Trèo núi Phú Sĩ------------------------Nguyễn Hồng Anh
Trèo núi Phú Sĩ là lý do chính khiến cho chúng tôi chọn Nhật Bản trong chuyến du lịch này. Tháng Tám là tháng lý tưởng để trèo núi Phú Sĩ vì không có tuyết và trời lạnh. Nhưng đây là thời gian có đông người leo núi nhất vì đúng vào dịp trường học và hảng xưởng nghỉ lễ Vu-lan nên việc trèo núi cũng có thể gặp trở ngại vì người leo núi đông, đi muốn đụng nhau, xe cộ chạy nhiều muốn nghẹt đường.
Bao nhiêu háo hức cho một chuyến trèo núi để đời đã chạm phải thực tế trái ngược với trí tưởng tượng khi vừa đặt chân đến Nhật.
Không thấy cảnh thơ mộng của ngọn núi phủ đầy tuyết trắng xóa như trong tranh ảnh, trái lại với khhí hâụ nóng nực lại mở internet xem những người trèo lên đỉnh núi, thấy họ áo quần thốc thếch đứng bên miệng núi đá lởm chởm, hố đất đỏ pha lẫn đất đen, trong khi gío thổi vù vù khiến họ trông càng tơi tả hơn, chẳng có vẻ là những kẽ chiến thắng chinh phục đỉnh núi sau khoảng nửa ngày dài với bảy giờ lội bộ.
Trước mắt, họ còn phải mất năm tiếng đi bộ xuống núi, chờ đón xe về nhà, tất cả là một bầu trời ảm đạm sau khi đã tới được đích.
Đó là những thông tin trên mạng khiến chúng tôi ngập ngừng, không biết có nên trèo núi Phú Sĩ như đã dự tính trước đây không vì từ Melbourne chúng tôi đã mang theo đầy đủ đồ dùng cần thiết cho một chuyến leo núi? Nhưng đến ngày thứ năm của chuyến du lịch mười ngày, chúng tôi vẫn còn giữ ý định dành lịch trình hai ngày và một đêm cho chuyến trèo núi trong những ngày còn lại, bất cứ khi nào thấy tiện.
Trong chuyến đi tham quan biển Enoshima, tôi hỏi anh sinh viên VN du học và có vợ Nhật trèo núi Phú Sĩ có dễ không thì anh ấy nói … “dễ thì có dễ nhưng mệt lắm, cô chú không nên đi vì chúng cháu đi mà còn bỏ cuộc, giữa đường phải quay về vì chịu không nổi”. Đó là thơì gian của mấy năm trước, khi anh ta chưa có vợ con.
Sau đó, gặp cha Nguyễn Xuân Tiến hiện giúp xứ đaọ Fujiwasa, một nơi cũng khá gần núi Phú Sĩ, chúng tôi lại được cha khuyên không nên đi, vì sẽ mệt và cũng hơi nguy hiểm. Cha nói trước đây khá lâu, cha đã cùng bạn bè trèo núi một lần, nhưng chỉ đi một lần mà thôi. Thời đó, cha cùng các bạn trẻ đi theo nhóm, cắm lều ngủ giữa lưng núi, gặp gió lớn thổi lều muốn bay luôn.
Theo cha, nên đi từng đoàn để có thể giúp nhau và cần có thời gian dài thoải mái để chuẩn bị chứ chỉ qua Nhật vài ngày, đi đây đó nhiều lại phải trèo núi gấp rút là điều không nên. Vả lại, lên trên đó chẳng có gì cả ngoài nhìn cái hố núi lửa lớn đường kính dài vài trăm mét, xem cái cổng của Thần Đạo, xin đóng con dấu, được nhìn thành phố và cảnh vật từ trên cao.
Cha là người quen thân nên chúng tôi cân nhắc lời khuyên của cha. Tôi nói với nhà tôi rằng, người Nhật có câu “Ai trèo núi Phú Sĩ một lần là người khôn, ai trèo hai lần là người dại”, nhưng có lẽ chúng tôi chỉ cần làm người bình thường mà thôi, như đi tour cho tiện. Lên đến lưng núi,ngắm cảnh, đi bộ vài trăm thước, chụp vài bức hình thì cũng coi là đã “trèo “ Phú Sĩ Sơn!
Fuji-san
Với người Nhật, núi Phú Sĩ (người Nhật gọi âu yếm là Fuji-san) là ngọn núi gắn liền với đời sống, nghệ thuật và lịch sữ của họ. Ngọn núi hùng vĩ, cao ngất, hiên ngang là niềm tự hào của con cháu Thái Dương Thần Nữ, của những kiếm sĩ samurai và trong suốt quá trình lịch sử, đã được tôn vinh như là vị thần, bởi trong Thần Đạo họ tin mỗi sự vật đều có một vị thần đứng đầu.
Cho đến thời Minh Trị Thiên Hoàng, vì Phú Sĩ được xem là ngọn núi thiên nên phụ nữ bị cấm không được lên.
Núi Phú Sĩ hình dáng gần như cái nón hay cái quạt, với chop nón cao 3,776 mét so với mặt biển. Đường kính chân núi rộng khoảng 39 cây số nên đây là một ngọn núi lớn, tuy là nằm gần các ngọn núi khác mà trông như đứng một mình một cõi.
Một năm có khoảng 100 ngày hình caí nón vĩ đại này có thể thấy từ xa hàng trăm cây số trong những ngày trơì đẹp. Dường như Nhật là nước duy nhất trên thế giới mà người ta có thể thấy ngọn núi cao nhất của họ từ thủ đô.
Nhiều người cho rằng ngắm núi Phú Sĩ đẹp hơn leo núi này. Tôi thấy nhận xét đó cũng đúng bởi khi được thấy núi này lần đầu tiên ở bãi biển Enoshima, trên đường xe lửa cao tốc Shinkansen trên đường trở về thủ đô hay khi còn đứng trên hồ miệng nuí lửa Hakone, tôi thấy rung động một cách thích thú.
Núi Phú Sĩ nằm giữa hai tỉnh Yamanashi ở phía bắc và Shizuoka ở phía nam, gần biển; phía đông là tỉnh Kanawaga, cách Tokyo hơn một trăm cây số. Trong quá khứ, Phú Sĩ đã phun lửa nhiều lần và lần chót cách đây đúng 300 năm, vào năm 1707, tro bụi bay tới tận Edo (thời này, Tokyo còn mang tên Edo, kinh đô của giòng họ tướng quân Tokugawa), phủ đừòng xá với lớp bụi tro dày mấy gang tay.
Người ta nói rằng núi lửa Phú Sĩ vẫn còn hoạt động ngầm và một ngày nào đó sẽ lại phun lửa và với thác dung nham chảy từ trên cao độ mấy ngàn mét sẽ cuốn và đẩy cả thủ đô với mười mấy triệu người ra ngoài vịnh Tokyo. Bao giờ xảy ra thì không biết.
Chúng tôi đặt chỗ đi tour một ngày núi Phú Sĩ và lâm viên Hakone, gía vé 15,000 Yen bao gồm đi bằng xe bus, ăn trưa (không ăn, bớt 2000 Yen) và về bằng xe lửa cao tốc Shinkansen. Ai muốn về bằng xe bus thì chỉ trả 12,000 Yen. Khởi hành từ bảy giờ sángvà về dự trù khoảng 6-7 giờ tối.
Chúng tôi chọn trở về bằng xe lửa cao tốc để có nhiều thời gian đi ăn tối, là cái thú thích nhất của chúng tôi trong các chuyến đi du lịch.
(Còn tiếp)