng lòng vẫn hướng về Việt Nam. Tác phẩm “Một phụ nữ trẻ ở kinh thành Huế” (2021) thể hiện người phụ nữ đậm nét Việt, dáng khoan thai trong trang phục truyền thống. Những họa tiết đồ vật xung quanh cho thấy họa sĩ rất tỉ mỉ và giữ nguyên nét văn hóa truyền thống Á đông, đã theo ông hơn nửa thế kỷ tại Liège.



Users browsing this topic
Guest (19)
24 Pages«<
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.