gdt khoái cuộc sống này
( có lẽ vì gdt là tín đồ của chiếc xế điếc)
Những thành phố chậm TT - Trước khi đời sống ở những thành phố lớn trở nên nghẹt thở như hiện nay, năm 1948, Liên Hiệp Quốc đã công bố "thư nhàn" là quyền của con người. Nhiều thập niên sau, phong trào "sống chậm" bắt đầu xuất hiện. Những "thành phố chậm", "hiệp hội sống chậm" nối nhau ra đời từ Âu sang Á và Mỹ, hội tụ những người bứt mình ra khỏi sự mê hoặc của những hiện đại vật chất để tìm về với lối sống nhàn nhã. Giờ thì những ai là tín đồ của thiền, yoga, đọc sách, bách bộ, khí công... được khâm phục và tôn sùng. Tại London, người ta chọn cách đi bộ và xe đạp như một thứ thời trang...
Năm 1986, nhà báo và tác giả ẩm thực người Ý Carlo Petrini nhân chống lại kế hoạch mở một nhà hàng McDonald ở trung tâm Rome đã khởi xướng "Phong trào ăn chậm". Triết lý của phong trào này là bảo tồn các khía cạnh xã hội, kinh tế và văn hóa của việc sản xuất và tiêu thụ thức ăn. Đến nay có hơn 110.000 thành viên từ 83 nước đã đăng ký thành viên của hiệp hội ăn chậm do ông Petrini sáng lập.
Nhưng phải đến lúc phong trào "Thành phố chậm" ra đời ở Ý vào năm 1999, người ta mới nâng triết lý thư nhàn lên thành kế hoạch hành động toàn diện. Đầu tiên, các thị trưởng Greve-in-Chianti, Orvieto, Bra và Positano hẹn nhau họp mặt để soạn định nghĩa về "thành phố chậm". Theo họ, "thành phố chậm" phải đạt các tiêu chuẩn yên tĩnh, ít ô nhiễm, thẩm mỹ, nuôi dưỡng truyền thống thủ công mỹ nghệ ở địa phương, món ăn ngon và kinh tế ổn định. Quan trọng nhất, "thành phố chậm" phải giúp tất cả người dân hành tinh nhận thức được giá trị của một cuộc sống có nhịp độ thong thả.
Hạnh phúc, khỏe hơnĐể trở thành thành viên của phong trào, mỗi thành phố ứng viên không được có quá 50.000 dân và phải cam kết thực hiện một loạt chương trình: sản xuất sạch, không dùng lương thực chuyển đổi gen, mang lại sức sống cho đô thị và bảo tồn lịch sử, sử dụng năng lượng thay thế, bảo tồn truyền thống và di sản địa phương, xây dựng các qui định về biển báo và ánh sáng, không đi xe hơi vào khu trung tâm, tăng không gian xanh và khu vực chỉ dành cho xe đạp...
Một ủy ban sẽ kiểm định các tiêu chuẩn này để quyết định xem có thể cấp giấy chứng nhận đóng dấu Cittaslow (thành phố chậm, theo tiếng Ý) mang hình con ốc sên đang chậm rãi trườn mình hay chưa. Ủy ban cũng sẽ giám sát thành phố mỗi năm, sẵn sàng tước lại logo ốc sên nếu thành phố chệch hướng mục tiêu.
Phong trào "thành phố chậm" nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ đến không ngờ. Chưa đầy mười năm, hơn 65 thành phố ở Đức, Na Uy, Anh... đã được chứng nhận "thành phố chậm". Hơn 300 thành phố khác trên thế giới đăng ký trở thành thành viên của phong trào. Bốn huyện ở tỉnh Nam Jeolla của Hàn Quốc đã gia nhập vào mạng lưới thành phố chậm quốc tế từ ngày 1-12 năm ngoái. Không cứng nhắc, không gò vào chung một khuôn khổ, mỗi thành phố trong mạng lưới thể hiện triết lý của phong trào theo lối riêng.
Chiavenna ở Ý được nhiều người biết đến nhờ bảo tồn những sản phẩm ẩm thực sắp "tuyệt chủng" như món patê Violino làm bằng thịt dê sống trong những hang động hẻo lánh có mùi thơm đặc biệt. Thành phố Orviero ở Ý chuyên tâm vào tái sinh năng lượng. Những người làm nông ở Uberlingen của Đức nổi tiếng khắp nơi vì đã áp dụng đầu tiên lệnh cấm chuyển đổi gen hạt giống và các sinh vật. Hersbruck và Waldkirch ở Đức có sáng kiến liên kết nông dân địa phương với khối nhà hàng.
Trong thành phố chậm không có xe hơi và nạn kẹt xe. Những người sống ở đó không cần trữ thực phẩm trong tủ lạnh. Họ thích thưởng thức thức ăn tươi sản xuất tại địa phương thay cho fast food và các món bán trong các tủ tự động.
Chỉ số hạnh phúc và sức khỏe của người dân ở đây, theo thống kê, cao hơn nơi khác.
Nhấp từng chútPhóng viên tờ National Post (Ý) phỏng vấn bỏ túi những người dân sống trong thành phố Bra. Một người tên Sibille đang thả bộ trên đường nói: "Ở đây cần phải làm rõ: sống ở thành phố chậm không có nghĩa phải chấm dứt mọi thứ và vặn ngược kim đồng hồ. Chúng tôi đâu muốn sống trong các nhà bảo tàng mà chỉ muốn cân bằng giữa hiện đại và truyền thống để có một cuộc sống tốt".
