Thanh Nga, người phụ nữ hy sinh cuộc đời cho lý tưởng của mình2008.03.03
Phương Anh, phóng viên đài RFA
Vào thời điểm trước năm 1975, ở miền Nam Việt Nam, có một số thiếu nữ tham gia vào cơ quan tình báo của quân đội Việt Nam Cộng Hoà, còn gọi là Phượng Hoàng. Họ đã được tuyển lựa và đào tạo trở thành những cán bộ nòng cốt trong việc điều tra các tổ chức của Cộng Sản nằm vùng.
Bấm vào đây để nghe bài này
http://www.rfa.org/vietn...NguyenThiThanhNga_PAnh/
Cô Thanh Nga trả lời phỏng vấn trên đài SBTN post tren Youtube
http://www.youtube.com/watch?v=H6TjKGKyYeY
Sau năm 1975, phần lớn những thiếu nữ này đều bị đi tù cải tạo và gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Có những người đã phải thay đổi danh tính, rời bỏ quê nhà để trốn đi phương khác sinh sống hầu không bị công an địa phương truy đuổi. Nhưng không phải chị em nào cũng may mắn thoát được.
Một trong những nữ nhân viên từng phục vụ cho cơ quan tình báo Phụng Hoàng trước năm 1975 đã không may bị nhà nước Cộng Sản phát hiện và thế là bị tù đầy 10 năm trời. Từ một thiếu nữ xinh tươi ở tuổi 24, sau khi được thả, chị đã trở thành người tàn phế vĩnh viễn, đi khập khễnh và một tay thì bị bại liệt hoàn toàn.
Đó là chị Nguyễn Thị Thanh Nga, hiện đang cư ngụ tại miền Nam California, Hoa Kỳ. Trong chuyên mục Trang Phụ Nữ kỳ này, Phương Anh xin kể cho qúi vị nghe câu chuyện của người phụ nữ rất can trường này.
Sinh năm 1952, tại Lộc Vinh, Thường Đức, Quảng Nam, nơi thường được gọi là vùng xôi đậu. Mới lên 12, cô bé Thanh Nga lúc bấy giờ đã chứng kiến cảnh cha mình cùng các chú bác trong họ hàng thân tộc của mình bị “quân giải phóng miền Nam” về làng giết chết vì cho là có “tội ác với nhân dân”.
Năm 19 tuổi, chị được tuyển dụng làm nhân viên Nha Đại Diện Bộ Phát Triển Nông Thôn Quân Khu 1 thuộc cơ quan tình bào Phụng Hoàng. Trong thời gian phục vụ, chị tỏ ra rất xuất sắc trong công việc và từng được bằng Tưởng Lệ của Quân Đội Việt Nam Cộng Hoà cũ. Biến cố 30 tháng 4 xảy đến, năm ấy chị tròn 24 tuổi, biết chắc mình sẽ bị Cộng Sản trả thù, chị tìm cách trốn khỏi quê nhà. Từ quận Cam, bang California, chị kể lại:
Sau 30 tháng 4 năm 1975, tôi không đi trình diện mà trốn vào Hố Nai, đổi tên và tham gia vào lực lượng phục quốc của cha Hiệu, nhưng chính quyền địa phương đã theo dõi và vào Hố Nai bắt tôi về tội làm cho Phượng Hoàng, không trình diện. Phượng Hoàng là một cơ quan tình báo hỗn hợp, gồm có nhiều cơ quan phối hợp với nhau. Chương trình đó là để theo dõi, thanh lọc, vô hiệu hoá các cơ sở hạ tầng của Cộng Sản. Tôi bị giam cầm qua nhiều trại giam và khảo cung. Cuối cùng, tôi bị đưa về giam tại nhà tù Tiên Lãnh.
Tuy là một phụ nữ, nhưng những người công an Cộng Sản vẫn tra khảo hành hạ chị một cách tàn bạo. Chị nhớ lại những ngày đen tối kinh hoàng ấy:
Người ta cùm tôi ở nơi tăm tối, dơ bẩn, ngày ngày, có khi ban ngày, có khi ban đến gọi tôi đến viết tờ trình. Có những lúc công an cứ nói là gia đình tôi, thân phụ tôi có nợ máu với Đảng và Nhà Nước nên phải trừng trị. Tôi rất bực mình về câu nói đó. Thân phụ tôi chỉ là một điền chủ của một địa phương thôi. Trong thời gian khảo cung, họ đưa tôi đi các trại tạm giam, để trại này vài tháng, trại khác vài tháng. Trong thời gian đó, tôi bị cùm hai chân, nằm một chỗ, người ta chỉ cho ăn nước cháo thôi.
Trong suốt 10 năm trời, từ trại tù này đến trại tù khác, chị đã phải đối phó với nhiều mánh khoé mưu mô cùng các hình thức tra khảo, hỏi cung của các cán bộ, công an coi tù, mục đích để chị khai ra các thông tin của cơ quan tình báo Phượng Hoàng. Với lòng kiên định, thái độ hết sức can trường, chị quyết tâm giữ vững ý chí và lập trường của mình.