Trong một quán bar đang mở điệu slow nhè nhẹ, chủ quán Fabrizio Benolli, 39 tuổi, cho biết: "Thanh niên bắt đầu hiểu mình vẫn có thể vui vẻ theo một cách chậm rãi, yên tĩnh. Thay vì nốc Coke ừng ực trong một quán ồn ào, họ thấy nhấp rượu từng chút ở một nơi có tiếng nhạc du dương, dìu dặt thì dễ thương hơn nhiều".
Paolo Linotti - chuyên viên công nghệ thông tin làm việc tại Turin, trung tâm công nghiệp nằm cách Bra 50km về phía bắc - đang tìm mua một căn hộ chung cư ở Bra. "Ở Turin, cái gì cũng vội vã làm tôi rất mệt mỏi". Một ngày loanh quanh trong thành phố Bra cho nhà báo một khám phá: một thành phố chậm mang về lợi ích kinh tế không nhỏ. Những cửa tiệm bán xúc xích hữu cơ và sôcôla làm bằng tay, các festival thực phẩm tổ chức thường xuyên của Bra thu hút hàng trăm du khách mỗi cuối tuần. Năm ngoái, một festival qui tụ những bậc thầy trong chế biến phó mát ở khắp châu Âu đã khiến Bra đông nghịt khách.
Các kiểu sống chậm Với phương châm nâng đỡ một lối sống cân bằng nhiều lợi ích, địa chỉ mạng Slow Movement giới thiệu những cách "sống chậm".
- Trường học chậm, giáo dục chậm: để kết nối trẻ em với đời sống, nhà trường phải chú trọng truyền đạt cho học sinh tri thức, truyền thống, đạo đức và tất cả những thứ quan trọng trong cuộc sống. Đồng thời dạy cho học sinh cách học, nâng cao hiểu biết của học sinh về môi trường sinh thái...
- "Sách chậm": có nghĩa đọc sách thường xuyên. Đọc sách để thụ hưởng lợi ích được giảm stress, tăng sức sáng tạo, lấy cảm hứng, giải trí, tha hồ cười, mở rộng tầm nhìn.
- Thức ăn chậm: tẩy chay fast food, chỉ ăn thức ăn được nấu nướng theo kiểu truyền thống, qua đó bảo tồn hạt giống và các loại cây cung cấp thực phẩm, bảo tồn động vật nuôi và ngành trồng trọt, nhờ đó mà bảo tồn sinh thái.
- Du lịch chậm: tức là nấn ná lâu hơn ở mỗi địa phương. Hầu hết "du khách chậm" bắt đầu bằng cách khám phá mọi thứ trong vòng bán kính vài trăm mét. Có thể làm được điều này bằng cách đi bộ. Sau đó, họ tiếp tục khám phá thêm vài kilômet bằng xe đạp... Với du lịch chậm, du khách có thể tham gia các hoạt động địa phương như học ngôn ngữ hay nấu ăn, hoạt động thiện nguyện, học đạo Phật, dạy tiếng, phụ giúp nông dân... "Du khách chậm" sướng hơn "du khách tour" ở chỗ không cần phải dậy sớm để đi ào ào, lại có cơ hội quen biết với nhà buôn hay người dân địa phương...
- Sống chậm: xây dựng mối quan hệ giữa con người với con người khi người ta sống chậm. Một mối quan hệ giàu có là mối quan hệ mà ở đó có một sự kết nối sâu sắc với nhau dựa trên sự chăm sóc trìu mến với nhau. Không chỉ với chồng hay người yêu, mà với cả gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và bất cứ người nào chúng ta gặp. Bằng cách này, "sống chậm tạo nên một kết cấu xã hội vững chắc trong cộng đồng, hỗ trợ cả chúng ta".
TH.TU.
THỦY TÙNG

Một thành phố sống chậm của Đức cấm xe hơi vào khu trung tâm - Ảnh: Cittaslow
Ngày không vộiTrên toàn nước Ý ngày 26-2 đã diễn ra "Ngày không vội vàng", một hoạt động đã diễn ra lần thứ hai kể từ khi bắt đầu vào năm ngoái. Mục đích chính của hoạt động này: hãy thụ hưởng cuộc đời một cách khoan thai, sống chậm để sống tốt và chất lượng hơn!
Năm nay, hoạt động được 90 thành phố trên 11 quốc gia ủng hộ. Trong số đó có Paris, London, New York. Tại New York, một "festival chậm" diễn ra trong ba ngày từ 26 đến 29-2.
Khác với lời kêu gọi sống nhanh, sống gấp của thập niên 1960, phương Tây đang muốn trở lại thời kỳ tĩnh lặng và thanh thản của nhân loại, với triết lý "dinh dưỡng chậm" chống lại khái niệm "thức ăn nhanh". Sáng kiến do Hiệp hội Nghệ thuật sống chậm (The art of living slowly) tổ chức, với khẩu hiệu "đừng vội vã và hãy hưởng thụ từng khoảnh khắc". TRẦN ĐỨC THÀNH
(Theo UPI, ANSA)Nguồn : Báo Tuổi Trẻ