Sau 30 tháng 4 năm 1975, tôi không đi trình diện mà trốn vào Hố Nai, đổi tên và tham gia vào lực lượng phục quốc của cha Hiệu, nhưng chính quyền địa phương đã theo dõi và vào Hố Nai bắt tôi về tội làm cho Phượng Hoàng, không trình diện. Phượng Hoàng là một cơ quan tình báo hỗn hợp, gồm có nhiều cơ quan phối hợp với nhau.
Chị Nguyễn Thị Thanh Nga
Một lần, chị bị sốt nặng, xin nghỉ lao động nhưng tay cán bộ coi trại không cho phép mà lại bắt chị phải đi gánh luá. Vì sức khoẻ quá yếu, với gánh lúa nặng 30 kg trên vai, chị bị té nhaò xuống hố từ độ dốc cao, bị chấn thương cột sống và đầu xương đùi bị gãy, nhưng chị không đưa đi điều trị.
Lúc bấy giờ tưởng rằng chị đã không qua khỏi, nhưng như một phép mầu, chị được các bạn tù chữa trị bằng cách đắp muối và lá rừng. Cũng kể từ đó, đôi chân của chị yếu dần đi…Cuối cùng, không khai thác được nơi chị điều gì, công an Cộng Sản đành phải thả chị ra. Vào ngày 20 tháng 6 năm 1985, chị được phóng thích. Chị kể tiếp:
Khi được thả ra, tôi đã trở thành một con người tàn phế. Tôi phải chống gậy để lết về. Ở trong tù tôi bị gãy cái hip bên chân phải và tay tôi thì khi du kích địa phương đánh báng súng vào bả vai tôi, vào cổ tôi, nên tôi cứ bị đau tê buốt nửa đầu, và tay tôi thì mãi cho đến sau này bị bại liệt luôn.
Tôi về Đà Nẵng, nhưng phải sống lưu vong trên chính quê hương của mình. Quê tôi nhưng tôi không được ở. Đến đâu người ta cũng không cho để rồi tôi phải lê lết, đến mỗi nơi ở một bữa để sống. Lúc đó, tôi chỉ chống hai cây gậy để đến nhà người này, người kia chứ có biết làm gì đâu…
Với tấm thân tàn tật, chỉ biết sống nương nhờ vào lòng từ tâm của một số ít thân nhân, bạn bè, cuối cùng, chị cũng được đến Mỹ theo diện H.O. Theo lời chị cho biết, tiến trình làm thủ tục cũng hết sức gian truân vì chị không thuộc bất cứ một binh chủng nào của quân lực Việt Nam Cộng Hoà cũ. Chị phải về lại địa phương cũ, tìm cách sao lục lại tất cả giấy tờ. Nhờ một số bạn bè cùng người thân hỗ trợ về tài chính, cuối cùng chị cũng được đến miền đất tự do mà chị hằng ao ước. Chị tâm sự:
Tôi đến Mỹ cuối năm 1992. Nhưng tôi rất buồn vì đây là đất hứa cho mình tiến thân, nhưng vì bệnh hoạn nên tôi không học được, cứ phải vào bệnh viện, đứt đoạn việc học nhiều lần. Nhưng bên cạnh đó, tôi vui vì được nói, được làm những điều tôi muốn làm và tôi đã viết một cuốn sách tưạ đề
Đoá Hồng Gai.
Được biết, cuốn Đoá Hồng Gai là quyển hồi ký của cuộc đời chị. Nhìn lại những năm tháng qua, cả tuổi thanh xuân của chị đã bị vùi dập trong các trại tù. Giờ đây, nơi xứ người, với tấm thân bệnh hoạn, mặc dù không người thân thích ruột thịt bên cạnh, nhưng lúc nào bên cạnh chị cũng có đôi ba người bạn thay phiên nhau giúp chị và săn sóc khi chị đau yếu, phải nằm bệnh viện. Mặc dù thỉnh thoảng vẫn bị cơn bệnh hành hạ, nhưng lòng chị luôn mãn nguyện, Chị nói:
Tôi rất hãnh diện và không hối hận những việc tôi đã làm. Nếu có dịp, tôi cũng sẽ tiếp tục làm, cũng sẽ chọn con đường mà tôi đã đi trước. Bởi vì con người chỉ có một cái quyền tự do của mình, được nói, được làm. Tôi muốn bản thân tôi được như thế nên tôi trung thành với điều mà tôi đã chọn, không ngần ngại sự nguy hiểm khó khăn.
Quí vị và các bạn vừa nghe câu chuyện của chị Nguyễn Thị Thanh Nga, một phụ nữ kiên cường, can trường, quyết tâm theo đuổi lý tưởng của đời mình, đã hy sinh cả cuộc đời, chấp nhận tù tội và mọi nghiệt ngã. Thực là một phụ nữ hiếm có, phải không thưa quí vị và các bạn! Phương Anh xin ngừng nơi đây. Hẹn gặp lại qúi vị và các bạn vào kỳ sau.
Tiếng Việt